Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

Tiểu thuyết Vĩnh Phúc - Phần 5a

Tiểu thuyết Vĩnh Phúc - Phần 5a

CHƯƠNG NĂM
1. Thời gian mãn tang bà nội đã tới. Thứ xin phép cơ quan về “thay nhà” cho bà. Những ngày này, bà như đang sống bên anh. Đêm ngày, anh luôn nghĩ đến bà. Đời bà khổ đến thế là cùng. Bà sống trong đói nghèo để nuôi con rồi lại nuôi cháu. Máu thịt của bà san sẻ cho con, cho cháu. Bà chưa một ngày được nghỉ ngơi. Cả đời bà chỉ biết làm bạn cùng dưa muối và khoai sắn. Quần áo của bà đều nhuộm bằng củ nâu lấy trong rừng nên rất cứng. Mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn, eo hẹp, túng thiếu nhưng anh phải xây cho bà ngôi mộ thật khang trang, đẹp đẽ để tỏ lòng biết ơn và xứng đáng với công lao của bà.
Trước khi về quê sang cát cho bà, Thứ có nói chuyện với An và má Khang. Bà Khang và An không cầm được nước mắt. Cả hai đều muốn về thăm quê, thăm mẹ, thăm nội lần cuối. Nhưng bà Khang và An đều băn khoăn thời gian Thứ thông báo gấp quá, cái chính là danh chưa chính, ngôn chưa thuận, vì tất cả đều phải giấu kín, nói ra lúc này chưa thích hợp về nhiều mặt. Bàn đi, tính lại, bà Khang và An quyết định gửi ít tiền nhờ Thứ lo thay nhà cho bà và hương khói cúng bà. Đó là tấm lòng trở về nguồn, sự báo ơn và đạo lý làm con, làm cháu. Thứ suy nghĩ rất nhiều, không báo cho má Khang và An thì bị quở trách.  Báo cho má Khang và An mà không về thăm quê, thăm nội được thì lại ân hận, bận tâm suốt cả đời. Tấm lòng của má Khang và An là đáng quý, đáng trân trọng. Không nhận lễ sợ họ buồn, nhưng nhận thì về nhà biết nói với mẹ và gia đình làm sao đây? Khó quá! Nhưng má Khang và An nói mãi, anh đành phải nhận tiền, nhận lễ để mua hương hoa cúng bà. Giải quyết như thế là được cả đạo lý và tình cảm. Cuối cùng anh không nỡ từ chối.
Về tới nhà, Thứ bàn ngay với mẹ, lần này không chỉ thay nhà và xây mộ cho bà mà xây luôn cả mộ ông nữa, đưa ông bà về ở bên nhau. Ông ra đi từ rất sớm, tuổi hãy còn trẻ lại rất vội vàng. Ông, bà xa cách nhau thời gian khá dài. Bây giờ ông bà mới được đoàn tụ, sum họp chắc ông bà vui lắm. Ở vùng quê này việc xây mộ bằng gạch trát vữa xi măng kiên cố vẫn là giấc mơ của nhiều gia đình. Không chỉ xây mộ, Thứ còn thuê khắc bia đá từ Sài Gòn mang về đặt trên mộ chí của ông bà. Nghe anh bàn vậy, mẹ anh vui lắm. Nét mặt của mẹ  rạng rỡ, như trẻ lại. Mẹ kể với con: Đến ngày mãn tang, thay nhà cho bà, mẹ rất lo. Đêm ngày chẳng ngủ nổi, đôi mắt cứ chong chong từ lúc chập tối đến sáng. Mẹ muốn xây cho bà ngôi mộ thật to, thật đẹp hơn tất cả mọi người để tạ lỗi với ông bà nhưng tiền bạc có hạn. Mặc dù vậy, mấy năm nay, mẹ ăn uống rất hà tiện, tiết kiệm từng đồng xu. Nay được con nói thế, lòng mẹ cứ lâng lâng như đang bay trên không trung.
Việc làm của mẹ con Thứ được tất cả anh em nội ngoại và dân làng khen ngợi và khâm phục. Anh nhớ rất kỹ khi áo quan vừa mở. Anh thấy bà như đang tươi cười với anh. Bà vụt bay lên, ôm anh vào lòng. Bà vuốt vuốt mái tóc, sờ lên mặt và nắn tay chân anh. Bà nói: Cháu bà béo khỏe và đã trưởng thành. Bà vui lắm. Rồi bà cười tít mắt nói tiếp: Bà mãn nguyện lắm. Bà đi đây! Anh vội nói: Bà ở nhà chơi với cháu đã. Bà cười, hai má rung rung. Anh nắm tay bà... không thấy bà đâu.
Anh bước xuống huyệt, nhặt từng đốt xương xếp vào tiểu sành. Còn thiếu mấy đốt xương tay, xương chân, anh cố tìm cho bằng được, cho dù phải ngồi lâu dưới huyệt. Anh lau từng đốt xương cẩn thận và sạch sẽ, Anh làm với tất cả tình cảm và lòng biết ơn đối với bà. Việc làm của anh đâu khó khăn, vất vả bằng bà khi cõng anh trên lưng suốt ngày. Lúc anh đói sữa, dỗ cháu không nổi bà vạch vú cho anh bú. Không có sữa, cháu khóc, bà khóc. Bà nhịn ăn, nhịn mặc để nuôi anh đi học.
Khi mọi việc đã xong, anh nói với mẹ:
- Lần này mẹ đi với con chứ?
Mẹ anh cười. Mẹ chẳng còn lý do gì để từ chối lời thỉnh cầu rất chính đáng của con nữa. Mẹ nhớ lời hứa của mình lắm chứ! Mẹ đã thưa với hai ông chú và ông cậu rồi. Các ông ấy bảo rằng:
- Cháu lo cho mẹ mồ yên mả đẹp, lại xây mộ cho cả hai ông bà kiên cố, khang trang, đẹp đẽ. Cháu rất xứng đáng là dâu thảo của họ Trần. Cả gia đình này, nói rộng ra cả làng này chưa ai làm được như cháu. Cháu luôn biết nghĩ về cội nguồn, mãi mãi là gương sáng để mọi người cùng noi. Chúng tôi rất tự hào về cháu. Cháu đi với thằng Thứ là rất phải. Khi mẹ cháu mới mất, nếu cháu đặt vấn đề này ra, chúng tôi cũng đồng ý liền, không phải chờ tới ngày hôm nay. Hai mẹ con cháu chờ đợi tới hôm nay là quá chu đáo rồi. Mẹ thưa:
- Các ông rộng lượng cho như thế, cháu xin cảm ơn. Phận làm con, làm cháu phải giữ đúng đạo lý, gia phong.
- Thưa mẹ! Con đề nghị với mẹ, đất đai nhà cửa và tất cả những đồ dùng trong gia đình, gửi tặng lại các em ngoài này, không cần tiền bạc gì cả. Mọi đồ dùng ở trong đó con đã mua sắm cả rồi. Chăn màn quần áo rét không cần mang theo. Sài Gòn không rét như ngoài này đâu.
- Được! Con mẹ  giỏi lắm! Những suy nghĩ của con rất hợp với ý của mẹ!
Vài ngày sau, mẹ Thứ đến nhà ông chú Tần nói:
- Thưa chú! Ít ngày nữa con vào Nam sống với cháu Thứ như đã thưa chuyện với chú và đã được chú cùng mọi người chấp thuận. Mẹ con con vui và cảm ơn chú cùng toàn gia quyến. Nhà cửa, đất đai, cháu nhường lại cho em Tấn con chú. Mọi đồ dùng trong gia đình như giường tủ, bàn ghế, xoong nồi, chăn màn cháu gửi tặng lại các em, các cháu. Ai cần thứ gì thì lấy thứ đó.
 Ông chú ngạc nhiên hỏi
- Đất đai nhà cửa nhường lại cho thằng Tấn nhà chú, cháu định lấy bao nhiêu tiền?
- Gia đình nhà ta, duy nhất em Tấn là chưa có đất nhà. Mẹ con cháu tặng lại chứ tiền bạc gì đâu. Nói xong, mẹ đưa giấy chuyển nhượng đất đai, nhà cửa cho chú Tấn xem. Chú tròn xoe mắt nhìn mẹ:
- Mẹ con cháu tốt quá. Phúc đức cho nhà chú biết nhường nào. Bố con chú mãi mãi cảm ơn mẹ con cháu. Trước khi đi, mẹ con cháu tới ăn bữa cơm chia tay với gia đình chú để thể hiện tình cảm sâu nặng giữa người đi, người ở.
- Cháu xin vâng.
Một buổi tối, mẹ khó nhọc, vất vả lắm mới nói với con trai:
- Thứ ạ! Từ khi mẹ về sống ở đất này, cả nửa đời người, mẹ chưa một lần về thăm bố mẹ và các em. Lần này, mẹ muốn đưa con về thăm ông bà ngoại và các cậu, các dì.
- Mẹ nghĩ thế là phải lắm. Nhưng tại sao đến bây giờ, mẹ mới nghĩ tới việc này. Quá muộn đó mẹ ạ! Con nghĩ, chắc có việc gì uẩn khúc mẹ giấu con nên cứ đắn đo, trăn trở trong lòng mãi. Vì thương mẹ con không nói, sợ động tới những kỷ niệm đau buồn của mẹ.
- Mẹ sẽ kể hết cho con nghe. Nhưng con phải hứa, giữ bí mật việc này, đừng nói với bất kỳ ai.
- Vâng! Vâng! Con xin hứa.
Bà kể:
- Cách đây lâu lắm rồi, dễ chừng gần ba mươi năm. Khi ấy Huyền còn rất trẻ, khoác trên mình đầy ắp những mộng mơ của tuổi học trò. Huyền vừa học xong lớp 10 (nay là lớp 12 PTTH). Huyền đem lòng yêu thương một người con trai. Tên anh là Dân. Anh hơn Huyền ba tuổi. Anh là sinh viên Văn khoa năm thứ ba của Trường Đại học sư phạm Hà Nội. Anh khỏe mạnh, đẹp trai và thông minh, học giỏi. Nhiều cô gái muốn có được tình cảm của anh. Nhưng Huyền là người duy nhất được anh quan tâm, yêu mến.
Tình yêu của anh, chị được nhen nhóm từ khi còn để chỏm cùng ngồi trên lưng trâu nghe chim hót, cùng đi hái sim và ăn sim. Được lệnh lên đường nhập ngũ, anh xếp bút nghiên, cầm súng đi đánh giặc, cứu nước. Anh được nghỉ phép nửa tháng. Anh muốn cưới Huyền trước khi lên đường đánh giặc. Nhưng Huyền chưa đồng ý không chịu vì chị còn mơ tới giảng đường đại học, mơ trở thành kỹ sư nông nghiệp, gắn bó với đồng ruộng để xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp. Thời gian ấy, đêm nào, anh chị cũng đi chơi cùng nhau nơi hai người thường đến  nhưng là ở đồi sim của làng.
Đêm cuối cùng của đợt nghỉ phép, anh rủ chị lên đồi sim. Trăng sáng lắm. Trắng như tấm lụa vàng khổng lồ trải khắp đồi sim. Anh chị cùng ngồi dưới trăng. Ngắm trăng và thỏa thích uống trăng tan. Bao nhiêu ước mơ và tình cảm lứa đôi được phơi bày dưới trăng. Ánh trăng khuyến khích, thúc giục, kích động tình yêu đang ngùn ngụt bốc cháy. Đồi sim tràn ngập ánh trăng, Anh chị đã hiến dâng cho nhau tất cả. Anh là của chị. Chị thực sự là của anh. Ngày mai, khi bình minh tỉnh dậy, chị tiễn anh ra mặt trận. Hôm ấy, chị cố ý mặc chiếc áo màu tím hoa sim để được nổi bật trong đám con gái đưa tiễn tân binh. Và để nhắc nhở anh luôn nhớ về những kỷ niệm của đồi sim, đêm trăng chia tay. Chị hứa với lòng mình sẽ suốt đời chung thủy với anh. Nhưng cả hai chẳng dám nói gì với nhau mà chỉ đưa mắt nhìn nhau, bốn con mắt thay lời nói lên tất cả. Người đi giữ mãi màu tím áo em. Người ở lại cất giấu màu tím chung thủy chờ ngày gặp lại.
Ít lâu sau, chị phát hiện mình có thai. Tin chị có thai đến với bố mẹ anh. Gia đình anh khước từ giọt máu anh để lại. Chị bị bố đánh đập, xỉ vả vì cái tội không chồng mà chửa. Thời bấy giờ, chửa hoang được xem là tội lớn của đạo đức. Người ta truyền tụng lại rằng, ngày xưa mà chửa hoang thì phải gọt gáy bôi vôi, dắt đi bêu khắp làng rồi đem thả bè buông sông. Uất ức quá. Tủi nhục  quá. Xấu hổ quá. Vì muốn anh yên tâm đi chiến đấu, nếu chẳng may anh hy sinh thì anh cũng một lần được hưởng hương vị tình yêu nên chị đã tự nguyện hiến dâng. Chị phải rời bỏ quê hương, lìa xa cha mẹ và các em ra đi. Đi đâu, chị chưa biết.
Chị nhớ. Đêm ấy. Cả nhà ngủ say. Xóm làng thật yên tĩnh. Chỉ có tiếng ngáy đều đều, lúc to, lúc nhỏ của bố mẹ và các em. Và tiếng chuột chạy đuổi, cắn nhau kêu chí chóe trên mái nhà. Xa xa, tiếng giun dế nỉ non. Chị lẻn dậy xếp đồ đạc vào túi xách. Nói là đồ đạc nhưng thực ra chỉ có vài bộ quần áo. Chiếc áo tím cất ở đáy túi xách. Chị chỉ có đôi khuyên vàng hai đồng cân và lấy cắp của mẹ mấy chục ngàn làm tiền ăn đường, đi tìm việc làm. Chị ngồi ở cửa nhà bếp chờ sáng thêm chút nữa. Chị đi rất nhanh, chân chưa kịp chạm đất, chị phải đi thật nhanh để tránh sự truy tìm của gia đình. Chị đến ở nhờ người bạn thân, cùng học ở làng bên để lẩn tránh gia đình. Sớm hôm sau, chị đi thật sớm. Thoát khỏi sự  truy tìm của gia đình, chị đi lang thang hết nơi này đến nơi khác. Nhiều khi chị phải nhịn đói, nhịn khát.
Ánh nắng già cỗi, nhàn nhạt cố níu lại trên ngọn cây cao. Hoàng hôn buông dần xuống. Chị gặp một dòng sông rộng mông mênh, bát ngát. Chị ngồi chờ đò để sang sông. Trời rộng mênh mông, đất rộng mênh mông. Gió thổi miên man mát rượi. Bến sông vắng lặng, không một bóng người, không một con đò. Chị cảm thấy cô quạnh. Nỗi buồn nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ các em tràn ngập lòng chị. Nỗi  tủi nhục ám ảnh. Đi đâu bây giờ? Câu hỏi cứ xoáy tít trong đầu chị. Bỗng chị nghĩ đến cái chết. Dòng sông là nơi gửi mình đẹp nhất, mát mẻ và sạch sẽ nhất. Chết cho thoát nợ đời. Chết ở nơi đây chẳng ai biết, chẳng ai hay, khỏi phiền lụy tới gia đình, cha mẹ. Ôi nước mát quá! Nước ngập kín bàn chân. Nước tới đầu gối! Nước ngập tới đùi! Ôi lạnh quá. Chị dừng lại. Chị nghe có tiếng gọi: Mẹ ơi! Mẹ đừng chết! Mẹ đừng giết con, tội nghiệp lắm mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ đừng chết. Đừng giết con! Lời thề với anh lại vang lên. Cái chân bị rắn cắn tê dại, khiến chị nhớ tới anh. Mẹ phải sống để nuôi con. Chị dừng lại.
Chiều hôm sau, chị gặp cái chợ vắng vẻ, khách về gần hết. Chị định ngủ lại để mai đi tiếp tìm công ăn việc làm. Chị gặp bà mẹ. Tuổi chừng trên dưới 50. Bà nhìn chị với đôi mắt dịu hiền, nhân từ. Bà nhỏ nhẹ hỏi:
- Cháu định đi đâu bây giờ?
Chị thở dài, buồn bã trả lời;
- Cháu định đi tìm việc làm. Chiều nay, cháu chưa biết đi đâu. Rất có thể cháu phải ngủ lại ở chợ. Sáng mai tính sau.
Bà mẹ nhân từ kéo chị về nhà. Chị như người sắp chết đuối vớ được cọc. Hai người đàn bà, một già, một trẻ đồng cảm và thương yêu nhau bởi đường dây tình cảm vô hình đặc biệt. Tối hôm ấy, mẹ và chị ngủ chung một giường. Mẹ tên là Nguyễn Thị Thương, người dân trong làng quen gọi là bà Lượng, vì bà có người con trai duy nhất tên là Trần Đình Lượng. Mẹ  thủ thỉ kể rằng:
- Mẹ góa chồng khi tuổi còn rất trẻ, mới ngoài hai mươi tuổi đầu. Anh Lượng khi đó mới tròn một tuổi. Ba năm sau, đoạn tang chồng, nhiều người đàn ông đến với mẹ, cau phơi tái, gái góa chồng mà con. Lúc ấy mẹ cũng khát khao hạnh phúc lứa đôi lắm chứ. Nó như ngọn lửa cháy hừng hực trong lòng. Bất kỳ lúc nào nó cũng muốn đốt mình thành than. Thực tình, mẹ cũng muốn bước thêm bước nữa. Nhưng thằng Lượng, đứa con trai bé bỏng của mẹ đã khiến mẹ ở lại. Vì thương con, vì trách nhiệm của người mẹ đã nhấn chìm những khát vọng vào sâu đáy lòng, đóng kín phòng the đứng vậy thờ chồng nuôi con. Mẹ phải trải qua cảnh đời đói cơm, rách áo, nhà tranh vách đất, chăn chiếu cũng thiếu chẳng biết trông cậy vào đâu. Mẹ đã vượt qua chính mình, bỏ qua mọi cực khổ, làm lụng suốt ngày đêm để nuôi con. Khi Lượng khôn lớn trưởng thành, nó đi công nhân rồi đi bộ đội. Mẹ lại tiếp tục sống cô đơn, hiu quạnh.
Tấm lòng độ lượng và chân thành của mẹ Thương khiến chị xúc động, Chị kể tường tận, tỉ mỉ hoàn cảnh éo le và đau khổ của mình cho mẹ nghe. Mẹ khóc và nói:
- Làm cái thân đàn bà con gái nó khổ thế đấy! Mẹ rất thương chị. Mẹ muốn chị ở lại với mẹ cho vui cửa, vui nhà. Mẹ và chị sẽ dựa vào nhau mà sống. Con trai mẹ, anh Lượng vừa đi bộ đội, vào Nam chiến đấu. Chiến tranh còn dài chứ đâu phải ngày một ngày hai. Khi Lượng trở về thì con đã mẹ tròn con vuông. Lúc đó, ở đâu, đi đâu là tùy con.
Nghe mẹ nói vậy, chị mừng rơn vì chị chẳng biết đi đâu nữa. Chị nói với mẹ: - Được mẹ thương tình cho con ở lại thì còn gì bằng nữa.
Chị quỳ xuống chắp tay cảm tạ mẹ. Mẹ đỡ chị dậy: Con đứng lên đi. Mẹ nghèo lắm, con ở với mẹ sẽ, vất vả lắm đấy. - Khổ mấy con cũng chịu được.
Mẹ đưa cho chị tấm ảnh của Lượng và dặn dò rất kỹ những điều cần thiết cho phù hợp với hoàn cảnh cũng như những lời mẹ kể. Chị là người bơ vơ, không nơi nương tựa bỗng dưng chị có gia đình, có mẹ và những người thân. Chị ngoan ngoãn làm theo lời mẹ.
- Hôm sau, mẹ sửa mâm cơm cúng gia tiên và mời các ông chú, ông cậu, cùng mấy đứa cháu đến uống rượu nhận cháu. Mẹ giới thiệu với mọi người, cháu Lượng và cháu Huyền cùng làm công nhân ở Lào Cai. Các cháu yêu nhau từ lâu. Trước khi đi B đã tổ chức cưới, có sự chứng kiến của cơ quan, bạn bè. Cháu Lượng sợ gia đình không tin nên đưa cháu Huyền tấm ảnh trước khi đi B. Cháu Huyền tìm về tới đây là nhờ sự chỉ dẫn của cháu Lượng.
Ông Tần, chú của Lượng hỏi:
- Tại sao cháu Lượng về nghỉ phép đi B lại không nói chuyện này với chúng tôi?
Chị lễ phép thưa:
- Cháu và Lượng yêu nhau đã lâu nhưng vì đường sá đi lại khó khăn lại chiến tranh nên chưa có dịp về thăm gia đình của nhau. Khi cháu về quê nghỉ phép thì anh Lượng có lệnh nhập ngũ và đi B. Khi cháu trở lại cơ quan thì anh Lượng về nhà nghỉ phép. Khi anh Lượng trở lại cơ quan để giải quyết các giấy tờ cần thiết, chúng cháu tranh thủ tổ chức cưới ngay để anh ấy yên tâm ra mặt trận chiến đấu.
Ông chú Lượng kết luận:
- Bà và cháu nói vậy. Chúng tôi tin vậy. Không tin cũng chẳng biết làm gì, đường đất xa xôi, đi lại tàu bè khó khăn. Thời chiến, chúng ta phải trông trước cho nhau mọi nhẽ. Nhưng dù sao chúng tôi cũng mừng cho bà và cháu.
Vì điều kiện thời chiến mọi người dễ thông cảm, chẳng ai vặn vẹo gì. Mọi người vui vẻ, chúc mừng cho bà Lượng từ nay không phải sống cô đơn, sớm tối có mẹ, có con. Chị trở thành chị cả Lượng từ đấy.
Khi biết chị đã có thai, mọi người mừng lắm. Bà Thương mừng quá đi khoe khắp xóm. Bà nói nhờ hồng phúc các cụ để lại, nhờ ông ấy nhà tôi run rủi, mẹ con tôi được gặp nhau. Gia đình hạnh phúc vui vẻ.
Nhà mẹ Thương nghèo lắm. Đời sống còn nhiều khó khăn, có khi ăn bữa sáng lo bữa chiều. Mẹ chỉ có ba gian nhà tranh tre nứa lá. Nói đúng hơn là một gian và hai chái vảy. Xung quanh đắp tường đất, có những vết nứt dọc, ngang to bằng ngón tay. Trước nhà là cái sân sỏi đất, nhờ quét đi, quét lại nhiều lần qua năm này đến năm khác nên phẳng lì, nhẵn bóng. Chung quanh nhà, vườn rộng mênh mông, một phần trồng sắn, còn lại trồng những cây lưu niên như bưởi, mít, hồng. Lối đi vào nhà nho nhỏ chỉ đủ cho người đi bộ, lượn vòng quanh quả đồi.
Sáu tháng sau, chị sinh con trai. Đứa con đó chính là con. Thứ ngạc nhiên hỏi lại mẹ.
- Như thế, con không phải là con bố Lượng?.
- Đúng! Con là con bố Dân. Càng lớn con càng giống bố Dân. Con là bản sao của bố Dân. Con và bố Dân giống nhau như hai giọt nước, không những chỉ giống về hình dáng bên ngoài mà giống cả về tư chất thông minh, siêng năng chăm chỉ học hành, nhân cách làm người. Khi con ra đời,  bà Thương mừng quýnh lên. Mẹ thấy lòng mình lâng lâng như đang bay trên mây. Cả gia đình dòng họ đều phấn khởi, vui mừng. Người đến thăm nườm nượp, người cho chục trứng gà, người cho nải chuối, cân đường hộp sữa.
Khi mẹ sinh con, bà Thương ở một chái, hai mẹ con mình ở một chái. Còn gian giữa dùng làm nơi thờ cúng và tiếp khách. Trước đây, mẹ Thương ở ngay ba gian nhà này. Mùa đông còn khả dĩ, mùa hè nắng nóng ngột ngạt khó chịu lắm. Nơi đun nấu là gian chái của hai mẹ con ta nằm. Khi có hai mẹ con mình, bà Thương phải gấp rút làm thêm gian bếp.
Hơn một năm sau, gia đình ta nhận được giấy báo tử của bố Lượng. Bố Lượng hy sinh anh dũng ở mặt trận phía Nam. Bà Thương của con đau buồn lắm, hầu như ngày nào bà cũng rửa mặt bằng nước mắt. Mẹ cũng gầy rạc đi như con mắm. Nhờ có con nên bà thương cũng dần nguôi ngoai.
Người mẹ kể tiếp:
- Từng ấy năm trời, bà Thương và mẹ ra sức lao động, ăn nhắt hà tiện, tiết kiệm tới mức cao nhất. Mẹ bán đôi khuyên vàng, cộng với tiền tích lũy nên mẹ và bà làm được bốn gian nhà, khung bằng gỗ, chung quanh bưng ván. Cửa gỗ thay cho những tấm liếp ngày xưa. Nhà này với người khác chẳng đáng là bao nhưng với bà và mẹ thì đúng là một kỳ tích. Ngôi nhà để lại trong mẹ biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui. Mồ hôi nước mắt của mẹ thấm ướt từng cây gỗ, cây tre và từng tàu lá cọ. Bây giờ từ biệt nó, mẹ thấy luyến tiếc quá. Nhưng vào trong ấy sống với con và nhường lại đất nhà cho em Tấn, mẹ thấy vui lắm, mình không ở thì các em, các cháu ở cũng vậy.
Vườn nhà mở rộng thêm và cải tạo để trồng sắn, trồng chè. Đồng quê này mà quên cây sắn, cây chè là chết đói. Sắn là lương thực chủ yếu. Sắn được thái nhỏ thành từng miếng, phơi trên những tấm liếp, tấm cót đặt dưới sân, ngoài sườn đồi. Sắn khô cất vào chum, vại để ăn dần. Vào thời vụ, ăn sắn tươi là chủ yếu. Sắn khô chỉ ăn vào cuối vụ, lúc giáp hạt. Sắn khô trộn với gạo để nấu cơm. Hôm nào rảnh rỗi, sắn khô giã nhỏ thành bột, sờ tay vào thấy mịn, mát, đem ra làm món “bánh sắn nhân đũa”. Đó là cách gọi dân dã cho vui. Bột sắn nhào với nước cho thật dẻo đem nặn vào chiếc đũa. Sau đó rút bỏ đũa tạo thành lỗ hổng ở giữa khi luộc hoặc xôi chóng chín và trong suốt. Nhiều khi tiết kiệm, dùng bột sắn nấu cháo, ăn được nhiều lại hết ít sắn. Đun nước sôi, rắc bột sắn từng ít một vào nồi cho đều, tới khi đặc là được. Hôm nào có thêm chút hành mỡ làm bánh sắn, nhân hành mỡ là sang lắm. Ngon lắm, ăn no lâu. Ngày Tết thanh minh 3-3 nhà người ta làm bánh dùng, bánh trôi bằng bột gạo nếp để cúng ông, bà tổ tiên. Nhà mình, mẹ phải dùng bột săn để làm bánh trùng, bánh trôi. Nhưng, mẹ vẫn thấy ngon và hạnh phúc.
Sắn tươi lột bỏ vỏ, đem luộc chín để giã bánh dày. Bánh dày sắn chẳng có gì đặc biệt nhưng thay đổi cũng lạ miệng, ngon đáo để. Ăn kiểu này mất việc lắm. Còn lá sắn non hái về luộc chấm tương, không có tương thì chấm muối ớt. Lá sắn non còn dùng để muối dưa. Dưa lá sắn ăn hấp dẫn lắm. Nếu có tép, hoặc cá nấu với dưa lá sắn ăn nhớ đời. Cơm độn sắn, ăn với dưa lá sắn, lá sắn luộc. Khi sinh con, mẹ chỉ ăn cơm độn sắn, bánh sắn, cháo sắn mà vẫn khỏe mạnh, da cứ trắng hồng và đủ sữa cho con bú. Con chỉ ăn sữa mẹ cũng đủ no. Khi biết ăn, con cũng ăn như mẹ mà vẫn khỏe mạnh và chóng lớn. Con bụ bẫm, đôi má phinh phính trắng như bột. Ai nhìn thấy cũng muốn bế và thơm vào đôi má.
Bên cạnh cây sắn là cây chè. Chè trồng thành từng luống, chạy vòng quanh đồi nhà từ thấp lên cao theo kiểu bậc thang, dây diều. Nhờ có chè mới có tiền tiêu vặt hàng ngày, nuôi con đi học, may mặc quần áo và tiết kiệm làm nhà.
Nương chè, nương sắn từng  bậc, từng bậc dắt nhau chạy lên đồi. Những ngày thu hoạch sắn, nhổ sắn, chuyển về nhà, bóc vỏ rửa sạch, thái nhỏ phơi khô. Thu hoạch sắn xong, phải gom cây sắn làm giống để trồng tiếp vụ sau. Việc hái chè, sao chè tuy không nặng nhọc như trồng sắn, thu hoạch sắn nhưng chiếm mất khá nhiều thời gian. Rất may, thời gian thu hoạch sắn không cùng với thu hoạch chè nên một mình mẹ vẫn xoay xở được. Khi bà còn khỏe, con học cấp 1, cấp 2 đã đỡ đần mẹ rất nhiều. Nhưng khi bà tuổi già sức yếu, con bận học hành thì mọi công việc đều trút cả lên vai mẹ. Không làm sắn thì đói, không trồng chè thì không có đồng ra đồng vào. Vì thế mẹ cứ kiền kiệt suốt ngày trên nương. Ngoài ra, mẹ còn đi làm Hợp tác xã để có thóc lúa ăn. Từ khi giao đất, giao ruộng cho nông dân, mẹ chủ động sản xuất nên đời sống nhà mình đỡ hơn.
Kể từ ngày ở với bà Thương, suốt ngày mẹ làm lụng quần quật trên nương, trên rẫy nên đời sống của gia đình ta đỡ khó khăn, vất vả hơn. Chỉ ngày giỗ, ngày Tết mẹ mới nghỉ. Tuy không lên nương, lên rẫy, không phải làm việc nặng nhưng mẹ vẫn luôn chân, luôn tay toàn những việc không tên mà hết ngày. Kể cũng tài thật, từ một cô nữ sinh chỉ biết bầu bạn với đèn sách sống dựa dẫm vào cha mẹ nay trở thành người mẹ đảm đang, gánh vác mọi công việc trong gia đình trong thời gian dài đằng đẵng, nuôi được con khôn lớn trưởng thành, chăm sóc mẹ già đến nơi, đến chốn. Mẹ biết ơn cây sắn, cây chè và núi rừng, đồng ruộng nhiều lắm. Nó nuôi mẹ con ta sống suốt cuộc đời. Chia tay với nó, lòng mẹ bồi hồi, xao xuyến, nhớ nhung quá.
Ngày lại ngày con khôn lớn, trưởng thành. Con là niềm vui, tự hào và kiêu hãnh của bà, bà dành tất cả tình thương cho con. Hai bà cháu cứ như hình với bóng, luôn luôn ở bên nhau. Khi con nói: Cháu xin vào trong đó công tác để có thời gian đi tìm phần mộ của bố cháu. Nghe con nói vậy, bà rất cảm động và hết sức khen ngợi con.
Hai năm sau, mẹ nhận được tin bố Dân hy sinh ở Tây Ninh. Con biết mẹ đau khổ nhường nào không? Mẹ khóc bố Dân nhiều lắm nhưng chỉ dám khóc thầm, khóc vụng thôi. Vì chẳng may có ai bắt gặp mẹ khóc, mẹ phải nói dối là mình khóc bố Lượng, nhớ thương bố Lượng. Nguồn hy vọng mẹ dồn cả vào con. Mẹ không về thăm quê, an phận gửi xương, gửi thịt ở đất này. Mẹ vẫn định bụng, khi nào sắp sang thế giới bên kia sẽ kể hết bí mật này cho con. Ngày mai, mẹ con mình vào đất Sài Gòn làm ăn sinh sống mà không về quê từ biệt ông bà ngoại là bất hiếu, vô tình quá. Nhưng về quê, mẹ lại nhìn thấy nhiều điều khó xử, khơi dậy nỗi đau đã được đào sâu chôn chặt vào năm tháng. Nghe xong câu chuyện này, con lập tức viết thư cho An và má Khang để họ khỏi bận tâm về ngôi mộ và anh em cùng cha khác mẹ. Con thông cảm và thương mẹ không?
Ngồi nghe mẹ kể chuyện, ngay từ đầu Thứ đã biết mình là ai rồi. Anh chuẩn bị cho mình thái độ đúng đắn trọn vẹn, có trước, có sau:
- Mẹ đừng khóc nữa! Con xin mẹ! Con chẳng thương mẹ còn thương ai nữa. Mẹ là người san sẻ máu thịt cho con. Mẹ là người thân duy nhất, yêu thương nhất của đời con, suốt một chặng đường dài gần ba mươi năm bề ngoài tưởng như êm ả, suôn sẻ nhưng bên trong chứa đầy những nỗi đau đứt ruột, đứt gan. Mẹ âm thầm chịu đựng, không biết san sẻ cùng ai. Nếu không được bà Thương dang tay cứu vớt, cuộc đời mẹ con mình sẽ đi về đâu, đến đâu? Ai mà đoán được có ngày hôm nay. Suốt đời mẹ con mình không được quên ơn bà Thương. Mẹ ở lại quê ba năm để trông nom phần mộ cho bà thật là tuyệt. Mẹ đã dạy cho con bài học làm người vô cùng quý giá: “Ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây”. Bây giờ con mới hiểu lòng mẹ. Mẹ ở lại chịu tang bà không đi ngay với con. Thực tình khi ấy con rất buồn. Cuộc chia tay giữa ông bà và mẹ con ta đầy lưu luyến, không bao giờ quên. Một tình người bao la đầy ắp lòng biết ơn của mẹ con mình.
Con và mẹ lại có cuộc họp mặt với ông bà ngoại đầy bất ngờ. Khi ra đi, mẹ chẳng biết đi đâu? Sống chết ra sao? Mẹ gửi thân mình vào số phận, may rủi. Đoạn đường đầy chông gai, đau khổ một mình mẹ phải gánh chịu là vì ai? Là sự khắt khe, tàn nhẫn của ông bà ngoại. Là sự thờ ơ, vô tình, thiếu trách nhiệm của ông bà nội. Nhưng mẹ con ta không được phép oán trách các cụ. Các cụ đâu muốn ném con cháu mình ra đường. Các cụ hành động vì thúc ép của xã hội, vì những hủ tục bảo thủ, lạc hậu độc ác khi xưa. Suy cho cùng tất cả đều do chiến tranh. Nếu không có chiến tranh thì mẹ và bố Dân sống bên nhau hạnh phúc, sung sướng con đàn cháu đống. Bố Dân là thầy giáo dạy văn chương, đêm ngày vui bên trang giáo án cùng em nhỏ. Mẹ là kỹ sư nông nghiệp vui với những trang trại trồng trọt, chăn nuôi. Nhưng thôi mẹ à, tất cả đã là quá khứ mình nên khép lại mẹ ạ! Mẹ con ta cùng mọi người trong gia đình hướng tới tương lai sáng lạn hơn. Con xin cảm ơn mẹ! Mẹ cho con biết trước để khỏi ngỡ ngàng, ngạc nhiên khi về tới nhà, khi gặp bên nội, bên ngoại. Con sẽ viết thư cho An và má Khang như lời mẹ dạy.
Bà và mẹ đã giấu kín việc này suốt từng ấy năm trời. Giờ đây, mẹ và con sẽ tiếp tục sự nghiệp ấy. Mẹ và con sẽ đi từ Bắc Thái sang Vĩnh Phú chơi ít ngày rồi bay thẳng Sài Gòn. Hai mẹ con chỉ mang một túi xách tay là xong.
Bà Huyền vui sướng mỉm cười, gật đầu.
- Phải lắm! Con mẹ rất thấu đáo, kín kẽ.
2. Nắng vàng rực rỡ. Ô tô dừng lại. Hai mẹ con bà Huyền đi xe ôm về làng. Làng quê đây rồi. Mẹ con bà Huyền đi bộ về nhà. Tới cổng làng, bà Huyền không khỏi nhớ đến những ngày đi chăn trâu. Khi ra khỏi cổng làng, Dân phải làm ghế để bà trèo lên lưng trâu. Con trâu nhà bà dữ tợn nên phải nhờ Dân dắt đỡ. Nhớ lần bị rắn cắn, Dân hết lòng vì bà.
Hôm nay, bà xấp xỉ 50 tuổi. Nhưng da dẻ bà hồng hào, dáng đi nhanh nhẹn. Vì vài năm gần đây, đời sống đầy đủ, công việc nhàn hạ nên bà Huyền trẻ lại trước tuổi. Nét đẹp thời con gái còn lưu giữ trên khuôn mặt. Đi bên cạnh người mẹ là chàng trai cao lớn, khỏe mạnh và rất điển trai. Anh mặc bộ quân phục mới cứng, trên ve áo lấp lánh quân hàm thượng úy quân y. Con đường về nhà, lâu lắm bà mới trở lại. Vẫn đường đất đồi như xưa nhưng mở rộng hơn, bằng phẳng hơn. Con đường này in sâu trong tâm trí của bà. Biết bao lần, bà đã đi trên đường làng. Bà nhắm mắt cũng nhớ những khúc cua, những đoạn đường thoai thoải, gồ ghề dẫn tới quê hương, dẫn tới nhà. Hôm nay, trở lại  trên con đường làng sau bao năm xa cách chân bà không khỏi ngỡ ngàng, ngập ngừng. Gần tới nhà, bà thấy hồi hộp quá, tim bà đập thình thịch, liên hồi. Bà sẽ kể với mẹ những gì? Gia đình ai còn, ai mất? Bà cố trấn tĩnh nhưng không tài nào ngăn nổi những dòng nước mắt của ngày họp mặt. Bà vội lấy vạt  áo lau nước mắt. Bà sẽ quên đi những hình ảnh tức giận, những lời xỉ vả gay gắt của bố mẹ để tận hưởng niềm vui sum họp. Bố mẹ tức giận, thậm chí còn đánh đập thậm tệ chỉ vì thương bà, sợ dân làng chê cười. Ở vào hoàn cảnh ấy chắc bà cũng hành động như vậy. Bà không được phép oán giận cha mẹ. Càng nghĩ, bà càng thương bố mẹ nhiều hơn. Mấy chục năm trời, bà không hề thăm hỏi, không đồng quà tấm bánh, không chăm sóc nuôi dưỡng. Nếu bố mẹ quở trách bà xin nhận tội. Tất cả tội lỗi đều do bà gây nên. Tất cả vì chiến tranh.
Ngôi nhà của cha mẹ bà đã xuất hiện trước mắt, nơi bà cất tiếng khóc chào đời, cùng bao kỷ niệm buồn vui. Ngôi nhà tuy không còn như xưa, nhưng vẫn nhận ra nó, bởi chỗ đứng không thay đổi. Cái nếp nhà, bà từng ngồi nấu ăn, cùng cha mẹ và các em quây quần bên mâm cơm, khi đói, khi no. Bây giờ được thay bằng gạch cao ráo, sạch sẽ và vững chắc hơn.
Ngôi nhà lớn xưa có năm gian, chân tay bằng tre, lợp lá gồi thấp lè tè, tường trình bằng đất khá mịn và nhẵn. Từ nhà ngoài có hai cửa nách đi vào hai chái. Nhưng làm gì có cánh cửa, đi thông thống. Cửa ra vào bằng những tấm liếp đan từ nứa chặt ngoài rừng về. Nhờ thế, hôm bà trốn khỏi nhà chỉ lách qua tấm liếp dễ dàng, êm ru không có tiếng động nên bố mẹ chẳng nghe thấy. Cửa bếp cũng bằng phên liếp. Sân đất đầy sỏi, khi đi sỏi đâm vào chân buốt tới đỉnh đầu, khi ấy làm gì có dép. Cây khế đứng giữa khoảng tiếp giáp đốc nhà trên và nhà bếp. Chắc khi làm nhà chặt bỏ, thay vào đó là giếng nước. Cây khế là bạn thân thiết, giúp bà nguôi vơi những cơn thèm của chua khi mang thai.
Ngôi nhà của cha mẹ bà hôm nay, tường gạch quét vôi trắng tinh, mái ngói đỏ tươi. Cửa sơn màu xanh nhạt vừa đẹp mắt, vừa vững chắc. Sân gạch rộng thênh thang sạch sẽ, đi lại dễ dàng. Khi mang thai thằng Thứ, bố mẹ chửi mắng, bà vẫn chạy xuống bếp ngồi. Trước lúc ra đi, bà ngồi ở cửa bếp chờ trời sáng thêm. Duy có cái cổng bà Huyền không nhận ra. Bà đứng tần ngần mãi. Bà quan sát thật kỹ để tìm hướng cổng mới. Bà run run đặt chân vào cổng. Tim bà đập mạnh, máu chạy nhanh hơn mọi khi, nước mắt hối hả tuôn trào, bà không tài nào kìm nổi. Nghe tiếng động, con chó chạy ra sủa giật giọng, gâu, gâu... Bà cụ Thân từ trong nhà chạy ra đuổi chó. Bà Huyền gọi thật to:
- Mẹ! Mẹ!.
Cụ Thân mở to đôi mắt mờ đục nhìn vào mặt con. Bỗng cụ ngạc nhiên kêu lên:
- Cái… Cái Huyền! Hai mẹ con cụ Thân ôm choàng lấy nhau nức nở. Mẹ! Mẹ!
-  Con! Con!
- Cha đẻ chị chứ! Chị đi biền biệt từng ấy năm trời. Tưởng chị giận bố, giận mẹ không thèm về nhà này nữa.
Cụ Thân đưa đôi mắt chậm chạp nhìn Thứ từ đầu tới chân. Sung sướng quá, cụ lấy tay gạt những giọt nước mắt lăn trên đôi má dúm dó như vỏ quả dừa khô. Cụ hỏi con gái:
- Ai đây?
- Cháu ngoại của mẹ đấy!
Thứ cố nén xúc động:
- Cháu chào bà ạ!
- Thôi mẹ con vào trong nhà đi! Cụ Thân giục con, giục cháu. Bình tĩnh trở lại cụ hỏi:
- Chỉ có hai mẹ con về thôi à?
- Vâng! Mẹ định hỏi ai nữa? Thầy con và các em, các cháu đâu cả?
- Thằng Thân lấy vợ, làm nhà ở riêng, gần đây thôi. Bố con ở với nhà nó để trông nom nhà cửa. Vợ chồng thằng Mão ở nhà này, chúng nó đi làm vắng, các cháu đi học cả. Cái Đào, cái Mận lấy chồng ở cả gần đây thôi. Nghe tiếng gọi của vợ, cụ Thân lò dò sang nhà Mão. Cụ bà nói với chồng:
- Ông biết ai đây không? Cụ bà chỉ tay về phía con gái và cháu ngoại. Cụ Thân mở to đôi mắt nhìn. Sau giây phút suy nghĩ, tìm kiếm trong trí nhớ. Cụ buồn rầu lắc đầu, chịu thôi!
- Con gái và cháu ngoại của ông đấy! Cụ Thân đưa mắt kèm nhèm về con và cháu. Cụ nở nụ cười:
- Cái Huyền! Con gái tôi đấy ư? Xúc động quá, cụ Thân ngã quỵ xuống sân. Mọi người xúm nhau dìu cụ vào trong nhà. Thứ nhanh nhẹn đi lấy túi thuốc cấp cứu cho ông ngoại. Một lúc sau cụ Thân tỉnh lại. Cụ nói liền một mạch như để sám hối với con, cháu:
- Ngày trước, bố chửi mắng, xỉ vả, thậm chí còn đánh đập con thậm tệ. Vì những cơn nóng giận nhất thời. Con bỏ nhà ra đi khi bụng mang dạ chửa khiến bố ân hận tới nay. Sáng hôm ấy, bố nhờ người đi tìm khắp các bến sông, bến tàu, bến xe nhưng không thấy. Thậm chí có lúc, bố nghĩ con quẫn trí, dại dột đâm đầu xuống sông, xuống giếng. Tìm mãi không thấy, bố lại nghĩ con đã nằm xuống ở nơi nào đó vì đói rét và uất ức. Nhiều đêm, bố khóc thầm. Không ngờ hôm nay, bố con ta lại được gặp nhau, lòng bố thanh thản hơn bao giờ hết. Nếu có phải từ biệt thế giới này, bố không ân hận gì nữa. Bà Huyền vội gạt những giọt nước mắt nóng bỏng trên má. Bà nói:
- Bố đừng nói gở. Bố phải sống đến trăm tuổi để hưởng phúc tuổi già và cho con cháu nhờ cậy, nương tựa.
Cụ Thân cười khà khà:
- Bố cũng mong muốn như vậy. Nhưng con đi đâu mà biền biệt từng ấy năm trời, không lời hỏi thăm, không thư từ. Cứ mỗi khi đến ngày giỗ, ngày Tết, gia đình đoàn tụ, thiếu vắng con. Mẹ con lại khóc. Đặc biệt khi anh Dân trở về và thường xuyên đến thăm bố mẹ đúng với nghĩa con cái trong nhà. Nó như tiếng trống gõ vào đầu óc, trí nhớ và tình thương của bố mẹ đối với con. Khi anh Dân đi tìm con không thấy, thất thểu trở về. Lòng bố mẹ lại càng đau xót. Anh Dân không chỉ đi tìm con một lần mà năm nào anh ấy cũng lặn lội đi tìm con, cho đến hôm nay, anh ấy vẫn chưa chịu lấy ai. Bố mẹ định mang duyên chị buộc vào duyên em Đào. Nhưng anh ấy không chịu. Anh ấy nói: “Con không thể phản bội Huyền. Huyền đã vì con mà gánh chịu bao điếu đắng cay chua xót. Con cũng phải vì Huyền mà hy sinh”. Nỗi đau cứ trở đi, trở lại hành hạ, cấu xé lương tâm bố.
Bà Huyền xúc động, khóc thút thít nói:
- Hoàn cảnh của con cũng cực kỳ khó khăn, rồi bà kể vắn tắt quãng thời gian xa nhà, lời bà cứ nghẹn tắc lại:
Con không ngờ có ngày hôm nay nên không thư từ, không hỏi thăm bố mẹ. Tâm lý chung, khi phải lìa xa quê hương, lìa xa người thân đi kiếm ăn nơi xa, lòng đau đáu luôn nhớ quê cha, đất mẹ. Muốn về thăm quê nhưng chỉ khi nào no đủ, khấm khá mới dám về. Xin bố mẹ và các em thông cảm,  thứ lỗi cho.
Trưa hôm đó, gia đình cụ Thân có mặt đông đủ các thành viên. Một bữa liên hoan nhẹ, đầy tình nghĩa được khẩn trương tổ chức. Anh em, bà con xa gần nghe tin Huyền đưa con về, lần lượt đến hỏi thăm. Căn nhà cụ Thân đầy ắp tiếng nói, tiếng cười. Người hỏi chuyện bà Huyền, người hỏi chuyện Thứ. Ai cũng mừng cho gia đình cụ Thân và mẹ con bà Huyền. Vui quá bà cụ Thân buột miệng nói:
- Thằng Thứ giống ông giáo Dân như đúc, trộn đâu cũng không lẫn.
 Bà Huyền vờ như không nghe thấy. Nhớ lời mẹ dặn, Thứ thản nhiên trả lời bà. Anh vừa thừa nhận, vừa chối khéo;
-Thưa bà! Người đời nhiều khi giống nhau đến không ngờ. Mẹ cháu vẫn bảo: “Cháu là bản sao của bố cháu, không sai một chi tiết dù là nhỏ”.
- Bác Dân đã chịu lấy vợ đâu. Năm nào bác ấy cũng đi tìm chị và cháu mà chẳng thấy. Thật tội nghiệp. Ôi thiêng quá! Bác Dân đến kia rồi. Vừa nhắc tới là bác tới ngay. Đào chen ngang vào nói. Ông Dân từ tốn, lễ phép nói:
- Con chào hai cụ. Chào cả nhà. Con về chủ nhật, nghe tin bà Huyền đưa con về chơi tôi đến thăm luôn cho đúng với những gì đã hứa, đã qua. Dân đến thăm mẹ con bà Huyền là nhờ có Đào báo tin. Bà Huyền thấy người nóng bừng bừng, hai má như có ai châm lửa đốt khi nhìn thấy ông Dân. Người bà mềm như cái dọc khoai phơi nắng và chỉ muốn gục ngã xuống. Nhìn thấy nét mặt của mẹ thay đổi, Thứ cảm thấy lo lo. Anh khẽ hích nhẹ vào người mẹ. Bà Huyền trấn tĩnh và cố gắng kiềm chế. Bà thản nhiên, dũng cảm “tấn công” trước:
- Chào bác Dân! Bác vẫn khỏe chứ? Tôi nghe nói, bác hy sinh lâu lắm rồi cơ mà! Bác được mấy anh, mấy chị rồi?
Ông Dân nhìn thẳng vào mặt bà Huyền mà trả lời. Bà Huyền hai má cứ nóng bừng, cúi mặt nhìn xuống chân.
- Chuyện sống, chết của tôi dài lắm. Nếu bà đồng ý và muốn nghe, tôi sẽ kể sau. Tôi là một thương binh, sức khỏe chẳng còn bao nhiêu, là thầy giáo nghèo nên chẳng ai “nhòm ngó” tới. Điều quan trọng hơn cả, tôi sợ “chú Cuội ném cành đa vỡ mặt cho đến chết mới thôi” nên không dám lấy vợ. Đó là lời nguyền dưới đêm trăng, trên đồi sim đầy trăng. Lời nguyền ấy, gắn với máu thịt của tôi và theo tôi suốt cuộc đời. Vợ còn không có thì làm gì có con. Đó là lẽ đương nhiên.
Nghe ông Dân nói, lòng bà Huyền rối bời xen lẫn buồn vui. Những lời ông Dân nói như những mũi dao chích vào tim bà, khiến những kỷ niệm ái ân khi xưa ào ào chảy về đầy ắp. Một đêm ly biệt giữa ông và bà. Bà thật không ngờ gặp lại người xưa. Người bà tưởng đã chết từ lâu rồi. Ông ấy đang nghi ngờ lòng chung thủy của bà, xa xôi, bóng gió trách cứ bà. Ông ấy có ngờ đâu vợ, con đang ngồi ngay trước mặt. Anh đi tìm em hết nơi này, nơi khác mà không thấy. Hôm nay, vợ con anh tìm về. Vợ anh khỏe mạnh, con anh khôn lớn và trưởng thành. Ngày đoàn tụ gia đình đang mở ra trước mắt anh mà anh không biết. Bà Huyền vờ như không biết. Bà tiếp tục thử lòng ông Dân:
- Thôi! Bác cũng nên cưới vợ đi! Ngoài năm mươi tuổi rồi còn gì nữa. Bác hơi đâu mà cắm sào đợi hoài, chờ mãi chẳng mang lại ích lợi gì đâu. Về già không vợ, không con khổ lắm đấy bác ạ!
Từ khi ông Dân xuất hiện, Thứ ngồi im như thóc. Đôi mắt anh không rời ông Dân. Anh quan sát thật kỹ không bỏ qua chi tiết nào dù là nhỏ nhất. Lời nhận xét của mẹ không sai chút nào. Giữa ông và anh như cùng một khuôn đúc ra. Chỉ gặp nhau một lần là có thể nhận ra điều này. Sự khác nhau giữa ông và anh. Bố anh già yếu, mái tóc muối tiêu và cái chân tập tễnh. Anh khỏe mạnh, đẹp trai.
Các em trai, em gái dâu, rể và các cháu đều vui vầy quây quanh mẹ con bà Huyền. Cả nhà đều vui khi  thấy bà Huyền mạnh khỏe, Thứ khôn lớn trưởng thành. Cả nhà tràn ngập niềm vui sum họp sau bao năm xa cách, biệt ly và đều muốn nghe đoạn đường gian truân của mẹ con bà Huyền.
3. Chiều thứ bảy, An định về nhà, chị nhìn đồng hồ mấy lần mà vẫn chưa hết giờ làm việc. Lòng chị như lửa đốt. Chị sốt ruột quá, đứng lên, ngồi xuống không yên. Đầu óc chị không thể nào tập trung vào công việc. Tại sao thời gian dài thế? Trôi đi chậm chạp thế? Mọi công việc chiều nay, chị đã hoàn tất. Chỉ còn chờ tiếng kẻng báo hết giờ là chị phóng xe đi liền.
Từ chiều tối qua tới nay, lúc nào chị cũng thấy lâng lâng như đang bay trên không trung, xao xuyến, bồi hồi như người xa quê nhiều năm bây giờ mới được trở về gặp người thân. Buồn quá không ngủ được đã đành. Không ngờ vui quá cũng thao thức suốt đêm chẳng ngủ nổi… Bức thư Thứ gửi cho An, chị đã đọc đi, đọc lại gần như thuộc lòng mà vẫn muốn đọc. Chị sợ đọc lầm, đọc sai. Chị nghĩ đến lúc gặp má, chắc má vui chẳng kém gì chị. Cuộc đời sao nhiều bất ngờ đến thế, ngoài sức tưởng của chị. Khi anh ấy phát hiện mộ chí bố Lượng tại vườn nhà ngoại út làm xáo động cả đời sống lẫn tinh thần trong gia đình chị. Lá thư anh gửi chiều qua làm cho đời sống của gia đình chị trở lại bình thường, thanh bình, hạnh phúc như xưa. Tình yêu giữa anh và chị lại đằm thắm và ngọt thơm trái xoài vừa chín tới. Mọi bí mật về đời sống của anh và chị nằm trong tay mẹ anh. Nó được giấu kín gần ba mươi năm trời. Chẳng biết lý do gì mà bí mật đến thế. Vì nó mà anh, chị phải lao đao, vất vả, khổ sở nhiều ngày quên ăn, nhiều đêm mất ngủ. Thậm chí có lúc quẫn trí muốn rủ nhau tìm đến cái chết.
Kẻng hết giờ làm việc, An nhờ người cùng làm việc đóng giúp cửa phòng. Chị nhanh nhẹn lấy xe đi luôn. Chị chạy xe nhanh hơn ngày thường. Ra khỏi thành phố, chị phóng như bay trên đường, vượt qua tất cả nhũng người đi trước. Tiếng gió thổi vù vù bên tai. Có lúc chị thấy rùng mình. Vì gió mạnh, gặp ô tô chạy ngược chiều, xe như muốn nhấc bổng khỏi mặt đường.
Về tới nhà, trời vừa tối thật, không nhìn rõ mặt người. Điện sáng như ban ngày. Chị kêu to:
- Má ơi! Má! Con có tin vui cho má đây!.
Bà Khang từ trong nhà chạy ra. Nhìn thấy con gái vui như Tết, mặt mày hớn hở, cười toe toét, chân đi như không chạm đất. Niềm vui ấy truyền sang bà Khang.  Bà líu lưỡi hỏi:
- Chuyện gì khiến con vui thế?
- Má đọc đi rồi sẽ biết.
 An lấy lá thư trong túi đưa cho má.
Bà Khang cầm lá thư vào phòng riêng, bật công tắc điện lấy mục kỉnh đọc:
Bắc Thái ngày...
An thương yêu!
Anh xin thông báo tới em một tin đặc biệt, thật vui và bất ngờ chẳng khác nào khi anh phát hiện thấy ngôi mộ bố Lượng ở vườn nhà ngoại út. Anh không phải là con bố Lượng. Anh và em không phải là anh, em cùng cha khác mẹ. Anh đã gặp bố Dân, người đẻ ra anh rồi. Bố Dân cũng là chiến sĩ giải phóng quân, nhiều năm chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ. Bố Dân là thương binh, là thầy giáo. Mặc dù vẫn biết so sánh là khập khiễng nhưng anh vẫn phải so sánh để em hiểu. Bố Lượng là cái thân cây để mẹ và anh là cành tầm gửi mượn danh sống nhờ. Nếu mối tình của bố Lượng, mẹ Khang khơi nguồn từ căn hầm bí mật, hai người chiến sĩ, sống và chiến đấu bên nhau. Mối tình ấy thật đẹp và thi vị, có thể nói độc nhất vô nhị. Có thể anh cường điệu quá chăng. Nó được đơm hoa kết trái từ căn hầm, ngay trước đồn thù, giữa cái sống và cái chết thì mối tình của bố Dân mẹ Huyền được khơi nguồn từ đồi sim, khi hai người còn để chỏm, cùng chăn trâu, cùng đi học. Mối tình ấy được đơm hoa kết trái dưới đêm trăng sáng, trăng tràn ngập đồi sim. Trăng như tấm lụa khổng lồ trải khắp đồi, nối tiếp những quả đồi. Đồi sim, đồi trăng là nơi hò hẹn, nơi tiến đưa người thanh niên lên đường ra mặt trận. Lời thề từ, đồi trăng, đồi sim ngập chìm ánh trăng: “Kẻ nào phản bội, sẽ bị chú Cuội ném cành đa vỡ mặt cho đến chết mới thôi”. Lời nguyên ấy theo bố Dân ra ngoài mặt trận và đến nay vẫn còn vang vọng bên tai. Chính vì thế, bố Dân chưa lấy ai, ngoài người thiếu nữ trao tình yêu cho mình nơi đồi sim, đồi trăng năm ấy. Lời thề ấy theo mẹ Huyền vượt qua mọi nghiệt ngã của đời thường, đói cơm rách áo, có lúc tưởng như không sống nổi. Mẹ Huyền suốt đời chung thủy với người chiến sĩ đã gắn bó với mình nơi đồi sim, đồi trăng. Cả hai đều giữ trọn lời thề. Bố Dân đã ngoài 50 tuổi mà vẫn chưa lấy ai. Năm nào nghỉ hè, bố Dân cũng lặn lội đi tìm vợ, con. Đất nước dài, rộng bàn chân bố thì ngắn lại bị thương tật nên chưa tìm thấy vợ con. Bố tự hứa với lòng mình: “Đời này, kiếp này chưa tìm thấy vợ con thì kiếp sau, đời sau sẽ tiếp tục đi tìm”. Mẹ Huyền cũng hứa với lòng mình một lòng, một dạ chung thủy với bố Dân, tin tưởng ở bố dù phải chết cũng không quên lời thề năm xưa. Lời thề ấy chính mẹ Huyền nêu ra đêm chia tay tại đồi sim, đồi trăng. Bố Lượng chỉ là chồng mượn danh trong lúc mẹ bụng mang dạ chửa, hai bàn tay trắng. Bố Lượng và mẹ Huyền chưa hề quen biết, chưa một lần gặp mặt. Dựng lên vở kịch này là cụ Thương mẹ đẻ ra bố Lượng giàu lòng nhân ái thương người, khi gặp mẹ Huyền đang lúc khó khăn. Câu chuyện về mối tình nơi đồi sim, đồi trăng còn dài, ly kỳ hấp dẫn, anh sẽ kể cho em nghe vào một ngày gần đây.
Nhận được thư này, em báo ngay cho mẹ Khang và ngoại út biết để họ mừng cho chúng mình. Hôm nào, mẹ và anh đi Sài Gòn, anh sẽ điện cho em để em sắp xếp thời gian đi đón.
Chúc em vui khỏe, mở rộng lòng đón hạnh phúc.
Hôn em nhiều.
Trần Đình Thứ.
Đọc xong, bà Khang vui quá, Bà ôm choàng lấy con gái. bà nói qua làn nước mắt.
- Từ lâu, má vẫn tin tưởng rằng bố Lượng của con sống rất trung thực. Kể từ khi gặp má cho đến lúc hy sinh, bố con vẫn nói rằng: “Anh nhát gái lắm. Từng này tuổi đầu mà vẫn chưa có mảnh tình vắt vai. Anh chưa có vợ. Em hãy cứ tin lời anh đi”. Thế là từ nay, con không mất thằng Thứ. Từ nay, má không phải buồn. Hạnh phúc như một vườn hoa rực rỡ, muôn màu, muôn sắc và đầy tiếng chim đang chờ đón các con. Chuyện thằng Thứ không phải con bố Lượng chắc có nhiều uẩn khúc, bí mật và ly kỳ lắm, nó được giấu kín mấy chục năm qua.
An nói với má như để giải thích:
- Từng ấy năm rồi, má đâu có nói cho con biết, con là con bố Lượng. Má Huyền chắc cũng vì thế mà phải giấu con trai.
- Cách lý giải của con có thể chấp nhận. Nó sát với hoàn cảnh thực tế hơn. Bà Khang gật gù khen con gái.
Lâu lắm. Đêm nay. Bà Khang ngủ chung với con gái. Tình cảm má con như những cơn sóng biển nổi lên, bà ôm con gái vào lòng, hôn lên mái tóc, lên trán An. Chị nhớ lại những ngày còn thơ dại, nằm gọn trong lòng má để tận hưởng cái hương thơm dịu mát từ má tỏa sang. Chị day đầu vào ngực má để tận hưởng cái tình yêu mênh mang vô bờ bến của má, Bà Khang âu yếm vuốt mái tóc, vuốt cánh tay con gái tâm sự:
- Khi thằng Thứ phát hiện thấy ngôi mộ bố Lượng và thừa nhận là cha đẻ của nó, má choáng váng cả người, đầu óc quay cuồng, mắt tối sầm lại chỉ chực ngã. Rất may, má kiềm chế được ngay và trấn tĩnh trở lại. Mặc dù, má cố giấu kín tình cảm và nỗi xúc động đến đâu chăng nữa thì cũng không qua nổi đôi mắt tinh tường và trí thông minh của thằng Thứ. Tuy nó không dám quả quyết, nhưng nó đoán má bị cú sốc quá mạnh mẽ khi nó thấy mộ bố Lượng. Vì chưa đủ căn cứ buộc Thứ phải nêu lý do; má bị say xe, đường xóc khó đi, tuổi già sức yếu. Biết vậy, má bấm chặt vào nhận xét của nó để giải thích về sự thay đổi đột ngột về cảm xúc. Phải thừa nhận nó thông minh và khéo léo, tinh tế trong cách ứng xử.
An dời khỏi tay má, nhỏ nhẹ nói:
- Má khen anh Thứ thì khen cả ngày không hết. Khi má nói: “Con và anh Thứ là anh em cùng cha khác mẹ” nó như tiếng sét giữa trời quang mây tạnh nổ trên đầu con. Đầu óc con quay cuồng, choáng váng, trái tim đập loạn xạ, chân tay bủn rủn và chỉ muốn khóc, muốn gào thật to lên “đời con sao khổ thế”. Những ngày tiếp theo con quên ăn, đêm không tài nào ngủ nổi. Có lúc con muốn tìm đến cái chết má ạ”.
Trong đêm tối bà Khang quờ tay sang phía con gái khẽ nở nụ cười:
 - Nếu chết, thật uổng phí nhỉ. Có cho ba Tư biết chuyện này không?
- Ba thừa biết, con không phải là con đẻ của ba. Con là con của một bộ đội quê miền Bắc đã hy sinh anh dũng ở chiến trường Nam Bộ. Nói cho ba biết lúc nào chẳng được. Chẳng lẽ ba ghen với người đã khuất à? Nhưng theo con lúc nào chúng con nên vợ, nên chồng thì má hãy nói cho ba Tư biết chuyện này. Thuyền theo lái, gái theo chồng, ba muốn giữ con cũng chẳng được, kể cả việc con theo Thứ về miền Bắc cũng tốt chứ sao. Tự cổ chí kim có mấy người phụ nữ ở với cha, mẹ suối đời. Con gái lớn phải lấy chồng, đó là quy luật, loại trừ những trường hợp đặc biệt.
- Tụi bay có học, ít tuồi mà suy nghĩ thấu đáo, kín kẽ. Ba Tư sợ nhất một ngày nào đó con về ngoài Bắc. Ông ấy dễ cảm thấy bơ vơ. Con gái lớn thì phải đi lấy chồng. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của người làm cha, làm mẹ. Chẳng ai ngớ ngẩn, ích kỷ mà giữ con gái ở nhà suốt đời. Về mặt nào đó, con theo Thứ về Bắc cũng tốt chứ sao. Con và Thứ sẽ được sống ở quê nội. Má chỉ lo cho cuộc sống của các con sau này thôi. Ba, má không giàu có gì, chỉ giúp đỡ các con phần nào thôi. Gia đình Thứ ở ngoài ấy chắc cũng khó khăn, nếu không muốn nói là nghèo - Bà Khang tâm sự với con gái.
- Má cứ yên tâm đi! Với tay nghề của con và anh Thứ, nhất là anh Thứ, ném vào đâu cũng sống đàng hoàng. Bệnh viện con làm khi xưa đang đòi con trở về. Trước đây, con kiên quyết từ chối không trở lại. Nay tình thế thay đổi, chờ Thứ vô, con sẽ trở lại làm việc ở bệnh viện cũ. Con là bác sỹ gây mê, phụ mổ; Thứ là bác sỹ phẫu thuật thì hết chê. Anh Thứ khí khái lắm, vợ chồng bác Năm, Phó Tư lệnh muốn mua cho anh ấy chiếc xe máy. Nhưng Thứ một mực từ chối. Thứ trả lời bác ấy rất khéo: “Một chiếc xe máy, con mua lúc nào cũng được. Con đang cân nhắc xem khi nào cần thiết. Con từng này tuổi đầu chưa giúp ba má việc gì, tội quá lớn. Con nỡ lòng nào chìa tay nhận chiếc xe của ba má. Xin má cứ để con tự lực. Giả thiết ba má cho anh ấy chiếc xe máy, chưa chắc anh đã nhận. Có những ca mổ, phức tạp, mổ xong, gia đình tự nguyện bồi dưỡng phong bì dày cộp, Thứ chẳng bao giờ nhận. Thứ còn tiến xa. Vị trí Chủ nhiệm khoa - Giám đốc bệnh viện trong tầm tay, chỉ chờ đủ ngày, đủ tháng như cô gái đủ chín tháng mười ngày mới sinh, nhiều người nằm mơ cũng chẳng thấy. Đời sống của chúng con chẳng có gì khó khăn cả. Nhà ở tập thể, xe máy, ba má mua cho con rồi. Vài thứ lặt vặt trong gia đình đáng kể gì. An nói rõ tình hình cho má nghe.
Bà Khang mắng yêu con gái:
- Cha đẻ chị chứ! Con lại mắc bệnh mẹ hát con khen hay,  tự nắm tóc nhấc mình cao lên rồi đó. Chủ quan nó vừa vừa thôi, bay cao quá có ngày ngã đau.
Tiếng chim kêu: Vít! Vít! bay lên không trung gõ vào bộ nhớ của bà Khang. Đêm ấy, Khang đưa Lượng đi điều nghiên đồn Z về cũng nghe tiếng chim này. Hai người vừa đi, vừa chạy gằn. Chẳng may, anh chị lao xuống cái đìa. Bùn lầy nước sâu. Lượng phải ghé lưng cõng Khang và còn bao nhiêu kỷ niệm êm đềm, đẹp đẽ nữa, ào ào chảy về tràn ngập lòng bà. Bà Khang thiếp đi trong niềm vui sướng ấy. An quay vào phía trong để má ngủ ngon.
An không tài nào ngủ nổi. Cái đêm, sau khi tìm thấy mộ bố Lượng, má và chị khóc suốt đêm. Nước mắt đầm đìa áo má, áo con. Sáng mai bốn con mắt đều đỏ như quả nhót chín, sưng vù, cay xè. Đêm nay được biết Thứ không phải là con bố Lượng, anh và chị không phải là anh, em cùng cha khác mẹ. Hai má con nói chuyện vui vẻ từ chập tối đến giờ. Nhưng chị chưa dám hỏi má: “Tại sao không lập bàn thờ bố Lượng”? Chắc có điều gì khó xử. Đó là chuyện ngày mai, cho hạnh phúc lứa đôi, má vui con mừng. Sau này, con sẽ lập bàn thờ bố Lượng.
Trời sáng rõ.

4. Trước khi đi Thành phố Hồ Chí Minh, mẹ con bà Huyền nghỉ lại quê ngoại ít ngày. Khi xưa, cuộc ra đi vụng trộm, chạy trốn đau xót kéo dài gần ba mươi năm. Lần này chia tay với bố, mẹ và các em để mở đường cho cuộc sống hạnh phúc lâu dài, đàng hoàng tươi đẹp như cánh diều gặp gió. Những ngày họp mặt sau bao năm xa cách, sống bên bố mẹ và các em bà Huyền vẫn cảm thấy có gì không vui. Bà cứ ngơ ngơ, ngác ngác như bỏ quên, đánh mất cái gì thiêng liêng quý giá. Bà chẳng để tâm đến xung quanh. Bố mẹ và các em đều đặt sau những gì bà hằng quan tâm và suy nghĩ. Khi mới về, bà vui là thế. Từ buổi gặp lại ông Dân, bà đứng ngồi không yên. Ông Dân đã thu hết tâm trí của bà. Bao nhiêu kỷ niệm đẹp của tuổi đôi mươi, của mối tình đầu, sôi nổi, nhiệt tình và hào hứng cứ ào ào chảy về tràn trề trong lòng bà. Bà muốn đến gặp ông Dân, kể hết những nỗi đắng cay, tủi nhục suốt chặng đường dài đầy chông gai vừa qua. Bà muốn ngả người vào lòng ông, bắt ông phải đền bù những mất mát tưởng chừng không vượt qua nổi. Ông bà đã có với nhau một đứa con. Nhưng không danh chính ngôn thuận, ông bà có là gì của nhau? Cái khó cho ông bà ở chỗ đó. Nên khi gặp nhau, trước con mắt của mọi người, ông bà phải vờ như người xa lạ. Thâm chí, bà con giục ông ấy lấy vợ, kẻo về già mà không vợ, không con sống cô đơn khổ lắm. Nhưng tất cả họ đã thuộc về nhau.
Ông Dân nổi tiếng là người bám trường, bám lớp, toàn tâm, toàn sức vì nhà trường, vì học sinh thân yêu nhưng từ hôm gặp mẹ con bà Huyền, lòng ông luôn luôn cuồn cuộn nổi sóng. Bà ấy là người bằng xương, bằng thịt, ông đã thấy rồi, không còn lầm lẫn. Nhưng còn đứa con trai đi theo bà ấy là ai? Con ông hay con người ta? Đó là câu hỏi lớn mà vẫn không có câu trả lời. Nếu nó là con ông, sao bà ấy không nói thẳng ra. Đứa con ấy có nhiều nét rất giống ông, theo quan sát, nhận xét của ông: Khuôn mặt, đôi mắt và dáng đi của nó rất giống ông. Nhưng tại sao từng ấy năm trời, bà ấy không thông báo cho gia đình biết? Nếu là con người ta thì bố nó là ai? Tại sao ông ta không về cùng mẹ con bà ấy. Có lúc ông muốn khẳng định nó là con ông. Cho nên bà ấy mới nhìn thẳng vào mặt ông để hỏi: Bác có gia đình chưa, được mấy cháu? Thôi bác cũng nên lấy vợ đi, 50 tuổi rồi còn gì nữa. Nếu là con người khác lại biết ông chưa lấy ai thì bà ta không đủ cam đảm nói vậy. Nếu được vậy, bao năm ông chờ đợi không uổng phí. Khỉ thật, hôm gặp bà ấy tại sao mình lại không hỏi cho rõ ngọn nguồn để bây giờ cứ bán tín, bán nghi mãi. Chủ nhật này, mình phải về làm rõ chuyện này. Ông tự nhủ mình như vậy.
Thấu hiểu tình cảm của mẹ, nhân lúc có hai mẹ con ở nhà, Thứ mạnh dạn hỏi:
- Mấy hôm nay mẹ làm sao vậy? Lúc nào mẹ cũng như người mất hồn. Điều gì khiến mẹ phải suy nghĩ, buồn phiền. Xin mẹ nói cho con hay.
- Con nói gì mẹ chưa hiểu? Bà Huyền như chợt tỉnh lại sau giấc mơ dài đầy sung sướng và lo âu hỏi lại con.
- Tai sao mấy hôm nay mẹ buồn?
- Vài ngày nữa, mẹ phải xa bố mẹ già và các em theo con vào thành phố Hồ Chí Minh thì vui sao nổi.
Thứ hiểu hết ruột gan của mẹ. Anh khéo léo:
- Con nói điều này, nếu không phải mẹ bỏ qua cho con. Mẹ đừng giận con nhé. Người mẹ quan tâm lúc này là… là... ông Dân. Ông ấy hút mất trái tim, linh hồn của mẹ rồi. Điều đó chẳng có gì sai mẹ ạ! Tình cảm con người chứ đâu phải gỗ đá mà vứt bỏ dễ dàng. Tình yêu của mẹ với bố Dân thật là đẹp và có với nhau đứa con là con đây. Tình yêu ấy vẫn như xưa và mạnh mẽ hơn.
Bà Huyền thổ lộ lòng mình cùng con ;
- Mẹ định bàn với con chuyện gặp bố Dân. Tình cảm của mẹ và ông Dân rất sâu nặng và gắn bó từ khi còn để chỏm cùng đi học, cùng chăn trâu. Những kỷ niệm về bố con từng giờ, từng ngày thấm sâu vào máu thịt của mẹ. Cứ nhìn thấy con, mẹ lại nghĩ tới ông ấy. Vì con và bố Dân giống nhau như hai giọt nước. Những lời thề còn đây. Mẹ và ông ấy sống tất cả vì nhau, cho nhau, của nhau. Mẹ chưa biết phải bắt đầu từ đâu, đối xử với ông ấy thế nào cho phải đạo. Nếu ông ấy hy sinh hoặc lấy vợ rồi thì chẳng con phải bàn nữa. Nhưng ông ấy, một lòng một dạ chờ đợi mẹ suốt mấy chục năm trời. Năm nào, ông ấy cũng đi tìm mẹ con ta khắp chốn cùng nơi. Ông bà ngoại định buộc duyên chị vào duyên em nhưng ông ấy một mực khước từ. Vì trái tim ông ấy chỉ có hình ảnh mẹ thôi. Lời thề năm xưa như tượng đài sừng sững trong trái tim mẹ và ông ấy. Nó là sức mạnh vô biên để cả hai vượt qua những ghềnh thác, giông bão cuộc đời. Mẹ rất cần lời khuyên, lời bàn của con.
Không cần suy nghĩ  nhiều, Thứ trả lời dứt khoát:
- Mẹ bảo còn phải bàn bạc gì nữa. Bố mẹ về ở với nhau đi! Những ngày còn lại là kết quả của những năm xa cách mòn mỏi chờ đợi, mất mát và đau thương. Tuy bố mẹ chưa cưới nhau nhưng cả dân cả làng đều biết, có đồi sim, đồi trăng chứng kiến và một đứa con trai là con. Thế là đủ tình nghĩa vợ chồng rồi. Cái quý giá hơn nữa, tấm gương sáng ngời về lòng chung thủy ít ai có như bố mẹ. Bố Lượng và mẹ chưa một lần gặp nhau, không hề quen biết. Mẹ con ta tay trắng, không nhà cửa, không nơi nương tựa nên phải mượn danh bố Lượng. Bà Thương chẳng nói với mẹ rằng: “Cháu ở đây với bác, sinh con xong. Cháu muốn đi cũng được, bác không giữ”. Ân nghĩa của mẹ Thương là quá lớn, nhưng mẹ đã chăm sóc cụ ấy hàng chục năm trời, lo cho cụ mồ yên mả đẹp. Trước khi ra đi, mẹ con ta đã xây mộ cho hai cụ khang trang, to đẹp hơn hẳn những người ở địa phương. Đất đai, nhà cửa và mọi đồ dùng trong nhà đều nhường lại cho con cháu các cụ. Khi mẹ đến như thế nào, lúc ra đi cũng chỉ vậy. Bố Lượng có gia đình vợ con rồi. Bố Lượng không là bố đẻ thì là bố vợ có sao đâu. Tứ thân phụ mẫu đều như nhau. Cả Cụ Thương và bố Lượng yên nghỉ ở nơi vĩnh hằng biết điều này chắc vui lắm. Sau này, con sẽ thờ cúng hai cụ và bố Lượng suốt đời. Tình nghĩa như thế là trọn vẹn. Mẹ con ta không mang tiếng là kẻ vong ân bội nghĩa. Những nỗi đau khi mẹ bụng mang dạ chửa phải bỏ nhà ra đi chỉ còn là vết sẹo, kỷ niệm về quá khứ, nhắc đến cũng chăng ích gì nữa. Xét cho cùng tất cả đều do chiến tranh.
Bao nhiêu nỗi buồn lắng sâu trong lòng bà Huyền như được giải tỏa. Bà vui vẻ, hào hứng hẳn lên:
- Con nói rất trúng ý mẹ. Nhưng mẹ chưa tìm được những bước tiếp theo. Bắt đầu từ đâu, làm gì bây giờ?
- Theo con, mẹ cần gặp bố Dân bàn bạc cụ thể và thống nhất phương án giải quyết. Khi mới gặp bố Dân, mẹ chẳng giục ông ấy lấy vợ đi là gì? Bố Dân đâu có biết bố Lượng chỉ là cái ô cho mẹ con ta trú đang cơn nắng gắt, mưa dầm. Bố Dân mới thực là chồng của mẹ, cha đẻ của con. Sự việc rõ như ban ngày, còn giấu đố, úp mở gì nữa. Mấy hôm nay, con đi chơi ở trong xóm, người ta truyền nhau rằng: “Tình yêu của ông Dân và bà Huyền vượt qua bao nhiêu ghềnh thác, cuối cùng họ cũng được đoàn tụ. Đáng mừng hơn cả, anh con trai, khi bà Huyền bỏ nhà ra đi còn nằm trong bụng mẹ thì nay đã gần ba mươi tuổi, giống ông Dân như đúc”. Bố mẹ khổ quá rồi. Ở đời ít ai khổ sở, gặp nhiều trắc trở như bố mẹ
- Tối nay, mẹ con ta gặp bố Dân.
Bà Huyền tỏ ra hăng hái, quyết tâm nói với con.
Tối hôm ấy, trăng sao đầy trời. Gió thổi hiu hiu. Những đám mây lưng thững trôi. Mặt trăng khi sáng tỏ, lúc bị mây che khuất làm cho bầu trời tối sầm lại. Cụ Thân và vợ chồng con cái nhà Mão đi chơi vắng, dành nhà cho mẹ con bà Huyền tiếp khách.
Tối một lúc lâu, ông Dân tới. Cả ba người đều ngồi lặng yên. Chỉ có tiếng chuột chạy đuổi nhau trên mái nhà và tiếng vo ve của đàn muỗi. Ngoài trời thật yên tĩnh, gió vẫn thổi, trăng, sao vẫn sáng tỏ. Bà Huyền chủ động phá cái không khí nặng nề bằng câu hỏi:
- Anh có biết ai đây không? Bà chỉ tay về phía Thứ.
Ông Dân đưa đôi mắt rực sáng nhìn về phía Thứ. Rồi ông lắc đầu. Bà Huyền tự trả lời:
- Con trai anh đó! Nó là kết quả cái đêm trăng sáng trên đồi sim để ngày mai anh lên đường ra mặt trận.
Sau câu nói của bà Huyền hai bố con ông Dân ôm lấy nhau,... Ông Dân gọi con. Thứ sung sướng gọi bố. Nước mắt ông Dân ướt đầm mái đầu con. Cha con cứ ôm ghì lấy nhau cho bõ những ngày mong đợi, tìm kiếm, lo âu, khắc khoải. Niềm vui sum họp, khiến bà Huyền không cầm nổi nước mắt. Nhìn hai bố con ôm nhau lồng ngực bà Huyên muốn nổ tung vì vui sướng. Ông Dân nghẹn ngào nói:
- Em và con hãy tha thứ cho tôi. Vì tôi mà em và con lưu lạc suốt mấy chục năm trời, uống cạn chén nước oan nghiệt, tủi nhục và gian khổ. Hai mẹ con sống đến ngày hôm nay, tôi vui như trời cho tôi sống lại, sống lại sau bao lần chết hụt. Gần ba mươi năm chờ đợi, hai mươi năm đi tìm của tôi quả không uổng. Nó được đền bù bằng sự, sum họp hôm nay.
Bà Huyền vừa khóc, vừa kể lại những ngày đã qua. Tiếng nói của bà bị đứt quãng bởi những nghẹn nấc. Nhưng bà cố kể hết ngọn ngành cho ông nghe. Con người cứng rắn như ông Dân mà cũng không cầm nổi xúc động, nước mắt tuôn trào.
- Em và con đã bàn với nhau rồi. Lúc trẻ, vợ chồng không được sống bên nhau. Những ngày còn lại, chúng ta không thể xa nhau nữa. Ý anh thế nào?
- Cám ơn em và con. Anh không hề mất giọt mồ hôi, nước mắt, không hề phải nuôi dưỡng con. Bây giờ, anh có tất cả. Anh sung sướng quá, hạnh phúc qua: “Vợ con tôi đây rồi”. Nhưng cái khó là chúng ta danh không chính, ngôn không thuận. Phải làm gì để giải tỏa cái hàng rào vô hình mà phức tạp này?.
Câu hỏi của ông Dân đưa ra cũng là nỗi đau, nhức nhối của bà Huyền và Thứ. Mọi người ngồi lặng phắc. Bỗng tiếng nói của Thứ phá tan không khí nặng nề này:
- Xin phép bố mẹ, con xin đưa ra lời giải. Thưa bố mẹ! Bố Lượng chỉ là cái bóng để mẹ và con nương nhờ khi khó khăn, lúc đầu là giả. Thời gian biến đổi, giả thành thật. Về mặt dư luận xã hội và luật pháp mẹ là vợ bố Lượng. Con là con bố Lượng, pháp luật thừa nhận hẳn hoi. Nhưng về đạo nghĩa, bố Dân và mẹ mới là vợ chồng thật. Con là giọt máu của bố Dân. Nhưng trớ trêu thay cái thật ấy chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình nhỏ bé. Ông bà nội, ngoại thì mới thừa nhận. Cái giả được xã hội thừa nhận gần ba mươi năm rồi. Trong khi đó cái thật lại bị rơi vào lãng quên. Bố mẹ đã có với nhau một đứa con, nếu sớm như người ta đã có cháu rồi. Đó là kết quả của mối tình tuyệt đẹp, sự hiến dâng tự nguyện cho bố lên đường ra mặt trận bảo vệ Tổ quốc. Một lời thề giữ trọn vẹn, lòng chung thủy trong sáng như pha lê hiếm có. Bây giờ, mẹ là người đàn bà góa chồng. Bố là người đàn ông chưa vợ. Về mặt pháp luật và dư luận xã hội, bố mẹ làm lễ cưới nhau chẳng có gì sai. Thời gian gấp lắm. Con hết phép rồi. Con và mẹ đi Sài Gòn trước. Bố lo giấy tờ xin chuyển vào trong đó, ta tính sau. Sự thật về bố mẹ ở trong đó mới chỉ có ngoại út, má Khang cả An biết thôi, nhưng họ là những người thân, họ hiểu và rất thông cảm. Con xin phép ra ngoài một lát, bố, mẹ cứ bàn kỹ đi!
Chỉ còn lại ông Dân và bà Huyền. Tất cả những kỷ niệm của thời trẻ ào ào chảy về với họ. Sức mạnh của tình yêu, bị kìm nén bao năm qua vùng dậy, thôi thúc, giục giã họ. Bà Huyền đến ngồi bên ông Dân, bà ôm lấy ông Dân hôn lấy, hôn để bù lại những năm xa cách. Ông Dân sợ con quay trở lại tức thì, khẽ đẩy bà ra:
- Kìa em! Con nó quay trở lại đấy!
Thằng Thứ biết lắm. Con nó đi ra ngoài là muốn bố mẹ tự do, anh không phải ngại.
Nghe bà Huyền nói vậy, sự kìm nén, chờ đợi suốt mấy chục năm trời vụt sống lại trong ông. Ông quay ngoắt người lại, ghì chặt lấy bà vào lòng và trận mưa hôn xối xả, ào ào trút xuống người bà Huyền. Bà Huyền ngồi ngây người đón nhận, đê mê sung sướng… Ông vuốt ve, âu yếm như ngày nào. Một lúc sau, Thứ quay trở lại. Vừa đến sân, anh hắng giọng đánh động cho bố mẹ. Ông bà lại ngồi cách xa nhau, vừa nhìn nhau say đắm và tiếc nuối, vừa trò chuyện vui vẻ. Vừa vào tới nhà, Thứ hỏi ngay:
- Bố mẹ định thế nào?
- Bố mẹ bàn kỹ rồi. Phương án con đưa ra là tối ưu. Bố đi lúc nào cũng được. Ông bà nội về quê cả rồi. Các chú, các cô đều có gia đình riêng. Ông bà ngoại tuy lớn tuổi nhưng các cậu, các dì đều ở gần kề. Bố có hai điều đáng lo: Chuyển công tác vào thành phố Hồ Chí Minh rất khó khăn. Vấn đề nhà ở, con chuẩn bị đến đâu rồi? Ngồi nghĩ một lúc Thứ trả lời bố:
- Nhà ở, bố mẹ khỏi lo. Con được phân căn hộ khá rộng, một phòng khách, phòng cho bố mẹ, phòng của chúng con, khu nhà bếp vệ sinh riêng biệt. Sau này gia đình phát triển ta tính tiếp. Còn việc thuyên chuyển công tác vào thành phố thì khó thật. Nếu không muốn nói là cực kỳ khó khăn phức tạp. Nhưng khó đối với người không có điều kiện, với bố con bảo đảm xin được.
- Bố con anh nhẹ gánh. Khi đi chỉ đẩy sào là xong, không vương vấn gì. Chỉ có tôi là nặng gánh. Ra đi ngổn ngang trăm mối tơ vò.
- Mẹ có gì nặng gánh. Mẹ kể cho bố và con nghe xem. Thứ ngắt lời mẹ nói.
- Ông bà nội, ngoại của con đã già như chuối chín cây, bố mẹ không ở nhà chăm sóc được.
Bà Huyền buồn buồn nói cùng chồng con.
- Mẹ đừng lo. Mẹ đi lấy chồng thì phải theo chồng, theo con, phải lo việc nhà chồng. Có ai làm trái điều đó không? Khi vào trong đó, mỗi năm mẹ về thăm ông bà ngoại một lần. Thi thoảng gửi quà, hoặc tiền biếu ông bà ngoại. Việc đó bây giờ chẳng có gì khó khăn. Mẹ yên tâm chưa?
Ông Dân cũng vào hùa với con:
- Thằng Thứ nói rất phải. Em không cần bận tâm nữa. Khi ra đi em phải vui lên mới phải. Bao năm em làm lụng vất vả, ăn đói, mặc rách, nuôi mẹ chồng, nuôi con, nay em có quyền nghỉ ngơi, hưởng hạnh phúc gia đình đoàn tụ. Em phải vui lên cho bố con tôi yên tâm.
Thứ nói với bố:
- Bố phải làm hồ sơ xin chuyển công tác để con mang theo. Con nhờ bố nói với các chú, các cô bên nội, vì hoàn cảnh con chưa đến thăm được. Rất mong mọi người thông cảm và xin khất dịp khác.
- Ngay mai, em và con cứ đi trước, anh sẽ vào sau. Xa nhau bao nhiêu năm còn chịu nổi, huống chi ngày đoàn tụ chỉ tính từng ngày.
Vừa lúc đó, vợ chồng Mão và các cháu đi chơi về. Thứ nhanh nhẹn thay mặt bố mẹ mời.
- Mời cậu, mợ ngồi uống nước.
Uống xong chén nước nóng, Mão hắng giọng nói:
- Sáng mai, vợ chồng em làm vài mâm cơm liên hoan tiễn chân bá Huyền và cháu Thứ, mời bác Dân tới dự cho vui. Khi bá Huyền đi khỏi nhà, em mới khoảng 9-10 tuổi gì đó. Gần ba mươi năm chị em mới có dịp gặp nhau, Bác Dân chờ đợi, đi tìm kiếm gần hai mươi năm chứ ít đâu. Bây giờ hai bác gặp nhau cả nhà đều vui, mở tiệc ăn mừng là đúng quá rồi.
Ông Dân từ chối khéo:
- Cám ơn cậu mợ. Sáng mai, tôi có giờ dạy nên phải đi sớm. Đúng ra phải đi từ chiều hôm nay. Rất tiếc, tôi không dự tiệc vui này.
Mão thật thà nói:
- Bác nghỉ một buổi có chết ai đâu. Bác không muốn dự nên lý do thế thôi!
- Không! Không được đâu. Bỏ giờ là bị kỷ luật liền ngay tức thì. Ông Dân xin phép ra về. Bà Huyền tiễn chân ra tới cổng. Ông, bà còn nói chuyện với nhau khá lâu. Cuối cùng bà nắm tay dặn:
- Anh nhớ thu xếp nhanh nhanh lên nhé. Em và con mong anh từng ngày, từng giờ! Ông Dân hôn nhẹ lên má bà Huyền. Họ chia tay nhau đầy ắp những kỷ niệm vui, buồn và hy vọng tràn trề hạnh phúc.
- Mọi việc ổn thỏa cả rồi, mẹ yên tâm chưa?
 Thứ hỏi mẹ.
- Là mẹ nói thế! Mẹ không đi Sài Gòn với con thì còn đi đâu bây giờ. Đất đai, nhà cửa, mọi tài sản trong nhà, mẹ chia cho các cháu hết rồi, còn gì nữa. Qua cầu rút ván quay về thế nào được nữa.
- Nhưng mẹ phải vui lên cho con yên tâm.
5. Khi mẹ con bà Huyền xuống đến ga Hà Nội thì nắng đã nhạt. Hoàng  hôn chuyển dần sang màu tím. Bà Huyền không khỏi nhớ tới mùa hoa sim và đêm trăng sáng trên đồi sim. Nhà ga người chật như nêm cối. Ngồi ở phòng chờ, bà Huyền nửa mừng, nửa lo. Kể từ hôm nay, cuộc đời bà sang trang mới. Bà cùng chồng con ở thành phố đông dân nhất nước, trung tâm kinh tế, chính trị lớn. Nhưng bà làm gì để sống, bà vốn là người lao động? Ngồi không ăn bám chồng, con à? Trước nay, bà chỉ biết làm nương, làm rẫy trồng sắn, trồng chè và cấy lúa. Liệu chồng con có nuôi nổi không?
- Mẹ cứ ngồi đây, con đi gọi điện cho An. Lời nói của con trai cắt đứt dòng suy nghĩ của bà.
- An à! Anh và mẹ lên tàu vào giờ... Đến ga Sài Gòn vào giờ... Nếu em không bận thì đón anh và mẹ vào giờ trên. Nếu bận thì đón anh và mẹ tại nhà. Bữa trưa ta tổ chức đón mẹ tại nhà.
- Dạ! Em sẽ đi đón mẹ và anh tại ga Sài Gòn.
Là học sinh tốt nghiệp PTTH, đầy ắp những ước mơ đẹp rất lãng mạn, bà Huyền tự giết chết nó, vùi đầu vào việc nuôi mẹ già, nuôi con khôn lớn và trở thành nàng Tô Thị của thời đại. Cả cuộc đời bà buộc chặt với đồng ruộng, bạn cùng tương cà, dưa muối. Bà chưa một lần đi khỏi cái làng quê xa xôi, hẻo lánh. Tháng ngày bà ẩn mình dưới những dãy núi cao. Buổi sáng, khi sương sớm giăng giăng phủ kín bầu trời, khi ánh dương vượt lên những ngọn núi cao, uống cạn những giọt sương đêm trên lá, trên cỏ, bà lên nương, rẫy. Bà làm việc cả buổi trưa trên những mảnh ruộng bậc thang. Bà quen thuộc từng góc bờ, bụi cây. Hoàng hôn buông xuống như bụi phấn mờ bà mới trở về nhà. Lần đầu tiên đặt chân tới Hà Nội, bà thấy cái gì cũng mới lạ. Người ở đâu ra mà đông như kiến vỡ tổ. Bà đi sát bên con, không dám rời con nửa bước. Từ nhà ga lên tàu Thống nhất, bà bám chặt lấy thắt lưng con mà đi. Bữa cơm đầu tiên trên tàu, bà Huyền thấy khó nuốt quá, bởi những mùi vị lạ hoắc đưa vào mũi, vào miệng khiến bà chỉ muốn nôn ọe. Bà uể oải xúc từng thìa cơm đưa vào miệng, nhắm mắt, nhăn mặt mà không nuốt hết suất cơm nhà tàu. Thấy vậy, Thứ hỏi mẹ:
- Tại sao mẹ ăn ít thế?
- Mẹ ăn đủ rồi. Bà trả lời cho con vui lòng.
   Vài giờ sau, bà thấy bụng đau quặn liên hồi cứ như có ai thúc vào bụng. Bà gục đầu xuống cái bàn con, lúc nghiêng bên này, khi ngoẹo bên kia, oằn oại. Bà muốn đi vệ sinh quá! Tàu lắc lư thế này thì đi sao nổi. Đi ở đâu bây giờ? Bà buộc phải thú thực với con. Thứ dìu mẹ tới buồng vệ sinh và hướng dẫn mẹ từng ly từng tí. Anh ra ngoài đứng chờ mẹ. Là bác sỹ, anh hiểu ngay bệnh tình của mẹ. Uống vài viên thuốc, bà khỏi liền. Những bữa tiếp theo, anh chỉ cho mẹ ăn bánh mì và uống nước khoáng. Bà thấy bụng dạ dịu êm, người trở lại bình thường.
Đoàn tàu đưa khách tới ga Sài Gòn. Bà Huyền thấy choáng ngợp giữa đám người đông như kiến vỡ tổ, còn đông hơn cả ga Hà Nội. Người trên tàu xuống ga. Người đi đón người thân, người đi chở khách thuê, người khuân vác thuê, người đi lại như mắc cửi. Vừa bước xuống sân ga, Thứ đã thấy An đang nghển cổ tìm kiếm. Anh gọi thật to:
- An! An! Anh đây cơ mà!
An chạy tới đón túi xách từ tay Thứ. An dắt mẹ theo sau. Thứ vui vẻ giới thiệu:
- Đây là mẹ anh! Còn đây là con dâu tương của mẹ.
An lễ phép:
- Cháu chào bác ạ!
- Bác chào cháu!
Thứ phân công:
- Em đưa mẹ về trước! Anh bắt xe ôm về sau.
- Anh không phải đi xe ôm đâu. Hạnh cũng đi đón bác và anh. Cô ấy trông xe ngoài cổng ga.
- Hạnh sốt sắng phân công:
- Em đưa bác về trước. Anh chị tự lai nhau và chở đồ đạc.
Kể từ khi đụng độ nhỏ với Thứ, được bà chỉ bảo, Hạnh thay đổi hắn. Chị thực sự nhìn nhận Thứ là anh trai. Chị quý mến chị An hơn bao giờ hết, chấm dứt cái nhìn ghen ghét, theo dõi nhau từng li, từng tí và đối đáp cạnh khóe từng lời. Khi chị An gọi điện tới, Hạnh hồ hởi dắt xe đi liền. Thứ dặn Hạnh:
- Thôi được rồi. Hạnh đi từ từ kẻo má sợ. Mẹ ôm chặt vào cô Hạnh, nhắm mắt lại là hết sợ.
Tất cả gia tài của bà Huyền chỉ nằm gọn trong cái túi xách nhỏ. Thứ và An về tới nhà lâu rồi mà vẫn chưa thấy Hạnh chở mẹ về. Thứ cảm thấy không yên tâm. An nói, tay lái của Hạnh rất lụa anh khỏi phải lo. Chỉ sợ mẹ lần đầu ngồi đi xe máy, nhìn thấy dòng xe lao vun vút, mẹ hoảng hồn, ngồi không vững làm cướp tay lái của Hạnh xảy ra tai nạn ngang  đường. Thứ bớt lo lắng. Anh nói với An:
- Này An! Em chịu khó đi chợ mua cái gì ăn. Anh ở nhà lau chùi, dọn dẹp nhà của. À quên, mua gì tùy em nhưng không được thiếu rau muống và đậu phụ nhé!
Anh rút tiền đua cho An. Chị nhìn anh tình tứ nói:
- Anh sòng phẳng quá đấy! Em cho anh vay rồi trả em sau.
Hạnh vừa đưa bà Huyền về đến nhà, Thứ hỏi ngay:
- Em đi lâu thế. Anh lo đứng lo ngồi mãi. Em đưa mẹ đi tắm giúp anh. Hai, ba ngày nay, mẹ chưa được tắm chắc khó chịu lắm đấy. Khi tàu tới Đà Nẵng, bảo mẹ đi tắm nhưng mẹ ngại. Khi hậu trong này oi bức, nóng nực lắm. Một ngày không tắm chịu sao nổi.
Hạnh đưa bà Huyên vào buồng tắm. Cô giúp bà tắm giặt rất chu đáo. Bà Huyền ngoan ngoãn làm theo lời hướng dẫn của cô. Hạnh đưa cho bà Huyền bộ quần có màu hồng nhạt loại vải tốt, đắt tiền, sang trọng, kể cả đồ lót. Khi thấy bà ngần ngại. Hạnh nhỏ nhẹ:
- Ở trong này người ta mặc cả thế mẹ ạ. Trên đường từ ga về nhà, mẹ thấy có ai mặc quần áo cũ đâu. Đây là tiền anh Thứ, chị An gửi nhờ con mua giúp mẹ. Mẹ đừng ngại, rồi sẽ quen.
Bà Huyền chẳng còn lý do gì để chối. Bà đón lấy bộ quần áo từ tay Hạnh. Bà Huyền mặc bộ quần áo mới vừa vặn như in. Từ trong phòng tắm đi ra, bà Huyền sang trọng, lịch lãm hẳn lên. Mùi thơm của dầu gội đầu, xà phòng thơm tỏa khắp căn phòng. Bà thực sự đổi đời. Thứ biết ngay Hạnh là đạo diễn “vở kịch” này. Anh khen mẹ mà chính để khen “tác giả và đạo diễn”. Thứ ngạc nhiên hỏi, quần áo ở đâu ra mà mẹ diện thế! Ồ vừa vặn, quá sang trọng, quá lịch thiệp. Rất mô-đen. Rất Sài Gòn.
Nghe con khen vậy, hai má bà Huyền nóng ran. Bà thấy ngường ngượng. Biết thế này đừng mặc cho xong. Nhưng con mọc răng nói năng gì nữa. Thôi đành vậy. Bà giải thích:
- Trên đường từ ga về nhà, cô Hạnh dừng lại ở dọc đường mua cho mẹ. Vì thế mới lâu vậy. Mẹ định không mặc, nhưng cô Hạnh khéo nói quá, nhiệt tình quá khiến mẹ không từ chối nổi. Cô ấy nói, anh Thứ và chị An gửi tiền nhờ cô ấy mua đỡ. Không những chỉ một bộ mà còn ba bộ chứ ít đâu.
- Em gái anh thông minh, giỏi lắm. Xứng danh là nhà “ngoại giao” tài ba.
Thứ khen.
Nghe anh trai khen, Hạnh mát từng khúc ruột. Hạnh nghĩ “Chị không xấu người, xấu nết. Chẳng qua, chị yêu anh anh quá nên có lúc mù quáng. Khi nhận  ra ánh sáng, chị thông minh, tháo vát như ai. Vài bộ quần áo tặng mẹ có đáng gì với sự chăm sóc, giúp đỡ, thương yêu của anh ấy”...
An đi chợ về, chị nhìn thấy mẹ Huyền liền nói:
- Mẹ ăn mặc rất có duyên, rất quí phái và kiêu sa. - Chợt chị cảm thấy ngượng ngại khi dùng từ mẹ, liệu có quá sớm không. Chị vội chữa:
- Đây mới là bước khởi đầu, bác còn phải thay đổi nhiều hơn nữa cho phù hợp với dân Sài Gòn. Một cuộc cách mạng, đổi đời đấy bác ạ! Đây chắc là sáng kiến của cô Hạnh.
Bữa cơm liên hoan, gọn nhẹ giữa mẹ con bà Huyền và hai cô gái Sài Gòn thật thân tình và vui vẻ. Mọi người nói cười râm ran. Niềm vui đầy ắp trong căn phòng, thấm vào đường gân thớ thịt mỗi người. Bà Huyền thỉnh thoảng góp đôi lời, bà biết gì mà nói chuyện. Điều bà biết, nói ra lại sợ sai. An và Hạnh không còn là địch thủ của nhau nữa, cười nói thoải mái hết cỡ. Họ đến với nhau trong tình thân người cùng một nhà, cùng bầu trời đầy sao. Cô em gái và chị dâu thực sự thông cảm, yêu thương nhau, không như ai đó đã nói: Giặc bên Ngô không bằng mãnh bà cô nhà chồng. Hạnh xin phép đi làm buổi chiều, để lại cuộc họp mặt cho ngày hôm sau.
Thứ bàn với An:
- Chủ nhật này để mẹ nghỉ ngơi cho lại sức. Chủ nhật sau đưa mẹ về dưới quê thăm ba má. Hai bà mẹ sẽ có dịp bày tỏ nỗi lòng cho nhau nghe. Cuộc gặp này chắc đặc biệt lắm, chắc chẳng ai vui bằng, muốn đốt cháy tâm can. Hai bà mẹ có hoàn cảnh gần giống nhau, cùng trải qua những khốc liệt của cuộc sống. Bây giờ, họ sắp là thông gia, là bạn với nhau. Một ngày chứ mười ngày nói vẫn chưa hết chuyện.
An tham gia thêm.
- Cũng phải thôi! Ngày mai, em tới đưa mẹ đi may vài bộ đồ và mua giày dép luôn thể.
Bà Huyền giãy nảy lên như đỉa phải vôi:
- Không! Mua làm gì cho tốn tiền. Cô Hạnh vừa mua cho mẹ ba bộ đồ mới tinh và rất đẹp. Mẹ có đi đâu mà cần quần áo đẹp, ở nhà mẹ mặc rông rài thế nào cũng xong.
Thứ động viên mẹ:
- An nói phải đó mẹ ạ! Con đã nói với mẹ từ ngoài nhà, mẹ có nghe đâu. Mẹ tha những quần áo ấy từ ngoài vào đây để làm gì. Ở đây, mẹ phải thay đổi cách ăn mặc cho phù hợp với thành phố. Mẹ không cưỡng nổi đâu. Cô Hạnh mua quần áo cho mẹ là quà tặng của cô ấy. Còn An sắp là con dâu mua cho mẹ, tại sao mẹ từ chối? Mẹ cứ để mặc chúng con.
Tối nay, An phải trực. Chị nấu cơm sớm hơn mọi ngày. Ăn xong, chị xin phép đi làm.
- Thong thả chút nữa, còn sớm mà. Sao em vội thế? Thứ hỏi
- Em phải ghé qua nhà tắm giặt, thay quần áo.
Bà Huyền sửng sốt hỏi:
- Tại sao cháu phải đi làm đêm?
- Dạ! Thưa bác, hôm nay cháu nghỉ cả rồi. Đêm phải đi làm bù. Nghề nghiệp của tụi cháu thế mà…
An đi rồi. Bà Huyền nằm nghỉ cho đỡ mệt. Vừa đặt mình xuống, bà ngủ như chết. Hai đêm trên tàu, bà mất ngủ. Thứ tiếp tục thu dọn đồ đạc và rửa bát đũa. Anh nghĩ tới công việc ngày mai. Việc đầu tiên là phải hướng dẫn mẹ cách sử dụng đồ điện, nước và một số điều cần thiết về sinh hoạt thành phố. Đặc biệt, anh phải hướng dẫn mẹ cách giao tiếp, ứng xử sao cho phù hợp với nơi thị thành mà không để mất đi bản chất tốt đẹp của mình. Với mẹ, đây là cái mốc thay đổi trong cuộc đời. Mẹ phải thay đổi những lối sống, tập quán xưa. Rất may, mẹ có kiến thức nên chỉ nói qua là mẹ biết ngay, tiếp thu  nhanh. Chỉ có điều, tiền bạc thâm hụt quá nhiều. Ba năm trời tằn tiện, tích cóp được một ít đem về sang cát và xây mộ cho ông bà, quà cáp, rồi đi đường gần cháy túi. Còn nửa tháng nữa mới đến kỳ lĩnh lương. Nhưng quyết không để mẹ biết.
Tiếng còi ô tô inh ỏi ngoài cửa. tiếp đến là tiếng gõ cửa cọc! cọc! cắt đứt dòng suy nghĩ của Thứ. Anh vội chạy ra mở cửa. Anh hết sức ngạc nhiên trước mặt anh là ông bà Năm và Hạnh. Thứ lắp bắp:
- Con chào ba, má! Anh chào Hạnh.
Ông Năm giải thích luôn:
- Ba vừa đi làm về. Nghe Hạnh nói, con vừa đón má vô lúc sáng. Ba má vội đến thăm ngay. Má con đâu?
- Dạ! Thưa ba, má! Mẹ con vừa chợp mắt được một chút. Lần đầu tiên đi tàu xe, đường dài nên rất mệt. Ba, má ngồi chơi, con đánh thức mẹ con dậy
Bà Huyền từ trong phòng bước ra. Bà tươi cười, niềm nở:
- Em chào hai bác! Bác chào cháu Hạnh.
Thứ giới thiệu;
- Con giới thiệu với mẹ. Đây là ba, má Năm. Cha mẹ đỡ đầu của con. Những năm xa nhà, xa mẹ, con được ba, má cưu mang, thương yêu như chính con mình đẻ ra.
Từ khi vào nhà, bà Năm chưa hề nói câu nào. Bà để ý bà Huyền từ lời ăn  tiếng nói cho tới bước đi và cách ăn mặc. Bà tự nhủ, bà này xem chừng cũng được học hành. Chỉ có điều lam lũ nhiều quá nên gầy và đen. Thời con gái chắc cũng có nhan sắc làm bao chàng trai chết mê, chết mệt. Nhưng bà ấy còn ngượng ngùng đủ thứ, nhất là bộ quần áo mới. Bà Năm hỏi chị thứ mấy? Bà Huyền ngớ người ra, chẳng biết trả lời như thế nào. Bà nhìn Thứ để cầu cứu.
Thứ vội đỡ lời mẹ:
- Dạ! Thưa má!, Mẹ con thứ hai ạ!
Bà Năm lại hỏi:
- Chị Hai bao nhiêu tuổi?
Từ lâu, bà Huyền đâu có nghĩ đến tuổi tác. Bà nhẩm nhẩm rồi trả lời:
- Thưa bác! Em bốn mươi bảy ạ!
Bà Năm cười:
- Chị xấp xỉ tuổi tôi. Nhân dịp chị vô trong này ở với cháu, vợ chồng tôi có ít quà biếu chị. Gọi là tấm lòng thành.
Một lần nữa, bà Huyền đưa mắt cầu cứu con trai. Thứ cười. Bà Huyền hiểu ngay, nhận được không phải giữ ý. Bà Huyền đưa hai tay đón nhận gói quà.
- Em xin hai bác. Hai bác cho em nhiều thế! Em cảm ơn hai bác nhiều!
Ông Năm hào hứng, phấn khởi:
- Tôi xin thông báo để chị Hai biết. Cùng một lúc chị và cháu có hai niềm vui. Thứ nhất hai mẹ con được đoàn tụ với nhau. Thứ hai, Thứ vừa có quyết định bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm khoa, quyền chủ nhiệm.
Thứ xúc động, sôi nổi nói:
- Con xin cám ơn ba. Con sẽ cố gắng làm việc để xứng đáng với sự quan tâm dạy bảo của ba.
Ông Năm cười, cười xoa tay:
- Ba chẳng có công lao gì trong chuyện này. Đó là tài năng, đức độ của con. Tổ chức con định đề bạt vượt cấp làm trưởng khoa ngay. Nhưng bàn đi, tính lại làm thế sợ mọi người chưa phục. Bản thân con dễ tự cao, tự mãn. Làm phó mà quyền trưởng thì vẫn thế, thuận tiện cho công việc của con hơn, giúp con phấn đấu tốt hơn, thêm một vài năm thì làm trưởng.
Bà Huyền tỏ ra là người hiểu biết và khôn ngoan:
- Mẹ con em xin cảm ơn bác. Nhưng gia đình còn nỗi buồn và khó khăn là vợ chồng, cha con chưa được sống cùng nhau.
Ông Năm sững sờ hỏi:
- Nghe nói ba Thứ hy sinh rồi cơ mà!
Tình thế bắt buộc Thứ phải kể hết đầu đuôi câu chuyện cho ông Năm nghe về mối tình chung thủy của cha mẹ suốt mấy chục năm qua. Lúc vui,  khi buồn và cuộc gặp gỡ bất ngờ gần đây. Việc anh không phải là con bố Lượng, liệt sĩ quê Bắc Thái. Anh chỉ giữ kín việc An là con bố Lượng thôi.
Ông Năm càng sững sờ, ngạc nhiên hơn. Ông hỏi:
- Bố cháu là Phạm Đình Dân quê xã X, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phú.
Bà Huyền gật đầu xác nhận. Thứ  không trả lời ông Năm, anh đưa bản sơ yếu lí lịch của bố cho ông Năm. Tay ông Năm run run đón bản lý lịch. Ông vội đọc ngay. Ông đập tay xuống bàn, thốt lên tiếng kêu:
- Trời ơi! Bà Năm ơi! Hạnh ơi! Bác Dân đã hai lần cứu mạng tôi đây rồi! Vợ chồng mình đã lập bàn thờ anh ấy trên gác ba. Khi ấy anh Dân là Tiểu đoàn trưởng, tôi là Chính trị viên tiểu đoàn. Khi nghe anh ấy hy sinh, tôi bỏ ăn mấy bữa và nằm bẹp trên võng. Hôm làm lễ truy điệu anh Dân, ai cũng thương tiếc người chỉ huy gan dạ, dũng cảm, thông minh, lúc nào cũng hết lòng vì đồng đội. Hai mươi năm qua, tôi lập bàn thờ anh. Hạnh ơi! Con chạy về mang tấm hình bác Dân đến đây. Nơi công tác của bố Dân có điện thoại không?
- Dạ! Số điện thoại của bố con đây ạ. Thứ hai tay đưa số điện thoại cho ông Năm.
Ông Năm lấy điện thoại di động, bấm số máy nơi ông Dân công tác.
- Đầu dây bên kia có tiếng hỏi lại: Ông gặp ai? Cho tôi gặp ông Phạm Đình Dân. Bác chờ cho một tí. Có tiếng gọi: Bác Dân ơi! Có người cần gặp! Tiếng chân bước, tiếng nặng, tiếng nhẹ. Tiếng ông Dân từ đầu dây bên kia:
- Tôi là Dân đây! Xin hỏi, ông là ai? Gọi từ đâu tới?
Ông Năm cười khà khà:
- Anh không nhận ra tôi à? Tôi đang nói với anh từ nhà thằng Thứ đây. Vợ con đã đến Sài Gòn an toàn rồi.
- Anh cho tôi gửi lời chúc mừng họ.
- Tao là Năm Mập chính trị viên tiểu đoàn B26 đây. Trong trận đánh vào cứ điểm AL mày đã cứu mạng tao. Hai mươi năm qua, tao lập bàn thờ mày. Cứ đến ngày mày hy sinh, tao sửa mâm cơm cúng mày!
- Tao là Dân tiểu đoàn trưởng B26, cùng đánh cứ điểm A1 với mày đây. Mọi việc chắc vợ con tao kể rồi. Nhưng tại sao mày biết con tao?
- Chuyện dài lắm. Chẳng biết trời xui, đất khiến thế nào, vợ chồng tao lại nhận thằng Thứ làm con đỡ đầu từ mấy năm nay. Thằng con của mày thật là tuyệt, nó có thể đánh đổ hai, ba đứa khác. Nó vừa được đề bạt làm phó chủ nhiệm khoa, quyền chủ nhiệm. Con đường đi lên của nó rộng mở thênh thang.
Tiếng ông Dân từ đầu dây bên kia:
- Đó là nhờ Đảng, nhân dân, quân đội và đặc biệt là mẹ nó nuôi dạy. Tao chỉ là thằng ngồi gốc sung mà hưởng lộc trời.
- Việc mày chuyển vô trong này, tao xin hứa danh dự với mày, nhanh là vài tuần, chậm là một tháng. Chuẩn bị tinh thần đi. Hôm nào vô Sài Gòn phải liên hoan một bữa. Sau đó tao với mày ôm nhau ngủ cho đã đời.
- Ừ! ừ! Cho tao gửi lời thăm hỏi và chúc mừng tới vợ con mày nhé! Mày được mấy đứa con? Ừ! ừ! Hai gái một trai. Ông Dân cười: Đầu lòng hai ả tố nga/ Một trai sau cuối để mà khói hương.
Ông Năm cười khà khà. Mày vẫn như xưa, hóm hỉnh, thông minh và hay văn nghệ.
   Bà Năm hỏi chuyện gì mà hai ông cười thế? Ông Năm nhắc lại câu chuyện giữa ông và ông Dân cùng hai câu thơ cho bà Năm nghe. Bà Năm rất phấn khởi và khen.:
- Bác Dân tài thật đấy, vừa nghe xong đã có thơ liền.
- Dân ạ! Tao vừa nhắc lại hai câu thơ của mày cho cả nhà cùng nghe. Bà xã tao khen lắm.
Ông Dân cười thật to, rất thoải mái:
- Thơ phú gì đâu, tao chỉ tào lao cho vui thôi mà. Mày cho tao nói chuyện với thằng Thứ.
- Thứ đấy à? Cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa bố và chú Năm Mập thật là tuyệt và lý thú. Bố chúc mừng con, mong con cố gắng nhiều hơn. Mẹ con thế nào? Khỏe không?
- Mẹ con rất khỏe và vui lắm. Khi nào giấy tờ xong, con sẽ giử thư bảo đảm cho bố.
- Cho bố nói chuyện với mẹ.
- Mẹ ơi! Bố muốn nói chuyện với mẹ.
Bà Huyền khéo léo nói với con:
- Con nói với bố, cho mẹ khất khi khác. Bà ngượng chín cả người. Biết điện thoại thế nào mà nói.
Vừa lúc ấy, Hạnh mang tấm hình ông Dân tới. Tấm hình được vẽ lại khổ 18-24 đặt trong khung kính trang trọng. Ông Năm cầm tấm ảnh giải thích:
- Tấm hình này đặt trên bàn thờ ở tầng ba. Những lần con đến thăm ba má, con không nhìn thấy bàn thờ và tấm hình à?
- Con không những nhìn thấy mà còn đọc đi, đọc lại lời ghi dưới tấm hình. Nhưng lúc đó con cứ tưởng, con là con bố Lượng.
Sau khi quan sát kỹ tấm ảnh, bà Huyền nở nụ cười mãn nguyện. Bà đưa tấm ảnh cho bà Năm:
- Bác xem, cha con nó giống nhau không? Rồi bà tự trả lời. Giống nhau như đúc, như hai giọt nước. Ông ấy bây giờ vẫn thế, chỉ khác mái tóc muối tiêu và cái chân đi tập tễnh vì bị thương.
Bà Năm tán thưởng:
- Bố con anh ấy giống nhau quá. Dù trộn thế nào cũng nhận ra ngay. Đôi lần tôi vẫn bảo với ông Năm nhà tôi, thằng Thứ trông rất giống bác Dân. Kể cũng buồn cười thật đấy, người trong hình và người bên ngoài thường xuyên gặp nhau mà không nhận ra nhau.
Ông Năm cười hể hả:
- Tấm hình này, tôi tạm giữ. Khi nào anh Hai vô, chiều theo ý anh ấy. Chiều mai, 5 giờ mời chị Hai và các con đến nhà tôi dùng cơm. Tôi sẽ cho xe đến đón. Chị Hai nhớ bảo con dâu tương lai đến nhé.
Bà Huyền từ chối khéo:
- Em mới vào còn lạ nước, lạ cái. Hai bác cho em khất. Khi nào nhà em vào, cả hai vợ chồng và các cháu đến thăm hai bác.
- Không được! Đến nhà tôi, chị coi như nhà mình, không phải ý ăn, ý ở gì hết. Chuyện nào đi chuyện đó. Khi nào anh Hai vô lại khác. Lúc đó, tôi lại mời cả nhà. Chị cũng phải tập đi đây, đi đó cho quen dần. Mai mốt, anh Hai vô gọi là tiệc tùng liên miên. Bạn bè ở đây nhiều lắm. Cuộc nào cũng phải có chị. Thôi nhé! Vợ chồng tôi về.
Đó là lời ông Năm Mập.
Chiều nay, bà Năm đến đón bà Huyền. An đi trực không tháp tùng được. Thứ có việc nên đến sau. Trên đường đi, bà Năm cho ô tô dừng lại tiệm may quần áo. Bà Năm may cho bà Huyền ba bộ quần áo dài và hai bộ bà ba (quần áo mặc ở nhà, nếu cần đi đâu đó cũng được. Còn quần áo dài dùng đi dự lễ, hoặc tiệc tùng). Tất cả bằng vải tốt đắt tiền. Qua cửa hàng giày dép, bà Năm mua cho bà Huyền ba đôi giày dép, với kiểu dáng khác nhau. Bà Huyền khăng khăng từ chối. Bà Năm ngọt ngào giải thích: “Chị đừng ngại, anh Năm nhà tôi chẳng nói. Nhà mình và nhà anh Hai Dân như anh em ruột thịt. Anh Hai hai lần cứu mạng tôi. Chị Hai vất vả mãi rồi. Nay chị ấy mới vô, vợ chồng mình phải lo cho chị ấy đầy đủ và chu đáo. Từ nay, chị em mình phải thường xuyên đi lại với nhau. Chị hiểu cho em. Mai mốt, em đưa chị đi Vũng Tàu chơi để chị mạnh dạn lên”.
Bữa cơm chiều hôm ấy là sự họp mặt của gia đình ông Năm và mẹ con bà Huyền. Bữa cơm ghi nhận tình cảm vốn có từ lâu, nhưng hôm nay mới gặp gỡ. Bữa cơm tuy mới lạ, lần đầu bà Năm, bà Huyền gặp nhau nhưng được các ông chồng vun đắp từ những ngày chiến đấu bên nhau, nhường cơm sẻ áo cho nhau. Người vui nhất là ông Năm. Hầu như ông nói cười suốt bữa, ít khi thấy ông ăn uống.  Ông kể cho cả nhà nghe, khi ông Dân hỏi ông có mấy đứa con. Ông vừa trả lời, hai gái một trai. Ông Dân đọc luôn hai câu thơ: Đầu lòng hai ả tố nga/ Một trai sau cuối để mà khói hương.
Cả nhà đều cười. Hà khoái quá, dừng lại nói:
- Bác Dân vận Kiều tài thật, rất phù hợp với hoàn cảnh nhà mình. Bác Dân chắc yêu văn học và am hiểu thi ca lắm.
Ông Năm tủm tỉm cười, tự hào về người bạn già:
- Bác Dân vừa bảo vệ xong học vị tiến sĩ văn chương rồi đó. Mai mốt, bác vô đây, ba giao con cho bác kèm cặp. Hạnh hồ hở nói luôn:
- Anh Thứ cũng chẳng kém. Tấm bằng tiến sĩ y khoa trong tầm tay rồi. Học đến gầy rạc cả người đi. Toán và ngoại ngữ cũng vào loai giỏi đấy. Ba đừng coi thường. Cha nào con ấy mà.
Thứ thấy hơi ngượng, chữa thẹn:
- Hạnh khen anh quá lời rồi. Em định cho anh đi tàu bay giấy à?
Hà cười hi hí, đến bên anh nũng nịu:
- Tối mai, anh đến em hỏi bài toán nhé. Khó quá, em nghĩ nát óc, bạc đầu mà vẫn không làm nổi.
- Được phục vụ em gái, anh rất phấn khởi và xin sẵn sàng. Bà Huyền thấy bố con ông Năm hết lời khen ngợi bố con ông Dân, bà thấy hả lòng, hả dạ, bõ nhưng ngày vất vả, gian khổ.
Ông Năm hồ hở, phân trần:
- Bữa cơm hôm nay, chỉ là khúc nhạc dạo đầu. Hôm nào, anh Hai vô, còn nhiều tiết mục ly kỳ, hấp dẫn nữa. Đấy mới là bản đại hợp xướng của những người lính chúng tôi.
Sau bữa cơm, ông cho lái xe đưa bà Huyền về.
Sáng nay, An được nghỉ bù. Chị phóng xe đến nhà Thứ. Anh ấy đi vắng. Chị tươi cười nói với bà Huyền:
- Hôm nay, con đưa mẹ đi tham quan thành phố.
Chị không gọi là bác nữa mà chuyển sang gọi mẹ. Đêm qua, chị đã nghĩ nát nước rồi, Thứ gọi ba, má chị là ba, má từ lâu. Có gì, chị gọi mẹ anh là bác. Bà Huyền còn đang ngần ngại, lưỡng lự chưa quyết định. An giải thích:
- Mẹ vô trong này, con và anh Thứ là người gần gũi, thân yêu nhất. Sau này, mẹ con ta ăn  đời ở kiếp với nhau, còn nhờ cậy nhau nhiều. Chúng con phải có trách nhiệm với mẹ. Mẹ đừng ngần ngại gì cả. Bà Huyền ngồi lặng yên. Chị tiến thêm bước nữa. Chị dịu dàng, nhỏ nhẹ nói:
- Ở trong này mỗi khi đi khỏi nhà, nhất là khi đi chơi đều phải mặc quần áo đẹp và trang điểm. Để con trang điểm cho mẹ. Bà Huyền như người bị kiến đốt. Bà giãy nảy lên.
- Không! Mẹ chịu thôi!
- Mẹ ạ! Vạn sự khởi đầu nan, lần đầu hơi ngại, lâu dần sẽ quen. Ở ngoài quê, nếu mẹ trang điểm son phấn, người ta tưởng văn công, cả xóm, cả làng chạy đến xem. Anh Thứ kể với con như vậy. Nhưng ở trong này, không trang điểm, sẽ chẳng giống ai cả. Chị vừa nói, vừa cười, có khi... người ta chạy đến coi. Thực lòng, bà chẳng muốn chút nào nhưng nể con:
- Thôi! Tùy con. Nhưng ít ít thôi!
- Anh Thứ không chịu con son phấn lòe loẹt như người ta. Ở tuổi con, có thể đậm hơn một chút. Ở tuổi mẹ, chỉ phớt phớt qua, làm cho da mặt hồng hào thêm.
Trang điểm xong, bà hể hả nói:
- Kể cũng được. Nó làm cho mẹ giảm đi cái màu nắng, gió của đồng ruộng.
 An cười mãn nguyện, ôm lấy mẹ:
- Mẹ nhận thức nhanh lắm, không bảo thủ cố chấp.
 Bà Huyền ôm chặt chị vào lòng.
Hai mẹ con bà Huyền đi chơi. An đưa mẹ đi dạo quanh phố phường. Xe chạy chầm chậm. Đi đến đâu, chị cũng giới thiệu cho mẹ nghe. Đây là chợ Bến Thành, lớn nhất thành phố. Kia là vườn hoa Quách Thị Trang, đường Trần Hưng Đạo chạy từ Sài Gòn vô tút lút mãi trong Chợ Lớn nay gọi là quận 5. Hôm nào rảnh con đưa mẹ vô trong đó chơi, những khu phố toàn người Hoa là người Hoa, mẹ sẽ có cảm tưởng đây là nơi nào đó bên Trung Quốc. Đây là đường Nguyễn Huệ, kia là tượng đài Bác Hồ mới được xây dựng sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Ngôi nhà đồ sộ, nguy nga kia là Dinh Độc Lập nay gọi là Hội trường Thống nhất. Bà Huyền vừa nghe xong lời giới thiệu thì xe lại vụt sang phố khác. Bà cố nhớ mà không tài nào nhớ nổi.            
An dừng xe trước cửa tiệm may, bà Huyền ngạc nhiên hỏi:
- Con dừng xe mua gì?
- Con biếu mẹ vài bộ đồ!.
Bà Huyền thật thà:
- May làm gì nữa con. Hôm qua, bà Năm may cho mẹ 5 bộ đồ rồi. Ba bộ quần áo dài và hai bộ nữa gọi là gì mẹ không nhớ. Bà Năm còn mua cho mẹ ba đôi giày dép nữa.
- Mẹ chê chúng con nghèo à? Bà Năm may cho mẹ những 5 bộ thì chúng con cũng may cho mẹ vài bộ. Thế là quá khiên tốn đấy mẹ ạ!
Giọng bà Huyền buồn buồn
- Con đã nói thế, mẹ chẳng còn biết nói gì nữa. Thôi tùy các con. Khi vào tiệm may, bà Huyền chỉ vào những màu sắc đã có ở nhà để An lựa chọn.
Về tới nhà. An nhanh nhẹn đi làm bếp. Bà Huyền giúp chị những việc có thể làm được. Vừa làm, hai mẹ con vừa nói chuyện tâm đầu ý hợp. Mọi việc gần xong, Thứ đi làm về. Nhìn thấy xe của An anh hiểu ngay. Anh đi nhẹ nhàng xuống bếp, khẽ bịt mắt An: Òa! Chị âu yếm nói:
- Em biết thừa. Tiếng bước chân của anh, in sâu trong tim em từ lâu rồi. Lẫn thế nào được.
- Giỏi! Giỏi! Thưởng cái đây - Anh hôn nhẹ lên má chị. Chị mãn nguyện, cười cười - Chị xoay người lại chìa má để anh hôn.
Bữa cơm trưa ấy. Bà Huyền ngồi giữa, Thứ, An ngồi ở hai bên. Bà Huyền vừa bưng bát cơm lên, tự nhiên hai hàng nước mắt tuôn trào, khiến bà không tài nào nuốt nổi miếng cơm vào bụng. Thấy vậy, Thứ, An đều hỏi:
- Mẹ sao thế?
- Mẹ cảm thấy hạnh phúc quá! Mẹ như cánh diều gặp gió bay là là trên không trung, dưới mắt mẹ là vườn cây đầy hoa trái trĩu cành, thơm ngon đến kỳ lạ. Gần ba mươi năm, lần đầu tiên, mẹ được hưởng hạnh phúc này. Bao nhiêu năm chờ đợi, trèo mãi, trèo lên cây rồi, mẹ chỉ cần đưa tay ra là hái được quả. Chỉ còn tầm tay với nữa thôi là hạnh phúc trọn vẹn,  khi bố con vào sống ở trong này. Bỗng mẹ nhớ tới bố con.
Bà nghẹn nấc, đặt bát đũa xuống mâm:
- Trong lúc mẹ con mình ăn uống vui vẻ, đầy đủ thịt cá, rau dưa thì bố Dân một mình lủi thủi, đun nấu, ăn uống một mình. Có thịt lại không có rau. Thật tội nghiệp. Mai kia, bố Dân vào, các con cưới nhau. Lúc đó, gia đình mới hạnh phúc thật đầy đủ, trọn vẹn.
Thứ an ủi mẹ:
- Thôi! Mẹ đừng buồn nữa. Ít ngày nữa bố Dân vào, mẹ là người vui nhất, có khi quên cả các con.
Bà Huyền ngồi lặng đi một lúc. Bà nói:
- Con nói sai rồi! Mẹ học hành ít, nhưng theo mẹ, xưa nay ít thấy người mẹ nào vì những thú vui riêng mà quên cả đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Những loại người ấy là đồ bỏ đi. Nhưng người ta thường thấy những đứa con được bố mẹ nuôi ăn học tử tế, nhưng khi trưởng thành làm ra nhiều tiền bạc, có chức, có quyền, giàu có hơn người, quay đầu lại khinh thường bố mẹ, thậm chí có kẻ còn đang tâm ném bố mẹ già ra ngoài đường.
Biết mình lỡ lời, Thứ quỳ dưới chân mẹ:
- Con cúi lạy, cắn rơm, cắn cỏ xin mẹ tha tội chết. Vì vui quá nên con lỡ lời. Con đâu dám nói mẹ như vậy.
- Đứng dậy đi con. Là mẹ nói thế thôi!
Để giải quyết tình thế, An lễ phép nói:
- Chủ nhật này, con mời mẹ về quê thăm ba má con. Bà Huyền tươi tỉnh nói:
- Nhất định mẹ phải về thăm ba má con rồi. Từ đây về dưới nhà có xa không? Đi bằng phương tiện gì?
- Thưa mẹ! Khoảng 70 cây. Đường dễ đi lắm. Phương tiện tối ưu là xe máy!
- Xe của em có đi ba người được không?
Thứ hỏi
- Không được. Họ phạt cho đấy!
 An trả lời.
Vừa lúc ấy, người cán bộ bưu chính chuyển thư tới gia đình. Thứ đón thư và đọc cho cả nhà cùng nghe.
Vĩnh Phú ngày…
Em và con yêu quý.
Qua điện thoại của anh Năm, anh biết em và con đã tới Sài Gòn an toàn, mạnh khỏe. Anh rất mừng.
Thứ nhớ giúp mẹ về mọi mặt để sớm hòa nhập vào cuộc sống sôi động ở thành phố. Mẹ con đã học hết PTTH và mang theo nhiều ước mơ đẹp. Nhưng vì bố con ta, mẹ sẵn sàng hy sinh tất cả, chờ chồng, nuôi mẹ chồng, nuôi con nên người. Cả đời mẹ con làm lụng vất vả, bạn cùng đồng ruộng và tương cà dưa muối. Công lao của mẹ đối với bố con ta lớn lắm. Nó cao như núi, biển rộng sông dài. Trả bao giờ cho hết được.
Em ạ! Vừa qua, anh được Nhà nước cấp cho 2,5 triệu tiền trợ cấp những năm tù đày trong nhà tù Mỹ ngụy. Số tiền tuy không lớn, không nhiều nhưng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những đóng góp một phần xương máu của anh vào cuộc chiến tranh vệ quốc. Dân tộc ta vốn có truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây. Thực hiện đạo lý đó, anh chuyển số tiền ấy tới em và con. Vì anh nghĩ: Tất cả những hạnh phúc anh có được ngày hôm nay đều nhờ công lao của em và con. Em và con rất xứng đáng được hưởng. Anh viết thư trước để em khỏi ngỡ ngàng. Tiền đang trên đường chuyển tới em và con rồi.
Em và con chuyển lời thăm hỏi và chúc sức khỏe của anh tới vợ chồng Năm Mập và ba má An. Đặc biệt, Thứ nhớ chuyển lời thăm hỏi của bố tới An, con dâu tương lai. Nay mai, bố vào trong đó, đám cưới các con sẽ được tổ chức. Đời người chỉ cưới có một lần nên không thể úi xùi được, bạn bè chê cười.
Thời gian đã tới độ chín, bố mẹ rất vui lòng khi các con nên vợ nên chồng.
Chúc em và con mạnh khỏe, hạnh phúc. Hẹn ngày gặp lại.
Hôn em và con.
Nghe đọc thư xong, bà Huyền nét mặt tươi tắn hẳn lên, nở nụ cười mãn nguyện:
- Bố các con sống tình nghĩa lắm. Bao giờ ông ấy nghĩ tới người thân, ít nghĩ cho bản thân. Thật là người hiếm có.
Thứ cười khích lệ:
- Bố con thật là tuyệt, Nhưng mẹ còn còn tuyệt vời hơn nhiều.
An nói với Thứ: - Chiều nay, em được nghỉ. Anh mang xe của em đi nhé! Xin phép mẹ con đi làm buổi chiều.
Thứ nói. Bà Huyền nói với An trong niềm vui bất tận:
- Thứ giống bố như đúc. Giống về hình dáng là chuyện bình thường nhưng ở đây con giống cả về tính nết nữa. Thứ chịu khó học từ nhỏ, mẹ có bao giờ phải nhắc nhở nửa lời đâu. Thứ và bố Dân đều thông minh và học giỏi. Nếu đặt lên bàn cân thì bố tám lạng, con nửa cân, chẳng ai hơn ai. Vì thế, những năm qua, ông ấy học thông thạo tiếng Anh, Pháp và Nga. Bố Dân vừa nhận bằng tiến sĩ văn chương. Tuy nhà nghèo, Thứ được bà và mẹ rất nuông chiều mà không hư hỏng. Năm nào cu cậu cũng đạt học sinh giỏi. Bà và mẹ rất toại nguyện. Bố Dân vất vả lắm con ạ. Những năm bị tù đày trong nhà tù Mỹ ngụy, chúng đánh ông ấy chết đi sống lại nhiều lần mà không chết là may. Hai mươi năm cô lẻ sống độc thân, côi cút chờ đợi và đi tìm vợ con.
An xúc động nói với mẹ:
- Chúng con rất yêu nhau nhưng rất ít khi anh Thứ đưa con đi chơi. Anh ấy bảo: “Thương yêu nhau, hiểu biết nhau rồi, cần gì phải dắt díu nhau đi ra ngoài đường, lén lút tình tự. Thời gian ấy nên dành để học hành. Là người thầy thuốc, tinh thần trách nhiệm cao, hăng hái, nhiệt tình công tác, hết lòng thương yêu bệnh nhân là cái gốc không thể thiếu được. Nhưng không nắm được tri thức khoa học, liệu giúp gì được ai? Nhìn thấy người bệnh quằn quại, đau đớn mà không biết cách cứu chữa đành bó tay. Người đó lại là người thân của mình thì càng đau xót hơn. Nhờ anh ấy giúp đỡ, chỉ bảo con cũng say mê nghiên cứu khoa học. Từng ấy năm xa chồng, nuôi mẹ, nuôi con, mẹ có hy vọng ngày gặp lại bố con không?”.
Bà Huyền thở dài:
- Lúc nào mẹ cũng linh cảm bố con còn sống. Con người như ông ấy không thể dễ dàng chết được. Nhưng khi đơn vị báo tử, mẹ buộc phải tin. Trong lòng mẹ luôn cầu nguyện có sự lầm lẫn nào đó đối với bố Dân. Một người ở cùng quê, đã có báo tử hẳn hoi đến năm 1975 lù lù vác ba lô trở về trước sự ngỡ ngàng của dân làng. Mẹ luôn cầu nguyện bố Dân được như vậy. Ngày đó đã đến với mẹ. Tuy mới vào trong này ít ngày nhưng mẹ rất vui. Vì mẹ có Thứ và con. Tất cả những điều Thứ nói với con đều sự thật. Rồi đây các con nên vợ, nên chồng, mẹ vui và mãn nguyện lắm, còn hạnh phúc gì hơn nữa. Đêm ngày, mẹ cầu nguyện hạnh phúc sớm đến với mẹ con ta. Nhờ có niềm tin và hy vọng này, mẹ mới vượt qua tất cả những cơ cực, bất hạnh của cuộc đời. Con sông nào ở thượng nguồn chẳng nhiều ghềnh thác, nhưng về hạ lưu mới bằng phẳng, êm ả chảy. Người mất niềm tin, đồng thời đánh mất luôn cả chính mình con ạ!
Bữa cơm chiều đã chuẩn bị xong. Đúng lúc ấy Thứ đi làm về. Ba mẹ con vừa ngồi xuống mâm cơm thì có tiếng gõ cửa:
- Cộc! Cộc!.. Thứ nhanh nhẹn đứng dậy mở cửa. Anh reo to lên như một đứa trẻ:
- Mẹ ơi! An ơi! Em Hạnh và Hà đến thăm mẹ đây này. Hạnh, Hà đẩy xe vào nhà. Thứ ngạc nhiên vui vẻ hỏi:
- Hà vừa được ba, má mua xe cho phải không? Khao mẹ và anh chị đi chứ!
- Người phải khao là anh.
Hạnh vừa nói, vừa đưa giấy tờ cho Thứ và giục:
- Anh cứ đọc đi rồi sẽ hiểu. Hà không để Thứ phải đọc, cô giải thích:
- Ba, má mua xe cho anh đấy! Ba nói: “Ba hứa mua xe cho anh từ mấy tháng trước nhưng vì bận quá chưa thực hiện được. Nếu hỏi nói, nó sẽ từ chối”. Thế là, ba mua xe và đăng ký tên luôn cho anh. Em chỉ là người mang xe đến cho anh.
- Anh phải khao là đúng rồi! Thật may hết chỗ nói, anh vẫn định bụng tối nay đến mượn xe Hạnh để ngày mai đưa mẹ đi thăm ba má chị An. An ơi! Em chịu khó đi mua ít thức ăn để anh chiêu đãi hai cô em gái. Thứ nói với mọi người.
An đứng dậy đi liền. Hà từ chối khéo:
- Ăn cơm ở đây, ba má phải chờ cơm, má la chết!
- Tội đâu, anh xin chịu. Ăn xong, anh đưa các em về. Anh cảm ơn và nhận tội với ba, má. Ngày vui thế này, hai em không nên từ chối, làm anh buồn. Các em cứ yên tâm đi.
Hạnh chen ngang:
- Ba má hông mắng anh đâu. Con cưng của ba má cơ mà..
Bữa cơm tối nay cả nhà đều vui. Người mang xe tới và người nhận xe vui lại càng vui hơn. Bữa cơm này là vết đục sâu thêm vào tình nghĩa anh em của Thứ và Hạnh, Hà. Khi ngồi xuống mâm, Hà nói:
- Anh chị mau mau làm đám cưới để tụi em kiếm bữa cỗ.
- Được thôi! Khi ấy, hai cô em gái không được than phiền, việc gì cũng đến các em, mệt đứt cả hơi nhé!
 An nói.
Hạnh nói:
- Nhà này anh Thứ là hên nhất. Anh được chị An cưng chiều. Ba má thì cưng chiều hết mức rồi. Nhiều khi tụi em muốn phát nghen lên. Việc gì cha con cũng bàn bạc với nhau. Mọi việc, ba đều nói, để ba bàn với thằng Thứ đã. Tụi em là phận gái trước sau cũng đi làm dâu nhà người ta, bị coi thường cũng phải thôi!
An đỡ lời Hạnh:
- Phận gái đều thế cả thôi. Đó là quy luật của muôn đời, có ai dám oán trách, tị nạnh. 
Thứ cười hết cỡ:
- Riêng anh rất quý em gái. Em gái tình cảm hơn em trai là cái chắc, ngoan dễ bảo hơn. Khi nào bố Dân vào, anh xin với ba, má Năm và bố Dân, mẹ Huyền cho Hà về bên này ở. Thế là nhà nào cũng có trai, có gái.
Hà cười nắc nẻ:
- Em đồng ý liền, xin giơ cả tay, hai chân. Nhưng bố Dân phải sửa hai câu thơ vừa chúc ba má Năm.
Nghe bọn trẻ trò chuyện, cười nói vui vẻ. Bà cũng thấy vui lây, bà góp chuyện:
- Mẹ vẫn mong có đứa con gái để chấy rận. Nếu mẹ còn đẻ được nữa, mẹ để liền. Bà nghiêng người về phía An, mẹ nói thế chị An thông cảm, đừng tự ái nhé. Người mẹ nào cũng muốn có nếp, có tẻ. Rồi đến lượt các con đều thế cả.
Hạnh reo to lên.
- Hoan hô mẹ! Mẹ thật tuyệt vời.
Vừa bước vào nhà bà Năm, Thứ nói thật to:
- Con chào ba, má!  Con đến để tạ ơn ba, má đã mua xe cho con!
Ông Năm vừa cười, vừa nói:
- Vẽ chuyện. Ơn với huệ gì. Ba hứa mua xe cho con từ mấy tháng trước nhưng bận quá. Bây giờ mới thực hiện là quá chậm.
- Con xin lỗi ba, má, con đã giữ hai em ở lại ăn cơm để ba, má phải chờ. To, nhỏ cũng là bữa cơm “rửa xe” mà thiếu hai cô em gái thì mất vui.
Bà Năm nói ngay:
- Hai nhà như một, có gì mà lỗi với hẹn. Các em ăn cơm bên ấy cũng như ở nhà. Nhưng ở nhà khác thì phải được phép của ba, má.
Hạnh cười khì khì và đưa mắt nhìn Thứ ;
- Em nói rồi. Anh là con cưng của ba, má. Ba, má không rầy la đâu.
Bà Năm lườm con gái:
- Chẳng thế lại không à. Thứ vô nhà má biểu. Thứ đứng dậy nói: Con xin phép ba và đi theo bà Năm.
- Con cầm lấy ít tiền về đặt ngay máy điện thoại để má và mẹ con nói chuyện cho vui. Vừa nói, bà vừa ấn tiền vào tay Thứ. Anh còn ngập ngừng đứng như trời trồng thì bà Năm gắt nhẹ:
- Cầm lấy. Má biểu con có nghe lời không. Tuần sau phải lắp xong máy nghe chưa?
 Thứ xanh mắt không dám nói nửa lời. Anh không lạ gì tính bà Năm. Khi bà cảm thấy đúng và đã quyết định rồi thì đừng có dại mà cãi lại. Hai tay run run, Thứ đón lấy xấp tiền, miệng lắp bắp;
- Dạ! Dạ! Con xin. Con cảm ơn má!
Từ phòng bên ông Năm gọi Thứ:
- Ba có điều muốn nói với con. Ba còn đi công chuyện. Ông Năm đưa tập hồ sơ cho Thứ và nói. Đây là quyết định tiếp nhận của chính quyền và Sở Giáo dục thành phố. Con gửi ngay cho bố Dân. Ba vừa điện cho bố Dân lúc chiều rồi. Ba dặn bố Dân thu xếp công việc vô càng sớm càng tốt. Mọi điều kiện ba nói với bố Dân rồi.
Thứ đưa hai tay đón tập hồ sơ, miệng nói:
- Con xin cảm ơn ba. Được tin này, chắc bố mẹ con vui lắm đây. Ngày mai, con xin phép ba má, đưa mẹ con xuống thăm ba, má An.
- Con nghĩ thế là phải  lắm -  Ông Năm nói.  Thứ định chào ba, má và các em để về thì Hà kéo lại. Hà nũng nịu:
 - Em khổng cho anh về đâu. Anh phải hướng dẫn em giải bài toán đã mới được về. Chị Hạnh nói anh giỏi toán lắm cơ mà.
Thứ cười to:
- Chị Hạnh cũng nghe hơi bắc chõ, có nhìn thấy anh giải toán bao giờ đâu. Nếu anh không giải được, ngồi cắn bút, em đừng cười nhé!
Thứ vui vẻ, nhiệt tình đi theo Hà. Vốn tính say mê khoa học, Thứ quên tất cả. Hà đưa đề toán cho anh. Anh đọc đi, đọc lại và chau mày suy nghĩ.  Một lúc sau, anh hỏi Hà:
- Em đọc kỹ chưa?
- Em đọc rất kỹ và suy nghĩ cả tuần nay mà vẫn tắc tịt.
Anh đặt đề toán xuống bàn và chỉ cho Hà những bí ẩn của đề toán mà những học sinh bình thường không tìm thấy và dễ lầm lẫn. Hà vốn là học sinh thông minh chỉ nghe gợi ý là cô hiểu ngay. Hà reo lên, cô đập nhẹ vào đầu:
- Ngu quá chừng, có thế mà em nghĩ không ra. Em hiểu rồi. Em giải cho anh xem.
Trong khi chờ Hà giải bài toán, anh xem xét các sách vở của cô. Khoảng một giờ sau, Hà đưa bài toán cho anh xem. Anh chăm chú, xem từng bước giải và từng cách lập luận. Anh nói: Bài toán đúng rồi. Phần một em giải hơi dài. Phần hai lập luận chưa thật chặt chẽ, chưa thật lô-gíc lắm. Phải giải như thế này mới ngắn gọn. Phải lập luận như thế này mới đúng và chặt chẽ. Sau đó, anh chỉ cho Hà những lỗ hổng cơ bản của hai môn Hóa học và Sinh học. Từ đó dẫn tới làm sai một số bài tập của hai môn này. Hai môn này là tủ của anh mà. Hà như cô học trò nhỏ chỉ biết há hốc mồm ngồi nghe. Thỉnh thoảng Hà lại nói: Dạ. dạ..
Mười một giờ ba mươi, ông Năm đi làm về thấy phòng của Hà vẫn sáng đèn, vẫn nghe tiếng Thứ đang nói. Ông lặng lẽ bước tới cửa phòng lắng nghe. Hai anh em vẫn say sưa không hề hay biết. Anh say sưa như một thầy giáo thực thụ, em lắng nghe như nuốt lấy từng lời. Bà Năm vẫn chưa ngủ. Bà nghe rõ tiếng Thứ nói mồn một. Nhưng bà biết chắc chắn Hà kính phục Thứ lắm. Bà vùng trở dậy đi theo chồng sang phòng của Hà.
Ông Năm giục:
- Khuya rồi! Con để anh nghỉ chứ! Thứ như tỉnh lại quay về với thực tế:
- Con chào ba, má! Kể từ nay, khi nào yêu cầu hỏi gì, em cứ điện, anh đến ngay. Má vừa cho anh tiền lắp điện thoại rồi. Tín hiệu đầu tiên phát đi là số máy của ba, má! Con xin phép ba, má con về!
Hà đi theo Thứ để khóa cổng. Vừa vô tới nhà, Hà khoe luôn với ba, má:
- Anh Thứ thật tuyệt vời. thầy giáo ngay trong nhà mà con không hay.
Bà Năm chen vô:
- Nghe thằng Thứ giảng bài cho con Hà, tôi nghe mà phục. Phải thừa nhận nó bền bỉ, kiên trì và nhiệt tình hiếm có.
Chiều thứ bảy, An đến đón mẹ Huyền đi Mỹ Tho. Bà Huyền quần áo, giày dép sang trọng, lịch sự đứng chờ con. Vừa thấy An tới, bà nở nụ cười tươi tắn:
- Con đến rồi à?
- Mẹ chờ có lâu không? An hỏi. Thấy mẹ mặc quần áo dài, trang điểm lịch sự chị hỏi;
- Mẹ có mang theo quần áo không?
- Không. Mai về cần gì mang theo quần áo? Bà Huyền hỏi lại An.
- Ở trong này nóng lắm, mẹ phải mang theo quần áo để tối thay. Theo con, quần áo dài mẹ để trong túi xách. Đi đường, mẹ chỉ mặc bộ  bà ba cho gọn nhẹ
- Con chờ mẹ một tí nhé! Mẹ đi chuẩn bị đã.
Mẹ xách gì mà lặc lè thế kia? An nói
- Mẹ mang chút quà biếu ông bà. Lần đầu tiên tới thăm gia đình, đi tay không sao tiện.
-Ta đi luôn kẻo muộn mẹ ạ!
Tuy chưa thành thạo nhưng bà Huyền không đến nỗi long ngóng khi lên xe. Bà đã mấy lần ngồi xe máy rồi. Bà không sợ đến nỗi phải nhắm mắt, ôm chặt lấy người lái xe. Bà mở to mắt để quan sát chung quanh. Mở mắt bà thấy chủ động hơn. Bà thấy mọi việc bình thường, không tái mặt, thót tim, chân tay run lấy bẩy như hôm mới vào được Hạnh lai về nhà.
Xe bon bon trên đường, đưa mẹ con bà Huyền về miệt vườn Nam Bộ. Trên đường đi, bà hỏi An nhiều điều. Đây là sông gì mà rộng mênh mông bát ngát thế? Nước sông trong xanh, chảy hiền hòa. An giới thiệu cho mẹ biết. Khi ngồi trên xe, nhìn dòng sông, bà Huyền lại nghĩ tới buổi chiều vàng nhạt như chiều nay. Trên đường đi tìm việc làm, bà cũng gặp một con sông như thế. Bến sông vắng lặng, không tiếng gió thổi,  không hàng quán, không một con đò. Bà định gửi mình nơi dòng sông này, để rửa sạch nỗi đau đớn, tủi nhục nhưng tình mẫu tử thức tỉnh, níu kéo bà lại. Nếu hôm đó, bà không dừng lại thì đâu có ngày hôm nay. Xương thịt của bà và Thứ gửi nơi dòng sông, hòa vào đất từ lâu rồi. Khi Dân của bà trở về, dù có phép mầu nhiệm của thần thánh thì mẹ con bà cũng không sống lại được. Niềm vui này còn in đậm những tủi nhục của ngày hôm qua, bà quên sao nổi.
Xe dừng lại trước sân. Ông bà Khang cùng chạy ra đón khách. An đã điện cho ba má từ mấy ngày trước. Bà Khang cầm tay bà Huyền dắt vào nhà. Ông Tư Thành vô nhà trước, sắp đặt lại bàn ghế.
Sau lời chào hỏi, chủ khách cùng ngồi uống nước, chuyện trò vui vẻ. Bà Huyền cầm gói quà nói:
- Em vừa ở ngoài quê vào, em biếu hai bác và gia đình, gọi là sản vật quê hương.
 Bà Khang đưa hai tay đón quà nói:
- Em xin cảm ơn chị! Cháu Thứ không xuống à?
- Tối nay, cháu Thứ phải trực. Sáng mai, cháu xuống sớm.
Ngồi nghe hai bà mẹ nói chuyên, An thầm thán phục mẹ Huyền về khả năng giao tiếp. Bà Khang cũng không khỏi ngạc nhiên trước cách ăn mặc, lời ăn tiếng nói và cử chỉ của bà Huyền. Mới hôm qua thôi, bà ấy còn là nông dân thực thụ, nay ai tinh mắt mới nhìn thấy cái chân quê. Bà Huyền dáng người tầm thước, gọn gàng, rắn chắc của người lao động. Khuôn mặt trái xoan, đôi mắt hãy còn đen lắm và sâu thăm thẳm. Hai má lúm đồng tiền còn nguyên, một lớp phấn phơn phớt chỉ đủ phủ kín cái nắng, gió của đồng quê. Mái tóc dày, đen nhánh, mượt mà dài tới ngang lưng như để khẳng định sức khỏe của bà. Khi nói chuyện, bà ấy thường nhìn thẳng vào mặt người nghe. Khi cười đôi mắt chỉ nheo nheo. Đôi mắt dịu hiền, phúc hậu. Đôi bàn tay còn nhiều chai sạn. Bước đi còn nặng nề. Đó là những dấu ấn của nhiều năm lăn lộn trên đồng ruộng, nương rẫy.
Đột nhiên ông Tư hỏi:
- Chị đã tìm được mộ chí và hài cốt của anh chưa?
Câu hỏi này bà Huyền đã chuẩn bị lời đáp từ lâu. Bà trả lời lấp lửng, nửa kín, nửa hở khiến người nghe hiểu thế nào cũng được:
- Cám ơn bác! Sau bao năm xa cách, chúng tôi đã gặp nhau rồi.
- Chúc mừng chị và cháu Thứ. Ông Tư vui vẻ nói.
Nghe câu hỏi của chồng, bà Khang thót tim. Nhưng khi nghe bà Huyền trả lời, bà thở phào nhẹ nhõm..
Mâm cơm được An lễ mễ bê lên đặt trên bàn. Tạm dừng những lời thăm hỏi xã giao. Bữa cơm chỉ khởi đầu nhưng tinh thần đã có từ lâu. Người gieo mầm, bắc cầu nối hai bờ vui là Thứ và An. Chủ và khách không phải giữ ý lắm nhưng dừng lại ở chừng mực,  hai nhà vẫn là hai nhà.
Đêm ấy, ông Tư đi trực cơ quan. Hai bà mẹ ngủ chung với nhau. Bà Khang thủ thỉ nói với bà Huyền: Qua các con, em hiểu hoàn cảnh của chị. Ngược lại chị cũng tường tận hoàn cảnh của em. Chị em ta như hai giọt nước, vừa giống nhau lại vừa khác nhau. Chị có thằng Thứ, em có cái An. Phía sau sự ra đời của chúng nó, chị em ta thật cơ cực, uống cạn chén nước đắng của tình yêu. Cha đẻ của chúng nó là những người đàng hoàng mà chúng nó vẫn phải gánh chịu những nỗi bất hạnh. Giữa chúng ta và các anh ấy là mối tình tuyệt đẹp sinh ra trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh. Phận làm trai, các anh ấy phải đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, thế mà chúng ta phải cúi mặt, che giấu cái bụng chửa. Nay mai, các con cái  thành vợ, thành chồng và có hạnh phúc, chúng ta không uổng công gánh chịu nỗi đau ấy.
Bà Huyền sụt sùi khóc, bà thật thà, bộc bạch:
- Dẫu sao, chị còn mát mặt hơn em. Chị được cơ quan cưu mang, đồng chí, đồng đội thông cảm là chỗ dựa về vững chắc về tinh thần. Tuy thiếu thốn, nhưng không đói cơm, rách áo, vì chị vẫn có công ăn việc làm đàng hoàng, chính đáng. Ốm đau có cơ quan, thuốc thang tử tế. Gia đình hai bên ở xa không ai biết đó là đâu.
Còn em - Bà Huyền khóc tức tưởi và nói tiếp - Cha mẹ xỉ vả, đánh đập. Gia đình nhà anh ấy thì không thừa nhận. Người đứng ra bảo vệ em thì đang chiến đấu ở miền Nam. Dân làng chê cười. Em đành bỏ nhà ra đi trong lúc bụng mang dạ chửa và hai bàn tay trắng. Em định lội xuống sông để gửi mình cho hà bá. Nhưng khi lội đến ngang đùi thì em dừng lại vì nghe đâu đó có tiếng con gọi: Mẹ ơi! Mẹ đừng giết con! Lòng thương con thức dậy, em quay trở lại bờ sông. Thế rồi em gặp mẹ Thương, là mẹ đẻ của anh Lượng đã cưu mang. Nhà anh Lượng nghèo lắm. Một gian nhà tranh và hai cái chái vảy, ăn ở nấu nướng tại đó. Nhưng  lòng mẹ Thương thì rộng mênh mông, vô bờ bến. Những ngày sống với mẹ, em phải làm lụng, vất vả, cực nhọc suốt ngày từ sáng sớm cho đến tối mịt trên đồng ruộng, trên nương rẫy để nuôi mẹ chồng, nuôi con. Bây giờ vào trong này, em chỉ có hai bàn tay trắng. Vì tất cả đất đai, nhà cửa và mọi đồ dùng trong gia đình em đều cho con cháu anh Lượng. Vào trong này em đều trông nhờ ông bà Năm và chồng con. Tuy các con chưa cưới xin, nhưng mạn phép chị, chúng ta cứ xem như thông gia rồi đây sẽ chung con, chung cháu. Em quê mùa nghĩ sao nói vậy. Nếu có điều gì không phải mong chị thứ lỗi cho. Mãi mãi em biết ơn mẹ Thương. Mẹ là cứu tinh của đời em.
Bà Khang xúc động. Bà không ngăn nổi những dòng nước mắt:
- Những điều chị suy nghĩ là những điều em rất tâm đắc. Việc xây dựng cho các con chị chẳng phải lo gì, có thì làm to, không có thì làm nhỏ, liệu cơm gắp mắm. Chờ anh ấy vô là tổ chức hôn lễ cho các con. Khi thằng Thứ nhận ra mộ chí của bố Lượng ở vườn nhà ngoại út, em và các con đều choáng váng. Em nằm bẹp trên giường cả tháng trời, tưởng đi theo anh ấy luôn. Nhưng từ khi nhận được tin Thứ là con trai bố Dân thì má con mới lấy lại thăng bằng và tạo ra sinh khí của gia đình.
Bà Huyền thở dài:
- Ở hoàn cảnh ấy, chị bảo ai chẳng tin là thật. Chị sắp xếp thời gian cho em đến viếng mộ anh Lượng. Em sẽ thắp cho anh ấy tuần nhang và thưa với anh những gì xảy ra từ khi anh ấy đi đến nay.
Bà Khang chân thành nói:
- Nghĩ tới anh Lượng, em phải cảm ơn chị nhiều lắm. Chị đã thay em nuôi mẹ anh Lượng và xây mồ mả cho cha mẹ anh ấy. Chị đã đi hơn em một chặng đường rồi đó.
Tiếng chim kêu vít vít báo sáng. Hai bà mẹ vừa chợp mắt được một lúc thì trời sáng bạch. Câu chuyện đêm qua để lại trong lòng hai bà sự thông cảm sâu sắc và không bao giờ quên. Nói chuyện cả đêm mà vẫn còn thèm. Bữa cơm sáng vừa đặt lên bàn thì Thứ phóng xe tới. Thằng Bình chạy ra và kêu toáng lên ;
- Má ơi! Chị An ơi! Anh Thứ xuống rồi nè! Hoan hô anh Thứ mua xe mới.
Thứ cười tươi, rạng rỡ;
- Con chào mẹ! Con chào ba, má! Đúng là anh có xe mới. Mới chạy từ Sài Gòn tới nhà ta. Nhưng anh nghèo kiếc xác làm gì có tiền mua xe. Xe này là ông bà Năm mới trang bị cho anh chiều qua.
- Anh đi từ khi nào mà xuống sớm vậy. An hỏi.
Bà Khang giục:
- Mời chị hai và các con vô dùng cơm để còn sang nhà ngoại út.
Khoảng 8 giờ 30, xe ô tô tới nhà ngoại út. Đoạn đường này, bà Khang đi nhiều lần, bà có thể thuộc nơi nào có ổ gà, nơi nào có ổ trâu. Đường xấu nên xe lúc chồm lên, khi chúc xuống, khiến bà thấy mệt nhoài. Nhưng bà vẫn cố. Bà Huyền vốn là nông dân chính hiệu, sức khỏe dồi dào. Đi đoạn đường này có thấm vào đâu đối với bà. Bà Khang thì quá mệt mỏi nhưng vẫn phải gượng vui. Vừa bước vào nhà, bà Khang đã giới thiệu.
- Đây là dì út của em. Thưa dì! Con xin giới thiệu với dì, đây là chị Hai Huyền là mẹ cháu Thứ. Chị Hai vừa từ ngoài Bắc vô trong này. Con đưa chị Hai xuống thăm dì.
Bà Huyền lễ phép thưa:
- Cháu chào bác! Năm nay, bác được bao nhiêu tuổi?
Ngoại út cười để lộ hàm răng móm mém;
- Cảm ơn bà! Nhờ trời, năm nay tui ngoài tám mươi tuổi. Tui vẫn mong bà vô trong này để đám cưới của hai cháu sớm được tổ chức.
Bà Huyền chuyển cách xưng hô thân thiện:
- Thưa ngoại! Hôm nay, con xuống thăm ngoại và thưa chuyện với ngoại từ nay đến cuối năm, chúng con tổ chức cưới cho các cháu. Khi ấy, mời ngoại cố gắng lên Sài Gòn mừng cho ngày vui của các cháu.
- Ừ! Ừ! Nhất định tui sẽ đi!
Bà Khang xin phép ngoại đưa bà Huyền đi thăm vườn và cùng hai con đi viếng mộ Lượng. Bà Huyền vừa nhìn thấy mộ Lượng vội kêu lên:
- Trời ơi! Nơi anh Lượng yên nghỉ vừa tôn nghiêm, vừa đẹp nữa. Hoa trái rực rỡ, đầy vườn ngát hương. Tiếng chim ca hót suốt ngày như để ru anh ngủ, như lời mẹ ru lúc trẻ thơ.
Đèn nhang được thắp lên. Lễ vật bày la liệt nào bánh kẹo, trái cây hái từ vườn nhà. Bà Khang và bà Huyền mặc áo dài trang nghiêm, tóc bỏ xõa vai. Bên bà Khang là An, bên bà Huyền là Thứ. Bà Khang chắp tay nói cùng Lượng:
- Anh Lượng yêu quý! Từ khi anh xa nhà, chị Huyền dưới danh nghĩa vợ anh, đã sống cùng mẹ Thương từ đó đến nay. Chị Huyền đã nuôi mẹ già. Khi anh đi chiến đấu xa nhà, mẹ Thương ra đi, chi Huyền lo cho mẹ mồ yên mả đẹp. Mới đây chị lại xây mộ cho bố mẹ khang trang đẹp đẽ. Hôm nay, chị vô thăm anh.
Bà Huyền đốt thêm nhang, chắp tay vái Lượng và nói:
- Anh Lượng ơi! Cuộc đời tại sao có nhiều nghịch lý và trớ trêu đến thế. Anh và em chưa hề biết nhau, chưa hề quen nhau. Nhưng em đã làm vợ anh mấy chục năm qua, cả gia đình và xã hội thừa nhận. Chị Khang mới thực là người yêu thương anh và sinh cho anh một cô con gái xinh xắn và thông minh, tài sắc vẹn toàn. Nhưng chẳng ai biết chị Khang là vợ anh.
Anh Lượng ơi! Xin anh tha lỗi cho em. Trong lúc em bơ vơ, không nhà cửa, không đồng tiền, bát gạo, không nơi nhờ cậy, lại bụng mang dạ chửa. Thương tình, mẹ Thương nhận em về cưu mang. Mẹ và gia đình cho em núp dưới danh nghĩa là vợ anh. Em như cây tầm gửi bám vào danh anh để sống. Thằng Thứ ra đời cũng mang danh con anh. Mấy chục năm qua, em không quản ngại lao động cực nhọc, ăn đói, mặc rách làm lại nhà khang trang đẹp đẽ, nuôi và chăm sóc mẹ Thương tử tế. Khi mẹ về quê, em ở lại quê ba năm để trông nom phần mộ của mẹ. Mới đây, em đã thay nhà cho mẹ và đưa mẹ về nằm bên bố. Mồ mả của bố mẹ, em đã xây gạch, khắc bia đá và lồng khung kính tươm tất hơn tất cả mọi người cùng quê. Khi em vào Sài Gòn, đất đai, nhà cửa và mọi đồ dùng trong gia đình, em đều nhường lại cho các em, các cháu của anh. Khi em đến, hai bàn tay trắng, lúc ra đi cũng hai bàn tay trắng. Nhưng em mãi mãi biết ơn mẹ Thương và anh. Nhờ mẹ, nhờ anh, mẹ con em mới có cuộc sống như ngày nay.
Anh Lượng ơi!  Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, thằng Thứ con trai em sẽ lấy cháu An con gái anh. Em và anh sẽ là thông gia với nhau. Chúng ta chung con, chung cháu. Em sẽ cùng các con thờ cúng ông bà Thương và anh suối đời. Thứ và An cũng đang ở đây. Các con đang chắp tay vái lạy anh và chấp nhận những điều em vừa nói. Em xin cúi đầu tạ ơn đối với mẹ Thương và anh. Nếu em làm gì sai trái những điều em vừa hứa thì xin nhận sự trừng phạt của đất trời. Em xin kính báo để anh biết, nhờ anh thưa giùm với mẹ Thương. Chúc anh yên nghỉ và mừng cho các con.
Lời khấn của bà Huyền xuất phát đáy lòng nên rất khúc chiết và xúc động khiến cho bà Khang và An không cầm nổi nước mắt. An thêm một lần nữa phục tài của mẹ Huyền. Bà Huyền vừa khấn vái xong, một làn gió thổi qua. Ngọn nến bùng cháy, bó nhang trên mộ Lượng bốc cháy nghi ngút.
Ăn cơm xong, hai bà mẹ xin phép ngoại út về ngay để kịp tới Sài Gòn chiều nay. Ngoại út tặng mỗi bà một giỏ trái cây và cặp vịt. Bà Huyền chắp tay vái ngoại và nói;
Cảm ơn ngoại! Xin phép ngoại chúng con về. Mai kia, con lại xuống thăm ngoại. Khi nào tổ chức cưới các cháu mời ngoại lên Sài Gòn dự cưới các cháu và thăm nhà chúng con.
Ngoại út cười và khen:
- Mẹ cháu Thứ là con nhà gia giáo, được học, cư xử và nói năng phải đạo lắm. Khi nào rảnh rỗi, nhớ xuống thăm ngoại.
6. Đêm về khuya. Bà Huyền trằn trọc mãi mà không tài nào chợp mắt nổi. Bà mong trời mau sáng. Chỉ còn mấy giờ đồng hồ nữa là bà sẽ được gặp ông ấy. Giây phút hạnh phúc này, bà phải chờ gần ba mươi năm, có khi tưởng như tuyệt vọng, không ngờ lại có ngày hôm nay. Mặc dù, ông bà có mối tình đầu thi vị và lãng mạn, với một đứa con trai điển trai, khỏe mạnh, thông minh và tài hoa. Nhưng chưa một ngày, ông bà được sống bên nhau đúng với nghĩa vợ chồng, chưa được ngồi ăn với nhau bữa cơm. Ngày ấy, mỗi khi đi bên nhau, nắm tay nhau âu yếm và mến thương nhau đều nơm nớp lo sợ, ai đó phát hiện, nhìn thấy. Khi mang bầu đứa con đầu lòng cũng phải giấu kín, lén lút ăn vụng khế. Người phụ nữ khi mang thai lần đầu thường tự hào với chồng và gia đình, đem phơi cái bụng để khoe với thiên hạ. Nhưng với bà, khi ấy phải tìm cách che giấu. Cách đây không lâu, bà yên phận là người phụ nữ góa chồng, thủ tiết với chồng, nhấn chìm tất cả đòi hỏi, những hạnh phúc của người đàn bà. Nhiều người đàn ông thấy bà có nhan sắc, lại đảm đang nên đã săn đón, mua chuộc, dụ dỗ. Nhưng bà một lòng đứng vậy, thờ chồng nuôi con theo gương mẹ Thương. Từ ngày gặp lại ông Dân, sức trỗi dậy của người phụ nữ đang độ tuổi hồi xuân cứ bừng bừng như ngọn lửa cháy chỉ muốn thiêu đốt bà. Nhiều đêm bà mất ngủ, lúc nào cũng chỉ nghĩ tới ông ấy. Sáng mai, ông ấy vào Sài Gòn, vui quá, mừng quá, nhưng tại sao bà lại khóc, lại không ngủ nổi.
Bà dậy từ sáng sớm. Bà phải ăn mặc và trang điểm thật đẹp, thật quý phái cho ông ấy mừng và ngạc nhiên. Vừa lúc ấy, ông Năm đến đưa bà cùng đi. Thứ và An đi xe máy từ trước… Bà Năm và Hạnh ở nhà chuẩn bị cơm. Nhà bà Năm tấp nập, nhộn nhịp hẳn lên.
Tàu dừng hẳn tại sân ga. Thứ và An nhảy lên tàu chuyển đồ đạc cho bố. Anh thừa biết chân bố không như mọi người. Chỉ việc lên tàu, xuống tàu bố đã quá vất vả rồi còn nói chi chuyện mang vác. Nhưng hành lý của bố chủ yếu là sách. Thứ đưa cho An túi nhỏ hơn. An gồng người lên mới đưa được gói sách của bố xuống tàu. Còn gói kia, Thứ cũng phải oằn lưng mới mang nổi. Xuống tới sân ga, cả hai thi nhau thở, mồ hôi vã ra như tắm. An bàn với Thứ:
- Phải thuê xe đẩy thôi. Em chịu hết nổi rồi!
- Anh cũng vậy.
Vừa bước xuống sân ga, ông Dân gặp người đàn ông khó đoán tuổi quá, nhưng quan sát kỹ ông thầm đoán ông này xấp xỉ tuổi ông… Ông ta mặc quần áo lao động, khỏe mạnh lực lưỡng, bắp tay nổi cuồn cuộn. Ông ta niềm nở hỏi ông Dân:
- Bác về đâu? Bác cần đi xe tôi chở!
- Cám ơn ông. Tôi có người nhà đón rồi!
Hai người đi ngược chiều nhau. Đột nhiên, người ấy quay trở lại, đuổi theo ông Dân. Người ấy hét toáng lên:
Bác gì ơi! Cho tôi hỏi thăm một chút!
- Ông Dân dừng lại. Người ấy chạy tới;
- Xin lỗi bác! Bác có phải là bác Dân, D trưởng B26. Năm 1972 chỉ huy đánh cứ điểm Al?
- Vâng! Tôi là Dân D trưởng B26 đây.
- Thủ trưởng không nhận ra em à? Em là Tân! Tân liên lạc và cần vụ tiểu đoàn B26 đây!
Ông Dân như sống lại tất cả những kỷ niệm xưa. Ông ôm chặt lấy Tân trong vòng tay của mình. Ông vỗ vỗ vào lưng Tân, nói trong niềm xúc động, nước mắt lưng tròng.
- Tân nhớ không? Tao vừa hạ lệnh cho chú, liên lạc với các đại đội! Dù phải hy sinh đến người cuối cùng cũng phải giữ vững trận địa, tiêu diệt cứ điểm đúng quy định và chỉ rút lui, rời khỏi trận địa khi có lệnh của tiểu đoàn. Chú và Hà đi một lúc khá lâu. Một trái pháo rơi đúng hầm chỉ huy, tao bị thương và bị hất ra khá xa. Sáng mai, tỉnh dậy tao bị địch bắt với cái chân què, trong tay không một tấc sắt, người lại đang lên cơn sốt. Chuyện dài lắm. Hôm nay, tao vào Sài Gòn công tác và sống với vợ con. Địa chỉ của tao đây! Bây giờ Tân làm gì?
Tân thở dài, buồn rầu nói:
- Chuyện đời em dài lắm. Hiện tại, em làm nghề xe ôm. Hàng ngày, em ra ga đón khách. Tối nay, mời anh đến nhà em chơi. Em sẽ đón anh tại nhà.
- Đúng hẹn!
Dân trả lời.

19/1/2018
Nguồn: Tuyển tập tác phẩm đoạt 
Giải thưởng Văn học Nghệ thuật 1997 - 2016
Theo http://hoivhntvinhphuc.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...