Nhà văn Vĩnh Phúc hiện đại
(Phần 1a; Quyển 2)
NGUYỄN ĐỨC NINH
- Họ và tên khai sinh: Nguyễn Đức Ninh
- Sinh năm: 14.4.1950
- Bút danh: Đức Ninh, Song Toàn
- Quê quán: Thôn Yên Xuyên, xã Phú Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh
Vĩnh Phúc
- Hội viên Hội văn nghệ dân gian Việt Nam; Hội viên Hội
Dân tộc học; Hội viên Hội Đông Nam Á học
- Giáo sư, Tiến sĩ Văn học.- Tác phẩm chính đã xuất bản:* Từ điển Inđônêxia - Việt (Chủ biên, NXB Khoa học
xã hội, H. 1991)* Văn học khu vực Đông Nam Á (NXB Đại học
Quốc gia Hà Nội, tái bản, H, 2000)* Từ điển Văn học (Bộ mới, viết chung, NXB Thế giới,
H, 2004)* Nghiên cứu Văn học Đông Nam Á (NXB Khoa
học xã hội, H. 2004)* Từ điển Văn học Đông Nam Á (NXB Khoa học
xã hội, H. 2004)* Dạy và học tiếng Malaixia (NXB Khoa học xã hội,
H. 2006)* Diện mạo Văn học cận hiện đại Lào (NXB Khoa học
xã hội, H. 2007)* Về một số vấn đề Văn hóa dân gian (folklore) Đông
Nam Á (Chủ biên, NXB Khoa học xã hội, H. 1991)* Từ điển lịch sử và Văn hóa Malaixia (Chủ biên,
NXB Khoa học xã hội, H. 2012)* Xây dựng cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (NXB
Khoa học xã hội, H. 2013)* Quá trình hình thành thể loại tiểu thuyết hiện đại
trong Văn học Việt Nam và một số nước Đông Nam Á (Chủ
biên, NXB Khoa học xã hội, H. 2016)*Và gần 30 cuốn sách viết chung, viết riêng khác đã xuất bản.- Giải thưởng văn học:* Giải 3B tác phẩm Về một số vấn đề văn hóa dân gian
(folklore) Đông Nam Á của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.- Suy nghĩ về nghề văn: Những người cầm bút viết văn dù ở hình thức nào, thể loại
nào đi nữa (sáng tác thơ, văn, nghiên cứu lý luận, phê bình, dịch văn học …) đều
là những người cảm nhận tinh nhạy cuộc sống, phản xạ nhạy bén với không gian
môi trường văn hóa- xã hội, với cảnh quan xung quanh, để chắt lọc ra những vần
thơ, những trang văn tinh túy, “chất mật” cho Đời mang tầm tư tưởng, tri thức,
tính nghệ thuật tinh hoa để CON NGƯỜI càng ngày càng NGƯỜI hơn. Đó là nghề văn
và nhà văn lúc nào cầm bút cũng vì con người, cho con người.A- TRONG KÝ ỨC BẠN BÈMỘT CÁCH TIẾP CẬN MỚI VỀVĂN HỌC ĐÔNG NAM ÁGS.TS. Phạm Đức Dương Tác phẩm “Nghiên cứu Văn học Đông Nam Á” là một tập
hợp các bài viết của tác giả đã được đăng tải trong các tạp chí và sách, đánh dấu
một chặng đường dài hơn 20 năm nghiên cứu văn học ở Viện Đông Nam Á bắt đầu từ
khi tác giả bảo vệ thành công luận án PTS (nay gọi là TS) “Tiểu thuyết
Inđônêxia nửa đầu thế kỷ XX” tại Viện Văn học đầu năm 1983.Các bài viết được sắp xếp thành 2 phần: Văn học khu vực Đông
Nam Á (7 bài) và Văn học từng nước: Inđônêxia (15 bài), Malaixia (3 bài),
Philippin 3 bài), Lào (4 bài), Thái Lan (1 bài).
Trong các bài nghiên cứu về văn học khu vực, từ bài “Nghiên cứu
truyện ngắn ở các nước Đông Nam Á” đi sâu vào một đối tượng cụ thể, còn các bài
khác- cái chính là tác giả đưa ra một cách tiếp cận mới về văn học. Dựa trên cơ
sở nghiên cứu sâu của bộ môn chuyên ngành Văn học, tác giả đã vận dụng phương
pháp tiếp cận tổng hợp trong bối cảnh rộng lớn hơn: “Không đơn thuần nghiên cứu
văn chương (tự thân văn học)”, “mà xem xét quá trình văn học Đông Nam Á trên cơ
sở những đặc điểm văn hóa của khu vực”. Bằng cách nhìn lại một cách bao quát
“Phương Đông học Xô viết với việc nghiên cứu văn học phương Đông”, “Ảnh hưởng
văn học Nga- Xô viết và văn học Đông Nam Á”, rồi “việc nghiên cứu văn học Đông
Nam Á ở Việt Nam”… bằng cách nhìn của mình, Nguyễn Đức Ninh đã nêu lên những
“nét chung của văn học Đông Nam Á” và những nét riêng của văn học từng nước,
trong đó có Việt Nam. Đó là phương pháp nhận dạng rất có hiệu quả. Người đọc sẽ
tìm thấy ở đây một cách tiếp cận dựa trên quan điểm tổng thể- toàn cục và
phương pháp liên ngành của bộ môn Đông Nam Á học.Trong việc nghiên cứu văn học từng nước dựa trên bộ môn đất
nước học tác giả đi từ điểm đến diện, đi từ đồng đại đến lịch đại,… Nhờ biết tiếng
Inđônêxia và đã nhiều năm nghiên cứu văn học, văn hóa nước này, Nguyễn Đức Ninh
có thể gọi là chuyên gia về Inđônêxia học. Tác giả bắt đầu việc nghiên cứu tiểu
thuyết hiện đại Inđônêxia thông qua các trào lưu, các trường phái như tiểu thuyết
tập tục, tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết vô thần, tiểu thuyết với các đề tài
chống ngoại xâm, đấu tranh giải phóng dân tộc… với việc giới thiệu những tác phẩm
tiểu biểu, từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên “Bất hạnh và đau khổ”, đến cuốn tiểu
thuyết đạt đỉnh cao “Nền giáo dục sai lầm”. Để hiểu sâu sắc nền văn học hiện đại
của Inđônêxia tác giả đã khảo sát văn học dân gian như thần thoại, Pantun (thơ
dân gian), và cuối cùng dựng nên bức tranh toàn cảnh nền Văn học Inđônêxia thế
kỷ XX và so sánh với Văn học Việt Nam cùng thời nêu lên được những nét tương đồng
và khu biệt. Có thể nói, lần đầu tiên ở nước ta, văn học Inđônêxia hiện đại được
Nguyễn Đức Ninh nghiên cứu, giới thiệu và giảng dạy một cách có hệ thống với một
phương pháp tiếp cận được đổi mới.Từ điển Inđônêxia, Nguyễn Đức Ninh nhìn sang văn học Malaixia
cùng chung một cơ tầng “ngôn ngữ và văn học Melayu” với Inđônêxia, và xa hơn là
bức tranh đại thể của văn học Philippin cùng nằm trong thế giới hải đảo. Tuy
không đi sâu, nhưng tác giả đã thiết lập cho mình một hệ thống kiến thức từ
truyền thống đến hiện đại để có thể so sánh và đưa vào tầm nhìn bao quát văn học
khu vực.Tác giả cũng có may mắn được tham gia đoàn các nhà khoa học
Việt Nam sang hợp tác với các nhà khoa học Lào để biên soạn ba công trình cấp
Nhà nước trong đó có cuốn Văn học Lào dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Cố
Chủ tịch nước Phu-mi Vông-vi-chít một lãnh tụ cách mạng- một nhà văn hóa lớn và
làm việc học hỏi với các nhà văn hóa Lào như Ma-ha-xi-la, Ma-ha-khăm Phăn, Cụ-vi-xiên,
PTS. Bò-xẻng-khăm, nhà văn Bua Kẹo, nhà thơ Xôm-xỉ Đê-xa, nhà văn Xu-văn-thon,
v.v… Nhờ vậy, từ cái nhìn văn học, văn hóa hải đảo, tác giả viết về văn học
Lào- một nước nằm ở trung tâm lục địa có quan hệ họ hàng với Thái Lan. Tác giả
đã cố gắng tìm hiểu văn học- văn hóa Lào, thử dựng lại tiến trình phát triển của
văn học cận hiện đại và mối quan hệ đặc biệt Việt Nam- Lào trong văn học. Bài
viết đại cương về văn học Thái Lan cũng nhằm đích hướng tới một cái nhìn bao
quát.Ngoài tập sách “Nghiên cứu văn học Đông Nam Á” Nguyễn Đức
Ninh còn tham gia biên soạn các công trình: Từ điển văn học, Từ điển Inđônêxia-
Việt (chủ biên), biên dịch truyện cổ Inđônêxia, Malaixia, truyện dân gian
Philippin… là giảng viên kiêm nhiệm của các trường đại học về văn học, văn hóa,
anh đã tham gia giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh, xây dựng và biên soạn
giáo trình Văn học Đông Nam Á, giáo trình Văn học so sánh
lý luận và ứng dụng… Anh thực sự là một chuyên gia về văn học Inđônêxia và Đông
Nam Á.Qua công trình này, cách thức nghiên cứu văn học của GS.TS.
Nguyễn Đức Ninh có thể được nhận diện bởi 3 quan hệ trong quá trình nghiên cứu
Đông Nam Á:Một là, từ môn văn học (chuyên ngành) đến văn hóa học (liên
ngành), từ một nước (đất nước học) đến khu vực (khu vực học). Đây là một trong
nhiều con đường nghiên cứu có hiệu quả.Hai là, văn học không được nghiên cứu biệt lập mà phải nằm
trong bối cảnh với quan điểm tổng thể toàn cục, cần kết hợp biện chứng giữa đồng
đại và lịch đại, dù nghiên cứu đồng đại nhưng phải khai thác những giá trị lịch
đại.Ba là, dù “đi đâu về đâu” nghiên cứu bất cứ nước nào, tác giả
vẫn lấy Việt Nam là điểm tựa và so sánh với các nước trong khu vực, trên thế giới
để hiểu sâu hơn Việt Nam và hiểu các nước khác để xác lập và xây dựng mối quan
hệ Việt Nam với các nước trong vận hội mới.Xin được giới thiệu công trình của GS. TS. Nguyễn Đức Ninh.P.Đ.DB- MỘT SỐ TÁC PHẨM TIÊU BIỂU
1. Thơ:
KỶ NIỆM GẶP GỠ
Tình yêu đến tình yêu đi ai biết
Trong gặp gỡ đã có mầm li biệt.
(Xuân
Diệu)
Đạp xe cùng em đi dạo chơi
Con đường Thát Luổng bóng chơi vơi
Hai hình một bóng xe bon mãi
Chân trời phía trước chẳng tới nơi…
Quay lại đến bờ sông Mê Công
Hững hờ nước chảy chẳng cảm thông
Đôi trái tim buồn cùng rạo rực
Hỏi nhau lòng vẫn dối rằng không!
Anh vẫn cùng em lối nhỏ về
Cuộc đời- câu chuyện cứ mải mê
Chuyện đời để nói lòng mình đó
Bốn mắt nhìn nhau tim tái tê…
Sao vội rời xa câu chuyện vui
Để lòng xao xác nhớ khôn nguôi
Gửi lại đôi dòng thơ li biệt
Hồn theo mây trắng chẳng về xuôi.
TƯƠNG TƯ
Anh viết cho em bài thơ xuân,
Không vần, không điệu.
Như một buổi chiều
Khi lá xào xạc rơi
Buông xuống quanh con người
Đang sâu thảm.
Anh, anh đứng trên buổi chiều ảm đạm.
Tìm gặp em trong khóe mắt tình yêu
Em ở đâu, hỡi em, em yêu?
Anh gọi mãi một trăm lần mà chưa gặp
Phải chăng đây là một bài thơ vần lặp
Lãng mạn vô song,
như một cặp tình yêu
Xa cách đã nhiều…
Đã mấy mùa đổi lá
Mấy mùa đông đã qua
Anh, anh vẫn xa
Em, em vẫn là
một vì sao vô tận!
Có phải sông Ngân Hà trên trời cao
Là chướng ngại vật
Cản đường anh và em gặp nhau
Hay ở một nơi đâu
Quy chế!
Anh sẽ tìm gặp em ở một nơi tráng lệ
Trên dòng sông Ngân Hà
Em sẽ tắm mình giữa sao sa
Anh sẽ biến thành vịt trời
Cũng trên sông Ngân Hà anh tắm
Anh đến gần em, anh ngắm
Gần em
Càng đắm say.
GẶP NHÀ THƠ
Kính tặng hương hồn nhà thơ Xuân Diệu
Tôi ngồi ở dưới để nghe anh
Xuân Diệu bình thơ vẫn trứ danh
Tôi nghe anh giảng thơ Tố Hữu
Nhà thơ cộng sản cũng lừng danh…
Hình tượng Bác Hồ trong nghệ thuật
Là pha lê trong suốt thời gian
Pha lê ấy ta nhìn càng thấy rõ
Nhờ có anh bình, thơ Tố Hữu giỏi giang
Tôi phục anh tài tạo thơ bằng hình tượng
Thầm khen anh dào dạt tâm hồn
Như sóng biển có bao giờ phẳng lặng
Thơ tình yêu mãi mãi vẫn trào tuôn.
Anh bình thơ người khác
Người khác bình thơ anh
Thơ tình yêu- Xuân Diệu
Mãi mãi như chồi xanh.
GỬI LẠI EM
Tặng nước Nga thân thiết
Anh gửi lại em mối tình duyên
Nơi anh đã sống tuổi thanh niên
Tuổi đời say đắm hằng tha thiết
Anh được yêu em hết nỗi niềm
Anh gửi lại em cả tâm hồn
Khi về anh vẫn nhắc em luôn
Gắn em hình ảnh trong tim đỏ
Nhớ lại ngày qua những cái hôn…
Nhớ lại ngày qua những buổi chiều
Gửi em ở lại một tình yêu
Kẻ đi người ở thêm lưu luyện
Từ biệt em yêu, nhớ những chiều…
VỀ HÀ NỘI
Đến ở nơi em nắng đẹp trời
Lúa vào chín rộ khắp nơi nơi
Mùi rơm phơi rải trên đường nhựa
Em mãi theo anh đến cuối trời
Trái ngang là thế mà em đến
Để lòng nhung nhớ dạ không nguôi
Bên anh, em vẫn than em nhớ
Anh muốn cho em nốt cuộc đời
Mưa phùn lại rải bên cửa sổ
Nắng bừng em đến miệng cười tươi
Anh tìm thấy được em đôi mắt
Trong trẻo tình yêu của con người
Anh về Hà Nội mưa theo gót
Nước mắt em tràn thấm áo anh
Anh đem tất cả về Hà Nội
Cả sự chờ mong không có anh…
Mảnh trời hai ngả ở hai nơi
Ta vẫn cùng chung một khoảng trời
Niềm tin cuộc sống càng tươi mãi
Bởi giữa nhân gian có hai người.
GỬI NGƯỜI ĐI XA
Thăng Long tình nghĩa mặn mà
Vì sao em phải rời xa chốn này
Hôm qua chưa hết men say
Hôm nay em đã đi ngay xa rồi…
Hương nồng còn đọng trên môi
Em đem theo để nhớ người Thăng Long
Thương em một đóa hoa hồng
Tàn phai sắc thắm với dòng thời gian
Em đi có nhớ hay quên
Người Thăng Long đợi chờ em tháng ngày
Mai sau em sống đủ đầy.
Về thăm đất cũ cùng say rượu đào
Để dành đây những ước ao
Em đi có nhớ người nào nhớ em…
2. Nghiên cứu văn học:
VĂN HỌC KHU VỰC ĐÔNG NAM Á
(Trích chương I trong sách: Văn học khu vực
Đông Nam Á)
I. ĐẶT VẤN ĐỀ VIỆC HÌNH THÀNH THUẬT NGỮ VÀ KHÁI NIỆM VĂN HỌC
ĐÔNG NAM Á
Khoa học về Đông Phương ra đời đầu tiên không phải ở
các nước phương Đông, mà ở các nước phương Tây, châu Âu. Những cuộc thám hiểm của
người châu Âu tới những vùng đất xa xôi, những cuộc phát kiến về địa lý ở
phương Đông làm cho người châu Âu đam mê các miền đất lạ không phải chỉ do cơn
khát vàng mà còn say cả thiên nhiên môi trường, con người và lối sống ở những
nơi đó. Họ thấy phương Đông như một thứ ma lực, đầy bí ẩn và rất nhiều ẩn số của
một bài toán lạ. Tiếp theo là những cuộc chinh phạt xâu xé thuộc địa của các nước
tư bản phương Tây nhằm vơ vét tài nguyên, sức người, sức của làm giàu cho bọn
tư bản phương Tây. Bên cạnh những mục tiêu kinh tế, mở rộng và duy trì thuộc địa,
phương Đông đã kích thích đầu óc tìm tòi khai phá hiểu biết của người phương
Tây làm cho ngành khoa học về phương Đông dần dần hình thành và ra đời. Do đó,
khái niệm Đông phương học được người phương Tây sử dụng để chỉ đối tượng nghiên
cứu là khu vực địa lý phương Đông. Đó là một khoa học nghiên cứu tổng hợp: lịch
sử, kinh tế, ngôn ngữ, văn học, tôn giáo, văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần
phương Đông…
Lịch sử phương Đông học thế giới đã trải qua gần bốn thế kỷ
(từ thế kỷ XVII). Những trung tâm lâu đời nghiên cứu phương Đông nằm ở các nước
Tây Âu như Pháp, Anh, Hà Lan, ở Liên Xô cũ, ở Đức và sau này ở Mỹ, Úc v.v… Ở
các trung tâm đó còn lưu giữ được rất nhiều tài liệu và văn bản quí về các lĩnh
vực phương Đông. Bốn thế kỷ qua đã đủ thời gian để hình thành một chuyên ngành
mới về Đông phương học: đó là lịch sử ngành Đông phương học. Viết lịch sử ngành
Đông phương học là vấn đề đang được đặt ra trước các nhà Đông phương học trên
thế giới, trong đó có các nhà Đông phương học Xô Viết, nhằm tổng kết việc
nghiên cứu Đông phương học từ trước cho tới nay.
Hãy thử đặt vấn đề lấy một trong các trung tâm Đông phương học
mạnh trên thế giới là Đông phương học Xô viết (Liên Xô cũ) làm minh chứng luận
giải những thành tự phát triển của ngành khoa học Đông phương.
Ở Liên Xô cũ, khoa học về phương Đông hình thành từ cuối thế
kỷ XVIII. Có 3 giai đoạn phát triển của ngành Đông phương học nước Nga:
1. Giai đoạn hình thành cơ sở khoa học Đông phương (từ cuối
thế kỷ XVIII- nửa đầu thế kỷ XIX).
2. Giai đoạn mở rộng và hệ thống hóa nghiên cứu khoa học Đông
phương (nửa sau thế kỷ XIX- đến 1917).
3. Giai đoạn Đông phương học Xô viết (1917- nay).
Đông phương học của Liên Xô trước Cách mạng tháng Mười có những
đóng góp nhất định trong nghiên cứu ngữ văn về Trung Quốc và Ấn Độ. Nghiên cứu
Trung Quốc và Ấn Độ bao giờ cũng là đối tượng số một của Đông phương học thế giới
nói chung, Đông phương học của Liên Xô cũ nói riêng. Thời Nga Hoàng đã có trường
phái nghiên cứu về Ấn Độ và Trung Quốc (N. Bitrurin lập ra trường phái Đông
phương học Nga về Trung Quốc, I.P Milaép lập ra trường phái Ấn Độ học). Tuy
nhiên, Đông phương học thời Nga Hoàng dựa trên quan điểm duy tâm về lịch sử, dẫn
đến thế giới quan và phương pháp luận của nó trong nghiên cứu có nhiều hạn chế.
Tính khoa học trong nghiên cứu văn học nói chung còn thấp.
Từ buổi đầu hình thành Đông phương học Xô viết (1917), các viện
sĩ I. Kraskovski, V. Alekseev, N. Konrát, A.P Baranikov… đã đổi mới việc nghiên
cứu văn học phương Đông. Ngoài Matxcơva và Lêningrát là hai trung tâm
nghiên cứu lớn và mạnh, Liên Xô còn có những trung tâm khác như Tasken, Bacu,
Erevan, Kazan v.v… Trong các trung tâm này, nhìn chung đều có bộ phận
nghiên cứu về Đông Nam Á. Năm 1962, Liên Xô ra Ban trung tâm phối hợp
nghiên cứu văn học các nước châu Á và châu Phi, trong đó có các nước Đông Nam
Á. Đông phương học Xô viết cũng trải qua 2 thời kỳ khác nhau về lượng, về chất,
về hướng phát triển mà năm 1960 là ranh giới của hai thời kỳ đó:
- Trước năm 1960, việc nghiên cứu văn học phương Đông chỉ đạt
tới phương pháp mô tả ngữ văn. Sau năm 1960 các công trình nghiên cứu đã có tầm
cỡ khái quát, lý luận. Trước năm 1960 những vấn đề lý luận chung ít được đặt ra
và được các nhà khoa học hưởng ứng, cùng nghiên cứu, tranh luận. Đặc biệt việc
nghiên cứu quá trình văn học Đông Nam Á cũng như phương Đông nói chung, được
coi là bộ phận không thể thiếu được trong việc tìm hiểu quá trình văn học thế
giới.
- Số công trình xuất bản trong 12 năm (từ 1961-1973) nhiều
hơn hẳn con số đã đạt được trong 40 năm trước.
Văn học các nước Đông Nam Á bắt đầu được nghiên cứu vào những
năm 50 của thế kỷ XX. Từ năm 1960 trở về trước là thời kỳ tìm hiểu và nắm vững
các nền văn học dân tộc ở Đông Nam Á. Có một số bài nghiên cứu lẻ tẻ viết về
văn học Inđônêxia, văn học Việt Nam, văn học Miến Điện (Mianma), văn học Malaixia.
Có thể nói rằng trước năm 1960, Đông phương học Xô viết chỉ chú ý đến việc
nghiên cứu các nền văn học lớn phương Đông mà chưa có sự chú ý đáng kể đến các
nền văn học Đông Nam Á. Thời kỳ này chỉ có văn học Malaixia là được nghiên cứu
sớm hơn cả (những công trình của L.A.Mervart). Thời kỳ từ 1960 trở lại đây phần
lớn các nền văn học khu vực Đông Nam Á được nghiên cứu nghiêm túc, công phu và
có kết quả (như văn học Malaixia, Inđônêxia, Việt Nam, Miến Điện). Như vậy,
từ 1960 trở lại đây các nền văn học ở Đông Nam Á được Liên Xô chú ý nhiều.
Trong thời kỳ sau này, bộ sách “Văn học phương Đông” đã ra đời
(seri). Đây là những cuốn sơ thảo lịch sử văn học của các nền văn học riêng biệt.
Bộ sách này gồm có 23 cuốn sách viết về 23 nền văn học dân tộc ở phương Đông,
trong đó có các cuốn Văn học Inđônêxia, (1965) của V.Sicorski, Văn
học Philippin (1965) của A.Santos, Văn học Thái Lan (1971) của
V.Kornép, Văn học Miến Điện (1967) của G.Pôpốp, Văn học Việt Nam (1971)
của N.Niculin. Đây là một cố gắng lớn của Đông phương học Xô viết về văn học.
Nó đánh dấu một bước tiến bộ rõ rệt, một bước đi quan trọng trong nghiên cứu
văn học Đông Nam Á ở Liên Xô cũ.
Đông phương học là một khoa học nghiên cứu tổng hợp (universan).
Ngày nay, tính tổng hợp đó dựa trên một trình độ chuyên môn hóa sâu theo từng
chuyên ngành. Ở Liên Xô cũ, nghiên cứu văn học phương Đông đã được tách ra
thành một chuyên ngành độc lập như là một bộ phận của nghiên cứu văn học chung
và nghiên cứu lịch sử văn học thế giới. Bộ “Lịch sử văn học toàn thế giới” đã
ra đời, trong đó có sự tham gia, đóng góp của văn học Đông Nam Á vào quá trình
văn học nói chung đó. Hướng nghiên cứu của Đông phương học Xô viết là hướng
nghiên cứu chuyên ngành, nghiên cứu nhiều về hiện đại. Đông phương học Xô viết
đã có những chuyên gia về từng nền văn học và có khi về từng thời kỳ văn học của
một nước. Trong ngành nghiên cứu văn học phương Đông của Liên Xô cũ cũng được
phân chia nhỏ hơn nữa; có những bộ phận chuyên môn sâu hơn về văn học. Chẳng hạn,
từ năm 1958 ở Viện Văn học thế giới thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô có nhóm
chuyên môn nghiên cứu quan hệ qua lại giữa các nền văn học phương Đông và
phương Tây. Năm 1961, Viện phương Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô đã lập
ra bộ phận chuyên môn nghiên cứu văn học và văn bia của các dân tộc châu Á. Hơn
nữa Đông phương học Xô viết có khuynh hướng ngày càng nâng cao trình độ lý luận
trong nghiên cứu văn học phương Đông. Từ năm 1960 trở lại đây Liên Xô liên tiếp
tổ chức các hội nghị khoa học về văn học phương Đông. Nhiều công trình đã xuất
bản ở Liên Xô như “Những vấn đề lý luận về mỹ học ở các nước phương Đông”
(M.1964), “Những tư tưởng của chủ nghĩa nhân đạo trong văn học phương Đông”
(M.1967), “Những vấn đề phân kỳ lịch sử văn học các dân tộc phương Đông”
(M.1968), “V.I.Lênin và văn học nước ngoài phương Đông” (1971) “Loại hình học
và quan hệ qua lại của các nền văn học thế giới cổ đại” (1971), “Tính quốc tế
và tính dân tộc trong văn học phương Đông” (M.1972), “Khai sáng trong văn học
phương Đông” (M. 1973) v.v… Ngoài ra còn có nhiều vẫn đề khác được nghiên cứu ở
Liên Xô cũ như: Quan hệ giữa Folklore và văn học viết trong văn học phương
Đông. Các nền văn học dân tộc ở khu vực Đông Nam Á được coi là
các thành viên của văn học phương Đông. Vì thế, các chuyên gia các nền văn
học Đông Nam Á đã tham gia bàn bạc về văn học phương Đông cùng với các chuyên
gia văn học các nước Đông Nam Á đã công bố những bài viết nghiên cứu của họ:
N.I.Niculin có bài “Hình tượng Lênin trong văn học Việt Nam”; E.A.Zapadova viết
về văn học Myama hiện đại, tìm hiểu mối quan hệ ảnh hưởng của văn học Nga- Xô
viết đối với văn học Myanma; N.Sumurốpva nghiên cứu về “Liên minh văn hóa nhân
dân”, một tổ chức văn hóa nghệ thuật tiến bộ ở Inđônêxia và nghiên cứu về nhà
văn hiện đại P. Pur, nhà văn tranh cử giải Nôben vào những năm 90; E.Zapadova
tìm ảnh hưởng của Goocki đối với văn học Inđônêxia, Myanmar, Việt Nam; V.
Ostrôpski và B.Parnike tranh luận về từng vấn đề của các nền văn học riêng biệt
đã lần lượt được công bố. N.I Niculin có chuyên đề về Kiều, Hồ Xuân Hương; A.D
Burman có chuyên đề về phát triển kịch nhà hát Miến Điện; và nhiều bài viết
khác của các chuyên gia Xô viết về từng vấn đề của các nền văn học riêng biệt
đã lần lượt được công bố. N.I Niculin có chuyên đề về Kiều, Hồ Xuân Hương; A.D
Burman có chuyên đề về phát triển kịch nhà hát Miến Điện; và nhiều bài viết
khác của các chuyên gia Xô viết về từng vấn đề của từng nền văn học Đông Nam Á
đăng rải rác trên các bài tạp chí “Á Phi ngày nay”, tạp chí “Đông phương học Xô
viết” và các tạp chí chuyên ngành khác. Các nhà khoa học Xô viết luôn cố gắng
xác nhận vị trí và đóng góp của văn học phương Đông- Đông Nam Á trong văn học
thế giới. Khác với quan điểm của các học giả tư sản coi rẻ văn học các dân tộc
phương Đông- Đông Nam Á, bằng những cơ sở khoa học và những công trình nghiên cứu
của mình, các nhà khoa học Xô viết đã chống lại quan niệm phương Đông lạc hậu,
phê phán quan điểm “châu Âu là trung tâm” của họ. Ngành văn học phương Đông của
Liên Xô đã khẳng định được những đóng góp quý báu của các dân tộc “nhược tiểu”
vào kho tàng văn học chung của loài người.
Đáng chú ý hơn cả là những công trình có tính chất khái quát
bao trùm quãng thời gian lịch sử dài. Đó là những cuốn sơ thảo lịch sử văn học
của từng nước Đông Nam Á nằm trong bộ sách “Văn học phương Đông” như đã kể ra ở
trên. Những công trình đó đã trinhg bày quá trình phát triển của một nền văn học,
một nước cụ thể, đánh dấu một bước tiến bộ rõ rệt, một bước đi quan trọng trong
nghiên cứu văn học văn học Đông Nam Á ở Liên Xô. Hâu hết các tác giả của những
công trình đó đều chú ý đến cội nguồn văn học dân gian trong sự hình thành lịch
sử văn học dân tộc của các nước Đông Nam Á. Các nhà khoa học Liên Xô đã thấy rõ
văn học dân gian đóng vai trò quan trọng không thể thiếu được trong quá trình
văn học của các nước Đông Nam Á. Quan niệm đó đã thể hiện trong công trình
nghiên cứu “Văn học Thái Lan” của V.Kornép, “Văn học Việt Nam” của Niculin,
“Văn học Philippin” của A.Santos, “Văn học Miến Điện” của G.Popốp. Riêng cuốn
“Văn học Inđônêxia”, vì đặc thù khách quan và quan niệm của tác giả về văn học
Malaixia- Inđônêxia nên N.Sicôrski chỉ trình bày văn học Inđônêxia từ cuối thế
kỷ XIX- đầu XX cho đến ngày nay.
Mở đầu cuốn sách “Văn học Việt Nam” là phần thơ ca dân
gian cổ đại. Tác giả khái quát văn học Việt Nam từ thơ ca dân gian cho đến ngày
nay, giới thiệu văn học trước và sau khi có chữ viết, văn học cận đại, hiện đại,
văn học nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa và văn học giải phóng ở miền Nam Việt
Nam. Tác giả dừng lại ở những mốc chính, những thời kỳ, giai đoạn văn học chủ yếu,
làm sáng tỏ những dòng, trào lưu văn học tiến bộ ở Việt Nam.
Cuốn “Văn học Thái Lan” lại viết theo từng triều đại được
V.Kornép mở đầu bằng sự thiên di của dân tộc Thái đến sự hình thành quốc gia Thái
Lan. Trong phần văn học trung đại, tác giả kết hợp truyền thuyết văn học với sự
hình thành quốc gia Thái để mô tả bức tranh văn học Thái Lan. Trong mỗi triều đại
lớn đều được tác giả giới thiệu những bộ phận văn học theo tính chất và nội
dung của nó: sáng tác thơ ca dân gian, văn học nhà chùa, văn học cung đình v.v…
Tác giả nhấn mạnh tính chất, màu sắc “huyền thoại” của văn học Thái Lan. Cuốn
sách cho thấy vị trí của văn học dân gian trong đời sống văn học Thái Lan thật
là to lớn, bao trùm.
Cuốn “Văn học Philippin” nêu lên những nét chung của con đường
phát triển văn học Philippin từ buổi đầu cho đến ngày nay. Tác giả cuốn sách gặp
phải một khó khăn lớn: thành phần dân tộc, chữ viết ở Philippin hết sức phức tạp
(hơn 80 ngôn ngữ khác nhau của các dân tộc). Vì thế, quá trình văn học của nó
cũng không dễ thâu tóm ngay được. Gần 1/3 cuốn sách giới thiệu về folklore: thơ
ca dân gian, anh hùng ca, truyền thuyết, thần thoại, cổ tích. Đây mới chỉ là bản
phác thảo hết sức sơ lược về văn học Philippin…
Trong tất cả các tập sơ thảo kể trên, các nhà khoa học Xô viết
đã làm sáng tỏ những di sản văn học cổ điển, văn học truyền thống, nhưng chủ yếu
vẫn chú ý nhiều hơn tới văn học cận, hiện đại. Từng thời kỳ văn học, những nhà
văn nhà thơ tiêu biểu đều được giới thiệu ở đây. Nhìn chung, trong các công
trình đó, với tính chất của một công trình sơ thảo, các nhà khoa học Xô viết đã
cố gắng khái quát về toàn bộ một nền văn học cụ thể.
Từ những năm 70, hướng nghiên cứu hiện đại của Đông phương học
Xô viết càng rõ hơn. Phương Đông, nhất là Đông Nam Á càng ngày càng trở thành
trung tâm chú ý của thế giới về cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngành
văn học phương Đông của Liên Xô đặc biệt chú ý trong khai thác văn học tiến bộ,
văn học cách mạng ở các nước Đông Nam Á như một khu vực địa lý- chính trị- quân
sự. Chỉ từ những năm 70 trở lại đây, Đông phương học Xô viết mới nhìn nhận Đông
Nam Á như một khu vực văn học, tách hẳn với Ấn Độ và Trung Quốc. Vì vậy ở Liên
Xô vào những năm 70 đã cho ra đời các cuốn sách “Đông Nam Á những vấn đề khu vực”
trong đó đề cập tới các lĩnh vực văn học Đông Nam Á, tôn giáo Đông Nam Á, ngôn
ngữ Đông Nam Á v.v… Cuốn thứ hai cũng có tiêu đề như trên, nhưng viết về vấn đề
của khoa học lịch sử. Như thế, Liên Xô đã thấy giữa các quốc gia ở Đông Nam Á
có mối quan hệ với nhau về địa lý môi trường, về lịch sử văn hóa và đến hôm
nay, thời đương đại càng thấy rõ hơn về Đông Nam Á trong tổ chức ASEAN. Các nhà
nghiên cứu văn học Liên Xô đã chú ý tìm hiểu mối liên hệ giữa các nền văn học
Đông Nam Á và đặc trưng của văn học khu vực Đông Nam Á. Những công trình viết
khái quát về văn học Đông Nam Á, tìm ra những đặc thù chung của văn học cả khu
vực cũng như những đặc thù riêng trong nội hàm khu vực chưa có nhiều và còn ở mức
sơ lược. Tuy vậy, khái niệm và thuật ngữ văn học Đông Nam Á đã được sử dụng ở
Liên Xôn cũng gần ba mươi năm nay. Đối với bộ môn văn học, việc đi vào nghiên cứu
từng nền văn học, xưa nay vẫn là một mục tiêu đúng đắn và khoa học nhất. Việc
nhìn nhận văn học khu vực càng làm sáng tỏ nhiều vấn đề văn học của từng quốc
gia trong một tổng thể.
Có thể nói, Đông Nam Á được nhìn nhận như một khu vực địa lý-
lịch sử- chính trị- và văn hóa khá muộn. Nhận thức về khu vực Đông Nam Á (cũng
như Đông phương) trước hết bắt nguồn từ bên ngoài Đông Nam Á. Các nước lớn, đặc
biệt là các cường quốc thấy cần coi Đông Nam Á khác biệt trực tiếp với các khu
vực kề cận, coi Đông Nam Á là một khu vực địa lý- chính trị- quân sự riêng. Việc
coi Đông Nam Á như một khu vực địa lý- quân sự- chính trị của thế giới cũng chỉ
bắt đầu từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Sau chiến tranh thế giới thứ hai,
thế giới được phân chia thành hai phe rõ ràng, đối lập nhau là tư bản chủ nghĩa
và xã hội chủ nghĩa. Hai vấn đề: phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc lên
cao, sự phá vỡ hệ thống thuộc địa của tư bản phương Tây đã thu hút sự chú ý của
cả phương Tây, cả Liên Xô cũ tới khu vực Đông Nam Á. Sau Đông Nam Á với tư cách
là một khu vực địa lý, rồi mới đến Đông Nam Á với tư cách là một khu vực chính
trị. Đông Nam Á xuất hiện trên bản đồ chính trị thế giới với tư cách là một khu
vực chính trị riêng khi nó chỉ bắt đầu có một vị trí nhất định trong đời sống
chính trị thế giới. Khi hai cường quốc của phe đối địch hoạch định chiến lược
toàn câu của mình thì Đông Nam Á cũng trở thành một trong các khu vực chính trị-
quân sự của họ. Còn trước đó, các nước riêng biệt ở Đông Nam Á là đối tượng
nghiên cứu của các nước tư bản phươngảTay với tư cách là các thuộc địa của họ.
Nhận thức Đông Nam Á là một khu vực lịch sử- văn hóa là điều
khó khăn, nhất là những người phương Tây. Khái niệm văn hóa khu vực Đông Nam Á
khó được chấp nhận vì những sự kiện có sẵn để phân tích lịch sử không nhiều, vì
những phức tạp về văn hóa- xã hội. Dần dần các ngành khoa học khác nhau trên thế
giới đã khám phá và đưa ra những giả định về các lĩnh vực văn hóa ở khu vực
Đông Nam Á. Trước khi tiếp xúc với Ấn Độ, Trung Quốc, Đông Nam Á là một trong
các trung tâm của cây trồng. Thành tựu nổi bật là một nền văn minh nông nghiệp
trồng lúa nước. Rồi nền văn hóa Đông Sơn với những trống đồng tìm thấy ở khắp
Đông Nam Á là những hiện vật tiêu biểu của văn hóa khu vực. Những phát hiện khảo
cổ học, dân tộc học, folklore học v.v… của các nhà khoa học thế giới về Đông
Nam Á đã làm đổi thay cách nhìn của người nước ngoài (ngoài Đông Nam Á). Họ đã
thấy Đông Nam Á là một khu vực địa lý- văn hóa.
Khu vực địa ký- văn hóa Đông Nam Á có những đặc thù riêng so
với các khu vực văn hóa khác trên thế giới. Văn hóa Đông Nam Á là một quá trình
“trầm tích” các nền văn hóa của khu vực, của thế giới và quá trình biến
thiên của thời gian, không gian, môi trường những lớp “trầm tích” ấy đã được bản
địa hóa, trở thành những sản phẩm văn hóa riêng của mỗi dân tộc và cả khu vực
Đông Nam Á. Sự giao lưu, tiếp xúc văn hóa Đông Nam Á trải qua hai lần hướng ngoại
(một lần với các nền văn minh Ấn Độ, Trung Quốc và một lần với văn minh phương
Tây) và hiện tại là lần hướng nội (giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á với
nhau). Lần này, các nước Đông Nam Á tự ý thức về tính khu vực của mình và một
liên kết khu vực ASEAN tạo ra một mối quan hệ lệ thuộc, cho phép các nước Đông
Nam Á có sức mạnh mới trong hòa bình, hợp tác phát triển và Đông Nam Á có tiếng
nói, vị trí hơn hẳn trước kia trên trường quốc tế.
Từ những điều trình bày ở trên cho thấy quá trình nhìn nhận
và nghiên cứu khu vực Đông Nam Á ở trên thế giới. Nghiên cứu khu vực học Đông
Nam Á nằm trong Đông phương học của nhiều nước trên thế giới như Liên Xô cũ, của
Pháp, của các nước Đông Âu, các nước châu Á và Mỹ … Do kết quả nghiên cứu của
các trung tâm khoa học của các nhà khoa học đã dẫn đến việc sử dụng khái niệm
Đông Nam Á và văn học Đông Nam Á. Các nhà khoa học đã dùng thuật ngữ văn học
Đông Nam Á để chỉ các nền văn học dân tộc ở khu vực này và giữa chúng có một cơ
tầng văn hóa chung, có những đặc thù đường nét chung qua quá trình giao lưu tiếp
xúc như một cộng đồng lớn vậy. Đó là sự hình thành thuật ngữ và khái niệm văn học
Đông Nam Á.
II. NGHIÊN CỨU VÀ GIỚI THIỆU VĂN CHƯƠNG ĐÔNG NAM Á Ở
VIỆT NAM
Khoảng trên hai mươi năm gần đây, trong đời sống văn học nước
nhà đã thấy xuất hiện mảng bài và sách nghiên cứu, giới thiệu văn học khu vực
Đông Nam Á. Như vậy, nghiên cứu văn học Đông Nam Á đã có mặt, có vị trí và chỗ
đứng của mình trên “văn đàn” của các nước. Và đó là thành tựu, là kết quả rất
đáng ghi nhận của chuyên ngành nghiên cứu văn học Đông Nam Á của Việt Nam.
Trước kia, giới văn nghệ của ta vốn chỉ quen và biết đến các
nền văn học phương Tây, châu Âu, Trung Quốc… mà chúng ta đã “bỏ quên” phần nào
số chính bản thân mình, tức văn học khu vực Đông Nam Á. Điều mà lịch sử để lại ấy
làm cho chúng ta quen thuộc những chủ nhân từ phương xa vốn xa lại với chúng ta
trên nhiều phương diện, trong khi đó chúng ta lại rất “lạ” với những người bà
con ở ngay bên cạnh- vốn gần gũi, có quan hệ gắn bó về mọi mặt với chúng ta
trong cộng đồng khu vực mà chúng ta là một thành viên. Đã đến lúc (cũng không
phải là sớm gì), chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu, tìm hiểu văn học
(cả văn hóa nói chung) Đông Nam Á xuất phát từ lợi ích nghiên cứu văn học (và
văn hóa) Việt Nam của chúng ta.
Nói như vậy không có nghĩa là người viết ở đây có tư tưởng
bài trừ phương Tây, bài trừ châu Âu và các nền văn minh rực rỡ từ cổ chí kim ở
xa Việt Nam. Ngược lại, chúng ta tiếp thu và thừa hưởng tinh hoa của thế
giới, nhưng trước hết chúng ta phải hiểu sâu, hiểu hơn ai hết văn học khu vực
Đông Nam Á của mình.
Nhìn lại việc nghiên cứu văn học Đông Nam Á hai mươi năm qua,
tuy chúng ta có những thành tựu đáng ghi nhận nhưng đó mới chỉ là bước đầu. Kể
từ khi thành lập Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á (năm 1973- nay là Viện Nghiên
cứu Đông Nam Á) bộ môn văn học Đông Nam Á như “một tiểu đội đặc công” của ngành
văn học Việt Nam đặt chân lên miền đất trống để “trinh sát”, tìm hiểu, khai
thác các nền văn học dân tộc ở vùng này, mặc dù nó hầu như chưa được trang bị
trước những phương tiện cần và đủ. Tuy tay nghề và vốn liếng có khác nhau, từng
người được phân công đi vào từng nền văn học dân tộc ở Đông Nam Á: văn học Lào,
văn học Campuchia, văn học Thái Lan, văn học Inđônêxia, văn học Myanma v.v… Thế
là việc tìm hiểu, nghiên cứu các nền văn học dân tộc ở Đông Nam Á được mở ra và
triển khai. Sáu năm, bảy năm tìm tòi, khai thác, thu góp tư liệu về văn học
Đông Nam Á, bằng nhiều con đường và phương pháp tiếp cận khác nhau, những kết
quả nghiên cứu văn học các nước Đông Nam Á dần được công bố trên tạp chí văn học
và các sách xuất bản ở các nhà xuất bản trung ương.
Những công bố về văn học Đông Nam Á có thể đánh giá ở hai mức
hai cấp độ là:
1. Công bố nghiên cứu về các nền văn học dân tộc ở Đông Nam
Á.
2. Công bố nghiên cứu về văn học khu vực Đông Nam Á (những vấn
đề tổng hợp, phổ quát, những vấn đề chung của văn học cả khu vực)
Những bài viết giới thiệu cả một nền văn học (như văn học
Campuchia, văn học Myanma) đăng trên Tạp chí Văn học còn rất sơ lược,
hạn hẹp, thiếu hẳn cái hồn tự thân của nền văn học, một phần do khuôn khổ của
bài tạp chí, phần khác do tư liệu, vốn hiểu biết, trình độ của người viết còn rất
hạn chế. Những bài viết “cú đơi” về một nền văn học như Văn học Lào, Văn học
Inđônêxia, Văn học Campuchia… in trong các công trình Văn học các nước
Đông Nam Á, Hợp tuyển văn học Lào, Tìm hiểu văn hóa Lào, Tuyển tập văn học
Campuchia, Tìm hiểu văn hóa Inđônêxia là những bài viết công phu vốn tư liệu
phong phú, dồi dào, thể hiện khả năng nắm bắt vấn đề và khái quát văn học khá tốt,
khá rõ ràng. Với số lượng trên dưới năm mươi trang in, các tác giả của các công
trình trên đã dựng được bộ mặt lịch sử văn học của một nước, một quốc gia cụ thể.
Qua các công trình ấy, bức tranh toàn cảnh của một nền văn học dân tộc mới được
thể hiện rõ các đường nét, các mầu sắc, hình vẽ. Tuy còn những vấn đề học thuật
cần phải bàn cãi, bổ khuyết, nhưng theo chúng tôi, những công trình dạng trên
là một trong những công trình nổi bật của việc nghiên cứu văn học Đông Nam Á.
Chẳng hạn, như phần viết về văn học Lào in trong Hợp tuyển văn học Lào xuất
bản năm 1981 đã được một tác giả khác kế thừa, suy nghĩ lại và bổ sung sâu hơn,
rõ hơn phần cơ bản về văn học đương đại Lào in trong Tìm hiểu văn hóa
Lào năm 1985. Như thế, với hai công trình đó chúng ta đã dựng được, nắm bắt
được những chặng đường lớn của văn học Lào cho đến ngày nay.
Vào những năm 90 này, các nền văn học dân tộc còn lại ở Đông
Nam Á đã được viết và công bố. Đó là nền văn học Thái Lan, Philippin và một số
bài viết khái quát ngắn về văn học Malaixia trong sách Văn học các nước
ASEAN
Bên cạnh những công trình viết về một nền văn học, Tạp
chí Văn học đã đăng tải những bài viết nghiên cứu theo các “chuyên đề”. Tạp
chí văn học số 4/1984 là số tập trung đăng các bài viết về văn học Đông Nam Á.
Nhìn vào những công bố trên sách, tạp chí thời gian qua, chúng tôi thấy các tác
giả đã đi vào chuyên đề văn học dân gian (như Truyện quả bầu Lào của
Nguyễn Năm, Từ Truyện quả bầu Lào đến Huyền thoại lụt ở Đông Nam
Á của Nguyễn Tấn Đắc v.v…), chuyên đề về tiểu thuyết hiện đại (như Đề
tài chống ngoại xâm trong tiểu thuyết lịch sử Inđônêxia của Đức
Ninh). Nền giáo dục sai lầm, một đỉnh cao trong nền tiểu thuyết của
Inđônêxia hiện đại của Đức Ninh (đăng trên Tạp chí văn học và công trình
sách: tiểu thuyết Inđônêxia nửa đầu thế kỷ XX của Đức Ninh xuất bản năm 1983…)
chuyên đề về một nhà văn (như Xum Thon Phu- nhà thơ lớn của nhân dân Thái
Lan và Thử tìm hiểu ảnh hưởng của văn học dân gian qua một số sáng tác tiêu biểu
của Xum Thon Phu của Dương Xuân Cương đăng trên tạp chí Văn học), chuyên đề
về một thời kỳ, một giai đoạn văn học, một dòng văn học (như Văn học
Campuchia thời kỳ Ăngco của Nguyễn Tấn Đắc, Thơ ca Trung cổ của
Campuchia thế kỷ XIV- XVIII của Vũ Tuyết Loan, Thử dựng lại tiến
trình phát triển văn học cận hiện đại Lào của Đức Ninh, Văn học cách
mạng Lào của Nguyễn Năm v.v…). Đánh giá những bài viết loại này, chúng tôi
thấy phần lớn các bài viết có độ sâu, có giải đáp tương đối trọn vẹn một vấn đề
hoặc một khía cạnh nào đó của văn học. Có những bài trong số đó công bố trên Tạp
chí Văn học được các đồng nghiệp nghiên cứu và biên tập gọi là những bài “ét
xăng”, vì chúng được “rút ruột” từ các kết quả của các công trình viết trên một
trăm trang.
Vào những năm 90, nghiên cứu các nền văn học dân tộc Đông Nam
Á được đẩy mạnh hơn. Một số nghiên cứu sinh đã có những đề tài nghiên cứu và họ
đã thể hiện kết quả nghiên cứu của mình qua các công trình luận án phó tiến sỹ
như: “Từ truyện thơ đến tiểu thuyết hiện đại Campuchia” của Nguyễn Sỹ Tuấn,
viết về giai đoạn chuyển tiếp cận- hiện đại của văn học Campuchia. Tác giả cho
thấy sự “cách tân” của văn học truyền thống Campuchia (truyện thơ) chuyển sang
thời kỳ văn học hiện đại qua thể loại tiêu biểu của văn học hiện đại là tiểu
thuyết. Công trình luận án “Riêm Kê và Tum tiêu trong văn học Campuchia” của
Vũ Tuyết Loan viết về ảnh hưởng của Ramayana Ấn Độ trong văn học Campuchia và
những sáng tạo của người dân Campuchia làm thành tác phẩm Riêm Kê. Tác giả đi
sâu phân tích giá trị của hai tác phẩm này trong văn học truyền thống
Campuchia. Gần đây nhất là công trình luận án “So sánh một số kiểu truyện cổ
dân gian ở Lào và ở Việt Nam” của Lại Phi Hùng. Tác giả đã so sánh ba
dạng nhân vật (nhân vật dũng sĩ, nhân vật bất hạnh, nhân vật người đội lốt vật)
trong truyện cổ tích của Lào và Việt Nam. Qua công trình này, tác giả muốn
nêu lên những nét chung của truyện cổ tích Lào- Việt và những nét riêng của
truyện tích Lào để thấy tính dân tộc, đặc thù văn hóa riêng của từng quốc gia.
Tiếp theo là những công trình luận án đang ở giai đoạn hoàn thành, chuẩn bị bảo
vệ. Chẳng hạn, như Đỗ Thu Hà nghiên cứu ảnh hưởng của Ramayana Ấn Độ với văn học
của một số nước Đông Nam Á và quá trình tiếp thu, sáng tạo văn học ở các quốc
gia khác nhau ấy từ một văn bản gốc Ấn Độ. Hướng nghiên cứu so sánh làm rõ các
quan hệ tiếp xúc văn hóa của khu vực Đông Nam Á và quá trình xây dựng, phát triển
văn học ở các quốc gia khác nhau đang được giới nghiên cứu văn học quan tâm và
triển khai mạnh mẽ. Một số bài nghiên cứu so sánh văn học đã xuất hiện làm cho
nghiên cứu văn học Đông Nam Á ngày càng có đóng góp thiết thực hơn cho nghiên cứu
văn học của Việt Nam…
Về tác giả- tác phẩm văn học, chuyên ngành nghiên cứu văn học
Đông Nam Á đã có những đóng góp tốt vào đời sống văn học của cả nước. Các tác
giả- tác phẩm của các nền văn học Đông Nam Á được các nhà nghiên cứu Đông Nam Á
viết gọn, rõ trong bộ Từ điển văn học, một công trình khoa học tra cứu và
thông tin kiến thức đầu tiên của nước ta. Chúng ta chưa thể bằng lòng với số lượng
và tỉ lệ mà Từ điển văn học dành cho văn học khu vực này, vì
tên tuổi của nhiều cây bút văn học của các nước Đông Nam Á vẫn chưa được đưa
vào. Song, nếu chúng ta giới thiệu được trọn vẹn từng ấy tên tác giả, tác phẩm
trong Từ điển văn học cho bạn đọc Việt Nam (bằng con đường dịch thuật) thì
cũng là việc làm quá sức đối với các cơ quan xuất bản, báo chí, nhất là trong
điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay của Việt Nam. Một điều đáng khích lệ là
trong những năm qua, chúng ta đã dịch, biên soạn và giới thiệu được một số tác
phẩm văn học của các nước Đông Nam Á. Tham gia vào phần việc này, ngoài các nhà
nghiên cứu văn học Đông Nam Á “chính ngạch” còn có các dịch giả, soạn giả “ngoại
ngạch” cũng tham gia giới thiệu văn chương của các nước Đông Nam Á. Đó là trường
hợp của những cuốn Hợp tuyển văn học Lào (NXB Văn học. H.
1981), Hợp tuyển văn học Campuchia (NXB Khoa học xã hội, H.
1986), Truyện cổ Lào (NXB Văn hóa, H. 1984), Truyện cổ
Inđônêxia (NXB Văn hóa, H. 1988), Truyện dân gian Philippin (NXB
Khoa học xã hội, H. 1991), Truyện cổ Malaixia (NXB Khoa học xã
hội, H. 1991) và các tập truyện ngắn Đông Nam Á, châu Á do Nhà xuất bản
Lao động in như Lối thoát cuối cùng, Quà tặng hoàng hôn. Nhà xuất bản
Tác phẩm mới và các nhà xuất bản khác đã in những cuốn như Tôi phải chiếm
tình yêu của anh (tiểu thuyết Inđônêxia), Cuộc đời mà tôi căm
ghét (Truyện vừa Myanma), Kẻ dừng lại giữa đường (tập truyện ngắn
Lào). Đó là chưa kể đến một số truyện ngắn, thơ của khu vực này đăng rải rác ở
các số báo của tờ Văn nghệ. Điều cần nói ở đây là việc dịch các văn
phẩm của khu vực Đông Nam Á phần nào vẫn mang tính “tự phát”, chưa có sự thống
nhất và hợp tác qui hoạch giữa các cơ quan nghiên cứu- xuất bản và Hội nhà văn.
Do đó lẻ tẻ có tác phẩm in ra vô hình chung đã làm cho độc giả hiểu méo mó về nền
văn học của quốc gia có tác phẩm ấy. Thiết nghĩ, chúng ta không nên nghĩ và làm
theo “đường mòn” nhất là trong khung cảnh đổi mới tư duy và cải tổ hiện nay,
song cũng phải tránh trường hợp vớ được cuốn sách nào là vội vàng đem dịch (vì
“của hiểm” hoặc cần minh họa cho tình hình quan hệ mang tính thời sự). Nghiên cứu
văn học, dịch tác phẩm văn học cho đông đảo bạn đọc nước nhà là những công việc
không đồng nhất nhưng phải thống nhất xuất phát từ phương hướng và lợi ích khoa
học, lợi ích văn nghệ của chúng ta.
2. Cấp độ thứ hai quan trọng hơn, cao hơn đòi hỏi trình độ và
khả năng hơn hẳn cả về chất và lượng của người nghiên cứu là nghiên cứu văn học
Đông Nam Á với tư cách là một chỉnh thể văn học. Đi vào những vấn
đề chung, tổng hợp, khái quát đặc thù văn học của một khu vực không phải là một
việc làm dễ dàng và không phải nhiều người nghiên cứu làm được. Vì thế, mười
lăm năm qua, số lượng bài viết tổng hợp dạng này có thể đếm trên đầu ngón tay.
Có được cái nhìn bao quát về văn học Đông Nam Á từ trước cho đến nay ít ra cũng
phải mất hàng chục năm suy nghĩ, tìm hiểu, tích lũy kiến thức và một bài tạp
chí công bố là hệ quả của mười năm mới có. Bài Thử bàn về một số nét của
văn học Đông Nam Á của Đức Ninh đăng trên Tạp chí Văn học (số 5
năm 1983) là bài viết về những đặc điểm chung trong quá trình phát triển văn học
Đông Nam Á. Đó là những te-zit về văn học khu vực và là thể nghiệm đầu
tiên thử dựng khung lịch sử văn học Đông Nam Á. Bài Văn học Đông Nam
Á của Nguyễn Tấn Đắc in trong cuốn Văn học các nước Đông Nam Á (H.
1983) và tác giả đã viết gọn lại, có chỉnh lại một chút đăng lại trên Tạp
chí Văn học (số 4 năm 1984) là bài viết theo một mạch khác nhau với bài viết
của Đức Ninh, mặc dù có điểm này điểm kia giống nhau. Nguyễn Tấn Đắc như một
người đứng từ xa quan sát, chiêm ngưỡng và “nhận diện” khu vực văn học Đông Nam
Á. Cốt lõi trong bài của anh là muốn đi tìm quá trình hình thành văn học dân tộc
ở Đông Nam Á. Trong bài, tác giả đề cập tới ranh giới và quan hệ giữa văn học
dân gian và văn học viết, đề cập tới sự vay mượn về đề tài, ngôn ngữ và ngôn ngữ
quốc gia của các nước phát triển như thế nào trong bước chuyển mình sang thời kỳ
hiện đại. Tuy bài viết có những điểm chúng tôi chưa tán thành, có những điểm cần
làm sáng rõ, song đây là bài cần đọc và nên đọc, và ít nhiều trong đó có những
ý tưởng hay, đáng lưu tâm. Ngoài ra còn có Truyện ngắn ở các nước Đông Nam
Á của Đức Ninh, bài viết có xu hướng khái quát một thể loại truyện ngắn hiện
đại ở Đông Nam Á và Từ truyện quả bầu đến huyền thoại lụt ở Đông Nam Á của
Nguyễn Tấn Đắc, bài thiên về tìm những vấn đề chung của xã hội Đông Nam Á cổ
xưa
Xem ra những đóng góp ở trên của chuyên ngành văn học Đông
Nam Á đối với đời sống văn học cũng không phải là ít, mặc dù đội ngũ của nó còn
quá mỏng và chưa trưởng thành. Trong thời gian qua, điều mong muốn mà chưa làm
được là các công trình sơ thảo về văn học từng nước kèm theo công trình hợp
tuyển tác phẩm văn học. Vì vậy trong ba đến năm năm tới, chúng ta phải xây
dựng xong bộ sách về lịch sử văn học của từng nước Đông Nam Á và tuyển chọn được
một lượng tác phẩm tiêu biểu và tối thiểu của nền văn học ấy. Nếu làm xong bộ
sách này, chúng ta mới đi được một bước cơ bản trong qui trình nghiên cứu khoa
học của mình. Trong thời gian qua nghiên cứu của chúng ta chưa có sự thông hiểu
lẫn nhau giữa các nền văn học ở Đông Nam Á, vì thế mà không có tiếng nói chung,
không có đại đồng tiểu dị. Nói một cách khác, chúng ta chưa có “mẫu số chung” về
văn học khu vực Đông Nam Á và chưa cùng nhau tập trung giải quyết những vấn đề
của “mẫu số chung” ấy. Đến nay, chúng ta đã có thể xây dựng được một hệ thống
tài liệu cho chuyên ngành văn học Đông Nam Á. Căn cứ vào qui trình khoa học và
các giai đoạn nghiên cứu, chúng tôi thấy không thể đốt cháy giai đoạn nghiên cứu
và càng không thể thiếu tính hệ thống, tính ê kíp của công việc. Với phương
pháp tổng hợp, liên ngành, văn học Đông Nam Á phải đặt ra những vấn đề chung,
có định hướng, mang tính toàn cục để giải quyết. Theo chúng tôi nếu không kể bộ
sách về lịch sử văn học của từng nước Đông Nam Á mà chúng ta cần hoàn thành,
thì hướng lâu dài của mười lăm năm tới, chuyên ngành văn học Đông Nam Á sẽ giải
quyết những vấn đề sau đây:
1. Con đường hình thành văn học hiện đại Đông Nam Á: trên những
kết quả nghiên cứu vừa qua và những suy nghĩ tiếp tục của chúng ta đã hé mở được
vài điều giả thiết khoa học của vấn đề này. Có ý kiến nêu lên con đường hình
thành văn học hiện đại Đông Nam Á trải qua quá trình sao phỏng- lộn xộn- rồi
mới tạo ra cái văn thực của Đông Nam Á. Có lẽ chưa đủ vì vấn đề này còn liên
quan đến vấn đề sau.
2. Ảnh hưởng văn học phương Tây và văn học Nga Xô viết vào
văn học hiện đại Đông Nam Á: đây cũng là những vấn đề cần làm sáng rõ trên cứ
liệu nghiên cứu của văn học so sánh và loại hình học của văn học, mặc dù chúng
ta biết chắc chắn khu vực văn học Đông Nam Á hiện đại có chịu ảnh hưởng từ bên
ngoài và đã từng vay mượn ở bên ngoài.
3. Quá trình hình thành và phát triển tiểu thuyết- một thể loại
lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong văn học hiện đại Đông Nam Á (trên dẫn
liệu của văn học Inđônêxia, Philippin, Việt Nam, Myanma, và văn học Đông
Dương). Theo chúng tôi, một trong những căn cứ cốt yếu xác định bước chuyển
mình sang thời kỳ hiện đại của nền văn học là sự có mặt của thể loại tiểu thuyết
hiện đại (bằng văn xuôi).
4. Quan hệ giữa truyền thống và cách tân trong văn học Đông
Nam Á: để giải quyết được vấn đề này chúng tôi thấy người nghiên cứu cần có hiểu
biết tốt trên cơ sở nghiên cứu cả phần truyền thống lẫn phần hiện đại để tìm
cho được dấu nối giữa hai văn học “cũ” và “mới”.
5. Quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết ở Đông Nam
Á: đây là vấn đề lý thú và cũng là đặc thù của văn học Đông Nam Á. Muốn tìm được
mối quan hệ giữa hai hiện tượng, hai sự vật chắc chắn ai cũng thừa nhận phải
nghiên cứu tìm hiểu kỹ cả hai hiện tượng và sự vật. Mối quan hệ giữa văn học
dân gian và văn học viết đóng vai trò không nhỏ trong toàn bộ lịch sử phát triển
văn học Đông Nam Á.
6. Những nhân tố chính trị, xã hội, văn hóa, xúc tiến quá
trình cách tân văn học ở Đông Nam Á: vấn đề này có thể đặt ở mục đầu tiên và
cũng có thể đặt ở mục cuối cùng để xem xét xuất phát từ những chuẩn hóa nghiên
cứu khác nhau.
Chúng tôi nghĩ rằng, những vấn đề trên có liên quan mật thiết
và hữu cơ với nhau tạo thành những cơ sở lớn để nghiên cứu và dựng lại được Quá
trình hình thành và phát triển văn học dân tộc hiện đại Đông Nam Á. Từ những
nghiên cứu trên về Đông Nam Á, chúng ta hoàn toàn có khả năng nhìn nhận lại và
ngày càng sáng tỏ, ngày càng chính xác về văn học Việt Nam và văn học Việt Nam
đang và sẽ được đặt trong khung cảnh văn học của khu vực Đông Nam Á với tất cả
các mối quan hệ giữa chúng với nhau. Do đó không có lý do gì lại không nghiên cứu
song song và phối hợp văn học Việt Nam và văn học Đông Nam Á trong
ngành nghiên cứu văn học của Việt Nam. Thiết tưởng điều đó phải trở thành
vấn đề của phương pháp luận, phương pháp tiếp cận khoa học, phương pháp bộ môn
trong khoa nghiên cứu văn học của chúng ta.
III. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA VĂN HỌC ĐÔNG NAM Á
1. Khái quát quá trình văn học Đông Nam Á trong những
đặc điểm văn hóa Đông Nam Á
Nhiều năm tìm hiểu và nghiên cứu văn học Đông Nam Á, chúng ta
đã và đang tạo lập một quan điểm nghiên cứu văn học riêng cho khu vực này. Nói
như vậy không có nghĩa là chúng tôi hoàn toàn “từ bỏ” phương pháp nghiên cứu
văn học, phương pháp bộ môn của ngành văn học vốn có từ xưa đến nay, mà ngược lại,
hơn bao giờ hết càng ngày càng là chủ phương pháp bộ môn cả chiều sâu lẫn chiều
rộng. Duy chỉ có điều là văn học khu vực Đông Nam Á có những đặc thù riêng, mà
nếu đơn thuần nghiên cứu văn chương (tự thân văn học) thì hiệu quả sẽ rất ít, nếu
không nói là nhiều khi sai lệch khi nhìn nhận quá trình tồn tại và phát triển của
văn học Đông Nam Á. Vậy, vấn đề đặt ra là cần vận dụng một phương pháp tiếp cận
tổng hợp, rộng lớn hơn để có một quan điểm riêng về nghiên cứu văn học Đông Nam
Á. Phần viết này xem xét quá trình văn học Đông Nam Á trên cơ sở những đặc điểm
văn hóa của cả khu vực.
Khác với văn học khu vực khác, văn học Đông Nam Á được “hòa
tan” trong văn hóa, đan xen và “liên kết” với các loại hình nghệ thuật khác để
thể hiện cảm xúc, tình cảm, tư tưởng của con người và xã hội. Do đó, không đơn
thuần sử dụng phương pháp nghiên cứu văn học để xem xét, mà phải sử dụng phương
pháp liên ngành, đa ngành interdisciplinary để lý giải các hiện tượng
và quá trình văn học Đông Nam Á. Khác với các khu vực văn hóa khác trên thế giới,
Đông Nam Á nằm giữa hai nền văn hóa Ấn Độ và Trung Quốc. Nếu đối chiếu đơn thuần
Đông Nam Á với Ấn Độ và Trung Quốc ở cùng một mốc thời gian về văn học, chẳng hạn,
thì văn học Đông Nam Á “non trẻ” hơn nhiều, tiến sâu hay “chậm” hơn nhiều. Cái
“nghệ thuật bằng lời” mà chúng ta gọi là văn học ở thời xa xưa ở Đông Nam Á
chưa được tách biệt ra khỏi các loại nghệ thuật khác, trong khi đó những sử thi
lớn của Ấn Độ như Mahabharata, Ramayana đã ra đời đầu Công nguyên với tư cách
là một tác phẩm văn học. Đông Nam Á hình thành chữ viết muộn hơn nhiều so với Ấn
Độ và Trung Quốc. Vì thế, khi xem xét văn học truyền thống Đông Nam Á chúng ta
nhìn nhận văn học trong văn hóa, trong cái nguyên sinh tổng hòa các loại hình
nghệ thuật của Đông Nam Á cổ đại. Sự “muộn chậm” của Đông Nam Á hiểu theo một
nghĩa nào đó, đã làm cho nhiều nhà nghiên cứu “bỏ rơi” vùng này. Nếu có nhắc tới
Đông Nam Á, người ta thường nói tới ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ cổ đại và một
phần văn hóa Trung Quốc. Sự thật lịch sử đã làm cho nhiều nhà nghiên cứu về
Đông Nam Á lầm tưởng rằng văn hóa Đông Nam Á chỉ là cái “bóng” hoặc chỉ là vay
mượn hoàn toàn văn hóa Ấn Độ và Trung Quốc, chỉ là khu vực ngoại vi của hai nền
văn minh lớn kia.
1. Phải thừa nhận rằng, điểm nổi bật của văn hóa Đông Nam Á
là sự phát sinh, phát triển từ xa xưa nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Đâu là
nền tảng, là cơ sở qui định sự phát triển văn hóa tinh thần, văn hóa vật chất,
cơ cấu xã hội và đời sống tâm linh, tư duy triết lý của con người Đông Nam Á
trong suốt quá trình vận động của xã hội Đông Nam Á từ xưa cho đến nay. Nền văn
minh nông nghiệp lúa nước này có cội nguồn và bản sắc riêng, phát triển liên tục
trong lịch sử. Nhiều nhà nghiên cứu gọi lớp văn hóa nguyên sơ này là cơ tầng
văn hóa Đông Nam Á. Trên cơ tầng văn hóa này, văn học dân gian nảy nở, phát triển.
Văn học dân gian được xem là ngọn nguồn của văn học dân tộc khu vực Đông Nam Á
và đây cũng là lớp văn hóa bản địa trước khi Đông Nam Á chịu ảnh hưởng các nền
văn hóa lớn từ bên ngoài. Văn học dân gian chiếm phần lớn, nổi bật, bao trùm
lên toàn bộ quá trình văn học Đông Nam Á vì nó xuất phát từ một nền văn hóa
nông nghiệp với cơ cấu tổ chức làng, xã (desa) ở các nước Đông Nam Á. Khi có
văn học viết, văn học dân gian vẫn phát triển mạnh mẽ, phong phú và vẫn đóng
vai trò chủ yếu. Vì vậy, khi nghiên cứu bức tranh văn học Đông Nam Á, đặc biệt
là văn học dân gian, chúng tôi tạo lập quan điểm nghiên cứu liên ngành, đa
ngành chắc chắn không phải là vô lý. Điều này tiếp tục được cắt nghĩa ở những
phần dưới đây. Trở lại lớp văn hóa bản địa, chúng ta thấy rằng trước khi tiếp
nhận những ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, các cộng đồng tộc người ở Đông Nam Á
đều có tín ngưỡng bản địa, tín ngưỡng đa thần giáo, vạn vật hữu linh và tục thờ
cúng tổ tiên. Tín ngưỡng này gắn chặt chẽ với sự phát sinh phát triển của văn học
dân gian (folklore) trên cơ sở của nền văn minh nông nghiệp trồng lúa. Sự ra đời
các nghi lễ nông nghiệp ban đầu còn gắn với tôn giáo, mang ý nghĩa tôn giáo và
dần dần trở thành các sinh hoạt văn nghệ, văn học dân gian. Văn học dân gian thời
kỳ này mang màu sắc nguyên sơ của các cộng đồng làm nông nghiệp, trồng trọt,
săn bắn, đánh cá. Thần thoại, truyền thuyết phản ánh rõ nét các sinh hoạt nghi
lễ tín ngưỡng của các cư dân Đông Nam Á trước sức mạnh của thiên nhiên và những
quan niệm cổ sơ của họ về vũ trụ, về thế giới bao quanh mình. Thần thoại về lụt,
về nguồn gốc dân tộc phổ biến ở các nước Đông Nam Á. Trong thần thoại, chúng
tôi chú ý tới mảng thần thoại về các nhân vật văn hóa. Nhân vật văn hóa là những
anh hùng của thị tộc, bộ lạc. Họ là những nhân vật có công lao, có tài hơn người
khác. Những người anh hùng ấy được quần chúng bộ lạc tôn thờ, tô vẽ, phóng đại,
thêu dệt thành những thần thoại vì họ là những ông tổ giúp loài người, dạy loài
người làm ăn sinh sống. Ở Đông Nam Á ta đều bắt gặp nhân vật văn hóa lên trời lấy
thóc giống đem về mặt đất gieo trồng. Ở đây nhân vật dưới hạ giới lên trời bằng
con ngựa có cánh hoặc bằng những cách khác, song hiện thực phản ánh vẫn là một:
văn hóa nông nghiệp hình thành, con người đã biết lấy lúa để canh tác. Về sau
này, những truyện còn lại đến ngày nay chung ta đều được đọc là sự tích cây lúa
và cả tục lệ thờ cúng cây lúa, các sản phẩm làm ra từ lúa (truyện Bánh
chưng, bánh dầy của người Việt cũng là một thí dụ). Trong ngôn ngữ hiện đại
của các cư dân Đông Nam Á người ta phân biệt rất rạch ròi các khái niệm: lúa,
thóc, gạo, cơm; trong khi đó ở các ngôn ngữ khác chỉ dùng một từ để chỉ lúa gạo
mà thôi.
Thần thoại về nhân vật văn hóa phản ánh bước chuyển mình của
cư dân Đông Nam Á từ cuộc sống săn bắt hái lượm tự nhiên chuyển sang trồng trọt,
chế tác ra công cụ lao động. Trong kho tàng truyện cổ Đông Nam Á có các truyện
về cách đan lưới bắt cá, và cơ sở của một loạt truyện khác sau này có liên quan
tới tục ăn trầu, sử dụng trầu, cau, rễ, vôi của cư dân Đông Nam Á. Gắn với tín
ngưỡng vạn vật hữu linh, trong văn học dân gian Đông Nam Á có nhiều bài mo cầu
nguyện thần linh mà đến nay còn lưu lại ít nhiều (các loại mo gọi hồn để chữa bện
hoặc có một sự cố gì đó thì người ta tổ chức gọi hồn). Từ quan niệm tín ngưỡng
này mới nảy sinh ra các tập quán như kiêng cữ, tránh né các thần; các hồn ở
trong các sự vật làm phương hại đến cuộc sống của con người. Tất cả các hiện tượng
nêu trên là nền tảng của một cơ tầng văn hóa Đông Nam Á, một thứ văn học nguyên
bản hỗn hợp trước khi có tiếp xúc với Ấn Độ và Trung Quốc.
2. Từ đầu Công nguyên (thậm chí còn sớm hơn) cho đến nay,
Đông Nam Á là nơi tiếp xúc và chịu ảnh hưởng của các nền văn hóa lớn như Ấn Độ,
Trung Quốc, Ả Rập, Ba Tư, Tây Âu. Mười thế kỷ đầu sau Công nguyên văn hóa Ấn Độ,
văn hóa Trung Quốc “xâm chiếm” tới khu vực Đông Nam Á bằng những con đường, những
cách thức khác nhau. Người Ấn Độ thâm nhập vào vùng Đông Nam Á đem tới đây các
tôn giáo (Bà la môn giáo, Phật giáo…) và các loại hình văn hóa của Ấn Độ, trong
đó có văn hóa. Các dân tộc ở Đông Nam Á đã tiếp thu một cách đầy sáng tạo các cốt
cách đề tài, các phong cách nghệ thuật của Ấn Độ và nhà luyện cùng với vốn văn
hóa của mình để rồi tạo nên những công trình điêu khắc kiến trúc đồ sộ như
Bô-rô-bu-dua, Ăngco Vát, những áng văn học đậm đà tính chất dân gian lấy từ
Jakata, Panchatantra, Ramayana v.v… Những tác phẩm văn học cổ đại Ấn Độ khi đi
vào Đông Nam Á gặp ngay đời sống dân gian vô cùng sống động ở vùng này nên
chúng được dân gian hóa, được “tái sinh” trong dân gian, chúng làm giàu thêm
cho kho tàng văn học dân gian vùng này. Trong khi đó, thời gian này là mốc hình
thành và hưng thịnh các quốc gia cổ đại ở Đông Nam Á. Những truyền thuyết khác
nhau về các quốc gia cổ đại ở Đông Nam Á. Những truyền thuyết khác nhau về các
ông vua của thời kỳ đầu hình thành nhà nước cũng có nhiều. Các loại truyện cổ
tích gắn với đời sống xã hội, các quan hệ xã hội được phản ánh rõ nét. Đặc biệt
là dân ca ca dao sau này càng phát triển. Ca dao là thơ, là nhạc, là tình của
cư dân Đông Nam Á. Tình yêu quê hương xóm làng, tình cảm lứa đôi chan chứa nỗi
niềm thương nhớ đề được gửi gắm trong thơ ca dân gian, một thể loại chiếm ưu thế
trong văn học của các nước Đông Nam Á. Nhưng rõ ràng ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ
trong văn hóa dân gian vùng này, có thể tìm thấy qua các môtíp văn học, qua kiến
trúc, điêu khắc, sân khâu Đông Nam Á. Lớp văn hóa Ấn Độ để lại dấu ấn rõ nét ở
các quốc gia hải đảo và để lại sản phẩm lâu dài ở vương quốc Thái Lan, một quốc
gia Phật giáo phát triển ở Đông Nam Á. trong khi đó, Việt Nam là nước duy nhất
trong khu vực chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa Trung Quốc. Do những hoàn cảnh nhất
định, Việt Nam chịu một ngàn năm Bắc thuộc. Từ đó về sau, lúc này hoặc
lúc khác, Việt Nam bị trung Quốc xâm lăng. Cho dù Việt Nam không
bị đồng hóa thì cũng chịu ảnh hưởng nặng nề văn hóa Trung Quốc. Đạo Phật, đạo
Lão, đạo Nho được truyền bá mạnh ở Việt Nam. Cho nên trong văn học Việt Nam chúng
ta có thể tìm thấy nhiều dấu ấn ảnh hưởng của văn học Trung Quốc.
Cho dù có ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhưng các dân tộc
Đông Nam Á đã khôn khéo “chắt lọc” những tinh hoa của văn hóa thế giới và dần dần
các yếu tố văn hóa ở ngoài đã được cư dân nơi đây bản địa hóa văn hóa một cách
tài tình. Có thể thấy các văn phẩm của văn hóa Ấn Độ, bằng con đường truyền miệng
đã được dân gian hóa theo đặc điểm dân tộc phù hợp với hoàn cảnh của từng quốc
gia. Chính vì dân gian hóa mà các tác phẩm văn học Ấn Độ biến dạng đi, mỗi nơi
một khác chỉ còn lại cái “gốc” của Ấn Độ. Những tác phẩm ra đời ở các nước Đông
Nam Á có gốc Ấn Độ trở thành sản phẩm mang tính bản địa. Con đường bản địa hóa
văn hóa học Ấn Độ còn thông qua diễn xướng dân gian, thông qua sân khấu chuyên
nghiệp ở các nước Đông Nam Á. Sân khấu dân gian và sân khấu chuyên nghiệp đã
đưa các tác phẩm văn học lên sân khấu và tái tạo lại, đưa trả lại cuộc sống thực
của tác phẩm văn học trên mọi phương diện. Ở thế giới Mã lai có rối bóng Vayang
dùng để biểu diễn toàn bộ hoặc trích đoạn Ramayana và Mahabharata; ở Thái Lan
có những đoàn nghệ nhân lang thang biểu diễn khắp nơi các truyện cổ về nữ thần
chim Nang Manobara, Brốttơxen. Những nghệ nhân kể chuyện dân gian trong mỗi
làng xã là những người chủ yếu tạo nên sinh hoạt văn hóa tinh thần trong quần chúng
nhân dân. Văn học dân gian ở Đông Nam Á đã tiếp thu một cách có chọn lọc tự
nhiên để rồi tạo nên trong mỗi nước Đông Nam Á một nền văn học dân tộc độc đáo.
Như đã nói ở trên, tín ngưỡng và tôn giáo làm nảy sinh ra các nghi lễ khác nhau
trong đời sống tâm linh của người dân Đông Nam Á, dần dần trở thành các hội và
lễ. Sinh hoạt Hội và Lễ là môi trường, là “sân khấu” phô diễn một cách sống động
văn hóa dân gian.
3. Nền văn minh nông nghiệp với sự phát triển của văn học dân
gian đã làm cho văn học thành văn của Đông Nam Á ra đời muộn. Mười thế kỷ đầu
sau Công nguyên, các nước ở Đông Nam Á chưa có chữ viết, trong khi đó tôn giáo Ấn
Độ và Phật giáo du nhập và phổ biến ở các quốc gia Đông Nam Á. Tiếng Pali,
Sankrit, tiếng Hán không những đóng vai trò ngôn ngữ trong truyền giáo mà còn
đóng vai trò ngôn ngữ văn học ở các quốc gia Đông Nam Á. Các nền văn học lớn
phương Đông đã đem tới các nước Đông Nam Á một mẫu chữ viết và lúc đầu các quốc
gia Đông Nam Á đã vay mượn trực tiếp các chữ viết của Ấn Độ, Trung Quốc. Sau đó
cư dân Đông Nam Á mới dựa trên những mẫu chữ đó để sáng tạo ra chữ viết riêng của
mình. Thứ chữ viết này chủ yếu dùng trong công việc hành chính ở các quốc gia cổ
đại Đông Nam Á. Thời kỳ đầu của văn học thành văn (khoảng từ thế kỷ X-XIV) tiếng
Pali, Sankrit, tiếng Hán đóng vai trò ngôn ngữ văn học. Thí dụ, văn học thế kỷ
VII- XIII ở Mã Lai- Inđônêxia lấy Sanskrit làm ngôn ngữ thơ ca, trong khi đó tiếng
Mã Lai cổ, tiếng Giava chỉ dùng trong công việc hành chính, trong sinh hoạt.
Các môtíp, các cốt truyện của Ấn Độ còn tồn tại và ảnh hưởng lâu dài hơn trong
văn học thành văn của Đông Nam Á. Như thế, có thể thấy điểm mốc văn học viết của
Đông Nam Á bắt đầu khoảng thế kỷ XII- XIII, tuy có nước xuất hiện văn học viết
sớm hơn và có nước xuất hiện văn học viết muộn hơn thời điểm này. Đông Nam Á thực
sự tạo ra nền văn học viết phải tính từ thế kỷ XIV trở đi.
Văn học viết thế kỷ XIII- XVIII nói chung là văn học cung
đình và ít nhiều nó vẫn còn dấu vết ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, Trung Quốc.
Riêng Inđônêxia, Malaixia thời gian này văn học chịu ảnh hưởng của văn hóa
Giava và văn hóa Hồi giáo của Ả Rập- Ba Tư. Cá biệt như Philippin đã tiếp thu ảnh
hưởng của văn học châu Âu sớm hơn cả (thông qua Tây Ban Nha). Vì thế về sau này
văn học Philippin cách tân sang thời kỳ hiện đại sớm hơn các nước khác trong
khu vực.
Văn học viết truyền thống ở Đông Nam Á bao gồm dòng văn học
viết bằng tiếng và chữ vay mượn ở ngoài và dòng văn học viết bằng chữ viết dân
tộc. Thời kỳ đầu của văn học thành văn, những người có học vẫn dùng Pali,
Sankrit, Hán văn để sáng tác văn học. Thứ chữ viết từ Ấn Độ, Trung Quốc ấy được
coi là cao siêu, có khả năng biểu đạt những tư tưởng và sự tinh tế của tình cảm.
Mặt khác, các nền văn học Ấn Độ, Trung Quốc, Ả Rập- Ba Tư trở thành những khuôn
mẫu, những liên tưởng văn học trong sáng tác của các văn sĩ. Cho nên, bộ phận
văn học viết bằng ngôn ngữ vay mượn lúc đầu có ưu thế trội hơn bộ phận văn học
viết bằng ngôn ngữ dân tộc vì ngôn ngữ vay mượn chuyển tải văn học được xem là
cao quí, bác học. Dần dần văn học viết bằng ngôn ngữ dân tộc chiếm ưu thế, trở
thành phương tiện biểu đạt đời sống tinh thần của dân tộc. Về phương diện nội
dung, văn học truyền thống ở các nước Đông Nam Á lúc đầu còn đi vào những đề
tài xa lạ với đời sống thực tế của dân tộc; những câu chuyện văn học thường nói
tới những xứ sở xa xôi, những nhân vật thần thoại, hoang đường.
Văn học trung cổ Đông Nam Á phần nhiều mang tính chất nửa lịch
sử, nửa nghệ thuật. Thời đại này văn vẫn là bao trùm, truyện thơ là phổ biến.
Các truyện thơ phần lớn là khuyết danh (ở Việt Nam có các truyện nôm
khuyết danh, ở thế giới Melayu có các Hikayat v.v…). Những thế kỷ văn học Đông
Nam Á phát triển trội lên như thế kỷ XV, XVII, XVIII. Ở Inđônêxia vào thế kỷ XV
văn học Giava phát triển nở rộ, xuất hiện những tác phẩm lớn hoàn toàn “đoạn
tuyệt” với văn hóa Ấn Độ. Có thể lấy tác phẩm Pararaton (có nghĩa kà sách của
các ông vua) viết vào thế kỷ XV làm thí dụ. Tác phẩm này viết bằng ngôn ngữ
Giava trung cổ, gần gũi với ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày của nhân dân thời đó.
Tác phẩm viết về sự cai trị của vua GiaVa, phản ánh sự hưng thịnh của nhà
nước Magiapahit. Trong nội dung tác phẩm chúng ta có thể tìm thấy những phản
ánh thực tế về quê hương, đất nước được suy nghĩ dưới góc độ vì quyền lợi dân tộc.
trong văn học Giava còn có những tác phẩm khác rất thịnh hành ở nhà hát múa rối
Wayang, môtíp văn học về những người lính phi thường, về người hiệp sĩ Panđi của
Giava lan rộng khắp nơi trên quần đảo Inđônêxia. Văn học Giava gây ảnh hưởng mạnh
mẽ tới văn học chung Malay- Inđônêxia. Trong văn học chung Malay- Inđônêxia xuất
hiện tác phẩm nổi tiếng: “Truyện về Hang Túak” viết vào thế kỷ XVII. Tác phẩm
này trở nên nổi tiếng phổ biến vì các nhân vật trong đó thể hiện nhiều đường
nét dân tộc sâu sắc. Hang Tuak- đó là lý tưởng bảo vệ nền độc lập của quốc gia,
của đất nước, là người lính xung trận, đấu tranh vì quyền lợi của dân tộc. Ở
Thái Lan, văn học phát triển nở rộ hơn cả cũng ở thế kỷ XVII, nhất là dưới thời
vua Pra Narai. Vua Pra Narai đã tập hợp các nhà thơ tài năng xung quanh mình. Họ
nói về cung vua Narai vĩ đại thời đó “tất cả đều hít thở bằng thơ”. Có những
nhà thơ lớn như Maharachakru, Si Mahosot… Không khí sáng tác văn học, thương thức
văn học sôi nổi làm cho đời sống văn học ở Thái Lan thế kỷ XVII phong phú hẳn
lên và rõ ràng là nó có những thành tựu văn học nhất định.
Tất nhiên, văn học viết thời đại này vẫn có nhiều quan hệ và ảnh
hưởng bởi văn học dân gian. Các tác giả của văn học thành văn nhiều khi đi tìm
nguồn cảm hứng đề tài trong các môtíp văn học dân gian. Nhờ có đời sống sôi động
của văn học dân gian mà các áng văn kiểu mẫu mang tính cổ điển truyền thống như
Xinxay (ở Lào), Phraphaymani (ở Thái Lan), Hikayat Hang Tuak (thế giới Mã Lai)
đã từng sống qua cuộc sống dân gian, từng được lưu truyền qua các thế hệ và trở
nên nổi tiếng. Qua đây cũng có thể thấy ranh giới giữa văn học viết và văn học
truyền miệng ở Đông Nam Á nhiều khi không rõ rệt như ở các nước khu vực khác
trên thế giới.
4. Thế kỷ XIX- đầu thế kỷ XX văn học Đông Nam Á tiếp thu ảnh
hưởng của văn hóa phương Tây. Các đại biểu trí thức ở các dân tộc Đông Nam Á tiếp
xúc, làm quen với văn minh phương Tây và trong chừng mực nào đó họ đã truyền bá
những kiến thức khoa học kỹ thuật phương Tây vào nước họ, giới thiệu và phỏng dịch
những áng văn học cổ điển phương Tây. Công việc này được tiến hành rầm rộ và phổ
biến ở hầu hết các nước Đông Nam Á nhất là vào cuối thế kỷ XIX. Việc xuất hiện
nhà in, các cơ quan báo chí ngôn luận trong thời gian này đã tạo thành một môi
trường xã hội thuận lợi cho văn học phát triển. Văn học khai sáng và những nhân
tố của chủ nghĩa hiện thực hình thành trong văn học. Thời gian này, nhiều tác
phẩm sao phỏng, hay như thuật ngữ dùng trong văn học Inđônêxia là Sađuran, được
in ấn công bố và phát hành rộng ở Đông Nam Á. Ở đây phải nói tới vai trò đáng kể
của tầng lớp tiểu tư sản trí thức của tầng lớp thị dân trong thời kỳ chuyển tiếp
này của văn học Đông Nam Á. Việc làm quen với văn học phương đóng vai trò không
nhỏ trong sự hình thành những thể loại mới, hiện đại ở các nền văn học Đông Nam
Á như tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa. Thời kỳ này là bước “chuyển mình” của
văn học Đông Nam Á tiến tới thời kỳ hiện đại.
5. Đầu thế kỷ XX, văn học Đông Nam Á bước sang thời kỳ hiện đại.
Văn xuôi chiếm ưu thế trong văn học và đó là điều mới mẻ trong truyền thống văn
học, bởi lẽ nơi đây thể loại hình thành sớm nhất là thơ ca và từ xưa đến nay
thơ ca luôn “ngự trị” trong văn học Đông Nam Á. Hiện tượng văn xuôi nổi lên chiếm
ưu thế có thể thấy rất rõ trong văn học Thái Lan và trong một số nền văn học
khác. Ở Philippin, tiểu thuyết xuất hiện rất sớm vào những năm 1877 (cuốn
Urbane và Phelisa viết bằng tiếng Tagan của Modesto de Kasta) và
1887 (cuốn Đừng đụng vào tôi viết bằng tiếng Tây Ban Nha của nhà văn
nổi tiếng Hose Rizal). Còn nhìn chung, những năm 10-20 thế kỷ XX thể loại tiểu
thuyết ra đời hầu hết ở các nền văn học Đông Nam Á. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên
ra đời ở Inđônêxia năm 1921 (cuốn Bất hạnh và đau khổ của M.Siregar),
ở Việt Nam năm 1925 (cuốn Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách)… Sau những mốc
thời gian đó tiểu thuyết nở rộ được mùa, hàng loạt những cuốn tiểu thuyết xuất
hiện làm cho tiểu thuyết trở thành thể loại tiêu biểu trong những năm 20- 30 của
văn học Đông Nam Á.
Cùng với tiểu thuyết, thể loại truyện ngắn cũng ra đời vào cuối
thế kỷ XIX đầu XX. Truyện ngắn ra đời muộn hơn các thể loại khác nhưng là thể
loại trẻ, sung sức và phát triển mạnh từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Từ đó trở đi, truyện ngắn luôn luôn là một thể loại thường trực trong văn học
hiện đại Đông Nam Á.
Văn học hiện đại Đông Nam Á phản ánh nhiều về vấn đề đấu
tranh giải phóng dân tộc, vấn đề độc lập, tự do, dân chủ trong các thể loại
khác nhau, đặc biệt là trong văn xuôi. Vấn đề đấu tranh chống ngoại xâm, đấu
tranh vì nền dân chủ, chính nghĩa, tự do xã hội, bình đẳng để có quyền làm người
là nội dung tư tưởng trong các sáng tác văn học Đông Nam Á. Ngay nay Đông Nam Á
đang hòa đồng quốc tế và văn học cũng đang vươn ra ngoài quốc tế trong quá
trình hòa đồng, hòa hợp.
Như vậy, quá trình văn học Đông Nam Á có sự nổi trội, bao
trùm của văn học dân gian. Văn học dân gian là tất cả của cộng đồng cư dân Đông
Nam Á trong suốt quá trình của lịch sử. mặt khác, quá trình văn học Đông Nam Á
có sức bản địa hóa cao độ, tài tình khi tiếp nhận ảnh hưởng các nền văn hóa từ
bên ngoài.
Ở trên là những đặc điểm chung của văn học Đông Nam Á trong
đó có văn học Việt Nam. Như đã nói ở trên, khu vực Đông Nam Á bao gồm nhiều
quốc gia, nhiều tiếng nói, nhiều chữ viết khác nhau và nhiều dân tộc với những
số phận lịch sử không giống nhau. Do vậy, văn hóa Đông Nam Á cũng hình thành
các tiểu khu vực văn học mang những đường nét sắc thái đặc biệt riêng trong tiến
trình phát triển văn học khu vực.
2. Những đặc điểm riêng giữa các nền văn học dân tộc ở
Đông Nam Á.
Chúng tôi chia văn học Đông Nam Á thành 5 tiểu khu vực do đặc
thù lịch sử, văn hóa, tôn giáo và những tiếp thu ảnh hưởng các nền văn hóa bên
ngoài tạo nên.
1. Văn học Việt Nam là một tiểu khu vực ở Đông Nam
Á. Việt Nam là một nước duy nhất trong khu vực chịu ảnh hưởng sâu sắc
văn hóa Trung Quốc. Do những hoàn cảnh nhất định, Việt Nam chịu một
ngàn năm Bắc thuộc. Từ thế kỷ XI trở về sau Việt Nam giành độc lập và
chống xâm lược phương Bắc qua các triều đại khác nhau và các nhà nước phong kiến
Việt Nam đã lập các mối bang giao với các triều đại phong kiến Trung
Quốc. Sự thật lịch sử đó, cho dù Việt Nam không bị đồng hóa thì cũng
chịu ảnh hưởng nặng nề văn hóa Trung Quốc. Đạo Phật, đạo Lão, đạo Nho được truyền
bá mạnh ở Việt Nam. Chữ Hán được dùng để sáng tác văn học. Tầng lớp nho
sĩ, những người cầm bút vẫn lấy văn hóa Trung Quốc làm khuôn vàng, thước ngọc
và trong các tác phẩm văn học cổ trung đại Việt Nam hiển nhiên có khá nhiều điển
tích Trung Quốc. Những nhân tố trên tạo thành những đặc điểm riêng của văn học
Việt Nam khác với các nước khác trong khu vực. (Không phải ngẫu
nhiên, nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài thường xếp văn học Việt Nam cùng khu vực
với văn học Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên).
2. Hình thành một tiểu khu vực văn học ở quần đảo Inđônêxia,
Malaixia. Từ thế kỷ thứ VII, nhà nước Srivitgiai hùng mạnh trở thành quốc gia cực
thịnh ở Đông Nam Á. Văn hóa Ấn Độ cùng Ấn Độ giáo, Phật giáo du nhập vào quần đảo
này rất sớm. Văn học cổ đại Ấn Độ đặc biệt là Mahabharata, Ramayana thịnh hành
và ngày càng lan rộng khắp quần đảo suốt thời kỳ cổ trung đại thông qua loại
hình rối bóng Wayang. Từ thế kỷ VII đến XIII, tiếng Pali, Sanskrit là ngôn ngữ
thơ ca của văn học Mã Lai- Inđônêxia. Từ thế kỷ XIV trở đi, văn hóa Ả Rập- Ba Tư
tràn tới quần đảo này thay thế văn hóa Ấn Độ. Do vậy dòng văn học mang màu sắc
Hồi giáo cuồn cuộn chảy trở thành dòng văn học chủ đạo ở các vương quốc vùng hải
đảo. Bức tranh văn học ở tiểu khu vực này in đậm ba màu sắc dung nạp và tồn tại
là màu sắc văn học Ấn Độ, văn học Ả Rập- Ba Tư và văn học Giava. Đặc biệt là
các trung tâm phát triển văn học cổ đại Mã Lai- Inđônêxia lúc thì Srivitgiai,
lúc thì ở Malacca, ở Atre hoặc Đgiôkhô.
3. Hình thành một tiểu khu vực văn học ở các quốc gia hình
thành sớm như Cămpuchia và Chămpa. Văn hóa Ấn Độ vào tiểu khu vực này sớm và
văn học Cămpuchia tiếp nhận vốn văn học Ấn Độ- Bàlamôn, từ thế kỷ XIV trở đi
văn học Ấn- Phật chiếm ưu thế. Văn bia Cămpuchia (bằng tiếng Pali và tiếng Khơ
me) trở thành tài sản của văn học cổ trung đại mang đậm màu sắc tôn giáo. Ngoài
ảnh hưởng Ấn Độ, văn học Cămpuchia còn tiếp thu ảnh hưởng của một số môtíp của
văn học Giava, Mãlai.
4. Hình thành tiểu khu vực văn học của các “quốc gia trẻ” ở
Đông Nam Á. Đó là trường hợp văn học Miến Điện, Thái, Lào. Cũng chịu ảnh hưởng
của văn học Ấn Độ, song ở tiểu khu vực này sự tiếp nhận muộn hơn và nhiều khu
tiếp nhận thông qua một số quốc gia khác. Có nền văn học trở thành trung gian của
sự giao lưu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ đối với một nền văn học kgác. Chẳng hạn như
văn học Lào chịu ảnh hưởng Ấn Độ thường được thông qua Thái Lan hoặc Khơme. Ở
tiểu khu vực này văn học viết thường ra đời muộn hơn các tiểu khu vực trên. Văn
học nhà chùa mang đậm mày sắc Phật giáo là đặc điểm nổi bật của tiểu khu vực
văn học này. Phật giáo bắt rễ rất sâu ở các quốc gia này và thuyết lý Phật giáo
trở thành tư tưởng chủ đạo trong nhiều áng văn học. Vì vậy, trong văn học Thái-
Lào sự xung đột, nhất là xung đột đấu tranh giai cấp thường không mạnh mẽ như ở
các nền văn học khác.
5. Philippin hình thành một tiểu khu vực riêng biệt. Trước
khi văn hóa Tây Ban Nha du nhập vào Philippin, ngoài các yếu tố văn học bản địa,
các yếu tố văn hóa Ấn Độ, Hồi giáo du nhập vào Philippin yếu ớt. Một số khu vực
ở Philippin chịu ảnh hưởng văn học Ấn Độ, Hồi giáo và thường qua sự truyền bá từ
Inđônêxia, Mã Lai vào. Ảnh hưởng của văn hóa Tây Ban Nha và màu sắc văn học
Thiên chúa giáo trở nên đậm đặc và những dấu vết của văn hóa Tây Ban Nha cũng
pha trộn ảnh hưởng ngay cả trong văn học dân gian Philippin còn lưu giữ đến
ngày nay.
Ở trên là vài nét phác thảo về những đặc điểm chung và những
nét riêng biệt giữa các nền văn học dân tộc trong quá trình lịch sử phát triển
văn học Đông Nam Á. Bức tranh văn học khu vực Đông Nam Á được phác họa bởi năm
sắc màu khác biệt nhau, nhưng vẫn thống nhất, hoàn chỉnh trên nền lịch sử- văn
hóa chung của khu vực. Phần tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét văn học của bốn quốc
gia, đại diện cho bốn tiểu khu vực văn học ở Đông Nam Á (không kể văn học Việt
Nam- tiểu khu vực thứ năm).
NGUYỄN HÒA BÌNH
- Họ và tên khai sinh: Nguyễn Hòa Bình
- Quê quán: Thôn Hòa Loan, xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường,
Vĩnh Phúc
- Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ 2011)
- Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
- Tác phẩm chính đã xuất bản:
* Tìm về (Tập thơ, NXB Thanh niên,
1998)
* Hỏi mình (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn,
2004)
- Giải thưởng văn học:
* Giải A cuộc thi Thơ tình 2006-2007 do Tuần Báo Văn nghệ -
Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức.
- Suy nghĩ về nghề văn:
“Ta vịn thơ qua hết mọi ưu sầu”
Đó là một phần suy nghĩ của tôi về thơ, năm tôi bước
vào tuổi “tri Thiên mệnh”
Với tôi, thơ không chỉ là nơi tôi được giãi bày, được sẻ
chia, để sau mỗi lần như thế tôi biết mình đã được sống thật là mình, biết yêu
thương và trân trọng những gì là giá trị đạo đức truyền thống, đồng thời cũng
biết đau để phẫn nộ với những gì đã làm băng hoại các giá trị ấy.
Nhờ thơ, tôi cũng “biết chấp nhận để đi qua đổ vỡ”, với một
tâm thế “biết vượt lên tìm lại chính mình” . Để rồi, sau mỗi lần chấp nhận mà
vượt lên ấy, tôi biết thơ đã vực tôi lên, cho tôi được sống trong tin yêu của
bè bạn, để tôi luôn tự nhủ mình phải gắng màlàm thêm nhiều việc tốt hơn.
Và, với thơ, tôi cũng biết mình đã thật sự được thăng hoa
trong cảm xúc,được sống mà yêu chân thành và hồn nhiên những gì mình say đắm.
A- TRONG KÝ ỨC BẠN BÈ
“CÙNG MỘT LỨA BÊN TRỜI LẬN ĐẬN”
Đặng Huy Giang
Tôi gặp Nguyễn Hòa Bình lần đầu qua Bùi Việt Phong (nhà báo,
nhà thơ, nguyên Phó Tổng biên tập báo Lao động), cách nay đã ngót nghét 20 năm ở
một quán cóc vỉa hè phố Trần Bình Trọng. Vì cùng là “một lứa ở bên giời lận đận”
(nói theo cách nói của thi sĩ Bạch Cư Dị trong Tỳ bà hành) nên chúng tôi dễ
có cơ hội gần nhau…
1. Nguyễn Hòa Bình thuộc lớp người “con ngoan, trò giỏi, đoàn
viên tốt” vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bình tốt
nghiệp lớp 10 năm học 1969-1970 tại Trường cấp 3 Trần Phú (Vĩnh Yên, Vĩnh
Phúc). Ngày ấy, Bình đã có tên trong danh sách được tuyển chọn đi học đại học ở
nước ngoài. Nhưng việc này bị ách lại, bởi người ta vin vào lý do: Nguyễn Hòa
Bình đã có một người chị ruột đang là lưu học sinh tại Kixinhốp (Liên Xô).
Bình không thấy thế làm buồn. Đơn giản vì đối với một chàng
trai thời chiến, việc gác bút nghiên để lên đường cầm súng, là chuyện hết sức dễ
hiểu. Chưa kể, vào thời điểm ấy, cái khí thế của giải phóng miền Nam, thống
nhất đất nước lúc nào cũng sôi sục và có sức cuốn hút tuổi trẻ một cách mãnh liệt.
Và đấy cũng là lẽ sống, là lý tưởng cao đẹp của một thời. Đôi khi, từ một câu
nói cửa miệng có phần quen thuộc của nhiều người cùng thời: “Không đi nhanh,
không khéo vào trong ấy (miền Nam), có khi chỉ kịp nhặt ống bơ gỉ thì… ân
hận đấy”, cũng có tác động thôi thúc nhất định tới Bình.
Hồi ấy, Nguyễn Hòa Bình bị bạn bè gọi là Bình “còi”. Bình chỉ
cao có 1,41m, nặng 30kg. Mỗi khi đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, Bình “còi”
thường bị xếp hạng B2 hoặc B3 và thường bị loại ngay tắp lự. Vì lý do này mà
cho dù rất muốn trở thành bộ đội nhưng Bình chỉ được chiếu cố gọi đi thanh niên
xung phong.
Hay tin này, Bình cay mũi lắm và đem sự ấm ức của mình ra tâm
sự với một người bạn: “Đi thanh niên xung phong ư? Không sướng lắm. Kiểu gì
mình cũng phải đi bộ đội. Mà phải bộ đội chủ lực, ở chiến trường B (miền Nam)
kia, mới được”. Người bạn này cười nói: “Nhưng người ông bé như cái kẹo, lại yếu,
bộ đội nào người ta chấp nhận. Cái gì cũng phải có tiêu chuẩn, nguyên tắc của
nó chứ. Ông tưởng đi thanh niên xung phong không vinh dự ư? Mà nếu có phải đi
thanh niên xung phong thì cũng là góp sức mình cho tiền tuyến lớn, vì tiền tuyến
lớn, chứ sao!”.
Nhưng chí đã quyết, Bình vác ba lô lên “ăn vạ” Tỉnh đội. Bình
nói thẳng: “Nếu các anh không cho tôi nhập ngũ, từ nay, tôi sẽ ăn ở tại đây,
không bao giờ về nhà nữa. Tôi đã hứa với gia đình. Đây là lời hứa danh dự. Tôi
đã quyết một đi không trở lại! Còn các muốn làm gì tôi thì làm!”.
Cảm động trước nhiệt tâm của một người đương trai, Ban chỉ
huy Tỉnh đội không biết làm gì khác ngoài việc phải phiên chế Bình vào một tiểu
đoàn dự bị “thấp, bé, nhẹ cân” của địa phương.
Đó là vào cuối năm 1971, đầu năm 1972.
Rồi Bình cũng tăng cân và tăng cả chiều cao. Rồi Bình cũng trở
thành bộ đội. Thời gian đầu, Bình là liên lạc viên tiểu đoàn 57, thuộc Sư đoàn
304B, sau chuyển sang một tiểu đoàn khác thuộc Bộ Tư lệnh 559 đóng ở “thủ đô”
Troóc (Quảng Bình). Cuối 1972 đầu 1973, Bình trở thành lính cao xạ tại chiến
trường B3 (Tây Nguyên).
Giữa tháng 3 năm 1975, khi Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu,
trong một cuộc chiến ác liệt tại một cứ điểm ở sân bay Hòa Bình (Buôn Ma Thuột),
một đồng đội đã hy sinh trong tay Bình. Còn Bình thì bị bom vùi kín, bị sức ép
bom, chảy máu tai, đầu ong ong, người mê man và hầu như không biết gì, tưởng
như không qua khỏi. Bình coi đây là một cuộc đối mặt với thần chết trong đời
lính trận của mình. Tỉnh dậy, Bình chỉ còn biết lao người về phía rừng cao su mịt
mờ khói súng, lòng thầm cảm ơn số phận.
Đến giờ, mỗi khi hồi tưởng những người đồng đội đã hy sinh ở
chiến trường B3, lại muốn đọc lại một câu thơ của thi sĩ nổi tiếng người Nga
Vưxốtxky: Hết chiến tranh/Những người lính trở về đều có tội; coi cái
sự trở về của mình sau 1975, đã là “có lãi”.
2. Năm 1976, sau khi giải ngũ, Bình theo học Khoa Ngữ văn, Đại
học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh (Đại học Văn khoa cũ). Thời điểm ấy, Bình có một
“pha” hành động rất ấn tượng. Có một lần, khi chơi bóng chuyền, bóng của các
sinh viên nữ không may bay lên nóc sân thượng hội trường Khoa. Nổi máu lính “liều
mình như chẳng có”, Bình đã không quản hiểm nguy, lên sân thượng bằng cách leo
lên một cây phượng vĩ và xuống sân thượng từ một cành cây mảnh mai. Khi ném được
quả bóng xuống sân bóng, Bình loay hoay mãi không biết làm cách nào để “hạ cánh
an toàn”. Mãi sau, như thể “trong cái khó ló cái khôn”, Bình đã trở về chỗ cũ
theo đường xuống của cột thu lôi giữa tiếng reo hò của đông đảo bè bạn.
Đến năm thứ hai, vì mê một ông thầy dạy Hán Nôm rất giỏi,
Bình quyết định bay ra Hà Nội học ngành Hán Nôm tại Đại học Tổng hợp Hà Nội và
học chậm một năm. Rồi Nguyễn Hòa Bình có thêm một biệt danh thứ hai là Bình
“Hán” kể từ năm 1977.
Thời điểm này, Bình vừa đi học chuyên môn, vừa mày mò học bói
toán và dành thời gian tìm đọc văn bia… Trong một lần về dịch ngọc phả đình,
chùa, Bình có về nhà bà Cam (thôn Trần Đăng, xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa, Hà Tây)
đọc hộ văn bia. Sau đó, bà còn nhờ Bình đến nhà cô Mai Thị Yến dịch luôn cả một
bức hoành phi “Hoa hiệu giao huy” và một đôi câu đối cổ, trong đó có một vế:
“Hào phong bản tự nho lưu xuất” (hào hoa, phong nhã vốn từ nho học mà ra) mà
ông còn nhớ đến tận bây giờ. Chính sự “không hiểu tình cờ thế nào” đã dẫn đến một
kết quả bất ngờ: Nguyễn Hòa Bình gặp Mai Thị Yến.
Hồi ấy, Yến đang là kế toán Phòng Nông nghiệp huyện Ứng Hòa.
Có một lần đi thực tập, Bình về ăn cơm muộn ở khu làm việc của Phòng Nông Nghiệp
huyện và bị người phục vụ phàn nàn. Do không được thông cảm, Bình đã bực mình
và bỏ cơm. Biết được việc này, Yến đã cùng một vài người bạn bảo Bình: Lần sau,
nếu anh có về đây nữa thì về chỗ bọn em ăn cơm cho vui. Câu nói và sự quan tâm ấy,
đã làm Bình thực sự cảm động. Đến năm thứ ba, Bình càng cảm động hơn khi Yến gửi
tặng Bình một đôi nón và nói là để “làm quà tặng mẹ anh và tặng vợ anh”. Bình vừa
nhận quà, vừa buột miệng vô tình: “Anh chỉ nhận một chiếc thôi. Còn chưa có gì…
nên chưa nhận chiếc nón thứ hai”. Sau đó, họ gửi thư từ thường xuyên cho nhau
và trở thành đôi lứa cho đến tận hôm nay.
Nhắc lại chuyện kỳ duyên này, Bình bảo: Như vậy là nhờ học
Hán Nôm mà tôi không chỉ hiểu thêm cái căn bản, cái gốc rễ của chữ nghĩa, của
văn hóa, mà còn lấy được vợ. Càng ngày, tôi càng hiểu “cái duyên ông trời se,
cái que ông trời buộc”… là như thế nào.
3. Tôi gặp Nguyễn Hòa Bình lần đầu qua Bùi Việt Phong (nhà
báo, nhà thơ, nguyên Phó tổng biên tập báo Lao động), cách nay đã ngót nghét 20
năm ở một quán cóc vỉa hè phố Trần Bình Trọng. Vì cùng là “một lứa ở bên giời lận
đận” (nói theo cách nói của thi sĩ Bạch Cư Dị trong “Tỳ bà hành”) nên chúng tôi
dễ có cơ hội gần nhau. Ngày ấy, có đủ tiền uống với nhau vài vại bia hơi, nhâm
nhi với nhau ít hạt lạc, đã là một dịp đáng quý, đáng nhớ. Còn đáng quý, đáng
nhớ hơn khi mỗi lúc gặp nhau, bạn bè còn say sưa đọc cho nhau nghe những câu
thơ mới viết, vừa thật thà, vừa tươi rói, rồi hoặc gật gù hoặc góp ý cho nhau một
cách chân thành, tốt bụng.
Lần ấy, tôi có một kỷ niệm với Bình, mà tôi thì không dễ gì
quên, còn Bình thì chẳng bao giờ nhớ. Sau khi đọc cho bạn nghe bài thơ “Vẫn
chưa là buổi chiều”, trong đó có những câu thật trong trẻo: Vẫn chưa là buổi
chiều/Nắng chưa vàng mé nước/Sương thì đang đọng giọt/Hoa nở đều như khoe/ Có
con chim chích chòe/ Tiếng hót rung cành trúc/ Mặt trời như vừa mọc/ Khối cầu hồng
lên cao…”, Bình bảo: Bài này đăng được. Số tới tôi sẽ sử dụng trên báo
tôi. Đây là số tiền nhuận bút tôi ứng trước cho ông. Coi như việc này xong nhé.
Bây giờ, chuyện này có thể chỉ là chuyện thường ngày, hoặc
chuyện vặt trong làng báo, làng văn. Nhưng ngày ấy, có được chút nhuận bút đưa
trước, lại có thể có ít tiền đi chợ mua rau dưa cho qua ngày đoạn tháng, thì
không còn là chuyện thường ngày hoặc chuyện vặt nữa.
Chuyện này xảy ra vào một ngày cuối năm 1993, khi ấy, Bình
đang cầm tờ phụ san của Báo An ninh Thủ đô.
Sau nhiều năm, Bình nhớ lại: “Từ tháng 10 năm 1993 đến tháng
5 năm 1995, Báo An ninh Thủ đô làm kế hoạch 3 bằng cách ra một tờ phụ san dày
32 trang, khổ 19x27, 20 ngày ra 1 số, số lượng khoảng trên dưới 5 vạn bản, phát
hành chủ yếu tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, đầu Hà Nội lo 1/2 nội dung, đầu
Sài Gòn lo 1/2 nội dung. Hồi đó, tôi bỏ cả vợ con, đi lại như con thoi, 10 ngày
ở miền Bắc, 10 ngày ở miền Nam, vừa làm thư ký tòa soạn, vừa lo cả khâu in ấn,
phát hành. Vào Sài Gòn, ở nhà bạn bè thì không tiện, tôi phải ngủ trong “nhà
kho” của Nhà in Báo Nhân dân để “chăm sóc” tờ báo cho đến lúc chuẩn bị ra mắt bạn
đọc. Những ngày ấy tuy vất vả nhưng mà vui ra trò. Có lẽ vì hồi ấy tôi còn trẻ
nên mới nhiệt tình và hăng hái như vậy chăng?”.
Đến năm 1996, Bình rời An ninh Thủ đô về Hà Nội
Mới. Ở cơ quan mới, có dạo ông là Phó thư ký tòa soạn tờ hàng ngày, có dạo
là Giám đốc Trung tâm Phát hành và Trưởng ban Hà Nội ngày nay (một chuyên san của Hà
Nội Mới, mỗi tháng ra 2 kỳ). Thời kỳ vất vả nhất của ông là thời kỳ bị gần
như là đầy ải… đi bán báo (2003-2005). Trong cương vị Giám đốc Trung tâm phát
hành, hàng ngày ông phải đi lại trên chiếc ô tô mà tôi thường gọi đùa là “ô tô
chở lợn” (một loại ô tô Suzuki nhỏ và dài, chuyên dùng để vận chuyển thực phẩm).
Nguyễn Hòa Bình là một nhà báo năng động. Ông có thể “tác chiến”
trong bất cứ thời điểm nào về bất cứ thể loại, đề tài nào và đều có hiệu quả.
Ông là một nhà thơ lúc nào cũng đau đáu nhân tình và ngùn ngụt cảm xúc. Nếu ví
thơ ông là khói thì lúc nào, chúng cũng bay lên – điều này rất ăn nhập với một
câu thơ nổi tiếng của Blok: Chúng ta như khói phải bốc lên. Đây là những
câu thơ đầy nhân bản của ông qua bài “Hoa cải ngồng”: Anh có biết em đã chờ
anh mãi/ Mọi lỡ lầm thôi đừng trách chiến tranh/ Dù anh vẫn trở về và em đã/ Cải
lỗi ngồng, hoa mãi nở trong anh. Còn đây là những câu thơ đầy dằn vặt, đớn
đau để tự biết vượt lên chính bản thân mình trong “Nhói đêm”: Dở mà hắt
cũng chẳng xong/ Nhói đêm nghe tóc trắng lòng bàn tay và trong “Hỏi
mình”: Biết chấp nhận đi qua đổ vỡ/ Biết vượt lên tìm lại chính mình.
Thêm nữa, Nguyễn Hòa Bình còn là một con người nhiều nét bè bạn.
Ở ông luôn có sự xả thân vì bè bạn. Và trên nữa là sự xả thân vì lẽ phải lẫn sự
công bằng.
Đ.H.G
B- MỘT SỐ TÁC PHẨM TIÊU BIỂU
THÌ VẪN BIẾT
Chiều sập xuống có gì hoang vu quá
mây vừa sa nghe gió đã vơi lòng
vạt nắng rớt có bùng lên chùm lửa
vẫn còn em sao ta chạm phải đông?
Sao ta chạm phải gì, như là rét
là heo may se sắt đất chuyển mùa
sao ta chạm phải gì, như là tiếc
trăng hồn nhiên trong sáng của ngày xưa.
Thì vẫn biết, ngày sẽ chiều sập xuống
cho dù em lẫn giữa triệu sao trời
thì vẫn biết, ngày sẽ chiều sập xuống
ta là đêm cho em sáng sao ơi.
28/3/2006
RU GÀY
Chiều rơi một tiếng ru gày
gọi ta về lại những ngày chưa xa
cháo khoai lạt muối, thơm cà
thương mùa đứt bữa, thương cha kéo cày.
Chiều nghiêng một tiếng ru gày
leng keng tàu điện gỡ ngày từ đêm
áo em xanh đến ngạc nhiên
xanh như cái thuở ớt thèm được cay.
Chiều buông một tiếng ru gày
chuông chùa Trấn Quốc lại lay tượng thờ
cánh đào rũ xuống cơn mơ
gọi từ kiếp trước câu thơ kiếp này.
Chiều dâng một tiếng ru gày
Mẹ còn lận đận tháng ngày cho ta
dặm dài lặm lụi xót xa
chỉ lo con, có sống ra CON NGƯỜI.
Chiều gày, tiếng Mẹ lưng trời.
21/2-10/5/2009
LỬA THAN
Ta nhận về mình cực nhọc
ta nhận về mình cay đắng thời gian
ủ thành than
mơ cháy.
Cuộc sống như dòng sông cứ chảy
đục - trong thôi cũng hòa cùng
ta chảy với thời gian
nếm đủ mọi điều trong - đục.
Vẫn biết sống làm người vô cùng khó nhọc
làm cây
gió cũng chẳng đừng
mai này về chốn không không
từ trong hư ảnhcó bùng lửa than?
18/10/2006
KHÔNG ĐỀ
Đi mắc núi
ở mắc sông
giá mình bay được
chắc không mắc gì.
Thời gian
chở tuổi tác đi
con sông
có chở nước về biển khơi?
Trăm năm
đã một kiếp người
cái lời cay đắng
là lời ruột gan.
Tháng
12/2005
PHẬN TRĂNG
Này em áo áo, quần quần
son son, phấn phấn mất dần màu quê
ta như trăng khuyết trong mê
cháy qua vằng vặc cháy về hư vô.
.
Này em... mấy kiếp Tò Vò
cứ lăn lóc sống cứ mơ với màng
ngỡ dầy lại hóa mỏng tang
đắp vào đã khó đập càng khó hơn.
Phận ta mỏng tựa trăng suông
mê hương đất cũ nên buồn trăm năm
mặc ai quên buổi quá rằm
ta yêu khổ mấy, cầm bằng... vẫn yêu.
14/10/2006
NHÓI ĐÊM
Nỗi đời đâu dễ sẻ chia,
thôi
đành gói lại
mang về kiếp sau.
Đừng tin quá chắc chẳng đau,
đừng yêu quá chắc chẳng sầu tái tê.
Phận mình
mỏng
tựa cơn mê,
sống
mà như thể
đã về hư không;
dở
mà hắt
cũng chẳng xong,
nhói đêm
nghe tóc
trắng lòng bàn tay.
Đêm 29/01/2007
LẠI THU
Hương sấu thơm nhan nhát vị thu rồi
Sương như lụa choàng mặt hồ ngái ngủ
Gió lạc bước dẫn sóng về bến cũ
Bầy sâm cầm táo tác gọi tìm nhau.
Thì lại thu nghe tóc đã chuyển màu
Bao thế sự nhùng nhằng cơn vật vã
Chiều đùng đục lạnh tanh hơn nước lã
Những mặt ngày nham nhở dấu tay đêm.
Thì lại thu nước còn đẩy thuyền lên
Khi sông cạn giữa hai bờ bồi - lở
Nắng nhàn nhạt quầng mặt trời mất lửa
Lá rụng rồi mà xáo xác bờ cây.
Và lại thu trong tiếng gõ hao gầy
Mẹ còn lại đứa con nào hiếu-đễ
Tốt thành xấu thì chuyện gì chẳng thế
Để thu về hỏi ai biết còn ai.
29/9/2012
BẤT CHỢT
Bất chợt
chớm đông mờ mịt lốc
có gì đâu
lá tìm cội lá về.
Bất chợt
biển cuồng lên khao khát
bời bờ xa
sóng thèm một tiếng quê.
Bất chợt
mây cuộn lồng lớp lớp
đất cởi hồn
nhận xối xả mưa tuôn.
Bất chợt
bóng cô đơn rình rập
có gì đâu
em bảo sắp hoàng hôn.
20/5/2006
ẨN
Cái bẩn thỉu
ẩn
sau gương mặt đẹp.
Cái thối tha
ẩn
sau nét ngọt đằm.
Cái mục ruỗng
ẩn
sau màu sơn thếp
Giữa lụi tàn
lửa
bùng đốt nhân gian.
22/7/2011
CỐM ƠI
Viết cho Mạnh
Cốm không là cốm nữa đâu
cho con lạy mẹ kiếp sau con về
con lạy mẹ con đi
con xin lỗi hẹn thôi thì... Mẹ ơi!
Mẹ đừng buồn nữa cái thời
tuổi trai ra trận gửi lời lại quê
Mẹ đừng đau nữa câu thề
giặc tan... con vẫn chưa về tìm ai.
Mẹ ơi cốm cứ xanh hoài
như con mãi vẫn CON TRAI suốt đời.
như làng Vòng mãi thế thôi
xanh xanh cốm, trải ngàn đời vẫn xanh.
21/5/2004
NGỦ YÊN BẠN NHÉ
Ta trở lại nơi một thời bom lửa
Cỏ đã xanh Thành Cổ tự ngày nào
Bạn nằm đó giờ lẫn vào hồn đất
Rễ cỏ ơi bám nhẹ kẻo bạn đau.
Thạch Hãn kìa sông chở nước về đâu
Xin đừng cuốn phù sa ra tận biển
Cốt nhục bạn trong sóng sông thao thiết
Mơ níu bờ được ôm đất quê hương.
Thôi ngủ yên, bạn nhé, đừng buồn
Căn nhà đất mẹ vừa mới dựng lại
Mảnh vườn nhỏ giờ đã thơm hoa trái
Mẹ cả đời mãi thương út long đong.
Quảng Trị chiều nay biển cũng nao lòng
Nên nghiêng đổ dâng phù sa ngập bãi
Gió như thể cứ gọi hoài gọi mãi
Những vong hồn con Việt lạc đâu xa.
Yên nghỉ đi - Đây cũng đất quê nhà.
02/6/2003
VĨNH YÊN VẪN ĐỢI
Mưa dầy quá
Vĩnh Yên, mờ trước mặt.
Hãy dừng đi. Thôi, ướt hết em rồi
Tàu cọ nhỏ che đủ vừa vạt tóc
Gần đấy mà, sao lại thật xa xôi.
Mưa dầy quá.
Vĩnh Yên. Đừng lỡ hẹn
Đất héo mòn đến thành gạch đá ong
Thương đầm Vạc, con Tép Dầu bạc vảy
Chuyến tàu qua, dốc Láp cũng nao lòng.
Mưa dầy quá.
Vĩnh Yên. Chiều rất thật
Gió dùng dằng quẩn rối cả tóc tre
Ơ xóm Gạch, hương húng mà cay mắt
Bến Cầu Oai vấn víu chẳng nỡ về.
Mưa dầy quá.
Vĩnh Yên mà. Vẫn đợi.
13/3/2003
BẤT CHỢT TAM ĐẢO
Dừng lại đã, khéo lầm đường đấy nhé
Ơ kìa em, sao trốn giữa lưng trời
Mây xốp quá, mà em thì mỏng mảnh
Cả gió cũng đành, đuổi trượt em thôi.
Dừng lại đấy, bất chợt ngày Tam Đảo
Nghe vi vu thông thủ thỉ chuyện rừng
Cho ta được lạc vào ngăn ngắt núi
Vào suối nguồn, văn vắt đến lâng lâng.
Dừng lại đã, nắng ơi đừng tắt vội
Mây phù du, che kín lối xưa rồi
Rêu mấy lớp, niêm phong lầu gác đổ
Luễnh loãng chiều, ai bỗng trót buông trôi.
Dừng lại nhé, có theo cùng Thác Bạc
Sương vừa vương, ướt đẫm tiếng e cười
Nghe nhẹ bẫng bước chân nào của gió
Tam Đảo và em, thực đến xa vời.
10/2003
HỎI MÌNH
Như sự sống tồn tại luôn cần nước
Anh tự hỏi mình liệu nước có là em ?
Để anh biết nhớ, biết quên
Biết hay, biết dở
Biết chấp nhận, đi qua đổ vỡ
Biết vượt lên, tìm lại chính mình.
Cuộc sống bắt đầu từ sự hồi sinh
Anh có em, cũng hồi sinh như thế?
Nhận rõ hơn mọi thứ đều có thể
Còn - mất, được - không cũng tương đối mà thôi
Sau hồi sinh sẽ có lộc, có chồi?
Anh đã đi qua cơ hàn, đi qua mất mát
Đi qua gian lao, đi qua khao khát
Qua mặn mòi, chua chát để có em
Cho mỗi ngày càng mỗi hiểu thêm
Biết sống - biết yêu có bao giờ đơn giản.
22/12/2002
TÌM VỀ
Tôi về phố huyện tìm em
Cây sung, bến nước, ai quên ai rồi
Cái thời bom lửa của tôi
Con đường cỏ cháy trọn đời còn thương
Một câu kinh nghẹn giáo đường
Khói sông nhòa cả hoàng hôn mấy chiều.
Cái thời ấy mãi còn yêu
Lá sen đội nắng, cánh diều chân đê
Điệu chèo nghiêng cả đêm hè
Lối khuya níu bước ai về cùng ai.
Nghe như gió khẽ thở dài
Bóng trăng bịn rịn đưa ai sang cầu
Phải ai đã nói một câu
Xa rồi liệu nhớ, mai sau lối về.
Bấy năm rụng mấy tóc thề
Lời xưa bến cũ tôi về tìm ai.
1995
MỘT CHIỀU TRONG TÔI
Hơi sương lạnh mùa đông vừa chớm
Khói cay cay mấy sống rạ bếp nghèo
Gió cứ thổi vô tình quên hương cỏ
Áp mặt vào chiều thoảng mùi tóc em yêu.
Chiều nằng nặng hạ xuống tôi chầm chậm
Nắng nao nao chưa tắt nổi trên đồng.
Mây vơ vẩn sông Nhuệ chừng ngơ ngẩn.
Mai sẽ rồi tôi có hóa người dưng.
Mai rồi sẽ đâu biết không hò hẹn
Em có còn nhớ tới một chiều xưa
Tôi chẳng lẽ lại không người có lỗi
Chiều qua đi quên chưa kịp dặn dò
Chiều như thế sao đành lìa bỏ được
Say ngu ngơ tôi uống cả mắt mình
Gió vẫn thổi tóc em đầy hương cỏ
Chẳng bao giờ tôi lại hóa người dưng.
1991
NGHĨA TRANG TÌM BẠN
Bóng núi đè ngang nghĩa trang chiều
Gió chừng thổn thức thổi xiêu xiêu
Nén nhang bùng lửa như bật khóc
Mây khói cuốn những hồn phiêu diêu.
Mây khói cuộn bao hồn lưu lạc
Giờ say trận mạc ở đâu xa
Còn nhớ những lời xưa mẹ dặn
Có thương tuổi mẹ đã xế tà.
Sao cứ một đi không trở lại
Nẻo rừng góc suối có chồn chân
Măng ngàn rau núi xanh xao xác
Có biết cơm thơm mẹ vẫn dàn
Sao cứ một mang lời thề cũ
Quê hương em gái bạc tóc chờ
Bậu cửa vẹt mòn hồn Tô Thị
Thảng thốt ai buồn những đêm mơ.
Ôi những linh hồn còn phiêu lạc
Xương thịt tan đi hóa đất trời
Xin được cho tôi người đồng đội
Đón hồn anh về với quê tôi.
1996
THƠ ĐỂ LÀM GÌ?
- Thơ để làm gì? Em chỉ thích măn-ny*
Ta đã từng mê một người như thế
Thơ chả lẽ chỉ dành cho lũ trẻ
Sướng cũng vô tư, mà khổ cũng vô tư.
Thơ để làm gì? Có ai nhớ bây giờ
Cơm áo, gạo tiền, công danh, chức vị
Phải tồn tại, lại cần nhiều hơn thế
Lăn hết đời người, kiếm chác đã bao nhiêu?
Thơ để làm gì? Còn đâu mấy ai yêu
Ta vì người, nào người biết được
Như sự sống chẳng thế nào thiếu nước
Ta vịn thơ qua hết mọi ưu sầu.
* Money (tiếng
Anh) – nghĩa là tiền
HOA CẢI NGỒNG
Anh có biết
em đã chờ anh mãi
Mọi lỡ lầm
Thôi
Đừng trách…
chiến tranh.
Dù anh vẫn trở về
và em đã
Cải lỗi ngồng
hoa mãi nở trong anh.
1990
BIỂN THÁNG TƯ
Tháng tư
Hoa phượng như tấm khăn màu lửa
vắt ngang trời miền Trung.
Tháng tư
mắt
gió rưng rưng
Biển vàng ệch quặn thắt từng rạn đá
chỉ
thương bầy cá
giận ai nỡ bỏ biển đi.
Mẹ ơi!
nước mắt
giờ mặn đắng vị gì
Biển ngộ độc hay chúng con ngộ độc?
Tháng tư
Biển khóc
cá chết trắng rồi
Biển đâu nỡ vùi luôn.
Tháng tư
mái chèo gác
nghiêng đè trĩu mắt buồn
mắt giàn giụa mà mái chèo khô rộp
Biển bao dung
cũng không nuốt được
nỗi đau này đâu chỉ có biển mang.
Hà
Nội 26/4 -23/5/2016
NGUYỄN HOÀNG SƠN
- Họ và tên khai sinh: Nguyễn Hoàng Sơn
- Sinh năm 1949
- Quê quán: Ngô Đạo, Tân Hưng, Đa Phúc, Vĩnh Phúc
- Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ 1993)
- Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.
- Tác phẩm chính đã xuất bản:
* Sự tích rước đèn trung thu (Truyện
thơ)
* Dắt mùa thu vào phố (Tập thơ cho các
em)
* Bài hát trăng tròn (Tập thơ)
* Ông khách giao thừa (Tập truyện thơ)
* Đợi mắt nhìn mới nở (Tập thơ)
* Tranh luận văn học (Phê bình văn học)
* Văn đàn – Thời sự & Bình luận (Phê
bình văn học).
- Giải thưởng văn học:
* Giải B Hội Nhà văn Việt Nam, 1990
* Giải A, Hội Nhà văn Việt Nam, 1993
* Một số giải thưởng về sáng tác và lý luận phê
bình khác.
- Suy nghĩ về nghề văn:
Một lần nói chuyện
vui, nhà thơ Vân Long nêu nhận xét: “ Trong thơ cho thiếu nhi, cậu đứng cao hơn
thơ cho người lớn! ”. Thú thực, lúc ấy tôi hơi…tự ái! Khổ thế, sĩ diện mà!
Trong thâm tâm, tôi thấy làm thơ cho người lớn, dường như “oai” hơn làm thơ cho
“trẻ con” … Lứa bọn tôi, khối người chết vì cái “oai” hão ấy, đương là nhà thơ
“có triển vọng” trong lĩnh vực cho các em, tự dưng nhảy sang viết và in rất nhiều
cho người lớn, thơ rời rồi trường ca, hết tập nọ đến tập kia…Bây giờ nhìn
lại,những gì được nhất trong đời viết của cây bút ấy,hình như chỉ những bài thơ
cho các em đầu đời viết là còn khả thủ…? May mắn cho tôi là đã sớm tỉnh
ngộ, không còn bám víu vào những “oai” hão nữa...Trong thơ,mọi thể loại đều
bình đẳng!Chỉ có sự khác nhau giữa thơ hay và thơ dở mà thôi! Đó là
lí do khiến tôi chọn toàn bộ 20 bài thơ cho thiếu nhi để mong xuất hiện
trong tập sách này.
A- TRONG KÝ ỨC BẠN BÈ
THƠ THIẾU NHI CỦA NGUYỄN HOÀNG SƠN PGS. TS Vũ Nho
Nguyễn Hoàng Sơn viết truyện,làm thơ cho người lớn,viết phê
bình, tranh luận văn học nhưng thành tựu nổi bật hơn cả vẫn là thơ và truyện
thơ cho trẻ em.Không kể Trần Đăng Khoa là nhà thơ thần đồng viết về các em,
cho các em,nhắc đến các nhà thơ có thành tựu, sau những tên tuổi như Huy Cận,
Phạm Hổ,Xuân Quỳnh ,Định Hải,người đọc thường nhắc đến Nguyễn Hoàng Sơn,Đặng Hấn,Trần
Mạnh Hảo.Nguyễn Hoàng Sơn đã in các tập tho cho các em :Mèo con để râu
(1981); Sự tích rước đèn trung thu (1989);Dắt mùa thu vào phố (1992); Ù ù cạc cạc
(kịch thơ hoạt hình- 1993); Bài hát trăng tròn (1990); Bức tranh của bé Hằng
(2000)…Bút danh của Nguyễn Hoàng Sơn được khẳng định khi tập truyện
thơ Sự tích rước đèn trung thu được giải thưởng của Hội
Nhà văn Việt Nam 1990.Tập truyện thơ Sự tích rước đèn trung thu của Nguyễn
Hoàng Sơn là một tập sách hay hiếm hoi. Tập thơ vừa có cốt truyện gọn gàng, chững
chạc , vừa hàm súc và giàu chất thơ.Chất thơ ấy thấm đượm trong cách giới thiệu và miêu tả nhân vật.Người đọc thích thú vì trong thế giới truyện thơ của Nguyễn
Hoàng Sơn có những nhân vật giàu cá tính và ngộ nghĩnh. Chẳng hạn, con gà,một
con vật nuôi hết sức quen thuộc, nhưng trong truyện của Nguyễn Hoàng Sơn, nó hiện
ra với tư cách một thím mái hoa te tái, hay một chị mái nâu cần mẫn ,chăm chỉ,rất
giàu tính đàn bà. Con ngan thì thành bác Ngan thạo nghề sông nước,đạo mạo,pha
tí chút cao ngạo, ra dáng một đấng mày râu từng trải,lịch lãm. Một chú lợn con
nhưng ngay từ những câu thơ giới thiệu lai lịch đầu tiên đã hứa hẹn nhiều chuyện
hấp dẫn:Có một chú lợn nhỏTên chữ là Văn ChoaiĐêm nay đêm ba mươiNằm mơ toàn chuyện Tết.Những con Cáo,con Sói trong các truyện cổ tích loài vật hay
truyện ngụ ngôn mọi người đều quen thuộc và chẳng lạ gì tính cách của chúng.
Nhưng rồi ta vẫn bất ngờ khi gặp chúng trong những vai ca sĩ:Cáo hát sòn la đô
Ngoáy đuôi theo điệu nhạc
Sói già không biết hát
Hú lên như phát rồ!
Con cá sông hiền lành,nhút nhát. Ai nghĩ lại có thể nổi máu
giang hồ tiến hành một cuộc chu du về biển lớn. Gặp Còng Gió ba hoa, cô ả đã xử
sự rất chi là theo kiểu cá:Cá sông nghe khiếp víaDựng đứng hết cả vâyKhông kịp chào Còng gióVẫy đuôi- đằng sau quay!Nhân vật gặp gỡ nhân vật. Kẻ tốt có, người xấu có. Người
vô tình ba hoa, kẻ cố ý mưu sâu hiểm độc. Mỗi nhân vật một khát vọng, một tính
cách. Hoàn cảnh để các nhân vật gặp gỡ , va chạm, thử thách cũng rất đa dạng.
Vì thế luôn có những bất ngờ, lí thú trong những điều tưởng chừng quen thuộc.Điều làm cho những truyện thơ của Nguyễn Hoàng Sơn có một vẻ
riêng biệt,độc đáo chính là sự tham gia của người viết vào diễn biến câu chuyện.
Tác giả vốn là người thông minh,vui tính, thích khôi hài. Thường hay bắt gặp những
nụ cười mủm mỉm giấu sau những dòng thơ tự sự, thấp thoáng sau những câu thơ có
tí lí sự ngồ ngộ. Có khi nụ cười đằm trong nhận xét sắc sảo diễn đạt bằng lối
nói dân gian độc đáo.Nhân vật trữ tình tác giả vui tính, hóm hỉnh,in dấu ấn rất đậm
trong từng ý thơ, tứ thơ.Anh luôn luôn có mặt kịp thời để duy trì nhịp hứng
thú. Khi thì anh bắt chước kiểu kết thúc của một số truyện cổ tích châu Âu
nhưng không uống rượu ướt đẫm râu như họ mà chỉ đưa ra chúng tích để câu chuyện
thêm ý vị ( Chuyện bác rùa biết bay). Khi thì anh cung cấp cho Còng Gió-một
anh chàng mít đặc nhưng thích huyênh hoang, những lời lẽ thật độc đáo:Biển chỉ là cái chảoSuốt đêm ngày sục sôi.Nước biển là nước mắmTất nhiên,mặn ra trò!Chị mà về dưới ấyLập tức thành…cá kho!Anh có thể cảm thông với chú Rùa chậm chạp mà ôm mộng lớn:
chí ngao du để ở bốn trời, nhưng lại cũng dễ dàng nhập vào đám trẻ con để mà
tranh cãi, lí sự : Rùa nào rùa biết bayy?Đến bò còn chẳng nổi!Sự hiện diện đa dạng và biến hóa ấy làm cho câu chuyện lúc
nào cũng như có ánh sáng tỏa ra từ bên trong.Tập thơ Dắt mùa thu vào phố được tặng giải thưởng của
Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993, thể hiện môt năng lực sáng tạo khác của
nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn. Những nổi trội trong tập này không phải là những
truyện thơ mà là những bài thơ ngăn ngắn. Bạn Chu Văn Sơn, giảng viên khoa văn
ĐHSP Hà Nội đã viết lời bạt cho tập thơ này và anh cho nét nổi bật,cái duyên
hơn người của Nguyễn Hoàng Sơn là lém lỉnh và tài hoa: “Một mình làm được cả một
vườn bách thú, thông thạo nhiều ngoại ngữ: từ tiếng nước trâu đến tiếng nước hành
mỡ, từ thổ ngữ ầm ầm của tiếng thác đến sinh ngữ ngọt ngào của loài kẹo. Xuống
biển thạo muối,lên núi thạo nhà sàn”, tôi thấy qủa là đúng. Nhưng muốn bổ
sung sự hóm hỉnh,tinh tế, đôn hậu. Tất nhiên , những nét này có thể có mặt
trong sự tài hoa. Nhưng muốn tách ra như những nét riêng nổi trội. Nguyễn Hoàng
Sơn đã góp cho thơ một chú Vện khá độc đáo bên cạnh chú Vàng trong Sao
không về vàng ơi của nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa :Nhưng mà ngộ nhấtLà lúc nó vuiChẳng hề nhếch mépNó cười bằng… đuôi!Anh lí giải rất ngộ nghĩnh về cái đuôi của chú voi:Cuối cùng là cái đuôi
Vì ở rừng vắng vẻ
Voi cũng buồn một tị
Có đuôi làm… đồ chơi!
Những câu thơ tinh tế, hóm hỉnh có thể gặp trong nhiều bài,chẳng
hạn Sa bẫy, Thư, Quả thị đii chơi,Hoa sen,Đêm qua chim chích ngủ đâu, Con
vỏi con voi…Điều quan trọng nhất là dù còn có ông bạn xấu, còn có các cuộc
cãi nhau, có anh bạn thích tót đi chơi, nhưng thơ Nguyễn Hoàng Sơn hướng bạn đọc
đến cái thiện, đến những quan hệ thân ái.gắn bó,nâng đỡ quan tâm lẫn nhau. Cái
cách giáo dục của thơ Nguyễn Hoàng Sơn,nói như Xuân Diệu là in cái tốt đẹp,
thánh thiện lên tâm hồn các em. Thơ Nguyễn Hoàng Sơn như lời chào của
anh: Là cơn gió mát/Buổi sáng đầu ngày/ Như một bàn tay/Chân tình cởi mở…Chính
vì thế mà các bạn đọc nhỏ tuổi,và cả người lớn nữa, đều yêu thích. V.N (Lời giới thiệu tập thơ Dắt mùa thu vào phố- NXB Kim Đồng,
tháng 12/2007, từ trang 3 đến trang 8) NGUYỄN HOÀNG SƠN VÀ THƠ THIẾU NHIPGS. Nhà thơ Đặng Hấn… Trong thơ thiếu nhi của Nguyễn Hoàng Sơn, mảng mạnh nhất
theo chúng tôi,là mảng truyện thơ. Ông kể chuyện rất hóm hỉnh, có duyên và rất
thơ! Truyện thơ với người khác thường chỉ là dung văn vần để kể chuyện. Với
Nguyễn Hoàng Sơn, truyện thơ là mượn cớ truyện để phô diến tài thơ. Đọc truyện
thơ của Nguyễn Hoàng Sơn giống như đến rạp hát để xem diễn Kiều hoặc Quan Âm Thị
Kính: không phải đến để xem diễn biến câu chuyện ra sao,kết cục ai sống ai chết,
ai lấy ai… mà để thưởng thức cái chất văn,chất đời trong từng câu ca,lời thoại,sướng
với cái chua ngoa, đanh đá của mẹ Đốp, rớt nước mắt với câu cười của anh hề…Trong năm truyện của tập” Sự tích rước đèn trung thu”
thì có tới bốn truyện xuất sắc (có trong tập này). Tập thơ được giải của Hội
nhà văn là rất xứng đáng.. “Sự tích rước đèn trung thu” đầy ắp chất nhân
văn,nhân bản,cách kể lại rất sinh động, hợp với các em. Tôi nhớ có lần tình cờ
nghe được Nguyễn Hoàng Sơn đọc trên đài phát thanh “Một cuộc du lịch”.
Truyện kể chị cá sông định ra thăm em cá biển. Lúc đầu còn hăng hái “Nổi máu
giang hồ”. Sau đường càng xa,càng ngại. Một lần ghé vào bờ nghỉ,gặp chú
còng huyênh hoang dọa:Nước biển là nước mắmTất nhiên,mặn ra trò!Chị mà về dưới ấyLập tức thành…cá kho!Thế là chị sợ dựng cả vây, đành quay lại. Tôi phải bật buồn
cười, thuộc ngay đoạn ấy. Trong “Truyện bác rùa biết bay”, khi rùa được nâng
lên cao,ông viết rùa nhìn xuống thấy:Đồng bằng tiếp núi đồiXanh non rồi xanh đậmSông đổ ra biển khơiMột chấm đò lơ lửng.“Một chấm đò”! Nghe thật sướng! Nghĩa là rùa đã lên rất
cao.Thế đấy,trong văn học chỉ một từ dùng cũng biết tay cao thấp.Cũng như trong thơ Trần Mạnh Hảo, thơ Nguyễn Hoàng Sơn có nhiều
phát hiện rất mới mẻ, với những liên tưởng rất thông minh. Ông tả về hoa sen:Đầu tiên là lá nổiThả diều lên mặt ao.Và đến khi sen trổ hoa:Hẳn nhà sen rất giàuBao nhiêu là áo đẹp!Thơ viết vừa đẹp,vừa gần gũi cách nghĩ , cách nói của các
em.Tuyệt vời nhất là ông phát hiện “Con vện”:…lúc nó vuiChẳng hề nhếch mépNó cười bằng…đuôi!Theo cảm nhận của chúng tôi,Trần Mạnh Hảo và Nguyễn Hoàng Sơn
là hai bậc cao thủ vào loại nhất trong số những nhà thơ viết cho thiếu nhi ở nước
Việt.Ở hai nhà thơ cùng tuổi này,còn có một tài kiệt xuất “ người tám lạng kẻ nửa
cân”là tài thơ ngụ ngôn..Cả hai ông đều là những bậc nổi danh xuất chúng nhận
nhiều giải thưởng sang trọng. Việc các ông làm ngụ ngôn hay đã góp phần bác bỏ
quan niệm cho rằng ngụ ngôn là sở trường của những nhân tài bất đắc chí!Trong cá tính,tôi đã nghe nhiều người nói:cả hai ông đều rất
kiêu. Thực ra các ông cũng đủ tư cách để kiêu lắm chứ. Chúng tôi trộm nghĩ: cứ
sáng tạo được nhiều thành tựu đi, rồi kiêu cũng rất đáng yêu. Còn hơn là chẳng
có đóng góp gì,đầu óc rỗng không để rồi mà…khiêm tốn!Phải chăng do hai ông cùng có nhiều tài năng và cá tính giống
nhau, nên giữa họ đã có một cuộc đối thoại độc đáo làm kinh động cả làng Văn Đại
(tức làng văn không chỉ cho thiếu nhi).Nhưng mọi chuyện rồi lại êm xuôi
,bởi lẽ hai ông vốn là những người bạn.Và cũng như tất cả chúng ta,các ông là “
những người thích đùa”. Chuyện om sòm chốc lát kia thì cũng như “ Chuyện
bên bờ ao”và họ lại có thể bắt chước chị mái nâu mà cười xòa:Thôi thì gà hay vịtCũng họ hàng nhà ta!Cũng họ hàng nhà… văn!
Đ.H
(Trích trong tập thơ “ Cây đèn thần” ,NXB Văn nghệ
TP Hồ Chí Minh, 8/1999, trang 217 đến trang 220)
B - MỘT SỐ TÁC PHẨM TIÊU BIỂU
ĐỢI TUỔI
Mẹ bảo “Ba mươi Tết
Đúng vào lúc giao thừa
Trời gọi từng người một
Rồi lấy tuổi ra cho!”
Mấy anh em đều lo:
Chẳng may mà ngủ mất
Trời gọi không thấy mặt
Là bé mãi thế thôi!
Nồi bánh lịch bịch sôi
Hương nếp bay thơm phức
Mẹ thức con cũng thức
Chờ lấy tuổi của Trời!
Mẹ giục : “ Đi ngủ thôi!
Giao thừa mẹ sẽ gọi.”
Ai cũng sợ mất tuổi
Đùn nhau không chịu đi!
Lát sau là ngủ khì
Trên ổ rơm ấm sực
Chỉ còn mình mẹ thức
Bên nồi bánh đương sôi…
Sáng đầu năm tinh khôi
Mẹ gọi con và bảo:
Mẹ đã gặp ông Trời
Đựng tuổi trong …túi áo
Thấy các con ngủ ráo
Trời để tuổi một bên
Nên sáng nay mẹ thấy
Đứa nào cũng lớn thêm!”
Tết
Bính Thìn 1976
MÂY
Lúc mặc áo trắng
Lúc mặc áo xanh
Lúc choàng áo xám
Thay dạng đổi hình
Buổi sáng bên đoài
Chiều về bên đông
Bạn cùng ngọn gió
Tháng ngày thong dong…
Là con của nước
Đi học trên trời
Bỗng dưng nhớ mẹ
Liền rơi… rơi… rơi.
8/1976
HOA SEN
Suốt mùa đông giá buốt
Sen ngủ say trong bùn
Mây màu chì,gió bấc
Con sóng chừng cũng run!
Tháng Giêng hoa đào nở
Cùng người vui đón xuân
Tháng Hai hoa gạo đỏ
Hoa xoan rơi tím vườn…
Nước dần dần ấm hơn
Tháng Ba về rồi đấy!
Trời cử cô mưa rào
Đến gọi sen thức dậy
Đầu tiên là lá nổi
Thả diều lên mặt ao
Búp non xuyên thủng nước
Nụ sen hồng nhô sau
Nụ chưa nở ngay đâu
Chừng như còn ngại rét?
Hẳn nhà sen rất giàu
Bao nhiêu là áo đẹp!
Một hôm mưa vừa tạnh
Nước dềnh lên rất đầy
Tiếng chim ca lanh lảnh
Trời xanh và mây bay…
Ông mặt trời đỏ gay
Gió qua không lạnh nữa
Sen cởi tung áo màu
Góp hương vào mùa hạ.
Gốc sen dầm trong nước
Nên hương sen mát lành
Vô tình đôi cánh rụng
Gió thả thuyền lênh đênh…
11/1977
CON VỆN
Mỗi khi nó chạy
Cái đuôi cong lên
Đuôi như bánh lái
Định hướng cho thuyền.
Rời nhà xa ngõ
Đuôi quắp dọc đường
Đuôi buông ủ rũ
Là khi nó buồn…
Nhưng mà ngộ nhất
Là lúc nó vui:
Chẳng hề nhếch mép
Nó cười bằng…đuôi!
CHÚ
Chú gà đi học
Nó đọc ó…o
Nó dậy từ sớm
Nó học cả trưa!
Nhưng mà buồn quá
O tròn nghe vui
Chữ viết, eo ơi
Xấu như… gà bới!
5/1978
LỜI CHÀO ĐI TRƯỚC
Đi đến nơi nào
Lời chào đi trước
Lời chào dẫn bước
Chẳng sợ lạc nhà
Lời chào kết bạn
Con đường bớt xa…
Lời chào là hoa
Nở từ lòng tốt
Là cơn gió mát
Buổi sáng đầu ngày
Như một bàn tay
Chân tình, cởi mở…
Ai ai cũng có
Chẳng nặng là bao
Bạn ơi đi đâu
Nhớ mang đi nhé!
CON VỎI CON VOI
Bạn sinh ở Thủ đô
Rừng là gì, chửa biết
Mời bạn đến công viên
Xem voi là hiểu hết:
Rừng là… cây xúm xít
Nên voi mới có vòi
Vướng cành vòi bẻ “rắc”
Trong rừng đi như chơi!
Đường rừng lắm loại gai
Lòng suối nhiều đá sắc
Nên da voi rất dày
Chân đạp gì cũng nát.
Tai voi là cái quạt
Muỗi rừng nhiều , quạt bay.
Rừng cũng còn kẻ ác
Nên ngà voi phải dài!
Cuối cùng là cái đuôi?
Vì ở rừng vắng vẻ
Voi cũng buồn một tị
Có đuôi làm… đồ chơi!
Voi đứng trong vườn thú
Voi là rừng về xuôi!
8/1980
MỠ VÀ HÀNH CÃI NHAU
Mỡ và Hành cãi nhau:
- Mùi thơm là của tao!
- Không, của tao!
Hành hét.
Củi cháy nổ lép bép
Chúng chẳng nghe thấy gì
Lát sau Hành đen sì
Mỡ bay mùi khét lẹt.
Cuộc cãi nhau cũng hết!
2/1979
CÂY PHƯỢNG
Bé Quỳnh tập làm văn
Đề: tả cây phượng vĩ.
Ngồi cắn bút tần ngần
Tả cách nào đây nhỉ?
Bốn năm cây phượng vĩ
Bóng rợp cả sân trường
Bao mùa hoa phượng vĩ
Đỏ rực các nẻo đường…
Quá quen đến coi thường
ĐÊM QUA CHIM CHÍCH NGỦ ĐÂU
Đầm sen bát ngát hồng tươi
Có anh chim chích tìm mồi ngẩn ngơ
Mặt trời lặn xuống bất ngờ
Cánh sen khép lại chẳng chừa lối ra!
Thôi đành ngủ lại trong hoa
Chật thì có chật nhưng mà thật thơm!
Suốt đêm giấc ngủ chập chờn
Bông sen gió thổi rập rờn, ngả nghiêng…
Sáng ngày sen mở cửa sen
Mừng rơn chim vụt bay lên giữa trời!
Thơm thơm từ mỏ đến đuôi
Sau đêm ngủ trọ tuyệt vời giữa hoa…
VẼ CÁI ẤM
Vẽ cái ấm không khó:
Đầu tiên vẽ trái cam
(Có thể không tròn lắm)
Thế là xong cái thân.
Rồi vẽ thêm cái vung
Nối cái vòi cho khéo
Vung có núm dễ cầm
Quai ấm vờn thật dẻo.
Thân ấm vẽ hoa lá
Hoặc thêm cá thêm chim
Khéo tay thì đánh bóng
Tô màu gì tùy em…
Anh chỉ nhắc đừng quên:
Cái lỗ con trên nắp
Để khi bố pha trà
Rót nước ra khỏi tắc!
11/1980
ỐC SÊN
Đội nhà như ốc
Có râu như sên
Hẳn là vì thế
Nên mới thành tên?
Sên chậm rì rì
Ốc càng ì ạch
Rõ khéo rủ rê
Hai anh làm một!
Hai tầng chậm chạp
Chẳng làm nhanh thêm:
Ốc vẫn là ốc
Sên cứ là sên!
9/1980
THƯ
Bạn Quý và bạn Thảo
Cùng học lớp vỡ lòng
Hôm qua bạn Thảo mệt
Bạn Quý gửi thư sang.
Bạn Thảo mở thư ra
Cả nhà đều tròn mắt:
Thư viết toàn chữ A
Nét bút chì nguệch ngoạc!
Thế mà Thảo hiểu hết
Đây là Quý hỏi thăm
Nói: Quý nhớ Thảo lắm
Hỏi: Thảo nhớ Quý chăng?
…Những chữ A ở cuối
Là Quý chúc chóng khỏi
Để hai đứa đến trường
Cùng học thêm chữ mới!
12/1980
VỊT ĐÁNH VỠ TRỨNG NHƯ THẾ NÀO?
Gà than: ấp trứng khó
Vịt dẩu mỏ: Thường thôi!
Đôi bên sinh cãi cọ
Dễ gì ai chịu ai!
Vịt về ăn nhiều thóc
Đẻ một ổ trứng đầy
Rồi tự mình ủ ấp
Ý cho gà biết tay!
Nhưng chị chàng loay hoay
Trứng va nhau vỡ nát!
Vịt xấu hổ với gà
Bỏ đi,kêu ‘Mặc! Mặc!”
Còn gà hay cục tác
Đố bạn biết vì sao?
Ấy là gà bảo nhau:
“Vịt nói khóac! Khoác! Khoác!”
2/1981
QUẢ THỊ ĐI CHƠI
Cây thị bên cầu ao
Suốt đời không đổi chỗ
Quả thị trên cành cao
Muốn đi đây đi đó!
Mùa hè nhiều mưa gió
Đâu phải mùa đi chơi?
Quả thị đành khép vỏ
Nằm mơ về xa xôi…
Trời bỗng dưng cao vời
Nắng hanh se ngọn gió
Mặt ao thành gương soi
Vệt sương đằm lối cỏ…
Mùa thu về gõ cửa
Giục thị thay áo vàng
Kịp lên đường hớn hở
Bước đi giờ xênh xang…
Trông kìa: Quả thị vàng
Dắt mùa thu vào phố
Mang theo câu chuyện cổ
Thị kể bằng mùi hương…
8/1981
NGUỒN GỐC CÚ ĐÁ HẬU KINH HỒN CỦA HỌ HÀNG NHÀ NGỰA
Chú Ngựa xưa thuần lắm
Suốt đời ăn cỏ xanh
Nên tính khí hiền lành
Sừng cũng không mọc được!
Nhưng nhiều khi rất cực:
Hiền,nên lắm kẻ trêu
Có cái đuôi mĩ miều
Họ cũng lừa cắt mất!
Ngựa mất đuôi ấm ức
Về suy nghĩ ba đêm:
“Hiền nhưng không thể hèn
Phải luyện chân cho khỏe…”.
Ấy đầu đuôi là thế:
Hoa hồng phải có gai
Vì quý cái đuôi dài
Ngựa có thêm cú đá!
9/1984
VƯỜN BÁCH THÚ
Bố làm con vịt lội ao
Vỗ cánh kêu ầm cạc…cạc
Bố làm con nghé chiều nào
Nghé…ọ nhìn quanh ngơ ngác…
Bố vừa là chuột chít… chit
Bỗng lại hóa mèo ngoao…ngoao
Con ếch mừng mưa ộp …ộp
Trăng buồn chó sủa gâu…gâu
Con cò ở dưới đồng sâu
Con vẹt trên rừng xa ngái…
Nghe tiếng kêu cùng chạy lại
Vui vầy với bố con ta!
10/1986
CHIẾC BÁNH LANG LIÊU
Gạo nếp ngon đồng bằng
Lá dong tươi trên núi
Đậu xanh nơi bãi sông
Tiêu thơm vùng đảo nổi…
Bao vùng quê tụ hội
Trong khoanh bánh mịn màng
Năm cũ và năm mới
Buộc nhau bằng sợi giang…
Đã qua mấy ngàn năm
Bánh vẫn rền vẫn dẻo
Tình người con chí hiếu
Bay thơm cả đất trời!
1990
SA BẪY
Bé Mây rủ Mèo con
Đánh bẫy bầy chuột nhắt
Mồi thơm: Cá nường ngon
Lửng lơ trong cạm sắt!
Lũ chuột tham hóa ngốc
Chẳng nhịn thèm được đâu!
Bé Mây cười tít mắt
Mèo gật gù,rung râu…
Đêm ấy Mây nằm ngủ
Mơ đầy lồng chuột sa
Cùng Mèo con đem xử
Chúng khóc ròng, xin tha!
Sáng mai vùng xuống bếp:
Bẫy sập tự bao giờ!
Chuột không, cá cũng hết
Giữa lồng, Mèo nằm… mơ!
5/1992
TUỔI TÝ
Có một lớp Sáu nọ
Xuân này chợt nhận ra:
Chúng mình đều tuổi Chuột
Sao nhiều điều khác xa?
Cô Mây tính nhút nhát
Hơi trêu đã khóc nhè
Thôi đúng là chuột nhắt
Đẻ mười hai giờ khuya!
Cô Thảo thì bậm trợn
Nói cười như con trai
Có phải là chuột cống
Đến Mèo còn sợ oai?
Cô Quỳnh nhà giàu quá
Số chuột bạch trong lồng
Cậu Bảo sao vất vả
Tuổi chuột đồng long đong…
… Dù thế này thế khác
Bọn mình hứa giúp nhau
Sang hè không ai rớt
Khỏi ngồi cùng lớp… Trâu!.
19/1/2018Xuân Mai - Nguyễn Ngọc TungNguyễn Nhuận Hồng Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét