Cảm nhận bài thơ
"Tống biệt" của Tản Đà
Tôi biết đến Tản Đà khi còn đang học lớp 8, với bài thơ “Muốn
làm thằng Cuội”. Ngày đó tôi cảm nhận bài thơ với niềm thú vị vô bờ của cô bé đầy
lãng mạn, bởi bài thơ của ông mang đậm màu sắc cổ tích, mà tôi chưa thấu hiểu hết
được nỗi buồn, sự chơi vơi của tác giả trước hiện thực trần gian. Sau này tôi
biết đến Tản Đà nhiều hơn với “Hầu trời”, với những “Khối tình con”… và nhiều hơn
khi biết về cuộc đời ông với “Tản Đà và cuộc đời” rồi đến Tản Đà trong “Thi
nhân Việt Nam” của Hoài Thanh - Hoài Chân. Để ngẫm ra một điều rằng ông rất
thích được thoát ly để quên đi hiện thực cay đắng của cuộc đời.
Đọc thơ Tản Đà người đọc luôn cảm thấy thú vị pha chút hài hước,
ông làm thơ như lời nói rất tự nhiên nhưng ẩn sâu trong mỗi câu chữ lại thật
cay đắng, xót xa. Dường như không thể khóc trước cuộc đời thì ông đành phải cười
vậy. Vì vậy giọng thơ Tản Đà luôn có gì đó đầy phóng khoáng, ngang tàng nó thật
khác với các nhà thơ thuộc lớp thơ cũ. Chính vì vậy mà trong “Thi nhân Việt
Nam”, Hoài Thanh đã trịnh trọng đặt Tản Đà là người khai bút cho hội Tao Đàn
thơ Mới “Tiên sinh đã cùng chúng tôi chia sẻ một nỗi khát vọng thiết tha, nỗi
khát vọng thoát ly ra ngoài cái tù túng, cái giả dối, cái khô khan của khuôn
sáo. Đôi bài thơ của Tiên sinh ra đời từ hơn hai mươi năm trước đã có một giọng
phóng túng riêng. Tiên sinh đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc
tâm kỳ đương sắp sửa”. Vâng! Có lẽ bài thơ “Tống biệt” của ông là một trong những
bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Tản Đà. “Tống biệt” được trích trong vở chèo
Thiên Thai do ông sáng tác năm 1922. Nội dung vở diễn tích hai chàng thư sinh
là Lưu Thần và Nguyễn Triệu đời Hán, nhân tết Đoan Ngọ vào núi Thiên Thai hái
thuốc bị lạc lối về. Hai chàng gặp được tiên nữ rồi kết làm vợ chồng. Sống hạnh
phúc được nửa năm thì cả hai càng nhớ quê muốn về thăm.
Các tiên nữ cho biết đây là cõi tiên đã về trần thì không thể
trở lại, song vẫn không giữ được hai chàng. Lưu, Nguyễn về làng thấy quang cảnh
khác xưa thì ra họ đã xa nhà đến bảy đời. Buồn bã, hai chàng trở lại Thiên Thai
thì đường xưa đã khép, không còn thấy các tiên nữ đâu nữa… Kể từ đấy, họ cũng
đi đâu biệt tích.
Có thể nói đây là một bài thơ tuyệt bích. “Tống biệt” là vĩnh
biệt (từ đây xa cách mãi) cho nên bài thơ có nhịp chân bước quyến luyến mà chậm
rãi dường như ung dung mà dằn xé. Văn khí câu thơ thay đổi luôn câu ngắn thì
như nấc như nghẹn, câu dài thì như tiếng than não ruột trong sự chia ly giữa cảnh
trời đất mênh mông.
Có người nói “Tống biệt” là nỗi đau chia ly của cặp tình nhân
nhưng đọc bài thơ tôi lại cảm nhận rằng nỗi buồn đau đớn nhất trong đang đè nặng
trong lòng hai nàng tiên nữ. Nói như vậy không có nghĩa là hai chàng Lưu, Nguyễn
không buồn, không lưu luyến, bên cạnh nỗi buồn đó hai chàng còn mang một tâm trạng
khác đó là cái háo hức, rộn ràng của người sắp được trở về cố hương có lẽ điều
đó sẽ chen lấn sẽ vượt lên nỗi buồn của sự chia ly. Như vậy trong lòng người đi
giữa nỗi buồn đã có niềm an ủi của một chân trời mới bù đắp phần nào. Còn người
ở lại thì sao? Hai nàng hiểu rõ rằng đã đi là không có ngày quay trở lại, vì vậy
một nỗi buồn, sự trống vắng, nhớ nhung, sự mất mát không gì thay thế nổi:
“Lá đào rơi rắc lối Thiên
Thai
Suối tiễn, oanh
đưa, luống ngậm ngùi”
Hai câu đầu mở ra cảnh chia ly, cảnh thần tiên đấy nhưng lại
bao phủ tâm trạng buồn bã, ngậm ngùi. Đào là loài cây ở trên tiên giới tượng
trưng cho sự trường sinh. Thế mà hình ảnh lá đào rơi, rắc khắp lối Thiên Thai
đã nhuốm màu chia ly, sầu muộn. Nguyễn Du đã từng nói “người buồn cảnh có vui
đâu bao giờ?”. “Suối tiễn”, “oanh đưa” hai hình ảnh được nhân cách hóa, vẽ ra
trước mắt người đọc cảnh hai chàng Lưu, Nguyễn quay lưng từ trên đỉnh Thiên
Thai bước theo dòng suối xuống cõi trần để hai tiên nữ bùi ngùi đứng trông
theo. “Tiễn” và “đưa” đã cho người đọc hiểu rằng sẽ không bao giờ gặp lại nhau
nữa. Chữ “luống” thường được hiểu theo nghĩa là “khiến” (khiến cho), nhưng cũng
có nghĩa là uổng công, mất công, vô ích. Theo tôi hiểu theo nghĩa thử hai có lẽ
sẽ hợp với toàn bài hơn bởi hai chàng đi rồi còn mất công, vô ích ngậm ngùi làm
gì điều đó càng thể hiện nỗi buồn đang đè nặng trong lòng hai tiên nữ. Nàng nói
thế như thể động viên, an ủi chính mình, như tâm trạng người chinh phụ trong
“Chinh phụ ngâm” theo bản dịch của Đoàn Thị Điểm rõ ràng ta thấy nỗi buồn của
người ở lại nó chất chứa nhường nào, nàng ngậm ngùi tự hỏi: “Lòng chàng ý thiếp
ai sầu hơn ai” (Thiếp ý quân tâm thùy đoạn tràng - Đặng Trần Côn).
Một điều nữa theo ta thấy được cái tài diễn tả nỗi buồn của Tản
Đà nằm ở nhịp điệu của câu thơ. Câu thứ nhất với nhịp 3/1/3, chữ “rắc” được nhấn
mạnh xuống như nỗi buồn đang trĩu nặng trong lòng hai tiên nữ. Câu thứ 2 với nhịp
2/2/3 nỗi buồn như dàn trải, mênh mang khắp cảnh vật. Ẩn trong nhịp điệu chậm
buồn ấy vừa là sự níu kéo vừa là nỗi nhớ nhung của người ở lại dành cho người
ra đi.
“Nửa năm tiên
cảnh
Một bước
trần ai”
Hai câu thơ ngắn với chữ dùng đối xứng rất hay vẽ ra lằn ranh
giới giữa hai cõi Tiên và Thực. Cái một bước chân thôi hai chàng sẽ xa rời mãi
mãi để bước xuống cõi trần, dù biết rằng cõi trần là bể khổ. Nửa năm trên tiên
cảnh không thể níu kéo được bước chân về cõi trần của hai chàng. Dường như với
hai nàng nửa năm ấy nó thật ngắn ngủi làm sao, câu thơ diễn tả nỗi bàng hoàng của
người thấy được cuộc vui qua mau như giấc mộng. Hai câu thơ bốn chữ được ngắt
nhịp 2/2 như lời kể thủ thỉ như tiếng nấc, tiếng nghẹn ngào khẽ thổn thức.
“Ước cũ, duyên thừa có thế thôi”
Câu thơ như một tiếng thở dài, dấu phẩy được sử dụng thật
tinh vi nó như bẻ câu thơ, như sự giận dỗi rất người của hai tiên nữ. Những hẹn
ước đã trở thành xưa cũ, người đi đâu còn nhớ, tiên cũng tin vào những lời hẹn
ước “lời nói gió bay” ấy sao? Chữ “duyên thừa” thật ngậm ngùi, gặp nhau đây là
duyên nhưng chữ “thừa” nghe sao bi ai, tội nghiệp. Tiếng thơ như trách móc, thở
than nhưng đành cam chịu.
“Đá
mòn, rêu nhạt
Nước
chảy, huê trôi”
Chỉ qua bốn chữ được phân làm hai câu tác giả đã lôi kéo thời
gian không biết là bao nhiêu năm tháng vội lướt qua đỉnh Thiên Thai. Thời gian
có sức tàn phá thật khốc liệt. Nó làm cho đá phải mòn, rêu phủ kín huống chi lời
hẹn ước của con người như gió thoảng qua. Dòng thời gian trôi đi không níu giữ
được cái đẹp bất tử. “Huê” chứ không phải là “hoa” bởi từ “huê” với âm “uê”
nghe sao thê lương, ảo não như ngân nga xoáy vào lòng người. Dấu phẩy ở giữa
câu thơ như muốn bẻ câu thơ làm đôi nhấn mạnh hơn sự chia ly mãi mãi.
“Cái hạc bay lên
vút tận trời
Trời đất từ
nay xa cách mãi”
“Cái hạc” sao đơn phương, lẻ bóng, “cái hạc” là hình ảnh của
tiên nga, của sự vĩnh cửu, người tình đã bỏ về với trần ai, để tiên nga vút bay
hòa với sự vĩnh cửu, nhưng là sự vĩnh cửu của sự cô đơn, câu thơ đầy sự ngậm
ngùi, nuối tiếc. Chàng và nàng từ nay sẽ xa cách mãi cũng như Trời và Đất không
bao giờ gặp được nhau. Có lẽ đó cũng là cái lẽ thường tình của tạo hóa, tiên nữ
có thở than thì cũng đành phải chấp nhận. Câu thơ ngân dài như những tiếng thở
dài nào về.
“Cửa
động
Đầu non
Đường lối cũ”.
Một câu thơ bảy chữ nhưng được ngắt lắm ba hàng, nhịp ngắt
quăng tựa như bước chân nàng ngập ngừng quay về đường xưa, lối cũ, ngậm ngùi
nhìn lại nơi chốn đã mang dấu tích chàng khi xưa, có biết bao kỉ niệm nơi này,
các nàng sống ở nơi bất tử hạnh phúc mà đâu có hạnh phúc.
“Nghìn
năm thơ thẩn bóng trăng chơi”
Có bao nhiêu ý nghĩa trong thơ ca cho một chữ “trăng”, trăng
là mộng mơ là ảo hóa là dịu dàng, là xa xôi… Nhưng ở đây tác giả sử dụng với
hình ảnh là “bóng trăng” nó lại càng bất định mơ hồ, trăng đây không soi, không
ngời sáng, cũng không âm u, lạnh lẽo nhưng ánh trăng lại thật cô đơn, lẻ bóng.
“Nghìn năm” là khoảng thời gian cụ thể hay tượng trưng nhưng nó thật là dài các
nàng mãi mãi ngóng chờ, đau đáu với nỗi đau của riêng mình. Chữ “chơi” cho thấy
hết được tài năng của Tản Đà. Bởi chữ “chơi” như là nhăn tự kết thúc bài thơ
nhưng lại mở ra cả bầu trời với mênh mang là sự nhớ thương, cô đơn, trống trải.
Bóng trăng mơ hồ, huyền hoặc, thơ thẩn chơi vơi nghìn năm quanh đầu non lối cũ
như kiếm tìm, như đợi mong mà vẫn biết thời gian không bao giờ trở lại.
Câu thơ kết đã nói lên tiếng lòng của thi sĩ Tản Đà, ông luôn
mải miết đi tìm tiếng lòng tri âm, tri kỷ, tìm ngày tương tri nhưng kiếm đâu
đây? Mãi mãi chỉ là “bóng trăng chơi” mà thôi.
Bài thơ xứng đáng được mở đầu cho “Thi nhân Việt Nam” nổi tiếng
của lịch sử văn học hiện đại Việt Nam.
16/6/2020 Trần Thị Mai
16/6/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét