- Quê quán: Xã Ngọc Mỹ, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc
- Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ 1997)
- Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội Văn nghệ
Dân gian Việt Nam.
- Tác phẩm chính đã xuất bản:
* Giao lưu văn học và sân khấu (NXB Văn học Hà Nội,
1996)
* Những vấn đề lý luận và lịch sử kịch Việt Nam nửa
đầu thế kỷ XX (NXB KHXH,1996)
* Văn chương - Tiến trình - Tác giả - Tác phẩm (NXB
Văn học Hà Nội, 2001)
* Thẩm định các giá trị văn học (NXB Văn học Hà Nội,
2013)
Ngoài ra còn rất nhiều công trình nghiên cứu, biên soạn in
chung và hàng trăm tiểu luận, tham luận in trên các báo và Tạp chí chuyên
ngành.
- Giải thưởng văn học:
* Giải A của Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật
Trung ương năm 2014 cho cuốn Thẩm định các giá trị văn học - NXB Văn học, 2013.
A- TRONG KÝ ỨC BẠN BÈ
GIÁ TRỊ KHOA HỌC CỦA
THẨM ĐỊNH CÁC GIÁ TRỊ VĂN HỌC Hồ
Thế Hà
Đời sống văn học, bao gồm sáng tạo văn học, phê bình văn học
và lý luận văn học luôn diễn ra theo quy luật của chính nó và quy luật của cuộc
sống để tạo ra những giá trị tiếp nối, làm thành tiến trình văn học, kết tinh
thành những giá trị văn hoá hiển minh, bên cạnh những giá trị văn hóa của các
lĩnh vực và các hình thái ý thức xã hội, thẩm mỹ khác của một dân tộc. Chỉ xét
riêng về lĩnh vực văn chương, để thức nhận và mô hình hóa, nội hàm hóa những
giá trị văn học – văn hóa kết tinh đó, phải xuất phát từ quá trình đồng hành của
các bộ môn hợp thành của Khoa nghiên cứu văn học, đặt trong liên hệ và tương
tác với bối cảnh lịch sử - xã hội, với các khoa học liên ngành mới có thể thẩm
định, đúc kết và khái quát thành những quy luật, nội dung nhằm chỉ ra những giá
trị bản chất, khách quan và khoa học của chính lĩnh vực văn học.
Công trình Thẩm định các giá trị văn học của Phan
Trọng Thưởng, do Nxb Văn học ấn hành năm 2012 chính là kết quả mong muốn và “nỗ
lực thẩm định các giá trị và lý giải các hiện tượng văn học đã và đang diễn ra
trên bề mặt và bề sâu của lịch sử văn học” như chính tác giả đã phi lộ
trong Lời nói đầu của tác phẩm, từ phương pháp tiếp cận khoa học liên
ngành như thế.
Công trình được cấu trúc thành 2 phần. Phần 1. Từ diễn
đàn các Hội thảo khoa học (gồm 12 bài tiểu luận, tổng luận). Phần 2. Đến
thực tiễn lịch sử văn học (bao gồm 7 bài tiểu luận về kịch văn học Việt
Nam). Có thể nhận định tính khoa học tổng thể công trình của Phan Trọng Thưởng,
đó là tinh thần nhận chân các giá trị văn học – văn hóa ở thế kỷ XX với cách tiếp
cận liên ngành linh hoạt theo tinh thần đổi mới nhận thức và đổi mới tư duy từ
sự phát triển, hoàn thiện của các ngành khoa học xã hội và nhân văn trong thời
hiện đại. Vì vậy, chúng có giá trị nhận thức bổ sung, nhận thức lại và nhận thức
mới nhiều vấn đề mà từ trước đến nay tưởng đã ổn định hoặc không cần phải bàn
cãi thêm. Chính vì xuất phát từ yêu cầu khoa học cao của các Hội thảo quốc gia,
quốc tế, các diễn đàn học thuật lớn như vậy mà tác giả đã nỗ lực đặt vấn đề và
giải quyết vấn đề một cách khách quan, khoa học, mang lại những thông điệp mới
và sâu sắc, đặt ra những đồng cảm và đồng suy nghĩ – sáng tạo mới trong việc tiếp
tục làm đầy những chân giá trị của văn học – văn hóa Việt Nam thế kỷ XX. Công
trình vì vậy, có giá trị lý luận và thực tiễn cao.
Phần 1 của công trình là Tiểu luận mở đầu Tinh thần nhận
chân các giá trị của thế kỷ XX, từ độ lùi của đầu thế kỷ XXI, tác giả đã
xuất phát từ các thành tựu khoa học của A. Einstein (Thuyết tương đối), S.
Freud (Phân tâm học), G.J Mendel (Thuyết di truyền), hoặc viện dẫn các trường hợp
văn chương bị hệ lụy như F. Kafka, B. Pasternak, A. Platonov..., Phan Trọng Thưởng
muốn chiêu tuyết cho những nhà khoa học và nhà văn bị “hố” của thế kỷ XX mà lịch
sử và thời đại sau đã kịp nhận ra những sai lầm nghiêm trọng của nhận thức và của
các thiết chế xã hội đã làm cho các giá trị bị lãng quên và im lặng đến bẽ
bàng. Tác giả viết: “Điểm qua một vài hiện tượng như trên để thấy rằng thế kỷ
XX tuy được coi là thế kỷ tiến bộ vượt bậc của khoa học và văn minh nhân loại,
nhưng không phải khi nào các phát kiến vĩ đại, các tư tưởng lớn cũng tìm được
điều kiện thuận lợi để ra đời. Và không phải khi nào, nhân loại cũng dang rộng
vòng tay và có thái độ đón nhận tất hữu đối với những đứa con kiệt xuất của thời
đại mình. Vì vậy, các nhà bác học cũng như không ít những nhà văn, nhà tư tưởng
lớn không tránh khỏi có những lúc rơi vào trạng thái cô đơn do chính sự vĩ đại
của mình gây nên. Có lẽ đó là một trong số những lý do tạo nên cơ sở triết học
của chủ nghĩa hiện sinh với triết lý vừa có phần thâm trầm, vừa có phần
ảm đạm về thân phận con người trước một thế giới đang biến đổi mau lẹ và khó hiểu”
(tr.11-12) (Từ đây, những trích dẫn từ công trình của Phan Trọng Thưởng, chúng
tôi đánh số trang để tiện theo dõi).
Nhưng cũng chính thế kỷ XX, không ít chân lý, không ít các
giá trị đích thực của cá nhân và của khoa học, nghệ thuật nhân loại được trả lại
công bằng do những phát kiến vĩ đại và những sám hối chân thành của trí tuệ và
hành vi nhận thức lại của con người. Từ những trường hợp cụ thể của phương Tây,
Phan Trọng Thưởng đã nhìn lại Việt Nam từ lĩnh vực sử học đến văn học như trường
hợp Nguyễn Trãi và các nhân vật lịch sử khác như Lê Hoàn, Thái hậu Dương Vân
Nga, Thái sư Lê Văn Thịnh, Thái sư Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly, Nguyễn Ánh... với nhận
định sâu sắc: “Tuy đó là câu chuyện ngược dòng lịch sử nhưng lại nằm trong xu
thế kiểm định lại các nhân cách, các giá trị quá khứ diễn ra vào thế kỷ XX...
Song ít nhất, thế kỷ XX này, các nhà khoa học đã nhận thấy từ trong quá khứ xa
xưa của dân tộc mình không ít điểm còn có thể phản biện được để tiếp cận dần tới
chân lý... Tuy đó không phải là một công việc dễ dàng và không phải trả giá,
nhưng tư duy khoa học và tinh thần nhận chân các giá trị của thế kỷ sẽ là đảm bảo
vững vàng để các cuộc kiếm tìm đi đến đích” (tr.13). Đó cũng là trường hợp Tản
Đà và các nhà thơ mới 1932-1945, của văn chương tự lực văn đoàn, qua “những bước
thăng trầm” để sau đó được nhìn nhận “điềm tĩnh, thấu đáo, khách quan khoa học
hơn”. Đó chính là những thức nhận mang tinh thần thế kỷ XX, mà càng về sau, đến
thời Đổi mới (1986), tinh thần đó mới thâu thái được trọn vẹn cho “tinh thần phục
hưng dân tộc, chấn hưng các giá trị. Trong trào lưu đó, không chỉ những tên tuổi
như Văn Cao, Vũ Bằng mà cả Trần Đức Thảo, Hoàng Xuân Hãn... sau nhiều năm lu mờ
đã tìm lại được chính danh trong văn chương nghệ thuật và khoa học của đất nước”
(tr.18).
Cũng trong tiểu luận này, Phan Trọng Thưởng đã nhận thức nhiều
vấn đề, hiện tượng có liên quan đến sự nhận thức lại theo tinh thần đổi mới tư
duy của thế kỷ XX như: Vấn đề phân kỳ lịch sử văn học hiện đại, Cuộc tranh luận
Duy tâm hay Duy vật trên lĩnh vực triết học, Nghệ thuật vị nghệ thuật và Nghệ
thuật vị nhân sinh trên lĩnh vực văn học... Đặc biệt là vấn đề Chủ nghĩa hiện
thực xã hội chủ nghĩa và Phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, khi có
những bất cập và thiên kiến chủ quan. Phan Trọng Thưởng đi đến nhận định : “Thực
ra, vấn đề không phải là ở chỗ có hay chưa có một nền văn học hiện thực xã hội
chủ nghĩa; có hay không có phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa? mà
là ở chỗ trên cơ sở thực tiễn phát triển của lịch sử nghệ thuật nhân loại ngót
một thế kỉ, cần phải biết loại bỏ những yếu tố không hợp lí, không khoa học và
phải biết kế thừa những thành tựu có thật, những truyền thống nghệ thuật vốn có
trong hệ thống lí luận mĩ học về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện
và phát triển nó trong những điều kiện lịch sử và thực tiễn nghệ thuật mới. Đó
thực sự là nhãn quan khoa học, là tinh thần xuyên suốt và nhất quán của thế kỉ
XX” (tr.21).
Liên quan đến phương Tây, những hiện tượng như Chủ nghĩa hiện
sinh trong triết học và văn học với những tác gia lớn như J. P. Sartre, A.
Camus, S. Beckett, E. Ionesco, H. Bergson... hoặc các trường phái như chủ
nghĩa cấu trúc, chủ nghĩa hình thức, phê bình mới, tiểu thuyết mới...từng là đối
tượng phê phán, thì nay chúng ta mới lấy lại “thế quân bình trong một thế giới
đa cực, đa phương” (tr.22). Cuối tiểu luận, Phan Trọng Thưởng đã khái quát tinh
thần nhận chân cá giá trị của thế kỷ XX một cách cụ thể: “Song, cho dù thế kỉ
XX có chuyển biến với một nhịp điệu gấp gáp, một "gia tốc lịch sử" lớn
như ta đã thấy, trong cuộc truy tìm để nhận chân các giá trị, dường như vẫn
không đủ thời gian và điều kiện để giải quyết những tồn đọng của lịch sử. Chỉ
riêng trong lĩnh vực văn học Việt Nam hiện đại khoảng hơn mười năm trở lại đây,
còn bao nhiêu vấn đề, bao nhiêu sự kiện đã bước đầu được đặt ra mà chưa tìm kiếm
được câu trả lời thoả đáng. Lí do có thể vừa thuộc về chủ quan, vừa thuộc về
khách quan. Sự ngập ngừng trong không ít trường hợp đã khiến cho việc minh định
các giá trị văn chương phải chấp nhận lối đi vòng vo và diệu vợi. Nhưng trong mỗi
sự kiện và hiện tượng đó đã ẩn chứa tinh thần của thế kỉ. Những gì chưa kịp nhận
chân ở thế kỉ XX sẽ được chuyển giao vào những thời khắc thiêng nhất để thế kỉ XXI
đón nhận và thực hiện tiếp” (tr.25).
Chúng tôi xem tiểu luận đầu sách nói trên là tư tưởng nền tảng
để tác giả làm bệ đỡ cho tinh thần nhận chân khoa học các giá trị văn hóa – văn
học đã qua. Các tiểu luận: Tân thư và phong trào Duy Tân ở Nhật Bản, Trung
Quốc và Việt Nam thời kỳ hiện đại, Tiếp cận văn học các nước châu Á bằng lý
thuyết phương Tây hiện đại: vận dụng - tương thích – thách thức và cơ hội, Hướng
tới những lý giải khoa học về văn học Việt Nam trong bối cảnh giao lưu và hội
nhập quốc tế... là những tổng kết sâu sắc, có tầm nhìn xa rộng trên cơ sở
nắm bắt bản chất vấn đề từ thực tiễn đến lý luận và ngược lại; từ cụ
thể đến khái quát và ngược lại – xuất phát từ độ lùi về thời gian và nhận
thức, từ sự phản tỉnh và phản biện của người nghiên cứu, cùng sự phát triển,
hoàn thiện của các lý thuyết khoa học hiện đại về văn hóa - văn học cũng như sự
vận động của tư tưởng và đời sống xã hội. Từ việc xác định vai trò cầu nối của
Phong trào Duy Tân trong việc tiếp thu, tiếp biến các “tư tưởng tự do, dân chủ,
dân quyền từ các nước châu Âu và phương Tây vào quá trình vận động, biến chuyển
của lịch sử xã hội cũng như lịch sử tư tưởng – chính trị và học thuật của các
nước phương Đông, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam” (tr. 26), Phan
Trọng Thưởng đã lý giải vấn đề hội nhập và tương tác có tính quy luật của các
nước đồng văn nói trên một cách thuyết phục. Mà ở đó, Tân thư là
phương tiện hữu hiệu nhất. Riêng ở Việt Nam, vai trò của Tân thư đem
lại những kết quả tích cực như ở Nhật Bản và Trung Quốc: “ở Việt Nam trong suốt
quá trình duy tân thời kỳ cận đại, Tân thư có một vị trí cực kỳ quan
trọng. Nó là vũ khí tư tưởng, là liệu pháp tinh thần, là nhịp cầu nối Việt Nam
với thế giới phương Tây. Ở thời kỳ Cận đại, các trí thức Nho học Việt Nam vẫn
còn giữ được vị trí đáng kể trong đời sống chính trị và văn hóa của xã hội. Với
vốn kiến thức Hán học uyên thâm, Tân thư trở thành nguồn tri thức mới
lạ, tân kỳ giúp các nhà duy tân Việt Nam mở mang tầm nhìn, khai trí, khai tâm để
hướng đến mục tiêu tự chủ tự cường dân tộc” (tr. 33). Và tác giả đi đến kết luận
đúng đắn: “Như vậy là, vào thời kỳ Cận đại, ảnh hưởng của phương Tây đến Việt
Nam qua 2 con đường: Trực tiếp từ nhà trường Pháp qua Pháp văn và gián tiếp từ Tân
thư qua Hán văn. Con đường trực tiếp giành cho các trí thức mới Tây học,
còn con đường gián tiếp giành cho các chí sĩ, các nhà Nho được đào tạo từ khoa
cử phong kiến. Tuy con đường tiếp thu phương Tây gián tiếp qua Tân thư phần
nào bị khúc xạ qua lăng kính tư tưởng của các nhà duy tân Nhật Bản và Trung Quốc,
đặc biệt là của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu, nhưng nhờ đó mà các nhà duy
tân Việt Nam mới tiếp cận được với thế giới, khai mở trí tuệ để đón nhận “gió
Âu mưa Á”, “thổ nạp Đông - Tây” đưa Việt Nam thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn, lạc
hậu của ý thức hệ Nho giáo phong kiến. Mặc dù trong thế tranh chấp ảnh hưởng với
tầng lớp trí thức Tây học được đào tạo trực tiếp từ nền giáo dục Pháp, các nhà
Nho duy tân không đóng được vai trò đại diện cho lực lượng tiên tiến của xã hội,
nhưng với những gì họ tiếp thu được từ Tân thư, qua Tân thư cũng
đã góp phần thức tỉnh “nhân tâm thế đạo”, giống như tiếng gà gáy sáng báo bình
minh, đánh thức dân tộc bằng những tư tưởng mới về dân chủ, tự do và dân sinh
dân quyền vốn xa lạ với xã hội phương Đông và Việt Nam trước đó” (tr. 34).
Cũng trên tinh thần khách quan, khoa học khi đánh giá
và tiếp cận văn học các nước châu Á bằng lý thuyết phương Tây hiện đại,
Phan Trọng Thưởng đã thấy được mối quan hệ biện chứng của sự vận dụng -
tương thích để thấy được sự khôn ngoan của chủ thể văn học các dân tộc
trong tiếp kiến và tiếp biến để sáng tạo thành những giá trị riêng, mang bản sắc
của đân tộc mình. Những thách thức và cơ hội trong quá trình tiếp biến và hội
nhập là quyết liệt và có quy luật phổ biến của nó để biến thành những giá trị
năng động: “Thành tựu đó được lý giải bởi nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những
nguyên nhân quan trọng được biết đến là tinh thần chủ động hội nhập, tăng cường
giao lưu hợp tác quốc tế. Trong bối cảnh đó, văn học và văn hoá Việt Nam tự cho
thấy đang là một thực thể năng động vừa hướng tới các giá trị dân tộc bền vững;
vừa hướng tới các giá trị quốc tế và khu vực có tính phổ biến để xác định
nguyên lý cho sự phát triển” (tr.41). Đó là những khái quát khoa học, sát đúng
với thực tiễn Việt Nam.
Là nhà lý luận văn học luôn đồng hành cùng nền văn học dân tộc,
đặc biệt là văn học đương đại, Phan Trọng Thưởng quan tâm đến mối quan hệ bộ ba
giữa sáng tác văn học - phê bình văn học - lý luận văn học trước yêu cầu đổi mới
và phát triển. Vì vậy, phải xác lập một nền mỹ học phê bình trên tinh thần dân
chủ và cập nhật mới mẻ về lý luận để tạo ra những kinh nghiệm và thành tựu mới.
Muốn vậy, phải xuất phát từ tầm đón mới của phê bình để xác định bản chất, chức
năng và đặc biệt là phải xác định đối tượng của nó, đó là “toàn bộ những hiện
tượng văn học đã và đang diễn ra; là toàn bộ những phương diện khác nhau của hoạt
động sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật” (tr. 57). Từ đó, nhận thức rõ thực trạng
vấn đề và đề xuất các kiến giải sát hợp và khoa học. Đây là một quá trình động
và linh hoạt trên cơ sở xác định mối quan hệ giữa sáng tạo, phê bình
và lý luận văn học để đề xuất “hệ thống lý luận văn học phù hợp với thực tiễn lịch
sử và thực tiễn nghệ thuật” (tr.67). Các tiểu luận Vì một nền mỹ học phê
bình, Lý luận văn học trước yêu cầu đổi mới và phát triển, Tinh thần dân chủ lý
luận như một thành tựu và như một kinh nghiệm…đã thể hiện được cái nhìn khách
quan và dự báo đổi mới về lý luận, phê bình và sáng tạo văn học trước mắt cũng
như lâu dài một cách năng động của Phan Trọng Thưởng.
Tinh thần nhận chân các giá trị văn học Việt Nam của Phan Trọng
Thưởng bao giờ cũng được xem xét và kết luận trên cơ sở đánh giá từ những thực
tiễn thành tựu và hạn chế của giai đoạn trước và cả trong hiện tại để chỉ ra những
nguyên nhân chủ quan và khách quan của chúng. Từ đó, tiến tới luận chứng đổi mới
và phát triển lý luận văn học bằng những phương hướng cụ thể, thiết thực để định
hướng sáng tạo và phê bình văn học. Theo đó, Phan Trọng Thưởng xác định “lý luận
văn học và mỹ học Mác xít cần phải được tiếp tục xác định vai trò chủ đạo, là sự
lựa chọn có tính nguyên tắc cho sự tồn tại và phát triển của nền văn học”
(tr.86). Tuy vậy, không được “tiếp thu một cách máy móc, thụ động, biến học
thuyết triết học và mỹ học của Marx, Engels, Lenin vốn được xem là một học thuyết
có tính khoa học và cách mạng thành một giáo điều tư tưởng nghệ thuật, một công
thức cứng nhắc, gò bó mà phải chủ động sáng tạo, phát triển học thuyết Marx
trong điều kiện lịch sử mới, phù hợp với thực tiễn văn hóa, văn học mang đậm bản
sắc mỗi quốc gia, mỗi khu vực. Tinh thần đó sẽ làm cho các chân lý phổ biến của
học thuyết Marx được kiểm chứng trong thực tiễn mang vẻ đặc thù của các quốc
gia, dân tộc” (tr.86-87). Cũng trên tinh thần đó, Phan Trọng Thưởng đề xuất cần
phải tiếp thu hệ thống lý luận văn học của các nước Âu - Mỹ hiện đại một cách
khách quan, khoa học, có chọn lọc để bổ sung và làm đầy những thành tựu hợp lý
cho Khoa nghiên cứu văn học Việt Nam để góp phần “khám phá bản chất đích thực
và phát hiện các quy luật của nghệ thuật” (tr.88). Đó chính là cách để phát
huy, phát triển và đúc kết, hoàn thiện những thành tựu lý luận mới trên tinh thần
gắn lý luận với thực tiễn. Muốn thực hiện được những mục tiêu đó, cần phải phát
huy tinh thần dân chủ: “Chính tinh thần dân chủ lý luận đã cho phép chúng ta tiếp
cận một cách đàng hoàng hơn, toàn diện và thấu đáo hơn với các thành tựu lý
thuyết của các trường phái, các học phái khác nhau trên thế giới để từ đó bổ
sung vốn tri thức lý luận, tạo cơ sở cho việc đối thoại và tiếp thu, làm giàu
hơn vốn liếng trí tuệ và khả năng tư duy trừu tượng. Cũng chính tinh thần dân
chủ lý luận đã tạo cho chúng ta dũng khí phát hiện những điểm khả thủ cũng như
những thiếu hụt, phiến diện, những sắc thái quan phương giáo điều trong hệ thống
lý luận văn học và mỹ học của chúng ta để xây dựng luận chứng cho sự đổi mới và
phát triển” (tr.101). Cuối cùng, Phan Trọng Thưởng đã đề xuất 7 phương hướng
thiết thực và khoa học cho sự phát triển lý luận văn học Việt Nam trong thời kỳ
mới.
Là nhà quản lý cơ quan văn học trung tâm của cả nước – Viện
trưởng Viện văn học, Phan Trọng Thưởng có cơ hội để nắm bắt, quán xuyến, khái
quát những vấn đề văn học, văn hóa ở tầm vĩ mô và vi mô, nên những bài viết của
ông đều toát lên tính chân xác khoa học và tinh thần đổi mới tích cực, cập nhật
tư duy lý luận hiện đại, dựa trên sự phát triển và hoàn thiện của các ngành
khoa học xã hội và nhân văn thời hiện đại. Tư tưởng đó thể hiện qua các cuộc Hội
thảo quốc gia và quốc tế mà ông là người tổ chức, chủ trì và đề dẫn, thu hút sự
quan tâm của giới nghiên cứu học thuật trong nước.
Một trong những quan tâm hàng đầu hiện nay có tính toàn cầu,
đó là mối quan hệ giữa văn hóa và văn học trong giao lưu và hội nhập quốc tế.
Sau khi phân tích những quy luật tích cực của giao lưu và hội nhập văn hóa giữa
các dân tộc, Phan Trọng Thưởng đã chỉ ra sự phức tạp từ thực tiễn tiếp thu và hội
nhập văn hóa, văn học với những cấp độ, tính chất và quan niệm khả thủ và bất cập,
thuận lý và nghịch lý khác nhau. Phan Trọng Thưởng đã cảnh báo một hiện tượng
có tính thiên về “du nhập hơn là hội nhập” đã làm cho quá trình tác động bình đẳng
lẫn nhau không được thực thi: “Nhưng thực tế cho thấy quá trình hội nhập còn
làm nảy sinh những nghịch lý ở chỗ nó không chỉ tạo ra cho sự phát triển văn
hóa mỗi nước những thời cơ thuận lợi mà còn ẩn chứa ngay trong nó những nguy cơ
lớn. Một trong số những nguy cơ đó chính là sự mai một của các giá trị văn hóa
truyền thống trước sự du nhập, tấn công của các yếu tố văn hóa mới lạ từ bên
ngoài vào; sự hòa tan bản sắc riêng độc đáo vốn có của mỗi nền văn hóa thành một
sản phẩm lai tạp, hỗn loạn, không còn có cơ sở để nhận diện, mất đi những yếu tố
làm nên căn cước văn hóa của mỗi dân tộc” (tr.104). Phan Trọng Thưởng luận thuyết
một cách thuyết phục kinh nghiệm giao lưu văn hóa của nước ta như sau: “Kinh
nghiệm lịch sử của nước ta cho thấy trong giao lưu văn hóa, dù dưới hình thức
áp đặt hay tự nguyện, khi ý thức dân tộc được đề cao thì việc tiếp thu hay loại
bỏ một yếu tố nào đó bao giờ cũng được thực hiện trên tinh thần vì lợi ích dân
tộc. Vì vậy, đối với những biểu hiện xốc nổi trong các ứng xử văn hóa hiện nay,
nếu chỉ giải quyết bằng biện pháp hành chính thì hiệu quả có thể nhanh nhưng
không cơ bản và lâu dài. Vấn đề là ở chỗ áp dụng giải pháp giáo dục nào để đạt
được hiệu quả mong muốn trong ý thức văn hóa của mỗi người. Đó chính là cách tạo
ra và bảo vệ các giá trị văn hóa bằng chính văn hóa” (tr.110). Và Việt Nam, từ
sau đổi mới đến nay, trong hội nhập và giao lưu, ta đã nhận thức được điều đó
trong từng thời kỳ với một “tinh thần chủ động hội nhập, tăng cương giao lưu hợp
tác quốc tế. Trong bối cảnh đó, văn học và văn hóa Việt Nam tự cho thấy đang là
một thực thể năng động vừa hướng tới các giá trị dân tộc bền vững; vừa hướng tới
các giá trị quốc tế và khu vực có tính phổ biến để xác định nguyên lý cho sự
phát triển” (tr.111).
Vấn đề Văn học, văn nghệ dưới tác động hai mặt của cơ chế
thị trường, Mẫn cảm của nghệ sĩ trước thực tại và chức năng dự báo của văn học,Để
tiến tới một nền văn học gắn bó với số phận của nhân dân và vận mệnh của đất nước.. cũng
được Phan Trọng Thưởng đề cập có cơ sở lý luận và thực tiễn. Đây là những
tiểu luận có suy tư và nhân tình, nhưng đều xuất phát từ chân lý của đời sống
và chân lý của văn học nghệ thuật để bàn luận, đánh giá và kết luận về những vấn
đề có liên quan đến bản chất của văn học, của hiện thực cuộc sống và đặc biệt
là của vai trò của người nghệ sĩ trong việc phản ánh hiện thực và dự báo hiện
thực, xuất phát từ ý thức nghệ thuật của họ trước những bước ngặt chuyển mình
có ý nghĩa của đời sống xã hội. Từ sự tác động hai mặt của cơ chế thị trường đến
ý thức xây dựng một nền văn học nghệ thuật gắn bó với số phận của nhân dân và vận
mệnh của đất nước, đòi hỏi người nghệ sĩ phải thực sự có tâm, có tài và đặc biệt
phải thực sự mẫn cảm để định hướng và chọn lựa chủ đề, đề tài một cách có hiệu
quả về tư tưởng – thẩm mỹ đối với sự tiếp nhận của công chúng: “Để dự báo và
tiên đoán chính xác, mỗi nhà văn, mỗi nghệ sỹ, ngoài sự mẫn cảm và dự
cảm gần như là thanh khí tiên thiên của mình, còn đòi hỏi phải có các khả
năng chiêm nghiệm, khả năng phân tích, phán đoán để nhận thức
bản chất, nắm bắt qui luật và logic khách quan của cuộc sống, để trên cơ sơ đó
nhận diện tương lai ngay từ trong thực tại. Như vậy, cũng có nghĩa là muốn thực
hiện tốt chức năng dự báo, nhà nghệ sĩ, về một phương diện nào đó, phải đồng thời
là nhà khoa học, trước hết là khoa học nhân văn (tr.140).
Có thể nói, phần 1 của công trình thực sự là những tổng kết,
nâng lên thành những luận điểm và luận thuyết khoa học khách quan, biện chứng
theo tầm đón hiện đại, trên cơ sở thấy được những giới hạn của văn hóa, văn học
để khắc phục những giới hạn đó, nhằm đề xuất những phương hướng và lý luận mới.
Đó chính là tinh thần nhận chân các giá trị khoa học của Khoa nghiên cứu văn học
nói chung của nước ta hiện tại và lâu dài, khi chưa có những bất cập mới xuất
hiện.
Phần 2 của công trình Thẩm định các giá trị văn học của
Phan Trọng Thưởng là kết quả nghiên cứu lĩnh vực chuyên sâu về thể loại kịch
trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại mà tác giả liên tục thành tựu với tư
cách là một trong những chuyên gia hàng đầu. Lật trở vấn đề kịch hiện đại Việt
Nam, Phan Trọng Thưởng chú trọng vào những đối tượng chung và riêng, khái quát
và cụ thể, chú trọng sâu vào tiến trình văn học kịch Việt Nam nửa sau thế kỷ XX
trong liên hệ, đối sánh với văn học kịch nửa đầu thế kỷ XX bằng cách chỉ ra những
tiếp diễn liên tục của các giai đoạn trước đó, từ cấp độ tổng quan đến cấp độ
tác gia, tác phẩm cụ thể. Phan Trọng Thưởng nhìn nhận và nghiên cứu bản chất vấn
đề từ cấp độ thực tiễn đến lý luận. Và có khi ngược lại, từ lý luận đến thực tiễn
bằng tư duy biện chứng, tức là Phan Trọng Thưởng không cắt đứt và xét các giai
đoạn văn học kịch một cách biêt lập, đặc biệt là từ giai đoạn trước cách mạng
tháng Tám với giai đoạn sau cách mạng tháng Tám mà là đặt chúng trong một tiến
trình liên tục. Ông xem đó là hai giai đoạn/ hai thời kỳ của một dòng chảy thống
nhất, nhân quả và biện chứng lẫn nhau để tạo nên tiến trình thể loại kịch văn học
Việt Nam cho đến ngày nay. Đó chính là cảm quan khoa học chính xác và biện chứng
– lịch sử mà không phải ai cũng nhận thấy, nếu không muốn nói rằng, trước đây,
có người phiến diện đã không thấy giá trị của kịch Việt Nam giai đoạn trước
1945 đối với sự tiếp biến của kịch sau 1945 như thế nào, nhất là ở góc nhìn đặc
trưng thể loại. Vỉ vậy mà trong tổng luận: Tổng quan tiến trình văn học kịch
Việt Nam nửa sau thế kỷ XX (Những vấn đề lý luận và lịch sử), Phan Trọng
Thưởng đã nhận ra những phiến diện ấy: “Sở dĩ như vậy là vì từ trước tới nay,
khi nghiên cứu tiến trình văn học hiện đại nói chung, tiến trình kịch nói
riêng, không ít tác giả đã xem cái mốc lịch sử năm 1945 như một nhát cắt chia
tiến trình văn học trước và sau đó thành hai giai đoạn biệt lập hoàn toàn, gần
như không có sự chuẩn bị, chuyển tiếp hay kế thừa nào, trong đó, cái nhìn đối với
lịch sử văn học trước 1945 ở khá nhiều trường hợp cho thấy không ít định kiến,
dẫn tới thiếu khách quan và thiếu chuẩn xác về mặt khoa học; còn văn học từ
1945 trở đi thường lại được nhìn nhận, đánh giá theo một định kiến khác, khiến
cho không ít trường hợp các ý kiến trở nên bất cập, thiếu biện chứng lịch sử và
văn học, do vậy cũng xa với chân lí” (tr. 163). Tác giả khẳng định: “Đánh giá
đúng mức thành tựu kịch trước Cách mạng do vậy không chỉ có ý nghĩa phương pháp
luận mà còn có ý nghĩa khoa học ở chỗ chỉ có thể lí giải được những đặc điểm,
những khác biệt của kịch các giai đoạn sau khi nhìn thấy một cách đầy đủ, thấu
đáo những liên hệ biện chứng của nó với kịch giai đoạn trước” (tr.165).
Từ thực tiễn lịch sử văn học kịch Việt Nam, tiếp tục các công
trình chuyên sâu trước đó của mình, Phan Trọng Thưởng đã tiến hành nghiên cứu kịch
văn học Việt Nam thế kỷ XX ở những mặt bổ sung và những mặt mới với các mốc
chính có tính bước ngoặt, tạo ra diễn trình văn học kịch Việt Nam ở cấp độ tổng
quan và cấp độ cụ thể. Ở cấp độ tổng quan, có các tiểu luận Tổng quan tiến
trình văn học kịch Việt Nam nửa sau thế kỷ XX (Những vấn đề lý luận và lịch sử),
Văn học kịch thời kỳ 1975-1985 và những vấn đề xã hội hậu chiến, Những dấu
hiệu đổi mới và thành tựu của kịch giai đoạn 1945-1954. Ở cấp độ cụ thể,
có các bài viết sâu về chân dung các nhà viết kịch, đặc biệt là những tác giả
trước các mạng tháng Tám như: Nhìn nhận thêm về vị trí của Vũ Đình Long
(1896-1960) trong lịch sử văn học, Vị trí của Vi Huyền Đắc (1899-1976) trong lịch
sử phát triển của kịch Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, Hiểu thêm về Đoàn Phú Tứ
(1910-1989), Đào Hồng Cẩm (1924-1990) – nhà viết kịch quân đội…Đó là những kết
quả khảo sát và khảo cứu toàn diện về thể loại và tác gia kịch văn học Việt Nam
thế kỷ XX, có một phần vắt qua những năm đầu của thể kỷ XXI.
Nhìn chung, ở phần 2 của công trình, Phan Trọng Thưởng đã tỏ
ra tâm huyết và mẫn cảm, khách quan khi nhìn nhận và đánh giá diện mạo văn học
kịch Việt Nam một cách khoa học, xuất phát từ thực tiễn để đúc rút thành lý luận
và từ lý luận để soi rọi vào thực tiễn để thấy những thành tựu và hạn chế cụ thể
trong từng bối cảnh của nó. Vì vậy mà mối quan hệ giữa hiện thực - tác giả
- độc giả/ khán giả luôn được dẫn dắt và minh định sáng rõ, giúp người đọc
thấy được “những bước thăng trầm” của văn học kịch Việt Nam qua từng thời kỳ và
giai đoạn là một thực tế sinh động, có điều kiện. Qua đó, thấy được mối quan hệ
giữa chủ thể sáng tạo và khách thể thẩm mỹ luôn được diễn ra trong tính quy luật
của nó, dù không phải không có những so le, bất cập trong những thời khoảng nhất
định, do tác động của nhiều yếu tố, nhiều thiết chế chủ quan và khách quan.
Nhưng nhìn chung cả tiến trình thì kịch diễn ra hợp quy luật, xét từ thể loại đến
thể tài; từ chủ đề, đề tài đến phương thức biểu hiện; từ thị hiếu đến quan niệm;
từ phương thức/ phương tiện thô sơ đến yêu cầu chính quy, hiện đại; từ ngôn ngữ
đến diễn xuất, từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp; từ dân tộc đến quốc tế; từ truyền
thống đến hiện đại; từ hình tượng đến tư tưởng; từ khu vực đến vùng miền… Những
vấn đề nói trên đều được Phan Trọng Thưởng giải quyết và nghiên cứu một cách
bao quát, thấu đáo, thuyết phục, để giúp người, đặc biệt là người đọc chuyên
sâu nhận thức và đồng sáng tạo.
Vấn đề vai trò, vị trí của từng nhà viết kịch, đặc biệt là
các nhà viết kịch tiên phong giai đoạn trước cách mạng tháng Tám như Vũ Đình
Long, Vi Huyền Đắc, Đoàn Phú Tứ… được Phan Trọng Thưởng đánh giá khách quan, hợp
lý, làm hiển minh công lao và sự nghiệp của họ trong lịch sử văn học kịch Việt
Nam với những nhận định chan xác và mới mẻ trên tinh thần nhận chân khách quan
các giá trị vốn có của họ.
Tóm lại, từ cái nhìn xuyên thế kỷ, Phan Trọng Thưởng đã minh
xác vấn đề có tính triết – mỹ rằng, kịch Việt Nam nửa sau thể kỷ XX đã tiếp biến
kịch Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX và phát triển trong từng hoàn cảnh đặc biệt để
phù hợp với nhu cầu của cuộc sống và công chúng cũng như nhu cầu của chính thể
loại để làm nên tiến trình văn học kịch cả nước với những hiệu quả tích cực của
nó: “Nhìn lại chiều dài ngót một thế kỉ vận động và phát triển của kịch, bằng
chính những tiến bộ về mặt thể loại, kịch đã có những vị thế mới trong tiến
trình văn học nghệ thuật để đến khi thống nhất đất nước, nó phá vỡ được ranh giới
vùng miền, phát huy ảnh hưởng vào các tỉnh và thành phố phía Nam, tạo ra một diện
mạo mới cho kịch nửa sau thế kỉ” (tr.198).
Công trình Thẩm định các giá trị văn học của Phan
Trọng Thưởng dù là tập hợp những bài viết trong những thời khoảng khác nhau, trải
rộng trên nhiều vấn đề, nhiều đối tượng nghiên cứu, nhưng đã thể hiện tính giá
trị chỉnh thể của nó ở các mặt bản chất của lý luận văn học và lịch sử văn học
một cách bao quát, khách quan và khoa học, thông qua nhãn quan nhạy bén và tư
duy đổi mới. Tác giả đã từ thực tiễn của văn học – văn hóa để nỗ lực nhận chân
các giá trị chuẩn xác của từng lĩnh vực, từng yếu tố tham gia cấu thành tác phẩm
văn học và từng bộ phận hợp thành của Khoa nghiên cứu văn học để thấy sự vận động
và phát triển của chúng theo chiều hướng tích cực, hợp quy luật, có phá và
thay; có phủ định và kế thừa, có phát huy và phát triển trên cơ sở lịch sử - xã
hội, cơ sở tư tưởng và cơ sở nghệ thuật của từng giai đoạn cụ thể. Những vấn đề
đó được tác giả công trình luận giải với một văn phong luận lý chặt chẽ, thể hiện
tinh thần nỗ lực để tiếp cận chân lý một cách khách quan, biện chứng để lật trở
vấn đề trên tinh thần đổi mới tư duy, trong bối cảnh giao lưu và hội nhập với
khu vực và quốc tế.
H.T.H
NGƯỜI ĐO CHIỀU KÍCH VĂN CHƯƠNG
TRÊN SÀN SÂN KHẤU
Nguyễn Đình Vĩnh
Tiếp xúc với Phan Trọng Thưởng, dễ gần là cảm giác đầu
tiên mà mọi người nhận thấy ở anh. Bạn văn, bạn bè của anh nhiều có lẽ một phần
cũng vì thế. Khi giao tiếp, dù lí do gì, anh cũng ít làm khó cho người. Trong
các cuộc vui, anh có thể ngồi hàng giờ để nghe ngóng, đôi khi lại chen dậm để
góp tạo những tiếng cười.
Sinh năm 1951 tại Ngọc Mỹ, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc, nhưng
duyên nợ cuộc sống đã cho anh đến được với nhiều nơi. Nhập ngũ tại Quân khu Tả
Ngạn những năm 1972-1975, làm biên tập ở Nhà xuất bản Khoa học xã hội (1978-1981),
thực tập sinh ở Viện Văn học thế giới Gorky thuộc Viện hàn lâm khoa học
Liên Xô (cũ) và sau đó là việc tham gia qua nhiều công việc, chức vụ từ thấp đến
cao ở Viện Văn học Việt Nam. Sự từng trải ấy đã cho anh ý thức chấp nhận nhiều
tiếng nói, nhiều giọng điệu khác nhau, trong lúc bàn về thế sự và cả khi
tranh luận về văn chương nghệ thuật.
Trong nghiên cứu, Phan Trọng Thưởng là một người cẩn trọng và
có chủ kiến rõ nét. Anh luôn tự dặn với lòng mình về tính nghiêm túc và tinh thần
cầu thị. Tiếp cận với một nhà văn, nhà nghiên cứu (từ cuộc sống hoặc từ một tác
phẩm, một công trình cụ thể), anh luôn ý thức đi tìm để chỉ ra cái tâm thuật và học
thuật ở họ. Bởi theo anh, khoa học xã hội dẫu có những tính phổ quát
chung, nhưng sự đóng góp của mỗi người thì bao giờ cũng xuất phát từ những điều
cụ thể, những nét đặc thù riêng.
Anh soi nhìn quá khứ với sự trân trọng, từ cách xưng hô, tiếp
xúc với tư cách con người ngoài đời lẫn trong cách đánh giá văn chương học thuật.
Trong tâm niệm của anh, quá khứ không im tiếng. Tiếng nói của quá khứ vẫn cứ
theo từng người trên bước đường của họ. Đầu mỗi bài viết, anh hay tự bạch về hướng
tiếp cận và khu vực tư liệu mà mình chiếm lĩnh được đồng thời cũng trải bày những
hồ nghi. Với những gì chưa chắc chắn, anh hay dùng những cụm từ có tính phiếm
chỉ như phải chăng, nên chăng, cólẽ....Điều này, một phần giúp tránh những
tranh luận không cần thiết và những nhà nghiên cứu khác có thể từ đó mà trao đổi,
bổ khuyết thêm. Phần khác, quan trọng hơn, nó thể hiện thái độ thận trọng trước
những vấn đề còn tồn nghi, trước ý thức rằng chân lý khoa học luôn mãi diệu vợi
nơi phía trước, mà nắm bắt một lần chưa dễ đã đúng, đã xong.
Cho đến nay, Phan Trọng Thưởng đã có ba công trình
riêng Giao lưu văn học và sân khấu (1996), Những vấn đề lí luận
và lịch sử văn học kịch việt Nam nửa đầu thế kỷ XX (1996); Văn chương-tiến
trình, tác giả, tác phẩm (2001). Anh cũng có trên mười công trình in chung
và gần trăm bài viết trên các tạp chí chuyên ngành. Những số liệu ấy chứng tỏ sự
cần mẫn và nhiệt tâm của một nhà nghiên cứu trên chặng đường dài.
Phan Trọng Thưởng là người quan tâm tới nhiều vấn đề của đời
sống văn học.Tôi cho ý thức này vừa là do cảm quan tinh nhạy ở anh vừa là do tư
duy của người một thời từng làm công tác biên tập, có điều kiện được nắm bắt,
tiếp xúc nhiều và thấy được những điểm trống cần bổ sung trong đời sống văn học.
Anh quan tâm đến chất quê “nửa núi nửa quê, tình mộc mạc” trong thơ Ngô Văn
Phú, đến “sự mượt mà trong sáng, sự nhuần nhuyễn của cảm xúc” trong thơ Tạ Minh
Châu, đến “nỗi lao lung của hồn thơ Lưu Quang Vũ”, quan tâm đến phóng sự Việt
Nam giai đoạn 1932-1945, tiếng cười ở truyện tiếu lâm...Dưới góc nhìn ngôn ngữ,
anh nghiên cứu và biện giải khá thuyết phục về sự xuất hiện và các tầng lớp
nghĩa của chữ Nhưng trong văn Nam Cao, cụ thể trong các tác phẩm Chí
Phèo, Trăng sáng, Đời thừa, Lão Hạc, Dì Hảo, Sống mòn. Anh ủng hộ việc các
nhà nghiên cứu đề xuất chức năng dự báo của văn nghệ, bởi theo anh,
người nghệ sĩ trước hết cũng là công dân bình thường như bao công dân khác. Điều
khác biệt là ở khả năng mẫn cảm của họ. Khả năng đó như dàn ăngten sóng luôn tự
thu nhận những biểu hiện thay đổi của thời cuộc, tâm hồn. Anh cũng là người sớm
có những thu hoạch và giới thiệu phương pháp loại hình ở nước ta
(Cùng thời và sau anh có những công trình của Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn,
Nguyễn Khắc Phi...) Anh ý thức giới thiệu về lịch sử hình thành, đối tượng, mục
đích, nguyên tắc phân định của phương pháp này và sau đó chỉ ra những thành tựu
và sự phủ nhận nó trên phạm vi thế giới và cụối cùng nhận xét: “Vận dụng và
hoàn thiện phương pháp loại hình trong nghiên cứu văn học đánh dấu bước phát
triển mới của tư duy lý luận nhằm khái quát sắc nét hơn những hiện tượng văn học,
nắm bắt sâu sắc hơn những quy luật vận động và phát triển của tiến trình văn học”(1).
Phương pháp loại hình đặt nặng sự so sánh nhưng nó có nhiều khác biệt so với
phương pháp so sánh thuần túy. Phương pháp này không nhằm tìm ra những nét giống
nhau do những liên hệ bên ngoài như vay mượn, ảnh hưởng, kế thừa mà tìm ra những
liên hệ bên trong, xuất hiện do tác động của những quy luật xã hội và thẩm mĩ,
của bản thân tiến trình văn học, và do tác động của mối quan hệ biện chứng giữa
thực tại lịch sử, xã hội và sáng tạo văn học.
Vấn đề tiếp nhận văn học cũng được Phan Trọng Thưởng đề
cập đến khá nhiều khi bàn luận về sự tồn tại và lan tỏa của một tác phẩm. Anh
có những khái quát khá xác đáng: “Đa nghĩa là thuộc tính của tác phẩm nghệ thuật.
Với người này, vào hoàn cảnh này thì nghĩa này nổi lên, với người khác, vào
hoàn cảnh khác thì nghĩa khác sẽ nổi lên. Song khâu quyết định nghĩa của tác phẩm
chính là hoàn cảnh, là tình huống sẽ cho trường nghĩa hoạt động thông qua khâu
khách thể tiếp nhận”(2). Khi nhìn nhận sự phát triển văn học Việt Nam trong điều
kiện chiến tranh 1945-1975 anh đề nghị phải xuất phát từ những điều kiện làm nảy
sinh, những quy luật có tính chl phối sự vận động và phát triển của giai đoạn
văn học ấy. Để rồi, anh cho rằng đặc điểm quan trọng nhất, bao trùm nhất của
văn học giai đoạn chiến tranh 1945- 1975 là tính duy lợi (nghĩa là gắn
đời sống văn học với đời sống kháng chiến của dân tộc, gắn tiêu chuẩn văn học
thời chiến với tiêu chuẩn đạo đức thời chiến). Đặc điểm này bao trùm toàn bộ đời
sống văn học từ sáng tác đến lí luận phê bình. Nó xuất hiện như một nhu cầu tự
giác đối với nhà văn và nhu cầu tự giác đối với lịch sử văn học”. Bài viết Cuối
thế kỷ nhìn lại việc nghiên cứu, đánh giá văn chương Tự lực văn đoàn được
anh vận dụng lí thuyết tiếp nhận cặn kẽ hơn cả. Với nguồn tư liệu chiếm lĩnh
khá phong phú, với cách phân chia cột mục và nhìn nhận theo tiến trình, bài viết
đã xác lập được tính hệ thống và lí giải được nguyên nhân vì sao các nhà nghiên
cứu (trong từng thời đoạn cụ thể) đã đưa ra những nhận định, đánh giá như thế
này mà không như thế khác.
Nhưng có lẽ, dấu ấn hơn cả trong quá trình nghiên cứu của
Phan Trọng Thưởng là những bài viết về mối giao lưu giữa văn học và sân khấu.
Hướng nghiên cứu này cũng đã từng được nhiều học giả lớn trên thế giới như
Konrat, Niculin, Tieghem thực hiện và cho lại những kết quả cụ thể khá thuyết
phục.
Đặt tuồng-chèo trong dòng mạch văn hóa, Phan Trọng Thưởng muốn
xác lập cho hai thể loại này một vị thế nhất định bởi theo anh tuồng, chèo được
tạo ra theo quy trình sáng tạo văn hóa, để chuyển tải và nuôi dưỡng giá trị văn
hóa. “Thực tế cho thấy, từ bao đời nay, tuồng chèo trở thành niềm đam mê tinh
thần, thành kí ức văn hóa của nhiều thế hệ công chúng. Nỗi đam mê đó không chỉ ở
nội dung tuồng tích mà có lẽ bởi hồn vía dân tộc được thổi vào mỗi làn điệu, mỗi
tiết tấu mỗi sắc màu và mỗi đêm diễn. Cao hơn cả mục đích đi xem và đi nghe, mỗi
công chúng còn đến với sân khấu tuồng chèo như một sự can dự trực tiếp vào sinh
hoạt văn hóa, một thái độ nhập cuộc tích cực vào tập quán văn hóa cộng đồng”.(4) Nghiên
cứu cụ thể hơn các vở tuồng cụ thể của Đào Tấn trên cơ sở liên văn bản, Phan Trọng
Thưởng đã tìm thấy Ra đi như một phẩm chất nghệ thuật, như một dấu ấn
tư tưởng của tác giả này. Sự ra đi xuất hiện trong nhiều vở tuồng của Đào Tấn
(Từ Thứ trong Tán dã đồn, Triệu Khánh Sanh trong Diễn võ đình, Quan
Công trong Cổ thành, Tiết Cương trong Hộ Sanh đàn, Hoàng
Phi Hổ trong Hoàng Phi Hổ quá giới bài quan... ) và nó gắn
với một nội dung ý nghĩa nhất định. Đối với nhân vật là hoàn cảnh để bộc lộ
tính cách, bộc lộ nỗi niềm. Còn đối với tác giả thì đó là sự kiện thể hiện quá
trình tư tưởng và chủ kiến sáng tác của mình. Sự ra đi đó góp phần tạo dựng
nhân vật theo mô hình tâm lí và lối kết để ngỏ. Trao đổi với nhà nghiên cứu Lê
Ngọc Cầu về cuốn Tuồng hài, Phan Trọng Thưởng đã nhấn mạnh ý nghĩa
khoa học to lớn của công trình này trong việc mở đường tìm lại quá khứ và cũng
thẳng thắn góp ý lại những điểm còn bất cập, chẳng hạn sự phân biệt Tuồng cổ điển
và Tuồng hài của tác giả cuốn sách dựa vào nền tảng nhận thức của hành động
nhân vật là chưa hợp lý. Theo anh, điểm khác nhau căn bản, cũng đồng thời là đặc
trưng thể loại của Tuồng hài chính là sự thống trị của cái hài trong vở diễn.
Ngược lại, Tuồng cổ điển là sự thống trị của tính chất bi hùng. Cũng vậy, anh
trân trọng những đóng góp của Trần Huyền Trân cho chèo. Chân dung nhà thơ, nhà
diễn kịch, đạo diễn chèo Trần Huyền Trân được anh thể hiện khá cụ thể qua cả việc
nghiên cứu từ tác phẩm, theo dõi trên sàn sân khấu và trao đổi trong cuộc đời.
Cũng vì nhiệt tâm muốn bảo tồn di sản cha ông, và từ cái nhìn của hướng nghiên
cứu loại hình mà anh không đồng ý với ý kiến cho rằng chèo có nguồn gốc từ
Trung Quốc. Anh cũng bộc lộ một cách rõ nét cảm xúc không đồng tình của mình
khi xem một số vở chèo mà “vũ đạo không ăn với hát, hát không ăn với nhạc...".
Văn học kịch là thể loại mà Phan Trọng Thưởng tập trung nhiều
bài viết hơn cả. Và đây cũng là lĩnh vực chuyên ngành để anh bảo vệ xuất sắc Luận
án tiến sĩ văn học Những vấn đề lịch sử văn học kịch Việt Nam nửa đầu thế
kỉ XX vào năm 1995 và năm sau đó trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
(1997), rồi được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư (2001). Đặt trong dòng lịch
sử và văn hóa đầu thế kỷ XX, trong công trình để đời nói trên, Phan Trọng Thưởng
chỉ ra sự hình thành của thể loại kịch nói ở Việt Nam bắt nguồn từ những tương
quan sau:
- Trong tương quan văn hóa Đông-Tây, sự ra đời của kịch là kết
quả ảnh hưởng mạnh mẽ văn hóa phương Tây đối với văn hóa phương Đông; - Trong
văn minh làng xã và văn minh đô thị, kịch thuộc về văn minh đô thị; -
Trong tương quan giữa nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật hiện đại, kịch nói-
với khả năng thẩm mỹ của mình, thể hiện được những vấn đề gay cấn bức bối, những
xung đột đạo đức tâm lý... đáp ứng được nhu cầu của đại đa số công chúng đô thị
lúc bấy giờ. Phan Trọng Thưởng sau khi chỉ ra những khác biệt của kịch so với
các loại hình sân khấu truyền thống đã cho rằng: “Thông qua nhiều con đường, kịch
nói vào nước ta không vấp phải sức cản nào của thể loại tương tự trong truyền
thống. Tuy nó có tao ngộ với tuồng, chèo vốn là hai loại hình ca kịch vốn đã có
trước đó hàng chục thế kỷ, nhưng do nó là một thể loại khác hẳn, dường như
không có những mối liên hệ quyến thuộc, nên nó không đòi hỏi phải phủ định, phải
thay thế hai loại hình này mà trái lại, nó đặt ra cho tuồng chèo yêu cầu thay đổi,
cách tân để cùng tồn tại, cùng đáp ứng yêu cầu của cuộc sống”.(5)
Quan tâm đến kịch, Phan Trọng Thưởng đã chỉ ra những khác biệt
giữa kịch bản văn chương và kịch sân khấu. Theo anh, về phương thức tiếp nhận,
một bên là đọc, một bên là nghe nhìn; về môi trường tiếp nhận, một bên là độc lập
tiếp nhận và một bên là tiếp nhận tập thể; về trạng thái tiếp nhận, một bên là
chủ động tiếp nhận, một bên là tiếp nhận có phản ứng dây chuyền. Xét từ góc độ
chủ thể sáng tác, kịch văn chương là sáng tác của một cá nhân, chịu sự chi phối
của quy luật sáng tác văn chương, còn kịch sân khấu là sáng tác mang tính tập
thể, ở đó, có sự góp sức của đạo diễn, diễn viên và nhiều yếu tố mang tính phụ
trợ khác. Hiểu những điều này để có thể giải thích vì sao có hiện tượng nhiều
tác phẩm khi đọc thấy rất hay, rất thích thú nhưng khi đưa lên sàn diễn thì lại
không thành công; vì sao có những tác phẩm mà chỉ có những đạo diễn bậc thầy mới
có thể chuyển thể lên sân khấu được, như vở Rừng trúc của Nguyễn Đình
Thi, vở Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng chẳng hạn.
Phan Trọng Thưởng cũng vẽ lại con đường thành danh của những
nhà viết kịch Xuân Trình, Học Phi, Nguyễn Vũ, Bửu Tiến. Với Xuân Trình, từ những
thất bại khi chỉ viết những vở kịch với ý thức mô phỏng cuộc sống thuần túy, đến
cái nhìn thức tỉnh sau khi được thâm nhập thực tế qua chuyến đi vào tuyến lửa
Vĩnh Linh. Với Học Phi, đó là sự từng trải của tuổi đời, tuổi nghề, của sự thể
nghiệm ngòi bút qua nhiều thể loại truyện ngắn, truyện dài, của lòng yêu nhiệt
thành với Cách mạng và Đảng. Ở Nguyễn Vũ thì đó là những tháng năm gắn bó, thâm
nhập nơi chiến trường Nam Bộ để rồi, bao trùm trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác
của anh là khát vọng chiếm lĩnh, khám phá và thể hiện quy mô thẩm mỹ của thực tại
Cách mạng miền Nam trong những năm chống Mỹ. Còn Bửu Tiến thì có phần khác, quá
trình tích luỹ tri thức từ nhỏ, sự nắm bắt kỹ đời sống của lớp trí thức tiểu tư
sản, quá trình tham gia kháng chiến và sau đó là tham gia Ban sân khấu của Hội
văn nghệ, đã cho anh có cả cái nhìn của người ngoài lẫn trong cuộc. Kịch của Bửu
Tiến có ngôn ngữ trau chuốt, nghệ thuật cấu trúc hợp lý một phần cũng nhờ thế.
Lưu Quang Vũ là tác giả được Phan Trọng Thưởng quan tâm nhiều,
và theo tôi, có những khám phá hay, thú vị nhất. Có lẽ một phần do cùng trang lứa,
do đã quen nhau trong những năm Lưu Quang Vũ còn làm thơ, viết văn, viết báo và
phê bình sân khấu. Nhưng quan trọng hơn, bởi Lưu Quang Vũ là một hiện tượng
trong đời sống văn hoá, văn học trong những năm tám mươi của thế kỷ trước. Ở
hai cuốn sách của mình, Phan Trọng Thưởng tuyển chọn có đến gần chục bài anh viết
về Lưu Quang Vũ, từ cái nhìn tổng thể đến phê bình từng tác phẩm riêng lẻ. Giải
thích về thành công của Lưu Quang Vũ, Phan Trọng Thưởng cho rằng cần phải soi rọi
từ những góc nhìn xã hội học, nghề nghiệp sân khấu, chủ thể nghệ sĩ...
Nhưng đặc biệt nhất là ở cá tính sáng tác của nhà văn, bởi Lưu Quang Vũ có may
mắn vừa được tiếp thu ảnh hưởng của môi trường gia đình vừa được tiếp thu ảnh
hưởng từ môi trường công tác. Song cái quan trọng nhất ở anh là ý thức nhà văn,
là vốn học tập tích luỹ, là khả năng lao động, khả năng đồng hoá thực sự. Từ sự
phân tích quan niệm của Lưu Quang Vũ rằng thơ và kịch tưởng xa nhau nhưng lại gần
nhau vì cả hai cùng là tính chất của cuộc sống, cùng để nói một điều gì đó đã
được cuộc sống dồn lắng, chắt lọc rồi, mà Phan Trọng Thưởng đã có những phát hiện
khá thú vị. Đó là kịch của Lưu Quang Vũ giàu chất thơ. Và đây là một đặc điểm lớn,
chi phối đến nhiều yếu tố trong quá trình sáng tác kịch của anh. Qua nghiên cứu,
Phan Trọng Thưởng đã cho thấy kịch của Lưu Quang Vũ tập trung vào đề tài hạnh
phúc và lẽ sống của con người, có không gian và thời gian nghệ thuật khá đa dạng-
đó là không gian mặt đất, âm phủ, bầu trời, cả không gian tưởng tượng của người
mù; thời gian là cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Thế giới trong kịch Lưu
Quang Vũ khá đa dạng, có đủ các hạng người sống cạnh nhau: người tốt, người
chưa tốt, người sống-người chết, người già- người trẻ, người lành lặn-người
thương tật, người bình thường-người phi thường... Và rất nhiều khi, trong một
người có cả các hạng người, sự nghiêng về kiểu dạng này hay kiểu dạng khác là
do quá trình đấu tranh không ngừng nghỉ trước những thách thức xuất hiện liên tục
ở hoàn cảnh và tâm thức của mình. Chính chất thơ thấm đẫm nên trong kịch Lưu
Quang Vũ ít có tính chất gay gắt của xung đột, cấu trúc ít bị gò bó vào những
quy phạm. Cũng chính chất thơ thấm đẫm nên lời của nhân vật được phát ngôn đôi
khi nhẹ nhàng nhưng nội hàm nghĩa lại sâu lắng và giàu tính triết lý.
Quan tâm đến văn học kịch, Phan Trọng Thưởng không quên chú ý
đến những đạo diễn, những người mà theo anh, đã gởi hồn và thổi luồng sinh khí
để cho những trang sách được sống động trên sàn sân khấu. Đó là Thế Lữ, một thời
là ngôi sao chủ trên bầu trời Thơ mới, bỗng chuyển dòng hoạt động vì nhận thức
“kịch trường Việt Nam vẫn còn tẻ lạnh” và ý thức dấn thân để tạo dựng những điều
mới mẻ. Đó là Hoàng Quân Tạo, với sự từng trải của một thời gian dài làm diễn
viên, những năm tháng được tu nghiệp tại Hungari và ý thức chọn lựa, đưa tác phẩm
văn học lên sàn diễn. Đó là nghệ sĩ Ái Sơn, với con đường nghệ thuật vòng vèo
nhiều duyên nợ, sinh ra trong cái nôi của nghệ thuật chèo, làm đạo diễn tuồng,
rồi kịch và cuối cùng là cải lương. Đó là Nguyễn Đình Nghi với tư chất nghệ sĩ
và quá trình học tập khá bài bản, sự dấn thân cho nghệ thuật sân khấu và ý thức
trù lượng khi làm nghệ thuật...
Nghiên cứu văn học nghệ thuật trong cái nhìn đối sánh giữa
tác phẩm ở dạng thể văn bản viết và chuyển thể lên sân khấu đòi hỏi một sự nhập
cuộc lớn. Trước hết người nghiên cứu phải tự trang bị cho mình những hiểu biết
có tính nền tảng về nhiều loại hình nghệ thuật. Sau nữa là việc phải dự khán để
đưa ra những bình xét về sự hiện hình của tác phẩm trên sàn sân khấu. Có phải
vì những lí do đó mà số người nghiên cứu văn học nghệ thuật theo hướng như vậy
ngày một thưa vắng dần. Hiểu điều này tôi càng trân trọng những gì mà Phan Trọng
Thưởng đã đóng góp.
N.Đ.V
__________
(1), (2) Phan Trọng Thưởng- Giao lưu văn học và sân khấu, NXB
Vãn học, H.1996, Tr 23.
(3) Phan Trọng Thưởng- Giao lưu văn học
và sân khấu, NXB Vãn học. H.1996, Tr 67.
(4) Phan Trọng Thưởng- Văn chương- tiến
trình, tác giả, tác phẩm, NXB Khoa học xã hội, H.2001, Tr 258.
(5) Xem thêm Phan Trọng Thưởng- Những vấn đề
lịch sử văn học kịch Việt Nam (nửa đầu thế kỷ XX), NXB Khoa học xã hội,
H.1996.
B - MỘT SỐ TÁC PHẨM TIÊU BIỂU
TINH THẦN NHẬN CHÂN CÁC GIÁ TRỊ
CỦA THẾ KỈ XX
Thế kỉ XX đã qua đi. Trong khi nhân loại chưa hết sửng sốt về
những phát kiến khoa học vĩ đại làm thay đổi căn bản thế giới thì cũng không ít
người, nhất là các nhà khoa học, không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến các tên tuổi
như: Albert Einstein (1879-1945), Sigmund Freud (1856-1939) và xa hơn là Gregor
Johann Mendel (1822-1884) bởi thái độ hoài nghi đến mức bất công đối với phát
minh của họ lúc mới ra đời. Đã có nhà khoa học xem đó là những trường hợp bị
"hố" của thế kỉ XX và lấy làm ăn năn về những điều chưa phải đối với
các nhà bác học khả kính của thời đại mình.
Vào năm 1905, khi Thuyết tương đối của A.Einstein
được công bố, không ít nhà bác học đương thời đã lớn tiếng bài bác, nghi ngờ.
Có những nhà khoa học từng nhận giải Nobel vật lí trước đó đã phẫn nộ phản đối
Uỷ ban Stokholm về việc Uỷ ban này quyết định trao giải Nobel vật lí cho
A.Einstein. Về phía mình, một mặt A.Einstein chân thành đề nghị nhà bác học vĩ
đại tiền bối I.Newton tha thứ vì lí thuyết của ông đã mang đến một quan niệm
ngược lại với lí thuyết của I.Newton về không gian và thời gian. Mặt khác,
A.Einstein vẫn lặng lẽ chờ đợi một ngày nào đó, những ngờ vực, mặc cảm đối với
phát minh của ông sẽ được giải toả. Và rồi, không phải mất nhiều thời gian, chỉ
ngay sau đó ít năm, thế giới phải thừa nhận ông là "nhà bác học vĩ đại nhất".
Tương tự như vậy, khi thuyết Phân tâm học của S.Freud ra đời, người
ta coi ông chẳng khác một anh chàng dở hơi, thậm chí như một thằng điên và
không ngớt lời mỉa mai, châm biếm, giễu cợt. Phải lay lắt mất 8 năm, quyển sách
in với số lượng 600 bản của ông mới bán hết, chủ yếu do tò mò. Không biết có phải
vì mối đồng cảm này mà hai nhà bác học vĩ đại A. Einstein và S. Freud đã viết
chung với nhau cuốn sách mang tên Tại sao có chiến tranh vào năm
1933?
Còn G. Mendel, tuy ông thuộc người của thế kỉ trước và phát
minh của ông ra đời ở thế kỉ trước, nhưng phải sang đến thế kỉ XX, Thuyết
di truyền của ông mới thoát khỏi sự thờ ơ, ghẻ lạnh của người đời cũng như
của các nhà khoa học, mới được thừa nhận là đúng và mới tìm được chỗ đứng của
nó trong lịch sử khoa học nhân loại.
Nếu đi sâu hơn vào từng lĩnh vực khác nhau của khoa học còn
có thể tìm ra nhiều ví dụ tương tự. Chẳng hạn, sự ra đời của điều khiển học, tưởng
là một phát kiến khoa học mà nhân loại phải vồ vập thì vào đầu những năm 60, ở
một số nước nó cũng không phải là một thành tựu khoa học được đánh giá đúng mức.
Thái độ đó dẫn đến sự lạc hậu hàng mấy thế hệ trong lịch trình phát triển công
nghệ.
Trên lĩnh vực văn chương, hẳn ai cũng biết nếu những sáng tác
của Franz Kafka (1883-1924) không may mắn được một người bạn giữ lại và đưa in
thì cũng đã trở về với tro bụi theo ý nguyện của thân chủ nó, làm gì có cơ hội
để được nhân loại biết đến như ngày nay? Boris Pasternak (1890-1960) còn đau đớn
và oan trái hơn. Khi cuốn tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago được in ở Italia
và sau đó được Viện Hàn lâm Thuỵ Điển trao Giải Nobel văn chương vào năm 1958
thì cũng là lúc ông phải đối mặt với những định kiến chính trị nặng nề, và một
chuỗi ngày u ám đã đến với ông trước khi ông được Hội nhà văn Liên Xô chiêu tuyết
để đưa lên hàng thế giới như một danh nhân.
Andre Platonov (1899-1951) cũng là một trường hợp tương tự.
Nhưng bất hạnh hơn các đồng nghiệp của mình, cho đến lúc chết, Platonov vẫn
không nhận được sự hối hận và niềm ưu ái muộn mằn nào của những người định đoạt
số phận các sáng tác của ông. Chỉ riêng có C.Pautovski tỏ ra mẫn cảm khi
nhìn Platonov với vai trò người quét rác, đã sớm nhận thấy đó là một chân tài của
nước Nga. Phải đến gần cuối thế kỉ, khi công cuộc cải tổ ở quê hương ông được dấy
lên, người ta mới thấy Platonov tinh tường như thế nào. Hoá ra tất cả những gì
diễn ra trong đời sống xã hội Xô viết đương đại đã được ông tiên đoán và cảnh
báo từ những năm ba mươi của thế kỉ.
Điểm qua một vài hiện tượng như trên để thấy rằng thế kỉ XX
tuy được coi là thế kỉ tiến bộ vượt bậc của khoa học và văn minh nhân loại,
nhưng không phải khi nào các phát kiến vĩ đại, các tư tưởng lớn cũng tìm được
điều kiện thuận lợi để ra đời. Và không phải khi nào, nhân loại cũng dang rộng
vòng tay và có thái độ đón nhận tất hữu đối với những đứa con kiệt xuất của thời
đại mình. Vì vậy, các nhà bác học cũng như không ít những nhà văn, nhà tư tưởng
lớn không tránh khỏi có những lúc rơi vào trạng thái cô đơn do chính sự vĩ đại
của mình gây nên. Có lẽ đó là một trong số những lí do tạo nên cơ sở triết học
của chủ nghĩa hiện sinh với triết lí vừa có phần thâm trầm, vừa có phần
ảm đạm về thân phận con người trước một thế giới đang biến đổi mau lẹ và khó hiểu.
Song, cũng chính thế kỉ XX, bằng những phát kiến vĩ đại và những
sám hối chân thành, nhân loại đã tìm lại được không ít chân lí, trả lại được
không ít các giá trị đích thực cho cá nhân và cho sự phát triển tiến bộ của
khoa học, nghệ thuật nhân loại.
Trong bối cảnh thế giới như vậy, Việt Nam không phải là một
trường hợp ngoại lệ. Khác chăng là ở chỗ chúng ta ít có những dẫn chứng tiêu biểu
ở lĩnh vực khoa học tự nhiên, trong khi những dẫn chứng thuộc lĩnh vực khoa học
xã hội nhân văn và văn học nghệ thuật lại khá nhiều.
Trước hết là lĩnh vực sử học. Trong suốt thế kỉ XX, các nhà sử
học dường như cũng muốn theo gương Lê Thánh Tông giải oan cho Nguyễn Trãi nên
đã không ít lần tỏ ra muốn vượt qua định kiến của các sử gia phong kiến để định
luận lại công trạng và nhân cách của những nhân vật lịch sử như: Thập đạo tướng
quân Lê Hoàn, Thái hậu Dương Vân Nga, Thái sư Lê Văn Thịnh, Thái sư Trần Thủ Độ,
Hồ Quý Ly, Nguyễn Ánh v.v... Tuy cho đến nay, mọi tiếng nói còn đang dè dặt và
chưa thống nhất, nhưng tinh thần thế kỉ gần như đã mang lại những nhận thức mới
về các nhân vật lịch sử này. Có lẽ đó là cơ sở để những tác phẩm nghệ thuật
như Thái hậu Dương Vân Nga, Trần Thủ Độ, Bài ca giữ nước, Rừng Trúc v.v... và
gần đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly ra đời. Tuy đó là câu
chuyện ngược dòng lịch sử nhưng lại nằm trong xu thế kiểm định lại các nhân
cách, các giá trị quá khứ diễn ra vào thế kỉ XX. Ấy là chưa kể đến những vấn đề
lớn khác như các vấn đề về nguồn gốc tộc người, vấn đề xung quanh thời đại Hùng
Vương, vấn đề có hay không có chế độ chiếm hữu nô lệ ở Việt Nam? v.v... . Trước
các vấn đề này, chắc chắn cho đến khi kết thúc thế kỉ vẫn chưa tìm được câu trả
lời rõ ràng và dứt khoát. Song, ít nhất ở thế kỉ XX này, các nhà khoa học đã nhận
thấy từ trong quá khứ xa xưa của dân tộc mình không ít điểm còn có thể phản biện
được để tiếp cận dần tới chân lí. Với động cơ tìm kiếm trung thực, các nhà khoa
học đang nỗ lực để trả về cho mỗi sự kiện, mỗi nhân vật những sự thật vốn có,
những giá trị hiển nhiên. Tuy đó không phải là một công việc dễ dàng và không
phải trả giá, nhưng tư duy khoa học và tinh thần nhận chân các giá trị của thế
kỉ sẽ là đảm bảo vững vàng để các cuộc kiếm tìm đi đến đích.
Hẳn những người tha thiết với văn chương dân tộc còn nhớ vào
đầu những năm ba mươi của thế kỉ này, tác giả Thề non nước, đã nhận đòn
oan của Phan Khôi như thế nào. Vì nhiệt thành cổ súy cho Thơ mới, cho những tư
tưởng cách tân thi ca dân tộc, Phan Khôi đã xem Tản Đà như một trở lực của Thơ
mới, một đối tượng cần phải tấn công. Trong cái không khí cuồng nhiệt của một
cuộc cách mạng thi ca đang bắt đầu, thủ lĩnh tinh thần của Thơ mới đã đẩy Tản
Đà về bên kia chiến tuyến. Bị mang tiếng là thủ cựu, như không thể đảo ngược được
trào lưu bồng bột đang diễn ra trên thi đàn, Tản Đà tỏ ra ngậm ngùi, phản ứng yếu
ớt để rồi những Thề non nước, Giấc mộng lớn, Giấc mộng con... chịu lặng lẽ
khép nép trước những "mốt y phục" và giọng điệu tân kì của Thơ mới.
Cũng may là chỉ sau đó mười năm, khi tổng kết "cuộc cách mạng trong thi ca",
Hoài Thanh đã thay mặt những nhà Thơ mới thành kính đọc Cung chiêu anh hồn
Tản Đà với niềm cảm khái và không ít ân hận. Cả Lưu Trọng Lư - một chiến
tướng của Thơ mới cũng không khỏi bùi ngùi lúc Tản Đà nằm xuống, khi "nắp
quan tài đã đậy". Họ tỏ ra ăn năn, sám hối về những khu xử không phải
với tiên sinh. Họ thành thật thú nhận phải đến lúc đó, khi những xốc nổi, bồng
bột của một cuộc cách mạng qua đi, họ mới bình tâm trở lại để tỉnh táo nhận ra
rằng Tản Đà mới chính là người xứng đáng đứng vào hàng ngũ của họ: "Có
tiên sinh người ta sẽ thấy rõ chúng tôi không phải là những quái thai của thời
đại, những đứa thất cước không có liên lạc gì với quá khứ của giống nòi. Có
tiên sinh, tao đàn sẽ còn phảng phất chút bình yên trong tư tưởng, chút thích
thảng mà từ lâu chúng tôi đã mất" (Hoài Thanh - Một thời đại trong
thi ca).
Và rồi, như một quả báo, Thơ mới đến lượt bị tấn công. Tuy những
đóng góp của Thơ mới về một số phương diện như: thể cách, ngôn ngữ và những phẩm
chất cách tân theo hướng hiện đại của nó đã bước đầu được khẳng định, nhưng cái
"sướt mướt uỷ mị", cái tôi cá nhân chìm đắm trong hoan lạc yêu đương,
cái thái độ "thờ ơ trốn tránh thực tại" của các nhà thơ trước thời cuộc...
đã bị lên án. Thời đại mới với những phẩm chất cách mạng mới đã cuốn hút các
nhà Thơ mới trước đây vào một quỹ đạo khác. Trong dòng xoáy của cách mạng, thơ
ca kháng chiến với những phẩm chất mới, hơi thở mới đã ra đời khiến cho Thơ mới
mau chóng trở thành một sản phẩm ít được người ta nhắc đến. Ngay cả những người
đã sáng tạo ra nó, từng là chủ soái lừng lẫy một thời cũng ngập ngừng, e ấp
tuyên bố thái độ li khai với Thơ mới, li khai với "những đứa con tinh thần
lạc loài" của mình và ngoái nhìn lại nó như nhìn lại một thời lầm lỗi.
Trong suốt một thời gian dài, Thơ mới bị coi như một thứ tàn dư văn học cũ. Những
giá trị tích cực ẩn chứa trong đó cũng dần dần chìm xuống, không còn được người
ta tiếp nhận. Trong khi cái tiêu cực, cái có hại lại càng ngày càng tỏ ra có sức
ám ảnh đến nỗi hiện tượng thi ca lớn của thế kỉ chỉ còn là một quá khứ văn học
ít giá trị, chỉ được lưu giữ trong ký ức của một số ít người.
Thế rồi, lại cũng chính những biến chuyển mang tinh thần thế
kỉ XX đã trả Thơ mới về vị trí vốn có của nó trong lịch sử văn học dân tộc. Thơ
mới lại được in ra, được đánh giá lại với tinh thần khách quan, khoa học hơn.
Những luận điểm bất cập, cực đoan, thái quá đối với mặt này, mặt kia của Thơ mới
đã được điều chỉnh. Những người trước đây từng bằng cách này hay cách khác xa
lánh Thơ mới thì nay lại công khai nhận lại vinh quang của mình, công khai thừa
nhận ảnh hưởng của Thơ mới.
Cùng chung số phận với Thơ mới là văn chương lãng mạn nói
chung, văn chương Tự lực văn đoàn nói riêng. Đây cũng là một hiện tượng đáng
chú ý trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại. Trong gần bảy mươi năm kể từ khi
Tự lực văn đoàn ra đời (1932) đến nay, số phận của văn phái này đã trải qua những
bước thăng trầm. Suốt mấy thập kỉ, văn chương Tự lực văn đoàn và văn chương
lãng mạn đã chịu một sự phán quyết "nghiêm túc đến mức khắt khe" và
không kém phần nghiệt ngã. Trong khi phần đóng góp tích cực về nội dung và nghệ
thuật của văn phái này cho tiến trình hiện đại hoá văn học dân tộc chưa được
đánh giá đầy đủ và đúng mức thì phần hạn chế, tiêu cực lại bị nhấn mạnh, thậm
chí bị cường điệu đến mức làm lu mờ giá trị văn học khách quan của nhiều tác phẩm.
Cho dù, điều đó có lí do lịch sử của nó, nhưng muốn hay không vẫn không tránh
khỏi những thiên kiến chủ quan, những thành kiến cá nhân nặng nề, nhất là đối với
các hoạt động chính trị của một số tác giả trong văn phái đã khiến cho nhiều
giá trị văn chương đích thực bị bỏ qua, bỏ sót và các kết luận khoa học chưa đạt
đến độ chính xác, khách quan cần thiết.
Phải đợi đến những năm cuối cùng của thế kỉ XX, cơ may lịch sử
mới đến với văn chương Tự lực văn đoàn cũng như đến với một số hiện tượng văn
chương khác. Dưới ánh sáng của những tư tưởng đổi mới, những đóng góp và hạn chế
của văn phái này đã được nhìn nhận một cách điềm tĩnh, thấu đáo, khách quan
khoa học hơn. Cũng giống như thái độ của Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư đối với Tản
Đà trước đây, vào năm 1988, Giáo sư Trương Chính với ý thức phản tỉnh sâu sắc
đã viết: "Ngày nay, trong phong trào đổi mới tư duy, chúng ta thử nhìn lại
xem trong những điều viết về họ (Tự lực văn đoàn) đã thật thoả đáng chưa? Lịch
sử sang trang rồi. Sau bao nhiêu năm đấu tranh gian khổ, chịu đủ mọi thứ hy
sinh, chúng ta mới giành được độc lập hoàn toàn. Những nhà văn trong Tự lực văn
đoàn phần lớn đã là người thiên cổ. "Cái quan định luận", chúng ta có
thể trầm tĩnh hơn, không để một tình cảm nào kích thích làm cho cán cân trở nên
tròng trành, nặng mặt này, nhẹ mặt kia, dù muốn công bằng khách quan cũng không
công bằng khách quan được". (Tạp chí Văn học số 4/1988). Còn đây là lời
cảm khái của Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu), một thành viên sót lại của Tự lực văn đoàn:
"Ôi! Tự lực văn đoàn! Nay đã thuộc về dĩ vãng. Nhiều anh đã là người thiên
cổ... . Kể về công, anh em đã thực hiện được mục đích của đoàn, điều chính là
làm giàu thêm văn sản trong nước; đã có đóng góp đáng kể vào văn học Việt Nam,
tạo cho đoàn một tiếng tăm vang dội một thời, một thành tích mà các văn đoàn
khác ra đời sau không đạt được, một chân giá trị riêng trong một giai đoạn nhất
định mà giới văn học ngày nay và cả ngày mai phải công nhận" (Tạp chí Văn
học số 5-6/1988).
Có thể xem những lời tâm sự, bộc bạch trên đây mang tinh thần
thế kỉ. Đó là nỗ lực để cho những sáng tạo đích thực không bị hàm oan, không bị
ngờ vực hoặc trôi giạt ra ngoài dòng tiến hoá, cũng như những hạn chế tiêu cực
có tính lịch sử của mỗi hiện tượng văn học không bị bỏ qua. Về mặt này, có thể
nói trào lưu đổi mới được Đảng ta phát động từ năm1986 đến nay đã thâu
thái được tinh thần của thế kỉ. Đó là tiền đề để phục hưng dân tộc, chấn hưng
các giá trị. Trong trào lưu đó, không chỉ những tên tuổi như Văn Cao, Vũ Bằng
mà cả Trần Đức Thảo, Hoàng Xuân Hãn v.v... sau nhiều năm lu mờ đã tìm lại được
chính danh trong văn chương nghệ thuật và khoa học của đất nước.
Liên quan đến những vấn đề trên là vấn đề phân kì lịch sử văn
học hiện đại. Trong nhiều năm, các mốc phân kì văn học của chúng ta vẫn dựa
trên các mốc lịch sử chính trị. Điều đó có nguyên nhân ở chỗ thường thì mỗi cuộc
cách mạng lớn đều ảnh hưởng đến tiến trình vận động và phát triển của văn
chương, tạo cho văn chương những bước ngoặt mới, những phẩm chất mới. Nhưng
không phải khi nào mốc phân kì lịch sử chính trị cũng trùng khít lên mốc phân
kì văn chương. Chẳng hạn giai đoạn 1930-1945 lâu nay từng được coi là một chặng
phân kì văn học, trong đó năm 1930 là mốc đánh dấu sự kiện Đảng cộng sản Đông
Dương ra đời và mốc 1945 đánh dấu sự thành công của Cách mạng tháng Tám. Rõ
ràng đó là hai sự kiện có tác động mạnh mẽ tới lịch sử văn học nhưng trên thực
tế, mãi tới năm 1932, văn học hiện đại mới có đầy đủ các tiền đề để phát triển.
Đó là sự hình thành của Thơ mới, của văn chương Tự lực văn đoàn, của văn chương
hiện thực phê phán, của thơ ca yêu nước và cách mạng, của những tư tưởng triết
học và mĩ học mới thể hiện xung quanh hai cuộc tranh luận Duy tâm và Duy vật
trên lĩnh vực triết học, Nghệ thuật vị nghệ thuật và Nghệ thuật vị nhân sinh
trên lĩnh vực văn học v.v... Sự chênh nhau về thời gian của mốc khởi đầu văn học
hiện đại này tuy chỉ 2 năm, nhưng đằng sau đó là cả một hệ thống quan niệm văn
học mà phải mất vài chục năm, với sự trưởng thành của bản lĩnh khoa học, giới
nghiên cứu mới xác định được một cách rõ ràng. Ở đây, cần phải gạt ra những mặc
cảm chính trị không bình thường để hướng tới một thực tế khách quan của tiến
trình phát triển văn chương. Khi mốc phân kì được phân định rõ ràng thì đó là
cơ sở đầu tiên để tiến hành viết lịch sử văn học theo những tiêu chí khoa học
thực sự.
Trên phương diện tư tưởng lí luận, thế kỉ XX đối với chúng ta
cũng là một cuộc khảo nghiệm lớn. Vào những thập niên giữa thế kỉ, trên nền tảng
của triết học và mĩ học Mác-Lênin, chúng ta tiếp nhận các học thuyết về hình
thái xã hội, về đấu tranh giai cấp, về thời kì quá độ, về chủ nghĩa xã hội khoa
học, về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa và phương pháp sáng tác hiện thực
xã hội chủ nghĩa v.v... như những nguyên lí có sẵn và hoàn chỉnh. Trong một thời
kì dài, chúng ta đã cố gắng để chứng minh tính bất biến của các học thuyết này
bằng những nỗ lực chủ quan, duy ý chí và thiếu sáng tạo mà không tính đến quy
luật khách quan của quá trình phát triển lịch sử, không tính đến những điều kiện
đặc thù ở mỗi nước... (Tất nhiên điều đó không chỉ diễn ra ở Việt Nam). Kết quả
là sau 70 năm phát triển, các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã lâm vào khủng
hoảng và đi đến tan rã ở ngay thành trì của nó. Sự kiện này mang lại cho mỗi nước
trong phe xã hội chủ nghĩa trước đây những bài học lớn và sâu sắc.
Trên cơ sở phân tích, tìm hiểu nguyên nhân và rút ra những
kinh nghiệm thiết thực từ quá trình dẫn đến khủng hoảng và tan rã của hệ thống
các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, ở Việt Nam đã diễn ra một quá trình nhận thức
lại về mô hình chủ nghĩa xã hội, hiểu lại, làm lại và xây dựng lại nhiều vấn đề
trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội - chính trị - kinh tế và văn hoá của đất
nước, từ đó hoạch định chiến lược phát triển, định hướng con đường đi lên chủ
nghĩa xã hội dựa trên những đặc điểm cụ thể của đất nước. Cơ chế thị trường và
kinh tế nhiều thành phần thay cho cơ chế quan liêu bao cấp của nền kinh tế kế
hoạch hoá tập trung trước đây là kết quả của một quá trình nhận thức quy luật,
nhận thức lại con đường phát triển tất yếu sau rất nhiều những biến động chính
trị lớn lao trên thế giới. Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, chủ nghĩa hiện
thực xã hội chủ nghĩa và phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ
nghĩa từng ngự trị trong văn học ở nhiều nước trên thế giới suốt mấy chục
năm. Đó là một sự thực lịch sử. Với nó, văn học thế giới đã có những thành tựu
không thể phủ nhận. Không ít sáng tác của nhiều đại biểu thuộc trào lưu văn học
này đã trở thành những mẫu mực nghệ thuật của văn học thế giới. Nhưng
cũng chính trong quá trình phát triển, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ
nghĩa đã bộc lộ những hạn chế lịch sử cả trên phương diện lí luận lẫn sáng
tác. Nhiều thiên kiến chính trị chủ quan, nhiều cách hiểu có phần công thức, thậm
chí giáo điều đã biến chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trong
không ít trường hợp trở thành một thiết chế nghệ thuật gò ép, thiếu tính năng động,
thiếu khả năng thích ứng kịp với thực tiễn nghệ thuật phong phú, đa dạng. Quan
hệ giữa nghệ thuật và đời sống trở nên nghèo nàn, đơn điệu bởi công thức tái hiện
cuộc sống dưới chính hình thức của bản thân đời sống. Từ khi công cuộc đổi mới ở
Việt Nam được khởi xướng, những hạn chế lịch sử và những phiến diện chủ quan về
tư duy lí luận cũng như về số phận lịch sử của chủ nghĩa hiện thực xã hội
chủ nghĩa đã được giới nghiên cứu chỉ ra. Ngay cả thuật ngữ chủ nghĩa
hiện thực xã hội chủ nghĩa và phương pháp sáng tác hiện thực xã hội
chủ nghĩa cũng nhận được những chỉ báo cần thay đổi. Thực ra, vấn đề không
phải là ở chỗ có hay chưa có một nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa; có hay
không có phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa? mà là ở chỗ trên cơ sở
thực tiễn phát triển của lịch sử nghệ thuật nhân loại ngót một thế kỉ, cần phải
biết loại bỏ những yếu tố không hợp lí, không khoa học và phải biết kế thừa những
thành tựu có thật, những truyền thống nghệ thuật vốn có trong hệ thống lí luận
mĩ học về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện và phát triển nó
trong những điều kiện lịch sử và thực tiễn nghệ thuật mới. Đó thực sự là nhãn
quan khoa học, là tinh thần xuyên suốt và nhất quán của thế kỉ XX.
Cũng trong thế kỉ này, các trào lưu hiện đại ở phương Tây
như chủ nghĩa hiện sinh trong triết học và văn học với các đại biểu:
Jean Paul Sartre (1905-1980), Albert Camus (1913-1960), Samuel Beckett
(1906-1989), Eugene Ionesco (1912-?), Henri Bergson (1859-1941) v.v... trong đó
J.Sartre và A.Camus được coi như là những bậc thầy tư tưởng của châu Âu hiện đại
đã từng bị chúng ta phê phán gay gắt quá mức cần thiết. Ngay cả các trường phái
như chủ nghĩa cấu trúc, chủ nghĩa hình thức, phê bình mới, tiểu
thuyết mới... trong văn học thế giới đối với chúng ta cũng từng là đối tượng
phê phán. Dường như trong nhiều năm, chúng ta không tìm thấy ở các trào lưu tư
tưởng và nghệ thuật hiện đại này những yếu tố hợp lí, tích cực nào. Do đó trong
một thời gian dài, chúng ta đã đặt mình vào hoàn cảnh cách biệt với thế giới hiện
đại, trừ Đông Âu.
Phải đợi đến những thập niên cuối của thế kỉ, sau những biến
thiên dữ dội của thế giới và với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, chúng ta mới
lấy lại được thế quân bình trong một thế giới đa cực, đa phương. Với tinh thần
nhận chân lại các giá trị của thế kỉ, các nhà khoa học của chúng ta trên mọi
lĩnh vực đã tự giải phóng được cái "vòng kim cô" vây hãm trí tuệ để
vươn đến những giá trị toàn nhân loại.
Trong cuộc tìm kiếm các giá trị, thế kỷ XX với những tri thức
khoa học tiên tiến, với trình độ văn minh kỹ thuật cao, một mặt đang hướng tới
một thế giới tương lai bằng các nỗ lực nghiên cứu, tìm hiểu, khám phá những quy
luật của tự nhiên, những bí ẩn của vũ trụ, lý giải các hiện tượng để chung sống
và chinh phục nó, thì từ một mặt khác, thế kỷ XX cũng đang nỗ lực tìm về với thế
giới đã qua, với quá khứ và lịch sử hình thành nhân loại để phát hiện những giá
trị mới, kiếm tìm những nguồn năng lượng tinh thần mới, những cơ sở triết lý mới
cho sự phát triển. Trong nỗ lực đó, có nỗ lực chiếm lĩnh, khám phá những giá trị
văn hóa, văn học dân tộc và nhân loại. Những gì đang diễn ra trong đời sống văn
hoá Việt Nam vào cuối thế kỷ như việc tôn tạo, xây dựng lại các di tích văn hoá
- lịch sử, việc khôi phục lại những truyền thống tinh thần quý báu của dân tộc
mà một thời, chính chúng ta, do nhận thức cực đoan, phiến diện đã phá hủy hoặc lãng quên... là những bằng chứng cụ thể. Chính ở đây, trong công cuộc nhận
thức lại và xây dựng lại này, người ta phát hiện lại về khả năng sáng tạo vĩ đại
của con người, về lịch trình phát triển nhiều mặt của thế giới, về tri thức và
trí tuệ nhân loại.
Từ lâu, người ta đã nhận thức được giá trị nhiều mặt của văn
học dân gian và dễ dàng đi đến thống nhất ở quan điểm xem văn học dân gian là một
thành tố quan trọng cấu tạo văn hoá, là một phức hợp giá trị văn hoá - văn học
- lịch sử - triết học - ngôn ngữ - tôn giáo - đạo đức... của mỗi dân tộc. Có lẽ
vì vậy mà văn học dân gian không chỉ là đối tượng của nghiên cứu văn học. Sang
thế kỉ XX văn học dân gian đồng thời còn là đối tượng của các bộ môn: văn hoá học,
sử học, dân tộc học, triết học, đạo đức học, ngôn ngữ học, tôn giáo học, âm nhạc
học và vũ đạo học. Từ một thực thể văn học dân gian, mỗi nhà khoa học ở những
lĩnh vực khác nhau có thể nhận thấy những giá trị khác nhau, phát hiện ra những
vấn đề khác nhau. Trong khi nhà nghiên cứu văn học chú mục vào những vẻ đẹp của
hình tượng, hình ảnh, của tư duy sáng tạo dân gian, của những vấn đề xã hội - đạo
đức - tình cảm được gửi gắm trong mỗi câu ca dao, mỗi làn điệu dân ca, mỗi câu
chuyện cổ... thì nhà ngôn ngữ học lại quan tâm tới lời ăn tiếng nói của nhân
dân, tới lịch sử hình thành ngôn ngữ được thể hiện trong đó. Trong khi nhà dân
tộc học say sưa khám phá những tri thức về phong tục tập quán, về trang phục
dân gian, về kiến trúc làng xã, về những ứng xử đạo đức tinh thần... thì nhà sử
học lại nhìn thấy ở đó những dấu ấn của từng thời đại, cấu trúc xã thôn và những
quan hệ chính trị - kinh tế - văn hoá được lưu lại trong mỗi sáng tác dân gian.
Có thể nói, văn học dân gian được sáng tạo ra theo quy trình sáng tạo văn hoá
và đến lượt nó, nó lại là cơ sở chuyển tải các giá trị văn hoá, phương tiện lưu
giữ văn hoá. Với mỗi dân tộc, văn học dân gian là tấm gương soi hình bóng của
dân tộc mình. Cho nên, để hiểu một dân tộc, không gì tốt hơn là chiếm lĩnh vốn
văn hoá dân gian của dân tộc đó. Từ đây có thể khám phá ra tính cách dân tộc,
khám phá ra những đặc điểm về tâm lí, tình cảm, tâm thức dân tộc. Vấn đề bản
lĩnh, bản sắc mà chúng ta nói đến trong quá trình phát triển và hội nhập của mỗi
quốc gia vào những năm cuối thế kỉ XX không phải là vấn đề gì khác, xa lạ với vấn
đề nhận thức đầy đủ các giá trị văn hoá dân tộc mà lâu nay chúng ta đã làm.
Song, cho dù thế kỉ XX có chuyển biến với một nhịp điệu gấp
gáp, một "gia tốc lịch sử" lớn như ta đã thấy, trong cuộc truy tìm để
nhận chân các giá trị, dường như vẫn không đủ thời gian và điều kiện để giải
quyết những tồn đọng của lịch sử. Chỉ riêng trong lĩnh vực văn học Việt Nam hiện
đại khoảng hơn mười năm trở lại đây, còn bao nhiêu vấn đề, bao nhiêu sự kiện đã
bước đầu được đặt ra mà chưa tìm kiếm được câu trả lời thoả đáng. Lý do có thể
vừa thuộc về chủ quan, vừa thuộc về khách quan. Sự ngập ngừng trong không ít
trường hợp đã khiến cho việc minh định các giá trị văn chương phải chấp nhận lối
đi vòng vo và diệu vợi. Nhưng trong mỗi sự kiện và hiện tượng đó đã ẩn chứa
tinh thần của thế kỉ. Những gì chưa kịp nhận chân ở thế kỉ XX sẽ được chuyển
giao vào những thời khắc thiêng nhất để thế kỷ XXI đón nhận và thực hiện tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét