Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

Nhà văn Vĩnh Phúc hiện đại (Phần 4a; Quyển 1)

Nhà văn Vĩnh Phúc hiện đại
(Phần 4a; Quyển 1)

HỮU THỈNH

- Họ và tên khai sinh: Nguyễn Hữu Thỉnh

- Sinh năm 1942
- Quê quán: Làng Phú Vinh, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc
- Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ 1976)
- Tác phẩm chính đã xuất bản:
* Âm vang chiến hào (Thơ in chung, 1976)
* Đường tới thành phố (Trường ca, 1979)
* Từ chiến hào tới thành phố (Thơ ngắn, trường ca, 1985)
* Khi bé Hoa ra đời (Thơ thiếu nhi, in chung, 1985)
* Thư mùa đông (Thơ, 1994)
* Trường ca biển (Trường ca, 1994)
* Thơ Hữu Thỉnh (Thơ tuyển, 1998)
* Sức bền của đất (Trường ca, 2004)
* Thương lượng với thời gian (Thơ, 2005)
* Mùa xuân trên tháp pháo (Bút ký, truyện ngắn, 2009)
* Lý do của hy vọng (Tiểu luận, phê bình, 2010)
Ngoài ra còn viết nhiều bút ký văn học, viết báo.
 - Giải thưởng văn học:        
* Giải A, cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1975 - 1976 bài Chuyến đò đêm giáp ranh, Trường ca Sức bền của đất.
* Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1980 với Trường ca Đường tới thành phố.
* Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1995 với tập thơ Thư mùa đông.
* Giải thưởng Văn học ASEAN, 1999.
* Giải xuất sắc Bộ Quốc phòng năm 1994 với Trường ca Biển.
* Giải thưởng Nhà nước về Văn học đợt I, 2001.
   - Suy nghĩ về nghề văn:
     Tôi rất tin: Thơ là kinh nghiệm sống.
A - TRONG KÝ ỨC BẠN BÈ 
MÔ - TÍP THỜI GIAN, MÔ - TÍP THIÊN NHIÊN TRONG THƠ HỮU THỈNH
(Đọc Thương lượng với thời gian1)
                                                            Hoàng Ngọc Hiến
 
Tác giả không thể không suy ngẫm về thời gian, vì thời gian đầy những sự bất trắc, cả những sự tráo trở nữa: “Đem cho”… “Đòi lại” (Và “Đòi lại không hề thương tiếc”), “bày ra” “rồi xóa đi”, “ham chơi và bỏ cuộc… “Thời gian, ông là ai?” (xem II, tr.21). Với người viết, thời gian càng bất trắc:
Chú thích:
1Hữu Thỉnh- Thương lượng với thời gian. Nxb Hội Nhà văn, 2005. Được dẫn từ của cuốn sách này, thì số trang đề là II, tr… Được dẫn từ cuốn Thơ Hữu Thỉnh, Nxb Hội Nhà văn, 1997, số trang đề là I, tr…
 
Chưa viết giấy đã cũ
Chưa viết sông đã đầy
Đám cưới đi qua có người đang khóc
Chưa viết chợ đã đông
Chưa viết đồng đã bạc
Người than thở vì mất mùa nhân nghĩa
Trước những sự bất trắc (bất trắc nào cũng ít nhiều thô bạo), câu thơ hầu như bất lực vì quá mong manh:
Câu thơ đứng giữa trời
Vó nhện cất sương rơi.
                                                                     (I, tr.153)
Tác giả cảm nhận sâu sắc sự mong manh của đời người và muôn ngàn sự bất trắc, hiểm nguy rình rập khi con người ta lẽo đẽo đi vào ngõ thu cuộc đời: “muôn nỗi cánh diều mong manh”, ngày thì mau sập chiều, xoáy vực thì “chông chênh”, chỉ một cơn gió, bóng mẹ già bỗng thành thiên thu.
Tuy nhiên cũng có những sự bất chợt thú vị:
Bất chợt
được sưởi ấm
từ những ai không quen biết qua đường
 
Bất chợt
những cánh chim vụt hiện
vẽ đường đi vô định của con người
                                                            (xem II. tr.33)
Mô típ thời gian vĩnh cửu xuyên suốt bài thơ nổi tiếng của Hữu Thỉnh Phan Thiết có anh tôi:
Vuông đất là không gian hữu hạn, “Đồi”có rộng đến mấy thì cũng là hữu hạn. Đất và trời Phan Thiết là không gian bao la. Đất và trời là sự vĩnh cửu. Hình ảnh người anh hòa vào đất và trời vĩnh cửu.
    Em chưa hay cánh đồi ấy tên gì
    Nhưng em biết ngày ngày anh vẫn đứng.
                                                                     (tr.164)
    Anh không ngủ người đi câu không ngủ
    Biển đêm đêm trò chuyện vời hai người.
(tr.165)
“Ngày ngày”, “đêm đêm”, “thăm thẳm” (trong câu thơ biển màu gì thăm thẳm lúc anh đi, “thăm thẳm” thuộc phạm trù thời gian) là những điệp ngữ của sự vĩnh cửu.
Vẫn không ngờ có một trưa Phan Thiết
Em một mình đứng khóc ở sau xe.
Khoảnh khắc thời gian hữu hạn này làm sống động dòng liên tục thời gian vô hạn.
Thương lượng với thời gian, tác giả ngổn ngang tâm trạng và đau đáu nỗi niềm. Đây là một tác phẩm trữ tình. Trong tác phẩm này nổi lên hình ảnh hoành tráng hai nhân vật “sử thi”: người lính gỡ mìn và người thợ lặn cầu Thăng Long. Hoành tráng mỗi nhân vật một vẻ. Trong chiến trường chật chội, đấu tay đôi của người lính gỡ mìn, tính hoành tráng là ở cái biên giới nhỏ nhoi, khắc nghiệt nằm dưới đầu kim hỏa mỏng như hơi và hiệu quả vô cùng to lớn của công việc ô cùng nguy hiểm này:
    Đất mới thật là đất sau lưng anh
    Cỏ mới thật là cỏ sau lưng anh
    Anh dọn bữa tiệc xanh
    Gọi đàn bê tung vó.
                                                  (II, 52)
Hình ảnh người thợ lặn cầu Thăng Long hoành tráng một cách khác: bộ đồ lặn tám mươi cân, xoáy lũ sông Hồng, đám bùn nhão dưới năm mươi thước, và:
    cả dòng sông đè lên trái tim anh
                                                  (II, tr.64)
    Sóng nặng trĩu thét gào trên mạch máu
                                                  (II, tr.65)
Hình ảnh của họ hoành tráng,con người của họ lớn, họ giống nhau ở một điểm: niềm vui của họ vô cùng giản dị, người lính gỡ mìn trong mấy phút chỉ ngắn ngủi ngước mắt nhìn “mây tê tê một dải vắt ngang trời/ ngón tay lấm nghỉ ngơi trên điếu thuốc”, còn người thợ cầu Thăng Long “giật mình sửng sốt, khi lên bờ bắt gặp lá tre non” (II, tr.66). Họ chỉ là những người lao động bình thường, những con người vô danh. Xã hội nhìn họ như vậy, không hơn không kém, có khi vợ con họ và bản thân họ cũng nghĩ vậy vậy thôi. Với chân dung người lính gỡ mìn và người thợ lặn cầu Thăng Long, Hữu Thỉnh đã đóng góp cho thơ ca hình ảnh trác việt nhưng anh hùng vô danh thời bình…
Khổ thơ thể hứng cổ điển được kết cấu bởi tương quan giữa mô-típ thiên nhiên và mô-típ nhân văn, mô-típ thiên nhiên được trình bày trong những câu đầu, tiếp theo là những câu được trình bày theo mô-típ nhân văn. Chẳng hạn, trong chương I bài Ẩn kỳ lôi (Tiếng sấm ầm ầm), bài thứ 19 trong Kinh thi, thì 2 câu đầu (Tiếng sấm ầm ầm/ ở phía nam núi nam) là mô-típ thiên nhiên, những câu còn lại là mô-típ nhân văn: tâm trạng chinh phụ cô quạnh, mong nhớ chồng trở về (Sao chàng một mình rời khỏi chốn này/Mà không dám được tí gì rảnh rang). Trong thơ Hữu Thỉnh có những đoạn (hoặc khổ) thơ được kết cấu theo thể hứng cổ điển.
    Chim tha phương đậu xuống bụi chà là
    Câu vọng cổ theo người đi mở đất
                                                            (II, tr.69)
  Trong đoạn thơ này, câu 1 là mô-típ thiên nhiên, câu 2 là mô-típ nhân văn, giữa câu 1 và câu 2 có một liên hệ lô-gích nào đó, không xác định, chính tính không xác định này tạo ra sự khởi hứng ở người đọc.
    Trong khổ thơ sau đây:
    Mưa thanh xuân mưa trước cửa thiền
    Sông chảy chậm đợi chiều đang bị ướt
    Ta khoác chiều mưa
    Buồn chẳng vơi thêm
    Vui chẳng ngập
                                                            (II, tr. 56)
2 câu đầu là mô-típ thiên nhiên, 3 câu sau là mô-típ nhân văn (trạng thái an nhiên của người đã hòa nhập vào thiên nhiên).
Nhưng tiêu biểu cho thi pháp Hữu Thỉnh là cách kết cấu ngược lại với thể hứng cổ điển: mô-típ nhân văn đi trước, tiếp theo là mô-típ thiên nhiên.
    Có gì mới? Ngày đi hay cát đến?
    Có gì vui? Gió thổi lấy lòng cây
    Có gì bền? Nhân nghĩa có còn đây?
    …
    Ta im lặng vì quá nhiều mây trắng.
(II, tr. 9)
Ba câu đầu là những câu hỏi có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Chẳng hạn, câu thứ hai, trước câu hỏi Có gì vui?Tác giả đón trước hàng trăm câu trả lời mà hầu hết chẳng qua chỉ là “Gió thổi lấy lòng cây”.
Câu 4 là một hình ảnh thiên nhiên (“quá nhiều mây trắng”) và một quan hệ lô-gích: trước những câu hỏi nhân văn hệ trọng ta im lặng vì quá nhiều mây trắng. Một quan hệ lô-gích khó hiểu, mỗi người sẽ hiểu một cách, hoặc chịu, không hiểu nổi. Chính sự không hiểu này tạo ra sự khởi hứng ở người đọc. Như vậy với một kết cấu ngược lại vẫn đạt được hiệu quả của thể hứng cổ điển. Ba câu đầu là trạng thái nhân thế và miệng thế. Câu thứ tư là sự im lặng được giải thích là vì quá nhiều mây trắng.Xem ra tác giả nghi ngờ miệng thế bao nhiêu thì tin ở mây trắng bấy nhiêu. Mây trắng là biểu tượng của thiên nhiên. Phép mầu nhiệm nào của thiên nhiên đã cuốn hút lòng tin của nhà thơ?
Trong bài Thấy (II, tr, 11, 12), 5 câu đầu là mô-típ nhân văn: những bộ mặt của sự gian ác, thế thái nhân tình ngày càng khó sống, một sự trì trệ vô vọng: hóa ra tất cả vẫn nguyên như cũ. Câu 6 chốt khổ thơ này là mô-típ thiên nhiên: Tháng ba đầu cành hoa bưởi còn kia. Tưởng như là một câu thơ vu vơ. Thực ra trước những điều trông thấy đau lòng cõi nhân sinh, với một tâm trạng ngao ngán đến tuyệt vọng, tác giả chẳng còn cách nào khác là níu lấy thiên nhiên, dù chỉ là níu lấy một cành hoa bưởi? Mô-típ thiên nhiên trong thơ Hữu Thỉnh rất khác mô-típ thiên nhiên trong những bài hứng cổ điển của Kinh Thi. Bức xúc, căm uất, có khi gần như tuyệt vọng trước những sự ngang trái và độc địa, những sự phản phúc và gian trá bày ra trước mắt, lại còn huênh hoang và nghênh ngang nữa, nhà thơ sống không nổi, anh tìm đến thiên nhiên, không phải để tìm những lời giải đáp, thiên nhiên không giải đáp, không giải quyết được bất cứ vấn đề gì. Anh níu lấy thiên nhiên, tựa vào thiên nhiên để lấy lại sự bình tâm, sự an nhiên, sự thanh thản. Không có sự bình tâm này, trước sau sẽ quay cuồng, điên loạn với đa đoan của thế sự và chìm nổi của dâu bể. Mà cũng chẳng có thơ nữa. Quan niệm của Lưu Hiệp: thơ ở lưng chừng giữa động (cảm xúc xao xuyến) và tĩnh (sự bình tâm, an nhiên). Trong mọi sự vật của thiên nhiên đếu có cái gì đó kỳ diệu (Aristote). Kinh tế thị trường man rợ cũng như công nhiệp hóa và hiện đại hóa mù đương tiêu diệt một cách tàn bạo và quy mô toàn cầu năng lực bẩm sinh của con người giao cảm với thiên nhiên kỳ diệu. Hữu Thỉnh dường như còn cảm nhận được cái kỳ diệu của “mây trắng và cành hoa bưởi”, của “tiếng gà trưa” và “nhành sim tươi”, của “trời xanh và mây thắm” của “mặt trăng buồn và những cánh chim vụt hiện”…Anh còn nghe được hoa trong vườn Nguyễn Huệ kẻ sự nghiệp người anh hùng bằng ngôn ngữ của “mùi hương thao thiết” và “mây thắm trên đầu” (xem II, tr.58). Không biết tác giả đã đạt đến minh triết của Walt Whitman chưa: “Sau khi anh đã nếm đủ mùi của kinh doanh, chính trị, tiệc tùng và vân vân, anh thấy được rằng cuối cùng chẳng có món nào làm anh thỏa mãn hoặc có giá trị lâu bền vậy thì còn lại cái gì? Còn lại thiên nhiên”.
Cây là biểu tượng của thiên nhiên mà tác giả yêu thích hơn cả. Hơn một lần anh thích làm cây.
Tôi như cây biết dấu lá vào đâu
Giữa gió bụi cõi người.
                                        (II, tr. 18)
Dường như chỉ có cây là thanh cao, còn con người mãi mãi kiếp phong trần.
Trong bài thơ ngụ ngôn Một thoáng làm người (II, tr.35), cây muốn đổi bóng cho người để “được làm người trong chốc lát”, dè đâu “mới một thoáng làm người cây đã đòi bóng lại”.
Bão trời ta coi khinh
Bão người không chịu nổi
Hữu Thỉnh làm thơ triết lý mà không triết luận.
Không biết bài Thương lượng với thời gian (II, tr.36) có phải là bài chốt của tập thơ mang tên bài thơ.
Buổi sáng lo kiếm sống
Buổi chiều tìm công danh
Buổi tối đem trí khôn ra mài rũa.
Đây là thời gian biểu thảm hại của những con người thảm hại kiếp phong trần. Tuyệt đại đa số không biết số kiếp mình thảm hại:
Tỉnh thức
Những hàng cây bật khóc
Tác giả phải nhờ đến cây vốn thanh cao, vô tư, thẳng thắn để biểu lộ đau thương và xót xa cho những con người kiếp phong trần.
Với bài thơ này Hữu Thỉnh vừa quyết liệt, vừa xót xa trước sự xuống cấp của con người, trước những sự tha hóa và đốn mạt của con người.
Trong bài thơ Lời mẹ, người con mỗi lần lận đận trên đường đời lại quay về hỏi mẹ. Lời của bà mẹ:
Hãy yêu lấy con người
Dù trăm cay nghìn đắng
Đến với ai gặp nạn.
Bất cứ bà mẹ truyền thống nào cũng có thể đưa ra một lời khuyên như vậy.
Lời cuối cùng mới quan trọng:
Xong rồi, chơi với cây.
Đây là lời của một nhà hiền triết, một nghệ sĩ.
Xong rồi, chơi với cây là một tứ thơ quí trong thi phẩm của Hữu Thỉnh.
H.N.H
 
 
 
 
CHẤT DÂN GIAN THẤM ĐẪM TRONG “SỨC BỀN CỦA ĐẤT”
(Trường ca Biển của Hữu Thỉnh -
Nxb Quân đội nhân dân, 2004) 
Vĩnh Nguyên
 
Trước khi nói đến chất dân gian, dân ca thấm đẫm với những ưu điểm trong Sức bền của đất, ta hãy nghe nhà thơ Hữu Thỉnh có đôi lời phi lộ ở đầu sách. Lời tác giả: Trường ca này tôi viết từ sau phút đón giao thừa Tết Ất Mão 1975, tại một tiểu đoàn xe tăng, Lữ đoàn xe tăng 273 Anh hùng. Lúc đó, tiểu đoàn đang trong tư thế tấn công giải phóng thị xã Công Tum trong chiến dịch Tây Nguyên 1975.Tôi viết một mạch hết đêm giao thừa, cả ngày mồng một và đến quá nửa đêm hôm ấy thì xong. Tôi chép nó trong sổ tay và mãi đến khi kết thúc chiến tranh (30-4-1975) mới giở ra xem lại và gửi dự cuộc thi thơ 1975-1976 của Tuần báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam. May mắn thay, Sức bền của đất và Chuyến đò đêm giáp ranh đã vinh dự được trao giải A của cuộc thi này.
Qua lời giải thích trên, ta thấy Sức bền của đất được viết rất nhanh. Với 5 chương (không có tựa đề ở mỗi chương), tất cả có 530 câu thơ, chương 2 dài nhất (251 câu) mà chỉ viết một ngày, một đêm, thêm nửa đêm nữa là xong (Tất nhiên sau này, trước khi in sách ông có sửa chữa và viết thêm), nhưng như thế cũng có thể nói rằng, thơ đã chưng cất sẵn trong ông như đập nước đang trữ nước và chỉ chờ khơi một cái là tuôn trào.
Thực vậy:
Anh nhớ em như cơn mưa tích nước
Cứ chực òa chỉ một cớ không đâu
Đất. Ở đâu cũng đất. Lữ đoàn xe tăng 273 trong tư thế tấn công là đi trên đất. Nhưng sức bền của nó còn tiềm ẩn vững chãi oai hùng là ở hướng khác nữa.
Mở đầu trường ca, tác giả viết:
Đom đóm bay ra hoa gạo đỏ
Mẹ ở nhà đã cất áo bông?
Mẹ có ra bờ sông
Qua bến đò tiễn con dạo trước?
Đường xuống bến có mười sáu bậc
Mẹ nhớ thương đã bạc mái đầu…
Và, chỉ cách đó 19 câu, theo mạch vỉa cảm xúc này, tác giả đã khắc họa rất rõ:
Mẹ là người chúng con thương nhớ nhất
Đất nước ngày có giặc
Mẹ vẫn đỏ miếng trầu
Ấm một vùng tin cậy phía sau.
Vùng tin cậy phía sau ấy chính là hậu phương hùng hậu! Là mẹ, là em, là ruộng nương châu thổ. Bởi vậy, trong chương một (66 câu), đã có 11 câu thơ nói về mẹ.
Ở trại sáng tác Tam Đảo năm 2010, Hữu Thỉnh lên thăm và tổng kết trại, ông nói vui: đây là vùng đất rừng quê tôi, lúc nhỏ tôi đã từng là “lâm tặc”. Ở vùng quê, ai mà chẳng thương mẹ đun nấu rạ rơm sáng, trưa, chiều khói bụi mù mịt. Phải vào rừng kiếm củi thôi. Nhưng củi khô thì hiếm. Củi tươi thì nặng gánh vác không được nhiều. Vậy phải chờ ngày nắng to, vào rừng chọn cây dẻ, cây ngạnh tươi mà đốn hạ một vạt. Ba ngày sau vào tuốt lá, bó hai bó củi khôn gánh về cho mẹ. Thế đấy. Từ “lâm tặc” là nói lũ cướp ngày tàn phá bây giờ còn ngày trước làm gì có từ đó?
Từ mẹ, từ cây đa bến nước sân đình, từ cái nôi của hát xoan, hát ghẹo. Bao kỷ niệm từ thuở nhỏ của ông với đồng đất quê hương, những tối sân đình hát vui chơi cùng bạn. Lại được người mẹ giỏi hát đã gieo vào lòng cậu con trai thông minh hoạt bát những lớp lang bài bản. Hát xoan, bước một: Giáo trống, bước hai: Xuân cách - Thu cách, bước ba: Bỏ bộ - xin huê - đố chữ. Hát ghẹo thì: Ví đặt trầu, Giọng sổng, Sang giọng, Ví tiễn chân. Và nhiều ngạn ngữ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao trữ tình đã nhập vào ông để bây giờ ông khéo léo huy động hết vào trường ca Sức bền của đất.
Nhưng cái giỏi của người sáng tác là không hề bê nguyên xi một câu xoan, câu xẩm, bỏ bộ, xin huê, đố chữ nào. Mà có thể chỉ là một nét hư ảo thoán qua, một giai điệu, một bóng hình tưởng tượng thuở nào cho ông phát triển những câu thơ, những đoạn thơ theo mạch cảm xúc những giọng của hát ghẹo hay Bỏ bộ của hát xoan? Vv…
Cây vối đứng bờ ao, cặp thừng treo gác bếp
Bồ muối để dành vần cạnh bếp tro
Cái cối cái chày đếm nhịp nhỏ to
Bao truyền thuyết được kể ra từ đấy…
 
Hai chữ thủy chung đính ở góc khăn
Bớt chông chênh những ngày chờ đợi
Kim chỉ có đầu hoa thơm có cội
Bèo trôi lôi bến tiễn đưa nhau 
Tre làm nhà ngâm ba năm mới vớt
Ớt cựa gà ba vụ mới cay
Trời có mưa có nắng
Giếng có cạn có đầy
 
Con gái ở bền không chê tấm vá
Con trai ở bền như đá muối dưa…
Con trai ở bền như đá muối dưa? Chỉ nghĩ về câu thơ này ở đoạn thơ này đã thấm thía lắm. Muối dưa phải có nghề. Phải có tay muối dưa. Chỉ thao tác sai một công đoạn thì dưa sẽ khú. Dưa khú là lo đi đổ ngay không thì nó khắm lắm!
Thuở nhỏ, tôi đã thấy vú (mẹ) tôi muối dưa cải. Cải Bắc, trong tôi gọi là cải bẹ, cành dày, lá to. Vú mua ở chợ Đồng Hới, đường xa, gánh về đến nhà đã héo. Vú lột ra từng cánh, rửa sạch, cắt ngắn bằng hai đốt lóng tay, để trên xảo thưa cho ráo nước. Vú nấu nước sôi, pha muối vừa phải. Vớt bọt, lắng cặn bã. Nước vừa hẩm mới cho cải vào vại hình tròn. Tay vú nén cho cải chặt xuống. Đặt lên tấm vỉ tre thưa đan lóng mốt. Và động tác cuối cùng là đằn lên nó một hòn đá mồ côi. Nước dần dẫy lên ngập nửa hòn đá. Chừng hai ngày, vắt dưa ăn đã giòn, đã ngon. Để thêm vài ngày nữa thì dưa vàng, chua và bốc mùi thơm dưa. Dưa cải vàng và chua là đúng dưa chín. Từ nó, có thể chế biến cùng với thịt, cá, tương đậu mà thành nhiều món ăn (cả chay và mặn) dân dã rất ngon, rất Việt Nam! Tôi còn nhớ, dưa cũ chưa hết, vú đã nén vại khác. Một phần ít dưa chua, vú dành nấu riêng cho thầy tôi thời chay. Còn hầu hết là nấu mặn cho cả nhà và thợ cày, thợ gặt. Nhà tôi xưa nhiều ruộng. Nhưng trong nhà không ai biết gì đến việc cày bừa nên vú tôi phải thuê tất. Thợ cày, thợ gặt họ rất thích ăn cá mè kho dưa và canh dưa chua nấu cá tràu (cá quả). Dưa cải, rồi còn dưa hành, dùng vào dịp lễ Tết truyền thống. Dưa cải bắp có thêm rau răm (hai thứ đều thái chỉ). Ở Nghệ - Tĩnh có muối cà (cà nghệ), còn muối xơ mít (gọi nhút) vv…Tất cả các loại muối và mắm đều phải có tấm vỉ đan thưa và hòn đá đằn lên trên. Ồ, hóa ra hòn đá mồ côi lại bền, lại chung thủy lắm ru? Và qua hòn đá muối dưa cho ta thấy tác giả trường ca này mới thật “đáo để” và sắc sảo đến ngần nào!
Hai câu thơ:
Con gái ở bền không chê tấm vá
Con trai ở bền như đá muối dưa.
Nếu bạn đọc nào cần biết, thì theo tôi nên hỏi ông Hữu Thỉnh lấy từ câu ca, tục ngữ hay từ câu xoan, câu xẩm nào ở quê ông mà giỏi đến vậy?
Một trường ca dài thấm đẫm chất văn học dân gian, nhưng ông chỉ lấy bốn câu cần thiết (có đóng dấu ngoặc) “Nàng về nuôi cái cùng con”, “Mẹ tham khúc cá thu/ Gả con về biển mịt mù tăm tăm”, “Chim bay về núi túi rồi” và mười câu hát đồng dao trẻ em: “Thả đỉa ba ba/ Chớ bắt đàn bà/ Phải tội đàn ông/ Cơm trắng như bông/ Gạo tiền như suối/ Bỏ mắm bỏ muối/ Bỏ chuối hạt tiêu/ Bỏ niêu cứt gà/ Bỏ cho bà nào/ Bỏ cho bà này”. Còn từ đầu chí cuối trường ca là ông tự tung tự tác mà nên chương.
Theo năm tháng sáng tác ghi trong văn bản của ba trường ca, thì bản thảo đầu tiên Sức bền của đất, viết trước Đường tới thành phố hai năm, và viết trước Trường ca biển sáu năm. Và bây giờ bạn đọc được đọc một lúc cả tập (ba trường ca) thì dễ dàng nhận định, đánh giá sức vóc trường ca Hữu Thỉnh. Riêng tôi, giá như tôi mới chỉ đọc Sức bền của đất thôi, thì cũng đã thấy đã đời lắm, tin cậy lắm. Bởi không đầy bản lĩnh, vốn sống dồi dào và tinh thông để công phá vào lĩnh vực văn học khó mà vẫn thành công. Nói ngắn: Hữu Thỉnh có tài viết trường ca.
Quải lưới đương ngàn, trong hát xoan, hát ghẹo đều có trò chơi bắt cá, thường tổ chức ở sân đình. Nam làm lưới, nữ làm cá. Khi bắt được cá, theo nghĩa bóng bẩy là họ đã trao tình cho nhau. Nhưng bởi tổ chức vui chơi nên dầu đã bắt được cá mà vẫn như là chưa có gì.
Một ví dụ (chương hai), tác giả còn hồn hậu hơn, trẻ trung hơn và vui không kém gì trò chơi quải lưới (Sang giọng - Hát ghẹo):
Ta sang xóm Chùa
Giếng đông người tắm
Con gái con trai đàn ông đàn bà
Họ chỉ mặc buổi chiều cho đỡ vướng
Anh và em cùng nhau đến tắm
Đứng như khoai như sắn giữa đông người
Anh ngó em
Em cũng ngó anh
Như bức vách nhìn vào bức vách
Em chưa chúm cau
Anh chưa thóc mách
Em và anh bong bóng sinh đôi
Rồi em lớn lên
Biết thử yếm đào
Anh cũng lớn lên
Biết đo quần lá tọa…
 
Sợi chỉ bền từ cây tre cây trúc
Sợi chỉ bền từ cây sui cây gai…
Sông ta quăng lưới giặc đến đằng sông…
Trăng mười bảy lại vá lành bến gãy…
Tôi trích thơ nhiều bởi tôi cố ý, để bạn đọc xem ra cách vận dụng câu chữ dân gian của người xưa có chỗ nào kháp ý, kháp chữ với người viết bây giờ? Ở đoạn thơ trên, phía người lớn, Họ chỉ mặc buổi chiều cho đỡ vướng, còn trẻ nhỏ thì, Em chưa chúm cau/ Anh chưa thóc mách, thì vui quá là vui. Cả làng đêm tối kéo nhau tới tắm giếg làng (theo tập quán không quần áo) mà chẳng ai để ý đến chuyện sex (như bây giờ) và bắt bẻ gì được ở người viết. Họ chỉ mặc buổi chiều cho đỡ vướng, là tài thơ và diễn quá khéo! Em chưa chúm cau/ Anh chưa thóc mách/Đứng như khoai như sắn giữa đông người/ Như bức vách nhìn vào bức vách… thì, tác giả là ông nhộn trẻ, ông hóm trẻ nên không có ai chê khuyết chỗ nào!
Tuổi thơ quê nhà - Tình yêu -Chiến trận đan xen quay cuồng trong người lính:
Mưa đựng hết trê tàu lá cọ
Trên trời có ông đùng bà đoàng
Làm sấm làm chớp
Dưới đất có anh và em
Lập một thiên đường không biết sợ
Chỗ ta đứng ngày xưa
Thành chỗ ngắm của pháo bầy bom chụp
Chúng nó chia ô bản đồ Tổ quốc
Tính suất bom cho mỗi con người…
 
Kẻ thù điên lên pháo chụp bom giờ
Trăng mười bảy lại vá lành bến gãy
Con gái lại lên rừng con trai xuống biển
Nghe tiếng súng biết nhau đang ở đâu…
Kẻ thù suốt ngày mong cho ta chết
Còn ta thì nhớ em và thương mẹ mòn đêm…
 

Có miếng cao nai không sao gửi được
Mẹ ta đã ngoài sáu mươi!
Truyền thuyết Thánh Gióng được tác giả chuyển sang sự tích ông Khổng Lồ cũng rất hợp lý:
Hiện ra bước chân ông Khổng Lồ
Cơm gạo xềnh xoàng tình yêu quá cỡ
Bước chân ông Khổng Lồ thành giếng
thành ao
Con trai rửa mặt đánh trận xa nhà
Con gái gội đầu thành dâu hiếu thảo…
Rồi, dần hiện lên những vị anh hùng giữ nước chống giặc ngoại xâm làm nên những trang sử ngời chói của dân tộc:
Sông ta quăng lưới giặc đến đằng sông
Núi ta lấy nâu giặc tràn qua núi
Ngô Quyền nhìn người dân binh
cuối cùng trước giáo gươm giặc tới
Người lệnh cho thủy triều đầu quân
Sai rừng gỗ lim trùng trùng làm cọc.
 
Trần Quốc Tuấn đại bản doanh trên nước
Kế đầu tiên là kế nhân hòa
Lệnh đầu tiên: người hiền không bỏ sót
 
Đại yến của Quang Trung chỉ cơm nắm
muối vừng
Ăn trên mình ngựa
Yêu sĩ phu Bắc Hà không phải là một kế
Mà là luật tồn vong
Những danh tướng tra gươm vào vỏ
Huyền Trân công chúa ra đi một mình…
Tiếp đến:
Sau này người ta sẽ bới tro lật cỏ đi tìm
Giải thích nhiều từ cổ
Trọng điểm là gì?
Chốt là gì?
Hủy diệt là gì?
Khi ấy
Anh và em chẳng còn ai nhớ nữa
Bởi:
Ta đi từ đầu sông Lô tới cuối sông Thương
Từ thung lũng Sa Thầy ra sông Trường
trắngcát
Ta để lại Quán Hàu, Phà Hianh, Đường 20,
Đắc Tô, Ban Mê Thuột…
Nơi đói ăn mơ mộng sống quên đời!...
Thì ra, trong những cuộc chiến tranh vệ quốc ở tất cả mọi thời, những người con của dân tộc Việt Nam ra trận đều coi cái chết nhẹ như lông hồng!
Trường ca Sức bền của đất, dù tác giả không đặt đề từng chương, chỉ là chữ số La mã I, II, III, IV, V, người đọc cũng có thể biết. Ví dụ (Xin lỗi tác giả trước) chương I có thể là “Lên đường”, bởi cuộc đưa tiễn của người mẹ xa con, con xa mẹ mới da diết làm sao: 
Con không dám nhìn mẹ lâu
Mái chèo khua sóng đánh
Nước ngấn lưng đê sẫm lời mẹ dặn
Mùi trầu cay ấm hoài trên vai…
Để sang chương hai, Sức bền của đất là sự huy động Tổng lực của hậu phương với tiền tuyến, người đi xa với người ở lại, sự khốc liệt đạn bom ở chiến trường với lời xoan lời xẩm êm ả ở quê nhà. Tình mẹ con, tình bạn bè, tình yêu được tác giả dựng lên một thế trận đại cục của cuộc chiến tranh nhân dân (được trích nhiều thơ ở trên), thì đến chương ba là chương “Đối kháng và sự nham hiểm của kẻ thù”.
Kẻ thù không ưng ta gọi anh, em
Đừng chú bác ông bà gì ráo
Muốn phá vỡ quê hương bền dai trong máu
Chúng nhổ làng đi dồn vô ấp tân sinh.
 
Kẻ thù thật là “chu đáo” với ta
Bày trăm kế đầu hàng và phản bội
Duy có điều chúng không sao hiểu nổi
Người đến chiến hào mỗi sáng lại đông thêm
 
Con đường tấy lên như một lời thề
Đất gọi ta
Làng gọi ta
Nóng bỏng
Vịn vào cây ven đường nhẵn bóng
Ngỡ như đồng đội đỡ ta lên 
Phục kích bất ngờ bắn giặc xóc xâu
Đánh bộc phá theo đội hình cuốn chiếu
Đột kích xe tăng đập rắn trúng đầu
Mọi cách đánh đều lấy lời chỉ vẽ
Từ công việc ăn làm mộc mạc ngày xưa…
Ở các chương, chương nào cũng khắc ghi vào tim người lính là dù ở đâu cũng phải sống đúng, sống tốt với bạn bè, có người trên kẻ dưới, mới hòa hợp mới làm nên công chuyện, để bước sang chương bốn là chương “Hồi tưởng”, và, những kỷ niệm của người lính về quê hương bản quán, về mẹ, về bạn bè trường lớp, về em lại càng thêm sâu nặng ân tình.
Còn bao sách chúng ta chưa đọc đến
Nhỡ hẹn liên miên với các giảng đường
Nhỡ hẹn với mưa phùn ải Bắc
Mai một cành thắt ruột kẻ tha hương
Nhỡ hẹn Chùa Thầy
Vặn nhỏ mặt trời để vào hang Cắc Cớ
Nhỡ hẹn Yên Tử, nhỡ hẹn Chùa Hương
Nhỡ hẹn Đền Hùng, chùa Tây Thiên,
chùa Độc Cước
Chưa đến Hội Lim
Thẫn thờ
Dải yếm
Chưa đi Hội Phủ Giầy, mê mẩn chầu văn…
Những ước mơ đẹp thế, mê ly thế nhưng quân thù trước mặt, cả ở sau lưng
Có những thằng còn núp trong bóng tối
Thằng sống sót rình bắn anh sau gáy
Thằng viện binh gào đại bác tầm xa
Báng súng gãy,
Lưỡi lê quăn
Trong trận giáp lá cà
Giặc chạy rồi
Anh dựa vào gốc cây ô môi mà thở
Khốc liệt quá, giữa sự sống và cái chết đang nằm trong gang tấc, nhưng khi tỉnh lại, người lính đã nhớ mẹ với ước mơ rất bình dị:
Sau cuộc chiến tranh này
Ta chỉ mang về một chiếc vỏ đạn
Làm cối giã trầu cho mẹ của ta.
Đến chương kết - tổng kết trận đánh. Thắng và bại, được và mất, tác giả không khai triển gì thêm, chỉ gói gọn trong 39 câu là vừa đủ ý và tứ cho một bản anh hùng ca của cuộc chiến tranh vệ quốc, lập lại non sông gấm vóc của đất nước Việt Nam thống nhất mà tác giả - nhà thơ Hữu Thỉnh là người lính trong cuộc. Bởi thế, kẻ viết bài này cũng chỉ cần trích vài câu thơ ở cuối bản trường ca là đủ ý và tứ cho một thứ …gọi là… “Cảm thức văn chương”, vậy:
Chừng như là đã cuối cuộc chiến tranh
Nghe lá đạp trên đầu xao xác quá
Anh không còn trẻ nữa
Những khẩu súng kia đã lớn tuổi rồi
Mộ bạn nhờ rừng thiêng giữ hộ
Bè bạn xanh rờn ngày nhập ngũ
Thành vô danh trên khắp địa bàn
Thành tướng lĩnh cầm quân trận cuối
Và:
Mùa xuân sẽ đến thay lời kết
Trong khói bụi tơi bời anh và em tong tả
tìm nhau
 
Ta chao chân trên những mảnh bờ
Lặng lẽ nhận sức bền của đất
Đạp cứ điểm lần theo từng dấu dép
Ta nhận ra màu bùn qua những cánh
đồng chiêm. 
V.N
B - MỘT SỐ TÁC PHẨM TIÊU BIỂU 
TRƯỜNG CA BIỂN
Giải thưởng Văn học xuất sắc của Bộ Quốc phòng
nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập QĐNDVN (22/12/1944-22/12/1994)
Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012
CHƯƠNG MỘT: 
Dốc biển
Đi hết Trường Sơn ra với Đảo
Dốc lại dựng lên trong mỗi ngày thường
Mỗi ngọn sóng một đỉnh đèo thác trắng
Bóng mát thật hiền dưới vành mũ gian nan
 
          Đến một ngày kia những người lính đã tới
          biển của mình. Cuộc gặp gỡ của triệu năm với
          đứa con trận mạc. Không chỉ là người lính lạ
          lẫm, chính biển lạ lẫm đầu tiên. Biển thốt lên:
          “Người thắng trận sao mà hốc hác quá”.
          Những người lính cầm le te cành sú hoe vàng,
          cầm luôn cả một miền che chở mới. Người lính
          nói: “Tôi đi qua nhiều bóng mát để về đây”.
Bóng mát đã lùi xa. Mực tím đã trả lại cho
tuổi học trò. Tiếng gàu sòng đã trả về cho con
hạn hán. Trước mặt là biển, bốn bề là biển,
hình như phải nói một câu gì với biển. Và
người lính nói:
- Hôm nay tôi thấy biển lần đầu.
Biển nói:
- Mái gianh nhà anh không nói thế
Vại nước gốc cau nhà anh không nói thế
Người lính nói:
- Tôi phải làm gì.
Biển nói:
- Sống với nước hãy bắt đầu từ nước.
Đó là cử chỉ đầu tiên và nghi lễ cuối cùng.
 
Người lính nói:
- Mẹ dặn tôi: Ra sông lấy sóng mà yêu
Đường xa gặp núi lấy đèo mà tin
Tôi đã tin và chưa hề bị ngã
Biển nói:
- Không ngã chưa chắc đã khỏi chìm.
Người lính nói:
- Có bí quyết gì sau lớp sóng kia chăng?
Biển nói:
- Sống với nước hãy bắt đầu từ nước.
 
Người lính nói:
Tôi đã đi suốt hai đầu đất nước
Biển hiu hiu thán phục
- Những vết thương của tôi nhiều hơn cả tuổi đời
Biển hiu hiu thán phục
Và biển chỉ hỏi anh đơn giản điều này:
- Anh có biết bơi không?
Người lính nói:
- Không phải ai cũng biết bơi. Thế mà sao vẫn
rất nhiều cái huơ tay hãnh tiến.
Biển nói:
- Họ đang bơi trên số phận của mình.
Một nửa trí khôn của con người là tìm cách
chứng nhận mình và chứng nhận lẫn nhau.
Người lính nói:
- Cây không đi tìm gió, nhưng kẻ thù sẽ đến
tìm ta. Ta lấy gì để che mắt chúng? Màu cát
hay màu biển.
Biển nói:
- Còn lại một mình anh.
Người lính nói:
- Tôi phải làm gì?
Biển nói:
- Sống với nước hãy bắt đầu từ nước.
Người lính nói:
- Tôi có nhiều bạn
Tôi cầm tay nhiều người
Nhiều người cầm tay tôi
Tôi sẽ gọi tên ai đầu tiên trong cơn khát biển?
Biển nói:
- Kẻ thù nói ngoài khơi có vàng và tìm cách
cướp vàng
Bạn bè nói ngoài khơi có sóng dữ và chia sóng
cùng anh
Hãy gọi ai không biến sóng dữ của kẻ khác
thành quà tặng cho mình
Người lính nói:
- Bao năm rồi tôi nhìn mây biết gió nhìn cỏ
biết mưa, cả cánh chuồn cũng giúp tôi chạy
thóc vào nhà trước khi cơn giông đến. Gió ấy,
cỏ ấy và cánh chuồn mau mắn ấy có giúp gì tôi
ở biển?
Biển nói:
- Đó là những đồng tiền để tiêu trên mặt đất.
Người lính nói:
- Bao vốn liếng cả một đời cóp nhặt
Bước xuống tàu thành kẻ tay không?
Biển nói:
- Những chiếc huân chương còn soi sáng trên bờ
Sống với nước hãy bắt đầu từ nước
Người lính nói:
- Xin tạm biệt những dây hòm dây cóc day mai
Đến thay đôi thiếu đứt
Giúp ta xong buổi cày
Xin tạm biệt những củ nâu mê mệt ngủ
Chín dần bên dấu chân voi
Xin tạm biệt những buổi trưa bát vỡ
những buổi tối hết dầu những ban mai thổi lửa.
Tạm biệt em, nỗi éo le của anh, dang dở của
anh cay đắng của anh; tạm biệt cơn khát tình
vằng vặc.
Em đã đến thở than trên sáo trúc
Xua đêm đi thành mộng mị đời anh…
Lời sóng 1
Những người lính ra đảo
Có dòng sông đồng hành
Năm dài và đất rộng
Vui buồn sau chiến tranh
 
Có người lính xây thành
Lẫn vào lau biên ải
 
Có bao người con gái
Đến thăm nàng Vọng Phu…
 
Biển thành nắng thành mưa
Của đất liền vòi vọi
 
Biển thành đêm thành ngày
Nồng nàn trê gối cưới
 
Em muốn đem tóc xanh
Buộc trời cho đỡ bão
 
Em muốn gửi tròn tay
Gối mềm trên đảo cát…

CHƯƠNG HAI:
Cát
Biển có đảo biển đỡ lặp lại mình
Đảo có lính cát non thành Tổ quốc
Đảo nhỏ quá nói một câu là hết
Có gì đâu chỉ cát với chim thôi
Cát và chim và thêm nữa chúng tôi
Chúng tôi lên với áo quần ướt át
Với nắng nôi muối sát thân tàu
Đảo hiện ra thử thách bạc mầu
Bàn chân lính đánh vần trên đất đai Tổ quốc
 
Sau bao rợn ngợp
Hiện lên đời mình
Niềm vui nỗi khổ
 
Đo cùng trời xanh
Chưa kịp đặt ba lô
Chúng tôi cùng nhau bới cát
Dọn một chỗ nằm cho đồng đội hy sinh
 
Chúng tôi đặt anh cạnh mốc chủ quyền
Cát và cát
Ầm ào sóng biển
Gió và gió
Ngày ngày lại đến
Xóa đi phần mộ của anh nằm
Chúng tôi lại cùng nhau bới cát
Chôn anh thêm một lần
Cát và cát
Ngày ngày lại mới
Cát và cát
Ngày ngày lại trắng
Trắng như bàn tay trắng chúng tôi
Úp lên số phận của bạn mình
Chúng tôi vốc cát lên
 
Chúng tôi nghe cát nói
Chúng tôi bắt đầu như thế với Trường Sa
 
Cát ở đây là lối đi
Cát là chỗ ăn cơm, chiêu ngụm nước
Cát là giường nằm gối đầu lên cát
Cát theo lá thư đồng đội gửi về
 
Cát ở đây là tất cả
Cát là tiền duyên cát là điểm tựa
Nới chạm súng đầu tiên chốt chặn sau cùng
Sống cát là bệ tì
Chết cát là hoa tươi và nước mắt
Sống cát là màu che mắt địch
Chết cát là màu tang
Không có chỗ nào không có cát
Không có điều gì không có cát
Chúng tôi bắt đầu ngả bóng của mình lên
 
Bóng ngả về Đông về Tây về Nam về Bắc
Bóng chúng tôi nóng lên dưới cát
 
 
Bóng chúng tôi che lên Đất Nước
Giữ nguyên lời dặn của ông bà
 
Chúng tôi vốc cát lên
Chúng tôi nghe cát nói
Chúng tôi bắt đầu như thế với Trường Sa
 
- Cấm đi câu đi tắm một mình
Xuống nước phải mang theo dao găm
Lũ cá he hay bổ từ trên xuống
- Cấm bơi ra miệng vực
Ở đấy nhiều sóng ngầm nhiều cá mập
Và nếu chẳng may
Nhất thiết phải bơi đứng
Cá mập không quen săn mồi thẳng
 
- Không được lệnh quân y
Cấm ăn một thứ gì lạ
Những mệnh lệnh lạnh lùng
Chúng tôi học từ máu người đi trước
 
Chúng tôi học để làm quên và đứng vững
Để có thể nói rằng tôi đang ở Trường Sa.
 
Tôi đang ở Trường Sa
Trong đội hình Song Tử Đông, Song Tử Tây,
An Bang, Nam Yết
Kết bạn với vô cùng
Đảo rập rờn chìm nổi những quả cân
Cân người lính và hiểm nguy đời lính
Bạn tôi đang thổi sáo sau hầm
Bỗng ngừng bặt
Giữa chừng réo rắt
Chúng tôi chạy ra
Chấp chới cánh tay ngoài năm sải nước
 
Tiểu đội xếp hàng chuyển gạo
Sóng lườn quanh thân
Bỗng
Một tiếng thét
Một vũng máu
Một khoảng trống
 
Tôi gào lên
Im ắng rợn người
Tìm qua sóng
Gặp đàn cá mập
Rong rêu nhiều
Mà mất bạn
Bạn ơi!
 
Hôm đó đảo có thêm gạo mới
Chúng tôi đều bỏ cơm
Hôm đó đất liền ra thư
Chúng tôi bỏ thư ôm nhau khóc
 
Gạo chiều nay thành cơm cúng đưa tang
Thư chiều nay viết thêm vào lời điếu
Ngày mai lại có đoàn văn công
Em hãy đến
Ngổn ngang
Cùng im lặng!
 
Đời bao nhiêu trớ trêu mà đêm còn quá rộng
Đêm như là vắt kiệt các vì sao
 
Chúng tôi là lính đảo thời bình
Phải gồng mình cả khi yên tĩnh nhất
Để chống lại cái khoảng trống kia
Cái khoảng trống chực len vào đồng đội
Chực len vào giữa bạn và tôi
Cái khoảng trống lạnh tanh vô nghĩa
Có ngay trong chính bản thân mình
 
Chúng tôi vốc cát lên
Chúng tôi nghe cát nói
Chúng tôi bắt đầu như thế với Trường Sa
 
Tôi thức dậy với giấc mơ đầy cát
Cát đầy dấu chân chim
Chim đầy mùi trời
Trời đầy mùi thiên hạ
Công việc đầu tiên của một ngày là tiếp tục sống
 
Đôi khi phải gõ vào một cái gì đó
Để biết đảo có người
Đôi khi phải hát ê a vô nghĩa lý
Nhắc biển ta còn đây
 
Đôi khi nghe tiếng sét trong đài
Thấy trời đang gõ cửa
 
Đôi khi tối đèn tắt lửa
Ta bỗng dưng thành hàng xóm của ta
 
Gió Trường Sa
Biển Trường Sa
Nước thành vĩnh cửu có ta một thời
 
Trường Sa biển
Trường Sa trời
Có câu song sóng có lời tăm tăm.
Lời sóng 2
Ngày anh trống chỗ trong hàng
Mây đem một mảnh nhỡ nhàng về quê
Có chiều cỏ trắng trên đê
Vào ra có chị đi về lẻ loi
 
Ngày anh về
Lúa đồng cúi hạt
Nước mắt đi trước người
Mộ anh đặt nơi chăn trâu thuở nhỏ
Cỏ đeo sương
Đường kê vấp
 
Mãn tang anh chị vẫn chưa già
 
Có người lính ở Trường Sa
Đi cùng anh dạo ấy
Thơm nín hương cau
Bời bời hoa bưởi
 
Trời còn bao nhiêu thu
Tóc chị thắm làm thót lòng nội ngoại
 
Có người lính ở Trường Sa
Đi cùng anh dạo ấy
 
Hôm nay lúa lại nhen đòng
Chim bay ngược bão hoa trong thiếp mời
Hôm nay tái giá chị tôi
Liền anh cùng với bao người đứng trông
 
Chị tôi đi thửa hương vòng
Ngậm ngùi trên mộ cũ
Cháu ở lại cùng bà bống bống bang bang…
 
 
 
CHƯƠNG BA:
Tự thuật của người lính
 
Tôi sinh ra trước lúc lên đèn
 Bóng mẹ sáng lại mờ trong mắt cha hoảng hốt
Trong căn nhà đất
Tháng hai buồn tiếng thạch sùng kêu
 
Mẹ đã dắt tôi qua những miệng vực sâu của
mọi sự rủi ro
Qua nhịp cầu không có tay vịn
Tiếng kẹt cửa cũng trở nên quá lớn
Khi con sài mẹ ngồi thức qua đêm
Nhà khó con đàn gió lọt qua phên
Kèo cột cũng khô gầy nữa mẹ.
 
Châu chấu cào cào xanh tím rủ tôi đi
Những bờ cỏ may những bờ trống ếch
Cây bưởi ca dao cây cau cổ tích
Tôi âm thầm nuôi bông bống trong chai
 
Con mang về con bống của mẹ đây
Từ những ao chuôm nghìn xưa để lại
Họ quát mắng tôi ném bùn xua đuổi
Con đi hôi cắp giỏ đứng trên bờ
Con tới đâu cũng gặp toàn đồng cấm
Họ rải tung cả gánh cỏ tuổi thơ
 
Vỏ trấu rắc khắp cánh đồng rải áo
Lũ chuột đồng chép miệng trong hang
Con đi mót gặp toàn gốc rạ
Chiếc nón mê tha thủi giữa đồng
Đồng vắt kiệt nằm than trong gió bấc
Trâu húc nhau trạch rúc xuống bùn
Chồng bấm vợ nhảy qua rào trốn thuế
Tiếng trương tuần thét lác đầu thôn
 
Không không không mẹ dặn tôi không
Ngọt chả sợ đường đường không sợ lội
 
Cha đi vắng tôi trèo lên cây ổi
Cây ổi cho một búp sâu kèn
Và cứ thế với sâu kèn tôi hát
Cố tin rằng tôi không bị bỏ quên
 
 
Trứng ốc nhồi nở trắng dọc bờ ao
Con ếch sọc dưa đi tìm tức tưởi
Trời sùi sụt những cơn mưa tháng bảy
 Tôi ngấm đầy nước mắt những ngày ngâu
 
Đom đóm ơi đom đóm dẫn đi đâu
Đêm là tàu lá sen che nửa phần trái đất
Ấy là lúc những vì sao xa lắc
Nối với tôi qua một sợi dây diều
 
Hòn sỏi lăn qua đồi sống trâu
Con cun cút lách mình trong cỏ chỉ
Tôi biết đâu có ngày xa mẹ
Mùa đông rồi hoa chít vẫn ngây thơ
 
Mặt đất bằng bỗng nổi loạn tê tê
Tổ mối nhỏ cũng bao lần tan hợp
Chim ngói cả tin mắc lồng oan nghiệt
Ngọn tơ hồng chết nghẹn giữa bòng bong
 
Cơn lốc đen đánh úp lá bàng
Tôi cảm thấy mùa thu đang mất máu
Một chút lửa hoa dong riềng cuối dậu
Sợ một ngày sương muối đến đem đi
 
Không ai nói với tôi rằng hoa bưởi sắp tàn
Chiều chỉ có một mình chim gõ kiến
Hoa sim tím quả sim cũng tím
Đồi treo đầy những túi mật trung du
 
Chiếc đuôi chồn mất hút giữa lau thưa
Tôi ngồi nặn đôi bàn chân tiếc nuối
Nhưng tôi vẫn không thể nào quay lại
 Dù con đường chỉ có cỏ may thôi
 
Chong chóng quay đón mẹ dưới chân đồi
Tay mẹ héo ruộng bậc thang cấy rẽ
Tôi đỡ chiếc áo tơi của mẹ
Mụn cua càng bò trên mảng sân con
 
Tháng tám khói lên lúa xuống đòng đòng
Đồi phủ phục những đàn voi ngái ngủ
Chim tha rác ở đâu về vội vã
Cả khu vườn muốn bứt lá đem cho
 
Giếng nước đá ong soi hộ tóc đuôi gà
Đồng gặt vãn cô lấy chồng xóm dưới
Chuông khánh ngân nga gọi người vào hội
Có miếng trầu trong túi áo nâu non
 
Mẹ thắp hương khấn chín cửa đền
Ngửa tay cùng trời Phật
Hoa đại thấu lòng rơi khắp đất
Quay về cú vẫn kêu đêm
 
Mẹ đành gọi bán lúa non
Liềm hái buồn quang gánh cũng buồn
Con muỗm xanh đi ở
Rơm rạ sang làm khói bếp nhà người
Bao giờ cho tới mùa sau
Lại mong rễ lúa bén vào giêng hai
 
Giêng hai về
Năm lại mới khi bước qua tháng chạp
Giếng nước ngày xưa có người con gái hát
Ai ơi khêu lửa làm chi
Mẹ đang chạy bữa
Làm sao lấy lại thời son trẻ
Thời son trẻ hoa xoan
Nằm trong mồ những quả khô gió lắc
 
Nhưng mẹ biết có một màu giấy điệp
Bay tưng bừng làm ấm cả cây nêu
 
Tôi sinh ra quả trám đã bùi
Rễ si buông cước lá sồi rưng rưng
Tôi chưa với tới trái bòng
Kiễng chân chóng mặt cầu vồng lên năm
 
Cầu vồng xanh đỏ tím vàng
Chim cu toan đuổichuỗi cườm trời cho
Tôi chưa thấy thế bao giờ
Người ta mua bán chức hờ trong thôn
Người ta ra cúi vào luồn
Một manh chiếu cũng chia phần thấp cao
Cá rô rạch ngược mưa rào
Hám gì bỏ nước cầu ao vào lờ
 
Tôi lớn lên
Vó ngựa giật mình đôi sấu đá
Gươm giáo hai hàng quan võ quan văn
Ông nhịn mặc để ăn
Ông nhịn ăn để mặc
Người đói và người rét
Sơn son và thiếp vàng
Con sáo của mẹ tôi bay mất
Lượn một vòng qua mái tam quan
 
Tôi lớn lên
Có người thắt cổ sau chùa
Không ai kịp khóc
Chị sống đã mười chín năm
Người ta xóa đi trong nửa giờ đưa đám
Người ta coi cuộc tình là tội phạm
 
Cấy phướn sầu trên mặt đất hoang mang
Hồn chị tôi nhập vào hoành phi câu đối
Nhìn xuống bữa tiệc tàn
Từ nay chúng nó nói toàn vận rủi
Sập chân quỳ một chiếc huyệt đào ngang
 
Tôi được ăn bữa no đầu tiên
Cha phá kho thóc Nhật
Dòng khẩu hiệu trên nong nia thúng mẹt
Năm làng tôi đi cướp chính quyền
Tôi nhập tâm những chữ cái đầu tiên
Ngồi tránh đạn trong chiếc hầm thước thợ
Tôi còn dễ mất hơn
Hòn cuội trắng trong chiếc bao diêm nhỏ
Một đứa trẻ bị bỏ quên và dễ vỡ
Bị mắng hoài vì cài cúc so le
Tôi đã lớn để trở thành người lính
Thọc đôi tay vào chiếc túi của rừng
Chiến công đôi khi là tìm ra một thứ gì ăn được
Để có giấc ngủ yên mười lăm hai mươi phút
Chúng tôi đào hầm hì hục suốt đêm
 
 
Đã đem theo những căn nhà mái thấp
Đường vào Nam mưa mỗi lúa mỗi to
Đã dấu mình trong lá lau chi chít
Đã nấu nung để chớp giật không ngờ
 
Chúng tôi chưa bao giờ yên tĩnh
Đi như sông hiếu động như rừng
Đã để lại thảnh thơi cho cỏ
Và nhận về giông bão trên lưng
 
Đã khắc vào cây để nhớ một ngày
Để nhớ một người để thương đất nước
Đã để ít đời mình nơi ngã ba khốc liệt
Đã bông đùa xen kẽ với bom rơi
 
Tôi đã ăn những quả cà kho mặn
Hái trong vườn có nắng xiên quai
Có chú ve sầu làm tổ gốc cây
Kêu sốt ruột những ngày tôi đi vắng
 
Cố nhóm lửa lại vội vàng giấu khói
Cơm chín rồi cứ ngân ngấn thương nhau
 
Tiếng nai tác đi ăn than ngoài rẫy
Sao ta hoài thắc thỏm đâu đâu
 
Sao hay nhớ hay thương và hay vấp
Bước say mê trên sông núi hữu tình
Chiếc lá mở trước cửa hầm thân mật
Thư của trời súc tích chỉ màu xanh
Tôi đeo quanh cây của đất nước mình
Làm chùm quả dưới vòm trời nhiệt đới
Những chùm quả có nắng vào làm lõi
Cứ ngày ngày thơm thảo với quê hương
 
Tôi đã đi từ sự thất thường những dòng sông
phương Bắc
Đến muỗi mòng của gió chướng phương Nam
Chính khẩu súng cũng ra chiều nghĩ ngợi
Đứng ưu tư bên cạnh chỗ tôi nằm
 
Dưới bầu trời khắc nghiệt của chiến tranh
Tôi nói ít nhường cho lời súng nổ
Chính khẩu súng cũng giúp tôi gạt bỏ
Tính hiếu kỳ như một sự trớ trêu
 
Tôi kết bạn suốt chiến trường ngang dọc
Bạn nói rằng bạn cũng nhớ thương ta
Ngày giải phóng bàng hoàng nghe tin bạn…!
Tôi khó ăn khó nói đến thăm nhà
 
Con búp bê đi ngược đường ra trận
Đất nước những ngày sum họp đầu tiên
Cô gái yên lòng may một chiếc áo trắng
Người ta kể cho nhau cổ tích về rừng
 
Tôi chưa kịp về thăm căn nhà mái thấp
Trên đôi kèo có một tổ chim
Và tôi chưa kịp nói với em
Đường lắm cát làng mình thương nhớ quá
 
Trước mặt tôi bây giờ là biển cả
Lại gặp núi non trong những chóp sóng thần…
 
 
Lời sóng 3
Mầu ấu thơ của biển
Nhuộm bền trên áo xanh
Chỉ vài vuông cát nhỏ
Cũng có bao thác ghềnh
 
Lặn sóng mò đá
Vác biển lấp bờ
Trồng cây che chắn gió
Dựng nhà trên cát khô
 
Rồi thành xóm thành làng
Đường ngang và ngõ tắt
Mây đậu cuối ngày đông
Ngả sang chiều thân mật
 
Đời chẳng dễ dàng hơn
Sau bao nhiêu lời chúc
Ta chẳng dễ dàng đâu
Sao bao người đi trước
 
Cây thời gian nhích đốt
Âm thầm bao tâm tư
 
Nồng nã những cơn mưa
Mang hồn năm tháng cũ
Người trước bỗng hiện về
Qua mảnh sành mảnh sứ
 
Cầm thời gian lên soi
Đất đai màu nguyên thủy
Cầm hạt cát lên soi
Dấu chân bao thế hệ
 
Cổ nhân còn đâu đây
Như vừa ăn dở bữa
Giáo mác quắc đêm thần
Nhớ nhà ngồi khâu vá
 
Búi tóc dõi chân trời
Đùm nhau qua cơn khát
Be bờ và đắp đập
Nước Việt ngoài khơi xa
 
Tiếng Việt giữa phong ba
Ấm lòng người giữa biển
Bao lần quân cướp đến
Nhếch nhác bao màu cờ
 
Chúng nó châu như đỉa
Chỉ vì ta là người
Tiếng Việt gọi hồn Việt
Giữ đất Việt ngoài khơi
 
Tiếng Việt là ngọn cờ
Hộiquân trong đêm tối
Tiếng Việt để nhận nhau
Giữa bao nhiêu rắc rối
 
Cổ nhân vẫn còn đây
Máu chưa lành vết chém
Mồ hôi vẫn còn đây
Còn mặn hơn biển mặn
 
Nợ cũ còn đây
Biển nham nhở sẹo
 
Nổi chìm bao kiếp
Dìu đảo ngoi trên sóng
Chim có nơi nghỉ cánh
Ngày về trên cát tươi
 
Nồi chìm bao kiếp người
Qua tháng năm sứt mẻ
Cho Tổ quốc tròn lên
Việt Nam
Hai tiếng Mẹ.

CHƯƠNG BỐN:
Đất này
Tiếp đạn
Tiếp người
Hôm nay ta tiếp đất
Đất xẻ mình ra chắn sóng ngoài xa
 
Đất nặn thành gạch
Gạch sợ một mình
Tìm đến vữa
Đất ra khơi bắt gặp bức tường người
 
Đất dựng nên làng
Từ buổi cha ngâm mình trong nước
 
Vớt đất lên trong nước nóng luộc người
Cha bưng đất và bưng mồ hôi ngày khởi nghiệp
Không có đất không thể nào sống được
Cha nhễ nhại trước nỗi thèm khát đất
Đêm nằm mơ giun dế cũng thân tình
 
Cần có đất để làm quê hương
Cần có quê hương để vui buồn sướng khổ
Đuôi trâu phất nửa vòng ngõ nhỏ
Gọi chiều về qua những mảnh tường chai
 
Luống hành hoa gọi rạ đứng lay phay
Người tứ phương hội tụ về đây
Cắm cọc treo nồi
Đóng đinh móc rế
Trồng mùa thu bằng cây thị
 
Thả mùa hè bằng ngó sen
Cây lan có tên cho cô Lan có tên
Cây trúc có tên cho cô Trúc có tên
Lan và Trúc say lòng những chàng trai mới lớn
Lan và Trúc tiễn bao người ra trận
Và chiều nay cha gửi đất cho con
Đất chẳng bao giờ héo
Trời thăm thẳm không mòn
Khi vui chán vạn khi buồn một ta
 
Đất này
Đất này
Làng nước gửi ta
Cơm nắm cơm đùm
Đi từ buổi trăng nom còn ú ớ
 
Người đổi phiên chợ
Kẻ nhường công trâu
 
Đất đi qua biển thì mau
Người đi qua nỗi khổ đau thì dài.
 
Đất này
Đất này
Quê ta ngày hội đất
Đất đi đến đâu quê hương theo đến đấy
Quê hương đi đến đâu máu đi theo đến đấy
Máu chẳng bao giờ cũ
Cuốc cuốc cứ kêu hoài
 
Có nghe cuốc cuốc kêu hoài
Đèn khêu xóm vắng, bão ngoài biển xa
Người quê nhận đất quê ta
Đảo xin một mảnh sân nhà phơi trăng. 
 
Lời sóng 4
Trên bãi cát những người lính đảo
Ngồi ghép nhau bao nỗi nhớ nhà
Chiều áo rộng vài vạt mây hờ hững
Họ cứ ngồi như chum vại hứng mưa
 
Sóng lại đến theo lời hẹn cũ
Sóng mang về những đôi giày trẻ nhỏ
Những đô la ướt sũng, những phao bơi
Tang vật buồn đau của những kiếp người
 
Đảo tái cát
Khóc oan hồn trôi dạt
Tao loạn thời bình
Gió thắt ngang cây
 
Nếu họ ghé một lần thăm lính đảo
Rối ren kia chắc có cách trả lời
Ta xin biển mỗi ngày lặng sóng
Cho những linh hồn dưới đáy bớt đơn côi
 
Đất hãy nhận những đứa con về cội
Trong bao dung bóng mát của người
Cây hãy gọi bàn tay về hái quả
Võng gọi về nghe lại tiếng à ơi…
 
À ơi tình cũ nghẹn lời
Tham vàng bỏ ngãi kiếp người mong manh.
 
 
 
CHƯƠNG NĂM
 
Hóa thạch những dòng sông
Những dòng sông quờ quạng  tìm nhau
Dưới đáy biển
Những dòng sông chết
Biển âm u đáy huyệt
Hồn sông đi lang thang
 
Sông về trước thì được ung dung
Sông về sau thì làm phó nhỏ
Bóng cầu theo về được làm quan văn
Mái chèo theo về thì làm quan võ
Người kết bè kéo vó
Hết sông đi vớt bèo
Những dòng sông dưới đáy biển tìm nhau
Vừa thấy bóng lại thủy triều xô dạt
Mênh mông đến và mênh mông xóa mất
 
Sông lại lang thang
Tiếng hú gọi làm giật mình cá quẫy.
 
Sông Mã tất bật
Sông Hương dịu dàng
Sông Hồng bồi đắp
Sông Thương đa mang
Ai biết được những gì khi sông về gặp biển
Nơi cá quay đầu thì phù sa tìm đến
Phù sa còn bao nỗi nông sâu
Sinh ra biển để thử sức
Sinh ra trời để thuận hòa
Sinh ra sông để đem cho.
 
Cho những buổi trưa đàn trâu mộng dầm
mình trong nước sóng sánh. Cho bên lở bên bồi em
sang thành cô dâu,anh về thành chú rể. Cho
lóng một lóng đôi rổ rá giần sàng, che chắn gió
biến thành kẻ ăn người ở.
Cho bên ấy bên này diệu vợi, cả tiếng gọi đò
cũng là quà tặng của dòng sông.
Khi gặp biển đó là lúc sông đem cho lần cuối,
một cuộc đời cho trọn vẹn huy hoàng như thơ cho,
như mùa dâng quả, cô gái đi làm mẹ nơi xa để
lại sau lưng bao tiếng thở dài. Và khi không
còn gì để cho, sông như tráng sỹ không còn vũ
khí, giáo chủ không còn mật kinh, võ sư không
còn bí quyết; sông như nghệ sỹ đã sắm xong
vai, một kẻ trắng tay giàu có đo mình bằng
kích thước của biển.
 
Đức hạnh của sông là đa mang
Dung nhan của biển là bình thản
Vẻ đẹp của sông là không tỉnh táo
Nỗi khổ của biển là sở hữu không cùng
 
Sông - những cây nước khổng lồ
Bóng mát mệt mê mang mang bồi đắp
Sông góp củi cho nồi cơm lớn
Lòng vị tha là người khách sau cùng
Dưới đáy biển
Sông lang thang tìm lại các dòng sông
 
Trên mặt sóng
Đảo đang vào mùa nắng
 
Sông đi sông đi vờ vật sông đi
Tìm lại mình trong biển
Biển nói bằng muối chát
Sông không nghe được gì
Thỉnh thoảng lại tung lên vài trận bão
Vò mây chơi
Thỉnh thoảng lại cho vài chú cá ngáp
Tuột khỏi vòng luân hồi
Cá chớp mắt: Ta lên thăm lính đảo
Xem đời có gì vui.
 
Ta bới sóng đi tìm các dòng sông
Như người đào than tìm lại cánh rừng
Những dòng sông hóa thạch
Những dòng sông than thở
Sông tan vỡ trách dòng sông lỡ hẹn.
 
Ta bới sóng đi tìm các dòng sông
Gặp cái chao chân khi em mười tám tuổi
Ta đi vớt tiếng sáo diều đắm đuối
Thúc ba hồi trống quân
 
Thúc trống quân cho cá hóa rồng
Cho cô tiên về xóm
Cho nón hóa vầng trăng
Vầng trăng quệt vào anh
Tương tư từ dạo ấy
 
 
Ta bới sóng đi tìm các dòng sông
Thấy cau bỏ già
Trầu không để úa
Yêu nhau không lấy được nhau
 
Trả gương cho chợ
Trả ngói cho đình
Ngói còn nguyên ngói mà mình tay không
Trả lại tơ hồng
Ông tơ bà nguyệt
Trả lời cam kết
Cho người đa đoan
 
Ta bới sóng đi tìm các dòng sông
Gặp Trương Chi cắm sào đứng hát
Mỵ Nương vẫn đang ngồi khóc
Nước mắt thành ngọc trai
Tình là gì mà trái đào xà tích
Duyên là gì mà yếm thắm bao xanh
Phận là gì mà em phải xa anh
Gặp nhau vẫn gặp nhưng đành quay đi
Tóc em dài gội lá đài bi
Cuộc tình ngắn bỏ buồn cho bến vắng.
 
Ta bới sóng đi tìm các dòng sông
Gặp nàng Tiên Dung đội cát
Cát bàng hoàng
Thế gian mờ mịt
Vì nàng đem hết vầng trăng
Tiên Dung Tiên Dung
 
Thần ái tình bậc nhất
Khiến nàng Kiều xăm xăm nhường bước
Hồ Xuân Hương mời trầu
 
Ta bới sóng đã lâu
Tìm thấy sông hóa kén
 
Sông trao mình cho biển
Như cây trao bóng cho rừng
Về biển thì hết sông
Không về thì không được
Ta lặn xuống tầng sâu
Đời vẫn còn chảy xiết
Ta vớt sông Hương
Làm xanh lại tán lá bàng
Búp nhỏ hữu tình xanh biếc đảo
Sông Mã ta trả về cho bão
Ta vẩy sông Hồng làm hoàng hôn
Ta cất sông Mã vào chiếc hộp đàn
Đêm dài nghe chuyện thác. 
 
Lời sóng 5
Anh một mình với một chéo dù hoa
Gấp tư đêm làm gối
Bốn mươi năm mưa nắng xa nhà
Biết trong cơm có sạn
Biết gói bánh thêm lá
Biết ngồi như đêm
Anh lặn qua cái chết
Mãnh liệt một mầm cây
Anh đã húp bát cháo loãng cuối cùng của
chiến tranh
Rồi lặng lẽ đi rửa bát
Kẻ thù thường phục kích
Chập choạng tối chập choạng sáng
 
Lúc có nhiều đom đóm
Ngọn đèn thường cô đơn
Sau giải phóng Sài Gòn
Anh ra đảo.
 
Biển đã hút của anh bao mồ hôi
Với thói quen của chiếc giấy thấm khổng lồ
Và anh cũng hút biển
Với lời khuyên của những chiếc rễ cây
 
Mỗi ngày cây lại thêm lời
Lăn tăn nơi anh đứng
Nơi anh đứng chọn tầm cho pháo bắn
Bao năm rồi biển thổn thức gương soi…
 
Cát mỗi ngày mỗi nóng
Biển mỗi ngày mỗi xưa
Lúa chín bao năm ngả vào tay người vợ
Đồng tiền lẻ nhảy cò qua đốt mía
Những đứa con khôn dạiphía sau mình
Những đứa con sinh ra trong chiến tranh
Sống tản mát dưới những hầm trú ẩn
Chị để con mỗi đứa ở riêng hầm
Bom có trúng cũng không thành tay trắng
Những đứa con nhớ anh qua rừng giờ nhớ anh
qua biển
Cơm khô cơm khét
Vắng anh
Áo quần dây mực
Vắng anh
Xóm giềng ta thán
Vắng anh
Lá đa rơi ngoài ngõ
 
Lá đa vắng anh thành chú mèo tam thể
Chú mèo khôn từ thủa lên ba
Dạy con anh
Lúc lên đèn
Không nhìn sang hàng xóm
 
Anh nhớ con anh phất một lá diều
Ba tầng sáo chắc đất liền nghe thấy
Những ô cửa xin đừng khép vội
Đảo nói gì thao thiết giữa không trung
 
Tiếng sáo diều làm biển bớt mênh mông
Vầng trăng đứng
Tự nghe mình
Lặng lẽ…
CHƯƠNG SÁU:
Bão biển
- Hoàng ơi, ở đâu
- Vũ ơi, ở đâu
- Vân ơi, ở đâu
Tiếng gọi lính mịt mù bão cát
Tiếng gọi lính từng giây khẩn thiết
Đảo tìm nhau xếp lại đội hình
 
Bão vò cây gào rít điên cuồng
Tóc của bão là lá cây rách mướp
Tay của bão là sóng thần rợn ngợp
Cả đất trời say sóng ở Trường Sa
Trong bão gió chúng tôi đo Tổ quốc
Bằng đôi tay vượt biển lính xa nhà
 
Ngày thứ ba một mình bơi trên biển
Anh thành đám bọt mong manh
Ba ngày không ngủ
Ba ngày không ăn
Hy vọng bập bềnh ván thuyền gãy nát
 
Bão bứt anh khỏi đảo
Như chiếc đinh bật khỏi con tàu
Và bây giờ anh bơi
Biển ngấm vào anh thành một khối mặn chát
 
Sóng ngấm vào anh thành muôn nỗi lênh đênh
Bão ngấm vào anh thành niềm khao khát sống
Anh là biển trôi trên biển
Chống lại cái chết trong vùng chết
 
Biển chưa thu xong những mảnh vỡ của mình
Anh le lói bơi đi bằng sức mạnh bí mật của hy vọng
Rất nhiều lần anh chạm chân vào đáy quan tài
Lại cố sức ngoi lên
 
Như từ triệu năm quyết liệt quay về
Tìm lại đảo
Một chỗ đứng, một tên gọi
Cả vũ trụ so găng đấu với một mình anh
Nghìn cái chết kéo co với sinh linh bé nhỏ
Tất cả những gì chưa sống nói với anh không
thể chết
  Tất cả những gì đã chết nói với anh phải sống
Và anh bơi bơi mãi
Mịt mù biển mịt mù trời
 
- Hoàng ơi, ở đâu
- Vũ ơi, ở đâu
- Vân ơi, ở đâu
 
Tiếng gọi lính mịt mù bão cát
Tiếng gọi lính từng giây khẩn thiết
Đảo tìm nhau xếp lại đội hình
 
Anh chẳng nghe thấy gì ngoài toàn thân lạnh toát
Bão bịt hết lối về
Cửa nhà xác mênh mông
Mẹ ơi!
Mẹ không biết con đang một mình giữa biển
Biển có tất cả để xóa con bất cứ lúc nào
Còn con thì tay trắng
 
Mẹ đã nuôi con lớn
Đã dạy con khôn
Sống sướng vui và đau khổ với con người
Sống dễ dàng và khó khăn với con người
Sống cởi mở và phòng xa với con người
 
Biết đem cho mà không làm người được cho
cảm thấy mắc nợ
Biết nhận mà không sợ bị coi là tham lam
Và khó nhất là biết từ chối
Nhưng phải sống thế nào khi một mình giữa biển
Mẹ chưa kịp dạy con
Con phải dựa vào kinh nghiệm cũ
Không thể chết vì chán nản
Bơi sấp rồi bơi ngửa
Vẫy vùng rồi cầm hơi
Tung sức ra thì dễ
Thu sức về thì khó
Khó hơn nữa là biết thở cùng biển
Điều này giống như sống trên mũi giáo
Mẹ ơi, khi con đau đớn nhận ra bộ mặt
hung dữ của cái ác
Cũng là lúc con nhận ra sức ấm vô cùng của
lòng tốt
Mảnh ván con bơi là lòng tốt cuối cùng
Trên thế gian đầy bất trắc
Ngày thứ tư, con “đi” trên biển
Bằng đôi tay của mình
Số phận biến con thành một chú bọ gậy ngang tàng
Không chịu chết vì chán nản
Và khi cả người con dán chặt vào đất
Như một - con - tem - người
Dán vào dòng đời
Con bỗng nhận ra không phải lá cờ ta
Không phải mẹ
Không có cái chết nào nhục nhã hơn là sống
không phải mẹ
Bao hiểm nguy con xin lại bắt đầu
Con xin lại bắt đầu bằng lời ru trong suốt
Ra sông lấy sóng mà yêu
Đường xa gặp núi lấy đèo mà tin
Con lại lao ra biển
Một chiếc phao thoi thóp bơi đi…
- Song Tử đâu?
- Nam Yết đâu?
- Sinh Tồn đâu?
Tiếng lính gọi mịt mù bão cát
Tiếng gọi lính từng giây khẩn thiết
Đảo tìm nhau xếp lại đội hình…
Hà Nội 1981 - 1994
 19/1/2018
Xuân Mai - Nguyễn Ngọc Tung
Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Theo http://hoivhntvinhphuc.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...