Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

Nhà văn Vĩnh Phúc hiện đại (Phần 3b; Quyển 1)

Nhà văn Vĩnh Phúc hiện đại
(Phần 3b; Quyển 1)

 HOÀNG LỘC
- Họ và tên khai sinh: Hoàng Lộc
- Sinh năm 1920 mất năm 1949
- Quê quán: Châu Khê, Ninh Giang, Hải Dương
- Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
- Tác phẩm chính đã xuất bản:
* Viếng bạn (Thơ, 1947)
* Chặt gọng kìm đường số 4 (Phóng sự, 1948)
MỘT SỐ TÁC PHẨM TIÊU BIỂU
VIẾNG BẠN
Hôm qua còn theo anh 
Đi ra đường quốc lộ 
Hôm nay đã chặt cành 
Đắp cho người dưới mộ 
Đứa nào bắn anh đó 
Súng nào nhằm trúng anh 
Khôn thiêng xin chỉ mặt 
Gọi tên nó ra anh! 
Tên nó là đế quốc? 
Tên nó là thực dân? 
Nó là thằng thổ phỉ? 
Hay là đứa Việt gian? 
Khóc anh không nước mắt 
Mà lòng đau như thắt 
Gọi anh chửa thành lời 
Mà hàm răng dính chặt 
Ở đây không gỗ ván 
Vùi anh trong tấm chăn 
Của đồng bào Cửa Ngăn 
Tặng tôi ngày phân tán 
Mai mốt bên cửa rừng 
Anh có nghe súng nổ 
Là chúng tôi đang cố 
HOÀNG TÁ
- Họ và tên khai sinh: Hoàng Ngọc Tá
- Sinh năm 1945
- Mất năm 2000
- Quê quán: Xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc
- Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ 1996)
- Tác phẩm chính đã xuất bản:
* Mặt trời của mẹ (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 1977)
* Chiều nhọ cánh cò (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 1987)
* Hoa học thầm (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 1988)
* Lời bé (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 1991)
* Cái sân chơi biết đi (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 1993)
- Giải thưởng văn học:
* Giải thưởng văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam và nhà xuất bản Kim Đồng cho tập thơ: "Chiều nhọ cánh cò".
* Giải A, Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 cho tập thơ: "Cái sân chơi biết đi".
* Giải thưởng văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cho tập thơ "Lời bé".
* Giải thưởng thơ hay năm 1988, viết cho thiếu nhi - Tuần báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam.
* Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hùng Vương năm 1990 cho tập: "Hoa học thầm”.
- Suy nghĩ về nghề văn:
Các em thiếu nhi vốn rất mê đọc thơ và dường như em nào cũng thuộc một đôi bài ngay từ tuổi mẫu giáo. Những bài thơ đó sẽ chắp cánh tâm hồn các em, sẽ là hành trang theo các em vào đời. Đó chính là nguồn khích lệ đối với những nhà thơ chuyên viết cho các em.
Một bài thơ hay cho các em, theo tôi là: Bài thơ các em đọc các em cảm nhận và thích thú với tầng thơ dành cho các em; người lớn đọc, người lớn thấy say mê hưởng thụ tầng thơ cho người lớn. Tôi kính trọng những nhà thơ viết được những bài thơ như thế. Tôi phấn đấu suốt đời để có thể viết được một bài thơ hay.
A - TRONG KÝ ỨC BẠN BÈ
NHỮNG GIẤC MƠ BƯỚM VÀNG CỦA HOÀNG TÁ
Đặng Huy Giang 
Mácsắc (1887 - 1964) là nhà thơ Nga Xô viết nổi tiếng, chuyên viết cho thiếu nhi. Sinh thời, ông có một bài thơ thật đặc sắc có tên: Con dơi (tất nhiên, ông không chỉ có Hai con cú mà còn nhiều bài khác nữa). Bài thơ chỉ có mấy câu ngắn ngủi nhưng thật cô đọng như thế này:
Tôi là anh em nhà cú
Tôi đứng bằng hai chân
Khi ăn, tôi  không ngủ
Khi ngủ, tôi không ăn.
Trước hết, việc nói về con cú như thế, quá đúng và là một hiện tượng hết sức tự nhiên, bình thường, tưởng như không có gì đáng nói cả: Đứng bằng hai chân, đã đang ngủ thì làm sao có thể ăn được và đã đang ăn thì làm sao có thể ngủ được. Đấy là tầng nổi, còn tầng chìm của nó, mới đáng để người đọc suy ngẫm. Một thông điệp được rút ra ở đây là thường thì một con vật (hay một người) phải đứng bằng hai chân, khó có thể làm được hai việc cùng lúc, nhất là ở hai trạng thái khác nhau, trái ngược nhau (ngủ và ăn, ngủ và thức). Và nếu đi sâu vào việc "giải mã" giữa ăn và ngủ, giữa ngủ và thức theo nghĩ bóng (hoặc nghĩa mở) thì chắc chắn còn rất nhiều điều để nói.
Nêu Hai con cú để thấy tài quan sát của Mácsắc: Từ một việc (hoặc một hiện tượng) ai cũng thấy, ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng đưa được nó vào thơ và làm cho nó hay (hoặc chí lý) thật tự nhiên trong thơ. Chưa kể bài thơ còn đem đến cho người độc cảm giác ngồ ngồ, là lạ.
Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Vũ Duy Thông lại đánh giá rất cao bài thơ này.
Trước nữa, Anđécxen (1805 - 1875) - nhà văn Đan Mạch đã làm thơ và viết văn cho thiếu nhi. Sinh thời, ông đã cho xuất bản tập thơ Đứa trẻ hấp hối và nhiều tập văn xuôi. Ở ta, nhiều người đã biết cuốn Truyện cổ Anđécxen được tái bản nhiều lần bằng tiếng Việt qua nhiều nhà xuất bản. Những truyện Nàng tiên cá, Hoàng đế cởi truồng, Chú lính chì dũng cảm, Em bé bán diêm...đặc sắc, hẳn còn để lại nhiều ấn tượng mạnh trong lòng độc giả là trẻ em lẫn người lớn. Rõ ràng, nếu là một nàng tiên cá muốn biến thành nàng tiên người thì phải mỗi bước đi, mỗi rớm máu tức là phải chịu sự trả giá (Nàng tiên cá); nếu muốn nghe lời nói thật, lời nói trung thực thì ắt không thể không nghe trẻ con nói (Hoàng đế cởi truồng); nếu muốn có hy vọng thì hãy thắp sáng bằng những đốm lửa, nhưng tiếc thay những que diêm của một đời người không phải là vô hạn (Cô gái bán diêm). Tôi biết ở ta, Cô gái bán diêm là trở thành một gợi ý để một nhà thơ viết: Mỗi đốm sáng một tia hy vọng/ Cháy lập lòe  đêm lạnh giá mùa đông/ Nhưng gia tài tôi chỉ có một bao diêm...
Cũng có những trường hợp, người làm thơ thường tập trung vào những chi tiết thật ấn tượng làm điểm chốt, làm chỗ dựa cho tứ thơ. Nếu tôi nhớ không nhầm thì trong sách tập đọc cấp 1 (tiểu học) từng có vài bài thơ như vậy. Hồi con gái tôi chưa biết chữ, tôi thường đọc cho cháu nghe 2 bài thơ trong sách tập đọc của 2 tác giả nước ngoài mà tiếc tôi không còn nhớ tên. Và đến khi trưởng thành, cháu vẫn còn nhớ. Bài thứ nhất nói về việc một gà, vì chưa được đi học (hoặc lười học) nên chỉ biết mỗi chữ o. Chính vì thế mà mỗi sáng nó cũng chỉ biết...ò...ó...o...mà thôi. Bài thứ 2 nói về một con mèo lười học, không muốn đi học, luôn vin vào lý do: Cái đuôi tôi ốm. Khi người lớn bảo: Nếu tại cái đuôi bị ốm thì phải cắt cái đuôi đi. Lập tức, chú mèo choàng dậy và đi học ngay, chỉ vì sợ bị...đau.
Qua hai tác giả trên, tôi muốn nêu một ý kiến: Thơ của Mácsắc và văn của Anđécxen không chỉ viết cho trẻ em mà còn viết cho người lớn nữa. Hay nói một cách khác: Viết văn, làm thơ cho thiếu nhi là những việc khó làm; mỗi tác phẩm ở địa hạt này không chỉ để trẻ em thấy hay, mà cả người lớn cũng thấy hay. Bên cạnh đó, một đòi hỏi đối với những người chuyên viết cho thiếu nhi là phải làm sao thật gây ấn tượng một cách rất trẻ thơ cho những độc giả nhỏ tuổi.
Ở một chừng mực nào đó, trong làng thơ Việt Nam từ nhiều năm nay, đã và đang xuất hiện nhiều cây bút ít nhiều đáp ứng được một vài đòi hỏi khắt khe trên. Đó là Phạm Hổ, Võ Quảng, Xuân Quỳnh, Nguyễn Châu, Nguyễn Hoàng Sơn, Trương Hữu Lợi, Cao Xuân Sơn... Và trong đó, không thể không nhắc đến Hoàng Tá.
Tôi không biết cả đời thơ của mình, Hoàng Tá có cả thảy bao nhiêu thi phẩm. Nhưng chỉ cần đọc quãng trên dưới 20 bài thơ của Hoàng Tá in trong tập Cái sân chơi biết đi (Nhà xuất bản Kim Đồng 1994), cũng đủ cho tôi yêu mến tài thơ của ông. Và tôi cảm nhận được: Đằng sau những bài thơ ấy là cả một tấm lòng nhân hậu, yêu mến con trẻ nói riêng và con người nói chung. Rất nhiều bài thơ trong tập thơ này làm tôi chú ý: Con bướm không nhà; Thỏ thẻ; Lời bé; Con bướm vàng; Cái sân chơi biết đi; Tại…cái bút; Bà ơi, mỗi độ hoa cau; Những bức trnh xinh xinh tặng bé; Chiều nhọ cánh cò; Hoa học thầm; Trăng rằm - quả trứng tiên; Sợi dây phơi; Cây hoa lựu; Đôi bạn…
Đây là những chi tiết ảo trong thơ: Ngồi ăn hết những giấc mơ bướm vàng (trích câu Cái hoa ngỡ kẹo ai cho/ Ngồi ăn hết những giấc mơ bướm vàng trong bài Con bướm không nhà); Vừa phi vừa ngoạm màn sương bên trời (trích từ câu Chú ngựa đi giữ biên cương/ Vừa phi vừa ngoạm màn sương bên trời trong bài Những bức tranh xinh xinh tặng bé). Đây là câu thơ tài hoa: Hoa sen ăn sữa cành sen/ Vừa ăn vừa cấy ngọn đèn xuống đêm (Những bức tranh xinh xinh tặng bé) và đây là câu thơ sử dụng từ (từ “nhọ”) rất đúng chỗ: Chiều nhọ cánh cò (Chiều nhọ cánh cò). Đây là những câu thơ độc đáo thông qua một cách nói rất hình tượng và rất thơ: Nước xanh là bát mực đầy/ Cuống hoa là bút, nụ này – ngòi xinh/ Khoảng trời sao nở lung linh/ Là trang sách của chúng mình tháng năm (Hoa học thầm). Đây là những câu thơ khai thác thuộc tính của tự nhiên, trước hết là rất đúng: Mưa về như khách lạ/ Ngập ngừng đứng ngoài sân/ Gió về tựa người thân/ Thoăn thoắt đến gõ cửa và sau nữa là rất đẹp: Còn mưa thì từng bước/ Đủng đỉnh dạo quanh nhà/ Hết đeo nhẫn cho hoa/ Lại xâu cườm cho lá…
Ở nhiều bài thơ, Hoàng Tá bộc lộ tài quan sát, tài phát hiện, tài khai thác tâm lý, tài liên tưởng trong tự nhiên và xã hội. Rồi từ những chất liệu của hiện thực, ông xâu chuỗi và kết thành ý, thành tứ thơ.
Qua Cái sân chơi biết đi, thơ viết cho thiếu nhi của Hoàng Tá dường như được phát tiết và bứt phá mạnh mẽ nhất qua các bài thơ: Thỏ thẻ; Bà ơi, mỗi độ hoa cau; Cái sân chơi biết đi; Sợi dây phơi và cây hoa Lựu. Qua 5 bài thơ này, chúng ta cũng thấy được sự khác biệt của từng bài thơ và trên cái nền khác biệt ấy mà tạo ra sự phong phú, đa dạng mang cái riêng của Hoàng Tá.
Đây là toàn bài Thỏ thẻ:
Hôm nào ông có khách
Để cháu đun nước cho!
Nhưng cái siêu nó to
Cháu nhờ ông xách nhé!
Cháu ra sân rút rạ
Ông phải ôm vào cơ!
Ngọn lửa nó bùng to
Cháu nhờ ông dập bớt!
Khói nó chui ra bếp
Ông thổi hết khói đi!...
Ông cười xòa: Thế thì
Lấy ai ngồi tiếp khách?!
Hoàng Tá đã khéo dựng lên cái tứ của bài thơ chính là sự hồn nhiên (nói chính xác và đầy đủ hơn là sự nhiệt tình hồn nhiên) trẻ con rất đáng yêu theo kiểu “lực bất tòng tâm” (tâm thì muốn thế nhưng lực không đáp ứng được). Và khi người lớn can thiệp vào: “Thế thì…lấy ai ngồi tiếp khách”, chất kịch tính và lạ lẫm của bài thơ mới được bộc lộ hết cỡ.
Đây là toàn bài: Bà ơi, mỗi độ hoa cau:
Bà ơi! Đã mấy mùa đông
Bà mang đi cả vị nồng trầu cau
Từ nay mãi mãi về sau
Cháu không còn được hái trầu, bà ăn
Không còn được bà khen ngoan
Như khi cháu thức nắn chân cho bà…
Bà ơi! Mỗi độ cau hoa
Nhìn cây, cháu lại nhớ bà biết bao!
Đây là một bài thơ thiên về tình cảm, đọc lên muốn ứa nước mắt. Hai câu: Bà ơi! Đã mấy mùa đông/ Bà mang đi cả vị nồng trầu cay dễ gây xúc động lòng người. Tình cảm của đứa cháu đối với bà thật sâu nặng, da diết.
Đây là toàn bài Cái sân chơi biết đi:
Chiều bên kênh nước xanh rờn
Lưng bê mát rượi từng cơn gió hè
Hai anh em sáo bay về
Nhảy chơi trên cái lưng bê hiền lành
Sáo em: Hí…hí…kìa anh
Cái sân chơi của chúng mình biết đi…
Bài thơ là một phát hiện độc đáo qua một cách nhìn, một cách liên hệ, một trí tưởng tượng trong sự di chuyển, vận động ở một tình huống, một điều kiện cụ thể. 4 câu đầu có tác dụng tả cảnh, kể chuyện. Từ câu thứ 5 đến câu thứ 6, tứ thơ mới bật ra hết sức bất ngờ: Sáo em: Hí..hí…kìa anh/ Cái sân chơi của chúng mình biết đi…
Đây là toàn bài Sợi dây phơi:
Sợi dây thép trên sân
Áo quần phơi hơi nặng
Là nó lại dọa dẫm
Tôi sắp đứt đây này!
 
Nhưng kìa mấy ngày nay
Nó thừa ra giữa gió
Báo áo, khăn, lót, tã…
Đều phơi dây trong hè.
 
Sợi dây phơi chợt nghe
Nó không là nó nữa
Nó âm thầm tiếc nhớ
Những ngày vui bạn bè…
 
Giữa mưa nó nằm dài
Sợ dây nghe ớn lạnh
Chốc chốc lại rùng mình
Lại rên lên khe khẽ…
Ý của cả bài thơ toát ra trong câu: Sợi dây phơi chợt nghe/ Nó không còn là nó. Và bài học nhân sinh được rút ra ở bài thơ này là: Thật đáng buồn, khi sống ở đời, mình không được là mình, tựa như sinh ra làm mây mà không được bay, sinh ra làm  lửa mà không được cháy, sinh ra làm nước mà không được chảy…vậy.
Đây là toàn bài Cây Hoa Lựu:
Đứng trong vườn rộng của bà
Cái cây ấy chẳng ra hoa mùa này
Mây về nghiêng ngắm bao ngày
Mà không biết nó là cây hoa gì
 
Ngày xuân như lá rơi đi
Cái cây ấy vẫn đứng lì ở đây
Trăm con mắt lá thơ ngây
Âm thầm như thể bóng mây âm thầm
 
Nếu không có một bóng râm
Nếu không có một chiếc mầm vươn xanh
Thì cây kia đã hóa thành
Cái cây chết giữa biếc xanh bốn bề
 
Nhưng rồi một sớm chợt nghe
Tiếng con chim cuốc gọi hè vang xa
Bật tung lớp vỏ khô già
Với mây, hoa nói: Tớ là lựu đây!
Bài thơ giàu chất tự sự, nói về sự chịu đựng của cây lựu qua những ngày sống âm thầm để không thể “chết giữa biếc xanh bốn bề”. Chính vì thế mà trong cây lựu vẫn có “những chiếc mầm vươn xanh” và cây lựu vẫn đợi cái khoảnh khắc “bật tung lớp vỏ khô già” để rồi tự tin nói với mây, với hoa: “Tớ là lựu đây!” bài học nhân sinh được rút ra là: Mọi vật đều có mùa của nó, nhưng tất cả đều phải được chuẩn bị từ trước. Một sự khác thường (Bật tung lớp vỏ khô già) đều được hình thành và được thăng hoa từ sự bình thường (Cái cây ấy vẫn đứng lì ở đây…Âm thầm như thể bóng mây âm thầm).
Cả hai bài: Sợi dây phơi và Cây hoa lựu đều được về tổng thể. Hay nói một cách khác : Đã thượng ý chứ không thượng từ.
Đọc những bài thơ này, tôi càng tin nhận xét về thơ Hoàng Tá của nhà thơ Phạm Hổ: "Thơ Hoàng Tá, ý dung dị mà hiếm có, tình cảm nhẹ nhàng mà sâu lắng, hóm hỉnh một cách kín đáo, đáng yêu”.
 
Đ.H.G
 
 
 
 
 
“QUẢ THỊ KHÔNG BÔI NƯỚC HOA”
Đăng Bảy 
Khoảng thời gian ngắn chờ nhận công tác, tôi ở quê, thỉnh thoảng đến chơi nhà anh Bùi Đăng Sinh – một nhà giáo, nhà thơ quen biết - và nhân đó gặp người bạn thơ đã không còn chân đi nữa. Người đó chính là Hoàng Tá: anh thường nhờ một bạn thơ cùng xã – Nguyễn Văn Cường thì phải – đèo xe đạp đến giao lưu văn chương với bạn bè ở Vĩnh Tường, Vĩnh Yên và Việt Trì. Đến giờ, tôi vẫn băn khoăn: người tài xế đó của nhà thơ Hoàng Tá có kịp biết, có kịp dự cuộc hội ngộ hôm nay không?
Vậy nên, lần này, tôi muốn đề cập trước hết đến hoàn cảnh khách quan góp phần làm cho một cán bộ Ty Văn hóa Sơn La bị bệnh tật làm lỡ độ đường trở nên nhà thơ yêu dấu của nhiều thế hệ người đọc.
Khi Hoàng Tá tìm cách giải thoát cho mình bằng thơ, Hội VHNT Vĩnh Phú vừa được thành lập và rất sốt sắng tập hợp các cây bút quê nhà, đồng thời thu hút nhiều bạn văn chương từ cả nước. Tôi vừa về nước (1978), gặp ở quê mình một bầu không khí sáng tác hăm hở: cả anh chị em ở văn phòng Hội, cả những cây bút đến từ cơ sở đều sẵn lòng đưa những sáng tác mới toanh ra cùng đọc, và cùng nhuận sắc cho nhau, không ai giữ “bí mật sáng tạo” cho mình. Sự đồng hành của bạn đồng nghiệp, theo tôi, góp phần đáng kể vào củng cố sự tự tin trong cây bút trẻ Hoàng Tá hồi ấy.
Những người đồng hành cùng Hoàng Tá trong làng văn rất nhiều, và tôi nghĩ: giả sử thiếu vắng họ, thì Hoàng Tá, trong cuộc đời tương đối ngắn của anh, cái phần kém may mắn còn ghê gớm hơn nữa. Nhưng điều đó đã không xảy ra, và tôi có được chứng kiến.
Ngoài Bùi Đăng Sinh ở Thổ Tang cận kề, như đã kể trên, phải kể đến Hoàng Hữu. Tác giả Hai nửa vầng trăng bất hủ mang trong mình trái tim khiếm khuyết bẩm sinh nên đặc biệt cảm thông với bạn mình tàn tật, và chính anh là người hễ có dịp là nhắc nhở bạn bè năng đến động viên Hoàng Tá. Cả khi về với vợ con ở trường cấp III Vĩnh Tường (về sau mới mang tên Lê Xoay) còn gần nhà Hoàng Tá, cả khi ở Việt Trì, Hoàng Hữu đều tìm cách để lái lộ trình và đưa khách văn chương về với bạn.
Mà hồi đó, khách văn chương của Hội VHNT Vĩnh Phú rất nhiều: Trần Ninh Hồ, Tạ Vũ, Đào Vĩnh, Lý Biên Cương, Trần Nhuận Minh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Đình Chính… làm sao kể hết được. Đó là cơ hội để Hoàng Tá được ngồi, ngay tại ngôi nhà của mình ở thôn Thượng Tuân Chính, giao tiếp, đàm đạo và học hỏi các nhà thơ nổi tiếng Vũ Quần Phương, Bằng Việt… Bên cạnh đó luôn luôn có Vũ Đình Minh, Nguyễn Đình Ảnh, Vũ Duy Thông, Hữu Thỉnh… Những nhà văn, nhà thơ đã gắn bó với quê hương thì hầu hết đều thường trực một mối quan tâm về người bạn viết của mình - Hoàng Tá. Nhờ họ, Hoàng Tá mới rộng mở tầm nhìn và thẩm mỹ để tuy bị bó chân một chỗ vẫn sáng tác được những bài thơ mở về không gian, sâu về liên tưởng. Như Những bức tranh xinh xinh tặng bé – dí dỏm kể về những sinh vật vừa làm việc vừa ăn uống lại vừa chơi đùa hồn nhiên:
    Chú ngựa đi giữ biên cương
    Vừa phi vừa ngoạm màn sương bên trời.
Như Trăng rằm – quả trứng tiên: trên chóp đảo đầy gió, vầng trăng được anh bộ đội nhặt vào tổ ấm, nở ra cánh buồm chở về cho bé những tôm những cá ở dạng đèn trung thu với nhiều thứ nữa và nở ra nghìn đám rước tưng bừng.
Nói đến khách văn chương của quê ta, có thể nào quên Phạm Hổ! Ông Chủ tịch Hội đồng Văn học Thiếu nhi kiêm Phó Tổng biên tập báo Văn nghệ hồi ấy đã không ngại diệu vợi, đưa Hoàng Tá về Hà Nội dự Trại sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam và Nhà xuất bản Kim Đồng để từ đó – bản thảo tập Cái sân chơi biết đi được hoàn thiện, mở đường cho Hoàng Tá nhiều lần về Hà Nội, về Hội Nhà văn Việt Nam để nhận giải thưởng văn chương hạng A và nhận thẻ Hội viên. Còn nữa – nhà văn Đào Vũ. Trong một chuyến lên Phú Thọ công tác trở về Hà Nội, trên xe, nhà thơ Trần Thị Thắng đề nghị ghé qua Tuân Chính thăm và động viên Hoàng Tá, Quyền Tổng biên tập báo Văn nghệ khi đó đồng ý ngay. Chuyến đi ấy kể ra cũng đáng để nhớ đời, vì khi vào ngõ nhà Hoàng Tá, đường hơi bị chật, bánh xe ô tô sa xuống mép bờ ao, anh em thanh niên “dô ta” chán chê mới vực được chiếc ô tô lên mức khởi hành. Và, trong khoảng thời gian “câu giờ” đó, Hoàng Tá được thỏa thuê trút bầu tâm sự với lãnh đạo báo Văn nghệ.
Do đã quen biết Hoàng Tá, lại có cơ duyên làm việc trực tiếp ở báo Văn nghệ nhiều năm, tôi có thể cam chắc rằng: Hoàng Tá sau này vô hình trung đã trở thành người nhà của địa chỉ 17 Trần Quốc Toản Hà Nội. Mỗi lần Hoàng Tá có việc về Hà Nội, lãnh đạo Báo Văn nghệ thường bố trí để anh ở tạm ngay trong Tòa soạn, mỗi lúc cần phải đi đâu loanh quanh, anh đã có sẵn “tài xế” là đồng nghiệp đồng hương. Ở thời buổi chuyện vận động tài trợ còn lạ nước lạ cái đối với những cán bộ, công nhân viên chức vẫn quen xếp hàng mua nhu yếu phẩm theo tem phiếu, nhà thơ Trần Thị Thắng đã gợi ý Ban biên tập báo Văn nghệ phát động cuộc quyên góp đỡ đần nhà thơ Hoàng Tá. Cuộc vận động này mang lại một kết quả khiêm tốn nhưng đầy tính biểu tượng, chủ yếu là một chiếc xe lăn theo tiêu chuẩn thương binh.
Và đến một hôm, tôi đang cắm cúi ở Tòa soạn, thấy đột nhiên nặng phịch một tập bản thảo trên mặt bàn mình. Ngẩng đầu lên, là Tổng biên tập Hữu Thỉnh. “Mày lo trang Hoàng Tá ngay đi, in ngay!”. “Để làm gì?”… “Nó về quê rồi. Tao vừa tiễn nó ở đài hoàn vũ Văn Điển”…
Quả thực, chuyến về Hà Nội cuối cùng của Hoàng Tá, tôi không được biết gì. Trường hợp này cũng giống như khi về Hà Nội nhận giải thưởng, Hoàng Tá nằng nặc đòi đến thăm gia đình tôi, tận nhà. Nhưng than ôi, căn hộ nhỏ đó ở tít tận tầng năm, không thang máy, làm sao anh lên được… Tôi chỉ an ủi mình bằng cái triết lý vu vơ “đời người, ai biết hết được” và cũng lại an ủi mình một nhẽ “những chỗ thâm giao với Hoàng Tá, hầu hết mình có biết”.
Kể về những người anh em, bạn bè trong mối quan hệ với Hoàng Tá cũng là một cách phản ánh nhân vật chủ thể – nhiều dân tộc trên thế giới chẳng đã tâm đắc câu châm ngôn “qua bạn anh, tôi khắc biết anh là người như thế nào”… Ngẫm nghĩ chuyện này, tôi thấy trước hết, Hoàng Tá là người viết có tâm và có tài, “hữu xạ tự nhiên hương”, nên dẫu phải ngồi bó chân một chỗ vẫn luôn luôn có bạn bầu quây tụ. Hình như ý thức được điều đó nên anh viết tặng Hoàng Tâm Sáng - con trai của mình với chị Thước – Những bức tranh xinh xinh tặng bé, trong đó có câu cực kỳ chân quê:
Quả thị không bôi nước hoa
Mà thơm nức cả vườn nhà bố ơi!
 
Đ.B
 
 
 

B - MỘT SỐ TÁC PHẨM TIÊU BIỂU
 
 
CÁI SÂN CHƠI BIẾT ĐI
 
Chiều bên kênh nước xanh rờn
Lưng bê mát rượi từng cơn gió hè
Hai anh em sáo bay về
Nhảy chơi trên cái lưng bê hiền lành
Sáo em: Hí…hí…kìa anh
Cái sân chơi của chúng mình biết đi…
                                          Mùa hè 1982
 
 
 
 
 
 
 
TẠI CÁI BÚT
 
Mèo con lười tập viết
Nên chữ xấu… xấu ghê!
Nhưng mèo thường vuốt ria
Khen rằng: Rất… rất… đẹp!
 
Một buổi lớp thi viết
Thỏ con được điểm mười!
Mèo ta ngượng nghịu cười:
Tại… bút tôi mới quá!
                                  1978
 
 
 
 
 
 
 
 
QUẢ TRĂNG
 
Khi cam cho hết trái rồi
Bỗng cây chới với như người hẫng tay
Thức chờ vườn mẹ đêm nay
Cây chuyền nhau bế tròn đầy quả trăng.
                                   Mùa đông 1984
 
 
 
 
 
 
 
VÒM TRỜI RIÊNG
 
Vòm trời riêng của cá
Lá những khóm bèo trôi
Vừa trôi vừa thả rễ
Cho cá làm tóc chơi
 
Vòm trời riêng của chim
Là những vầng quả đỏ
Chim líu lo hát ru
Và tha hồ bóc vỏ
 
Trắng trong bầu sữa mẹ
Bé hít thở từng giờ
Là vòm trời của bé
Nuôi lớn ngàn ước mơ…
                   Mùa thu 1996
 
 
 
 
 
 
 
DƯỚI GỐC CÚC HOA VÀNG
 
Ở dưới gốc Cúc hoa vàng
Đôi râu – ngọ ngoạy – cái hang – dế mèn
Lung linh cây Cúc như đèn
Đêm đêm khêu tiếng dế lên sáng bừng.
                                       Mùa thu 1996
 
 
 
 
 
 
 
HAI BÀ CHÁU
 
Sà vào lòng bà, bé hỏi:
- Bà ơi: Bà móm lâu chưa?
Bao giờ răng bà mọc lại
Để bà ăn trầu cho ngon?...
 
Nhẹ xoa lê mái tóc mềm
Giọng bà rưng rưng xúc động
- Cháu ơi, bà đã già lắm
Răng chẳng thể mọc nữa đâu;
Nhưng khi cháu biếu cơi trầu
Bà ăn vẫn thấy ngon lắm.
                   Mùa thu 1989
 
 
 
 
 
 
 
QUẢ TRỨNG CÓ GÁNH
                  Tặng bé Hiền Chi
 
Nắng rạch tán bưởi xanh
Khẽ thả xuống quả trứng
Thả trúng cái xoong con
Cho bé chơi luộc trứng
 
Chú mèo đang sưởi nắng
Cũng rón rén lại xem
Chắc bà ở trong bếp
Cũng nghe mùi trứng thơm
 
- Chín rồi: Bé thì thầm
Giật mình quả trứng nám
Bay vù lên lá mầm
Cười rung chùm hoa trắng
 
Mèo con cứ tròn mắt
Ngó mãi vào chiếc xoong
- Ồ, quả trứng có cánh
Nó bay rồi tiếc không!
             Việt Trì 1986
 
 
 
 
 
 
NHỮNG ĐƯỜNG THẲNG SONG SONG GẶP NHAU
 
Song song hai bức tường xây
Như cõng hai tốp thọ bay lên trời
Là hai đường thẳng tuyệt vời
Gặp nhau qua ánh mắt cười song song
Song song hai vệt phố đông
Gặp nhau líu ríu trong thùng thư xinh…
Hai đường dây điện kiễng chân
Quả vườn hoa bưởi trắng ngần tìm nhau…
Hai đường bàng hút về đâu
Để cho bố, mẹ gặp nhau một chiều…
Để rồi hạnh phúc bao nhiêu
Một ngày được dắt bé yêu đến trường…
Song song bước với yêu thương
Bố và mẹ - cũng là đường song song.
                                                 1992
 
 
 
 
 
 
 
 
PHƠI GIỌNG HÁT
 
Con Dế có giọng hát vàng
Nó đem cất dưới cái hang sau nhà
Sợ rè sợ mốc giọng ca
Loay hoay nó cứ bò ra bò vào
Rồi bò ra mé bờ ao
Dế nằm phơi nắng ngọt ngào giọng ca…
 
 
 
 
 
 
NHỮNG BỨC TRANH XINH XINH TẶNG BÉ
 
Con ong ăn sữa bông hoa
Vừa ăn vừa đứng lấy đà bay lên
 
Hoa sen ăn sữa cành sen
Vừa ăn vừa cấy ngọn đèn xuống đêm
 
Con tằm trốn gió nồm nam
Vừa ăn vừa kéo tơ làm chỉ khâu
 
Con vịt mày vội đi đâu
Vừa ăn vừa rửa mỏ vào máng ngô
 
Kiếm được hạt tấm thơm tho
Vừa ăn con kiến vừa bò tìm con
 
Chú bò chở cát về thôn
Vừa đi vừa bứt cỏ non dọc đường
 
Chú ngựa đi giữ biên cương
Vừa phi vừa ngoạm màn sương bên trời.
                                        Mùa xuân 1988
 
 
 
 
LỜI BÉ
             Tặng bé Hoàng Tâm Sáng
 
Quả thị không bôi nước hoa
Mà thơm nức cả vườn nhà, bố ơi
Gió ru quả thị đi chơi
Lắc đầu nó bào: Sợ rơi méo đầu.
 
 
 
 
 
 
 
LẠC VÀO VƯỜN HOA BƯƠM BƯỚM
 
Yêu hoa, bướm biến thành hoa
Làm hương, làm sắc nõn nà cho cây
 
Hoa yêu cánh bướm thơ ngây
Hoa làm cánh bướm suốt ngày múa ca
Thơm sao thơm thế vườn bà
Thơm từ cánh bướm thơm ra khung trời…
 
Chiều xuân dắt bé đi chơi
Lạc vườn bươm bướm – đánh rơi mất chiều.
 
 
 
 
 
 
 
CON SỐ MỘT
 
Gặt song, cánh đồng làng em
Lại rộn rang mùa vỡ đất
Chiếc cuốc hình con số một
Lặng thầm giúp mẹ sớm trưa
 
Theo từng lối đất mở xa
Ròng ròng mồ hôi mẹ rắc
Đất ươm hạt mồ hôi mặn
Thành muôn ngàn biếc hạt mầm
 
Em yêu tháng mười, tháng năm
Mênh mông lúa đồng vàng rực
Bắt đầu từ con số một
Mẹ nhân lên mãi không cùng…
 
 
 
 
 
 
 
 
NGỰA VÀ NGÔ RĂNG NGỰA
 
Có chú ngựa
Rất háu ăn
Ngựa một lần
Qua nương bắp
 
Nó ngoạm trộm
Bắp ngô vàng
Ngoạm rất hăng
Răng rụng hết!
 
Răng cắm tiệt
Vào bắp ngô!
Ngựa quay về
Thành ngựa móm…
 
Bé hàng xóm
Nghĩ thương tình
Tặng ngựa xinh
Rằng răng sữa…
 
Và từ đó
Họ nhà ngô
Có thêm cô:
Ngô răng ngựa.
 
Và vì thế
Ngựa trưởng thành
Hay bỗng dưng
Cười hí… hí…
 
 
 
 
 
 
 
TREO BÀN CHÂN CAU 
 
Cây trầu ở cạnh cây cau
Hình như cánh nửa luống rau muống già…
Mà như cách biển bao la
Bao năm chẳng thấy đến nhà thăm nhau
 
Cút côi gặm héo lá trầu
Cô đơn quắt ruột quả cau hiền lành
Gió sườn sượt thở năm canh
Vu vơ cau ném xuống quanh gốc trầu…
 
Bà nằm ngẫm hết đêm đau
Sáng lên vườn nhặt trái cau thơm vào…
Thì ra ruột nó hồng đào
Đúng là bạn của lá trầu đấy thôi!
 
Bà đem trầu đến… thêm vôi
Quả cau bẽn lẽn thơm môi lá trầu
Ngắm nhìn hai đứa hồi lâu
Bà cười móm mém, gật đầu khen: ngoan!
 
Thế là từ đó leo giàn
Cây trầu còn thích trèo bàn chân cau…
 
 
 
 
 
 
CON BƯỚM KHÔNG NHÀ
         Thương mến tặng các em bé lang thang cơ nhỡ
 
Đêm xui con bướm không nhà
Ngủ nhờ trên cái miệng hoa, tối mò
Cái hoa ngỡ kẹo ai cho
Ngồi ăn hết những giấc mơ bướm vàng…
                                     Mùa xuân 1993
 
 
 
 
 
 
 
CON BƯỚM VÀNG
 
Con bướm vàng
Bay dăng dăng
Trong vườn nắng
Như giọt nắng
Đi chơi xuân
Bỗng vướng chân
Vào lưới nhện…
Em bước đến
Khẽ gỡ ra
Bướm thành hoa
Vàng như nắng
Lại vỗ vánh
Đi chơi xuân.
             Mùa xuân 1990
 
 
 
 
 
 
 
 
BÀ ƠI MỖI ĐỘ HOA CAU
 
Bà ơi! Đã mấy mùa đông
Bà mang đi cả vị nồng trầu cau
Từ nay mãi mãi về sau
Cháu không còn được hái trầu bà ăn!
Không còn được bà khen ngoan
Như khi cháu thức nắn chân cho bà…
Bà ơi! Cau mỗi độ hoa
Nhìn cây, cháu lại nhớ bà biết bao!
                               Mùa đông 1990
 
 
 
 
 
 
 
CHIỀU NHỌ CÁNH CÒ 
 
Mặt trời xuống núi
Bóng tối loang ra
Chiều nhọ cánh cò
Mẹ còn đứng cấy
 
Mẹ ơi, có thấy
Từ vườn chuối nhà
Con đứng ngóng qua
Cánh đồng của mẹ?...
 
Gió ơi, gió khẽ
Thổi xa bóng đêm
Cho mẹ cấy xong
Vài hàng mạ nữa…
 
Sao Hôm sắp sửa
Chong đèn học rồi
Nghỉ thôi, mẹ ơi
Con ra đón mẹ… 
             1988-1992
 
 
 
 
 
 
 
KHÓI CHIỀU
 
Chiều chiều từ mái rạ vàng
Xanh rờn ngọn khói nhẹ nhàng bay lên
Chăn trâu ngoài bãi bé nhìn
Biết là bếp lửa bà nhen chiều chiều
Nghe thơm ngậy bát canh riêu
Với nồi cơm ủ cạnh niêu tép đầy…
 
Khói ơi, vươn nhẹ lên mây
Khói đừng bay quẩn làm cay mắt bà!...
 
 
 
 
 
 
 
 
NẮNG  
 
Mặt trời vừa thức
Nắng đã xuống vườn
Công việc đầu tiên
Nhặt sương lá cải
Rồi nắng lại tới
Lau vũng nước sân
Soi tia ấm nồng
Vào trong nhà ngủ
 
Nắng vẫy mèo nhỏ
Lên chổi rơm nằm
Dắt bóng cau xanh
Xuống hè tập múa
 
Còn bao rơm, rạ
Nắng dồn giữa sân
Mẹt cau bà hong
Nắng sấy thật nỏ!
 
Đến lúc xế chiều
Nắng cũng mệt rồi
Nắng ngủ ngay thôi
                   Tiêu diệt kẻ thù chung.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
HOÀNG TRUNG KIÊN
 
- Họ và tên khai sinh: Hoàng Trung Kiên
- Sinh năm 1954
- Quê quán: Xã Thanh Hà, Thanh Ba, Phú Thọ
- Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ 2011)
 
- Tác phẩm chính đã xuất bản:
* Tình xuân người lính (NXB Hội Nhà văn)
* Giọt nắng (NXB Hội Nhà văn)
* Ánh mắt mẹ (NXB Hội Nhà văn)
* Thơ và tình (NXB Hội Nhà văn)
 
 

 
MỘT SỐ TÁC PHẨM TIÊU BIỂU 
 
 
ƯỚC MƠ ĐỎ
                  Kính tặng Thầy cô
                  Trường PTTH Trần Phú  - TP. Vĩnh Yên
                                                      
Học chưa hết phổ thông tôi lên đường chiến đấu,
Tạm dấu ước mơ dưới tán phượng đợi chờ.
Tôi tự nhủ: khi núi sông một dải,
Tôi sẽ đến trường lấy lại ước mơ!
 
Ước mơ đỏ sau những lần ra trận,
Cứ đầy lên trong trái tim tôi.
Những ước mơ đầu đời, trong trắng, thơ ngây.
Sau chiến thắng vô tình có trong tôi tất cả.
 
Tôi quay lại trường khi mùa phượng nở,
Những ước mơ xưa nay đã đỏ tươi.
Qua tôi luyện đã thành rực lửa,
Mái trường ơi! ước mơ tôi xin tặng lại người.
Lửa người chiến sĩ xe tăng
 
Trước khi anh vào trận
Tôi gặp ở vùng ven
Tay nâng niu bông lúa
Mặt anh tắm đầy trăng.
 
Anh bảo: đi trinh sát,
Ngày mai mình vào trận
Mắt anh cười mãn nguyện
Hai ngọn lửa thẳm sâu.
 
Bao hờn căm dồn nén
Lửa thiêu cháy đồn thù
Hiến mình cho đất mẹ
Anh ở lại Tuy Hoà.
 
Anh mất tôi ngơ ngác
Mặt đất chao chao nghiêng
Ôi đất mẹ linh thiêng
sinh ra và đón lại.
 
Chiếc xe tăng vắng anh
Nằm im như voi phục
Ngôi sao trên tháp pháo
Sương đêm ứa lệ dài
 
Anh thương từng hạt lúa
Anh bịn rịn với trăng
Anh yêu hơi của đất
Anh muốn mình hiến dâng.
 
Mấy chục năm đi đã qua
Tôi ngược xuôi Nam Bắc
Mắt anh cười nhìn tôi
Giữa đêm trăng là lửa.
 
 
 
 
 
 
 
GÁC ĐÊM
 
Anh đứng gác dưới cây cổ thụ,
Không gian trôi, nghe rõ tiếng lá rơi.
Trăng toả sáng, nhớ em nhìn trời cao vời vợi,
Khuân mặt em, anh xếp bằng sao giữa dải ngân hà.
 
Khẩu súng tựa vai nóng lên trong đêm lạnh,
Mắt sáng như sao, nhìn rõ chiếc lá chao
Không bước chân ai, sương đêm gọi càng nhớ em da diết,
Mây trắng bay, ngắm dáng hình em, anh vẽ dưới trăng.
 
 
 
 
 
 
ĐẠI ĐỘI TÔI
 
Mấy chiếc xe tăng cùng nóc nhà đại đội
Do thân thương chúng tôi gọi "xê ta"
Hôm vào lính nhìn nhau là lạ
Đến hôm nay thân thiện gọi "tao" "mày".
 
Từ Bắc vào Nam hàng nghìn ki-lô-mét,
Khi khởi nguồn thấy vời vợi phía tiền phương
Những chiếc xe tăng đè đỉnh Trường Sơn đi tới,
Từng mắt xích quay vương dải mây mờ.
 
Nơi tập kết là cánh rừng không tên gọi
Thừa gió đại ngàn, ước một tiếng trẻ thơ
Bom đạn đấy nhưng trông về hậu phương đau đáu,
Tập thư tình giao cho người tài xế vu vơ.
 
Ngày truyền thống bắp chuối rừng cải thiện
Ai cũng vui như trẻ nhỏ ăn cỗ giỗ ông
Con ba ba, xương hầm, chúng tôi nhường nhau không nỡ,
Thịt nấu riêng, thương bạn mình sốt rét liên miên.
 
Mặc cho O - V - Mười chao nghiêng tuyệt vọng
Dây phong lan leo lên tháp pháo mừng xuân
Thương con gà mái đến kỳ nhảy ổ
Đón giao thừa, rau dướn với cá khô.
 
Trận mở đầu sau bao ngày chờ mong khao khát
Đại đội tôi ào lên trút hết lửa hờn căm
Sau trận đánh mặt người nào cũng dầu loang, bụi đỏ
Ôm lấy nhau, ngôi sao tháp pháo rạng ngời.
                                                                                                         
Theo chiến dịch liên miên, đến khi kết thúc
Nhìn lại phía sau vắng một nửa "ngôi nhà"
Vui giải phóng, nhưng đâu rồi những người cùng đại đội?
Nòng pháo thức đêm, sương đọng, nước lã chã rơi.
 
Ngày chiến thắng hàng năm "xê ta" gặp mặt
Vẫn chuyện xưa nhưng ồn ào như mới hôm qua
Thương đồng đội tóc có phần thêm bạc
Mắt long lanh, ngôi sao tháp pháo đại đội tôi.
 
 
 
 
 
 
 
 
CÂY BỒ KẾT 
 
Nơi ngã ba Đồng Lộc
Trong bão đạn mưa bom
Em cùng cây bồ kết
Bất khuất đứng giữa trời
 
Cuộc đời cây bồ kết
Sẽ không có hương thơm
Nếu như em không đến
Và em không gội đầu
 
Hương thơm của bồ kết
Làm hết mùi đạn bom
Hương bay của bồ kết
Khói bom phải tan dần
 
Em chải tóc gội đầu
Để bầu trời hương bay
Tóc em thay tình mẹ
Chắn bom giữ mạch đời
 
Em nằm đây trẻ mãi
Hương bồ kết vương vương
Thương em cây già cỗi
Nấc lên những sù sì.
 
 
 
 
 
 
ÁNH MẮT MẸ 
 
Khi còn ở trong nôi
Mẹ nhìn tôi mơ ước
Tôi chập chững tập bước
Mắt mẹ tôi trong xanh.
 
Dù tôi đã khôn nhanh
Mắt mẹ tôi âu yếm
Và không cần dấu diếm
Ánh mắt mẹ tự hào.
 
Chiến tranh đến ào ào
Tôi lên đường ra trận
Mắt mẹ tôi ân hận
Sinh tôi không gặp thời
 
Kể từ đó suốt đời
Tôi xông pha trận chiến
Tôi nguyện mình dâng hiến
Cho ánh mắt mẹ tôi.
 
Cuộc Chiến Tranh xoáy trôi
Mắt mẹ tôi lo lắng
Nhiều đêm người thức trắng
Mắt khô héo nhòa mờ.
 
Và cũng thật bất ngờ
Cứ mỗi lần nổ súng
Mắt mẹ tôi ngắm trúng
Buộc kẻ thù lui quân.
 
Trong ác liệt gian chuân
Tôi không sợ mình chết
Mà luôn lo trước hết
Giữ mắt mẹ không nhòa.
 
 
 
 
 
 
 
 
CON ỐC SÁU CHÂN 
 
Ra thăm Trường Sa gặp người lính Đảo
Vốn năm xưa là trò cũ của tôi
Lúc chia tay mắt dưng dưng cảm động
Người lính tặng tôi con ốc sáu chân.
 
Ở đất liền tôi gặp nhiều loài ốc
Nhưng ốc sáu chân tôi thấy lần đầu
Dãi nắng dầm mưa và mặn mòi của biển
Vỏ ốc ánh lên sáng quắc sần sùi.
 
Giữa khắc nghiệt muốn mình tồn tại
Không thể bình thường ốc hóa sáu chân
Là loài ốc nhưng có chân di chuyển
Ốc sống hiên ngang giữa các bầy đàn.
 
Cầm ốc trên tay tôi nhìn người lính Đảo
Tôi chợt nhận ra cái khác bình thường
Không còn là lính học trò tôi nữa
Chắc chắn vững vàng như con ốc sáu chân.
 
 
 
 
 
 
 
CHỊ TÔI
 
Đột ngột anh qua nhà
Vội vàng làm đám cưới
Từ thôn trên xóm dưới
Mừng chị tôi lấy chồng
 
Anh đi - xa hương đồng
Chiến chinh cùng đồng đội
Còn chị tôi tội tội
Suốt bốn mùa cô đơn
 
Anh cùng cả tiểu đội
Ở lại đồi không tên
Còn chị tôi đêm đêm
Cùng đom đóm dật dờ
 
Chị lang thang mơ hồ
Như anh còn tồn tại
Hương bay chị ngây dại
Đêm mồng một hôm rằm
 
Anh mất anh nằm đó
Gió ngàn thu du anh
Nhưng chiến tranh ở lại
Theo chị tôi suốt đời.
 
 
 
 
 
 
 
NGƯỜI LÍNH ĐẢO
       Kính tặng các chiến sĩ đảo Trường Sa
 
Tôi không biết nên tưởng là đơn giản
Trầy trật, bung biêng, chẳng lên được “Nhà Giàn”
Xuồng đập cột, ngỡ vỡ làm đôi mảnh
Sóng vờn trêu, xuồng dập xuống vút lên.
 
Người Lính Đảo chỉ quần không áo
Mặt tỉnh bơ, đánh vật với đại dương
Nhìn anh đứng đầu xuồng đè sóng
Biển lắc lư ánh mắt gờm xanh.
 
Anh bảo: “Tôi gặp ông bao giờ cũng chập
Nóng đỏ dây làm thủng vài chai”.
“Tôi gặp ông như xuồng đu ngọn sóng
Cảm giác lâng lâng như xuồng vụt rơi nghiêng”.
 
Anh đứng đó mắt dịu xanh biển biếc
Thô giáp, hiên ngang như cây “Bão Táp” đảo xinh
Người Lính đã quên ngay lúc giận hờn của Biển
Còn lại trong mình những khao khát đại dương.
 
 
 
 
 
 
 
VỀ VỚI TUỔI THƠ
 
Giờ hai thứ tóc về đến đầu làng
Xốn xang con trẻ mơ màng tuổi thơ
Phất phơ tà áo, đánh đáo, chơi khăng
Lăng xăng bãi cát, gió hát thả diều
 
Nhớ chiều bắt cua đau lòng bờ ruộng
Đuổi bắt chuồn chuồn nát cả dậu dưa
Võng rách đung đưa, dối mẹ ngủ vờ
Chỉ chờ ve gọi đi tìm nắng trưa
 
Mưa rét thiếu chăn lấy rơm lót ổ
Con rĩn, mắt muông đốt đỏ cả người
Mẹ mắng vẫn cười và tôi càng lớn
Đến giờ nhớn quá bỗng thành trẻ thơ.
 
 
 
 
 
 
 
SAY TENNIS 
 
Không biết có gì say hơn thế
Chúng tôi say tennis đến lạ lùng
Say mê quá, vợ ghen chì chiết
Lo chúng tôi: “Quên lãng việc nhà”
 
Suốt cả ngày chồng chất việc công
Chờ giờ nghỉ để ra xì choét
Nếu không chơi, thiếu hẳn cái gì?
Gọi không ra! Ta buồn lẩn thẩn.
 
Khi vào sân không theo tuổi tác
Và cũng không tính đến thấp cao
Khi vào sân ta quên tất cả
Còn tình ta với bạn trên sân
 
Những chung riêng ở nhà bề bộn
Sẽ tan ngay sau đường bóng tập trung
Bao sức ép những điều khó giải
Sẽ biến ngay sau trận đánh tuyệt vời.
 
Nếu thắng trận, mặt mày rạng rỡ
Cười hả hê, họp báo tràn lan
Ngày hôm sau, làm việc cơ quan
Nhớ trận thắng mà vui như tết
 
Nếu thua trận, bé dần âm lượng
Vớt vát vài câu, lặng lẽ ra về
Khi ăn cơm, bao điều nuối tiếc
Trong ngủ say, mơ trận ngày mai.
 
Thua hay thắng chúng tôi đều hăm hở
Quên hết mưu sinh, tính toán đời thường
Những ưu phiền chôn vùi trên sân tennis
Còn lại tiếng cười - trẻ lại - đam mê.
 
 
 
 
 
 
 
 
NĂM MƯƠI NĂM – VẾT XÍCH TỰ HÀO
 
Vết xích tự hào của năm mươi năm truyền thống
Vang vọng trống đồng trên đất tổ Hùng Vương
Vết xích đầu tiên hồn thiêng thủa trước
In đậm cờ đào hào khí Bà Trưng
 
Vết xích kiên cường của bài ca giữ nước
Nung nấu vun trồng ước vọng chiến công
Vết xích trận đầu Làng Vây – Ra quân đánh thắng
Đè bẹp quân thù trên đất đỏ Tây Nguyên
 
Vết xích lướt qua để lại phía sau rực màu hoa đỏ
Vang vọng đời sau chiến dịch Hồ Chí Minh
Vết xích vinh quang phá toang cửa Dinh Độc Lập
Phơi phới cờ bay – Tượng đài Người chiến sĩ
                                                             xe tăng
 
Vết xích thân yêu của thời kì đổi mới
Ta nâng niu từng mắt xích cơ đồ
Những giọt mồ hôi thấm vào từng mắt xích
Ngời sáng lên ánh thép kiên trung
 
Ta thấm hiểu để vết xích dài vô tận
Bao người con đã trở thành bất tử
Ta cũng hiểu để vết xích đạt tầm cao thời đại
Có cả nụ cười và nước mắt rơi
Năm mươi năm ta chất chứa khát khao
Để hôm nay ngỡ ngàng trên đỉnh cao thời đại
Năm mươi năm ta dệt ước mơ theo từng mắt xích
Để hôm nay vết xích lung linh như hai dải
                                                           Ngân Hà.
 
 
 
  
 
  
CHẠNH LÒNG BƯỞI CHÍN
 
Khi còn xanh mong cho bưởi chín
Khi chín rồi mẹ nỡ không ăn
Băn khoăn quang buộc treo từng quả
Mẹ níu chín vàng ở với cây
 
Em còn trăng khuyết chưa thơm chín
Nín lặng nghĩ xa thấy chạnh lòng
Lòng vòng chẳng mấy trăng mười sáu
Đau đáu chín vàng mẹ giữ không ?
 
 
 
 
 
 
 
 
BÀI THƠ KHÔNG NGỦ  
 
Anh khắc khoải bởi những ngày chờ đợi
Máu trong tim cạn kiệt bởi chờ mong
Thế rồi em đến trời ấm lại
Hình dáng thiên thần của ước mơ
 
Ngần này tuổi yêu em là dũng cảm
Em đến với anh còn dũng cảm hơn nhiều
Nghĩ đến cùng không phải do ta liều lĩnh
Bởi chỉ hiểu nhau mới có được nhau
 
Em khéo trách: Cớ sao anh lại làm thơ
Để em yêu thơ cùng người không dứt
Yêu thơ anh có nhiều “Fan” hâm mộ
Nhưng yêu anh chỉ có một mình em
 
Khi trái đào tiên vẫn mới tươi nguyên
Anh hạnh phúc nước mắt dấp mi ướt góc
Anh đã hiểu của khôi nguyên thuần khiết
Của tình yêu em giữ cho anh
 
Yêu say đắm và chết trong hạnh phúc
Hơn sống một đời mà lại không yêu
Yêu cuồng si và cháy lên tất cả
Hơn mấy kiếp người sống chỉ mình thôi
 
Người xưa bảo đấu tranh là hạnh phúc
Nhưng thực ra dâng hiến là hạnh phúc em ơi
Không dâng hiến thì lấy đâu hạnh phúc
Sẽ lụi tàn đặc tính của tình yêu
 
Nếu chưa hiểu thế nào là hạnh phúc
Thì đừng nên nghĩ tới tình yêu
Lấy tình yêu để dùng trang trí
Thì em ơi hạnh phúc mãi mãi đâu còn
Anh cũng hiểu em yêu anh là tất cả
Nhưng ngại đường dài phía trước ra sao?
Anh lãng mạn cuồng si nhưng là kẻ sĩ
Sẽ tôn thờ mãi mãi với tình yêu
                          
Tình yêu đến nhưng cũng rất mỏng manh
Hạnh phúc bao nhiêu mới là cho đủ
Anh chỉ biết đã yêu nhau là cho nhau tất cả
Gìn giữ trường tồn với khắc nghiệt thời gian
 
Em bảo anh là người ghê gớm
Nếu hiền lành, liệu em có yêu anh?
Em bảo anh là người khó tính
Nếu dễ tính anh đã mất từ lâu
 
Em bảo: Em là thiên thần, anh là đôi cánh
Đôi cánh anh đưa em đến cõi tiên
Nhưng em ơi - cõi tiên không phải là nơi xa lạ
Nó ở trong vòng tay của đôi lứa yêu nhau
 
Em bảo anh ngủ cho ngon nhé
Nhưng ngủ làm sao khi hạnh phúc tươi nguyên
Anh thức miên man suy nghĩ về mình
Và thương những kẻ lo làm giàu nhưng chưa bao
                                                 giờ hạnh phúc.
 
Anh không ngủ viết bài thơ không ngủ
Giành cả một đêm để nghĩ về em
Trong hạnh phúc biết bao điều lộn xộn
Nhưng quẩn quanh một triết lý yêu em.
 
 
 
 
 
 
 
EM ƯỚC MÌNH MƠ
 
 
Nhớ anh em chẳng làm khác được
Nhắm mắt vào chỉ ước mình mơ
Lơ thơ nước chảy anh chèo hái
Hai trái đào tiên ngã sững sờ
Lờ mờ chẳng thấy khi tỉnh mộng
Rộng giường - chăn thiếu - chiếu lọt trăng.
 
 
 
 
 
 
CON TÀU TÌNH YÊU
 
Anh đến sân ga cùng em chiều hạ
Nắng đổ đường, má em đỏ đôi mươi
Dẫu chưa biết có đi cùng hướng
Linh cảm trong anh hạnh phúc con tàu.
 
Dù chưa một lần đặt chân ước nguyện
Mơ về con tàu xa lắc xa lơ
Sau một tuần đắn đo có cả ngại ngần
Em ngộp thở cùng anh lên tàu đi tới.
 
Tuy không mới nhưng động cơ sung sức
Cảm xúc chinh phục con đường vẫn vẹn nguyên
Những cung đường chuân chuyên tàu đã đến
Vẫn hoang sơ như miền đất xa xưa.
 
Hai tay lái, hai con người tài sắc
Hai trái tim đã thuộc hẳn về nhau
Rất mạnh mẽ với bên kia uyển chuyển
Điều khiển con tàu của những ước mơ.
 
Anh bên em cùng lái con tàu
Phía xa xa trăng sao chênh chếch
Buồng lái con tàu gió lùa mát ngọt
Mang đậm mùi hương của các loài hoa.
 
Đã có lúc con tàu nghiêng ngả
Bởi cả hai còn chưa cảm nhận về nhau
Đầu máy nóng nhưng có vần thơ làm mát
Lại dịu êm trên xa lộ tình yêu.
 
Anh thương em khi cầm lái con tàu
Đâu chỉ có hương hoa, trăng sao gió mát
Để con tàu đạt đỉnh cao tốc độ
Em bỏ qua những trăn trở đời thường
 
Chặng đường ta đi là chặng đường vô tận
Con tàu ta lái trái tim mình
Nơi ta đến, không có ga kết thúc
Xúc cảm hành trình là cuộc tình cháy bỏng.
 
Mới khởi nguồn nhưng đã qua vạn dặm
Hai dải ngân hà tàu để lại phía sau
Khát vọng tình yêu, tàu còn đi tiếp
Nơi cuối cùng khi đầu máy phía bên kia.
 
 
 
 
 
 
 
 
ƯỚC NGUYỆN  
 
Khi mất nhau ta sót thương nàng "Tô Thị",
Và cảm thông hòn  "Trống Mái" giữa biển đông.
Khi xa nhau ta thương Ngưu Lang - Chức Nữ,
Và nước mắt rơi cho sao sớm, sao chiều.                  
 
Nếu tạo hoá cho phép ta lựa chọn,
Ta nguyện làm "sao" không có "sớm chiều,"
Nếu đất trời có sức mạnh vô biên,
"Trống Mái" ơi, dịch chuyển lại để cùng nhau ôm ấp.
 
Nếu tạo hoá cho phép ta làm lại,
Ta nguyện làm cầu để đón "Chức Ngưu".
Nếu đất trời có phép màu thần diệu,
Thì Tô Thị ơi, ta hoá đá cùng Người!
 
Nếu cho phép anh được quyền nguyện ước,
Nước non này chỉ có mùa xuân,,
Không "ngang trái" chỉ có lửa tình cháy bỏng,
Cho anh và em mãi mãi được yêu nhau.
 
 
 
 
 
 
 
GẶP EM ANH THAY ĐỔI
               Tặng Phụ nữ nhân ngày 8/3
 
Anh đã hứa sẽ chẳng làm thơ
Nhưng vui quá nên anh lại viết
Anh đoán biết thế nào em cũng đọc
Bởi hôm nay là ngày tết của em.
                                         
Đời em như chiếc lá
Theo vòng xoáy nước trôi
Bao năm tháng cút côi     
Như vầng trăng đơn lẻ.
 
Em hồng lên tươi trẻ
Khi em đã gặp anh
Như cô tiên trong tranh
Bước ra tìm lẽ sống.
 
Chẳng còn lúc nào trống
Không có lúc nào buồn
Giờ em như mạch nguồn
Mãi mãi tuôn trong xanh. 
SUỐI CẠN
Anh đã đến nhưng chưa lần nào như thế!
Nước đổ đi đâu? mà vơi đến buồn lòng
Dòng suối cạn giữa hai bờ quắt quéo
Khô héo phơi, nuối tiếc dòng xanh
Tôi muốn làm phong ba vân vũ
Mưa thượng nguồn để nước cuộn trôi
Lòng mê mải theo dòng suối lớn
Chảy vô cùng đến chốn khôn nguôi.
THƠ VÀ TÌNH
Anh đã hứa sẽ chẳng làm thơ
Nhưng buồn quá mơ mơ tủi hận
Dẫu vấp ngã nhưng muốn mình đứng dậy
Vịn vào câu thơ để lấy lại mình 
Thơ đã làm anh say bay bổng
Anh và em đã sống như mơ
Nhưng thơ ơi? sao lại thắt tim mình
Ngột ngạt quá làm em rơi không trọng lượng
Tâm hồn chết bước đi vô định
Chếnh choáng đau, hoa Chằm may
cài cả vào quần
Bước chân khuyết hoa cắm bừa nhặm quá
Ước gì em gỡ đỡ cho anh
Chân khụy xuống mây bay ngang mặt
Bầu trời nghiêng mưa hắt xiên ngang
Ngước nhìn lên trái xoài non trơ trọi
Lá non đâu? Thiếu e ấp lẻ loi. 
Ngày đầu tiên gặp em, nhìn góc bàn tâm sự
Trái tim anh, máu đỏ phập phồng
Khi anh ngã, không dám nhìn em nữa
Sàn nhà đen, đen cả ánh mắt nhìn. 
Em bảo rằng: Anh thì cao lớn
Nhưng so với em anh bé nhỏ hơn nhiều
Em bảo anh: Thông minh sắc sảo
So với em anh ấu trĩ ngây ngô.
Anh cũng biết không ai yêu anh như thế
Và anh chưa yêu thế bao giờ
Từng ấy năm, ngần ấy ngày ta có
Bùng ngọn lửa tình, đốt cháy Nhân Gian.
Anh ghê gớm nhưng em là tất cả
Nhắc tới em, lòng anh trải rộng êm đềm
Em xinh đẹp, không phải để anh lợi dụng
Một chút thôi, thút thít anh đã chạnh lòng. 
Mỗi việc vui anh lại nghĩ đến em
Để ta hân hoan đắm mình trong hạnh phúc
Có việc buồn, bên em trao lời chia sẻ
Ta tựa vai nhau vươn tới ngày mai.
Trước khi biết em, anh vẫn sống nhởn nhơ
Nay đã biết, thiếu một ngày tựa như xiềng xích
Trước khi có em, anh vẫn là người hoàn chỉnh
Nay nếu vắng em, anh què quặt cả tâm hồn. 
Quên làm sao khi rượu đã cạn ly
Hơi men ấy đã ngấm vào máu đỏ
Quên làm sao của những ngày quên sống
Nếu thiếu khí trời, đời còn ý nghĩa hơn.
Anh về thăm nhà, con chạy ra vồ vập
Xót lòng anh, thương em quá đi thôi
Khi xuống trường Mi lu chạy ra mừng rỡ
Buồn tái tê, nhớ em đến tột cùng.
Em vẫn bảo: Ma nhà mình thiêng lắm
Hỡi ma thiêng hãy cứu giúp chúng con
Đốt câu thơ, làm nén hương nhờ tiên tổ
Để cả đời này mình mãi mãi yêu nhau.
Bài thơ đến có thể em không đọc
Nhưng thơ ơi hãy cháy đỏ khói hương
Nếu linh ứng hãy đến tận cùng lý giải
Để anh và em lại được sống như mơ.
19/1/2018
Xuân Mai - Nguyễn Ngọc Tung
Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Theo http://hoivhntvinhphuc.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...