Vào cái thời mà lối sống thực dụng lấn lướt thì việc có
một người dám hi sinh hơn nửa đời để theo đuổi một đam mê - một đam mê không ra
tiền, không có danh và ít nhiều có ích cho học thuật quả là đáng khâm phục...
Lão họa sĩ Đặng Hoài Nam sống ở viện dưỡng lão
dành cho nghệ sĩ TP. HCM. Hơn 40 năm qua ông dồn
tâm huyết để thực hiện công trình vẽ hình cho
chữ Hán - Nôm - Ảnh: Mễ Thuận
Kẻ hồn nhiên tận tụy
Nhà xuất bản Trẻ và Nhà in Trần Phú đã bắt tay nhau hỗ trợ mọi
chi phí in ấn để phát hành bộ sách Giải mã Hán Việt Nôm theo phương pháp tự họa
của họa sĩ Đặng Hoài Nam, người vừa bước sang tuổi 81. Loại sách này ngày nay
chưa hẳn đã có nhiều người đọc. Nhưng câu chuyện phía sau bộ sách này hẳn rất
đáng lưu tâm, khi tác giả là một họa sĩ già chuyên vẽ phông màn cho các đoàn cải
lương. Ông đã thầm lặng, nhọc công hơn 40 năm ròng rã chỉ để theo đuổi đến tận
cùng công việc họa hình cho chữ Hán - Nôm, nỗi đam mê của đời ông.
Giới văn nghệ chẳng mấy ai lạ ông họa sĩ già Hoài Nam bởi hai
lý do. Một là thời trai trẻ ông bôn ba khắp chốn cùng các đoàn cải lương, đoàn
làm phim danh tiếng, không chỉ làm anh họa sĩ vẽ phông nền sâu khấu, thiết kế
phim trường, mà còn là một cây hài hồn nhiên duyên dáng. Hai là nay tuy đã gầy
gò, sống cô đơn ở khu viện dưỡng lão dành cho nghệ sĩ thành phố nhưng ông vẫn
giữ nguyên bản tính vui vẻ, hết lòng vì bạn nên tên ông luôn được nhắc đến
trong các cuộc hội họp vui vẻ của văn nghệ sĩ.
"Chẳng lẽ mình chịu thua?"
Lão họa sĩ Đặng Hoài Nam có một lời khuyên với những bạn trẻ rằng
hãy luôn đặt ra cho bản thân câu hỏi đó. Trả lời câu hỏi đó là cách để rèn
luyện bản thân, khẳng định mình và sống có lý tưởng, mục đích.
|
Trong công việc vẽ hình cho chữ Hán - Nôm cũng vậy, ông lao động
một cách hồn nhiên nhưng đầy tận tụy vì một lợi ích không cho riêng mình. Hồn
nhiên vì công việc chẳng mang lại cho ông đồng xu cắc bạc nào.
Và tận tụy bởi ý nghĩ vì người khác: “Tui hi vọng người học
chữ Hán hiện thời sẽ dễ nhớ chữ hơn khi nhìn ra được cái gọi là tượng hình của
nó mặt mũi thế nào. Tui cố gắng tìm cho mỗi chữ mỗi hình theo cái quy tắc hội họa
của riêng mình. Hi vọng sẽ giúp người học dễ nắm bắt, nhớ mặt chữ”.
Hỏi lý do vì sao lại lao vào thứ công việc nhọc công, không lợi
lộc này đến hơn nửa đời người? Ông họa sĩ già ngồi vuốt chòm râu trắng lãng tử
hồi tưởng câu chuyện: năm 1964, 34 tuổi, ông ra Vũng Tàu thì gặp ông thầy thuốc
người Trung Hoa. Vị này châm cứu cực giỏi lại nhân đức nên ông xin theo học. Thầy
gật đầu và ra điều kiện: “Đọc hết ngần ấy sách thì ta dạy”, vừa nói tay thầy vừa
chỉ nguyên một nhà sách chữ Nho (Hán). Hồi nhỏ có học chút đỉnh chữ Nho nhưng
anh họa sĩ trẻ Hoài Nam ngày hôm đó đọc vật vã cũng không trôi dù chỉ một dòng.
Bực tức với bản thân, ông quyết tâm học lại chữ Nho.
Nhưng năm đó ông đã 34 tuổi, việc học chữ vốn đã khó lại càng
trở nên vô cùng khó, cứ học trước quên sau. Chẳng lẽ chịu thua? Một lần ông nhớ
lời người thầy đầu tiên dạy chữ Nho cho mình rằng: “Các trò ai muốn nhớ nó lâu
thì phải chiết tự được. Biết nó đại diện cho hình ảnh gì vì chữ Nho là chữ tượng
hình”.
Nhưng thầy ngày đó cũng chỉ dừng lại ở đôi ba dẫn chứng rất
đơn giản: như chữ tâm là được cách điệu từ hình trái tim, chữ lâm là hình những
cái cây, chữ nhân là hình người... Còn hình của các chữ khác thì hoàn toàn tắc.
“Vậy tại sao mình là một họa sĩ lại không tự mày mò tìm kiếm hình cho chữ, phân
tích ra chắc sẽ dễ nhớ hơn”, năm ấy ông tự đặt cho mình câu hỏi.
Trong khi ông còn mải miết đi trả lời câu hỏi này, vị thầy
thuốc ngoài Vũng Tàu đã đi xa. Kế hoạch học nghề thuốc dừng lại, nhưng ông cũng
không ngờ chính mình đã lại say mất rồi cái chuyện vẽ hình cho chữ.
Một trang bản thảo của Giải mã Hán Việt Nôm
theo phương pháp tự họa - Ảnh: Mê Thuận
Công trình của đời người
Mở đầu cuốn sách Giải mã Hán Việt Nôm theo phương pháp tự họa
- cuốn đầu tiên trong bộ sách dự kiến sẽ in 5-10 cuốn - ông viết: “Với phương
pháp họa tự, tôi hi vọng các bạn sẽ không còn bỡ ngỡ khi đứng trước một chữ Nho
đầy những nét loằng ngoằng như lá bùa treo giữa mê hồn trận. Vậy phương pháp họa
tự là gì? Xin thưa: họa là vẽ, tự là chữ. Họa tự là vẽ chữ. Ngôn ngữ của tượng
hình là ngôn ngữ của hội họa. Hội họa tạo nên hình, hội họa tạo nên chữ. Mà khi
muốn hiểu nó, nhiều người lại không chấp nhận tiếng nói của hội họa thì làm sao
hiểu đặng? Vậy tiếng nói của hội họa là gì...”.
Một tấm lòng đáng quý
Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân, cuốn sách Giải mã
Hán Việt Nôm theo phương pháp tự họa còn nhiều vấn đề về mặt khoa học cần tiếp
tục chỉnh sửa để hoàn thiện hơn. Cái đáng quý, đáng ghi nhận là ở tấm lòng,
việc bỏ nhiều tâm huyết của một họa sĩ đối với một vấn đề khoa học đã được rất
nhiều người đi trước nghiên cứu, giải mã.
|
Cứ thế, ông dắt người đọc đi vào những lý thuyết của riêng
ông bằng thứ văn phong, cách lập luận đầy lôi cuốn. Tiếp tục nói về cuốn sách,
ông bày tỏ: “Trước đây thầy dạy chữ Nho là chữ tượng hình - dùng hình biểu ý
nhưng muốn chiết tự (giải mã - NV) ta phải nắm vững bốn vấn đề: hình, âm, ý, bộ.
Phần lớn không ai giải mã một cách chính xác, vì không có
sách nào nói rõ có bao nhiêu hình căn bản, cũng như âm, ý và bộ đều không rõ
ràng. Người ta lại đổ lỗi cho cách viết hiện nay bị lệch quá nhiều so với lúc
khởi đầu nên không cắt nghĩa được. Vì thế người ta càng đơn giản hóa loại chữ
này thì càng khiến người học rối rắm, không tìm được phương cách nhớ. Chẳng hạn
xưa có trên 500 bộ thì nay còn 214 bộ, rồi rút lại còn 212 bộ mà không hiểu tại
sao...”.
Tổng cộng, tính đến hiện tại ông đã có trong tay trên 6.000
hình từ 8.000 chữ Hán cơ bản mà ông đã tự nghiên cứu, tổng hợp được. Công trình
vì thế, theo ông, dự kiến phải in thành nhiều tập sách khác nhau. Với người học
chữ Hán, hiểu, nắm rõ ngần này từ là tạm đủ để từ đó có thể nghiên cứu những thứ
cao siêu hơn. Nhưng không ai biết rằng để hiểu một chữ Hán vì sao lại viết như
thế, bản thân ông phải đi tìm những chữ Hán nguyên thủy nhất còn lưu lại đâu đó
trong hàng chục, hàng trăm chữ biến thể, giản thể như hiện tại.
Nhà văn, dịch giả Nguyên Hương trong phần lời tựa cho cuốn
sách viết: “Tôi cho rằng sự bền chí nghiên cứu một thứ ngôn ngữ khó học và phức
tạp như chữ Hán mà tác giả kiên trì theo đuổi hơn ba thập niên, nay mới có dịp
trình bày trước công chúng cũng đủ để chúng ta hoan nghênh, thán phục.
Họa sĩ Hoài Nam vốn sống giản đơn, không quan trọng hóa vật
chất, vì thế tôi tin ông đặt trọn tâm huyết vào tác phẩm, nhằm mục đích cao đẹp
của người làm văn hóa hơn là kinh doanh chữ nghĩa... Một nghệ sĩ đam mê nghệ
thuật hơn hành xử chức năng giáo dục như ông Hoài Nam chắc không tránh khỏi những
thiếu sót và sai lầm đôi chỗ...”.
Mễ Thuận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét