Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021

Liên hệ dân ca - Ca dao

Liên hệ dân ca - Ca dao

Dân Ca Cổ
Dân Ca Cổ (Ancient folk songs) còn tồn tại, nghĩa là còn thấy có ít nhiều sinh hoạt trong đời sống Việt Nam vào khoảng đầu thế kỷ 20, gồm các loại hát như ru, lý, hò, ví, xẩm v.v... thường là những câu thơ truyền miệng (oral poetry) được hát lên với nhạc điệu và nhịp điệu khác nhau, tùy theo địa phương và công dụng của bài hát hoặc của loại hát. Dân ca cổ vẫn được coi là sáng tác tập thể của nhân dân, của vô danh, dù đã có thuyết cho rằng nó cũng phải bắt đầu từ một người nào đó, trong một thời đại nào đó, rồi vì có giá trị cho nên đã được lưu truyền bằng cửa miệng và trở thành gia tài của tập thể.
Dân Ca Mới
Dân Ca Mới (New folk songs) phát sinh vào giữa thập niên 40 sau khi nền nhạc mới, được gọi là nhạc cải cách (về sau gọi là tân nhạc) vừa ra đời và chịu ảnh hưởng của nhạc Âu Tây, rồi vì muốn cho tân nhạc có dân tộc tính cho nên một số nhà cải cách thời đó đã quay về nghiên cứu dân ca cổ để khởi sự từ cái vốn cũ, sáng tác những bản nhạc mà họ gọi là dân ca cải biên, dân ca phát triển, dân ca phục hồi hay dân ca mới.
Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau đi vào kho tàng của dân ca cổ để tìm hiểu gia tài quý báu đó, trước khi đi tới dân ca mới.
Mối Liên Hệ Dân Ca Cổ và Ca Dao
Trong ngành nghệ thuật bình dân cổ truyền Việt Nam, đã có một sự liên hệ chặt chẽ giữa dân ca và ca dao. Dân ca cổ, như đã nói trên, thường là thơ truyền miệng được hát lên. Muốn hiểu kỹ dân ca cổ, phải nghiên cứu văn học dân gian trong đó có thi ca truyền miệng.
Thơ truyền miệng Việt Nam trong dĩ vãng đã mang nhiều tên như ca dao, phong dao, đồng dao... và đã được nhiều học giả sưu tập, nghiên cứu và san định. Ta thử đọc lại một số công trình biên khảo đó để xem các vị tiền bối đã định nghĩa ca dao ra sao?
Ðịnh Nghĩa Ca Dao
Theo Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc (Hà Nội 1928)
Vào khoảng đầu của thế kỷ 20, thơ truyền miệng cũng đã được ghi chép lại bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ và cả bằng Pháp ngữ nữa. Nhưng phải đợi tới công trình của một vị Thanh Tra Tiểu Học kiêm biên khảo gia chuyên về Cổ Học Hà Nội, thì ta mới thấy được sự phong phú của nền thi ca truyền miệng nước ta. Năm 1928, ông Nguyễn Văn Ngọc hiệu Ôn Như, cho xuất bản hai tập sách có tính cách sưu tập thơ truyền miệng nhan đề là Tục Ngữ Phong Dao. Tập Một gồm trên 6,500 câu ông gọi là phương ngôn tục ngữ. Tập hai gồm trên 850 bài chia ra hai phần, phần trên là Phong Dao và phần dưới là Câu Ðố. Trong bài Tựa của Tập Một, ông nói mục đích là:
"... Chỉ vụ thu thập cho được nhiều câu, không phân thế nào là thành ngữ, mê ngữ, phương ngôn, đồng dao, ca dao hay phong dao gì cả".
Ôn Như tiên sinh cũng không cắt nghĩa các danh từ mà người xưa đã dùng để chỉ định từng loại thơ truyền miệng. Dường như công việc phân định mấy chục ngàn câu thơ ra thành từng loại thành ngữ, mê ngữ, lý ngữ cũng không phải là dễ dàng gì!. Tuy nhiên, theo thiển ý, khi sắp xếp công trình sưu tầm của mình để in ra làm hai Tập, đặt cho cái tên chung là Tục Ngữ Phong Dao, trong bài TỰA lại nói rõ là chia những bài thuộc về thể phương ngôn, tục ngữ, phong dao phụ thêm các câu đố, ngoài ra lại còn đưa thêm những danh từ có vẻ rất chuyên môn như thành ngữ, lý ngữ, mê ngữ, sấm ngữ, đồng dao... thì tác giả cũng đã làm một công việc phân loại rồi đó.
Cứ theo như ông đã viết trong bài Tựa, thì thơ truyền miệng Việt Nam được gọi là phương ngôn, tục ngữ, phong dao, câu đố, và trong đó có những câu lý ngữ, sấm ngữ, mê ngữ. Hơn nữa, cũng trong bài Tựa đó, ông còn cho chúng ta biết rằng "một số bài thơ truyền miệng đã được cho hẳn là bài hát xẩm, hát chèo, hát huê tình, hát ru em". Những bài này thì ai cũng biết là bài hát của dân gian, nghĩa là dân ca.
Ôn Như tiên sinh không muốn phân loại và định nghĩa mà đã làm cả hai công việc đó. Tuy chỉ đả động đến chữ ca dao trong bài Tựa mà thôi, và dùng danh từ phong dao trong hai tập sách, nhưng ông cũng đã khẳng định là trong phong dao, có bài được cho hẳn là hát xẩm, hát chèo, như đã nói trên. Trong công việc tìm về con đường dân ca hôm nay, tôi chỉ xin ghi nhận một định nghĩa tiềm tàng mà cách đây 50 năm, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc đã đưa ra trong phần bài Tựa của hai tập sưu tầm về tục ngữ, phong dao Việt Nam:
"... Trong phong dao có bài hát của dân gian..."
Nói một cách khác, dân ca có thể chắc chắn được thoát thai từ phong dao.
Muốn hiểu vì sao Ôn Như tiên sinh dùng danh từ phong dao hơn là ca dao, ta phải coi danh sách các tài liệu mà tiên sinh đã tham khảo, đa số là công trình nghiên cứu về phong tục Việt Nam, dựa vào phương pháp san định Kinh Thi của Khổng Tử. Kinh Thi gồm có bốn phần mà phần đầu là Quốc Phong, chỉ định những bài ca dao của dân các nước chư hầu do nhạc quan của nhà vua sưu tập lại. Chữ "phong" đây có nghĩa là "gió", ý nói bài hát có thể rung cảm lòng người như gió làm rung động các vật.
Cũng cần nói thêm là những câu tục ngữ, phong dao đã được tác giả xếp đặt theo mẫu tự a b c, dễ dàng cho công việc tìm tòi của người đọc. Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc không chia những câu thơ truyền miệng mà ông sưu tập được thành những mục thuộc phạm vi phản ảnh xã hội như các nhà biên khảo sau này, thường chú trọng tới ảnh hưởng qua lại giữa ca dao và nhân dân, nhân dân và ca dao.
Tài liệu mà Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc đã tham khảo:
Nôm:
- An Nam Phong Thổ Hoại (Thiên Bản cư sĩ - Trần Tất Văn).
- Thanh Hóa Quan Phong Sử (Vương Duy Trinh).
- Việt Nam Phong Sử (Nguyễn Văn Mại, bản dịch: Tạ Quang Phát).
- Ðại Nam Quốc Túy (Sự Sư Trai - Ngô Giáp Ðậu).
Nôm dịch ra Hán:
- Nam Phong Giải Trào (Liêu Am Trần tiên sinh - Ngô Hạo Phu).
Nôm + Quốc ngữ:
- Quốc Phong Thi Tập Hộp Thái (Mộng Liên Ðinh - Hy Lượng Phủ).
- Nam Quốc Phương Ngôn - Tục Ngữ Bi Lục (Vô Danh).
Quốc ngữ dịch ra Pháp văn:
- Tục ngữ An Nam (Triệu Hoàng Hà).
Quốc ngữ:
- Nam Ngạn Trích Cầm (Phạm Quang Sán, nxb Mạc Ðình Tư).
- Gương Phong Tục (Ðoàn Duy Bình, Ðông Dương Tạp Chí số 161, 164).
Theo cuốn Việt Nam tự điển (Hà Nội 1931)
Muốn hiểu rõ hơn người xưa đã định nghĩa ca dao ra sao và có ràng buộc dân ca vào ca dao hay không, tôi tìm về cuốn VIỆT NAM TỰ ÐIỂN do ban Văn Học trong Hội Khai Trí Tiến Ðức tại Hà Nội soạn thảo và ấn hành 1931. Tôi tra chữ "ca dao".
Ca dao = câu hát phổ thông trong nhân gian.
Ca = bài hát thành khúc.
Dao = câu hát ngắn độ một vài câu.
Tra chữ "dân ca" thì không có. Danh từ dân ca có lẽ chỉ được khai sinh trong giai đoạn phát triển của Tân Nhạc vào khoảng giữa thập niên 40, khi các nhà soạn nhạc trẻ tuổi muốn quay về nguồn và khởi sự công việc sưu tầm nghiên cứu dân nhạc cổ truyền để từ đó sáng tác ra những nhạc phẩm có tinh thần dân tộc... Nhưng tôi hiểu được rằng, qua cuốn VIỆT NAM TỰ ÐIỂN này, các vị Hàn Lâm trong Hội Khai Trí Tiến Ðức Hà Nội, cách đây nửa thế kỷ đã có một định nghĩa khá rõ ràng:
"...Ca dao là câu hát phổ thông trong dân gian..."
Câu hát phổ thông trong dân gian hiện nay được chúng ta gọi là Dân Ca.
Về danh từ "tục ngữ" thì cuốn Tự Ðiển này đã có một định nghĩa hơi sơ sài.
Tục ngữ = câu thành ngữ người ta thường nói.
Nhưng cuốn Việt Nam Tự Ðiển này lại có thể giúp cho chúng ta hiểu được những danh từ mà Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc đã nói đến nhưng không giải thích:
Sấm ngữ = lời tiên tri.
Mê ngữ = câu đố.
Lý ngữ = lời phải trái.
Chúng ta hãy đọc lại những trang sách có sự định nghĩa ca dao của các công trình biên khảo trước đây của các tác giả khác.
Theo Dương Quảng Hàm (Hà Nội 1941)
Trong cuốn VIỆT NAM VĂN HỌC SỬ YẾU, in tại Hà Nội vào năm 1941, Dương Quảng Hàm viết: "... Trước khi có văn chương bác học, đã có một nền văn chương dân truyền khẩu, tức là tục ngữ và ca dao..."
Cụ Dương có lẽ là người đầu tiên trong thế kỷ này đã phân loại và định nghĩa một cách rất phân minh những gì được coi là thi ca truyền miệng của nền văn chương bình dân Việt Nam, trong một cuốn sách có tính chất sư phạm. Trước hết, cụ giảng về tục ngữ:
TỤC NGỮ = Tục ngữ nghĩa đen là "lời nói" (ngữ), theo "thói quen lâu đời (tục), có thể hiểu là: "câu nói gọn ghẽ, có ý nghĩa, lưu hành từ đời xưa rồi do cửa miệng người đời truyền đi".
Tục ngữ còn được gọi là:
ngạn ngữ (ngạn = lời xưa truyền lại).
phương ngôn (tục ngữ chỉ thông dụng trong một địa phương mà thôi).
Cụ Dương cũng còn cho biết nguồn gốc của tục ngữ:
* tự xuất phát từ cửa miệng của một người rồi vì có ý nghĩa, nhất là có vần có điệu nên được truyền tụng và trở thành tục ngữ. Ví dụ: ăn cây nào rào cây nấy.
* có khi là thi ca có tác giả nhưng vì ý đúng lời hay mà trở thành tục ngữ. Ví dụ: thương người như thể thương thân (Nguyễn Trãi, trong Gia Huấn Ca)
* Tục ngữ còn có thêm cái tên là "thành ngữ", nghĩa là câu nói ngắn có sẵn, không thi vị. Ví dụ: dốt đặc cán mai - nói toạc móng heo.
Cụ Dương không đả động gì đến sấm ngữ, mê ngữ, lý ngữ.
Sau khi đã giảng dạy về tục ngữ, cụ Dương lập luận về ca dao:
CA DAO = CA là hát - DAO là bài hát không có chương khúc, bài hát lưu hành trong dân gian.
Dương Quảng Hàm đã khẳng định : "Ca dao là bài hát lưu hành trong dân gian" thì ta có thể nói gọn lại = CA DAODÂN CA. Hơn nữa, viết về tục ngữ, cụ cũng đã cho biết: "Tục ngữ có khi là thi ca có tác giả". Như vậy, ta có thể tin rằng ca dao cũng có thể là thi ca có tác giả.
Theo cụ Dương:
* Ca dao còn được gọi là phong dao vì tả tính tình, phong tục, tập quán, tín ngưỡng.
* Ca dao cũng là đồng dao, vì là bài hát của trẻ con, kể cả ru trẻ.
* Ca dao còn bao gồm cả những bài hát của người lao động, như: chèo thuyền, đẩy xe kéo gỗ, cầy cấy, bài hát dạy đời, bài hát dạy điều thường thức (canh nông, sản xuất, thiên văn, thời tiết).
* Ca dao còn là bài hát phong tình.
Ðịnh nghĩa như vậy, tựu trung Dương Quảng Hàm đều cho ca dao là bài hát cả. Là xã hội ca, nhi đồng ca, lao động ca, luân lý ca, kể cả ái tình ca nữa!
Theo cụ Dương, các thể thơ được dùng trong ca dao là:
- lục bát chính thức
- lục bát biến thể
- song thất lục bát chính thức
- song thất lục bát biến thể
- thơ bốn chữ (nói lối)
- gồm tất cả các thể nói trên.
Dương Quảng Hàm tham khảo những sách, báo sau đây để giảng dạy về Tục Ngữ và Ca Dao. Dù những sách báo này vẫn là những tài liệu mà Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc đã nghiên cứu để viết hai tập TỤC NGỮ PHONG DAO kể trên, nhưng cụ Dương thì cho rằng ca dao là bài hát và phong dao thì dùng để tả tính tình, phong tục, tập quán.
Các sách báo tham khảo:
- Phạm Quỳnh: Tục Ngữ Phong Dao, Nam Phong Tập VIII số 46, trang 253-272.
- Phan Khôi, Tục Ngữ Phong Dao Và Ðịa Vị Của Nó Trong Văn Học, Tao Ðàn Tạp Chí, tập 1 số 9, 10, 11.
- Hoàng Ngọc Phách, Xét Tâm Lý Người Thôn Quê Bằng Câu Hát, Nam Phong Tập XV số 88, trang 311-322.
- Minh Trúc, Hát Quan Họ, Trung Bắc Tân Văn số 4, 5, 6,10, 12, 14,18.
- Nguyễn Văn Huyên, Chants Alternés Des Garcons Et Des Filles En Annam - Geuthner, Paris 1934.
- Georges Cordier, Essai Sur La Littérature Annamite: La Chanson, Revue Indochinoise 1920, Hanoi.
- Nguyễn Văn Mại, Việt Nam Phong Sử, Nam Phong Tập VII số 41, trang 415-425.
- Ðông Châu và Ðồ Nam, Việt Nam Tổ Quốc Túy Ngôn, Nam Phong, các tập XXX, XXXI, XXXII, XXXIII, XXXIV, XXXVI.
- Phạm Quang Sán, Bài Phú Phương Ngôn, Nam Phong Tập VII, số 42.
- Paulus Của, Tục Ngữ Cổ Ngữ Gia Ngôn, Nam Phong Tập VII, số 42.
- Paulus Của, Recueil De Chansons Populaires, Saigon 1904.
- Nguyễn Văn Vĩnh, Trẻ Con Hát Trẻ Con Chơi, Tứ Dân Văn Uyển, số 1.
- Nguyễn Can Mộng, Ngạn Ngữ Phong Dao, Tứ Dân Văn Uyển, số 16, 18, và 22.
Theo Nguyễn Trọng Lực (Saigon 1949)
Năm 1949, nhà sách Vĩnh Bảo Saigon cho phát hành một cuốn sách thuộc loại "Sách Hiểu Biết" cũng có tính chất giáo dục do Nguyễn Trọng Lực viết nhan đề TIẾNG NÓI ÐỒNG RUỘNG, trong đó tác giả coi Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam như là "tinh hoa của nước nhà".
Ông chọn lọc một số lớn ca dao về nghề nông trong đó có những câu "ca dao cổ" và cả những câu ông gọi là "ca dao mới" mà ông nói rõ ràng là do các ông Nguyễn Công Tiễu, Nguyễn Hải Khoát, Nguyễn Gia Huy, Trần Tuấn Khải sáng tác, được đăng trên các báo chuyên về canh nông như Vệ Nông Báo, Thần Nông Báo và lưu hành trong những năm 1923-1933 (trang 74). Dù ngoài bìa ông dùng bút hiệu Nguyễn Trọng Lực nhưng trong phần LỜI KẾT LUẬN, ta lại thấy ông ký là Nguyễn Công Huân. Chúng tôi được biết Nguyễn Công Huân là con của Nguyễn Công Tiễu, một viên chức cao cấp trong sở Canh Nông thời đó.
Tuy cuốn sách chỉ có mục đích ghi lại các câu ca dao cổ và mới nói đến nghề nông, nhưng trong phần CA DAO MỚI, ông Nguyễn Trọng Lực (hay Nguyễn Công Huân?) có ghi lại một vài câu có tính cách thời sự và chính trị, chẳng hạn:
Hoàng trùng đi, vi trùng lại,
Nghĩ đi nghĩ lại, Vi hại hơn Hoàng!
Hồi đó vừa có nạn sâu ăn lúa (hoàng trùng) lại vừa có bệnh dịch tả (vi trùng) làm nông dân điêu đứng, nhưng câu ca dao này ngụ ý chỉ trích hai ông Tổng Ðốc tỉnh Hà Ðông là Vi Văn Ðịnh và Hoàng Trọng Phu, làm quan dưới thời Pháp thuộc.
Dưới thời Nhật chiếm đóng và bắt dân chúng trồng đay, đã có câu ca dao mà Nguyễn Trọng Lực gọi là "câu hát":
Ai ơi khổ nhất giồng đay,
Giồng đay, đay nghiến có hay nổi gì?
Phá ngô bỏ ruộng mà đi,
Nhổ cây đay đắng có khi rũ tù.
Qua cuốn biên khảo này, ta lại có thêm định nghĩa và xuất xứ của ca dao:
* Ca dao là "câu hát" và có những câu do các tác giả nổi tiếng đương thời soạn ra.
* Ca dao còn phản ảnh thời sự và chính trị nữa.
Cuốn biên thảo về "ca dao và nghề nông" này cũng rất có ích lợi cho những người muốn nghiên cứu về ảnh hưởng qua lại giữa nông dân Việt Nam và ca dao.
Theo Hoa Bằng (Hà Nội 1952)
Trong cuốn DÂN TỘC TÍNH TRONG CA DAO do nhà xuất bản Võ Ðất ấn hành Hà Nội vào năm 1952, tác giả Hoa Bằng định nghĩa:
Ca = hát ngân vài giọng ra, khúc hát hợp với nhạc.
Dao = hát trộn, không hiệp với nhạc, kéo dài giọng nói, trẻ con làm cũng được, gọi là "đồng dao".
Hoa Bằng còn đưa ra danh từ "dân dao" nghĩa là ca dao do "dân chúng làm ra".
Theo Thuần Phong (Hà Nội, trong thập niên 50)
Thuần Phong, tác giả cuốn CA DAO GIẢNG LUẬN in tại Hà Nội, năm?, định nghĩa ca dao giống như Hoa Bằng, và thêm danh từ "tục diêu (dao)" mà ông giảng là "những câu tục ngữ bằng thơ lục bát". Cả hai vị vừa kể trên đây đều cho là "có sự liên hệ chặt chẽ giữa ca dao và những câu hát của dân chúng" (tức là dân ca vậy).
Sau khi tác phẩm của Dương Quảng Hàm được coi là sách giáo khoa và được giảng dạy tại các trường Trung Học thì ta thấy các bực giáo sư rất chú ý đến ca dao. Hầu hết những sách biên khảo về ca dao sau này đều do các nhà giáo viết ra.
Theo Ðào Văn Hội (Saigon 1961)
Tác giả đã viết cuốn sách PHONG TỤC MIỀN NAM QUA MẤY VẦN CA DAO vào năm 1958 nhưng phải đợi đến 1961 mới được nhà xuất bản Khai Trí ấn hành tại Saigon. Ngay trong phần NHẬN XÉT CHUNG VỀ CA DAO, Ðào Văn Hội đã khẳng định:
"Ca dao tức là những câu hát thông thường của dân gian".
Trong phần cuối, ông còn ghi lại một số ca dao mà ông gọi là "câu hát vặt", trong đó có những "câu hát trẻ em". Như vậy là chúng ta có thêm một định nghĩa nữa ràng buộc ca dao vào dân ca: Ca dao là câu hát của dân gian (tức là dân ca) trong đó có nhi đồng ca.
Theo Minh Hương (Saigon 1962)
Trong cuốn HOA ÐỒNG CỎ NỘI xuất bản tại Saigon năm 1962, Minh Hương đã định nghĩa : "Thi Ca Truyền Miệng Việt Nam gồm có Tục Ngữ, Ca Dao, Lời Hát Dặm, Bài Vè... của tác giả vô danh".
Không nói rõ ca dao là "bài hát", nhưng trong bài TỰA của cuốn sách này, ông viết: "Dân gian xưa nay đã sáng tác nhiều câu ví, câu dặm, câu hò, bài vè." Với những định nghĩa đó, đương nhiên ông cũng đã cho ca dao là câu hát của dân gian. Vả lại trong số 1,000 câu thơ truyền miệng mà ông sưu tập trong cuốn sách, một số câu ca dao đã được hát lên thành ra những bài "lý" hay bài "hò".
Trong cuốn HOA ÐỒNG CỎ NỘI này tôi còn thấy tác giả ghi lại những lời ca (ca dao) của những bài như: lý toan tính, lý bánh bò, lý hoa thơm, lý bỏ bìa, lý bông sậy, lý con quạ, lý chim khuyên, hò mái ngởi, hát quan họ... và một điệu chèo là điệu Tò Vò...
Nếu như trước đây, các nhà chuyên khảo về thi ca bình dân đã khởi sự làm công việc góp nhặt, xếp loại, phân tích phần nào kho tàng tục ngữ ca dao rồi thì tác giả Minh Hương, với cuốn HOA ÐỒNG CỎ NỘI này, đã làm công việc đó một cách kỹ lưỡng hơn.
Ông đã chia ra nhiều tiết mục như:
- Miếng Ăn,
- Tình Cảm,
- Thuật Sống,
- Tín Ngưỡng và Tập Quán,
- Thiên Nhiên,
- Loài Vật,
- Thuật Diễn Tả,
- Nụ Cười...
... Và đưa tục ngữ ca dao vào từng tiết mục đó với mục đích tối hậu là cho người đọc "thấy được cả một nền thi ca nhân văn, đề cao khả năng và giá trị của con người tự do". Ông mời mọc đọc giả cùng ông mở một cuộc hành trình mà ông gọi là "tìm về nguồn cội Việt Nam".
Theo Tổ Văn Học Dân Gian (Hà Nội 1963)
Các nhà khảo cứu của Tổ Chức Văn Học Dân Gian, trong cuốn CA DAO VIỆT NAM TRƯỚC CÁCH MẠNG do Viện Văn Học Hà Nội xuất bản năm 1963 đã định nghĩa:
Ca = câu thành khúc điệu.
Dao = câu không thành khúc điệu.
Dân Ca = bài hát có nhạc điệu nhất định.
Họ còn khẳng định: "... hầu hết Dân Ca Việt Nam là ca dao có khúc điệu, có tiếng đệm, tiếng lót". Ðến đây thì ta đã có một định nghĩa gắn chặt dân ca vào ca dao.
Theo Phạm Văn Diêu (Saigon, trong thập niên 60)
Vào đầu thập niên 60, trong cuốn VĂN HỌC TRUYỀN KHẨU VIỆT NAM ấn hành tại Saigon, Phạm Văn Diêu đã cho rằng: "Tục ngữ, ca dao tuy có từ lâu đi, nhưng chỉ được các nhà nho ghi chép lại vào cuối thời nhà Lê, đầu thời nhà Nguyễn bằng cả hai thứ chữ Nôm và chữ Hán".
Phạm Văn Diêu kể ra những cuốn như:
- Nam Phong Giải Trào của Trần Liễu An, cuốn này được Liễu Văn Ðường in lại năm 1910.
- Nam Phong Ngữ Ngạn Thi của Trần Liễu An và Ngô Hạo Phu, dịch tục ngữ ra thơ Hán theo kiểu Kinh Thi.
- Quốc Phong Thi Hộp Thái và Quốc Phong Thi Diễn Ca, do Mộng Liên Ðình Thi biên soạn bằng chữ Nôm và chữ Hán.
- Ðại Nam Quốc Tuý của Ngô Giác Ðậu.
- Nam Phong Thi Tập in thi Duy Tân.
- Nam Quốc Phương Ngôn Tục Ngữ Bi Lục của Quan Văn Dương, 1914.
Rồi ông cũng nói đến công trình của những nhà biên khảo ghi chép ca dao tục ngữ khác như:
- Câu Hát Góp của Paulus Của, in bằng quốc ngữ tại Saigon, 1910.
- Gương Phong Tục của Ðào Duy Ðình.
- Câu Hát Ðối và Câu Hát Huê Tình, do Ðặng Lễ Nghi chép, in tại Saigon trong những năm 1915 và 1917.
- Câu Hát Ðối Ðáp của Ðặng Trọng Quờn, Saigon 1915.
- Ngạn Ngữ Sư Loại Lược Biên của Ưng An, Huế 1922.
- Nguyệt Hoa Vấn Ðáp và Trống Quân Ðối Ca của Vũ Huy Thụ, in tại Hà Nội trong những năm 1923 và 1927.
Phạm Văn Diêu còn nói tới công trình của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc qua hai tập TỤC NGỮ PHONG DAO mà ông cho là: "giản dị, tiến bộ nhất so với những sách biên khảo về ca dao từ trước tới nay".
Trong kho tàng Văn Học Truyền Khẩu, gồm Tục Ngữ, Ca Dao và Truyện Cổ, Phạm Văn Diêu cho rằng : "... ca dao là hình thức diễn xuất tự nhiên nhất, và là tiếng thơ bình dân được hát lên". Tác giả còn kể ra nhiều loại ca dao được hát lên ba miền như: "hát soan, hát trống quân, hát quan họ, hát dặm, hò mái nhì, hò huê tình vân vân..."
Qua những tài liệu dẫn kể, cũng như qua sự nhận định riêng của mình, tác giả cuốn VĂN HỌC TRUYỀN KHẨU đã bỏ hẳn danh từ phong dao và minh định ca dao là bài hát, dù trong phần định nghĩa ông cũng dẫn Từ Nguyên, Khang Hy Từ Ðiển ra để giải thích chữ "ca dao" như các nhà biên khảo khác. Duy chỉ có phần nói đến nguồn gốc của ca dao, thì ông Diêu cho rằng: "... ca dao không hẳn là do quảng đại quần chúng soạn ra".
Ca dao có thể có tác giả là các nhà nho thủa xưa, vốn là cấp "hàn nho", sống gần gũi với nhân dân hầu hết thuộc vào hạng "tiểu nông". Tuy là hai giai cấp khác nhau, nhưng giữa nhà nho và nông dân đã không có gì là cách biệt cả. Theo ông, khi xưa các nhà nho thường "... cầm đầu các nhóm để đi thi hát và chính trong những cuộc hát thi này mà những câu ca dao hay những câu hát mới mẻ đã được ứng khẩu soạn ra".
Phạm Văn Diêu (mà nhiều người đã biết ông là cháu của Thủ Tướng Phạm Văn Ðồng) còn nói: "... Từ năm 1946 đến 1964, chính quyền Cộng Sản đã lợi dụng uy tín của ca dao và chủ trương cho các văn nghệ sĩ có tân học lãnh nhiệm vụ tuyên truyền chủ nghĩa và đưng lối qua ca dao, do đó cái gọi là thi ca bình dân, là văn nghệ của đại chúng đã nghiễm nhiên là của đám người có học vấn, đồng thời cũng là văn nghệ sĩ như Tố Hữu, Nguyễn Ðình Thi, Thanh Tịnh... chế tác ra!"
Phạm Văn Diêu kết luận: "... Vậy nền văn học truyền khẩu trong dân gian mà người ta thưng gọi là văn chương bình dân, và cũng để chỉ tục ngữ và ca dao, chung quy là một nền văn học thích hợp với quần chúng chất phác và hồn hậu, nhưng chữ bình dân hoặc chữ dân gian cần phải được hiểu là nhu cầu tâm lý bình dân hay là biểu thị tâm lý dân gian mà thôi".
Như vậy, ta có định nghĩa của Ông như sau:
Ca dao là dân ca
Dân ca là do tác giả, phản ảnh tâm trạng của dân chúng, tạo ra.
Theo Nguyễn Trúc Phượng (Saigon 1964)
Trong cuốn VĂN HỌC BÌNH DÂN, ấn hành tại Saigon 1964, tác giả này đã định nghĩa: "... Ca dao là câu hát hay bài hát ngắn, lưu dụng truyền khẩu trong trí thức bình dân, mô tả tính tình, phong tục, tập quán, hình ảnh quê hương Việt Nam". Và ông cũng đưa ra những cái tên "phong dao, đồng dao "do Dương Quảng Hàm đã lập luận trước ông gần 20 năm, kể cả danh từ "dân dao" mà tác giả Hoa Bằng đã nói đến trước đây.
Ðịnh nghĩa "ca dao là câu hát hay bài hát ngắn", ông còn chia ca dao ra nhiều loại như: "... hát keo, trống quân, giã gạo, đưa đò, hát quan họ, hát đúm, hát văn, hát cách, hát nhịp bẩy, hát xẩm, hát giao duyên, hát bồng mạc, sa mạc, hát lý, hò, nhi đồng ca". Tất cả những loại hát này đã được chúng ta hiểu theo danh từ hiện đại là dân ca.
Trong 445 trang sách, chúng ta thấy ông đã dành 50 trang cho truyện cổ. 50 trang cho những câu ca dao (theo ông) đã "trở thành bài hát". Còn lại 300 trang với khoảng 2,000 câu ca dao (theo ông) được coi như thuần túy thì tôi nhận thấy một số câu đã trở thành dân ca như : "cây trúc xinh, lý bỏ bìa, lý quay tơ, lý bánh bò, hò mái ngời, lý cú rũ, hát trống quân, lý triền triện, hò rố khuầy, lý ru con, hò ru con, hò ru con lối Huế, trấn thủ lưu đồn, ví đò đưa, ví phượng vải..."
Nguyễn Trúc Phượng, trong cuốn Văn Học Bình Dân này, cũng xếp loại ca dao vào nhiều mục, như:
- Ý Chí Con Người, trong đó ông kể ra những câu ca dao có tính chất chống đối, đả phá của người đàn bà Việt Nam thi "nam tôn nữ ti" khi xưa. Ông còn xếp đặt ca dao vào những mục:
- Phản ảnh Ðời Sống Tinh Thần,
- Ðời Sống Vật Chất,
- Hình Ảnh Gia Ðình,
- Tình Yêu và Hôn Nhân...
Ông nhấn mạnh tới những bài ca dao nói lên lòng ái quốc chân thành, và mong rằng tác phẩm của mình có thể đóng góp vào việc "xây dựng một đời sống thăng bằng, đạo đức, tươi vui, thoải mái."
Theo Nguyễn Tấn Long và Phan Canh (Saigon 1969)
Trong cuốn biên khảo THI CA BÌNH DÂN VIỆT NAM, do nhà xuất bản Sống Mới Saigon ấn hành năm 1969, hai tác giả này đã bỏ rất nhiều công ra để sưu tập, phân loại các bài ca dao phản ảnh từng bộ mặt của xã hội Việt Nam khi xưa. Hai ông còn ghi lại một số câu ca dao ra đi năm 45, đây rõ ràng là thứ thơ truyền miệng chống Pháp và Nhật, ca tụng sự trở về với quê hương dân tộc:
Tưởng rằng tầu lặn tầu bay,
Nên anh bỏ việc cấy cầy mà đi,
Biết rằng cu lít cu ly,
Thà rằng cứ nhà quê với nàng!
Nhà quê có họ có hàng,
Có hàng có xóm nhỡ nhàng có nhau.
Châm biếm những người bỏ đồng quê chạy theo vật chất phù phiếm làm nô lệ cho Pháp:
Ðồn vui thăm thú thị thành,
Kiếm ăn cũng khó công danh ra gì!
Ra mà lãnh chức cu ly,
Thà về quê cũ giữ nghề canh nông.
Mảng vui cơm tấm ổ rơm
Tuy rằng cũ kỹ mà thơm sạch lòng
Hơn ai gạo tấm lầu hồng,
Ðem thân luồn cúi vào vòng lợi danh
Cậu kia cắp sách đi đâu,
Cậu học chữ Tầu hay học chữ Tây?
Học chữ Tây không tiền, không việc,
Học chữ Tầu ai biết ai nghe?
Chi bằng về chốn thôn quê,
Cấy cầy còn được no nê tối ngày.
Ca dao chống Nhật:
Ai ơi khổ nhất trồng đay...
(câu này đã được Nguyễn Trọng Lực ghi lại)...
Mấy năm thiếu gạo vì ai?
Làm dân ta chết mất hai triệu người!
Ta thì khóc, nó thì cười,...
Tầu cười, Tây khóc, Nhật no,
Việt Nam hết gạo chết co đầy đường"
(Nạn đói Ất Dậu)
Thời kháng chiến, có ca dao cổ động tăng gia sản xuất:
Muốn cho dân mạnh nước giàu,
Tăng gia sản xuất để cầu tự do.
Khuyên em chớ quản nhọc nhằn,
Cầy sâu cuốc bẫm nuôi tầm ươm tơ,
Bao giờ Ðộc Lập Tự Do,
Cả nhà ta mới cơm no áo lành
Ca dao chống nạn mù chữ:
Rủ nhau đi học i tờ,
Xem kinh, đọc báo, coi thơ dễ dàng.
Cô kia vừa đẹp vừa ròn,
Cô không biết chữ ai còn lấy cô?
Rủ nhau đi học i o,
Mỗi ngày một chữ con bò cũng thông.
Hai tác giả này đã cho ta thấy ca dao là phản ảnh trung thực của xã hội. Thời đại nào cũng có những câu ca dao mang cả tinh thần chống đối lẫn tinh thần xây dựng.
Theo Vũ Ngọc Phan (Hà Nội 1978)
Trong những năm gần đây, người nghiên cứu văn học truyền miệng hay văn học bình dân đã bắt đầu ràng buộc chặt chẽ ca dao vào dân ca. Trong cuốn sách biên khảo nhan đề TỤC NGỮ - CA DAO - DÂN CA VIỆT NAM do nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội ấn hành năm 1978, Vũ Ngọc Phan đã đưa ra nhận định: "ranh giới giữa ca dao và dân ca không rõ (rệt)". Rồi ông cũng định nghĩa:
Ca dao = thơ 4 hoặc 5 chữ, lục bát, song thất lục bát, chỉ ngâm lên nguyên câu, không có chữ đệm, chữ lót.
Dân ca = ca dao hát lên có chữ đệm, thành khúc điệu, chỉ thông dụng trong một địa phương mà thôi.
Tổng Kết
Chúng tôi đã chọn một số sách biên khảo về văn chương bình dân hay nói rõ hơn, về thi ca truyền miệng, xuất bản tại Việt Nam trong vòng 50 năm, từ công trình của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc (1928) cho tới khảo luận của Vũ Ngọc Phan (1978) để rút ra một kết luận riêng cho việc dẫn dắt tuổi trẻ Việt Nam trở về con đường dân ca như chúng tôi mong muốn.
Tục ngữ là gì?
Trước hết, các vị tiền bối đã cho ta thấy trong phạm vi tục ngữ mà các cụ định nghĩa là "câu nói có ý nghĩa, dễ nhớ vì có vần có điệu, lưu hành bằng cách truyền khẩu từ đi này qua đi khác", có nhiều danh từ cũng có chung một định nghĩa như tục ngữ. Chẳng hạn:
ngạn ngữ = lời xưa truyền lại.
thành ngữ = câu nói có sẵn, không thi vị người ta quen dùng.
Trong tục ngữ lại còn có cả:
sấm ngữ = lời tiên tri.
mê ngữ = câu đố.
lí ngữ = lời phải trái.
Và cũng trong gia đình tục ngữ, người xưa còn có thêm:
phương ngôn = tục ngữ của một địa phương.
châm ngôn = câu nói khuyên răn đi.
Ca dao là gì?
Còn chữ "ca dao" mà các cụ định nghĩa là: "bài hát ngắn lưu hành trong dân gian" (tức là dân ca theo quan niệm thời nay) thì ngoài danh từ đó ra còn có:
phong dao = câu hát dân gian, tả phong tục tập quán.
đồng dao = bài hát của trẻ em (nhi đồng ca).
dân dao = ca dao do dân chúng làm ra.
Cuối cùng, lại có cả một danh từ, có vẻ như là câu nói tắt của hai chữ "tục ngữ -- ca dao":
tục diêu (dao) = tục ngữ bằng thơ lục bát.
Ai sáng tác ca dao?
Một giả thuyết rất hấp dẫn được đưa ra, mà Phạm Văn Diêu là người cả quyết nhất, chủ trương: Ca dao là thi ca truyền miệng có tác giả chứ không hẳn chỉ là của quần chúng vô danh.
Hơn nữa, dù là của quần chúng vô danh hay của tác giả, ta vẫn thấy công dụng của ca dao là: Ca dao làm ra để hát, ngoài những câu hay những bài có tính chất mô tả tình phong tục tập quán còn là những câu hát về thời tiết, về thời sự, tóm tắt lại là những câu hát, những bài hát có dính dấp đến chính trị, có tính chất tuyên truyền nữa.
Dân ca cổ = Ca dao
Mối liên hệ giữa dân ca cổ và ca dao là: Toàn thể hình thức thơ truyền miệng hoặc một bộ phận trong đó là ca dao, không hoàn toàn trở thành những bài hát dân gian, tức dân ca, nhưng ta có thể nói rằng một phần lớn dân ca cổ đều xuất xứ từ ca dao. Nếu các vị tiền bối của chúng ta chỉ mới khẳng định là có một sự liên hệ rất chặt chẽ giữa ca dao và dân ca qua những tác phẩm vừa được nêu ra thì qua phần tới của tiểu luận này, chúng ta sẽ tìm hiểu sự liên hệ đó ra sao với phương pháp nhạc học thuần lý.
Ta có thể lập luận một cách rõ ràng hơn nữa về sự liên hệ giữa ca dao và dân ca:
Theo truyền thống văn học nghệ thuật bình dân Việt Nam, thơ không tách rời khỏi nhạc. Lời thơ đầu tiên có thể là câu hát đầu tiên. Như vậy, giữa dân ca và ca dao không có ranh giới. Có phân biệt thì chỉ là khi nói tới ca dao, ta nghĩ đó là thơ dân gian. Khi nói tới dân ca, ta nghĩ đó là một thể loại ca nhạc. Hiểu theo cách thông thường:
Ca dao là dân ca tước bỏ đi những tiếng đệm, tiếng láy.
Dân ca là ca dao đã trở thành câu hát, bài hát, điệu hát.

Phạm Duy
Theo https://phamduy.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...