Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2021

Hoàng Tấn Linh: Còn in màu nắng trinh nguyên cuối mùa

Hoàng Tấn Linh: Còn in 
màu nắng trinh nguyên cuối mùa

Trong lịch sử Việt Nam từ xưa đến nay có rất nhiều thầy giáo gắn bó với sự nghiệp thơ ca và cũng đã trở thành những nhà thơ được yêu mến. Hoàng Tấn Linh thuộc thế hệ sau 1975 cũng là một trường hợp như thế. Anh không chỉ là một người thầy giáo, một nhà Hán học, mà còn là một nhà thơ tài hoa, đáng được trân quý và ghi nhận.
Có lẽ vì trót nặng nợ với thơ ca, nên dù trong bất cứ hoàn cảnh nào Hoàng Tấn Linh cũng sáng tác thơ để làm đẹp thêm cho chữ nghĩa và tâm hồn. Thơ của Hoàng Tấn Linh đã đăng rất nhiều trên các báo, tạp chí địa phương và trung ương. Năm 2013, Hoàng Tấn Linh đã tập hợp những bài thơ đã đăng, rồi in thành tập thơ Lỗi của đêm.
Thơ Hoàng Tấn Linh giàu tình cảm, giàu cảm xúc được bắt nguồn từ những rung động với cuộc sống muôn màu, muôn vẻ, từ mối giao cảm vừa tự nhiên vừa tinh tế, nên mang đậm không khí và tinh thần thời đại của một thế hệ thanh niên tràn đầy nhiệt huyết, khí thế cũng như khát vọng muốn cống hiến với quê hương, với đất nước. Hồn thơ Hoàng Tấn Linh vì thế vẫn Còn in màu nắng trinh nguyên cuối mùa - một màu nắng chân thành ánh lên từ một tình quê rất đỗi chân chất, đậm đà mà giản dị biết bao.
Tuổi thơ của Hoàng Tấn Linh không vẹn nguyên trong sự ấm áp đủ đầy của cha. Khi mẹ vừa đón nhận niềm vui có thai đứa con - đó là Hoàng Tấn Linh, thì cũng là lúc nhận được tin chồng đã mất, biền biệt ra đi không hẹn ngày về. Mẹ giấu mặt vào trong, cạn khô cả nước mắt, một mình mẹ vượt cạn. Người thơ sinh ra chẳng biết hình dáng cha như thế nào, chỉ nghe qua lời kể của mẹ và người thân: Tháng bảy ba bảy mùa trước/ Mẹ tôi giấu mặt vào trong/ Tuần hoàn trong tim dòng lệ/ Ba tôi đi vào xa xăm/ Tháng bảy ba bảy mùa trước/ Tôi chưa biết nhớ - khóc - cười/ Hình hài như mây đầu núi/ Về theo võng nắng đôi mươi (Tự khúc tháng bảy). Hoàng Tấn Linh xa xót vì mẹ một đời khổ ải, chịu nhiều đắng cay, nghiệt ngã trong cuộc đời. Ba mất sớm, mẹ thui thủi một mình như thân cò tần tảo sớm hôm, oằn lưng lo cái ăn, cái mặc, làm cho đôi tay mẹ gầy guộc, đôi gò má của mẹ thêm nhiều vết nhăn nheo. Thời gian đã đánh bật tuổi xuân thì con gái, ghi dấu trên mái tóc bạc phơ của mẹ: Con ngồi bên khúc dân ca/ Lặng nghe tiếng mẹ thiết tha gọi thầm/ Cái cò quyện mẹ vào thân/ Bờ nông bờ cạn mẹ lần sao đang? (Bên khúc dân ca). Mẹ là dáng dấp của quê hương, là bóng mát của lũy tre làng, là khói lam chiều hoàng hôn, là tiếng võng lời ru, là dấu yêu nghìn trùng,… Tả sao hết tình mẹ vô bờ bến. Tất cả trở nên nghẹn ngào, chua xót trước cảnh vắng tanh, hiu quạnh trong canh nhà mẹ quá, con côi bên dòng sông vắng: Sân nhà như dòng sông vắng/ Mẹ đi cõng nắng theo cùng/ Đồng làng trâu nằm nhai bóng/ Con về giữa ngã ba sông (Dòng sông mùa hạ).
Đong đầy ký ức là hình ảnh con sông quê. Con sông trong ký ức của Hoàng Tấn Linh là nơi gắn liền với những kỷ niệm buồn vui. Ngôi nhà nhỏ đơn sơ nằm bên cạnh con sông Ô Lâu tự thuở nào vẫn trong xanh, êm ả và hiền hòa đã tạo nên bao nhiêu là kỷ niệm một thời ấu thơ trong trẻo, dạt dào: Bờ kỉ niệm dựng tuổi thơ như gió/ Ngoảnh lại mình hai nửa cũng chia đôi/ Nghe sóng nước dỗ bờ năm tháng cũ/ Cúi mặt nhìn tôi gặp lại mình tôi (Sông quê).
Miền quê chiêm trũng, ngái xa, hẻo lánh lại có một dòng sông chảy qua, dòng sông diệu vợi, đầy vơi nỗi niềm tuổi thơ của nhà thơ. Dòng sông quê hương vì thế đã trở thành một biểu tượng xuyên suốt trong hành trình sáng tác thi ca của Hoàng Tấn Linh. Cứ mỗi khi nhớ đến dòng sông ấy, ký ức lại hiện lên một cách rõ ràng và rành rọt như một câu chuyện vừa mới xảy ra: Nghe xuân về bên Ô Lâu/ Trinh nguyên sông chảy một màu/ Ngày về tháng năm ngoảnh lại/ Vơi đầy tuổi nhớ trong nhau (Xuân quê).
Dòng sông trong ký ức của Hoàng Tấn Linh cũng nơi gắn liền với những kỷ niệm của một mối tình đầu của một thời hoa mộng hẹn hò, đợi chờ, lúng liếng: Nếu em về Ô Lâu/ Võng sông trỗi hè ru nhau tình bến đợi/ Năm tháng bồng bềnh tay với/ Đôi nhánh hẹn hò lung liếng mi ngoan/ Nếu em về Ô Lâu/ Chuyến đò chiều nối chênh vênh lời hát/ Mãi trong anh tình quê màu sông nước/ Mai em về Ô Lâu (Nếu em về Ô Lâu).
Hoàng Tấn Linh cũng như bao người khác sinh ra, lớn lên và trưởng thành đã có một mái ấm gia đình nhỏ của mình. Để có được một gia đình nhỏ hạnh phúc, anh và người vợ yêu quý đã chung tay dựng xây mái ấm. Duyên phận là cùng nhau sống yêu thương cả đời, cả kiếp của con người. Đó là kết quả của một tình yêu đẹp, tạo cảm hứng để Hoàng Tấn Linh sáng tác những bài thơ về đề tài gia đình. Đọc những bài thơ như Riêng mình em và con, Với con, Thơ viết cho con gái, Nói với em,... độc giả sẽ thấy được một tấm lòng rất mực yêu thương của người thơ đối với vợ, với con. Viết về người vợ hiền, Hoàng Tấn Linh hết lòng ngợi ca bởi ngoài sự thủy chung, son sắt, chị còn là một người vợ luôn thấu hiểu, sẵn sàng sẻ chia những ngọt bùi và cả những đắng cay, khổ ải, nên đã khiến anh luôn cảm thấy ấm áp, yên tâm trong cuộc sống đời thường, từ đó anh dồn sức lực, trí tuệ của mình qua từng trang giáo án, từng bài giảng: Sáng ra anh đến trường / Em và con rất vội/ Thời gian vùi tóc rối/ Thế cũng đã mười năm/ Nhà mình chưa dựng xong/ Con mình còn thơ dại/ Em đi về xa ngái/ Bữa cơm thường qua nhanh. Riêng mình em và con không hẳn là một bài thơ “nịnh” vợ, mà đó là một lời tâm sự thủ thỉ, một sự ngợi ca đầy thương mến, hóm hỉnh và thấm thía nỗi gian lao, vất vả của bà xã khi đương còn xuân thì nhưng phải đeo mang, gồng gánh cả công việc xã hội và gia đình: Em giờ thêm nếp nhăn/ Bàn tay gầy nhỏ lại/ Bao mùa trăng qua mãi/ Giữa xuân thì đeo mang. Hương vị tình yêu vẫn luôn nồng cháy, không chỉ lúc mới bắt đầu chớm nở của cuộc tình hay đậm đà quấn quýt bên nhau, mà còn cho đến khi nên nghĩa vợ chồng, thì tình cảm của nhà thơ Hoàng Tấn Linh dành cho vợ vẫn còn nguyên vẹn, lại càng thêm nồng ấm hơn nữa: anh từng nghĩ những điều bất chợt/ những yêu thương trên nhịp tháng ngày/ sợi khói chiều bay lên giữa nắng thật thà/ như loại hoa em yêu nhất/ bài ca em yêu nhất (Nói với em).
Một màu nắng trinh nguyên trong thơ Hoàng Tấn Linh trở thành một hình ảnh đẹp, một ký ức diệu vợi, đó là nghề giáo và mái trường thân yêu. Ngay từ khi còn nhỏ, Hoàng Tấn Linh đã quyết định chọn dạy học là công việc yêu thích nhất của mình, nên đã quyết tâm để đạt được ước mơ đó. Và một điều hạnh phúc nhất, là anh đã trở về nơi chính ngôi trường một thời từng gắn bó với mình, để lại bao nhiêu kỷ niệm, dấu ấn sâu đậm của tuổi học trò. Hoàng Tấn Linh cảm thấy hạnh phúc, yêu nghề vì thế cuộc sống càng trở nên có ý nghĩa hơn nhiều: Tôi trở về bên ô cửa ngày xưa/ Ngập ngừng trang thơ mực tím đợi chờ/ Ô cửa nhỏ và ân tình chợt lớn/ Lặng lẽ nghiêng mình nâng bước tôi đi/ Tôi trở về bên ô cửa ngày xuân/ Nhìn trường cao thấy lòng mình bé lại/ Bên giáo án nghe thời gian vội quá/ Gieo hạt cho đời nâng cánh chim xa (Ô cửa). Hai bài thơ Từ mái trường trên cát và Ô cửa được nhạc sĩ Phan Thạch Hùng phổ nhạc, được đưa vào đĩa nhạc đầu tay của nhạc sĩ và được phổ biến rộng rãi. Hai bài hát này khá nổi tiếng và đã đưa nhà thơ Hoàng Tấn Linh đến với độc giả nhiều hơn.
Một màu nắng trinh nguyên trong thơ Hoàng Tấn Linh còn in đậm dấu ấn trong sự diễn ngôn về hình thức nghệ thuật. Nhà văn người Nga Leonit Leonop đã từng nói: “Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và khám phá về nội dung”. Quan điểm này, đã tạo nên một sự độc đáo, vẻ đẹp vi diệu trong văn chương nói chung và thơ ca nói riêng. Bởi vì, yếu tố quyết định, làm nên giá trị đích thực, bất hủ của một tác phẩm chính là sự hài hòa, thống nhất giữa nội dung và hình thức nghệ thuật. Thơ Hoàng Tấn Linh là một trường hợp như thế. Nhìn chung, thơ anh có sự cách tân, đổi mới hình thức thơ nhưng vẫn giữ được cái khung truyền thống. Những phương thức nghệ thuật truyền thống được anh vận dụng một cách sáng tạo, vì thế đã làm nên những câu thơ, bài thơ có sự mới lạ, hiện đại như Dự báo, Điều không thể, Ngày trở lại, Vết gió, Nói với em,… Hoàng Tấn Linh là người rất kén chữ, vì thế mỗi bài thơ viết ra đều được kiến tạo chỉn chu, điêu nghệ, lạ hóa, nên “mỗi chữ có một chân dung” (Lê Đạt) riêng. Đặc biệt, trong thơ Hoàng Tấn Linh có sự pha trộn, vận dụng triệt để các thủ pháp nghệ thuật truyền thống (so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, hoán dụ,…), các thủ pháp nghệ thuật mới (hiện đại, hậu hiện đại) đã tạo nên sự ngạc nhiên, thú vị đối với người đọc. Bài thơ Điều không thể là một ví vụ cụ thể. Bài thơ thể hiện được sự đổi thay, chuyển biến về tư duy nghệ thuật thơ của Hoàng Tấn Linh. Chính cách thức tỉnh lược, cách dồn nén chữ đã tạo nên một khoảng trống, làm nảy sinh, khơi dậy những nét nghĩa mới, vì thế ý nghĩa của nó cũng đa tầng, phụ thuộc vào sự đồng cảm và sáng tạo nơi người đọc. Ngôn ngữ thơ chắt lọc, giàu chất triết luận, vì thế tính nhạc trong thơ Hoàng Tấn Linh cũng không bàng bạc, dầy đặc nhưng thi thoảng ở một số bài thơ, tính nhạc đã tạo nên một hiệu ứng đẹp, đầy lãng mạn và thơ mộng như Từ mái trường trên cát, Ô cửa, Khúc tình tháng giêng,... Các bài thơ này, có số nhịp lúc đều lúc không, nhưng nó cũng có đủ độ dài để tạo nên sự gợn sóng, miên man; đồng thời mỗi bài thơ có sự dịch chuyển cả thời gian và không gian, tạo nên một cảm xúc dâng trào - một cái tôi tan vào trong bầu khí quyển của trường không gian và thời gian. Các thi phẩm này, vì thế đã lọt vào “con mắt xanh” của các nhạc sĩ, tạo nên mối lương duyên nhạc - thơ.
Hình ảnh trong thơ Hoàng Tấn Linh đẹp, độc đáo, mang đến cho độc giả một sự bất ngờ, tưởng tượng thú vị, trong đó phải kể đến những hình ảnh như chiếc lá ngoan hiền, ô cửa thời gian, nắng đơn côi, quán đời thân đa, sợi rơm vàng: Cúi đầu trước sợi rơm vàng/ Chắt chiu hạt nắng võ vàng hạt mưa/ Lời yêu từ những ngày xưa/ Tháng đưa năm tiễn cõi người xa xôi/ Cúi đầu trước nắng đơn côi/ Gởi thương nhớ giọt mồ hôi lặng thầm/ Gởi khuya sớm gởi xa gần/ Gởi từ bông lúa bâng khuâng tháng ngày (Cúi đầu trước sợi rơm vàng). Những hình ảnh thơ như thế thật sự rất đẹp, rất thơ, rất ý nghĩa, có tính nhân văn sâu sắc. Hoàng Tấn Linh rất có ý thức viết tìm tòi, thử nghiệm và phá cách nên có thể thấy hình thức thơ có sự đa dạng hơn, từng câu thơ có độ dài ngắn khác nhau (Ngẫm, Với trăng, Trong mắt tôi, Người về đồi trăng, Lời giã bạn,…).
Cái tôi trong thơ Hoàng Tấn Linh không đậm, không mạnh, nhưng lại có dấu ấn riêng, không trộn lẫn với ai. Đằng sau ngôn từ, nhịp điệu và hình ảnh,… là cả một tâm hồn đa sầu, đa cảm và sự trải nghiệm sâu sắc trong chính cuộc đời của người thơ: Tôi trở về bên ô cửa thời gian/ Ngập ngừng đôi môi tuổi hoa niên bừng cháy/ Ô cửa yêu ơi, tiếng đời không dừng lại/ Đi hết tuổi mình ô cửa vẫn còn xanh (Ô cửa).
Hoàng Tấn Linh có sức viết đáng nể. Sự dấn thân vì thơ ca, vì cái đẹp trên hành trình nghệ thuật của anh, đáng được độc giả thưởng thức và đón nhận.
14/4/2021
Bùi Như Hải
Nguồn: Tạp chí Cửa Việt số 319
Theo https://tapchicuaviet.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...