IV. Giải Khuyến khích: 3 giải
1. Tập truyện ngắn Bức tường ngăn của Nguyễn Hoàng
Long
2. Tập truyện ngắn Quán Mãng Xà Vương của Trần Minh
Thảo (Thảo Dân)
3. Tập ký Anh hùng giữa đời thường của Lê Khánh.
XUÂN MAI
Nơi gặp gỡ hai con sông
Tập truyện ngắn đoạt Giải B,
Giải thưởng VHNT tỉnh Vĩnh Phúc 5 năm lần thứ III (2006 - 2010)
NƠI GẶP GỠ HAI CON SÔNG
Bỏ lại phía sau lưng tất cả những tiếng đàn, tiếng nhạc xập
xình, náo nhiệt, những tiếng la hét, những tiếng động cơ ô tô, xe máy và phố
phường ồn ã, lao ra khỏi nhà hàng “Chiều tím”, bàn chân dường như vô định đã
đưa cô đến bến sông. Biết chắc rằng không còn ai đuổi theo mình nữa cô mới ngồi
thụp xuống, hai tay ôm đầu và khóc nức lên.
Đêm chưa hẳn đã về khuya nhưng bến sông không còn người qua lại.
Dưới lòng sông mờ trắng, sát với mép nước có một con thuyền, từ trong khoang
lái hắt ra ánh đèn dầu le lói. Gió thổi xôn xao. Sóng nước vỗ mạn thuyền ì oạp…
Thoắt nhiên cô gái đứng vụt dậy, sau khoảnh khắc chần chừ, cô
nhảy ùm xuống sông. Mặt sông bắn tóe lên màn nước hình phễu, màu sáng trắng, đoạn
lại trở về với trạng thái ì oạp triền miên như không hề có điều gì xảy ra.
Đúng lúc ấy từ trong khoang thuyền có một người con trai, có
lẽ anh ta nghe được tiếng “ùm” nên lao ra. Bằng linh cảm của người sống nghề
sông nước, anh biết có ai đó vừa nhảy xuống sông. Không một chút đắn đo, anh
lao xuống theo. Lát sau, anh lôi được cô gái lên thuyền.
Đầu tóc, quần áo cô gái ướt rượt. Trong ánh đèn mờ tỏ, anh thấy
đây là một cô gái đẹp, tuổi chừng 19, 20. Bộ quần áo vốn mỏng lại ướt, dán sát
vào người cô làm nổi lên những đường nét nở nang, hấp dẫn. Mẹ anh, một người
đàn bà ngót sáu mươi tuổi, cuống quýt bên cô gái. Bà luôn miệng hỏi cô tên gì,
quê ở đâu, tại sao lại phải làm cái điều dại dột này? Cô không nói chỉ khóc và
mấy lần vùng vẫy đòi thoát khỏi vòng tay người đàn bà để lại được nhảy xuống
sông. Lần cuối cùng thấy cô cứ khăng khăng đòi chết, đừng chẳng được, anh giang
tay tát thật mạnh vào mặt cô gái một cái và quát: “Ngu! Thôi, nó muốn chết mẹ mặt
xác nó”. Không ngờ cái tát “lật mặt” đó của anh con trai làm cô bừng tỉnh. Cô
không khóc nữa, lặng lẽ làm theo sự chỉ dẫn của người đàn bà: thay quần áo, uống
nước gừng, húp cháo nóng, rồi vào giường nằm chung với bà. Anh con thấy không
muốn ngủ. Anh ngồi trên mui thuyền đốt thuốc lá liên miên. Thỉnh thoảng anh lại
bấm đèn pin xem đàn cá trắm cỏ nuôi trong bè. Những con cá to bằng bắp tay đang
nhao lên lặn xuống cắn mồi lao xao khiến anh rất vui. Mãi sau anh mới ngả lưng
trên mui thuyền, vắt tay lên trán và thầm hỏi: “Người con gái mình vừa vớt lên ấy
là ai thế nhỉ?”.
Người con gái lao mình xuống sông được vớt lên ấy là Nhài.
Tên cúng cơm của cô là Nhặt. Quê Nhặt ở Lùng Mẳng - Một bản người dân tộc Dao,
mãi trên thượng nguồn sông Lô.
Từ lâu rồi ở Lùng Mẳng vẫn có tục đẻ con ra nếu không nuôi được
thì đem bỏ vào trong rừng. Nhài là đứa con thứ 9 được bố mẹ đẻ ra. Biết không
thể nuôi nổi Nhài nữa, bố mẹ cô cũng đặt cô vào một cái sọt, đoạn đem cô vào rừng,
treo trên ngọn cây. Máu me trên người chưa được lau, cuống rốn chưa được cắt,
miệng bị nhét đầy lá rừng, vậy mà qua hai ngày trời giữa sương đêm gió lạnh và
ong kiến bu đầy mình, cô vẫn không chết. Đến ngày thứ ba, may sao có một người
đàn bà đi rừng chợt nghe thấy tiếng gì ọ ẹ như con mèo hen, bà dừng lại nghe và
ngơ ngác tìm kiếm. Cuối cùng bà nhận ra đấy là đứa trẻ kêu. Bà vít ngọn cây xuống
đoạn đuổi hết ong rừng, rồi xách cái sọt đem cô về và làm lễ nhận con nuôi. Bà
đặt tên cô là Nhặt.
Thôi, khỏi phải nói đến những năm tháng bà nuôi Nhặt vất vả
như thế nào, chỉ biết rằng được sống trong tình thương yêu, chăm sóc của bà, Nhặt
lớn dần lên. Càng lớn Nhặt càng xinh gái. Học hết lớp 5, Nhặt ở nhà cùng bà đi
làm nương được mấy năm thì một hôm có người đến bảo bà cho Nhặt ra phố làm
“ô-sin”. Làm “ô-sin” tức là đi làm người ở. Nhặt, mẹ nuôi Nhặt đều biết thế.
Vài năm nay con trai, con gái bản Lùng Mẳng đã có nhiều đứa bỏ đi làm thuê. Khi
đi, đứa nào cũng gầy còm ốm yếu. Khi về, đứa nào cũng béo tốt, da dẻ hồng hào,
ăn mặc đẹp y như người thành phố. Hình như cứ được ra khỏi Lùng Mẳng là ai cũng
đổi đời? Nếu đi làm ô –sin mà đổi đời thì Nhặt cũng muốn đi. Người đón Nhặt ra
phố còn nói: “Mỗi tháng ba trăm ngàn đồng tiền công. Cơm mỗi ngày ba bữa, chủ
nhà ăn thế nào mình ăn thế. Tính ra, vị chi lương của cháu mỗi tháng phải năm,
sáu trăm ngàn chứ không ít đâu. Mà công việc nhẹ nhàng lắm. Ngoài nấu cơm, quét
nhà, giặt giũ giúp nhà chủ, còn thì suốt ngày ngồi xem ti vi”.
Nhà vốn đông người, cái ăn cái mặc còn thiếu thốn, trong lúc
người môi giới, giới thiệu việc làm lại nói ngon, nói ngọt như rót mật vào tai…
Thế là mẹ con Nhặt gật đầu, bằng lòng.
Nhặt đổi tên là Nhài và được dẫn đến làm ô-sin cho một gia
đình ở giữa “phố quan”. Nhà cao những 4 tầng lầu nhưng chỉ có 3 người ở, gồm một
ông già, chừng trên 70 tuổi, sau cơn tai biến mạch máu não, phải nằm liệt giường
và hai vợ chồng ông chủ tuổi khoảng ngót 50. Nghe nói vợ chồng họ còn có hai
anh con trai, nhưng đều đang du học bên Nhật. Không biết vợ chồng ông chủ làm
việc gì mà sáng nào người nào cũng có ô tô con màu đen bóng lộn đến đón đi. Họ
đi suốt cả ngày. Tối, đường phố lên đèn mới về. Cũng có nhiều hôm Nhài tắt đèn
đi ngủ được một giấc dài mới thấy ông (hay bà) bấm chuông gọi cổng. Hai ông bà
mỗi người ngủ một phòng. Hầu như họ không nói chuyện với nhau. Họ sống lặng lẽ
như hai cái bóng. Làm ô-sin, Nhài biết thân phận mình là con ở, cô không tò mò
hỏi chuyện nhưng bằng linh cảm của mình, Nhài đoán họ đang sống ly thân. Là
Nhài đoán thế chứ chuyện nhà người ta Nhài quan tâm làm gì! Cô yên tâm với công
việc của mình, miễn là họ trả công cô sòng phẳng.
Được ăn cơm thành phố, uống nước thành phố, việc làm lại
không nặng nhọc vất vả như ở nhà nên chỉ có mấy tháng đi làm ô-sin mà Nhài lớn
phổng lên. Mái tóc Nhài dài ra đen mượt, nước da trắng hồng, má, môi không đánh
phấn tô son mà lúc nào cũng đỏ, đôi mắt đen với hàng mi cong dài sáng long
lanh, hai hàm răng trắng đều chỉ hé lộ mỗi khi Nhài cười. Dân phố ai cũng khen
Nhài vừa đẹp, vừa có duyên. Cô đúng là bông hoa rừng mới được người ta đem ra
thành phố. Những lời bình luận ấy không có cánh nhưng đều bay đến tai ông chủ của
Nhài. Cô đâu biết ông để ý đến mình từ bao giờ.
Nhài nhớ, hôm ấy cô vừa ngỏ lời xin phép ông bà chủ cho về
quê thăm mẹ một, hai ngày nhưng không được vì bà chủ bận phải đi công tác xa một
tuần. Bà chủ đi rồi, tối ấy như nhiều tối khác, khoảng 10 giờ ông chủ mới về.
Ông gọi Nhài vào phòng riêng sai pha cà phê cho ông. Trong lúc Nhài đang hí húi
với công việc thì bỗng ông chủ ôm chầm lấy cô, hôn như mưa lên mặt, lên môi cô.
Quá đột ngột trước hành động ấy của ông chủ Nhài cố vùng vẫy mà không thể nào
thoát khỏi hai cánh tay to khỏe, cứng như hai thanh sắt ghì xiết lấy mình. Nhài
định kêu “cứu tôi với” nhưng ông chủ đã nhét cái khăn vào miệng cô, bế thốc cô
lên, đặt vào giường…
Hành lạc trên thân xác Nhài xong, ông chủ mở cửa đẩy cô ra
còn dọa: “Cấm không được nói chuyện này với ai. Lộ, chớ bảo tao là thằng ác”.
Đau đớn quá, ê chề quá, nhục nhã quá mà Nhài không làm gì được. Nhài tấm tức
khóc và cắm cổ chạy xuống tầng một. Hình như lúc bấy giờ ông cụ 70 tuổi cũng biết
chuyện. Cụ ú ớ gọi đoạn lại rung chuông gọi Nhài như mọi lần nhưng Nhài đã lao
ra đường phố.
Nhài đang đứng khóc một mình dưới một gốc cây xà cừ thì có một
người đàn ông đến bên cô. Người đàn ông này khoảng ngoài 40 tuổi, mắt đeo kính
trắng, đầu đội mũ “le”, qua cách ăn mặc có thể đoán anh ta là một người đứng đắn,
đàng hoàng. Không hỏi tại sao Nhài khóc, tại sao Nhài ở đây có một mình, anh
nói ngay với Nhài:
- Nhìn cô tôi biết, cô là con nhà lành ra phố làm ăn đã gặp
chuyện không may. Nếu tin tôi, mời cô về nghỉ ở nhà tôi qua đêm nay rồi mọi
chuyện sẽ tính sau. Nghe tôi, đừng đứng ở đây một mình, nguy hiểm lắm cô ạ.
Nhài ngước nhìn người đàn ông như muốn xác định tuổi tác để
xưng hô:
- Nhà … chú ở đâu?
- Thì cứ đi cùng tôi sẽ biết, không xa lắm đâu.
Không còn cách nào khác, Nhài đành đi theo người đàn ông xa lạ
có cái vẻ đứng đắn, đàng hoàng ấy. Về đến nơi Nhài mới biết đây là ông chủ nhà
hàng “Chiều tím”… “Chiều tím” là nhà hàng nằm bên bờ cái hồ rộng cách đường phố
chính vài chục mét. Ở đây người ta vừa cho thuê hát Ka-ra-ô-kê trong phòng kín,
vừa bán cà phê vườn. Khách hầu hết là những thanh niên và những người đàn ông đầu
hói, tóc muối tiêu. Có chừng hơn chục người phục vụ toàn là con gái trạc tuổi
Nhài. Cô nào cũng má phấn môi son, ăn mặc hở hang, váy ngắn, để lộ cặp đùi to
tròn, trắng lốp…
Người đàn ông dẫn Nhài vào nhà, bảo cô ngồi vào ghế sa – lông
Đồng Kỵ, sai người pha nước mời cô. Sau đó giới thiệu vắn tắt cho cô biết về việc
kinh doanh của “Chiều tím”. Với cử chỉ và giọng điệu của một ông chủ, anh bảo:
- Cô cứ nghĩ kỹ đi. Nếu có nhu cầu kiếm tiền thì ở lại đây
bán hàng cho tôi. Cơm nuôi ba bữa, lương mỗi tháng sáu trăm ngàn, phục vụ tốt,
khách hàng khen, sẽ có thưởng thêm.
Không thể bỏ về quê vào lúc này. Lại có người thuê làm, công
xá như thế là được. Thôi thì, cứ làm thử xem sao. Nghĩ thế, Nhài đồng ý.
Làm ở “Chiều tím” phải bưng bê, phải chịu sự sai bảo của bà
chủ, phải cắn răng chiều khách… Nhài không có sợ. Điều Nhài sợ nhất, ái ngại nhất
là những lần phải phục vụ những người lẽ ra Nhài phải gọi bằng chú, bằng bác,
nhưng họ lại cứ bắt gọi bằng anh, xưng em. Hơn thế, họ bắt Nhài ngồi cùng bàn uống
bia, rượu với họ, cùng “một trăm phần trăm” với họ. Rồi không biết là họ say
hay giả say để giơ tay quờ quạng ôm lấy Nhài, cấu véo vào mông, vào đùi Nhài…
Hơn hai tháng trời sống ngập ngụa trong không khí ăn chơi,
tiêu tiền như ném qua cửa sổ của khách hàng bỗng một hôm Nhài nhận thấy trong
người khang khác. Cô ghê mùi cơm tẻ và thỉnh thoảng lại buồn nôn. Nôn khan, ọe
ra toàn nước trong. Cô rùng mình sợ hãi, nghĩ rằng mình đã có chửa. Mà Nhài có
chửa thật! Cô đang ốm nghén, dẫu có cố gượng làm ra vẻ bình thường cũng không
thể nào ngồi dậy được, nói gì đến đi lại.
Dưới con mắt của người phụ nữ đã có hai con, bà chủ nhà hàng
“Chiều tím” chỉ cần liếc mắt qua cũng biết ngay là Nhài “bị” với thằng nào rồi.
Chị ta bảo với chồng tống quái Nhài đi, dĩ nhiên sớm ngày nào hay ngày ấy.
Người đàn ông có vẻ đứng đắn, đàng hoàng, dỗ ngon, dỗ ngọt
Nhài tối hôm nào bây giờ gọi cô dậy, với nét mặt lạnh như tiền, anh nói:
- Mọi chuyện xảy ra với cô trước đây tôi không cần biết. Tôi
cũng không muốn nghe cô trình bày gì cả. Chúng tôi thương cô nhưng vì uy tín của
cửa hàng, tôi phải xóa hợp đồng với cô, vợ tôi sẽ thanh toán công cho cô. Từ
sáng mai cô không còn lý do gì để có mặt ở đây nữa.
Bà chủ “Chiều tím” rành rọt hơn:
- Tôi chỉ thanh toán những ngày cô làm, còn mấy hôm cô ốm,
không phục vụ được, tôi không tính tiền ăn. Vậy là tôi đã quá tử tế với cô. Và,
tôi yêu cầu cô ra khỏi nhà tôi ngay từ giờ phút này chứ không phải là đến sáng
mai. Cô nghe rõ chưa?
Không ngờ họ lại đối xử tồi tệ với mình như thế này, uất nghẹn
lên tận cổ, không nói được lời nào, Nhài chạy lao ra đường, bỏ mặc vợ chồng nhà
hàng “Chiều tím” đang gọi đuổi theo. Nhài hòa vào dòng người, dòng xe nhằm hướng
bến sông mà chạy như ma đuổi.
Đã lâu rồi, kể từ hôm rời bản Lùng Mẳng đi làm ô-sin, dịp này
Nhài mới lại được sống những ngày hết sức yên tĩnh. Thời tiết đã sang thu. Dòng
sông thu mình lại, nước sông xanh mát lặng lờ trôi. Gió thổi xôn xao suốt ngày.
Trên bãi sông ngô đang trổ cờ. Buổi sáng, Nhài thức giấc bởi tiếng chim véo von
từ đâu đó trên bầu trời, trong các lùm cây vọng tới. Cô lười nhác nằm rốn thêm
chút nữa. Những lúc như thế này Nhài thường nghĩ ngợi lung tung…
Ngày đầu tiên ở với mẹ con người nuôi cá bè trên sông, Nhài
đâu biết mẹ con bà quê ở bên kia sông và mới ra ở bến sông này được ba, bốn
năm. Hơn ba mươi năm trước, tên bà là Thảo, từ ngày có con, theo phong tục của
làng, người ta gọi bà theo tên con là Hiền. Hiền là người con trai duy nhất của
bà. Sự ra đời của Hiền vừa là chỗ dựa cho bà sống đến ngày hôm nay, vừa là
nguyên cớ xô đẩy cuộc đời bà qua bao nỗi cay đắng, truân chuyên.
Số là, ngày ấy Thảo vừa bước qua tuổi thiếu niên đã vội vã nhận
lời yêu và đồng ý cho gia đình làm lễ cưới cho Đức, chồng Thảo, chuẩn bị lên đường
đi bộ đội chống Mỹ, cứu nước. Hai người ở với nhau được mấy ngày thì anh nhập
ngũ. Hơn một năm huấn luyện bên Hà Bắc, Đức được vào Nam chiến đấu. Trên đường
đi B, đơn vị anh đã qua bến sông này. Trong lúc chờ đến lượt lên đò, Đức được
thủ trưởng cho phép tranh thủ ghé thăm vợ. Muốn dành thời gian để vợ chồng “gặp”
nhau, Đức không cho Thảo báo bố mẹ biết.
Không ngờ sau cái lần gặp gỡ chớp nhoáng ấy của hai vợ chồng
Thảo đã có thai. Mặc Thảo thanh minh thế nào bố mẹ chồng cũng không tin. Ông bà
khẳng định dứt khoát rằng, cô tằng tịu với một thằng nào đấy, rồi đuổi cô ra khỏi
nhà.
Thảo về với bố mẹ đẻ. Cắn răng âm thầm chịu đựng búa rìu dư
luận. Với cái tội danh chửa hoang, làm ảnh hưởng đến danh dự người phụ nữ “ba đảm
đang”, tác động xấu đến tư tưởng người chiến sĩ ngoài mặt trận… Chi bộ đề nghị
khai trừ Thảo ra khỏi Đảng, không cho sinh hoạt phụ nữ, dân quân. Đã đến nông nỗi
này, Thảo chấp nhận tất cả. Cô nhẫn nhịn bám lấy cuộc sống để nuôi con với hy vọng
đến ngày nước nhà thống nhất, Đức trở về cô sẽ được minh oan. Nhưng Đức không về.
Anh hy sinh ở trận đánh Xuân Lộc trước cửa ngõ Sài Gòn năm bảy mươi lăm!
Mấy chục năm trời trôi qua, bố mẹ hai bên đều lần lượt qua đời.
Cô Thảo ngày xưa giờ đã được người làng gọi là bà. Bà nhưng chưa có cháu, bởi
Hiền vẫn chưa chịu lấy vợ…
Nhài cũng không thể ngờ số phận lại đưa cô đến gặp bà Thảo,
anh Hiền. Cô đang định chết thì hai người lại cứu sống cô. Sau buổi tối nhảy xuống
sông tự tử không thành, biết được hoàn cảnh của Nhài, bà Thảo càng thương Nhài
hơn, không những bà không cho Nhài đi mà còn giữ lại, chăm sóc thuốc thang cho
cô. Và, dẫu Nhài với bà Thảo đã cố gắng làm tất cả những gì có thể làm hy vọng
giữ lấy cái thai trong bụng cô nhưng vẫn không thể làm được! Qua mấy cơn đau bụng
dữ dội, Nhài sẩy thai. Người ta bảo “Một lần con sa bằng ba lần con đẻ”. Sức khỏe
của Nhài suy sụp hẳn. Da dẻ cô tái mét. Tóc tai, mặt mũi bơ phờ, tiều tụy. Nhài
phải nằm bẹp trong khoang thuyền mất mấy ngày liền.
Những lúc nhìn anh Hiền bắt cá nấu cháo, bà Thảo ngồi bón cho
mình từng thìa, Nhài cảm động, nước mắt ứa ra. Cô nghẹn ngào nói: “Bà ơi, bà tốt
với con quá. Sao bà và anh không để con chết đi?” Bà làm vẻ mặt giận và bảo:
“Cô muốn chết lắm hả? Vậy thì để tôi nuôi cho khỏe rồi hãy chết”. Sợ Nhài hiểu
lầm điều mình vừa nói, bà Thảo quay lại vỗ về khuyên nhủ: “Tuổi còn trẻ, đời
con dài. Tội cái gì mà chết. Sông có khúc người có lúc. Chớ có bi quan. Cái đời
tôi đây, tôi không chịu chết thì trên đời này đừng có ai dại dột nghĩ đến cái
chết cả”.
Giống cánh đồng lúa qua cơn bão bị dập nát tơi bời, sau đó được
hưởng khí trời và mầu mỡ trong đất, đám lúa lại từ từ gượng dậy rồi cứng cáp
xanh tốt dập dìu… Qua lần sẩy thai sức khỏe của Nhài hồi phục dần. Cô bắt đầu
đi lại được, má đã có màu hồng và ánh mắt long lanh sáng. Hàng ngày Nhài có thể
giúp anh Hiền băm cỏ thả cho cá nuôi trong bè ăn, hay giúp bà Thảo vo gạo, thổi
cơm. Mới hôm qua Nhài được đi chợ bán cá cùng với bà. Hai bà con vừa về đến
thuyền bị anh Hiền quát cho một trận nên thân. Anh bảo: “Mẹ định để cô ấy chết
đến lần thứ ba đấy hả? Còn cô nữa? Hai lần chết thử chưa đủ sao? Ai khiến cô đi
chợ cơ chứ. Lần sau tôi thấy như vậy nữa thì… “ Anh giơ chiếc vợt cá nhứ nhứ về
phía Nhài. Cô cười làm vẻ sợ hãi, ôm lấy bà Thảo buột mồm nói: “Mẹ, anh Hiền
đánh con”. Tiếng “mẹ” rất tự nhiên thốt ra từ miệng Nhài làm bà Thảo lặng đi một
lúc, còn anh Hiền hình như đâm ra lúng túng hai vành tai đỏ tía lên.
Ngoài 30 tuổi Hiền chưa lấy vợ. Nhài hỏi tại sao anh chỉ trả
lời ngắn gọn: “Nhà tôi nghèo”. Còn bà Thảo bảo: “Anh mày là người có chí nhưng
chưa làm nên. Tao bảo nó, yêu ai thì cứ lấy. Có vợ có chồng, chả ốm chả đau làm
giàu mấy chốc. Mặc tao giục, nó cứ bỏ ngoài tai. Có lẽ vợ chồng là cái duyên
cái số. Anh mày chưa đứng số nên chưa gặp”. “Có duyên số thật hả bà?” Nghe Nhài
hỏi bà Thảo gật đầu nhìn cô. Qua ánh mắt của bà, Nhài cảm nhận được bà muốn nói
điều gì với cô. Liệu cô có ngộ nhận không? Từ hôm được anh Hiền cứu sống, sự có
mặt của cô trong khoang thuyền này đã làm thay đổi cuộc sống bình lặng của mẹ
con bà Thảo. Có mấy lần Nhài bắt gặp cái nhìn của anh. Anh không nói mà Nhài vẫn
nhận ra tất cả. Nhưng Nhài lắc đầu vì tự thấy mình không xứng đáng…
Nhài ngồi dậy soi gương, chải đầu đoạn chui ra khỏi mui thuyền.
Cô giơ tay, giơ chân làm mấy động tác thể dục. Một cảm giác khoan khoái, khỏe
khoắn xâm chiếm toàn bộ cơ thể Nhài. Cô đang định bê rổ cỏ để ở cuối góc bè đem
cho cá ăn thì anh Hiền đã thức dậy từ lúc nào, thấy vậy anh vội can: “Cứ để đấy,
Nhài mới ốm dậy đừng làm gì cả” - “Em khỏe rồi. Cũng phải cho em mó máy một tí
cho đỡ buồn chân tay chứ anh”. Từ trong khoang thuyền, bà Thảo nói vọng ra:
“Nhài nó khỏe thật rồi. Trưa nay anh Hiền làm bữa cơm ăn mừng nhé”. “Vâng! Con
xin vâng”. Giọng anh Hiền vui vẻ hẳn lên.
Bữa cơm mừng Nhài bình phục chỉ là cái cớ, cái chính bà Thảo
muốn nhân dịp này để mẹ con bà được bày tỏ tình cảm với Nhài. Hiểu ý mẹ, anh Hiền
cùng Nhài đi “thị tứ” mua thêm một ít thức ăn, một số gia vị nấu với cá. Gần
trưa hai người mới về đến “nhà”. Lại cùng nhau hí húi mổ cá, xào nấu món ăn. Bà
Thảo đi cắt cỏ cho cá trên bãi ngô về, cơm canh vừa nấu nướng xong.
Bữa cơm được dọn ra trong gian nhà bè. Cứ tưởng là ăn tươi nhẹ
nhàng, giản dị thôi nhưng khi bày lên đĩa lại hóa ra cỗ to. Ngoài hai đĩa cá
rán, thịt quay còn có gà luộc, tim cật sào, rau sống và canh đầu cá nấu với khế.
Anh Hiền bật nắp lon rót cho mẹ và Nhài mỗi người một cốc cô-ca-cô-la, còn anh
uống rượu.
Tiếng là Nhài ở với mẹ con bà Thảo cả tuần nay nhưng đây mới
là bữa cơm đầu tiên đủ 3 người cùng ăn một lúc. Vui mà không ai muốn ăn. Trong
bát của bà Thảo và Nhài đầy thức ăn do anh Hiền gắp cho.
Dường như không chú ý đến bà Thảo luôn mồm giục “ăn tự nhiên
đi con”, Nhài cứ ngồi chống đũa, hai mắt nhìn xuống, ngân ngấn nước. Lúc lâu
sau, Nhài rưng rưng nói:
- Bà với anh tốt với con quá. Ơn nghĩa này nữa mai, sống con
phải theo tết, chết con theo giỗ.
Anh Hiền nhăn mặt, xua tay:
- Thôi, thôi! Cô đừng nói chuyện ơn huệ. Gặp hoàn cảnh cô ai
cũng xử sự như mẹ con tôi thôi. Chuyện nhỏ mà.
Bà Thảo nói:
- Thế tới đây cháu định thế nào? Ở lại với mẹ con bà hay… ?
- Xin phép bà và anh, có lẽ chiều nay con về quê. Như bà biết,
ở quê con còn có mẹ nuôi. Tuy con không muốn xa bà và anh nhưng trước mắt con
phải về.
Trước quyết định đột ngột của Nhài, ánh mắt Hiền hơi tối lại.
Ngụm rượu trong miệng anh bỗng trở nên đắng ngắt. Hiền chẳng biết nên nói với
Nhài ra sao. Mấy ngày qua, được sống gần Nhài, phần nào hiểu được hoàn cảnh của
Nhài, quả thật tự trong đáy lòng anh đang nảy nở một tình cảm đặc biệt dành cho
người con gái đáng thương và đáng yêu này. Bây giờ Nhài đi, liệu có khi nào gặp
lại? Hiền nhìn mẹ như muốn nhờ bà nói giùm hộ tình cảm của mình. Nhưng bà Thảo
lại bình thản đến không ngờ:
- Điều đó tùy cháu. Ở đâu cũng phải làm phải ăn. Cứ chịu
thương chịu khó thì sống được, miễn là đừng chạy theo những cái mình không có,
những cái không phải của mình. Thế cháu định đi như thế nào?
- Cháu ra phố bắt ô tô khách, sau đi xe ôm. Nếu không có gì
trục trặc, khoảng bảy, tám giờ tối sẽ về đến nhà.
- Thế thì được. Bà mong cháu gặp may mắn. Khi nào có tin gì
vui trở lại bến sông này thăm mẹ con bà, cho bà biết với nhé.
Cơm nước xong, sợ lỡ ô tô bà Thảo giục Hiền lấy xe đạp lai Nhài
ra phố. Hai người lặng lẽ đi bộ đến mặt con đê thì dừng lại. Đứng trên mặt con
đê cao cao, Nhài mới có dịp phóng tầm mắt nhìn ra tứ phía. Phía sau lưng Nhài
là thị xã. Cái thị xã đang phát triển, đang được đô thị hóa với một tốc độ
nhanh… thế mà lại không có chỗ đứng cho Nhài. Phải chăng Nhài chọn nhầm chỗ,
Nhài chạy theo cái mình không có như bà Thảo nói, nên bị nó nghiền nát quãng đời
đẹp đẽ nhất của cô? Giá không gặp anh Hiền, Nhài đâu còn đến ngày hôm nay. Phía
trước mặt Nhài, cô chợt nhận ra hai nhánh sông gặp nhau. Nơi hai dòng nước hợp
lưu ấy, lòng “nó” phình ra rộng mênh mang. Dưới nắng trưa, nước sáng lên lấp
loáng như một tấm gương khổng lồ. Hình như phía dưới hai khúc sông này, là một
dòng sông đang êm đềm trôi. Mà đúng thế chứ còn hình như gì nữa. Anh Hiền bảo,
nơi mẹ con anh đang nuôi cá bè là ở ngã ba sông còn dưới kia, nước đầy hơn, vạm
vỡ, cường tráng hơn. Anh nói thêm, các cụ bảo, đời mỗi con người giống như một
dòng sông mà trong hoàn cảnh cụ thể tôi thấy chả giống một tý nào.
CÔ GÁI CÓ NỐT RUỒI SON
Cô tên là Li. Tuy sinh ở nông thôn nhưng cô lại được ông trời
phú cho dáng người mảnh mai, thon thả và nước da trắng hồng. Trên khuôn mặt
trái xoan nhẹ nhõm, xinh xắn của Li lại có cặp mắt đen, đôi lông mày dài và một
nốt ruồi. Mà là nốt ruồi có màu đỏ như son, nhỏ bằng hạt tấm, nằm ngay ở ấn đường.
Người biết xem tướng bảo, đấy là nốt ruồi chủ phú quý. Số cô sau này giàu có,
khá giả, phong lưu. Chẳng biết có phải vì những lý do ấy hay vì ngay từ nhỏ Li
đã tỏ ra mình là một cô gái tháo vát, khôn ngoan, lanh lợi nên so với mấy anh
em trong nhà, cô được bố mẹ chiều chuộng, ưu ái hơn. Bố thường động viên Li, cố
gắng học hành, lớn lên đi làm cán bộ Nhà nước chứ tạng người như Li làm ruộng
thế nào được!
Đi học, Li thuộc diện có học lực khá nhưng có lẽ là học tài thi
phận nên thi Đại học những hai năm liền mà vẫn trượt. Li buồn. Cả nhà buồn. Bố
nói vui, sang năm cho thi lần nữa. Lần này lại không đỗ thì bố cho thi vào trường
“một trăm mâm”. Thế có nghĩa là bố mẹ sẽ cho cô lấy chồng.
Giữa cái lúc đang sốt gan, sốt ruột lên vì chuyện học hành
thi cử thì có người cùng làng công tác trên thị xã tìm gặp bố mẹ Li. Đó là chú
Lê, nghe nói có anh em họ xa với nhà Li, về quê tìm người giúp việc. Biết Li mới
thi trượt Đại học, chú muốn nói chuyện với bố mẹ cho cô ra giúp đỡ cô chú một
thời gian. Chú nói: Công việc hàng ngày chủ yếu là trông em, ngoài ra, nếu có
thời gian thì cơm nước, giặt giũ, lau nhà giúp cô. Thích thi Đại học nữa, cô
chú sẽ tạo điều kiện cho ôn tập. Lương người ta trả mỗi tháng ba trăm ngàn, với
Li, cô chú trả ba trăm rưỡi, không kể tiền ăn uống, điện nước.
Thương con ở nhà vất vả, công việc cô chú Lê nhờ xem ra chẳng
nặng nhọc gì lắm, lại được tiền lương, lại có điều kiện ôn thi… bố mẹ Li đồng ý
cho Li đi, nếu cô thích. Gặp riêng Li, thoáng nhìn thấy nốt ruồi son trên ấn đường
của Li, chú Lê thảng thốt kêu lên:
- Ôi, cháu có nốt ruồi chủ phú quý đấy Li ạ.
Li hỏi:
- Chú Lê biết xem bói đấy à?
- Không phải là xem bói mà là xem tướng. Chú đang chiêm nghiệm.
Số cháu sẽ khá. Thế nào, đồng ý ra phố bế em giúp cô chú chứ Li?
- Nếu ra phố bế em mà khá hơn ở nhà quê thì sao cháu lại
không đồng ý cơ ạ!
Nhà chú Lê ở giữa phố. Đây là dãy phố mới được hình thành sau
ngày tái lập tỉnh. Cái thị xã bị bỏ quên ngót ba mươi năm nay từ khi được “trả
lại tên cho em”, giống như người ngủ mơ bừng tỉnh, nó vươn vai đứng dậy và hối
hả đi lên. Là Phó trưởng phòng Quản lý các dự án xây dựng của thị xã, chú Lê bận
tít mù suốt ngày với công việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Cô ấy cũng vậy. Là cán bộ
Phòng Tài chính, cô phải lo tiền nong, dự toán, quyết toán liên miên. Bận là một
chuyện. Chuyện khác, cô đang có ý đồ riêng, bởi vậy cô chú ấy mới nuôi “ô sin”,
mặc dù hai vợ chồng mới có một thằng cu hai tuổi. Cô bàn với chú về quê tìm lấy
một đứa nào đấy, có học một chút, sạch nước cản một chút, có hơi hướng họ mạc
càng tốt. May mà Li có đủ mấy tiêu chuẩn cô yêu cầu.
Cô Lê là người có của lại thẳng tính. Cái thẳng thắn của một
người giàu có nó thẳng tưng. Chả cần tế nhị, ý tứ, cô kể vanh vách cho Li nghe
những chuyện không lấy gì làm hay ho của nhiều người giúp việc ở nhà nọ, nhà
kia. Nào là bà A ở nhà ông B, có tính tắt mắt, táy máy; nào là cô C ở nhà bà D
hút bớt sữa của em, em quấy khóc liền cho uống thuốc ngủ… Những ngữ người ấy,
chủ phát hiện ra đều bị đuổi thẳng. Li ngồi nghe mà nóng hết cả mặt nhưng vẫn lễ
phép:
- Thưa cô! Cô không phải xa xôi, bóng gió. Nếu cảm thấy không
đủ lòng tin ở cháu thì cô cho cháu về cũng được. Không sao đâu cô ạ.
Cô Lê cười xí xóa:
- Là cô nói chuyện để cháu biết vậy chứ nhìn mặt cháu, cô tin
chứ. Cháu cứ làm tốt đi. Gái có công chồng không phụ.
Li tỏ rõ thái độ:
- Cháu không đòi hỏi gì hơn ngoài những điều chú nói với bố mẹ
cháu ở quê.
- Thì cứ biết thế!
Nói rồi cô đưa Li đi thăm nhà. Vừa đi cô vừa giao việc cho
Li: Hàng ngày phải làm gì, làm như thế nào. Li “vâng, dạ” luôn mồm làm như mọi
việc mình đều biết cả rồi. Cô Lê dặn thêm: “Đừng dấu dốt. Không biết thì phải hỏi.
Nhà cô cái gì cũng đáng bạc triệu. Làm hỏng, làm vỡ cô trừ lương”. Li lại
“vâng, dạ” đoạn vội vã xắn quần, xắn áo, xách nước, lấy chổi lau nhà. Lau hết
phòng khách, phòng ăn đến các phòng ngủ, phòng nào cũng đều sạch bong, Li đem bộ
ấm chén Nhật cáu bẩn ra bể nước. Loáng cái, Li đã cọ rửa từ cái ấm đến cái
tách, cái chén, cái nào cũng trắng xanh. Xếp đặt tất cả ngay ngắn gọn gàng, đâu
vào đấy xong, Li bàn với cô Lê:
- Nhà ta chắc hay có khách. Theo cháu, cắm mấy bông hoa vào
chỗ này nhìn cho ấm áp cô ạ. Nhà có lọ hoa không cô?
Cô Lê đồng ý ngay còn khen Li có con mắt nghệ thuật nhưng bảo
đến mai đưa tiền Li đi mua, thấy cần gì trang trí cho phòng đẹp, sang trọng thì
cứ mua. Lúc bấy giờ chú Lê cũng có mặt ở đấy, đợi Li đi ra ngoài, chú nói nhỏ với
vợ:
- Con bé xem ra được đấy. Em nên cho nó mấy cái quần áo cũ của
em. Anh thấy hình như nó chỉ có hai bộ.
Ngay từ buổi đầu Li ra mắt đã chiếm được tình cảm của cô chú
Lê như vậy.
Nghe theo gợi ý của chồng, vài hôm sau cô Lê mở tủ lôi ra mấy
bộ quần áo cô may từ thời con gái, đã lỗi mốt, đưa cho Li. Không ngờ Li chỉ cảm
ơn chứ không chịu nhận. Cô làm vẻ mặt giận, mắng:
- Gớm, con bé này khái tính, “sĩ” quá nhỉ! Ăn mày còn đòi xôi
gấc kia đấy.
Li thanh minh:
- Không phải thế. Tại vì cháu có đi đâu mà cần ăn diện cơ ạ.
- Được rồi. Cứ biết thế.
“Cứ biết thế” là câu nói cửa miệng của cô Lê. Điều gì chưa thật
tin, cô đều nói vậy. Không chỉ nói mà cô còn bày ra khối trò để thử thách. Li
biết tỏng. Li đâu phải hạng người lèm nhèm. Đi chợ về còn thừa tiền, Li đưa trả
cô, nhặt được tiền cô “đánh rơi” trong nhà, Li đưa lại cô. Mua bất cứ thứ gì Li
cũng mặc cả từng đồng, từng hào chứ không bao giờ mua ào ào, mua lấy được như
cô. Mấy lần đang giờ hành chính, cô phóng xe về, cách nhà năm chục mét, cô tắt
máy, lặng lẽ đứng ngoài cửa sổ, bí mật xem Li chăm sóc, ru rín thằng bé ra sao…
không thể chê Li vào một điểm nào, nghe chú Lê khen, cô vẫn bảo: “Cứ biết thế”.
Đúng như thỏa thuận, tháng công đầu tiên cô chú Lê đưa cho Li
ba trăm năm mươi ngàn đồng. Chú gợi ý, Li nên gửi về cho bố mẹ ở quê một nửa.
Li thưa, cháu muốn dùng số tiền này may đo thêm một, hai bộ quần áo mới. Li nói
rõ thêm:
- Nhà cô chú đông khách, cháu ăn mặc lôi thôi, lếch thếch lại
chả mang tiếng cô chú sao?
Chịu cái lý của Li, chú Lê cười:
- Tùy cháu quyết định. Đấy là tiền, là quyền của cháu.
Nhà cô chú Lê nhiều khách thật. Mỗi khi nhà có khách, Li lại
được chú sai pha trà, rót nước, gọt hoa quả, lấy bánh kẹo ra mời khách, sau đó
thì lui vào phòng trong. Ngồi ở trong phòng ấy tình cờ Li nghe lỏm được vô khối
chuyện của khách với cô chú Lê. Thì ra, dẫu không muốn giữ chức vụ to tát nhưng
một người làm tham mưu duyệt đề án, một người đề xuất cấp phát tiền nên cô chú ấy
vẫn là những nhân vật quan trọng và có nhiều tiền của lắm. Sao ông trời ăn ở
không công bằng? Cùng là người mà sao bố mẹ Li, bản thân Li lại nghèo thế? Li
có nốt ruồi chủ phú quý như nhiều người bảo, sao không có tiền? Li tự hỏi và
nhiều lúc tủi thân cô vùi mặt trên tấm gối, âm thầm khóc. Khóc chán, Li thấy đầu
óc, tinh thần nhẹ nhõm, khoan khoái hẳn ra. Li nghĩ, đi làm “ô sin” không còn
cơ hội thi Đại học nữa thì mình phải cố làm tốt phận sự của người giúp việc. Biết
đâu khi thằng cu đến tuổi vào nhà trẻ Hoa Hồng, cô chú Lê lại chả xin việc làm
gì đấy cho mình, như có lần cô nói, không biết là thật hay đùa.
Vốn là cô gái ngoan ngoãn, sáng việc, càng ở nhà cô chú Lê,
Li càng khôn ra. Khôn và ngoan và xinh nữa. Cô chú ấy cũng phải công nhận như vậy.
Khoảng một năm sau thì mối quan hệ giữa chủ nhà và người giúp việc hình như
không còn nữa. Cô chú Lê coi Li như con cháu trong nhà. Ngày lễ, thứ bảy, chủ
nhật đi du lịch, đi pícníc, đi vãn cảnh thắp hương ở các đền chùa… cô chú ấy
đều cho Li đi cùng. Bế thằng cu chỉ là cái cớ, cái chính là cô chú muốn khoe với
mọi người mình có cô “ôsin” vừa xinh, vừa ngoan; mình nhân hậu, mình quý “ôsin” như con, như cháu. Biết thế nhưng Li không bao giờ lạm dụng để đi quá giới
hạn và bổn phận của người giúp việc. Vì vậy, Li càng được cô chú Lê, nhất là
cô, yêu quý hơn.
Một lần, Li được cô chú Lê cho đi Sầm Sơn nghỉ mát với cả
nhà. Cùng đi có bà An. Bà là khách mời đặc biệt của cô chú ấy. Cô Lê nói qua
cho Li biết, bà An là cô giáo dạy cô những năm cô theo học cấp hai. Hiện bà là
vợ ông Chủ tịch thị xã này. Lâu nay hai gia đình vẫn quý nhau, đi lại với nhau
thân tình còn hơn cả ruột thịt. Buổi sáng, cả nhà ra bãi biển tắm nắng. Nhìn Li
mặc bộ quần áo tắm màu đỏ, nằm nghiêng trên bãi cát, mặc cho sóng biển từng đợt,
từng đợt trườn qua cái thân hình óng ả, trắng mịn đến nõn nà, không giấu nổi
tình cảm của mình, bà An thốt lên:
- Các cụ bảo, nhất dáng nhì da. Cô bé này được cả hai. Anh
nào có phúc thì lấy được nó.
Dường như chỉ đợi bà An nói thế, cô Lê sắng bảo:
- Nếu bà trẻ thuận thì lấy cho cậu Thi nhà ta. Vợ chồng con
thu xếp thế nào cũng xong.
Bà An buồn rầu:
- Chắc gì nó đồng ý. Cô đã hỏi cho em nó mấy đám rồi nhưng
không cô nào chịu nhận lời.
- Những đám nào con không biết, với cháu Li, đồng ý hay không
đồng ý là tùy thuộc vào ông bà trẻ với cậu Thi. Li nó ngoan lắm. Bảo đảm với bà
trẻ, con bảo cháu nó được ạ.
- Được vậy thì còn gì bằng. Thế Lê giúp đỡ em Thi, với vợ chồng
tôi thật nhé.
Thoạt đầu Li cứ tưởng bà An với cô Lê nói chuyện về ai, khi
biết hai người đang nói về mình, cô lúng túng ngồi nhỏm dậy, vác phao bơi, xăm
xăm lao xuống nước. Mặt Li nóng ran lên. Bỗng nhiên cô nhớ đến anh Tư. Thi trượt
Đại học như Li, Tư liền đi rửa xe thuê cho một ông chủ, nhà cách nhà cô chú Lê
mấy trăm mét. Đã có mấy lần anh ấy cọ rửa xe, sửa xe cho Li mà không chịu lấy
tiền công. Anh còn rủ Li tối nào hai đứa đi ăn chè bưởi, do anh chiêu đãi,
nhưng Li chưa dám nhận lời.
Ở Sầm Sơn về, vẻ phấn khởi ra mặt, cô Lê nói với chú:
- Con bé Li lọt vào mắt bà An rồi. Theo em, đã đến lúc dùng
Li vào việc khác. Đây là cơ hội tốt nhất cho anh trước khi đặt vấn đề với ông
An đưa anh lên ngồi ghế trưởng phòng - thấy chồng ngồi im, cô Lê nói thêm - thời
buổi bây giờ mọi người đều thiên về quan hệ. Mình không có mối quan hệ thân thiết
như gia đình với lãnh đạo cấp trên thì cháo chưa chắc có mà húp nói gì đến
thăng quan tiến chức.
Chú Lê bảo, dùng Li vào “việc” ấy chú có hai điều băn khoăn.
Một là, lương tâm cắn dứt. Mình sức tài vai rộng thế này sao phải lợi dụng một
con “ô- sin” mới có chức, có quyền? Hai là, chắc gì cái Li đồng ý. Thằng Thi
con ông Chủ tịch thị xã chứ có là con ông Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch nước khi biết
anh chồng tương lai của mình thế nó cũng đấm thèm vào…
- “Thèm” vào chứ có ai “thèm” ra đâu - cô Lê nhại lại, rồi quả
quyết: Em nói nghiêm túc đấy. Việc con Li đồng ý hay không anh để em lo, miễn
là anh không được bàn ra. Còn chuyện lương tâm - Cô bĩu môi - Lúc này mà anh
còn nói chuyện lương tâm thì lạ thật. Anh là người của thế kỷ mười chín sót lại
hay sao thế? Em nuôi nó là có mục đích của em. Anh đừng có phá thối.
Bị vợ dồn cho một chập, chú Lê ngồi ngây mặt, cười méo mó:
- Tùy em. Mà này, cái Li lấy chồng, tìm đâu được con “ôsin” như nó?
- Tiền tìm. Có tiền mua tiên cũng được. Anh quên rồi sao?
Cơm nước buổi tối xong, thu dọn bát đũa, bếp núc xong, Li
tranh thủ ra bãi rửa xe biếu anh Tư mấy con mực khô gọi là quà đi biển về, vừa
bước vào nhà thì cô Lê gọi ra phòng khách uống nước. Cô bảo, tối nay cô có chuyện
quan trọng muốn nói với Li. Tưởng chuyện gì hóa ra cô gợi ý Li lấy chồng. Li bật
cười vô tư:
- Lấy ai hả cô? Cháu nghèo rớt mùng tơi thế này thì ai người
ta thèm lấy cơ ạ?
- Cháu nhớ bà An hôm đi Sầm Sơn không? Cháu sẽ về làm dâu bà ấy.
- Ôi thôi! Cô cứ nói đùa cháu! Cháu lấy con trai ông Chủ tịch
thị xã thế nào được kia ạ? Cô đừng đùa vậy làm cháu tủi thân. Cháu biết mình ở
đâu chứ cô!
- Cháu đang ở nhà cô. Cô không đùa đâu. Chuyện hạnh phúc trăm
năm của cháu sao cô lại dám nói đùa. Chỉ có điều là…
Sau giấy lát đắn đo, cô Lê nói toạc ra rằng, chỉ có điều, anh
con trai ông Chủ tịch là một người tàn tật. Do đua xe máy cậu ta bị tai nạn, phải
tháo mất cả hai khớp đùi. Hai, ba năm nay phải đi lại bằng xe lăn nhưng Thi vẫn
khỏe mạnh, điển trai lắm… Cô nói tiếp:
- Cô tính rồi, cháu lấy Thi thì chả khác gì chuột sa chĩnh gạo.
Không chỉ cháu được ăn sung mặc sướng rồi bố mẹ, anh em của cháu ở quê cũng được
nhờ.
Ngồi nghe cô Lê thẽ thọt, nhỏ to Li không nói gì, chỉ thút
thít khóc. Không ngờ số phận lại đưa đẩy Li đến bến bờ này! Nếu lấy Thi, một
chàng trai Li chưa biết mặt, lại tật nguyền nhưng là con nhà có chức, có quyền
có thể Li sẽ được đổi đời, được sung sướng như cô Lê nói. Nhưng lấy Thi chắc chắn
Li bị mang tiếng là con bé ham giàu, tham vàng bỏ ngãi, cho dù Li chưa hứa hẹn
với anh Tư. Mà chắc gì bố mẹ Li ở quê đồng ý?
Lòng dạ Li đang rối bời như mớ bòng bong thì dường như đọc được
hết ý nghĩ của Li, cô Lê vừa vỗ về an ủi, vừa phân tích, bênh vực cho Li:
- Đừng ngại gì cả cháu ạ. Trước khi đồng ý cho ông bà An có lễ
ăn hỏi, cô sẽ “thông tin” đến mọi người biết, hai đứa chúng mày yêu nhau từ
ngày Thi chưa bị tai nạn. Như vậy về vật chất, cháu được hưởng nhé; về tinh thần,
cháu được tiếng thơm, là cô gái có thủy, có chung nhé. Còn không lấy Thi, cháu
định làm gì? Bằng cấp không, tiền xin việc không. Thế cháu định đi làm người ở
suốt đời sao? Mà cô nghe chú bảo, cái nốt ruồi son trên trán cháu đây là nốt ruồi
chủ phú quý… Thế thì đúng là đến lúc cháu làm bà chủ rồi. Nhà ông bà An giàu có
lắm cháu ạ. Mấy miếng đất mặt đường A này, ngoài hai ba cơ ngơi còn có trang trại
này, có tiền gửi ngân hàng nước ngoài này. Số cháu phải về đấy mà làm bà chủ chứ.
Ông bà ấy có mỗi một quý tử là cậu Thi thôi.
Lúc lâu sau, Li ngẩng đầu, mặt đẫm nước mắt ngước nhìn cô Lê
như nhìn một ân nhân:
- Xin cô cho cháu về quê hỏi ý kiến bố mẹ cháu đã. Có sao
cháu sẽ lên thưa lại với cô chú sau.
- Li thấy cô chú nói đúng không?
Li tỏ vẻ ngơ ngác:
- Đúng cái gì kia ạ?
- Lại còn hỏi cái gì? Cái nốt ruồi son của cháu kia kìa.
Ôi, cái nốt ruồi son! Chả có lẽ cái nốt ruồi này lại đem đến
cho Li nhiều quyền lực, nhiều niềm vui đến thế sao? Dẫu chỉ là nhân viên nhưng
biết Li là con dâu ông Chủ tịch thị nên hầu như ai cũng nể trọng, nhất là những
khi họ có công chuyện gì đó muốn thông qua Li, báo cáo lại với ông, mong ông tạo
điều kiện giúp đỡ. Ý thức được điều này, Li cảm nhận thấy mình là nhân vật quan
trọng hẳn lên. Niềm kiêu hãnh xóa dần đi trong Li những mặc cảm hèn mọn. Cô
càng tự tin hơn trong đời sống thường nhật, đặc biệt là mỗi khi giao tiếp với
khách của bố mẹ chồng.
Nhà ông Chủ tịch lắm khách thật kia. Nếu nhà cô chú Lê đông một
thì nhà ông phải gấp mười. Đủ các loại khách, từ thường dân đến trưởng, phó các
ban ngành thị nhưng xuất hiện nhiều nhất vẫn là giám đốc các công ty trách nhiệm
hữu hạn có, Nhà nước có, liên doanh có… Mỗi lần nhà có khách, ông bà An lại gọi
Li ra tiếp. Li biết, bố mẹ chồng làm thế vừa là dịp để cô có dịp giao tiếp với
khách, vừa ngầm giới thiệu với người ta: Nhà tôi có phúc (chứ không vô phúc như
thiên hạ rủa) nên dù con trai bị tàn tật vẫn lấy được vợ đẹp người, đẹp nết.
Nhìn dáng người óng ả, thon thả với đôi mắt sáng long lanh, cặp má phớt hồng và
đôi môi đỏ chúm chím cười duyên của Li, không ít người buột mồm khen: “Ông bà
có cô con dâu xinh xắn, phúc hậu quá”… Ngồi nói dăm ba câu chuyện cho phải phép
xã giao, ông An cáo lỗi mệt hoặc bận việc rồi đi vào phòng trong, việc tiếp
khách ông giao lại tất cả cho vợ con. Đấy là cái cách ứng xử tế nhị của ông mà
sau này Li mới nhận thức ra: Ông không muốn có mặt khi khách đưa quà biếu bằng
phong bì. Bởi vậy, mỗi khi nhận quà của ai đó, Li đều nhã nhặn nói: “Cháu cám
ơn. Xin chú (cô) yên tâm. Cháu sẽ thưa lại đầy đủ với bố cháu ạ”.
Cứ thế, vị thế của Li ở trong nhà ông Chủ tịch thị xem ra
ngày càng được nâng cao. Điều đó khiến cô càng tin vào nốt ruồi son trên ấn đường
của mình đã đem lại cho mình quá nhiều may mắn. Đây là số phận chứ đâu phải
chuyện duy tâm như chú Lê có lần nói. Giá như Thi, chồng cô, đừng tàn tật thì
chuyện đời Li quá ư hoàn hảo. Nhưng Thi lại như vậy. Cái anh chàng bị cụt mất
hai chân, mất cả… chỉ có thể vày vò Li, kích thích sự ham muốn của Li chứ không
còn khả năng đem lại cho Li thỏa mãn về xác thịt, nói gì đến có con! Những lúc
nằm bên chồng, Li lại nhớ đến Tư. Đã có mấy lần Tư thổ lộ tình cảm với Li, ôm
ghì lấy Li và đòi hôn cô ngay trong Văn phòng Ủy ban. Li từ chối mặc dù trong
lòng dấy lên bao khát vọng thèm muốn. Chao ôi, từ ngày lấy chồng, chung đụng với
chồng, Li mới thấu hiểu thế nào là “đồng sàng dị mộng”. Muốn thoát ra khỏi cái
bi kịch này để được như con chim sổ lồng, Li bàn với chồng xin phép bố mẹ ra ở
riêng với cái lý tập ăn, tập lo. Không hiểu sao, Thi không đồng ý. Mà ông bà An
cũng không cho phép.
Giữa cái lúc chẳng còn hy vọng gì để được tự do đi lại thì,
đùng một cái, ông bà An giục vợ chồng Li ra ăn riêng, dĩ nhiên càng sớm càng tốt.
Ông An giải thích, sắp tới theo quy định của trên, ông thuộc diện phải kê khai
tài sản. Không tách khẩu, ông sẽ không giải trình nổi về tài sản của gia đình
đang thuộc quyền sở hữu của ông. Thế là vợ chồng Li có hẳn một ngôi nhà ba tầng
với đầy đủ trang thiết bị nội, ngoại thất loại “xịn”, tọa lạc bên vườn hoa thị
xã. Một lần nữa số phận lại mỉm cười với Li. Cô vừa được tự do lo liệu, vừa được
ông bà An coi như một “quý nhân phù trợ”.
Ở riêng, Li thuê ngay một bà già ngót sáu mươi tuổi đến giúp
việc và trông nom, chăm sóc chồng. Có “ôsin”, Li rảnh tay lo giải quyết một
loạt các công việc khác nhau: Vào Trại Sơn thăm bố. Cô thông báo cho bố biết,
trang ấp này tương lai sẽ là của cô. Vì vậy đề nghị bố đầu tư chất xám, lo làm
kinh tế trang trại giúp cô, rồi đến các Công ty có anh em đang làm hợp đồng xin
chuyển sang các cơ quan Nhà nước, nếu không thì vào làm với các liên doanh nước
ngoài; gặp Tư, Li động viên khích lệ anh phải xin đi học hàm thụ Đại học tại chức.
Thiếu tiền, cô tài trợ thêm… Miệng nói, tay làm. Li đề ra, Li tổ chức thực hiện.
Vào “cửa” nào Li cũng lấy chức sắc của bố chồng ra bóng gió đe dọa. Dọa không
xong, Li lấy phong bì ra thỏa thuận với người ta. Với cách thức ấy, mọi việc Li
định làm đều xong. Mà xong một cách suôn sẻ và chóng vánh. Cứ tưởng như có bàn
tay của tạo hóa xếp đặt!
Được đà, khát vọng làm giàu và ham mê quyền lực càng bùng
cháy lên trong Li. Sau khi tham mưu và được bố chồng khen làm thế là thông
minh, Li tìm mọi cách tế nhị “thông tin” cho thiên hạ biết, cô được ông An ủy
quyền việc tiếp khách tại nhà riêng. Được tin, người ta đến với vợ chông Li mỗi
ngày một đông. Vì ai cũng nghĩ, Li làm “môi giới” cho ông Chủ tịch là khép kín
một quy trình “làm ăn” của ông, vừa kín đáo, vừa hiệu quả. Nhờ thế, ông bà An
và vợ chồng Li tha hồ thu hái lộc. Tạo chữ “tín” cho con dâu, hầu như ông An
chưa từ chối giải quyết một trường hợp nào do Li báo cáo, trừ vụ việc của vợ chồng
Lê mới đây. Bởi ông biết, lợi dụng sự thân quen với vợ con ông, tay Lê đã qua mắt
ông nhiều chuyện, lâu nay lại không thấy “hương bái” gì, bây giờ “sắp chết đến
nơi” hắn ta mới cầu cứu đến ông, ông phải cho nó một bài học. Ông An bắn tin
qua con dâu nhằm rung cây dọa khỉ: “Việc này đã ngoài tầm tay của tôi. Có thể
các cơ quan chức năng họ sẽ chuyển lên thanh tra tỉnh xem xét”.
Nhận điện Li báo: “Việc cô chú nhờ, bố cháu bảo không can thiệp
được”, vợ chồng Lê tái mặt, tức tốc phóng ngay đến nhà Li. Từ ngày Li lấy chồng,
mối quan hệ giữa cô chú Lê với Li hoàn toàn bình đẳng. Lúc này họ đối xử như những
người ăn ở biết “luật” và biết điều với nhau. Vì thế, đặt gói quà xuống trước mặt
Li, cô Lê rưng rưng nói:
- Một lần nữa cô chú nhờ Li báo cáo lại với ông cụ, mong cụ
nói với thanh tra một câu, cháu mà không giúp, cho khéo chú Lê phải đi tù mất.
Đẩy gói quà mà Li biết chắc trong đó có phong bì, ba ngàn đô
sang một bên, Li nhăn nhó:
- Khổ quá! Việc của cô chú cháu đã thưa với bố cháu hai, ba lần
rồi nhưng ông cụ cứ bảo hồ sơ người ta đã đưa lên thanh tra tỉnh. Bỗng Li thở
dài, trách móc - Mà chú tham quá cơ. Có rút ruột công trình thì rút in ít thôi,
đằng này chú rút nhiều thế thì bố ai mà cứu được.
Chú Lê làm ra vẻ thân tình và cười méo mó:
- Li giúp được. Cái nốt ruồi chủ phú quý của cháu giúp được,
nếu cháu không từ chối.
Cô Lê khẩn cầu thêm:
- Giúp cô chú đi Li. Qua khỏi cái hạn này, cô chú không bao
giờ quên ơn cháu đâu.
Thấy cô chú Lê nằn nì lại có quà cáp tử tế, Li đút gói quà
vào tủ rồi nói:
- Thôi được rồi! Nể cô chú quá, cháu gọi điện xin ý kiến bố
cháu. Ông cụ đồng ý, cô chú sang bên ấy trình bày trực tiếp nhé.
- Li có đi cùng cô chú được không?
- Rất tiếc là không. Cháu rất bận. Tối nay cháu có hẹn.
Nói đoạn, Li lấy chiếc máy điện thoại di động Nokia loại đắt
tiền trong túi ra, với động tác thành thạo, vừa bấm bấm máy, vừa đi ra ban
công, vừa a-lô… Lát sau, Li trở vào bảo và giục rối rít:
- Ông cụ đang có nhà. Cụ đang rỗi. Cô chú sang ngay đi kẻo mất
mất cơ hội.
Cô chú Lê vừa phóng xe đi khuất sau rặng cây ô-rô phía ngoài
cổng thì, đúng giờ hẹn, Tư đến. Đây là lần thứ ba Tư đến nhà theo lời hẹn của
Li. Anh chàng rửa xe thuê nay đang theo học tại chức Trường Đại học Kinh tế quốc
dân nhìn cao to, đẹp trai lồng lộng. Vừa bước chân vào căn phòng sang trọng và
mát lẹm, nhìn trước nhìn sau không thấy ai, Tư ôm ngay lấy Li. Hai cặp môi lập
tức gắn vào nhau chặt đến nghẹt thở. Đá quá quen với cái tính vội vàng, tham
lam của Tư nhưng lần này Li chưa chiều vội. Đẩy Tư ra, cô hỏi:
- Ơ kìa! Anh không biết sợ sao? Chồng em và người giúp việc
đang ở trên tầng ba ấy.
Tư nói:
- Kệ! Em là con dâu ông Chủ tịch thì việc gì anh phải sợ. Vả
lại, có biết chuyện của chúng mình, ông bà ấy cũng không dám nói với ai đâu mà
em lo.
Dứt lời, anh ta sấn tới ghì riết lấy tấm thân nõn nà, chắc nịch
và nóng rực của Li. Li hổn hển:
- Đóng cửa vào đã anh.
Tư như bừng tỉnh. Buông Li ra, anh ta hấp tấp làm theo việc
Li nhắc. Đúng lúc ấy tiếng nhạc từ chiếc Nokia rung lên. Li cầm máy nghe và trả
lời:
- Thưa mẹ! Con đang bận tắm cho nhà con ạ. Việc cô chú Lê con
nhờ bố nhận lời chạy giúp rồi phải không ạ? Thế thì may cho cô chú ấy quá.
Phong bì của cô chú Lê gửi, con nhận đủ rồi mẹ ạ. Vâng, vâng! Con cám ơn bố mẹ
nhiều. Con chào mẹ.
Quẳng máy điện thoại xuống giường, Li giang cả hay cánh tay
trần ngà ngọc của mình ra đón Tư đang nhào tới.
BẠN CŨ
Tôi vừa đi làm về đến cổng, đứa cháu nội của tôi đang chơi ở
ngoài sân vội chạy phóng ra, khoe: “Ông ơi, nhà ta hôm nay có khách”. Tôi chưa
kịp hỏi khách là ai thì trước khung cửa sắt đã xuất hiện một người đàn ông. Ông
ta khoảng ngoài sáu mươi tuổi, tóc muối tiêu, dáng người nhỏ thó, ăn mặc xoàng
xĩnh. Nét mặt khắc khổ nhìn rất quen nhưng tôi chịu không nhớ nổi tên. Tôi “a”
lên một tiếng làm ra vẻ mừng rỡ cũng đúng lúc ông ta nói gần như reo: “Chào sếp!
Sếp rời công sở muộn thế?” Hai chúng tôi nhào tới bắt tay nhau, đoạn ông ta ôm
chầm lấy tôi, vỗ vỗ vào lưng tôi. Vừa làm những động tác hết sức thân mật, suồng
sã như thế, ông ta vừa nói to: “Lâu quá anh em mới có dịp gặp nhau. Tối nay xin
sếp bữa cơm và có việc nhờ sếp giúp một tay đây”. Tôi ậm ừ vâng dạ cho qua chuyện
và cầm tay ông đi vào nhà.
Đã ngồi đối diện với ông trên bộ bàn ghế sa lông nan, rót mời
ông chén nước mà tôi vẫn chịu không nhớ ra tên ông, mặc dù nhìn ông rất quen.
Tôi lựa lời hỏi:
- Bác mới ở quê lên hả? Chắc nhà ta có ai đi viện?
Tôi phỏng đoán vậy vì nhà tôi ở gần Bệnh viện đa khoa tỉnh,
ngoài anh em họ mạc, còn có bà con ở quê, nếu nhà nào có người đi viện họ thường
hỏi thăm đến để nếu không mượn cái ấm, cái phích thì cũng xin tắm gội, giặt giũ
nhờ, hoặc xin ngoại trú một vài hôm. Cái việc luôn bị người khác gây phiền hà
này, lúc đầu vợ con tôi có vẻ khó chịu nhưng lâu dần thành quen. Vả lại, toàn
anh em phi nội tắc ngoại, họ có gặp khó khăn mới cần đến sự giúp đỡ của mình.
Mình mà từ chối, mà tỏ thái độ lạnh nhạt thì đừng có vác mặt về quê nữa. Về,
người ta lấy xẻng xúc dấu chân đổ đi. Với ý thức như vậy cho nên bất luận thân
hay sơ, hễ ai là người cùng làng tìm đến, nhờ vả hay không nhờ vả, đều được tôi
và vợ con tôi đón tiếp chân tình. Nhưng còn ông khách nhìn rất quen này là ai?
Có lẽ không quan tâm đến điều băn khoăn của tôi, ông khách vẫn
vô tư, tự nhiên như người nhà:
- Không! Nhà mình không có ai phải đi viện cả. Mình lên tìm gặp
chú là vì việc khác. Một việc nằm trong tầm tay của chú.
Từ gọi tôi là “sếp” như vừa tôn sùng, vừa giễu cợt lại chuyển
sang gọi “chú mày” như vừa trịch thượng, vừa thân mật. Sao ông ta nói năng,
xưng hô lung tung thế? Thầm hỏi vậy và tôi đã thấy hơi khó chịu. Toan đánh bài
ngồi im để tỏ thái độ không hài lòng của mình thì vợ tôi đi chợ về. Đặt cái làn
mua thức ăn xuống nền nhà, vợ tôi giới thiệu:
- Bác Năm, chồng cô Dung, trước dạy cùng em ở cấp 2 đấy, anh
còn nhớ không?
“Ồ, tưởng ai hóa ra là ông Năm, chồng cô giáo Dung, tôi nhớ
ra rồi”. Tôi reo thầm ở trong đầu, còn ông Năm lại nói:
- Cô giáo làm động tác hơi bị thừa rồi. Anh em quên nhau thế
nào được, phải không sếp?
Tôi gật đầu, ngượng ngùng công nhận “phải, phải” và thú thật:
- Có điều bác thay đổi nhiều quá nên lúc đầu em cứ ngờ ngợ.
Vợ tôi tay xách làn, miệng bảo:
- Thôi, hai anh em uống nước. Em nấu ù một lúc để ăn cơm kẻo
muộn.
Tôi nhắc thêm:
- Kiếm cái gì cho hai anh em nhậu lai rai một chút nhé.
Ông Năm vội xua tay: “Khỏi! Khỏi! Vẽ vời kích rích. Có sẵn rượu
ta làm một chén “xếch” cho ấm bụng”.
Tôi mở tủ lấy ra hũ rượu ngâm thuốc bắc, rót đưa ông một ly,
tôi một ly. Sau khi chạm ly một cái “cạch”, ông Năm ngửa cổ uống cạn một trăm
phần trăm, rồi khà một tiếng. Nhìn cái cách uống rượu ấy của ông tôi bỗng nhớ lại
những chuyện hơn mười năm về trước.
Dạo ấy vợ tôi và vợ ông cùng dạy một trường. Chúng tôi chưa
ai có nhà riêng. Mỗi cô giáo được nhà trường bố trí cho ở một gian trong khu tập
thể. Đấy là tổ ấm và là chỗ đi về của tôi và Năm. Tôi công tác phòng Văn hóa
huyện, Năm nghe nói trước là giáo viên sau chuyển sang làm cán bộ ở Sở Văn hóa
chuyên về chụp ảnh. Cùng là “dân” văn hóa, hai “nhà” lại sát vách nhau nên thường
chủ nhật nào về với vợ con chúng tôi cũng chén chú chén anh với nhau, tuy không
cơm gà cá gỡ nhưng là tửu lạc vong bần, chuyện trò với nhau cứ vui như tết. Một
thời gian sau, mỗi lần về vẫn thấy anh ở lì ở nhà, hỏi anh sao không đi làm,
anh bảo: “Chú mày còn lạ gì. Nhà nước xóa bao cấp. Các cơ quan co bé lại. Từ
hai bộ phận chiếu bóng và chụp ảnh, Sở gộp lại thành một “Công ty chiếu chụp”.
Anh thuộc diện quân số dôi ra bị người ta cho về một cục. Về thì về chứ tao cần
quái gì. Cần câu cơm của anh mày là cái này này”. Anh vỗ bồm bộp vào chiếc máy ảnh
đeo lủng lẳng trước ngực.
Vợ tôi cho tôi biết thêm, dạo mới thôi việc ở cơ quan, anh
khoác máy ảnh, đạp xe đi lang thang khắp trong làng ngoài xã. Đi đến đâu anh
cũng “gạ” người ta chụp ảnh. Ai trả bao nhiêu tiền một kiểu anh đều xong. Ai
không trả anh vẫn vui. Ai mời anh một, hai chén rượu trừ vào tiền ảnh, anh cũng
không có “ý kiến” gì. Anh ấy sống nghệ sĩ lắm. Ấy là vợ tôi và mọi người bảo thế.
Anh Năm có bốn đứa con, ba trai, một gái, chúng nó đều choai
choai kiểu trứng gà trứng vịt. Chị em giáo viên trong trường thì thầm với nhau
rằng, thằng con đầu lòng của anh là con của người khác. Số là anh tìm hiểu, yêu
rồi cưới cô chị nhưng hôm đón dâu nhà gái lại gả cho anh cô em. Cô này, tức là
cô giáo Dung đấy, xinh đẹp hơn chị, duyên dáng hơn chị nhưng lại có chửa với một
người đã có vợ, có con… chuyện này không rõ anh Năm có biết không, hay biết mà
anh im lặng cho qua? Cái tính nghệ sĩ của anh lạ lắm. Anh chỉ quan tâm đến những
chuyện trên trời, dưới biển. Anh sẵn sàng giúp đỡ mọi người công nọ, việc kia
và anh luôn lấy thế làm vui. Còn chuyện vợ con, cơm áo, gạo tiền anh cho là
chuyện vặt.
Còn nhớ hồi tôi được điều lên tỉnh công tác, trước hôm chia
tay, anh Năm ngồi nói chuyện với tôi rất khuya. Ôi chao, có ngồi tâm sự mới biết
anh Năm là một người giao thiệp rộng. Các vị quan chức ở tỉnh, từ Giám đốc Sở đến
Chủ tịch, Bí thư tỉnh, ai anh cũng biết, ai anh cũng quen. Ông nào anh cũng kể
vanh vách về lý lịch, về cá tính của họ. Nghe anh nói tôi đâm ra nể anh quá. Tiếc
là sao hiểu anh quá chậm. Giá hiểu anh sớm hơn, biết đâu tôi lại chả nhờ vả anh
được một việc gì đấy.
Anh hỏi tôi:
- Chú lên tỉnh là về chỗ thằng Hữu chứ gì - Tôi chưa kịp trả
lời, anh lại nói – Thằng này là bạn bè chiến hữu của anh, từng đi vẽ phông cảnh
cho đoàn chèo của tỉnh với anh. Nó vô học nhưng được cái tốt bụng. Nó mà không
dính chuyện gái gú, chắc phải ngoi lên đến hàng Phó Giám đốc Sở. Gặp nó, chú
cho anh hỏi thăm nhá.
Tôi lắc đầu bảo là, tôi không về đoàn văn công mà là làm lính
Văn phòng Sở.
- À, thế thì làm lính thằng Quảng rồi. Thằng này là học trò của
anh. Tốt nghiệp Đại học nó về làm thư ký cho ông Kiểm, Phó Chủ tịch tỉnh. Bây
giờ nó làm Giám đốc Sở. Cha này chẳng có tài cán gì đâu. Nó lên được chẳng qua
là sống lâu thì lên lão làng. Được! Hôm nào lên tỉnh, anh vào chơi sẽ bảo nó phải
quan tâm đến chú mày.
Tôi lên tỉnh công tác đã được hơn mười năm, nghĩa là tôi xa anh
Năm từng ấy năm trời rồi. Thời gian ấy không thấy anh lên tỉnh chơi lần nào,
hay là lên mà tôi không gặp? Còn tôi vì mải mê với công việc của một công chức
và bươn chải trong cuộc sống đời thường nên chả mấy khi nhớ đến anh, tệ hơn,
quên bẵng mất anh. Thế là một lẽ; lẽ khác, anh thay đổi quá nhiều. Trước anh
nho nhã, thư sinh, không đẹp giai nhưng ưa nhìn; nay anh cóc cáy, già nua, lại
có nét gì như người chán chường và mệt mỏi. Vì vậy phải đợi đến lúc vợ tôi nhắc
anh là chồng cô Dung, tôi mới nhận ra anh, âu cũng là điều dễ hiểu…
Hai chúng tôi cụng ly rượu “xếch” đến lần thứ ba thì vợ tôi lễ
mễ bưng mâm ra đặt lên bàn, đoạn xoa xoa hai bàn tay vào nhau và có lời:
- Lâu lắm rồi anh em mới có dịp gặp lại nhau. Mời bác uống với
nhà em chén rượu nhạt.
Ông Năm cảm ơn rồi nói: “Thế các cháu đâu cả”? Tôi bảo: Hai
thằng con trai lớn đều lấy vợ, đều đã có con và đều ở riêng. Còn cô út đang
theo học dưới Hà Nội. Thời buổi bây giờ không anh chị nào muốn ở chung với bố mẹ.
Cháu gái đây là con đầu của thằng bố cả. Bố mẹ nó cho ở với ông bà, cho ông bà
vui.
Ông Năm khen, vợ chồng tôi thế là sướng. Tôi nói, đời biết sướng
là sướng, biết đủ là đủ, chứ tham vọng của con người thật là vô cùng, đoạn quay
sang hỏi:
- Thế cô giáo với các cháu nhà bác…
Không đợi tôi nói hết câu, ông Năm khề khà, vẻ đầy tự mãn:
- Cô giáo hưu một năm nay rồi. Thằng Long, thằng Li học hết cấp
2 đều ở nhà làm nghề “ba toa”. Hai thằng này đều đã có vợ, có con. Tôi có bốn
cháu nội, hai trai, hai gái rồi đấy nhé. Thằng Quy vào làm thuê trong Nam, hắn
bảo khi nào đủ tiền mua xe máy mới ra. Còn con Phượng, cháu mới tốt nghiệp trường
Lưu trữ - Văn phòng chưa xin được việc làm. Hôm nay lên tỉnh tìm gặp cô chú
cũng là vì việc của con Phượng chứ cô chú tính thời gian đâu mà đi chơi.
À, hóa ra một việc nằm trong tầm tay của tôi như ông Năm bảo
là việc xin việc làm cho cháu Phượng”. Ông ấy cứ nghĩ đơn giản vậy chứ chân trưởng
phòng phọt phẹt như tôi lo công ăn việc làm cho con cháu lúc này đâu có dễ.
Nhưng chả lẽ chối toẹt ngay. Làm thế nếu không thông cảm ông Năm sẽ nghĩ về
mình là người như thế nào? Tôi thật thà nói:
- Hơn mười năm anh em xa nhau mà bác vẫn nhớ đến vợ chồng em,
ăn bữa cơm với vợ chồng em là em cảm động lắm rồi. Còn việc xin việc cho cháu
Phượng em xin thưa với bác một thông tin: Lâu nay, người ta vẫn bảo là nhận người
vào cơ quan hành chính sự nghiệp, đại thể chỉ có 4 trường hợp: Một là, con cháu
của những người có chức, có quyền. Hai là, giải quyết mối quan hệ giữa các sếp
với nhau. Ba là, phải có tiền, có nhiều tiền; bốn mới xem xét đến cái tình.
Cháu nhà ta học Lưu trữ - Văn phòng, theo em hiểu là làm hành chính, chứ không
thuộc sản xuất kinh doanh. Vậy bác xác định mình ở vào trường hợp nào em vừa
nói?
Nghe tôi nói tách bạch quá, rành mạch quá, khuôn mặt vốn đã
ngắn của ông Năm giờ càng như ngắn tủn lại và nghệt ra! Ông xoay xoay chén rượu
trên tay và trầm ngâm một lúc mới trả lời tôi, giọng trầm hẳn xuống:
- Mình chức quyền không. Tiền bạc không. Chỉ có mỗi cái tình.
Các cụ nhà mình dạy: Phúc đức tại mẫu, ở hiền gặp lành. Chả lẽ cả đời mình đi
theo cách mạng, con mình lại thất nghiệp? Này, thế thằng Hữu, thằng Quảng bây
giờ làm gì chú?
Tôi hỏi lại:
- Hữu với Quảng nào bác nhỉ?
- Hai thằng ở văn hóa ấy, chú không nhớ à?
- À, hai ông này một ông đã hưu, một ông bị chuyển sang ngành
khác, từ lâu rồi.
Ông chẹp chẹp miệng rồi thở hắt ra:
- Tiếc quá! Giá hai thằng ấy còn đương nhiệm chắc chắn mình
được nhờ. Chúng nó sống có tình lắm.
Tôi ậm ờ, gật gù tỏ ý đồng tình với nhận xét chủ quan, trong
sáng ấy của ông Năm chứ không nỡ nói cho ông biết, từ khi có kinh tế thị trường
hai nhân vật ông vừa nhắc tới ấy đã bị “tha hóa”, có rất nhiều chuyện không lấy
gì hay ho về họ. Vả, tôi không thuộc hạng người nói xấu người khác khi người ta
vắng mặt, nên tốt nhất là cứ để ông ấy nhớ về bạn bè của ông với ấn tượng tốt đẹp
như vậy.
Thấy thức ăn gắp đầy trong bát mà ông Năm hầu như không đụng
đũa, vợ tôi giục:
- Hai anh em uống rượu, nhắm thức ăn đi bác.
Ông Năm bảo “Cô cứ cho tôi tự nhiên”, rồi như chợt nhớ ra điều
gì đấy, ông hỏi tôi: “Hiện nay anh nào làm Giám đốc Sở giáo dục, chú?”
- Ông Tụ! Bác có biết ông Tụ không?
- Tụ ở Hoàng Hoa chứ gì?
Tôi xác nhận:
- Đúng Tụ ấy đấy! Ông này trước kia là giáo viên cấp hai, sau
lên dạy cấp 3, rồi làm Trưởng phòng Giáo dục. Trước khi điều lên giữ chức Giám đốc Sở là Phó Chủ tịch
huyện.
- Thế thì đúng là thằng Tụ dạy cùng tôi ở Hoàng Hoa rồi.
Hai mắt ông Năm sáng ra, vui vẻ hẳn lên. Ông nhấp thêm một ngụm
rượu đoạn khề khà kể cho vợ chồng tôi nghe những kỷ niệm của ông với ông Tụ. Cứ
theo lời ông Năm kể thì Tụ thuộc thế hệ đàn em của ông. Ít tuổi hơn ông, vào
nghề dạy học sau ông, lại được ông dìu dắt, cưu mang như một đứa em. Ông bồi hồi
nhớ lại:
- Thời bao cấp cô chú còn lại gì. Những năm ấy mới khó khăn,
thiếu thốn làm sao. Mua cái gì đều phải xếp hàng mà nhiều khi đâu có được. Thằng
Tụ mới ra trường tem phiếu chưa có, tôi phải cho nó ăn chung hàng tháng trời. Vợ
nó sinh con đầu lòng, không đủ sữa cho con bú, thương tình, có cái phiếu đường,
phiếu sữa, phiếu thịt nào tôi cho vợ chồng nó tất. Khi vợ chồng nó làm nhà thiếu
xi, thiếu vôi tôi lại chạy xin cho nó được mua theo giá cung cấp…
Vui chuyện, cứ thế ông Năm nhắc lại bao nhiêu là kỷ niệm
“ngày xưa”. Thì ra ngày xưa ông Năm có một thời “oanh liệt” lắm. Ông là người
quảng giao lại tốt bụng, quan hệ với ai cũng không tính toán vụ lợi gì, nhất là
đối với vợ chồng Tụ. Đã có một thời tình cảm của họ với nhau “bát cơm xẻ nửa,
chăn sui đắp cùng” là vậy, bây giờ nếu ông cần đến sự giúp đỡ, chắc chắn Tụ
không nỡ lòng nào từ chối. Nghĩ thế, tôi nói:
- Theo em, bác nên nhờ ông Tụ lo giúp việc cho cháu Phượng.
Em biết giáo dục, y tế là hai ngành luôn được ưu tiên về chỉ tiêu biên chế.
- Tôi cũng định thế. Nhưng lâu quá không gặp nhau, lại không
biết nhà…
- Thì em đưa bác đi.
Vợ tôi đồng tình:
- Phải đấy, tối nay hai anh em nên đến chơi với ông Tụ. Biết
đâu vì tình, vì nghĩa giữa hai ông bố mà con cái được hưởng lộc.
Cơm nước xong, tôi lấy xe lai ông Năm đến nhà ông Tụ.
Nhà ông Tụ ở “phố quan”, nơi mà nhân dân thị xã vẫn mát mẻ,
bóng gió gọi là “phố tình nghĩa”. Ở đây toàn là nhà ba, bốn tầng. Nhà nào cũng
kín cổng, cao tường, muốn vào được trong nhà phải bấm chuông điện, phải qua 2,
3 lần cổng, cửa. Sau khi bấm chuông đến lần thứ tư, ngoài con chó béc-giê to bằng
con bê vừa hộc, vừa nhảy chồm mãi lên phía trong cánh cổng sắt, chúng tôi không
thấy có ai ra đón. Ông Năm phán đoán hay là chú nhầm nhà. Tôi tin và trí nhớ của
mình nên không cãi lại mà ngửa cổ ngước nhìn lên tầng hai.
Trong quầng sáng của ánh đèn nê-ông hắt ra tôi nhận thấy ông
Tụ mặc bộ quần áo pi-gia-ma đang thò cổ ngó xuống. Thoáng cái, ông vội quay
ngay vào phòng. Ánh đèn vụt tắt. Lát sau, có người đi ra, tôi đoán đó là người
giúp việc. Chị ta khoảng 40 tuổi, dáng người đẫy đà. Không mở khóa cổng, chị ta
hỏi:
- Hai bác đến có việc gì?
Ông Năm vồn vã, không giấu nổi vui mừng:
- Tôi là bạn Giám đốc Tụ. Chị cho tôi vào gặp nó một lúc. Bảo
nó là có bạn cũ đến chơi thôi, không có việc gì quan trọng đâu.
- Nhưng Giám đốc đi Hà Nội vắng bác ạ.
- Thế à! Thế bao giờ nó về, cô?
- Cháu cũng không được biết.
Ông Năm nhìn tôi, vẻ thất vọng hiện trên nét mặt. Còn tôi,
tôi không tiện nói ta, Tụ đang có nhà nhưng ông ta không muốn tiếp khách, nhất
là khi nhìn thấy khách đi xe đạp như tôi và ông Năm, nên mới bảo người giúp việc
nói rằng mình đi vắng. Có lẽ Tụ biết khách cỡ này đến nhà, nếu không nhờ vả
chuyện nọ, việc kia thì chỉ có đơn từ tố giác lằng nhằng.
Dọc đường về nhà, cố giấu đi nỗi buồn đè nặng trong lòng, tôi
làm ra vẻ vô tư, bàn với ông Năm sớm mai, hai anh em lại tiếp tục đến.
- Nó đi Hà Nội vắng đã về đâu mà đến?
Cứ để mặc ông Năm tin vào lời nói dối của người giúp việc,
như vậy ông sẽ không thấy mình bị xúc phạm, đồng thời lòng tin yêu ở bạn bè của
ông sẽ không bị sứt mẻ. Tôi động viên:
- Biết đâu đêm nay ông ấy về. Các sếp bây giờ đi, về cứ như
con thoi. Mình cần thì phải trường kỳ mai phục, may ra mới gặp được bác ạ.
Nghĩ không còn cách nào khác, với lại, vì công ăn việc làm của
con hối thúc, không thể không nhờ đến bạn bè một thuở… Tôi hiểu vậy, nên ông
Năm phải “gồng mình” lên, đồng ý với gợi ý của tôi.
Sốt ruột chờ gặp Tụ một phần, phần nữa, lan man nghĩ ngợi về
cái tình người mà tôi trằn trọc cả đêm. Chúng tôi thức dậy trước Đài tiếng nói
Việt Nam báo nhạc hiệu và đạp xe đến nhà Giám đốc Tụ đúng lúc kết thúc nhạc tập
thể dục buổi sáng. Chợt thấy chúng tôi thấp thoáng phía ngoài cổng sắt, Tụ đang
tập dưỡng sinh trong khuôn viên trước cửa liền bỏ vào nhà. Tôi vội vã bấm
chuông điện và đứng đợi. Lúc lâu sau chị giúp việc tối hôm qua lại xuất hiện.
Chắc nhớ mặt chúng tôi, chị ta nói luôn:
- Giám đốc vẫn chưa về đâu hai bác ạ.
Tôi thấy mặt mình nóng ran lên trước sự nói dối trắng trợn của
chị, liền bóc mẽ:
- Ông ấy vừa ở đây, sao chị cứ bảo là Giám đốc không có ở nhà
là làm sao nhỉ?
Ông Năm nở nụ cười méo mó, nói khó thêm với chị giúp việc:
- Nhờ cô vào bảo với Giám đốc, tên tôi là Năm, bạn dạy học
cùng với ông ấy ở Hoàng Hoa ngày trước, tìm đến chơi, nhờ tí việc.
Đừng chẳng được, chị giúp việc đành quay vào nhà chắc là để
xin ý kiến ông chủ. Tôi vội nhắc ông Năm: “Các sếp bận nhiều việc lắm. Gặp, bác
nên đặt vấn đề ngay kẻo mất cơ hội”. Với cái vẻ suồng sã, vô tâm vốn có, ông
Năm vỗ vai tôi: “Chú yên tâm đi. Gặp, tôi bắt nó phải chiêu đãi anh em mình một
bữa lo-lơ-ti-ca-vi-na (Lòng lợn tiết canh Việt Nam) mệt nghỉ.
Ông Năm vừa nói dứt lời, chị giúp việc bình bịch bước đến. Chị
mở khóa, mời chúng tôi vào nhà ư? Không phải. Chị đang kiểm tra lại ổ khóa rồi
vẫn đứng trong cánh cổng sắt, nói ra:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét