Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021

Phân loại dân ca cổ

Phân loại dân ca cổ

Trong một cuốn đặc khảo về dân nhạc Việt Nam được viết và in ra tại Saigon từ năm 1966, tôi đã dựa vào đời sống con người để phân loại dân ca.
Ngâm, Ru
Bởi vì dân ca gắn liền vào đời sống của người dân cho nên tôi phác họa ra những bước tiến của dân ca, khởi đầu bằng hai loại "ngâm" và "ru" là những loại ca dành cho từng cá nhân, hát một mình hay để ru cho con ngủ. Ðó là hình thức dân ca thô sơ nhất vì (như đã nói ở trên) chỉ dùng một giai điệu nào đó, chưa cần phải sáng tạo nhịp điệu cho câu "ngâm" hay câu "ru" ngoài việc hát theo vận tiết của thơ (phần nhiều là thơ lục bát).
Ngâm Kiều:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau...
vân vân...
Ru Con:
Cái ngủ mày ngủ y y y cho à lâu
Mẹ mày đi cấy ý y a ruộng sâu
Chưa à về ...
Hò Làm Việc
Bước tiến thứ hai là từ dân ca của lúc ngồi hay lúc nằm trong nhà tiến tới dân ca dùng trong công việc hàng ngày (tức là loại hò làm việc) như "hò dô ta", "hò đẩy xe", "hò chèo thuyền", "hò cấy lúa", "hò đạp nước", "hò giã gạo" , "hò nện" v.v... Ở đây, dân ca không còn là bài hát tâm tình mà trở thành bài hát trợ sức làm việc, người hò (hò = hô to lên) bắt buộc phải tạo ra nhịp điệu (tiết tấu) của công việc. Dân ca không còn tính chất cá nhân mà mang tính chất tập thể, có giọng chính, giọng phụ, có hò cái, hò con. Ví dụ:
Hò Dô Ta:
Giọng chính (Hò cái): Ta dô ta
Giọng phụ (Hò con): 
Giọng chính (Hò cái): Ta kéo gỗ
Giọng phụ (Hò con): 
Giọng chính (Hò cái): Gỗ làm đình
Giọng phụ (Hò con): 
v.v...
Hò Nện
(công việc nện đất làm nền xây nhà)
Hò cái: Mời bạn hò khoan này
Hò con: Hụ là khoan
Hò cái: A lá khoan hò khoan là
Hò con: Hụ là khoan
Hò cái: Biết răng chừ
Hò con: Hụ là khoan
Hò cái: Cho tới tháng hai
Hò con: Hụ là khoan
Hò cái: Con gái làm ruộng
Hò con: Hụ là khoan
Hò cái: Con trai be bờ
Hò con: Hụ là khoan
Hò cái: A lá khoan hò khoan là
Hò con: Hụ là khoan...
v.v...
Hò Nghỉ Ngơi
Hò của người Việt Nam khi xưa không hẳn chỉ là "hò làm việc" (work song) mà còn là "hò nghỉ ngơi" (rest song) nữa. Làm việc đầu tắt mặt tối đến mấy thì cũng có lúc phải ngưng tay chứ. Ðây là lúc trai gái trao tình với nhau, và khi trao đổi câu hát như thế thì họ cũng gọi luôn là hò. Và chúng ta có "hò giao duyên", "hát huê tình", "hò chơi", "hò đối đáp" v.v...
Hò Giao Duyên:
Gặp nhau đây mới đầu trăng gió
Hỏi một lời: đã có chồng chưa?
Hò Chơi mang tính chất địa phương và huê tình thì có:
Ghe anh nhỏ mũi trảng lườn
Ở trên Gia Ðịnh xuống vườn thăm em...
(Xin chú ý: Hò Nghỉ Ngơi không giàu tiết tấu bằng Hò Làm Việc).
Hò Hội hay Hát Hội
Sau giai đoạn hát tâm tình, hát làm việc, hát nghỉ ngơi... dân ca Việt Nam bước tới giai đoạn hát đám, hát hội. Người dân đem nhau ra trước công chúng để thi hát với nhau trong những hội hè đình đám. Trước tiên là hình thức "hát soan" (túc là hát trong hội mùa xuân), "hát đúm" (túc là hát đám), "hát ví" v.v... Rồi có bàn tay nghệ sĩ (nghệ nhân) nhúng vào một loại hát cần phải phong phú hơn các loại chỉ có tính cách tự phát của người dân. Phải có tổ chức trong Hát Hội, ví dụ: "hát trống quân" cần cái trống đất để đệm cho người hát. Và tổ chức cao nhất của hát hội phải là "hát quan họ" vì người ta cần phải phát minh ra rất nhiều lối hát, điệu hát khác nhau.

Trong Dân Ca Cổ Việt Nam, tổ chức Hát Quan Họ được coi là hình thức nghệ thuật cao nhất của lớp nông dân, phát sinh từ vùng Bắc Ninh, Bắc Việt. Nó không còn là loại ca hát giản dị hằng ngày dành riêng cho từng người mà trở thành trò tiêu khiển của đám đông và luôn luôn cần có bàn tay nghệ thuật làm cho nó thêm phong phú.
Hát Ví
(trong Hát Quan Họ)
Cô cả cô hai đó ơi!
Ở nhà tôi mới tới đây
Lạ thung lạ thổ tôi nay lạ nhà
Ba cô tôi lạ cả ba
Bốn cô lạ bốn biết là quen ai?
Ðến đây lạ cả bạn trai
Lạ cả bạn gái biết ai mà chào
Bây giờ biết nói làm sao
Biết ai quen thuộc mà vào trình thưa
Cô cả cô hai đó ơi!.
Hát Trống Quân
Hát Trống Quân:
Trên trời (mà) có đám mây xanh
Dưới đất (thì) mây trắng
Chung quanh mây vàng
Thình thùng thình...
Ước gì (mà) anh lấy được nàng
Thì anh mua gạch Bát Tràng đem về xây
Thình thùng thình...
Hát Quan Họ
Hát Quan Họ
Mở đầu cuộc hát thi là những câu hát giản dị như bài Hát Mời Trầu:
Mời cô sơi miếng trầu này
Dù mặn dù nhạt dù cay dù nồng
Dù chẳng nên đạo vợ chồng
Ăn dăm ba miếng cho lòng anh vui
Rồi cuộc thi hát trở nên phứt tạp hơn với những bài hát có rất nhiều tính chất nghệ thuật như Ngồi Tựa Mạn Thuyền hay là Se Chỉ Luồn Kim...
Hát Thờ
Dân ca có mặt trong đời sống tình cảm, đời sống xã hội và có mặt luôn trong đời sống tâm linh của người dân nữa. Do đó ta có "Hát Chầu Văn", "Hát Bóng"... là loại hát thờ. Không cần nói thì ta cũng thấy về phần nhạc thuật, người đàn, hát (cung văn), người đánh trống phải làm sao để người hầu bóng có thể bị thôi miên và lên đồng được.
Giọng Cờn (Hát Bóng Cô):
Ðằng vân giá võ về nơi Thủy Tề
Các quan vui trên ngàn dưới địa
Vui đền thờ quý địa danh lam
Quần thần văn võ bá quan
Công đồng yến ẩm thạch bàn còn ghi...
Hát Rong
Dân Ca khi xưa còn là những tờ báo truyền miệng, đem chuyện vùng này tới vùng kia qua hình thức hát rong với lối "hát vè", "hát xẩm"...
Hát Xẩm thời xưa ở Bắc Việt.
Vè Kể Chuyện Con Gái Mê Hát Bội
Nghe giống trống kỳ
Rủ nhau ra đi
Ðến làm chật chỗ
Lúc này không ngộ (hay)
Mới đánh đầu tuồng
Chạy thẳng vô buồng
Thấy hai chú tướng
Tướng này không sướng
Không bằng tướng kia
Ai về thì về
Tôi coi tới sáng...
Phạm Duy
Theo https://phamduy.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...