Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

Nhà văn Vĩnh Phúc hiện đại (Phần 4a; Quyển 2)

Nhà văn Vĩnh Phúc hiện đại
(Phần 4a; Quyển 2)

TRẦN ĐÌNH HIẾN

- Họ và tên khai sinh: Trần Đình Hiến
- Sinh năm: 1933
- Bút danh: Thiên Lý
- Quê quán: Xã Đình Chu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc
- Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ 2003)
- Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, Ủy viên Hội đồng Văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội.
- Tác phẩm chính đã xuất bản:
* Lão Xá (Tuyển tập Kịch, 1961)
* Gieo hạt tình yêu (Từ Hoài Trung, 1962)
* Khát vọng (Trịnh Vạn Long, 1995)
* Cây hợp hoan (Trương Hiền Lượng, 2001)
* Chùm 6 tiểu thuyết của Mạc Ngôn:
- Báu vật của đời (2001)
- Đàn hương hình (2003)
- Cây tỏi nổi giận (2003)
- Rừng xanh lá đỏ (2004)
- Tửu quốc (2004)
- 41 chuyện tầm phào (2005)
* Chùm 2 tiểu thuyết của Lý Nhuệ:
- Cây không gió (2006)
- Ngân thành cố sự (2007)
* Một tiểu thuyết về văn hóa du mục của Khương Nhung: Tôtem sói (2007).
- Giải thưởng văn học:
* Giải Nhất cho bản dịch Báu vật của đờicủa Hội Nhà văn Hà Nội(2001)
* Giải B (không có giải A) cho bản dịch Đàn hương hình của Hội Nhà văn Việt Nam (2003).
- Suy nghĩ về nghề văn:
 Văn học nghệ thuật không bao giờ xa rời chính trị. Nhà văn là loại công dân phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân bằng văn học. Nói cách khác, nhà văn làm chính trị bằng văn học. Bằng tác phẩm của mình, nhà văn đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ núi sông biển đảo, bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ  cuộc sống của nhân dân. Vì vậy, Nhà văn đích thực phải là công dân ưu tú của đất nước, phục vụ đất nước bằng văn chương. Không làm được như trên, dù xuất bản hàng trăm tác phẩm cũng chỉ là người viết văn, không phải NHÀ VĂN đúng nghĩa.
Nhất là trong hoàn cảnh đất nước hiện nay (2016)!.

A- TRONG KÝ ỨC BẠN BÈ

ĐÔI ĐIỀU VỀ NGƯỜI NHẬN CHỮ "ĐẠT"

Phạm Quang Đẩu
Năm 2013 nhà văn, dịch giả Trần Đình Hiến tròn 80 tuổi. Các  trò cũ muốn tặng chữ thầy, không biết ý thầy thích chữ gì trong lễ  thượng thọ? Khi được hỏi, nhà văn suy nghĩ giây lát, bảo: Tặng tôi chữ “đạt”. Tại sao không phải những chữ như “nhân”, “tâm”, “dũng”, “nhẫn”…thường thấy? “Đạt” trong chữ Hán đa nghĩa, là hiểu thấu, thông suốt… Các trò đều cho rằng thầy Trần Đình Hiến đúng nhất với nghĩa “hiểu thấu”, vừa cho thấy bản chất khiêm nhường cùng sự uyên thâm về văn hóa hai nước Việt-Trung. Thầy thuộc lớp người “đạt sĩ thông nhân”.
Năm 2001 thị trường sách nước ta lên “cơn sốt” cuốn Báu vật của đời của  Mạc Ngôn do Trần Đình Hiến dịch. Tác phẩm này được xuất bản bằng tiếng Hoa lần đầu vào tháng 9-1995(với tựa là Phong nhũ phì đồn – Vú to mông nẩy) và ngay trong năm ấy được trao giải thưởng cao nhất về truyện và nhanh chóng trở thành “hiện tượng” ở Trung Quốc. Báu vật của đời khái quát cả một giai đoạn lịch sử đầy bi tráng của đất nước Trung Hoa thông qua số phận các thế hệ trong gia đình Thượng Quan. Từ những số phận khác nhau, lịch sử được tiếp cận với nhiều góc độ tạo nên sức sống, sức thuyết phục nghệ thuật của tác phẩm. Trước đấy, nhà văn Mạc Ngôn đã được thế giới biết đến qua tác phẩm Cao lương đỏ, và được đạo diễn tài ba Trương Nghệ Mưu chuyển thành phim, giành Cành cọ vàng tại liên hoan phim Canne, Pháp năm 1994. Sau hàng loạt những tác phẩm đỉnh cao, nhà văn sinh năm 1955 này hàng năm chưa có tên trong danh sách đề cử giải Nobel văn học, phải tới năm 2012 điều ấy mới trở thành hiện thực. Mạc Ngôn quả là  may mắn khi có được người chuyển ngữ tuyệt vời như Trần Đình Hiến, làm cho ông được chú ý và ưa chuộng nhất trong số các nhà văn Trung Quốc đương đại ở Việt Nam,. Báu vật của đời đã được dịch ra 18 thứ tiếng trên thế giới, người ta đã so sánh 18 “phiên bản” và xếp hạng chúng về chất lượng chuyển ngữ. Đã sớm có câu trả lời. Trong lần tái bản vào vào năm 2003 của NXB Công Nhân, Bắc Kinh, ở bìa 4 cuốn sách in hình 3 bản dịch được chọn là xuất sắc nhất, có Báu vật của đời tiếng Việt, còn 2 cuốn kia thuộc về tiếng Nhật và tiếng Italia, mà tựa đều lấy theo nguyên tác. Riêng việc chọn một tựa mới cho bản tiếng Việt cũng cho thấy dịch giả đã rất nhậy cảm để tác phẩm thích ứng hơn, phù hợp hơn với văn hóa Việt. Cũng năm ấy, dịch giả Trần Đình Hiến được nhận giải thưởng cao của Hội Nhà văn Việt Nam cho bản dịch cuốn tiểu thuyết tiếp theo của Mạc Ngôn là Đàn Hương hình. Đó là chuyện xảy ra vào những năm 1900 –buổi hoàng hôn của vương triều Mãn Thanh: Triều đình thối nát, Thái hậu Từ Hy tác yêu tác quái, đại thần Viên Thế Khải bán nước cầu vinh, tri huyện Tiền Đinh văn võ song toàn nhưng bất tài bất lực, quần chúng nổi dậy nhưng bị đàn áp bằng hình phạt đàn hương thảm khốc. Đàn hương hình vừa là tiểu thuyết lịch sử, đông thời là tác phẩm văn học đúng nghĩa. Đến nay Mạc Ngôn có tới 300 đầu sách, gồm truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài và tạp văn các loại, xuất bản bằng tiếng Hoa, tha hồ cho các dịch giả lựa chọn. Sau Báu vật của đời, Trần Đình Hiến trong vòng 4 năm chọn dịch tiếp 5 tác phẩm nữa mà ông cho là tiêu biểu nhất của Mạc Ngôn, đó là: Đàn Hương hình ( dân trí thấp), Cây tỏi nổi giận (thái độ vô trách  nhiệm với cuộc sống của nhà cầm quyền), Rừng xanh lá đỏ (tác đông hai mặt của kinh tế thị trường), Tửu quốc (Rượu chè be bét là ăn hết phần của con cháu) và 41 chuyện tầm phào (sự tha hóa về nhân cách nếu không được kiểm soát trong  nền kinh tế thị trường). Những năm qua, không ít tác giả cũng lao vào dịch tác phẩm của tác giả ăn khách Mạc Ngôn, nhưng do họ không chọn được tác phẩm “đỉnh”, hoặc là khả năng chuyển ngữ bị hạn chế, mà độc giả Việt Nam đã có thói quen nói đến Mạc Ngôn là nghĩ ngay đến dịch giả Trần Đình Hiến, như một “cặp đôi hoàn hảo”. Cũng có điều kiện dễ so sánh khi nhiều tác giả cùng dịch một cuốn, như trường hợp 41 chuyện tầm phào Trần Đình Hiến dịch, một nữ dịch giả đã thay tựa là Cậu bé hay nói dối, một dịch giả khác thì đổi thành Những chuyện không có thật. Chỉ riêng chuyện đặt tít ở trên, người đọc có dịp so sánh đều thấy sự uyên bác trong chuyển ngữ của dịch giả họ Trần, bởi “pháo” còn là tiếng lóng trong tiếng Hoa, có nghĩa là chuyện tếu táo, chuyện tầm phào không quan trọng. 41 chuyện tầm phào là 41 chuyện lừa đảo trí trá,  gọi là tầm phào nhưng chẳng tầm phào chút nào! Chất humua của nhà văn Mạc ngôn là ở chỗ này.Nhà văn Trần Đình Hiến cho biết, Mạc Ngôn tiêu biểu cho dòng văn học đổi mới trong khoảng 30  năm gần đây của Trung Hoa đại lục, là người đầu tiên xỏa bỏ “lễ trị” trong sáng tác văn học. Ngoài Mạc Ngôn, ông còn dịch tác phẩm của một vài tác giả khác đương thời mang dáng dấp tiểu thuyết định đề. Đó là Lý Nhuệ với Cây không gió (sự phá sản của thuyết đấu tranh giai cấp) và Ngân thành cố sự (bi kịch gia đình khi anh em ruột vô tình đứng trên  hai chiến tuyến đội lập trong cách mạng) , Trương Hiền Lượng với Cây hợp hoan ( Về cuộc sống và cảm nghĩ  của người tù không án) ,Khương Nhung vời Tô tem sói. Đặc biệt cuốn Tô tem sói của Khương Nhung khi được dịch sang tiếng Việt rất được độc giả tìm đọc, bởi đây là cuốn sách độc đáo. Ngoài giá trị thẩm mỹ, độc giả còn thâu nhận qua tác phẩm hàng loạt kiến thức bổ ích về văn hóa và văn minh du mục. Riêng với ông Hiến, ông nói ông dịch Tô tem sói (tháng 3/2007) để cảnh báo những hành động của Trung Quốc sẽ xảy ra trên biển Đông. Và quả nhiên điều đó đã xảy ra.
Trần Đình Hiến nghiên cứu sâu về nội trị Trung Quốc. Ông am hiểu văn hóa truyền thống Trung Hoa đến mức có thể gọi ông là nhà Trung Quốc học.. Trước khi là dịch giả văn học, ông đã từng công tác ở Bộ Giáo dục, là Nghiên cứu sinh Hán ngữ cổ đại tại Đại học Tổng Hợp Bắc Kinh, là cán bộ nghiên cứu Bộ Ngoại giao, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh… Mối quan hệ giữa ông với nhà văn Mạc Ngôn cũng rất lạ lùng: Chưa hề gặp nhau, chưa hề gửi thư cho nhau, nhưng hiểu nhau cặn kẽ. Ông nói đó là ông làm theo tuyên bố của Mạc Ngôn tại Câu lạc bộ các nhà văn trẻ Giang Tô, rằng tác giả và độc giả không cần gặp nhau, chỉ cần hiểu nhau qua tác phẩm.Ông hiểu Mạc Ngôn qua tác phẩm tiêu biểu Phong nhũ phì đồn. Mạc Ngôn hiểu ông qua bản dịch Báu vật của đời. Do đó mới có chuyện công nhận bản dịch tiếng Việt Báu vật của đời là một trong 3 bản dịch thành công nhất như Nhà xuất bản Công nhân  đã công bố. Nói vậy thôi. Ông tìm hiểu cặn kẽ cuộc đời Mạc Ngôn năm 11 tuổi đã thất học, 10 năm chăn dê ngoài đồng, đói hoa mắt, cô đơn đến nỗi biến tất cả những vật vô tri vô giác để trò chuyện … Ông theo dõi Mạc Ngôn từ tác phẩm đầu tay Củ cải đỏ trong suốt (1976) của nhà văn này, qua hàng trăm tác phẩm, đến Phong nhũ phì đồn (1995) thì quyết định giới thiệu Mạc Ngôn vào Việt Nam với bản tiếng Việt: Báu vật của đời. Tuy không  ước hẹn gì, nhưng ông nói ông còn nợ Mạc Ngôn một chuyện: Đó là dịch lại Phong nhũ phì đồn ẩn bản tháng 9 năm 2003 sau khi Mạc Ngôn bỏ hẳn một năm (2002) chỉnh sửa, lược bỏ những yếu tố rườm rà và nâng cấp bản 1995 để Mạc Ngôn có thể tuyên bố: Tôi viết nhiều, nhưng để hiểu tôi, chỉ đọc Phong nhũ phì đồn là đủ. Và Mạc Ngôn gọi bản năm 2003 là bản thứ nhất (chứ không phải ấn bản năm 1995).
Ngày nay Trần Đình Hiến đã trở thành một dịch giả gạo cội về tiếng Trung, ông luôn tâm đắc câu của A.Kaida nhà lý luận dịch thuật hàng đầu của Mỹ: “Dịch văn học thực chất là cuộc giao lưu giữa hai nền văn hóa. Một dịch phẩm thành công nhiều khi yếu tố văn hóa quan trọng hơn yếu tố ngôn ngữ.”. Vai trò quan trọng của “bà đỡ mát tay” Trần Đình Hiến khi chuyển sang Việt ngữ, đã khẳng định được giá trị đích thực của các tác phẩm của Mạc Ngôn, điều này càng được khẳng định khi Mạc Ngôn trở thành nhà văn của Trung Hoa đại lục đầu tiên được nhận giải Nobel văn học năm 2012.
Trở lại chữ “đạt” mà nhà văn, dịch giả nhận cho mình. “Hiểu thấu” cả hai nền văn hóa Việt-Trung để dịch những tác phẩm văn học đáng dịch, để hiểu cho bằng được “bản lai diện mục” (bộ mặt thật) nền văn hóa Trung Hoa, một nền văn hóa mà Lỗ Tấn đã phải kêu: Giữa các hàng chữ, chỗ nào cũng thấy ăn thịt người! Đó là công việc của cả đời người mà nhà văn Trần Đình Hiến đã dấn thân và cống hiến. Hôm nay nhà văn ở tuổi 83, còn khỏe và minh mẫn. Hàng ngày ông vẫn đọc và ghi chép. Chữ “đạt” còn có nghĩa nữa là “thành tựu”. Xin chúc ông sẽ còn nhiều thành tựu hơn nữa trong nghiên cứu và dịch thuật!
P.Q.Đ
                                                                                                       Cuối tháng 7-2016
 
 
 
 
 
 
 
TRẦN HỮU SƠN
 
- Họ và tên khai sinh:  Trần Hữu Sơn
- Sinh năm: 1956
- Quê quán: Phường Tích Sơn, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc
 
- Những tác phẩm chính đã xuất bản:
* Văn hóa H, Mông (NXB Văn hóa dân tộc, 1996)
* Văn hóa dân gian Lào Cai (NXB Văn hóa dân tộc, 1997)
* Lịch sử bưu điện Lào Cai (NXB Văn hóa dân tộc, 1997)
* Tục ngữ câu đố dân tộc Dao (NXB Văn hóa dân tộc, 1998)
* Vấn đề xây dựng đời sống văn hóa ở vùng cao (NXB Văn hóa dân tộc, 2004)
* Đám cưới người Dao Tuyển (NXB Văn hóa dân tộc, 2011).
- Giải thưởng văn học:
* Giải B của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1997 với tác phẩm “Văn hóa dân gian Lào Cai”.
* Giải Ba của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam năm 1997 với tác phẩm “Lễ hội ở Lào Cai” (Chủ biên).
* Giải Ba A của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam với tác phẩm “Lễ cười người Dao Tuyển” – năm 2000.
* Giải thưởng Phan – Xi – Păng (Giải thưởng cao nhất) của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai trao lần thứ nhất năm 2002 với tác phẩm “Văn hóa H Mông”.
* Giải Nhì của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam với tác phẩm “Thơ ca dân gian Dao Tuyển” (Chủ biên) năm 2004.
* Giải Nhì của hội thi Lao động sáng tạo kỹ thuật tỉnh lào Cai lần thứ 2 – năm 2011 với Đề tài: “Phát huy các giá trị di sản văn hóa tạo sản phẩm phục vụ du lịch”.
* Giải Nhất Hội thi Lao động sáng tạo tỉnh Lào Cai lần thứ ba năm 2013 với Đề tài: “Đổi mới liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc”.
 
MỘT SỐ TÁC PHẨM TIÊU BIỂU
 
  
ĐẶC ĐIỂM CÁC MÓN ĂN TRONG NGÀY LỄ HỘI 
 
Các món ăn trong ngày lễ hội là di sản văn hóa của cộng đồng tộc người. Món ăn lễ hội còn như một loại tín hiệu phản ánh truyền thống và đặc trưng tộc người. Nghiên cứu về ẩm thực người Kinh có nhiều tác giả như Vương Xuân Tình, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Thị Bảy. Trong bài báo này, tập trung nghiên cứu ở vùng dân tộc Tây Bắc. Vì vậy, nghiên cứu các món ăn trong lễ hội không chỉ nhằm tìm hiểu đặc điểm các món ăn mà còn thông qua các món ăn tìm hiểu tín ngưỡng, văn hóa và những nét truyền thống văn hóa của một số tộc người Tây Bắc.
1.  Các lễ hội được tổ chức nhằm giúp con người bày tỏ niềm tin tới một lực lượng siêu nhiên nào đó. Niềm tin đó xuất phát từ quan niệm: Mọi công việc làm ăn sinh sống của cộng đồng đều có sự chi phối của thế giới thần linh, tổ tiên. Thế giới đó luôn hiện diện ngay cạnh thế giới hiện tại, luôn chứng kiến cách sống của con cháu, của mọi người ở thế giới thực tại. Thế giới thần linh và quá khứ luôn có mặt trong hiện tại. Con người tổ chức và tiến hành lễ hội chính là nhằm đáp ứng quyền lợi của họ. Họ cầu cúng, dâng lễ vật cho thần linh tổ tiên trước hết là nhằm mong thần linh phù hộ giúp đỡ họ trong cuộc sống đồng thời cũng vì niềm tin tôn kính tổ tiên theo truyền thống “Uống nước nhó nguồn”. Chính niềm tin vào thế giới thần linh đã tạo ra tính chất thiêng liêng của lễ hội. Và như vậy, các món ăn dân cúng trong ngày lễ, tết, hội không chỉ là món ăn bình thường mà trở thành món ăn thiêng. Với quan niệm các món ăn trong lễ, tết, hội là món ăn dân cúng cho tổ tiên, thần linh nên các món ăn cũng phải khác với ngày thường, thiêng hóa món ăn. Đồng thời các món ăn này sau khi dân cúng, sau khi được thần linh sử dụng (sự linh thiêng càng tăng) liền được “ngả cỗ”, ban phát cho con cháu. Do đó các món ăn khi đã được đặt lên bàn thờ, chất thiêng liêng càng tăng lên. Và mọi người trong cộng đồng cùng ăn – tức là cả cộng đồng cùng hưởng thụ năng lượng thiêng ở món ăn (hưởng lộc). Tính chất thiêng của các món ăn trong ngày lễ được phản ánh đậm nét ở các khâu tìm nguyên liệu, cách chế biến đến nghi lễ dâng cúng, cách ăn uống…
a.   Nguyên liệu dùng chế biến các món ăn trong ngày lễ, tết, hội phải mang tính chất khác thường. Nước dùng làm bánh dày trong hội Roóng poọc của người Giáy, hội xuống đồng của người Tày phải lấy ở mỏ nước, nơi có mạch phun chứ không lấy nước suối bình thường. Vào đêm giao thừa, đồng bào Tày huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai còn tổ chức nghi lễ rước nước về nấu xôi do thầy mo (hoặc trưởng bản dẫn đầu), có cả dàn nhạc chiêng, kèn pí lè tham gia. Khi gà gáy canh một, người Giáy thắp hương vàng cắm vào thùng hứng nước máng để lấy nước mới về đun nước pha trà, thổi xôi cúng tổ tiên. Lợn là con vật được nhiều dân tộc dùng làm vật hiến tế nên con lợn này suốt gần một năm phải được nuôi riêng. Trước khi mổ lợn vài ngày, con lợn kiêng ăn món ăn tạp thông thường mà phải ăn những món ăn của người: com, bã rượu…
Người Dao ở vùng trồng quế trước khi mổ cúng một ngày phải tắm cho lợn bằng nước đun lá quế, lá thơm nhằm tẩy rửa hết chất uế tạp của lợn.
Người Phù Lá trước khi nấu cơm mới cúng tổ tiên phải tổ chức một số nghi lễ phức tạp liên quan đến việc hái lúa, phơi lúa. Chỉ có người nhiều tuổi nhất trong gia đình mới được dùng hái nhắt cắt lúa. Họ phải cắt cụm lúa từ phía mặt trời lặn sang phía mặt trời mọc. Trong khi cắt phải nhìn thẳng vào lúa, nín thở, không nói; khi phơi phải cắm ta leo, vừa phơi nắng vừa sấy gác bếp. Khi nấu cơm phải chọn ngày tốt.
Không chỉ các nguyên liệu món ăn bắt nguồn từ vật nuôi, cây trồng được lựa chọn một cách khác thường, tạo ra sự linh thiêng mà ngay những cây rau, măng quen thuộc hàng ngày cũng được lựa chọn đặc biệt. Trong món ăn của người Thái món rau dớn là món ăn quen thuộc. Nhưng rau dớn được dâng cúng trong ngày tết phải là loại mọc hướng về phía đông – phía mặt trời mọc. Măng vầu trong mâm cúng ngày hội Roóng poọc của người Giáy là loại măng còn nằm kín ở dưới đất chưa nhô lên đón ánh mặt trời.
b.  Cách chế biến các món ăn trong ngày lễ, tết, hội vừa công phu vừa mang tính chất linh thiêng. Trong các ngày lễ hội của cộng đồng, cách chế biến các món ăn cũng khác thường. Các con vật dùng trong hiến tế khi giết thịt thường phải có các nghi lễ kèm theo. Ở vùng người Thái, trong các lễ hội, cộng đồng Mường phải mổ trâu. Nghi lễ mổ trâu diễn  ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Hội xên mường của người Thái, mổ trâu tiến hành theo nghi lễ “Háp Quái” (nộp trâu). Trước khi giết trâu, bà mo (ủ mo) dẫn tạo và các cụ già cầm đuốc đi quanh con trâu ba vòng, tỏ ý đồng lòng dâng trâu.
Trong lễ cúng ma bò nhu đăng của người Hmông, khi giết bò cũng phải múa khèn, đánh trống. Khi pha thịt, miếng ức bò chỉ có người cậu mới có quyền cắt để dâng cúng. Trong lễ hội tì me meo của người La Chí, con bò dùng hiến tế buộc ở phía mặt trời mọc. Ngay việc giết gà cúng tổ tiên trong đêm giao thừa của đồng bào các dân tộc cũng có những nghi lễ đặc biệt kèm theo. Người Hmông cắt tiết gà và thả gà xem khi chết gà quay về hướng nào để đoán định việc làm ăn. Người Dao Họ mổ gà cúng tiết gà phải cắt đĩa tiết theo hình chữ thập,… Các nghi lễ giết gia súc, chế biến món ăn đều gắn với những tín ngưỡng nhất định, đều được lý giải bằng những hèm, kiêng kỵ… Vì thế các món ăn trong ngày lễ, tết, hội đều có sự khác thường, được thăng hoa, linh thiêng hóa. Sự linh thiêng này càng thể hiện khi ăn. Ăn các món ăn trong ngày lễ, tết, hội không chỉ có giá trị tiếp thêm dinh dưỡng bình thường mà đây còn là một hành động tiếp nhận năng lượng thiêng.
Đồ ăn khi đã bày lên bàn thờ - có nghĩa là có năng lượng thiêng liêng ở thế giới thần linh tổ tiên. Do đó ăn và hưởng lộc thánh, là tiếp nhận cái may mắn, cái nguyện vọng ước cầu. Trong lễ hội xuống đồng, khi ông mo tung nắm ngô rang, bỏng rang cúng thần ra xung quanh, mọi người tranh nhau nhặt và ăn, nhặt đem phần về cho người thân với ý niệm như vậy năm đó sẽ được mùa. Hoặc phần thịt trâu trong lễ hội xên mường của người Thái cũng phải chia đều cho các dòng họ, các gia đình. Thịt bò trong lễ tì me meo của người La Chí được chia cho người già với quan niệm người già ăn sẽ ít ốm đau, trẻ nhỏ ăn thịt bò ở đây sẽ được khỏe mạnh… Nước canh luộc lợn sữa cúng ma buồng của người Hmông được chia đều cho trẻ nhỏ uống với niềm tin trẻ không những khỏe mạnh mà còn sáng mắt. Ở vùng người Mường, miếng xôi dẻo cúng tổ tiên xong thường được dán vào tai xanh, tai ninh đồng. Các chàng trai thường tranh nhau bóc xôi dán phía ngoài tai xanh ăn để đi săn sẽ gặp may. Các cô gái lại tranh nhau bóc xôi dán ở tai xanh phía trong để ăn, cầu mong hái được nhiều măng.
Tai ngoài may moong (thú)
Tai trong may mu (măng)
Điều đáng chú ý, cấp độ linh thiêng của các món ăn phụ thuộc vào cấp độ của lễ hội. Trong các nghi lễ của gia đình, dòng họ, các món ăn có tính chất thiêng chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình, dòng họ. Nhưng ở các nghi lễ của cộng đồng làng, tính chất thiêng liêng bao trùm mọi thành viên trong làng. Đặc biệt, đối với các lễ hội có qui mô lớn của toàn vùng như lễ xên mường của người Thái, hội gầu tào của người Hmông, tính chất thiêng liêng càng tăng và bao trùm toàn vùng. Tính linh thiêng của các món ăn cũng phức tạp và phổ biến rộng khắp toàn vùng.
2.  Các món ăn trong lễ hội mang đậm tính biểu tượng. Các món ăn trong lễ hội không chỉ là món ăn bình thường với những đặc điểm vốn có (về màu sắc, mùi vị…) mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa của cả một cộng đồng. Các món ăn như tín hiệu phản ánh những giá trị lịch sử, thẩm mỹ. Món ăn lễ hội không đơn thuần là đồ ăn mà ẩn chứa những mã hiệu trao truyền cho thế hệ về truyền thống văn hóa. Vì vậy, tìm hiểu món ăn trong lễ hội là tìm hiểu những giá trị ẩn tàng dưới vỏ vật chất của món ăn.
a.   Trong mâm cúng lễ hội Roóng poọc của người Giáy, có món bánh dày xếp chồng từ bốn đến sáu chiếc ở hai bên mâm. Điều đặc biệt, các bánh dày này đều làm theo hình núm vú, đồng bào gọi là núm vú trâu trắng.
Người Giáy là một tộc người thuộc nhóm Tày Thái nằm ở ngành Táy Khao. Người Giáy cũng như người Tày trắng Táy Khao đều nhận bà tổ sinh ra là bà Trâu Trắng (Dà Vài Khao). Người Giáy có nhiều truyền thuyết liên quan đến vật tổ - bà Trâu Trắng như trâu trắng cứu người, trâu trắng tìm nguồn nước… Do đó, trong lễ hội Roóng poọc, người Giáy làm bánh dày – biểu tượng của núm vú bà Trâu Trắng.
Trong mâm cúng lễ hội xuống đồng của người Tày ở Văn Bàn Lào Cai, người Tày ở làng Làn đều cắm các hình chim én, hình các con cá chép bằng giấy bản, giấy màu rất đẹp, chim én làm bằng giấy màu đỏ, cá chép làm bằng giấy màu trắng. Và trên mâm cúng của ông mo đều phải có gà luộc xòe cánh nằm cạnh con cá chếp to nướng vàng. Trong tập sách chữ Thái Páo Khuôn ghi nhận “hồn dương vật là loài chim én”. Loài chim ở cạn (chim én) là vật tổ của nhóm Thái trắng. Và ngược lại cũng trong cuốn sách trên ghi “hồn âm vật là loài rồng nước”. Nhóm Thái đen là con cháu loài rồng ở nước.
Con rồng là loài vật huyền thoại. Tiền thân của rồng theo quan niệm người Thái đen ở Mường Lò – chính là cá chép. Truyền thuyết này tương tự sự tích cá chép hóa rồng của người Việt. Như vậy, chim én là biểu tượng của thế giới dương, bên trên, biểu tượng của lửa, của mặt trời. Do đó hình chim én trong mâm cúng thường nhuộm màu đỏ. Cá chép là biểu tượng của thế giới âm, bên dưới, biểu tượng nước. Do đó, hình cá chép có màu trắng ngà của nước. Nhưng biểu tượng chim én là vật tổ của ngành Thái trắng, và cá chép (rồng) là vật tổ của ngành Thái đen. Qua cặp biểu tượng chim én – cá chép ta thấy yếu tố tượng trưng còn được sử dụng như một bội số (có nhiều ý nghĩa – lồng vào nhau), vừa là vật tổ vừa là âm dương.
Các món ăn mang biểu tượng vật tổ còn tìm thấy khá phổ biến ở các lễ cúng tổ tiên của người Khơ Mú dòng họ “Tvạ” (rau dớn): Lấy ba ngọn rau dớn cuốn với cá vùi vào bếp nướng làm món ăn dâng lên tổ tiên trong lễ cúng tổ tiên. Như vậy, ở người Khơ Mú, biểu tượng của món ăn cũng là biểu tượng của vật tổ. Biểu tượng này liên quan đến tàn dư “tô tem”.
b.  Hầu hết lễ hội các dân tộc ít người ở phía Bắc là lễ hội nông nghiệp. Các biểu tượng liên quan đến nông nghiệp không chỉ xuất hiện ở nghi lễ, trò diễn mà còn có mặt ngay cả các món ăn. Tìm hiểu các món ăn trong lễ hội thấy rõ các biểu tượng phản ánh kinh tế tiền nông nghiệp. Lễ xuống đồng của người Tày có quả đao (cây báng lấy bột) là món ăn dâng cúng. Và bài khấn của ông mo cũng là hạt lúa to như quả đao. Vì cây đao là cây lương thực chính của người dân Đông Nam Á trước khi tìm ra bầu, khoai, lúa, nước. Quả đao là biểu tượng món ăn thời hái lượm. Trong lễ Grợ của người Khơ Mú, mâm cúng phải có bí xanh, bí đỏ, khoai sọ luộc. Khi phần lễ kết thúc, mọi người tranh nhau cướp bí, khoai bôi khắp mặt nhau. Họ còn vê xôi với khoai, bí ném nhau. Khoai, bí xôi bôi khắp mặt, dính đầy đầu tóc của mọi người dự hội. Và ai cũng muốn được bôi nhiều bí, khoai, xôi. Tên lễ hội là “Grợ” có nghĩa là lễ củ. Như ta đã biết, văn hóa khoai sọ, bầu bí sinh ra trước văn hóa lúa. Khoai sọ, bầu bí trong lễ hội Grợ (lễ củ) là biểu tượng của văn hóa bầu bí, của văn hóa tiền nông nghiệp trồng lúa. Điều đặc biệt là người dân véo xôi trộn lẫn bầu bí, khoai sọ với ý niệm bầu bí, khoai sẽ tiếp thêm tinh lực cho lúa.
Và tục đi săn đầu năm mới với mâm cúng thần rừng chỉ gồm thịt chim thú săn được đem nướng, các loại rau rừng hái được đêm luộc gợi nhớ thời người Xá Phó sống chủ yếu bằng hái lượm, săn bắn. Măng nướng, măng luộc, củ mài luộc của người Xá Phó ở Văn Bàn cũng phản ánh kinh tế hái lượm.
Trong kinh tế nông nghiệp lúa nước, yếu tố nước là yếu tố quyết định được mùa trong sản xuất. Vì vậy, dấu vết cầu mưa, cầu nước in đậm trong mâm cúng hội. Các hội xuống đồng của người Tày dọc sông Chảy có tục rước nước thiêng ở nguồn về cúng. Nước thiêng được đặt trang trọng trong quả bầu trên mâm cúng ông mo. Sau lễ cúng, ông mo niệm thần chú rồi dốc nước ở quả bầu vẩy ra khắp xung quanh, mọi người tranh nhau hứng nước cúng. Đó là biểu tượng mô phỏng cầu mưa, mong mưa tưới khắp trần gian, ruộng nhà ai cũng đủ nước cấy.
Cũng như nước, mặt trời là yếu tố cực kỳ quan trọng, đảm bảo cho lúa nước được mùa. Do đó, biểu tượng mặt trời cũng phản ánh trong đồ dâng cúng của người Tày Lào Cai. Bàn đựng mâm cúng của ông mo là hướng đông – hướng mặt trời mọc. Mâm cúng của ông mo và các gia đình đều có hai đĩa xôi: Xôi đỏ tượng trưng cho mặt trời, xôi vàng tượng trưng cho mặt trăng. Mâm cúng còn có hai chim én bằng giấy đỏ (cũng là biểu tượng của lửa, của mặt trời). Đặc biệt, mâm cúng của ông mo đặt trên nền giấy đỏ và phía sau mâm là nền xanh của lá đao rừng. Sắc đỏ nổi trên mâm cúng, mâm cúng lại nằm ở phía đông, lá đao rừng làm nền xanh, khiến mọi người không khỏi liên tưởng đến biểu tượng của mặt trời. Trong nông nghiệp nhất là nông nghiệp nương rẫy ở vùng cao, biểu tượng phòng chống sâu bệnh cũng là biểu tượng quan trọng in dấu ấn trong món ăn một số dân tộc. Trong lễ cơm mới của người Hà Nhì Cồ Chồ, mâm cúng còn có bánh giầy làm bằng bột gạo giã cùng một con châu chấu. Món bánh này là biểu tượng mong mỏi tổ tiên bảo vệ nương lúa khỏi bị nạn châu chấu.
Tương tự như vậy, trong lễ cơm mới, người Phù Lá phải đặt ba mâm cúng dâng lên bàn thờ mẹ: Mâm thứ nhất gồm hoa chuối (biểu tượng cầu mong lúa tốt tươi), củ gừng, khoai sọ (tinh linh hỗ trợ cho lúa) và thịt chuột (biểu tượng cầu mong chuột không phá hoại nương rẫy). Mâm thứ hai là mâm gạo cũ, mâm thứ ba là mâm gạo mới.
Hiện nay, một số dân tộc du nhập các loại cây lương thực mới như ngô, lúa. Nhưng qua các món ăn trong ngày lễ mừng năm mới có thể nhận thấy các món ăn bắt nguồn từ lương thực cổ truyền của họ. Người Dao ở Lào Cai hiện nay ăn lúa nước nhưng trong mâm cúng giao thừa họ phải làm bánh giầy bằng hạt kê mạch (mỗi nhà chỉ trồng một ít để làm bánh giầy cúng tổ tiên). Và người Hmông ở Than Uyên hiện ăn gạo nương là chính nhưng trong lễ tang, lễ hội cúng ma làng bản, làm “nhu đa”, đồng bào đều có món bánh giầy bằng ngô nướng.
Như vậy, các món ăn trong ngày lễ hội là biểu tượng phản ánh, ghi nhận từng chặng đường phát triển của sản xuất từ kinh tế hái lượm, săn bắn đến trồng bầu bí, khoai và cuối cùng mới là trồng lúa, ngô. Món ăn trong ngày lễ hội như những tín hiệu nhắc nhở mỗi thành viên ý thức về cội nguồn, ý thức về truyền thống.
3.  Trong xã hội nông nghiệp cổ truyền, quan hệ xã hội chủ yếu là quan hệ cộng đồng. Nhu cầu giao lưu, cố kết cộng đồng trở thành nhu cầu thường xuyên. Tính cộng đồng chi phối mọi yếu tố của lễ hội, đặc trưng của lễ hội là cộng đồng. Do vậy, một đặc điểm nổi bật trong ăn uống ở lễ hội là ăn uống cộng cảm. Ăn uống trong ngày thường của mỗi gia đình thì yêu cầu trọng thực (đảm bảo nhu cầu no là đầu). Nhưng ăn uống trong lễ hội nhu cầu cộng cảm là yêu cầu hàng đầu. Tính cộng đồng thể hiện ở khâu chuẩn bị món ăn, chế biến và đặc trưng các món ăn đến cả cách ăn.
a.   Tham gia chuẩn bị các món ăn trong ngày lễ hội là niềm vui, là nghĩa vụ, quyền lợi của mỗi thành viên trong cộng đồng (gia đình, dòng họ, làng). Do đó, công việc chuẩn bị bữa ăn là công việc chung của mọi thành viên, du già, trẻ, gái, trai đều có đủ “việc làm” trong khâu chuẩn bị món ăn. Điển hình là hội Khô già già của người Hà Nhì ở Bát Xát – Lào Cai: nam giới mổ trâu, lột da, pha chế thịt; nữ giới làm bánh giầy, hái lá thơm, nấu nướng. Người già làm dàn cúng, sắm mâm cúng; trẻ nhỏ nhặt rau thơm, múc nước, lấy củi đun… Cả làng ồn ào, náo nhiệt phấn khởi chuẩn bị món ăn. Trong hội cá của người Kháng ở ven dòng Nâm Mu hoặc người Mường càng phản ánh tính cộng đồng. Cả làng lội xuống nước bắt cá tập thể, trai tráng giăng lưới, dàn hàng bắt cá, phụ nữ trẻ nhỏ đập nước vang động khắp suối, khua cho cá hoảng sợ chui vào lưới. Khi kéo lưới lên, người già chọn cá to nhất, tươi nhất dâng lên cúng thần, nam giới chọn cá nhỏ, lóc cá; nữ giới băm xương nấu nước chấm gỏi cá. Trẻ nhỏ kiếm lá ngải lau cá, kiếm lá thơm ăn với gỏi cá.
Trong lễ hội cúng thần rừng của người Hmông, người Dao đều phải tổ chức lễ săn thú tập thể, cả làng đều tham gia săn bắn. Cả làng chia làm hai bộ phận: Bộ phận vây dồn và bộ phận đón long diệt thú. Bộ phận vây dồn gồm đông đảo già, trẻ, gái, trai, trẻ con. Họ dùng chiêng, trống, thanh la, tù và, chó săn hò reo để dồn con thú vào khu vực đón lõng. Bộ phận đón lõng ở hẻm núi gồm những trai tráng, thợ săn lão luyện. Họ dùng cạm bẫy, hầm hố phối hợp với vũ khí để diệt thú. Con thú săn đều được làng mổ thịt dâng cúng thần rừng. Việc làm thịt thú, nấu nướng các món ăn cũng là việc chung của cả làng.
Những vùng không còn nhiều rừng và thú hoang, lễ cúng thần rừng chỉ dùng vật hiến sinh là lợn, dê. Vật hiến sinh luân phiên mỗi năm phân công một gia đình nuôi dưỡng. Nhưng khi làm thịt cúng tế, chế biến các món ăn đều là việc chung của cộng đồng. Mọi thành viên trong làng đều tham gia. Ở một số lễ hội, chỉ có các con vật hiến sinh được chế biến thành các món ăn do tập thể đảm nhiệm, còn lương thực (cơm, ngô, xôi, bánh…) đều do từng gia đình chuẩn bị trước. Như vậy, dù cả cộng đồng chuẩn bị toàn bộ các món ăn hoặc chỉ chuẩn bị vật hiến sinh thì tính cộng đồng vẫn thể hiện đậm nét trong các khâu chuẩn bị món ăn lễ hội.
b.  Tính chất cộng đồng còn chi phối cả đặc tính của món ăn. Do yêu cầu các món ăn phải làm cho nhiều người ăn nên món ăn lễ hội cũng mang tính đại trà, dễ chế biến. Những món ăn chế biến cầu kỳ thường chỉ ở mâm cúng của thầy cúng, một vài chức dịch hoặc mâm cúng mang tính chất đại diện cho từng gia đình (trong lễ hội xuống đồng) chỉ dùng ăn uống trong gia đình.
Ở vùng người Hmông, Dao món thức ăn phổ biến là “thắng cố”. Toàn bộ các bộ phận của vật hiến sinh đều cho vào chảo nấu thành canh. Cả cộng đồng ăn chung chảo canh, và ở mỗi mâm bát canh thịt là món ăn chính. Do vậy, “thắng cố” được dịch đúng nghĩa là “canh nấu ở chảo”. Ở người Thái, các món ăn được phổ biến trong lễ hội là thịt luộc chấm nậm pịa, thịt nướng, canh rau thịt. Thịt lợn luộc nộm với các món lá thơm có vị cay, nóng. Các miếng thịt ba chỉ được xát rau mùi, rau thơm, củ sả, húng chó, hạt tiêu, gừng với độ muối vừa tầm nhạt đem nướng vàng. Đặc biệt là món canh được nấu bởi nước luộc thịt với các loại rau cũng trở thành món phổ biến với số lượng nhiều. Nhưng món ăn được ưa dùng nhất, mang tính “cộng cảm” nhất lại là món nước chấm “nậm pịa”. Món nước chấm này lấy từ lòng non của các con vật ăn cỏ nhai như trâu, bò, dê, nai trong đó ngon nhất là hoẵng. “Nậm pịa” dùng để chấm thịt luộc, thịt nướng. Còn chấm xôi, lương thực chính của người Thái lại là món “chéo” gồm có muối, ớt hòa tan với các gia vị khác. Ở vùng người Mường, món ăn không thể thiếu trong tiệc, đám, lễ hội là món “loọng”. Nguyên liệu chỉ có hai thức chính là xương trâu, bò, lợn nấu với lõi mềm màu trắng bên trong thân cây chuối. Tóm lại, vì đáp ứng nhu cầu cộng cảm nên các món ăn tập thể thường phải là món “đại trà”, dễ làm, nhiều, có thể phục vụ nhiều người ăn cùng một lúc.
Tính cộng đồng bình đẳng thể hiện cả trong các nghi thức bày cỗ cúng. Người Hmông quan niệm: Trong một lễ cúng mời thần linh tổ tiên khác nhau phải bày nhiều bát cúng đựng thức ăn. Số lượng bát cúng tùy theo từng cộng đồng dòng họ. Trong lễ nhu đa (ma bò), dòng họ bày 33 bát cúng (được  bày thành ba hàng). Hàng thứ nhất để mời ba bố mẹ đã khuất, hàng bát thứ hai mời những người cùng thế hệ với bố mẹ đã khuất, hàng bát thứ ba mời những người cùng thế hệ với người cúng đã khuất. Các bát cúng đều phải chia các bộ phận thịt bò như sau: có thịt đầu bò, miếng xương ngực, miếng thịt chân, miếng tim, gan, lòng, phổi, dạ dày, lưỡi. Chia đều từng miếng thịt ở từng bộ phận của con bò với ý niệm người chết được hưởng cả con bò. Và các bát đều có số miếng thịt giống nhau, bằng nhau. Như vậy, thức ăn trong lễ hội không chỉ được chia đều cho người sống mà trước hết là phải chia đều cho người đã chết, chia đều cho các thần linh. Quan niệm đó còn được lặp lại, được phản ánh cả trong cách chia phần cho mỗi gia đình sau khi ăn hội. Sau lễ cúng ma rừng gắn liền với hội săn tập thể của người Hmông, chủ nhà đều chia một phần thịt thú săn được cho người ốm đau, trẻ nhỏ ở nhà không đến dự lễ hội. Thậm chí chó săn cũng được chia một miếng thịt thú rừng. Trong lễ hội nào xồng của người Hmông, lễ cúng thần rừng của người Nùng, thành phần dự lễ chỉ là một người chủ gia đình. Nhưng sau bữa ăn mỗi người còn được chia một phần thịt, xôi, cơm, ngô đem về cho người ở nhà. Số thức ăn chia bình quân theo số hộ gia đình trong làng. Như phần trên đã trình bày, chia phần còn phản ánh quan niệm chia “chất thiêng” (lộc thánh) cho mọi thành viên của cộng đồng.
c.   Tính cộng đồng chi phối cả cách ăn và uống trong lễ hội. Ăn hội là ăn cộng cảm vui tươi nên không có sự phân biệt món ăn theo từng mâm. Hầu hết các lễ hội, các mâm đều có các món ăn giống nhau. Tuy nhiên, việc bố trí người ngồi ăn có khác nhau. Thông thường các mâm được sắp xếp theo lứa tuổi và giới tính. Có mâm của các giá làng, trưởng họ, trưởng làng riêng. Có mâm của các chủ hộ gia đình, có mâm của thanh niên, phụ nữ và mâm trẻ con. Một số tộc người có sự phân hóa rõ nét các tầng lớp trong xã hội thì việc bố trí mâm ăn cũng phản ánh mối quan hệ xã hội. Ở vùng người Thái, việc bố trí mâm ăn là điển hình phản  ánh quan hệ xã hội. Trong lễ hội, tiệc đám, người Thái không ấn định rõ số người trong một mâm. Nếu ở vùng người Việt, cỗ thường đóng sáu hoặc bốn người một mâm thì ở vùng người Thái số người xếp quanh mâm không qui định: Có mâm sáu người, có mâm tám người… chạy dài suốt lòng nhà sàn (hoặc bãi bằng mở hội). Ở ngoài trời, vị trí ngồi ăn phân chia ở gần hoặc xa nơi sàn cúng. Gần sàn cúng là các già bản, chức dịch, thầy mo; tiếp đến là chủ gia đình, phụ nữ trẻ con. Trường hợp ăn uống ở trong nhà, vị trí ngồi ăn được qui định khá chặt chẽ. Vị trí ngồi của người ăn phân chia theo chiều dọc thành hai nửa của ngôi nhà. Một nửa, các già bản, chức dịch ngồi ở “hàng phía trên” (năng táng nưa) là dãy chạy sát vách. Một nửa ngồi “hàng phía dưới” (năng táng tản) là dãy chạy dọc theo các gian giữa nhà dành cho các chủ gia đình, những người có nhiệm vụ rót rượu mời hàng phía trên. Riêng phần tiếp giáp bếp (táng chan) dành cho các bà, cô, bác. Phần tiếp giáp với gian thờ (táng quản) chỉ dành cho đàn ông… Như phần trên đã trình bày, tuy mâm cỗ có sự phân chia vị trí ngồi theo từng mâm nhưng không có sự phân chia về số lượng thức ăn. Điều đó cũng khẳng định bữa ăn ngày hội là bữa ăn cộng cảm, ăn cốt để vui, hợp theo từng lứa tuổi giới tính mới vui, ăn không phải để no nên không phân biệt thức ăn.
Tính cộng đồng phản ánh đậm nét ở cách thức, luật tục uống rượu. Ở vùng Hmông Lào Cai, nghi thức uống rượu mở đầu là mang tính chất bình quân. Chỉ có một bình rượu và một cái bát hoặc chén, lần lượt mỗi người trong mâm đều uống lưng bát rượu (hoặc chén rượu). Ở vùng người Thái, người Kháng, La Ha, các lễ hội đều có chum rượu cần. Mọi thành viên đến dự đều được uống. Tốp người uống tiếp đến là thanh niên. Uống chung một vò rượu cần, uống chung một bát rượu đều biểu hiện ý thức bình đẳng, đề cao sự cố kết cộng đồng.
Lễ hội các dân tộc là hệ thống các tín hiệu phản ánh kinh tế - xã hội – văn hóa truyền thống. Món ăn (cũng như cung cách ăn uống) trong lễ hội đều là một bộ phận của các tín hiệu đó. Đặc biệt khác với các món ăn (cung cách ăn) ngày thường, món ăn và cách ăn uống trong lễ hội còn có những đặc điểm nổi trội như món ăn mang tính chất linh thiêng, món ăn mang tính biểu tượng, món ăn đáp ứng nhu cầu cộng cảm của cộng đồng như bài viết đã trình bày. Tuy nhiên, món ăn, cung cách ăn trong ngày hội các dân tộc miền núi phía Bắc còn một số đặc điểm khác về tính tinh chế, tính phồn thực…

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

1. Nguyễn Từ Chi (1996), Góp phần nghiên cứu văn hóa tộc người, Nxb Văn hóa Thông tin.

2.    Nguyễn Văn Huy (1985), Văn hóa và nếp sống Hà Nhì – LôLô, Nxb Văn hóa Dân tộc.
3.    Nguyễn Văn Huy (1990), Văn hóa truyền thống người La Chí, NxbVă hóa Dân tộc, Hà Nội.
4.    Tô Ngọc Thanh (1994), “Niềm tin và lễ hội” trong cuốn Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại, Nxb Khoa học xã hội, tr. 267.
5.    Vương Xuân Tình (1996), Ứng xử xã hội trong ăn uống…, Tạp chí Dân tộc học, số 4.
6.    Cầm Trọng, Phan Hữu Dật (1995), Văn hóa Thái ở Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc.
7.    Đặng Nghiêm Vạn, Nguyễn Trúc Bình, Nguyễn Văn Huy (1972), Những nhóm dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Á ở Tây Bắc Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội.
 
 
 
 
 
 
 
 
TRẦN THỊ NGỌC ANH
 
- Họ và tên khai sinh: Trần Thị Việt Anh
- Bút danh: Vân Anh
- Sinh năm: 1936
- Quê quán: Quế Trạo, Đồng Quế, Lập Thạch, Vĩnh Phúc
- Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ 1957)
 
- Tác phẩm chính đã xuất bản:
* Ba lần gặp Bác Hồ (Truyện ký, 1969)
* Nắng thu vàng (Thơ, 1993)
Và thơ in chung trong một số tập từ 1970 đến 1985.
 TRƯƠNG VĨNH TUẤN
 
- Họ và tên khai sinh: Trương Vĩnh Tuấn
- Sinh năm: 1946
- Quê quán: Nam Viêm, Mê Linh, Vĩnh Phúc
- Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ 1993)
 
- Tác phẩm chính đã xuất bản:
* Bắt hổ (Tập truyện, 1982)
* Sen lên (Thơ, 1984)
* Niềm vui của bé (Tập truyện, 1985)
* Đám ma dế (Tập truyện, 1986)
* Tín hiệu lạ (Tiểu thuyết, 1988)
* Chỉ tại ngọn gió (Thơ, 1992)
* Rừng, lính và thơ (Thơ, 1995)
* Khoảng trống (Tập truyện, 1996)
* Ru em ru tôi (Thơ, 2002)
* Đồng đội ơi (2004)
* Tựa vào tuổi thơ (Truyện thiếu nhi, 2006)
* Thơ - Tác phẩm và dư luận (2006).
A- TRONG KÝ ỨC BẠN BÈ
TRƯƠNG VĨNH TUẤN – NỖI ĐAU ĐỜI 
CỦA THI SĨ
(Nhân đọc “Ru em ru tôi” Thơ Trương Vĩnh Tuấn, NXB Hội nhà văn - 2003) 
Đinh Nam Khương
Có một nhà thơ nổi danh thi sĩ, làm “quan” khá to ở báo Văn nghệ. Nhưng chẳng bao giờ thấy ông vỗ ngực, ngạo mạn nói lời: “ta là quan đây” mà ông luôn dân giã tự gọi mình là hắn, xưng hô với bạn bè là mày tao: “... Hình như hắn là nhà quê/ Hình như hắn từ quê ra”.
Vâng! “Hắn nhà quê” ấy chính là thi sĩ Trương Vĩnh Tuấn, mà trong bài viết này tôi cứ thích gọi ông là Tiên sinh.
Đọc “ru em ru tôi” thấy tiên sinh Trương Vĩnh Tuấn đêm đêm thường trằn trọc thao thức với sao khuê! ông thức để làm thơ, thức để “ru em”, ru người tình. Thức để mở to mắt nhìn những trò đời bắng nhắng... rồi mỉm cười một mình vu vơ trong đêm tối!... Song, trên tất cả những điều ấy là thức với “thiên hạ”, thức với “chúng sinh”. Thức để ru mọi người tỉnh ngủ vì cuộc đời vẫn còn nhiều gian tham độc ác:
“Một đêm thức với chúng sinh
Thì ra thiên hạ thái bình từ lâu
Nỏ thần chước quỷ, mưu sâu
Nỏ cần tất tả buôn trầu bán vôi
Vẫn là gạo đấy mà thôi
Vẫn là em, vẫn là tôi rối lòng…”
                                   (Ru em ru tôi)
Không biết quê hương bản quán của tiên sinh ở đâu ta? mà tiên sinh lại nói hai lần “nỏ cần” ở đầu câu hay thế! Nói như vặt thịt, nói như trong người muốn văng ra một cái gì đó... Đoạn thơ trên, cũng đủ cho ta thấy khí phách của tiên sinh như thế nào. Một người tự xếp mình ngang hàng với “gạo quê” có nghĩa là chỉ cao hơn mặt đất bằng ba con kiến. Tuy có bé nhỏ, nhưng mà là “gạo quê” thứ thiệt. Không phải là gạo nhái, nên không cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng!.. Đã là “gạo quê” cho mọi người thì cần gì phải “chước quỷ mưu sâu” cần gì phải “buôn trầu, bán vôi”... Đó chính là tuyên ngôn về thơ, về cuộc đời của tiên sinh!... Nhìn trong thiên hạ này, có ít người nói năng quê mùa và ngang tàng như vậy!...
Bài thơ “trở về” là bài thơ khắc họa khá rõ nét về nhân cách ngòi bút của tiên sinh Trương Vĩnh Tuấn. Trước cửa chùa, người đời thường cầu xin nhiều thứ... Còn ông, không cầu xin cho mình giàu sang, lắm bạc, nhiều vàng, bởi: “... tiền chi cho lắm khổ đau vì tiền... ”. Muốn cầu xin cho mình ngăn được “...những vòng xoay ngân hà...”. Nhưng buồn thay “...phận mình cũng phận heo may...” nên không thể đảo ngược được thiện ác ở cõi phàm tục này, cuối cùng thì đành phải:
“… Bâng khuâng đứng trước cửa thiền
Cầm bằng lấy sự bình yên trở về…”
                                            (Trở về)
Để rồi:
“… Ngày mai đến gốc bồ đề
Nhặt dăm cái lá đem về ầu ơ!...”
                                      (Vào chùa)
Chỉ có những người hiểu đời, hiểu phật sâu sắc, mới viết đựơc những câu thơ như thế, Những câu thơ bâng khuâng mà đau xót! Cái đau xót của một người có tâm mà không có lực, muốn sống tốt với đời, với người... Mà đời và người lại không cho mình làm được việc ấy!... Đó là nỗi đau nhân bản muôn đời của thi nhân, khắc khoải, buồn chán, muốn tan ra cùng trời đất!...
Cũng với tâm trạng ấy, tiên sinh Trương Vĩnh Tuấn viết về những con khỉ ở rừng trường sơn, trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những con khỉ không biết nói tiếng người, nhưng lại ném cho tiên sinh những chùm quả ngọt ngào khi mà tiên sinh đang đói, mách cho tiên sinh biết nguồn nước sạch khi mà tiên sinh đang khát, chỉ cho tiên sinh những lá cây để tiên sinh rịt vết thương!...Và trong cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, ác liệt ấy, tiên sinh và con khỉ gắn bó sống chết bên nhau: “...Ta - chúng ta như những người bạn thân...” Để rồi bài thơ đóng lại với 3 câu kết thật bất ngờ làm lòng ta se thắt lại, nghĩ ngợi mung lung, xót đau không phải trước khỉ mà xót đau trước con người:
“… Cho đến một hôm
Chợt thấy chúng mày trong cũi sắt
Ta se lòng như một kẻ vô ơn!...”
(Trong vườn bách thú)
       Những câu thơ giản dị như một lời nói thường, nhưng lại như dao sắt cứa vào lòng nhân nghĩa, như tiếng đàn của Thạch Sanh cứ tích tịch tình tang nói về nàng công chúa, như ngôi sao khuya lấp lánh về một tình bạn thủy chung không vô ơn bạc nghĩa...Thế mà đã làm bao kẻ phải giật mình!...
      Sau phút bàng hoàng vì cú sốc làm chấn động mạnh về tinh thần, tiên sinh Trương Vĩnh Tuấn như chợt bừng tỉnh trước cuộc đời, ông nghĩ lại tất cả, muốn cân lại tất cả giá trị cuộc đời trên cán cân lương tâm nhậy cảm của riêng mình!... Rồi khao khát một thế giới tự do, ở trái tim đau đời của ông được thảnh thơi yên nghỉ:
 “… Bỗng tất cả đều trở thành vô nghĩa
Cái trong tay trở thành cái vô cùng
Ước có một nấm mồ xanh cỏ
Để chiều chiều khao khát một dòng sông!...”
                                                     (Không đề)
     Buồn thay! khi mà ước mơ của tiên sinh lại ở phía bên kia thế giới, nơi mà ta vẫn gọi là cõi vĩnh hằng. Cỏ xanh là thứ thuốc màu nhiệm sẽ rịt đi tất cả những vết thương đau, thù hận cho con người và mang lại sự bình yên thanh thản cho những trái tim khổ đau đang ngày đêm rỉ máu!... Tôi chợt nhận ra và lý giải được vì sao tiên sinh Trương Vĩnh Tuấn đang làm quan ở nơi thành phố đèn hoa tráng lệ, lắm bạc, nhiều vàng, trăm ngàn “mỹ nữ cung tần” đêm ngày đấm bóp... Mà cứ khao khát được “trở về rừng”, giống như đã phải lòng ma và bị ma ám:
“… Sẽ đến một ngày, rất gần thôi có thể
Anh xa em trở lại với rừng
Gửi nơi này một chút nhớ nhung
Một ít khổ đau, một phần trách móc…”
                                                     (Trở lại)
      Ông nói lời lâng lâng nhẹ nhàng mà lòng ông lại trĩu nặng! Cái trĩu nặng của một con người sắp sửa từ giã cõi đời để đi xa. Nhưng chết không phải là ra đi mà là trở về, trở về với đồng đội đã yên nghỉ ngàn thu trong các cánh rừng Trường Sơn đầy mưa rơi gió thổi. Về với những con khỉ không biết nói tiếng người nhưng đã một thời cưu mang nhau vượt qua đạn bom, vượt qua cái chết!... Con người trước lúc đi xa bao giờ cũng cất lên những lời nói thật!... Lời nói thật vô cùng thương mến ông đã dành cho em trước tiên: “... anh xa em trở lại với rừng...” câu thơ không có nước mắt nhưng sao lòng ta cứ thấy nghẹn ngào
rưng rưng muốn khóc!
     Tưởng “em” là trên hết: “cảm ơn em ân nghĩa của đời anh / Dẫu có chết cũng là mãn nguyện...” (không đề). Nhưng không! Trong trái tim của tiên sinh Trương Vĩnh Tuấn còn có một tình cảm cao hơn thế, sâu nặng hơn thế, lúc nào cũng canh cánh bên lòng!... Đó là tình đồng đội, tình bè bạn... Chiến tranh đã lùi xa rồi, những hố bom đã được bụi thời gian hàn kín miệng, “...cỏ đã bao phen phải làm lại từ đầu...” (Hữu Thỉnh). Thế mà lúc nào ông cũng nghĩ, cũng tự hỏi
Mình hỏi em:
            “...Anh chôn bạn dưới cánh rừng vắng lặng
             Không biết cỏ xanh rờn đã lấp lối lâu chưa...”
                                                  (Viết riêng cho em )
     Câu hỏi day dứt tâm can ấy, không chỉ vang lên đối với đồng đội đã hy sinh mà vẫn thường vang lên đối với bạn bè đang sống!...Người có phúc lớn là người luôn đặt bạn bè lên trên mình và hết lòng yêu quý họ!... Với cương vị phó tổng biên tập báo văn nghệ, công việc hàng ngày rất bận rộn, nhưng mỗi khi rảnh rỗi là ông lại nhớ tới bạn bè, nỗi nhớ của tiên sinh Trương Vĩnh Tuấn luôn là nỗi nhớ mặc áo thường dân:
      “… Lâu rồi chẳng uống bia hơi
Chẳng ăn thịt chó chẳng ngồi lê la
Lâu rồi, lâu chẳng nghĩ ra
Bạn bè ta? Bạn bè ta thế nào?...”
                                          (Lâu rồi)
     Hình như càng viết, tiên sinh Trương Vĩnh Tuấn càng cô đơn và xót xa hơn! Một đêm khuya, gió lạnh đột ngột tràn về làm tiên sinh tỉnh giấc, mang rượu ra ngồi uống một mình, nói một cách chính xác hơn là uống rượu với trời đêm, uống nỗi cô đơn, uống buồn
thê thảm:
     “… Có cơn gió lạnh vô tình
Xui ta uống rượu một mình vu vơ
Cớ sao lại rối tơ vò
Có sao giận, có sao ngờ, đâu đâu?...”
                                               (Vu vơ)
     Ba lần trong đêm tối ông đã hỏi “cớ sao” nhưng cả ba lần đều không có lời đáp, mày ông chau lại như những vị La Hán ở chùa Tây Phương, thân hình ông khô tóp như những nhà sư khổ hạnh!... Biết hỏi ai đây? Khi mà thật giả, vàng thau, đều đảo lộn như trò
chơi oản tù tì của con trẻ:
     “… Cái đùa cứ như thật
Chuyện thật lại như đùa
Điều không bán lại mua
Điều không mua lại bán…”
                   (Kể cho bạn nghe)
      Cuộc đời, nhiều khi như một trận đồ bát quái, đã vào rồi không tìm thấy đường ra, bởi 8 cửa đều giống nhau, như đùa như thật, như có như không... Những lúc ấy tiên sinh Trương Vĩnh Tuấn cảm thấy mình lạc lõng nhỏ bé và yếu ớt như một loài hoa dại, nở ra một bông buồn, chưa kịp hái, hoa đã trôi về dĩ vãng...Tưởng sẽ kiếm chác ở đời này được cái gì đó. Nhưng không, đời đã lấy đi của ông tất cả, chỉ để lại cho ông sự nuối tiếc mỏng manh trong gió chiều ào
ạt! … Ông chỉ biết than thở cùng em:
     “… Ở trong anh có bông hoa không tên
Chưa kịp hái đã trôi về dĩ vãng!...”
                                     (Hoa không tên)
     Không biết vì sao hai câu thơ “cỏ dại” buồn thương ấy lại cứ ngân vang mãi trong lòng tôi, đem đến cho tôi rất nhiều lý thú và khoái cảm! Tôi thực sự cúi đầu kính phục tài thơ của tiên sinh Trương Vĩnh Tuấn trước những câu thơ mảnh mai như thế – những câu thơ có sức mạnh quật ngã cả non cao sừng sững- Dù thơ đó có nhãn hiệu “cỏ may” nhỏ bé!
      Hình như tiên sinh Trương Vĩnh Tuấn đã học hỏi được rất nhiều, chắt lọc được rất nhiều tinh hoa của kho tàng ca dao dân ca tục ngữ Việt Nam “... làm trai cứ nước hai mà nói...”, “...Người khôn ăn nói nửa chừng, để cho người dại nửa mừng nửa lo!...” Nên thơ ông luôn dừng lại ở sự vu vơ lấp lửng, không rành mạch bao giờ. Làm cho người đọc phải suy nghĩ rất nhiều, và tự rút ra những kết luận cho riêng mình! Đó là bút pháp của ông, là tài hoa của ông, mà bài lục
bát “Giá như” là một ví dụ tiêu biểu:
     “… Giá như cây vẫn còn xanh
Giá như đất vẫn ngọt lành như xưa
Giá như trời hết gió mưa
Giá như, ừ nhỉ, giá như, giá mà…
Giá như mình chẳng biết ta
Thì thôi, thôi thế, âu là… giá như…”
                                             (Giá như)
      Thơ lục bát của tiên sinh Trương Vĩnh Tuấn, cứ đỏng đảnh như người đưa võng, nằm trên võng là cô gái 17 tuổi đang muốn lấy chồng. Như con cá giếc cứ nhảy thách lên trên mặt nước ao thu trong buổi chiều đầy gió thổi!... Lạ lắm, không thể tưởng tượng nổi!...
      Thôi! Mong tiên sinh Trương Vĩnh Tuấn đừng có “giá như” nữa, vì nếu có “giá như” của ông thì cuộc đời vẫn quay tít mù như chiếc đèn kéo quân, không ai có thể làm nó dừng lại! Làm sao ông có thể biết được ngọn gió xưa “Bây giờ đang ở đâu” vì đường đi của gió là vô tận, luôn đổi thay và biến hoá khôn lường!... Dù thế cũng xin ông đừng buồn, vì những câu thơ nao lòng của ông, những lời ru khắc khoải của ông, như cánh chim, như tăm cá, như những chiếc lá vàng mà ông đã “thả” nó bay về muôn nơi. Người đời đã đón nhận nó như đón nhận tâm tình của một người bạn thân. Tôi vinh hạnh cũng được sự trôi dạt ấy, như chiếc ván cứu sinh giữa mùa nước lũ!...Thưa tiên sinh! Khi nào ông trút bỏ áo văn nghệ già trút bỏ áo văn nghệ trẻ, từ biệt em, từ biệt bạn bè, từ biệt thơ, từ biệt cuộc đời sướng vui và đau khổ này, để “trở về với rừng” - Điều mà lúc sống ông vẫn hằng khao khát – Xin gia quyến của ông, xin Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam, đứng đầu là nhà thơ Hữu Thỉnh, đừng có chôn tiên sinh Trương Vĩnh Tuấn yêu quý của chúng tôi ở nghĩa trang Văn Điển, vì ở đó đông đúc quá, bởi khi sống ông là người không thích bon chen!... Hãy đưa ông về nghĩa trang Trường Sơn lộng gió, để ông được nằm đúng đội hình “thẳng hàng ngang, thẳng hàng dọc” cùng đồng chí, đồng đội của ông đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi mà ông đã nhiều lần đến thắp hương cúi đầu tưởng niệm, nơi mà tình yêu tổ quốc trong ông đã nhân lên gấp bội!...
Không biết khi đã “trở về rừng” nằm dưới nấm mồ cỏ xanh, phía trước là dòng sông chiều lững lờ chảy qua, tiên sinh Trương Vĩnh Tuấn có còn nhớ đến những con khỉ ở vườn Bách Thú nữa không? Câu hỏi này, từ khi đọc thơ ông cho đến nay, đêm đêm cứ làm tôi thao thức!... Quái lạ! Sao ông lại “ru” đời như thế nhỉ???...
Đ.N.K
ĐA ĐOAN NẶNG NỢ VỚI ĐỜI 
VỚI NGƯỜI
(Đọc tập thơ “Tôi ấy mà” của Trương Vĩnh Tuấn - NXB, Hội Nhà văn - 2008)
Nguyễn Đức Thiện           
Đêm ấy khuya rồi bỗng nghe tiếng hát. Tiếng hát cứ miết vào tâm trạng tôi khiến tôi nghe không sót lấy một lời. Một nghĩa trang vắng những ngôi mộ trắng xếp ngay ngắn từng hàng. Không thấy sự chết chóc mà chỉ thấy sự trang nghiêm tôn kính kèm một nỗi nhớ nhung da diết. Đó là những ngôi mộ liệt sĩ những người đã là đồng đội của tôi của anh của tất cả những người một thời  gọi chung là lính. Là đồng đội của nhà thơ có lời trong bài hát Trương Vĩnh Tuấn và của nhạc sĩ phổ nhạc có cái tên Nguyễn Giang cũng là một người lính năm xưa. Ngay đêm ấy tôi nhắn tin cho Trương Vĩnh Tuấn như muốn cùng Tuấn gọi hương hồn anh em mình về cùng nghe hát. Trương Vĩnh Tuấn nhắn tin bảo tôi: “khuya rồi để đồng đội mình ngủ giấc ngàn thu tĩnh lặng”. Sâu sắc và xúc động mỗi lần Trương Vĩnh Tuấn viết về những người lính không còn quay trở về được sau chiến tranh.
Thế mà hôm nay trong tay tôi là một tập thơ mới của Trương Vĩnh Tuấn. Cái gì thế này: TÔI ẤY MÀ sao lại thờ ơ sao lại phớt đời sao lại lạnh lùng đến thế. Tôi biết không một nhà thơ nào lại không muốn có cho mình một tập thơ có cái tên thật kêu thật hấp dẫn. Thế mà Trương Vĩnh Tuấn lại chỉ là: TÔI ẤY MÀ…
Rồi những bài thơ hiện dần ra trước mắt tôi. Không phải Trương Vĩnh Tuấn không thơ ơ không lạnh lùng một chút nào. Nhưng là cái  gì thì đến hôm nay khi viết những dòng chữ này tôi mới thật sự hiểu rằng Trương Vĩnh Tuấn không chỉ nỗi niềm mà còn có cả sự đa đoan trong thơ của mình. Cái kiếp người nặng gánh tràn ra trong thơ của anh. 
Này hãy nghe nhà thơ bộc bạch: rất nghèo chẳng có gì đâu/ trái tim háo hức cái đầu si mê/ cái hồn cốt của nhà quê/ cái lo của lính vụng về của dân/ vốn quen với những nợ nần/ vẫn ngong ngóng đợi bước chân em về/ không tin vào những câu thề/ vác dao chém đá để về với em ( TỰ THÁN). Có bao nhiêu tâm sự của đời mình Trương Vĩnh Tuân dãi bày ra cả đấy nên đừng trách tôi dẫn nguyên một bài thơ của anh ra đây. Bỏ câu nào cũng không được.
Này nhé là hồn cốt nhà quê.
Ai cũng có một quê hương. Quê hương với người làm thơ nó gần như là chốn để mà trở về. Nhưng cách trở về mỗi người mỗi khác. Có người thì lấy thương nhớ làm trọng. Mỗi lần thương nhớ là cây đa bến nước bờ tre ruộng lúa… lại hiển hiện trong thơ. Thường mỗi lần như thế hoặc là những câu thơ hứng khởi về sự đổi mới quê mình hoặc là những câu thơ thương cho miền quê còn gian nan vất vả túng thiếu và nghèo đói. Trương Vĩnh Tuấn không như vậy. Hình như trong đời mỗi khi gặp trắc trở là anh nhớ đến chốn quê. Chốn quê với anh như một chỗ dựa tâm linh. Anh về đó để có thể là một nơi ẩn nấp cũng có thể là một nơi để anh xám hối và cũng có thể là nơi để giải thoát cho tâm trạng đang bấn búi của mình. Nhà thơ tâm sự rằng có một lần anh về quê để thăm chút gốc đa gặp em đi hội làng gặp chiếu chèo ngày xưa. Chao ôi thân phận nghèo cái nghèo bán chẳng ai mua để có vài đồng chinh mua bông gạo đỏ để gửi theo hội làng. Theo hội làng còn không được thì làm sao theo em. Thân phận con người lúc đó mới chua xót làm sao: “ góp gom được có bấy nhiêu/ xòe tay toàn thấy những điều trớ trêu”. Tức là người thơ đã trải mấy can qua rồi đi khắp cùng thiên hạ rồi mong chỉ có chút ít vốn liếng thôi về tìm lại ngày xưa của quê nhà song cũng không có. Vốn liếng ấy không tính bằng tiền mà bằng cái nhớ cái thương về làng xưa quê xưa. Nhưng ngẫm cho cùng chính sự trăm trở đó lại là vốn liêng của nhà thơ. Anh có “ Thì em là của mọi nhà” “ chiếu chèo” “ hoa gạo đỏ” “ đò chiều” tức là anh giàu lằm rồi khá giả lắm rồi còn hơn là kẻ vô tình rời quê là quên hết thẩy hoặc có nhắc đến thì chê ỏng chê eo. Cái tình của người thơ với chốn quê làm người thơ sống sênh sang với cõi đời “ toàn những trớ trêu”. Ở một bài thơ khác Trương Vĩnh Tuấn còn nặng lòng hơn. Làng có một cây gạo. Cây gạo ấy là chỗ vui chơi của trẻ con là nơi cho người lớn nghỉ ngơi là huyền thoại của một thời làng đánh giặc. Ấy thế mà một lần bom B52 dội xuống thiếu gỗ làm quan tài chôn người chết vì bom làng xin cây gạo vài cành sáng hôm sau lá gạo rụng vàng mặt đất nhựa cây tràn ra mặt đất giống như một dải khăn tang. Đau lắm buốn lắm cho cây gạo làng buồn lắm cho đất làng. Cây gạo chết làng như có một khoảng trống khôn cùng. Chưa đâu: “ Bây giờ làng tôi thành thị xã/ nhà cao nên đất cứ hẹp dần/ lũ chúng tôi như người lẩn thẩn/ Cây gạo làng/ cây gạo làng tôi”. Xót xa chưa làng ơi. Nhà thơ đau đáu vì nỗi xót xa ấy mới thành nhà thơ. Cây gạo thôi là xót tới đáy lòng như đưa đám một kỷ niệm đẹp của hồn quê. Sau nước mắt tiễn đưa là sự ngẩn ngơ đến tê tái lòng.
Nhưng có lẽ hồn quê được Trương Vĩnh Tuấn thể hiện sâu sắc hơn cả trong bài VIẾT SAU NGÀY NHẬP NGŨ. Tôi đọc đi đọc lại bài thơ. Ban đầu tôi chỉ cho rằng đây là một câu chuyện  của một gia đình. Nhưng càng đọc càng thấy lẩn khuất sau đó một nỗi niềm sâu kín. Người ta thấy nỗi đau khi mẹ đi lấy chồng để con thơ bơ vơ nức nở. Thấy khắc khoải tiếng ông tìm cháu chìa chiếc lưng còng cho cháu làm giường ngủ trong cô đơn tuyệt vọng thấy nỗi oan trái của ông trong cuộc cải cách ruộng đất ngày nào. Thấy gánh củi oằn vai cậu thay mẹ nuôi cháu mồ côi. Thấy ngày ông được minh oan… Nhưng ngày ấy đứa con đưa cháu vẫn khao khát nhớ về mẹ mà người mẹ “ không dám về thăm/ vì nhà mình là địa chủ”. Rồi những ngày thơ ấu gian nan vẫn gào lên trong tâm thức hai tiếng mẹ ơi. Mẹ ơi cả khi lấy máu viết đơn tình nguyện nhập ngũ khi đất nước có chiến tranh. Từ biệt ông ngoại khi mộ đã xanh cỏ. Từ biệt cậu từ biết mọi người trong hớn hở ngày ra đi nhưng trong lòng tự thú với một người thôi: “ Con giấu đi những giọt nước mắt/ con biết sợ rồi mẹ ơi”. Đến thế dã là day dứt lắm rồi. Đoạn kết như tiếng gào tiếng thét: “ Đoàn tàu lầm lũi đưa con vào phía Nam/ Sóng ở đâu mà cứ gầm lên/ bão từ nơi nào xô về xối xả/ tự trái tim con kêu lên khe khẽ/ mẹ ơi con thương mẹ/ nhưng tàu trôi nhanh qua/ cuốn lời con trôi theo”. Đọc mà muốn rơi nước mắt. Cuối cùng vẫn là mẹ thôi. Và hồn quê chính là hồn mẹ. Dù có ở đâu lúc nào thì bao giờ mẹ cũng ở trong con. Đừng gán cho Trương Vĩnh Tuấn cái ý: khêu gợi một thời đất nước có chiến tranh thanh niên lớp lớp lên đường mà nên nói rằng: trước lúc vào trận sinh tử ( mà lính thì trận nào chẳng là trận sinh tử)  người mà người lính nhớ đến trước hết là mẹ. Đọc đoạn đầu thấy hình như là một lời trách móc mẹ bỏ con đi lấy chồng. Nhưng càng đọc càng thấy nỗi yêu thương vô bờ bến với mẹ.  Và nơi mẹ sinh ra ta bao giờ cũng là nơi được ta gọi là quê là nơi suốt đời ta nhớ suốt đời đau đáu nhìn về. Người thường đã vậy người thơ càng sâu sắc hơn.
Thế đấy hồn quê cứ vương vấn hoài trong thơ Trương Vĩnh Tuấn.  Rồi chính từ hồn quê mà Trương vĩnh Tuấn trở thành người trong cuộc giữa cuộc sống đời thường mà ở đó có anh có mọi người mà ta có thể gọi chung là nhân dân. Tôi nói thế vì tất cả những gì Trương Vĩnh Tuấn nói ra trong thơ nó rất gần gũi với chúng ta. Đó là những nỗi lo. Không hiểu sao tôi cứ bị ám ảnh bởi mấy bài thơ khi Trương Vĩnh Tuấn phải đi nằm bệnh viện. Trong đó có bài NHÂN DÂN mà có lúc tôi đã có lời bình. Đến nay khi TÔI ẤY MÀ ra mắt bạn đọc mới thấy nỗi lo của nhân dần hằn sâu trong thơ Trương Vĩnh Tuấn. Hãy đến với bài thơ có cái tên rất gọn nhưng đọc đến tên bài thơ ai ai cũng giật mình: GIÁ.  Cũng với cách trình bày trực diện Trương Vĩnh Tuấn cho ta thấy hiện thực của một xã hội đang được chuyển đông thao quy luật của cơ chế thị trường. Cái thời giá trị thặng dư tha hồ lũy tiến biển chỉ bằng cái bàn tay; trời chẳng cao đất chẳng dày. Cái mà bây giờ người ta thường nói ra cửa miệng là xã hội hóa đến cả trường học nhà thương cũng xã hội hóa. Xã hội hóa đã làm nhiều “ nhân dân” lo lắng không nguôi. Lo bệnh tật lo con em đến trường… Rồi hàng loạt những thứ đóng góp khác đến mức báo chí truyền hình có lúc phải lên tiếng giúp “ nhân dân”. Nói thực lòng tôi chẳng thấy vui chút nào khi thấy một đại gia bỏ ra vài chục tỷ để mua một thứ không đáng giá như thế hoặc một số sim điện thoai cả mấy trăm triệu đồng để gọi là làm từ thiện để được gọi là mạnh thường quân. Nó chỉ thể hiện sự phân hóa giàu nghèo quá sâu sắc trong khi đó ở những vùng quê người nông dân tháng tháng phải bỏ vào quỹ này quỹ nọ hai ba ngàn hoặc hai ba chục ngàn. Ít lắm chẳng đáng với các đại gia nhưng nó lại vô cùng quý giá với những người nghèo. Họ chẳng được tôn vinh như các đại gia giàu có. Trong lúc “ tết năm nay mẹ Việt Nam anh hùng được một trăm hai/ các chiến sĩ Trường Sa bình quân trăm rưởi”. Còn ở vỉa hè ( mà chuyện vỉa hè của đất nước mình nó có sác xuất chính xác ghê lắm) người ta biết thu nhập của những vị này vị kia là bao nhiêu. Chỉ có điều có làm cuộc kê khai thu nhập cá nhân thì họ cũng chỉ tương đương với công chức bậc trung thôi. Nhân dân biết nhưng nói với ai đây: “ dân nhún vai vì dân đang vội/ mua bó hoa ( cho Tết) sợ lát nữa không đủ tiền”. Trương Vĩnh Tuấn hô vang: nhân dân muôn năm! Nhân dân muôn năm. Nhân dân chịu đựng quen rồi. Chịu đựng giá cứ leo thang mà thu nhập dậm chân tại chỗ. Nhân dân quen rồi chịu đựng những thiệt thòi Nhân dân cũng quen rồi “ một sự nhịn là chín sự lành” . Vì thế mà Trương Vĩnh Tuấn thốt lên: “ mai sau trở lại kiếp người? có oan cũng chẳng nửa lời kêu oan”( VÔ ĐỀ III). Câu thơ này đâu có dành cho Thị Kính càng không dành cho Thị Mầu mà dành cho ai đó từng chịu đựng không chỉ nỗi oan mà cho cả nỗi cực nhọc thiệt thòi. GÍA không chỉ là cái giá trong mua bán mà còn là cái giá phải trả cho sự mất mát hôm nay trong đó có cả sự mất mát lòng tin. Cùng với bài NHÂN DÂN Trương Vĩnh Tuấn đã vào cuộc. Nhà báo chống tham nhũng đã đành họ đấu tranh trực diện. Thế thì nhà thơ cũng phải vào trận thôi. Và Trương Vĩnh Tuấn đã vào trận. Những câu thơ giản dị bên cạnh sự bóng gió mỉa mai là những câu thơ chỉ thẳng vào những bất công hiển hiện bây giờ. “ kẻ ăn không hết người lần không ra”. Kẻ ăn không hết là ai để thiên hạ phán xét. Còn người lần không ra thì.. thôi không nên nói ra. Vì nói ra nhà thơ của chúng ta thêm chạnh lòng. Cùng với bài NHÂN DÂN Trương Vĩnh Tuấn đã thể hiện rõ thái độ của mình là đứng về phía nhân dân. Vì thế mà “nhân dân muôn năm”. Ngay cả trong những bài thơ tình bóng dáng nhân dân lâu lại hiện ra. Hiện ra trong câu tự tình với người yêu khi bàn giao nhà cho con khi ngẫm ngợi một mình khi tâm tình với những người bạn  lính đã hy sinh. Nhân dân cũng chính là một sự đa đoan trong thơ Trương Vĩnh Tuấn.
TÔI ẤY MÀ của Trương Vĩnh Tuấn còn một điều nữa không thể không nhắc đến đó là tình cảm chan chứa mà anh dành cho bạn bè. Nếu tính thời gian vật chất tôi và Trương Vĩnhh Tuấn gần nhau chắc được vài giờ đồng hồ. Còn sau đó là điện thoại.  Mà cước điện thoại bây giờ với cái túi của một nhà văn như tôi chẳng dám gọi nhiều. Tối đa chừng ba phút là phải cúp máy cho nhanh kẻo bội chi thì gay. Thế mà đọc thơ Trương Vĩnh Tuấn tôi tin mình có một người bạn đáng tin cậy. Này là Trịnh Thanh Sơn: “ thế gian chật/ bạn ít người dưng nhiều/ đừng đi Sơn ơi lại sắp đến mùa hoa sữa… đừng khóc Sơn ơi/ tao không chịu được nước mắt/ nào nắm tay tao thật chặt/ đừng đi Sơn ơi” ( SƠN ƠI). Ấy là ngày Trịnhh Thanh Sơn sắp ra đi vĩnh viễn. Vẫn Trịnh Thanh Sơn: “ năm nay bạn thành người thiên cổ/ nâng chén rượu lên chẳng thấy xuân” ( NHỚ TRỊNH THANH SƠN) . Mất một người bạn mà đến mức mất một mùa xuân thì nỗi nhớ dằng dai đến mức nào. Có một lần qua điện thoại Trương Vĩnh Tuấn đọc cho tôi nghe nguyên một bài thơ sau câu nói: Nhớ Trịnh Thanh Sơn qúa Thiện ơi : “…  một ly rượu một vần thơ/ đêm đêm tôi thức tôi chờ bạn qua/ thế rồi bạn tới cười xòa/ bạn vui như thể trẻ ra mấy lần”. Thương thật chắc là nhiều đêm chờ bạn bây giờ biết chờ bạn cũng không tới được nữa mới òa ra được những câu thơ đầy nhớ nhung như thế. Với Trần Quốc Thực sự xót thương có khác hơn. Cả mấy khổ thơ là mấy câu hỏi: “ dấn thân làm thi sĩ. Để làm gì Thực ơi… sao cũng là kiếp người/ mà bạn tôi khổ thế/ rượu hay là nước lã/ chẳng giúp gì bạn tôi’ .Với Nguyễn  Bùi Vợi Trương Vĩnh Tuấn có điều day dứt: “ bài học làm người thày dạy em còn nguyên/ nhưng tóc em đã bạc/ em muốn truyền cho con em mà em không biết cách/ sao điều này thày không dạy em/ sao điều này thày không dạy em”. Dạy làm sao được Tuấn ơi. Để có thể làm người có biết bao nhiêu cách thày dạy Tuấn làm người thơ mà người thơ thì mấy ai học mà thành. Hỏi thày làm gì mà tội nghiệp. Còn thơ cho Nguyễn Bá Thắng còn thơ cho Đặng Hồng Thiệp còn thơ cho những người bạn cùng thời thơ cho bạn từng đứng trong hàng ngũ quân đội nhân dân và thơ cho những người bạn chiến đấu đến nay chẳng thể về.
Bây giờ xin trở lại với bài thơ mang tên cho cả tập TÔI ẤY MÀ.  Tôi tin một điều rằng: không phải vô tình hay ai xúi khôn xui dại mà Trương Vĩnh Tuấn lấy tên tập thơ của mình đơn giản và khô khan như vậy. Bởi cả bài thơ là một lời tự thú. Mà mấy ai ở đời này dám tự thú như anh. Những cuộc tình làm say lả lướt giống như uống rượu say mèm đến hôm nay mới nhận ra rằng lắm đắng nhiều cay. Rồi trong cuộc tranh chấp để tồn tại tưởng mình khôn lắm ai dè mình là thứ dại dột dại dột suốt một đời người. Đành buông một câu kiểu AQ: “ khôn một mình biết để dại cho ai”. Lại càng AQ hơn: “ bao tội lỗi là do tôi tất cả/ cao thượng sáng trong là của các người/ tôi ấy mà lại về với cỏ”. Chỉ có điều AQ của ông Lỗ Tấn chỉ muốn hơn người còn AQ của Trương Vĩnh Tuấn lại chịu thua thiệt trước tất cả. Thôi thì tôi dừng lại phía sau để các người đi lên phía trước. Tôi xin bó gối tôi xin đầu hàng.
Không làm gì có chuyện ấy. Thơ anh còn nghĩ về quê hương bằng cả một tình cảm chân thành còn sống với bạn bè hết mình và đặc biệt thấy hết trách nhiệm của nhà thơ với nhân dân thì chẳng thấy anh dừng  lại lúc nào. Nhiều nợ nần nhiều đa đoan lắm. nợ nần đa đoan với đời với người với xóm quê với người tình và với cả chính mình. Anh chưa thoát tục làm sao mà THIỀN làm sao mà NAM MÔ A DI ĐÀ được.
Tao vẫn thế tóc có phần hơi bạc
Vẫn ngây ngô cho tới bến dại khờ
Kẻ phản trắc đã đôi lần sờ gót
Vẫn yêu và làm thơ
Có thế chứ. Có thế mới là Trương Vĩnh Tuấn – Nhà thơ. 
N.Đ.T 
B - MỘT SỐ TÁC PHẨM TIÊU BIỂU
NHÂN DÂN
Hãy đi viện một lần 
Để hiểu thế nào là nhân dân 
Hãy đưa con đến trường 
Để biết thế nào là chữ 
Hãy ra chợ để thương những người vợ 
Cầm đồng lương chúng ta mang về 
Khi lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà 
Người lấy dân làm gốc 
Người hằng mơ ước 
Được chăm lo cho dân 
Muốn hiểu dân 
Hãy một lần đến bệnh viện 
Muốn biết trăm năm trồng người 
Hãy đi mua chữ cho con 
Nhân Dân 
Người bảo vệ chế độ cộng hoà 
"Thóc không thiếu một cân 
Quân không thiếu một người" 
Khi giặc đến "còn cái lai quần cũng đánh" 
Nhân Dân 
Tiễn con ra mặt trận 
Để rồi đời này truyền đời khác 
Mong tìm được mộ thân nhân 
Nhân Dân 
Thu hẹp phần đất tổ tiên 
Cho cuộc hồi sinh Tổ quốc 
Bỏ qua những điều thua được 
Sợ thò tay bóp nát trái tim mình 
Hãy đến bệnh viện một lần 
Hãy đưa con đến trường 
Nhân dân đang đứng đó 
Bài ca "Vì nhân dân quên mình" 
Ai sẽ còn hát nữa

KHÔNG GIỜ 

Lúc này là không giờ 

Tôi biết lá còn đang thức 
Nói chuyện với nhau được không 
Chúng mình biết nhau từ trước 
Khi tôi chào đời 
Mẹ gom lá khô làm ổ 
Tôi lớn lên trong màu xanh lá lúa 
Và lời ru lá bưởi lá bòng 
Khi lá xanh kết thành chùm 
Lá đậu trên ba lô 
Trên nóc hầm 
Tôi yêu màu xanh của lá 
Khi đồng đội tôi ngã xuống 
Tôi che mặt nó bằng chùm lá xanh 
Tôi nhả đạn vào quân thù 
Tôi thấy chùm lá xanh cũng vẫy 
Hỏi lá một câu thôi. Cớ sao mà xanh vậy 
Mà cuộc đời cứ bạc trắng như vôi 
Hỏi lá một câu thôi xanh cho ai vậy 
Xanh vô biên vô lý ở trên đời
GIÁ NHƯ
Giá như cái lưỡi không buông lời độc địa 
Giá như loài người không còn tị hiềm 
Giá như nền văn minh cứ tự nhiên như trời và đất 
Thì chúng mình sẽ có với nhau một đứa con 
Con gái phải không em 
Hình dáng của em sẽ được lưu truyền mãi mãi 
Cho hận thù sẽ tan thành bọt nước 
Cho nhỏ nhen lột xác làm người 
Con gái phải không em 
Cho đôi mắt đen tròn sẽ trở thành báu vật 
Cho chiến tranh không bao giờ xảy ra 
Cho đau khổ lặn vào nước mắt 
Chúng ta chơi vơi giữa hai dòng được mất 
Muốn trắng tay để được sống hết mình 
Nhưng sợi dây đạo lý luân thường 
Lôi cổ chúng ta trở về thực tại 
Không thể có con với nhau được đâu anh ơi 
Lời thị phi em không chịu nổi 
Tình yêu vụng dại 
Chúng mình dành cho nhau trong mênh mông kiếp người 
Ngày mai, chúng ta sẽ để lại cho con gái của chúng ta bài ca dao 
Em thấy không ở về phía mặt trời 
Con gái của chúng ta khuôn mặt sáng ngời 
Ngày mai em biết không con gái của chúng ta sẽ đặt bó hoa tigôn trên mộ của mẹ cha 
Và một lời nguyện cầu hỡi nền văn minh loài người hãy giải phóng tình yêu 
Biển bất lực gào, bão giông gào, loài người lạnh lùng duy trì những vết hằn đạo lý 
Vì thế nên con gái của chúng ta chưa ra đời 
Nhưng chúng ta đã có với nhau một đứa con gái
 
 
 
 
 
 
 
 
CÂY CHANH
 
Hôm qua mưa gió bão bùng 
Cây chanh nhỏ gãy ngang chừng còn đâu... 
Mong chi lấy quả gội đầu 
Nụ tầm xuân chẳng gửi vào làm chi 
Chanh cho cái lá xanh rì 
Cho hương thơm cũng bởi vì lá chanh 
Ba năm chanh chẳng có cành 
Trách chi chanh, hãy trách mình bên chanh
 
 
 
 
 
 
 
ĐẾN BIỂN NHỚ RỪNG
 
Ở với rừng tôi hiểu biển là bao 
Nếu đêm nay không thức cùng sóng vỗ 
Lòng đã quen gió cả 
Thẫn thờ trước mênh mông 
Chưa kịp đưa tay nâng quầng bọt mặn 
Sóng đã vô tình kéo lui rất xa 
Không phải rừng đâu biển mặn đấy mà 
Tôi chợt tỉnh khi con thuyền chao động
 
 
 
 
 
 
 
NGỌN GIÓ NHƯ LÀ
 
Cứ như một ngọn gió lành 
Thổi vào anh, thổi vào anh ngỡ ngàng 
Làm rơi những chiếc lá vàng 
Rơi luôn chùm nắng xiên ngang trời chiều 
Gió không nâng nổi cánh diều 
Cho con sông với cây cầu bâng khuâng 
ơ kìa ngọn cỏ đẫm sương 
Phải chăng gió tự muôn phương tụ về 
Như là, ngọn gió như là 
Vừa xanh mà lại vừa xa vừa gần 
Phải rồi gió mới dừng chân 
Cứ trông đồng lúa tần ngần xôn xao 
Bây giờ gió đã lên cao 
Mà xem có đám mây nào nhởn nhơ 
Ngồi buông viết một vần thơ 
Hỏi thăm ngọn gió bây giờ ở đâu
 
 
 
 
 
 
 
ĐỢI EM
 
Không ai đi với em 
Mưa đêm nay sậm hạt 
Ngọn cỏ mềm ngơ ngác 
Con dế mèn râm ran 
Không ai đi đón em 
Cây rầm rì phố vắng 
Ngọn đèn đường chao động 
Bánh xe tròn lang thang 
Anh xô đợt bão rừng 
Thương em nhiều lắm đấy 
Đợi em hoài không thấy 
Trăng lưỡi liềm mỏng tang 
Như lòng anh bâng khuâng 
Tự hỏi thầm với gió 
Bao giờ, bao giờ nhỉ 
Hoa sữa thơm bên đường 
Kể từ khi có anh 
Em vẫn về lặng lẽ 
Kể từ khi có anh 
Cuộc đời em vẫn thế 
Em đi trong tư lự 
Trong cái guồng xe quay 
Giận ông trời đêm nay 
Sao lại buông nặng hạt 
Gần nhau trong gang tấc 
Thương nhau từng tấc gang 
Cái giọt mưa lang thang 
Sẻ cùng em không được 
Đêm nay mưa chưa dứt 
Đêm mai mưa có về 
Anh đón em ở nhà 
Đợi em trong thăm thẳm 
Yêu em nhiều, yêu lắm 
Nên nỗi đợi dài ra 
Trong giấc ngủ đêm hè 
Anh xin làm ngọn gió 
Để xua đi tư lự 
Để xua đi nhọc nhằn 
Và anh biết rằng anh 
Phải tự mình làm gió
HỎI
Hỏi rừng sao cứ mãi xanh 
Hỏi sông sao cứ lượn quanh bãi bờ 
Hỏi trăng khi tỏ khi mờ 
Hôm qua biển động vật vờ sóng xô 
Mải vui quên cả hẹn hò 
Quá buồn chẳng nhớ câu thơ thuở nào 
Trách rằng đất thấp trời cao 
Bao nhiêu hờn giận trút vào thinh không 
Người ta trồng cải lấy ngồng 
Tôi về dựng cái cầu vồng đón mưa 
Ở sao cho thế gian vừa 
Thinh không gõ mõ vào chùa tu thân. 
BIẾT RỒI
Biết rồi chẳng nói ra đâu 
Để cho hoa thắm để trầu còn cay 
Biết rồi thả gió cho bay 
Thả sông cho chảy thả ngày vào đêm 
Biết rồi chẳng muốn biết thêm 
Cởi ra cái sợi chỉ mềm buộc tay 
Biết rồi uống rượu cho say 
Thế là không biết là bay nỗi buồn
VŨ ĐÌNH MINH
- Họ và tên khai sinh: Vũ Đình Minh
- Sinh năm: 1944
- Quê quán: Xã Tráng Việt, Mê Linh, Hà Nội
- Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ 1984)
- Tác phẩm chính đã xuất bản:
* Lời từ đất (Thơ in chung, 1973)
* Gió đồng (Thơ, 1978)
* Mưa trước cửa nhà (Thơ, 1982)
* Trong mưa (Thơ in chung, 1987)
* Mưa tiếp ở thượng nguồn (Tập truyện ngắn, 1985)
* Mùa cạn (Tiểu thuyết, 1988)
* Trả giá cuối cùng (Tiểu thuyết, 1990)
* Cánh diều nằm trên cỏ (Truyện thiếu nhi, 1987)
* Một giờ làm quan (Tập truyện, 2006)
- Giải thưởng văn học:
* Giải thưởng 5 năm văn học của Hội văn nghệ Hà Nội(1981-1985) và (1985-1990)
* Giải ba cuộc thi truyện ngắn Tạp chí VNQĐ, 1982
* Giải ba cuộc thi truyện ngắn Báo Văn Nghệ, 1984
- Suy nghĩ về nghề văn:
Tôi chán ghét những người sống tẻ nhạt, không có một niềm say mê gì. Bởi thế, từ nhỏ, tôi đã chọn cho mình một niềm say mê, đó là văn học. Bản tính luôn cảm thấy mình cô đơn, nên văn học đã giúp tôi bộc lộ những cảm xúc của mình với bè bạn, đồng loại và đỡ thấy đơn côi. Tôi chỉ có một tham vọng là được sống hòa nhập với mọi người, được mọi người hiểu mình trong một khoảng thời gian ngắn ngủi cùng tồn tại với nhau trên trái đất. Tham vọng đó, văn học dễ giúp tôi thể hiện hơn cả.
A - TRONG KÝ ỨC BẠN BÈ  
 
DUNG DỊ  VŨ ĐÌNH MINH 
Chu Nhạc
Tôi biết đến Vũ Đình Minh, trước hết là con người, chứ không phải văn thơ, mặc dù anh là hội viên của cả hai hội danh giá, Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam. CHIA SẺ TIN BÀI KHÁC Mong muốn 'Hò khoan Lệ Thủy' thành di sản thế giới Ấp Hà Đông trên Đà Lạt, đất của con trăn có sừng Khánh Hòa xin tổ chức Hoa hậu Hoàn Vũ 2017 tại Nha Trang 'Thời cuộc không cho phép chúng ta ỷ lại, vô cảm nữa!' Đặc vụ Trung Quốc bí mật vào Mỹ săn lùng những kẻ trốn chạy Xem thêm Vượng Cốt Đan - Giảm, ngừa thái hóa khớp khoixuongkhop.com Hỗ trợ điều trị các bệnh xương khớp, hiệu quả hơn, an toàn hơn. Mua ngay! Tiếng Anh123 giúp học sinh giỏi tiếng Anhwww.TiengAnh123.com Tiếng Anh Online cho học sinh phổ thông - Ôn tập kiến thức - Học 4 kỹ năng - Hiệu quả Tôi biết đến Vũ Đình Minh, trước hết là con người, chứ không phải văn thơ, mặc dù anh là hội viên của cả hai hội danh giá, Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam. Với anh, gọi là nhà văn, nhà thơ đều được. Hơn thế nữa, những năm trước khi nghỉ hưu, anh còn khá thành công với tư cách là tác giả kịch bản - đạo diễn của xê-ri phim về chân dung văn học nghệ thuật các tác gia tên tuổi của Việt Nam, được chiếu định kỳ trên HTV và trên VTV3. Nhà văn, nhà thơ Vũ Đình Minh Về khía cạnh nào đó, anh vừa là người anh, người bạn vong niên, vừa là người thày truyền nghề, người bạn đồng nghiệp của tôi... Trước khi về Hà Nội làm báo chuyên nghiệp, tôi có gần bảy năm hành nghề kỹ sư canh nông tại miền Tây Nam bộ. Vừa làm nghề, vừa tập tọng viết báo nghiệp dư. Thêm nữa, sẵn có chút máu văn chương trong người từ nhỏ, được thổi bùng bởi Trần Đăng Khoa nổi tiếng, khi cùng đội tuyển của Hải Hưng với nhau, tham dự kỳ thi học sinh giỏi văn lớp 10/10 toàn miền Bắc niên khóa 1974 - 1975, nên tôi còn túc tắc làm thơ, viết truyện ngắn. Hàng năm, mỗi kỳ nghỉ phép ra Bắc, tôi hay đi theo người bạn thân là Trịnh Bá Ninh, khi đó là phóng viên của Báo Nông nghiệp Việt Nam, thăm nom, giao du với một số nhà văn, nhà thơ thuộc Nhóm Ong, trong đó có Vũ Đình Minh. Ngày đó, Vũ Đình Minh công tác ở Ban Văn nghệ, Đài Phát thanh Hà Nội. Anh sống một mình tại nhà riêng, căn nhà cấp 4 ọp ẹp có chút sân vườn, ẩn sâu trong ngõ làng nơi chân dốc phố Lò Đúc phía ô Đông Mác. Căn nhà ấy, trước thuộc đất làng, sau này thành ngõ phố, gia đình anh gom góp bỏ tiền ra mua khi anh chuyển công tác từ Mê Linh về Đài phát thanh Hà Nội. Vũ Đình Minh sinh năm 1944, tuổi Giáp Thân, quê xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, vùng đất xưa từng là kinh đô của Hai Bà Trưng, sau này thuộc đất Vĩnh Phúc, rồi chuyển thành huyện ngoại ô của Hà Nội. Anh tốt nghiệp khoa văn Đại học Sư phạm Hà Nội, làm thày giáo dạy văn nhiều năm ở vùng núi Cao Bằng, rồi về dạy cấp 3 Đoan Hùng (Vĩnh Phú). Anh bén duyên thơ văn khi còn làm thày giáo dạy văn, có thơ văn đăng báo nhiều, nên sau chuyển sang hẳn Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phú một thời gian, rồi theo lời mời về công tác tại Đài Phát thanh Hà Nội. Sống một mình ở phố, anh phải bươn chải nuôi mình và vợ con ở quê. Có được căn nhà như vậy, khi đó đã là niềm hạnh phúc và ao ước của bao người nhập cư về Hà Nội. Đầu năm 1987, tôi xin nghỉ không lương, ra Bắc tìm việc mới. Thời gian đó, Trịnh Bá Ninh bận việc làm báo, tôi rảnh rỗi hơn, lang thang đây đó nên hay đến nhà anh, kể cả sau này, ngôi nhà ấy có thêm vợ chồng người em trai ruột ở cùng. Tôi nhớ, từ cuối phố Lò Đúc, đường xuống ngõ vào nhà anh phải qua một dốc cầu thang dài gạch xây cũ kỹ, hai bên mép có lối để dắt xe. Mỗi lần đến, nếu anh có nhà, hình ảnh tôi thường gặp là căn nhà lợp ngói xềnh xoàng lờ mờ trong ánh sáng điện vàng ệch, nơi chiếc bàn thấp chân kê giữa phòng khách đặt chiếc máy chữ cũ mèm đang đánh dở và bên cạnh là chén rượu quốc lủi và đĩa nhỏ lạc rang. Vũ Đình Minh đang sáng tác. Anh có lối viết trực tiếp, không dùng bút viết thảo nháp trên giấy nữa, mà gõ thẳng máy chữ, cậm cạnh nhẫn nại gõ, vừa sáng tác vừa nhấp rượu với lạc rang. Sau này, tôi học ở anh cách làm việc này.Thấy tôi, anh tạm dừng việc, tiếp khách. Thường là tôi mang đến một vài sáng tác văn xuôi của mình, nhờ anh đọc, góp ý, và nếu được thì anh xếp vào chương trình đọc chuyện của Đài Hà Nội. Hôm nào, thấy anh đang say việc và có vẻ viết được, tôi biết ý không chơi lâu. Có hôm, viết bí, lại tâm trạng chi đó muốn giãi bày, anh giữ tôi lại, rót rượu mời uống, chuyện nọ dọ chuyện kia. Và những lúc như thế, tôi biết thêm về hoàn cảnh gia đình anh, về đường đời, sự nghiệp và quan niệm sáng tác của anh. Nhà bên quê Mê Linh, nông thôn nghèo với những hủ tục, định kiến xưa cũ, gia đình mà anh là ông chủ, nào mẹ già, nào chị gái, các em, vợ và con, ai cũng yêu thương cả, song không phải lúc nào cũng cơm lành canh ngọt. Còn nghiệp cầm bút ư? Trước tiên, đã là việc làm công ăn lương rồi, sau mới đến nghệ thuật, và nữa, là để có nhuận bút, thêm thắt, đặng giúp vợ nuôi con. Cuối năm 1987, tôi chuyển hẳn ra Bắc, về đầu quân tại Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), trở thành đồng nghiệp làm báo phát thanh với Vũ Đình Minh. Khi ấy, anh em gặp nhau thường xuyên hơn. Tuy bận việc chính làm báo ở VOV, song tôi cộng tác thường xuyên với Ban Văn nghệ Đài Hà Nội do anh phụ trách. Những lúc bù khú, có hơi men, anh tủm tỉm cười đùa tôi: "Chú mày bây giờ oách hơn anh đấy nhé. Chú ở đài trung ương, còn ta, dù là Hà Nội thủ đô đi chăng nữa thì cũng chỉ là đài địa phương thôi". Vũ Đình Minh hóm hỉnh nheo nheo đôi mắt cười, làm khuôn mặt sớm héo khô của anh rạng rõ ra: “Anh phát bài của chú, chú thì có thêm chút thu nhập dù nhuận bút đài anh bèo bọt... Với lại, cũng là để có cái cớ anh em mình gặp nhau, nâng lên đặt xuống thế này... còn lấy cảm hứng mà viết chứ...”. Có lần, cả tôi, anh và Trịnh Bá Ninh đều ngà ngà, Vũ Đình Minh chỉ tay vào tôi, bỗ bã: “Này thằng Ninh, thằng Nhạc có người yêu chưa? Nếu có rồi thì thôi... còn như chưa thì để tao làm mối... Chỗ tao, có mấy cháu gái được lắm, xinh gái, ngoan ngoãn, con nhà tử tế...".Về công tác ở Đài TNVN, tôi ổn định được công việc, lại là việc yêu thích, song đời sống thì khó khăn gấp bội. Cơ chế xóa bao cấp, khởi đầu bằng việc bỏ sổ gạo, mở cho người ta bung ra làm ăn, song là với ai đó, chứ đâu với mình, lương còm, nhà cửa chưa có, nằm bàn cơ quan, tất tần tật đều trông vào đồng lương, thì quả là khó khăn. Tôi lao vào viết văn, viết báo vặt, thôi thì đủ thể loại, miễn có bài cộng tác với tất thảy tờ báo, tạp chí ngành nào có thể được. Vũ Đình Minh bày vẽ, bài trước tiên dùng ở mục văn nghệ đài anh, sau tiếp phát văn nghệ đài tôi, rồi đến gửi cho một báo nào đó.“Nhuận bút các nơi đều còm cõi cả, nhưng gom góp lại thì cũng tàm tạm. Gọi là phần nào đỡ thiệt thòi cho công sức lao động nhà văn... Làm thế, vạn bất đắc dĩ, có biết thì cũng chẳng ai người ta nỡ trách mình đâu, chú em ạ", anh phảy tay cười xòa, nháy mắt tinh quái, bảo tôi vậy. Tôi chỉ còn biết cười buồn, mà lòng đượm sự biết ơn.Ngay đến cái sự tinh ranh thì anh cũng rất đỗi chân thành.Về văn chương, Vũ Đình Minh không chủ trương chọn lựa thể loại nào. Anh viết đủ loại, văn xuôi thì truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện ký, bút ký, kịch truyền thanh, truyện phim, và thơ. Để viết được như vậy, trước hết phải thừa nhận, anh là người đa tài; thứ nữa, có lẽ là do tâm lý kiếm sống của thời bao cấp khó khăn, nên báo đài nào đặt hàng gì, thấy mình có khả năng đáp ứng được, là anh nhận lời viết ngay. Vừa có bài đăng phát, có thêm chút nhuận bút nuôi gia đình, lâu ngày đủ vốn liếng thì tập hợp lại in thành sách.Nhất cử lưỡng tiện. Mà đâu riêng mình anh, điểm lại, nhiều nhà văn ở ta thời bao cấp đều làm vậy. Song các tác phẩm của anh, cả bạn đọc và giới cầm bút đều thấy, Vũ Đình Minh thực sự thể hiện được thế mạnh của mình qua thơ và truyện ký, bút ký.Về thơ, Vũ Đình Minh là tác giả của mấy tập thơ, song người ta biết đến anh chủ yếu qua tập thơ “Mưa trước cửa nhà" được xuất bản từ mấy chục năm trước. Tập này, anh tập hợp sáng tác từ thời còn dạy học ở miền núi Cao Bằng và khi về Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phú. Văn là người, chí ít đúng với Vũ Đình Minh qua thơ. Thơ anh dung dị, tình cảm, đôn hậu, gần với ca dao, không có đột phá gì mới. Ở mỗi bài, mỗi câu, bạn đọc có thể thấy được tình cảm của anh gửi gắm trên từng con chữ. Giờ đây, hễ nhắc đến Vũ Đình Minh, người ta nhớ mấy bài: “Kỷ niệm ngày mưa”, “Mưa trước cửa nhà”, “Hội Lim” và “Bây giờ là mùa thu"... Với riêng tôi, những câu thơ của anh, mỗi đọc mỗi nao lòng: “Sẽ đến ngày tóc mình ngả vào thu / Hoa bèo tím chẳng mỏng manh như trước / Chim nhạn sẽ bay về thưa thớt / Cay đắng phai dần thành những bâng khuâng..." (Bây giờ là mùa thu). Thơ anh nặng những nỗi niềm người, đồng cảm, sẻ chia, an ủi: “Hát đắm say cho đứt ruột gan người / Hát như thể cuộc đời toàn nhàn hạ / Chỉ để yêu, để nhớ, để thương thôi / Xin gió lạnh đừng lật nghiêng vành nón / Kẻo tôi nhìn thấy nước mắt em rơi..." (Hội Lim). Và nặng nỗi niềm ta: “Tuổi của mình trầm tĩnh trước mưa êm / Để mưa thấm vào lòng bao kí ức / Mưa làm cũ bao nhiêu ngày rét mướt / Tất cả như là mới sinh ra… / Giá tóc mẹ cũng thể xanh lên được / Mưa ơi mưa, mưa rơi trước sân nhà” (Mưa trước cửa nhà)... Về văn xuôi, Vũ Đình Minh có “Mùa cạn" (tiểu thuyết), “Trả giá cuối cùng” (tiểu thuyết), “Ông già ngồi dưới vòm cây gạo" (tập truyện ngắn), "Một giờ làm quan" (tập truyện ngắn), “Đi qua bão tố" (truyện ký), “Chiếc diều nằm trên cỏ" (tập truyện thiếu nhi)... Song quả thật, cứ nói đến văn xuôi Vũ Đình Minh, là tôi nhớ đến truyện ngắn “Ông già ngồi dưới vòm cây gạo" của anh, Sau này, anh đặc biệt thành công, được mọi người ghi nhận và yêu thích là xê-ri phóng sự truyền hình chân dung các nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động nghệ thuật thế hệ tiền bối của Việt Nam. Có lẽ, không riêng gia đình các nghệ sĩ được Vũ Đình Minh và đồng nghiệp ở Đài Phát thanh & truyền hình Hà Nội ghi hình, khắc họa, mà cả Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam biết ơn anh về điều đó, bởi giờ đây, họ và chính tác giả Vũ Đình Minh, đã là “người muôn năm cũ”...
C.N
NHÀ THƠ VŨ ĐÌNH MINH VỚI HỘI LIM
Vũ Bình Lục 
“Hội Lim” cô đọng và giản dị ở lời, ở câu. Cấu tứ chặt và tình thơ chân thật, gợi nhiều cảm xúc. Hai nhân vật trữ tình chủ thể, gần mặt mà cách lời. Nhưng có những lời ở ngoài lời, những ý ở ngoài ý, thẳm sâu, khiến người ta phải chạnh lòng nghĩ ngợi.
HỘI LIM
Tôi trót biết đời riêng em trắc trở
Nên hội này xem hát chẳng vô tư
Nón thúng quai thao em thẹn thò che má
Hát đắm say cho đứt ruột gan người
Hát như thể cuộc đời toàn nhàn hạ
Chỉ để yêu, để nhớ, để thương thôi
Xin gió lạnh đừng lật nghiêng vành nón
Kẻo tôi nhìn thấy nước mắt em rơi…
Vũ Đình Minh
Hội Lim Kinh Bắc, một lễ hội dân gian truyền thống nổi tiếng từ lâu đời. Nó đã thành quen thuộc như một địa chỉ văn hóa, mà là văn hóa cội nguồn, vô cùng hấp dẫn. Ở hội Lim thì “đặc sản” là hát Quan Họ. Và quan họ cũng đã trở thành nguồn thơ vô tận cho muôn đời thi sỹ. Vũ Đình Minh viết về quan họ ở một góc nhìn riêng, một cách cảm cũng rất “riêng”:
“Tôi trót biết đời riêng em trắc trở
Nên hội này xem hát chẳng vô tư” 
 Đó là một góc nhìn mà dường như chỉ có tác giả bài thơ này được biết, mà dường như điều này cũng chỉ có hai người biết với nhau... Lễ hội, nhất là Hội Lim thì không bao giờ là không đông người cả. Đủ thứ vui chơi. Xem hát, nghe hát Quan Họ, cũng là một thứ chơi thượng thặng, sang, mà dân dã. Tác giả chỉ chuyên chú vào một thứ chơi là xem hát và nghe hát quan họ. Nhưng “tôi trót biết đời riêng em trắc trở”… thì câu chuyện nghe hát đã nẩy sinh vấn đề, một vấn đề riêng tư, chỉ “em” biết, và “tôi” cũng “trót” biết. Đó chính là duyên cớ để khơi lên cảm xúc, bởi thế “nên hội này xem hát chẳng vô tư”!
 Nhân vật trữ tình “em”, là một diễn viên chuyên nghiệp của “Đoàn Quan Họ Hà Bắc” chăng? Có lẽ cũng không hẳn là như thế! Cũng có thể “Em” là một thôn nữ ở một làng Quan Họ nào đó bên sông Cầu lơ thơ nước chảy chăng? Cũng chưa hẳn là như thế! Nhưng “em” đã là một hình ảnh cụ thể, thành một “định tính”, ít nhất là trong con mắt và trong sự cảm thông chia sẻ của người “xem hát”, nên người xem hát hôm nay chẳng thể nào mà “vô tư” cho được. 
 Bốn câu thơ tiếp theo là hình ảnh “em” hát cho người ta nghe, trong đó, có cả “anh” nghe nữa, dẫu rằng có thể là anh đang lẫn vào đâu đó trong đám đông nghe hát và xem hát, mà em cũng vô tình không biết, không hay! Tác giả viết:
“Nón thúng quai thao em thẹn thò che má
Hát đắm say cho đứt ruột gan người”…
Thì “em” cũng nón thúng quai thao như những cô gái Quan Họ khác đấy thôi. Và hát đắm đuối, hát mê say, hát cho chòng chành lúng liếng nghiêng ngả mắt ai, hát cho “đứt ruột gan người”! Quả là một giọng hát có hồn, quyến rũ vô biên. Câu “hát đắm say cho đứt ruột gan người” là một câu thơ hay, đặc tả giọng hát. Một thủ pháp khoa trương không mới, nhưng mà hợp lý, tôn vinh sự mê hoặc của giọng hát đến tột đỉnh. Tịnh không có sầu có oán gì cả, chỉ rặt những nhàn tản đong đưa rười rượi những nhớ những thương, những yêu chết mệt gió mây liền anh liền chị… Nhưng mà sao “nón thúng quai thao em thẹn thò che má”?. Sao không phải là “thẹn thùng” làm duyên?. Hoá ra là vì “đời tư em trắc trở” rồi. Em có một cuộc đời riêng ngoài quan họ, ngoài câu hát “nhàn tản” hôm nay, nên mới cảm thấy “thẹn thò”. Chỉ có thể dùng từ “thẹn thò”, mới gợi đúng được tâm trạng nhân vật trữ tình, đầy trắc ẩn, sâu kín, “người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm” (Nguyễn Du)…
Hai câu cuối, tả nỗi niềm người xem hát:
“Xin gió lạnh đừng lật nghiêng vành nón
Kẻo tôi nhìn thấy nước mắt em rơi”!...
Cuối cùng thì thi nhân đa tình đa cảm cũng không thể nào kìm nén được cảm xúc riêng tư. Anh cầu xin cơn gió lạnh vô tình kia “đừng lật nghiêng vành nón”, cái “nón thúng quai thao” vốn để làm duyên làm dáng, mà với em bây giờ đồng thời là vật dụng che chắn, để em có thể che đi, dấu đi cái sự thẹn thò, cái nỗi đau âm thầm chỉ em biết, và anh cũng vô tình “trót” biết. Hiểu sâu và cảm sâu đến như vậy, nếu không phải là kẻ giàu lòng thương người, sao có được những rung động chân thành, xót xa đến thế!
 “Hội Lim” cô đọng và giản dị ở lời, ở câu. Cấu tứ chặt và tình thơ chân thật, gợi nhiều cảm xúc. Hai nhân vật trữ tình chủ thể, gần mặt mà cách lời. Nhưng có những lời ở ngoài lời, những ý ở ngoài ý, thẳm sâu, khiến người ta phải chạnh lòng nghĩ ngợi.
Vũ Đình Minh sinh năm 1944 tại Vĩnh Phúc, xuất thân là một thầy giáo dạy văn. Anh từng là sinh viên khoa Văn ĐHSP Hà Nội, cùng thời với Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Ma Văn Kháng, Tô Nhuận Vỹ, Nghiêm Đa Văn, Nguyễn Đình Ảnh…Dạy văn, rồi thành nhà văn nhà thơ, như một sự chuyển hóa tự nhiên, không có gì lạ. Chỉ có một điều không lạ, ấy chính là một chút “thiên lương” (Nguyễn Tuân), là tấm lòng “biệt nhỡn liên tài”, trong sáng và thánh thiện vô cùng! Đó cũng chính là vẻ đẹp của hồn thơ Vũ Đình Minh, ở “Hội Lim”, và ở thơ anh nói chung!.
MỘT SỐ TÁC PHẨM TIÊU BIỂU
TRƯỚC MÙA XUÂN BÃI SÔNG

Mưa thưa hơn và đêm đã bớt dài.
Bãi thoáng rộng, mặt sông thôi phà khói.
Lá ngô chạy, lá ngô non vẫy
Ai hát lên trên mặt buồm phồng
Nắng mơ hồ như có, như không
Chỉ lấp lánh phớt vàng trên mặt lá
Mây mỏng mảnh như là không có
Chỉ dập dềnh bãi mật, dập dềnh sông.
Mùa ngỡ xanh, xanh nhuộm vào lòng
Tim náo động trước cây buồm xa tím.
Bạn bè ơi, mùa xuân vừa mở bến
Sau chặng này rồi ta sẽ buông neo...
Suốt một chiều tôi và gió đuổi theo
Vẫn không kịp lá ngô non vẫy
Lá có gì mà lá xanh đến vậy
Tôi không tin mình lại có ngày già.
Bạn bè ơi, dẫu bao cuộc đi xa.
Dẫu nhiều mùa đông mưa nhàu, nhiều mùa hè nắng cháy.
Vẫn có một mùa xuân chờ ta ngày trở lại
Một màu xanh nhuộm thắm lòng nhau.
Tháng 8/1978.

Ý NGHĨ NGÀY MƯA
Bản các em ở bên kia đèo
Ngày hai bận các em leo dốc
Bài học đổi bằng vô chừng khó nhọc
Trang vở dày theo những nắng mưa.
Thấm lòng tôi những gương mặt trẻ thơ
Mỗi sớm dậy, mưa nhòa đèo Khau Cút
Các em tôi đang bước lầy bước trượt
Tôi ra vào như người thừa chân tay.
Chỉ có một quãng đường chim bay
Mà năm cây số đi về trên đỉnh đèo chất ngất
Học trò lớp tôi quen đi chân đất
Đường rêu trơn mòn móng bấm lên.
Có những chiều tôi đến với các em
Gà gáy dậy, tính đường em đến lớp
Các em đến với từng trang bài học
Chỉ có mỗi con đường này thôi
Ở núi rừng những ngày mưa rất dai
Hạt mưa đập mái tranh nghe bứt dứt
Tôi tựa cửa đếm từng em một
Đang xuống đèo thấp thoáng khoảng rừng thưa.
Trống đánh bảy giờ vào lớp lúc đang mưa
Tôi lên lớp áo em nào cũng ướt
Mái tóc lấm, giở từng trang vở học
Tôi biết tôi không thể nói những lời thừa.
CỔNG LÀNG 
Hết lùm tre ra đồng
Một vòn trời chợt mở
Suốt mùa hè hút gió
Ngan ngát mùi lúa thơm
Lòng ta trong sạch hơn
Trước cổng làng hóng mát
Gió mơn man trong ngực
Tầm mắt nhìn thả sức
Cánh đồng ta vãi gieo...
Cổng làng như tình yêu
Không ra là thấy nhớ
Ở ngoài kia là lúa
Sậm sình như trẻ con
Huơ huơ tay lá non
Nước đầy hay nước cạn?
Đang thấp tho ngoi đòng
Nhãng một ngày sâu cắn
Mai rạc như ruộng rơm
Ngày không ra với đồng
Nắng chừng không tắt được. 
Cổng làng như hò hẹn
Của bao nhiêu ngõ sâu
Đêm phải lòng mặt nhau
Sáng ra đây là gặp
Sóng chạy dài tít tắp
Xanh ngợp màu lúa xanh
Đường em đến cùng anh
Trên bờ hai vụ lúa...
Cổng làng như khung cửa
Mùa nối mùa vào ra
Gặp kỳ mưa bão xô
Dấu chân in chậm chuội
Đất nẻ mùa nắng lụi
Bụi quẩn chân người đi
Mùa gặt bội thu về
Cọng rơm vương vàng óng
Trăng vào theo lối cổng
Vàng tươi trên sân rơm.
Người về đến cổng làng
Tin đã vào cuối ngõ
Chén mừng ngày gặp gỡ
Chợt thương bạn không về
Cổng làng như mắt mở
Dãi dầu vầng trăng khuya.
Làng nối với làng quê
Thành rộng dài đất nước
Sáng sáng ra cổng làng
Tầm mắt nhìn thả sức
Gió rân rân trong ngực
Diết da mùi lúa thơm.
Tháng 7/1978
SANG NĂM CON LÊN BẢY
Cho Thắng
Sang năm con lên bảy
Cha sẽ đưa tới trường
Giờ con đang lon ton
Khắp sân vườn chạy nhảy
Con chuồn chuồn bay mãi
Dưới vòm trời lá xanh...
Mở sách chỉ xem tranh
Chuyện cha không đủ kể
Góc vườn mùa hoa khế
Chờ đại bàng về ăn
Cây thị ở đầu sân 
Quả sẽ rơi vào bị
Con chim khuyên bé tí
Biết nói lên tiếng người
Cây giữa bạn bè cây
Buồn vui như người đấy
Chỉ mình con nghe thấy
Tiếng muôn loài với con...
Mai rồi con lớn khôn
Chim chẳng còn biết nói
Gió chỉ còn biết thổi
Cây chỉ còn là cây
Đại bàng chẳng về đây
Đậu trên cành khế nữa
Chuyện ngày xưa, ngày xửa
Chỉ là chuyện ngày xưa... 
Đi qua thời ấu thơ
Bao điều bay đi mất
Chỉ còn trong đời thật
Tiếng người nói với con
Hạnh phúc khó khăn hơn
Mọi điều con đã thấy
Nhưng là con giành lấy
Từ hai bàn tay con...
Sang năm con lên bảy
Cha sẽ đưa tới trường.
HỘI LIM
Tôi trót biết đời riêng em trắc trở
Nên hội này xem hát chẳng vô tư
Nón thúng quai thao em thẹn thò che má
Hát đắm say cho đứt ruột gan người
Hát như thể cuộc đời toàn nhàn hạ
Chỉ để yêu, để nhớ, để thương thôi
Xin gió lạnh đừng lật nghiêng vành nón
Kẻo tôi nhìn thấy nước mắt em rơi.
1988
BÂY GIỜ MÙA THU
Gió tháng tám vu vơ rồi sẽ thổi về  
Cánh bãi sẽ ngô mềm vai áo  
Lá sẽ mượt sau những ngày giông bão  
Nhịp tim mình rồi mạch lạc như xưa...   
Sẽ đến ngày tóc mình ngả vào thu  
Hoa bèo tím chẳng mong manh như trước  
Chim nhạn sẽ bay về thưa thớt  
Cay đắng phai dần thành những bâng khuâng  
Cây phượng dãi dầu lại trổ lộc vào xuân  
Búp xanh nõn nhắc hồi làm mầm biếc  
Thời nông nổi sẽ qua, dẫu có những nuối tiếc  
Dễ gì quên như mọi chuyện cũ càng.   
Giá được nguôi quên sau bao nỗi giận hờn  
Thì đêm sẽ chẳng kéo dài đến thế  
Sợi tóc mềm kéo qua thời trẻ  
Sẽ phai màu sau mưa nắng, đấy em.  
Bây giờ đã vào thu, nhịp tim đập bình yên  
Anh lại nhớ mùa hè nông nổi ấy  
Hoa bèo tím mỏng manh lắm đấy  
Nhưng điều này chẳng nói với hai ta...
 19/1/2018
Xuân Mai - Nguyễn Ngọc Tung
Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Theo http://hoivhntvinhphuc.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...