Thứ Sáu, 30 tháng 4, 2021

Chiếc lá xanh kỳ lạ trút trong đời

"Chiếc lá xanh kỳ lạ trút trong đời"...

Khi biết tin Hoàng Nhuận Cầm mất, ngay lập tức trong tôi vang lên những câu thơ đã thuộc nằm lòng không biết tự thuở nào: “Em thấy không, tất cả đã xa rồi/ Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ…”. 
Hoàng Nhuận Cầm nổi tiếng với những bài thơ tình trong trẻo.
Giờ đây thì đúng là xa thật, “tất cả đã xa”. Người thơ ấy cũng đã đi về một chốn xa xăm sau bao năm “ở trọ trần gian”. Tuổi thơ của tôi cũng đã xa, cùng với bài thơ như ngai ngái mùi của những triền đê rợp cỏ, của những sân trường rực màu phượng vĩ năm nào, thuở chúng tôi còn thơ bé. Âm hưởng của bài thơ cứ buồn buồn, nhưng nhức vì chia xa, vì nhung nhớ.
“Chiếc lá đầu tiên” và nhiều bài thơ khác của Hoàng Nhuận Cầm mang màu sắc của những vần thơ lãng mạn một thuở, nó chạm vào hồn người không phải ở những ngôn từ sắc sảo, cấu tứ hiện đại, mà ở cái tình thấm đẫm phía bên trong.
Có một thời tôi và bạn bè yêu say biết bao những bài thơ như thế. Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Duy, Nguyễn Trọng Tín, Ngô Thế Oanh… Những bài thơ dài, đầy tâm sự. Chúng như nói hộ nỗi lòng của mỗi người, mặc dù con đường đó họ chưa từng đi, mối tình đó họ chưa từng trải qua, nỗi đau đó họ chưa chạm tới. Nhưng tất cả thật gần gũi, bởi mỗi người chúng tôi đều biết, trong chúng tôi luôn tồn tại những nỗi niềm như vậy.
Bố nhà thơ là nhạc sĩ Hoàng Giác, ông đặt tên con 
Hoàng Nhuận Cầm, nghĩa là cây đàn vàng. Ảnh: internet.
Sau “Chiếc lá đầu tiên”, tôi tìm đọc những bài thơ khác của Hoàng Nhuận Cầm như “Viên xúc xắc mùa thu”, “Cùng với buổi chiều nay”, “Đêm nay”, “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến”… Chính ông là người đưa tôi vào một thế giới đẹp và buồn. Hai thứ đó trộn lẫn đến nỗi không còn phân biệt được chúng nữa. Và rồi đến lúc tôi tin vào câu nói của một nhà văn Nga: “Cái đẹp bao giờ cũng buồn”.
Tôi yêu những vần thơ buồn bã lãng mạn của Nguyễn Trọng Tín trong “Gặp lại một vầng trăng”, gắn với Cầu Ván và mối tình với người con gái tóc dài, với “mây suông, trăng suông và sông xuôi”, với vườn dâu chín, tiếng “bìm bịp ngập ngừng kêu nước lớn”, với con chim két trộm trái vườn sau, mùi hương cũ chẳng bao giờ cũ.
Tôi yêu “Đò Lèn” của Nguyễn Duy với hình ảnh người bà “cơ cực” “mò cua xúc tép”, với người cháu đã trưởng thành và khi “biết thương bà thì đã muộn/ Bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi”. Tôi yêu “Không đề” của Ngô Thế Oanh, yêu nỗi buồn cũng “tinh khiết” trắng trong như những bông hoa màu trắng trong đó. Những nỗi buồn không làm ta bi lụy, chúng khiến ta mỉm cười với cuộc đời, thấy cuộc đời đẹp và đáng sống hơn.
Và những nhà thơ, nhà văn, họ đã gọi tên cảm giác của chúng ta trước trăm ngàn thứ va đập vào chúng ta mỗi ngày: nào một mùi hương, nào một cái nắm tay, vị mặn của nước mắt, một giọng nói quen thuộc, một đêm trăng đẹp đến bàng hoàng…
Họ dẫn lối cho ta đi, trên cả những mảnh thủy tinh mà ta không hề cảm thấy đớn đau. Họ chỉ lối cho ta đi khi ta hoang mang, rối quẫn. Trong những lúc khốn cùng nhất, bao giờ cũng có một câu thơ cho tâm hồn chúng ta nương tựa. Bao giờ cũng có một nhà thơ nào đó, thấu hiểu và mỉm cười nhìn ta, vỗ về và chữa lành những nỗi đau tưởng không gì hàn gắn.
Nhiều người sẽ nhớ về Hoàng Nhuận Cầm trong hình ảnh này.
Tôi biết ơn những người nắm giữ linh hồn chúng ta. Biết ơn đã cho tôi được sống một cuộc sống là mình, hồn nhiên, điên rồ, mộng mơ và không sợ hãi. Cảm ơn Hoàng Nhuận Cầm, người đã ở bên tôi và bè bạn tôi một thời tuổi trẻ - tuổi của những con sóng xanh và những cánh buồm lộng gió. Nhờ có ông và những nhà thơ mà tôi biết vẻ đẹp của sự sống, vẻ đẹp của những nỗi buồn.
Một người bạn của tôi, anh Phùng Huy Thịnh, kể rằng anh luôn nhớ dáng người nhỏ nhắn, vụng về nhưng nhanh thoăn thoắt của Hoàng Nhuận Cầm. Hai người là bạn cùng học Khoa Văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội năm nào, từng có chung với nhau những ngày huấn luyện tại ngũ ở Yên Thế vào tháng 9 năm 1971, rồi năm 1974 cùng được điều về Trại viết văn Quân khu Bình Trị Thiên.
Theo lời anh Thịnh, Hoàng Nhuận Cầm say đắm với thơ đến nỗi đi gác đêm thường làm khê nồi ngô ninh ăn sáng của đại đội ở phiên giữa đêm vì mải “tìm thơ”, không kiểm tra giảm than đáy nồi.
Có những đêm báo động chiến đấu, bạn bè phải đi tìm nhà thơ ở bờ mương nước đầu thôn, bởi ông đang say sưa tìm vần điệu cho một bài thơ nào đấy. Trong những trận bóng đá giữa hai trung đội chiều chủ nhật, sau khi gây cười bằng những động tác vụng về, Hoàng Nhuận Cầm lại ứng khẩu luôn vài câu lục bát hài hước. Ông luôn là tâm điểm cho các cuộc giao lưu, thi văn nghệ nhiều đơn vị trong binh chủng.
Tại Trại viết văn Quân khu Bình Trị Thiên, ông sáng tác nhiều bài thơ rất hay, được nhiều người yêu thích. Trong khóa học lần thứ hai ở Khoa Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội, bạn bè thường thấy ông nhẩn nha vừa học vừa làm thơ và hút thuốc lào sòng sọc, “đến mức nếu thiếu thuốc lào, dường như Cầm “tìm” thơ rất khó”, anh Phùng Huy Thịnh nói.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm trong một mùa đông chưa xa.
Những ký ức của người bạn tôi đã giúp tôi hiểu rõ hơn về Hoàng Nhuận Cầm, một con người lãng mạn như tôi biết trong thơ, hài hước như tôi biết trong hình ảnh “bác sĩ Hoa Súng” ở chương trình “Gặp nhau cuối tuần” trên VTV năm nào.
Người ta còn kể lại chuyện vui ngày ông đóng vai “bác sĩ Hoa Súng”. Ngày đầu quay phim, ông mặc áo blouse trắng, đội mũ in hình trái tim, tay cầm chiếc kim tiêm lớn. Hôm đó ông vào vai bác sĩ bị chồng của một bệnh nhân đuổi đánh vì ghen tuông. Vì người đóng vai chồng là dân nghiệp dư nên khi đánh Hoàng Nhuận Cầm đã đánh rất mạnh, khiến ông sợ và bỏ chạy.
Hai anh công an gần đó thấy thế liền đuổi theo hô to: “Bắt lấy thằng tâm thần!”. Bản tính hài hước, “bác sĩ Hoa Súng” không giải thích là đang đóng phim mà nói là: “Em không tâm thần, em làm ở bệnh viện Tâm Hồn”. Sau này gặp lại ông, hai anh công an chào to: “Chào bác sĩ Hoa Súng”.
Bố nhà thơ là nhạc sĩ Hoàng Giác, ông đặt tên con Hoàng Nhuận Cầm, nghĩa là cây đàn vàng. Nhưng Hoàng Nhuận Cầm đã không trở thành một nhạc sĩ, một con người của âm nhạc. Ông chọn thơ, thứ cất lên muôn vàn giai điệu, thứ chạm đến tâm hồn con người và đánh thức những cảm xúc nơi họ. Thứ mà, giống như tình yêu, “đến trong đời không báo động”, giống như viên xúc xắc xoay mặt nào cũng là nó, “sáu mặt đời lắc cắc tiếng thơ anh”.
Hoàng Nhuận Cầm từng nói rằng với ông chiếc lá nào cũng là chiếc lá đầu tiên, mối tình nào cũng vậy. Và ông đã sống, đã yêu, đã sáng tác lúc nào cũng như lần đầu được hít thở và được yêu thương. Ông đã sống một cuộc sống đúng nghĩa.
Ngày hôm nay, tôi đọc lại bài thơ năm nào của ông, cũng thấy như lần đầu tiên được đọc. Nỗi buồn của nó, sự thúc giục phải biết yêu và cảm nhận từng khoảnh khắc cuộc sống của nó, chẳng bao giờ là cũ cả. Nó giống như chiếc lá đầu tiên rụng xuống, đánh thức cả một mùa, đánh thức những nỗi niềm.
Và tôi đang nhớ về ông như nhớ về “chiếc lá xanh kỳ lạ trút trong đời” (Bài thơ Phương ấy).
23/4/2021
Thùy Vinh
Theo https://baohatinh.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...