Lê Triều Điễn, cuộc hành trình tìm lại chân tướng
Vùng đất trù phú sông nước của đồng bằng Miền Tây có những
sinh hoạt tụ đỉnh thật trang trọng và kỳ diệu. Ở đây, điều đáng chú ý và đề cập
sâu sát riêng lẻ cho văn học Miền Tây, những hoa tay sừng sỡ đã tạo được một
hào quang rực rỡ cho riêng một góc trời Nam Bộ. Tinh hoa phát tiết rộ nở khắp
mọi miền quê hương, thì riêng lục tỉnh cũng chứa đựng bao nhiêu kỳ thú,
anh tài hùng cứ. Mọi ngành nghệ thuật từ thơ văn, hội họa, điêu khắc, âm nhạc…đã
nhiều phen phản chiếu vang dội một góc trời, vun quén cho thời tiết một phen ảo
diệu với lòng người và vũ trụ. Tạo vật được khai sinh đã là một tuyệt diệu
cho thế gian, làm phong phú và chêm đầy tư tưởng sinh hóa một cách kỳ bí, huống
chi trong mỗi tâm thức của nhân gian lại nảy nở bên cạnh ngôn ngữ đa phương
những biến hóa sáng tạo của nghệ thuật, khiến giá trị tâm linh và tri thức
con người đã như được thần hóa một cách diệu kỳ. Hội họa cũng là một ngôn ngữ
thầm lắng yên lặng bộc phá trong tư thức một sự cảm thông tối thượng…Vì vậy,
nhiều lúc trong giây khắc hồn nhiên, lắng đọng tôi bước vào thế giới màu sắc
này, bày tất cả tấm lòng để mong ước đạt được một “sát-na” nào nhỏ nhặt cho sự
cảm thông vi diệu, mà ngôn ngữ thơ vừa như một nhân chứng phù sinh cho những
huyền giác được thấm nhập khai sinh. Có vậy, cái “hiểu” cho tranh nếu được
chân thành khêu sáng trong yên lặng, thì sự đạt ngộ chỉ thăng hoa cho nguời
thưởng ngoạn một sự sảng khoái hạnh phúc vô chừng.
Ký ức 12, sơn dầu 50-50
Tôi đi vào tranh Lê Triều Điển cũng bằng tâm thức
đó. Thật sự nhiều lúc, với họa bút của Lê Triều Điển thay đổi theo
từng giai đoạn thời gian, nên sự chuyển biến đã đưa đẩy ta bao nhiêu lần đi
vào ngỏ cụt của hiểu biết. Phải buông thỏng suy tư, chối bỏ sự năng động của
trí óc, và phải đi thẳng vào thế giới riêng tư của họa sĩ. Xuyên qua lớp màu
sắc, nhiều lúc bay lượn quanh ta làm ngộp đi cảm thông, làm choáng váng cả đầu
óc trí khôn, biết đâu chừng giai đoạn tẩu hỏa nhập ma làm đảo lộn cả nhận thức…Sự
cảm thông vi diệu, sự nhiệt tình lăn xã hi sinh cho nghệ thuật của Lê
Triều Điển , đã khiến tranh anh có một giá trị nhân bản cực hiếm. Mà người
họa sĩ chân đất của đồng bằng Nam Bộ này, quả tình xứng đáng được người thưởng
ngoạn và bằng hữu văn nghệ xem như một trong những cánh chim đầu đàn của giới
cầm cọ của miền sông nước phì nhiêu Nam Bộ. Sự trải dài từ những chất liệu
màu sắc, Lê Triều Điển đã đi vào một không gian khởi mật của vùng đất
khai sinh, tất cả như những mảng ký ức rời đưa đẩy tranh anh lưu trú những
nét dân dã như một nhà khảo cổ cố tâm thu đạt những tinh hoa kỷ vật thiên
nhiên vào tư tưởng hội họa. Lê Triều Điển hăng say tạo dựng cho
chính quan niệm tượng hình của anh một nét sinh hoạt kiêu sa, riêng biệt và
không lẫn vào ai. Tranh Lê Triều Điển hình như nhào nắn ở một tâm hồn
khoáng đãng và kiêu bạt, bay lượn trên khung vải một cách phong lưu nhanh như
mây bay gió thoảng. Hình như, anh sáng tác không khó khăn gì lắm, khi tay cầm
cọ vừa rảy màu sắc gom lại thiên nhiên, tâm thức và sáng tạo, vào một định
hình ngẫu nhiên dữ dội hơn.
Nếu nhớ không lầm, khoảng cuối năm 1972, tôi mới thân quen
thật sự với họa sĩ Lê Triều Điển . Anh em biết nhau qua nhiều lần
trao đổi tên tuổi và tin tức văn nghệ khi bạn bè gặp nhau tán ngẫu văn
chương. Dĩ nhiên, với Lê Triều Điển , tôi cũng biết anh một cách âm
thầm như vậy. Giai đoạn bùng vỡ để lộ chân tướng với nhau, đã là định mệnh,
thì phải chờ thời khắc phải đến. Phải chăng, đó là dịp phát hành tập
thơ Ngôi Nhà Cho Người Trở Về của Nguyễn Huy Chương do Nhà xuất
bản Khai Phá vừa in xong. Lúc đó, tác phẩm thơ Nguyễn Huy Chương là tác
phẩm thứ 7 của Khai Phá, còn thơm mùi giấy, sau các tác phẩm của Lâm
Chương – Hà Thúc Sinh – Trần Văn Sơn – Nguyễn Thành Xuân và tôi. Nguyễn Huy
Chương lúc bấy giờ ở Đà Nẵng như một con nhạn lạc bầy, bay tít mù xa xôi ở một
phương trời. Dĩ nhiên là Chương làm sao có mặt để mừng đứa con tình thần ra mắt
bàng quan thiên hạ. Buổi giới thiệu tập thơNgôi Nhà Cho Người Trở Về của
Nguyễn Huy Chương được tổ chức gần cuối năm 1973 tại quán Thằng Cuội Cần
Thơ. Cách đó trước mấy hôm, Vũ Hữu Định từ Đà Nẵng vào Sài Gòn thăm tôi, ghé
tạm trú tại tệ xá. Định có ý định lưu lạc giang hồ về Miền Tây thăm anh em
văn nghệ, nên sẵn dịp góp một tay trang điểm cho đêm ra mắt thi tập của Nguyễn
Huy Chương, anh sẵn sàng đến Cần Thơ làm MC và tổ chức cho Nguyễn Huy Chương.
Tình cảm vô cùng cao quý của người làm văn nghệ sao mà cao cả vô chừng, sẵn
sàng quên mình vì nghiệp chướng của bằng hữu. Tất nhiên, mừng nhu dìu gặp
gió, tôi tán đồng ngay, và dặn dò Vũ Hữu Định về Cần Thơ tìm ngay Trần Kiêu Bạt,
Trần Mộng Hoàng và Lê Triều Điển để họp bàn tổ chức buổi ra mắtNgôi Nhà Cho
Người Trở Về thật ấm cúng và thành công hơn. Hai ngày sau, tôi bay về Cần
Thơ để khai mạc đêm sinh hoạt nghệ thuật này, và từ đó tôi quen biết thân
tình với vợ chồng Lê Triều Điển cho tận ngày nay. Họa sĩ Lê
Triều Điển trang trí và tổ chức đêm ra mắt cho tập thơ Nguyễn Huy Chương
có một phương trời ảo diệu trang trọng, đó là một điều không thể thiếu cho
không khí trang nhã của một đêm thơ. Chính Lê Triều Điểnđã gây ấm cúng
ban đầu và suốt buổi giới thiệu bằng chính hội họa. Trần Kiêu Bạt và Trần Mộng
Hoàng tiếp tay cho Vũ Hữu Định vẽ từng băng rôn, in thiệp mời và trang trí
làm nền cho buổi sinh hoạt. Ngày gặp gỡ trực tiếp với họa sĩ Lê Triều Điển,
cũng là giai đoạn anh đang chăm sóc nhà xuất bản Con Đuông, cũng tạo được
nhiều tiếng vang dữ dội trong giới làm văn nghệ, với các tác phẩm của Trần Hữu
Dũng, Hồng Lĩnh, Ngy Cao Uyên, Cung Trầm Tưởng, Trịnh Công Sơn, Tạ Tỵ…Ấn phẩm Con
Đuông chỉ quay roneo 100 quyển, với tranh bìa ấn tượng bằng một hình thức
Thủ ấn họa do Lê Triều Điển vẽ từng tấm một và đề can lên bìa 1.
Chuyện ấn loát kỳ lạ đó, cũng là một hình thức sáng tạo độc đáo riêng của một
tư hướng hoạt động văn nghệ, chẳng khác gì cách in tay trên lốp xe của Đại
Nam Văn Hiến của nhà văn Thế Phong, Cao Bá Minh, Phan Lạc Giang Đông,
Hoàng Khởi Phong và Yên Bằng…
Ký ức 13, sơn dầu 60-80
Sau đó, thỉnh thoảng tôi về Cần Thơ để gặp gỡ anh em bàn
phiếm văn nghệ bên ly café đen và vài điếu thuốc lá Bastos, Melia, như một
trang điểm cần phải có của người tập tễnh văn chương thời thượng.
Bẵng đi một thời gian, sau 1975, từ ngày tôi ghé Vĩnh Long
thăm 2 vợ chồng Lê Triều Điển – Phạm Thị Quý vào giữa năm 1976, thời cuộc khó
khăn đi lại nên rất ít lần chúng tôi ngồi tâm sự phiếm với nhiều hoài bão mơ
mộng như ngày xưa. Lê Triều Điển vẫn quang quã bên màu sắc hội họa,
và Phạm Thị Quý vẫn cùng anh như hình với bóng, làm thơ và hoạt động
văn nghệ ở Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Long. Anh đã tạo dựng được
cho Hội Tượng hình Cửu Long một sự năng nổ đa dạng và đa phong cách. Vừa say
mê sáng tác, vừa đào tạo cả một lớp năng khiếu trẻ mang cùng một nghiệp dĩ
nghệ thuật. Anh xắp xếp lưu hành cho từng lớp bằng hữu dự trại sáng tác, rồi
bôn ba liên lạc các tỉnh từ Miền Tây đến Sài Gòn, Đà Lạt,…để tổ chức nhiều buổi
triển lãm hội họa. Cảm động nhất, cả một lớp trẻ năng khiếu, đã hồn nhiên
tham gia nhiều cuộc sáng tạo với tư cách như của người nghệ sĩ, mãnh liệt góp
mặt với đời bằng những khiếm khuyết cá nhân. Sau thập niên 80, anh như con
thoi giăng mắc khắp tận cùng ngõ hẻm, để vừa tạo dựng cho hội họa miền đồng bằng
một hướng đi và vừa để được giới thiệu rộng rãi hơn.
Lúc đó, hai vợ chồng Lê Triều Điển làm đủ mọi phương cách, trôi dạt tha phương, lúc thì trang trí phù điêu tranh tượng cho nhà hàng Đại Dương ở đường Kỳ Đồng quận 10, TP.Hồ Chí Minh, lúc trang trí hoa văn cho công viên đảo Cá Sấu ( Lê Thị Riêng, quận Tân Bình ), lúc làm tượng điêu khắc cho nhà hàng Trầu Cau ( công viên Tao Đàn, quận 3 ), lúc trang trí vườn hoa Nguyễn Huệ vào những dịp Tết Nguyên Đán…Khi bước vào những khu giải trí tuyệt diệu đó, du khách thanh thản thụ hưởng những tinh hoa của trời và người, nhưng có bao giờ nghĩ rằng sau lưng nơi họ vừa bước qua là bao nhiêu mồ hôi, tim óc của các nghệ nhân dàn trải dài suốt đường gió bụi ?.
Lê Triều Điển tài hoa như chính sự mộc mạc chân thành
của anh, tất cả những đứa con tinh thần vừa được họa sĩ hà hơi để đưa sự sống
vào bản thể trời đất, thì là lúc sự cảm khoái của anh cũng vừa chợt bay
qua, Lê Triều Điển trở lại với tâm thức đôn hậu, bước lên một hướng
mới để tạo dựng cho ngày mai tác phẩm mới, như con tằm phải nhả tơ liên tục
suốt cuộc đời.
Tranh Lê Triều Điển năm nào cũng có triển lãm, nếu
không cá nhân thì anh gom góp tài hoa với mọi người làm một cuộc giới thiệu
chung, cho trôi qua nghiệp chướng. Không lúc nào vầng trăng hội họa của Lê
Triều Điển thiếu đi ngón tay huyền ảo của Thiền học. Qua suối rồi quên
suối, màu sắc vừa nhảy múa như điên loạn trên đủ khổ đủ cỡ tranh lớn nhỏ, Lê
Triều Điển lăng ba vi bộ suốt từng góc tranh, từng tác phẩm, để như đánh
dấu bằng một chữ ký phiêu bồng. Như tranh treo trên bức tường cẩm thạch ung
dung rực rỡ một phương, mà hình ảnh người họa sĩ vừa thoắt biến thoắt hiện
trên tranh, đâu rồi ? Lê Triều Điểnkhông màng chuyện hôm qua, anh cứ bước
tới như một tăng lữ lầm lũi tìm đạo. Có lúc, màu sắc vun vẫy kín mít không
gian, Lê Triều Điển che mắt lại, xoay người hóa thân mới. Anh bước
qua làm tượng và nhiều lần tôi chứng kiến Lê Triều Điển khổ sở
trên hàng dãy tác phẩm đất nung, đủ hình dạng đài cát có, méo mó có, tự nhiên
có, lạ lùng có và tôi hiểu rằng, với anh, tất cả đều không thoát khỏi sự say
mê, đau khổ cũng như hạnh phúc.
Nói Lê Triều Điển mà không nhắc Thế Đệ với Đặng
Can, những người họa sĩ đa dạng của vùng cây trái Vĩnh Long là thiếu sót. Mỗi
người một phong cách, Thế Đệ huyền thoại hơn, sâu lắng trong tranh như muốn
đem tất cả ý niệm Thiền học, vũ trụ quan, tư tưởng vừa đạt ngộ được hóa thân
vào tranh cho tan biến. Còn Đặng Can thì lãng đãng giữa xã hội phù hoa, tranh
anh vừa tức tưởi giữa cuộc sống cơ cực của con người, vừa như khói sương lướt
thướt với ảo ảnh nghèo đói quê xưa. Bộ tam hội họa đó đã làm khởi sắc cho cả
một vùng đất phương Nam. Nhưng thành thật mà nhận định, thì Lê Triều Điển vẫn
là một sư huynh đầy thần khí, tư tưởng và lập thuyết hơn cả. Ở sự thế, thìLê
Triều Điển đã là một nhà ngoại giao môi giới không công cho bằng hữu có
nhiều cơ hội du nhập tranh vào nhiều vùng đất địa phương khác, loang dần cho
hạt mọc thành rừng cây. Lê Triều Điển dìu vai cùng anh em, thắp đuốc
cho tranh các tài hoa sông nước được trôi dạt định hình ở từng cơ địa mới và
được ra mắt giới thưởng ngoạn với tất cả năng nổ, chân thành.
Mọi sự kiên trì và thành khẩn, giúp chúng ta sẽ thành công
một cách tự nhiên và chắc chắn hơn. Vì thế, tranh Lê Triều Điểnđược giới
thiệu thiện cảm ở nhiều quốc gia lân cận như Hồng Kông, Singapore… Lúc
nào Lê Triều Điển cũng vặn mình hóa thân đổi mới trong tranh, vì với
nghệ thuật anh chứng tỏ không bao giờ bằng lòng với chính mình. Anh không chối
bỏ dĩ vãng, kỷ niệm, nhưng tất cả như bó nắng anh phải vác lên vai lặng lẽ
leo trên đỉnh núi, đọ với chân không mà tìm bản ngã. Mới đây,Lê Triều Điển đã
trở lại với chính mình, bằng cuộc triển lãm một loạt tranh mới tại Galery Tự
Do, 53 Hồ Tùng Mậu, Quận 1, với chủ đề Trở Về bằng sự sung mãn và đầy
sáng tạo trong tâm thức một nghệ sĩ đĩnh đạt. “ Trở về sự cô đọng
bình dị. Trở về sự đơn giản hồn nhiên. Trở về sự chân thật hiền hòa”. Lê
Triều Điển phát biểu trong giờ khai mạc phòng tranh TRỞ VỀ bằng ý tưởng
giản dị, nhưng thông thái hiểu biết của người nghệ sĩ vừa bước qua một khoảng
không gian và một khoảng thời gian trôi nổi, giờ là đến lúc ngồi lại với ân
tình, với những gì đã có, đã qua, phải tĩnh tâm ôn lại.
Anh xem loạt tranh như 1 sự trở lại nguồn cội, trở lại với chính mình. Ôn lại bao nhiêu ngày tháng trôi qua của bước chân phiêu bạt, bao nhiêu kỷ niệm khổ đau nhận được, và sự chịu đựng đã cho thép được tôi luyện vững chãi. Khiến Lê Triều Điển tâm niệm phải giản dị trong cảm xúc chân thành và màu sắc giản đơn, 2 màu âm dương đen trắng. Chính vì vậy, tranh anh trong loạt TRỞ VỀ, đường nét đôn khôi thanh thoát, mà tôi bỗng nhiên nhìn ra như những nét khắc cổ xưa trên vách đá của người tiền sử. Những khắc chạm thật nhẹ nhàng, như những ký hiệu đưa đẩy không gian, cho cái ta hội nhập vào một khoảng khắc kỷ niệm xa xôi, của biết bao thời gian trôi qua còn sót lại, như những hiện tượng vĩnh hằng của đạo pháp, an tịnh, không có gì phải ra đi và không có gì trụ lại. Tất cả là tướng không, dù trên vách đá cổ xưa, còn tâm chân là dấu ấn lưu lại, mà ngàn năm trước đâu phải là lúc của ngàn năm nay. Tôi rùng mình như vừa bước qua một cơn đồng thiếp, chiêu niệm sinh tử khôn cùng. Thoạt ẩn thoạt hiện, tê tái thân tâm và sáng tác bài CHÂN TƯỚNG ghi tặng Lê Triều Điển ngày TRỞ VỀ..
Chân tướng
Tặng Lê Triều Điển và Trở Về
Ngọ nhễu chân cầu nắng quái thú
Hồn ai xuôi ngược ven quá khứ
Sân ngoài ngơ ngác đất và trời
Thăm thẳm thời gian vùn vụt trôi…
Bỗng như chân tướng không ngôn ngữ
Thần sắc âm âm cơn mộng dữ
Hoảng hốt ôm chầm loài xạ hương
Phong trần tràn ngập gió và sương…
Lỡ trải kiếp người ra cỏ hoa
Lêu bêu đồ vật đầy tư tưởng
Ấn tượng vô sinh cháy vất vưởng
Cài quanh phong thủy ngọn đèn ma
Rền quanh chuông gió từ thiên cổ
Tâm cũng bùng lên phút đảo thần
Giao thoa giữa nẽo đường bay lạc
Bào mòn tan tác gót giày xanh
Có chim đầu núi hót ngây thơ
Thì hóa đồng nhi tuế nguyệt chờ
Lão phu có khóc cũng như thế
Giang hồ sao trách lũ trăng khuya…
Màu sắc đầm đìa trên mái tóc
Búi đầu bái vọng lên sao Mộc
Kinh điển thừa thãi buổi sớm mai
Hay phải hoàn tu qua núi khác ?
Ngủ suốt ngàn năm có thấy say
Ai làm trắng áo A la hán
Vó ngựa hàn vi vỗ chạy hoài…
Tạm dùng ngữ pháp gọi nhân gian
Gió tạt mưa sa cũng dịu dàng
Có lúc, muốn thần hồn hóa đá
Coi cõi vô tri có tiếng than!
Thật ra, mưa mới tạt hiên ngoài
Ngọn đèn leo lét buồn vô tả
Thủy hỏa một đời tương khắc đây
Hà cớ lại tương sinh kỳ lạ
Chập chờn khả đạo phi thường đạo
Vỗ về ngựa trắng cháy lông mày
Lão phu có khóc cũng như thế
Giang hồ sao trách lũ trăng bay…
NGÔ NGUYÊN NGHIỄM
(Buổi trưa buồn có sương, rồi gió, rồi mưa )
01/11/2008
Lê Triều Điển đã trở lại nội tâm và vẽ lại những cảm
xúc của mình trong cái chân không. Loạt tranh Trở Về quả nhiên đã nối
một khoảng thời gian và không gian của quá khứ và hiện tại thành một khối
dung nhất, không phân biệt được. Như ta đang sống thời văn minh Internet ở
đây và thời ăn lông ở lỗ xa xưa, cả 2 vừa chụm lại 2 đầu thành 1 khoảng thời
khắc duy nhất huyền hoặc diệu kỳ vô cùng tận…Và người họa sĩ của Đồng bằng
Nam Bộ, suốt cuộc hành trình tìm lại chân tướng bằng những dấu chân tăng lữ
in nặng trên nghiệp chướng phù sinh.
Viết tại Thư trang Quang Hạnh
|
Kính trọng nhân vật lẫn người viết!
Trả lờiXóa