Nhà văn Vĩnh Phúc hiện đại
(Phần 2a; Quyển 2)
NGUYỄN TRƯỜNG THANH
- Họ và tên khai sinh: Nguyễn Trường Thanh
- Sinh năm 1934
- Mất năm 2015
- Bút danh: Nguyễn Hoàng Đạt, Trường Thanh
- Quê quán: Làng Lỗ Giao, huyện Đông Anh (Vĩnh Phúc cũ),
nay là thành phố Hà Nội
- Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ 1997)
Nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn.
- Tác phẩm chính đã xuất bản:
* Hoa trong bão (1994 )
* Tướng không phong hàm (1998)
* Nữ điệp báo Lạng Thành (1999)
* Một thời biên ải (Tập 1, 2001 - tập 2, 2006)
* Ngôi nhà cua cha (2007)
* Hương ngàn (2008)
* Hoa bất tử (2009)
* Dặm dài ải Bắc (2012)
- Giải thưởng văn học:
* Giải A - Giải thưởng Hoàng Văn Thụ lần thứ nhất (1995) cho
tiểu thuyết Kỳ tích Chi Lăng.
* Giải A - Giải thưởng Hoàng Văn Thụ lần thứ nhất, giải thưởng
của Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt
Nam (1995) cho tiểu thuyết Hoa trong bão.
* Giải B - Giải thưởng Hoàng Văn Thụ lần thứ nhất cho các kịch
bản điện ảnh Ở xứ hoa đào, Ngọn lửa Bắc Sơn và Hoa đưa
hương nơi đất anh nằm,
* Giải thưởng Văn học về đề tài Biên phòng của Hội Nhà văn Việt
Nam và Bộ Tư lệnh Biên phòng năm 1999 cho chùm truyện Ma hang Cắn.
* Giải C - Giải thưởng văn học Hội Văn học nghệ thuật các dân
tộc thiểu số Việt Nam (1998), Giải B - Giải thưởng Hoàng Văn Thụ lần thứ hai
(1999) cho tiểu thuyết Tướng không phong hàm.
* Giải khuyến khích - Giải thưởng văn học Hội Văn học nghệ
thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (2001) cho tiểu thuyết 2 tập Một thời
biên ải.
* Giải C - Giải thưởng Hoàng Văn Thụ lần thứ ba (2009)
cho tiểu thuyết Hoa bất tử.
TRONG KÝ ỨC BẠN BÈ
TÌNH YÊU LỚN NHÀ VĂN NGUYỄN TRƯỜNG THANH
DÀNH CHO XỨ LẠNG QUÊ HƯƠNG
Đỗ Lâm Hà
Nhà giáo, nhà văn Nguyễn Trường Thanh với bút danh Nguyễn
Hoàng Đạt; Trường Thanh, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ 1997) – Sinh ngày
2-5-1934 tại làng Lỗ Giao xã Việt Hùng huyện Đông Anh (Vĩnh Phúc cũ), nay là
thành phố Hà Nội. Ông nguyên là chủ tịch Hội VHNT tỉnh Lạng Sơn (1991-1997), đã
xuất bản 20 đầu sách gồm nhiều thể loại: Thơ, Ký, Truyện ngắn, Tiểu luận phê
bình, Kịch bản phim, Tiểu thuyết, trong đó có 9 tiểu thuyết với đề tài lịch sử
và đã nhận 6 giải thưởng văn học chính thức của trung ương và địa phương.
Tôi được quen biết, được đọc tác phẩm của ông từ năm 2000 qua
một đồng nghiệp kỹ sư ngành Giao thông Lạng Sơn gọi ông bằng Cậu. Ông xuất thân
từ một gia đình nông dân lương thiện, lăn lộn kiếm sống để có điều kiện đi học.
Trước khi về định cư ở Lạng Sơn để trở thành nhà Văn, ông đã đi dạy học, có lúc
làm thợ sửa đồng hồ ở Móng Cái, mỏ than Cẩm Phả rồi lên tận gang thép Thái
Nguyên, mỏ apatis Lào Cai … lao động kiếm sống. Từ năm 1964 ông được Bộ Giáo dục
cử lên Lạng Sơn dạy học và đã từng là giáo viên dạy sử, hiệu trưởng trường PTCS
Đồng Mỏ, làm báo, viết văn tại Xứ Lạng biên cương cho đến ngày nay. Ông là người
dễ tiếp xúc, tin cậy, luôn tự tại, lịch sự với trang phục chính khách một nhà
văn.
1. Nhà văn Nguyễn Trường Thanh (Trường Thanh) đã dồn gần trọn
đời mình để khai thác về đề tài lịch sử - Lịch sử chiến tranh cách mạng dưới sự
lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trường
Thanh là một nhà văn khá đặc biệt trong làng văn đương đại nước ta, gần như trọn
đời, ông viết đến 9 tiểu thuyết lịch sử chỉ khai thác trên vùng đất Lạng Sơn
biên cương Tổ quốc, là quê hương thứ hai của nhà văn. Ai muốn hiểu cặn kẽ lịch
sử mảnh đất con người ở xứ đất linh này thì hãy tìm đọc Trường Thanh. Một nhà
giáo dạy sử với kiến văn rộng, nhiều vốn sống, từng trải, yêu nghề ông có lối
hành văn điềm đạm, tự tin tạo được lực hút xoáy với bạn đọc. Cách hành văn ấy
đã tiến một bước dài trong khai thác diễn biến các sự kiện cách mạng, tình huống
cách mạng trong thời kỳ lich sử, khai thác diễn tiến tâm lý và tính tự sự hay
triết luận của nhân vật. Các tiểu thuyết lịch sử tiêu biểu trong chuỗi dài tác
phẩm của nhà văn như : Hoa trong bão (1994) viết về cuộc khởi nghĩa Bắc
Sơn, đã được dựng thành phim; Tường không phong hàm(1998) là người chiến
sĩ cách mạng Lương Văn Tri, chỉ huy đội du kích Bắc Sơn; Nữ điệp báo Lạng
thành (1999) là nữ chiến sĩ tình báo Ngô Thị Mão dân tộc Tày trong thời kỳ
chống Pháp. Một thời biên ải tập I và II (2000-2008) viết về phong
trào cách mạng ở Lạng Sơn giai đoạn trước và sau Cách mạng Tháng Tám năm
1945; Ngôi nhà của cha (2007) viết về cuộc đời hoạt động cách mạng của
kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh; Hương ngàn (2008) viết về cuộc đời hoạt
động cách mạng của đồng chí Hoàng Đình Giong; Hoa bất tử (2009) viết
về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ; Phò mã Động
Giáp (2010) viết về chính sách Nhu viễn thân dân của triều Nhà
Lý làm phên dậu phía Bắc của Tổ quốc;Dặm dài ải Bắc (2012) viết về cuộc đời
hoạt động cách mạng của chiến sĩ Công an Đào Đình Bảng – Xây dựng thế trận lòng
dân để biên phòng giữ gìn cương vực vững chắc bền lâu. Trong lúc viết bài này
(20-4-2014) tôi nhận được điện thoại của ông từ bệnh viện Hữu nghị Việt Xô Hà Nội
là ông sắp hoàn thành tiểu thuyết thứ 10 sẽ xuất bản vào năm nay ông tròn 80 tuổi
(1934-2014).
2. Tâm huyết cây bút Trường Thanh đã thấm vào từng tấc đất
biên cương Tổ quốc. Từ sau năm 1975 dòng văn chương nước nhà đang ở động thái
chuyển mình mạnh mẽ cùng với sự chuyển biến cách mạng đất nước. Như một mạch ngầm
lặng lẽ, một mình đi về dòng văn chương riêng của ông. Đó là viết tiểu thuyết về
đề tài lịch sử - Lịch sử chiến tranh cách mạng ngay trên mảnh đất biên cương
phía Bắc của Tổ quốc. Tiêu điểm là miền đất Lạng Sơn, tấm phên dậu để giữ nước
của cả dân tộc. Năm 30 tuổi (1964) ông chính thức về Lạng Sơn dạy học, làm báo,
viết văn đến nay đã gần nửa thế kỷ. Năm 1981 ông viết tiểu thuyết lịch sử đầu
tay và viết cuốn tiểu thuyết lịch sử thứ 9 là Dặm dài ải Bắc vào năm
2012, lúc ông tròn 78 tuổi. Xuất phát hành trình văn chương của ông là tình yêu
tha thiết mảnh đất và con người ở xứ Hoa đào này - Ấy chính là tình yêu Tổ quốc.
Ông muốn đem ngòi bút văn chương của mình góp phần bảo vệ và xây dựng từng tấc
đất biên cương, giữ gìn độc lập chủ quyền toàn vẹn cho đất nước. Đây là tư tưởng
nghệ thuật, sợi chỉ đỏ xuyên suốt từng trang tiểu thuyết lịch sử của nhà văn
Trường Thanh. Lạng Sơn có vị trí chiến lược vệ quốc rất trọng yếu đã chứng kiến
một lịch sử lặp đi lặp lại mấy mươi lần quân bành trướng phia Bắc sang xâm lược
nước ta phần lớn đều qua cửa ngõ biên cương này. Gần như các triều đại phong kiến
Trung Hoa : Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, quân bành trướng đương đại…đã
nhiều lần đem đại quân sang xâm lược nước ta, có lần đô hộ đến nghìn năm! Khi
chúng thua chạy hoặc đầu hàng rút quân đều qua miền đất biên viễn thiêng liêng
, anh dũng và nhân ái này. Có thể nói cả chín tiểu thuyết lịch sử của nhà văn
Trường Thanh đều dành nhiều trang nhấn về vị trí chiến lược, tinh thần ái quốc
anh dũng chiến đấu chống ngoại xâm của đồng bào các dân tộc, chủ yếu là dân tộc
Tày, Nùng, Dao…Quê hương Lạng Sơn, nơi mà từng tấc đất, từng tên núi, tên
sông…đều gắn chặt với lịch sử hào hùng chống giặc, thắng giặc ngoại xâm về mọi
mặt quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao của dân tộc. Với tầm nhìn lịch sử, xuất
phát từ tình yêu miền biên viễn đất linh, mang nặng ơn tình Xứ Lạng, nhà văn
Trường Thanh đã quyết tâm niệm dùng ngòi bút của mình viết về truyền thống lịch
sử hào hùng chống ngoại xâm của ông cha, tổ tông, dân tộc ở miền đất biên viễn
này. Bộ tiểu thuyết lịch sử của ông đã toát lên những bài học lịch sử xương máu
rút ra từ nghìn năm, trong đó có mô hình xây dựng Thế trận lòng
dân nơi biên phòng thiết yếu của đất nước. Đây là sự thành công xuất sắc của
nhà văn Trường Thanh trên văn đàn Xứ Lạng hôm nay, góp phần vào nền văn học
đương đại nước nhà. Khép lại trang cuối của bộ tiểu thuyết nhiều quyển, tôi cảm
thấy: Tâm huyết cây bút Trương Thanh như đã thấm vào từng tấc đất biên
cương của Tổ quốc.
3. Đọc qua 20 đầu sách đã xuất bản của ông mà chủ yếu là 9 tiểu
thuyết lịch sử - lịch sử chiến tranh cách mạng chứng tỏ nhà văn Trường Thanh về
mặt tư tưởng nghệ thuật rất thông tỏ và thực hiện đúng theo tinh thần Đề
cương văn hoá Việt Nam năm1943 và nghị quyết 23 Bộ Chính trị khoá X về văn
hoá của Đảng. Không những bản thân thực hiện đúng khi nhà văn cầm bút mà còn vận
động nhiều văn nghệ sĩ làm theo khi ông ở cương vị quản lý Hội VHNT của tỉnh.
Cũng chính từ việc nhận thức đúng về đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng mà nhà
văn Trường Thanh có lúc vấp ngã trên đường đời nhưng ông đã dồn nghị lực tự đứng
dậy chính bằng những trang tiểu thuyết hàn lâm, bổ ích của mình. Những tiểu
thuyết ông viết sau lần vấp ngã lại càng ngồn ngộn chữ nghĩa lại làm sáng thêm
trang đời, trang văn của ông. Sau khi hoàn thành tiểu thuyết “Phò mã Động Giáp”
kịp chào mừng kỷ niệm Nghìn năm Thăng Long báo Người cao tuổi đã
trân trọng đăng kín một trang báo ca ngợi ông là một nhà văn tuổi cao gương
sáng nơi Xứ lạng biên cương. Tác phẩm của ông còn có giá trị cao về mặt văn học.
Nhiều sinh viên và học viên trường đại học Thái Nguyên… thường lấy tiểu thuyết
của ông để viết luận án cử nhân và thạc sĩ.
Có thể thấy cả cuộc đời, kể cả tuổi thanh xuân sung mãn đẹp dẽ
nhất của nhà văn Trường Thanh đã gắn bó với miền đất linh Xứ Lạng thân yêu. Nhà
văn Trường Thanh là một tác giả tiêu biểu, xuất sắc đóng góp nhiều cho nền văn
chương, văn học Xứ Lạng suốt gần nửa thế kỷ qua. Tên tuổi ông đã được bạn đọc cả
nước biết đến với một tình cảm trân trọng, yêu mến.
Nhà văn Trường Thanh đã dành một tình yêu lớn cho Xứ Lạng quê
hương.
Đ.L.H
NGUYỄN NGỌC THIỆN
- Họ và tên khai sinh: Nguyễn Ngọc Thiện
- Sinh ngày 6 tháng 3 năm 1947
- Bút danh: Nguyễn Ngọc Thiện, Thiên Năng, Thi Yên, Thế Uẩn,
Nguyễn Thiện
- Quê quán: Phù Ninh, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh cũ (nay là
Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội). Sinh ra và lớn lên, học phổ thông ở Thị xã
Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc
- Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ 1997)
- Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội (1997); Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam (1999);
Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (1996); Hội viên Hội
Ngôn ngữ học Việt Nam (1997).
- Tác phẩm chính đã xuất bản:
* In riêng: - Văn chương và tác giả (Nxb.
Thanh niên, 1995)
- Tài năng và bản lĩnh nghệ sĩ (Nxb. Hội Nhà văn,
2000)
- Phong cách và Đời văn (Nxb. Khoa học xã hội,
2005)
- Lý luận, phê bình và đời sống văn chương (Nxb. Hội
Nhà văn, 2010)
- Văn chương nghệ thuật và Thẩm mỹ tiếp nhận (Nxb.
Hội Nhà văn, 2015)
- Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân
sinh (Nxb. Khoa học xã hội, 2004)
* Chủ biên: - Vũ Trọng Phụng - Về tác gia, tác phẩm (Nxb.
Giáo dục, 2000)
- Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX, 2 tập (Nxb. Lao động,
2003)
- Lý luận, Phê bình Văn học Việt Nam từ đầu thế
kỷ XX đến 1945 chuyên luận), Nxb. Khoa học xã hội, 2005
- Văn học Việt Nam thế kỷ XX. Quyển V: Lý
luận, phê bình nửa
đầu thế kỷ XX (tuyển), 5 tập, Nxb. Văn học, 2004-2005
- Văn học Việt Nam thế kỷ XX. Quyển
V: Lý luận, phê bình
1945-1975 (tuyển), 5 tập, Nxb. Văn học, 2009-2010
- Văn học Việt Nam thế kỷ XX. Quyển
V: Lý luận, phê bình
1975-2000 (tuyển), 3 tập, Nxb. Văn học, 2010.
- Giải thưởng văn học:
* Giải thưởng Học sinh lớp 10 giỏi Văn tỉnh Vĩnh Phúc, khi học
tại trường cấp III Trần Phú, thị xã Vĩnh Yên, năm học 1962-1963.
* Tặng thưởng của Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật
trung ương năm 2013, 2016.
* Giải thưởng của Hội xuất bản Sách Việt Nam năm
2016.
- Suy nghĩ về nghề văn:
Phê bình văn học tuyệt nhiên không phải là một cuộc rong ruổi
phiêu lưu trên bề mặt văn bản chữ nghĩa với những giây phút thăng hoa, hứng thú
đột khởi. Mà cao hơn thế, phê bình là một hành động của nhận thức, một sự tự ý
thức có chủ đích, đòi hỏi tập trung làm sáng tỏ những vấn đề văn học có ý nghĩa
xã hội, nhân sinh và nghề nghiệp đặt ra từ nơi tác phẩm. Bài phê bình sâu sắc,
có sức thuyết phục cao, vừa cho thấy “con mắt xanh”, tức điểm nhìn và tầm nghĩ
đặc sắc của nhà phê bình khi phóng chiếu vào tác phẩm, vừa khiến người đọc kinh
ngạc về bút lực sung mãn, tinh tế, tài hoa của người viết.
Trong hành trình đầy đam mê và sáng tạo, nhà phê bình không
thể không “rút ruột”, huy động tối đa nội lực tiềm ẩn trong con người vừa là
nhà khoa học vừa là nghệ sĩ của mình, để xuyên qua vỏ ngôn ngữ của văn bản,
thâm nhập vào thần thái của tác phẩm, chỉ ra rằng những dụng ý nghệ thuật của
tác giả có được thẩm thấu vào từng thành tố của tác phẩm hay không; tác phẩm quả
là có những đóng góp mới mẻ cần được khẳng định, ghi nhận hay không; hay giờ
đây nó chỉ là sự chững lại của một tư duy nghệ thuật quen thuộc, một bút pháp
trơn tay đến nhàm lặp?
A - TRONG KÝ ỨC BẠN BÈ
PGS.TS NGUYỄN NGỌC THIỆN – NGƯỜI PHU CHỮ CẦN MẪN
Thùy Dung
Nguyễn Tự Lập gọi ông là “người Thầy có tâm, có tầm, có đức”
; Hồ Sĩ Vịnh ví ông là “người bơi giữa hai dòng chảy” ; Nguyễn Đình Lâm nhắc
tới ông như “người tiếp lửa cho nghề viết”; học trò trân kính ông như cha; giới
đồng nghiệp đặt cho ông cái tên rất dí dỏm - con số 7 may mắn… Ấy là nhà văn,
nhà báo, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện - một trong những cây bút phê bình xuất sắc
trong giới phê bình văn học Việt Nam.
Người con của đất làng Nành, con
rể làng Gốm, sinh tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc
Nhắc đến làng Nành (Nay là Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) người
ta nghĩ ngay đến vùng đất lắm “trai tài, gái sắc”. Bởi nơi đây chính là quê
hương của nhiều vị quan tài ba, cũng là nơi được mệnh danh là “hậu cung của triều
đình”, với công chúa Ngọc Hân, hoàng hậu Nguyễn Thị Huyền và vô số các cung tần
mỹ nữ khác. Đó là mảnh đất thuộc xứ Đông Ngàn, Kinh Bắc- nơi dòng sông Đuống
quanh năm lững lờ trôi chảy, lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống với con
người thuần hậu, đơn sơ. Nguyễn Ngọc Thiện may mắn là một trong số những người
con của vùng đất gìn giữ nhiều nét văn hiến ấy.
Nguyễn Ngọc Thiện sinh năm 1947 tại thị xã Vĩnh Yên, tỉnh
Vĩnh Phúc. Anh xuất thân trong một gia đình trung lưu, cơ chỉ làm ăn. Ông nội
anh là người tính tình khí khái, trọng chữ nghĩa. Ông ngoại anh là thầy đồ dạy
chữ Nho còn bà ngoại là người con gái nết na, có nhan sắc trong làng. Hồi thiếu
nữ, bà được bầu chọn là Tướng Bà trong dịp Hội Đại cuối cùng của tổng Nành (cuối
XIX).
Từ nhỏ, anh và các anh chị em đều được thầy mẹ chăm sóc, cho
ăn học chu đáo. Tiếp thu truyền thống đạo học của gia đình và lời khuyên của
ông cha: gìn giữ gia phong, tu nhân tích đức, lập thân tự học hành để là người
có chữ, có chí… Năm 1963, chàng thanh niên Nguyễn Ngọc Thiện sau khi tốt nghiệp
Trường Phổ thông cấp 3 Trần Phú (thị xã Vĩnh Yên) thi đỗ vào khoa Văn, trường Đại
học Tổng hợp Hà Nội. Sau bốn năm học tập, ra trường, anh về nhận công tác tại
Viện Văn học thuộc Viện Khoa học- Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học
Xã hội Việt Nam). Nguyễn Ngọc Thiện bước chân vào làng nghiên cứu từ đó.
Kể lại khoảng thời gian mới đầu chập chững bước vào nghề, anh
chia sẻ: “Khi ấy, mình là cán bộ trẻ nhất cơ quan, rụt rè, bẽn lẽn lắm. Đi theo
các bậc đàn anh, trưởng thượng như Hoài Thanh, Nam Mộc, Hoàng Trinh, Vũ Đức
Phúc… dự các cuộc họp, các buổi gặp gỡ; mà nhiều người cứ ngỡ mình là con, em
đi tháp tùng các vị cho vui. Chứ không ai nghĩ mình lại là người trong nghề cả…”
Chưa hết thời gian tập sự một năm, anh được gọi đi nghĩa vụ
quân sự. Lúc đầu là lính chiến bộ binh ở Bộ Tư lệnh Thủ đô. Sau quân lực thấy
anh có bằng đại học, lại vốn làm nghề với chữ nghĩa, bèn chuyển anh về Trường sỹ
quan hậu cần. Tại đây, anh đảm nhận các công việc từ giảng viên dạy văn trong
khoa Cơ bản, sỹ quan trợ lý chính trị Ban Tuyên huấn, chủ nhiệm thư viện nhà
trường cho tới biên tập viên, phát thanh viên của Đài truyền thanh nhà trường…
Được hơn 5 năm, sau Hiệp định Paris năm 1973, anh được chuyển ngành trở về công
tác tại Viện Văn học, tiếp tục sinh hoạt chuyên môn trong Ban Lý luận rồi được
kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1975, anh lấy vợ, nguyên là bạn đồng
môn với anh tại trường cấp 2 Tô Hiệu, thị xã Vĩnh Yên. Chị là Trần Thị Bình An,
quê xã Sơn Đông (Kẻ Gốm), huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Anh trở thành con rể
làng Gốm từ đây. Một thời gian sau đó, anh được điều động lên vùng biên giới
phía Bắc làm cán bộ tăng cường của Đảng. Đến năm 1983, anh được cử đi du học
bên Cộng hòa dân chủ Đức, tiến hành nghiên cứu và tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên
ngành lý luận văn học tại trường Đại học Karl-Marx (Leipzig). Sau 4 năm miệt
mài, Nguyễn Ngọc Thiện hoàn thành xuất sắc khóa học nghiên cứu sinh. Trở về Việt
Nam, anh được kết nạp là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam (1997) và tiếp tục
trở lại với lĩnh vực nghiên cứu, phê bình trong vai trò Trưởng Ban lý luận tại
Viện nghiên cứu Văn học.
Cây bút trưởng thành xuất sắc
của văn đàn Việt Nam
Nguyễn Ngọc Thiện bắt đầu nghiệp “phu chữ” bằng những bài tiểu
luận, phê bình trên một số báo chí ở Trung ương và tham luận ở các cuộc hội thảo
khoa học. Sau 50 năm cần mẫn như con tằm se kén, kéo tơ, đến nay, ông đã sở hữu
một khối lượng công trình nghiên cứu không hề nhỏ. Đặc biệt, phải kể đến: Văn
chương và tác giả (Tiểu luận, phê bình) 1995, Tài năng và bản lĩnh
nghệ sĩ (Nghiên cứu và phê bình) 2000, Phong cách và đời văn (Tiểu luận,
phê bình) 2005, Lý luận phê bình và đời sống văn chương (Tiểu luận phê
bình) 2010, Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh (Chuyên
luận) 2004, Văn chương nghệ thuật và thẩm mỹ tiếp nhận 2015. Bên cạnh đó,
ông cũng là chủ biên của nhiều cuốn sách: Tuyển tập phê bình, nghiên cứu văn học
Việt Nam 1900-1945, 5 tập; Hoài Thanh- Bình luận văn chương; Tranh luận văn nghệ
thế kỷ XX, 2 tập; Vũ Trọng Phụng- Về tác giả tác phẩm; Lý luận phê bình Văn học
Việt Nam thế kỷ XX- 13 tập… cùng nhiều tác phẩm lý luận, phê bình văn học
khác…
Nghiên cứu một hiện tượng văn học, ông luôn trung thành với
nguyên tắc “Một cái nhìn mang tính biện chứng lịch sử và hướng tới sự phát triển
của bản thân, luôn luôn là một yêu cầu thống nhất hữu cơ, không thể chỉ nhấn mạnh
phiến diện một phía nào”.
Theo Nguyễn Ngọc Thiện, văn học nghệ thuật là một hình thái
nghệ thuật đặc thù bằng ngôn từ, chứa đựng tài năng, tâm huyết của người
nghệ sĩ, được ấp ủ, thai nghén và sinh thành, tồn tại trong nhiều mối quan hệ
đan cài nhau, nhằm thể hiện khát vọng của con người trong sự tìm kiếm , vươn tới
và sáng tạo theo quy luật của cái đẹp, cái chân, cái thiện. Vì vậy, để phê bình
được thì phải nhìn mọi thứ dựa trên tổng thể, bao quát, không thể chỉ thấy điểm
mà không thấy diện; phải vừa biết kế thừa, chọn lọc, vừa nâng cao, bổ sung…
Những bài viết của ông có sức đằm sâu, gợi ra nhiều vấn đề để
suy nghĩ, bàn luận. Ông phê bình trên cơ sở hiểu sâu con người nhà văn và khảo
sát tác phẩm một cách đầy đủ, có hệ thống, không bị sa vào nhận định chung
chung. Ngòi bút phê bình Nguyễn Ngọc Thiện có chất văn, đặc biệt là khi phê
bình tiểu thuyết, nhiều trang viết đầy cảm hứng, lôi cuốn. Ngoài việc cung cấp
những tư liệu mới, Nguyễn Ngọc Thiện còn đóng góp vào đời sống văn học những kiến
giải mới của mình.
“Lội ngược dòng” để đi tìm chân-
thiện- mỹ
Say mê đào sâu nghiên cứu di sản văn học dân tộc, từ đó tìm
ra điểm hay, cái hợp lý để kế thừa và nâng cao. Có lẽ ai cũng thừa nhận đây là
cách đi đúng hướng, có điều phải công phu, nhất là ở khâu đi tìm tài liệu gốc.
Làm lý luận văn học, nghệ thuật nhất là chủ biên công trình đối với Nguyễn Ngọc
Thiện không phải dùng danh xưng của mình, tập hợp một số tư liệu, bài viết,
thành con số cộng hay khi có tài liệu “tam sao thất bản”, vẫn được sự hỗ trợ
kinh phí nhà nước, in thành những tập sách dày cộp nhưng thiếu ý tưởng…; mà là
lối bơi ngược dòng, tìm tòi, khảo sát, chỉnh lý mới tìm ra được văn bản gốc,
tương đối chính xác, tổ chức thành hệ thống với cách nhìn khả biến và quan điểm
biện chứng. Tiêu biểu là chuyên luận Nhìn lại cuộc tranh luận nghệ thuật
1935 - 1939 - Công trình tổng kết cuộc tranh luận văn nghệ lớn nhất
và quan trọng nhất đầu thế kỷ XX, được giới khoa học đánh giá cao năng lực khái
quát, phương pháp tổ chức tư liệu nhờ sự chỉ đạo của phương pháp luận mácxít…
Với Nguyễn Ngọc Thiện, chủ biên trong vai trò người chủ xướng
một đề tài lớn phải thực sự là người lao động có trí tuệ năng động, có phương
pháp tư duy thực chứng, lại tập hợp được đội ngũ nghiên cứu tâm huyết đáp ứng
được xã hội có nhu cầu, đòi hỏi của xã hội... Điều này từ thế kỷ XVII, R.
Decartes gọi là duy lý thực tiễn, tức là muốn làm một công trình khoa học, thì
phải có tầm nhìn khái quát qua ba công đoạn: nhu cầu (besoin), năng lực
(capacité), và hành động (action). Về mặt này ông giống như một nhà tư liệu học
khả kính đáng tin cậy.
Là học trò của cố nhà phê bình văn học Hoài Thanh, ông luôn
tâm niệm “ phải tận dụng thời gian, hết lòng làm việc cho cái chuyên môn mà
mình theo đuổi, để khi sức tàn lực kiệt, có thể mãn nguyện là mình đã làm
được chút gì có ích cho cuộc đời chung”. Với ông, để nghiên cứu được văn
chương, phải chịu khó tìm tòi, tự mình tìm đọc các văn bản, tác phẩm, đọc đi đọc
lại nhiều lần, để thẩm thấu được cái hồn, cái thần của nó. Khi đọc phải tĩnh
tâm, thành thực với mình, với người, an nhiên, tự tại. Bên cạnh khả năng thiên
bẩm thì việc trui rèn, luyện tập cũng vô cùng quan trọng. Mình phải lao động dựa
trên câu chữ của người ta, nghiên cứu kỹ lưỡng từng câu, từng dòng, từ cách diễn
đạt đến tư tưởng, tình cảm của người viết… Từ đó mà tìm ra những điều sâu xa ẩn
chứa mà tác giả tâm huyết gửi gắm trong câu chữ.
Ngoài cương vị của một nhà khoa học, nhà văn, nhà phê bình
văn học; PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện còn được mọi người biết đến là một nhà giáo
ưu tú với kinh nghiệm giảng dạy phong phú hiếm có. Trong ngót 30 năm làm “nghề
giáo” của mình ông đã giảng dạy và hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh, nhiều học viên
cao học, chuyên tâm học tập để có học vị tiến sĩ, thạc sĩ văn chương,…
cho ra đời nhiều luận văn, luận án có giá trị nghệ thuật và chuẩn mực khoa học
được đông đảo giới chuyên môn tán thưởng và công nhận.
Không chỉ tập trung nghiên cứu, giảng dạy, ông còn cần mẫn
chuyển mình cả trong lĩnh vực báo chí. Tham gia công tác báo chí từ cách đây đã
10 năm, hiện PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện đang đảm nhiệm vị trí Tổng biên tập Tạp
chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam - một trong những tạp chí
văn nghệ tổng hợp hàng đầu của giới văn nghệ cả nước. Tạp chí từ thời ông lãnh
đạo đã từng bước đổi mới ngày một chuyên nghiệp về nội dung, chỉn chu về hình
thức, xứng tầm một tạp chí văn nghệ đầu ngành mang tính chất mẫu mực. Về hình
thức, từ mục lục đến trang bìa, từ chú thích đến tên chuyên mục được đặt đầu
trang bìa được trình bày rất chuyên nghiệp và khoa học đạt chuẩn trong nước và
quốc tế. Vì tổng biên tập là một nhà khoa học nên uy tín của Diễn đàn Văn
nghệ Việt Nam ngày càng được coi trọng. Các bài đăng trên tạp chí đều
được tính điểm cộng cho các công trình khoa học…
Nếu phải dành một từ để nói về Nguyễn Ngọc Thiện, có lẽ đó
chính là “người phu chữ”, hàng ngày cần mẫn lĩnh hội, thẩm thấu, góp nhặt, chắt
lọc từng chút kiến thức để rồi đúc kết chúng trong từng câu chữ một cách cô đọng
và sâu sắc nhất, lưu lại giá trị mãi cho đời.
T.D
GÓP NHẶT TRÊN TỪNG TRANG SÁCH, VIẾT LÊN NHỮNG TRANG ĐỜI
(Một vài suy nghĩ khi đọc Văn chương, Nghệ thuật
và Thẩm mỹ tiếp nhận của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện)
Nguyễn Thị Bình
Tỉ mỉ, chắc chắn, uyên bác, tài hoa là cảm nhận của tôi khi đọc
tác phẩm Văn chương, Nghệ thuật và Thẩm mỹ tiếp nhận (Tiểu luận
- Phê bình Văn học) của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, NXB Hội Nhà văn Việt Nam, năm
2015. Có lẽ không chỉ riêng tôi, mà những ai có hân hạnh được đọc tác phẩm này,
hẳn sẽ đều có chung cảm nhận như vậy! Và hơn thế, cuốn sách thuyết phục người đọc
không chỉ bởi sự công phu, khoa học và minh triết của một nhà Lí luận Phê bình
văn học chuyên nghiệp, mà bởi sự tinh tế trong năng lực cảm thụ thẩm mỹ của tác
giả- Một người cẩn thận, chỉn chu trong cuộc sống cũng như trong khoa học.
Là nhà nghiên cứu, phê bình gắn bó với thực tiễn, có sự
từng trải về vốn sống, với kiến văn rộng rãi, uyên thâm, cho đến thời điểm này,
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện đã in riêng 06 cuốn và chủ biên hơn 20 đầu sách về Lý
luận Phê bình văn học (Chưa kể 36 đầu sách in chung). Nhìn vào “gia tài” lao động
nghệ thuật đồ sộ của ông quả là đáng nể phục. Đọc Văn chương, Nghệ
thuật và Thẩm mỹ tiếp nhận của ông, tôi đi từ khâm phục này đến khâm phục
khác và chợt ngộ ra rằng: công việc của người làm công tác Lí luận Phê bình Văn
học, Nghệ thuật ngoài kiến văn sâu rộng, còn đòi hỏi sự tỉ mỉ, kĩ càng, công
phu, uyên bác; đòi hỏi tư duy khoa học mạch lạc, lịch lãm, nhân văn. Đó là lý
do vì sao mỗi trang sách của ông lại cuốn hút độc giả đến vậy!
Tác phẩm Văn chương, Nghệ thuật và Thẩm mỹ tiếp nhận của
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện là một công trình khoa học công phu, giầu tính thẩm mỹ,
dầy trên 400 trang, tập hợp những thành quả mà ông đã dụng công nghiên cứu
trong 05 năm qua (2010-2015), đã được công bố tại các hội thảo khoa học quốc
gia và công bố trên các sách, báo, tạp chí Trung ương. Sách chia ba phần:
Phần I: Tuyển chọn các bài Tiểu luận Phê bình Văn học về các
tác giả, tác phẩm văn chương Việt Nam hiện đại, nhìn dưới góc độ của sự đọc
chuyên nghiệp và thẩm mĩ tiếp nhận.
Phần II: Tập hợp các bài phỏng vấn, nghiên cứu phê bình
từ trước đến nay về tác gia văn xuôi Ma văn Kháng- Một cây bút “lực lưỡng” của
văn học hiện đại việt Nam.
Phần III: Gồm những bài tiểu luận phê bình về nâng cao chất
lượng, tính chuyên nghiệp và hiệu quả của báo chí văn nghệ Việt Nam đương
đại.
Ba phần của cuốn sách là ba mảng tưởng như riêng rẽ mà nhất
quán được hình thành bởi tư duy khoa học của một người toàn tâm, toàn ý cho sự
nghiệp Lý luận Phê bình Văn học, Nghệ thuật. Đọc sách của PGS.TS Nguyễn Ngọc
Thiện, tôi hiểu, là một người của khoa học cho nên trước hết, ông rất tâm huyết
sẻ chia với lao động nghệ thuật, lao động khoa học của những bậc chân tài. Ông
học hỏi, kế thừa, tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm từ những đấng, bậc tôn kính
đi trước (Hoàng Xuân Nhị, Hoàng Trinh, Hà Minh Đức, Đinh Gia Khánh…). Ông trân
trọng, nâng niu từng chút tốt đẹp trên từng trang sách của những bậc tài danh,
đi sâu khám phá, bình giải những giá trị nội dung, nghệ thuật, giúp người đọc
thấu hiểu hiểu hơn về tác phẩm, mở rộng, nâng cao tri thức và thị hiếu thẩm mỹ.
Cũng vì vậy, đối với người đọc - bạn đồng hành, đồng sáng tạo của nhà văn, ông
đòi hỏi ở họ sự hoàn thiện thẩm mỹ trong tiếp nhận tác phẩm văn chương nghệ thuật.
Ông hiểu sâu sắc công việc của người sáng tác, nên luôn xem xét tác phẩm trong
mối quan hệ với chỉnh thể nghệ thuật một cách uyển chuyển, thực chứng, không cứng
nhắc, áp đặt. Những bài của ông, dù viết về lĩnh vực nào cũng đều đem đến cho
người đọc một cảm quan thẩm mĩ, một tư duy khoa học nhất quán, thuyết phục.
Ở phần I, ông dành quá nửa số trang của cuốn sách luận bàn
xoay quanh những vấn đề về lĩnh vực Lý luận Phê bình Việt Nam. Từ việc nhìn
nhận, đánh giá và hệ thống hóa các thành tựu Lý luận Phê bình văn học Việt Nam
từ đầu thế kỉ XX đến nay, đến việc việc hướng dẫn người học Văn chọn đề
tài Khóa luận, Luận văn, Luận án; Từ việc nghiên cứu về một tác giả tiêu biểu,
đến những bài viết đi sâu tìm hiểu giá trị nội dung, nghệ thuật của một tác phẩm…
đề tài nào cũng được ông tiếp cận và tự biện một cách thấu đáo, khoa học theo
kiểu “Nói có sách, mách có chứng”. Ở trang đầu mỗi bài đều có chỉ dẫn xuất xứ,
cuối mỗi trang có chú thích cụ thể, tường minh. Làm như vậy, một mặt đem lại độ
tin cậy cho độc giả, mặt khác, kích thích, khơi gợi trí tò mò, lòng say mê khoa
học đối với những ai muốn tìm hiểu nghiên cứu kĩ vấn đề.
Thông thường, tác phẩm Lý luận Phê bình rất kén độc giả, hay
nói cách khác là đọc rất khó vào. Nhưng đọc sách của PGS.TS Nguyễn Ngọc
Thiện, người đọc sẽ cảm thấy thích thú, đọc rồi cứ muốn đọc lại, đọc mãi bởi
cái cách dẫn dắt khoa học vừa lôgic, lại rất có duyên của ông. Rõ nhất là
cách ông đặt và giải quyết vấn đề rất chặt chẽ, khéo léo, sát đối tượng. Vì vậy,
những vấn đề nêu ra, đều được giải quyết triệt để, có lý, có tình. Ở nhiều bài,
sau khi đánh giá những mặt được và chưa được, bao giờ ông cũng đưa ra kiến nghị
hoặc đề xuất những giải pháp hữu hiệu, thuyết phục. Hệ thống luận điểm, luận cứ
ở từng bài rất logic, nhất quán. Tất cả được soi sáng bởi những thực chứng rõ
ràng, hợp lý, luôn làm hài lòng độc giả. Trên tinh thần thực sự cầu thị, ông
tôn trọng sự đối thoại văn hóa, dân chủ và không hề né tránh phản biện, tranh
luận, nhằm bảo vệ ý kiến đúng đắn của mình, và cái chính để đạt tới sự trung thực,
khách quan, minh bạch trong khoa học. Bài Về các tiểu luận cho là của
Lê Tràng Kiều trong Văn chương và hành động (Trao đổi ý kiến với Anh Chi),
hoặc bài Từ một công trình ngụy khoa học (Về luận văn Thạc sĩ của Đỗ
Thị Thoan)… là những minh chứng cho cái tâm, cái tầm và tài năng của một nhà
khoa học chân chính.
Là người tâm huyết, chí thú với nghề nghiệp mà mình theo đuổi,
lại có bản lĩnh khoa học vững vàng, độc lập, những trang viết của PGS.TS Nguyễn
Ngọc Thiện đã cho độc giả thấy rõ quan niệm, nguyên tắc, ý nghĩa xem xét tác phẩm,
tác giả trong tính toàn vẹn của chỉnh thể nghệ thuật. Từ đó hướng độc giả tới sự
hoàn thiện thẩm mỹ trong tiếp nhận tác phẩm. Với tư duy sáng tạo và bản
lĩnh nghề nghiệp, ông luôn biết chọn cho mình cách thể hiện phù hợp với đối tượng,
khám phá những giá trị đích thực và đề cao cái đẹp của tác phẩm từ nội dung đến
hình thức. Đọc sách của ông, độc giả còn đọc được yêu cầu và mong muốn của ông
về thẩm mỹ tiếp nhận. Và một trong những yếu tố làm nên thành công của cuốn
sách là: ông biết cách thu hút người đọc bằng lối viết riêng biệt, dồi dào bản
lĩnh, vừa khúc chiết, khoa học vừa đậm đà chất văn.
Phần II của sách, tác giả dành nhiều tâm huyết, khám phá, cảm
nhận, nâng niu chăm chút đời văn, đời người của cây bút văn xuôi nổi tiếng Ma
Văn Kháng- Người vinh dự được tặng Giải thưởng Văn học Nhà nước (2001), Giải
thưởng Văn học Đông Nam Á (1998), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật
(2012) và cũng là người bạn vong niên ông hằng kính trọng. Đọc những trang viết
về Ma Văn Kháng của ông, ta càng hiểu và trân trọng tấm lòng, tình cảm của ông
với một bậc văn tài. Đặc biệt, bằng cái nhìn tinh tế và trái tim nhạy cảm, ông
giúp người đọc định hình một cách rõ nét con người và sự nghiệp của một tác gia
văn học “lực lưỡng” tiêu biểu; thẩm thấu những giá trị tinh thần mà nhà văn đã
cống hiến hết mình cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà. Theo đánh giá của
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, Ma Văn Kháng đã tạo dựng phong cách riêng của một
cây bút hiện thực - cảm thương, từng trải, tinh tế mà gan ruột, đằm thắm. Văn
chương ông sống động, truyền đạt xác thực nhân cách và bản sắc dân tộc đa dạng
trong cái nhìn,nếp cảm, lối nghĩ, vừa cá biệt, vừa tiêu biểu cho chân dung của
nhiều hạng người Việt Nam từ miền ngược đến miền xuôi…Viết về Ma Văn Kháng, ông
đã trút tất cả tâm hồn tình cảm của mình lên trang viết. Dường như ông thấu hiểu
không chỉ nội dung, nghệ thuật của từng tác phẩm mà còn hiểu cặn kẽ tất cả những
yếu tố làm nên giá trị tác phẩm. Ông lật xới cả những vỉa tầng ý nghĩa ẩn chứa
đằng sau câu chữ, để tìm cho ra giá trị đích thực của tác phẩm. Đọc truyện ngắn
“Người giúp việc” ông thật sắc sảo khi nhận ra Cái sâu sắc, thâm trầm của
truyện là ở chỗ khác, khá bất ngờ: phải chăng nhà văn nhắc nhở rằng vị tha là
lòng tốt, song cần có như một sự đi đôi với nó là lòng tự trọng. Một khi thiếu
đi vế sau, thì nhân danh lòng vị tha, con người có thể có nguy cơ trở thành đồng
hành với thói tự ty, nô lệ, tự đánh mất mình mong vừa lòng người khác mà chưa
chắc đã được tiếp nhận.
Tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp của Ma Văn Kháng, khẳng
định vị trí, tài năng của nhà văn trong đời sống xã hội hôm nay và mai sau,
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện đã góp phần định vị một chân dung văn học “lực lưỡng”
trong dòng chảy văn học Việt Nam hiện đại. Những nhận xét, đánh giá xác đáng của
ông về tác giả tài danh này có tác dụng khơi gợi, dẫn dắt, định hướng thẩm mĩ
cho độc giả. Qua đó, ta cũng thấy được tầm vóc và bản lĩnh học thuật của ông
khi nhận ra chân giá trị trong mỗi tác phẩm của nhà văn. Bởi vậy, theo thiển ý
của tôi, khó ai có sự thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia với nhà văn Ma Văn Kháng đến
tận chân tơ, kẽ tóc như PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện.
Trong phần III của cuốn sách, ông dành chia sẻ những kinh
nghiệm và những băn khoăn, trăn trở của mình, nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp
của báo chí Văn nghệ Việt Nam. Với lập luận sắc bén, cập nhật, hiện đại,
hai mảng đề tài mà ông tập trung phản ánh: Về tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt
Nam và Thực trạng và mấy vấn đề về báo chí văn học đã đem lại
cho độc giả một cái nhìn bao quát về thực trạng chất lượng báo chí văn nghệ
trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, ông đặt ra những yêu cầu bắt buộc đối với
báo chí, tất cả vì một sự nghiệp văn nghệ, báo chí chất lượng cao: Hay và đẹp,
là hàng hiệu, là sản phẩm cao cấp…Càng yêu cầu cao đối với báo chí, ông càng
không bằng lòng với sự cẩu thả, kém cỏi, làng nhàng, “không sạch nước cản”
trong sáng tạo nghệ thuật. Đối với ông, báo chí văn nghệ đòi hỏi phải có sự tao
nhã, thăng hoa, vừa có tính chuyên nghiệp vừa có tính thẩm mỹ. Có thể nói, những
kiến thức, kinh nghiệm ông đúc rút được trong quá trình tác nghiệp là những bài
học quý cho những người làm công tác báo chí, khoa học. Những quan điểm, kiến
nghị, giải pháp ông đưa ra rất tâm huyết, nhất quán, xác thực, giàu sức
thuyết phục, giúp người đọc có một cái nhìn toàn cảnh, xuyên suốt và tin cậy về
những vấn đề báo chí và văn nghệ được đề cập.
Những ai từng tiếp xúc với PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện đều có
chung cảm nhận: trong cuộc sống đời thường, ông rất chân tình cởi mở, sống tận
tâm hết lòng vì mọi người. Nhưng trong công việc, nhất là những việc liên quan
đến khoa học, ông rất nghiêm khắc, không chấp nhận bất cứ một sự cẩu thả, hời hợt
nào, dù nhỏ.
Là người bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Ngữ văn tại Đức, lại
có thâm niên gắn bó với Báo chí, Văn nghệ, mười năm làm Tổng biên tập Tạp chí
Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, là ủy viên Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học Trung
ương và tham gia công tác đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ ngành Ngữ văn, trước hết,
ông tự đặt cho mình những yêu cầu nghiêm ngặt trong khoa học. Sau nữa, ông cũng
muốn các thế hệ học trò của ông, kể cả độc giả cần phải tuân thủ những yêu cầu
đó. Vậy nên được học ông, được tiếp xúc và được đọc sách của ông, người ta sẽ cảm
thấy “lớn” lên rất nhiều
Văn chương, Nghệ thuật và Thẩm mỹ tiếp nhận bao
quát nhiều vấn đề lớn, nhỏ trong lĩnh vực Lý luận, Phê bình. Với lý lẽ sắc sảo,
bằng cái nhìn trầm tư, sâu lắng, pha chút hỏm hỉnh, mỗi trang viết của PGS.TS
Nguyễn Ngọc Thiện được chắt lọc từ bề dầy kiến thức, chiều sâu kinh nghiệm,
chiều dài của sự từng trải, nên hội tụ cảm xúc, đậm đà chất văn và mang tính thẩm
mỹ cao. Đặc biệt, ở nhiều bài còn có hệ thống ảnh minh họa đẹp và trang nhã.
Bìa 1 của sách là bức ảnh ông chụp trong chuyến khảo sát ở Nga năm 2014, càng
cho thấy sự tinh tế trong năng lực thẩm mỹ của ông.
Là người tâm huyết, chí thú, say mê khoa học và đã đạt được
những thành quả nhất định trong lao động nghệ thuật, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện vẫn
ngày ngày miệt mài, góp nhặt trên từng trang sách, viết lên những trang đời. Tập
tiểu luận phê bình Văn chương, Nghệ thuật và Thẩm mỹ tiếp nhận của
ông chắc chắn sẽ có sức sống lâu bền trong lòng độc giả. Mong ông dồi dào sức
khỏe và thành công trên chặng đường Lý luận Phê bình mà ông suốt đời thủy chung
gắn bó!
N.T.B
B - MỘT SỐ TÁC PHẨM TIÊU BIỂU
VẤN ĐỀ NGƯỜI ĐỌC – TIẾP NHẬN TRONG
LÝ LUẬN TIỂU THUYẾT Ở VIỆT NAM TỪ ĐẦU THẾ KỶ
XX CHO ĐẾN NAY
I
Cùng với việc xác định định nghĩa tiểu thuyết với những khả
năng và đặc trưng loại biệt về thể loại, phân loại tiểu thuyết dưới nhiều góc độ,
đi sâu vào những phương diện thuộc nội dung và nghệ thuật tiểu thuyết- tức những
mối quan hệ giữa tiểu thuyết và hiện thực đời sống, tiểu thuyết và tác giả; cấu
trúc bên trong của tiểu thuyết- thì một phương diện khác của lý luận về tiểu
thuyết cũng được xem xét đến. Ấy là những vấn đề xung quanh việc tiếp nhận tiểu
thuyết- thuộc quan hệ giữa tiểu thuyết và người đọc.
Trong giai đoạn đầu của lý luận tiểu thuyết ở Việt Nam,
người đọc đã được quan tâm đề cập, nhưng được xem như là đối tượng tiếp nhận thụ
động văn bản tác phẩm do tác giả sáng tạo và đưa tới. Đọc tiểu thuyết là tìm đến
sự giải trí, tiêu khiển, bồi dưỡng và nâng cao những tình cảm đạo đức hướng thiện,
lành mạnh trong khuôn khổ đạo lý truyền thống của dân tộc.
Sang thế kỷ XX, trong hai thập niên đầu, quan niệm được khai
mở từ Nguyễn Trọng Quản vẫn được tiếp tục duy trì và khẳng định.
Tòa soạn báo Nông cổ mín đàm khi ban hành thể lệ cuộc
thi tiểu thuyết năm 1906, đã lưu ý truyện viết phải căn cứ vào nhân vật, phong
tục xã hội hiện thời, cho người đọc cảm thấy dường như là truyện có thật vậy,
nêu cao cang thường, luân lý, nhân duyên thiện ác, cha con vợ chồng hòa hợp, ân
báo ân, oán báo oán rành mạch, không hoang đường, dị đoan.
Trương Duy Toản, trong Lời tựa tiểu thuyết Phan
Yên ngoại sử, tiết phụ gian truân (1910) quan niệm tiểu thuyết phải giúp
người đọc thoát khỏi những ám ảnh mộng mị, dị đoan, hoang tưởng, phải phân minh
trong lập trường chính tà, báo ứng trong khi sắp bày những truyện chí mới, tức
những chuyện nhãn tiền đương thời.
Trần Thiên Trung, khi viết Hoàng Tố Oanh hàm oan (1916)
cũng khẳng định truyện của ông “nói về việc trong xứ mình, dùng tiếng tầm thường
cho mọi người dễ hiểu”, tuy ít nhiều “đồ thuyết” - tức như cách nói ngày nay là
hư cấu, tưởng tượng- nhưng không phải là dị đoan, phóng đãng, vu khoát.
Và lần đầu tiên, Trần Thiên Trung đề cao vai trò tích cực của
người đọc, không một chiều bị cuốn theo tác giả trong tác phẩm, mà cần có ý kiến
độc lập, phản biện. Ông thực lòng đề nghị người đọc khi đọc tác phẩm tiểu thuyết
này của ông “chỗ nào có sơ siểng xin chư quí vị khán quan dung túng”.
Phạm Quỳnh, cây bút dịch thuật, biên khảo lý luận về tiểu
thuyết dành nhiều sự quan tâm đến người đọc. Ông cho rằng sự tả chân, tả thực
trong văn chương phương Tây mà ta cần học tập, dùng vào việc viết tiểu thuyết
ngày nay là rất đắc địa. Nếu văn chương ta ngày trước ít dùng lối tả thực, xem
đó là tầm thường, mà thiên về sự “mập mờ phảng phất, phiến diện, huyền diệu” -
thì ngày nay muốn hấp dẫn và làm cảm động người đọc phải “lấy sự tả chân làm cốt”.
Phạm Quỳnh khen ngợi đoản thiên tiểu thuyết của Phạm Duy Tốn đã đi theo lối văn
đó, các truyện của tác gia này “như một tấm ảnh phản chiếu các chân tướng như hệt”,
chứ không phải viết “lối phá bút”.
Phạm Quỳnh nhận ra đặc sắc của văn chương tả thực Phạm Duy Tốn
là ở chỗ tác giả không xuất hiện hoặc can thiệp. Trong khi kể lại câu chuyện,
“không cần phải nghị luận xa xôi”, mà để sự thật trong truyện nói với người đọc
và người đọc từ đó cũng bị cuốn theo và có sự biểu lộ tự thân. “Phàm văn chương
đã tả hết các cảnh thực là tự khắc có cái sức cảm động vô cùng” - họ Phạm khẳng
định từ thực tiễn sáng tác của Phạm Duy Tốn. Ông khen ngợi đoản thiên tiểu thuyết
của Phạm Duy Tốn là những bài tả thực tuyệt khéo và đã tôn trọng sự tiếp nhận độc
lập, chủ quan từ nơi người đọc. Tác phẩm của Phạm Duy Tốn khi trình bày “đối
hai cảnh trái ngược nhau như bằng hai bức tranh trước mắt người ta” thì người
ta sẽ “tự khắc xảy ra một cảm giác tức giận, cái tư tưởng thống mạ kẻ “chễm chệ”
này không biết thương lúc “lấm láp” kia.
Chuyên luận Khảo về tiểu thuyết của Phạm Quỳnh đăng
trên Nam Phong 1921 là một công trình nghiên cứu công phu, minh triết.
Lần đầu tiên ông làm rõ khái niệm về “người đọc”. Ngay trong định nghĩa về tiểu
thuyết do ông đưa ra cũng bao hàm phạm vi cần phải quan tâm khi viết tiểu thuyết
là phải “đủ làm cho người đọc có hứng thú”. Tiếp đó, khi diễn giải các phương
diện kết cấu, phô diễn, phân loại tiểu thuyết ông đều không quên đứng về phía
người đọc mà yêu cầu. Ví dụ:
Về kết cấu: “Truyện kết cấu ra, nghĩa là có sự sửa sang xếp đặt
cho có ý nghĩa, có hứng thú hơn, nhưng dẫu không phải là việc thực mà phải khiến
cho người đọc có cái cảm giác rằng những việc ấy có thể xảy ra như thế được,
không có gì là hoang đường, kỳ dị, không có gì là trái ngược với lẽ thường vậy”.
Về phô diễn: “Phô diễn tức là hành văn. Văn tiểu thuyết chú
trọng nhất là lối tự sự, mà cũng có tham dụng những lối tả cảnh, tả tình, vấn
đáp… dù dùng lối nào cũng phải cốt lấy được tự nhiên, cho có linh động, khiến
cho người đọc có cái cảm giác như trông thấy, nghe thấy người thực, việc thực vậy”.
Về phân loại: Sau khi Phạm Quỳnh chia tiểu thuyết làm ba loại
lớn: ngôn tình, tả thực và truyền kỳ, ông giả định rằng loại tiểu thuyết truyền
kỳ có thể thích hợp với người đọc ở ta hiện nay hơn cả, nên chăng chú trọng
phát triển loại tiểu thuyết này hơn so với hai loại kia. Ông viết: “trong ba loại
tiểu thuyết kể trên, có lẽ loại truyền kỳ là người mình có thể luyện tập, có thể
bắt chước dễ hơn cả, một là vì loại này gần giống với các tiểu thuyết Đông
phương ta hay ưa những việc kỳ quái, khác thường, hai là loại này không trọng
văn chương lắm, vừa thích hợp với trình độ một lối văn còn non nớt như văn ta,
thử ngoại lại còn được cái hay, cái lợi là có thể gián tiếp giúp cho sự phổ
thông giáo dục. Dám khuyên các nhà làm tiểu thuyết ta nên chú ý vậy.
Kết luận chuyên khảo về tiểu thuyết rất có giá trị nói trên,
Phạm Quỳnh dành ít dòng bàn về triết lý của tiểu thuyết và ảnh hưởng của tiểu
thuyết đối với người đọc, với xã hội.
Dựa vào tư tưởng triết học của nhà triết học Anh Ba-con về ý
hướng của con người từ bao đời nay là không bằng lòng với thực tại, luôn khát
khao mơ ước, tưởng tượng về một cuộc đời đẹp đẽ, thú vị hơn, Phạm Quỳnh khẳng định
một nguyên lý căn bản của tiểu thuyết mà ông gọi là triết lý sâu xa của tiểu
thuyết, xét về phía người đọc. Ấy là tiểu thuyết chú trọng tạo dựng nên một cuộc
sống khác để người đọc khi đọc nó, nhập vào, sống với thế giới đó, vươn tới những
cái cao thượng, tốt đẹp. Tiểu thuyết giúp cho người đọc phát triển hoàn nguyên,
hoàn thiện bản tính người của mình. Đọc tiểu thuyết là sống với thế giới và con
người do tiểu thuyết tạo dựng, chia sẻ, đồng cảm và phán xét thế giới ấy, tự
nhân lên chiều kích sống đích thực nhân bản nơi mỗi một người đọc; biến tiểu
thuyết từ chỗ là “vật tự nó” thành “vật cho ta”. Mỗi người đọc tìm thấy trong
tiểu thuyết ý nghĩa riêng, sâu xa, thú vị đối với mình. Văn bản tiểu thuyết
phát huy nghĩa tiềm năng qua sự đọc tích cực: “Tiểu thuyết dẫu thuộc về lối tả
thực đi nữa, cũng là đặt ra một truyện khác với việc thường của mọi người, khiến
cho người ta trong khoảng thời gian hoặc dài hoặc ngắn cầm quyển truyện trên
tay đọc, thoát ly được ra ngoài cái đời mình mà cùng với người trong truyện hoặc
vui hoặc buồn, hoặc sướng hoặc khổ, hoặc đi viễn du những nơi xa đất lạ, hoặc
ngồi hồi tưởng những việc cũ, việc xưa. Tiểu thuyết hay thời người đọc trong
lúc đọc tưởng như không phải là mình nữa, mà tưởng là một người trong truyện vậy.
Tiểu thuyết phải đến với người đọc, được người ta tìm đọc vì
thấy nó hay, thú vị, hấp dẫn. Đọc tiểu thuyết, người đọc sống một lần nữa với
thế giới và nhân vật của tiểu thuyết bằng tất cả kinh nghiệm sống, tâm hồn, trí
tuệ của mình. Họ nhập vào đó và thấy mình như cùng được can dự vào bởi đó cũng
là cuộc sống của họ, là truyện với những vấn đề của họ, khiến họ phải quan tâm
và bày tỏ thái độ.
Phạm Quỳnh vừa thấy các phương diện của tiểu thuyết hay tác động
tích cực vào người đọc cá nhân: tiêu khiển giải trí, mở mang việc học, suy xét
việc đời. Tuy nhiên không chỉ xét về phía một cá nhân người đọc khi đến với tiểu
thuyết, Phạm Quỳnh đồng thời lưu ý đến người đọc số đông, người đọc của toàn xã
hội. Ông không tán thành loại truyện dở, làm cho người ta hoàn toàn thoát ly,
quay lưng với cuộc sống, băng hoại phong tục tập quán xã hội. Tiểu thuyết hay
là phải gắn bó với cuộc đời, với mỗi người và với toàn xã hội “có cái
trách nhiệm duy trì cho xã hội, dìu dắt cho quốc dân”. Nếu không vậy, dù
văn chương có hay đến đâu, tiểu thuyết sẽ gây ảnh hưởng xấu cho đất nước và xã
hội, “có tội với quốc gia, với danh giá vậy”.
Có thể thấy rằng với Khảo về tiểu thuyết, lần đầu
tiên trong lý luận về tiểu thuyết, Phạm Quỳnh đã đề cập đến vấn đề người đọc
tiểu thuyết và tác dụng xã hội của tiểu thuyết một cách sâu sắc, tường minh đến
nay vẫn phát huy được giá trị.
Vào giữa những năm 30 của thế kỷ XX, trên văn đàn nước ta nổ
ra cuộc tranh luận về quan điểm nghệ thuật giữa hai phái mà ta quen gọi là “nghệ
thuật vị nghệ thuật” hay “nghệ thuật vị nhân sinh”. Trong quá trình tranh luận,
bút chiến, đại biểu của hai phái có đề cập đến vấn đề tiểu thuyết và người đọc
khi bàn về mối quan hệ giữa văn chương và đời sống xã hội, với người đương thời.
Thiếu Sơn, một cây bút được liệt vào phái “nghệ thuật vị nghệ
thuật”, bác bỏ quan niệm thi ca và tiểu thuyết là loại “văn chương chơi”, khẳng
định những thể văn này có vị trí xứng đáng trên văn đàn và các nhà tiểu
thuyết có vị trí vẻ vang của họ. Theo ông, “nhà viết tiểu thuyết chính là những
người đứng giữa đời nói chuyện đời cho người đời nghe”. “Tiểu thuyết là một thể
văn phổ thông hơn hết”, “được nhiều người ham đọc, đọc để mong được gặp cái tâm
sự của mình, cảm động cho cái tâm sự của người, để hưởng một giấc chiêm bao êm
đẹp, hay để thấy một cái hoài bão của mình có người đeo đuổi và thực hành”.
Tuy nhiên, theo ông văn chương phải “lấy nghệ thuật làm gốc”,
nhà văn phải chăm chút ở “sự trau dồi cái đẹp”, từ đó truyền mỹ cảm cho người đọc
các loại trong xã hội.
Hoài Thanh cũng vậy. Ông cho rằng “người ta vẫn có thể đứng
về phương diện xã hội phê bình một văn phẩm cũng như người ta có thể phê bình về
phương diện triết lý, tôn giáo, đạo đức… Nhưng có một điều không nên quên là
các phương diện ấy đều là phương diện phụ… Điều chắc chắn là trong khi thưởng
thức một tác phẩm nghệ thuật, lẽ cố nhiên phải để nghệ thuật lên trên, lẽ cố
nhiên phải chú ý đến cái đẹp trước khi chú ý đến những tính cách phụ, những
hình thức tạm thời của nó. “Tùy theo sở thích của mình, nhà văn muốn lấy tài liệu
ở đâu cũng được, miễn làm thế nào tạo nên cái đẹp, trao mỹ cảm cho người xem,
thì thôi”.
Đề cao tác dụng giải trí làm đẹp cho đời, ví văn chương như một
bông hoa giúp cho người đọc tận thưởng thức cái đẹp của hương vị, màu sắc xinh
tươi của nó, “quên những nỗi nhọc nhằn mà trong chốc lát hưởng những phút say
sưa”, Hoài Thanh cho như vậy đã là đủ. Hà tất cứ phải “bắt người ta nghe hoài
bài học về luân lý xã hội” từ một tác phẩm văn nghệ, với mong muốn rằng “một
tác phẩm văn nghệ có thể ảnh hưởng đến chính trị, tôn giáo, đạo đức”?
Ngược lại với phái “nghệ thuật vị nghệ thuật”, phái “nghệ thuật
vị nhân sinh” đặc biệt chú trọng đến loại người đọc là người lao động, cho rằng
văn chương nói chung, tiểu thuyết nói riêng, trước hết phải hướng về những người
đọc ấy - quần chúng đông đảo trong xã hội mà đương thời gọi là bình dân.
Về cuối cuộc tranh luận, phái “nghệ thuật vị nhân sinh”, qua
ý kiến của Hải Triều, đã đi đến một quan niệm có sức thuyết phục. Trong
bài “Đi tới chủ nghĩa tả thực trong văn chương: những khuynh hướng trong tiểu
thuyết” (Tao Đàn, 1939), ông nhấn mạnh không có thứ “văn chương độc lập” chỉ
thiên về nghệ thuật. Trong văn chương tiểu thuyết “không có thứ văn chương gì
mà không có xu hướng”. Bởi vậy “viết một cuốn tiểu thuyết bao giờ nhà văn cũng
có một chủ ý trình bày cùng độc giả một chủ nghĩa gì, một triết lý gì, hay
không nữa thì cũng ghi lấy một ý nghĩ gì thoáng qua nhưng nó thiết tha, cảm động
hay ngộ nghĩnh, khôi hài”.
Nhưng Hải Triều cho rằng khuynh hướng tư tưởng của tác phẩm
phải được trình bày một cách nghệ thuật chứ không thể bộc lộ một cách vô duyên,
non nớt, ngớ ngẩn chỉ làm mất thì giờ của người đọc, làm cho họ buồn phiền vì
đã phí công với những tác phẩm vô bổ ấy. Hải Triều viết: “Một tác phẩm hay (tôi
dùng chữ hay trong vòng tương đối) không những vì nó đã đi đúng với cái thị hiếu
đương thời của độc giả, mà còn hay ở nơi xếp cảnh, xếp tình của tác giả nhẹ
nhàng, kín đáo đẹp đẽ… Tôi nghĩ một thiên tiểu thuyết hay cũng giống như cái điệu
đàn đã thoát tiếng tơ, mà nhà văn sĩ biết trọng nghệ thuật chắc không bao giờ lại
đi bắt chước thằng cha nhắc tuồng, vọt ra ngồi chồm ngỗm giữa sân khấu”.
Qua bài viết xuất sắc này, Hải Triều đã đáp trả đích đáng sự
ngộ nhận của phái “nghệ thuật vị nghệ thuật” rằng phái các ông đã quan niệm thô
thiển về văn chương, không hiểu biết về tính nghệ thuật của văn phẩm, chụp mũ
người khác là trưởng giả, chỉ xem mình là biết quan tâm đến bình dân… Với Hải Triều,
đã thấy rõ lập trường macxit về văn học nghệ thuật không hề có sự phân biệt đối
tượng độc giả mà yêu cầu tác phẩm nghệ thuật phải đạt tới cái hay chỉnh thể cả
nội dung lẫn hình thức nghệ thuật một cách nhuần nhuyễn, như “điệu đàn đã thoát
tiếng tơ chỉ còn bung ra giữa không trung những âm điệu nhẹ nhàng, êm ái hay
mãnh liệt, hùng hồn”.
Cuối những năm 30 đầu những năm 40 của thế XX, Thạch Lam,
một nhà văn trong Tự lực văn đoàn, cùng với việc viết truyện ngắn và tiểu
thuyết, ông đã có những ý kiến sâu sắc về tiểu thuyết và độc giả của nó. Trước
hết ông phân loại thành hai hạng người đọc tiểu thuyết: Họ đều đọc sách để giải
trí, nhưng nhiều hơn là hạng tìm đến cách giải trí thông thường, để mua vui, thỏa
mãn với cốt truyện ly kỳ, rắc rối, không xem trọng tư tưởng hay nghệ thuật văn
chương của tác phẩm. Họ đọc tiểu thuyết mà như người ăn cơm cốt lấy no, đọc hết
quyển này đến quyển khác, không phân biệt được hay dở, chỉ say mê với cốt truyện.
Bởi vậy văn chương lãng mạn thoát ly, tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm, trinh
thám, kiếm hiệp, du ký… được họ ưa chuộng.
Loại độc giả thứ hai, tuy ít hơn, nhưng được Thạch Lam xem trọng,
bởi họ ưa suy nghĩ tìm cách giải trí lý thú bằng hoạt động trí óc trong sự đọc.
Họ thờ phụng và theo dõi cái đẹp, cái hoàn toàn. Đọc sách đối với họ là cách
luyện mình để cho tâm hồn phong phú dồi dào hơn lên. Họ chú trọng đến nghệ thuật
miêu tả thế giới bên trong của nhân vật, tư tưởng và tâm hồn của nhân vật, chứ
không phải là sự sắp đặt bố trí câu chuyện làm thành cốt truyện.
Thạch Lam xem loại độc giả thứ hai này là bạn tri kỷ của nhà
văn và văn chương tiểu thuyết. Họ là thước đo trình độ của một nền văn chương,
góp vào việc duy trì những tác phẩm để đời, “không phải mai một trong quên
lãng”.
Cũng ở giai đoạn này Thạch Lam lý giải về trường hợp Tố
Tâm vì sao lúc xuất hiện được hâm mộ nồng nhiệt, nhưng chỉ vài ba năm sau
khi sách tái bản, người đọc không còn vồ vập như trước nữa. Theo ông, vì tiểu
thuyết Tố Tâm là tiểu thuyết “ chỉ có cái sôi nổi một thời mà không
có gì lâu bền sâu sắc”. Nghệ thuật của tác phẩm không vững bền, chỉ dừng lại
phân tích cái tâm lý hời hợt bên ngoài, một cái thái độ của tâm hồn mà thôi,
không đi tới được cái sâu sắc của tâm hồn người, vật. Cho nên chỉ sau một thời
gian ngắn, không ai nhắc đến tiểu thuyết này nữa.
Đối với ông tác phẩm phải đạt tới sự vững bền, ngoài cái phần
cấu tạo vì thời thế còn có những cái bất diệt, đời đời trong các nhân vật. Như
vậy mới có thể nói là tác phẩm có nghệ thuật chắc chắn, “trong đó nhà văn biết
đi qua những phong trào nhất thời, để suy xét đến những tính tình bất diệt của
loài người”. Thạch Lam khẳng định: “Viết văn về vấn đề gì thì viết, nhà văn cốt
nhất phải đi sâu vào tâm hồn mình, tìm những tính tình và cảm giác thành thực:
tìm thấy tâm hồn mọi người qua tâm hồn của chính mình, đi đến chỗ bất tử mà
không tự biết”.
Thạch Lam nhắc nhở nhà văn ta về chỗ yếu của phần lớn nhà tiểu
thuyết đương thời ở ta là đã đi nhầm đường, chưa thành thực và can đảm mình dám
là mình, trong cái nhìn và giọng điệu nghệ thuật, chưa biết chú mục vào chỗ mạnh
của tiểu thuyết là đi sâu vào thế giới bên trong của con người- một thế giới
phi vật thể, vi mô, huyền diệu. “Họ mang trong người một cái của quí vô hạn mà
cứ đi tìm những đâu đâu như người vác gói bạc trên vai mà không biết, lại ngửa
tay đi ăn xin. Của quí ấy là tâm hồn của họ. Đáng lẽ đi theo những khuôn sáo sẵn,
họ trở về trong lòng, suy nghĩ và phân tích những sự thay đổi của tâm hồn mình,
thì hay biết bao nhiêu”.
Chính vì vậy, cuối cùng, Thạch Lam yêu cầu nhà văn khi viết cần
biết kính trọng mình, kính trọng tác phẩm, cũng tức là kính trọng người đọc.
Không được “viết ra một cách vội vàng, một cách cẩu thả, một cách khinh rẻ vô
cùng”. Nếu thiếu đi đức tính kính trọng ấy sẽ “không bao giờ có công cuộc giá
trị và lâu bền”.
Kể cả những độc giả như trẻ em và đàn bà cũng phải được kính
trọng. Viết cho trẻ em không phải là việc dễ, viết thế nào cũng được. Muốn
thành công khi viết cho trẻ em phải yêu mến câu chuyện mình viết và kính trọng
độc giả ít tuổi của mình. Phải nhập vào thế giới của trẻ em, nhìn đời và xét
đoán theo tâm lý của trẻ. “Viết cho trẻ đọc, trước hết là đứng thay vào chỗ của
trẻ, là tự mình trẻ lại, tìm lại được cái trí tò mò tỉ mỉ, cái lý luận thẳng thắn,
và nhất là cái độc lập, tự do lạ lùng của trí não trẻ con”. Khi ấy, những văn phẩm
được viết ra vừa thích hợp cho trẻ em lại vừa thích hợp cho người lớn.
Viết cho đàn bà cũng vậy. Không thể xem thường và qua quýt được,
phải am hiểu tâm lý phụ nữ, đọc được những ý nghĩ và những tâm sự kín đáo, uyển
chuyển của những bà mẹ, bà vợ, người thiếu nữ và coi trọng lời văn nghệ thuật.
Chỉ như vậy mới hy vọng tác phẩm đến được với phụ nữ , được họ đọc và sống với
họ.
Sau Thạch Lam vài năm, trong chuyên luận Khảo về tiểu
thuyết (đăng trên báo Trung Bắc Chủ nhật những năm 1941-1942,
mãi sau 1955 mới xuất bản thành sách), nhà văn - nhà tiểu thuyết Vũ Bằng đã
dành nhiều trang bàn về nghệ thuật viết tiểu thuyết. Đặc biệt ở phần cuối và
chương Kết luận, ông đã đề cập đến vấn đề cái vinh và cái nhục của nhà tiểu
thuyết trong quan hệ với người đọc và sự đọc.
Cái vinh của nhà tiểu thuyết chuyên nghiệp là sáng tạo ra cuốn
sách tâm đắc, trong đó nói ra được những điều mình ấp ủ trong lòng, hợp với cái
tạng và sở trường bút pháp của mình.Đồng thời tác phẩm đó được người đọc say
sưa đón nhận ngay lúc đồng thời cũng như lâu dài về sau. Tác phẩm như vậy góp
vào việc xây dựng lâu đài văn học cho đất nước.
Còn cái nhục của nhà tiểu thuyết lại là ở chỗ sau khi kỳ khu,
vất vả lao tâm khổ tứ dốc lòng và hết mình cho cuốn tiểu thuyết với bao hy vọng
về sự thành công, thì ngược lại bị người đọc, nhà phê bình chê bai là hỏng.
Vì thế, theo Vũ Bằng, sự thành công của tiểu thuyết không chỉ
là do cố gắng của người viết - tác giả, mà còn có phần góp sức, cộng hưởng của
người đọc yêu mến và ham đọc. “Tiểu thuyết sở dĩ gây nên được những ảnh hưởng
to, tiểu thuyết đã tạo những bóng mây, hơi nước khả dĩ nuôi được tâm hồn đất nước,
công đó không phải là toàn của những nhà tiểu thuyết đâu, nhưng còn là công của
những người đọc tiểu thuyết và những người yêu tiểu thuyết nữa”.
Giữa nhà tiểu thuyết và độc giả có mối quan hệ gắn bó thân
thiết, song phương, dù lúc đầu không quen biết.Viết tiểu thuyết là để cho người
khác. Ngay trong khi đặt bút viết tiểu thuyết, tác giả đã phải nghĩ đến người đọc,
hướng về người đọc, chọn cách thể hiện sao cho khi đọc văn bản tiểu thuyết, người
đọc hiểu và thích thú với những điều nhà văn giãi bày trong sách. Vũ Bằng đưa
ra một hình ảnh để so sánh về quan hệ thân thiết, gắn bó hết mình trong trao gửi
giữa tác giả và người đọc như là giữa người yêu và người yêu vậy. “Một nhà tiểu
thuyết đem mình phơi bày ra trong truyện; hạnh phúc của nhà tiểu thuyết là làm
cho mọi người đọc trông thấy lý tưởng của mình, gửi tấm lòng mình cho độc giả
và bày cho độc giả tất cả cái kết tinh trong hồn mình, nói tóm lại, nhà tiểu
thuyết tin độc giả, dâng tất cả những gì cao quí nhất cho độc giả, cũng như một
xử nữ dâng cái trinh tiết cho người yêu vậy”.
Đó là một yêu thương trong sạch, một sự đồng tâm, không gì có
thể chia cắt, trên đời không có cái gì so sánh được với cái tình đó.
Cần có một lớp độc giả thông minh ở mỗi thời đại, mỗi quốc
gia, mỗi thời đại văn chương. Người đọc, qua việc đọc và bình giá văn chương
chính là góp vào việc thúc đẩy sự sáng tác ngày một phát triển hoàn thiện hơn.
Và, “một nước có nhiều người có học giúp công vào trong công cuộc sáng tạo của
văn nhân bằng cách định giá, bằng cách xét đoán, bằng cách tiếp đón niềm nở những
tác phẩm văn chương hay”.
Nói như cách nói của lý thuyết tiếp nhận ngày nay là người đọc
cũng là một lực lượng không thể thiếu được của quá trình văn học, họ tiếp nhận
văn bản tác phẩm, mở ra cho các văn bản tiềm ẩn ý được biểu đạt kia một trường
ý nghĩa hiện thực vừa giới hạn vừa không cùng.
“Mai sau, sức tiến triển của nó (tức tiểu thuyết- N.N.T) ví
được mạnh hơn bây giờ, cũng là nhờ ở các nghệ sĩ làm việc cho nó, và một phần lớn
nhờ ở độc giả thông minh và có thiện ý chịu tìm hiểu những thú vui tinh thần
thiết thực, thanh lịch và cao thượng”.
Tóm lại, trong lý luận về tiểu thuyết nửa đầu thế kỷ XX, vấn
đề người đọc đã được đề cập đến. Mặc dầu còn sơ giản, nhưng vấn đề người đọc được
xem là một phương diện quan trọng không thể thiếu, góp vào sự thành công và
phát triển của thể loại tiểu thuyết. Nhà văn trong và sau khi hoàn thành văn bản
tiểu thuyết cần luôn nghĩ đến người đọc sẽ tiếp nhận văn bản tác phẩm của mình.
Họ là người bạn đồng hành, đồng sáng tạo, tiếp nối công việc của nhà văn, vì chỉ
với họ ý nghĩa tiềm năng của văn bản tiểu thuyết mới được mở ra và phát huy tận
độ. Người đọc là người bạn tâm đắc, người tình tri kỷ của nhà văn viết tiểu
thuyết. Tác phẩm tiểu thuyết giúp họ nâng cao sự hiểu biết về đời sống và con
người, đặc biệt là thế giới tâm hồn, tình cảm, tư tưởng của con người, nâng cao
trình độ thẩm mỹ hướng về Cái Đẹp trong cuộc sống. Mặt khác người đọc qua nhận xét,
đánh giá, phê bình tác phẩm tiểu thuyết sẽ thúc đẩy hoạt động sáng tác tiểu
thuyết của từng nhà văn cũng như đối với việc phát triển, hoàn thiện, làm
phong phú nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Người đọc có nhiều hạng, họ bình đẳng
khi đến với sáng tác tiểu thuyết. Song ý kiến vô tư, khách quan, chân thành và
hiểu biết của người đọc về lao động viết văn và đặc trưng tác phẩm văn chương
tiểu thuyết luôn là nguồn khích lệ quí báu đối với nhà văn trên hành trình sáng
tạo tiểu thuyết.
II.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét