Nghề văn: kiếm củi và nhóm
lửa, giữ lửa
Sáng tác văn chương - gọi chung là nghề văn là một nghề nghiệp độc đáo, mang
tính đặc thù rõ nét. Nó cũng là nghề nghiệp như mọi nghề nghiệp, người ta cũng
chọn nghề, làm nghề, có thành công và có thất bại trong nghề, có chọn đúng và
chọn nhầm nghề v.v..như nghề dạy học, nghề bác sĩ, v.v…Nhưng tính đặc
thù của nó thể hiện ở chỗ: Mọi nghề nghiệp khác dù đam mê công việc đến đâu người
ta cũng tính toán hiệu quả kinh tế, khi thực hiện công việc của mình. Tôi dạy
môn Văn, có trường học trả cho tôi 40. 000 đồng/ tiết dạy. Tôi không nhận lời
vì phải đi dạy xa hơn 10 km, giá cả ấy là rẻ rúng quá. Ấy vậy mà tôi cùng nhiều
người làm thơ vật vã với thơ mấy chục năm, không tính toán đến hiệu quả kinh tế
khi làm thơ bao giờ. Thậm chí các thi sĩ vẫn khát khao sáng tác, đọc, in và
không bán được sách, biết trước là lỗ nặng mà biết bao nhà thơ vẫn sống chết với
nghề, đặc biệt nghề văn không có trong danh mục nghề nghiệp được xã hội đào tạo,
sử dụng và có thang bậc lương rõ ràng này.
Đam mê và khổ luyện, chấp nhận
cả những hy sinh to lớn như gia đình lục đục hoặc chìm trong nghèo khổ, bản
thân có thể trở thành một nghệ sĩ nửa mùa ngơ ngác, lạc lõng giữa cuộc đời,
nhưng tại sao có người thành công có người thất bại? Có người rực sáng với một
số tác phẩm ban đầu rồi lụi tắt, càng viết càng nhạt và giả? Theo quan sát của
tôi và qua tâm sự của nhiều bạn văn chương, tôi thấy để trả lời những câu hỏi
đó phải đề cập đến việc kiếm củi và nhóm lửa của nghề Văn.
Công việc đầu tiên, điều kiện
thành công đầu tiên là phải kiếm củi: Ai cũng biết để trở thành một nhà văn,
nhà thơ thì trong người viết phải có một điều kiện mang tính sống còn: vốn sống,
tầm văn hóa, độ từng trải… Tất cả những vốn liếng ấy có thể tạm gọi là nội lực
văn hóa của từng người, càng giàu có càng tốt, vì càng hiểu đời, hiểu người thì
mới có thể viết đúng và viết hay về cuộc đời và con người. Nội lực văn hóa ấy
chính là củi- phải kiếm cả đời, bằng nhiều con đường (học trong nhà trường, tự
học, va đập và nếm trải của bản thân v.v…) trên nhiều lĩnh vực. Nếu tài năng
văn học là lửa thì nội lực văn học là củi. Nghề văn đòi hỏi người nghệ sĩ phải
khó nhọc kiếm củi cất, giữ, chuẩn bị cho thời điểm cầm bút sáng tác. Thật đúng
là: Kiếm củi cả đời để đốt cháy dữ dội cho từng khoảnh khắc sáng tạo, đốt lần
nào cũng là lần đốt đầu tiên.
Nhưng tại sao có nhiều người
đã kiếm được rất nhiều củi do có ý thức tích lũy, học tập suốt đời mà viết vẫn
nhạt, không bao giờ trở thành một nhà thơ, nhà văn đích thực? Câu trả lời có thể
thật đơn giản, anh ta (chị ta) không có lửa hoặc có quá ít lửa tài năng. Thiếu
đi ngọn lửa kỳ lạ ấy - ngọn lửa vừa là trời cho vừa là do nuôi dưỡng của bản
thân, có bao nhiêu củi vẫn không thể trở thành một nghệ sĩ đích thực trong nghề
văn. Chẳng hạn như có bao nhiêu người làm thơ cảm xúc trước sông Bằng (Cao Bằng),
ví von sông Bằng là mái tóc, là tiếng thở dài, là tiếng hát v.v.. nhưng cho đến
khi đọc câu thơ sau của Y Phương, ta giật mình nhận ra đâu là tài năng, đâu là
cái na ná tài năng mà không ít người cứ ngộ nhận về mình rồi vĩ cuồng:
Có những mùa sông Bằng không
chảy
Tôm cá đi thơ thẩn như người
(Y Phương)
Tình huống kể trên còn lặp lại
khi ta đọc một số câu thơ tài hoa của một số tài năng đích thực - những ngọn lửa
cháy dữ dội mà so với họ, tôi thấy mình chỉ là lửa của một que diêm:
Hồn anh như hoa cỏ may
Một chiều cả gió bám đầy áo
em
(Nguyễn Bính)
Hay:
Trăng vàng đêm ấy bờ đê
Có người ngồi gỡ lời thề cỏ
may
(Phạm Công Trứ)
Hay:
Ta đâu có đề phòng từ
phía những người yêu
Cây đổ về nơi không có vết
rìu
(Hữu Thỉnh)
Trong khái niệm củi đã đề cập
ở trên, bên cạnh vốn văn hóa hiểu theo nghĩa rộng nhất của khái niệm này, còn
có một loại củi phải đặc biệt giữ gìn, không có nó thì có nhiều củi, nhiều lửa
thì cũng đi lệch hướng, kết thúc cũng chỉ là thất bại mà thôi. Đó là nhân cách
của người cầm bút - một nhân cách tử tế. Tính từ tử tế đọc qua tưởng thực hiện
rõ dễ dàng, nhiều bạn viết trẻ sẽ cười khẩy, vì nghĩ chỉ cần tài năng chẳng cần
tử tế vẫn viết hay, cư dân mạng vẫn hoan hô rầm trời, nhưng hóa ra không phải
thế. Dù đã cố gắng học hành, tu dưỡng, đã quá nửa đời người, ngồi đếm tóc bạc
rơi lã tã, nhiều người trong đó có tôi vẫn phải ôm lấy mặt, mượn lời anh Hộ
trong Đời thừa của Nam Cao mà tự mắng mình: - Ta là một thằng khốn nạn! Người
không tử tế, sẽ không viết được điều tử tế. Nếu giả vờ tử tế sớm muộn cũng lộ
mà thôi. Hóa ra nhân cách tử tế là gió thổi để lửa nhen vào củi và sẽ cháy to
hơn. Còn nhân cách không tử tế sẽ là mưa bùn, mưa bẩn hoặc tạo ra một ngọn lửa
đen hoặc làm lửa tắt. Nhưng xin nói nhỏ với các bạn, qua quan sát mấy chục năm
của tôi, những nghệ sĩ có nhân cách tử tế thường không bao giờ nói về chuyện tử
tế mà chỉ âm thầm làm việc tử tế (và ngược lại).
Công việc thứ hai là nhóm lửa
và giữ lửa trong trẻo cháy lâu dài. Có củi tốt và nhiều rồi, nghệ sĩ bắt đầu
nhóm lửa. Đây là giai đoạn bắt tay vào sáng tác một tác phẩm, cũng là ở đầu một
sự nghiệp sáng tác. Mỗi văn nghệ sĩ trong thao tác khởi đầu quá trình sáng tác
của mình là rất khác nhau. Nhưng tựu trung lại có thể tóm lược trong mấy từ: Khổ
sở mà sung sướng, vừa sáng suốt vừa mù lòa, hạnh phúc và khốn khổ v.v… Đây là
giai đoạn sáng tạo thăng hoa tột cùng, thôi thúc người nghệ sĩ cầm bút sáng
tác. Còn nói một cách thực tế hơn đây là một quá trình may mắn khi đã hội đủ 3
yếu tố để một quá trình sáng tác bắt đầu: củi là vốn văn hóa, lửa là tài năng
văn học, gió là những thôi thúc mang tính nhân văn của một nhân cách tử tế. (Tất
nhiên, ở đây chỉ bàn đến những nghệ sĩ đích thực và quá trình sáng tác những
tác phẩm văn học đích thực. Còn những ngụy nghệ sĩ, những tác phẩm văn học kém
chất lượng thì không phải là đối tượng tìm hiểu của chúng tôi). Khi đã hội đủ 3
yếu tố Củi - Lửa - Gió kể trên, một quá trình lao động nghệ thuật gian khổ bắt
đầu dài hay ngắn tùy thuộc vào phong cách, vào cá tính sáng tạo của từng... nghệ
sĩ.
Tô Hoài từng kể lại trong Tự truyện của mình: trước năm 1945, Tô Hoài và
Nguyễn Huy Tưởng cùng chung một phòng trọ. Cùng là hai nhà văn tài năng, quá
trình sáng tác của hai người rất khác nhau. Tô Hoài có thể cứ đi chơi, đi làm
việc khác thi thoảng chỉ cần bỏ ra một đêm là xong một truyện ngắn và các báo bấy
giờ săn đón xin được in truyện của ông, còn Nguyễn Huy Tưởng lại viết rất chậm,
vật vã khổ sở phải hàng tháng mới viết xong một truyện ngắn. Vậy thì đây không
phải chuyện tài năng mà là do cái “tạng” của từng nhà văn - nói rộng ra, đây là
do cá tính sáng tạo độc đáo của từng nhà văn.
Nhưng tại sao cũng có tài
năng và đam mê sáng tác, Vũ Trọng Phụng “rực cháy” khi liên tiếp cho ra đời những
kiệt tác như Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê… trong một khoảng thời gian ngắn và tuổi đời
còn rất trẻ, còn Nguyễn Xuân Khánh phải đến ngoài 70 tuổi mới làm văn đàn chao
đảo, bạn văn sửng sốt, say mê với hai tác phẩm là Hồ Quý Ly và Mẫu Thượng Ngàn?
Phải chăng đây là chuyện kiếm
củi nhóm lửa, thổi gió và giữ gìn cho ngọn lửa sáng tạo nghệ thuật cháy sáng và
cháy bền? Bắt đầu sáng tác như là bắt đầu nhóm lửa, có người nhanh có người chậm.
Giữ cho năng lực sáng tạo bùng nổ và kéo dài thật lâu bền như là chuyện giữ lửa,
với mỗi nhà văn phụ thuộc vào điều kiện khách quan (môi trường sáng tác thuận lợi,
hàng loạt vấn đề xã hội nóng bỏng bày ra trước mắt mời gợi nhà văn trả lời bằng
tác phẩm v.v…) và điều kiện chủ quan của chính nhà văn (vốn văn hóa sâu rộng đến
đâu, tài năng văn học của anh ta đến mức độ nào, tỉ lệ giữa trong và đục trong
nhân cách của nhà văn ở mức độ nào, dao động, thay đổi khi đi qua hành trình cuộc
đời, ít hay nhiều bão táp như thế nào? v.v...).
Chính bởi các điều kiện kể
trên, có nhà văn có tác phẩm nổi tiếng rất sớm nhưng không giữ được lửa sáng tạo
lâu bền, sau đó hoặc lụi tàn hoặc chỉ có những sáng tác thường thường bậc
trung. Lại có nhà văn khởi đầu chậm, muộn, tác phẩm ban đầu chưa có gì đặc sắc
nhưng lại rực sáng khi nhà văn đã phơ phơ đầu bạc.
Vậy làm thế nào để nhà văn
có lửa sáng tạo cháy đều, cháy bền và cháy dữ dội? (còn chuyện cháy sớm hay muộn
thì lại không phụ thuộc vào ý chí của chúng ta). Câu trả lời có thể thật đơn giản,
dễ dàng nhưng thực tế lại không đơn giản và dễ dàng như thế. Suốt đời nhà văn
phải tự học, tự tích lũy để kiếm được nhiều củi, nhóm lửa rồi phải luôn giữ gìn
cho gió nhân cách trong lành, giúp cho lửa cháy to và cháy bền trong hành trình
sáng tác của mình.
Nói thì dễ nhưng làm được
như vậy thì khó lắm thay!.
Nguyễn Đức Hạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét