Linh hồn sông nước của
"Văn hóa miệt vườn" trong văn xuôi Nam bộ
Tiểu luận phân tích, chứng mình, rằng hoàn toàn
có cơ sở để gọi Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Trang Thế Hy, Nguyễn Ngọc
Tư là các nhà văn sinh thái. Sáng tác của họ giúp ta nhận ra những đặc điểm
quan trọng nhất của sinh thái tự nhiên và sinh thái và sinh thái tinh thần Nam
bộ. Những đặc điểm ấy làm nên diện mạo và định hướng phát triển của nền văn hóa
“miệt vườn” mang linh hồn của sông nước Cửu Long.
Tiểu luận góp một tiếng nói vào Hội thảo về vấn đề “sinh thái
và văn hóa Nam bộ”. Đó là đề tài rất lớn. Tôi chỉ bàn một khía cạnh nhỏ: mối
quan hệ giữa sinh thái tự nhiên và sinh thái tinh thần của con người xã hội
trong văn xuôi Nam Bộ. Nói là trong “văn xuôi Nam Bộ”, thực ra, chất liệu mà
tôi khảo sát để rút ra vài nhận xét chủ yếu là sáng tác của các cây bút lớn, đại
diện cho ba thế hệ làm nên dòng chảy văn hóa truyền thống của vùng đồng bằng
sông Cửu Long mà ta quen gọi là văn hóa “miệt vườn”, bắt đầu từ Bình Nguyên Lộc
(1914-1987), qua Trang Thế Hy (1924-2015), Đoàn Giỏi (1925-1989), Sơn Nam
(1926- 2008), đến Nguyễn Ngọc Tư (s. 1976). Với sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư,
tôi dừng lại ở Cánh đồng bất tận, thiên truyện đánh dấu sự đổi dòng quyết
liệt của mạch truyền thống ấy.
Xin bắt đầu bằng chuyện cách thức mô tả thiên nhiên và nhân vật
trong văn xuôi Nam bộ. Tôi gọi Nguyễn Ngọc Tư, Đoàn Giỏi, Trang Thế Hy, Sơn
Nam, Bình Nguyên Lộc là các “nhà văn sinh thái”, dù tác phẩm của họ chẳng động
chạm gì tới những chuyện mà ta có thể bắt gặp hàng ngày trên báo chí hiện nay,
ví như tình trạng sạt lở, khô hạn, hay môi trường sinh thái đang bị xâm hại và
nguy cơ của cả vùng châu thổ mênh mông có thể bị ngập sâu dưới mực nước biển do
ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Chỗ dựa để tôi gọi như thế là cách thức sử dụng
các chi tiết thiên nhiên để kiến tạo khách thể thẩm mỹ trong ý đồ sáng tạo nghệ
thuật của họ.
Nói tới cao nguyên miền trung, miền Tây Bắc tổ quốc, ai cũng
nghĩ ngay tới cảnh núi non trùng điệp, hùng vĩ. Hãy xem Nguyễn Tuân nói về Tây
Bắc: “Núi Tây Bắc cao một ngàn thước, hai ngàn thước và ngọn núi ba ngàn một
trăm bốn mươi hai thước, đỉnh đá Phăng Tây Păng cao nhất của tổ quốc ta là mọc ở
Tây Bắc”. Nhưng ở đâu mà chẳng có “con sông quê”! Miền Trung, hay miền Bắc,
ngay cả Tây Bắc hiểm trở cũng không thiếu sông: “Nằm giữa cái thảm đá cái giường
đá vĩ đại Tây Bắc là con sông Đà”. Nhưng sông Bắc bộ chắc chắn không giống sông
nước Nam bộ và việc mô tả nó trong văn chương càng khác xa nhau. Đây là dòng
sông Đà qua nét vẽ của Nguyễn Tuân: “Còn xa lắm mới đến cái thác dưới.
Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như
là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn
mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn
giữa rừng vầu, rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cũng cũng
gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng. Tới thác rồi. Ngoặt khúc sông lượn thấy
sóng bọt đã trắng xóa cả một chân giời đá. Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết
trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm
mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn
nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền”. Một nét vẽ khác: “Tôi có bay tạt qua sông
Đà mấy lần và thấy đó cũng là thêm cho mình một góc độ nhìn, một cách nhìn về
con sông Tây Bắc hung bạo và trữ tình <…> mỗi lúc ngồi tàu bay trên chiều
cao nhìn xuống… con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu
tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai
và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”. Lại một nét vẽ khác nữa: “Mùa
xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của
Sông Gầm, Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da một người bầm đi
vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội vì mỗi độ thu
về […]. Đã có lần tôi nhìn Sông Đà như một cố nhân […] Tôi nhìn cái miếng sáng
lóe lên một màu trắng tháng ba Đường thi “yên hoa tam nguyệt hạ Dương Châu” […]
“Thuyền tôi trôi trên dòng Sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng lờ. Hình như từ đời
Lý đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng lờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi
trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng
người. Cỏ tranh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ
tranh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên
như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa…” (Nguyễn Tuân, Người lái đò sông
Đà)
Các nhà văn Nam bộ thường không tả, mà kể chuyện sông nước
theo kiểu khác. Sơn Nam kể: “Rạch Cái Cau là ngọn sông Cái Lớn ăn qua địa
phận tỉnh Cần Thơ. Trên ba mươi năm về trước, đó là nơi sầm uất, lau sậy mọc um
tùm quanh mấy gốc bần to lớn cở hai người ôm không xuể. Sớm thì chim kêu, chiều
thì vượn hú, quang cảnh buồn bã làm sao! Thỉnh thoảng, có người bảo rằng: giữa
đêm khuya nghe tiếng cọp rống. Những tin đồn đãi bất lành như vậy lần lần bị
đánh tan và không còn làm cho ai sợ sệt nữa. Kìa kinh Xáng Lái Hiếu vừa múc
xong! Ngọn nước bạc mát lạnh, ngon lành đổ tuôn qua Rạch Giá, mang mấy dề lục
bình lá xanh bông tím trôi phiêu lưu từ sông Hậu Giang ra ngoài khơi vịnh Xiêm
La xa thẳm. Sông rạch thông thương, vàm Cái Cau lần lần có người đến cất nhà
đông đúc thành xóm nhỏ, có ông hương ấp đứng đầu. Ông hương ấp họ tên gì? Nhà ở
lối nào? Ðiều đó khách thương hồ ít ai quan tâm đến” (Sơn Nam, Con Bảy
đưa đò). Trong Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư cũng kể chuyện kênh rạch,
đồng nước như vậy: “Con kinh nhỏ nằm vắt qua một cánh đồng rộng. Và khi
chúng tôi quyết định dừng lại, mùa hạn hung hãn dường như cũng gom hết nắng đổ
xuống nơi này. Những cây lúa chết non trên đồng, thân đã khô cong như tàn nhang
chưa rụng, nắm vào bàn tay là nát vụn. Cha tôi tháo cái khung tre chắn dưới sàn
ghe, bầy vịt lúc nhúc chen ra, cuống quýt, nháo nhào quẫy ngụp xuống mặt nước
váng phèn. Một lớp phèn mới, vàng sẫm quánh lại trên bộ lông của những con vịt
đói, nhớp nháp bám lên vai Điền khi nó trầm mình bơi đi cặm cọc, giăng lưới rào
bầy vịt lại. Tôi bưng cái cà ràng lên bờ, nhóm củi”.
Tôi trích dẫn dài như thế là để rút ra nhận xét thế này. Sông
Đà của Nguyễn Tuân hiện lên như một cảnh quan, kì quan. Rừng Cà Mau của
Sơn Nam, hay đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi vừa là nơi ở, lại vừa là nơi bẫy
thú, nơi giăng lưới, thả câu. Hay “cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư cũng
chỉ là nơi chăn thả. Sông nước trong sáng tác của họ là mạng lưới giao
thông, mà cũng là nơi giao thương. Chúng được kể, được tả như không
gian sinh hoạt thường nhật và môi trường cộng sinh giữa tự nhiên với
con người. Tôi gọi các cây bút Nam bộ là những nhà văn sinh thái theo
nghĩa như vậy.
Cái môi trường cộng sinh giữa con người và tự nhiên trong văn
xuôi Nam bộ nói trên có nhiều đặc điểm dễ nhận biết.
Thứ nhất, khép kín là đặc điểm dễ nhận biết đầu tiên của
nó. Hãy xem vương quốc của ông Tư Thông ở hòn Cổ Tron: “Ở hòn Cổ Tron giữa vời
vịnh Xiêm La này, ông Tư Thông cơ hồ quên cả loài người và loài người cũng hầu
như quên rằng mình có một đồng lại ở ngoài mỏm đá chơi vơi kia. Ðiều ấy, chúng
ta không nên trách ai cả, chẳng qua là… hải giác thiên nhai. Không lẽ ông phải
vượt bốn mươi cây số đường biển để tới công sở Lại Sơn, bên Hòn Rái mà trình diện.
Chính quan chủ quận Châu thành Rạch Giá còn ngán đi kinh lý đến làng Lại Sơn” (Sơn
Nam, Hòn Cổ Tron). Cái thế giới giống như vương quốc “Robinson” của thằng
Cộc trong Rừng mắm của Bình Nguyên Lộc, Cà Mau của Sơn Nam,
hay Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi và ngay cả Cánh đồng bất tận của
Nguyễn Ngọc Tư cũng là những không gian khép kín như vậy. Đó là một thế giới
khác, tách biệt hoàn toàn với phần còn lại của thế giới.
Thứ hai, hoang sơ là đặc điểm khác. Ngay trong Lời
tựa dành cho Hương rừng Cà Mau, Sơn Nam đã cố ý tô đậm sự hoang
sơ của của vùng đất rừng, sông nước này:
Trong khói sông mênh mông,
Có bóng người vô danh
Từ bên này sông Tiền
Qua bên kia sông Hậu
Mang theo chiếc độc huyền
Ðiệu thơ Lục Vân Tiên
<…>
Tới Cà Mau - Rạch Giá
Cất chòi, đốt lửa giữa rừng thiêng…
Muỗi, vắt nhiều như cỏ,
Chướng khí mù như sương.
Thân không là lính thú
Sao chưa về cố hương?
Chiều chiều nghe vượn hú,
Hoa lá rụng, buồn buồn
Tiễn đưa về cửa biển
Những giọt nước lìa nguồn,
Ðôi tâm hồn cô tịch
Nghe lắng sầu cô thôn
Dưới trời mây heo hút…,
Đặt Rừng mắm của Bình Nguyên Lộc, Hương
rừng Cà Mau của Sơn Nam và Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi bên
cạnh Việt Bắc của Tố Hữu, ta càng thấy rõ hơn cách mô tả thiên nhiên
rất riêng của các cây bút truyền thống phương Nam. Rừng Việt Bắc kháng chiến
trong thơ Tố Hữu là “Thủ đô gió ngàn” đầy ắp không gian lễ hội, nơi
đây “Đêm đêm rầm rập như là đất rung/ Quân đi điệp điệp trùng trùng/ Ánh
sao đầu súng bạn cùng mũ nan”. “Rừng mắm” của Bình Nguyên Lộc hoang vắng tới mức,
lúc nào thằng Cộ cũng “thèm người”. Cũng được đặt vào bối cảnh thời chiến,
nhưng rừng Cà Mau của Sơn Nam và rừng phương Nam của Đoàn Giỏi chỉ là “thủ đô”
của muông thú, rắn rết, của chàm, đước và thảo mộc hoang dại, cực kỳ vắng vẻ. Ở
đó, sự có mặt của con người không xóa được ấn tượng về sức mạnh thống trị của tự
nhiên. Trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư, tính chất hoang sơ, khép kín của đất
rừng sông nước phương Nam tuy đã nhạt đi, nhưng dấu vết của nó thì vẫn dễ nhận
biết. Cánh đồng bất tận của nhà văn này chẳng phải là đồng hoang đó
sao? Và không phải ngẫu nhiên Nguyễn Ngọc Tư viết Nhớ sông, rồi lại viết Dòng
nhớ. Đáng lưu ý là ngay ở đoạn mở đầu, cả hai tác phẩm đều cho thấy, trong ký ức
thẳm sâu của tác giả, “nhớ sông”, hay “nhớ dòng” trước hết là nỗi nhớ về số phận
bi thảm của con người trước sức mạnh hoang sơ, hung bạo của sông nước: “Mỗi
lần qua sông Cái Lớn, Giang lại nghĩ chắc tới già, tới chết, mình sẽ chẳng bao
giờ rời chiếc ghe nhỏ này đâu. Cũng khúc sông này, năm Giang mười tuổi, má
Giang chết. Hôm đó, trời mưa nhỏ nhưng gió nhiều, gió bạt tay chèo liêu xiêu.
Nước từ vàm sông cuồn cuộn đổ ra. Chiếc ghe bạt nước tấp vô sà lan chở cát. Ông
Chín, ba Giang, chống đằng mũi; má Giang, chống đằng lái. Giang ngồi trong mui
ghe, ôm con Thủy vào lòng. Giang thấy rõ ràng lúc cây sào trong tay má đang chỏi
vào thành sà lan trượt hước lên, má ngã xuống, đầu má đập vào cái gờ sắt, đôi
chân còn bíu vào ghe. Rồi má cong lại như chiếc võng, hụp vào sông. Giang khóc
điếng, bồng con Thủy lồm cồm bò về đằng sau lái, Giang còn kịp nhìn thấy mái
tóc má trôi lòa xòa liêu phiêu trong làn nước rồi mất hút” (Nguyễn Ngọc
Tư, Nhớ sông).
Thứ ba, con người ở đây không “vươn mình cai quản lại
thiên nhiên”, mà hòa đồng với nó, trở thành bộ phận hữu cơ của nó. Đặc điểm
này này được gợi ra vô cùng tinh tế chỉ trong một câu văn của Bình Nguyên Lộc: “Trên
một tàu dừa nước, một con chim thằng chài xanh như da trời trưa tháng giêng,
đang yên lặng và bền chí rình cá. Trong thế giới bùn lầy mà thằng Cộc đang sống,
ai cũng là ông câu cả, từ ông nội nó cho đến những con sinh vật nhỏ mọn qui tụ
quanh các ngọn nước”. Hình thái “cộng sinh” ấy chi phối nguyên tắc mô tả nhân vật
của các nhà văn phương Nam, từ Bình Nguyên Lộc, qua Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Trang
Thế Hy, cho tới Nguyễn Ngọc Tư. Trong sáng tác của họ, những đặc điểm của tự gần
như được chuyển nhập hoàn toàn sang đặc điểm của nhân vật. Dưới ngòi bút của họ,
nhân vật văn học phần đông là những con người khép kín và hoang
dã hệt như sự hoang dã và khép kín của thiên nhiên vây
quanh. Con người ở đây hoang dã từ ngoại hình, đến tính cách, từ y phục, tới
cách ăn uống, đi đứng, nằm ngồi… Hãy xem Sơn Nam vẽ chân dung ông Tư
Thông: “Ông Từ Thông ra hòn Cổ Tron cất chòi mà nương náu không biết từ
bao nhiêu niên kỷ rồi. Tóc của ông lốm đốm bạc, khi thì thả dài xuống khỏi lưng
quần. Khi thì bới thành búi to sau ót, gài lại bằng một cọng gai kim quít. Một
bộ quần áo nghĩ cũng hơi dư mặc đối với ông! Nhiều khi năm ba tháng liên tiếp
ông phơi lưng trần với nắng, bên mốt gốc săn đá cổ thụ, lá cành xơ xác vì những
cơn gió triền miên của biển khơi. Khi trời nực thì có những khe suối trong veo
đón mời. Ông cứ ung dung mà uống, mà tắm một cách tự nhiên…” (Nam
Sơn, Hòn Cổ Tron). Các nhân vật trong Đất rừng phương Nam của
Đoàn Giỏi cũng hoang dã như thế. Nhân vật trong Cánh đồng bất tận của
Nguyễn Ngọc Tư vừa hoang dã, vừa khép kín trong đời sống nội tâm của mình. Tôi nghĩ, những trang văn hấp dẫn nhất của Nguyễn Ngọc Tư thường là những
trang mô tả tâm trạng u hoài, hay những nỗi niềm thầm kín lắm khi đầy náo nức của
người dân quê mà đời sống gắn liền kênh rạch Nam bộ, tỉ như: “Nó ngồi sau
lưng thầy (như nhiều lần ngồi sau thầy đi mua keo, nút áo, chỉ may cho mẹ), mà
lòng nghe dịu ngọt lạ thường, chợt nghe thèm đến rớt nước mắt được nép mặt vào
lưng, được choàng tay ôm eo thầy. Chiếc xe chạy lòng vòng qua hết mấy con đường,
cứ gặp đèn đỏ là thầy lại quẹo phải, Diệp khúc khích cười, nghĩ, nhà thầy Vẹn
đâu có xa dữ vậy” (Nguyễn Ngọc Tư, Nước chảy mây trôi).
Con người sinh ra từ tự nhiên, chịu sự tác động mạnh mẽ của tự
nhiên. Có cơ sở để khẳng định rằng chính môi trường sinh thái tự nhiên có vai
trò cực kì quan trọng đối với việc hình thành cảm quan của con người và mô hình
thế giới của các cộng đồng dân cư. Tôi nhớ đã bắt gặp đâu đó trong sáng tác của
một nhà văn trung Á kiểu so sánh rất lạ: “người đàn bà có tấm thân mềm mại
nhưng những cái lưng ngựa”, “chàng trai viết cho cô gái hàng trăm lá thư,
lá nào cũng giống những chiếc đầu cừu”. Trong Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài tả nội
tâm nhân vật bằng ngôn ngữ của chính họ: “Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ
rồi. Bây giờ thì Mị cũng tưởng mình là con trâu, mình cũng là con ngựa phải đổi
cái tầu ngựa nhà này đến ở cái tầu ngựa nhà khác, con ngựa chỉ biết việc ăn cỏ,
biết đi làm mà thôi <…> Đời người đàn bà lấy chồng nhà giàu ở Hồng Ngài
thì một đời con người chỉ biết đi theo đuôi ngựa của chồng”. Trong Đất nước
đứng lên, Nguyên Ngọc so sánh “thằng Pháp ác như con cọp”, làng Công Hoa bốn
phía bị Pháp bao vây “như hòn đá ở giữa suối bốn phía đều là nước, như con nai
lạc vào giữa làng bốn phía đều là người”. Thì ra những “lưng ngựa”, “đầu cừu”,
“con trâu”, “con ngựa”, “đuôi ngựa”, “tầu ngựa”, “cọp”, “hòn đá”, “con suối”…
là “mô hình thế giới” và là “lỗ tai”, “con mắt” giúp dân miền thảo nguyên trung
Á, dân Tây Nguyên, hay Tây Bắc Việt Nam cảm nhận thế giới.
Đọc sáng tác của Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Trang Thế Hy, Đoàn
Giỏi, Nguyễn Ngọc Tư, ta thấy môi trường kênh rạch sông nước với những ghe,
thuyền… cũng có vai trò tương tự như vậy. Xin lưu ý: có một chút khác biệt
trong “cảm quan sông nước” giữa người miền Bắc và người phương Nam. Người Bắc
thường cảm nhận đò giang, sông nước như là sự xa xôi, cách trở: “Bảo rằng cách
trở đò giang/ Không sang là chẳng đường sang đã đành” (Nguyễn Bính, Tương
tư). Cho nên văn thơ miền Bắc hay nói tới “bến nước”, “cây cầu”, “con đò”, mà
“đò” ở đây thường là “đò ngang”, với hướng đi quãng ngắn, “sang sông”, “sang
ngang”, chứ không phải “đò dọc” theo hướng xuôi dòng, đường dài. Nguyễn
Huy Thiệp có truyện ngắn Sang sông. Nguyễn Bính có Lỡ bước sang ngang: “Lần
đầu chị bước sang ngang/ Tuổi son sông nước đò giang chưa tường <…> Chị từ
lỡ bước sang ngang/ Trời dông bão, giữa tràng giang, lật thuyền <…> Chị
giờ sống cũng bằng không/ Coi như chị đã ngang sông đắm đò”. Ở đây, “sang
sông”, “sang ngang” trở thành biến cố làm nên bước ngoặt của đời người.
Các nhà văn phương Nam nói kênh rạch sông ngòi là nói tới
dòng chảy bất tận. Với họ, sông ngòi kênh rạch là mô hình thế giới theo kiểu
khác. Tôi muốn nhắc tới hai cuốn tiểu thuyết ra đời cách nhau già nửa thế kỉ: Đò
dọc (1959) của Bình Nguyên Lộc và Sông (2012) của Nguyễn Ngọc
Tư. Tiểu thuyết của Bình Nguyên Lộc xoay quanh câu chuyện về cuộc sống phiêu dạt
của gia đình ông Nam Thành với bốn cô con gái Hương, Hồng, Hoa, Quá trong buổi
giao thời giữa chiến tranh và hậu chiến vào những năm 1950: từ Bạc Liêu thuộc
miền Tây Nam Bộ, họ lên Sài Gòn, rồi từ Sài Gòn lại trôi dạt về miệt Thủ Đức -
Biên Hòa thuộc miền Đông Nam Bộ. Ở đây, “đò dọc” là con đò trên dòng sông di
dân và hành trình chạy loạn đầy gian khó của những con người phải bỏ xứ ra đi.
Với nội dung như thế, cho đến nay, Đò dọc của Bình Nguyên Lộc vẫn giữ
được nghĩa thời sự mang tính phổ quát của nó. Tiểu thuyết của Nguyễn Ngọc
Tư kể về chuyến du khảo sông Di của ba nhân vật: Ân, Bồi và Xu. Sông Di là dòng
sông hư cấu, không gắn với địa danh cụ thể nào cả. Tác phẩm chia thành 22
chương, mỗi chương có thể tách riêng thành một truyện ngắn độc lập. Ta bắt gặp ở
những truyện ngắn ấy thế giới nhân vật với những mảnh đời rất đỗi quen thuộc của
Nguyễn Ngọc Tư: những cô gái ăn sương, những người đàn bà ngoại tình, đám đàn
ông thô bạo, dữ dằn và gần như tất cả được nhìn qua đôi mắt của một đứa trẻ,
hay người con. Sông Di, dòng sông hư cấu của Nguyễn Ngọc Tư cũng là ẩn dụ giàu
sức khái quát. Nó là “dòng sông của những mảnh đời con con”, đúng như lời
của người kể chuyện trong tác phẩm. Và như thế, “sông” và “đò” chính là “lỗ
tai”, là “con mắt” của người phương Nam, “đò dọc”, “dòng sông” là mô hình thế
giới hiện lên qua cảm quan của họ.
Nhưng con người không chỉ là sản phẩm của tự nhiên, mà còn là
sản phẩm của chính nó và của xã hội. Từ thời đồ đá mới, khi con người không chỉ
săn bắt, hái lượm, mà biết chăn nuôi và trồng trọt, nhân loại rẽ theo một hướng
khác. Từ đây, con người không tự biến đổi bản thân để thích nghi với tự nhiên
như muôn loại vật khác. Từ đây, các cộng đồng dân cư tổ chức lại thành các thị
tộc, bộ lạc và quốc gia sơ khai, con người tự nhiên hóa thành con người xã hội.
Bên cạnh sinh thái tự nhiên, con người xã hội hình thành cho mình môi trường
sinh thái tinh thần và sống trong bầu sinh thái tinh thần ấy. Sinh thái tinh thần
của các cộng đồng dân cư khác nhau, ở các thời đại khác nhau có những điểm tựa
định hướng giá trị khác nhau. Chính những định hướng giá trị này sẽ là nhân tố
quyết định diện mạo sinh thái tinh thần và xu hướng phát triển của văn minh,
văn hóa ở các dân tộc, quốc gia, khu vực khác nhau.
Văn xuôi Nam bộ cho thấy nguyên tắc tôn trọng truyền thống,
chứ không phải khát vọng sáng chế, canh tân, là định hướng giá trị của vùng cư
dân canh tác lúa nước. Trong tác phẩm văn học, định hướng này trước hết thể hiện
rõ ở việc mô tả hoạt động thực tiễn của cộng đồng dân cư.
Đọc Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, Hương rừng
Cà Mau của Sơn Nam, hay Rừng mắm của Bình Nguyên Lộc, ta nhận ra
ngay ở đây chỗ dựa quan trọng nhất trong hoạt động thực tiễn của con người
không phải sự sáng chế, phát minh, hay cách tân gì, mà là kinh nghiệm. Từ việc đi rừng sao cho khỏi lạc, tới việc đốt rừng mở đất, việc câu rắn, bẫy
chim, hay săn cá sấu, tất thảy đều phải dựa vào kinh nghiệm. Nhờ kinh nghiệm mà
người mù cũng có thể giăng lưới, thả câu rất thiện nghệ. Hãy nghe ông già độc
thân, mù lòa của Sơn Nam nói về kinh nghiệm thả câu giăng lưới để một mình tồn
tại giữa vùng sông nước: “ - Phải có kinh nghiệm mới đỡ cực nhọc. “Con cá
trương vi quạt đuôi ra biển Bắc thì còn mong gì cá ấy trở lại chốn cũ ao nhà”.
Câu ca vọng cổ đó nói sai. Cá có hang ở sông Cái. Mùa mưa, cá tìm đường lên ruộng,
vào rừng mà đẻ. Bắt đầu mùa hạn, cá bỏ ruộng, bỏ rừng quay trở về hang cũ ở
sông. Sự hôn ngoan của con người là chặn chuyến về của loài cá. Chặn cho đúng
nơi, đứng lúc. Vào đầu mùa, cá thường ăn mồi khi nước lớn. Giữa mùa, cá ăn lúc
chạng vạng, lúc trăng sửa soạn mọc. Hừng sáng, chừng đâm mây ngang, cá trở lại ăn
một lần chót. Khó nhứt là chọn nơi để giăng câu. Cá sợ ngọn nước ngoài biển chảy
tràn vào sông. Gặp nước mặn, cá hết nhớt ngoài da, con mắt xốn xang, nhưng nơi
nước quá ngọt lại ít có cá vì cá chưa đi tới. Cá tập trung nơi lằn ranh nước lờ
lợ và nước ngọt. Tại lằn ranh đó, nên biết chọn từng điểm nhỏ. Rạch nào lắm ghe
xuồng qua lại, cá ăn ở sát bờ. Rạch nào im lặng, cá lội ngay giữa dòng. Trước
khi giăng cá trê, phải quậy cho nước đục. Mỗi chỗ cá chỉ ăn một lần. Vì nó đi
lưu động, mình nên khéo dời chỗ <…> Có người chất vấn: Ðã mù sao còn
giăng câu được? Ông đáp: - Mù lòa là mắt không thấy, chớ nào phải vô tri vô
giác? Con người có thể thấy bằng lỗ tai, bằng hai bàn tay, bằng mũi <….>
Tôi thường bơi xuồng đến tiệm mua đồ một mình. Trong kinh nhỏ có bông súng, khó
bơi. Tới ngã ba, khúc quẹo, là chỗ nghe tiếng con sáo, con cưỡng ăn trái trên
cây dừa bên miễu ông Tà. Gần mương vàm, hơi xông nồng nực, hôi tanh vì nước ít
lưu thông. Chưa tới tiệm, có cầu ván bắc ngang. Chân cầu lớn lắm, tôi thầy nhột
nhột màng tang, vì sợ đụng. Người mù có thể vá quần áo. Lại còn nấu cơm, nghe
tiếng củi nổ, nghe hơi nước nóng để biết cơm sôi, cơm khét… Tóm lại, thiếu cặp
mắt vẫn còn sống được!” (Sơn Nam, Người mù giăng câu).
Định hướng truyền thống thể hiện rõ hơn ở việc mô tả điểm
tựa đạo đức trong đời sống tinh thần của con người. Về phương diện này,
tôi cho rằng Nhớ sông của Nguyễn Ngọc Tư là một áng văn tuyệt vời.
Truyện có ba nhân vật: ông Chín với hai cô con gái có tên gọi đều mang nghĩa là
sông, nước, Giang, Thủy. Câu mở đầu tác phẩm đã để lộ ngay chủ đề về sự thủy
chung giữa người với nước: “Mỗi lần qua sông Cái Lớn, Giang lại nghĩ chắc
tới già, tới chết, mình sẽ chẳng bao giờ rời chiếc ghe nhỏ này đâu. Cũng khúc
sông này, năm Giang mười tuổi, má Giang chết…”. Giang, cô chị, thủy chung với
“nước”, Thủy, cô em, rất mực gắn bó với “đất”: “Gia đình ông Chín sống hẳn
trên ghe <…> Có lúc vừa ghé lại bờ, chưa kịp buộc dây ghe vô gốc mắm,
do quẩn chân lâu ngày Giang đã chạy lên bờ, chạy cuống chạy cuống như điên trên
đất <…> Những buổi chiều ghe đi qua thị trấn, qua phố huyện, giờ tan học
nhìn đám học trò túa ra cổng trường, đám học trò áo lem mực, tay kẹp nách cái cặp,
tay mang bình nước, con Thủy lón lén đắm đuối nhìn lên, mắt ông Chín cháy âm âm
một nỗi gì đau đáu”. Mạch truyện mở ra, kể về lòng thủy chung của ông Chín với
vợ: “Sau này khi vợ chết, không hoàn toàn vì miếng ăn mà cả nhà ông Chín
trôi dạt hết dòng sông này đến con kinh kia. Ở đáy con sông nào đó còn là nơi gởi
gắm xương thịt của người đàn bà xấu số - má Giang”. Gà trống nuôi con, một mình
xoay xở, gặp lúc bí, ông Chín vẫn tiếp tục bàn bạc, tâm sự, vẫn “vấn kế”, xin lỗi
người vợ đã khuất: “Tui biết tính sao bây giờ, bà ơi. Tui tính lầm một lần
này rồi <…> Bà đã thành nước, thành đất, thành cỏ thành cây, cha con tui ở
đâu, xin bà theo đó”. Nhớ sông của Nguyễn Ngọc Tư là áng văn viết
về sự thủy chung giữa vợ với chồng, cha với con, giữa người sống với người đã
khuất, giữa người với sông nước cỏ cây. Thiên truyện toát lên không khí thủy
chung như nhất trong tình đất, tình người.
Tôi nghĩ, ở một chừng mực nào đó, có thể xem văn xuôi Nam bộ
truyền thống, qua sáng tác của Bình Nguyên Lộc, Đoàn Giỏi, Sơn Nam, với nhiều
truyện ngắn, tiểu thuyết của Nguyễn Ngọc Tư, là sự mở rộng, kéo dài của
motif truyện kể về nghĩa tình thủy chung như nhất. Ở đó, tình thủy chung như nhất
được mô tả như là cốt lõi của đạo đức, là nguồn cội làm nên niềm vui và hạnh
phúc tồn tại bất diệt trong cõi nhân sinh. Cho nên, đọc văn xuôi Nam bộ
qua sáng tác của những nhà văn kể trên, ta có cảm giác được gặp lại thế giới
“xa xưa” với những con người truyền thống “ngày trước” rất đỗi quen thuộc.
Cuối cùng, định hướng truyền thống như quan niệm giá trị làm
nên hồn cốt của văn hóa vùng miền thể hiện rõ nhất qua cách thức xử lý ngôn ngữ văn học của nó. Văn thơ miền Bắc luôn xóa bỏ phương ngữ, hướng tới
chuẩn ngôn ngữ quốc gia. Những câu văn, câu thơ sử dụng ngôn ngữ Thanh, Nghệ,
kiểu như “Chúng tôi đi nhớ nhất câu ni:/ Dân chúng cầm tay lắc lắc/
“Độc lập nhớ rẽ viền chơi ví chắc”, chỉ là ngoại lệ. Văn thơ Nam bộ không thế.
Đọc bất kì trang văn nào của Bình Nguyên Lộc, Đoàn Giỏi, Sơn Nam, hay Nguyễn Ngọc
Tư, ta đầy bắt gặp đầy ắp phương Ngữ. Giữa các nhà văn ấy, mỗi Đoàn Giỏi
là có chút khác biệt. Ông luôn nhớ lời văn của ông đang hướng tới độc giả là
người Bắc, người Việt nói chung, nên trong Đất rừng phương Nam, mỗi khi
dùng phương ngữ, bao giờ ông cũng ghi chú, ví như “cần xé” là
“sọt vuông to đáy, có hai quai xách, khi cần cứ tra đòn vào khênh”, “bông
bần” là “một loại cây mọc theo mé sông, đầm nước, còn gọi là thủy liễu”, “trái
khóm” là “quả dứa”, “con trút” là “con tê tê”, “các chả” là
“cha ấy, bố ấy”, “ảnh” là “anh ấy”, hay “qua” là “tiếng
xưng “tôi” thân mật của người cao tuổi”… Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Nguyễn Ngọc
Tư không làm thế.
“Cả nhà bỗng giựt mình thức dậy giữa loạt súng đầu. Ông
Nam Thành nói: “Rồi, rồi!” rồi nhào đại xuống đất và hét thêm: “Xuống bà, mau
mau! Bây ơi, xuống đất mau mau!”. Bà Nam Thành mập tù lu, ột ệt ngồi dậy, bới đầu,
bộ chậm rãi như không việc gì, khiến ông sốt ruột nạt:- Biểu xuống, còn ngồi
đó, chết bây giờ!” (Bình Nguyên Lộc, Đò dọc).
“Sáng nay, má tôi lại ra đứng tần ngần ở chợ Ba Bảy Chín,
nghiêng nghiêng ngó ngó một hồi, biểu con nhỏ chèo đò chèo dài dài chợ nổi. Chợ
rao bán rau trái dậy động cả một khúc sông, má tôi thấy ghe nào cũng lần xuồng
lại, dòm mặt chủ rồi đi. Con nhỏ chèo đò chắc là chèo mối, nó biết bà già định
đi đâu, định làm cái gì nên nó biểu: - Hỏng hỏi thăm thì vô phương kiếm ra, ngoại
ơi. Má tôi ngẩn ngơ. Hỏi chớ, chú ơi, thím ơi, tôi muốn hỏi thăm một người
quen. Tên gì? Ghe bán gì? Hai Giang. Ghe bán hàng bông. Trời đất, ở xứ này có tỷ
tỷ ghe bán hàng bông, cũng có biết bao nhiêu người tên Giang” (Nguyễn Ngọc
Tư, Dòng nhớ).
Qua
vài trích đoạn như thế cũng đủ thấy các nhà văn Nam bộ dùng phương ngữ thoải
mái thế nào! Trong sáng tác của họ, phương ngữ được sử dụng rộng rãi trên mọi cấp
độ, rõ nhất là ở khu vực từ vựng và điệu giọng của lời khẩu ngữ. Còn nhớ, vẫn
tâm niệm Nam bộ gọi “hoa” là “bông”, nên khi đọc truyện của Nguyễn Ngọc Tư, may
mà tra từ điển tiếng Việt, tôi mới ngã ngửa hóa ra “buôn bông” không phải là
“buôn hoa”, mà là buôn bán rau quả. Văn xuôi Nam bộ tựa như đưa độc giả miền Bắc
và miền Trung vào một thế giới khác, nhưng lại dẫn độc giả miền Nam trở lại “miệt
vườn” hít thở khí trời quen thuộc muôn đời chính là nhờ lớp từ vựng địa phương
dày đặc và điệu giọng của lời khẩu ngữ Nam bộ này..
Tôi sẽ
khép lại bài viết bằng mấy nhận xét như sau.
Thứ nhất, hoàn toàn có cơ sở để gọi Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam,
Đoàn Giỏi, Trang Thế Hy, Nguyễn Ngọc Tư là các nhà văn sinh thái. Sáng tác của
họ giúp ta nhận ra những đặc điểm quan trọng nhất của sinh thái tự nhiên và
sinh thái và sinh thái tinh thần Nam bộ. Những đặc điểm ấy làm nên diện mạo và
định hướng phát triển của nền văn hóa “miệt vườn” mang linh hồn của sông nước Cửu
Long.
Thứ hai, đúng là sáng tác của Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Đoàn
Giỏi, Trang Thế Hy, Nguyễn Ngọc Tư chẳng động chạm gì tới những chuyện mà ta có
thể bắt gặp hàng ngày trên báo chí hiện nay, ví như tình trạng sạt lở, khô hạn,
hay môi trường sinh thái đang bị xâm hại và nguy cơ của cả vùng châu thổ mênh
mông có thể bị ngập sâu dưới mực nước biển do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Nhưng những đặc điểm của sinh thái tự nhiên và sinh thái tinh thần cùng định hướng
văn hóa được ghi nhận trong sáng tác của họ lại giúp ta nhận ra vài nguyên nhân
cốt lõi cần suy ngẫm khi giải quyết vấn đề thảm họa sinh thái và môi trường. Chẳng
hạn, tôi cứ nghĩ, định hướng truyền thống của văn hóa Nam bộ và thói
quen dựa vào kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn liệu có phải là
nguyên nhân dẫn tới những ý kiến đề xuất những cách tiếp cận đầy thụ động trong
việc “giải cứu đồng bằng sông Cửu Long”. Ý tôi muốn nhắc tới quan điểm tiếp cận
được gọi là “thuận thiên”, theo đó, người dân đồng bằng sông Cửu Long không được
“cãi trời”, mà phải thích nghi với tình hình biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn
hiện nay. Quan điểm tiếp cận này thoạt đầu được đề xướng trong bài phỏng vấn một
vị Giáo sư khả kính đăng trên “Doanh nghiệp và tiếp thị” ngày 11.3.2021 [1],
về sau được nhiều tờ báo đăng tải lại và ủng hộ. Hoặc tôi cứ nghĩ, liệu có phải
mô hình thế giới quan xem cuộc là “đò dọc” di chuyển bất tận trên sông nước đã
tạo ra truyền thống di dân dẫn tới tình trạng suy giảm dân số rất đáng báo động
ở Nam bộ hiện nay?
Thứ
ba, mô tả hoạt động thực tiễn của con người như sự mở rộng của thói quen và
kinh nghiệm, lấy motif “thủy chung như nhất” làm mẫu gốc để tổ chức truyện kể,
văn xuôi Nam bộ là vương quốc lý tưởng của thể tài phong tục - thế sự, là nơi cất
lên điệu giọng trữ tình cảm thương da diết nhất. Giọng trữ tình cảm thương ấy
không còn ngân nga lên nữa trong Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc
Tư. Ở đây hận thù và sự dã man trở thành mẫu gốc truyện kể của tác phẩm, chính
sự dã man và lòng hận thù đã hủy diệt mọi mầm sống, biến thế giới nhân vật những
con người đã bị thui chột, đui mù cả về thể xác, lẫn tâm hồn. Với nội dung như
thế, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư vừa ghi dấu những biến đổi
dữ dội của môi trường sinh thái tinh thần trong đời sống xã hội, vừa khép lại nền
văn xuôi Nam bộ truyền thống để mở ra một thời đại mới.
Chú thích:
[1] Đừng
đổ lỗi cho Trung Quốc nữa, chính chúng ta đang cãi trời, https://doanhnghieptiepthi.vn/.
Đồng Bát, 22.4.2021Lã Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét