Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

Nhà văn Vĩnh Phúc hiện đại (Phần 5b; Quyển 1)

Nhà văn Vĩnh Phúc hiện đại
(Phần 5b; Quyển 1)

NGÀY EM XA

Anh bồn chồn như thuở mới yêu em

Nghe thật buồn cười, mà lạ thế
Mười hôm em đi không thư không điện
Anh vào ra tha thủi một mình
Sáng đi làm bước dưới cây xanh
Hoa chum chím dạ nào ngắm nữa
Trưa về nhà cơm không đúng bữa
Bát mì này em nấu thì ngon.
 
Có những chiều Hà Nội hoàng hôn
Anh tha thẩn như ngày nào đi đón
Người xuôi ngược ngược xuôi hờ hững
Nghe trong mình thấm thía cô đơn
 
Đêm anh thức với trang sách khuya hơn
Những buồn vui nào có ai chung đọc
Ngày bạn đến cho vé mời xem kịch
Anh không quen vào nhà hát một mình
 
Em ở nhà, có lúc anh gắt con
Bố có giận còn nương níu mẹ
Nay anh bù cho lòng con trẻ
Một chút em thôi cũng khó khăn rồi
 
Ngày nắng đem chăn chiếu ra phơi
Tuần đôi bận lau nhà thay vỏ gối
Thay việc em làm mà không thay nổi
Cái tảo tần rất mẹ ở trong em.
                                           3-1981
 
 
 
 
 
 
 
UỐNG RƯỢU VỚI BẠN
 
Vốn không quen với rượu
Gặp bạn mừng uống chơi
Cũng nâng lên đặt xuống
Cũng chén đầy chén vơi.
 
Nghe trong người lâng lâng
Nghe ấm dần lên mặt
Nghe chiều đi bâng khuâng
Thầm thì mây gió hát.
 
Một chén…một chén nữa
Nào đã uống gì đâu
Mà ngực dồn nhịp thở
Mặt trời soi vào nhau.
 
Ôi cái nhớ cái thương
Niềm vui và nỗi khổ
Đường đi nửa đời người
Chưa cạn bầu tâm sự.
 
Một chén… một chén nữa
Lẽ nào mình đã say
Mắt nhìn nhau như thể
Lần đầu yêu nhau đây.
 
Chuyện vợ rồi chuyện con
Tài năng và sự nghiệp
Đánh giá cả ông trời
Bằng những câu rất thật
Ừ thì một chén nữa
Sao mây nghiêng thế này
Uống cho đất bằng lại
Dễ gì ta đã say!
1983
 
 
 
 
 
 
 
TẤC LÒNG
            Tặng các nhà văn về dự đại hội
                       Nhà văn Việt Nam lần thứ  4
 
Người một đời tay mòn ngọn bút
Tóc phơ phơ mây trắng trong chiều
Đêm tĩnh mạc bóng bên hình bứt rứt
Sống hết mình chưa gửi trọn niềm yêu.
 
Người gùi gạo chiến trường đói quắt
Chập chờn câu trong hoa cải hoa cà
Cuộc chiến đấu đang cần thơ tiếp sức
Chẳng đành lòng ngâm ngợi ánh trăng xa
 
Người hăm hở trang văn bồng bột
Trái tim đau mong rọi lửa cho đời
Văn lận đận, ba mươi năm lận đận
Hồn quật trong gió bão vẫn còn tươi…
 
Tay nắm tay, mắt nhìn mắt lệ ứa
Mong ngóng hoài giờ mới gặp mình đây
Bao người bạn, người anh không còn nữa
Nên thương nhau, thương biết mấy cho đầy!
Còn đâu nữa khóe cười Tú Mỡ
Chiều Nhã Nam chuếnh choáng dáng Nguyên Hồng
Đường Hà Nội can Nguyễn Tuân thôi gõ
Cỏ trên mồ Xuân Diệu đã vàng đông.
 
Chế Lan Viên tan hòa vào trời đất
Nắm tro than còn lại chút trong bình
Ôi! Cái lẽ tử sinh nào ai biết
Phút hân hoan vắng ánh mắt Xuân Quỳnh
 
Đằng đẵng một đời chúng ta cầm bút
Mưa nắng đã từng, đắng ngọt đã qua
Hay dở gì xin thời gian lắng lọc          
Nụ hoa  nào chẳng muốn rực sắc hoa.
 
Xin nâng niu những gì từng gieo gặt
Những nở sinh vật vã hiến cho đời
Là nụ cười hay dòng nước mắt
Xin chân thành cháy hết, bạn mình ơi.
                                  Hà Nội, 9 - 1989
 
 
 
 
 
 
 
 ĐÊM BÈ BẠN THÀNH VINH
 
  Như thể chưa bao giờ biết ngủ
  Thức đọc cho nhau đến tàn đêm
  Mắt dậy sóng, tim thì cháy lửa
  Mà buồn vui xa xót tận hồn.
  Mọi ghế gủng dẹp vào một xó
  Cho trăng sao có chỗ ùa vào
  Báo bão. Tầng năm không gợn gió
  Bạn bè ơi thổi mát cho nhau.
 
  Anh ngồi đó: hiện thân của lửa
  Của bùn đất, cát, của gió lào
  Của nhọc nhằn, của đời lam lũ
  Đọc bài thơ ”gửi bạn cùng hưu”
 
  Chú…chú. Ở đây không có chú
  Tuổi năm mươi đâu chịu ngán mà
  Thơ bồng bột dại khờ mê đắm
  Thơ quật quăng gió giật mưa sa.
 
  Ồ sao mày in toàn thơ nhạt
  Mà đọc đêm nay nổi da gà?
  Thương mày. Tao thương tao. Thương tất
  Ta là…mà không phải là ta!
 
  Em cứ khóc không cần ghìm giữ
  Nỗi bạn đắng cay cũng nỗi mình
  Thơ chân thật ắt đòi trả giá
  Ngừng đập tim, thơ vẫn hồi sinh…
 
  Không phải nói gì .Thơ nói cả
  Chưa nắm tay đã biết tay chai
  Đêm bè bạn thành Vinh mất điện
  Thức cho nhau mới thấy ngày dài.
                                                   1988
 
 
 
 
 
 
NHỚ ÔNG KIM NGỌC  
 
Sách không làm ra đời mà đời làm nên sách
Tay cầm lõm seo cày nên ông thấu lòng dân
Giọt mồ hôi mặn đồng những tháng năm khoán hộ
Ấm bao gia đình chỉ cay đắng một mình ông.
 
Nằm dưới đất. Ngực còn thơm huân chương Độc Lập
Khoai lúa nôn nao nghe đất nở những mùa vàng
Cánh đồng nào bây giờ cũng mang hồn Kim Ngọc
Người lặng lẽ đi về trong truyện kể dân gian
                 Hà Nội. Năm 2000
 
 
 
 
 
 
CHỒNG NGHỆ
            Lời bà xã
 
Lấy chồng xứ Nghệ vui lắm nhé
Bữa cơm ăn no là đứng lên
Mặc cho khách ngồi nhai nhỏ nhẻ
Cười hì : - Cái tính bầy tui quen!
 
Bạn đến chơi nhà thì hỏi thẳng
- Có ăn tao bảo vợ nấu nào!
Bạn về vợ trách thì lại mắng
- Thật thà với hắn có làm sao!
 
Nói thì giọng nặng như bổ củi
Mô, tê, răng rứa nghe nhức đầu
Được cái trời cho tài chịu khổ
Nhà tranh cơm độn chẳng kêu đâu!
 
Đã nói khi nào cũng nói to
Đã nhìn ai thì nhìn thẳng mặt
Biết bao nhiêu bận bị mất lòng
Đánh chết cũng không chừa thói thật!
 
Đã viết, viết thâu đêm suốt sáng
Đã yêu, yêu đổ cả cây ngàn
Vừa hay nói to lại hay khóc
Trong chồng có một đứa trẻ con
 
Mười chín tuổi yêu giờ tóc bạc
Nghĩ thương quê Nghệ mấy cho vừa
Ai đã vương vào sông nước ấy
Xin vững tay chèo vượt sóng xô.
                                         1990
 
 
 
 
 
 
NHỮNG NGƯỜI VỢ CHĂM CHỒNG
TRONG BỆNH VIỆN
 
Trẻ nhất là sáu mươi
mặt chị nào cũng tươi
cũng hiền
dáng ai cũng tất bật
 
Những chàng trai
đã từng không ngủ được
mơ mơ một nụ cười
bây giờ là những chàng…bảy mươi
đầy mình…bệnh tật!
 
Thời trẻ các chị từng chong đèn thức
mòn đêm
đợi chồng
cuộ họp dài hơn tiếng vạc
những đức ông chồng mải mê sự nghiệp
(trước oanh, nay thì liệt!)
 
Bây giờ thì các chị được gần rồi
Suốt ngày, suốt đêm
ngồi bên giường
vừa bóp chân cho chồng
vừa ngủ gật.
Bạn vào thăm
các chị cười rất tươi
như không có gì khó nhọc
Riêng những vệt quầng quanh mắt
               không
                     giấu được ai.
 
 
 
 
 
 
 
LÒNG DÂN TRONG NHƯ NGỌC
(Trích tự truyện “Một đời khờ khạo” của Nguyễn Bùi Vợi)
 
Năm học 1956-1957, vợ chồng tôi nhận quyết định lên dạy học ở vùng trung du Vĩnh Phúc. Khi trao quyết định, anh Đoàn Sanh, trưởng phòng tổ chức của Bộ ngập ngừng:
- Hay là vợ chồng cậu về Bắc Ninh hoặc Hà Đông cho gần Hà Nội. Vĩnh Phúc đất bạc màu, nhiều khó khăn.
Tôi nằng nặc đòi đi Vĩnh Phúc. Tôi mê vùng đất này đã lâu, dù chưa đặt chân đến bao giờ. Đó là nơi có thị xã Vĩnh Yên nhỏ bé, hiền hòa, yên tĩnh, thường được gọi là thị xã hưu trí, nơi về nghỉ dưỡng già của các viên chức nhỏ thời Pháp thuộc, nơi các nhà văn lãng mạn trong nhóm “Tự lực văn đoàn” về đấy nằm hút thuốc phiện, đọc tiểu thuyết cho các cô nhân tình chép rồi mang ra Hà Nội bán cho các nhà xuất bản. Tuần đầu tháng nộp quyển thì tuần đầu của tháng cuối quí ra nhận tiền! Nhiều quyển tôi đã mê từ thời còn học đệ nhị, đệ tam (tương đương lớp 6, lớp 7 bây giờ): Tiêu Sơn tráng sĩ của Khái Hưng,  Hồn bướm mơ tiên của Khái hưng và Nhất Linh, Con đường sáng của Hoàng Đạo… Nghe nói nhân vật Nghị Hách trong tiểu thuyết Dông tố của Vũ Trọng Phụng, chập choạng tối, hỏng xe dọc đường, mua rơm của Thị Mịch để nhét vào lốp ô-tô (!) cũng xảy ra ở cây số tám đường Vĩnh Yên lên Tam Đảo. Chừng ấy đủ kích thích trí tưởng tượng non dại của tôi thuở thiếu thời. Không gian của các tiểu thuyết như ga Thạch Lỗi, bến đò Lo…đều là vùng giáp ranh với huyện Đông Anh - ngoại thành Hà Nội bây giờ.
Lên đến nơi, vợ chồng tôi nhìn nhau cười, mới biết anh Đoàn Sanh nói thật. Con tàu hỏa ì ạch kéo mấy chiếc toa khách toa hàng già nua đi từ 5 giờ sáng mãi đến 10 giờ mới hổn hển thở phì phò vượt cầu sắt Hương Canh lên thị xã Phúc Yên - thủ phủ của tỉnh (chỉ cách ga Hà Nội có 40km). Đói quá nhưng quán hàng lèo tèo chỉ thấy bầy dăm bấp ngô luộc lạnh ngắt, vài ba cái bánh chưng, bánh tẻ lưỡi mèo. Ăn tạm cho đỡ đói, hai vợ chồng rủ nhau đi thăm thú thị xã.
Vĩnh Phúc bấy giờ còn rất nghèo. Cả tỉnh chỉ có một trường cấp II-III đặt tại thị xã Phúc Yên, lợp nửa ngói nửa rạ gồm 8 lớp cấp II và hai lớp cấp III. Hệ thống giáo dục phổ thông mười năm nhưng trường tỉnh chỉ mới có đến lớp chín nên nhà thơ Ngô Văn Phú (lúc bấy giờ nhà chỉ cách trường 3km) phải tuần tuần về vác ruột tượng gạo lên trọ học tận Phú Thọ để học lớp cuối cấp ở trường cấp III Hùng Vương, rồi sau này thi đỗ vào khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà nội.
Sáng hôm ấy vợ chồng tôi hồi hộp đến cơ quan Ty giáo dục trình quyết định cho ông trưởng ty. Không ngờ phòng tổ chức giải quyết nhanh thế vì có lẽ họ đang thiếu giáo viên. Tôi được giữ lại trường cấp II-III Trần Phú còn vợ tôi về dạy lớp bốn trường cấp I Sơn Lôi - Bình Xuyên cách thị xã 4km đường tàu. Thời ấy ở cấp I, giáo viên dạy lớp ba, lớp bốn được đào tạo chính quy ở các trường sư phạm còn dạy lớp 1, lớp 2 thì thường là giáo viên vỡ lòng đôn lên hoặc đào tạo gấp vài ba tháng, những “Sư phạm gốc đa, gốc mít”!
Nhận quyết định, hai đứa đều mừng nhưng cũng hơi lo vì muốn đến trường vợ tôi, phải đi bộ 4km dọc theo đường tàu ngày ngày đâu phải chuyện đơn giản. Tranh thủ thời gian chưa khai giảng, hai vợ chồng đi “điều tra địa hình”. Nhìn ngược lên phía Sơn Lôi, tôi thấy một xóm nhỏ chừng vài mươi nóc nhà nép dưới lùm cây giữa đồng.Từ đây đến đấy ước chừng 2km nghĩa là …trung độ. Ừ nhỉ, sao mình không vào xóm ấy tìm nhà dân ở nhờ. Dân mình thời nào chẳng quí thầy giáo, trọng việc học hành.
Chúng tôi đi bộ dọc theo đường tàu, hỏi thăm người đi đường mới biết xóm ấy có tên cổ là xóm Tiên Non, giờ gọi là xóm Thịnh con (lên chừng nửa km là Thịnh lớn, cả hai nhập một thành thôn Thịnh Kỷ thuộc xã Nhất Trí huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Đến đầu xóm, chúng tôi thích thú đi dưới bóng cây che rợp đường. Rất ít nhà ngói, hầu hết là nhà lợp rạ, vách đất, xóm rất nghèo. Gặp một cụ ông chừng ngoài sáu mươi, râu dài, mặt hiền như tiên ông, tôi nói với cụ ý định của mình. Cụ suy nghĩ một chút rồi nói:
- Con chim có mỏ, con gà có mào, xóm có trưởng xóm, tôi xin dẫn thầy cô vào ông Đa trưởng xóm, cũng là trong nội tộc cả.
Ông trưởng xóm vui vẻ tiếp và giới thiệu nhà anh Liệu gần đấy có điều kiện hơn cả. Vợ anh mới sinh chừng nửa tháng. Nhà anh ba gian, chỉ mới ở hết một . Nghe ông Đa nói xong, vợ chồng anh vui vẻ nhận lời, hiềm một nỗi chưa sắm được bàn ghế, giường màn đủ để thầy cô giáo dùng. Dẫn chúng tôi đi tắt qua sân nhà bà Duyệt, ông Đa mau miệng:
- Bà Duyệt có nhà không đấy? Bà làm ơn cho thầy cô giáo mượn cái bàn học và hai cái ghế.
Thấy bà Duyệt nhận lời một cách xởi lởi, chúng tôi định vào khiêng luôn nhưng bị bà ngăn lại:
- Ấy chết, thầy cô cứ để đấy, chốc nữa, tôi bảo bố Duyệt, cháu Đức đem sang chứ, ai lại để thầy cô giáo phải khiêng vác nặng nhọc thế! Mời thầy cô, mời ông vào xơi nước đã.
Ở nhà anh Liệu được ngót một tháng thì cháu bé con anh chị quấy khóc đêm suốt. Bà con hàng xóm xì xào cho rằng tại cho vợ chồng trẻ người lạ ở trong nhà, không kiêng cữ.
Một hôm cụ Biểu mời vợ chồng tôi lên nhà. Uống xong chén chè mạn, cụ khẽ khàng:
- Thôi thế, vợ chồng tôi xin phép cụ cố (thân sinh cụ ông năm ấy đã ngoài 80) rước thầy cô về ở với chúng tôi cho vui cửa vui nhà. Nhà có vài đứa cháu dại nhưng bảo được. Ăn hết nhiều chứ ở hết bao nhiêu.
Rồi cụ dẫn chúng tôi qua sân sang một mảnh vườn đầu hồi nhà chính. Ở đó, trên một mỏm đồi nho nhỏ, có một nếp nhà rộng chừng hơn chục mét vuông, tường đất mịn màng, mái lợp lá cọ mát mẻ, gọn gàng. Cụ bảo:
- Chẳng giấu gì thầy cô, nhà nghèo nhưng cũng được theo đòi đôi ba chữ. Cái “nhà học” con con này, tôi tôn nền làm cao lên để thỉnh thoảng anh em bạn bầu gặp nhau uống nước, thưởng hoa, bình thơ văn.
Vợ chồng tôi vô cùng thích thú với mảnh “giang sơn” riêng biệt xinh xắn này. Thế là từ hôm ấy mỗi sáng dậy, ăn sáng xong (thường là cơm nguội muối vừng), hai đứa lưu luyến chia tay nhau. Tôi đi xuôi xuống thị xã 2km. Vợ đi ngược lên Sơn Lôi, qua cầu Thịnh Kỷ đến trường. Trưa, ai về trước thì nấu cơm. Có hôm tôi nhanh nhẩu đoảng nấu canh bánh đa rau cần. Nấu kỹ quá, rau thì dai ngoách, bánh đa khê nồng…
Nhà cụ Biểu gồm cụ cố, cụ ông cụ bà, vợ chồng anh Châu con trưởng, hai cô con gái là chị Tảo, chị Bàng, hai cháu gái con anh Châu: cháu Mỵ, cháu Vỵ chơi tha thủi trong sân trong vườn. Hàng ngày chỉ có chị Châu, chị Bàng, chị Tảo ra thị xã Phúc Yên kiếm việc làm thuê. Gánh nước, bổ củi, phơi rơm, phơi rạ…Chiều về được chút tiền đong gạo cho cả nhà có bữa tối, bữa trưa hôm sau.Thời gian này mới có tổ đổi công, ruộng đồng chiêm khô mùa thối. Một năm hai vụ gặt. Mỗi vụ gặt xong, rơm phơi chưa hết màu xanh đã ăn hết thóc! Nói gì đến thức ăn! Bòn nhặt được cái gì ăn cái ấy. Bữa tối cả nhà hay ăn cơm ngoài sân …”cho mát, lại đỡ tốn dầu”. Có đêm đang ngồi soạn bài, nghe tiếng “lách cách, lách cách”, không biết là tiếng gì. Sáng hôm sau, nhà tôi hỏi thì chị Châu cười:
- Nhọ mặt, em ù ra sông Cà Lồ xúc mẻ hến, kiếm cho các cụ bát canh. Tra tương nấu sủi, ai ăn người ấy tự nhặt vỏ, bỏ vào mâm đồng kêu thế đấy cô giáo ạ.
Một buổi chiều, trái với lệ thường, chị Châu về sớm. Chị nói từ ngoài ngõ nói vào: ”Hôm nay gia đình có món ngon, mời anh chị giáo ăn cơm cùng cho vui”! Anh Châu đang ngồi đan nong nhổm lên hỏi: ”Món gì đấy, mẹ đĩ?” Chị nhìn bố mẹ chồng, nhìn chồng cười cười:
- Hôm nay may quá, tôi “vớ” được chân phụ quét dọn ở lò mổ Tiền Châu. “Lương” đã cao hơn mọi ngày lại còn đựợc “bồi dưỡng” mỗi người cân tóp mỡ. Bố nó đặt hộ tôi nồi cơm, nấu gia gia vào, đừng độn, để mời cả thầy cô giáo.
Anh Châu tót ra cổng, tay cầm cái nậm vẫn để trên bàn thờ: ”Có thức nhắm, ông con mình mời thầy giáo vài chén cho … dãn xương cốt, ông ạ!”
Chao ôi, miếng tóp mỡ kho tương sao mà ngon ngọt thế! Như là hai mươi mấy năm qua, tôi chưa bao giờ được ăn miếng nào ngon như thế. Bữa cơm tối hôm ấy - cả vợ chồng tôi là mười một người - râm ran, chuyện nở như pháo.
Từ hôm ấy, chúng tôi như là con cái trong gia đình!
*
*       *
Nhưng rồi cảnh yên ấm của vợ chồng  tôi với nhà cụ Biểu bị đứt quãng. Cuối năm ấy cả hai đứa đều phải chuyển trường, người đầu tỉnh, kẻ cuối tỉnh. Sinh con đẻ cái, chiến tranh, mọi việc càng thêm khó khăn mà thời gian thì cứ vùn vụt trôi, chưa có một lần đủ tĩnh tâm tĩnh trí nghĩ đến chuyện về thăm lại xóm Tiên Non, thăm lại gia đình cụ Biểu. Năm năm, mười năm…có lần tôi chợt rùng mình nghĩ đến ngày trở về thì những ân nhân của tôi đã về thế giới bên kia!
Tôi nhớ có ai đó - hình như giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh - đã trách khéo nhà thơ Tố Hữu khi bình giảng câu thơ ”Mười chín năm rồi chân tôi lại bước / Đoạn đường xưa cát bỏng lưng đồi”. Mười chín năm sau ngày cách mạng thành công, nhà thơ mới có dịp trở về Hanh Cát, Hanh Cù thăm lại người mẹ đã nuôi giấu ông những ngày hiểm nguy, khổ cực. Dĩ nhiên ông chỉ được gặp mấy đứa cháu nội cháu ngoại của mẹ Tơm mà thôi. Tố Hữu là cán bộ cao cấp của Đảng và nhà nước “bận trăm công nghìn việc” (như người ta vẫn nói). Còn tôi, tôi chỉ là một anh giáo quèn, một anh làm thơ quèn thì bận bịu gì, bận “trăm công nghìn việc“ gì mà không mất công bỏ buổi về thăm lại những người nghèo khổ nhưng đã dành tất cả sự thông cảm và tình thương yêu cho vợ chồng tôi.
Xin cụ cố, xin cụ Biểu ông cụ Biểu bà, xin anh Châu chị Châu, xin ông bà Thuận, ông bà Thi, ông Đa, bà Duyệt, bà Đề, bà Nghê, ông Viến, anh Duyệt, cô Thuế… Xin bà con nông dân nghèo khổ ở cái làng Tiên Non giàu nghĩa tình, giàu phong hóa tha thứ cho sự vô tâm của tôi.
Còn tôi, đã ở tuổi 75 - tuổi gần đất xa trời - tôi tự thấy không thể nào tha thứ cho lỗi lầm của mình được.
                                                   Hà Nội đầu tháng 12-2007
                                       (Hơn ba tháng trước ngày giã từ cõi thế)
 
 
 
 
 
 
NGUYỄN ĐĂNG BẨY
 
- Họ và tên khai sinh: Nguyễn Đăng Bẩy
- Sinh năm 1948
- Quê quán: Thổ Khối, Long Biên, Hà Nội
- Các bút danh: Đăng Bảy, Nguyễn Đăng, Đoàn Nhân Chính…
- Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ 2006)
- Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Văn nghệ các dân tộc thiểu số Việt Nam.
 
- Tác phẩm chính đã xuất bản:
Mùa thu trong rừng sồi, Ra đi không trở lại, Kẻ đánh cắp thần linh (dịch thuật), Tình yêu khôn lường (biên soạn).
- Suy nghĩ về nghề văn:
Làm đã khá nhiều nghề, rồi bỏ lại tất cả để dành cho báo chí - văn chương, tôi chỉ mong truyền đến người đọc những điều bổ ích cho con tim khối óc. Làm được đến đâu, người đọc và thời gian tiếp nhận ra sao -  mình phải trông vào nỗ lực tự thân và duyên phận trời cho nữa.
 
A - TRONG KÝ ỨC BẠN BÈ
 
THẢN NHIÊN TRÔI THEO THỜI GIAN 
Hồ Anh Thái
 
Chắc Đăng Bẩy tự coi cái nghề dịch văn chương của mình cũng như mọi nghề thông thường khác, sản phẩm làm ra cứ thế gửi hết vào thiên hạ, dùng xong rồi thì người ta có thể bỏ lại hoặc bỏ quên ở đâu đó. Nhưng bạn văn chương thì không quên.
Khoảng đầu những năm 1980, Đăng Bẩy công bố bản dịch bài thơ Giờ bạn nơi đâu, bạn cùng trung đoàn hỡi của nhà thơ Xô Viết Alexey Fatyanov (1919-1959). Viết từ năm 1945, đây là một trong những bài thơ phổ biến nhất ở Liên Xô thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai. Tâm trạng những người lính ngay sau khi chiến thắng trở về làng quê. Bài thơ được phổ nhạc, bài hát cũng đã dịch ra tiếng Việt và hát lên, hát cả trong một vở kịch Nga rất được ưa chuộng hồi ấy, vở Những con hươu xanh. Những người cựu chiến binh gặp nhau và cùng hát: Giờ này anh về đâu, hỡi người bạn cũ cùng trung đoàn, đã cất bước cùng nhau trên con đường xa...
Tôi hầu như đã thuộc lòng bản dịch của Đăng Bẩy ngay sau khi đọc trên báo từ hồi ấy. Nhưng rồi gần ba thập kỷ trôi qua, tôi cố nhớ lại mà bài thơ vẫn thiếu mất một khổ, như trong văn bản này:
Đêm tháng năm những đêm ngắn ngủi
Tiếng súng lặng im, trận đánh xong rồi
Giờ bạn nơi đâu, bạn cùng trung đoàn hỡi
Các bạn đường đồng đội của tôi?
Trong ánh chiều tà tôi đi tha thẩn
Trước cổng nhà gỗ sực mùi sơn
Có thể người lính quen hiện đến
Gió hãy đưa đường người bạn tôi mong?
... ... ...
Nhỡ đâu bạn vẫn còn chưa vợ
Thì bạn thân ơi, đừng vội chi buồn
Đây rất nhiều bài ca và trong huyện
Nhiều cô em xinh đến mê hồn
 
Nông trường chúng mình sẽ dựng nhà cho bạn
Để ai ai cũng biết ở nơi này
Có một gia đình anh hùng Xô Viết
Từng lấy ngực che Tổ quốc những ngày
 
Đêm tháng năm những đêm ngắn ngủi
Tiếng súng lặng im, trận đánh xong rồi
Giờ bạn nơi đâu, bạn cùng trung đoàn hỡi
Các bạn đường đồng đội của tôi?
 
Dịch giả Đăng Bẩy đã dịch nhiều tác phẩm văn xuôi và thơ ca Nga. Nhiều năm anh là biên tập viên trang Văn học nước ngoài của báo Văn Nghệ. Thỉnh thoảng gặp Đăng Bẩy, tôi hỏi xin anh bản dịch đầy đủ. Chính dịch giả cũng không nhớ lại được. Anh cứ khất lần. Lâu lâu gặp anh, ngồi cạnh nhau trong những cuộc họp, tôi cứ nhắc. Mãi cho đến khoảng năm 2007, chắc là không chịu được nữa, một hôm Đăng Bẩy gửi cho tôi bản dịch mới, kèm theo bản tiếng Nga, lại còn viết thêm mấy dòng: “Đây! Khích mãi, trả nợ nhé – mò tìm bản gốc và dịch lại đấy!”
 
Đêm tháng năm, những đêm ngắn ngủi
Trận chiến đã xong, bom đạn câm rồi…
Giờ bạn nơi đâu, bạn cùng trung đoàn hỡi
Những người đồng hành, đồng đội của tôi?      
 
Trong ánh nắng chiều tôi đi tha thẩn
Trước cổng gỗ tươi sực nức nhựa sơn
Chắc hẳn một người từng chung mặt trận
Đang đến tìm tôi… Gió sẽ đưa đường?
 
Ta sẽ nhớ về một thời đã sống
Từng dặm đường xa, máu lửa khôn lường
Ta cạn ly đầu, để mừng chiến thắng
Ly nữa, uống thay người mất, kẻ còn.   
 
Ngộ nhỡ bạn tôi chưa thành gia thất
Thì bạn thân ơi, chớ vội ưu phiền
Tiếng hát vùng tôi không bao giờ dứt
Con gái vùng tôi danh bất hư truyền. 
 
Nhà bạn, nông trường chung tay xây cất
Để khắp quanh vùng ai cũng xuýt xoa
Đấy – một gia đình Anh hùng Xô Viết
Từng mang ngực ra che chắn nước nhà.
 
Đêm tháng năm, những đêm ngắn ngủi
Trận chiến đã xong, bom đạn câm rồi…
Giờ bạn nơi đâu, bạn cùng trung đoàn hỡi
Những người đồng hành, đồng đội của tôi?
Thế là đã có lại một bản dịch đầy đủ. Cả khổ thơ mà tôi đã quên trong bản dịch cũ.
Rốt cục thì Đăng Bẩy đã trả nợ cho tôi. Nhưng rồi cũng hơi buồn cười. Hai chúng tôi đều đã loay hoay một thời gian mà không ai nghĩ ra phải đi tìm bản dịch ở nơi lưu trữ tờ báo Quân đội Nhân dân khoảng đầu những năm 1980. Vậy thì chắc sẽ có ngày một độc giả yêu thơ tìm lại được văn bản ấy. Chắc chắn nó phải còn ở đâu đó, chẳng lẽ lại không thể tìm được một bài thơ trong hệ thống thư viện lưu trữ của ta.
*
*     *
Từ sau lần dịch lại bài thơ, Đăng Bẩy cộng tác với tôi giúp thêm màu sắc mới cho trang Văn Nghệ của báo Đại biểu Nhân dân. Tôi đặt anh viết về các nghệ sĩ điện ảnh danh tiếng của Liên Xô và nước Nga một thời. Vì sao? Ký ức của người Việt về nền điện ảnh ấy vẫn còn tươi mới. Vì sao nữa? Báo chí truyền hình ta lâu nay chỉ khai thác nguồn Âu Mỹ, cho nên cũng bị mất cân đối. Văn hóa văn nghệ Âu Mỹ hay quá đi chứ, nhưng nếu chỉ có một mình nó độc diễn thôi thì như lệch hẳn người, chân chấm chân phẩy.
Đăng Bẩy nhất trí với tôi, rồi vào cuộc. Cặm cụi tìm tài liệu, viết về các nghệ sĩ điện ảnh lớn của một nền điện ảnh sừng sững một thời. Từ những Oleg Strizhenov của Người thứ 41, Borisova của Thằng ngốc, Kirienko của Sông Đông êm đềm, Smurtunovsky trong Hamlet, Batalov của Moskva không tin vào nước mắt cho đến những Verchinskaya của Cánh buồm đỏ thắm, Người cá, Ruồi trâu, Taratorkin của Tội ác và trừng phạt, Pyrieva của Anh em nhà Karamazov, Svetlana Toma của Đoàn Digan tan biến vào chân trời, Alfierova của Con đường đau khổ, Vladimir Kolkin của Thép đã tôi thế đấy… Rồi những đạo diễn bậc thầy như Sergei Gerasimov, Bondarchuk, cha con Chukhrai, Tarkovsky, Konchalovsky, Nikita Mikhalkov… Anh không viết như những bài báo thông thường, mà là những chân dung mang tính văn học, kể về cuộc sống và sự nghiệp của họ, về cá tính và sự phát triển số phận của họ, theo những thăng trầm lịch sử của đất nước. Cũng phải đến hơn dăm chục chân dung công phu như vậy. Đạo diễn Việt Linh rất tâm đắc. Chị đang làm bộ sách về nghệ thuật điện ảnh cho nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn. Từng học đại học điện ảnh ở Liên Xô, học những bậc thầy như anh em đạo diễn Alov và Naumov, từng tiếp xúc những nghệ sĩ lớn của Nga, Việt Linh dự định sẽ in những bài chân dung của Đăng Bẩy thành một tập dày dặn. Mấy năm trời chị đi tìm nguồn tài trợ để in tập sách về nghệ sĩ điện ảnh Nga mà chị đã đặt sẵn tên, lấy cảm hứng từ nhan đề bộ phim Đoàn Digan tan biến vào chân trời, như một hàm ý về nền điện ảnh Xô Viết. Tập sách này chắc sẽ được đón nhận, những người yêu điện ảnh Nga - Xô Viết vẫn còn nhiều.
Những bài viết về nghệ sĩ điện ảnh Nga và Đông Âu, những bài viết về văn hóa nghệ thuật Đông Âu của Đăng Bẩy có một giọng riêng. Anh không dừng ở loại văn cung cấp thông tin của báo chí. Có lẽ là thói quen của người làm báo văn học, lại có một quan niệm thẩm mỹ mang tính văn học. Thành ra các bài viết của anh dường như hợp với sách hơn là với báo, và nếu in trên báo thì chủ yếu hướng vào đối tượng người đọc yêu thích văn chương.
Dịch kể cũng đã nhiều, nhưng không chuyên chú lắm vào việc tập hợp in thành sách. Chắc Đăng Bẩy tự coi cái nghề dịch văn chương của mình cũng như mọi nghề thông thường khác, sản phẩm làm ra cứ thế gửi hết vào thiên hạ, dùng xong rồi thì người ta có thể bỏ lại hoặc bỏ quên ở đâu đó.
*
*    *
Tập hợp thành quyển, đến nay Đăng Bẩy mới có mấy đầu sách: Ra đi không trở lại, truyện vừa của nhà văn Nga - Xô Viết Vasil Bykov, NXB Phụ Nữ, Việt Nam và NXB Cầu Vồng, Nga. Mùa thu trong rừng sồi, tuyển tập truyện ngắn Nga - Xô Viết, NXB Hải Phòng. Kẻ đánh cắp thần linh, truyện ngắn châu Á hiện đại, NXB Đà Nẵng. Tình yêu khôn lường, thuộc bộ sách về những câu chuyện tình đáng nhớ, NXB Thanh Niên. Thơ dịch rải rác trên báo chí thì dễ đến hàng trăm bài, nhưng cũng chẳng chịu tập hợp vào tuyển tập nào. Kiểu như bài Giờ bạn nơi đâu, hay bài Phụ nữ cười mà tôi còn mang máng nhớ được. Đăng Bẩy cũng tham gia dịch hỗ trợ cho người chủ biên trong những tuyển tập thơ của Blok, Esenin hoặc nhà thơ hiện đại Xô Viết Andrei Voznesensky, tập Chân dung Plisetskaya.
Tôi gặng hỏi, duyên nợ với văn chương như vậy thì chắc hẳn từ khi còn ít tuổi anh đã có dây dưa nào đó với thơ phú. Đăng Bẩy đã phải ngất ngưởng mà thú nhận rằng năm 1963, đang học lớp chín, hệ phổ thông mười năm, anh có bài in ở mục Ca dao của tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhưng chưa từng dám khoe ai. Còn bài thơ đầu tay thì in trên báo Văn Nghệ năm hai mươi tuổi, tháng 5.1968, lúc đang là Thanh niên xung phong.
Mỗi lần đi trên quãng đường Hà Nội - Việt Trì, ngang qua làng Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, tôi lại nhớ ra đó là quê của Đăng Bẩy. Cái làng bên ngoài san sát nhà cửa, xe cộ nườm nượp, vào trong còn thấy ao chuôm vườn chuối và những sản phẩm vại sành chum sành đặc trưng. Đăng Bẩy sinh năm 1948, thời tuổi thơ ở làng, anh kể, chiến tranh đói dài đói rạc, phải làm đủ thứ nghề như đào mương, cắt tóc, thợ may, phu hồ. Cho nên đến năm 1965 đi Thanh niên xung phong, làm đường, trồng rừng, gian khổ nhưng có đủ bữa ăn, thoát được cái đói. Đủ năm năm công tác, anh được đi học bổ túc rồi thi đại học, may đỗ điểm cao, được gửi đi Liên Xô du học. Một năm học tiếng Nga dự bị ở thủ đô Minsk của Belarus, 1972 - 1973, rồi Đăng Bẩy chuyển về Leningrad, nay là Saint Petersburg, thành sinh viên Học viện Kỹ thuật Lâm nghiệp, khoa Chế biến gỗ, chuyên ngành Cơ khí. Về nước, từ 1978 - 1981 anh làm kỹ sư nghiên cứu - thiết kế, Viện Máy công cụ và Dụng cụ, Bộ Cơ khí và Luyện kim, nay là Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp IMI. Từ tháng 10.1981 chuyển về làm biên tập viên trang Văn học nước ngoài, báo Văn Nghệ, rồi đứng ra làm phụ trương Văn nghệ Dân  tộc, sau đó làm thư ký tòa soạn Văn Nghệ cho đến khi về hưu.
Lang thang nghề nọ nghề kia như vậy, rồi đến với nghiệp văn chương từ lúc nào. Đấy là vì nhà văn Hồng Phi rủ rê về báo Văn Nghệ trông coi trang Văn học nước ngoài, để ông ấy rảnh tay chuyên tâm viết kịch và phê bình nghệ thuật. Đấy là vì họa sĩ - nhà thơ Hoàng Hữu khích lệ, không làm thơ nữa thì dịch bài cho anh em tham khảo. Thời ấy, đang cần nhiều người dịch văn học từ tiếng Nga.
Tôi hỏi anh về giai thoại xung quanh chùm thơ nổi tiếng của nhà thơ Hoàng Hữu, muốn nghe anh là người trong cuộc kể lại, bởi một số người viết văn ở Phú Thọ đã kể trên báo chí mỗi người một cách. Đăng Bẩy kể: lần ấy, nhân tiện về thăm mẹ, anh lên thăm Hoàng Hữu đang điều trị ở bệnh viện đa khoa Vĩnh Phú. Anh Hoàng Hữu rủ Đăng Bẩy ngủ lại đó, sớm mai cùng về Hà Nội, có ô tô đưa anh đi đón vợ và hai con ở Bần Yên Nhân về ăn Tết… Chuyến ấy, Hoàng Hữu nhờ Đăng Bẩy chuyển bản thảo của anh cho nhà thơ Ý Nhi để xếp hàng chờ in tập thơ riêng ở nhà xuất bản Tác Phẩm Mới. Nào ngờ trên đường về Việt Trì, Hoàng Hữu đột ngột mất. Nhà thơ Phạm Tiến Duật khi ấy đang trực cuộc thi thơ bèn giao cho Đăng Bẩy rút ruột tập bản thảo, lấy ra một chùm thơ Hoàng Hữu để in. Chính từ ấy mà bài Hai nửa vầng trăng được công bố, gây giật mình cho người yêu thơ và đoạt giải cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ.
Mấy chục năm rồi, Đăng Bẩy vẫn nhớ thuở ban đầu, Hoàng Hữu khích lệ: không làm thơ nữa thì dịch bài cho anh em tham khảo với chứ. Tham khảo, hình như hai tiếng ấy vận vào đời làm báo và dịch thuật của Đăng Bẩy. Anh ít bận lòng đến làm sách hoặc các hợp tuyển để đời, anh chỉ coi công việc dịch của mình nặng về báo chí tham khảo, ai nhớ cho đôi ba bài thì nhớ, không thì cứ để cho nó thản nhiên trôi theo thời gian. Khi nào cần tìm, anh tin chắc chắn nó phải còn ở đâu đó, chẳng lẽ lại không thể tìm được trong hệ thống thư viện lưu trữ của ta.
 
H.A.T 
                          (Nguồn: báo Tiền phong, 12-5-2013,
báo Đại biểu Nhân dân, 30-5-2013)
 
 
 
 
B - MỘT SỐ TÁC PHẨM TIÊU BIỂU  
1. Ký
LỘC VƯỜN TAM ĐẢO
 
 Lộc trời đâu phải vô biên
Người đầu tiên được hưởng lộc vườn Tam Đảo tôi biết là cô bạn ở quê, một đội trưởng thiếu niên xuất sắc được Tỉnh Đoàn chọn lên đó dự trại hè. Mấy hôm sau về, thấy cô biết thêm nhiều bài hát mới, nhiều trò chơi mới, đặc biệt là làn da ánh mắt thì quả là... một nàng tiên vừa từ núi xuống! Hồi ấy, ai có tiêu chuẩn được lên Tam Đảo một lần đã được coi là sang lắm, chẳng như bây giờ, hễ muốn là có thể vù lên đó du lịch cuối tuần. Thị trấn Du lịch Tam Đảo đã sẵn những điểm tổ chức hội nghị, trại sáng tác văn học nghệ thuật hoặc nghỉ dưỡng trong mây.
Rồi tôi cũng được vài lần đến thưởng ngoạn miền đất hứa, giữ lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ, trong đó có cuộc làm quen với một phụ nữ tên Thọ. Người đàn bà ấy sinh ra, lớn lên, lấy chồng, đẻ con trong sương mờ Tam Đảo và sống nhờ rừng Tam Đảo, từ thanh củi cây que đến ngôi nhà tổ ấm của mình. Chị cũng đã từng đi theo phường săn, hồi đó chẳng khó gì vẫn gặp những cá thể gấu, hổ hoặc báo lửa, còn lợn rừng hay khỉ thì cả đàn cả lũ... Cho đến một hôm, khi lẳng lặng chĩa nòng súng vào mục tiêu, thấy đó là con khỉ mẹ đang ve vuốt khỉ con, chị đã rụng rời chân tay và chấp nhận buông súng. Bây giờ, miệng thỉnh thoảng lại kêu ca tật bệnh, “đã hỏng hóc toàn bộ” như lời chị Thọ – nhưng hễ được ai khen là nhan sắc còn mặn mà, chị cười xuê xoa: “Nhờ cây thuốc, nhờ lộc rừng Tam Đảo đấy”.
Cái cảm giác về một Tam Đảo thánh thiện hằng hiện hữu trong tôi rồi cũng vỡ òa ra sau lần dừng tại cây số Mười Ba. Chỗ này trước kia luôn luôn có một cây chắn (barrier) để kiểm soát những ai lên-xuống núi, vì trên đó đã là rừng cấm. Từ ngày 15.5.1996, khu rừng cấm của tuổi thơ tôi đã chính thức trở thành Vườn Quốc gia Tam Đảo, cái tên nghe thật hiền, nhưng cũng bớt đi sự uy nghiêm của chốn núi cao rừng thẳm.
Càng tìm hiểu sâu công việc của Vườn Quốc gia Tam Đảo, tôi càng thấm thía câu nói cửa miệng người đời “Lộc trời đâu phải vô biên”. Bao cây cổ thụ ở chốn cheo leo đã bị đốn, bị xẻ thành từng súc từng đoạn, rồi bí mật theo khe theo suối tuồn xuống đồng bằng. Đã có không ít người lên tiếng về sự thiếu vắng bóng cây, bóng chim, bóng thú khi đến thăm rừng, và lạ lùng hơn – đến cả bươm bướm, côn trùng cũng ngày một khan hiếm. Đã có một hồi dân địa phương đua nhau đi bắt bướm về bán cho những đường dây tuồn tiêu bản ra nước ngoài, mà chẳng ai biết rằng mình đang làm mai một nguồn gen đặc hữu của quê hương đất nước. Một tiến sỹ côn trùng học từng nhiều lần cải trang đi khảo sát Tam Đảo đã luồn sâu được vào đường dây ma quỷ ấy không chỉ một lần... Phải khảo sát, điều tra, tìm ra phương sách cải thiện tình hình, để đến thời điểm hiện nay, tiến sỹ rất tự tin khẳng định: nếu như trước đây, mở mạng internet ra là thấy nhan nhản những lời rao bán côn trùng có xuất xứ từ Việt Nam, thì bây giờ thông tin loại đó đã vắng hẳn.
     Tài nguyên – cần kịp vãn hồi
Tam Đảo có 6 loại hoa đỗ quyên mọc từng chùm, thay nhau nở vào tất cả các tháng trong năm, mỗi loại hoa một màu sắc riêng (đỏ, trắng, vàng, tím nhạt, đỏ nhạt, trắng hồng) và tỏa mùi thơm dìu dịu. Tuy nhiên, những năm gần đây hoa đỗ quyên hầu như không còn trên dãy núi Tam Đảo, do người dân khai thác quá nhiều để bán làm cảnh và làm thuốc chữa ho. Bằng phương pháp giâm hom, gieo hạt, chiết cành, đồng thời ứng dụng cách bón phân, phun thuốc, xử lý nhiệt độ, ánh sáng hợp lý, Vườn Quốc gia Tam Đảo đã thuần dưỡng, bảo tồn thành công, dù nhân giống trong môi trường nhân tạo nhưng vẫn đảm bảo màu sắc, hương thơm như sống trong môi trường tự nhiên, mỗi chậu hoa cảnh có giá trị từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng... Ngày 13.10.2008: các nhà nghiên cứu động vật khám phá tại Suối Bạc, ở độ cao 750m so với mực nước biển, thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo, loài rắn Má Dài - một trong 19-20 loài rắn Má Opisthotropis thuộc họ rắn nước Colubrid còn lại trên thế giới, nhưng ở Việt Nam chỉ còn 6 loài thôi. Chắc chắn rồi rắn Má Dài sẽ phải được hưởng số phận như của loài Chàng Xanh Đốm (ếch cây, tên khoa học là Polypedates dennysii) chỉ thấy ở vùng núi phía bắc nước ta, còn trên thế giới chỉ xuất hiện ở Myanmar và Trung Quốc. Từ hai cá thể thu được năm 2005 tại Vườn Quốc gia Tam Đảo, Trại Nghiên cứu Thực nghiệm các loài bò sát, ếch nhái thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật đã gây nuôi sinh sản thành công được 300 cá thể Chàng Xanh Đốm và ngày 15.6.2008 đã tiến hành tái thả về Vườn Quốc gia Tam Đảo. Chương trình nghiên cứu này có ý nghĩa đối với việc duy trì loài ếch cây ngoài tự nhiên - một loài vật tưởng chừng chẳng là gì trong lẽ sinh-tồn của trái đất. Phát hiện mới nhất được công bố hồi đầu năm 2014, hai tiến sỹ chuồn chuồn học quốc tế - Haruki Karube (Nhật Bản) và Matti Hämäläinen (Phần Lan) đã liên tiếp công bố tới 15 loài chuồn chuồn mới ở Việt Nam, trong đó, tại Vườn quốc gia Tam Đảo -  khu vực có đa dạng sinh học cao, với nhiều loài sinh vật đặc hữu và quý hiếm – có 5 loài: Stylurus clathratus, Fukienogomphus promineus Chao, Leptogomphus perforatus Ris, Burmagomphus divaricatus Lieftinck và Lamelligomphus formosanus được xếp hạng “Ghi nhận mới”, còn loài Leptogomphus tamdaoensis Karube được xếp hạng “Loài mới”. Những khám phá này là một trong những minh chứng về tầm quan trọng của Vườn Quốc gia Tam Đảo trong sự nghiệp bảo tồn các loài động vật đặc hữu của nước nhà và thế giới.
Hiện nay do nhu cầu săn bắt lấy thịt, làm thuốc, làm thú nuôi... nên số lượng rùa của nước ta ở ngoài tự nhiên còn rất ít. Ngày 8.7.2014 ngành Kiểm lâm đã thả 14 cá thể rùa thuộc 2 loài rùa Spengle và rùa Sa nhân trở về với tự nhiên tại Vườn Quốc gia Tam Đảo. Cuộc thả phóng sinh có ý nghĩa to lớn và đóng vai trò rất quan trọng trong công tác bảo tồn và phát triển bền vững nguồn gen động, thực vật cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Còn có một sự thật nổi cộm hơn: Tổ chức Động vật châu Á đã cảnh báo rằng hiện Việt Nam chỉ còn chưa đầy 100 con gấu đang sống ngoài tự nhiên, hơn 4.400 con đang được nuôi nhốt trong các trang trại, chủ yếu để hút mật kinh doanh. Thực trạng này khiến Tam Đảo xúc tiến thành lập Trung tâm Cứu hộ gấu đầu tiên của Việt Nam. Trung tâm được đầu tư trên 3,3 triệu USD, hoạt động từ tháng 4.2008, đến 2009 mới chưa đầy một năm đã có 22 con gấu được nhập Trung tâm. Chúng được nữ chuyên gia Hà Lan Anne Marie cùng các chăm sóc viên đánh giá tình trạng sức khỏe, tính cách và các hành vi. Khu cách ly được vận hành khoa học, khách vào phải qua khử trùng, không được phép vào các buồng gấu nhằm bảo đảm cho chúng khỏi nhiễm mầm bệnh, sau đó được chuyển sang khu nhà phục hồi sức khỏe, sang khu quây nuôi gấu bán tự nhiên. Được biết: Tổ chức Động vật châu Á đã tài trợ cho Trung tâm, và nếu có hiệu quả sẽ tài trợ tiếp. Cũng như thế, Tổ chức Hỗ trợ Kỹ thuật Đức đã tài trợ 1,8 triệu euro cho Dự án Quản lý Vườn Quốc gia Tam Đảo và vùng đệm giai đoạn I (2003-2006), thấy thành công, bèn tài trợ tiếp 2 triệu euro cho giai đoạn II. Đến khi hoàn thiện, với những thiết bị vào loại hiện đại nhất châu Á, Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam ở Tam Đảo sẽ bao gồm: khu cách ly tạm thời cho 50 cá thể gấu, 5 nhà gấu đôi với khu vực ngoài trời rộng rãi, mỗi nhà có diện tích khoảng 2000 mét vuông, khu phục hồi chức năng cho việc phục hồi thể chất và tinh thần cùng việc tái hòa nhập theo đàn của gấu, khu chăm sóc đặc biệt cho gấu bị khiếm khuyết nặng nề và nhà gấu con được thiết kế riêng để chăm sóc cho gấu con đang trong giai đoạn trưởng thành, có thể chăm sóc suốt đời 200-250 cá thể gấu cùng một lúc...  
Vệ sỹ rừng xanh
Hơn bảy chục con người ở Vườn Quốc gia Tam Đảo trong gần hai chục năm qua đã bám đất, bám rừng, bám dân một cách bền bỉ để thực thi trách nhiệm của những vệ sỹ rừng xanh. Họ đã lập được mối quan hệ gắn bó với dân cư 27 xã của 4 huyện thuộc 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang trong tất cả các việc, từ hiếu hỉ của từng gia đình, đắp đập qua suối đến trang bị thông tin, kiến thức... cho người dân trong vùng. Trong những năm gần đây, Ban Quản lý Vườn đã phối hợp với các địa phương, từ chính quyền đến các tổ chức xã hội (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, trường học...) làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng. Vườn Quốc gia Tam Đảo thành lập 24 ban chỉ huy và 126 tổ xung kích chữa cháy rừng được trang bị những phương tiện chữa cháy cần thiết, được tập huấn chi tiết để phối hợp với các lực lượng quân đội, công an sẵn sàng ứng cứu. Các chiến sỹ kiểm lâm được bố trí canh gác các trạm, chốt bảo vệ rừng xung quanh núi Tam Đảo, phối hợp với Hạt Kiểm lâm các huyện Bình Xuyên, Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Sơn Dương (Tuyên Quang), Đại Từ (Thái Nguyên) và các hộ nhận khoán bảo vệ rừng tổ chức tuần tra, bắt và xử lý đối tượng vi phạm lâm luật. Tránh dùng vũ lực, chỉ dùng sức thuyết phục để dân trong vùng tự giác ngăn chặn lâm tặc, bảo vệ và phát triển diện tích rừng. Sau 10 năm đầu, Ban Quản lý Vườn đã giao khoán rừng cho các hộ dân xung quanh núi Tam Đảo chăm sóc và ký cam kết bảo vệ rừng với 3.161 hộ ở các xã vùng đệm, cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn các hộ nhận khoán thực hiện quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng đặc dụng đúng mùa vụ. Mỗi năm Vườn Quốc gia Tam Đảo trồng thêm 300-400 ha, riêng năm 2006, trồng cả 900 ha đều sống. Nếu tính sau 10 năm đã có thêm 5.000 ha, cộng với 20.000 ha rừng khoanh nuôi bảo vệ, thì độ che phủ của rừng đã từ 60-61% lên 83-85%. Những người gắn bó với rừng Tam Đảo đều tự hào vì mỏm Mũi Cày mãi tít trên cao vốn trơ trọi, chỉ loi thoi lau lách, nay đã trùm dưới một tấm chăn óng biếc của rừng thông đuôi ngựa và cây bản địa... Có thêm một vạt cây rừng trên cao là có thêm một nguồn nước sạch dưới đất: hồi cuối thập niên 1980, người dân Đồng Bả xã Hồ Sơn thường phải đi xa hơn cây số lấy nước về, nhưng nay, nước trồng lúa ở vùng này còn thuận lợi hơn ở dưới xuôi rất nhiều. Các loài thú như hươu, nai, hoẵng, mang, lợn lòi, gấu, mèo rừng, sóc, chồn, cáo vắng bóng từ hàng chục năm trước, nay đã xuất hiện trở lại. Khu hồ Thanh Lanh lại có từng đàn hươu nai xuống uống nước, từ độ cao 200m trở lên đã xuất hiện dấu vết dũi của nhiều đàn lợn lòi. Đêm đêm, tiếng nai, hoẵng, mang giác vang rừng. Nhiều bộng ong, hang đá có dấu hiệu của các loài gấu ngựa, gấu chó sinh sống, kiếm ăn. Rõ nhất là những đàn chim như vẹt, khướu, tu hú, sáo sậu, mỏ cày, vòi voi, cò, vạc, sâm cầm, những loài chim sống dưới đất như đa đa, gà rừng, chim dẽ đều đã xuất hiện trở lại, điều mà từ hàng chục năm nay không hề thấy...
Đi đôi với các việc nhằm an sinh xã hội, Vườn Quốc gia đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam mở lớp tuyên truyền giáo dục bảo vệ môi trường cho người dân ở 3 thôn của xã Đạo Trù, 2 thôn của xã Ninh Lai... Đúng ngày kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ năm 2007 - cùng các trường Đại học ở Hà Nội, Tổ chức Hỗ trợ Kỹ thuật Đức (GTZ) và một số Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên hoạt động tại Việt Nam (WWF Greater Mekong, EVN, IUCN) mở Trường Rừng, đưa du khách trẻ từ Hà Nội và các tỉnh xa lên sống với rừng xanh yêu thương, tiến hành hàng loạt hoạt động bảo tồn, giáo dục môi trường: tham quan hệ thực vật: về đất, về cây bản địa; Khảo sát loài linh trưởng; Loài chim, loài lưỡng cư, bướm, côn trùng... Trong năm đó, Vườn quốc gia Tam Đảo đã phối hợp với GTZ, Dự án quản lý Vườn Quốc gia Tam Đảo và vùng đệm tổ chức 15 khóa tập huấn bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho cán bộ công chức. Tại đây, ngày 14.9.2008, cùng Tổng cục Môi trường, Toyota Việt Nam và Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phối hợp tổ chức mở lớp bồi dưỡng cốt cán của các Vườn Quốc gia trong khuôn khổ Chương trình Hành trình Xanh - Bảo tồn Thiên nhiên (Go Green). Chương trình kéo dài trong 3 năm (từ 2008-2011). Rủ rỉ tâm tình với những vệ sỹ của Tam Đảo xanh, từ chuyên viên khoa học Lê Văn Xứng đến những công nhân đang chọn hạt giống thông đuôi ngựa, tôi thấy tâm hồn các vệ sỹ của rừng cũng đa sầu đa cảm. Họ cũng ấn hành 800 bản tập san Rừng xanh đưa đến với khoảng 5.000 lượt học sinh THCS ở ven núi huyện Tam Đảo và huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Lục lại ký ức, tôi mới ngỡ ngàng nhận ra rằng “nàng tiên” của Đội Thiếu niên làng tôi ngày nào rồi cũng gia nhập đội quân trồng rừng, và ông cựu phó giám đốc Vườn Quốc gia Tam Đảo Trương Quang Khiên đã lên tặng các đồng nghiệp hai tập thơ Mầm lửa và Lạc trong nhau, đều do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, trong đó có nhiều bài đã được đăng ở báo chí trung ương. Họ cất lên tiếng lòng của những người vãn hồi tài nguyên cho đất nước và tạo dựng cảnh quan thiên nhiên cho vùng du lịch... Ấy vậy mà cuộc sống đãi ngộ quả thực quá nghèo nàn so với những giá trị do lao động của họ mang về... Theo cách tính của cựu giám đốc – thạc sỹ Đỗ Đình Tiến – ước tính mỗi năm, một hec-ta rừng sẽ tăng trưởng đều đều, cho thêm 5 mét khối gỗ, thì trên dưới ba chục nghìn hec-ta rừng của Vườn Quốc gia Tam Đảo mỗi năm mang về cho đất nước khoảng 140.000 mét khối gỗ, trị giá xấp xỉ 70 tỷ đồng. Nguồn thu đó quả là khổng lồ so với ngân sách hàng năm rót cho Vườn Quốc gia, nhưng đâu đã có thể trích vào quỹ phúc lợi cho cán bộ công nhân viên. Cũng như vậy - những vệ sỹ của rừng làm nên cảnh quan tươi đẹp được hưởng gì từ những thu hoạch của ngành du lịch tại chính Tam Đảo này?
Lộc vườn Tam Đảo, do người Tam Đảo vun trồng, đã và đang trở thành tài nguyên đất nước. Các vệ sỹ rừng xanh theo câu châm ngôn “lộc bất tận hưởng”, yên dạ để dành cho những thế hệ mai sau...
 
 
 
 
CON ĐƯỜNG NGƯỢC DỐC
 VÀ BÉ EM KHÉP NÉP
Đến Lai Châu – Phong Thổ – Dào San ít ngày mà bộn bề những việc đã làm, những người đã gặp và những điều mong ước. Sánh ngang niềm kiêu hãnh về những thành công là ít nhiều thương cảm với đất và người nơi đây...
Con đường
Xe lên núi cao uốn lượn ngoằn ngoèo không bao giờ thiếu mấy ổ gà, mấy tảng đá từ sườn non lăn xuống bất thình lình án ngữ vệ đường, làm cho hành khách luôn luôn bị vặn sườn… Nhưng con đường lên Dào San bây giờ đang nâng đỡ chúng tôi đến với những bản cùng trời cuối đất ở miền Tây Bắc của Tổ quốc. Những viên đá hộc đá dăm lót đường làm căng gân tay của những phụ nữ các dân tộc Dao, Mông, Thái hồi mươi năm về trước, nay đã chìm lặn đâu đâu dưới lớp nhựa asphal…
Hai nhiếp ảnh gia của miền Nam đất nước đồng hành với tôi – Thái Thanh Niên từ thành phố Hồ Chí Minh và Lâm Tuyền từ Sóc Trăng – đã chọn chỗ ngồi kề cửa, ống kính lăm lăm sẵn sàng nạp hình, nhưng lộ vẻ thấp thỏm. Xe chạy chủ yếu là ngược dốc, mà trời cứ mù mịt thế này, dễ biến chuyến đi của hai nghệ sĩ vượt gần ba ngàn cây số đến đây trở thành “năm ăn năm thua”. Trung tá Công Thành dẫn đường chúng tôi luôn luôn an ủi: “Thời tiết ở đây nắng mưa bất chợt, đám sương mù này đi, nắng lại chợt hửng lên, các anh đừng nản. Hôm nay lại là ngày chủ nhật, có chợ phiên Dào San của các dân tộc địa phương, mỗi tuần chỉ họp một lần. Tôi đã điện thoại cho toàn thể đồng bào, hôm nay đi chợ đừng vội về như mọi lần, có đoàn nghệ sĩ nhiếp ảnh từ miền Nam lên ghi hình bà con mà”…
Biết là anh sĩ quan Biên phòng này nói trạng cho vui, chứ làm thế nào giữ chân bà con đừng sớm giã bạn, nhưng quả thật, bác tài xế thông thạo địa hình đã đổ được hành khách xuống cổng chợ Dào San để họ bán mua, ngắm nghía, chuyện trò với dân địa phương cả tiếng đồng hồ.
Dân Dào San vẫn còn giữ nết chất phác bẩm sinh, thấy máy ảnh, máy quay phim chĩa vào mình vẫn chưa biết vòi tiền cát-sê. Nhìn vào quán ăn, thấy hai phụ nữ Dao - một già một trẻ - lên cùng xe ở Bản Lang, nay đang ngồi ngất ngưởng uống rượu ăn phở bò với hai người bà con đồng tộc. Nhận ra khách đồng hành, bà già liền vẫy tay mời mọc tôi vào bàn chung vui. Theo lệ, đồng bào các bản lân cận đến đây để trao đổi thông tin về họ hàng thân tộc; cũng có những người tình cũ đến để tìm lại một nửa ngày xưa của mình; và đương nhiên - trai gái trẻ bây giờ đến để tìm bạn tình, chắp nối mối lương duyên mới. Này là một thiếu nữ Dao mặt hoa da phấn vừa xua đuổi hai chàng trai đang trổ tài tán tỉnh, vừa đưa con mắt cảnh giác để kịp thời quay lưng giấu mặt khi biết có người đang muốn “nhốt” mình vào máy ảnh. Này là một cháu bé Mông được địu trên lưng mẹ, đi chợ phiên cùng bà cùng chị, bé cứ tự bóc chuối ăn hết sức ngon lành...
Nằm đúng tâm điểm của 8 xã vùng cánh cung biên giới phía Bắc huyện Phong Thổ, cư dân ở trung tâm Dào San đa phần là giáo viên, cán bộ, bộ đội từ dưới xuôi lên, còn dân bản địa người Mông, người Dao, người Hà Nhì thì ở sâu trong các bản, cao trên lưng núi… Đồng bào quen trồng trọt ngô, lúa, thảo quả và chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà. Nghe nói, trước đây, có nhà trồng thảo quả mỗi năm thu được hàng trăm triệu đồng, tiền về đóng gói cất kỹ cho mối xông, vì chẳng biết tiêu vào việc gì, cho đến khi con đường mở đến…
 
Kiêu hãnh
Khi chúng tôi đến Đồn Biên phòng Dào San, anh em cán bộ, chiến sĩ ở đây đều khẳng định rằng: đã nhiều năm nay, tình hình ở đây khá là ổn định. Đồn có trách nhiệm quản lý 25,546 km đường biên giới, đoạn phía đông (phân thủy) chạy dọc theo núi Khang (cao trung bình trên 1.800 m), đoạn phía tây (tụ thủy) dọc sông Pa Nậm Cúm. Tuyến này có 5 cột mốc quốc giới: phía đông – ba mốc 82; 83; 83/1, phía tây – hai mốc 68/2 và 69/3. Ở 8 bản giáp nước bạn - Ma Can, San Cha, Lùng Than, Tung Trung Vang, Sàng Sàng, Cò Ký, Khấu Dào, Hà Nhì – cư dân hai bên đều chấp hành khá tốt nội quy, quy chế khu vực biên giới do hai nhà nước ký kết, không thấy xảy ra những hiện tượng tranh chấp biên giới, xâm canh xâm cư… Trên địa bàn 3 xã Mù Sang, Dào San và Tông Qua Lìn, bao gồm 31 bản, 2.194 hộ, 11.695 nhân khẩu, đồng bào 5 dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì, Hoa và Kinh chung sống thuận hòa.
Tai nghe những cụm từ ngắn ngọn và chắc nịch, nhưng mắt còn muốn thấy nhãn tiền, chúng tôi theo hai chiến sĩ Biên phòng từng nhiều năm làm việc vận động quần chúng xuống thăm một số bản dân cư. Đón nhận những lời chào hỏi đồng chí Tâm và đồng chí Páo của người già, trẻ nhỏ thì biết: các anh đã là chỗ thân thuộc của dân địa phương. Ở đây, người Mông chiếm số đông, 81,7% dân số, có 1.807 hộ, 9.561 nhân khẩu ở rải rác trong 27 bản vùng cao. Bà con ngày ngày lên những nương ngô, vạt rừng trồng thảo quả, ruộng bậc thang trồng lúa - đó là việc cổ truyền, nhưng mấy thập niên gần đây còn du nhập tín ngưỡng mới. Ở tất cả các tụ điểm đạo Tin Lành hoặc Cơ Đốc giáo của người Mông cũng như đạo Thiên Hùng của người Dao, tín đồ đều được hướng dẫn để không hoạt động tôn giáo trái pháp luật. Đó là một trong những thành công quan trọng của bộ đội Biên phòng, bên cạnh những công tác khác cũng chẳng kém phần quan trọng: kịp thời ngăn chặn những nguy cơ tiềm ẩn có thể gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội như tuyên truyền vận động thành lập nhà nước, quân đội Mông; lôi kéo, kích động dân cư di dịch tự do; mua bán người, bắt cóc chiếm đoạt trẻ em; mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các chất ma túy; trộm cắp trâu bò, nông lâm thổ sản đưa qua biên giới tiêu thụ… Để thực hiện những nhiệm vụ đó, theo quyết định của huyện ủy Phong Thổ, Đồn Dào San đã cử một đồng chí bộ đội Biên phòng về xã làm phó bí thư thường trực đảng ủy, để sâu sát hơn với nguyện vọng của dân. Thượng úy Nguyễn Văn Nguyên cho biết: chỉ mới đây thôi, tháng 2 năm 2012, bộ đội Biên phòng Dào San đã trực tiếp vận động 8 hộ Mông gồm 45 nhân khẩu ở bản Dềnh Sang từ bỏ ý định di cư sang Mường Nhé, và trong quý I năm 2013 vận động thành công 13 hộ gồm 84 nhân khẩu nữa. Mô hình hoạt động này đã chứng tỏ tính hiệu quả, nên sắp tới, huyện ủy có kế hoạch điều động thêm hai đồng chí nữa về xã.
Sống gắn bó mật thiết với đồng bào các dân tộc Dào San, không ít cán bộ, chiến sĩ đã tìm thấy tổ ấm của mình tại đây. Nhiều người vẫn trầm trồ kể về anh bộ đội Biên phòng Nguyễn Hữu Hải, người đất Quan họ Bắc Ninh, lên Lai Châu “trấn thủ lưu đồn” không phải ba năm, mà trụ lại suốt đến nay. Khi làm nhiệm vụ ở Dào San, anh đã bén duyên cùng một cô gái Mông bản địa và cưới làm vợ năm 1992, đến nay, con lớn của họ đã vào đại học. Thiếu tá Đồn trưởng Đỗ Đình Cường cho biết: đơn vị anh có trên một chục cặp vợ chồng an cư lạc nghiệp quanh đây, mà đa số các nàng dâu là cô giáo vùng xuôi cắm bản. Mới đây nhất, ngay trước ngày chúng tôi lên, đơn vị đã tổ chức mừng đám cưới của thượng úy Trần Hà Nam, đội trưởng Kiểm soát Hành chính, với cô cử nhân Pháp ngữ Nguyễn Kim Loan. Kể ra - theo lời anh em đồng đội - thì cặp uyên ương này “lì” lắm. Họ cùng sinh năm 1985, thân nhau từ hồi cùng học ở thị trấn Đông Hưng, Thái Bình, hết bậc phổ thông mỗi người một ngả. Nàng nhập trường Ngoại ngữ của Đại học Quốc gia rồi hành nghề tại Hà Nội, chàng nhập trường Ngoại ngữ của Quân đội, sau đó, còn học tiếp và lấy thêm văn bằng thứ hai tại Học viện Biên phòng rồi lên nhận nhiệm vụ ở Dào San. Thế nhưng, cặp tình nhân vẫn quyết chung tình. Sau một lễ cưới tổ chức trang trọng tại quê nhà, đôi vợ chồng trẻ đưa nhau lên ra mắt đơn vị. Mấy ngày ở lại trong căn phòng hạnh phúc, nàng dâu mới cùng ăn trong nhà bếp tập thể với anh em, thỉnh thoảng lại phát huy sở trường, nhận đánh máy giúp đơn vị những văn bản cần thiết… Biết được mối lương duyên của họ, tôi thấm thía câu thơ của Nguyễn Đình Thi “chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người”…
Và thương cảm
Trời Dào San khi mờ mịt mù sương, khi chói lói nắng vàng, khi la đà những áng mây trắng nõn… ngỡ như tiên cảnh. Nhưng khí hậu ở đây có đặc thù của vùng đất trời rành rẽ, rõ rệt hai mùa. Mùa khô thường gặp những cơn lốc xoáy, mưa đá, và mùa mưa thường dài liên miên, lạnh 1-2oC. Cùng với điểm du lịch Sa Pa ở độ cao 1.600 mét trên mực nước biển, nên khi nào bên đó tuyết băng, bên này cũng thế, mặt nước trong bể phủ một lớp băng, và áo mũ các chiến sĩ tuần tra phủ đầy tuyết trắng. Gió ở đây hun hút, lá cờ Tổ quốc cắm trên cột trước Đồn cứ độ hai tháng lại phải thay mới. Những ngày chúng tôi đến làm việc với Đồn đúng vào giao thời giữa hai mùa, nên ít nhiều cũng được nếm trải thời tiết nơi đây.
Ngày đầu tiên, vừa đón chúng tôi vào trong phòng, thiếu tá Đồn phó Hoàng Mạnh Hùng đã khép kín cửa ngay, kẻo mù sương ùa vào gây ẩm ướt hành lý của khách. Quần áo bộ đội giặt xong, phơi phóng phải dăm ngày mới có thể khô. Đang lúc nước nôi khan hiếm, các bể chứa nước phục vụ sinh hoạt của bộ đội đều trơ đáy. Thầm nghĩ, sao không xây bể trên lưng chừng núi để hứng nước mưa, nước suối dự trữ cho những ngày khô hạn? Chưa kịp nói ra, sáng hôm sau đã thấy thủ trưởng Đồn phân công lính tráng dọn rừng để di chuyển một thùng chứa nước - to bằng nửa gian nhà - lên đặt chỗ gần hơn ngọn suối… Như để tưởng thưởng cho những đầu óc chung mối lo toan, hôm sau, trời ban cho chúng tôi một cơn mưa dào dạt.
Chúng tôi đã đến thăm nhà anh Giàng A Nam, một cây khèn có thứ hạng trong những lễ hội của người Mông. Anh vừa âu yếm ôm đứa con chừng một tuổi, vừa nịnh khéo cô vợ đảm để cô chịu diện bộ đồ dân tộc, trèo lên căn gác treo đầy những bắp ngô, cho hai nhiếp ảnh gia ghi cảnh được mùa thu hoạch. Dọc đường nội bản lên xuống gập ghềnh, nhiều đoạn đã được lát bê tông, chúng tôi gặp lớp mẫu giáo bên đường, nghe lũ trẻ hát múa đều răm rắp. Chúng tôi cũng đến một trường tiểu học, nghe các cô giáo rôm rả chào anh em bộ đội Biên phòng. Một cô giáo đến nói nhỏ với anh em: “Hai cháu con nhà X đã trở lại lớp” – chắc là các cô mới vận động được học sinh đến trường. Một cô giáo mở hé túi áo ngoài của mình, cho chúng tôi thấy bên trong là một bọc kẹo: “Buổi nào lên lớp chúng em vẫn phải trù sẵn món này, có thế mới giữ được học sinh ở đây, anh ạ”. Ngôi trường mới xây được 4 phòng học kiên cố, nhưng nay các cô đã tổ chức được 5 lớp, phải vận động phụ huynh góp tre nứa vầu ghép vách làm một phòng học tạm. Thật thương cảm khi gặp cảnh một lớp luôn luôn có hai cháu bé Mông lẵng nhẵng bám theo, cả khi ngồi trong phòng học bài, cả khi ra sân tập thể dục. Hóa ra, có những cháu muốn đến lớp học chữ, nhất thiết phải mang em nhỏ đi theo, vì người lớn trong nhà bận lên nương cả. Mà hai đứa em nhỏ này đã sớm tinh khôn, hễ thấy máy ảnh chĩa vào mình liền khép nép núp sau lưng chị…
Ước chi, ở một vùng quê đang được quân dân đồng lòng bảo vệ chủ quyền quốc gia, gìn giữ sự ổn định xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống, lứa anh chị, bạn bè và đàn em của cháu nhỏ khép nép kia sẽ lớn lên, đầy đủ thể lực và trí lực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, quê hương…
 
 
 
 
 
 
LÊN MIỀN CƠTU
 Đã lâu lắm rồi, chúng tôi mới lại đi một chặng đường “vặn sườn, ù tai” như thế: lăn bánh từ Đà Nẵng được một quãng, len lách theo sườn núi Trường Sơn và bờ sông A Vương, phải mất cả bốn giờ đồng hồ mới bươn được chừng 120 cây số. Tây Giang đó…
Miền đất nguyên sinh
Dừng bánh trên Đỉnh Quế 1369m - địa danh xuất phát từ một cây cổ thụ tại đó, nhựa và vỏ sực nức hương thơm - ai nấy đều hít một hơi thật sâu rồi loanh quanh thư thả ngắm núi rừng hùng vĩ, rồi uống rượu Tr’đin, nhắm những cá Liêng, heo cỏ hay ếch đá om khói trên bếp củi và nghe những chuyện quyến rũ ở Tây Giang - huyện miền tây Quảng Nam nằm cheo leo trên đại ngàn Trường Sơn, giáp giới hai huyện Kạlừm, Đăkchưng của nước bạn Lào. Tại đây, hơn 95% dân cư là đồng bào Cơtu bản xứ.
Rừng Trường Sơn là kho tàng vô tận, thỉnh thoảng lại phát lộ những bí mật của mình. Ở hai xã Axan và Tr’hy, trên đỉnh Zi’liêng - ngọn núi thiêng cao ngất của người Cơtu – từ độ cao 900 mét trở lên hiện còn cả một rừng nguyên sinh mọc toàn pơ mu. Nghìn năm qua, người dân vùng này đã gìn giữ từng cây, thỉnh thoảng mới xin thần rừng một cỗ quan độc mộc cho người sang sống cõi khác. Hiện khu rừng rộng 450 hecta, gồm hơn hai nghìn cây, trong đó, 725 cây thọ từ 200 đến 1.328 năm tuổi, 1.037 cây có đường kính trên hai mét, cao trên ba chục mét; cây to nhất đường kính lên tới hai mét rưỡi, ngoài ra, số cây có đường kính từ một đến hai mét cũng khoảng 170, còn lại là những cây nhỏ hơn. Trong máy điện thoại thông minh của nhiều người ở đây thường có một bức ảnh chụp cảnh cây pơ mu “vua”, sáu người nắm tay nhau mới ôm trọn gốc. Giữa năm 2015, sau 8 tháng thực hiện các thủ tục trong nước và quốc tế, tỉnh Quảng Nam đã hoàn tất hồ sơ để Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận quần thể pơ mu cổ thụ ở Tây Giang là rừng di sản.
Tây Giang cũng là địa bàn thuộc Khu bảo tồn Sao La. Vốn là, vào năm 1992, giữa rừng Trường Sơn bỗng lộ diện loài thú đặc biệt quý hiếm này, chúng có tên trong sách đỏ thế giới, chỉ còn tồn tại ở Việt Nam, đang sống tập trung ở vùng rừng núi Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam với khoảng 200 cá thể. Khu bảo tồn Sao La Quảng Nam được thành lập trên diện tích 16.500 hecta tại 2 huyện Tây Giang, Đông Giang, kết nối với Khu Bảo tồn Sao La A Lưới và Vườn Quốc gia Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 2011, Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (WWF) đã tài trợ 1,796 triệu euro để tập trung bảo vệ quần thể Sao La đó.
Và mới đây thôi, người dân bốn xã vùng cao Axan, Gari, Ch'ơm, Tr'hy mới biết: loài cây mọc nhiều ở những thung lũng gần khe nước cho loại hạt vỏ cứng khoái khẩu của heo rừng, sóc rừng, hóa ra đó là hạt dẻ, đang được nhiều người lùng mua, người quen thông thổ có thể lượm được mỗi ngày một tạ, bán với giá 5.000 đ/kg, sơ bộ vụ đầu, đám thương lái đã thu gom được hơn hai trăm tấn hạt. Cán bộ đã xuống tận từng thôn làng vận động bà con chỉ nhặt hạt, tuyệt đối không đốn hạ cây để năm sau còn hạt mà bán, đồng thời chính thức đề nghị các ngành chức năng hỗ trợ bảo tồn và có thể nghiên cứu nhân rộng loại cây đặc sản này.
Bốn giờ lăn bánh có vẻ “cam go”, nhưng cũng bõ công, vì với du khách lữ hành, thì Tây Giang với nhiều sửng sốt còn nhiều hấp dẫn phía trước…
Những người trung dũng
Thoạt nghe, Tây Giang còn là một cái tên mới mẻ, nhưng không mấy ai lấy làm lạ khi biết: trước năm 2003, đây chính là triền tây của huyện Hiên làm nên uy danh trung dũng kiên cường cho xứ Quảng trong hai cuộc chiến. Thung lũng Azứt là cửa ngõ chính của tuyến đường Hồ Chí Minh huyết mạch, nối liền miền Bắc hậu phương với các chiến trường Khu 5, Tây Nguyên qua ngả A Lưới và Hạ Lào. Hoạt động hừng hực ở khu “cổng trời” này không giữ bí mật được lâu, nên thôn làng bị bao trận bom rải thảm, người Cơtu bảo nhau rút vào rừng sinh sống, bám trụ tại quê hương. Những năm 1965-1969, chiến tranh ác liệt hơn, đơn vị công binh 43 của Bộ đội Trường Sơn cùng dân quân du kích và đồng bào địa phương phải khoét núi đào địa đạo tại xã Anông để bám đất và “giữ giống”. Địa đạo là nơi trú ẩn an toàn cho hàng trăm con người, đặc biệt là những em thiếu nhi miền Nam trên đường ra Bắc học tập. Cách đây ít lâu, qua khảo sát đã phát hiện được năm địa đạo ở Tâm Abóc, Ch'run, Abuôl, Bh'nơm và L'bơơi. Nửa thế kỷ qua rồi, bên trong vẫn còn nguyên những trạm cứu thương, hầm làm việc, nơi trú quân, kho lương dự trữ... Người Cơtu chấp nhận hoàn cảnh sống ngặt nghèo nhưng quyết không để cho bộ đội, du kích thiếu súng đạn lương thảo. Trong Gươl truyền thống của làng Cơtu trung tâm huyện lỵ Tơ Viêng còn treo nhiều ảnh chân dung cán bộ lãnh đạo và anh hùng dũng sĩ các thời kỳ, riêng một vị được tạc tượng bán thân trang trọng. Đó là cụ Alăng Bhuôch (1931-2015), người thôn Aruung, xã Bhalêê đã được nhà nước tấn phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2012. Từ nhỏ đã dính một trận ốm thập tử nhất sinh nên bị mù lòa, nhưng Alăng Bhuôch vẫn nằng nặc đòi được tham gia đoàn vận tải, có lần - ấy là hồi đầu tháng 5-1968 - cụ gùi cả thân và đầu súng DKZ nặng cỡ trăm cân, vượt suối băng rừng từ Bình Trị Thiên vào chiến trường Quảng Đà. Trong suốt 5 năm từ 1968 đến 1972, con người khiếm thị ấy đã gùi trên vai mình hơn 180 tấn hàng các loại, gồm 62 tấn lương thực và 120 tấn vũ khí. Sức mạnh và sức bền cổ truyền của người Cơtu đã góp phần ấn tượng vào công cuộc giải phóng và thống nhất nước nhà. Nhân vật huyền thoại ấy cũng chính là người đầu tiên be bờ đào mương, đưa mô hình làm lúa nước vào sản xuất nông nghiệp ở huyện Tây Giang sau ngày giải phóng.
Vượt lên chính mình
Những con người ngoan cường với những kỳ tích thời chiến đã hun đúc nên sức mạnh tinh thần cho nhiều lớp người Cơtu vượt khó trong thời bình. Do địa hình muôn vàn cách trở, Tây Giang phải phấn đấu cật lực, đến năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn chiếm tới 46,34%, và đến cuối năm 2015 mới có 56/70 thôn/9 xã được sử dụng điện lưới sinh hoạt ổn định. Kỳ thực, đến thời điểm này, đây vẫn nằm trong số 62 huyện nghèo nhất nước.
Nhằm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng cao phên giậu, đã từ lâu nay Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tây Giang lần lượt ban hành nhiều quyết sách: về xây dựng kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nông dân giai đoạn 2008-2013 và định hướng đến năm 2018; về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ hiệu quả đến năm 2015 và giai đoạn 2015-2020; về xây dựng Thôn Nông thôn mới… Ý chí của Đảng trùng hợp với khát vọng của dân ắt tạo nên sức sống mãnh liệt. Bằng cách lồng ghép nguồn vốn trung ương và tỉnh cho các chương trình, dự án, huy động nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức kinh tế - xã hội, trong 5 năm qua, Tây Giang đã đầu tư được tổng vốn 411 tỷ 607,88 triệu đồng cho xây dựng cơ bản trên địa bàn gồm 176 công trình: mặt bằng, trụ sở làm việc, đường giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, giáo dục, v.v... Chương trình xây dựng Nông thôn mới đã huy động được tổng nguồn vốn 724 tỷ 423 triệu đồng; trong đó, nhân dân đóng góp 55 tỷ đồng. Có an cư thì mới lạc nghiệp, Tây Giang tập trung sắp xếp lại nơi ở ổn định cho cư dân của mình, đa số các hộ gia đình đều tự nguyện hiến đất đai, cây cối, rau màu, tháo dỡ di dời nhà cửa mà không đòi hỏi đền bù. Riêng xã Lăng đã có hơn 240 hộ tự nguyện hiến trên 150 hecta, tính ra tiền mặt, tổng nguồn đóng góp từ hiến tặng đất đai, hoa lợi, ngày công đã là trên 150 tỷ đồng… Huyện hỗ trợ san ủi mặt bằng tái định cư, bố trí cho dân làm nhà ở theo mô hình làng truyền thống của người Cơtu, mở rộng đường giao thông, xây dựng trường học và các công trình phúc lợi khác, đồng thời đẩy mạnh khai hoang, cải tạo đồng ruộng để tập trung vào sản xuất lúa nước giải quyết lương thực tại chỗ và gia tăng sản phẩm hàng hóa. Tây Giang từng bước chuyển đổi tập quán canh tác và cơ cấu cây trồng, một mặt bảo tồn và phát triển cây bản địa có giá trị kinh tế - những cây dược liệu quý: ba kích, đảng sâm, sâm Ngọc Linh… đang là hướng đi mới. Hiện nay, 20 hecta với khoảng 20.000 gốc ba kích đã được trồng ở hai xã Lăng và Atiêng. Theo khả năng, mỗi cây ba kích có thể cho từ 0,3–0,5 ký, giá mỗi ký 400-500 nghìn đồng và trong một tương lai gần, ba kích Tây Giang sẽ có thương hiệu sánh ngang đặc sản của vùng Ba Chẽ, Quảng Ninh. Và đảng sâm nữa: nhờ khai thác, trồng mới và kinh doanh đảng sâm mà đời sống của đồng bào Cơtu được cải thiện rõ ở vùng biên Axan, Ch’ơm, Gary nơi đã trồng trên 100 hecta đảng sâm để nhân giống phát triển. Ủy ban Nhân dân huyện Tây Giang đang cho tiếp tục khảo sát đánh giá và lập đề án để tiếp tục bảo tồn gen của những thảo dược bản địa, tiến tới ươm trồng với quy mô lớn. Ngoài ra, giống thảo quả và táo mèo từ các tỉnh miền núi Tây Bắc vốn có độ cao trên 1.000 mét, khí hậu mát mẻ cũng được nhập về trồng tại Tây Giang. Sau đợt thử nghiệm từ tháng 2-2012 trên diện tích 10 hecta với khoảng 29.000 gốc, thảo quả ở 2 xã Axan và Ch’ơm có tỷ lệ cây sống rất cao, đang là giống cây được ưu tiên phát triển.
Trên đất Tây Giang còn sẵn một loài cây độc đáo nữa: Tr'đin, riêng người Cơtu mới biết giá trị của nó. Sáng sớm, dùng dao sắc chích vào thân cây này, hứng nước vào lọ, chai chứa sẵn vỏ cây Chuôlr, để tự lên men, sau khi lọc qua một lớp vải sạch sẽ nhận được một thứ rượu tươi có màu trắng đục tự nhiên, dùng trong ba – bốn ngày. Rượu Tr'đin có vị hơi chát, thơm dịu và rất “dẫn mồi”… Xã Ch’ơm được chọn thí điểm xây dựng vườn ươm với diện tích 2.000 mét vuông để gây giống cây này cho quy mô lớn.
Tính quy mô cũng là đòi hỏi tiên quyết để có thể bước vào kinh tế thị trường, nên trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thuỷ sản, Tây Giang chú trọng khoanh vùng chăn nuôi tập trung. Trong năm 2015 ở Tây Giang đã hình thành thêm 26 gia trại, và với tổng số 90 gia trại hiện có trên diện tích khoảng 400 hecta ở các xã vùng cao, 280 hecta ở vùng thấp, việc chăn nuôi heo, bò, trâu, dê, gia cầm được phát triển theo hướng tập trung.
Được biết, để đạt danh hiệu đơn vị Nông thôn mới phải đạt đủ 19 tiêu chí, từ quy hoạch, tổ chức sản xuất đến giáo dục, an ninh, môi trường… 10 xã của Tây Giang đều ở bục xuất phát thấp, nhưng năm 2014 đã có xã Anông về đích và năm 2015, được một xã nữa hoàn thành đó là xã Lăng. Trong 19 tiêu chí đó, “xương xẩu” nhất vẫn là giao thông và thủy lợi: ở địa hình hiểm trở, mùa mưa kéo dài, mỗi mét đường sá, kênh mương đòi hỏi rất nhiều công sức và tốn kém. Nhưng dân Cơtu vốn không nhụt chí bao giờ.
Cơtu đặc chất
Gươl truyền thống của dân tộc Cơtu là nơi tụ họp toàn thể thôn làng, nhưng vai trò cầm trịch thuộc về những con người có uy tín cao trong cộng đồng. Tôi đã gặp tại Gươl những bậc trí thức như Cơlâu Nâm, Bhríu Pố, Coor Tíc, Clâu Blao, Blúp Ứ… Phần lớn các vị ngay từ nhỏ đã được đưa ra Bắc học tập và tốt nghiệp: người kỹ sư chế tạo máy Bách Khoa, người họa sĩ điêu khắc, người Đại học Sư phạm Việt Bắc, nay được suy tôn làm già làng huyện… Chính những con người từng kinh qua trường đời, khi trở về quê đã tham gia mang ánh sáng lại cho dân. Mà nguồn sáng trước tiên ở tự thân: họ sưu tầm những câu chuyện cổ tích, những tiết tấu trống chiêng, những nhịp điệu tân’ tung da’dă, những gương anh hùng dũng sĩ của dân tộc mình cùng những phương thức sản xuất mới của dân tộc bạn để truyền dạy cho lớp trẻ… Người Cơtu có phong tục còn hay hơn nữa: đến Gươl tham gia nói lý, hát lý. Chúng tôi đã có dịp cùng Chủ tịch UBND huyện Bhling Mia ngồi nghe một già làng và một trưởng thôn nói lý, hát lý với nhau, nội dung là đề xuất và giải đáp những khúc mắc nảy sinh trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Tiếng Cơtu ríu rít như chim mà rủ rỉ như suối, để những điều hay lẽ phải từ tốn thấm vào lòng người. Tôi tròn mắt ngạc nhiên thấy giọng nói nơi đây giống giọng ngoài Bắc. Anh A Lăng Bưng - Phó trưởng phòng Văn hóa huyện – giải thích: “Từ nhỏ sống với bộ đội miết, nên chúng em quen nói giọng Bắc mà”…
Chẳng nói đâu xa: bằng năng lực và uy tín lãnh đạo của mình, Briu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang ở địa bàn núi cao rừng thẳm mà được Đại hội Đảng khóa XI bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương. Được biết, ông tiếp tục được Tỉnh ủy Quảng Nam chọn để ứng cử vào Ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII… Khi đoàn chúng tôi lên Tây Giang công tác, ông vừa về Hà Nội họp, để bảo vệ công trình Chữ viết riêng cho dân tộc Cơtu trước Hội đồng Khoa học Nhà nước. Dự án này được Briu Liếc cùng với các công sự dành khá nhiều năm điền dã và khảo cứu tại các cụm dân cư Cơtu, thảo luận và thống nhất về tổ phụ âm, về quy ước sử dụng các dấu, trong đó có dấu trọng âm để xây dựng hệ thống ngữ âm tiêu chuẩn. Đồng thời, trên cơ sở ký tự Cơtu do ông Quanh Tơ Lăng (Quách Xân) khởi thảo, đi đến thống nhất các quy ước và khai sinh chữ viết chính thức cho dân tộc Cơtu.
Với những nhân tố đặc chất Cơ Tu bản địa, chắc chắn trong từng đường đi nước bước để tạo cho đồng bào ổn định chỗ ở, mở mang kinh tế và dân trí, Tây Giang vẫn lừng lững trên một đỉnh của dãy Trường Sơn lịch sử và hăm hở trên đường xây dựng tương lai.
 
 2. Thơ
 
NHỮNG PHONG THƯ THƯA MẸ
 
Sang bên đây thư đi hết tháng ròng
Lời mẹ gửi, con vẫn hằng nhận được
Mẹ hay nhắn qua người này người khác
Mẹ chưa từng viết cho một ai…
 
Bao thứ giấy tờ, mẹ chỉ đứng tên người khai
Còn đều do các con thảo ra rồi ký thay cho mẹ
Hết con nhớn đến phiên con bé
Đến bây giờ con bé cũng đi xa
Tay mẹ đã run, mắt mẹ đã mờ…
 
Từ thuở lọt lòng, con chưa thấy bao giờ
Mẹ có chút rảnh rang để mà ngồi đọc sách
Nhưng bao tháng ngày, tuổi tên, sự tích
Mẹ thuộc làu làu, không sót một điều nào!
 
Trong suốt cuộc đời dãi dầu
Mẹ liệu có dịp nào học chữ? –
Chưa bao giờ con hỏi về điều đó
Cũng không bao giờ con hỏi nữa
Mẹ ơi!
 
Mẹ nhẩm tính từng hạt gạo, củ khoai
Nuôi con lên đều mỗi năm một lớp,
Những trang vở thuở học trò con viết
Mẹ tích cóp, và giữ gìn –
Ơi ngọn đèn khuya sao không tự tắt
Để mẹ mình thức đợi đêm đêm!
 
 
Nên mỗi bận xa nhà, con hiểu, việc đầu tiên
Là phải có thư ngay về thưa mẹ.
Những bức thư
Khi con kịp gửi về, khi còn phong trong ý nghĩ
Ở bên nhà, xin mẹ cứ bình tâm!
Leningrad, 1974

MỘT NGUỒN VUI SÂU LẮNG

Em đến rồi, nơi ấy, anh yêu!

Nơi anh sống và em hằng thân thuộc
Nơi thung lũng thành hồ chứa nước
Núi núi đằm trong một nguồn vui,
Nơi sóng vỗ xênh xang bờ đập
Tim em rung nhịp bồi hồi…
 
Anh xa em trọn bốn năm rồi
Mà những dòng nước tụ về đây
Vẫn tuôn tự lòng anh chu đáo –
Bao công việc cần rất nhiều tần tảo
Mà được làm trọn vẹn thảnh thơi
Em nghe mực nước dềnh khoan thai
Mà cuốn cuộn những guồng máy chạy
Mà tung tăng những dòng kênh chảy
Tưới lúa đồng gần, tưới lúa đồng xa,
Con đò đưa êm như trong mơ
Ánh điện sáng bao điều bỡ ngỡ,
Nơi đàn cá quẫy mình sinh nở
Là nơi chim làm tổ bao đời.
 
Em thấy hồ nước ăm ắp đầy
Thấy hạnh phúc dâng ngay trước mắt
Em không khỏa giữa hồ nước mát
Mà đắm vào nỗi nhớ về anh.
 
Em nghe, em nghe… trong tiếng sóng xung quanh
Tiếng cuốc anh đào hồ như lại vọng,
Em lên bờ. Gió im. Nước lặng
Lại thấy bóng anh bốc đá xây kè
Ô! Ngày nao em tiễn anh đi
Giờ thung lũng đã đong đầy ánh nắng.
 
Em sống lại những ngày vui anh sống
Em khơi thêm nguồn vui anh khơi…
                         Hồ Vân Trục, 1969
 
 
 
 
 
 
VÂN GỖ
 
Ngọn mê mải tìm tầng không, chới với,
Cội cây loang bao dợn sóng âm thầm.
Trước vân gỗ, con bời bời một nỗi:
Nghĩa sinh thành - cổ thụ đã trăm năm.
                               Len 1975.
 
 
 
 
 
 
HÁT VỚI NGƯỜI TRỒNG RỪNG
  
Qua rồi nắng hanh, sương muối
Xuân tung bụi nước sinh sôi
Tở mở đất đai chào đón
Cây ươm vườn ta ra đồi.
 
Tay ta nâng niu âu yếm
Lá non bên má mơn man
Xa nhau luống còn bịn rịn
Gửi cây một nắm đất vườn.
 
Vườn ta không nghèo màu mỡ
Ao ta nước tưới chưa vơi
Nhưng đồi bên còn ngợp cỏ
Cướp nước nguồn ta, cây ơi!
Vườn cho lá xanh óng ả
Để cây kết quả trên đồi.
 
Ta cho cây đứng thẳng hàng
Khỏi đâm ngành la ngành bổng
Nay ta mong một lá xanh
Mai ta mong rừng gỗ thẳng.
 
Ta ươm cây lúc Thu sang
Như ươm niềm vui mong đợi
Hôm nay màu xanh trẩy hội
Lòng ta với lá cùng reo!
                     Phú Lộc, 1968
 
 
 
 
 
TRÁI NHỚ
 
Em dẫn anh vào một vườn mận chín
Trời hè len qua kẽ lá thưa xanh
Kìa – những trái mận tròn mũm mĩm
Hay nắng cô thành giọt giọt tím cành?
 
Mận em trao khiến phân vân lòng anh
Chả biết nên ăn hay là nên để?
Thứ trái cây này sao mà lạ thế
Đấy ăn, đây cũng thấy chua!
 
Cơn khát nào rạo rực ban trưa
Khiến trẻ dại cũng trở nên bạo dạn
Môi vừa chạm vào trái cây nhỏ nhắn
Vị mát trong đã rót tận đáy lòng.
 
Ở cành cao hay có trái ngon
Em bảo anh vin để cho em hái
Ngỡ chẳng bao giờ thấy lòng trống trải
Trái ngon nào ta chẳng hái chung tay.
 
Giờ xa em, xa bóng mát vườn cây
Còn bao nơi đang cần anh tới đấy
Nơi gió thổi rát khô như sấy
Nơi khói hun lửa táp bốn bề…
 
Mỗi khi cổ rát môi se
Lại nhớ khôn nguôi em nơi vườn mận
Và vị mát trong bỗng lại về lai láng
Như chẳng bao giờ em vắng trong anh!
 
           
 
 
 
HẠT XUÂN
 
Cành Đông hứng suốt đêm trường!
Ban mai lấp ló giọt sương tần ngần.
Đừng rung! Chồi bật bất thần
Lòng tay em bỗng hạt Xuân ngời ngời.
                     Việt Trì, Xuân 1979.
 
 
 
 
 
 
HỘI TRƯỜNG CŨ
 
            Tặng bạn học Trường cấp III Vĩnh Tường
                                    (Khóa 1963-1965)
 
Tên đất cũ, nay tên người tiền bối
Trường chuyển ngôi - đất mới. Thật ngỡ ngàng.
Dăm – mười năm xênh xang về dự hội
Gặp người hưu lòng vợi bớt hoang mang…
                               Vĩnh Tường, 2013
 
 
 
 
 
 
Ở PHỐ KHÔNG TÊN
                           Tặng Y
 
Anh đợi em ở quãng phố này –
Cả thành phố đang cùng anh đợi đấy:
Sỏi có sẵn lại như vừa mới rải
Để xa nghe đã thấy bước chân người
 
Cây mới trồng, cây xanh ngang tầm tay
Lá xanh bứt vương đầy lối hẹn
Chân trời ẩn trong màu gạch chín
Đồi lô nhô thấp thỏm trăm chiều
 
Em chợt hiện ra giữa đường đất đỏ au
Trước những mảnh lá vò nhựa ngái
Ngỡ đã trải nhiều tháng năm dầu dãi
Từng có anh chờ em ở đây.
 
Lạ lùng sao – thành phố hôm nay
Nhà chưa cất, chưa đặt tên cho phố
Đường mới mở chưa dập dìu xe cộ
Ta đi trong tấp nập nhịp tim mình.
 
Ta soi vào đâu – đấy hóa ân tình
Trời muốn đeo cườm đón vầng trăng đến
Đất muốn bày hoa nơi tay vun vén
Vì từng phút giây thương mến hôm nay
 
Một mai, một mai… phố đã tên rồi
Ta gặp lại mình trong từng đôi lứa
Chẳng mắc cỡ khi có người hỏi nhỏ:
- Ở chỗ nào anh chọn để chờ em…
 
 
 
 
 
 
VỚI QUỲNH NHAI
 
Ta tự coi mình cũng thể dân Quỳnh Nhai
Nhường đất ông bà cho lòng hồ thuỷ điện,
Một sớm Phiêng Lanh, Mai Quỳnh, Phiêng Bủng
Mở mắt, bần thần nhớ bóng Khao Phum.
 
Lạ lùng thay! Niềm thao thức cố hương
Tiếng ong bay giữa rừng già mộng mị,
Tiếng cá bơi dưới sông Đà thủ thỉ
Tiếng nai kêu thổn thức đầu ghềnh…
Ôi! Hơi núi hơi sông sao mà nhớ
Dẫu ông bà bố mẹ vẫn kề bên!
 
Những hòn đá mồ côi đoạn đường rẽ lên nương
Trông lạ lẫm hình thù, tỏ mờ trong trí nhớ,
Đầu nhà sàn, vạt nắng còn bỡ ngỡ
Ngày lại ngày, khi nao sẽ thành quen?
 
Nương mới, mũi cày, lưỡi cuốc phải bén hơn
Tìm nguồn nhựa, rễ cây trồng len kẽ đá,
Người lớn ngày ngày bới đất lật cỏ,
Trẻ nhỏ tập xe để đến lớp cuối mường.
 
Và một ngày mai, khi tích đủ nước nguồn
Mừng phát điện mà mắt ngân ngấn nước:
Hình bóng quê hương Quỳnh Nhai thuở trước
Có hiện về theo dòng điện này chăng?
                          Sơn La, 4-2009
 
 
 
 
 
HÁT ĐỐI ĐÁP
 
Soọng Cô hội hát Sán Dìu
Bạn về đông đúc, sương chiều thanh thơi
Mặc mây sũng ướt trên trời
Mũi thuyền rẽ nước tìm người tâm giao.
 
Ruộng vừng đom đóm soi vào
“Trầu giàn, cau đất chốn nao, hỡi người?
Hỏi thật cũng là hỏi chơi
Sơ giao là để sau rồi lương duyên.
 
Bát hoa, chè sánh ánh lên
Lời buông lời bắt, tay mềm dắt nhau
Giữa khuya, nhà rộng, mâm cao
Xơi nào dặm dạ, hát nào thâu đêm!
 
Hát từ độ tuổi hoa niên
Chung tình vẫn hát chẳng hiềm tóc sương
Thênh thênh thung lũng ca trường
Cậy nhờ nước suối, gió nương đệm đàn.
 
Về xuôi, lòng vẫn xốn xang
Soọng Cô bất giác hát vang đôi lời
Ngân nga, rồi bỗng ngậm cười:
Một mình hát đối, ai người đáp ta…
                     Đạo Trù - Tam Đảo, 11-2015
 
 
 
3. Thơ dịch
 
TỔ QUỐC
 
Những thành phố nghênh xa tiếp vào ba biển lớn,           
Những kinh tuyến và vĩ tuyến                                
Đan đệt nên một tấm lưới choàng,                          
Tổ quốc bao la, kiêu hãnh, ngoan cường.               
 
Nhưng mà khi trái lựu đạn cuối cùng                     
Đã nằm gọn lòng tay ta bỏng rát                   
Cần nhớ lấy – dù chỉ trong giây lát                         
Những gì xa xăm mà lắng đọng trong lòng,            
 
Đâu chỉ là một đất nước mênh mông,                     
Mà ta đã từng đi từng biết,                                     
Ta lại nhớ Tổ quốc mình thân thiết,                       
Hệt như từ tấm bé vẫn hằng trông.                                   
 
Một rẻo đất, ba cây bạch dương,                   
Một nẻo đường xa khuất sau rừng,                         
Một dòng chảy xiết nơi bến nước,                          
Một bờ cát trắng, liễu buông rong.                         
 
Chính tại đây ta đã được sinh ra,                   
Và cho đến tận cuối đời, ta tìm thấy                       
Niềm kiêu hãnh: rẻo con con đất ấy,                      
Đủ cho ta nhận biết đất mọi miền.                         
 
Có thể nắng nôi, giông bão, giá băng,                    
Có thể đói khát và rét mướt,                                   
Có thể sinh mạng mình không tiếc…                     
Nhưng mà, ba cây bạch dương này,                        
Không đời nào ta chịu nhượng cho ai.
                                                  1941
KONSTANTIN SIMONOV (Nga, 1915-1979)
 
 
 
 
     
 
GỬI NGƯỜI ĐỜI SAU
 
Vẫn chưa có người đâu, người còn rất xa vời -
còn là đất, là khí trời, là ánh sáng, -
nhưng trước các người chúng tôi xin bảo đảm.
Hậu sinh với chúng tôi là ruột thịt dính liền.
 
Trận này găng. Chúng tôi hiểu, bao phen
hàng trăm năm sau mình không có gì che chắn.
Một khi quân thù nhằm chúng tôi quăng lựu đạn,
mảnh sẽ văng đến tận người, ơi người những đời sau.
 STEPAN SCHYPACHOV (Nga, 1899-1980)
 
 
 
 
 
LŨ SÓI
 
Máu người đổ chốn chiến trường:
Mỗi ngày bao ngàn người mất!
Đánh hơi thấy mồi quanh quất
Sói tru vang động suốt đêm.
 
Những con mắt sói long lên
Bao nhiêu thịt người thịt ngựa!
Đây: giá một lần đọ lửa,
Một màn pháo kích trong đêm!
 
Sói chúa đang còn ngông nghênh
Trước đại tiệc bày trước mắt, -
Bỗng bốn chân như chôn chặt
Nghe gần đấy tiếng người rên.
 
Ngật đầu tựa gốc bạch dương
Một người trọng thương mê sảng,
Tán lá bạch dương chao động
Như mẹ hiền vỗ về con.
 
Bồn bề ran tiếng nỉ non
Từ từng cọng cây chiếc lá,
Trên từng cánh hoa sợi cỏ
Sương lăn như lệ long lanh.
 
 Sói chúa trước người thương binh
Nhìn khắp lượt, mũi hít hít,
Thấy mắt người còn hờ khép
Bèn bỏ đi, không làm gì…
 
Rạng sáng, có bọn người kia;
Thấy thương binh thoi thóp thở.
Sự sống dẫu sao đi nữa
Vẫn còn le lói trong anh.
 
Họ cắm vào người thương binh
Những mũi thuốn sắt nung đỏ,
Rồi quàng thòng lọng vào cổ,
Treo lên cành cây bạch dương…
 
Máu người đổ chốn chiến trường
Mỗi ngày bao ngàn người mất!
Đánh hơi thấy mồi quanh quất
Sói tru vang động suốt đêm
 
Nhưng độc ác hơn cả sói -
Là bầy thú dữ hai chân.
1943
MUSA DZHALIL (Nga, 1906-1944)
 
 
 
 
 
 
 
CON TIM
 
Hai mươi ngày và hai mươi đêm
Anh vẫn sống, làm ngạc nhiên bao thầy thuốc,
Anh luôn luôn có Mẹ ở bên
Thần chết không sao cướp anh đi được.
Hai mươi ngày và hai mươi đêm
Mẹ chong mắt trông anh không chớp
Tới buổi sáng thứ hai mươi mốt
Mẹ thiếp đi, chỉ nửa phút thôi.
Và, để cho khỏi động giấc Người
Anh dừng con tim mình lại
1940
 BORIS LEBEDEV (Nga, 1911-1945)
 
 
 
 
 
 
THÀNH RA, MỘT CUỘC CHIẾN TRANH…
 
Thành ra, một cuộc chiến tranh
kết thúc không bên nào thắng.
Vợ người chiến binh tử trận
đêm đêm trằn trọc một mình.
 
Người thắng ừ thì đã thắng,
còn người góa vẫn đơn côi,
thấu lạnh gió đêm thổi hoài
từ ngàn nấm mồ chôn vội.
 
Người bại đành rằng đã bại,
nỗi buồn thua trận nguôi ngoai
bãi nát chiến trường dựng lại
thì thành bất bại phen này.
 
Người bại lầm lũi hiện nay
công việc làm ăn tấn tới.
Vợ lính góa bụa ơi hỡi
kiếm sao được chồng thứ hai.
BORIS SLUTSKY (Nga, 1919 -1986)
 
 
 
 
 
 
 
ĐẶT ANH VÀO QUẢ ĐẤT…
  
Đặt anh vào quả đất,
Anh – một người lính trơn
Người lính không hàm cấp,
Người lính không huy chương.
Anh đứng, đất là đất
Anh nằm, đất là lăng –
Dải Ngân hà vằng vặc
Muôn đời soi quanh anh.
Mây ngả đầu non xanh,
Bão tuyết lồng, gió cả
Tiếng sấm trên trời vỡ,
Lâu lâu rồi trận ngưng…
Đồng đội về đủ mặt
Đây tay đồng đội nâng
Đặt anh vào quả đất,
Như đặt vào trong lăng..
                               1944
SERGEI ORLOV (Nga, 1921-1977)
 
 
 
 
 
 
MƯỜI BẢY TUỔI CHÚNG TÔI ĐÃ RẤT LÀ NGƯỜI LỚN
 
Mười bảy tuổi chúng tôi đã rất là người lớn
Bởi chúng tôi trưởng thành trong lửa đạn chiến tranh…
Thay lứa chúng tôi giờ, các cô em dong dỏng
Tóc đều óng đều dày, nom bồng nở sau lưng.
 
Các em giờ xinh ghê! Chúng tôi thì thật khác -
Con đẻ của thời đói kém, chiến chinh.
Nhưng các chàng trai mà chúng tôi đã gặp
Đều coi: rõ ràng, chúng tôi thật là xinh.
 
Người yêu đã hôn chúng tôi trong công sự,
Trước trận tử sinh đã thề thốt nặng lời,
Lem luốc, gầy gò, nhưng chúng tôi rạng rỡ
Và chúng tôi tin: rồi vẫn thế, trọn đời.
 
Ôi, sống sót là may!... Còn về được mấy ai.
Liệu có nên trách người yêu ngày nọ,
Giờ si mê những cô gái chân dài,
Mình ra trận, mẹ mới sinh ra họ?
 
Tình thực thì ngơ xuân đi, ai nỡ
Hoa nở, dép giày cao gót tung tăng,
Dù mái tóc sấy già như sém lửa,
Nhưng chủ nhân vừa mười bảy xuân xanh
 
Ngoài mặt trận không ít lần ta trằn trọc
Bạn cùng lứa của tôi ơi! Rồi tất cả sẽ êm dằm
Tranh đấu cho tình yêu ta cũng cần dũng cảm
Chẳng kém gì trong một cuộc chiến tranh!
 YULIA DRUNINA (Nga, 1924 -1991)
 
 
 
 
 
 
 
PHÉP MẦU NHIỆM CỦA MƯA
 
Em yêu mưa làm sao, em càng yêu mê mệt mưa rào
Mưa rào nhiệt cuồng và mưa rây dìu dịu,
Cơn mưa rây trinh nữ
Và trận mưa rào thiếu phụ xô bồ.
Mưa nấm nhô
mưa rỉ rắc
với hơi thu…
Em yêu làm sao, em càng yêu mê mệt mưa rào
Yêu được lăn mình trên những ngọn cỏ cao
Lấm tấm những hạt mưa trong trắng
Ngắt một cọng cỏ mềm đặt lên môi, em nhấm
Và em đi
Cho tất cả đàn ông đều nhìn em say đắm.
Em hiểu, chẳng hay ho gì khi mở miệng nói ra
“Tôi là người đàn bà xinh đẹp nhất”
- Nghe ngốc nghếch, và có khi sai sự thật.
Nhưng cho phép em khi trời bắt đầu mưa
Chỉ khi trời vừa mới bắt đầu mưa
Được nói lên lời thần diệu nhường kia:
“Em là người đàn bà xinh đẹp nhất”.
 
Em là người đàn bà xinh đẹp nhất
Bởi vì trời đất trong mưa,
Từng sợi nước đi qua đan vào từng sợi tóc,
Em là người đàn bà xinh đẹp nhất
Bởi vì gió hà hơi vào mặt,
Gấu váy bay tung, em ngượng ngập khép chân mình.
 
Em là người đàn bà xinh đẹp nhất
Bởi vì anh
đang ở xa em và em đang mong đợi.
Em là người đàn bà xinh đẹp nhất
Bởi vì em biết đợi
Và anh biết rằng em đang đợi anh.
 
Khắp không gian
Lan tỏa yêu đương và dịu mát
Tất cả khách qua đường đều tìm gặp hơi mưa
Và trong khi mưa tình yêu là bất chợt
Tất cả khách qua đường đều được tương tư,
Và em đợi anh bây giờ.
 
Anh có biết chăng là -
Em yêu mưa làm sao,
Em càng yêu mê mệt mưa rào
Mưa rào nhiệt cuồng và mưa rây dìu dịu,
Cơn mưa rây trinh nữ
Và trận mưa rào thiếu phụ xô
  ANA BLANDIANA (Rumania)
 
 
 
 
 
 
 
KHÔNG MỞ MẮT
 
Không mở mắt
Toàn thân em sáng toả
Chói loà vầng pha lê.
 
Tạc hình em ban khuya
mà anh không mở mắt
một tấm lòng pha lê
 
Hai ta thành vô biên
hoà nhập và thấu suốt
trong khi anh và em
đều cùng không mở mắt.
OCTAVIO PAZ (Mexico, 1914-1998, Nobel văn học 1990)
 
 
 
 
 
 
TÔI CHẲNG TIẾC CHẲNG NÀI CHẲNG KHÓC
  
Tôi chẳng tiếc chẳng nài chẳng khóc
Tất cả qua đi như khói như hương
Hoa táo trắng đã úa vàng tan tác
Chẳng bao giờ tôi còn được trẻ trung…
 
Con tim tôi ngấm nhiều buốt giá
Đâu còn rung nhịp những ngày qua
Và xứ sở bạch dương gấm lụa
Đâu còn xui tôi bước la đà…
 
Niềm vui sống mỗi ngày mỗi hiếm ?
Niềm xốn xang với tiếng nồng nàn
Vẻ thiên thần trong tôi ôi đã biến
Đâu sóng tình đâu ánh mắt chứa chan
 
Giờ tôi so đo trong từng ước muốn
Cuộc đời tôi hay giấc mộng đời ơi
Như một sớm xuân đang vang động
Ngựa hồng tôi đã phóng mất rồi…
 
Lá phong trút một sắc đồng lặng lẽ
Chúng ta rồi thành bụi giữa trần ai
Xin trọn kiếp mang niềm ân huệ
Âu đến thời, đời thắm rồi phai… 
SERGEY ESENIN (Nga, 1895 -1925)
  
 
 
 
 
 
NGUYỄN ĐĂNG SÂM
 
- Họ và tên khai sinh: Nguyễn Đăng Sâm
- Sinh năm 1942
- Quê quán: Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc
- Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ 2010)
- Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh.
 
- Tác phẩm chính đã xuất bản:
   * Tiếng chim trái mùa (NXB Hội Nhà văn, 2005)
   * Lục bát sang sông (NXB Hội Nhà văn, 2006)
   * Lục bát đa mang (NXB Hội Nhà văn, 2007)
   * Lục bát đa tình (NXB Hội Nhà văn, 2008)
   * Thơ tình Nguyễn Đăng Sâm (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2015)
 - Giải thưởng văn học:
* Tặng thưởng cuộc thi thơ lục bát của tuần báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, 2003.
* Giải C thơ tỉnh, Cuộc thi thơ tình của tuần báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, 2007.
 - Suy nghĩ về nghề văn:
       Tuổi ấu thơ tôi uống dòng sữa mẹ thấm đẫm những lời hát ru con… Lớn lên tôi tắm trong dòng sông thi ca bởi nơi ấy có phù sa nuôi dưỡng tâm hồn con người. Nay đã trở thành nhà văn, tôi như con tằm rứt ruột nhả tơ dệt lên những vần thơ óng mượt cho đời.
A - TRONG KÝ ỨC BẠN BÈ
 
                        MỘT HỒN THƠ ĐẬM CHẤT DÂN Dà                                                                                                    Hữu Thỉnh
 
Hồi đi học, Nguyễn Đăng Sâm yêu văn và học giỏi môn văn. Anh tham gia Ban Văn Sử Địa của trường và bắt đầu làm thơ. Cái chất lãng tử đã thấp thoáng từ ngày ấy. Chiến tranh mở rộng ra cả nước cũng là lúc thầy giáo Nguyễn Đăng Sâm tốt nghiệp đại học Sư phạm và bắt đầu đứng trên bục giảng. Một thời gian khá dài, nhà trường sơ tán về một vùng quê huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Nguyễn Đăng Sâm được sống tận gốc cuộc sống lãm lũ thời chiến, được chứng kiến tấm lòng yêu nước cao cả của những người nông dân, vừa hiến cho đất nước những đứa con dứt ruột đẻ ra, vừa tình nguyện làm hậu phương lớn cho đất nước. Tình nào chả đi với cảnh. Cảnh đây là cái không gian sinh thành cổ kính, bền vững của làng quê Việt Nam. Tất cả, thấm vào tác giả một cách tự nhiên. Nguyễn Đăng Sâm vừa là thầy giáo của đàn em nhỏ, vừa là học trò của hồn quê Việt. Có lẽ đây là lý do chính giải thích vì sao, Nguyễn Đăng Sâm sinh ra và lớn lên ở thị xã Vĩnh Yên, nhưng lại đậm chất dân giã, quê mùa. Và vì sao anh lại chọn lục bát.
Việc chọn các thể thơ cũng giống như người cầm đũa, có người thuận tay phải, người thuận tay trái. Tôi không cho rằng cứ phải lục bát mới thuận tay để viết về người quê, cảnh quê, cũng như không hẳn là thơ tụ do thì dễ nói về cuộc sống thị thành.
Không phải vậy. Vấn đề là hồn, là cảm, là hòa điệu. Chẳng hạn câu thơ của Hàn Mặc Tử:
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang
Có phải lục bát đâu mà đậm chất quê đến thế.
Với Nguyễn Đăng Sâm, thơ lục bát hay phong cảnh thôn dã nói cho cùng cũng đều là mượn cả, đều là phương tiện để tô vẽ cho đậm cái chất lãng tử cố hữu ở anh. Đê làng để nhớ nhung, trăng lên để hờ hững, bến đò để ly biệt, chợ phiên để hối tiếc, cánh diều để nhớ thương. Nổi bật trên tấm phông lớn ấy là các mối tình. Thôi thì đậm nhạt, quanh co, thôi thì phất phơ, nhen nhúm. Tất cả đều dở dang, tất cả còn cách trái hạnh phúc một tầm tay. Đây chính là cái thế giới thẩm mỹ của thơ tình Nguyễn Đăng Sâm. Nhưng anh đóng vai lãng tử không phải để săn đuổi các mối tình mà đích thực để hái các vần thơ. May mắn là như thế:
Đây:
Trông ra chị nói nhẹ nhàng
- Mùa thu cùng với tóc chàng đang bay
(Chân dung tự họa)
Bán trời mua cái đam mê
Trắng tay lại được bốn bề gió trăng
(Say)
Và đây:
Trăm năm cát bụi trở về
Bà con mượn cả con đê đón người
(Về chốn cũ)
Phụ cha đâu dám phụ lòng
Tâm như ngọc sáng gương trong bụi trần
(Oan tình Mỵ Châu)
Và đây nữa:
Bèo xanh dạt bến cô liêu
Vắng em, đến nỗi xanh rêu đường về
(Xanh)
Cuộc tình trắng giữa chơi vơi
Chờ em tay trắng một đời trắng tay.
(Trắng)
Thưởng ngoạn một bữa tiệc hát, có người yêu cô gảy đàn, có người yêu một đường tơ, có người yêu cả hai. Với Nguyễn Đăng Sâm, xin bạn hãy đến với thơ anh tùy lời phán xét.
Có dạo, tôi bảo: “Này ông Sâm, thơ tình của ông nhiều rồi đấy, nên mở ra xã hội “Không biết ông Sâm nể bạn đến nhưng câu trả lời có vẻ thành thực lắm” anh đúng. Để mình cố thử xem sao”.
Nói với bạn xong, tôi đâm ra tự trách nhiệm. Sao lại hời hợt giản đơn đến thế. Nói thế hóa ra đối lập tình yêu với xã hội, mà quên mất rằng, trong cội nguồn, trong bản chất của nó, tình yêu là một vấn đề xã hội cổ xưa nhất J.J.Rousseau đã từng nói: “Hãy làm người đa cảm nhưng phải là hạng hiền trí, nếu người chỉ là một trong hai hạng người ấy, người không chi cả”. Thật chí lý và đầy đủ, vấn đề tình yêu trong thế giới đa cảm rộng lớn nói chung là thuộc về vấn đề của con người. Thế thì, làm một người tình trong sáng, nồng nhiệt, cao thượng, thủy chung cũng chính là một vấn đề có tính xã hội đang quan tâm, chứ sao?
Có người sẽ bảo, tôi đang bênh vực Nguyễn Đăng Sâm.
Tôi xin trả lời: Nhận xét đó là hoàn toàn chính xác.
Làm thơ mà không thấy nỗi truân chuyên của kẻ thương đời, không biết nâng niu nỗi khổ, đáy biển mò kim của kẻ săn chữ, thiết tưởng vẫn còn là kẻ ngoại đạo. Nhưng ngẫm cho kỹ, người trách tôi bênh vực Nguyễn Đăng Sâm cũng có nhiều phần có lý. Sự đòi hỏi của sẻ chia, của nâng đỡ, trước hết bao nỗi đời, cảnh đời khổ hạnh, đảo điên là hoàn toàn chính đáng. Giữa mây bạc và nước mắt nhà thơ nên cúi xuống. Và Nguyễn Đăng Sâm đã cúi xuống tìm thấy những hạt nguyên sơ của tình người, ấm áp và bất biến.
Bên giường tiếng võng còn chao
Còn êm chiếu cói mà sao vắng người
(Bên giường mẹ)
Tiếng khóc thảm bật lên một triết lý đau đớn muôn thuở của kiếp người “Thác là thể phách, còn là tinh anh” như Nguyễn Du đã nói từ hơn 200 năm trước. Nguyễn Đăng Sâm có khá nhiều những câu thơ như thế. Cho nên dù tập thơ này mang tên Thơ tình, nhưng độ khuếch tán của nó vượt ra ngoài giới hạn của tình yêu đôi lứa, trở thành lời tâm phúc với chúng ta về những gì mà hồn thơ động tới.
 
H.T
 
 
 
MỘT VỌNG PHU
 
Một đi một mất một còn
Một người một có một con một lòng
Một bóng một núi một trông
Một đời một đợi một chồng một xa
 
Một năm một tháng một qua
Một thương một nhớ một nhà một đau.
 
                                                                                          Nguyễn Đăng Sâm
 
LỜI BÌNH CỦA TRẦN BÁ GIAO
 
Nguyễn Đăng Sâm là một nhà thơ đã từng được giải thưởng về thơ lúc bát trên báo Văn nghệ. Nguyễn Đăng Sâm mạnh về thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc. Thơ Nguyễn Đăng Sâm đã kế thừa được nghệ thuật thơ trưc tình của dân tộc. Cách gieo vần, âm thanh nhiệp điệu thơ đúng như thể thơ lục bát truyền thống, cuốn hút người đọc bởi những hình ảnh, hình thượng độc đáo, truyền tải được những cảm xúc sâu sắc và chân thành mà tác giả muốn gửi gắm đên bạn đọc. Nguyễn Đăng Sâm đang cố gắng làm mới mình trên nền thơ lục bát.
Như tên gọi của bài thơ Một vọng phu, Nguyễn Đăng Sâm như muốn nhấn mạnh đến một câu chuyện cổ dân gian nói về hình thượng người phụ nữ ngóng trông chồng mà hóa đá. Cái độc đáo của bài thơ là tác giả đã sử dụng điệp từ một để nhấn về những vấn đề triết lý cuộc sống từ một truyền cổ dân gian “Hòn vọng phu”.
Hai câu thơ mở đầu như lời dân chuyện kể về chuyện chia tay rất éo le của gia đình nhà kia: một đi (người chồng) một mất (người vợ mất chồng) và một còn (còn ở lại). Dường như đây chỉ là suy luận theo tên đề của bài thơ: Một vọng phu. Nhưng đến câu thơ thứ hai thì sự việc đã rõ ràng hơn. Câu thơ thứ hai như muốn nói về người vợ: Người ấy có một con và đang bồng con để chờ chồng với một tấm lòng thương nhớ, sự thủy chung của người vợ ở nhà.
Câu thơ thứ ba và thứ tư càng rõ hơn hoàn cảnh của người vợ: Một bóng một núi một trông/ Một đời một đợi một chồng một xa.
Hoàn cảnh của người nhân vật trữ tình trong bài thơ được khắc họa rõ nét hơn, làm sáng tỏ thêm chủ đề mà nhà thơ Nguyễn Đăng Sâm muốn gửi gắm. Thông cảm sâu sắc với hoàn cảnh éo le bi kịch mà người vợ phải gánh chịu. Hình tượng Một vọng phu hiện lên thật cụ thể. Người đàn bà ấy hóa đá, nên mới có cảnh: một bóng một núi một trông. Sự thương cảm của tác giả bộc lộ rõ ở câu thư thứ tư: Một đời một đợi một chồng một xa. Câu chuyện về nàng vọng phu đến đây đã rõ. Điều àm tác giả muốn gửi gắm đến bạn đọc là bi kịch của gia định vợ chồng ấy đã trút xuống người vợ với một con đang phải chờ đợi. Sự chờ đợi ấy kéo dài một đời quả là một tấn bi kịch. Câu thơ đã khắc họa được nỗi đau suốt một đời người. Đây là câu thơ hay nhất trong bài thơ, là đỉnh điểm của một bi kịch.
Hai câu kết của bài thơ:
Một năm một tháng một qua
Một thương một nhớ một nhà một đau.
Là những lời nhấn về bi kịch của người phụ nữ chờ chồng mà hóa đá. Đó là những câu thơ kết nối với nỗi đau của Nàng Vọng Phu trong đó cũng chứa cả niềm thương cảm của tác giả cũng như của người đời với người phụ nữ ngóng trông chồng mà hóa đá. Nỗi đau tột cùng của người phụ nữ ấy được chứa đựng trong vỏ bọc một bi kịch của sự vô tình vi phạm giới luật hôn nhân (Người anh lấy nhầm phải em mình).
Theo tôi người xưa, mượn tích đó để nói về những người phụ nữ có chồng đi lính chiến đấu bảo vệ đất nước hoặc có chồng phải lên rừng hay ra biển tiềm kế mưu sinh rồi không có cơ hội trở về nhà để vợ góa con thơ phải mòn mỏi đợi chờ... Bi kịch của Nàng Vọng Phu đã đi vào văn thơ để hậu thế muôn đời sau luôn thương cảm và trân trọng sâu sắc với người phụ nữ có hoàn cảnh như Nàng Vọng Phu. Nhà thơ Nguyễn Đăng Sâm đã thành công khi khắc họa Một vọng phu như thế.
 
T.B.G
 
 
B - MỘT SỐ TÁC PHẨM TIÊU BIỂU
 
MỖI
  
Mỗi thời mỗi khác mỗi xa
Mỗi xưa mỗi tiếc mỗi qua mỗi buồn
Mỗi người mỗi nhớ mỗi thương
Mỗi duyên mỗi phận mỗi đường mỗi ai
 
Mỗi than mỗi gánh mỗi vai
Mỗi nhà mỗi cảnh mỗi vài nỗi đau
Mỗi cõi mỗi trước mỗi sau
Mỗi bia mỗi miệng mỗi câu mỗi phần
 
Mỗi sinh mỗi có một lần
Mỗi không mỗi sắc mỗi vẫn mỗi xoay
 
 
 
 
 
THĂM VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH
                                  Túy ngọa xa trường quân mạc tiểu
                                                   (Thơ Đường)
 
Câu thơ Vạn Lý Trường Thành
Người đời tuyệt bút chẳng dành cho ta
Thôi đành mượn chén quan hà
Say như phận lính xa nhà ngày xưa
Giật mình gió lạnh đầy mưa
Chạm vào câu chữ trời vừa thả theo
 
 
 
 
 
 
 
VIẾNG BẠN
                Tặng Dư Bảo Toàn nhà thơ tài hoa bạc mệnh
 
Quên làm sao được D… ơi!
Chiếu chơi lẻ chỗ, có người lẻ đôi
Đem thơ dấu biệt về trời
May sao sót lại mấy lời vì ai?
 
Sự đời đâu biết ngày mai
Bạn đi ta ở đau bài thơ xuông!
Còn đâu những buổi chiều buông
Phố xưa uống cạnh hoàng hôn cháy long…
 
Giờ tan vào cõi hư không
Nhớ nhau chén rượu đọng trong bóng người
                         Phúc Yên, ngày trở lại T7/2007
 
 
 
 
 
SỐNG LẠI
              Tiếc nhớ Lê Kim Hạt nhà văn (đã mất)
 
Đời thêm lần nữa giấc mơ
Để ta sống lại những giờ đã qua
Mê về bên mẹ cạnh cha
Xum vầy ở chính căn nhà mến yêu 
Linh thiêng run rủi mưa chiều
Cùng anh bạn cũ phiêu riêu hôm nào
Văn chương toàn thấy tào lao
Thường quen bỗ bã “mày tao” cả cười 
Chỉ riêng lần gặp có người
Ngày mong đêm mộng cuộc chơi trốn tìm
Bỗng đâu em cứ lặng im
Hay còn hờn dỗi chuyện chim xổ lồng
Dù xa hình bóng trong long
Vẫn đôi mắt ấy buồn trông xa vời…
Tỉnh ra sáng mạn chân trời
Ngẩn ngơ nuối tiếc một thời dịu êm.
Trại sáng tác Đại Lải, t4/2016

KHÔNG ĐỀ
Tặng N.T.H 
Nếu mà không có tình yêu
Trốn đâu cho hết những chiều nhớ quê
Trốn đâu mỗi độ thu về
Trốn đâu chóng sáng đêm hè trăng xưa…
 
Trốn tìm bến cũ sóng đưa
Trốn trong kỷ niệm gió mưa nhạt nhòa
Trốn sang bạn đã rời xa
Trốn say nhạc Trịnh tình ca nao long…
 
Trốn vào cái nghiệp long đông
Câu thơ mach bảo ai mong chốn nào?
Giật mình ngỡ tưởng chiêm bao
Có người nghe lỏm vịn rào trắng đêm…
 
 
 
 
 
                                
GIÁ ĐỪNG 
                      Gửi Thu Hà
 
Đi tìm một nửa chơi vơi
Trong đôi tri kỷ hay vời vợi xa?
Thu lang mặt nước Ngân hà
Chạm vào chỉ sợ xóa nhòa lại thôi
Giá đừng xui khiến cuộc chơi
Giá đừng thăm thẳm làm tôi nao lòng.
 
 
 
 
 
 
NGƯỜI HÀNG XÓM 
Ngày đi em chửa có chồng
Ngày về em đã con bồng con mang
                                   (Ca dao)
 
Có lần thả mấy dòng thơ
Lối sang phía ấy bất ngờ trăng lên
Tóc thơm hương bưởi trước thềm
Bóng dài nghiêng đậu sang hiên bên này
 
Hàng rào gió ghẹo lung lay
Tơ hồng bỗng héo đúng ngày xa nhau
 
Đường đời lặn lội bấy lâu
Trở về tìm lại mấy câu hôm nào
Đêm nay trăng sáng làm sao
Võng du hàng xóm chao vào lòng tôi.
                                           Vĩnh Yên, 2006
 
 
 
 
 
 
 
NGẪU HỨNG
 
Ở đây có kẻ đa tình
Nửa đêm vác bút ra rình trăng lên
Bỗng đâu thôn nữ bên thềm
Ngẩn ngơ đến nỗi bỏ quên nguyệt tà.
                                 Xóm núi Hạ Long, cuối xuân 2010
 
 
 
 
 
 
 
CHỊ ƠI
             Gửi chị Diện
 
Từ ngày biết chị má hồng
Thập thò sau cửa đem lòng ngẩn ngơ
Trời xui se lạnh bất ngờ
Khoác cho chiếc áo đến giờ vẫn thơm…
 
Chị ơi! Nay đã mấy con
Mình em tóc bạc chẳng còn như xưa
Mùa này rét đậm đầy mưa
Lửa tình ai thắp, thuyền chưa thấy về
                   Nhớ những năm tháng tản cư (1948) ở làng Diện Tam Dương
 
 
 
 
 
 
ĐÈN KÉO QUÂN
                 Tặng con trai Nguyễn Hoàng Tuân
 
Ngày nào làm đèn kéo quân
Cho con thủa bé một lần rước chơi
Vòng quanh nào ngựa, nào voi
Nào hình chú Tễu đua đồi ông quan...
 
Thu nay trăng sáng non ngàn
Đèn xưa vắng bóng, sáng choang điện đường
Nay nhìn lũ trẻ mà thương
Đồ chơi bằng nhựa phố phường có vui.
                                          
 
 
 
 
 
 
XUÂN QUÊ
  
Những chiếc lá
Úa vàng bay hối hả
Cùng mùa đông
Chạy trốn khỏi mùa xuân
 
Anh vội vã
Thả cánh thơ mùa điệp
Về phương em
Cho kịp phút giao thừa
Năm sau nữa
Hạn nhau ta trở lại
Với đào phai
Vui cái tết đồng quê
 
Phố phường đầy những đam mê
Đôi ta tìm nẻo đường về ngày xưa.
                             Vĩnh Yên, Chờ đón tết, 2007
 
 
 
 
 
 
CHỢT ĐẾN
 
Những hàng cây lá rụng
Rùng mình qua mùa đông
Bồng bềnh em chợt đến
Làm ta quên tuổi già
Hoa đào chưa kịp nở
Xuân đã vào trong thơ.
                         Hạ Long, 2014
 
 
 
 
 
 
 
 
MÙA XUÂN GẶP BẠN
                  Tặng nhà thơ Trần Khoái
 
Gặp nhau mãi có nhạt dần
Mới đi đã gọi mấy lần: cố nhân!
Lơ ngơ cỏ níu bước chân
Hay là say chén rượu xuân bạn mời
 
Mấy khi có được trong đời
Thả thơ  tâm đắc một trời tương tư…
Tiếng tiêu vọng khúc giã từ
Đường về bữa ấy hình như quá dài
 
Hợp tan liệu có một mai
Nối lời tri kỷ đào phai tương phùng?
                     Hạ Long, ngày 10/12/2011
 
 
 
 
 
 
SAY
 
Suốt đời đặt cược vào thơ
Bởi say cháy túi ngẩn ngơ lối về!
Bán trời mua cái đam mê
Trắng tay lại được bốn bề gió trăng.
                                   Hạ Long, xuân 2008
 
 
 
 
TRÙNG PHÙNG TRI KỶ
                    Tặng Phạm Bá Xứng
 
Bất ngờ gặp lại cố nhân
Kể từ ngày hắn dẫn than trời đày
Thế nào rượu mãi không say
Mấy thằng bạn cũ vừa hay bước vào
 
Văn chương còn chuyện tào lao
Mừng, lo có đưa mũ cao áo dài
Vợ hiền hì hụi nướng khoai
Lửa hồng pha ánh trăng cài song thưa
 
May còn mấy gã lơ ngơ
Chết thôi với nghiệp làm thơ tự tình…
Xóm núi Hạ Long, xuân 2010
 
 
 
 
 
 
 
 
GIẤC MỘNG TÔ CHÂU
 
Trăng cài mây nước hoàng hôn
Sao thưa mờ tỏ mắt buồn tương tư
Tô Châu ngày ấy dã từ
Nay tìm hình bóng thực hu có còn ?
 
Liễu buông mặt nước dỗi hờn
Loanh quanh đất khách bồn chồn nhớ ai!
Chạnh lòng nhỡ hẹn một hai
Đêm nay gác trọ canh dài cô đơn
 
Chuông chùa từ phía Hàn Sơn
Vọng sang tỉnh mộng cố hương mong chờ
                            Đêm Tô Châu, ngày 21/10/2011
 
 
 
 
 
 
 
NHỚ HOÀNG HỮU 
 
Hoàng Hữu ơi!
“Nửa vừng trăng” để lại
Nửa thôi em
Sao nhức nhối đến giờ?
 
Hoàng Hữu ơi!
Có một người vẫn đợi
Đọc thơ tình
Nơi ấy chốn xa xăm...
 
Hoàng Hữu ơi!
Bức tranh nào để lại
Có hẹn về
Xa ngái những ngày xưa
 
Hoàng Hữu ơi!
Xa rời trời quan tái
Thế gian này vương mãi bóng thi nhân.
                                                  Vĩnh Yên, 1999
 
 
 
 
 
 
 
CON VỀ 
 
Con về quê với rạ rơm
Nén nhang dâng mẹ thảo thơ nỗi buồn!
Chênh vênh gác tía lầu son
Vẳng nghe chim cuốc xoáy mòn lũy tre
 
Bỗng đâu nỗi nhớ theo về...
Mải chơi với ngọn gió hè qua đêm
Dạy con bằng ngọn roi êm
Từ niềm thương ấy mới nên thân người
 
Nửa đời tóc đã bạc rồi
Có còn chốn cũ một thời ấu thơ?
                                 Ân Thi quê ngoại, 1999
 
 
 
 
 
 
DUYÊN NỢ CỐ HƯƠNG
                             Tặng Hoàng Yến
 
Ta còn nợ
Mảnh đất này nhiều quá
Thuở ngây thơ
 
 
Khờ dại biết gì đâu
Khi có em
Vĩnh Yên lung linh huyền ảo
Mảnh đất đồi
Bõng nở một mẫu đơn
Ta yêu em
Với mây chiều Tam Đảo
Bao đêm buồn
Yên tĩnh bến bờ xa...
Ta còn nợ
Mảnh đất này nhiều quá
Tháng ngày qua
Giục giã đến nao lòng
 
Em ơi! Em!
Đốt cùng anh ngọn lửa
Cháy bùng lên
 
Như mặt trời rực rõ
Tỏa nắng vàng
Khắp dải đất quê hương
 
Vĩnh Yên ơi!
Ta nợ người nhiều quá
Suốt cuộc đời
Chưa chắc đã trả xong...
Vĩnh Yên mùa hoa phượng, 1999
 
 
 
 
 
 
MONG CHỜ
 
Có người con gái Vĩnh Yên
Ra đi lấy chồng ở miền quê khác
Để cho chàng trai Đầm Vạc
Buông thuyền đêm trắng nghe hát tương tư...
 
Người đi từ biệt đất này
Có còn nhớ những tháng ngày đã qua
Đêm trăng em hái tặng hoa
Mắt huyền gửi gắm trong ta bao điều
Đò xưa Ai đẩy? Ai chèo
Sang ngang tan sóng cánh bèo về đâu?
Xa nhau nhắn gửi mấy câu:
Có về quê cũ qua cầu chờ mong.
Xuân Hòa, 2001
BÊN GIƯỜNG MẸ
Tưởng nhớ thân mẫu anh Vũ Hữu
Tết này con trở về nhà
Ba gian trống trải quanh ra quanh vào
Bên giường tiếng võng còn chao
Còn êm chiếu cói mà sao vắng người
Dáng quê dáng mẹ một thời
Tiếng ru nhẹ khúc à... ơi canh chày
Thấm vào cay đắng mới hay
Người thương ta nhất đời nay mất rồi
Cứ nguyên vẹn thế cho tôi
Còn giường còn mẹ còn nơi đi về
Duy Phiên 28 tết - Hạ Lòng đêm giao thừa, 2010
TRỞ LẠI NÚI ĐANH
Bài thơ xưa
Bỏ quên trên ngọn núi
Để bây giờ
Trở lại ngẩn ngơ
Ta lạc vào
Sương giăng mờ huyền ảo
Mái rạ nào
Chấm phá nét hoang sơ
Núi Đanh!
Núi Đanh!
Bức tranh còn lại
Du khách còn lại
Du khách ngập ngừng
Ai? Đứng ngóng trông theo.
Mùa đông hoài niệm, 1999 
Năm 1963, tôi lên chơi núi Đanh một địa danh của Vĩnh Yên với chiến dịch Trần Hưng Đạo thời chống Pháp. Làm một bài thơ tình với bạn gái Hoàng yến, đem bài thơ đó cuộn vào trong Lõi bút máy Trường Sơn đặt trong một hốc đá trên đỉnh núi. Sau này trở lại mà thành thơ.
NHỚ TRƯỜNG XƯA
Tặng Vũ Hữu
Chỉ còn đêm nay
Mai này gặp lại
Với bạn bè xưa
Dưới mái trường xưa
Thao thức mãi
Tháng năm dài mê mải
Đến bây giờ
Ai còn nhớ ai không?
Cây phượng em trồng
Chắc mong ta lắm
Cậu hệ hôm nào
Gửi ở mầm xanh
Tóc có bạc
Vẫn dạt dào khao khát
Nếu gặp nhau
Anh sẽ hát tình ca
Mái trường ơi
Suốt cuộc đời nhớ mãi
Mối tình đầu
Đã để lại nơi đây
Lúc chia tay
Vào chiến trường đánh mỹ
Chẳng nói gì
Chỉ biết nhớ thương thôi
Gặp lại rồi
Người ơi xin đừng khóc
Tụi chúng mình
Sống đúng ước mơ xưa
Vĩnh Yên đêm trước ngày tựu trường, 2001
 19/1/2018
Xuân Mai - Nguyễn Ngọc Tung
Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Theo http://hoivhntvinhphuc.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...