Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

Nhà văn Vĩnh Phúc hiện đại (Phần 5a; Quyển 1)

Nhà văn Vĩnh Phúc hiện đại
(Phần 5a; Quyển 1)

NGÔ LINH NGỌC

- Họ và tên khai sinh: Ngô Linh Ngọc

- Sinh năm 1922, mất năm 2004
- Các bút danh: Hồng Linh, Nguyễn Linh, Búa Đanh…
- Quê quán: Thôn Khả Do, xã Nam Viêm, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc
- Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ 1961)
- Tác phẩm chính đã xuất bản:
* Quân đội nhân dân (diễn ca, 1950)
* Bác Hồ, cha của chúng ta (diễn ca, 1955)
* Đêm tàn Bạch ốc, Mỹ cút đi (thơ trào phúng, 1975)
* Tuyển tập văn học Tây Sơn (dịch thơ, 1986)
* Tuyển tập thơ Lê Thánh Tông (dịch thơ, 1991)
* Quan tổng trấn Bắc Thành (truyện vừa, 1994)
* Tuyển tập văn học Nguyễn Du (dịch thơ, 1996)
* Tuyển tập thơ ca trù (biên soạn, khảo cứu với Ngô Văn Phú, 1985)
* Tuyển tập Ngô Linh Ngọc (2004).
 - Giải thưởng văn học:
* Giải thơ báo Cứu quốc năm 1946.
* Giải thưởng dịch văn chữ Hán của Hội Nhà báo Việt Nam năm 1979.
* Giải thưởng khảo luận Nguyễn Khuyến (Hội Nhà báo Việt Nam năm 1980).
* Giải thưởng dịch thơ Lê Thánh Tông (Viện Hán Nôm, 1979).
- Suy nghĩ về nghề văn:
    Theo tôi thơ phải luôn đổi mới và có định hướng, phải hay, có tác dụng bồi dưỡng ý chí cho hiện tại và mai sau. Thơ chữ Hán của tiền nhân chói lọi tình yêu nước, yêu dân, tự hào dân tộc, chói sáng nhân văn, nhân đạo, rất trữ tình, rất đẹp… Tôi đã để nhiều năm dịch các áng thơ hay của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Lê Thánh Tông, Tùng Thiện Vương. Mong muốn của tôi là Hội Nhà văn đào tạo những dịch giả Hán Nôm.
 
A - TRONG KÝ ỨC BẠN BÈ
 
CA TRÙ LẠI KHÓC TRI ÂM 
Đàm Quang Minh
 
Ông, người mà cố nhạc sĩ Văn Cao đã gọi là “nhà say mê lớn”, là nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà dịch thuật, nhà nghiên cứu âm nhạc, nhà kỳ học, tài hoa của ông thể hiện xuất sắc trên rất nhiều lĩnh vực văn hóa. Niềm đam mê lớn nhất của ông là ca trù, với bộ môn nghệ thuật này mà ông đã gắn bó tâm huyết cả một cuộc đời và một phần lớn sự nghiệp thi ca của mình. Bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu về ca trù từ những năm 40 của thế kỷ trước, khi Khâm Thiên, Vạn Thái, Thái hà là những trung tâm của đời sống văn nghệ Hà Nội. Nơi tập trung đầy đủ những danh ca: Chu Thị Năm, Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc, những bậc danh sĩ: Nguyễn Tuân, Vũ Hoàng Chương, Trần Huyền Trân. Ông đã chứng kiến thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của môn nghệ thuật này. Ông đã sống trong không khí lãng mạn văn hóa cảu những mối tình giai nhân – tài tử; danh sĩ – danh ca. Nhưng khác với rất nhiều bạn văn cùng thời, những người đi tìm trong tiếng đàn ca, tiếng phách lối thoát, sự giải tỏa tinh thân cho những bi phẫn của cuộc đời. Ông tìm đến ca trù như người tìm đến đạo. Đạo của thi ca, đạo của những mối giao tình tao nhân mặc khách. Với ca trù, ông như Lưu Thần – Nguyên Triệu, đi hái thuốc tìm tiên; Ông như Tư Mã Giang châu, lệ đầm vạt áo xanh khóc cùng người ca nữ. Bao năm vương vấn nợ ca trù của ông là những món “nợ tâm hồn” mà vay trả cả đời không hết.
Do những hoàn cảnh lịch sử, có một khoảng thời gian dài, tiếng hát ca trù lặng im trên đất Việt. Ông cũng sống âm thầm trong nỗi nhớ nhung da diết. Ngày tái ngộ với tri âm đã trào dâng trong ông biết bao cảm xúc. Ông làm bài hát nói “Tặng chị Hồ” ngay trong buổi hội ngọ với nữ danh ca sau bao năm xa cách để nói lên tâm sự của mình.
Lửa binh mấy chục năm trường
Hồ Gươm lại nhớ đến cồn Hà mô
Bồi hồi phách cũ đàn xưa
Thấy người giờ đó mà ngờ chiêm bao.
Trong nguồn cảm hứng, ông đã sáng tác một chùm các bài hát ca trù rất đẹp: “Tin xuân đất nước” – Dấu đẹp hồ Gươm” – “Đêm Paris nghe tiếng hát ca trù”… Ông làm phim “Hát cửa đình Lỗ Khê”, ông xuất bản cuốn “Tuyển tập thơ ca trù”, ông viết rất nhiều bài báo và đi nói chuyện ở rất nhiều nơi về ca trù. Ông đi tham gia biểu diễn nghệ thuật cùng các nghệ sĩ Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc, Phó Kim Đức. Ông cùng những bạn bè tâm huyết trong làng ca công dồn công sức để cố gắng gây dựng, phục hồi lại bộ môn nghệ thuật dân tộc độc đáo này. Nhưng ngọn lửa nhen nhóm của ca trù chưa bùng lên được thì những người thổi hồn cho nó đã lại nối tiếp nhau ra đi về cõi vĩnh hằng. bà Phúc, ông Du, ông Ban, ông Kỳ rồi đến bà Hồ, người thì do tuổi tác, người thì vì bệnh tật.
 “Ba tiếng thùy châu” cũng đã đi vào dĩ vãng, ông Ngô Linh Ngọc, người khách hào hoa phong nhã nhất, người tri âm tri kỷ gắn bó nhất với ca trù cũng đã ra đi. Mất ông, ca trù lại mồ côi một lần nữa. Mất ông, Thăng Long, Hà Nội mất đi một nhà văn hóa lớn, một nhà tri thức với cốt cách thanh cao, một nhà thơ lớn với những niềm đam mê bất tận. Xin phép được dùng lời đôi câu đối viếng ông của chị Thanh Hằng nhà thơ Nguyễn Bình làm lời kết:
Nùng Nhị nho lâm khuynh đại thụ
Tràng An cầm khách thất tri âm.
 Đ.Q.M
  
 
 
 
NHỚ MÃI NGÔ LINH NGỌC
MỘT NHÀ BÁO CHIẾN ĐẤU, MỘT HỒN THƠ TINH TẾ
 
Vũ Hoàng Địch
Nhà thơ Ngô Linh Ngọc đã từ biệt gia đình, bạn bè ra đi vào cõi vĩnh hằng hôm 1 tháng 3 năm 2004 (tức ngày 11 tháng 2 năm Giáp Thân). Trên mấy chiếc xe đi theo xe tang đưa anh về nghĩa trang Văn Điển, nơi anh yên nghỉ, người ta nhìn thấy nhiều cụ ông, cụ bà trong số người đưa tang. Các cụ đã vượt qua những khó khăn của tuổi già để đưa tiễn một người bạn với tri thức sâu rộng, có hồn thơ tinh tế và phong cách khiêm nhường của một nhà nho.
Ngô Linh Ngọc, nhà báo chiến đấu
Anh Ngô Linh Ngọc gia nhập làng văn rất sớm. Anh đã từng kết giao với nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng thời ấy như Lê Văn Trương, Vũ Hoàng Chương, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bình, Hồ Dzếnh… Nhưng anh cũng sớm có thiên hướng nghiêng về các đề tài xã hôi. Cho đến nay, ngay từ trước cách mạng tháng Tám, anh đã viết những bài bút ký, những phóng sự về lớp người cùng khổ ấy, đặc biệt là trên tờ Việt Nam Hồn do nhà văn Lê Văn Trương chủ biên. Từ khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ cho đến khi ra đi vĩnh viễn, Ngô Linh Ngọc đã dành trọn đời mình cho báo chí. Tính chiến đấu của anh được thể hiện rõ ràng trong các bài viết cho nhiều tờ báo hàng ngày cũng như hàng tuần, đặc biệt là tờ báo mà anh đã dành hết công sức đóng góp như ờ Quân Du kích, Quân Việt Bắc, Tạp chí Tổ quốc, Báo Văn nghệ, Báo Thống nhất… sau này. Điểm đặc biệt của anh trong công tác báo chí là anh luôn luôn kết hợp báo chí với văn học, sự kết hợp đó được nhằm để phục vụ cho tầng lớp nghèo khổ, tầng lớp tiên phong trong phong trào chống Pháp lúc đó. Anh giãi bày: “… Vào bộ đội, gần gũi đêm ngày với các đồng đội trong những năm kháng chiến chống Pháp – đại bộ phận là nông dân, công nhân, được đọc thơ văn, kịch nói của các bạn văn nghệ sĩ trong quân đội, tôi yêu văn nghệ quân đội, đặc biệt là thơ bộ đội, thơ chiến sĩ. Yêu và khâm phục thực sự. Liệt sĩ, trung đội trưởng Ngô Quang Sen – bộ đội địa phương (Bắc Giang), chiến sĩ thi đua toàn liên khu Việt Bắc, trước trận đánh cuối cùng, đã đọc cho tôi nghe bài thơ cũng có thể là lần cuối cùng của anh, tả lại trận chống càn ở xã anh, trong đó, một số chị em nữ dân quân bị địch bắn chết trên quãng sông đầu làng. Tôi đọc câu thơ anh tả hình ảnh các nữ liệt sĩ nửa chìm nửa nổi dưới nước Răng đen rưng rức mà không thấy cười, nước mắt tôi trào ra, ngực tôi tức thở.
Ngô Quang Sen là người nông dân, không hề được cắp sách đến trường sao lại có câu thơ hay đến vậy (1).
Ngô Linh Ngọc, nhà thơ trong nhà báo ở thể thơ châm biếm
Ý thức sâu sắc về báo chí cần phục vụ thực tế cuộc sống, phục vụ cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc, nhà báo Ngô Linh Ngọc đã chọn một hướng đi cho mình, đó là chiến đấu bằng hình thức thơ châm biếm, thơ đả kích. Thể loại này rất có tác dụng với quần chúng, là loại chiến đấu trực diện với kẻ thù.
Thơ châm biếm, thơ đả kích của anh đăng rải rác trên các báo, tạp chí, phát sóng trong các chuyên mục của Đài tiếng nói Việt Nam trong chống Mỹ rất đa dạng, có khi đó là bài thể phú, có khi nó lại mang thêm một mầu sắc trữ tình. Trong bài thể phú, dù nội dung của bài viết thế nào thì hình thức của nó vẫn phải là một bài phú nghiêm chỉnh, hình thức nghiêm chỉnh nó đảm bảo cho tính sắc bén của nội dung.
Chúng ta hãy nghe một đòn đả kích của Ngô Linh Ngọc trong một bài đả kích thể phú:
“Hỡi ơi!
Vũ khí luận Huê Kỳ
Bùa vạn năng đế quốc
Gối đầu giường các vị tướng cao bồi
Thờ chính diện mấy tòa lầu ngũ giác
Nào bí quyết chẹn đường cướp của: ‘Đánh nhanh thắng gấp, ngoạm mau”
Lại cẩm nang lấy thịt đè người: “cậy khỏe, lấn bừa, bám chắc”
Thu nhân tâm bằng họng súng, lưỡi lê
Thuyết nhân đạo bằng máy bay đại bác(2)
Qua các câu thơ trên, ta thấy rõ nét những luận điểm phê phán thực chất cái gọi là “Vũ khí luận Huê Kỳ”. Sau đó, anh vạch ra tính tất yếu thất bại của loại “vũ khí luận” ấy:
“Dậy rằng
Liệu nhé Giôn ơi
Binh thư cá mập hết thời đã lâu
Sách mèng đã hóa tã lau
“Lừa” già đeo nặng vàng mau vẹo sườn!
Đi đâu? Đi quách về vườn!(3)+
Toàn bộ bài trên, tuy rất dài, sắc bén về nội dung đả kích, nhưng vẫn giữ được hình thức nghiêm trang của thể phú.
Lại có những trường hợp bài thơ đả kích của Ngô Linh Ngọc dưới bút hiệu Búa Đanh, một mặt vẫn giữ tính chất châm biếm, nhưng mặt khác lại có thêm mầu sắc trữ tình, làm sâu sắc tính châm biếm của nó. Chúng ta hãy nghe mấy câu sau đây trong bài Khúc hát mùa thu của anh:
“Mưa rơi ngoài Bạch ốc
Như rơi trong lòng … Giôn
Từng giọt dài thánh thót
Ơi buồn ơi, hỡi buồn (4)
Là người am hiểu thơ ca Pháp, nhà thơ đã khéo vận dụng ở bài thơ châm biếm trên khiến ta như nghe thấy tiếng vọng của bài thơ trữ tình “Khúc đoản ca bỏ quên” của P.Verlaine:
Như mưa trên phố vắng
Lệ dạt dào tim ta
Nỗi buồn nào sâu lắng
Xâm nhập vào tim ta(5)
Ngô Linh Ngọc, nhà thơ trữ tình
Tuy chúng ta chưa được đọc nhiều bài thơ trữ tình của Ngô Linh Ngọc, nhưng với những bài đã đăng, chúng ta phải kể đến anh trong thơ trữ tình Việt Nam, bởi vì qua các bài đó, người ta có được những cảm xúc mạnh mẽ, chân thực với những vần điệu độc đáo của riêng anh.
Trong bài thơ “Trăng đêm mười chín”, đêm đầu tiên của các trận đánh bảo vệ thủ đô Hà Nội, mở đầu cho cuộc kháng chiến toàn quốc năm 1946, Ngô Linh Ngọc, với tư cachs là nhà thơ tự vệ thành, đã thêm một nét trữ tình rất đẹp vào bản hùng ca của cuộc chiến đấu:
“Trên tầng mây sáng, giữa trời cao
Một vành trăng mới vòng cung lượn
Lấp lánh hai đầu hai ngôi sao
Cùng sao năm cánh như ta nhỉ
Trăng đã cùng ta đánh trận đầu (6)
Trăng lưỡi liềm hiện ra giữa hai ngoi sao trong chòm sao trên đầu những người tự vệ thành Hà Nội đang chiến đấu sống chết với kẻ thù, thế mà người tự vệ ấy vẫn còn nhìn thấy vẻ đẹp của vầng trăng, hơn nữa còn nhận ra hiện tượng kỳ lạ 500 năm mới xuất hiện một lần là vầng trăng lưỡi liềm nằm giữa hai chùm sao vào đêm ấy.
Những câu thơ hay như vậy có rất nhiều trong thơ trữ tình của Ngô Linh Ngọc.
Ngô Linh Ngọc, người dịch thơ Đường và thơ chữ Hán Việt Nam
Là con một nhà nho, được học chữ Hán từ nhỏ với gia đình, lại có được một hồn thơ tinh tế, Ngô Linh Ngọc rất có hứng thú trong việc dịch các bài thơ Đường, thơ Hán Việt Nam ra Tiếng Việt. Mặc dù các bài thơ anh dịch, có nhiều bài đã được người khác dịch, trong đó có cả những nhà thơ nổi tiếng, anh vẫn cứ làm việc đó, vì anh cho rằng mỗi bài thơ hay đều mang những dấu ấn khác nhau từ mỗi người dịch, do góc độ suy tư và góc đọ cảm thụ của họ rất khác nhau.
Đọc lại những bài thơ dịch của Ngô Linh Ngọc, người ta thấy anh không những tôn trọng nguyên tác, mà còn cố gắng giữ được nhịp điệu của nó. Anh gắng thâu nhận hồn thơ của người xưa và chuyển thành thơ Việt với những đêm suy nghĩ, trăn trở để có những bản dịch tốt nhất, truyền cảm. Chúng ta có thể thấy được điểm đó, khi đem so sánh một đoạn thơ trong nguyên tác bài thơ “Tương tiến tửu” (Cùng chuốc chén) của nhà thơ Lý Bạch:
“Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai
Bôn lưu đáo hải bất phục hổi
Hựu bất kiến cao đường minh kính bi bạch phát
Triêu như thanh ti, mộ như tuyết
Nhân sinh đắc ý tu tận hoan
Mạc sử kim tôn không đối nguyệt”
Với bản dịch của Ngô Linh Ngọc:
“Người chẳng thấy:
Sông Hoàng Hà tuôn nước lưng trời kia
Đổ xuôi ra biển chẳng thấy về
Lại chẳng thấy:
Tóc bạc trước gương sầu chẳng xiết
Sớm như tơ xanh, chiều như tuyết!
Đời người đắc ý nên thật vui
Chớ để chén vàng xuông dưới nguyệt” (7)
Hoặc so sánh một đoạn trong nguyên tác bài “Long thành cầm giả ca” (Bài ca người gảy đàn ở thành Thăng Long) của Nguyễn Du:
“Tây Sơn cơ nghiệp tận tiêu vong
Ca vũ không di nhất nhân tại
Thuấn tức bách niên năng kỷ thì
Thương tâm vãng sự tận triêm y
Nam Hà quy lai đầu tận bạch
Quái để giai nhân nhan sắc suy
Long nhãn trừng trừng không tưởng tượng
Khả liên đối diện bất lương tri”
Với bản dịch của Ngô Linh Ngọc:
“Tây Sơn sự nghiệp tan rồi,
Múa ca sót lại một người còn đây
Trăm năm một thoáng vèo bay
Truyện xưa nhắc lại tuôi đầy giọt châu
Về Nam ta đã bạc đầu
Huống gì người đẹp má đào chẳng phai
Trừng trừng cặp mắt giương hoài
Khá thương đối mặt, đôi người chẳng hay (8)
Ngô Linh Ngọc, nhà nghiên cứu ca trù
Trước  Ngô Linh Ngọc đã có một số người nghiên cứu về ca trù, trong đó có nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát. Ngô Linh Ngọc có những đóng góp đáng kể về mặt nghiên cứu thể loại này. Tiếp bước những người đi trước, anh đã bỏ nhiều công sức khái quát lại những vấn đề cơ bản của ca trù, trình bày thành hệ thống những vấn đề đó để những người yêu thích ca trù có thể có được nhưng tri thức sâu rộng và chính xác về thể loại này.
Ngô Linh Ngọc đã trình bày âm luật của ca trù, tiếng hát và các nhạc khí, những điệu hát thông dụng (thét nhạc, hát giai, hát múa đại thạch, đào luồn kép vói, ngâm vọng, hát nói…) anh đặc biệt lưu ý đến vai trò của phách và đàn đáy trong ca trù (9). Chính vì có sự hiểu biết sâu rộng về ca trù cho nên mỗi khi bàn đến ca trù là người ta phải kể đến anh, và chính anh đã cùng đoàn ca trù sang biểu diễn ở Pháp, và trình bày những đặc điểm của thể loại này với các học giả nươc ngoài.
Anh Ngô Linh Ngọc đã ra đi. Nhưng, những gì mà anh lại trong lĩnh vực báo chí và thi ca là đáng được trân trọng và giữ lại.
Hy vọng rằng suy nghĩ trên không phải là của riêng tác giả bài viết này.
 
V.H.Đ
 
---------------------
(1) Ngô Linh Ngọc – Tự bạch
(2), (3) Rút trong tập Đòn bút (tuyển tập thơ đả kích chống Mỹ), NXB tác phẩm mới
(4) Sách đã dẫn
(5) Trong bài Khúc đoản ca bỏ quên của P.Verlaine, in trong cuốn thơ Pháp thế kỷ XIX, bản dịch của Trần Mai Châu, NXB Trẻ thành phố HCM năm 1999, trang 221
(6) Rút trong tập thơ kháng chiến chống Pháp, NXB tác phẩm mới
(7) Rút trong tập thơ ca trù, NXB Văn học
(8) Trong tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du, NXB Văn học
(9) Thơ ca trù, Sách đã dẫn.
 
 
 
 
 
B - MỘT SỐ TÁC PHẨM TIÊU BIỂU
 
1. Thơ trữ tình:
 
ĐÊM CHIẾN DỊCH
  
Voi thép rung rừng leo đỉnh dốc,
Xe thồ nườm nượp qua đèo cao,
Rừng khuya thình thịch chân người bước,
“Hò lơ, hò lo” câu nối câu.
 
Xóm nhỏ thâu đêm không chợp mắt
Nhịp chày giã gạo tiếng cười ran;
Điện Biên mai mốt tan đồn giặc
Anh sẽ về đây đón… các nàng!
 
Gạo giã vừa xong bao đóng rồi
Ngoài sân còn lại bóng trăng soi
Đầu hiên bà lão quê Hà Nội
Còn đứng nhìn theo sáng nụ cười…
                                                    1946
 
 
 
 
 
 
 
     TRĂNG ĐÊM MƯỜI CHÍN
 
Ánh điện phố phường vụt tắt
Vút cao rồi, ngọn lửa hồn ta
Răng nghiến nuốt đau, trán quần nhịn nhục
Đêm nay thỏa nhé, khúc quân ca!
 
Lửa đốt sân bay, pháo dồn Cửa Bắc
Phố hẻm, ngõ sâu, diệt lô cốt giặc
Chặn bước thù, sấu đổ nằm ngang
Ét – xăng chai lật ngửa xác xe tăng!
 
Hà Nội đứng lên
Ngời rạng ánh Sao Vàng!
Rầm rập bước chân người trong khói lửa
Náo nức tin vui về ngõ tối
Lá thư Bộ tổng nét chì sao
Súng bỏng bàn tay, bỏng chiến hào!
 
Vọng tiếng cười ran bên ụ thép
Trên tầng mây sáng giữa trời cao
Một vầng trăng mới vòng cung lượn
Lấp lánh hai đầu hai ngôi sao
Cũng sao năm cánh như ta nhỉ
Trăng mới tong quân đánh trận đầu.
                 Chiến hào Bạch Mai – Hà Nội
                 Đêm 12/12/1946
-----------------------
      (1) Đêm 19-12-1946, giữa lúc quân dân ta nổ súng đánh Pháp, trên trời vầng trăng lưỡi liềm hiện ra, hai đầu có hai chùm sao (ba, bốn sao nhỏ) lấp lánh trông như gắn vào vầng trăng. Đây là một hiện tượng rất lạ làm phấn khởi lòng mọi người dân lúc đó. Có nhà thiên văn học nói hiện tượng này 500 năm mới xảy ra một lần.
 
 
 
 
 
 
 
    NHÀ NHO KHÁNG CHIẾN
           Kỷ niệm Hội nghị Liên khu Việt Bắc,
          tặng các cụ trí thức nho học lão thành
 
Quẳng mái nhà tranh, ngọn bút lông
Nhà nho đi gánh việc non sông
Góp cùng buổi mới năm xe sách (1)
Hẹn với người xưa một tấm lòng
Thêm đẹp rừng xanh màu chính khí
Càng tươi sóng đỏ nét nho phong
Bài thơ “Thoái lỗ” (2) cùng ngâm tiếp
Đón Bác về vui “rượu một chung”…
                                                Việt Bắc 1948
-----------------------
(1) Trịnh Huyền đời Tấn ham đọc sách, khi dọn nhà đem theo năm xe sách quý.
(2) Thoái lỗ: Thơ đuổi giặc.
 
 
 
 
 
 
TRĂNG RỪNG VIỆT BẮC
                 Kỷ niệm đêm đầu tiên lên Việt Bắc
 
Trăng rừng nháy giữa tán tròn xoe
Rừng rối âm u, đóm lập lòe
Cối gạo đầu khe dồn lốp cốp
Đàn gà đỉnh núi gáy te te
Nhà sàn thấp thoáng hương cau ngát
Trâu trại gần xa tiếng mõ dè
Bếp lửa nhà ai, chồng với vợ
Nhịp nhàng điệu hát, đứa con nghe!...
                                                  Na Hoàn, 1948
 
 
 
 
 
 
 
NẤM CỎ ĐỒI SIM
            Tặng hương hồn Hồ Xuân, vợ tôi
 
Từ thuở biết anh chỉ một lần em khóc
Hôm mẹ già cười qua nước mắt
Tiễn em ra xe hoa
Về với anh, nghèo khó đợi quanh nhà
Hà Nội cháy, em chẳng hề run sợ
Thanh thản theo anh bước vào khói lửa
Sống chẳng lìa đôi, chết cũng chung đôi
Nụ cười son không ngớt nở trên môi
Quang gánh sớm khuya, mom sông tần tảo
Cô gái Hà Thành, tay mềm vai yếu
Trồng sắn nuôi con, góp gạo nuôi quân
Đợi ngày mai đất nước bình an
Vui chiến thắng trở về phố cũ
Anh lại làm thơ, em theo chợ búa
Con đi trường, ríu rít tiếng chim non
Giấc mộng em xây, bé nhỏ, giản đơn
Trong khói lửa bỗng tan tành sụp đổ
Bài hát “Đợi anh về” em chẳng còn hát nữa
Con cũng không còn chờ bố rẽ về thăm
Đất lạnh ven đồi, hai nấm cỏ âm thầm
Em nằm đó, con thơ ngây nằm đó!
Anh đứng sững, nghe tìm tìm rực lửa
Nghe đất trời ran tiếng thét “xung phong!”
Nấm cỏ
Đồi sim
Máu rỏ mãi trong lòng!
 
 
 
 
 
 
 
 
ĐOÀN QUÂN LƯU VONG
(Khoảng năm 1949, giặc Pháp dùng kế sách “tam quang”, càn quét khủng bố rất mạnh tỉnh Sơn Tây, nhiều cơ sở kháng chiến của tỉnh phải bật sang Vĩnh Phúc xây dựng lực lượng, thường xuyên vượt sông trở về gây cơ sở trong lòng địch. Cái tên “Du kích lưu vong” xuất hiện ở Sơn Tây thời đó)
- Anh đi đâu đấy hỡi anh?
Gió lạnh, bờ đê thẫm tối
Trại giặc, ánh đèn le lói
Đầu sông tiếng súng nổ nhanh
Bốt thù ngập ngụa máu tanh
Chúng cười, chọc tiết dân lành uống chơi
Thành Sơn lửa đốt tơi bời
Làng quê thoi thóp vài hơi thở tàn
Anh lẻn đi đâu, gồng gánh nặng
Sông khuya, đò yếu cũng sang ngang
Hay về phố cũ buôn hàng giặc
Lối tắt, đường quanh bước vội vàng?
- Không, không, bà quán hỡi,
Gió lạnh quét đồng hoang
Mở cửa, đừng nghi ngại
Con là trai dưới làng
Đêm khuya lặn lội đò giang
Vượt qua súng giặc lần sang bên này
Gạo ngô chở một gánh đầy
Cho đoàn du kích giết Tây no lòng!...
- Thôi, con! Đừng nói nưa
Vào đây, bếp lửa hồng
Sưởi lại bàn tay cóng
Cháo hoa đây, lót lòng
Con tôi cũng đội lưu vong
Chồng tôi mắt lóa, lưng còng cũng theo
Đêm nay đạn thét lửa reo
Có như chiếc lá rựng vèo bến sông!
- Bà ơi, bà cứ yên lòng
Xứ Đoài đã khắp nơi cùng đứng lên
Nhất thiêng là núi Tản Viên
Giặc kia nào dễ ở yên đất này
Quân dân ta đã hẹn ngày
Sạch sành sanh diệt hết bầy sói lang!
                                                 Bên Tự 1949
 
 
 
 
 
 
 
ĐÊM TẠM TRÚ
 
            Tặng Trần Ngọc Định, trạm trưởng trạm lưu trú
            Liên khu Việt Bắc
 
Gà gáy canh tư đêm vẫn dài
Trầm trầm sương xuống lạnh nương khoai
Ba gian trần trạm sàn thiêm thiếp
Lửa bếp lom dom, tí tách hoài
 
Cô lính văn công nồng giấc ngủ
Nụ cười đêm diễn vẫn trên môi
Anh bưu tá trẻ, khuya vào trọ
“Túi dết” (1) khư khư giữ cạnh người
 
Lính cậu Thủ đô lên Việt Bắc
Bàn chân đi khắp Hoàng Liên Sơn
Tình ca vùng Thái đêm khuya kể
Giấc ngủ canh thâu mãi chập chờn
 
Gà gáy canh năm, còn tối mịt
Ngoài sân đã rộn tiếng anh nuôi
Giục nhau chạy gấp thêm rau, đậu
Chiến dịch còn đông “khách” ghé chơi…
 
 
 
 
 
 
 
     GẶP GỠ
           Tặng Hằng yêu quý
 
… Sinh trong cảnh nghèo khó
Hai ta cùng khổ cả
Kháng chiến diệt quân thù
Em đã hóa thành gái góa
Anh cũng đã một thời
Khóc con cùng khóc vợ
Tản cư thiếu thuốc men
Giữa đồng hai nấm cỏ!
 
Cùng chung một nỗi đau
Cùng nguyện đòi hết nợ
Đừng khóc nữa em ơi
Giặc sắp tan rồi đó
Xóa sạch bóng sài lang
Đón xuân đời rộng mở…
 
Nào  em xiết chặt đôi tay
Ngả vào nhau mái tóc đầy gió sương
Đọc tên người cũ nguyện rằng
Khóc người, ta hẹn khóc bằng chiến công…
                                        Việt Bắc cuối thu 1953
 
 
 
 
 
 
 
XÀ LIM HUYẾT CA
     Kỷ niệm Nhà tù Hỏa Lò Hà Nội năm 1940,
     Kính tặng hương hồn các liệt sĩ cách mạng Việt Nam
 
I
Tường đá dầy ken chừ, trong đêm vút cao
Hau háu chòi canh chừ, mắt cuồng chó ngao
Sân vắng mênh mông chừ, gió đông lạnh buốt
Lăn lóc đầu lâu chừ, lá khô xào xạc
Hay tiếng hồn oan chừ, thầm thì gọi nhau
Khóa sắc lanh canh chừ, cửa buồng nào đó(1)
Ai sắp ra đi chừ, chưa nghe tiếng chào!
II
Xà lim hay rẫy mồ sâu
Hành lang mờ mịt, máu nâu nhuộm tường
Chân cùm, thép lạnh thấu xương
Khúc ca sông Dịch canh trường gió reo!
Tiệm Ly, tiếng trúc vọng theo
Nghẹn ngào ma khóc, cú kêu não nùng
Kìa ai khúc quẫn, đường cùng
Đầu rơi, mắt vẫn trừng trừng lửa căm
III
Xà lim, xà lim chừ, mi nghe thấy chăng
Cùm sắt, cùm sắt chừ, hôm mở toang
Ta đứng lên đây chừ, tóc xuyên mái ngói
Hồn ta cao ngàn trượng chừ, vút cánh sao băng
Ta chẳng làm ma chừ, ta không làm quỷ
Đầu ra rụng xuống chừ, máu ta càng hăng
Bảy sắc cầu vồng tô đất Việt
Cho tre Phù Đổng đẹp thêm măng
Xương trắng ngoài kia chừ, vào đây các bạn
Xà lim huyết ca chừ, cùng nhau hát vang!...
                                  Hà Nội, trước xà lim tử tù, 1941
 
 
 
 
 
 
 
 
CÂU CHUYỆN NGƯỜI DU KÍCH VEN SÔNG NHỊ
 
Tôi có một người anh
Người mạnh mẽ tinh nhanh
Xuôi ngược làm thuê mãi
Gia đình vẫn thiếu ăn
 
Từ ngày Pháp gây hấn
Cả nước vào chiến tranh
Anh về quê lánh nạn
Đời sống càng khó khăn
 
Chị thường tính quẩn, lo quanh
Trống tro một túp lều tranh bến đò
Quán nghèo, chợ vắng, co ro
Đàn con bên nách thập thò đòi ăn
 
Một hôm Pháp ập đến
Cướp của, đốt nhà dân
Quán hàng thiêu trịu hết
Tiền nong vét sạch sanh
 
Anh tôi vầng trán nhăn thêm mãi
Trước lũ con thơ rách áo quần
Trước chị dâu tôi gà má xạm
Chạy ăn từng bữa héo hon dần
 
Căm giận quân cướp nước
Anh xin vào nhà quân
Quyết diệt loài sói dữ
Uống máu người không tanh
 
Chí cao xua hết nhọc nhằn
Đoàn quân du kích chuyên cần, mải mê
Phá đường tỉnh, cắt đường quê
Rỡ cầu cản địch, giồng tre giữ làng
 
Rồi một đem tối mịt
Thuyền nhỏ vượt sông sang
Quân với dân hợp lực
Đồn giặc vỡ tan hoang
 
Tiếng khen đòn khắp thôn làng
Anh tôi giết gọn năm thằng giặc Tây
Bị thương, máu ngực phun đầy
Lưỡi đao còn múa, chặt bay sọ thù
 
Khói hương tỏa ngút đêm mờ
Cha tôi ngồi trước bàn thờ anh tôi
Điếu cày rít khẽ từng hơi
Bập bùng lửa đóm lóe soi bóng già
Ban đầu quân xã lập ra
Tên ghi đầu sổ đó là tên ông.
                                    Thu Đông 1947
 
 
 
 
 
 
 
TIỄN CHỊ HỒ(1) LÊN TIÊN
 
Xa nhau rồi đó chị Hồ ơi
Phi vụ trần gian dứt hẳn rồi
Sênh phách trả cho nghề Tổ giữ
Thuyền thơ đem để bạn tiên chơi
Trăm năm trò thế vèo xong nợ
Một hội mơ xuân đã thỏa đời
Khúc hát Tỳ Bà (2) lưu lại đó
Giọng oanh còn mãi gió chơi vơi.
----------------
 
(1) Nghệ sĩ nhân dân Quách Thị Hồ
(2) Bài hát được tặng giải thưởng của UNESCO.
 
 
 
 
 
 
 
TUỔI 80
 
Vèo tan bao ảo giác vèo qua
Ngưỡng tuổi tám mươi
Bàng hoàng quay lại
Phố cũ hào hoa
Quán lau đồi núi
Bến đò chiều
Ngơ ngác mình ta!...
                              1982
 
 
 
 
 
 
 
CÒN ĐỂ LẠI
 
        Người ta chết đi có những gì để lại
Những đồng vàng, khúc hát, bài thơ…
Vẫn còn thiếu những mảnh tình ngang trái
Những lời yêu đương chưa được nói bao giờ!...
    8-1970
 
 
 
 
 
 
HUẾ ĐẸP NGÀN THƠ
 
Thuở ấy tôi đi tìm Suối Nhạc
Hành hương một buổi đến sông Hương
Nắng mai tỏa ấm men Hương – Ngự
Ngây ngất hồn tôi mỗi bước đường
 
Gió thoảng hương cau vườn Vỹ Dạ
Mây lồng nệm cát bãi Nghinh Lương
Trong veo Đập Đá mùa trinh nữ
Áo trắng rờn bay trắng lớp, trường
 
Chiếc nón bài thơ, mái tóc ai
Tóc aim un chảy xát bờ vai
Huế ngàn duyên lượn nghiêng vành nón
Soi bóng dòng Hương vẫy lại người
 
Thấp thoáng Đông Ba đèn họp chợ
Mơ màng Cồn hến trống sang canh
Mái chèo khua nhịp đàn xa vắng
Điệu lý Năm Canh thắm nghĩa tình
 
Huế đẹp ngàn thơ, Huế, Huế ơi!
Ngàn thơ đẹp mãi giữa tim tôi
Câu hò đêm ấy, người đêm ấy
Một khúc Tương tư… Huế vạn đời!
 
 
 
 
 
 
 
NHỚ VÀ THƯƠNG
 
Đời người kể biết bao thương nhớ
Nỗi nhớ nào không gắn niềm thương
Tội nghiệp bấy con tim già cỗi
Nhớ thương đầy hai ngả âm dương.
                                              5-1995
 
 
 
 
 
NẾU CÒN THÌ…
                            Tặng chú tôi
 
Toi chăm học từ nhỏ
Dưới tuổi lên mười
Chữ Hán thuộc lòng, học một nhớ hai
Chẳng sợ roi mây thầy dọa
Sử Nam, Bắc, thơ “ngàn nhà” thuộc cả
Chú đi cày về xem vở gật đầu khen
“Nếu còn thì
Họ nhà này bảng lớn chắc đề tên”
Khôn lớn mai này, tôi mới biết
Nghề lều chõng, tự lâu rồi, đã hết
Chú tôi từng được mãi cả làng khen
“Nếu còn thi…”
Mái lều tranh trong xóm nhỏ tá điền
Còn chữ chú, tết nào xưa: “bần nhi lạc”
Nét chữ Lan Đình, phượng múa rồng bay
Nghèo túng một thời, chẳng giảm chút
Hoa tay!
 
 
 
 
 
 
 
2. Thơ ca trù
 
TRƯNG NỮ VƯƠNG
 
Giết giặc xé nề đâu phận gái
Trưng Nữ Vương chèo lái quyết rat ay
Đất Phong Châu phấp phới ngọn cờ bay
Đuổi Tô Định sáu lăm thành thu một giải
Một trấn sấm ran trời Lĩnh ngoại
Ngàn năm hương ngát dấu Mê Linh
Cõi trời nam riêng một triều đình
Cuột đồng dựng vẫn kinh hồn Hán tặc
Cứu quốc rạng ngời thiên dựng nước
Giống Rồng Tiên cân quắc rõ anh hung
Muôn đời gương sáng soi chung.
 
 
 
 
 
 
 
ĐÊM PARIS NGHE TIẾNG HÁT CA TRÙ
 
Mưỡu
Tỳ bà ai vẳng canh khuya
Trời Âu thức dậy hồn quê bao giờ
Dặt dìu tiếng trúc, tiếng tơ
Nhớ nao nao nhớ, mừng ngơ ngẩn mừng.
 
 
Hát nói
Trùng dương vạn dặm
Khúc tỳ bà dầm ấm giọng quê hương
Tiếng phách gieo, sóng dậy suốt canh trường
Trời Âu dựng mênh mông mang hồn nước Tỏ
Chén rượu Tản Đà, câu “hỏi gió”(1)
Mái chèo Yên Đổ, mặt Hồ Tây(2)
Tiếng trống chầu thao thức những đêm say
“Thề non nước” “Nợ tang bồng” (3) dồn nỗi nhớ
Hoài khúc Thăng Long, hồn viễn phố(4)
Lời ca “nhắn bạn” giọng Sào nam(5)
Tiếng hát ca trù bén quyện với giang san
Đang bay bổng giữa xuân Rồng đất việt
Trời viễn xứ nhích gần muôn dặm tuyết
Nghe quê nhà náo nức vọng lời oanh
Ấm lòng một khúc dương tranh.
-------------------
(1) Thơ Tản Đà
(2) Thơ Yên Đổ (Nguyễn Khuyến)
(3) Thơ Tản Đà, Trần Tuấn Khải
(4) Ý thơ Bà Huyện Thanh Quan
(5) Thơ Phan Bội Châu
 
 
 
 
 
 
DẤU ẤN HỒ GƯƠM
 
        Mưỡi 
Trăng vờn ngấn nước long lanh
Gió gờn bóng liễu đan mành rủ tơ
Trả gươm, chuyện cũ bao giờ
Bia Lê còn đó, Tháp Rùa còn đây…
 
Hát nói
Đền cổ mái rêu lồng bóng nước
Nắng đào Thê Húc nhịp cầu son
Bên Đài Nghiên, Tháp Bút đứng chon von
Chép hào khí Thăng Long ngàn vạn thuở
Tả vọng đài xưa, đường liễu rủ
Trấn Ba Đình cũ, bóng trăng in
Hồn nước non hòa đậm vẻ thiên nhiên
Hồ Gươm với Rùa Thiêng còn mãi đó
Sao năm cánh dọi rừng cờ thắm đỏ
Gươm ngàn xưa truyền lại cháu con đây
Liễu hồ rải biếc tầng mây.
 
 
 
 
 
 
 
NGÔ VĂN PHÚ
 
- Họ và tên khai sinh: Ngô Văn Phú
- Sinh năm 1937
- Bút danh: Ngô Bằng Vũ, Đào Bích Nguyên…
- Quê quán: Xã Nam Viêm, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc
- Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ 1970)
 
- Tác phẩm chính đã xuất bản:
    Đã xuất bản 234 đầu sách
- Giải thưởng văn học:
* Giải truyện ngắn báo Văn học, Hội Nhà văn, 1958.
* Giải nhất thơ và giải 5 năm Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội (1975-1980).
* Giải thưởng 5 năm Hội Văn học Vĩnh Phú (1975-1980).
* Giải A về thơ (tập Heo may) của Ủy ban Toàn quốc các Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam (1998).
* Giải nhất Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (Trường ca Mùa thu nhớ Bác) năm 2000.
* Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
* Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng nhì 1985, do Chủ tịch nước tặng.
* Huân chương lao động hạng 3 do Chủ tịch nước tặng…
 - Suy nghĩ về nghề văn:
Tôi nghĩ rằng, nhà văn phải có thiên bẩm, phải học tập không ngừng, có một vùng đất gắn khát khao của cả một đời người. Nhà văn phải tự nhận ra mình trước những trang viết đầy trách nhiệm và thuyết phục. Đừng để tư liệu choáng ngợp hư cấu. Đừng để hiện thực lấn át sáng tạo. Đừng lóa mắt trước những hình thức có vẻ như mới nhưng không hợp với tạng phủ của mình, song cũng đừng quá ôm ấp những vinh quang mà mình đã gặt hái trong quá khứ…

A - TRONG KÝ ỨC BẠN BÈ 

NGÔ VĂN PHÚ
DẤU ẤN QUÊ MÙA TRÊN THI ĐÀN 
Nguyễn Hoàng Sơn 
Ngô Văn Phú, tên thật cũng là bút danh. Sinh ngày 8/4/1937 tại làng Khả Do, xã Nam Viêm, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội (khoa văn), nhiều năm làm báo chí, xuất bản. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đã xuất bản 180 tựa sách bao gồm nhiều thể loại: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, biên khảo, dịch thuật…Tuyển tập thơ Ngô Văn Phú (Nxb. Hội Nhà văn. 2000) gồm 374 bài, 440 trang in.
Trong phong trào Thơ mới trước 1945, có hai người nổi tiếng về thơ đồng quê là Nguyễn Bính và Đoàn Văn Cừ (có thể kể thêm Anh Thơ, tác giả “Bức tranh quê”, nhưng về khái quát chỉ hai cái tên trên là đủ). Nguyễn Bính tài hoa, viết nhiều, sống lăn lóc, bạt tử, vào Nam ra Bắc, đến đâu cũng để lại những giai thoại hay có, dở có nên được công chúng văn học biết đến nhiều hơn. Đoàn Văn Cừ viết ít, gần như cả đời sống ở làng quê Trực Ninh, Nam Định nên lượng bạn đọc ít hơn là cái chắc. Nhưng đừng dại dột đem so thơ ông này với ông kia rồi bảo rằng ai hơn, ai kém! Hai ông là hai mặt của tâm hồn đồng quê Việt Nam, thiếu mặt nào cũng là đáng tiếc. Đoàn Văn Cừ là tâm hồn đồng quê “thứ thiệt”, thật thà, hồn hậu, cam chịu, vui với người quê, cảnh quê. Phiên Chợ tết trong thơ ông vui mắt như một bức tranh làng Hồ. Những U tôi, những Ông đội quê mùa, được mô tả bằng đôi ba chữ giản dị mà sinh động vô cùng. Nguyễn Bính lại là hồn quê đã ngả màu phố huyện, màu thành thị. Ông trách cô gái ra tỉnh “Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” nhưng chính ông còn…tỉnh hóa bằng mấy! Những “nàng”(Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn): “người”(Người đi phiêu bạt giang hồ/ Chị về giồng cỏ nấm mồ thanh xuân) với những mối tình dang dở, éo le của Nguyễn Bính thật ra chẳng quê một chút nào, có lẽ chỉ có trong tưởng tượng của các cô cậu học trò phố huyện đầu óc thấm đẫm những chuyện tình ái mùi mẫn kim cổ? Vậy mà Nguyễn Bính vẫn là nhà thơ được thuộc, được nhớ, được ngâm nga nhiều nhất.
Ngô Văn Phú có vẻ muốn tiếp nối cái mạch thơ Đoàn Văn Cừ nhiều hơn là Nguyễn Bính! Ông cũng tiếp nối cái mạch thơ điền viên thôn dã vốn rất được ưa chuộng trong thi ca cổ điển Trung Quốc và Việt Nam. Nông thôn của Ngô Văn Phú, nhất là trong những tập thơ đầu (Gió vào trận bão - 1964, Tháng năm mùa gặt -1978…) là nông thôn hợp tác hóa, cần cù, vất vả nhưng vui sống, tin tưởng-nhưng định ngữ sau chữ “nhưng” là cái mới của Ngô Văn Phú so với họ Đoàn. Bài ca dao “Mây và bông” (1961) nổi tiếng một thời gần như quy định cho cái “giọng” của cả đời thơ Ngô Văn Phú: “Trên trời mây trắng như bông/ Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây/ Những cô má đỏ hây hây/ Đội bông như thể đội mây về làng”. Đây là thể “tỉ” trong ca dao truyền thống: so mây với bông rồi so bông với mây. Giữa cái vòng trắng luẩn quẩn ấy có một chấm đỏ chuyển động: Những cô má đỏ hây hây tạo nên dòng chảy cho màu mây về làng. Đơn giản vậy mà rất ấn tượng và hiệu quả: ca ngợi cuộc sống mới, con người mới vừa thành tâm vừa “nghệ thuật”, ăn giải Nhất cuộc thi ca dao là xứng đáng. Cũng năm này, Ngô Văn Phú còn có một bài thơ được giải Khuyến khích cuộc thi của tạp chí Văn nghệ, bài “Các anh về” (tặng các đơn vị khai hoang), với câu thơ đặc tả cái nóng ghê người của vùng đồi “Nắng lửa căng vênh mũ đội đầu!”. Đây là hình tượng mang đặc trưng của bút pháp Ngô Văn Phú: chi tiết, cụ thể rất đắc dụng trong thể ký, ấn tượng, pha một chút hóm hỉnh. Bài “Thăm bạn học cũ” làm nghề nuôi cá chẳng hạn, sẽ rất chán, nếu không có những chi tiết cụ thể, mang công phu của nhà văn “đi thực tế” như cái khổ cuối này “Thay quần áo lên giường/ Ôm lưng tôi bạn ngủ/ Bàn tay còn lạnh tanh/ Mãi mà không hết giá!”. Cả những bài viết về đề tài chiến trường, đáng nhớ nhất vẫn là những câu, những đoạn khéo sử dụng chi tiết “Nấu nước ống bương/ Xào thịt voi thịt khỉ/ Ớt rừng cay xoa xuýt khen ngon/ Cái ngứa bữa đầu ăn bữa canh mon/ Gãi mép nhìn nhau cười rúc rích…”(Bếp lửa rừng, 1968). Thơ Ngô Văn Phú giàu chất tự sự, bề bộn chuyện đời và cảnh sắc nhiều vùng đất nước. Ông lại viết nhiều, in nhiều, có lẽ là nhiều nhất trong các nhà thơ hiện nay, bài nọ che lấp bài kia, thật khó mà nhớ được trọn vẹn một bài (có lẽ trừ cái bài “Mây và bông” đầu đời kia!). Nhưng nhiều câu thơ Ngô Văn Phú lảy riêng ra lại dễ nhớ vì chi tiết chọn lọc, độc đáo và cái hóm, nghịch quyện trong đó. Cùng viết về làng đồi, khi th ì ông khoe “Đêm vệ tinh bay qua với đường bay dài nhất/ Mùa hè, trời bắc cầu vồng qua nhà tôi”. Khi thì khiêm tốn,kín đáo hơn: “Sỏi dầy, thưa vết chân trâu/ Xem phim, muốn đứng ở đâu mặc lòng”. Đã có cả vạn câu thơ, bài thơ hay về mùa thu đất Bắc, Ngô Văn Phú vẫn có một cách nói riêng về thu, cái riêng của nét cười thầm “Mùa thu đi lúc nào không ai biết. Không cả chờ một cuộc tiễn đưa!”. Tôi vẫn nhớ bài thơ của ông nhan đề “Chùa Thày năm đánh Mỹ” (viết năm 1972), in năm 1977 trong tập thơ “Chùa Thày”, Sở VHTT Hà Sơn Bình xuất bản, không hiểu sao ông không đưa vào tập tuyển, có lẽ vì ông ngại trùng lặp với nhiều bài “thơ chùa” khác? Cái “chất” của Ngô Văn Phú rõ nhất trong khổ cuối “Thấy đạn ta vút lửa/ Thấy tàu bay Mỹ rơi/ Sân chùa sư vui quá/ Cùng dân làng reo cười!”. Các bậc chân tu cũng có lúc hồn nhiên, nhập thế bất ngờ như vậy. Cái a-mua này bàng bạc suốt các tập thơ của Ngô Văn Phú. Ông là người không chỉ chịu viết mà còn chịu học, chịu đọc, tham bác nhiều lĩnh vực. Trong cái vẻ ngoài xuềnh xoàng, quê mùa, lè phè ấy là sự tự tin, đôi lúc kiêu ngầm, bất cần “Cũng có lúc nên Chí Phèo một chút/ Bởi đời đâu luôn được công bằng/ Cũng có lúc đành nămg ăn vạ/ Con có đòi, mẹ mới cho ăn…”. Kiểu thực dụng này đúng là của nông dân, lắm khi được việc đáo để. Có thể đòi hỏi thêm điều này điều khác ở thơ Ngô Văn Phú. Nhưng phải ghi nhận ông đã để được dấu ấn quê mùa trên thi đàn sau 1945, cả về số lượng và chất lượng. Nông thôn Việt Nam, nhất là nông thôn bây giờ, phức tạp hơn nông thôn của Ngô Văn Phú, càng khác xa thời Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ. Nhưng đó là phần việc, cũng là “hương hỏa” dành cho những thi sĩ tương lai.
  Ngô Văn Phú có một khối lượng thơ tình khá lớn. Thơ tình của ông là thơ tình của một người đứng tuổi. Có buồn đau, nhớ nhung, nước mắt, sự thỏa mãn…nhưng tất cả đều mức độ. Giữa tình yêu với hôn nhân không xa nhau là mấy. Người yêu, với Ngô Văn Phú, trước hết và cuối cùng cũng chỉ là… “Đàn bà”: “Trong đời ta thiếu họ/ tính nết sẽ khác đi/ Nghĩ suy cũng khác/ Đàn bà/ lúc thơm như trái ngọt/ lúc đắng như mật cá mè/ Ta rạng rỡ…/ sụp đổ…/ Ta vui/ ta khổ/ Rời không xong/ Buông không nổi/ Đàn bà/ tiếng sét thuở yêu/ chiếc gậy trên đường đau khổ”. Đừng cho rằng thế là tầm thường hóa, dung tục hóa tình yêu. Ca dao xưa đâu phải chỉ một giọng sướt mướt, còn có cái khỏe mạnh, dám chấp nhận: “Ông chết thì thiệt thân ông/ Bà tôi sắp sửa lấy chồng nay mai/ Bà chất thì thiệt thân bà/ Ông tôi sắp sửa lấy ba nàng hầu!”. Suy cho cùng đã mấy ai dám chết vì tình! Về điểm này, Ngô Văn Phú thực và mới hơn Nguyễn Bính.
 
N.H.S
               
 
 
 
 
                                            
 
ĐỌC THƠ VỀ MỘT VÙNG ĐẤT
Tô Hà 
So với các nhà thơ cùng lứa, Ngô Văn Phú là một trong những tác giả viết khỏe. Đi ngang đồi cọ -1- mới xuất bản là tập thơ thứ sáu của anh.
Trong sáng tác, hầu như mỗi người chỉ có thể tung hoành trong một mảng đề tài nhất định. Mảng đề tài quen thuộc của Ngô Văn Phú chính là vùn đất cổ trung du ngoại thành Hà Nội, với xóm làng thấp thoáng sau bờ tre, lũy hóp, nhà cửa, vườn tược quần tụ trên thế đất gò đồi. Sáng dậy nghe tiếng gà láng giềng gáy, ngỡ như tiếng gáy trên nóc nhà. Mở cửa ra đã thấy mây trắng, núi xanh, cọ xòe tán lá, đồng ruộng tốt tươi, sông dài hút mắt. Có phải vì thế mà thơ anh đầy cảnh sắc:
Mặt đất òa xanh rộn rã mùa màng
Tiếng sấm mới bồn chồn con cá nhảy
Lá vây rừng. Núi đẹp đến thanh tao…
                       (Tháng hai)
------------------
(1) Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1986
 
Điều nổi bật trong thơ Ngô Văn Phú là tấm lòng gắn bó bền chắc với vùng đất chôn rau cắt rốn của mình. Nguyễn Bính có câu thơ phấp phỏng:
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều…
Con người thường thay tính, đổi nết, khi thay chốn, đổi nơi. Nhưng Ngô Văn Phú đã có gần nửa đời người học hành, công tác, sinh hoạt; vui buồn; lo toan; có mặt tại Thủ đô, mà “Hương đồng, gió nội” xem ra vẫn vẹn nguyên, đằm thắm.
Ta có thể bắt gặp trong thơ anh một chiều thu Tam Đảo, với cánh rừng thông chỗmưa, chỗnắng. Một phiên Chợ đầu đê lộng gió sông Hồng. Một ga xép, vài tán bàng non, với dãy phố nghèo, đi quanh quẩn vài vòng đã hết… Bên cạnh những bài thơ viết về kỷ niệm (Chợ đầu đê, Ga quê hương, Trời năm nay lại rét, Cơm trám, mưa hoa…) là mảng thơ cảm tác (Chiều vàng, Sấm tháng ba, Cỏ mật, Làng đồi, Hội xuân…)
Mở lòng trước thiên nhiên, tìh nghĩa với làng, với xóm, với gia đình, bè bạn là nội dung quán xuyến của tập thơ Đi ngang đồi cọ.Bản sắc tâm hồn, con người của một vùng đất hiện lên đây đó trong thơ Ngô Văn Phú khá rõ: Mộc mạc và tinh tế, hóm hỉnh và sâu sắc, chính xác, cụ thể, và mơ mộng, đắm say. Anh cảm rõ được cả cái “rùng mình” của những tàu lá cọ qua một thoáng heo may, anh nhận ra một cách thần tình trong nỗi nhớ, cái Mắt cây thì sáng, tiếng gà thì xanh. Và đồi, và núi kia cũng biết vui, buồn, gắn bó, hoa đồng cỏ nội kia cũng thấm đượm tâm hồn:
Hoa đồng tím nét xuân sang
Lúa trao cho nắng hương thầm buổi mai
Sông dài để gió cũng dài
Lá bay, bay mãi, bay hoài…lá bay…
                       (Thiên nhiên)
Nhận cảm và giãi bày, thơ Ngô Văn Phú còn đến với bạn đọc như một sự tiếp sức về niềm tin vào quá khứ, vào Vầng trăng ta thường hát cho nhau - Vẫn vằng vặc, sáng trong như thuở ấy, vào những cam go đang còn ngổn ngang trước mặt, vào lẽ sống không thể khác của những Người chân đất, những người không chỉ biết cày sâu, cuốc bẫm, mà đã đứng lên, tự ý thức được mình.
Giọng thơ anh nói chung là lạc quan, tươi tắn, nhưng không phải không có những câu, những mảng xúc động đến se lòng:
Thôi mẹ đừng ra ngõ tiễn chiều nay
Gió bấc đại hàn, lạnh lắm
Con nhìn mẹ cầm lòng chẳng vững
Chiếc áo bông cũ kỹ tự bao giờ…
 
Thôi mẹ đừng ra ngõ làm chi
Con chưa có chút gì đền đáp mẹ
Dù chỉ mong được xới bát cơm thường
Được dắt tay giúp mẹ bước lên thềm
Sau buổi chợ có đồng quà tấm bành…
Cái điệp khúc “Thôi mẹ đừng ra ngõ” qua bài thơ đưa tiễn cùng tên, cứ lặp đi lặp lại, canh cánh trong ta một nỗi buồn sâu xoáy. Ai bảo những câu thơ buồn không thực sự cần thiết, khi hiệu quả của nó đến với mỗi người như một sự thanh lọc ghê gớm của tâm hồn? Có phải Na-dim Hít-mét đã quả quyết: Không sợ buồn, chỉ sợ tuyệt vọng.
Trở lại thơ Ngô Văn Phú, không phải vui hay buồn, cái mạnh ở thơ anh, ở bài này bài khác chính là sự hài hòa giữa tâm hồn và ngoại cảnh, giữa tư tưởng và cách nhìn hiện thực. Mặc dù nắm chắc kỹ thuật trong tay, song anh không chạy theo hình thức, anh đi tìm cái đẹp, cái sâu lắng, hàm súc trong giản dị, cái tưởng như không, mà ngạc nhiên, kỳ thú. Bài thơ Giấc ngủcủa anhlà một trong những sáng táccó được theo xu hướng ấy:
Bạn tôi ngủ dưới gốc đa rợp mát
Gối đầu lên đoạn rễ còn queo
Chiếc cày ngủ ngon trên cỏ mượt
Sau buổi làm đồng gian lao…
 
Chuồn chuồn đến đậu trên vai áo
Sáo trên cành ném quả xuống đùa trêu
Lá nghịch ngợm rắc từng chùm hoa nắng
Áo thợ cày như thể áo thêu
 
Chắc hẳn bạn tôi mơ rất đẹp
Gương mặt hiền rạng rỡ làm sao
Ai dám bảo bạn tôi không giang cánh
Cùng cái làng xanh bay tít lên cao…
Giấc mơ bạn giang cánh, hay chính nhà thơ giang cánh? Bài thơ vừa hiện thực, vừa lãng mạn, lãng mạn ngay trong từng chi tiết rất thực, trong hình tượng, cấu tứ toàn bài, trong nghệ thuật và nội dung tư tưởng được phản ánh từ rất nhiều bình diện: Bài thơ ca ngợi lao động và con người lao động ư? Đúng thế, và không hẳn thế - Ca ngợi thiên nhiên và môi trường sống ư? Đúng thế, và không hẳn thế - Ca ngợi một nét sinh hoạt và cảnh sắc quê hương ư? Đúng thế và không hẳn thế…
Thơ là tự biểu hiện, là tri âm, tri kỷ. Để có những câu thơ máu thịt, nhất thiết nhà thơ phải có tâm hồn máu thịt, nói như Xuân Diệu, phải cùng đổ mồ hôi, cùng sôi nước mắt với bà con:
Từ bẩy đợt gầu giai chống hạn
Từ trăng quầng tuần nọ nối tuần kia…
 
Bùi đến vậy bữa đầu tiên luộc sắn
Mẹ bùi ngùi lặng ngắm con ăn
Mưa trả vụ, cơn mưa trả vụ
Chẳng trăng thu lòng cũng hóa rằm…
Ở Trăng rằm tháng tám, cái tưởng như đơn giản mà không thật đơn giản, trước hết là cảm hứng xuất phát từ góc độ của người trong cuộc.
Làm thơ đích thực là một công việc quá sức, chỉ vô cùng hãn hữu, hạnh phúc lắm ta mới gặp một tứ thơ tưởng như “bắt được”. Đặc biệt, trong trường hợp ấy, hầu như giá trị hiệu quả bao giờ cũng lớn hơn ý đồ nảy sinh sáng tác. Bài thơ thành công nhất, Ngô Văn Phú nhất, là bài Hội làng đã ra đời như vậy:
Hội xuân mở trước sân đình
Gió đưa cánh pháo dập dình đầm sen
Có con ếch nấp bờ bên
Tưởng hoa nhảy xuống vồ lên giấy điều…
Bài thơ bốn câu, vừa đượm sức cổ thi, vừa tinh khôi, dân dã. Nhà thơ đã dùn nghệ thuật “tô mây, nảy trăng”, thoáng nét mà sinh động, mà gợi mở. Cái hay của bài thơ là không nói gì về hội hè mà gợi ra một không khí hết sức hội hè. Và hay nữa, đằng sau những câu thơ tươi tắn mà tác giả tâm giao, tâm đắc với ta kia là cái cảm giác bỗng ùa đến mênh mang một nỗi buồn quê kiểng.
Chỉ tiếc những bài thơ toàn bích  như vậy trong tập thơ chưa nhiều. Đọc Ngô Văn Phú ta thường bắt gặp cái cảm giác muốn say, muốn nghiêng ngả, song chỉ được phép ngà ngà, muốn xiết chặt, ôm hôn, song chỉ được phép cầm tay. Có phải ý thức hay tự ý thức, chính anh đã ném ra những giới hạn của mình, trong khi mọi thứ cần nắm bắt lại ở phía bên kia những giới hạn? Nhìn chung, làm nên vẻ đẹp thơ anh mới chỉ là những hoa, những nụ, những quả chưa thật chín. Nói một cách khác, đa phần anh mới chỉ gây được ấn tượng từng câu, từng mảng. Thơ anh nghiêng về phía truyền thống, song cảm hứng chưa mạnh, tốc độ chưa nhanh, khoảng cách im lặng giữa những câu thơ chưa thật mở rộng. Ai cũng biết, mỗi câu thơ đều ra đời trong một khoảnh khắc tâm trạng nhất định. Để có được cái khoảnh khắc cốt tử ấy-để có được tổng hòa những yếu tố tập trung cho sự bùng nổ ấy, vấn đề đâu phải chỉ đặt ra với tác giả Đi ngang đồi cọ?
Chao ôi, làm thơ khó thật! Một phần tư thế kỷ cầm bút, trăn trở với vùng đất gan ruột của mình…
Về mặt đề tài, chúng ta đã có sừng sững một Nguyễn Bính. Chúng ta đã có một Anh Thơ, một Đoàn Văn Cừ, một Hồ Dzuếnh, một Bàng Bá Lân trước cách mạng tháng Tám. Theo tôi, cũng nên tính đến một Ngô Văn Phú trong số những nhà thơ viết về nông thôn đang có những đóng góp hiện nay.
T.H
                                                                              
 
 
B - MỘT SỐ TÁC PHẨM TIÊU  BIỂU
 
CHÍN NHỚ MƯỜI THƯƠNG
 
Những là chín nhớ mười thương
Những là con nhện giăng mùng vương tơ.
Hội làng tỉnh tỉnh mơ mơ
Ra về một mối tình hờ cũng không.
 
 
 
 
 
 
HOA ĐỎ ĐẦU SÔNG
 
Dọc một bờ sông đỏ ngợp hồn
Thu vào cốt cách một quê hương
Cái hôm rời xã đi công tác
Bán gạo đưa tôi mấy dặm đường.
 
 
 
 
 
 
VÓ BÈ
 
Cót két giữa dòng sông nước lợ
Ông chài trầm mặc giữa bè tre.
Cá vào quẫy sóng kìa vuông vó,
Kéo cả trăng non lẫn gió hè.
 
 
 
 
 
NGƯỜI MÔNG ĐI CHỢ
 
Áo nào đẹp nhất đem ra mặc
Chân bước khoan thai dọc dốc đèo.
Người Mông đi chọ như đi hội
Núi ở sau nhà cũng muốn theo.
 
 
 
 
 
MÙA THU ĐI MẤT
 
Mùa thu đã bỏ tôi rồi
Lá rơi đâu phải lá rơi cho mình.
Còn đâu những dải nắng hanh
Trời bao nhiêu khói chẳng thành mùa thu.
 
 
 
 
 
 
MÂY VÀ BÔNG
 
Trên trời mây trắng như bông
Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây
Những cô má đỏ hây hây
Đội bông như thể đội mây về làng.
                                        1961
 
 
 
 
 
HỘI XUÂN
 
Hội xuân mở trước sân đình
Gió đưa cành pháo dập dình đầm sen
Có con ếch nấp bờ bên
Tưởng hoa nhảy xuống, vồ lên giấy diều.
            1962
 
 
 
 
 
TẮC KÈ
 
         Hình thì xấu thịt thì bổ mát
Trốn nơi đâu cũng bị lùng tìm
Đã chết cứng trong bình rượu thuốc
Mặt còn ngơ ngác vẫn chưa tin.
 
 
 
 
 
 
 
MÙA THU
 
Heo may sen ủ trong lòng đất
Đòn gánh rồng cong giữa phố phường.
Tiếng ai rao cốm ngoài hiên vắng
Mùa thu dạo khắp đất Thăng Long.
 
 
 
 
 
 
NÚI VÀ MÂY
 
Núi nào lại muốn có mây
Mây đi nhớ núi dáng bay bồn chồn
Mây buồn thì núi cũng buồn
Núi có mây vờn nhìn núi ấm ngay.
 
Tự do là tính của mây
Đứng yên kiểu núi cũng đầy tự do
Sắc mây thay đổi từng giờ
Mà sao sắc núi bốn mùa cứ xanh
Trời đem em đến cho anh
Em ưng làm núi hay giànhlàm mây.
                                   1967
 
 
 
 
 
 
 
ÁO ĐỎ
 
Áo em đỏ rực căn phòng
Mùa đông như có lửa hồng thắp lên
Anh ngồi thầm lặng bên em
Sưởi cho tan hết những đêm một mình.
 
 
 
 
 
 
CỎ BÙA MÊ
  
Cỏ ở thung xanh trên núi Tản
Không hề có gió cũng đong đưa(1)
Ai yêu không được yêu thương lại
Hái cỏ ngầm đem đi bỏ bùa
 
Hẳn có bao người lẻn tới nơi
Thung xanh cỏ ngát một phương trời
Mỗi người chỉ được hái một lá
Và bỏ riêng cho mỗi một người
 
Tôi cũng lên đây cũng sững sờ
Cũng thầm xin cỏ một nhành tơ
Đêm về ngầm thả cho ai đó
Hồi hộp đêm đêm thức đợi chờ
 
Một đêm, hai đêm, ba bốn đêm
Cỏ bùa tôi bỏ đã lên men
Cái đêm em đến trăng đưa lối
Cò lại bay về núi Tản Viên
 
 
 
 
 
 
 
LÀNG CỌ
 
Làng cọ nằm nghiêng mơ mộng
Làng cọ như người hay rung động
Gió cấp ba tưởng bão nghiêng trời
 
Xa làng bao năm rồi,
Đất làng tôi giữ nguyên giọng nói,
Về đầu sân gọi mẹ, bầm ơi!
 
Người yêu tôi đi ngang đồi cọ,
Gọi lá non là mặt trời xanh,
Cọ hàng ngàn mặt trời của lá,
Mà em chỉ một ở trong anh.
 
Bạn bè đồng chí bảo tôi
Nó nói gì cũng ra người xứ cọ,
Tôi cãi tôi là người của lúa
Cãi vậy mà thôi, cãi vậy thôi
 
Làng tôi vây bọc bao đồi cọ
Sáng nào con sơn ca cũng bay ngang mặt trời
Bốn mùa nghe tiếng gió
Cọ vào nhà, vào trong thơ tôi.
 
Bắc Nam bè bạn qua chơi
Cọ xòe lá vẫy tay thân thiết,
Đêm vệ tinh – bay qua với đường bay dài nhất,
Mùa hè trời bắc cầu vồng qua nhà tôi.
 
 
 
 
 
 
 
       CỔNG LÀNG
 
 Đá cũ mấp mô còn mấy bậc,
Cửa tò vò sát mái rêu phong
Đôi hàng câu đối khoe miền đất
Gạch mấy trăm năm vẫn đỏ hồng
 
Một dải hồ sen hoa thắm hương,
Lũy tre cây gạo cũ không còn
Bốn mùa cỏ nội hoa đồng ngát
Và tiếng chim trời vẫn véo von
 
Nơi đám trai làng mắt sáng trưng
Cày bừa vai gánh cả giang san
Cổng làng ban sớm giọng trâu bước
Tre trúc vui theo dáng bạn điền
 
Nơi mẹ ân cần đưa tiễn con
Hanh heo gió núi áo bông sờn
Người đi buổi ấy mà đi mãi
Đem theo hình mẹ dọc Trường Sơn
 
Nơi biết bao nhiêu cô gái đẹp
Lấy chồng thiên hạ tít phương xa
Cổng làng đồng đất bên quê ngoại
Những lúc buồn vui vẫn ngóng về
 
Và có một anh chàng thủy thủ
Đi khắp năm châu trở lại làng
Thuốc lào, thềm cổng rêu ngồi hút
Cuối đời, đây vẫn chỗ dừng chân
 
Hồn muộn năm cũ còn nguyên vẹn
Mây gió bao đời vẫn thế kia
Cổng làng hay một hồn thơ cổ
Lưu giữ vơi đầy những nét quê.
 
 
 
 
 
 
 
 
LÀNG ĐỒI
 
Bốn bề này hóp, này tre
Bờ tường đất giãi nắng hè, ải thêm
Làng đồi trong thế nằm nghiêng
Con đường vút thẳng như lên tận trời.
 
Một viên sỏi rất nhỏ nhoi
Sáng trên đỉnh dốc, chiều rơi vào nhà
Bóng cây đổ xuống la đà
Tiếng ve đồi nhẹ như là gió reo
 
Mưa to đường vẫn khô vèo
Long tong giọt nước giỏ vào hố sâu
Sỏi dầy thưa, vết chân trâu,
Xem phim muốn đứng ở đâu mặc lòng
 
Trái chanh dẫu nhỏ mà thơm
Gà láng giềng gáy như trên nóc nhà
Đường gần đi lại hóa xa
Thấy em mà đến mất ba quãng đồng.
                                                    1976
 
 
 
 
 
 
 
CHIM NGÓI
 
Không hiểu từ đâu
Cứ mùa thu
Chúng bay về khắp cánh đồng
Siêng năng nhặt đỗ
Những đàn chim ngói
Mặc áo màu nâu
Đeo cườm ở cổ
Chân đất hồng hồng
Như nung qua lửa
Mang theo ngọn gió mùa đông bắc đầu tiên
Mùa màng bỗng rực rỡ lên
Những sắc màu đẹp nhất
Chúng đem tinh chất xa xôi từ những khoảng trời
Về hòa với sức mỡ màu của đất
Hương đồng hi vọng tràn trong mắt
Những tiếng cười bay dọc xóm vui
Sao tôi thấy chúng giống những cô gái làng tôi
Những cô gái báo hiệu những vụ mùa
phong thu bát ngát.
                                                1965
 
 
 
 
 
 
 
NHÀ ĐỒI
 
Nhà đồi tường lẫn màu rêu
Liếp che cửa đất, chim kêu trước thềm
Gió từ thung lũng gió lên
Hương đồng hương cỏ còn chen hương rừng…
 
Chiều về cửa ngõ mở tung
Chiều quê lại trải giữa chòm sân quê
Cơm xong mở hội nước chè
Điếu cày rít tận đêm khuya vẫn giòn…
 
Chuyện cày cấy, chuyện nước non
Đôi khi nổi trận cười giòn thỏa thuê
Đầu hồi tán cọ tỏa che
Chẳng vua quan cũng đầy khê lọng tàn
Bạn điền chơi với bạn điền
Đủ trăng sao, đủ bốn bên đất trời.
      1986
 
 
 
 
 
 
 
MỘT THỜI ĐỂ NHỚ
 
Tình yêu của tuổi học trò
Một cô gái nhỏ, đôi bờ vai xanh
Thế là em, thế là anh
Xa nhau thì nhớ mà gần thì kiêu
 
Vẩn vơ nói ít hiểu nhiều
Bắt con châu chấu thả vào cổ em.
Học thì nhớ nhớ quên quên
Có hôm ngồi viết mãi tên một người.
Tưởng rằng nên lứa nên đôi
Nào hay cơn lốc cuộc đời cuốn bay
Trường xưa mái phủ rêu dầy
Phủ luôn theo cả tháng ngày hồn nhiên.
 
 
 
 
 
 
MỘT NỬA
 
Một nửa là anh, một nửa em
Nửa đang cay đắng nửa vuông tròn
Nửa bay lên tít trời cao thẳm
Nửa gói trong thơ, giọng trĩu buồn
 
Biết là sáng tối có giao thoa,
Hạnh phúc, đau thương cứ ập òa.
Một nửa chết rồi còn nửa sống
Tái sinh kiếp khác đến bao giờ…
 
Thôi thì anh lại tựa nơi em
Đêm tối chờ trăng thế vẫn hơn.
Tháng tư trăng sáng cho hai đứa,
Tháng hoa cẩm chướng, tháng hoa hồng.
 
 
 
 
 
 
NGUYỄN BÙI VỢI
 
- Họ và tên khai sinh: Nguyễn Bùi Vợi
- Sinh năm 1933 mất năm 2008
- Bút danh: Hàn Sĩ Tử, Anh Nguyễn
- Quê quán: Cát Văn, Thanh Chương, Nghệ An
- Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ 1982)
- Hội viên Hội Văn nghệ Vĩnh Phú
 
- Tác phẩm chính đã xuất bản:
* Hạnh phúc (Tập thơ, NXB Tre xanh, 1956)
* Gửi người yêu (Tập thơ in chung với Hà Nhật, NXB Tre xanh, 1956 )
* Câu chuyện tình yêu (Tập thơ, NXB Thép, 1957)
* Bông hoa mẫu giáo (Truyện thơ, NXB Phụ nữ, 1963)
* Con gái cô Út Tịch (Truyện thơ, NXB Kim đồng, 1968)
* Quê xanh (Tập thơ, NXB Vĩnh Phú, 1974)
* Anh là chiến sĩ  (Tập truyện dài, NXB Kim đồng, 1977)
* Bông hoa cỏ - Mặt gương soi (In chung với Ngô Quân Miện, NXB Tác phẩm mới, 1981)
* Gió và lửa (In chung với Vân Long, NXB Lao động, 1982)
* Nắng đất rừng (Truyện dài, NXB Kim Đồng, 1983)
* Trống trận đêm xuân (Trường ca, NXB Kim Đồng, 1984)
* Gươm thề Lũng Nhai ((Trường ca, NXB Kim Đồng, 1985)
* Thơ giữa đời thường (Tập thơ, NXB Hà Nội, 1985)
* Chuyện vui các nhà văn Việt Nam hiện đại (NXB Thanh Niên, 1986; NXB Văn hóa, 1990)
* Thầy giáo và nhà trường (NXB Giáo dục, 1999) 
* Tuyển tập thơ tình Việt Nam thế kỷ 20 (Tuyển chọn cùng với Quang Huy, NXB Thanh niên, 2000)
* Tuyển thơ Nguyễn Bùi Vợi (NXB Văn học, 2002)
* Thanh Chương tráng khúc (NXB Quân đội nhân dân, 2003)
Và nhiều tác phẩm thơ, bình thơ trên các sách, báo, tạp chí. Bài thơ “Qua Thậm Thình” đã được phổ nhạc và đưa vào sách giáo khoa lớp 4.
- Giải thưởng văn học:
* Hai lần giải thưởng cuộc thi thơ Báo Độc lập 1955, 1956
* Tặng thưởng của Ủy ban thiếu niên nhi đồng trung ương về truyện thơ “Con gái cô Út Tịch”
* Giải thưởng Hùng Vương cho tập truyện dài “Anh là chiến sĩ”
* Giải thưởng văn học công nhân lần thứ 4 cho phần “Gió nóng” trong tập thơ “Gió và lửa”, được tặng bằng “Lao động sáng tạo” của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.
- Suy nghĩ về nghề văn:
 Nghề văn là một nghề cao thượng, nhưng nó đòi hỏi tài, đức, vốn học, vốn sống bao nhiêu cũng không đủ. Tôi đã dốc sức cả đời cho nó, tuy thành tựu chưa có bao nhiêu, tôi không bao giờ hối hận về sự lựa chọn của mình.
 
 
 
A - TRONG KÝ ỨC BẠN BÈ
 
 NGUYỄN BÙI VỢI - NHÀ THƠ CÓ HAI MIỀN QUÊ
Vũ Đình Minh  
Miền quê sinh ra mỗi nhà văn, nhà thơ đều để lại những dấu ấn không phai mờ trong cuộc đời sáng tác của họ. Miền quê ấy không chỉ thể hiện ở đề tài mà nhà Văn, nhà thơ viết tới, mà còn ở cả giọng điệu và phong cách sáng tác. Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi có một miền quê như thế ở xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Sinh ra trong một vùng quê nghèo, gia đình lại đông anh em, Nguyễn Bùi Vợi vẫn được đến trường học từ bé và sớm đến với thơ ca. Miền quê ấy đã cho Ông giọng nói đặc biệt xứ Nghệ, một tính cách bộc trực, mạnh mẽ, một ý chí và niềm say mê thơ ca, vượt qua bao chặng khó khăn của đường đời mà Ông vấp phải. Một may mắn với Ông là khi bước vào sáng tác thơ đã được làm quen với nhà thơ nổi tiếng Xuân Diệu khi Xuân Diệu về Cát Văn làm công tác giảm tô. Nhà thơ đã gây thêm nhiều men say thơ ca cho Nguyễn Bùi Vợi. Sau này, dẫu xa quê xứ Nghệ để đi học, đi làm ăn nơi khác, miền đất Cát Văn, Nghệ An vẫn thường trở về day trở trong các tứ thơ của Ông và trở thành mảng đề tài Ông tâm đắc và có được nhiều bài thơ ghi đậm dấu ấn trong bạn đọc.
THƠ GỬI CHỊ Ở VÙNG BÃO NGHỆ TĨNH
                                                 Tặng chị Côn
         
          Em ở ngoài này nghe tin bão
          Nằm lo cho chị biết bao nhiêu
          Quê mình lắm nắng nhiều mưa gió
          Trời đất cũng tai ngược đến điều
          Mấy đêm em ngủ không ngon giấc
          Nhớ quê thương chị chút tình suông
          Lấy chi mà gửi vào cho cháu
          Cậu nghèo, cậu chỉ có văn chương!
         
          Sáng nay ngủ dậy nghe đài nói
          Từng chữ từng câu mát cả lòng
          Quê đang dọn dẹp vun trồng lại
          Trăm miền giúp của góp thêm công
 
          Trường học đổ rồi nay dựng mới
          Dẫu chưa ngói đỏ cũng tranh tre
          Bà con ở tận vùng cao gửi
          Ghềnh thác sông Lam một chuyến bè
 
          Làng xóm đỡ nhau từng mối lạt
          Đúng câu ”Tối lửa tắt đèn“ đây
          Nhà chưa dựng kịp nhường nhau ở
          Bát vơi còn quí nói chi đầy!
         
          Thôi thế chị ơi rồi cũng tạm
          Dân mình khổ mãi đã thành quen
          Nhờ đôi chân cứng tay dày dạn
          Khoai sắn thêm vào chắc đủ ăn.
 
          Em bận không về thăm chị được
          Chị cho em gửi chút niềm riêng
          Bà con có đến giúp rào dậu
          Em có bài thơ tặng xóm giềng
Hà Nội, 1993
Nguyễn Bùi Vợi có nhiều năm dạy học và làm công tác văn hóa văn nghệ ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Ông coi đây là miền quê thứ hai của mình. Ở đây Ông đã tạo lập thành một gia đình, cùng nhau vượt qua bao khó khăn vất vả của đời thường và trưởng thành trong sáng tác thơ ca. Anh em văn nghệ ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ vẫn coi Ông  là nhà thơ của tỉnh mình, khi biên soạn những tuyển tập thơ.
Bài thơ “Qua Thậm Thình” viết về huyền thoại các Vua Hùng dựng nước của Nguyễn Bùi Vợi đã được in vào nhiều tuyển tập thơ. Đây là cảm xúc sau nhiều năm Ông sống và làm việc ở miền quê này và những truyền thuyết của vùng đất lịch sử đã ăn sâu vào máu thịt Ông. Bài thơ viết theo thể lục bát nhuần nhuyễn và đầy gợi cảm.
QUA THẬM THÌNH
Đi qua xóm núi Thậm Thình
Bâng khuâng nhớ nước non mình nghìn năm
Vua Hùng một sáng đi săn
Trưa tròn bóng nắng nghỉ chân chốn này
Dân dâng một quả xôi đầy
Bánh chưng mấy cặp bánh giầy mấy đôi
Đẹp lòng vua phán bầy tôi
Tìm đất kén thợ định nơi xây nhà
Trăm cô gái tựa tiên sa
Múa chày đôi với chày ba rập rình
Đêm đêm tiếng thậm tiếng thình
Cối gạo đầy cả nghĩa tình nước non
 
Không còn dấu cũ, lầu son
Phía sau thành phố khói vờn trong mây
Trời cao. Bóng tỏa đường cây
Nhịp chày xưa thoảng đâu đây thậm …thình!
Vĩnh Phú - 1971
Nguyễn Bùi Vợi say thơ, Ông say đàm đạo về thơ với bạn, nhất là với các bạn thơ tri kỷ là người xứ Nghệ hoặc từng công tác ở xứ Nghệ.
Nhà thơ Vương Trọng cho biết Tạp chí Văn nghệ quân đội (nơi nhà thơ Vương Trọng khi đó đang công tác) có nhận được thư của một bạn đọc từ tận Bạc Liêu gửi về nhờ nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi chép cho bài thơ “Chồng Nghệ” vì đó là một bài thơ nói rất đúng về bản tính của người Nghệ: 
 
             CHỒNG NGHỆ
                               (Lời bà xã)
Lấy chồng xứ Nghệ vui lắm nhé
Bữa cơm ăn no là đứng lên
Mặc cho khách ngồi nhai nhỏ nhẻ
Cười hì: - Cái tính bầy tui quen!
 
Bạn đến chơi nhà thì hỏi thẳng
- Có ăn tao bảo vợ nấu nào!
Bạn về vợ trách thì lại mắng
- Thật thà với hắn có làm sao!
 
Nói thì giọng nặng như bổ củi
Mô, tê, răng rứa nghe nhức đầu
Được cái trời cho tài chịu khổ
Nhà tranh cơm độn chẳng kêu đâu!
 
Đã nói khi nào cũng nói to
Đã nhìn ai thì nhìn thẳng mặt
Biết bao nhiêu bận bị mất lòng
Đánh chết cũng không chừa thói thật!
 
Đã viết, viết thâu đêm suốt sáng
Đã yêu, yêu đổ cả cây ngàn
Vừa hay nói to lại hay khóc
Trong chồng có một đứa trẻ con
 
Mười chín tuổi yêu giờ tóc bạc
Nghĩ thương quê Nghệ mấy cho vừa
Ai đã vương vào sông nước ấy
Xin vững tay chèo vượt sóng xô.
                                            1990
Thơ vốn là những cảm hứng nội tâm. Nhưng những miền đất nhà thơ đã từng sinh sống, những con người nhà thơ đã từng gặp, những từng trải trên đường đời lại chính là những yếu tố tạo nên nguồn cảm hứng đó. Thơ Nguyễn Bùi Vợi vốn mộc mạc và chân thành với những gì Ông trải nghiệm và khi đi đến cùng của sự mộc mạc chân thành, Ông đã có được những bài thơ hay.
Vùng quê Vĩnh Phúc, Phú Thọ với bao hạnh phúc và buồn đau đã ghi nhiều dấu ấn trong thơ Nguyễn Bùi Vợi. Khi Ông bộc lộ những tình cảm về vợ, về con trong thơ tưởng như rất riêng, nhưng bạn đọc tìm được ở đấy những phát hiện về chính mình. Ông may mắn có một người vợ cùng nghề, đã từng là nhà giáo, nhà báo và một cây bút viết truyện cho thiếu nhi, đã gắn bó và cảm thông với Ông qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, đã khổ vì lấy chồng quê xa, xứ Nghệ, lại khổ vì chồng ham mê thơ mà xao nhãng việc nhà.
                   NGÀY EM XA
  Anh bồn chồn như thuở mới yêu em
  Nghe thật buồn cười, mà lạ thế
  Mười hôm em đi không thư không điện
  Anh vào ra tha thủi một mình
  Sáng đi làm bước dưới cây xanh
  Hoa chúm chím dạ nào ngắm nữa
  Trưa về nhà cơm không đúng bữa
  Bát mì này em nấu thì ngon.
 
  Có những chiều Hà Nội hoàng hôn
  Anh tha thẩn như ngày nào đi đón
  Người xuôi ngược ngược xuôi hờ hững
  Nghe trong mình thấm thía cô đơn
 
  Đêm anh thức với trang sách khuya hơn
  Những buồn vui nào có ai chung đọc
  Ngày bạn đến cho vé mời xem kịch
  Anh không quen vào nhà hát một mình
 
  Em ở nhà, có lúc anh gắt con
  Bố có giận còn nương níu mẹ
  Nay anh bù cho lòng con trẻ
  Một chút em thôi cũng khó khăn rồi
 
Ngày nắng đem chăn chiếu ra phơi
Tuần đôi bận lau nhà thay vỏ gối
Thay việc em làm mà không thay nổi
Cái tảo tần rất mẹ ở trong em
                               3-1981
Trong sự nghiệp nửa thế kỷ sống cho thơ của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, nhiệt tình đi nói chuyện thơ của ông cũng rất cần được kể đến. Có lẽ sau bậc đàn anh là nhà thơ Xuân Diệu. Nguyễn Bùi Vợi cùng Vũ Quần Phương là hai nhà thơ có nhiều buổi nói chuyện thơ trước công chúng nhất Việt Nam. Vốn ham mê thơ, cả thơ mình lẫn thơ bạn. Nguyễn Bùi Vợi đã tuyên truyền lòng yêu thơ và vẻ đẹp tinh thần của thơ ca đến với biết bao bạn yêu thơ ở khắp mọi miền đất nước. Có được một giọng nói và giọng đọc truyền cảm cùng một trí nhớ thơ lâu bền, ông đã làm lây lòng yêu thơ cho bao người nghe. Bây giờ thơ vốn được in với số lượng ít và người ta vẫn tưởng là bạn đọc quay lưng lại với thơ. Nhưng nếu chứng kiến những buổi nói chuyện thơ của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi ở hội trường đông người hay ít người thì ta sẽ thấy người say mê thơ ca bây giờ còn nhiều lắm.
Hai mươi năm ông biên tập chương trình tiếng thơ của Đài Tiếng Nói Việt Nam, nhiều nhà thơ đã được công chúng biết đến, nhớ thơ, thuộc thơ họ qua làn sóng của Đài. Bài thơ sau viết về nghệ sĩ ưu tú Vũ Kim Dung trong một lần Nguyễn Bùi Vợi cùng các diễn viên của chương trình Tiếng Thơ của Đài tiếng nói Việt Nam về nói chuyện thơ và biểu diễn ở địa phương.
           ĐÊM BIỂN HẸN
                            Tặng Vũ Kim Dung
 
Đường lầy quá, xe không vào được
Đôi guốc cao trầy trật lội bùn
Người nghe ngoài trời căng mái bạt
Gió lạnh tê, len dạ còn run
Em hóa trang mà lòng bối rối
Chẳng nỡ nào mặc áo dài hoa
Ba bốn mặt công trường thủy lợi
Mái tôn che, gió rít quanh nhà
 
Đàn nâng nhịp câu thơ trầm bổng
Mấy trăm người giây lát lặng đi
Bài thơ đã thuộc lời, thuần giọng
Mà đêm nay xao xuyến điều gì?
 
Mắt em gặp trên vai cô gái
Một vệt bùn vô ý để quên
Niềm thương cảm trong em dâng mãi
Giọng ngâm khoảnh khắc chứa chan hồn
 
Tiếng vỗ tay ran dài. Em hát
Sóng lao xao…ai tựa mạn thuyền
Trăng ơi trăng… sao mà thương nhớ?
Người hỡi người… ngồi đứng không yên…
 
Lòng tôi quyện vào thơ vào nhạc
Những người nghe đang tan vào em
Em hát ca trù không trống phách
Thay cho đàn đáy - ấy là tim
 
Tan buổi diễn. Người xem cầm đuốc
Tiễn ra ba cây số đường lầy
Đôi guốc cao bước trơn bước trượt
Để một đời nhớ mãi đêm nay
                               Hải Hậu, 3-1985
Nửa thế kỷ sáng tác, kể từ tập thơ đầu tiên mang tiêu đề “Hạnh phúc” do nhà xuất bản Tre Xanh in năm 1956 đến tuyển tập thơ do Nhà xuất bản Văn Học in gần đây, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đã in 12 tập thơ, trường ca, truyện thơ, trong đó tập truyện thơ “ Con gái cô Út Tịch” được tặng thưởng của Ủy Ban thiếu niên nhi đồng trung ương và tập thơ “Gió nóng” được giải thưởng Văn học công nhân và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tặng bằng  “Lao động sáng tạo”. Ngoài ra Nguyễn Bùi Vợi còn viết truyện cho thiếu nhi và tham gia biên soạn nhiều tuyển tập thơ.
Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi vốn ham vui với bạn bè, ở đấy Ông tha hồ nói chuyện về thơ ca, khen thơ người này, chê thơ người khác ở một bài nào đấy, tất cả đều thực lòng và khen chê xong là quên ngay. Đó cũng là thói thường của mọi nhà thơ. Ông vốn không biết uống rượu, chỉ nếm một ngụm mặt đã đỏ tưng bừng, nhưng chiều bạn đôi khi cũng nhấp môi chút đỉnh. Thơ và rượu, từ cổ chí kim người ta vẫn tưởng là bạn song hành nhưng nhiều khi không phải thế. Nhưng nhấp môi chút rượu nồng cùng bạn. Nguyễn Bùi Vợi đã được một bài thơ thật hay về đề tài này.
  UỐNG RƯỢU VỚI BẠN
 
Vốn không quen với rượu
  Gặp bạn mừng uống chơi
  Cũng nâng lên đặt xuống
  Cũng chén đầy chén vơi.
 
  Nghe trong người lâng lâng
  Nghe ấm dần lên mặt
  Nghe chiều đi bâng khuâng
  Thầm thì mây gió hát.
 
  Một chén…một chén nữa
  Nào đã uống gì đâu
  Mà ngực dồn nhịp thở
  Mặt trời soi vào nhau.
 
  Ôi cái nhớ cái thương
  Niềm vui và nỗi khổ
  Đường đi nửa đời người
  Chưa cạn bầu tâm sự.
Một chén… một chén nữa
Lẽ nào mình đã say
Mắt nhìn nhau như thể
Lần đầu yêu nhau đây.
 
Chuyện vợ rồi chuyện con
Tài năng và sự nghiệp
Đánh giá cả ông trời
Bằng những câu rất thật
 
Ừ thì một chén nữa
Sao mây nghiêng thế này
Uống cho đất bằng lại
Dễ gì ta đã say!
                     1983
Khi nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi bước vào tuổi 70, Ông sống nhàn nhã và khá giả hơn một chút, nhưng lại không phải nhờ thơ, cái nghiệp Ông đeo đẳng suốt đời, mà là nhờ con và sự tảo tần của vợ, âu cũng là cái phúc muộn mằn của người sinh ra ở tuổi Dậu. Ông vẫn đi, vẫn viết và vẫn ham nói chuyện thơ như người bị thơ bỏ bùa từ thuở nhỏ.
V.Đ.M
 
 
 
 
 
 
 
CHÚNG TA ĐÃ MẤT ĐI MỘT NHÀ THƠ,
MỘT NHÀ BÁO XUẤT SẮC
( Điếu văn của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, do Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ Tịch Hội Nhà văn Việt Nam đọc tại tang lễ nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi).
Hôm nay chúng ta có mặt ở đây để vĩnh biệt nhà thơ, nhà giáo, nhà báo Nguyễn Bùi Vợi, nguyên là cán bộ biên tập kì cựu của Ban Văn học nghệ thuật, Đài tiếng nói Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đã về hưu, cư trú tại phố Tô Ngọc Vân, quận Tây Hồ, Hà Nội, đã từ trần vào hồi 11 giờ 02 phút ngày 8 tháng 5 năm 2008, tức ngày 4 tháng 4 năm Mậu Tý, sau khi đã được các thầy thuốc và gia đình hết lòng cứu chữa. Đây là một tổn thất vô cùng to lớn không chỉ của gia đình nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, mà còn là tổn thất chung của Hội Nhà Văn Việt Nam, Ban Văn học Nghệ thuật, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Giáo dục & Thời Đại và bạn bè xa gần, những người từng yêu mến nhà thơ, nhà báo, nhà giáo Nguyễn Bùi Vợi, trân trọng những giá trị tinh thần mà người ra đi đã để lại cho chúng ta.
Nhà giáo, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi sinh ngày 5 tháng 11 năm 1933 tại xóm Tràng Lân, xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Từ năm 1940 đến 1953, học tiểu học và trung học tại quê nhà. Từ năm 1953 đến 1956, học sư phạm ở khu học xá Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc. Năm 1956 – 1957 dạy học tại trường Sư phạm sơ cấp Hà Nội. Từ năm 1957 đến 1971, về dạy học ở tỉnh Vĩnh Phú. Vốn là một nhà thơ nổi tiếng từ rất sớm nên nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi có sự am tường bếp núc của một người ở trong nghề, chính vì thế những giờ giảng văn của thầy Vợi có một sức hấp dẫn rất đặc biệt. Nhiều thế hệ học sinh đến nay vẫn còn nhớ. Là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của vùng đất trung du, ông được bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc gợi ý chuyển công tác sang Ty Văn hóa, để có nhiều thời gian dành cho văn chương. Chính từ bước chuyển này, từ năm 1971 đến 1975, ông đã làm được nhiều việc có ý nghĩa đối với văn học, trong đó không thể không nhắc đến vai trò tham gia sáng lập Hội văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phú.
Năm 1976, ông chuyển công tác về Hà Nội, là Biên tập viên chương trình Tiếng Thơ, Ban Văn nghệ, Đài tiếng nói Việt Nam, cho mãi đến năm 1996 thì nghỉ hưu, tập trung thời gian chuyên sáng tác và hoạt động văn học. Cũng trong thời gian này ông là cộng tác viên đắc lực, tiếp tục biên tập phần văn nghệ ở báo Giáo dục & thời đại, tổ chức cuộc thi thơ lục bát nhằm khẳng định sức sống của thể thơ truyền thống. Cuộc thi đã thành công ngoài dự kiến của Ban tổ chức và nói như nhà thơ Vương Trọng: “người có công đầu chính là nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi”.
Trong suốt 20 năm công tác liên tục tại Ban văn nghệ, Đài tiếng nói Việt Nam, ông đã giới thiệu hàng ngàn bài thơ của các tác giả trong và ngoài nước, phục vụ những nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng phục vụ những nhiệm vụ thiêng liêng của thi ca và của nền văn học đương đại, khẳng định những giá trị của nền thi ca gắn bó chặt chẽ với cách mạng và với nhân dân, tôn vinh nhiều tên tuổi lớn của đất nước, đồng thời góp phần đào tạo nhiều cây bút trẻ, lần lượt xuất hiện trên các chặng đường phát triển của thơ ca Việt Nam. Ông đã để lại dấu ấn vô cùng sâu sắc và tốt đẹp trong lòng các nhà thơ và bè bạn yêu thơ trong cả nước trên cương vị công tác này, đặc biệt trong 10 năm đầu đổi mới đất nước, từ 1986 đến 1996, hoạt động thơ của ông, trong phê bình giới thiệu thơ, trong các cuộc bình thơ ở nhiều tỉnh thành từ Trung ương tới các địa phương, đến các công trường hầm mỏ, nêu một tấm gương sáng của một người tận tụy với sự nghiệp văn học, có trách nhiệm rất cao với người đọc, người nghe, góp phần rất quan trọng vào đời sống văn học của cả nước. Đây cũng là giai đoạn tài năng Nguyễn Bùi Vợi đạt đến độ chín nhất. Ông đã có 16 đầu sách, trong đó có 12 tập thơ và trường ca, nhiều tập tiêu biểu cho cả cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của ông.
Nguyễn Bùi Vợi là một nhà thơ nổi tiếng rất sớm. Ông có thơ xuất bản từ năm 1956 với tập Hạnh phúc, rồi sau đó lần lượt các tập thơ và truyện thơ ra đời: Câu chuyện tình yêu (1957), Con gái cô Út Tịch (truyện thơ 1968), Quê xanh (1974), Anh là chiến sỹ (Truyện vừa 1977), Trống trận đêm xuân (truyện thơ năm 1981), Gươm thề Lũng Nhai (Truyện thơ 1982), Bông hoa cỏ - Mặt gương soi (1982), Gió nóng (1983), Thơ giữa đời thường (1986), Tuyển thơ Nguyễn Bùi Vợi (2003), v.v. Ngoài thơ, ông còn là tác giả của nhiều tập văn xuôi, chuyện vui văn học, đặc biệt là đồng tác giả của các tuyển thơ lớn có giá trị tổng kết các thành tựu thơ ca về thể loại cũng như về nghệ thuật của các giai đoạn thơ, với sự nghiêm khắc và công tâm nghề nghiệp đáng khâm phục. Ông đã được tặng nhiều giải thưởng văn học của các bộ ngành Trung ương và các địa phương, ghi dấu ấn là một trong những nhà thơ xuất sắc của nền thơ ca đương đại Việt Nam. Nhiều tác phẩm của ông đã được đưa vào giảng dạy ở trường phổ thông, trong đó có bài thơ “Qua Thậm Thình” rất nổi tiếng. Nhận xét về văn chương của ông cũng như con người ông, nhà thơ Trần Lê Văn viết: “Thơ anh thấm đẫm tính cách con người xứ Nghệ, đằm thắm, trung thực mà kiên cường”. Vì lẽ ấy, dẫu long đong chốn đời thường, lao đao giữa nhân tình thế thái, ông luôn gạn đục để làm trong trẻo một đời thơ mà ông đã vắt máu tim mình làm mực viết. Với sự trung thực và khiêm nhường, ông cũng đã từng nói về mình bằng những lời chắt từ gan ruột: “Nghề văn là một nghề cao thượng, nhưng nó đòi hỏi tài, đức, vốn học, vốn sống bao nhiêu cũng không đủ. Tôi đã dốc sức cả đời cho nó, tuy thành tựu chưa có bao nhiêu, tôi không bao giờ hối hận về sự lựa chọn của mình”.
Thưa anh hồn nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi kính mến!
Ông đã đúng, rất đúng khi chọn con đường đi cho cả cuộc đời mình và ông có thể hoàn toàn yên tâm và thanh thản ra đi, bởi những giá trị mà ông để lại là rất xuất sắc, những giá trị đó sẽ thay ông sống tiếp trong lòng bạn đọc và bạn yêu thơ, trong lòng những ai từng quen biết ông hoặc từng thấy ông, từng nghe tên tuổi của ông. Ông đã nêu một tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy, trong lao động nghệ thuật, dù là sáng tác, biên khảo hay trong mọi quan hệ với đồng nghiệp, bè bạn xa gần... Những giá trị đó, sẽ còn lại mãi mãi, sau khi mọi thứ đã qua đi...
Thưa bà quả phụ Đỗ Thị Từ và gia đình nhà thơ.
Trong giờ phút đau thương này, chúng tôi, những nhà báo, nhà thơ, nhà văn, những đồng nghiệp cũ và mới của nhà thơ và bà con khối phố, bạn hữu xa gần, vô cùng bàng hoàng và đau xót tiếc thương trước sự ra đi của nhà thơ, nhà báo, nhà giáo Nguyễn Bùi Vợi. Không gì có thể bù đắp nổi sự tổn thất quá to lớn này. Chúng tôi biết, sở dĩ nhà thơ có được những thành tựu đáng kính trọng như đã nói ở trên, cũng là nhờ một phần quan trọng ở sự tần tảo lo toan của bà và của cả gia đình. Xin bà và gia đình nhận ở chúng tôi lòng biết ơn và sự chia sẻ niềm đau xót và tiếc thương vô hạn này.
Vĩnh biệt nhà thơ, nhà báo Nguyễn Bùi Vợi. Xin ông hãy thanh thản yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng.
Xin vĩnh biệt!.
 
 
B - MỘT SỐ TÁC PHẨM TIÊU BIỂU
 
 
ĐÃI CÁT TÌM VÀNG
                       Yêu thương gửi Từ
 
  Trên những dòng sông thế giới
  Có những người đãi cát tìm vàng
  Tháng năm dài,
                     kiên nhẫn bền gan
  Lọc từ phần mười phân một
  Những người tìm vàng
                     không bao giờ nóng ruột
  Thời gian không nghiến nát lòng tin
  Anh không tìm vàng
                     nhưng lại tìm em
  Vất vả gấp trăm lần đãi cát
  Cát của bờ sông
                     lấy bao nhiêu chẳng được
  Người của thế gian
                      đâu của riêng mình ?
  Tìm một người yêu
                     xây một mối tình
  Lọc từ buồng tim ống máu
            Rung động,
                             yêu thương
                      giận hờn nung nấu
  Lúc cuộn lên như nước biển trào nhanh
  Lúc im lìm như sương đọng long lanh
  Không dám động, sợ tan tành giọt nước
  Người đãi cát quý chút vàng nhặt được
  Anh quý em từ một nụ cười
  Gom góp bao nhiêu, để cả cuộc đời
  Có những phút sáng ngời sức sống
  Đời chua cay,
            anh sẽ biến chua cay thành ước vọng,
  Cho đường đi dài rộng thênh thang
            Đời nhiều xót xa,
                     nhiều lối dọc đường ngang
  Anh kiêu hãnh, vững vàng bước tới,
  Vì bên anh, có tay em vẫy gọi
  Bàn chân anh không mệt mỏi bao giờ.
 
  Anh lọc từng suy nghĩ
                     những vần thơ
  Nhức nhối bao đêm dài thao thức
  Để ca ngợi một mối tình đẹp nhất
  Nhưng khó khăn hơn đãi cát tìm vàng.
                                                        6/1957
 
 
 
 
 
 
         QUA THẬM THÌNH
 
Đi qua xóm núi Thậm Thình
Bâng khuâng nhớ nước non mình nghìn năm
Vua Hùng một sáng đi săn
Trưa tròn bóng nắng nghỉ chân chốn này
Dân dâng một quả xôi đầy
Bánh chưng mấy cặp bánh giầy mấy đôi
Đẹp lòng vua phán bầy tôi
Tìm đất kén thợ định nơi xây nhà
Trăm cô gái tựa tiên sa
Múa chày đôi với chày ba rập rình
Đêm đêm tiếng thậm tiếng thình
Cối gạo đầy cả nghĩa tình nước non
Không còn dấu cũ, lầu son
Phía sau thành phố khói vờn trong mây
Trời cao. Bóng tỏa đường cây
Nhịp chày xưa thoảng đâu đây thậm… thình! 
Vĩnh Phú, 1971

 

CHUYỆN MỘT NGƯỜI NUÔI CÁ
Giữa các kỹ sư áo trắng cổ cồn
Anh vẫn đánh bộ đồ nâu dân giã
Nói kinh nghiệm nuôi cá
người nghe mắt long lanh.
                       
Con mè hoa phàm ăn
Giống trắm cỏ dễ nuôi, chóng lớn
Cá nhiệt đới quê mình đẻ sớm
Thằng trắm đen chỉ chén ốc cua.
 
Chú bé nghèo xưa mò con rô, con trê
Cái đầu trọc
lưng trần phơi
nắng cháy.
Chém cá giá máu cơ hồ ngừng chảy
Lạnh. Phong phanh một mảnh quần đùi.
 
Đêm, quê hương, tiếng gió rít dài
Hồ nước rộng, ngôi sao trôi lặng lẽ
Đèn ám khói văn phòng Đảng ủy
Con cá đồng quẫy nhức đầu anh.
 
Bốn tháng ròng đau năm đầu ngón chân
Mười bốn mẫu ao, đất hồng quanh trại
Đàn cá giống đầu tiên hồi hộp vỗ
Trăng lại tròn. Anh chưa xáp mặt con.
 
Ngày nắng. Đêm mưa. Ngồi bên bể ương
Màu nước ao cũng làm anh mất ngủ
Tranh sách mới qua rồi thời bỡ ngỡ
Ngọn đèn dầu chiếu quầng sáng đêm đêm.
Tóc bạc rất nhanh
trong hai năm
Mười loại cá quẫy đuôi vào bể đẻ
Đêm vớt trứng, san ao hối hả
Mặt anh hồng trong mắt xã viên.
 
Đất chín vàng mấy mùa lúa xuân
Ruộng ken tóc, ao đầm dày tăm cá
Đêm Vũ Di hương đồng bâng khuâng quá
Con chép nào đớp lạc một vì sao.
                                           Vĩnh Tường 1973 
 
 
 
 
 
 
 
 
NÓI VỚI CON SẮC NẮNG CỦA HOÀ BÌNH             
                                        Cho con trai Nguyễn Từ Sơn
 
                     I
Sáng nay con đến trường
không phải đội mũ rơm
Mẹ con rưng nước mắt
Hạnh phúc quá, cậu học sinh lớp một
Mênh mông trời xanh trên đầu
 
Những ngày này
bố muốn nói cùng con
một đôi điều về đất nước
giản dị quá mà thật là quá sức, phải không con?
 
Đất nước hết giặc ngoại xâm
Bác không còn
Nhưng trong mỗi lá cờ mừng hòa bình
đều có Bác
vẫn mênh mông vầng trán cao, tóc bạc
Bác cười hiền trong nắng ngắm con chơi
 
Trang sử con học sau này
không nói hết cuộc đời Bác đâu
Những dãy núi mù sương sẽ nói
Cái hơi lạnh thấu xương hang Pắc Bó
Cái nắng trung du hắt lửa vào người
Một vầng trăng
Một tiếng chim vui
Một giọt nắng
Một chùm hoa dại
đều sẽ nói về Bác Hồ với con mãi mãi
 
Khi Bác bị cùm trong ngục Tĩnh Tây
Bác đã nghĩ đến con
và buổi học sáng nay
Khi các bác, các chú con điềm nhiên ra trường bắn
Mặt dân tộc sắp hồng trong sắc nắng.
                    
                     2
Con sinh giữa những ngày đất nước gian lao
đỏ hỏn trên tay mẹ đã xuống hầm
Hạt gạo củ khoai nuôi con còn mang vị mặn
Nắng khét tóc, Bác thăm đồng chống hạn
Hạnh phúc nào mà chẳng có phần con.
Những ngày ấy da bố mẹ xanh
Năm tháng mất nhiều hồng cầu vất vả
Nhưng chưa bằng chú con đi đánh giặc ở Trường Sơn
Cái nắng tháng sáu làm tóc đỏ quăn
cơn mưa rừng làm da tái sạm
Bao bà mẹ tiễn con ra trận
gánh trên vai ba vụ cấy cày
Không gian rung trong tiếng bom
Đến giấc ngủ thần tiên của con
cũng đỏ trời pháo sáng
Gương mặt hòa bình đã rõ dần
trong đuốc  lửa B52 đâm đầu xuống
Bao đau thương đất nước chịu
                                        vì con!
Nhiều người bạn vui với ta mà òa khóc
Mặt nhân loại tươi như một đóa sen hồng
Dãy hầm trường con sẽ đi vào kỷ niệm
Ôi hòa bình nắng ấm của trăm năm.
 
 
 
 
 
 
GIỮ CHỐT
                                                         Tưởng nhớ Bùi Nguyên Khiết
 
(Nhà báo Bùi Nguyên Khiết, sinh năm 1945, quê tại xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, là phóng viên báo Hoàng Liên Sơn, hy sinh năm 1979, trong khi tác nghiệp, tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, chống quân Trung Quốc xâm lược tại mặt trận biên giới huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Ngày 21-6-2014, Thành ủy, UBND thành phố Lào Cai và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai đã tổ chức lễ gắn biển tên đường phố mang tên liệt sĩ, nhà báo Bùi Nguyên Khiết, tại phường Bình Minh, TP Lào Cai.)
 
- Tên Khiết hàng đi!
  Nhâu nhâu một bầy chúng sủa.
  A.K. đanh giòn nổ
  Khiết bắn viên cuối cùng
  Trên người, bảy vết lê đâm.
 
  Hai mươi tháng ròng mày vất vả
  trụ vững vàng như một cây thông
mặt giáp mặt với quân Ưng Khuyển
Cơm là mì - luộc - nắm quanh năm.
Cái quần bộ đội cháu cho
ống rộng thùng thình không chữa lại
cứ mặc thế nhảy tàu Hà Nội
thăm bạn bè sớm, tối lại lên ngay.
Cứ gặp mày là bị cuốn vào say
những trang viết trong đầu cựa quậy
Mày lên chốt Mường Khương
Trưa 17…
- Tên Khiết hàng đi!
Mười năm giảng Cáo Bình Ngô
máu trong người rần rật
học trò nghe long lanh ánh mắt
Khẩu A.K. mày bắn viên cuối cùng
Trên người, bảy vết lê đâm
 
Giặc bị đẩy lui, xác chồng lên xác
Đồng đội ôm lấy mày nghiến chặt răng không khóc
Thằng con trai Ninh Bình sống chết với Lao Kai
Máu đỏ tươi đổ thắm đất này.
 
Quên sao được cái làng quê Yên Sở
Ta ngồi viết bốn bên xanh lúa
Đạn pháo từng chùm rừng rực phía Sơn Tây
Bên ngọn đèn dầu mày hì hụi mê say
Hơi mây núi, gió đồng chiêm hòa lẫn
Nhớ lắm, Khiết ơi, tao nhớ lắm.
 
Trên người, bảy vết lê đâm
Máu của mày nhuộm đỏ chốt Mường Khương
Bè bạn, học trò đang thay mày giữ nước.
                                             24 / 2 / 1979
 
 
 
 
 
 
 
 
THĂM THẦY GIÁO CŨ
                        Kính Tặng thầy Hoàng Như Mai
 
  Hai mươi bốn năm xa
  Con ngồi lặng bên thầy
  Phố Nguyễn Du nồng nàn hoa sữa
  Tóc thầy bạc phau
  Mái tóc con nửa đời sương gió.
 
  Đứa học trò thuở mười tám, đôi mươi
  Lại lắng từng câu, lại nhập từng lời
  Cái giọng nói một đời không quên được
  Cái ánh lửa cháy lên trong cặp mắt
  Hai bốn năm rồi, ấm mãi bên con.
 
  Có những đêm con nhớ đến bồn chồn
  Chiếc áo bông của thầy bạc màu nắng gió
  Trời trở lạnh, đông về cuối ngõ
  Rét đầu mùa, thầy ngủ có ngon không?
 
  Thầy đã giảng cho con về Đất nước, Nhân dân
  Để khi mặc lành không quên người áo vá
  Ăn miếng ngon nhớ bàn tay trồng khoai giỡ củ
  Câu ca dao đau đáu một đời.
 
  Con ngước lên. Con gặp mắt thầy
  Đầm ấm quá. Con thành trẻ nhỏ
  Những vui buồn thầy lặng nghe con kể
  Có lúc nào thầy không ở bên con
 
  Con nghe rất nhiều trong lặng im
  Thầy thấu cả những điều con chưa nói
  Phút giao cảm, thầy là tia nắng rọi
  Con, cây xanh đang nẩy lộc trong vườn.
 
  Thầy tiễn con về. Phố lạnh hơi sương.
  Con để mãi bàn tay trong tay thẩy ấm áp
  Và con biết đêm nay thầy lại thức...   
                                                    1980
 
 
 
 
 
 
 
VĨNH YÊN
 
Vĩnh yên ơi, ta lại về đây
Nhớ thương năm tháng có vơi đầy
Thuyền ai, mái động trăng đầm Vạc
Nghe bốn bề xuân rạo rực cây…
 
Một nẻo đường khuya xao xác lá
Mang đi để nhớ lại mang về
Ôi chao đã ba mươi năm lẻ
Phố cũ, đêm dài, sương lạnh tê
 
Phố cũ đêm nay dường trẻ lại
Râm ran bè bạn với anh em
Bàn chân lại ấm đường đất sỏi
Nghe ngợp hồn đầy một Vĩnh Yên…
                                        1996
 
 
 
 
 
 
TIẾNG NGHỆ
 
Cái gầu thì gọi là đài
Ra sân thì bảo ra ngoài cái cươi
Chộ tức là thấy mình ơi
Trụng là nhúng đấy đừng cười nghe em
Thích chi thì bảo là sèm
Nghe ai bảo đọi thì đem bát vào
Cá quả thì gọi cá tràu
Vo trôốc là bảo gội đầu đấy em!
 
Nghe em  giọng Bắc êm êm
Bà con hàng xóm đến xem chật nhà
- Khi mô sang nhởi bên choa
Bà O đã nhốt con ga trong truồng…
 
Em cười bối rối mà thương
Thương em một lại trăm đường thương quê
Gió lào thổi rạc bờ tre
Chỉ qua giọng nói đã nghe nhọc nhằn
Chắt từ đá sỏi đất cằn
Nên yêu thương mới sâu đằm đó em!
 
 
 
 
 
 
 
VỚI QUÊ
 
Gửi Cát Văn, quê mẹ
           
  Cho tôi nói với quê như chuyện trò với mẹ
  Đứa con tha hương ba chục năm rồi
  Ngót nửa đời tôi ăn cơm xứ Bắc
  Vị gạo đỏ quê nhà vẫn nhớ khôn nguôi
  Nghĩ đến quê tôi thành người mắc nợ
  Mái trường Thổ Sơn ơi tôi nhớ suốt đời
  Không có thầy Vận, thầy Châu dắt tôi thuở nhỏ
  Tôi, đứa trẻ nghèo chỉ biết nhặt cơm rơi
 
  Hạt cơm mẹ nuôi, tôi ăn thấy ngọt
  Tuổi thơ biết gì đến những đắng cay
  Cả cánh đồng anh chị tôi cấy gặt
  Năm tháng nuôi tôi, đất cũng khô gầy.
 
  Dù đi đâu cũng nhớ về đất cằn sỏi đá
  Con đường xã mình rầm rập hồng binh
  Trống Xô Viết ba mươi trong hồn tôi gióng giả
  Có mẹ, có cha trong quần chúng biểu tình.
 
  Những ngày đạn bom ngoài này xa tuyến lửa
  Không được dậy nửa đêm đón bộ đội vào làng
  Nồi nước mẹ nấu đầu hè quyện mùi trầu quế
Chỉ nghĩ đến thôi mà đã thấy bâng khuâng.
 
Ơi bạn bè, xin cứ gọi nhau như hồi còn đánh đáo
Dù con trai đã ông, con gái đã bà
Các cậu trụ ở quê với cơn mưa, trận bão
Cho bọn mình đến mọi nẻo đường xa.
 
Vẫn tím trong tôi đồi sim cằn rú Mít
Nhớ cái chuôm sâu ở đồng Hói đồng Chùa
Nay quê mình đã xanh trùm bóng mát
Bao ân tình mình xin gửi vào thơ…
             Hà Nội, 1985
 
 
 
 
 
 
VỀ QUÊ SƠ TÁN
        
         Về thăm làng sơ tán
mà như về quê hương
Trẻ con reo đầu ngõ
Người lớn gọi ngang đường.
 
Người nắm tay kéo vào
Người bảo: sang uống nước
Người trách: sao ít về
Người chê gầy hơn trước.
 
Hỏi thăm khắp cơ quan
Từng anh, từng chị một
Hỏi bố rồi hỏi con
Trả lời sao cho kịp?
 
Nước chè xanh bốc khói
Gần nửa làng đến chơi
Ngọn đền khuya càng đượm
Thêm giòn giã tiếng cừời…
 
Đêm gác tay lên trán
Thấy sâu nặng tình đời
Một làng quê xóm núi
Xao động cả hồn tôi
                     Làng cọ An Đạo, 1976
 
 
 
 
 
 
 
 
NINH BÌNH ĐÊM NÓI CHUYỆN THƠ
 
Định một đêm ghé lại Ninh Bình
Hút điếu thuốc hàn huyên với bạn
Bỗng bất chợt bạn bắt đi nói chuyện
- Ở chỗ mình anh em khao khát thơ
- Ừ thì đi!
Kẻng báo họp bất ngờ
Trai gái công trường đổ về chật lán
Nhà bức bối ta ra sân cho thoáng
Kê gỗ, tre xếp lấy chỗ ngồi.
Diễn giả nhìn lên, mắt gặp trời
Gặp dãy núi thuở cờ lau tập trận
Đèn gió tắt có đêm sao là bạn
Không thể nào nhìn rõ mặt người nghe
Muốn tìm một cặp mắt say mê
Để chỉ nói riêng cho ai cũng chịu
Không thơm thoảng phấn hương dìu dịu
Chỉ mùi mồ hôi trên áo mồ hôi
Không thể nói những câu thơ tha thẩn ngoài đời
Tả màu mây trên cánh đồng cháy khát
Không thể nói những câu thơ như phấn thoa lên mặt
Tôi biết rằng tôi cầm bút cho ai.
 
Thơ chiến trường, thơ các bạn tôi
Cơn sốt đến, trong hang trùm chăn viết
Sức học trò theo xe băng cái chết
Mà câu thơ cứ nghịch ngợm như đùa
 
Nhiều người nghe sống lại ngày qua
Với binh trạm bên đường, chiều bãi khách
“Cạnh giếng nước có bom…” em có biết
Nên ai “ngủ ngày chân lấm“ đó em?
 
Tôi có người bạn thơ từ thuở sinh viên
Mải miết viết những câu thơ mây gió
Về Hà Nội heo may, nắng chiều ngõ nhỏ
Lên biên giới về, thơ viết thật hơn
Anh ngồi ăn với lính mấy lưng cơm
Trong đêm tối gió mù trời bụi thốc
Và anh biết: với cuộc đời khó nhọc
Câu thơ mình như khách đi qua.
 
Tôi không nhìn rõ mặt người nghe
Nhưng đăm đắm nhìn lên trăm cặp mắt
 Phút đồng cảm dễ đâu có được
Để câu thơ giây lát ruột rà
Tôi đọc những vần thơ không chút mượt mà
Về than bụi Việt Trì, gió Lào xứ Nghệ
Về mụn vá áo em, mồ hôi trán mẹ
Về người bạn văn ngã xuống Mường Khương
Người nghe tưởng thơ viết về chính họ
Có kỳ gạo chậm mì, đầu tháng muộn lương
 
Cái đêm ấy hồ dễ gì quên được
Thơ tri âm với đất đá công trường.                     
1981
 
 
 
 
 
 
 
 
NGHĨ BẰNG THƠ MỘT TƯ TƯỞNG ĐẢNG
 
 Xin đừng mở video ngằm hoài chùm pháo hoa mừng đại thắng
Máu, mồ hôi ba mươi năm sáng lên trong bảy sắc cầu vồng
Đảng bảo đất nước phải đổi thay, đổi thay là lẽ sống
Hơn năm mươi triệu người từ Lạng Sơn đến Minh Hải chờ trông.
 
Mười năm sau chiến tranh đã đủ thời gian để ta suy ngẫm
Những bồng bột thơ ngây, những ảo tưởng dại khờ
Ai nói: thống nhất rồi, gạo châu thổ sông Hồng đem nuôi lợn
Gạo xuất khẩu, gạo nuôi người, phù sa chín nhánh Cửu Long lo.
 
Những vùng quê trên đất nước mình có tháng vài ba trận bão
Nơi gió đổ cây sập nhà, nơi giáp biển sóng thần dâng
Lúa đang ngậm đòng, mưa trắng trời lại bữa cơm bữa cháo
Hạt gạo bây giờ đâu chỉ năm nắng mười sương.
 
Xin đừng vẽ tô, đôn những vùng quê lên mười tấn
Hạt lúa lép ngoài đồng mà trên trang giấy thơm tho
Ai ngợi gió ca mây hoài mà bữa cơm vẫn độn
Tháng giáp hạt dài, tóc mẹ bạc vì lo!
 
Xin sách giáo khoa nói in ít đi về rừng vàng biển bạc
Để các em bé lớn lên không hồn nhiên nghĩ đất nước mình giàu
Rừng bị phá quá nhiều, cây non trồng chưa kịp mọc
Kéo lưới vơ cả cá con rồi cá chẳng còn đâu!
 
Xin đừng lấy cái nghèo làm điều cao thượng
Trên thế gian này không ai nói nghèo sang
Thắng giặc rồi, cả nước đồng lòng nuôi chí lớn
Đem khối óc bàn tay hoạch định những mùa màng
 
Nếu tai ai quá quen nghe những lời tán khéo
Thì xin tập nghe cả những câu không chút chiều lòng
Thuốc chữa bệnh không thể nào ngọt lừ như kẹo
Không có mùa xuân nào không qua cửa mùa đông.
 
Xin chớ rông dài mà nên đi vào thực chất
Lo sự nghiệp nghìn đời từ áo mặc cơm ăn
Khi tận sâu thẳm tâm hồn, Đảng lấy dân làm gốc
Thì nhân dân sẽ theo Đảng hết lòng
 
Nói đổi mới tư duy để nghe thôi thì cũng dễ
Nhưng khó vô cùng là mình tự xẻ mình ra
Những quan niệm lỗi thời ở trong đầu mọc rẽ
Phải nhổ khỏi người ắt buốt tận thịt da
Đừng biến thành thời trang một tư tưởng mới
Đảng thương Dân, Dân yêu Đảng trọn đời
Ghềnh thác nào cũng qua, bến bờ nào cũng tới
Sau đợt rét dài đã ửng nắng xuân tươi
Trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ sáu - 1986
VẰNG VẶC SAO KHUÊ
Giã biệt cha bên ải Nam Quan
Nuốt lệ đắng trong tim máu đọng
Đêm Đông Quan đèn vật vờ một bóng
Nỗi thù nhà nợ nước đôi vai
Tiếng rên xiết của lê dân xói óc
Lưỡi kiếm vung thay tiếng thở dài. 
Cả non nước tím bầm đồn lũy giặc
Một góc rừng ấm lửa sáng đêm đen
Lương cạn Linh Sơn giặc tràn Khôi huyện
Giữa trùng vây củ nâu chát thay cơm. 
Bài phú viết giữa hai lần giặc đuổi
Ngọn bút lông chống trăm vạn binh cuồng
Đêm sương lạnh đèn khuya một bóng
Ngời ngời nhân nghĩa tỏa từng chương.
Dân là gốc. Một niềm dân là gốc
Thảo binh thư vẫn nhớ kẻ cuốc cày
Cảm thương người hát rong đêm trở gió
Người hái dâu bãi vắng trắng sương dày.
Dân nô bộc đầm đìa nước mắt
Tiếng cuốc kêu khắc khoải đêm hè
Người ngụp biển sâu mò châu ngọc
Kẻ xác treo thòng lọng cành đa
Chỉ tiếng gió hú dài bãi vắng
Đau quặn lòng nhìn một ánh sao sa.
Trên nhung  lụa mà đêm không chợp mắt
Áo vua ban chưa ấm một bên lòng
Đánh xong giặc trở về đầu bạc
Tim vẫn đau vì trăm nỗi nhân gian
Về với suối với cây khỏi nghe lời xiểm nịnh
Lều cỏ gianh khuất mặt lũ gian thần
Đêm tỉnh giấc lại gặp người dân đói
Bên tía hồng võng lọng với đai cân
Ôi một tấm cô trung cay đắng quá
Hoa ngắm khôn khuây rượu nhắp buồn
Chỉ mỏng mảnh một tấc lòng hậu thế
Có soi vào vằng vặc bóng đêm chăng?
Sáu trăm năm, ồ đã sáu trăm năm
Thời gian vùi lên bao tội ác
Những mưu đồ bị chôn sâu trong đất
Những kẻ lộng hành thành bụi tro.
Gác tía, lầu son, nào đâu cả?
Chỉ muôn đời vằng vặc sao Khuê.
Kỷ niệm 600 năm Nguyễn Trãi
Hà Nội, 1980
19/1/2018
Xuân Mai - Nguyễn Ngọc Tung
Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Theo http://hoivhntvinhphuc.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...