Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

Nhà văn Vĩnh Phúc hiện đại (Phần 3a; Quyển 1)

Nhà văn Vĩnh Phúc hiện đại
(Phần 3a; Quyển 1)

HOÀNG HỮU
- Họ và tên khai sinh: Nguyễn Hữu Dũng
- Sinh năm 1943
- Bút danh: Hoàng Hữu, Trang Minh Chi
- Quê quán: Đan Hà, Hạ Hòa, Phú Thọ
- Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
- Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
- Tác phẩm chính đã xuất bản:
* Màu cây miền châu thổ (In chung với Nguyễn Tấn Việt)
* Khói ấm sau cây, Hai nửa vầng trăng, Hoàng Hữu – Tác phẩm cùng nhiều tác phẩm đồ họa, bìa sách được giải thưởng trong nước và quốc tế.
- Giải thưởng văn học:
* Giải B cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam 1981-1982.
* Giải thưởng Hùng Vương 1985.
- Suy nghĩ về nghề văn:
“Vầng trăng rất thật kia cũng mới chỉ vầng trăng
Cá quẫy sóng cho tan rồi lắng lại
Để hiện giữa rong rêu chói lói
Một vầng trăng cho cá suốt đời tìm”
                         (Thơ đề tranh cá, 1980)
 
 
 
A - TRONG KÝ ỨC BẠN BÈ
 
HOÀNG HỮU VÀ THƠ HOÀNG HỮU 
Hữu Thỉnh
Hồi ấy, ở Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phú tất cả đều nhẹ xốp. Cả đám vừa mới bước sang tuổi tam thập nhi lập. Lớp lớn như Cao Khắc Thuỳ, Nguyễn Hữu Nhàn, Trần Khoát vẫn còn dưới tuổi 40. Cho nên, mọi thứ gánh trên vai cứ nhẹ bỗng. Nghèo cũng nhẹ. Mà khổ cũng nhẹ. Là bởi vì từ cái bếp nhà mình mà nhìn ra xung quanh thì cũng đều ngô khoai sắn như nhau cả. Thời bao cấp tạo cho người ta một sức ì, mọi việc đã có một đấng nào đó lo cho tất cả. Mọi người chỉ còn lo xoay xở trong một cái khung nhỏ của mình thôi. Vâng, ngẫm lại mình đã từng có một thời công bằng vàng son đấy chứ, công bằng của sự nghèo khổ. Cho nên chúng tôi gặp nhau là vui lắm. Và chỉ mong tụ bạ mà đàm xướng trên trời dưới bể, hít thở không khí văn chương, tại cái thành phố nghi ngút khói sương từ ngã ba sông tạt về. À, mà quên, cả khói của các nhà máy nữa chứ. Và, thấm thía hơn là được nếm, được chén thứ tình bạn trong suốt, ngất ngây phải lòng nhau như trai gái vậy.
Kìa, xem Hoàng Hữu đang bày tranh la liệt trong phòng họp. Chả có giá có bục gì cả. Thu dọn bàn ghế vào một góc, rồi kê tranh vào chân tường, đứng xem, ngồi xem, bò xem, khoái thì nằm xếp, chống cằm lên mà ngắm nghía, thưởng ngoạn. Hoàng Hữu khoe mới đi Hương Canh về, vẽ đình chùa, làng quán, có bức vẽ cái ngõ nhỏ với cái đuôi trâu vắt vỏng lên rất dễ thương. Tay này thạo về thuốc nước. Ký hoạ chì than cũng khá, nhưng đẹp nhất vẫn là thuốc nước, lại có cả cắt giấy nữa. Rồi, nảy sang làm bìa. Bao nhiêu bìa sách đẹp của Hoàng Hữu tặng bạn bè. Riêng tôi được một cái, đó là bìa tập trường ca "Đường tới thành phố", chấm phá tài tình dòng thác thần tốc của đại binh ta năm 1975 tiến vào giải phóng Sài Gòn. Đang xem tranh, Nguyễn Cảnh Tuấn với Nguyễn Hà kháo với nhau: Tao mới kiếm cho Hoàng Hữu một món rồi. Anh em xúm lại hỏi, đám nào đấy, ở đâu? Yên tâm, Tuấn với Hà này chọn mặt không phải vừa.
Đang xem tranh, nghĩa là đang đu đưa trên đỉnh trời, bỗng ngồi bệt xuống đất, bàn cái chuyện đời thường lấy vợ cho Hoàng Hữu. Trong chúng tôi, không đứa nào không biết Hoàng Hữu bị đau tim từ lâu. Miệng cười thật bay bổng, sởi lởi, đầy thư sinh tính, nhưng hai làn môi thì lúc nào cũng tím tái. Không ai bảo ai, tất cả đều biết phải lo nhanh những việc đáng lo nhất, cho Hoàng Hữu.
Thế là, một quyết định được đưa ra dứt khoát: Đi xem mặt cô dâu tương lai. Nguyễn Hà đèo Hoàng Hữu về trường cấp III Lê Xoay Vĩnh Tường từ hôm trước. Tôi, Nguyễn Hữu Nhàn, Nguyễn Đài, Nguyễn Đình Ảnh, Kim Dũng về sau. Phải nói cô Minh thu xếp rất khéo, một buổi tiệc ngọt tao nhã mà ấm cúng. Mấy chàng quây quanh chiếc bàn trà nhỏ, gật gù ưng ý. Người thẹn thùng hoá ra lại là Hoàng Hữu. Với một người đảm đang như cô Minh, Hoàng Hữu không còn có việc gì làm, đành ngồi một chỗ, cười trừ. Với tài thao lược của Nguyễn Hà, đám cưới được tổ chức sau đó không lâu, rất chu đáo, và đặc biệt cảm động. Ngoài đám bạn bè văn nghệ, là rất đông các thầy các cô và học trò của cô Minh. Và đặc biệt là có ba vị "thần hộ mệnh" của Hoàng Hữu: Bác sĩ Huy Mai, Phó Ban bảo vệ sức khoẻ của tỉnh và vợ chồng bác sĩ Thắng - Phượng.
Đại sự xong rồi, bây giờ có thể tập trung vào lập nghiệp. Hoàng Hữu từ hoạ, ai chả biết, nay lại bắt đầu mở một cửa hàng mới: Thơ. Thơ in trên Tạp chí của Hội Vĩnh Phú, trong các tập sáng tác và trên các báo chí Trung ương. Mỗi lần gặp, Hoàng Hữu thật thà rất dễ thương, hỏi tôi: "Bác thấy bài ấy của tôi thế nào?". Tôi không phải nghĩ lâu: "Nó trong veo như tâm hồn cậu". Hoàng Hữu khoái, "Thế thì mình cứ thử xem thế nào nhé". "Thử là thử thế nào, cậu sẽ là một thi sĩ". Tôi nói câu ấy không phải là sự bốc đồng mà là sự đánh giá chân thành qua đám chữ nghĩa rụt rè và thành thật kia, tôi mang máng nhận ra một thổn thức rất cần cho một hồn thơ.
Nhưng có điều cũng cần phải công bằng: Thơ Hoàng Hữu buổi đầu còn mang nhược điểm chung của thế hệ chúng tôi, đó là ham kể, ham đưa thật nhiều các chi tiết đời sống, mà ít khái quát; người làm thơ còn nặng về cái thân xác mà coi nhẹ cái thần thái. Và nói theo Chế Lan Viên "Nhiều tiếng súng nổ nhưng ít trận thắng". Trong tâm trạng đó Hoàng Hữu thường ghen tị với tôi "Ước gì tôi cũng được làm lính như bác". Nhưng đàn ông đàn ang mà hai chân cứ lạnh ngắt thế này thì lính tráng thế nào được. Đó là lời tâm sự rầm rì trong một đêm đông rét buốt cuối năm 1980, Hoàng Hữu về ngủ chung với tôi trong căn phòng ngăn đôi ở Trại sáng tác Vân Hồ. Lúc đó tôi còn đang học năm cuối khoá I Trường Viết văn Nguyễn Du, còn Hoàng Hữu vẽ bìa đang ăn khách. Ngày ăn chung niêu cơm trộn mì sợi, tối đắp chung một chiếc chăn mỏng, nhưng chuyện cứ râm ran và tình trai thì bát ngát. Tôi nghe rất rõ trái tim trẻ thơ rộn ràng đập trong một cơ thể cân nặng dưới trung bình của Hoàng Hữu. Một cái gì đó náo nức, cựa quậy, khát khao thay đổi trong anh. Tôi hiểu rất rõ điều đó. Và tôi đã không phải chờ đợi lâu.
Sau hôm Hoàng Hữu đến thăm tôi độ một tuần, một buổi chiều, cũng tại Vân Hồ, Phạm Tiến Duật đạp xe tìm tôi. Bóp phanh dừng xe, Duật nói ngay.
- Cuộc thi thơ của báo Văn nghệ sắp kết thúc. Mình tìm Thỉnh mời vào Ban chung khảo.
- Mình còn đang đi học. Hơn nữa...
- Không "hơn nữa" gì cả. Đây là lời mời của đích thân Tổng biên tập Nguyễn Văn Bổng.
Thế là tôi vào Ban Chung khảo, được làm việc cùng với các anh Xuân Diệu (chánh chủ khảo), Tế Hanh, Phạm Tiến Duật và một số người khác. Hồi ấy, giải thưởng báo Văn nghệ còn rất danh giá. Ban chung khảo làm việc tới hơn 3 tháng, vì phải đọc một khối lượng khá lớn bài từ Ban Sơ khảo đưa lên. Lúc bấy giờ, chiến tranh biên giới phía Bắc đang diễn ra rất ác liệt. Tất cả tiềm lực của đất nước phải dồn lên đấy, để, như lời thề của những người lính "giữ trọn từng tấc đất của Tổ quốc". Không khí xã hội và văn chương lúc đó là như thế. Nhưng, cái hay, cái đẹp thật sự thì bất luận thế nào nó vẫn hiện ra và cuốn hút tất cả. Cứ qua mỗi lần họp, trao đổi, tranh luận, lại đãi ra được những bài khá, những câu hay, ý đẹp. Ôi! Khó khăn sao và thú vị sao là cân nhắc các giá trị. Nhưng cổ lai đã dạy, ở đâu cũng và lúc nào cũng không tránh nổi một chữ THỜI. Trong mấy cuộc họp liền, tôi lưu ý Ban Chung khảo trường hợp Trần Đăng Khoa với chùm thơ khá sớm về Trường Sa, về Hoàng Hữu với Hai nửa vầng trăng và Đinh Nam Khương với bài Từ những dấu chân người. Anh Xuân Diệu cứ nắc nỏm khen mãi câu của Đinh Nam Khương.
Lúa đi để lại tháng mười
Và cơn gió thổi rỗng trời ở trên
Trần Đăng Khoa viết về Trường Sa mới mẻ và đầy khẩu khí. Sau này có lần tôi nói rằng, Trường Sơn thiên vị Phạm Tiến Duật và Trường Sa ưu đãi Trần Đăng Khoa. Khoa có cả một vốn quá khứ thơ lộng lẫy, nên được lưu ý ngay. Nguyễn Đình Chiến vừa từ biên giới về, xúc động về sự hy sinh của các cô tự vệ nông trường. Riêng Hoàng Hữu thì khó khăn hơn. Phải tính đi tính lại mãi, cuối cùng tiếng nói của lớp trẻ trong Ban Chung khảo đã được chấp nhận. Vấn đề là ở chỗ, người ta đang đổ máu thế kia, nay tôn vinh một bài thơ tình dang dở, có nên chăng? Cuối cùng nhà vô địch thơ tình Xuân Diệu kết luận "Biết đâu, một trong những cái còn lại của cuộc thi này lại là Hai nửa vầng trăng của Hoàng Hữu". Với Hoàng Hữu, Hai nửa vâng trăng là một sự đột phá. Là bứt lên. Là tự thắng. Là bởi vì trước đó, thơ anh còn ở dạng bị động. Nghĩa là thường bắt đầu từ sự, từ cảnh rồi mới đến tình. Lấy bài Đưa con về chúc Tết là một bài thơ khá cảm động của anh trước đó, thì rõ. Bài thơ nói cảnh sum họp, nào là vui mừng, trách yêu, âu yếm, nhớ người nơi biên giới. Có những chi tiết khá cảm động: Cả nhà ngồi một xe/ Lưng cha che gió rét.
Những hình ảnh rất đắt:
Bây giờ bà đi xa
Cả nhà không được gặp
Dàn trầu xanh héo hắt
Bám hờ trên tường vôi
Nhưng bài thơ bị doãng ra bởi "chiếc phanh của dồn nén" còn cảm tình nể nang thả cảm xúc rong ruổi nhiều quá. Ánh sáng của bài thơ bị tản ra nhiều phía, thiếu tập trung. Đến Hai nửa vầng trăng thì khác, anh thay đổi trật tự: Sự, cảnh, tình, sang tình, sự , cảnh. Sự chủ động của cái tôi thật đáng quý, mở đầu là đi vào trung tâm của bài thơ:
Tình cờ anh gặp lại vầng trăng
Một nửa vầng trăng thôi, một nửa
Trăng vẫn đấy mà em xa quá
Nơi cuối trời em có ngóng trăng lên
Và cứ thế, cái tứ "Một nửa vầng trăng thôi, một nửa" cứ được đẩy lên mãi, theo từng nấc từng bậc của tâm trạng. Xót xa, nuối tiếc, biết bao thương nhớ trôi dạt về vùng của chia xa:
Nắng tắt đã lâu rồi, trăng thức dậy dịu êm
Trăng đầu tháng có lần em ví
Chữ D hoa như vầng trăng sẻ nửa
Tên anh như nửa trăng mờ tỏ
Ai bỏ quên lặng lẽ sáng bên trời.
 
Ơi vầng trăng theo con nước đầy vơi
Trăng say đắm dào trên cỏ ướt
Trăng đầu tháng như tên anh chẳng thể nào khác được
Trăng cuối tháng như đời anh hao khuyết
Em đã khóc
Trăng từng giọt tan vào anh mặn chát
Em đã khóc
Nhưng làm sao tới được
Bến bờ anh tim dội sóng không cùng.
 
Đến bây giờ trăng vẫn cứ còn xanh
Cứ một nửa như đời anh, một nửa
Nhưng trăng sẽ tròn đầy, trăng sẽ...
 
Trăng viên mãn cuối trời đêm đêm em có nhớ
Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau
Chừng như cảm thấy xa xót quá, nên trước khi kết thúc, tác giả cố ý chen vào hai câu:
Nhưng trăng sẽ tròn đầy, trăng sẽ...
Trăng viên mãn...
nhưng vẫn không thể chút nào làm mờ nhoà được cái ấn tượng "Một nửa vầng trăng thôi, một nửa" nó đay đi đay lại, nó như bào, như xát vào gan ruột người ta. Và đấy là thành công, là hiệu quả nghệ thuật của bài thơ. "Một nửa vầng trăng thôi, một nửa", cái dở dang vĩnh viễn của Hoàng Hữu đánh thức cái dở dang của mọi kiếp người, khiến tôi nhớ đến câu ca dao vô cùng tài tình của xứ Nghệ: "Đôi ta xa nhau cả thiên hạ đều buồn". Hai nửa vầng trăng làm nên Hoàng Hữu, một Hoàng Hữu của biết bao nhiêu cảm tình, cảm thương, cảm phục của người đọc. Sau bao nhiêu năm tháng , giờ đây mỗi lần đọc đến câu "Trăng cuối tháng như đời anh hao khuyết", lòng tôi lại nức nở xót xa một thân phận, một kiếp người, trong suốt và mỏng manh đã đến với ta trong cuộc đời này. Một câu thơ định mệnh. Tháng 8 năm 1981, Hoàng Hữu viết bài thơ ấy gửi thi và lĩnh giải, ít lâu sau thì anh mãi mãi ra đi. Than ôi, vừa tròn 37 tuổi!
Nhớ lại cái đêm rét buốt nằm đắp chung chăn ở Vân Hồ ấy, Hoàng Hữu kể với tôi xuất xứ bài thơ Hai nửa vầng trăng. Có nguyên mẫu đấy. Anh vừa kể vừa quay mặt vào tường, gạt thầm nước mắt, đôi chân gác một nửa cái lạnh buốt sang tôi.
Mới đó mà đã 35 năm, cái ngày định mệnh tai ác ấy. Chúng tôi một lũ bạn nức nở đi sau linh cữu của anh Hoàng Hữu. Một con người tài hoa mà khi sống, trong như gương, dịu như trăng, hiền như cây, run rẩy, gượng nhẹ từng cử chỉ nhỏ. Một con người yêu quý tất cả, và cũng được đền bù tất cả. Tôi tin rằng Hai nửa vầng trăng sẽ là bài thơ bất tử. Bài thơ của Hoàng Hữu, bạn tôi. 
H.T
Hà Nội, ngày rét sót 4 tháng 3 năm 2016

 
 
 
 
 
 
KHI HỌA SĨ DÙNG CỌ LÀM THƠ
 Thái Doãn Hiểu
 
Hoàng Hữu là một nghệ sĩ đa tài: thơ hay, vẽ giỏi.
Hãy xem họa sĩ Hoàng Hữu vừa vẽ vừa làm thơ về các nàng thôn nữ xuống tắm hồ sen đêm trăng khi anh làm nhiệm vụ sao chép lại các bức phù điêu ở đình làng, chuẩn bị cho cuộc tái thiết sau chiến tranh:
Suốt một ngày tay cuốc tay liềm
Giờ khỏa nước ngón xòe nõn búp
Trăng loáng chảy ướt ròng khuôn  ngực
Chút ngập ngừng cong lẳn sáng bờ vai
Tay vin cành, hoa đấy áo người đâu
Cổ ba ngấn ngẩn ngơ chiều hương lúa
Màu đen thẳm tóc mây lại tỏa
Hương thầm thì mờ tỏ đêm sen
Sóng dào lên sáng ánh tay em.
(Mỉm cười trên giấy điệp)
Cũng sexy đấy mà trời, sao nhã quá. Thật là thanh thoát, lung linh, buông thả mà kín thầm, đẹp và thơ, cần lao với mộng mị… Nhà thơ đang vẽ mà! Thân thể trần truồng của người đàn bà là vẻ đẹp vĩnh hằng, xác tín của tạo hóa ban cho con người. Các thiên tài văn hóa đã viết vẽ, về nó. Tôi bỗng nhớ đến Nguyễn Du qua cặp mắt trăm trô của kẻ si tình Thúc sinh ngắm nàng Kiều tắm (1), nhớ tới cái dùng dằng thao láo thèm lẻm của mấy gã chính nhân quân tử trước vẻ khêu gợi toàn cảnh… thiếu nữ ngủ ngày trong thơ Hồ Xuân Hương (2), nhớ đến vẻ đẹp thần bí, vương giả trong Tranh lõa thể của Bích Khê (3). Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương tả trực diện, Bích Khê tả trong tranh mà tĩnh, Hoàng Hữu tả qua tranh khắc gỗ dân gian mà động. Nguyễn Du tự nhiên chủ nghĩa nhưng hào hoa, Hồ Xuân Hương táo bạo, tinh quái và kích dục. Hoàng Hữu dân dã mà thánh thiện. Tất cả đều đẹp, đẹp mỗi người một vẻ dưới ngòi bút ước lệ tượng trưng (Nguyễn Du, Bích Khê), hay tả chân hiện thực (Hồ Xụân Hương, Hoàng Hữu). Trong những vẻ đẹp quyến rũ lành mạnh như một tín ngưỡng đó, theo tôi, bức của Hoàng Hữu thần bút hơn cả, bởi anh hơn hẳn các cụ, anh là nhà-thơ-họa-sĩ. Anh “nhìn” được đối tượng mô tả từ hai phía.
Trong thơ Hoàng Hữu có họa, trong họa Hoàng Hữu có thơ. Hai loại hình nghệ thuật này luôn luôn hài hòa bổ túc cho nhau tạo nên mặt mạnh nhất trong thi phẩm và họa phẩm của anh. Thơ Hoàng Hữu tinh tế, thâm thúy. Những vật vô tri qua tay anh đều sống dậy có linh hồn:
Vầng trăng rất thật kia cũng mới chỉ vầng trăng
Cá quẫy sóng cho tan rồi lắng lại
Để hiện giữa rong rêu chói lói
Một vầng trăng cho cá suốt đời tìm.
(Thơ đề tranh cá)
Đó phải chăng đó là tuyên ngôn nghệ thuật của Hoàng Hữu?
Hồn pha mây pha sương
Bút màu không kịp vẽ
Chú bò lưng đốm lửa
Khép chiều trong ngõ quê.
(Quê đồi trong ký họa)
Bức tâm cảnh quả là một bài ca không lời. Người viết giỏi là người viết được cái không viết. Phần đẹp nhất của cái đẹp là cái mà không một tác phẩm nghệ thuật nào có thể diễn tả nổi.
Sao thả neo vàng chật bến đêm
Gió lùa trong vắt, nhịp nhàng êm
Lim dim lửa đỏ nhòe khoang lái
Ngỡ mặt trời quên ngủ dưới thuyền.
                           (Bến đêm)
Lá non chưa vội mở
Gấp gáp nhựa lên cành
Cháy bùng lên đuốc lửa
Sáng kịp mùa xuân xanh
            (Hoa gạo)
Là nhà thơ kiêm họa sĩ, Hoàng Hữu đã không hướng vào việc là thế nào phơi bày trước mắt bạn đọc những hình ảnh bề nổi tầm thường về cuộc sống, mà cố gắng làm sao để đưa lại cho bạn đọc một sự tái hiện đầy đủ, bao quát, có sức thuyết phục hơn về cuộc sống so với bản thân hiện thực.
Người trần tục thể hiện thế giới như mắt họ nhìn thấy. Nghệ sĩ nhạy cảm thể hiện thế giới như họ suy nghiệm. Người thợ ảnh chớp con người bề ngoài trong máy ảnh, còn người nghệ sĩ phô bày những nét phức tạp bên trong con người, kể cả những bí ẩn của con người đó nữa.
Hội họa chẳng qua là bí quyết dùng cái hữu hình để diễn đạt cái vô hình. Còn thơ dùng cái vô hình để diễn đạt cái hữu hình. Họa sĩ hay nhà thơ không trình bày những gì trông thấy mà biểu hiện những gì sẽ được thấy. “Nghệ thuật hay ở chỗ vừa giống vừa không giống. Không giống thì dối đời, giống quá thì mị đời” (Tề Bạch Thạch).
Nếu hội họa là bức tranh để xem hơn là để cảm, và thơ là bức họa để cảm hơn là để xem thì Hoàng Hữu đã nhuần nhuyễn kết hợp hài hòa được cả hai. Nắm lấy triết học mà sáng tác, Hoàng Hữu đã lèn được thơ ca vào các giới hạn chật hẹp của hội họa và đem hội họa lấp đầy cả lĩnh vực thơ ca.
Danh họa Nguyễn Gia Trí bảo rằng, ông đã qua gần cả đời hiện thực mới dám mon men đến trừu tượng. Thơ Hoàng Hữu sương khói, mong manh ảo huyền ít bám vào hiện thực “hồn pha mây pha sương” là đang “mon men” đi theo xu hướng này? Lãng đãng sương khói là nét riêng định hình của Hoàng Hữu.
Khi anh  lắng nghe:
Chiều chìm tím ngọn bàng thưa
Lặng lờ lá rụng ngẩn ngơ cành gầy
Là khi hạt nắng chót ngày
Dồn cho sao biếc cháy đầy mình hoa.
                 (Là khi)
Khi anh nhìn ngắm:
Má bừng chín giữa khăn choàng gió
Tựa trái mùa đông ấm mắt nhìn.
(Ký họa sông Đà)
Lắc thắc mưa rơi mướt bí bầu
Cái màu hoa ấy nhớ về nhau.
(Mưa đôi bờ tháng Chạp)
Là người biết phải kết thúc sự nghiệp quá sớm, cảm thấy chung cục sắp đến gần, Hoàng Hữu cố níu kéo một cái gì đó của sự sống thật lưu luyến, hướng nó vào vĩnh cửu để dành lại cho mình.
Đôi bờ tháng chạp màu hoa nhắc
Mưa để lòng cau thắm với trầu.
(Mưa đôi bờ tháng Chạp)
Mây núi xòa chông chênh hơi rượu tan
Hoa thắm lại, chiều dễ gì tắt được.
(Năm ấy hoa bìm)
Tôi cùng sóng bước heo may gió
Cỏ mén hơi sương mướt lối vào
…Trái tim đập suốt mùa mưa bão
Trời nối vào thu tự lúc nào.
(Một mình cuối vườn thu)
Thơ Hoàng Hữu chuẩn xác, sâu lắng, đẹp và ý nhị. Anh tả mưa “Mưa cứ thả vào đêm từng hạt nhớ” (Đêm nay nhớ bạn một vùng than). Anh viết về gió “Ngọn gió lật chiều sang hướng khác – Vòi vọi trên đầu đám mây khô khốc” (Không đề III). Anh viết về nắng “Nắng thơm mùi quả chín lúc đang trưa”. Anh ghi nhận về thời gian “Chiều xanh xanh đến thẫn thờ - Không em. Liễu cứ bên hồ đợi anh” (Thị xã không em). Anh diễn tả cái lạnh không mùa “Rét ngọt chừng chưa qua - Tần ngần trong ruộng mía – Còn băn khoăn chi nữa – Cây đã đầy mật thơm” (Tháng Giêng, chiều đất bãi). Anh viết về cái khắc khoải của nỗi nhớ “Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau” (Hai nửa vầng trăng). Anh giãi bày tâm trạng của mình trong “Chạm vào lá biết tay mình se giá” (Không đề IV). Anh gửi tấm lòng trong “Cánh buồm nhuận sắc đất đai - Gửi người đi nối chân trời khát khao” (Hát tặng chân trời). Anh trân trọng nâng niu “Chẳng ai nỡ hái chung nhau ngắm - Một chút làng xanh giữa đảo mờ” (Làng đảo). Anh gửi tình yêu nồng nàn trong “Màu khói ấm qua mưa dầm tháng Bảy - Tỏa mơ mòng như ánh mắt anh đây” (Khói ấm)…
Hoàng Hữu viết như người trong mơ. Nó là thứ thơ mộng mị, có bóng mà không có hình, tạo chất ảo tác động vào cảm giác chứ không phải vào trực giác. Thơ anh có ma lực thôi miên cuốn hút người đọc mạnh đến mê người. Hai nửa vầng trăng được Hoàng Hữu viết giữa hai cơn đau của cơn bệnh phù phổi cấp nên giọng thơ mới da diết hối thúc đến thế:
Nắng tắt đã lâu rồi, trăng thức dậy dịu êm
trăng đầu tháng có lần em ví
chữ D hoa như vầng trăng sẻ nửa
tên anh như nửa trăng mờ tỏ
ai bỏ quên lặng lẽ sáng bên trời.
Ơi vầng trăng theo con nước đầy vơi
trăng say đắm dào trên cỏ ướt
trăng đầu tháng như đời anh chẳng thể nào khác được
trăng cuối tháng như đời anh hao khuyết
em đã khóc
trăng từng giọt tan vào anh mặn chát
em đã khóc
nhưng làm sao tới được
bến bờ anh tim dội sóng không cùng.
(Hai nửa vầng trăng)
Trong nghệ thuật, điều kỳ diệu là đến một vầng trăng Hoàng Hữu tả thì nó vừa là trăng tròn khuyết mà cũng là chìm nổi đời anh. Khi đã vào nghệ thuật, cái đẹp không còn là cái đẹp riêng lẻ nữa, vì tự cái đẹp đã nằm trong cái đẹp. Sáng tạo là con đường giải thoát thênh thang khỏi mọi khổ đau trần thế, là sự bay bổng cuộc đời người nghệ sĩ. Trong sáng tạo nghệ thuật, tính quy luật được bộc lộ như một cái gì rất ngẫu nhiên. Điều còn lại mãi mãi là tình người trong thơ. Chính tình người, tình đời đã giúp nhà thơ vượt qua những sóng gió của cuộc đời.
Thơ khó thứ nhất là thần. Dường như Hoàng Hữu đã vượt qua được cửa ải đó. Tôi không có dịp được tiếp cận với tranh Hoàng Hữu nhiều nên không thể hình dung được các họa tiết ra sao nhưng tranh của anh hẳn có thần. Các bức Hoa bèo, Ngõ quê, Hái chè… trong cuộc triển lãm tranh tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội tháng 7-1976 đến giờ vẫn còn gây ấn tượng tốt đối với giới hội họa. Chả thế  mà anh được hàng loạt giải cao về đồ họa trong và ngoài nước. Hoàng Hữu lại gây ấn tượng, có biệt tài sáng tạo bìa sách. Trong lĩnh vực thơ ca, Hoàng Hữu đã thành tựu vượt trội hơn cả hội họa. Hoàng Hữu cũng không ngờ khi anh nằm xuống, năm sau (1982) giải Nhì cuộc thi thơ Quốc gia của báo Văn nghệ lại trao cho Hai nửa vầng trăng – bài thơ tình của anh vào loại hay nhất thơ tình Việt Nam – bài thơ mà Xuân Diệu trong Ban Chung khảo cứ đòi tặng cho được giải Nhất! 
Hoàng Hữu bị đau tim bẩm sinh và hơn một lần đại phẫu. Mang trái tim thương tích đã mổ xẻ luôn linh cảm về sự hạn hẹp của thời gian, biết mình mệnh yểu, Hoàng Hữu tranh thủ sống, cấp tập viết, vẽ bằng một nghị lực lớn. Nằm xuống ở tuổi 37 (1945-1981)  - tuổi húy - tuổi tam thập nhi lập, định mệnh khắc nghiệt thật là ngắn ngủi, vội vã, đầy nuối tiếc!
Người xa phơ phất hồn lau gió
Thổi trắng chân đồi như khói pha.
(Hoa lau trường cũ)
Nazim Hikmet cũng bị đau tim - lại phải sống lưu vong nữa - thường than “Ôi những người cực tốt – Trái tim thường hay đau”.
Nhà thơ - họa sĩ  Hoàng Hữu đã khuất. Một sự nghiệp đầy hứa hẹn đột ngột kết thúc ngay giữa lúc ban đầu! Thương lắm đầu xanh tuổi trẻ với dang dở một tài hoa. Trái tim nghệ sĩ của anh vẫn còn đập nhói buốt trên những trang giấy đã ố màu thời gian.
 
T.D.H
 
--------------------------
(1) Nguyễn Du:
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên
 
(2) Hồ Xuân Hương:
Yếm trúc chải cài trên mái tóc
Yếm đào trễ xuống dưới nương long
Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm
Một lạch đào nguyên suối chửa thông.
 
(3) Bích Khê:
Nàng ở mô! Xiêm áo bỏ đâu đây
Đến triển lãm cả tấm thân kiều diễm
Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm?
Nàng là hương hay  nhan sắc lên hương?
Lệ tích ngọc tích sắp hai hàng đũa ngọc
Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc 
Vài chút trăng lay động ở làn môi.
Chợ Lớn, 1991
B - MỘT SỐ TÁC PHẨM TIÊU BIỂU
1. Thơ 
ĐÊM VEN SÔNG  
Đêm yên lành, đêm như bao đêm
Bếp nhà ai cay cay mùi khói
Ngọn lửa có điều chi như muốn nói
Với người nào xa lắm phải không em?
 
Ếch kêu hoài rộn rã một mùa chiêm
Lúa trăn trở ngoài xa đồng năm tấn
Con tu hú đang gọi mùa vào nắng
Nghe thóc vàng rực rỡ sân phơi.
Sóng ngoài xa cần mẫn đầy vơi
Lớp sóng đỏ nói những lời giản dị
Cả một đời phù sa không ngơi nghỉ
Vất vả yêu thương bên lở bên bồi.
 
Sau gian nan vẫn đều đặn tiếng còi
Tàu ngược xuôi đâu quên chào xóm nhỏ
Đêm ven sông bỗng sao mà thương nhớ
Nửa nước mình súng nổ sáng đêm thâu.
Đêm yên lành và đêm rất sâu
Thương đất nước mấy ngàn năm chưa nghỉ
Vẫn thao thức bình minh trong mắt ngủ
Hoa gạo bồi hồi cháy mãi một ven sông...
Chí Chủ tháng 4-1970
TIẾNG GÀ 
Bom siêu âm giặc ném xuống Việt Trì
Thành phố đỏ trong tầm pháo bắn
Tôi chợt nghe đều đặn
Tiếng gà,
Như thường lệ, thắp một trời ánh sáng.
1972
HOA GẠO 
Lá non chưa vội mở
Gấp gáp nhựa lên cành
Cháy bùng lên đuốc lửa
Sáng kịp mùa xuân xanh.
1974
NGỌN GIÓ QUA LÀNG 
Có thể nào vùng đất bãi vắng em
Vắng ngọn gió qua làng không nhìn thấy
Thì anh biết làm sao hương thức dậy
Tự trong lòng hoa đi.
Nụ hoa xòe lấm tấm giêng hai
Hương chanh thức vườn nhà đêm trở rét
Bóng mẹ gầy, gió vào lay lửa bếp
Hương thầm len từng mũi kim khâu.
Gió qua làng, gió chẳng dừng lâu
Cũng phảng phất cái duyên đất ải
Nghe tiếng em, anh biết gió vòng qua mé bãi
Ngan ngát đường xoan hoa.
Tháng Năm, ngày dằng dặc lưng đê
Dây điện dăng dăng nở từng bông sứ trắng
Ngọn gió thổi những ngày hoang vắng
Về dạo đàn vui xóm đê ta.
Đến với làng gió lại đi xa
Đồng đất nhớ cái heo may, nhớ thế!
Sắp tết rồi lại xạc xào tiếng mía
Khói mật lò gió đến cũng thành hương.
Yên Lãng, 9-1973
GỬI MINH
I
Mình anh thức với đêm sâu
Với lưa thưa gió hàng cau cuối vườn
Đêm chừng như cũng sâu hơn
Cùng anh trở lại cô đơn những ngày…
Xa rồi. Gió trở đầu cây
Anh nghe búp mở hương bay khắp vườn
Phải em? Bên ấy Vĩnh Tường
Nhớ về anh, để một vườn gió lay?
II
Vì hương mà ngọn gió bay
Vì xanh lá mở mà ngày nắng lên
Thương em dằng dặc là đêm
Ba thu dồn lại nhớ em là ngày
Anh đi sông rộng núi dài
Là cùng em để ngày mai đến gần.
III
Vườn mình chưa sáng đài hoa
Lá chưa xanh đã bão xa đổ về
Một chiều chống mấy chiều che
Có cùng anh chắn bão về không em?
IV
Bão qua mùa, bão sẽ tan
Vườn ta nắng mãi xanh tràn, em ơi!
Vĩnh Tường – Việt Trì
THÁNG GIÊNG, CHIỀU ĐẤT BÃI
Tháng Giêng, chiều đất bãi
Lượn thầm ven bờ đê
Đất màu đang vào ải
Đã lay phay mưa về.
Giờ này ngoài chân tre
Măng thầm thì mở đất
Sóng à ơi bãi mật
Đấy lời ngô bồng con (*)
Đất hồng hào bến sông
Em ra lò gạch chín
Cánh buồm vừa đến hẹn
Vẫn nâu sồng sắc quê
Rét ngọt chừng chưa qua
Tần ngần trong ruộng mía
Còn băn khoăn chi nữa?
Cây đã đầy mật thơm.
 
Cành gạo cao đầu thôn
Vẫy người đi trả phép
Nhấp nhô như lộc biếc
Xanh xanh chiều tháng Giêng
Lặng thầm trải bao đông
Xoan gầy như dáng mẹ
Rễ tảo tần chắt nhựa
Thương dồn lên búp non.
Khói trầm trên mái rơm
Phải lời cha dặn dẽ?
Đất ông bà cội rễ
Suốt đời thương cháu con. 
Bích Chu, 1975 
(*) Mượn chữ của Vũ Đình Minh 
GỬI CHO CON     
Nhớ Thủy Trang và Yên Chi
Đêm về, trăng cũng vừa lên
Cho con quả thị chín mềm, cho con
Trăng là chiếc bánh đa thơm
Còn cha? Biển vắng hai con trăng là…                  
Trung tâm cấp cứu BV Việt Trì, cuối 1981
ĐƯA CON VỀ CHÚC TẾT 
Sáng mồng Hai đưa con
Về Lý Nhân chúc Tết
Cả nhà ngồi một xe
Lưng cha che gió rét.
 
Mới đến đầu ngõ sâu
Đã nhận ra khói bếp
Nắng hửng trên lá trầu
Đàn sẻ bay lách chách
Cây đào chưa nở hết.
Bác dang tay đón con
“Ồ bé Trang chút chít”
Con sà vào ngực bác
Dũi đầu trên áo nâu.
 
Ôi những năm đạn bom
Bầu trời xanh se thắt
Mái lán nép vào cây
Hầm chữ A kề bếp
Mấy trận bom cấp tập
Phía Việt Trì dội sang
Đất hầm rơi lấm tóc
Con tôi nào biết được
Những chiều bà đợi cơm.
 
Bây giờ bà đi xa
Cả nhà không được gặp
Dây trầu xanh heo hắt
Bám hờ trên tường vôi.
           
 
 
 
 
 
MẸ TÔI
 
Xe con qua làng cũ
Chẳng thể dừng mẹ ơi !
Vẫn con đường đất đỏ
Khói lên xanh chân đồi.
 
Đã sang năm thứ mười
Con chưa về gặp lại
Mẹ ơi! Vườn chè tươi
Lòng tay con thơm mãi.
 
Nhớ ngày con ốm dậy
Cơm chẳng có gì hơn
Mẹ kho niêu tép mại
Còn giã thêm cối vừng.
 
Con đã qua bao rừng
Mùa khô lòng suối khát
Lại thương giếng đồi mình
Nước sâu hơn chục thước
Chiếc cần chưa kịp buộc
Mẹ lưng còng, mẹ ơi!
 
Vị khói thơm chè đồi
Mãi đến giờ vẫn chát.
 
Từng có mùa đông rét
Đơn vị dời vào hang
Hơi đá lùa như cắt
Con dồn phân dơi đốt
Nồng cay mùi đạn khét
Khói lên không gặp trời.
 
Con cuộn tròn võng nhớ
Bếp trấu chiều mẹ ủ
Có còn thơm khói lên?
 
Qua rất nhiều đạn bom
Suốt dọc dài đất nước
Ở đâu con cũng gặp
Mẹ lặng nhìn đôi mắt
Ngời ngợi màu lửa quê.
 
Bền bỉ màu lửa quê
Thức bao đời giữ đất
Chiều nay làu bóng giặc
Như mọi chiều lửa thắp
Khói lên xanh chân đồi.
 
Khói lên, kìa mẹ tôi !...
                     10 - 1975
 
 
 
 
 
 
 
 
CẢNG SÔNG 
Tôi biết nói gì thêm trước cửa sông này?
 
Con tàu xanh trưa nắng lim dim
Tiếng chân vịt chìm trong xoáy nước
Búa dội lảnh đanh trên trụ thép
Cầu băng chuyền cắt ngang nền mây
Gỗ nứa bồng bềnh, than, xi măng và phốt phát
Xe ben bay trong lốc bụi cồn
Cánh buồm đợi, gió lồng như khát
Cửa sông dăng sương khói chân trời.
 
Vẫn còn đây dấu tích của một thời
Hố bom chìm cỏ lấp
Vết đạn toác trụ cầu, hầm bê tông sập nát
Con phà kia lửa táp một bên sườn
Và máu đổ
         Tôi chỉ còn thấy được
Trên khắp cột buồm đỏ thắm cờ bay.
Tôi biết nói gì thêm trước cửa sông này?
Tôi gặp lại bạn bè trong hơi ấm lòng tay
Vẫn nụ cười xưa, áo màu rêu cũ
Trên gương mặt nhẻm than, tôi tin ngọn lửa
Sẽ bắt đầu từ đôi mắt kia
Cùng tiếng hát của một thời gian khó
Xanh nguyên đến tận khoảng trời nay.
Mỗi người sẽ hình dung theo cách riêng
Về bến cảng mai sau và xa nữa
Đài kỷ niệm tạc vào ráng đỏ
Nhà cao tầng, cần cẩu quay trong gió
Con tàu trắng, con tàu xanh… bao con tàu đi, ở
Mỏ neo thắm phù sa thềm đất cổ
Nối chân trời say trong cánh buồm bay.
 
Tôi biết nói gì thêm trước cửa sông này?
                               Ngã ba Hạc, 9-1976
 
 
 
 
 
 
THÁNG NĂM 
 
Tháng Năm chật tiếng ve sôi
Tháng Năm thương đến rộng dài hương sen
Cữ này ong óng nắng chiêm
Lúa uốn câu chạm tay liềm chưa em?
Hạt vừng chắc đã bùi thêm
Quả chanh chua vỏ mọng mềm lòng tay
Ớt vườn chín đỏ ngọn cây
Nồng oi lắm để ngọt đầy lòng dưa
Dây gầu em nối thêm chưa?
Đầm sâu trăng cạn đương mùa nắng khan
Sấm non chẳng thể chớp nguồn
Mưa ngoài biển để nắng dồn lên quê
Tháng Năm thơm ngọt cho kề
Lại cho xa của mùa hè khát khao
Trăng quầng đợi nhịp gầu chao
Em ơi, nào tưới mưa vào tháng Năm…
                                  Thổ Tang, 1976
 
 
 
 
 
 
 
 
NĂM ẤY HOA BÌM BỊP 
             Xin bạn đọc quên điều đã đọc
 
Năm ấy hoa bìm tím thế này không?
Tôi chợt hỏi, hoa ơi đừng lạ nhé
Chiều xuống chạm ngọn cây thong thả
Lòng rưng rưng trước sắc thắm hoa bìm.
 
Trên đỉnh ngàn thước này tôi đâu ngỡ gặp em
Rừng thảng thốt hơi mưa hơi nắng
Hoa mỏng mảnh như xưa buông trên tầng đá xám
Ẩn chút buồn sâu kín mới phôi pha.
 
Ngỡ cánh hoa trong nhật ký đã khô
Dòng chữ khắc trên tường rêu phủ
Trời đăm đắm mười năm nguyên khung cửa
Sao còn lay động mãi cánh hoa bìm
 
Mây núi xòa chông chênh hơi rượu tan
Hoa thắm lại, chiều dễ gì tắt được
Câu thơ cũ đầy nguyên lại rót
Năm ấy hoa bìm tím thế này không?
                                  Tam Đảo, 1976
 
 
 
 
 
 
 
 
MỘT VÙNG MÍA BÃI
 
Sau bao ngày nhớ mong
Anh lại về đất bãi
Se se trời gió thổi
Thênh thang triền mía xanh.
 
Vắt ngang mùa heo hanh
Mía chật đường đá trắng
Nắng sau mưa chín ửng
Mát thơm mùi rượu cay.
 
Gặp gió đùa trong cây
Mách anh người hay hát
Ngọt lừ dao em chặt
Hương dâng đầy đôi tay.
 
Mùi men, mùi men say
Mía thơm ra tận vỏ
Theo em về cuối ngõ
Nón trắng chìm sau cây.
 
Ơn mật vàng lòng tay
Uống từng trưa nắng rát
Đất, em bồi ấm gốc
Lặng từng cơn bão tan.
 
Heo may chừng đằm hơn
Nối thêm từng đốt mía
Tối ngày em bóc lá
Tay bồi thêm lớp chai.
Nắng cuối chiều vàng khay
Lại xa miền đất bãi
Cầm tay, thương, chẳng nói
Ngọt ngào dăng bốn bên.
                     Vĩnh Thịnh, tháng 9 - 1976
 
 
 
 
 
 
 
TRỐNG ĐỒNG TRÊN ĐẤT ĐAI TRUYỀN THUYẾT
 
Trống đồng sau lớp đất vùi
Vẫn ban mai một mặt trời đang lên
Nét cổ sơ vẫn tươi nguyên
Khi bay vút lại thanh mềm nét buông.
 
Vua tôi cày cấy ven sông
Con cò lặn lội bạn cùng hôm mai
Chày khuya thậm thịch đêm dài
Hội mùa trăng đã xế ngoài mái hiên.
 
Một thời trai gái trao duyên
Chiếc vòng tay với chiếc khèn làm tin
Đêm dựng nước sáng tiếng chim
Bay trên chớp lửa hót trên núi Hùng.
 
Một thời giặc giã khôn cùng
Trống đồng giục mũi tên đồng vút lên
Sóng tung lấp lóa chiến thuyền
Sông sâu từng đã nhấn chìm giặc tan
Chiêm mùa lúa cháy thành than
Đá thương người đá bồng con ngắm chồng.
 
Lưỡi gươm khắc tấm gương chung
Con voi phản phúc tìm dòng máu loang
Cho liền mạch đất cha ông
Mái tranh kề mái cây chung đất dầy.
 
Ơn người thợ khéo bàn tay
Ngày đêm tâm huyết dồn đầy nét hoa
Trải bao hưng phế chẳng nhòa
Nét ăn ở với cửa nhà riêng chung
Ngỡ trên mặt trống còn rung
Tiếng xưa xa vọng đền Hùng hôm nay.
 
Ngoài thung lúa chín như say
Kìa con chim lạc trắng bay trên đồng.
 
                    
 
 
 
 
 
 
CHÚ GÀ TRÊN ĐẠI LỘ
 
Lượn giữa cọ xanh chín mươi chín quả đồi
Những ngôi nhà cao tầng mọc lên cùng mây ấm
Đèn cao áp xanh non màu trăng muộn
Tỏa mơn man trên đại lộ êm đềm.
 
Thành phố mãi mơ màng
Nếu chú gà không dạo trên đại lộ
Chiếc mào đỏ chập chờn dọc phố
Làm màu hoa hiếm hoi, làm đuốc lửa
Chú mang theo kiêu hãnh dưới mặt trời
Như hoa, như lửa cháy tuổi hai mươi
Thành phố trung du ngược đồi dốc đỏ
Muộn mằn thế mới bắt đầu đại lộ
Mới cửa gương lên tầng năm láng gió
Gạch vỉa hè đón chân người đến gõ
Khúc tình ca sau năm tháng chiến tranh.
 
Tới đỉnh dốc dài chú gà bỗng ngó nghiêng
Xỏa cánh vỗ và thốt nhiên cất tiếng
Tiếng gà đỏ cất lên màu nhiệm
Phố xá chập chừng hơi lửa hơi than.
 
Giữa chín mươi chín quả đồi bao lầu gác mọc lên
Mầu huyền thoại sau tiếng gà chói lói
Bước qua tuổi hai mươi, thành phố vào ngày mới
Đại lộ thênh thang đếm nhịp bước chân người.
 
Không dừng được trước ban mai hối hả
Chiếc mào đỏ chú gà nở như hoa, như đuốc lửa
Cứ khoan thai đi về phía mặt trời.
 
 
 
 
 
 
 
 
CHIỀU TRÊN BẾN HẠC 
 
Gỗ nứa xuôi về chật bến sông
Tàu lên đen nhánh bóng than lồng
Bãi non ngô trổ cờ bay phấn
Hương núi hương đồng thơm mát trong.
 
Đất mở bao đời, sông gặp nhau
Vẫn nguyên dòng biếc với dòng đào
Ngày nao du kích nằm trong bãi
Khói máy giờ lên ngọn thấp cao
 
Thoáng đãng chiều dâng khúc nhạc êm
Hồn xuôi theo nước gửi bao miền
Chợt con tàu trắng còi loang nắng
Ngỡ rợp sông đầy cánh hạc lên.
                         Ngã ba Hạc, 1981
 
 
 
 
 
 
MỈM CƯỜI TRÊN GIẤY ĐIỆP
 
Dường như từ trăng kia các em xuống tắm hồ
Màu ngà ngọc tròn đầy da thịt
Dường như các em nở ra từ nước
Mát tươi tơ ngó ùa lên.
 
Suốt một ngày tay cuốc tay liềm
Giờ khỏa nước ngón xòe nõn búp
Trăng loáng chảy ướt ròng khuôn ngực
Chút ngập ngừng cong lẳn sáng bờ vai
 
Tay vin cành, hoa đấy, áo người đâu?
Cổ ba ngấn ngẩn ngơ chiều hương lúa
Màu đen thẳm tóc mây lại tỏa
Hương thầm thì mờ tỏ đêm sen.
 
Sóng dào lên sáng ánh tay em
Là vũ điệu dân gian của tảo tần bận mọn
Được buông thả hết mình cùng cỏ cây ngợi sáng
Được thật với chính mình nào dễ đâu em.
 
Họa sĩ dường nhập cuộc với thiên nhiên
Màu thuần phác đồng quê tươi mới mãi
Hồn dân dã tổ tiên trao gửi
Qua nét khắc mộc thô trên vân gỗ lượn bày.
 
Anh trân trọng truyền lên mặt giấy
Nét mỉm cười sau những giọt mồ hôi.
   
 
 
 
                                          
                                  
HAI NỬA VẦNG TRĂNG
 
Tình cờ anh gặp lại vầng trăng
Một nửa vầng trăng thôi, một nửa
Trăng vẫn đấy mà em xa quá
Nơi cuối trời em có ngóng trăng lên.
 
Nắng tắt đã lâu rồi, trăng thức dậy dịu êm
Trăng đầu tháng có lần em ví
Chữ D hoa như vầng trăng sẻ nửa (*)
Tên anh như nửa trăng mờ tỏ
Ai bỏ quên lặng lẽ sáng bên trời.
 
Ơi vầng trăng theo con nước đầy vơi
Trăng say đắm dào trên cỏ ướt
Trăng đầu tháng như đời anh chẳng thể nào khác được
Trăng cuối tháng như đời anh hao khuyết
Em đã khóc
Trăng từng giọt tan vào anh mặn chát
Em đã khóc
Nhưng làm sao tới được
Bến bờ anh tim dội sóng không cùng.
 
Đến bây giờ trăng vẫn cứ còn xanh
Cứ một nửa như đời anh, một nửa
Nhưng trăng sẽ tròn đầy, trăng sẽ…
 
Trăng viên mãn cuối trời đêm đêm em có nhớ
Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau.
                                                                                                  
 (*) Hoàng Hữu tên thật là Nguyễn Hữu Dũng
 
 
 
 
 
 
 
 
 
CUỘC TẬP TRẬN LỊCH SỬ 
 
Bộ tổng vừa triệu tập
Tướng lĩnh họp bất thường
Các binh chủng sẵn sàng
Diễn tập vào mai sáng!
 
Tướng mặt trời im lặng
Liếc mắt xuống “đồng hồ”
Tích tắc nữa đến giờ
Trận hiệp đồng lịch sử.
 
Chú lính kèn nín thở
Đại tướng khẽ phất cờ
Chú ráng sức “két ke”
Kèn cất lên rộn rã…
 
Đoàn phi cơ gầm rú
Cánh bạc loáng trời cao
Khi lượn, khi bổ nhào
Ôi ! Chim câu tuyệt quá !
 
Kìa - lính thủy đánh bộ
Vuợt biển xanh lên bờ
Súng vãi đạn như mưa
Cạc cạc cạc! Cạc cạc…
 
Hạm đội sư tử bạc
Lừng lững phóng ngư lôi
Tín hiệu đánh liên hồi
Qua ăng-ten cổ ngỗng.
 
Lũ cá tôm hốt hoảng
Sóng dạt vào cầu ao
Tưởng trời đất lộn nhào
Trong tơi bời lửa khói.
 
Thốt nhiên tiếng vang gọi
“Cúc cúc cúc” đầu sân
Lũ tôm cá nhô lên
Thấy bà vung nắm thóc…
 
Chẳng đợi kèn lệnh rút
Các binh chủng thu quân
Chật vòng ngoài vòng trong
Đứng quanh bà nhặt thóc.
 
Loa truyền tạm kết thúc
Buổi tập trận tuyệt vời
Đại tướng cũng “lặn” rồi
Mời các bạn tạm ngơi
Mai, thơ tôi kể tiếp.       
9 - 1981
 
 
 
 
 
 
 
 
KHÓI ẤM           
         Gửi Thắng
 
Mai rồi em đi xa
Để lại một chiều quê xóm nhà đồi anh vẽ
Núi Mỏ Quạ bỗng hừng lên, lạ thế
Nắng thơm mùi quả chín đang trưa.
 
Chỉ còn mỗi mình anh với gió bấc đang lùa
Anh trở lại nhóm lên mùi khói lá
Khói tuổi thơ cay cay tròng mắt trẻ
Chiếc ống cóng em mang, thu cả chiều đông giá
Chấm màu đỏ qua mưa qua gió
Cứ âm thầm lửa bén vào trong.
 
Mai em xa anh thức với màu xanh
Hàng ca-du khuất mờ gió loàng trên ngọn khói
Ước gì nơi cuối trời
Em giữ được trên tay, anh sẽ gửi
Màu khói ấm qua mưa dầm tháng Bảy
Tỏa mơ mòng như ánh mắt anh đây.
 
Bao xúc động trẻ trung anh đã gửi nơi này
Nhịp tim dạo giữa phập phồng lau cỏ
Trái tim đập tận tình phút tay em đến ủ
Giữa tay anh như búp thở đầu cành
Anh tìm lại tuổi mình nơi dông dài ngọn gió
Để sắc màu điềm tĩnh trước nhà em.
 
Mai em đi ngợp nắng gió đôi miền
Thoảng có phút nhớ quê đồi anh vẽ
Trong đời rộng bao nỗi niềm, em nhỉ!
 
Em hãy đến nơi phập phồng lau cỏ
Em hãy đến nơi chấm màu than lửa
Tim ta đập ngày nào giữa vô bờ ngọn gió
Còn đượm màu khói ấm nắng đang trưa.
                    Đại Lải, 11-1981
 
 
 
 
 
 
 
 
 
2. Truyện ngắn:
 
DƯỚI CHÂN NÚI CŨ
 Lần này ra Bắc, tôi cho cả con gái đi cùng. Đó là đứa con gái duy nhất của tôi, cháu đã lên sáu tuổi.
Chuyến nghỉ phép trước, tôi không thể mang cháu đi, đành gửi nội cháu trông nom giúp. Giờ thì Mai Chi đã lớn. Tôi hi vọng chuyến về quê này, bà ngoại sẽ bù đắp được cho nó phần nào nỗi mất mát lớn lao, mà ở tuổi lên 6, trẻ thơ chưa thể nào biết hết.
Phần nữa, may chăng khi ra Bắc, tôi tìm lại được anh, người họa sỹ, từ ngày gặp, chẳng lúc nào tôi nguôi quên. Có thể, anh Chi sẽ chỉ bảo cho tôi được nhiều điều. Không hiểu vì sao tôi mãi tin: anh chẳng bao giờ quên tôi! Như ngày nào mỗi lần gặp, mắt anh thường nheo cười “này Hà, có khi nào em không thấy núi Mỏ Quạ đẹp không? Riêng anh, dãy Mỏ Quạ lúc nào cũng mờ sương, thật thú vị.”
Không trả lời anh, tôi ngước nhìn bức tranh phong cảnh “Nhà đồi”, anh vẽ ở quê tôi. Tôi hiểu anh định nói gì. Nhưng cho đến giờ tôi mới thấm thía điều anh nói cùng tôi trong căn phòng nhỏ bảy năm về trước…
Mai Chi đã sang tuổi thứ sáu. Với gương mặt nhỏ, đường sống mũi thanh tú gập xuống nhẹ nhàng gặp nét môi khẽ mím, trông cháu thật đoan trang. Thoảng mới thấy mắt nó cười. Đôi mắt tựa hai giọt nước hồ thu xanh, thẫm đậm tận đáy, ánh lên mỗi khi gặp gió.
Ai cũng bảo hai mẹ con tôi giống nhau như hai giọt nước, mỗi lần nghĩ đến lời bàn ấy, tôi không khỏi ngậm ngùi. Chả lẽ đứa con gái – cái gạch nối của chúng tôi – lại không hề mang dáng nét gì của người bố trên gương mặt, trong cử chỉ, tính cách nó hay sao?
Bất giác tôi cảm thấy thương cảm anh, người chồng tôi sớm gặp nhưng cũng sớm chia tay.
Học xong chương trình ba năm, tôi ra trường với tấm bằng trung học thư viện. Nhờ có người quen thu xếp giùm, tôi nhận quyết định về công tác ở một thư viện tỉnh phía Nam. Xa xôi, phải; nhưng với tôi, tuổi trẻ, thì những miền đất lạ trong trí tưởng, trong những trang sách có sức hấp dẫn lạ lùng.
Quả thật nắng gió phương Nam, hoa trái cây vườn, kênh rạch và lối sống phóng túng của người Nam bộ đã không làm tôi thất vọng.
Ngôi nhà dành riêng cho thư viện tỉnh nép dưới vườn dừa trông ra dòng kênh đầy gió. Ngày làm việc đầu tiên trong đời tôi thật khó quên. Khi mở cửa phòng đọc, tôi mất đà, tay víu vào cánh cửa lạng ra thềm. Trước mặt tôi, một người trai tầm thước, mái tóc đậm in trên nền trời mùa hạ ngút xanh. Tôi sững sờ giây lát trước người lạ.
Cho đến giờ, mỗi khi nhớ lại, tôi không thể cắt nghĩa được cảm giác về màu xanh lạ lùng của bầu trời thủa ấy.
- Chào chị!
- Vâng xin lỗi, mời anh vào.
- Có lẽ chị mới nhận công tác? Xin tự giới thiệu: Tôi là Chánh, bạn đọc quen thuộc của thư viện – anh lướt nhìn tôi, tay phác một cử chỉ. - Nay muốn mượn chị ít cuốn sách.
Tôi nhìn anh thay cho lời đáp. Một người đàn ông, gương mặt hơi đanh, da ngăm ngăm màu nắng gió bưng biền. Tôi mẫn cảm nhận ra cách ngắt câu rành rọt trong ngữ điệu cùng cử chỉ kia, sự đàng hoàng của một người có bản lĩnh. Lần ấy anh mượn tôi cuốn “Mạch tích hợp và ứng dụng”.
Sau đó anh đến thư viện đổi sách luôn, lâu dần nên quen.
Thế rồi những lúc còn lại một mình, tôi hay nghĩ đến khoảng trời trưa bưng biền ngút xanh với mái tóc rậm. Mỗi khi nghĩ đến thật dễ chịu. Đến nỗi, lâu lâu anh không đến thư viện, tôi thấy nhớ. Tôi không lý giải được trạng thái tình cảm ấy. Chỉ biết, những ngày mưa, nhìn nền trời sũng nước, tôi thấy mình trống trải và hình như vắng thiếu một cái gì trong tâm hồn.
Không hiểu bao đôi lứa họ yêu nhau như thế nào, riêng tôi, tôi đã thầm yêu anh bắt đầu từ những khoảng khắc bất chợt, lạ lùng ấy.
Ít lâu sau chúng tôi yêu nhau thực sự và báo cáo cơ quan tổ chức lễ cưới. Xa xôi quá, thầy mẹ và các anh chị tôi không vào được, chỉ gửi điện mừng.
Hôm cưới, tôi không đòi anh trang hoàng gì ngoài chiếc phông xa-tanh màu da trời, treo ngang tường. Bạn bè anh, ai cũng mừng cho chúng tôi. Tôi mới vào, ít bạn. Nói thế, nhưng các bạn gái trong cơ quan, ai cũng thầm mừng cho tôi may mắn gặp được người chồng xứng đáng.
Chúng tôi ở tại căn phòng xép cạnh thư viện. Phải nói rằng, hồi đầu chúng tôi sống bên nhau thật êm ả.
Chồng tôi là kỹ sư vô tuyến, có nghề nghiệp vững vàng. Sau này, có dịp tìm hiểu kỹ tôi mới biết gia đình anh di cư vào Nam trước hiệp định Gơ-ne-vơ. Thỉnh thoảng anh nhắc về quê cũ Sơn Tây. Có một lần nghe anh kể chuyện làng, tôi lây niềm vinh dự, mình cũng là người con của vùng đất từng in dấu thơm trong sách cổ. Không khỏi cao hứng, tôi ngân lên khe khẽ:
“Nước biếc sông Đà, con cá nhảy
Mây trùm non Tản cánh diều bay”…
Nhưng kìa, anh chẳng hề có phản xạ gì trước sự xúc động của tôi. Gương mặt anh như tạc bằng đá, kín bưng.
Tôi thầm nhủ, những người làm khoa học thường ít có thì giờ quan tâm tới văn học. Suốt ngày, chồng tôi vùi đầu vào các bản sơ đồ chằng chịt mạch điện. Được ngày nghỉ hay chủ nhật, anh khuân về đủ thứ: máy nghe băng, đài điện, vô tuyến. Tôi  biết, anh lo chữa chạy cái đống máy móc này để gia đình có thêm một khoản tiền chi phí. Nhất là, sang xuân, tôi sinh cháu đầu lòng. Tôi tự an ủi để quen với cách sống của anh. Chẳng qua, cũng bởi thương vợ và quá lo lắng cho cuộc sống sắp tới nên anh chẳng có thì giờ để quan tâm tới việc vặt trong nhà.
Tôi rất muốn cùng anh đi xem phim vào tối thứ bảy, mỗi khi có phim hay. Nhưng hễ nhìn thấy anh vừa buông bát đũa đã cầm tuốc-nơ-vít chọc chọc vào máy, tôi đành thôi.
Tôi sinh cháu. Mọi sự đều vuông tròn. Hôm đón mẹ con tôi từ bệnh viện về, anh có vẻ không vui. Mãi sau này tôi mới hiểu: giá Mai Chi là một cậu con trai và giống anh thì hơn! Còn tên con, tôi tự ðặt, có lẽ chẳng bao giờ anh hiểu…
Cuộc sống cứ thế trôi qua. Giữa tôi và anh ðã ngầm có một khoảng cách. Cả hai không ai nói với nhau, nhưng đều mơ hồ cảm thấy điều ấy tuy vô hình nhưng có thực.
Nếu như chỉ có thế, tôi sẵn lòng chấp nhận tất cả để bù lấp vào đó bằng tình thương lặng lẽ vốn có của người vợ. Tôi tự an ủi mình rằng, người yêu lý tưởng và cuộc sống thực của một gia đình là hai vấn đề khác nhau, dễ mấy ai đã hòa nhập và may mắn đạt được.
Đôi lần, anh đèo sau xe máy về nhà, khi dăm thanh gỗ li-tô, khi thì vài chục thước dây điện đã cũ. Lại khi, gần hết chương trình “tiếng thơ” anh lôi về một cánh cửa rộng đã long sơn nhưng còn tốt.
Lần ấy, từ bếp ùa lên, tôi thấy anh vừa lôi trong ca-táp ra một bọc giấy báo nhỏ. Ở chỗ báo rách, tôi nhìn thấy mươi chiếc bóng bán dẫn màu xanh mới nguyên. Anh giật mình, nhưng nhìn thấy tôi, anh yên tâm ngay.
- Mình ạ, có gì đâu. Vài thứ phụ tùng để thay thế cho khách hàng đấy mà.
Tôi lẳng lặng nhìn vào mắt anh, nhưng anh đã nhìn đi chỗ khác. Từ hôm ấy, ở bên anh, tôi chẳng còn thấy mái tóc xõa trên vầng trán sáng nữa. Hình như trên vầng trán anh cứ chập chờn một khoảng mờ tối, rồi đột nhiên tan đi sau phút giật mình. Cái khoảng mờ tối cứ ám ảnh, bám chặt vào ý nghĩ thường nhật của tôi
Có thật thế không? Câu hỏi tựa mũi khoan xoáy vào óc tôi. Chẳng lẽ, anh – người mà lần đầu với nhậy cảm của phụ nữ, tôi nhận ra tư cách đàng hoàng, thoáng đạt – lại thế ư? Không, có thể anh đã biết nén mình, chỉ vì tôi và con mà phải cắm cúi, xoay xở để giữ lấy sự êm đềm của tổ ấm. Chao! Chẳng lẽ chồng tôi lại có thể dễ đàng đổi cả tư chất tốt đẹp nhất của tâm hồn để lấy lại vài thứ vặt vãnh mau hỏng sao? Thêm một cánh cửa này, gia đình tôi ấm êm thêm, nhưng biết đâu căn phòng bị khuyết cửa kia đã chẳng lạnh gió mưa sau đêm bão?
Tôi bị ám ảnh bởi ngôi nhà khuyết cửa cứ sâu hoáy một khoảng tối, xiêu vẹo, trong tiếng rít của gió. Từ khoảng tối đen ngòm, run rẩy ánh nhìn hốt hoảng của lũ trẻ và người mẹ. Ngôi nhà đổ ụp xuống rồi lại đứng dậy, lại ụp xuống. Có người nào đó thoắt tới giữ ngôi nhà đứng yên. Không phải. Người ấy gỡ cánh cửa ra khỏi nhà! Tôi nhắm mắt lại. Không, người ấy không phải là anh, không phải anh Chánh! Cổ tôi nghẹn đắng, dường như có một cục gì nằng nặng chèn lấp. Tôi không nghĩ được nữa, nước mắt ứa ra…
Tôi nấc lên mỗi lúc một to, khiến anh phải bỏ dở đống máy, bước vào buồng, ngỡ ngàng. Sau rốt, anh đặt tay lên vai tôi:
- Em có điểu gì phiền muộn?
- Không! – Tôi gạt tay anh tuột khỏi vai tôi ướt nước mắt. – Em may mắn, em nhàn nhã vì có anh ở trong nhà!...
Tôi nấc lên vì cay đắng. Vị ngọt của hạnh phúc là thế ư? Điều mà tôi mơ mộng suốt một thời học sinh tươi trẻ đã đến với tôi thế này đây! Bao trang sách, bao dặm đất cùng những tâm hồn cao cả, tôi nuôi dưỡng trong tâm tưởng, tôi kiếm tìm và bây giờ tôi gặp…!
Sau lần ấy, chúng tôi sống với nhau thêm một thời gian nữa. Cả hai chúng tôi cùng lặng lẽ, chỉ nói với nhau những lúc thật cần thiết. Tôi dồn hết tình cảm cho Mai Chi.
 Anh vẫn thế, vẫn yêu mê mải những linh kiện, sơ đồ. Có điều anh xử sự với tôi thận trọng hơn. Còn tôi, tôi nhận thấy trên gương mặt đanh kín của anh sự cứng rắn và giận dỗi ngấm ngầm.
Nhưng rồi, cái gì đến ắt phải đến. Làm sao khác được, vợ chồng tôi không thể sống trong không khí căng thẳng và gượng gạo này mãi. Tôi thành tâm nói với anh:
- Anh Chánh! Thật căng thẳng, nếu chúng ta cứ kéo dài cảnh sống này. Sẽ chẳng có lợi gì cho mỗi người và Mai Chi. Em biết rằng sự cố gắng của mỗi người cũng không thể làm cho chúng ta xích lại gần nhau được nữa. Bởi lẽ, anh và em chẳng cùng hướng về một phía.
Nói xong, người tôi run lên, ớn lạnh. Tôi phải vịn tay vào cánh cửa cho khỏi khuỵu xuống. Im lặng. Mãi sau tôi mới đủ can đảm nhìn anh.
 Anh ngồi yên bất động rồi nặng nề đứng dậy:
– Thôi, tùy em!
Không dễ dàng gì, cuối cùng chúng tôi cũng thỏa thuận được với nhau rằng, Mai Chi sẽ ở với mẹ. Tôi và anh trao nhau một tờ giấy nhỏ (thay cho giấy ly hôn) cam kết về sự chia tay đáng tiếc này.
Tôi vẫn ở lại thư viện. Hôm anh đi, tôi bồng con đứng ở thềm nhìn theo.
Mới sáng, trời đã xanh ong óng. Vâng, trời lại xanh như trưa nào, mái tóc anh in đẫm trên nền mây nhòe trong nước mắt, thoáng vỡ ra một khoảng mờ tối, chập chờn.
Ra Hà Nội, tôi ở lại nhà chị gái tôi ít ngày cho lại sức, sau đó, hai mẹ con mới thu xếp về thăm bà.
Tôi tìm cách hỏi tin anh Chi qua một vài người quen. Thật khó. Anh làm việc ở một tỉnh nhỏ, thảng hoặc mới về Hà Nội, nên ít người biết. Chỉ còn một người có thể hỏi được tin anh, nhưng tôi lần lữa chưa đến.
Hồi mới quen, có lần tiện đường, anh Chi rủ tôi đến chơi nhà người thân, người mà anh thường nhắc tới với lòng trìu mến và kính trọng. Tôi đã không chiều ý anh. Tôi ngại, vì biết anh Vũ Thư, một nhà thơ trẻ đã nổi tiếng, tôi biết ăn nói ra sao khi gặp người ta lần đầu. Phần nữa, chính là sự tránh né bản năng vốn có của bất kỳ người con gái nào trước những người đàn ông có “ý định” với mình mà mình không để tâm đến.
Giờ thì tôi đang ngồi đối diện anh Vũ Thư. Bao nhiêu sự lúng túng, tôi dồn cả vào đứa con nhỏ để được bình tĩnh trước anh. Khó khăn lắm, tôi mới tự giới thiệu được về mình. Ngỡ như, đấy là giọng của người lạ được phát qua băng cassette.
- Thưa anh! Em muốn được biết tin anh Chi, em biết chỉ có anh mới thông cảm và có thể giúp được chăng?
Tôi mạnh dạn nhìn thẳng vào anh và cảm thấy nhẹ nhõm như vừa đặt được gánh nặng xuống chặng nghỉ đường dài.
- Vâng, khi cô đến, tôi thoáng nghĩ, đây là người mà Chi thường nhắc tới – anh Thư nhìn tôi cởi mở kể tiếp. – Tôi coi Chi như em ruột. Đó là một chàng trai đôn hậu, tinh tế và rất có bản lĩnh. Thuộc loại người ít nói, nhưng cậu ấy dễ cởi mở với những ai đã tin cậy. Thỉnh thoảng Chi về Hà Nội làm việc với các nhà xuất bản, anh em chúng tôi lại gặp nhau. Có một dạo, Chi buồn nhiều. Nhìn gương mặt vốn dĩ tư lự của cậu ấy, tôi đọc được nỗi buồn thảng thốt tựa khói mỏng chờn vờn trên mái rạ sau mưa. Tôi không hỏi, nhưng thừa biết, tuổi trẻ thường có những mối tình như thế. Yêu một mình, đau khổ một mình rồi chờ đợi vô căn cứ.
Cậu ấy đợi mãi thư của cô. Nhưng cuộc đời đâu suôn sẻ thế. Khi con người đến tuổi trưởng thành, có biết bao mối tình ràng buộc, biết bao công việc vây quanh mình, mà với khả năng có hạn, người ta chỉ đủ sức để giải quyết được những việc thật cần thiết cho bản thân mình.
Hai năm sau, Chi cưới một cô giáo dạy ngoại ngữ ở trường huyện. Gần ngày cưới, Chi băn khoăn lắm, muốn gửi thư cho cô mà không được vì không có địa chỉ. Bây giờ cô chú ấy đã có con, cháu gái vừa ba tuổi. Mới đây thôi, thư gửi cho tôi từ Đồng Văn, đề ngày bốn tháng tám, cậu ta kể chuyện đi vẽ “chốt”. Cuối tháng chín này Chi mới về, chắc gì cô đã gặp được Chi?
Vâng, tôi chẳng đủ thời gian để gặp anh. Khi anh về tôi đã phải có mặt ở An Giang để làm việc.
Mẹ con tôi xin phép anh Vũ Thư ra về. Anh Thư bế Mai Chi ra cửa, vuốt tóc cháu rồi đặt vào tay nó một quả cam, lặng lẽ gật đầu chào mẹ con tôi.
Thế là hết. Tôi không còn hi vọng gặp lại anh. Tôi đã để tuột khỏi tay mình một thứ vô cùng quý giá. Tôi phải gánh chịu lấy mọi đau khổ một mình, không người san sẻ. Khi anh cần tới thì tôi im lặng, khi tôi đau buồn, tôi lại muốn được anh sẻ chia!
Vẫn biết, tôi quý trọng anh. Lẽ ra, tôi phải cư xử với anh ưu ái hơn, phải có thư về thăm anh dù chỉ đôi dòng thông báo khô khan. Tôi giận mình quá ích kỷ và đã xử tệ với anh. Tôi xấu hổ với chính mình, máu nóng dồn lên mặt, ngỡ bất cứ người qua đường nào cũng nhận ra tôi.
Tôi ôm chặt Mai Chi vào ngực, mặt nép sau vai nó, tránh vào bóng tối vỉa hè.
Gió từ lòng đường lướt lên quẩn vào tôi lạnh giá. Đêm Hà Nội chẳng yên tĩnh chút nào. Bầu trời lẫn vào ánh sáng vàng ệch của dãy đèn đường, nhưng tôi vẫn nhận ra, từ tận cùng cao thẳm, ánh sáng một ngôi sao chiếu ra lóng lánh như vô vàn mảnh kính vỡ.
Tôi sẽ về quê trước một ngày. Ở lại Hà Nội nữa mà chi.
Trong đầu tôi, ý nghĩ không đầu, không cuối miên man, chằng chịt, chồng chéo lên nhau. Chiều hôm sau, có việc, tôi qua bưu điện Bờ Hồ, vui chân rẽ vào cửa hàng sách ngoại văn Tràng Tiền rồi tạt qua Ngô Quyền sang vườn hoa Diên Hồng. Khi bước chân lên vỉa hè, một tấm quảng cáo rực rỡ dập vào mắt tôi: “Triển lãm tranh của các họa sỹ trẻ”. Tôi do dự rồi tiếp tục đi, nào tôi có am hiểu gì về hội họa. Ngẫm nghĩ thế nào tôi quay lại. Biết ðâu trong ðấy có tranh của anh?
Tôi býớc vào phòng triển lãm với tâm trạng bồi hồi. Chẳng còn lòng dạ nào để thưởng thức. Tôi chỉ đọc và đọc khá kỹ các phụ đề. Đúng hơn tôi tìm tên anh.
Qua hàng cột vào góc phòng trong, tự nhiên tôi có linh cảm rằng, nơi khoảng sáng kia sẽ có điều tôi mong đợi. Tim tôi đập mạnh mẽ, tôi nghe rõ tiếng nhịp tim đổ hồi như một quả chuông con. Phải, tôi không lầm. Ở trên cao, bức tranh được lồng trong khung kính giản dị. Điều bất ngờ hơn lại là bức tranh anh vẽ phong cảnh quê tôi. Bức tranh duy nhất được anh treo trong phòng làm việc bảy năm về trước.
Buổi chiều thu núi giăng khói sương. Con dốc mảnh dẻ như sợi chỉ, men mén lên đồi. Đôi ba ngôi nhà đất díu vào nhau bên lùm cây xanh thẫm. Hoàng hôn buông thả chút nắng sót, cong hờ trên lườn núi xa rồi nhập vào nền mây tím… Chỉ có thế!
Tôi chập chờn trong sương khói vùng đồi. Dãy núi như bọc lấy tôi, rồi lại mở ra. Bức tranh không vẽ người, nhưng kìa, sao tôi thấy mình đang dắt Mai Chi ngược lối mòn lên đồi, phía những ngôi nhà đất rồi ngập vào trong bóng cây ca du…
…Mùa thu đến sớm với vùng đồi hơn bất kỳ nơi đâu. Dưới chân núi Mỏ Quạ, heo may đã thả đầy đồng. Gió len lỏi trong những vệt lau thưa rồi bất chợt thổi tung lên màu hoa lau trắng xốp. Nếu không có đất giữ lại, hẳn màu hoa kia sẽ bay lên lẫn vào mây núi.
Quê tôi toàn đồi trọc, cây cối cằn nên hiếm củi. Sim, mua, dành dành, cỏ tế bị chặt sát tận gốc. Cho dù có đang là mùa mưa, chúng cũng không thể nào nảy lên được. Lũ trẻ xóm tôi bòn mót mãi. Những hôm nào núi xa, về tới nhà đã tối đặc. Cuối cùng chúng tôi bàn nhau đi quét lá ca du. Hàng cây ca du đầu xóm đang mùa đổi lá. Lá ca du nỏ khô, phào phồng phủ kín đất. Chúng tôi chia nhau mỗi đứa vài gốc quét lá gom lại, lèn đầy bao tải. Riêng tôi thường cầm cái que nhọn xiên từng chiếc lá thành một xiên như xiên chả dài rồi tuốt lá ấn vào bao. Những chiều kiếm lá, chẳng đứa nào trong bọn chúng tôi lại không có một chiếc ống bơ đầy than lửa. Lúc lúc vung tay quay tít chiếc ống sắt, khiến than uống gió đỏ hực, khói lên nghi ngút, ấm lạ lùng.
Thường khi, lê được bao tải lá về tới nhà, trời đã xâm xẩm tối. Từ trong bếp, bà tôi đã nhảng ra đỡ tải lá trên vai tôi: “Khổ thân cháu gái bà”! Vốn dĩ mảnh người, hay ốm vặt, tôi được bà thương nhất nhà. Biết thế tôi cố kiếm thật nhiều lá để bà khỏi phải còm cọi quét lá tre sau vườn.
Tuy còn bé, tôi cũng kiếm được đủ lá cho bà đun. Mỗi lần về đến đầu ngõ, thấy khói bếp lên xanh là tôi mừng. Hôm nào vắng khói lên, y rằng bà lại ốm hoặc đau mình vì trời trở gió.
Những sợi khói bếp ấm áp suốt tuổi thơ tôi giờ đang tỏa trong tranh của anh chăng?
Không biết người ta định nghĩa nghệ thuật là gì, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, chính anh bằng khả năng sáng tạo của mình đã giúp tôi nhớ lại được những gì đã qua và thấm thía với những gì mình đã có.
Tôi như mơ, như tỉnh, ngỡ anh đang lặng nhìn tôi. Đôi mắt sáng ánh lên, thoáng u trầm:
- Hà ạ. Em biết không, anh vẽ bức tranh này hồi mới ra trường. Mười ba năm qua đi. Nghĩa là, khi anh vẽ núi Mỏ Quạ quê Hà, em mới là một cô bé lên mười. Giờ thì…
Tôi thầm đoán được tình cảm kín đáo của anh. Thường Chủ nhật, tôi ra thăm anh. Vẫn chỉ có anh với bức tranh phong cảnh treo trên tường. Dăm ống thuốc vẽ bẹp dí, lăn lóc bên những chiếc panh-xô cạnh giá vẽ. Mùi dầu lanh quyện với mùi dầu sơn vẽ quánh trên mặt vải tỏa ra hương vị đặc biệt lạ lùng, ngất ngây dễ chịu. Anh vẫn điềm tĩnh ngồi vẽ nhìn tôi với đôi mắt buồn nhưng sáng. Tự nhiên, tôi thấy thương anh thực sự và vô cùng cảm mến.
Tôi chăm sóc anh như một người em gái. Còn tại sao không yêu anh, cho đến giờ tôi chẳng hiểu nổi mình. Có điều chắc chắn, chẳng bao giờ tôi quên và luôn biết ơn anh với ý nghĩ thành thật.
Tôi đã bước vào ngưỡng cửa cuộc đời đầy mơ ước của tuổi trẻ hực sáng. Bức tranh anh có ý dành riêng cho tôi như một thứ quà tặng đặc biệt. Từ ấy, tâm hồn tôi giàu có hơn. Sự trầm tĩnh, từng trải của anh sớm cho tôi ý thức được phía trước cuộc đời mình phải đâu chỉ là những điều tốt đẹp. Cái chính là con người tự biết vượt mình.
Thế rồi tôi ra trường. Trước hôm đi xa, tôi đến chào anh, nhưng anh đã theo đoàn sà lan vượt sông Đà…
Tôi mang theo bao kỷ niệm về anh như mang theo hành trang quý giá nhất của mình vào đời. Sau này, khi đã có con, khi tôi chia tay với người chồng nơi đất lạ, mỗi lần nghĩ tới anh, tôi lại thấy yên lòng và yên tâm sống.
Phải, tôi sẽ làm lại tất cả. Tôi sẽ trở về cội nguồn của tình thương yêu, để từ đó lại ra đi…
Những gì cần phải có cho con người, vẫn ở phía trước chờ đợi tôi.
Tôi ngập vào chuỗi ký ức khi cùng anh ngồi bên giá vẽ, khi ríu rít cùng bầy trẻ xóm, dưới bóng cây ca du thơm hăng mùi khói lá…
Nếu không có chuông báo triển lãm sắp đến giờ đóng cửa, tôi sẽ còn được sống lại những phút giây cảm động của đời thực mà anh trao gửi qua nét màu giản dị, giàu chân cảm trong tranh phong cảnh “Nhà đồi”
Chuyến tàu nhanh dừng lại ga Phúc Yên, mẹ con tôi xuống tàu, đáp xe ngựa về Đại Lải.
Tôi và Mai Chi ở quê được vừa đúng mười ngày. Thầy tôi có việc phải về Hà Nội với anh chị tôi, thành thử ở nhà chỉ có ba bà cháu với nhau. (Bà ngoại tôi đã mất cách đây mười năm).
Tôi rào lại mảnh vườn cho mẹ. Tôi chần lại chiếc áo bông đã sờn của bà để lại cho mẹ. Tôi giặt giũ, phơi phóng chăn màn… Tôi làm đủ việc. Làm để bù lại những gì tôi chưa làm được như ý mẹ mong mỏi.
Tôi biết mẹ tôi không vui. Bà dành hết tình thương yêu cho cháu gái Mai Chi bất hạnh của bà, như ngày xưa bà ngoại dành cho tôi tất cả tình thương mến. Mai Chi hỏi bà luôn mồm: “Bà! Đây là cây gì hở bà? Sao người ta lại gọi nó là cây ca du? Bà ơi! Tại sao buổi sáng núi Mỏ Quạ màu xanh, buổi chiều núi màu tím, ư bà? »… Mẹ tôi phải trả lời hàng loạt câu hỏi của nó. Có lúc không trả lời cháu được, mẹ tôi bảo: «Thôi, cháu ngoan đừng hỏi nữa, bà mệt. Nào cầm chổi ra ngõ quét lá với bà để chiều đun cám».
Tôi nhìn theo hai bà cháu lúi húi quét lá ca du đầu ngõ.
Đã chớm thu. Như bao mùa trước, thu về đây sớm hơn bất kỳ đâu. Núi Mỏ Quạ tím mờ hơi sương. Heo may đã thổi bùng lên những bông lau trắng xốp dọc triền đồi.
Anh ở đâu?...
Có khi nào anh không thấy núi Mỏ Quạ đẹp không? Núi vẫn tím như ngày nào anh vẽ. Nhưng chiều nay, dưới chân núi cũ, bé Mai Chi sáu tuổi của em cũng đang gom lá ca du khô cho bà nấu cám.
Đừng quên em, anh Chi nhé!
Bao giờ em cũng biết ơn anh đã dành cho em vào thủa tươi trẻ nhất, quà tặng của nghệ thuật. Mà, đến giờ, em mới thấm hiểu: có những điều chỉ lờ mờ khói sương, có những điều tưởng vô cớ không đâu lại có thể làm dịu đi vết xước đau, dìu ta qua được những tháng năm trồi sụt của đời người.
Trung tâm cấp cứu Việt Trì, 5-1981.
19/1/2018
Xuân Mai - Nguyễn Ngọc Tung
Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Theo http://hoivhntvinhphuc.org.vn/ 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...