Người Ba Lan coi tiếng đàn và âm nhạc của Chopin như miếng ăn, nước uống hằng ngày; đến đâu, vào đâu, cho dù đó là nơi nào đi nữa, tiếng nhạc, lời ca của ông luôn vang vọng, lắng đọng với một sự gợi nhớ về một xứ sở đầy màu sắc... “... Tiếng đàn gợi nhớ... Vang bao tháng ngày... Trong một chiều mơ... ” (Nhạc buồn Chopin). Và dường như những âm hưởng da diết, tràn đầy chất trữ tình lãng mạn mang màu sắc cổ xưa của người Ba Lan mà người nhạc sĩ thiên tài này làm nên đã ngấm vào huyết quản từng người dân Ba Lan. Khi buồn, người ta tựa vào âm nhạc của Chopin mà vượt qua nỗi khổ đau hay đói nghèo, bệnh tật; khi vui mừng âm nhạc của ông đưa tâm hồn con người vào thế giới của những niềm vui bất tận...
Chopin thiên tài... Chopin vĩ đại... Bao nhiêu lời thế giới ngợi ca về nhân cách và phẩm hạnh khi còn sống của ông, cùng với di sản đồ sộ để lại cho hậu thế gồm 257 tác phẩm, trong đó có 17 ca khúc, 3 bản hoà tấu nhạc thính phòng cùng với 230 sáng tác xuất sắc cho đàn Piano. Những bản nhạc ông viết cho đàn piano được thể hiện qua những tác phẩm như: Mazurka, Polennaisa, Waltz, Sonata hay bản Dạ khúc (Notude), Khúc mở đầu (Uvectuya), Bài tập luyện ngón (Étude)... mặc dù những tác phẩm ấy không mang hình thức lớn nhưng vẫn rất công phu, đậm đà tính cách dân tộc Ba Lan, mang đến cho thính giả lòng tin yêu, nhân hậu của con người...
Robert Schumann (1810-1856) nhà nhạc soạn nhạc người Đức đồng thời là người thầy trong giới phê bình âm nhạc đã từng viết khi Chopin hoàn thành những khúc biến tấu giai điệu dựa trên bản Lacidarenlaman từ vở Don Juan của Mozart như sau: “Thưa các ngài, hãy hạ mũ xuống. Đây là một thiên tài”.
Bởi vậy, khi đến đây, nơi sinh ra Chopin, tôi lại càng thấu hiểu được vì sao Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn là người đầu tiên trên thế giới bỏ công sức ra ghi lại toàn bộ tác phẩm của Chopin. Và chính Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn được công nhận là nghệ sĩ biểu diễn piano xuất sắc, làm sống dậy những nét tài hoa nhất của người nhạc sĩ thiên tài này trên khắp các châu lục; như lời nhận xét của giới nhạc sĩ khi nghe tác phẩm của Chopin do Nghệ sĩ Nhân dân Đăng Thái Sơn biểu diễn: “... Nghe tiếng đàn anh (tức Đặng Thái Sơn), ngỡ Chopin thức dậy...”.
Mặc gió lạnh, tuyết rơi, tôi ra khỏi ngôi nhà lững thững dạo bước trong trang viên rồi ngồi xuống chiếc xích đu đặt ven khu rừng nhỏ; tiếng đàn dương cầm của bản nhạc van-xơ từ biệt nhè nhẹ vang lên trong thinh không thánh thót, du dương lẫn với thanh âm nhè nhẹ của những cành liễu lô xô trong gió... Đây chính là bản nhạc mà chàng trai 17 tuổi Chopin tặng Mari - người chị họ nhưng cũng là mối tình đẹp đẽ, thơ ngây mang hương vị ngọt ngào, sâu lắng nhất trước khi ông phải rời quê hương ra nước ngoài...
Nghe những chuỗi thanh âm kỳ diệu ấy, tôi chợt nhớ tới quan điểm âm nhạc của Chopin; ông vẫn cho rằng âm nhạc khác các loại hình khác như: tượng, tranh, văn, thơ... Bởi những loại hình đó sự diễn tả gần như trực tiếp, còn âm nhạc để gợi, nhớ, nhắc lại hoài niệm và đánh thức những xúc cảm khi không thể diễn tả bằng lời... Có lẽ chính vì quan niệm và suy nghĩ như vậy nên hầu hết những tác phẩm của ông đưa tâm hồn con người vào một thế giới lung linh, huyền ảo; quá khứ được hoài niệm trong từng cung bậc vừa sôi động vừa da diết...
Tôi đứng lên bước đến bức tượng Chopin với cây đàn dương cầm đặt giữa trang viên, đưa tay gạt những bông tuyết phủ trên vầng trán của ông. Ngắm tượng ông trong tuyết lạnh, nghe hồn nhạc của ông bay chơi vơi... chợt nhớ tới Thi hào Heinrich Heire (1797-1856) người Đức đã nói về ông: “... Ảnh hưởng của ba dân tộc đã hợp thành nơi ông một con người đáng trân trọng. Nước Ba Lan đã cho ông tình cảm nghĩa hiệp và nỗi đau đớn lịch sử. Nước Pháp, sự thanh lịch dễ gần và duyên dáng. Nước Đức, sự sâu sắc mơ màng. Thiên nhiên đã cho ông một khuôn mặt thon, đỏm dáng hơi bệnh tật và một trái tim cao quý của thiên tài. Ta phải thừa nhận ở Chopin cái thiên tài với tất cả ý nghĩa từ đó; ông không chỉ là một nhạc sĩ kỳ tài, mà còn là thi sĩ. Ông có thể diễn đạt cho chúng ta biết chất thơ ở trong tâm hồn ông. Đây là một nhạc sĩ, thi sĩ và không có gì so sánh được với sự hoàn mỹ khi ông tuỳ hứng trên dương cầm. Lúc đó, ông không còn là người Ba Lan, Pháp hay Đức nữa. Ông đi ra từ một nguồn gốc sâu xa hơn; từ xứ sở của Môda, của Raphaen. của Gơt, tổ quốc thực sự của ông là xứ sở của nghệ thuật âm nhạc và thơ ca...”.
Nô-en ở làng Krsiniec (Przánýe)
Tạm biệt quê hương Nhà soạn nhạc thiên tài Chopin, xe chúng tôi hướng về làng Krsiniec (Quê ngoại của Anna) thuộc ngoại thành Warsawa để đón Giáng sinh. Hôm nay đã là ngày 23 tháng 12, đi tới đâu cũng đã thấy không khí của ngày lễ trọng đến gần. Trong thành phố, ở những nơi công cộng như nhà thờ, công viên, cơ quan, siêu thị... đã trồng những cây thông Nô en cao hàng chục mét; trên biển quảng cáo các cửa hàng dọc hai dãy phố trang hoàng lộng lẫy, cành ô-liu uốn hình vòng cung treo những ngôi sao và trái tim nhiều màu; phía trong quầy hàng đặt những cây thông nhỏ chăng đèn nhấp nháy.
Trong ánh sáng, lung linh, huyền ảo của hàng trăm ngọn đèn và những sợi phản quang muôn màu rực rỡ trang hoàng trên cây thông Nô-en, những bông tuyết rơi xuống đậu trắng ngần trên những cành lá xanh non… Ngồi trong xe, hai đứa cháu gái nhỏ của tôi tỏ ra rất thích thú, cứ mỗi lần nhìn thấy cây thông Nô-en chúng lại đưa tay chỉ trỏ và reo cười…
Tôi hỏi con trai: “Thế này thì mỗi kỳ Giáng sinh tốn nhiều cây thông lắm nhỉ?”. Con trai tôi giải thích: “Cây thông Nô-en ở Ba Lan cũng thể như hoa đào, hoa mai ở Việt Nam mỗi khi mùa xuân đến. Trồng thông trong Lễ Nô-en không những là tập tục truyền thống văn hóa, mà đó còn là biểu tượng của những người theo đạo Thiên Chúa giáo để nói lên lòng kính Chúa, yêu tự do và hòa bình. Theo thống kê của nhà chức trách, hằng năm cứ mỗi lần đến kỳ lễ Giáng sinh và đón năm mới có hàng triệu cây thông bị đốn. Nhưng mấy năm gần đây, do ảnh hưởng nền kinh tế thế giới bị suy thoái nên nhiều gia đình Ba Lan trang trí bằng cây thông nhựa, vừa tiện lợi vừa tiết kiệm. Chỉ có ở những nơi công cộng, nhà thờ, công viên, cơ quan hoặc những gia đình khá giả mới dùng cây thông thật”. Như vậy cũng như ở Việt Nam - Tôi nghĩ - Tùy theo điều kiện và hoàn cảnh của từng gia đình mà sắm gốc đào, cây mai thế to hay nhỏ mỗi khi tết đến; và bây giờ ở Việt Nam cũng bán những cây đào, cây mai và các loại hoa giả nhưng rất đẹp và tiện lợi...
Ra khỏi thành phố, xe chúng tôi xuyên qua những cánh rừng lá kim. Khung cảnh tuyệt đẹp; rừng cây như cùng trồng một lứa, cảnh lá sum suê xanh rời rợi; thân thẳng, đều tăm tắp, ngọn chĩa lên trời như trăm ngàn mũi giáo. Tôi để ý ven những cánh rừng tuyệt nhiên không hề có cảnh tượng cây cối bị chặt chém ngổn ngang, mà điểm xuyết vào mầu xanh rời rợi ấy là những bông tuyết trắng phau, long lanh, lả lướt như một bức tranh tạo không khí trong lành, yên tĩnh và ấn tượng vô cùng. Trong bức tranh chuyển động theo tốc độ xe chạy, thỉ thoảng có những ngôi nhà gỗ ẩn, hiện như trong truyện cổ tích… Anna nói đó là những ngôi nhà của những gia đình ở thành phố mua quyền sử dụng để mùa hè vào vui chơi. Nhưng nếu có ai vào rừng chẳng may lạc đường hay lỡ độ vẫn có thể vào đấy nghỉ qua đêm, vì cửa không khóa mà mọi phương tiện, vật dụng, lương thực, thực phẩm đều có sẵn.
Mặc dầu đây là đường rừng, nhưng mặt đường rộng rãi, trải nhựa nhẵn, phẳng lì; dọc đường quãng quãng lại bắt gặp biển hiệu, báo có động vật hoang dã cho lái xe biết để đề phòng. Tôi để ý mỗi lần gặp biển, Anna lại giảm tốc độ xe và chú ý quan sát. Con trai tôi giải thích: “ Đường này là đường tắt, đi không mất lệ phí, nhưng nếu chẳng may chẹt chết một con thú thì phải nộp phạt gấp hàng trăm lần đấy bố ạ!”. Tôi hỏi: “Giữa rừng này nhỡ có chẹt thì ai biết mà sợ?”. Anna cười, nói chen vào: “Mình phải tự giác chứ bố! Vì cố tình trốn chạy thì qua ảnh vệ tinh họ vẫn tìm ra; lúc ấy không chỉ có lỗi chẹt chết thú rừng đâu, mà còn thêm cả tội trốn tránh nữa, phải ra tòa đấy bố ạ!”.
Thảo nào đi hàng tiếng đồng hồ đường rừng mà chẳng gặp một trạm gác hay đội tuần tra nào. Tôi ắng lặng suy nghĩ về điều này và thầm so sánh với nạn “lâm tặc” và những kẻ buôn bán thú hoang dã vẫn còn đang hoành hành ở Việt Nam. Tự giác chấp hành pháp luật đó là điều mỗi một công dân dù ở bất cứ đất nước nào cũng nên tự nguyện chấp hành… Nhưng ước muốn là vậy, còn để cho những điều chưa thể so sánh đến khi có thể so sánh được, âu là cả một thời gian có lẽ sẽ thật dài…
Gần đến trưa thì xe chúng tôi đến Krsiniec. Gọi là làng, nhưng thực chất đó là cách gọi theo truyền thống. Còn hiện nay làng Krsiniec cũng như các vùng nông thôn trên lãnh địa Ba Lan đều đã được đô thị hóa. Đất nông nghiệp được quy hoạch, dồn điền phân thửa, tùy theo vùng đất canh tác trồng lúa mì, khoai tây, cà chua và các cây ăn quả như lê, táo, nho... hoặc các trang trại chuyên canh rau sạch... Nhà cửa của nông dân nằm dọc theo hai bên đường nhưng phía sau vẫn có khu vườn để tăng gia và chăn nuôi gà, vịt... . Song, mọi thứ thoạt nhìn sẽ không nhận ngay ra được đó là vùng nông thôn. Đường xá đi lại rộng rãi, sạch sẽ; đèn đường và các phương tiện biển báo, tín hiệu giao thông như trong thành phố. Người ta chỉ có thể nhận biết qua cách phân khu hành chính, vùng thổ nhưỡng trên bản đồ và đặc thù làng quê thông qua sự sinh hoạt của cộng đồng được biểu hiện qua phong cách của bản chất con người.
Vì đã được báo tin sẽ có khách từ Việt Nam về chơi nên cổng ngõ đã dọn sạch sẽ; tuyết được gom thành đống sang hai bên lấy đường cho xe vào. Theo như lời của Anna, thì ở quê hiện nay chỉ còn có ông bà ngoại của Anna. Cụ ông Wact aw Wale Rych sinh năm 1930 và cụ bà Hahana Wale Rych sinh năm 1934. Hai cụ sinh hạ được hai người con; một gái một trai. Người con gái (mẹ Anna) lớn lên thoát ly rồi xây dựng gia đình; người con trai cũng vậy, làm việc ở vùng biên giới giáp với Cộng hòa Séc. Mặc dù biết tôi sang chơi nhưng vì điều kiện công việc nên không về quê được.
Xe vừa đỗ đã thấy hai cụ ra cổng đón. Khi tôi xuống xe, hai cụ bước nhanh đến chìa tay bắt kèm theo những tiếng nói lơ lớ: “Việt Nam... Việt Nam... chào... chào...”. Rồi hai cụ ôm lấy tôi, áp lên má tôi những nụ hôn thân thiện, nồng ấm như gặp gỡ người thân đi xa về…
Tôi theo chân hai cụ vào phòng khách. Căn phòng ấm và rất gọn gàng. Những tấm thảm treo tường và lót trên nền nhà rất đẹp. Cụ ông rót nước mời, bóc kẹo cho tôi ăn, thi thoảng lại vỗ vỗ vào tay tôi ra hiệu bảo cứ tự nhiên... Tuy ngôn ngữ bất đồng, nhưng qua cử chỉ và thái độ, tôi biết con dâu tôi đã nói về tôi qua lần về Việt Nam cho hai cụ biết một phần nào.
Vừa ngồi nhấm nháp tách trà nóng tôi vừa hỏi thăm cuộc sống của hai cụ hiện nay. Qua lời phiên dịch của Anna, tôi biết: Sau thời đất nước Ba Lan được giải phóng, cụ Wact aw Wale Rych là xã viên hợp tác xã; là người thông minh, lanh lợi nên cụ làm nhiều nghề. Sau thời Liên bang Xô viết tan rã, cụ làm nghề lái xe vận chuyển lương thực, thực phẩm cho siêu thị các cửa hàng ở địa phương và các vùng lân cận.
Trong gia đình, cụ Wact aw Wale Rych là lao động chính, còn cụ bà từ khi lấy chồng chỉ ở nhà làm công việc nội trợ và chăm sóc con cái. cuộc sống hiện nay của hai cụ dựa vào số tiền 600 USD hàng tháng của cụ ông được hưởng theo chế độ do Nhà nước Ba Lan cấp. Tôi tò mò hỏi tại sao cụ bà Hahana Wale Rych không có lương thì được biết: do cụ bà thời trẻ đã nổi tiếng là một thiếu nữ xinh đẹp, rất nhiều chàng trai quanh vùng nhòm ngó, nên sau khi cưới, cụ ông dứt khoát bắt vợ ở nhà chăm sóc con cái và lo việc nội trợ, còn phần kinh tế do cụ ông đảm nhiệm. Quả thật nhìn cụ bà dù bây giờ tuổi đã cao, nhưng qua vóc dáng và đường nét trên khuôn mặt, tôi vẫn nhận đó là một người phụ nữ vừa phúc hậu lại rất nhan sắc. Tôi cười nói vui với con dâu: “Trông cụ bà bây giờ vẫn còn xinh đẹp thế này thảo nào hồi còn trẻ, cụ ông không cho cụ bà đi đâu là phải”, con dâu tôi dịch lại lời tôi nói làm cho cả nhà cười, cụ ông nhìn tôi gật đầu tán thưởng...
Chờ cho tôi đỡ mệt vì đường xa. cụ Wact aw Wale Rych dẫn tôi đi thăm nhà. Ngôi nhà được xây dựng theo lối nửa cổ điển nửa hiện đại. Phần trên cùng gồm phòng đệm, phòng khách, phòng ở, khu bếp và phòng ăn; phía dưới sàn nhà là phần trồi cao trên mặt đất để chống lạnh, có những khoang chứa vật dụng; dưới cùng là tầng hầm; ngoài những nơi để thực phẩm, kho chứa đồ còn có một khoang đặt lò sưởi. Mặc dù ờ vùng này vẫn có hệ thống sưởi hiện đại như ở các thành phố, nhưng cụ và nhiều gia đình dân làng ở Krsiniec dùng lò sưởi theo kiểu cổ điển đốt bằng than đá.
Tôi khá ngạc nhiên vì hệ thống lò sưởi rất đơn giản; diện tích chừng 3m2, giữa đặt một chiếc lò đốt than bằng kim loại, khá giống với lò luyện nhiệt; bên trên là nồi chứa dầu nối với những đường ống dẫn, chia nhiệt đến những nơi cần sưởi ấm. Lò sưởi hoạt động theo nguyên lý chênh lệch áp suất, khí nóng được tuần hoàn trong đường ống; chỉ cần đốt một lần thôi, nhưng thời gian giữ nhiệt kéo dài được 36 giờ và duy trì nhiệt độ trong nhà vào khoảng 25 - 27 độ C.
Sau khi thăm nhà, cụ và tôi trở về phòng khách trò chuyện và Anna là người phiên dịch. Biết tôi vừa đến thăm Trại tập trung Auschwitz, cụ Wact aw Wale Rych cho tôi biết: khi mới hơn chục tuổi cụ đã chứng kiến cảnh chiến tranh và chính cụ là một trong những tù nhân nhỏ tuổi bị dồn vào Trại tập trung Auschwitz. Sau khi kể lại những ngày bị giam giữ và chịu những nỗi đói khát, khổ cực trong trại tù, cụ Wact aw Wale Rych mang ra cho tôi xem một chiếc áo khoác ngoài của sĩ quan Đức quốc xã và kể: “Đây là chiếc áo do một chiến sĩ Hồng quân Xô viết vào giải phóng nhà tù; thấy tôi bé nhỏ, ăn mặc lại phong phanh mà trời thì lạnh, nên đưa cho tôi mặc và tối đi ngủ thì làm chăn đắp. Ghi nhớ tình cảm ấy nên tôi giữ lại và coi tấm áo này là kỷ vật thiêng liêng... ”.
Tấm áo vẫn còn mới, khá nặng, lượt ngoài là dạ màu xám nhạt, bên trong là lớp lông cừu, những hàng khuy đồng sáng bóng sực nức mùi thơm của hương nước hoa... Tôi đang bâng khuâng về câu chuyện xảy ra từ nửa thế kỷ trước thì cụ Wact aw Wale Rych ngỏ ý muốn cho lại tôi tấm áo ấy làm kỷ niệm. Tôi cảm ơn và tế nhị từ chối món quà vô giá và tấm lòng thịnh tình của cụ. Nhưng rất dứt khoát, cụ cầm chiếc áo lên trao cho tôi và xua tay ra hiệu tôi phải nhận và không được từ chối. Thấy tôi ngần ngừ, Anna nói: “Ông ngoại con đã có ý từ trước, chờ khi nào bố sang sẽ tặng lại chiếc áo này cho bố đấy. Bố đừng từ chối”. Tôi lặng đi vì tình cảm chân thành của cụ dành cho tôi và không biết nói gì hơn.
Buổi chiều, tôi cùng gia đình ra nghĩa trang chung của dân làng. Hầu hết các ngôi mộ đều được ốp bằng đá hoa cương. Trong khung cảnh dưới ánh chiều tà, trên nền tuyết trắng, nghĩa trang đẹp, sạch sẽ. Theo tập tục của người theo đạo Ki tô giáo ở làng Krsiniec, trước ngày Nô-en người ta ra sửa sang, quét dọn, lau rửa lại mộ những người đã khuất rồi thắp đèn, nến suốt một tuần. Cả nghĩa trang bừng sáng rực rỡ, lung linh tỏa ra từ những ngọn nến và những cây đèn cầy đặt trước mộ và trong đài tưởng niệm riêng của mỗi dòng họ.
Cụ Wact aw Wale Rych đốt thêm nến và kiểm tra lại mức dầu cần thiết trong các cây đèn rồi cùng cả gia đình thành kính đứng trước khu mộ của những người thân đang an nghỉ, ra dấu và chắp tay tưởng nguyện, miệng lầm rầm đọc kinh…
Qua hình ảnh này cho tôi cái nhìn thật gần gũi và làm thay đổi quan niệm trước đây về tục lệ của người công giáo đối với những người đã khuất. Thể như người Việt Nam, vào những ngày cuối năm, mọi người ra nghĩa trang thắp hương, khấn vái mời “các cụ” và những người đã khuất về ăn tết với gia đình. Có khác chăng, nơi đây không thắp hương nhưng thay vào đó là hương dầu thơm nhè nhẹ toả ra từ những chiếc đèn thắp trên những nấm mộ… Tuy khác về hình thức nhưng ý nghĩa tâm linh, cho dù đó là đạo Phật hay đạo Giáo thì vẫn đều dành cho những linh hồn thân yêu những tình cảm nhớ thương, thành kính và sâu sắc…
Đêm Nô en, cả vùng quê yên tĩnh chìm trong tiếng chuông dong dã. Thời khắc lễ trọng đã đến. Mọi người trong gia đình đoàn tụ quây quần; bên cây thông Nô En rực rỡ, dưới bức ảnh trang nghiêm, uy nghi của Đấng cứu thế. Ánh sáng từ nơi Chúa ngự tỏa ra muôn ánh hào quang; mọi con mắt tràn đầy đức tin hương về nơi Chúa Cả... Tiếng nhạc nhè nhẹ vang lên... sau phút giây thành kính, cụ Wact aw Wale Rych nghiêng mình chìa tay mời cụ bà. Khúc nhạc đêm Nô en và điệu nhảy của niềm hạnh phúc. Tất cả mọi người trong gia đình đứng lên vừa nhún nhảy vừa bẻ những tấm bánh bột mì - thứ bánh biểu trưng cho sự kỳ diệu của thiên nhiên được sinh sôi, nảy nở từ đất đai màu mỡ; từ những ước mơ an lành, ấm no, hạnh phúc trong tình cảm quê hương, trong tình thương yêu đồng loại và cũng là thủ tục không thể thiếu được trong đêm Nô En...
Nhìn hai cụ nhẹ nhàng lướt đi trong tiếng nhạc du dương và bón cho nhau những miếng bánh ngọt ngào, tôi cảm giác như các cụ đang trờ về với tuổi thanh xuân; trở lại với tình yêu đôi lứa... Các con tôi và những đứa cháu của tôi cũng vậy, chúng nhảy say sưa, trao cho nhau những miếng bánh thần kỳ... và tôi nữa, một công dân Việt Nam, đêm nay ngỡ như mình lạc vào một trang cổ tích...
Nhớ lại thời gian cách đây gần chục năm, sau khi vợ tôi mất, nghe con trai điện về nói lấy vợ Tây, tôi rất lo lắng. Ngoài địa lý xa xôi, còn có biết bao nhiêu cách trở. Về ngôn ngữ; tập tục, cách sống và còn bao điều chưa biết. Nhưng sau khi nghe chuyện tôi mới hiểu; dường như hoàn cảnh cuộc sống của con dâu tôi, và điều kiện cuộc sống của hai cụ cũng thể như người Việt Nam ta có câu thành ngữ: “Cháu bà nội tội bà ngoại”. Thật đúng vậy, do bố mẹ chia tay; mẹ đi làm ở xa nên từ nhỏ hai chị em Anna đã phải gửi về quê ngoại; và hai cụ chính là người đã cưu mang, đùm bọc, nuôi nấng, chăm bẵm hai chị em Anna vào những ngày tháng bơ vơ, khốn khó nhất; từ tuổi đầu đời cho đến lúc vào trường đại học. Chính vì ơn nghĩa ấy, nên sau khi đã trưởng thành và lập gia đình, con trái tôi và Anna coi hai cụ không chỉ là ông bà ngoại mà còn là hai người thương yêu nhất trong cuộc đời.
Tôi vui vì điều đó. Lòng hiếu thảo và cách đối nhân xử thế của con người ở đâu cũng vậy; vốn là thước đo đạo lý được thể hiện ở lòng nhân ái thông qua sự đối xử với chính những người ruột thịt của mình. Thể như niềm ước muốn của tất cả những người làm cha làm mẹ ở Việt Nam; nuôi con, dạy con để khi con cái trưởng thành sẽ trở thành “dâu thảo, rể hiền”...
Theo lịch trình, ngày mai tôi sẽ đi thăm Nhà Thờ Lớn Ba Lan và một số danh lam thắng cảnh, sau đó sẽ cùng gia đình con tôi đón tết Dương lịch ở thành phố Lódz. Nhưng qua chuyến đi này, tôi thật sự an tâm. Chính vì nhờ sự đùm bọc và dạy dỗ của hai cụ, nên Anna không khác chi một người phụ nữ người Việt Nam và gia đình tôi có một người con dâu hiếu thảo.
NGÔ MAI AN
Lời hứa lúc cầu hôn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét