Thứ Ba, 27 tháng 4, 2021

Đắm chìm trong những áng thơ tình bất hủ của nền thi ca thế giới

Đắm chìm trong những áng thơ tình
bất hủ của nền thi ca thế giới

Việc bày tỏ tình cảm qua âm nhạc trở thành một điều quá dễ dàng trong thời đại ngày nay. Mở một phần mềm nghe nhạc bất kỳ, bạn lúc nào cũng có thể nghe được một bài hát diễn tả cảm xúc trong tình yêu lứa đôi. Nhưng, đã bao giờ bạn nghĩ đến dùng những bài thơ để thể hiện chính mình?
Một bài thơ với sự tổng hòa vần điệu và du dương của từ ngữ, cho thấy những góc khuất sâu kín nhất trong tâm hồn tác giả, đồng thời khơi gợi sự đồng cảm nơi người đọc. Hãy cùng mở rộng một chút kiến thức về những bài thơ tình được xem là kinh điển trong nền văn học thế giới.
1. Bản dịch của Thái Bá Tân:
Xưa một chàng họa sĩ
Có tranh và có nhà
Bỗng đem lòng yêu quý
Một nàng rất mê hoa
Và chiều lòng người đẹp
Để lấy tiền mua hoa
Chàng đã đem bán hết
Cả tranh và cả nhà
Chàng đã mua hàng triệu bông hồng
Ngoài cửa sổ cứ nhìn ta sẽ thấy
Rằng người yêu có yêu thật hay không
Khi bán nhà để mua hoa như vậy
Sáng hôm sau thức dậy
Nàng nhìn ra lặng người
Tưởng đang mơ vì thấy
Cả một rừng hoa tươi
Nàng ngạc nhiên, đang nghĩ
Ai đây chắc rất giàu
Thì thấy chàng họa sĩ
Đang tội nghiệp, cúi đầu
Họ gặp nhau chỉ vậy
Rồi đêm nàng đi xa
Nhưng đời nàng từ đấy
Có bài hát về hoa
Có chàng họa sĩ nọ
Vẫn vợ không, tiền không
Nhưng đời chàng từng có
Cả một triệu bông hồng
Chàng đã mua hàng triệu bông hồng
Ngoài cửa sổ cứ nhìn ta sẽ thấy
Rằng người yêu có yêu thật hay không
Khi bán nhà để mua hoa như vậy.
Nhà thơ người Nga Andrey Andreyevich Voznesensky đã dựa trên chuyện tình có thật của danh họa người Gruzia là Niko Pirosmani và nữ ca sĩ người Pháp Marguerite để viết nên bài thơ đầy cảm xúc này. Nhà văn nổi tiếng K.G. Paustovsky cũng khiến bao độc giả xúc động khi đề cập đến chuyện tình ngang trái này trong tiểu thuyết mang tên Tiểu thuyết cuộc đời của mình. Ngoài ra, bài hát còn được nghệ sĩ nhân dân Raimond Voldemarovich Pauls phổ nhạc và trở thành bài hát nổi tiếng tại Liên Xô thời bấy giờ. Giai điệu sôi động cùng phần lời mang nỗi buồn da diết khiến ca khúc Triệu đóa hồng nhanh chóng được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Việt Nam.
Chân dung nhà thơ người Nga Andrey Andreyevich Voznesensky
Theo đó, họa sĩ Niko Pirosmani khi đương thời sống trong cảnh bần hàn và khốn khổ. Khi được biết nàng ca sĩ Margarita mà mình thầm yêu rất thích bông hoa hồng, chàng ta quyết định bán đi tất cả những gì mình có, dẫu không hề nhiều nhặn gì, chỉ là nhà cửa, những bức tranh. Sự cố gắng không mệt mỏi của chàng chỉ mong muốn đem lại niềm vui cho cô ca sĩ khi được đắm chìm trong vẻ đẹp và hương thơm của loài hoa biểu tượng tình yêu này. 
Bức vẽ Chân dung Marguerite - họa sĩ Niko Pirosmani
Tuy nhiên, trải qua những giây phút ban đầu đắm đuối trong hạnh phúc, nàng ca sĩ khi biết rằng biển hoa hồng ấy là món quà của một chàng họa sĩ nghèo nên đã từ chối tình yêu của anh ta. Không lâu sau đó, cô chọn ở bên một chàng trai giàu có và cùng chồng rời khỏi thành phố, để lại trong trái tim anh họa sĩ nghèo một nỗi đau khổ và trống vắng vô bờ.
Bài hát Triệu đóa hồng - Alla Borisovna Pugachyova
Mãi đến những năm tháng cuối đời, tài năng hội họa của Niko Pirosmani mới được giới chuyên môn chú ý đến và công nhận. Hiện tại, những tác phẩm nghệ thuật của cố họa sĩ được trưng bày và bảo quản tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Gruzia. Dù bao nhiêu năm qua đi, độc giả vẫn mãi dành thiện cảm và ấn tượng dành cho giây phút tỏa sáng hiếm hoi mà hai con người đã có được tại con phố Gruzia ngày hôm ấy, khi chàng họa sĩ dành trọn tình yêu trong sáng, thánh thiện và không vụ lợi dành cho một nữ ca sĩ chỉ quen với ánh đèn sân khấu và những lời ca tụng. Khoảnh khắc ấy dường như đã trở thành vĩnh cửu, được ghi lại trong kho tàng văn chương và âm nhạc thế giới.
2. Bản dịch của Thúy Toàn:
Tôi yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai,
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài
Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng,
Lúc rụt rè khi hậm hực lòng ghen
Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em
Được tôn vinh như một đại thi hào của nền văn học Nga và thế giới, Aleksandr Sergeyevich Pushkin có rất nhiều đóng góp quan trọng vào nền thơ ca, văn xuôi và kịch. Trong đó, tuyệt tác thơ tình Tôi yêu em được đưa vào giáo dục phổ thông tại nhiều quốc gia. Những vần thơ lãng mạn, trữ tình và đượm buồn này chính là cảm xúc thực của ông dành cho Anna Olenia, một người con gái xinh đẹp và thông minh mà đại thi hào luôn say mê và mong ước được kết duyên vợ chồng.
Chân dung đại thi hào Aleksandr Sergeyevich Pushkin
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình tri thức có địa vị cao trong xã hội, Anna ngoài vẻ đẹp ngoại hình còn cho thấy trình độ cao trong nhiều lĩnh vực. Năm 1829, Puskin tỏ tình với Anna nhưng bị cô từ chối. Và bài thơ Tôi yêu em ra đời như một lời chia tay ngậm ngùi dành cho mối tình đơn phương của ông. Nỗi da diết về tình yêu của chàng trai trong bài thơ cho thấy một trái tim yêu thương chân thành, quyết liệt mà cũng vô cùng vị tha. Chàng trai tôn trọng cô gái và quyết định của cô, cũng cho thấy sự nghiêm túc trong tình cảm của mình.
Cũng có một số nguồn tư liệu cho rằng lời cầu hôn của Puskin thực ra đã được Anna chấp nhận. Nhưng do một sự cố không mong muốn giữa hai gia đình, hôn sự giữa hai con người ấy đã không thể tác thành. Sau này, khi Anna đã trải qua một đời chồng, Puskin lần nữa tỏ ý với cô nhưng cũng vì vài lý do khách quan mà đành từ bỏ một lần nữa.
Chân dung đại thi hào Aleksandr Sergeyevich Pushkin
Ở nguyên bản tiếng Nga, nhiều nhà phê bình ca ngợi những vần thơ của Puskin bởi sự tổng hòa nét đặc sắc trong văn hóa nghệ thuật nước này. Sử dụng lời lẽ giản dị nhưng vẫn giàu sức gợi hình và gợi cảm, Tôi yêu em là một bài thơ ghi dấu ấn mạnh mẽ trong sự nghiệp của đại văn hào tài hoa, góp phần khiến ông trở thành biểu tượng của dòng văn học lãng mạn Nga vào giai đoạn thế kỷ XIX.
3. Bản dịch của Đào Xuân Quý:
Đôi mắt băn khoăn của em buồn.
Đôi mắt em muốn nhìn vào tâm tưởng của anh
Như trăng kia muốn vào sâu biển cả.
Anh đã để cuộc đời anh trần trụi dưới mắt em
Anh không giấu em một điều gì
Chính vì thế mà em không biết gì tất cả về anh.
Nếu đời anh chỉ là viên ngọc
anh sẽ đập nó ra làm trăm mảnh
quàng vào cổ em.
Nếu đời anh chỉ là một đóa hoa
tròn trịa, dịu dàng và bé bỏng
anh sẽ hái nó ra để đặt lên mái tóc em.
Nhưng em ơi, đời anh là một trái tim
Nào ai biết chiều sâu và bến bờ của nó.
Em là nữ hoàng của vương quốc đó
ấy thế mà em có biết gì biên giới của nó đâu
Nếu trái tim anh chỉ là một phút giây lạc thú
Nó sẽ nở ra một nụ cười nhẹ nhõm
Và em thấu suốt rất nhanh.
Nếu trái tim anh chỉ là khổ đau
Nó sẽ tan ra thành lệ trong
và lặng im phản chiếu nỗi niềm u ẩn.
Nhưng em ơi, trái tim anh lại là tình yêu.
Nỗi vui sướng, khổ đau của nó là vô biên
Những đòi hỏi và sự giàu sang của nó là trường cửu.
Trái tim anh cũng ở gần em như chính đời em vậy
Nhưng chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu.
Rabindranath Tagore là một nhà thơ và triết gia người Ấn Độ. Tám tuổi, ông có cho mình những bài thơ đầu đời mang đầy chất suy tưởng và già dặn. Mười sáu tuổi, tài năng của ông được chú ý khi xuất bản tuyển tập thơ đầu tiên của mình. Những vần thơ ấy sau này trở thành kinh điển trong lĩnh vực văn học. Văn chương và quan điểm của ông ảnh hưởng sâu rộng đến nền văn hóa đại chúng của đất nước và trên cả thế giới. Vào năm 1913, ông trở thành người châu Á đầu tiên được trao giải Nobel Văn học cho những đóng góp vượt bậc của mình. 
Kết hôn vào năm 1883 nhưng Tagore phải trở thành bố đơn thân chỉ chín năm sau đó. Ông có năm đứa con nhưng hai trong số đó chết từ khi còn nhỏ tuổi. Ngoài lĩnh vực thơ, ông còn viết truyện ngắn, ngụ ngôn, kịch và những bài luận về chính trị cũng như quan điểm cá nhân. Văn chương của ông luôn tạo được một sức hút mãnh liệt nơi người đọc bởi những từ ngữ giản dị và hàm súc, luôn hướng đến tình yêu và khuyến khích sự hòa hợp giữa con người và vũ trụ. 
Chân dung nhà thơ, triết gia Rabindranath Tagore
Một trong số những tập thơ nổi bật nhất của Tagore phải kể đến The Gardener (Người làm vườn) với bài thơ số #28 đã trở thành kinh điển. Những bài thơ trong tập này dành sự tôn vinh tình yêu nhân loại và đề cao đối với mối quan hệ mật thiết giữa con người và vũ trụ. Bằng cách sử dụng ngôn từ vô cùng đẹp đẽ để miêu tả về tình yêu đôi lứa, ông đã ẩn dụ về sự trân trọng hết mực dành cho muôn loài, bao gồm nhân loại, thiên nhiên, vũ trụ và sự sống.
Tình yêu quảng đại ấy như một liều thuốc quý hiếm giúp những vần thơ của ông mang đầy tính chuyển biến thú vị, bày tỏ một cách sâu sắc cảm xúc dạt dào về thể xác và tinh thần đối với từng vật thể trong cuộc đời này. Và dù rằng đối phương không thể nhận biết hay không đủ khả năng đáp lại tình yêu lớn lao đó, nhà thơ cũng không thể nào từ bỏ cảm xúc dành cho nàng. Đôi lúc, ông còn sợ rằng nếu không tiếp tục cố gắng, nàng sẽ nghĩ rằng những vần thơ đong đầy cảm xúc thể hiện tình yêu vĩnh hằng của mình là một trò lừa dối.
Tập thơ của Tagore được dịch ra tiếng Việt 
với tựa đề “Tâm Tình Hiến Dâng”
Việc sáng tạo tầng tầng lớp lớp chi tiết và ý tưởng về một tình yêu quảng đại, giúp con người trở nên nhân văn và đến gần với những giá trị tốt đẹp, không lạ gì khi Tagore trở thành một trong những nhà thơ và triết gia có ảnh hưởng lớn đến với nền văn học thế giới.
4. Bản dịch của Thái Bá Tân:
Mùa thu đến, lá trong vườn đã rụng,
Lá vàng bay, bay theo gió. Ngoài đồng
Phía xa xa, ngay sát rìa thung lũng,
Đang khoe mình, đỏ rực cả hàng phong.
Anh khẽ nắm bàn tay em - một lúc
Buồn và vui lẫn lộn. Giữa trời chiều
Anh nhìn em, khóc lên vì hạnh phúc,
Vì vụng về không biết nói anh yêu…
Aleksey Konstantinovich Tolstoy (thường được gọi là AK Tolstoy) là bá tước, nhà thơ, nhà văn, viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm khoa học Petersburg và một trong những nhân vật làm rạng danh dòng họ Tolstoy vào thế kỷ 19. Ngoài ra, ông còn có những tác phẩm nổi bật nổi bật trong lĩnh vực âm nhạc, thơ châm biếm và tiểu thuyết lịch sử. Những tác phẩm thiên về lịch sử của ông hiện nay trở thành một phần quan trọng trong chương trình văn học phổ thông ở nước Nga.
Là họ hàng xa của Lev Nikolayevich Tolstoy, ông được tiếp xúc với giới thượng lưu, hoàng tộc và dành nhiều thời gian sinh sống cũng như làm việc tại Tây Âu. Từ khi còn rất nhỏ, AK Tolstoy đã phải chuyển chỗ ở nhiều nơi do biến cố của gia đình. Tuy vậy, chính điều này lại tạo cơ hội cho ông được tiếp xúc với rất nhiều ngôn ngữ như tiếng Anh, Pháp và Đức. Đến năm sáu tuổi, ông đã có rất nhiều bài thơ đến người lớn cũng bất ngờ. Suốt quãng thời niên thiếu, ông kết bạn cùng với những người thừa kế của hoàng gia. Với tài năng của mình, ngay từ khi còn rất trẻ, ông đã gây ấn tượng với những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong văn đàn thời bấy giờ như Goethe, Vasily Zhukovsky và cả Puskin. Tất cả họ đều ấn tượng với tài năng nổi bật và nhiệt tình cho ông nhiều sự hỗ trợ cũng như lời khuyên trong sự nghiệp.
Chân dung bá tước, nhà thơ, 
nhà văn Aleksey Konstantinovich Tolstoy
Với lối tư duy khoa học đầy chuẩn mực, tất cả những tác phẩm ông viết - tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ - đều cho thấy sự hòa hợp giữa lời lẽ và cảm xúc. Dù rằng trong sự nghiệp, ông chỉ dành một phần rất nhỏ sự chú ý dành cho thơ ca, nhưng những bài thơ của ông, hầu hết là thơ tình, đều trở thành một phần quan trọng không thể thiếu trong nền văn học lãng mạn thế giới.
5. Bản dịch của dịch giả khuyết danh:
Em bảo anh đi đi,
Sao anh không đứng lại?
Em bảo anh đừng đợi,
Sao anh lại về ngay?
Ôi lời nói gió bay,
Đôi mắt huyền đẫm lệ.
Sao mà anh ngốc thế
Không nhìn vào mắt em?
Silva Kaputikyan là một nhà thơ và nhà hoạt động chính trị người Armani. Bà là một trong những cây viết nổi tiếng nhất của Armani trong thế kỷ 20, cũng như “nhà thơ tiên phong của đất nước” và “người đàn bà của nền thơ ca Armani thế kỷ 20”. Mặc dù là thành viên của đảng Cộng Sản, bà cũng được đảng Dân chủ Armani dành nhiều lời tán dương và ca tụng. Những tuyển tập thơ của bà đóng vai trò quan trọng trong nền văn học cổ điển nước nhà, cũng như được dịch và phát hành ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bằng sự ảnh hưởng của mình, bà truyền tải những thông điệp chính trị và văn hóa đến mọi người.
Chân dung nhà thơ, nhà hoạt động chính trị Silva Kaputikyan
Trong sự nghiệp, tổng cộng bà phát hành hơn 60 quyển sách tiếng Armani và một số bằng tiếng Nga. Chủ đề xuyên suốt trong những vần thơ của bà là niềm tự hào dân tộc và tình yêu con người. Sử dụng ngôn từ khéo léo, thể hiện thái độ tích cực và lạc quan, bà luôn quan tâm đến việc hướng độc giả vào những giá trị quan trọng của một dân tộc như văn hóa, lịch sử và bồi dưỡng nhân cách con người. Những bài thơ về tình yêu đôi lứa chứa chan đầy cảm xúc lãng mạn, hờn giận hay ghen tuông, dù chỉ chiếm số ít trong sự nghiệp của bà, cũng góp phần thể hiện thế giới quan đặc sắc và độc đáo vô cùng của một người phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn.
Nhạc sĩ Vũ Thành An đã dựa trên ý tứ của bài thơ này để phổ nhạc, sáng tác bài hát mang tên Bài Không Tên Số 50, nhận được rất nhiều sự yêu thích của khán giả mọi lứa tuổi.
Bài hát “Bài Không Tên Số 50” - ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung
Đặc biệt, bản dịch bài thơ của bà ra tiếng Việt mang tên Em bảo anh đi đi dù vô cùng nổi tiếng trong văn hóa đại chúng nhưng cho đến nay, vẫn chưa ai thực sự biết chính xác tên của dịch giả. Có rất nhiều tranh cãi đã chỉ ra bản dịch này của nhà thơ Xuân Diệu hay giáo sư Hồ Ngọc Đại, nhưng người trong cuộc vẫn nhất mực cho rằng không phải. Vì vậy, bản dịch bài thơ mà phần lớn người Việt đều biết đến này vẫn được đề tên khuyết danh.
19/3/2021
Gấu Trúc
Nguồn: thivien, wikipedia, booksummary
Theo https://idesign.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...