Nguyễn Huệ - Người anh hùng dân tộc vĩ đại,
nhà quân sự thiên tài, nhà ngoại giao lỗi lạc
Đánh Ngọc Hồi quân Thanh thua trận
Bỏ
Thăng Long, Chiêu Thống trốn ra ngoài
Đó
là nội dung hồi thứ 14 của cuốn tiểu thuyết chương hồi Hoàng Lê nhất thống chí,
tác giả Ngô Gia văn phái. Chủ đề của tác phẩm là công cuộc khôi phục thống nhất
đất nước của triều đại nhà Lê, nhưng không gian, thời gian lại là những ngày
tàn lụi cuối cùng của một vương triều đã bị lịch sử phế bỏ. Đặc biệt hồi thứ 14
kể lại chiến công thần kỳ vào bậc nhất trong lịch sử, chỉ trong mười ngày đã
quét sạch 20 vạn quân Thanh xâm lược, giải phóng đất nước. Nổi bật trong đoạn
trích là hình tượng người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ. Với chiến công này, vua
Quang Trung - Nguyễn Huệ đã trở thành người anh hùng dân tộc vĩ đại, nhà quân sự
thiên tài, nhà ngoại giao lỗi lạc, ghi lại một mốc son trong lịch sử chống ngoại
xâm của dân tộc Việt Nam.
Tác
phẩm tái hiện chân thực bối cảnh lịch sử đầy biến động ở nước ta trong khoảng
hơn ba thập kỷ cuối của thế kỷ XVIII và mấy năm đầu thế kỷ XIX. Khởi đầu là sự
sa đọa, thối nát đến cực độ của các tập đoàn phong kiến. Sự tranh giành quyền lực
giữa các phe phái đã đến hồi quyết liệt. Ở đàng ngoài, vua Lê quá bạc nhược, mọi
quyền hành đều trong tay chúa Trịnh thao túng: Chúa gánh cái lo, ta hưởng cái
vui. Trong bối cảnh đó cuộc nổi dậy của nghĩa quân Tây Sơn là tất yếu. Hồi thứ
14, khi Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc lần thứ hai, Lê Chiêu Thống và bề tôi của
ông ta vì lợi ích riêng của dòng họ nên cầu viện nhà Thanh, đem vận mệnh của cả
dân tộc đặt vào tay kẻ thù phương Bắc. Tướng nhà Thanh là Tôn Sĩ Nghị đem 20 vạn
binh kéo thẳng vào Thăng Long như chỗ không người. Trước sự thảm hại của vua
tôi nhà Lê và sự ngang ngược của giặc Mãn Thanh, nghĩa quân Tây Sơn đã đánh tan
quân xâm lược, lập nên triều đại Tây Sơn.
Thật
vậy, hồi thứ 14 như một thước phim sống động, đưa người đọc trở về với khí thế
tràn lên như nước vỡ bờ của nghĩa quân Tây Sơn thuở trước. Dưới sự lãnh đạo tài
tình của Quang Trung - Nguyễn Huệ, nghĩa quân Tây Sơn đã tiến hành một cuộc
tiến công thần tốc.
Ngày
25 tháng chạp, Nguyễn Huệ cho đắp đàn ở Núi Bân, tế cáo cùng trời đất, lên ngôi
hoàng đế, đặt niên hiệu là Quang Trung. Lễ xong hạ lệnh xuất quân. Như vậy, chỉ
trong một ngày, Nguyễn Huệ đã kịp làm hai việc lớn: Lên ngôi hoàng đế và hạ lệnh
xuất chinh! Đủ thấy đối với Nguyễn Huệ, việc cứu nước là cần kíp đến mức
nào!
Ngày
29, đến Nghệ An, vua tuyển một vạn quân, vừa huấn luyện vừa hành quân: mở cuộc
duyệt binh lớn… chia làm bốn doanh tiền hậu, tả hữu…Ngày 30, đến Tam Điệp, nhà
vua cho quân lính ăn tết Âm lịch, truyền lời dụ, chỉ huy năm đội quân ra Bắc.
Đêm 30, đã đến Thăng Long, mà tất cả đều là đi bộ. Mùng 1 tháng giêng, đánh trận
Sông Gián. Mùng 3, thắng trận Hà Hồi. Mùng 4, thắng trận Ngọc Hồi, vào Thăng
Long. Vừa hành quân vừa đánh giặc mà vua Quang Trung hoạch định kế hoạch là
mùng 7 tháng giêng sẽ vào ăn tết ở Thăng Long, trên thực tế đã vượt mức hai
ngày.
Chỉ
huy một chiến dịch lớn như vậy, lại hết sức khẩn trương, vua Quang Trung vẫn
ung dung, tỉnh táo, sáng suốt, vạch ra những chiến thuật táo bạo, bất ngờ, dũng
mãnh. Một trong những chiến thuật tài tình của vua Quang Trung là dùng nghi
binh. Trận Sông Gián, nhà vua đã cho quân bắt sống lính do thám, không tên nào
về được để báo tin. Nhờ vậy, nghĩa quân lặng lẽ vây kín đồn mà quân Thanh không
hề hay biết. Vua Tây Sơn bắc loa, cho lính luân phiên dạ ran, đội quân chừng
vài trăm quân mà nghe như có hơn hàng vạn người. Giặc trong thành rụng rời sợ
hãi, xin ra hàng, nộp hết lương thực và khí giới.
Chiến
thuật xung phong, đánh giáp lá cà cũng vô cùng thông minh, quyết liệt. Vua cho
quân lính khiêng ván nước chống lại súng và khói lửa của quân Thanh, cứ mười
người khênh một bức, dàn hàng ngang xông lên, tiến sát vào thành lũy của giặc.
Khi hai bên chạm nhau thì quăng ván chém bừa, nhất tề xông tới mà đánh… Quân
Thanh chống không nổi, bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết.
Trong
các trận đánh, binh pháp của Nguyễn Huệ luôn táo bạo và ngoạn mục, nhưng có thể
nói chiến thuật bất ngờ, dũng mãnh nhất, cao trào nhất lại chính là chiến thuật
xuất quỷ nhập thần. Năm đạo quân của Nguyễn Huệ đột ngột xuất hiện khắp nơi như
thần như thánh, thật là Tướng ở trên trời rơi xuống, quân chui dưới đất lên!
Đây cũng chính là chiến thuật quyết định thắng lợi cuối cùng của vua Quang
Trung trong chiến dịch đuổi sạch quân Thanh ra khỏi bờ cõi: Một toán quân theo
bờ đê Yên Duyên kéo lên… quân Thanh chạy về trông thấy càng thêm hoảng sợ… Chợt
thấy quân voi từ Đại Áng tới, quân Thanh đều hết hồn vía… Tôn Sĩ Nghị sợ mất mật,
ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp…Đạo quân thần tốc của vua
Quang Trung đánh đâu thắng đó, quân địch chỉ mới chạm trán, trông thấy bóng từ
xa đã phải tự tan vỡ. Đồn giặc với hào lũy kiên cố, lực lượng đông đảo, chống
trả quyết liệt cũng không ngăn được sức công phá dũng mãnh của đạo quân do đích
thân vua Quang Trung chỉ huy.
Đặc
biệt, giữa cảnh chiến trường hỗn loạn, loang loáng giáo gươm, mịt mù khói súng,
bời bời tên đạn, hình ảnh vua Quang Trung hiện lên ngời ngời, oai phong lẫm liệt.
Vua xông xáo tung hoành ngang dọc, như có mặt khắp mọi nơi, mọi lúc trên trận địa:
vua Quang Trung cưỡi voi đi đốc thúc, mờ sáng ngày mùng 5 tiến sát đồn Ngọc Hồi…
Vua Quang Trung liền gấp rút sai đội khiêng ván vừa che vừa xông thẳng lên trước…
Trước đó, vua Quang Trung đã sai một toán quân theo bờ đê Yên Duyên kéo lên… Lịch
sử còn ghi lại, khi vào đến Thăng Long, tấm áo bào màu đỏ của nhà vua đã sạm
đen khói súng. Thật là một pho tượng tuyệt đẹp, oai hùng, dũng mãnh và không
kém phần lãng mạn!
Không
những đánh giặc tài ba, Nguyễn Huệ còn là nhà chính trị, ngoại giao lỗi lạc.
Cách ứng xử thông minh, quyết đoán, ân uy đúng mực khiến nhà vua đã nắm được
lòng dân, thu phục được lòng quân. Khi 20 vạn quân Thanh xâm lược tràn vào
Thăng Long thì Nguyễn Huệ còn ở đất Phú Xuân. Lúc ấy Nguyễn Huệ mới chỉ là Bắc
Bình Vương cai quản từ Đèo Hải Vân ra Bắc. Vậy mà được tin cấp báo, Nguyễn Huệ
giận lắm, liền họp các tướng sĩ, định thân chinh cầm quân đi ngay. Tuy nhiên
theo lời bàn của các tướng sĩ, vua Tây Sơn bấy giờ là Nguyễn Nhạc, nhưng đối với
ngôi chí tôn, lòng tôn phò của mọi người chưa thật vững bền. Như vậy, thời điểm
này Nguyễn Nhạc không được lòng dân, nếu dưới danh nghĩa Nguyễn Nhạc mà chiến đấu
thì e khó thu phục được nhân tâm. Để đương đầu với quân xâm lược, Nguyễn Huệ thấy
cần phải lên ngôi chính vị hiệu. Với cương vị rõ ràng, danh chính ngôn thuận, mới
hợp lòng dân, giữ được lòng tin của nhân dân. Chi tiết ngày 29, trong vòng một
ngày, Nguyễn Huệ tuyển được một vạn quân, chứng tỏ cuộc khởi nghĩa được đông đảo
nhân dân hưởng ứng. Nghĩa quân Tây Sơn đánh tan 20 vạn quân Thanh, chứng tỏ
nhân dân ta đã đặt đúng niềm tin vào người anh hùng kiệt xuất!
Đối
với các tướng sĩ, vua Quang Trung hiểu tường tận năng lực của họ. Khi Tôn Sĩ
Nghị vào Thăng Long, quân ta rút về Biện Sơn. Trước sự việc đó, Quang Trung đã
quở trách hai ông Sở, Lân giặc đến không đánh mà chạy, khen Ngô Thì Nhậm biết
tùy cơ ứng biến. Điều đó cho thấy vua khen chê đúng người, đúng việc, hiểu rõ sở
trường, sở đoản của các tướng sĩ. Trước khi ra trận, nhất là vào những ngày
giáp tết, chắc chắn trong quân sĩ không tránh khỏi những tâm trạng khác nhau.
Có người hồi hộp, lo lắng, có người hăng hái, quyết tâm, cũng có kẻ nhớ nhà, nhớ
người thân… Hiểu rõ điều đó, vua Quang Trung cưỡi voi ra doanh trại yên ủi quân
lính để động viên họ và truyền lời dụ để thổi bùng ý chí chiến đấu cho các tướng
sĩ. Cho nên toàn bộ tướng sĩ và binh lính đều tin tưởng tuyệt đối vào thủ lĩnh
và thắng lợi sẽ đến.
Về
chính trị, ngoại giao, vua Quang Trung tỏ ra là một vị lãnh đạo anh minh sáng
suốt, có tầm nhìn xa trông rộng. Trong lời dụ, nhà vua phân tích rõ thời cuộc,
chỉ cho các tướng sĩ và quân lính của mình rằng dã tâm xâm lược của nhà Thanh
là rất rõ ràng: Người phương Bắc không phải nòi giống nước ta, bụng dạ ắt khác…
chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại dân ta, vơ vét của cải… Nhà vua khẳng
định điều đó trái với đạo trời: Đất nào sao nấy, đều đã phân biệt rõ ràng. Nước
ta là một nước có chủ quyền, có truyền thống đấu tranh từ bao đời: Đời Hán có
Trưng Nữ Vương, đời Tống có Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, đời Nguyên có Trần
Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái Tổ… chỉ đánh một trận là thắng và đuổi được chúng
về phương Bắc. Cuối cùng, nhà vua ra kêu gọi binh lính đồng tâm hiệp lực và ra
kỷ luật nghiêm. Nhờ vậy, đã khơi dậy lòng yêu nước, quyết tâm chiến đấu và chiến
thắng của nghĩa quân. Trước lúc xuất quân, Quang Trung nắm chắc phần thắng,
nhưng nhà vua còn nghĩ đến quan hệ Việt - Trung 10 năm nữa và chọn Ngô Thì Nhậm
là người khéo lời lẽ lo việc ngoại giao sau này.
Như
vậy, qua những chi tiết, diễn biến lịch sử cụ thể về thời gian và cách miêu tả
nhân vật chính sinh động, chân thực, tác giả Ngô Thì Du đã làm nổi bật hình tượng
người anh hùng dân tộc vĩ đại Quang Trung - Nguyễn Huệ, để lại ấn tượng khó
phai mờ trong lòng độc giả. Các tác giả Ngô gia văn phái là cựu thần của nhà
Lê, nhưng với quan điểm tôn trọng sự thật lịch sử và ý thức dân tộc, họ vẫn
không thể bỏ qua lịch sử khách quan về chiến thắng oanh liệt chống xâm lược của
vua Quang Trung- Nguyễn Huệ. Cho nên Hoàng Lê nhất Thống chí nói chung, hồi thứ
14 nói riêng, xứng đáng là những cống hiến vô giá của Ngô Thì Du về những trang
tư liệu hào hùng nhất của lịch sử dân tộc. Chính điều đó cũng làm nên giá trị
văn học nghệ thuật của tiểu thuyết này.
27/5/2020 Đoàn Ngọc Phương
27/5/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét