Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

Văn xuôi Vĩnh Phúc - Phần 5b

Văn xuôi Vĩnh Phúc - Phần 5b

 ĐỖ HÀN

 Nước mắt thánh nhân
Tập truyện ngắn đoạt Giải Khuyến khích,
Giải thưởng VHNT tỉnh Vĩnh Phúc 5 năm lần thứ IV (2011 - 2015)
NƯỚC MẮT THÁNH NHÂN
Gióng ôm xác mẹ khóc rống lên.
Tiếng khóc ồ ồ, có lúc tắc nghẹn; vừa tức tưởi, vừa nghẹn ngào, vừa ngây ngô. Rừng xanh cũng như buồn lây. Im phắc! Chim rừng cũng như chia sẻ. Im phắc!
Gióng lóng ngóng lật mẹ từ bên này sang bên khác, lật đi, lật lại. Miệng gào to: Mẹ… Mẹ ơi... Tiếng gọi đập vào núi đá ầm ầm, âm âm rồi tắt ngấm.
Đã bao giờ Gióng gần xác chết thế này đâu. Trong chiến trận, ngồi trên lưng ngựa, Gióng chỉ thấy ngựa sắt phun lửa cháy tóc, cháy áo lũ giặc, khét lẹt. Gióng vung gậy sắt rồi vung cả bụi tre ngà, quơ sang hai bên mình ngựa, lũ giặc chết như ngả rạ. Gióng có biết chôn người chết như thế nào đâu. Việc ấy đã có các đoàn dân binh theo sau ngựa Gióng lo toan.
Giờ ôm xác mẹ giữa rừng sâu, Gióng sợ và Gióng lóng ngóng!
Hôm đó, trên đỉnh núi Sóc, Gióng ghìm cương ngựa, quay nhìn bốn phía. Lũ giặc Ân đã tan tác, chín phần chết, một phần sống sót chạy vào rừng hay nhảy xuống sông, run như cầy sấy. Quân triều đình đang lo bắt tù binh và thu gom vũ khí. Dân binh các ấp đang lo dập lửa ở các thôn xóm và chôn cất các xác giặc.
Làng xóm cháy miên man. Từ phía tả ngạn sông Hồng sang phía hữu ngạn sông Cầu, sông Đuống, các đám cháy vẫn bốc lên rực trời. Một phần đám cháy là do giặc đốt, một phần là do lửa phun ra từ miệng ngựa sắt của Gióng. Gióng gạt mồ hôi, cởi giáp sắt vắt lên lưng ngựa rồi vỗ vỗ tay vào mông ngựa sắt.
- Mày từ đâu đến thì về nơi đó đi. Giặc chết hết rồi.
Ngựa sắt co hai chân trước, tung bờm hý lên ba hồi thống thiết như chia tay.
Gióng bảo:
- Tao nhớ Mẹ, tao về làng đây!
Ngựa sắt chớp chớp mắt, gật đầu.
Gióng bảo:
- Mẹ tao nghèo lắm, tao thương mẹ!
Ngựa sắt rung bờm, gật gật.
Gióng bảo:
- Đi nhé! Nhớ đừng phun lửa nữa, cháy hết nhà, hết lúa rồi đấy!
Ngựa sắt liếm lên tay Gióng.
Người và ngựa bịn rịn chia tay.
Giữa lúc ấy, một cơn giông kéo đến, trời tối sầm. Gióng luống cuống tìm đường xuống núi. Một tiếng sét rung đất chuyển trời. Lòa sáng rồi tắt ngấm. Một đường sáng chói nối giữa tầng mây xám với đỉnh núi Sóc. Trong nháy mắt, ngựa sắt tan vào trong luồng sáng chói ngoằn ngoèo lên mây…
Gióng về đến nhà thì đã quá nửa đêm. Trăng cuối tháng ròng ròng màu trắng sữa, tỏa khắp cánh đồng, cây đa, mái đình, phủ lên làng xóm huyền ảo. Mẹ vẫn ngồi ở bậu cửa ngóng ra ngõ. Thấy bóng của Gióng lừng lững ngoài ngõ, bà lật bật chạy ra đón.
Gióng hét lên: Mẹ… Mẹ… rồi định sà vào lòng mẹ. Nhưng rồi cậu đứng sững lại. Mẹ nhỏ thó, đen đúa đứng chỉ đến đầu gối cậu. Mẹ giang hai tay, lập bập rên lên: Gióng, Gióng đấy phải không?. Bà kiễng chân, tay quờ quờ cũng chỉ xoa được vào hai cái đùi chắc như hai cột lim của con.
Gióng đành đưa một tay xuống, ôm vào lưng mẹ, gần như là cắp mẹ vào nhà.
Nhưng Gióng cũng không thể vào nhà. Thân hình kềnh càng, to cao của cậu, cúi gập xuống cũng không thể lọt qua mái tranh. Gióng đành ngồi giữa sân, nhìn Mẹ.
Mẹ lăng xăng chạy quanh người Gióng. Bà lấy khăn ướt lau cẳng tay, lau ngón tay rồi lau lưng cho Gióng, miệng xuýt xoa: Con bẩn hết người rồi… đen sạm nữa... khổ thân con… khổ thân con tôi quá!
Gióng trìu mến nhìn mẹ rồi bỗng xịu mặt:
- Mẹ ơi… Con đói!
Đúng là lúc này Gióng đói thật.
Đã ba ngày nay, Gióng chưa có một thứ gì vào bụng. Mấy hôm trước, mẹ bỗng sốt xình xịch trên lưng Gióng. Từ ngày cõng mẹ vào rừng, ngày nào mẹ cũng chỉ cho Gióng những quả trên cây có thể ăn được. Gióng nhón chân là với tới. Mẹ lại chỉ cho Gióng biết những củ mài, củ từ nằm sâu dưới đất. Gióng dùng con dao nhỏ, cạy một lúc là có ăn. Mẹ sốt, sốt li bì, mặt mẹ đỏ rần, tóc tai mẹ bơ phờ, người mẹ nóng hầm hập. Mẹ chỉ đòi uống nước. Gióng lóng ngóng chẳng biết chăm mẹ thế nào. Một mình Gióng, không biết tìm quả gì, củ gì để ăn. Gióng đói, đói lả người bên thân hình gầy gò đang hầm hập sốt của Mẹ. Giọng Gióng thì thào:
- Mẹ ơi… Mẹ dậy đi… Con đói!!!!
Sáng sớm hôm đó, Mẹ lôi tất cả khoai lang dưới gầm giường ra, khều tất cả ngô giống vắt trên dây xuống, đào tất cả sắn non trong vườn, luộc cho Gióng ăn. Mẹ nghẹn ngào:
- Con ơi, nhà mình nghèo, con ăn tạm thế nhé, lát nữa trời sáng, mẹ đi mò cua, bắt tép về nấu canh cho con ăn.
Gióng ăn một loáng hết sạch khoai, ngô, sắn mẹ vừa luộc ra dù chúng còn nóng hôi hổi.
Gióng vươn vai rồi ngó xuống mái nhà, mái nhà đã dột, lâu không ai dọi lại. Gióng  nhìn vào cái chõng tre mẹ vẫn thường nằm, cái chiếu rách lua tua, thủng ở giữa, nơi mà ngày trước Gióng đái dầm, mặt chiếu thâm lại. Gióng ngẩn ngơ, thương mẹ lắm nhưng chẳng biết làm gì. Tay Gióng lóng ngóng kéo mấy nụn rơm đậy lên mái nhà, như chơi đồ hàng. Mấy nụn rơm lả tả rơi xuống đầy mặt chiếu. Nản quá, Gióng ngồi tựa vào gốc cây sấu ngáp dài rồi ngủ gật. Quá trưa, Mẹ mang một rổ ổi về. Gióng bừng tỉnh, chưa kịp ăn thì nghe tiếng nhiều người xôn xao ngoài ngõ.
Dân làng nghe tin Gióng về nhà, đã ùa theo Mẹ…
Thế rồi, người gánh, người đội, người đẩy xe mang gạo, mang bí, bầu, khoai, sắn… ùn ùn kéo đến. Một loáng, gạo chất cao như đồi, ngô dồn vào thành mấy đống.
Nhưng không như lần Gióng sắp ra trận. Dân làng vẫn lúi cúi nấu nướng cho Gióng ăn, nhưng người nào người nấy cứ lấm lét, nem nép nhìn trộm Gióng. Gióng đi đến đâu, dân làng đều chạy dạt ra xa, nếu không kịp thì quỳ thụp xuống, vái lia vái lịa.
Gióng lấy làm lạ lắm!
Gần tối, một đoàn bô lão với áo the khăn đóng, rước một cái hương án và có một cỗ kiệu to đùng đi vào sân.
Đồng loạt các cụ bô lão quỳ sụp xuống trước mặt Gióng, lạy như tế sao. Gióng ngơ ngác rồi gọi Mẹ.
Mẹ Gióng lập bập chạy ra, chẳng biết làm gì, cũng rập đầu lạy các cụ bô lão.
Một cụ già nhất trong làng trịnh trọng thưa:
- Kính lạy đức Thánh! Chúng con người trần mắt thịt, không biết Người về. Nay chúng con thể theo lòng dân, kính xin đức Thánh vui lòng dùng bữa tối, rồi dời nhà đến ở đình làng để dân làng chúng con tiện bề cung kính!
Gióng đưa mắt cầu cứu Mẹ.
Mẹ vẫy tay ra hiệu Gióng cúi xuống. Gióng đang ngồi giữa sân, người phải gần như nằm nghiêng sang bên hè bếp. Mẹ với miệng gần tai Gióng thì thầm:
- Con ơi! Ngày xưa vì mẹ vào rừng gặp cha con, mẹ mang tiếng không chồng mà có chửa, bị dân làng đuổi ra ở chỗ vắng vẻ này. Nay, con phải nghe các cụ bô lão thôi. Nếu không, mẹ con mình không có đất mà dung thân con ạ!
Gióng cười hì hì rồi bảo:
- Mẹ đi với con!
- Ừ, con ra ở đó, rồi ngày nào mẹ cũng ra với con.
Gióng ngoan ngoãn:
- Vâng ạ!
Tối đó, cả dân làng bày tiệc ra đường, bày mâm cỗ ra vườn, cùng vui đánh chén cho tới khuya. Tiếng bát đũa khua vào nhau loeng queng, tiếng cười, tiếng nói rổn rảng như hội làng.
Rồi kèn trống nổi lên. Kiệu bát cống hạ xuống. Mười sáu thanh niên trai tráng của làng gồng những bắp thịt rắn như đồng hè nhau nâng kiệu, rước Gióng về đình.
Gióng cứ lay mẹ, giật áo mẹ mà gào. Hai tay Gióng lật mẹ bên phải, quay mẹ bên trái, lắc, rung. Giọng Gióng da diết:
- Mẹ ơi! Mẹ dậy đi, con đói!
Mẹ từ từ mở mắt:
- Đã tìm thấy cha con chưa?
- Chưa… ưa!!!
- Ừ, gắng lên con. Tìm thấy cha thì mẹ con mình sẽ không phải đói, cha con ở phía núi Tam Đảo kia con ơi…
- Ứ ừ… con không đi nữa - Gióng dằn dỗi.
Mẹ nhắm nghiền mắt, thều thào:
- Khổ thân con tôi. To lớn thế này mà không được ăn. Trời đất có thương, hãy cho con tôi sớm tìm được cha nó, để tôi có ra đi cũng mát lòng…
Người mẹ lả đi.
Gióng lại lắc, lại rung cái thân hình còm cõi… Cậu khóc tồ tồ: Mẹ ơi! Tìm thấy cha là no hả mẹ, mẹ ơi...
Những ngày đầu cõng mẹ vào rừng, Gióng đâu có biết đường rừng mịt mù như thế! Hai chân mẹ bị gãy, thõng thượt trên lưng, lắt lẻo theo bước đi của Gióng. Thân hình to lớn và bước chân huỳnh huỵch của Gióng làm lũ muông thú chạy dạt xa. Mẹ dạy Gióng làm bẫy nhưng Gióng cứ thập thò nhòm ngó, chẳng con thú nào sa bẫy cả. Hai mẹ con cứ ngày rẽ cây rừng mà đi. Tối đến ăn tạm nắm củ, quả hái vội, uống nước suối mà hy vọng tìm được cha…
Gióng ở đình làng được dân làng nuôi ăn no đủ. Hàng ngày Gióng ngồi trên chiếu điều ở giữa đình, vây xung quanh là các vị bô lão. Suốt ngày Gióng nghe những lời thưa:
- Lạy Thánh! Chúng con định xây lại ngôi chùa, Ngài chọn hướng giúp cho làng ạ!
- Kính lạy Thánh! Ngày kia dân làng định cho đào con mương ở đầu làng, kính Ngài chọn ngày giờ đẹp cho chúng con được nhờ ạ!
- Lạy Thánh chí tôn! Nhà con sắp sinh cháu, xin Người mở lòng thương, đặt tên cho cháu...
Gióng ngơ ngác nhìn quanh. Từ trước, Gióng có biết những chuyện này đâu? Mắt Gióng cứ hút vào mấy đứa trẻ đang tồng ngồng chơi khăng ngoài sân.
Các cụ bô lão trông coi Gióng cẩn mật lắm. Ăn uống, tắm rửa, đi tè, đi ị… các cụ đều phân công người chăm chút từng ly, cấm có để Gióng phải đụng tay chân vào việc gì. Mỗi lần buồn tè, Gióng nhõng nhẹo “Ông ơi, cháu tè”. Lập tức có bốn thanh niên khỏe mạnh được các bô lão phân công, chạy vội đến, khênh một cái ang thật to. Gióng tè tồ tồ vào ang. Nhiều nhà trong làng tranh nhau múc nước ấy, mang về nhà cất giữ như được báu vật. Ai cũng bảo: Nước Thánh đấy, đau chỗ nào, xoa bóp vào, khỏi ngay. Có người lại còn bảo: Ai uống được nước Thánh lúc còn ấm ấm, sẽ chữa được bách bệnh!!! Các cụ bô lão hò hét, tất bật… Trưa, tối, các cụ cắt cử người ngủ ở gian cạnh, nơm nớp lo Gióng giật mình tỉnh giấc.
Một trưa, mấy cụ ngủ say, Gióng len lén bước ra sân rồi ra cổng đình. Gióng vẫy gọi mấy đứa trẻ tóc để chỏm, không quần áo, đen trũi như cá trắm đang đứng nem nép ngoài bờ chuối.
Gióng thì thào:
- Cho tớ chơi trốn tìm với!
Mấy đứa trẻ sợ sệt rồi có đứa mạnh dạn thưa:
- Thưa… - Nó nhìn lên chỏm tóc của Gióng, nhìn cái khố ngắn tũn của Gióng rồi tợn tạo nói:
 - Thưa… thưa mày…! - Một đứa giật tay nó:
- Thưa Thánh chứ!
- Ứ phải. Nó để chỏm giống tao.
Rồi nó nói cứng:
- Mày to cao thế, trốn vào đâu cho vừa!
- Thế cho tớ chơi trận giả với!
 Thấy Gióng không giận mà còn nài nỉ, lũ trẻ bỗng òa lên:
- Hì… cậu bước một bước bằng cánh tớ bước mười bước, chúng tớ thua là chắc!
- Thế cho tớ chơi khăng vậy!
Cả lũ bĩu môi rồi cười váng:
- Tay cậu thế kia, khăng nào vừa được?
Gióng tức:
- Không cho tớ chơi, tớ mách mẹ!
- Xì… mụ chửa hoang ý à… cóc sợ!
Gióng đành tiu nghỉu về ngồi trên chiếu giữa đình, mắt ngấn lệ.
Một sớm kia, có sứ giả của triều đình về làng. Sứ giả vung loa gọi:
- Loa loa loa loa…
Giặc giã đã tan
Xóm làng xanh lại
Vua cho vời gọi
Những kẻ có công
Sớm đến sân rồng
Để mà lĩnh thưởng
Loa loa loa loa…
Rồi sứ giả dừng ngựa giữa sân đình, ghếch chân lên bờm ngựa nói chõ vào:
- Làng này có cậu bé tên Gióng, biết cưỡi ngựa sắt, biết dùng roi sắt, lại xông xáo giữa trận tiền. Dân làng ghi công hắn, báo về kinh đô để Vua xem xét!
Các bô lão sụp lạy rối rít. Nhưng cũng có vị mạnh dạn hỏi:
- Thánh của làng tôi giỏi vậy, từ đứa trẻ lên 3 vươn vai lớn hơn 10 trượng, cưỡi ngựa, phun lửa dẹp hết giặc Ân, ai cũng biết, sao Vua lại phải xem xét ạ?
- Hừm, có người báo về kinh đô, hình như mẹ hắn là gái hư hỏng, chửa hoang thì phải!
- Dạ… dạ… điều đó thì… 
Tiếng vó ngựa của sứ giả xa dần, tiếng nói còn vọng lại:
- Thôi! Cứ thế mà làm!
Gióng bật dậy, lao ra khỏi sân đình.
Gióng về nhà gặp mẹ.
- Mẹ! Chửa hoang là gì hả mẹ?
Mẹ Gióng đang mơ màng ngồi nhớ con. Thằng bé Gióng của bà ngày nào không nói, không cười làm bà lo đứt ruột. Rồi nó ăn như trút, lớn như thổi. Rồi nó đòi có ngựa sắt, roi sắt. Rồi nó đi đánh giặc biền biệt mấy tháng trời. Giờ nó về, những tưởng bà được ôm ấp nó, bà được hôn hít nó. Nhưng nó đã thành người của làng. Làng giữ nó, làng nuôi nó, làng khấn vái nó… Khổ thân nó, mới ba tuổi đầu, đã biết và cơm đâu! Bốc cơm ăn, vẫn vốc cả hai tay. Đút cơm, nó vẫn vụng về đút cả năm đầu ngón tay vào mồm. Có hôm cắn miếng thịt lợn nó còn cắn cả vào tay, khóc thét lên… Thấy Gióng lộc cộc chạy về, bà như chợt tỉnh, quệt vội nước mắt rồi vẫy Gióng:
- Con nằm xuống đây… Mẹ xoa lưng rồi mẹ kể con nghe.
Gióng nghe lời mẹ, ngả mình nằm xuống. Chân cậu vẫn ở ngoài ngõ, thân hình cậu choán hết khoảng sân, đầu gối lên bậc hè bằng đất. Mẹ Gióng ngồi bên thềm, xoa đầu, xoa vai Gióng:
- Con ạ, bố và mẹ gặp nhau ở trong rừng rồi có con. Bố bận việc không về làng được, mẹ không lấy ai mà có chửa đẻ ra con, thì dân làng gọi đó là chửa hoang.
- Nhưng con vẫn có bố!
- Đúng vậy! Nhưng với dân làng thì mẹ không giải thích nổi nên dân làng đã đuổi mẹ con mình ra đây.
- Hừ! Thế thì con ứ thèm ra đình ở với làng nữa!
- Sao vậy con?
- Ở đấy chán lắm!
- Thế thì con về kinh đô lĩnh thưởng nhé!
- Con cũng ứ thèm!
- Thế con muốn gì?
- Đến đấy họ bảo mẹ chửa hoang. Con ghét lắm! Mà mẹ ơi, ngựa của con phun lửa, cháy bao nhiêu nhà, con sợ vua mắng! - Ngừng một lát, Gióng quả quyết - Con đi tìm bố.
 Bà mẹ hốt hoảng:
- Không được đâu con ơi! Bố ở xa và đường đi nguy hiểm lắm. Hai nữa con ở với làng còn có cái ăn, cái mặc… chứ con ở với mẹ thì... - Lời mẹ nghẹn ngào trong nước mắt - thì… con chết đói mất!
- Không cần mẹ ạ! Con sẽ đào củ, con sẽ săn thú nuôi mẹ, nuôi cả bố nữa!
- Ôi! Con ngoan của mẹ! Đợi con lớn lên chút nữa, mẹ sẽ dẫn con đi tìm bố.
- Không! Đi bây giờ cơ. Con lớn rồi mà!
Gióng co chân, gồng bắp tay khoe với mẹ.
Đúng lúc ấy có tiếng phèng la, tiếng đoàn nhạc rước kiệu rộn ràng nổi lên. Đoàn các cụ bô lão của làng lại đang rồng rắn đến đón Gióng về ở đình làng. Gióng vội vàng:
- Mẹ ơi! Con không thích ra ở đình làng nữa.
- Con ơi! Cả làng này có ai được như con?
- Không! Con không thích, con thích chơi trốn tìm, con thích chơi khăng với các bạn cơ…
Tiếng nhạc và đoàn người đã đến đầu ngõ. Gióng chồm dậy. Trong lúc vội vàng, tay cậu chống lên hai chân của mẹ đang duỗi thẳng. “Rắc… rắc… ” hai tiếng kêu khô ròn báo hiệu một cái gì đã gẫy.
Mẹ Gióng kêu thất thanh “Ối!” rồi ngất lịm. Gióng chưa hiểu mô tê gì thì đã thấy mẹ  lả đi, đau đớn. Nhìn đoàn người thì họ đang ầm ập vào ngõ. Gióng một tay bế xốc mẹ lên. Tay kia quơ vội mấy cái váy áo của mẹ vắt ở cây sào nứa. Chạy!
Nghe nói: Trong khi đó, ở kinh đô Phong Châu, Vua Hùng họp các quần thần để bình công, xét thưởng. Lạc hầu phụ trách quan lại và dân binh thì muốn tặng thưởng cho quan ở vùng đồng bằng, người đã có công tìm được Gióng. Quan coi việc quân lương thì muốn thưởng cho người đã đúc được ngựa sắt và roi sắt. Quan ở ngoài trận chiến thì xin Vua thưởng cho người đã dụ quân giặc tập trung đóng quân vào một dải đất để Gióng dễ tiêu diệt. Lại có Lạc tướng thưa rằng nên mời Gióng về kinh, cho làm chức quan to. Một Lạc hầu cự lại: Xong việc binh đao, để các tướng võ chăm việc rèn binh, luyện sĩ, không nên dính vào chuyện an dân vốn là việc của văn quan.
Quần thần bàn đi, bàn lại đến nát óc. Có người vừa tố việc mẹ Gióng chửa hoang, giờ lại tố rằng, ngựa của Gióng đã thiêu rụi mấy chục làng, bản. Dân làng ai oán lắm! Việc định công cho Gióng xét mấy buổi chưa xong…
Gióng bế mẹ trên tay, rồi cõng mẹ trên lưng nhằm phía núi Tam Đảo chạy miết. Mấy ngày đầu, khi tỉnh, mẹ chỉ cho Gióng hái lá thuốc đắp chân cho bà. Được gần tháng, chân mẹ đã khỏi. Được mẹ chỉ bảo, Gióng đặt bẫy bắt thú, Gióng đào củ nấu canh, Gióng trèo cây hái quả. Mẹ con bữa đói bữa no sống qua ngày. Nhưng bóng dáng người cha vẫn bặt vô âm tín.
Mẹ nựng Gióng:
- Gặp được Cha, con sẽ tha hồ được chơi như các bạn.
- Gặp được cha, cha sẽ săn thú, trồng tỉa cây bắp cho con ăn, con sẽ không phải đói nữa.
Mắt Gióng sáng bừng lên khi mẹ nói.
Thế rồi mẹ ốm.
Mẹ sốt run người mà mồ hôi vã ra như tắm.
Lá thuốc mẹ chỉ cho Gióng hái, mẹ uống vào không cắt cơn sốt. Gióng lóng ngóng, không biết chăm mẹ thế nào.
Rồi sức mẹ kiệt dần.
Đã ba hôm nay, Gióng đói lả, ngồi bên thân mẹ héo quắt, Gióng khóc rống lên thảm thiết. Nước mắt cậu trai lã chã rơi lộp bộp xuống thảm lá rừng. Gióng khóc thương mẹ ốm đau, khổ cực suốt đời hay Gióng khóc vì không tìm được cha? Tiếng nấc tủi nghẹn ngào! Gióng khóc vì thương cho bao người dân khốn khổ vì khói lửa chiến tranh hay thương phận mình mồ côi? Tiếng khóc rung lên đau đớn. Hay Gióng khóc vì không được cùng lũ trẻ chơi trò đánh khăng đánh đáo? Tiếng khóc dỗi hờn u uẩn. Khóc ròng rã như thế, nước mắt Gióng chảy hòa vào nước suối rừng đại ngàn, rào rào chảy. Gióng thiếp đi trong đói lả và mệt rã rời.
Trong mơ, Gióng gặp được cha ở cuối đường rừng. Nơi đó có suối chảy rì rào, có hoa thơm trăm sắc đua nhau nở. Cha là người cao lớn, trí dũng hơn người. Cha cai quản cả một vùng đất đẹp như tranh. Gióng gặp người nào cũng tươi cười, hăng say làm việc. Gióng gặp các con thú rừng mà ngoan như thú nhà. Những chú gấu rúc vào chuồng lợn nằm kềnh bên chú ỉn; những chú nai nhảy nhót đùa cùng bầy chó tíu tít. Chao ôi, lũ trẻ con mới thích làm sao. Đứa nào cũng to cao và mặc áo quần đẹp ơi là đẹp. Gióng òa vào vòng tay lũ trẻ lúc chơi trốn tìm, Gióng tìm thấy chúng. Gióng công kênh chúng trên vai khi Gióng chơi trận giả, bị thua. Ôi, còn cái ăn nữa, sao mà thích thế. Bữa nào cha cũng cho người nấu hàng trăm món thức ăn cho Gióng và lũ trẻ. Người lớn cũng ăn cùng nhau. Ăn xong, trai gái ôm nhau nhảy múa, vui không sao kể hết.
Một tiếng sấm rền vang. Gióng giật mình tỉnh lại…
Mẹ vẫn nằm co quắp, như không còn thở. Rừng đại ngàn vẫn âm âm u u trong hơi đá lạnh. Phía trời tây tím sậm một màu đau buốt.
Gióng nâng mẹ trên hai tay, giơ lên trời cao, gào:
- Cha ơi! Cha ở đâu… 
- Âu… âu… âu… âu… 
Tiếng rừng già vọng lại âm u đến não lòng.
Cậu trai làng Phù Đổng, tóc để chỏm, giang hai chân, vác mẹ trên vai, thở hộc lên:
- Cha!...
Tiếng hét làm cho tất cả lũ thú trong rừng, lũ chim trên cây đứng tim. Lặng phắc!
Từ trời cao một lằn chớp xanh vụt sáng, một tiếng sét vang động cả đại ngàn.
Hai mẹ con cùng hóa giữa rừng già.
Trong nắng chiều bảng lảng, có người nhìn thấy bóng chàng trai cao lớn ôm mẹ gọn trên tay như ôm bó lúa vàng rực, bay về trời.
Nghe nói: Mấy trăm năm sau, ở đời Vua Hùng thứ 18, công trạng của Gióng được ghi khắc trong văn bia triều đình và được Vua ban cho chữ “Phù Đổng Thiên Vương”.
Dân làng Phù Đổng được cắt đất để hương khói thờ phụng.
Sử ghi: Đến đời Vua Đinh Tiên Hoàng, tức hơn 1000 năm sau, Gióng được đưa lên thờ ở núi Nghĩa Lĩnh, tục gọi núi Hùng, cùng với 18 vị vua Hùng.
Ngày nay, ai lên đền Thượng đều thấu hiểu điều đó! Nhưng mấy ai hiểu được giọt nước mắt của Người đổ xuống những con đường – những ngày đi tìm cha?!!!
NGƯỜI CHỈ BIẾT NGỒI XỔM 
Kể ra gọi ông Cổn là lão thì chưa đúng lắm!
Bởi tuy đã nghỉ hưu trên 5 năm, nhưng trông ông rất phong độ. Cái trán tuy hơi hói nhưng bù lại, mái tóc vẫn đen, bồng bềnh rất “nghệ”. Hai hàm răng tuy đã gãy 4 chiếc phía trong nhưng “bộ nhai” trước cửa còn chặt và trắng. Ấy, hàm răng mái tóc mà thế thì gọi “lão” có gì đó không ổn.
Nhưng mọi người gọi là “lão” - Lão Cổn - chính vì cái lễ lên lão ở tuổi 65 của ông ta.
Chuyện lên lão của ông Cổn là câu chuyện được kể dài dài ở cái thị trấn nhỏ bé vùng trung du này. Họ kể ra, thêm thắt vào, rồi lắc đầu, rồi lè lưỡi. Khi thì họ bảo “đổ đi 30 mâm chứ chẳng chơi!” lúc họ bảo “40 mâm là cái chắc!”. Miệng lưỡi thế gian, không biết đâu mà lần.
Số là, khi đương chức Giám đốc Sở Khoa học - Tài nguyên của tỉnh, lão làm một cái lễ thượng thọ cho bà mẹ 80 tuổi - Một cái lễ khao thọ to và oai nhất huyện. Ngày ấy, phong trào khao thọ cho các bậc sinh thành đang rầm rộ. Các cụ hưởng thọ 80, 90... được con cháu lồng áo đỏ, khăn đỏ vào! cho ngồi ngay ngắn trên bộ ghế giữa nhà. Con cháu, dân làng, họ mạc, thân bằng cố hữu gần xa lần lượt vào bắt tay cụ, chúc mừng. Có cụ ngồi cả ngày chỉ một động tác gật gật. Có cụ ngồi được nửa buổi đã lả đi, phải gọi người đến tiêm thuốc tăng lực. Quà mừng thì ê hề đường, sữa, rồi kẹo, bánh. Sau thấy bất tiện, họ chuyển sang mừng các cụ bằng phong bì. Có vị hài hước bảo “Đấy là mừng nụ cười hình chữ nhật”!!!. Phong bì vừa tiện dụng, vừa kín đáo. Lại được gia chủ dễ bề “xử lý” sau này. Qua vụ khao thọ mẹ, lão Cổn thu lãi mấy trăm triệu (!)
Về hưu rồi, lão nghĩ: Ngày mình làm Giám đốc Sở có bao tay nhờ vả, cầu cạnh. Khi thì đất cát, lúc thì khai thác cát, sỏi... Làm thọ mẹ mình có đứa còn chưa đến, có đứa còn bủn xỉn mừng nhỏ giọt. Nay ta làm thọ cho chính ta, làm sao không đến mừng???
Thế là về hưu được 4 năm, lễ lên lão 70 của ông Cổn được thông báo. Người thân tình thì bảo: “Tính ra ông mới nghỉ được sang năm thứ 5, lên lão 65 tuổi sao được?” - Lão bảo: “Ối giời! Bao năm cống hiến cho Đảng, cho Nhà nước, sức vóc tôi cũng yếu lắm rồi! chẳng biết có sống nổi dăm năm nữa không. Thôi thì làm dăm mâm dưa muối gọi là... kẻo sau này lại ân hận (!)
Mấy bạn bè từ thuở để chỏm thì khẳng định: “Ông Cổn vào tuổi 70 thật rồi! Chẳng qua khi đương chức, ông ấy sửa lý lịch thế nào ấy mà làm thêm được mấy năm trên ghế quan! Chứ bọn tôi thì ai cũng làm thọ hết rồi!”. Được ý ấy, lão Cổn càng phấn chấn. Lão cho gọi cả đội quân nấu nướng, bếp, bàn của nhà hàng Hoa Phố từ thị xã về làm cỗ. Cũng 9 đĩa 2 bát, cũng nem chua, chả nướng, cũng canh bóng hầm hạt sen, thuốc bắc... xôn xao cả thị trấn.
Lại nói về thị trấn lão đang ở. Ngày trước, khi còn làm phó chủ tịch huyện, lão đã chọn ô đất đẹp nhất huyện lỵ này. Ô đất vuông vức mỗi chiều 20 mét, nằm sát trục đường liên tỉnh.
Lão làm căn hộ hai tầng khiêm tốn nhưng cầu kỳ về vật liệu. Lão trực tiếp về tận Giếng Đáy ở Quảng Ninh để chọn ngói và gạch xây. Lão cho người vào tận Quảng Nam để mua gỗ về đóng cửa. Lão còn đón ông thầy địa lý từ Lao Cai về để chọn hướng nhà. Ông thầy chỉ tay đắp hòn núi giả - thợ đắp! Ông thầy khoát mắt sang phải chọn thế Thanh Long, lão Cổn vâng vâng dạ dạ. Vì thế mà lão kỳ cục đi tìm hai tháng trời mới mua được cây sakê (có lá to, đen thẫm, xòe như tay quạt - gốc gác từ nước ngoài - Theo lời thầy). Cây sakê gốc từ Nhật Bản, quả ăn bùi như khoai tây, ngọt như khoai lang tím, ngầy ngậy như lạc - được đứng trấn trạch nhà lão Cổn.
Cũng lạ! kể từ khi về ở căn hộ ấy, cả nhà lão Cổn “phát” trông thấy. Lão chuyển từ Phó Chủ tịch huyện lên quyền Giám đốc rồi Giám đốc Sở. Mấy năm sau, chức Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách kinh tế đột nhiên vào tay lão khi có một ông Phó Chủ tịch đang sung sức bỗng đột tử. Lũ con bốn đứa nhà lão cũng cứ lên lây lẩy. Hai đứa con gái không đỗ trường đại học nào, lão cho vào các lớp tại chức của tỉnh, ra trường: đứa kế toán, đứa công đoàn. Rồi chồng con đề huề. Ổn cả!
Hai cậu con trai thì chưa học hết cấp 3. Lão vội nhét vào làm hợp đồng ở Bưu điện và Ngân hàng Công thương. Thế rồi cũng đều có bằng tốt nghiệp đại học tại chức!!!.
Khi cả đất nước đang phấn đấu phổ cập đại học, chuyện ấy không có gì lạ!
Về hưu, lão Cổn rút về ở căn hộ ở thị trấn với bà vợ già. Lão cho rằng căn nhà “phát lộc” ấy cần phải giữ gìn cho hậu thế. Lão nhường hai căn hộ ở thành phố tỉnh lỵ cho hai cậu quý tử.
Lại nói về bữa cỗ lên “lão” 65 của lão Cổn. Đến 9 giờ sáng lẹt đẹt có mấy ông hàng xóm sang mừng. Hơn 10 giờ được mấy ông bạn học từ thời phổ thông đến dự. Kim đồng hồ nhích dần đến con số 11, lòng lão nóng như lửa đốt. Lão hất mái tóc bồng bềnh đen (thực chất là đã nhuộm), đi đi lại lại từ sân vào nhà. Hai môi lão mím lại. Môi lão vốn mỏng nên khi hai bờ môi dính tịt vào nhau, trên khuôn mặt chỉ còn thấy một vệt hằn nằm ngang, với hai khóe miệng chặt đứng vuông góc xuống. Trông mồm lão như một chữ I nằm ngang, chữ I dán lên khuôn mặt đỏ au vì mấy chén chào xã giao vừa rồi!
Chẳng lẽ lại điện hỏi?
Mấy chục phút sau được mấy ông lãnh đạo các sở đã về hưu lục tục kéo đến. “Quân” văn phòng ủy ban, “quân” của sở lão đã từng làm Giám đốc, tiệt chẳng thấy mống nào!
Cực chẳng đã, lão nhấc điện thoại, kìm giọng nhẹ nhàng hỏi tay Giám đốc sở. Đầu dây bên kia tiếng xuýt xoa vang lên: “Báo cáo anh, em đang có cuộc họp quan trọng, em xin lỗi, chiều nay em sẽ về với anh chị. Em quên làm sao được công lao vun đắp của anh với sở ta và đặc biệt lòng ưu ái của anh với thằng em?... ”
Lão dập mạnh ống nghe. Lão lạ gì mấy cái “cuộc họp” của các bố!!! Đọc mấy bài báo cáo rỗng tuếch rồi rủ nhau đi đánh chén. Lão lẩm bẩm “Đồ vô ơn!”. Đi được mấy bước, lão chựng lại “Ừ! Mà mình về hưu rồi, mắng chúng nó sao được!” Lão ngồi phịch xuống ghế, thở dốc. Nghĩ về những ngày tháng chạy đôn chạy đáo, hết thường vụ tỉnh đến các vụ ở Bộ để lo cho nó thay mình. Nghĩ mà ức. Lão chợt thấy ậc lên một cục nước bọt to tướng. Lão đứng dậy, nhổ phọt cục nước bọt xuống nền nhà, vội vã chạy ra đón mấy bà cô họ ở quê vừa đến (!)
Chuyện gia nhân đêm đó phải bí mật đổ đi ba hay bốn chục mâm cỗ xuống con kênh chạy qua đầu thị trấn cứ thế rì rầm, lan truyền mãi.
Từ hôm đó, cứ chiều chiều lão Cổn lại ngồi trên chiếc xích-đu để ở đầu hè, mắt nhìn ra con đường liên tỉnh hun hút chạy về thị xã. Nơi lão đã một thời vang bóng. Miệng lão cứ lẩm bẩm: “Thật là ăn cháo đá bát... ăn cháo đá bát...“. Lão ngồi đến khi bóng cây sakê với những chiếc lá to như chiếc quạt, đen sẫm lại. Bóng cây trùm dần lên người lão. Chiếc ghế cũng từ từ sẫm đen trong nền hoàng hôn loang lổ. Khi bà vợ loẹt quẹt đôi dép tổ ong đến gần, lão mới nhổm dậy, chống hai tay lên đầu gối, bặm miệng, nhăn nhó đứng lên, đi vào ăn tối.
Lại nói đến chuyện cái chân của lão với căn bệnh oái oăm lão mắc phải. Khi đương chức, lão đã chớm bị, càng về sau càng nặng. Khi về hưu, nó đã thành mãn tính hay cố tật, cũng chẳng biết nữa.
Ngày ấy, có một lần, trời cuối thu se se lạnh. Hơi đá từ các thung sâu đùn lên mờ mịt. Triền núi Tam Đảo như một ngăn đá tủ lạnh đang bốc khói. Lúc đó, lão Cổn đang còn đương chức, lão phải lên tiếp một đoàn khách từ miền Nam ra.
Khách đã được báo trước là trời sẽ lạnh. Nhưng mấy ông khách Nam Bộ lại khoái cái rét Bắc Kỳ, cứ nằng nặc lên núi khi mùa đông đã chớm.
Thị trấn Tam Đảo nằm ở độ cao trên nghìn mét, vốn là nơi nghỉ mát có từ thời Pháp. Khi quản lý thị trấn này, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo ngành Du lịch tập trung cao độ để phát triển ngành. Nhưng khốn nỗi, động đến đâu, là động đến đền bù đất đai. Mà các ông chủ của các ô đất béo bở ấy mới nghe tên khối người toát mồ hôi (!) Vì thế, thị trấn chỉ còn là chỗ ngủ và một vài nhà hàng ăn uống với mấy món đặc sản thú rừng săn trộm hoặc thú rừng giả. Nó cũng là nơi để ủy ban tỉnh hay các sở ngành tiếp khách xa đến thăm.
Đêm đó, rượu đã ngà ngà nhưng lão Cổn vẫn phải xuống núi vào quãng gần nửa đêm. Lão chẳng khoái gì ngủ trên các căn phòng lạnh cóng ấy! Nhưng sáng hôm sau, lão thấy hai đầu gối tê tê rồi mấy tháng sau nó nhức. Rồi nó cưng cứng bánh chè. Rồi nó khô khô, khó gập lại. Lão chạy khắp các bệnh viện chữa. Đông, Tây y đủ cả, nhưng bệnh không khỏi. Dần dà, lão chỉ có thể ngồi trên ghế cao hoặc ngồi xổm trong chốc lát.
Những khi về quê có giỗ, con cháu rải chiếu để ngồi ăn là lão chịu. Bởi khi ngồi xuống, hai chân lão không co lại được, nó cứ đuồn đuỗn ườn ra chiếu. Khổ nhất là khi đứng dậy. Phải có người đến gần, cúi xuống cho lão vịn vào lão mới nhổm lên được. Mỗi lần như thế, mặt lão nhăn lại, cau có. Cái miệng lại có dịp mím chặt. Cái chữ I nằm ngang mặt lại hằn lên, xẻ sang hai bên má đã xề xệ. Trán lão rịn mồ hôi…
Tuy chân tay như thế, nhưng lúc nào lão Cổn cũng thể hiện ra mặt cái sự mạnh mẽ và dẻo dai của mình. Khi có phong trào chơi cầu lông, lão hô hào anh em trong sở tập kín các ngày nghỉ. Khi phong trào chơi ten-nít rộ lên, lão bắt cả văn phòng ủy ban sắm vợt, ra sân.
Được cái, khi đứng đôi để tập hay thi đấu thì mấy cái môn này được phép bao sân cho nhau. Vì thế các bạn trẻ trong cơ quan tha hồ thể hiện lòng trung thành với lão Cổn. Họ xung phong đứng đôi với lão, họ đôn đáo chạy cuối sân, giành cho lão đứng gần lưới, thi thoảng vụt vài quả gọi là. Chính vì thế mà lần nào lão ra sân và lão đứng ở bên nào thì bên đó chắc thắng đến chín mươi phần trăm (!)
Mỗi lần nhận giải (dù giải nội bộ), lão Cổn rạng ngời khuôn mặt. Lão đứng dạng hai chân, hai tay giơ thật cao, vẫy vẫy khán giả. (Tuy khán giả nhiều khi chỉ có mấy em nữ văn phòng lão bắt ra ngồi xem và vỗ tay). Có lần, chỉ có ba cặp chơi, lão cũng bắt cậu phó văn phòng ra trao giải. Cũng bục nhận huy chương, cũng hoa tặng và cũng tiếng vỗ tay bôm bốp. Thể thao có khác! Nó làm con người ta vô tư, hồn nhiên đến kỳ lạ!
Mấy năm trước khi về hưu, lão Cổn đi diễn thuyết rất nhiều. Lão nhận lời giảng bài cho các lớp tập huấn cán bộ chủ chốt cấp huyện. Lão đồng ý đến nói chuyện về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh ở các lớp tại chức mở ở Trường Chính trị tỉnh. Khoản “nhuận mồm” lão không quan tâm lắm, tuy rằng bao giờ lão cũng được gấp mười, hai mươi lần giảng viên khác. Điều lão quan tâm là lão được thể hiện sức đọc, sức nói của lão. Lão thao thao nói về mọi lĩnh vực: Triết học, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật… tuốt tuồn tuột, lĩnh vực nào lão cũng nói được. Lão thường nhắc nhở anh em cấp dưới: “Người lãnh đạo là người phải am tường trên mọi lĩnh vực. Để khi làm lãnh đạo, không anh nào lòe được mình!”
 Điều lão nói là cả một mớ kiến thức thu nạp từ báo chí, từ cuộc sống bao năm lão tích lũy rồi từ những trang website mà các trợ lý coppy về. Mặt ngẩng cao hãnh diện, tay lão chém chém vào không khí quanh bục nói chuyện, giọng lão Cổn xủng xoẻng: “Tôi rất không đồng tình với những người làm quan chức, khi về hưu lại quay sang làm thơ, hoạt động văn học nghệ thuật. Họ ngụy biện rằng: “Thời trai trẻ bận công tác, không có thời gian. Họ cứ làm như là Đảng và Nhà nước đã làm lụi tàn tài năng của họ không bằng! Theo tôi, còn sức thì phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân đến lúc tàn sức thì thôi. Nhưng phải trên lĩnh vực mà mình am hiểu, mình tâm huyết”. Lão riết róng: “Già rồi, sức kiệt rồi, minh mẫn gì nữa, tươi tắn gì nữa mà thơ với phú? Còn vốn sống ư? Cứ vốn sống nhiều mà viết được văn, làm được thơ thì Hội người cao tuổi sát nhập với Hội Văn học Nghệ thuật làm một… ”.
Lão có những kiến giả cũng ngồ ngộ. Lão đứng trên bục giảng, miệng bặm lại, vạch chữ I nằm ngang ra giữa mặt, rồi bật ra những dòng diễn giảng:
- Khi người ta thiếu cái gì, người ta thường bàn nhiều, nói nhiều về cái đó. Vì thế, chúng ta không lạ gì khi các nhà văn, nhà thơ ngồi đâu cũng nói chuyện chính trị, nói chuyện sắp xếp tổ chức này nọ. Ngược lại, ta cũng rất dễ hiểu khi các nhà lãnh đạo hễ rảnh rỗi là cao giọng bình thơ, say sưa bàn về phương pháp sáng tác, khuynh hướng sáng tạo… người ta thường khát khao những thứ mà mình không có!”
Hăng lên, lão còn phán: “Các nhà văn, các họa sĩ bây giờ cứ chạy theo lối sáng tạo đầy rối rắm, hết trường phái nọ đến trường phái kia. Trong khi nhân dân đang cần những gì? Họ cần những thứ thiết thực gần gũi như cơm ăn, áo mặc hàng ngày…!” Vô tình lão lại cao giọng lạm bàn về văn chương!!!
Cả hội trường lặng tanh, những điều lão nói cứ trơn tuột qua các dãy bàn mà học viên đang lúi húi đọc tin nhắn trên điện thoại?
Từ cái suy nghĩ rất cách mạng là phải phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân đến hơi thở cuối cùng ấy mà vừa về nghỉ hưu hơn bốn tháng, lão Cổn đã ra ứng cử chức Bí thư Đảng ủy thị trấn.
Chuyện là, Ban chấp hành Đảng ủy thị trấn khóa đương nhiệm đang có nhiều bi bét. Chủ tịch ủy ban bị cách chức vì vụ đấu thầu đất đầy mờ ám. Phó Bí thư thường trực thì dính vào vụ tham ô khi còn làm Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế. Bí thư Đảng ủy thì bị dân kiện vì giành mua đất giá chỉ đạo cho con cháu nhiều quá. Có đứa cháu nội mới 8 tuổi cũng đứng tên ô đất trên hai trăm mét vuông ở giữa thị trấn. Tình hình địa phương đang nước sôi lửa bỏng thế, lão Cổn không thể yên tâm! Lão bảo vợ: “Tôi còn sức, còn trí tuệ, tôi phải ra giúp dân, giúp làng”.
Vợ lão vốn quen phục tùng. Im lặng.
Bạn bè thuở hàn vi thân tình góp ý: “Ông ở tỉnh lãnh đạo dễ lắm, về làng xã không khéo mất cả danh lẫn giá!”. Người bà con còn bảo thẳng: “Ông không làm, họ còn gọi là “ông”, là “bác”. ông làm không khéo họ gọi là “thằng” chứ chẳng chơi!”
Lão cười khẩy, giọng kẻ cả: “Đảng viên họ cần họ cứ đến yêu cầu… chứ tôi thì …”
Lão đến gặp Bí thư Huyện ủy, đề đạt các phương án ổn định tình hình địa phương. Ở một huyện có 25 xã, thị trấn; mà tới 20 xã có “vấn đề”, thế nên ổn định được xã nào hay xã nấy! Ban Thường vụ Huyện ủy như vớ được vàng, lập tức đưa lão vào danh sách ứng cử trước Đại hội Đảng bộ thị trấn.
Hội trường Đại hội Đảng bộ như rung lên khi Bí thư Huyện ủy lên phát biểu. Đồng chí hết lời ca ngợi những đóng góp của lão Cổn với tỉnh, với huyện. Đặc biệt, những giải pháp có tính khả thi rất cao trong việc đưa thị trấn phát triển, xứng tầm là “thủ đô” của huyện nhà.
Ngồi ở bàn chủ tịch đoàn, lão Cổn quay sang nói với “tay” Bí thư Đoàn đang dự kiến là thường trực Đảng ủy khóa tới: “Các cậu cứ yên tâm! Bí thư Huyện ủy là anh em chí cốt, là đệ tử ruột của tớ ngày trước. Giờ hắn về làm Bí thư huyện nhà, chẳng ủng hộ mình thì ủng hộ ai?
Mấy người trong Chủ tịch đoàn mắt cứ chớp long lanh, tràn trề hy vọng.
Lão Cổn làm Bí thư Đảng ủy chưa được nửa khóa, đơn kiện đã tới tấp lên Huyện, lên Tỉnh. Giải phóng mặt bằng, kêu gọi đầu tư, phát triển công nghiệp không làm được. Đưa giống mới tăng năng suất cây trồng trong nông nghiệp thì đổ bể. Nội bộ cán bộ lục đục, kiện cáo lẫn nhau. Việc trả tiền đền bù cho dân bị cán bộ cắt xén. Làm trường, làm đường chưa bàn giao đã xuống cấp thậm tệ…
Đề án ổn định tình hình địa phương của lão Cổn tan nhanh như bọt xà phòng.
Chính lão Cổn cũng dính vào mấy vụ do đàn em lôi kéo.
Quen lối quản lý hành chính ở cơ quan cấp tỉnh, lão áp đặt vào công việc địa phương. Việc gì Bí thư cũng nhúng vào. Bí thư cho ý kiến cả việc đấu thầu xây dựng đến chế độ ăn của các lớp mẫu giáo… Lão lập luận: “Đảng lãnh đạo toàn diện, thống nhất là phải thế!!!”. Hệ thống cán bộ chỉ “vâng, vâng, dạ, dạ” lấy lòng trước mặt. Không ai mặn mà với lối quản lý “hét lấy được” của lão. Thậm chí có mấy tay trưởng thôn còn bảo “Thị trấn mình làm gì có ủy ban mà xin dấu?”. Tệ hại hơn mấy tay văn phòng ủy ban, khi quá chén, lại bô bô: “Sếp cả nhà mình ăn chơi vút tầm nhé, hôm đi hát ka-ra-ô-kê, sếp bắt các em tiếp viên cởi truồng hết! Hai em kè hai cặp vú lên vai sếp, hát say sưa. Tay sếp vê vê đến là điệu nghệ… ”
May mà mấy cái ảnh bị chụp trộm được Ban kiểm tra Huyện ủy giấu nhẹm đi, không thì tan nhà nát huyện chứ chẳng đùa.
Lão Cổn vội vã từ chức Bí thư Đảng ủy chứ không thì chính Bí thư Huyện ủy - đệ tử của lão - sẽ phải có quyết định cách chức lão.
Thế mà lão còn trách Bí thư Huyện ủy chơi không đẹp! Vì còn chân trong Đảng ủy, lão Cổn nhận chức Chủ tịch Mặt trận tổ quốc thị trấn. Đi đâu lão cũng cười và nói với mọi người: “Mình còn ham hố gì đâu! Làm là do Đảng yêu cầu, do dân đề đạt mà mình gắng sức thôi…”
Sáng nào lão cũng buộc cặp vào sau xe máy. Vợ hỏi, lão bảo phải đi họp ở Huyện. Lúc thì lão bảo họp ở xã bên. Bà vợ có lúc bực mình lẩm bẩm: “Buổi tối lên giường cũng bảo họp!”.
Lão cũng chỉ làm Chủ tịch Mặt trận tổ quốc được hai năm. Tức là vừa đúng một khóa cấp ủy. Việc lão phải dời Chức chủ tịch Mặt trận tổ quốc thị trấn chính là vì cái vụ làm thọ 70 của lão (mà theo giấy tờ công tác lão mới vào tuổi 65).
Chủ tịch Mặt trận mà khao thọ rầm rộ như chiến dịch vận động quần chúng đi triệt sản, sinh đẻ có kế hoạch ấy! Phông, màn, kèn, loa, đài nhạc rậm rịch mấy ngày trời. Rồi cái vụ con trai lão lập công ty ma, lừa ngân hàng trên 4 tỷ đồng, phải vào nhà đá… đã chính thức đưa lão Cổn trở về “vạch xuất phát”.
Đầu gối của lão càng ngày càng đau. Đôi khi đứng dậy tiếp khách lão đã phải tập tễnh. Nghĩ cũng tội!
Gần đây, nghe đâu lão lại tham gia chân tuyên truyền trong Ban quản lý tu tạo ngôi đình làng.
Việc này, lão rất hồ hởi, khoe với bạn của con gái lão rằng: “Các cháu thấy chưa? Bác vẫn rất có ích cho xã hội, cho dân làng đấy chứ!”
Vợ lão có ý không bằng lòng, dằn hắt: “Ông không ở trong cái nhà này được một ngày yên ổn à? Hay nhà này có ma?” lão gạt đi, bảo: “Dân làng cần mình thì mình phải có tấm lòng chứ! Ngần này tuổi đầu, có cháu nội cháu ngoại rồi tôi còn thớ lợ gì đâu mà bà phải lo?”
Chỉ khổ cho lão, việc ở đình làng thì thường ngồi chiếu để bàn công việc. Những lúc như thế, lão cứ đứng lom khom. Sợ kéo ghế ngồi nhìn xuống thì e bất kính với các cụ thượng. Mà ngồi bệt xuống chiếu thì là cực hình. Vì thế, lão ngồi ne né trên một chiếc ghế thấp do lão tự làm rồi cắp theo ra đình làng. Ngồi, nhưng lão vẫn cố khép nép, thu cái bụng phệ lại. Ngồi, nhưng lão cứ nhấp nha nhấp nhổm, sợ các cụ cao niên quở trách. Nửa năm sửa đình, lão cứ nhấp nhổm ngồi xổm thế!
Sau tết vừa rồi, lão có vào thị xã thăm đứa cháu họ gọi bằng ông trẻ. Ông cháu này đang làm ở tòa soạn báo tỉnh, phụ trách trang văn nghệ nên được ông trẻ Cổn điện hẹn gặp nhờ một chút việc về văn thơ.
Vừa gặp nhau, chưa kịp uống cạn chén trà, lão đã vồn vã:
- “Cu cháu” này! - Ông cháu nhăn mặt, nhìn quanh sợ có nhân viên nào nghe thấy. Vì dù sao hắn cũng là Phó Tổng biên tập tờ báo tỉnh - Cháu biết đấy, ngày ở huyện, ông đã nhờ vả rất nhiều vào tay bác sĩ Quy ở xã Tân Phúc. Tay này còn trẻ nhưng rất đức độ. Anh ta chữa bệnh cho bà trẻ, rồi các dì Trung, cậu Mai, bác Cấn, ông trẻ Nhẫn, đến các cháu chắt nhà ông, mà không lấy tiền, anh ta tốt đến mức…
- Vâng, vâng, cháu có biết anh ta ạ!
- Ừ, thế thì tốt! Anh ta chữa bệnh cứu người là chính. Nhưng nhà cũng rất giàu.
- Ý ông trẻ là…?
- À, sắp đến ngày 27 tháng 2, ngày Thầy thuốc Việt Nam. Ông muốn có cái gì đó tặng anh ta. Anh ta là ân nhân của nhà ta. Cái đận cứu con Cúc bị chửa ngoài dạ con, không có anh ấy thì chết đứ đừ rồi. Ông chưa biết trả ơn thế nào. Tiền thì không được rồi, vật quý nhà anh ta cũng có nhiều. Nên ông đang nghĩ cách…
- Thế thì ông trẻ tặng một cái gì đó có giá trị về văn học nghệ thuật ý! Vừa ý nghĩa, vừa làm cho anh ta không coi thường mình được!
- Ấy, ấy… đúng thế! Ông có làm mấy câu thơ đây, nhờ anh sửa giúp!
Ông cháu cười vang:
- Ồ, tưởng gì chứ việc đó là nghề của cháu rồi! Đâu, ông đưa ra đây!
Thế là hai ông con vần vã hết cả buổi trưa để có 4 câu lục bát như thế này:
“Nửa đời cười với gian truân
 “Đến nay có được Phúc, Ân giữa trời”
 “Đẹp như viên ngọc sáng ngời”
 “Hào hoa vẫn giữ lẽ đời đơn sơ…”
Đấy! Bốn câu thơ ra đời với những lời giải thích của lão Cổn kèm theo đầy thỏa mãn.
Lão Cổn duỗi thẳng chân, gác lên cái bàn uống nước của thằng cháu Phó Tổng biên tập, đắc ý:
- Hay! Hay và ý nghĩa lắm “cu cháu” ạ!
Ông cháu quay vội nhìn ra cửa, nhăn mặt.
- Cháu đặt cho ông cái tên bài thơ được không?
Anh cháu ngẫm nghĩ một lát rồi buột miệng:
- “Trong sáng giữa đời” được không ông?
Lão Cồn bặm miệng, suy nghĩ. Cái chữ I nằm ngang lại được dịp trưng bày trên khuôn mặt đã có chiều phùng phụng, biểu hiện thận yếu. Lão gật gù:
- Phải đặt là: “Viên ngọc giữa đồng quê” cháu ạ!
- Như thế nghe có vẻ tâng bốc quá…
- Không! Phải thế mới xứng cháu ạ. Rồi lão vỗ đùi kêu “tét” một cái; co chân chống đầu gối đứng dậy. Lệnh khẽ:
- Cháu đưa vào vi tính, đánh máy ngay cho ông; để lát nữa, ông ra cửa hàng nhôm kính, cắt cái khung vàng thật oách lồng vào.
Lão tập tễnh đi quanh phòng trong khi ông cháu ngồi vào bàn vi tính:
- À, phía dưới tên bài thơ cháu đánh: “Quý tặng Bác sĩ Hà Đương Quy - nhân ngày thầy thuốc Việt Nam”.
Lão bỗng gác chân lên ghế của thằng cháu, nhòm vào màn hình vi tính:
- Cuối bài, cháu đánh mấy chữ đậm cho ông: “Tác giả Bùi Đình Cổn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh”. Ông cháu buột miệng:
- Phải có chữ “Nguyên” ở đằng trước, “Nguyên Phó Chủ tịch” chứ ông?
- Không cần! Mình có ghi cụ thể tặng ngày tháng năm nào đâu. Cứ ghi thế, ai hiểu thế nào thì hiểu …
Ông cháu Phó Tổng biên tập chỉ biết cúi đầu, gõ chan chát vào bàn phím.
Vừa chờ máy in, ông cháu quay lại:
- Ai dè, ông trẻ cũng “tâm hồn” ra phết!
- Ấy, ấy, suýt quên. Tới đây ông sẽ cho ra mắt câu lạc bộ Thơ ở đình làng ta. Tập hợp tất cả các ông bà hưu trí rồi người già yêu thơ của làng Vân Trụ ta để sinh hoạt thơ văn cho vui. Lấy tên là câu lạc bộ thơ “Vân du” nghe được cháu nhỉ? Cháu nhớ về dự và phát biểu động viên các cụ! Cháu là nhà thơ cấp tỉnh về dự làm vinh hạnh cho Câu lạc bộ lắm đấy! Động viên các cụ già ở làng ấy, chứ ông trẻ thì… Lão bỏ lửng câu nói ở đó làm cho ông cháu chỉ biết “Vâng, vâng” mà không biết sẽ ứng xử ra sao…
Ông cháu tiễn ông trẻ ra cổng. Nắng cuối ngày đã chếch bóng, in hình những cây bàng khẳng khiu không lá, quét lằng nhằng lên bức tường cổng cơ quan.
Nhìn dáng ông Cổn tập tễnh, tay ôm khư khư cái cặp có bài thơ; bước lên taxi, ông cháu bỗng xót xa: Chân ông thế kia, không hiểu khi về nhà ngồi chiếu ăn cơm với bà trẻ, hay ngồi ăn cỗ với dân làng ông làm thế nào nhỉ?

BỨC HUYẾT THƯ
Trăng sáng!
Ánh trăng rãi trên ngọn dương. Bóng trăng ỡm ờ vuốt ve rặng liễu. Gió lạnh se se thổi. Cái lạnh không khiến người ta rùng mình nhưng cũng đủ làm cho làn da chờn chợn. Thúy Kiều ôm đàn ra ngồi dưới mái hiên, bên cạnh gốc mộc lan. Hương mộc xoa trên tóc, phớt nhẹ lên má Kiều. Nàng ngước mắt nhìn trời, chạnh nhớ mười lăm năm lưu lạc. Khi Vô Tích, lúc Lâm Truy… khi lầu Ngưng Bích… Có bao đêm trăng đã qua? Đã bao lần nàng ngồi ngắm? Mà trăng đêm nay sao sáng thế? Bất giác nàng thở dài. Tay nàng lướt trên phím đàn. Tiếng đàn rung lên. Tiếng thanh vẫn vút cao, ngần ngật, tiếng trầm vẫn rền rĩ. Nhưng tiếng đàn đêm nay sao cứ chơi vơi, cứ thổn thức? Nó không hừng hực da diết như ngày đầu ngồi bên Kim Trọng, không tủi hờn như ở nhà Hoạn Thư, không đớn đau như khi hầu quan Tổng đốc, không réo rắt ngập vui như ngày tái ngộ. Tiếng đàn như dỗi, như hờn, như âm ỉ cháy!... Tiếng đàn lan đến đâu, nước mắt nàng dường như cũng trào đến đó. Lòng nàng vời vợi, xót xa…
Đã hơn 5 năm về sống cùng Kim Trọng và gia quyến, nàng bỗng chợt nhận ra mình như người thừa giữa chính nhà mình. Thứ nàng cháy lòng cần có thì nay nàng đã có, nhưng lại không phải là có. Chàng Kim tất bật lo toan việc công đường, có khi đến hơn tháng chàng mới ghé qua thăm. Thúy Vân túi bụi với một đàn con lít nhít. Tiếng bẳn gắt đôi khi cắt ngang cả tâm trí nàng lúc thiền tọa. Ông bà Viên ngoại đã già, đôi lúc lẩn thẩn; sang chơi ngồi nói chuyện với nàng mà cứ gọi là Vân (!) Mỗi khi giáp mặt Kim Trọng, nàng hết sức bối rối. Nàng không còn cái e ấp của người tình, mà cũng chẳng có cái ngấm nguýt của người vợ. Xa không xa, gần cũng chẳng gần… trong khi nàng mới vào tuổi 40, lửa lòng đâu đã lụi?
Muốn thổ lộ với chàng - còn thể diện? Muốn xa lánh chàng - con tim không nói thế! Tiếng đàn chùng xuống, chờn vờn đến lắt lay…
Giữa lúc tiếng đàn đang quyện vào ánh trăng, xoắn vào hương mộc, hồn nàng đang thổn  thức… Bỗng ánh trăng như loãng ra, trời trắng bệch. Một làn hơi lạnh ào đến. Tiếng vó ngựa rầm rập. Kiều ngửa mặt nhìn lên vầng trăng, lơi tay đàn. Từ trong làn sóng trăng và biển hơi bảng lảng ấy hiện ra một hảo hán đang gò cương, ghìm chân ngựa. Rõ ràng một chiến binh hàm én, mày ngài, lẫm liệt. Kiều thảng thốt rên lên: “Trời ơi! Từ công…”
Từ Hải vẫn ngồi trên yên ngựa, mắt xếch ngược, trừng trừng nhìn xuống. Cái nhìn như thấu qua bàn tay Kiều đang lập bập trên phím đàn.
- Nàng sao thế? Nàng có được khỏe không? - Tiếng nói âm âm như trong hang núi dội ra. Kiều vội vàng thi lễ:
- Cám ơn chàng, thiếp có sao đâu! Thiếp khỏe…
Tiếng âm âm dội lại:
- Không sao ư? Thế mà tiếng đàn đêm nay lại lạ lùng đến vậy? Nàng ước ao điều gì đó phải không?
- Dạ thưa… Nàng ngẩng đầu, ngập ngừng. Từ Hải cắt ngang lời nàng:
- Nàng có được hạnh phúc không? -  Kiều bối rối:
- Nếu hạnh phúc là no đủ, là yên ổn thì thiếp đang được hưởng hạnh phúc!
Giọng Từ công trầm xuống, cảm thông:
- Chồng nàng đối xử với nàng ra sao?
Kiều lặng đi, mặt cúi gằm rồi se sẽ cất lời:
- Chồng ư? Thiếp chỉ có duy nhất một người chồng. Thiếp chỉ có duy nhất một lần vu quy. Chàng có biết không? Chỉ một lần có băng nhân dạm hỏi, có lễ rước dâu. Chao ôi! Một lễ cưới uy nghi, rầm rộ có một không hai ở đất Hàng Châu. Đó là khi thiếp lên kiệu hoa, theo quân sỹ về quân doanh của người hảo hán. Đến giờ thiếp vẫn chỉ là vợ của người ấy mà thôi!...
Từ Hải ngây người:
- Thế là sao?
Rồi tiếng chàng đầy u uẩn:
- Nàng sống với người ta như thế được à? Sao không phải là vợ?... Thế là gì?... Tình nhân à?
 Kiều nghẹn ngào chấm chấm dòng nước mắt:
- Xin chàng đừng hỏi nữa, thiếp đau lòng lắm…
Từ Hải bỗng nhướn mày, mặt đỏ rựng:
- Nàng đau khổ ư? Có bằng ta đau khổ? Có bằng ta nhục nhã không?
- Trời ơi! - Kiều sụp xuống - Xin chàng, thiếp xin chàng, thiếp biết tội của mình lớn lắm… Thiếp đã từng đập đầu dưới chân chàng, thiếp đã nhảy xuống sông Tiền Đường để được theo chàng… Nhưng trời đâu có cho thiếp chết?
Từ Hải lắc đầu:
- Điều đó ta biết. Ta biết nàng muốn yên ổn về với gia quyến, ta đã nghe theo nàng. Nàng mong tìm lại được người tình xưa, ta cũng mặc nàng. Nhưng nàng làm vợ, nàng làm mất cơ đồ của chồng vì cái gì, nàng có biết không?
Giọng Từ bỗng uất hận:
 - Nhục lắm! Cha con Hồ Tôn Hiến thắng ta, ta cũng không thèm đau khổ nếu ta thấp mưu hơn hắn. Nhưng ta đau là ở chỗ: Dưới suối vàng, binh sĩ xì xầm. Trên dân gian người ta bàn tán… Đến muôn đời sau, người đời vẫn hiểu rằng: Ta đã để nàng tham dự vào việc quân cơ. Rồi ta - nàng đã nhận đồ đút lót của tên Hồ Tổng đốc đốn mạt ấy. Người đời cho rằng: Với món quà mang đến nhà riêng “Hai tên thể nữ, ngọc vàng nghìn cân” mà nàng đã nhận, hắn đã mua được ta, đã khiến ta phá tan cơ đồ lừng lẫy. Ở dưới suối vàng, quân sĩ cả hai bên, nhiều người đã khinh bỉ, nhổ nước bọt rồi ngoảnh mặt không nhìn mặt ta… Nàng có hiểu không? Có hiểu không?
Kiều chết lặng. Bây giờ nàng mới hiểu hết cái tâm, cái trí, cái nỗi đau vô bờ của Từ công khi chàng chết chôn chân, sừng sừng giữa trận tiền ngày ấy. Nàng ập đầu nấc lên:
- Tội thiếp đáng chết, ngàn lần đáng chết… Xin chàng cho thiếp đi theo… Xin chàng cho thiếp được chết!
Từ Hải cúi xuống:
- Nếu nàng đã muốn vậy, ta chờ!
Kiều rối rít:
- Tạ ơn chàng, tạ ơn chàng… Dù thiếp có làm tỳ thiếp, có làm…
Từ Hải cười vang:
- Ha… ha… Không! Nàng sẽ vẫn là vợ ta, mãi mãi là vợ ta… ha, ha… Tri kỷ trước sau mấy người?
Nói rồi, Từ nhảy khỏi yên ngựa, con ngựa hý lên, mõm ngoạm vào ánh trăng, Từ dắt ngựa, tản bộ, chân bước bồng bềnh trong làn sương mỏng. Bỗng Kiều lại cuống quýt:
- Xin chàng, xin chàng chờ thiếp… Chàng cho thiếp viết đôi dòng gửi lại.
Tiếng Từ âm vang, rền như sấm:
- Việc đó tùy nàng!
Kiều giở vội tấm lụa trắng dài hai thước mà Kim Trọng tặng nàng ngày tái ngộ. Nàng lao vào phòng, nhặt bút, chấm mực, hối hả viết. Nàng viết như không bao giờ còn được viết. Nàng đưa tay nhanh như sợ không kịp giãi bày ý mình. Con chữ trào ra trên ngòi bút như đã chực sẵn từ bao giờ. Nàng viết trong tiếng nấc thẳm sâu của ân hận. Nước mắt nàng dào lên, chảy vào khóe miệng, mằn mặn. Những giọt nước mắt lã chã rơi trên dòng chữ. Những giọt nước mắt thấm xuống bỗng đỏ hồng nền lụa trắng.
Nàng viết dưới cái bóng lừng lững của Từ công. Người anh hùng họ Từ đăm đăm nhìn nàng… Chờ đợi…
Khi tấm lụa đầy kín chữ - những con chữ đen nhánh nổi lên trên nền hồng của những dòng huyết lệ, Kiều cuộn bức thư, phong kín và ghi rõ bên ngoài: “Gửi em Vân”. Nàng buông bút, ngã vật ra. Ghế bàn lục cục đổ. Cây đàn rơi “choang” một tiếng, đập vào gốc mộc lan. Mấy gia nhân giật mình tỉnh giấc, chạy đến, vực nàng lên giường. Người thuốc, kẻ thang rầm rập. Từ phòng riêng, Kim Trọng vươn vai, uể oải hỏi: “Chuyện gì mà ồn ào thế?” Nghe bẩm lại, chàng Kim vội xốc xống áo, chạy sang. Mắt nàng đã thất thần, môi trắng lợt. Khi tay Kim Trọng luồn vào mái tóc, nâng đầu nàng thì môi nàng bỗng mấp máy… Trong tiếng va của hàm răng ngọc và làn hơi yếu, Kim Trọng nghe thoảng tiếng nàng “Kim lang… Kim lang… Thiếp… Thiếp lại... lại phụ chàng… từ đây!”. Nàng nhắm mắt, một dòng máu trào ra bên khóe miệng.
Xa xa có tiếng ngựa phi. Ánh trăng ngập trong đám mây đen, trời tối sầm. Một làn hơi lạnh ào qua, Kiều từ giã nhân gian.
Kim Trọng buồn bã hàng tháng, bỏ bê cả công việc. Sau, nhiều người cùng xúm vào khuyên giải: “Ngày xưa, biết nàng còn sống mà không tìm được, đau khổ đã đành. Nay, có thương nhớ, có sầu muộn đến đâu thì nàng cũng chẳng thể sống lại…”. Dần dà, chàng Kim cũng nguôi ngoai.
Kim Trọng trị nhậm Nam Bình được mấy năm, lại được bổ nhiệm về Lâm Thành, Phúc Kiến. Sau đó lại được thăng chức cai quản một số châu phủ lớn. Đi đến đâu, Thúy Vân cũng mang theo bức huyết thư của chị. Đến phủ đệ mới, nàng lập ngay bàn thờ chị. Mỗi lần, trước khi chuyển theo chồng, nàng đều thắp hương trước bài vị Kiều mà khấn rằng:
- Thưa chị, lúc nào em cũng khắc cốt ghi tâm lời chị dạy trong thư. Em đã gắng làm đúng như chị mong muốn… Cũng có khi em phải hết sức khó khăn để dằn lòng mình. Mong chị hãy phù hộ, độ trì cho vợ chồng em và các cháu…
Không ai biết thư Kiều nói gì. Chỉ biết rằng Kim Trọng đi đến đâu cũng được dân mến. Khi chuyển đi nơi khác, dân đều tiếc. Mấy chục năm làm quan, được ca tụng là người liêm khiết.
Bây giờ ở vùng Chiết Giang, Trung Quốc người ta đã tìm thấy bức thư của Kiều để lại cho Vân. Họ cho in và phát hành rộng rãi. Nghe đâu có nhiều người tìm đọc lắm, nhất là các bà vợ của các vị chức sắc.
Tiếc rằng ở ta chưa có bản dịch nào…
LÊ TỐN (Lê Thuần Thảo) 
Lai láng tình quê
Tập truyện ngắn đoạt Giải Khuyến khích,
Giải thưởng VHNT tỉnh Vĩnh Phúc 5 năm lần thứ IV (2011 - 2015)
MẤY CON QUÁI
Hắn có một cái tên khai sinh trùng tên một loài cây có hoa, thuộc dòng bí tử, thân mộc, dễ cọc. Cây bình thường, hoa không quá đẹp, không thơm nhiều, nhưng cũng đủ gợi về một mùa trong năm, cho ai đó từng có một thời cắp sách, lặng lẽ, giật mình, ngắm sắc hoa rơi. Độc giả có thể đoán tên hắn trùng tên loài cây nào đó nhưng trong truyện này ta cứ gọi là hắn.
Hắn từng sở hữu những nhỏ nhắn tròn xinh. Những búp tay trắng trẻo, tròn xinh, tóc mượt mà đen che hững hờ, ngấn cổ trắng tròn xinh và khuôn ngực thanh tân dẫu bị đậy điệm, chở che qua ba bốn tầng áp bức vẫn nây nẩy vươn như  muốn tự khẳng định tròn xinh.
Vào trung học phổ thông, bố tặng hắn một cuốn sách dày cộp, bố bảo: “Con hãy đọc quyển này đi, từng là sách gối đầu giường của bố đấy”. Đưa cả hai tay đón quyển sách nặng, hắn cười cười, xun xun mũi:
- Con hiểu rồi. Ngày trẻ bố gối sách này nên hình thành thói quen kê gối cao.
Hắn bày sách lên ngăn tủ, lẫn lộn giữa những sách giáo khoa, sách đọc thêm, sách học thêm lôm côm, lẩm cẩm. Hắn mỉm cười tinh quái khi thấy các tác phẩm mỏng - dày, cũ - mới của các tác giả tây - ta; già - trẻ; xưa - nay… đứng cạnh nhau trong một tập hợp cộng đồng các gáy sách thập thò trắng - đen, đỏ - vàng, lộn xộn. Hắn nghĩ, cứ bày ra cho “đẹp đội hình” chứ hơi đâu mà đọc.
Trong các môn học, hắn ghét nhất môn Hình học, nói đến đâu phải viện dẫn đến đó như luật sư tranh biện trong các vụ án. Lại còn quỹ tích nữa chứ, lúc thì quỹ tích là một đoạn thẳng, lúc lại là đường tròn… cứ rối tinh rối mù những chứng minh thuận, đảo, nhức cả đầu. Một hôm hứng chí, hắn thử giở quyển sách bố tặng xem lướt qua. Sách có tranh minh họa, trong đó có vẽ một cô gái trẻ, xinh, có cặp mắt to, sáng, có cái mũi hếch, tóc cắt ngắn, mũ nồi đỏ và đi đôi ủng cao gót.  Hắn ngạc nhiên vì cô gái trong tranh có trang phục gần giống mấy chị tiếp viên nhà hàng trên phố.
Hắn đọc lướt vài trang và phát hiện ra một câu nói của nhân vật: Đời làm vợ cần gì môn Đại số! Hắn nghĩ, chị này nói đúng. Môn Đại số - Giải tích cũng đáng buồn lắm thay. Và hắn nghĩ lan man: Hồi trẻ bố có thích chị này không nhỉ? Có thể bố thích lắm chứ. Một vài lần hắn nghe bạn của bố nói oang oang: “Uống xong mà đi hát thì mỏi tay lắm. Đi cắt tóc máy lạnh thư giãn khoái hơn”.
Đến ngày cả lớp hắn chộn rộn làm hồ sơ thi đại học. Đứa làm nhiều nhất năm sáu hồ sơ từ đại học cho đến học nghề. Đứa ít nhất làm một hồ sơ. Cô giáo chủ nhiệm tư vấn “Các em cứ làm hồ sơ theo hướng dẫn “Những điều cần biết” và theo nguyện vọng của mình. Cô nghiệm ra đường học cũng như đường đời, có nhiều chặng gian nan và cũng rất nhiều đoạn may mắn”
Thấy hắn cứ cặm cụi làm hồ sơ, cứ viết rồi hỏng, rồi xóa, bản hồ sơ cứ trắng lóa từng mảng như bôi vôi, mẹ sốt ruột bảo: “Con cứ ghi đại đi một nguyện vọng mà con thích, nếu đỗ thì học, không đỗ thì thôi. Còn đường đời, khối người có học hành gì nhiều đâu mà cũng lên ông nọ, bà kia cả đấy thôi”
Lũ bạn hắn có đứa không biết tí nhạc nào mà ghi nguyện vọng vào “Đại học Thanh nhạc”. Lại có đứa ghi: “Đại học Sân khấu Điện ảnh”. Nó bảo diễn viên điện ảnh không cần đẹp. Người ta có thể hóa trang cú, quạ thành công, trĩ mỹ miều; Chỉ cần có cái dáng là được. Đời đã tổng kết “Nhất dáng, nhì da”! Lại có đứa nói oang oang: “Dạy Toán, học Văn, ăn Thể dục”, rồi nó bình luận ngắn gọn: Dạy Toán nhàn, thích thì nói, không thích thì ra bài tập cho học trò làm. Học Văn cũng nhàn nhã. Thể dục “là môn ăn chơi” thì ai củng rõ  rồi, khỏi phải bàn!.
Hắn  nghĩ, hay là ghi nguyện vọng vào khoa Văn? Mấy năm đại học, mấy năm nhàn. Còn cuộc đời đã có số!
Hắn hỏi bố, bởi bố luôn luôn là “nhà tài trợ chính”. Bố bảo:
- Học Văn à? Cái môn đó tám sáu như nhau. Có mấy bài “con cò” tiểu học, trung học, đại học đều học. Học đi học lại, viết đi viết lại, phân tích ngược xuôi, tranh cãi ồn ào mà không ngã ngũ là cò đi ăn ban ngày hay đi ăn ban đêm? Con cò mà đi ăn đêm thì đây là con cò gì? Cò quăm, cò bợ, cò lả, cò vằn… Lại còn con cò nào bay từ cửa phủ? Anh ở nhà quê thì chê anh ở tỉnh là dốt thực tiễn, người học lớp bảy trường làng thì chê giáo sư, tiến sĩ chưa tường tận con cò. Ấy, mới một con cò đã thế, mà văn chương còn bao la chuyện, con học cái thứ đó làm gì?
- Vậy thì bố tư vấn hộ con nên học ngành nào?
- Bố biết! Bố bảo con cũng không nghe nhưng bố cứ nói. Con ăn vào cái gen mang tính trội của mẹ, được cái răng, cái tóc, cái da, cái dáng, đó là của quý. Tốt nghiệp phổ thông vừa mười tám tuổi, vào cơ quan bố làm hợp đồng văn thư tạp vụ gì đó, rồi kiếm lấy mảnh bằng trung học kinh tế tại chức ngành kế toán, học ngay đầu phố huyện, loanh quanh chuyện đó cũng mất vài ba năm. Có tấm bằng rồi, làm thủ quỹ, làm kế toán ngay trong cơ quan, quẩn quanh suốt ngày với bốn phép tính tiểu học, một mình một bàn, một tủ, một máy tính, sạch sẽ ngăn nắp, mưa không đến mặt, nắng không qua đầu. Ngồi một chỗ mà biết việc toàn cơ quan, trưởng phòng, phó phòng, chuyên viên đều phải lụy. Rồi chọn lấy một thằng nào tử tế mà con thích… thế là xong!.
Nghe bố nói, hắn chạnh buồn. Chẳng nhẽ đời người cứ được lập trình theo các bước như giải phương trình hay khảo sát hàm số vậy sao?
Lúc đã bình tâm, hắn đã nhẩm lại từng lời bố nói và ngộ ra câu chuyện “con cò”. Hóa ra văn chương còn nhiều chuyện lắm. Mảnh đất ấy dẫu cũng xưa như trái đất, vẫn ẩn chứa tầng tầng lớp lớp những tri thức, những ngôn từ, những khía cạnh, những góc nhìn, những phương pháp tiếp cận mà sự khai thác, khám phá chưa bao giờ vơi cạn, như nhà nông và mảnh ruộng đời đời mùa vụ nối tiếp sinh sôi…
Mấy ngày sau, hắn nói: “Con ghi nguyện vọng vào khoa Văn rồi, do chịu ảnh hưởng từ bài “con cò” của bố đấy. Bố đừng mắng con nhé”
Không những không mắng, bố còn bảo: “Đây là lần thứ hai bố thất bại khi đóng vai thuyết khách” rồi vui vẻ kể cho hắn nghe câu chuyện bố làm thuyết khách lần đầu:
“Độ ấy, bố, mẹ con và bác Hảo cùng chung nhóm học tập tại trường đại học. Bác Hảo là cán bộ đi học, được trên giao nhiệm vụ học cùng để giúp đỡ về mặt tư tưởng cho tụi sinh viên trẻ như bố mẹ lúc bấy giờ. Bốn năm học, ba người ngồi cùng bàn, ăn cùng mâm, giờ tự học cùng ngồi với nhau, cùng thảo luận, cùng tranh luận những bài khó, thân thiết như ruột thịt. Một hôm bác Hảo gọi riêng bố ra một chỗ vắng và nói thì thào với vẻ mặt rất nghiêm nghị: “Sắp thi tốt nghiệp rồi, thế là anh em mình sắp phải xa nhau… Nhưng mà tớ yêu con bé Loan quá cậu ạ, chẳng biết nên thổ lộ thế nào! Nhờ cậu nói với Loan là tớ yêu cô ấy nhé. Tối mai, khi học nhóm, tớ đi ra ngoài thì cậu nói với Loan hộ nhé”.
Đêm ấy trời se lạnh, lại có mưa xuân lất phất, chín giờ đêm, tiếng loa phát thanh vừa kêu tút… tút thì bác Hảo lẳng lặng ra ngoài, lập tức bố vào đề luôn - Bài “văn” của bố gồm mấy ý: Nhà anh Hảo ấy thành phần cơ bản, bố mẹ tử tế, anh em đàng hoàng. Anh ấy là người từng trải và khiêm tốn, đã hưởng mức lương “cán sự” ở cấp tỉnh, có bằng tốt nghiệp đại học chắc chắn sẽ vào ngạch “chuyên viên”. Anh ấy tháo vát, tử tế, lịch thiệp, đứng đắn và anh ấy rất yêu Loan. Anh ấy nhờ tôi… Bố nói rất tha thiết và chân thành… Bất chợt mẹ con hỏi:
- Ông không đùa đấy chứ? Ông đang nói nghiêm túc đấy chứ.
- Anh ấy nhờ tôi nói với Loan mà. Thật đấy. Tôi xin thề chuyện này hoàn toàn nghiêm túc. Thế là mẹ con khóc, khóc òa, khóc to, làm bố hoảng quá. Mẹ con vừa khóc vừa nói:
- Đồ tồi! Người ta yêu mình, mình lại giới thiệu người ta cho người khác. Anh cút đi!.
Bàng hoàng quá! Lúng túng quá! Không biết xử trí thế nào, bố đành bỏ chạy ra ngoài lại gặp ngay bác Hảo đang đứng cạnh cửa lớp. Bác ấy bảo:
- Tớ nghe hết rồi. Tớ biết hết rồi. Cậu còn chạy đi đâu, vào ngay với cô ấy, xin lỗi cô ấy, động viên cô ấy và ngỏ lời yêu với cô ấy ngay đi. Tớ xin rút. Loan là cô gái tốt, đừng để đứa khác nó lấy mất thì hoài lắm… Rồi bác nói nhỏ: “Mình đã hiểu lầm giữa hiện tượng và bản chất. Ôi! Con bé này quái thật!”
Bố đã bảo con có gen trội của của mẹ con mà, có bao giờ nghe theo bố đâu! Đó cũng là lần đầu tiên trong đời mẹ con gọi bố là “anh” đấy. Rồi bố cười, nụ cười rất trẻ: “Yêu văn chương thì con cứ thi văn và học văn. Khi nào đời không sống nổi với văn thì lại về học tại chức kế toán và lại đi theo hướng bố đã vạch ra”.
Hắn đỗ vào khoa Văn với mức vừa đạt điểm chuẩn. Vào học, hắn mới thấm thía cái tri thức hạn hẹp của hắn trong quá trình học lười biếng và đối phó ở trường quê được mài mòn từ mấy cuốn sách giáo khoa trong mấy ngàn giờ đọc chép. Sinh viên ở đây toàn loại tri thức làng nhàng như hắn cũng nhiều, nhưng những đứa giỏi thì thật là xuất sắc. Lên lớp, thầy cô đọc giáo trình, hắn cứ chép lia lịa như cả mười hai con giáp đi, đã học đi, đã nghe, đã chép quen rồi. Trong khi cái Hiền ngồi cạnh tay lăm lăm cây bút bi đỏ, chấm giáo trình của thầy và phê vào đó đoạn nào tốt, đoạn nào thiếu chính xác, đoạn nào giáo trình “copy” nguyên xi từ các sách đã in hoặc từ giáo trình khác mà không ghi xuất xứ thì cái Hiền ghi vào bên lề: “Thiếu tự trọng, không nghiêm túc”. Nhiều giáo sư biết điều đó nhưng các vị coi đó là trò trẻ, không thèm chấp và các bài kiểm tra, các bài thi của Hiền đều đạt điểm rất cao. Loại như cái Hiền mỗi lớp có gần chục đứa, có đứa siêu ngoại ngữ; siêu về tài lẻ: văn nghệ, thể thao. Nhiều đứa ngày đi học, tối dùng tài lẻ chạy sô, kiếm tiền. Trong tập thể đa tài, đa sắc ấy, vẻ đẹp mặn mà chân quê, sức học làng nhàng trường huyện của hắn bị lu mờ như giọt nước không màu, không mùi. Ngày ngày hắn luôn luôn lắng nghe, ngắm nhìn và thán phục.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi. Lũ bạn đã lần lượt cặp đôi, nhiều đứa đã trải qua một hai cuộc tình không kém phần lãng mạn. Có đứa còn được các thầy yêu. Cái Hiền hình như cũng đã có “chốn” nhưng Hiền vẫn vô tư: Lên lớp chơi là chính, xuống lớp làm thêm là chính: viết báo, biên tập và chữa morat thuê cho một nhà xuất bản, thế mà bài làm nào Hiền cũng đạt chín mười, trong khi hắn chỉ đọc và học cũng chỉ được làng nhàng năm sáu điểm. Một hôm Hiền nói riêng với hắn:
- Này ông Tô - Bá - Tượng thích mày đấy! Ông ấy già một chút, ngọng một chút nhưng dẫu sao cũng là phó giáo sư, tiến sĩ, giảng viên chính. Đó sẽ là một ông chồng ngoan, dễ sai bảo và một ông bố chỉn chu. Mày ưng không?
- Mày chỉ xạo - Hắn phản ứng.
- Thật đấy, ông ấy nhờ tao mà
- Nhờ thế nào!
- Chiều qua, ông ấy xuống khu “La tinh” tìm đến phòng tao trọ. Tao chào “thầy” xưng “em” rất lễ phép, lại còn ra quán “thửa” hẳn một ấm trà “nóng giòn” mang về mời. Uống hết chén thứ nhất, ông ấy bảo: Hiền học giỏi nhất khoa ấy nhỉ, các giáo sư ai cũng khen. Sang năm em đăng ký làm luận văn tốt nghiệp chứ? Tao lấp lửng: “Tụi em nghĩ ngắn lắm thầy ạ, học năm nào biết năm đó thôi”.
Ông ấy lặng thinh. Tao cũng lặng im. Ông ấy uống nước và tao rót nước. Biết là có “giáo sư đến” mấy đứa đã nháy nhủ nhau sơ tán để lại một khu nhà trọ trống vắng, tĩnh mịch. Cái đồng hồ để bàn ở phòng bên cạnh cứ vô tư gõ nhịp nghe thật đơn điệu và não nề. Không nhớ là tao đã rót mời thầy bao nhiêu chén cho đến lúc cái ấm trà đã chổng tĩ lên trời, từ vòi ấm mấy bọt nước  to như hạt ngô lùa vào chén, “giáo sư” mới nói tiếp: “Cái cô em hay mặc áo trắng, thường xuyên ngồi cùng bàn với Hiền ấy đã có đám nào chưa nhỉ? Liệu cô ấy có chút cảm tình nào với tôi không?”
Thoáng nhìn vẻ tội nghiệp của “ông già”, tao biết ngay đây là lời tỏ tình bằng lối vào đề trực tiếp của “thần thật thà” tao bảo:
- Các thầy tinh thật đấy! Bạn ấy gái quê, con nhà lành, vừa đằm thắm lại nết na. Mấy năm nay sống ở chốn thị thành vẫn giữ được mộc mạc hương đồng gió nội. Ông ấy hỏi:
- Thế ra cô ấy đã có ai rồi sao mà Hiền bảo là “các thầy”? - Tao bảo:
- Bạn ấy kín đáo nên em cũng  không biết kỹ, nhưng hình như cũng có mấy thầy trong khoa, trong trường để ý và còn có anh bạn học từ thời  ở trường quê cũng hay đến thăm.
Nghe tao nói vậy, ông ấy lặng đi. Cái lưng cứ gù gù, cái má xề xệ, mái tóc lòa xòa vài sợi rủ xuống vầng trán hói trông tội nghiệp quá mày ơi. Ông ấy yêu mày thực lòng đó. Thời nay tìm được một trái tim  “chân yêu” cũng quan trọng không kém gì các nhà tự nhiên tìm ra nguyên tố mới. Tướng mày  làm “bà giáo sư” là hợp đấy.
- Mày phát hiện ra người “chân yêu” quý hiếm của thời đại thì tao nhường mày.- Hắn phản ứng.
- Mày lại nhầm rồi. Phát hiện là một nhẽ, khai thác sử dụng lại là một lĩnh vực khác. Tao luôn luôn “đọc” được ông ấy và chính ông ấy cũng biết điều đó, ngay từ khi lên giảng học trình đầu tiên tại lớp ta. “Gửi lời thì nói”, thế là tao đã nói, còn “xử lý thông tin” đến đâu là quyền của mày. Chấm hết. À quên, còn năm ngàn tiền ấm trà, nhớ hôm nào mua sấu dầm trả cho tao. Cả vốn và lãi nhé hi hi…!”
Lại một mùa xuân sắp qua. Năm nay hắn dọn đến ở chung cùng cái Hiền. Một hôm cái Hiền bảo: “Sắp sửa ra trường rồi. Đã hơn hai mươi cái xuân xanh mà cuộc đời vẫn buồn tẻ. Mày có muốn nghịch ngợm một chút cho vui không? Tao có cái sim điện thoại mới, ta hãy làm một phép thử xem các “đấng mày râu” trong khoa, trong trường “tán tỉnh” tụi con gái thế nào nhé. Mày không dám yêu giáo sư, tụi bạn cùng lớp mày cũng lành lạnh, bây giờ cho qua phép thử này, biết đâu lại gặp thần ái tình đích thực làm cho trải tim mày xốn xang”
Nói là làm, ngày hôm sau trong mục “quảng cáo và rao vặt” của tờ báo tường treo nơi góc lớp được dán lên một tờ giấy màu thanh thiên, với hàng chữ đánh máy vi tính rõ ràng: “Em thuộc “phái yếu”, là chủ nhân của số điện thoại 09776864… mong nhận được sự chia sẻ bằng tin nhắn với chủ đề “Anh nhớ em”. Thời gian bắt đầu từ hôm nay, ngày tám tháng ba và kết thúc vào ngày tám tháng tư năm nay. Tin nhắn đặc sắc nhất em xin gặp trực tiếp để hậu tạ. Năm tin nhắn hay em xin gửi quà biếu bằng số thẻ tương ứng có mệnh giá 100; 50; 30; 20 và 10 ngàn đồng. Em đợi tin”.
Điện thoại đặt chế độ rung cất vào hốc trong ngăn bàn, đến giờ “đọc chuyện đêm khuya” hai đứa mới mở ra xem. Mỗi ngày có chừng dăm bảy tin nhắn. Có cái dài, có cái ngắn; có cái nghịch ngợm, có cái chân phương… Tin nhắn bằng văn vần, bằng văn xuôi… đa dạng. Lác đác cũng có tin nhắn lời lẽ, ngôn từ không đẹp, nhưng chúng cũng chẳng bực mình bởi đã xác định từ đầu mục đích cuộc chơi “vui là chính” và cũng là dịp “trắc nghiệm” về “nhớ” của các đấng “mày râu”. Mỗi ngày tin nhắn được cập nhật và ghi riêng. Cuối đợt có tất cả hơn hai trăm “bài thi” đọc mất đứt buổi sáng ngày chủ nhật. Nhiều “bài” cả hai đều thích như:
“Tuổi hoa niên qua rồi
Niên hoa còn thắm mãi
Anh nhớ em. Nhớ em
Thời vô tư vụng dại… ”
Cũng có mẩu tin viết vui
Em là ai? Sao anh phải nhớ em
Hỡi cô gái ngày ngày anh vẫn gặp
Dòng tin xanh đã làm anh… trằn trọc
Thôi chết rồi… Anh đã nhớ em.
Lấy chịch là “chánh chủ khảo”, cái Hiền cho tin nhắn sau đây là độc đáo:
Anh nhớ em
Như con chim chích nhớ con sâu
Như con trâu nhớ đồng cỏ
Như con chó nhớ cục xương hầm
Khi ăn, khi ngủ, khi đứng, khi ngồi…
Nhớ em.
Nó bình: “Thằng” này vần điệu trúc trắc nhưng có vẻ biết gắn “học” với “hành”. Vả lại tao đoán nó còn “cài đặt” một cái gì đó  khá tinh quái! Thậm chí là quỷ quái để “thử” chúng mình. Chúng ta quyết gặp thằng này xem hắn là ai.
Giữa lúc hai đứa đang “chấm bài”, đang “bình văn” thì có tin nhắn mới, lại của chính cái thằng ấy. Là linh tính, là điểm báo may mắn hay rủi ro đây?
“Em ơi, Máy bỏ đâu rồi
Sao không “nhắn” lại một lời cho anh
Đợi chờ thao thức năm canh
Nhớ em. Nhớ bản tin xanh. Báo tường”
- Có nhắn tin lại cho thằng này không? - Hắn hỏi
- Có. Nhắn ngay
- Bằng văn vần hay văn xuôi
- Bằng văn xuôi, vài câu mộc mạc thôi. Mày viết đi: “Em gặp anh, 20h chủ nhật, tại bản số năm, café Thân Ái, ngõ Khuê Văn, gần cổng trường. Nhớ mang theo bản thảo để lĩnh nhuận bút”.
Lập tức có tin nhắn trả lời: “Thanks! OK
Kịch bản được vạch ra như sau: hắn đến trước, chiếm bàn số năm. Hiền đến sau ít phút  và chiếm bàn số bảy ngay kề bên, có khoảng cách đủ gần để có thể hỗ trợ cho hắn khi cần. Trang phục giản dị, có trang điểm tí chút nhưng nhẹ nhàng.
Hôm ấy Hiền tự tay trang điểm cho hắn rồi xoay hắn mấy vòng ngắm trước ngắm sau “quần bò mài xanh, áo phông thái hồng, ngoài khoác áo gió…” rồi lẩm nhẩm: “Mày đẹp thật đấy, tao còn thấy mê thì thằng ấy hôm nay sẽ “chết”.
Còn Hiền khoác vào một bộ “ký giả” vừa mượn được của đứa bạn bên khoa “báo chí”, đi đôi “ghệt” da cao cổ trông khá ngang tàng, lại đào đâu ra cái “pan-tô” trông ra vẻ sành điệu lắm!
Chủ nhật, giờ ấy quán vắng. Bàn ngoài mấy cô cậu “lớp 13” đang vừa uống nước ngọt, vừa cười đùa ồn ã. Góc bên phải có một đôi đang ngồi sát bên nhau. Hắn ngồi vào bàn năm, với tập menu, bill of fare (thực đơn, đồ uống) thì cái Hiền cũng vào vị trí.
Trời se se rét lộc, cái lạnh ngọt ngào của sự nẩy nở sinh sôi. Hắn cảm thấy như đèn trong quán hôm nay mờ hơn mọi ngày. Tự nhiên hắn thấy trống trải. Sao mình lại phải nghe theo con Hiền lao vào trò chơi mạo hiểm và quái quỷ này nhỉ? Sao không cho cái Hiền vào bàn số năm này để đối phó với thằng cha ấy mà lại là mình. Nếu nó là một “thằng cáo già” lại mang theo cả một “tập đoàn đầu gấu” thì sao? Hay đây là một “chú chích chòe” mới vào năm thứ nhất? Và… Trời ơi! Nhỡ ra đây là một “thầy!”. Hắn cảm thấy ớn lạnh chạy dọc sống lưng. Dại dột! Dại dột quá chừng! Mạo hiểm quá chừng! Quán hôm nay sao vắng thế, có chuyện gì không may thì ai cứu mình. Hắn nhìn sang, cái Hiền vẫn điềm nhiên lần giở tập menu, mắt lơ đãng như đang chờ ai đó. Cô lễ tân vận áo dài hồng, vẫn đứng trong quầy cũng lơ đãng nhìn ra ngoài, một cái nhìn vô cảm. Đôi nam nữ ở bàn bên, uống chung một ly cà fé phin, họ đang chờ những giọt café chầm chậm rơi vừa tranh thủ… Tay phải anh chàng khoác qua vai bạn gái của mình, tay trái bị giấu kín vào trong áo đối phương đang lồng phồng ngọ ngoạy vùng “núi đồi và thảo nguyên”. Cô gái trẻ nghiêng người về phía anh chàng, nét mặt khó đăm đăm ra chừng cam chịu. Hắn rùng mình, định chạy sang bàn cái Hiền để kéo nó ra ngoài thì một tiếng nói nhỏ, gần như dội từ trán hắn dội xuống:
- Em đợi anh đã lâu chưa?
Hắn giật thót mình ngước lên. Một thằng tầm thước vừa phải, quần đen, áo da đen cài khuy kín, đôi giày đen bóng loáng và cái mũ rộng vành kiểu “Mễ Tây Cơ” cũng màu đen. Toàn thân “hoắc toàn phong”, chỉ để lộ ra khuôn mặt trắng và vành môi tai tái. Thằng cha rất tự tin ngồi xuống ghế đối diện và chìa tay ra: - Anh tên là Hòa.
Hắn run run đặt bàn tay vào trong lòng bàn tay Hòa rồi rút lại ngay và nói rất khẽ.
- Chúng em cũng vừa đến!
- Chúng em? Nghĩa là còn ai nữa?
Hắn run quá. Trong “kịch bản” bàn định ở nhà, cái Hiền bảo là khi thằng ấy đến, ngồi vào bàn thì mày “điều tra” sơ sơ về bản “lý lịch trích ngang” của nó, sau đó gọi thức uống, kẹo bánh gì đó, rồi liều liệu mà khu xử. Tao chỉ hỗ trợ trong trường hợp cần thiết thôi! Còn “kinh phí” lấy trong ví này, lận sẵn vào quần cho chủ động”. Thế mà mình vừa nói hớ. Ôi! Chữa thế nào đây. Sao mình cứ bị ám ảnh bởi cái Hiền nhỉ. Tại sao lại “xướng” là “chúng em!”. Hắn cảm giác bức bối, nóng ran người.
Giữa lúc ấy cái Hiền bước sang, kéo ghế ngồi vào giữa hai đứa, mặt đanh đá như sắp cãi nhau, nổ một câu sắc lẻm:
- Đừng vờ nữa! Bỏ mũ ra cho tóc xuôi xuống! Giày mượn của thằng nào hơi bị rộng và cái áo nữa. Cài khuy kín thế nóng chết. Cởi nhanh ra cho “ngực” nó thở!
Thằng cha mặt đỏ hồng, ngoan ngoãn làm theo ngần ấy thao tác Hiền vừa yêu cầu thì hiện nguyên hình là một “thị”. Rồi sáu bàn tay của ba đứa cùng đặt lên bàn, chồng chéo lên nhau những bàn tay mềm mại, trắng hồng. Rồi cả ba ả cùng đứng dậy ôm nhau cười như chợ vỡ làm gã chủ quán béo ụt ịt ngơ ngác chạy ra đứng cạnh quầy lễ tân. Anh chàng ở bàn bên giật mình vội vàng rút bàn tay “đang chu du ở vùng nào đó” đặt lên bàn, rồi giả vờ mân mê ly café đã lưng lửng.
Nhìn xoáy vào cái Hòa như để “xem tướng”, cái Hiền “đề xuất”
- Tên yêu quái giả dạng khai mau: Họ tên khai sinh, bút danh nếu có, quê quán, đang học ở khoa, lớp nào?
- Mình tên là Hòa – Lê Thị Hòa, quê Phố Hiến, học năm thứ ba bên kinh tế đối ngoại. Chưa viết lách gì, nhưng thỉnh thoảng cũng có thể hiện tí chút văn chương nên lũ trong lớp gọi là “Hòa hâm”. Cũng vì “hâm” nên thỉnh thoảng sang bên này đọc trộm báo tường.
- Ta gọi cái gì chứ nhỉ. Hắn nhớ nhiệm vụ trong vai diễn của mình.
- Ba nâu nóng, bánh trứng xốp và mấy phong bánh đậu. Kỷ niệm ngày đầu ta ngồi lâu lâu một lúc - Cái Hiền nói. Cái Hòa chủ động vẫy tiếp viên.
Những tách café lặng lẽ nhỏ từng giọt đen nâu vào cốc, ba mái đầu chụm sát nhau nhâm nhi mấy chiếc bánh và những lời tâm tình trao đổi  khe khẽ rù rì của ba đứa, nghe xào xạc hòa lẫn trong đêm, khi quán đã dần đông.
Trước lúc chia tay Hiền nói:
- Tin nhắn của Hòa vào máy là thế, nhưng trong “bản thảo” sẽ có khác tí chút đúng không?
- Đệ bái phục, bái phục. Quả có thế. Tiểu đệ có mang bản thảo theo đây. Nó trao cho Hiền cái phong bì đã dán kín: “Chuyện tếu táo, pha chút “tiếu ngạo giang hồ”, hai “bác” đừng chấp, đừng giận nhé. Đã là “anh em kết ngãi” thì hãy coi đây là chút kỷ niệm để chơi với nhau cho bền.
Về phòng trọ, hắn đòi xé phong bì đọc ngay. Đọc xong, hắn buông người xuống giường trùm trăn khóc nức nở. Hiền vội vàng cầm lên:
Anh nhớ em
Như con chim chích nhớ con sâu
Như con trâu nhớ đồng cỏ
Như con chó nhớ… cục vàng trôi
Khi ăn, khi ngủ, khi đứng, khi ngồi…
Nhớ em.
Đọc xong Hiền ôm lấy hắn dỗ dành:
- Đây chỉ là một trò chơi thôi mà, vui vẻ, tếu táo, đừng chấp nhặt, cứ vô tư cho đời trẻ trung thêm ngày nào hay ngày đó.
- Tao khóc không phải chấp gì chúng mày mà tao khóc vì tức đời. Tại sao cái câu đó Hòa viết, mày “bắt được”, mà tao lại không nhận ra. Tại sao tao không có được cái thông minh, quái đản của chúng mày. Cùng lứa với nhau, chúng mày thì giỏi giang mà tao thì kém cỏi…
Cái Hiền ôm hắn chặt hơn và thủ thỉ những lời tha thiết như dỗ dành: “Ôi! Cô bé nết na ơi! Da cô trắng, tóc cô dài, dáng cô thanh, mắt cô đẹp, môi cô hồng, mặt cô xinh. Cô đẹp nhất khoa, chúng tôi có dám tị hiềm gì đâu. Còn việc học, việc đọc mình chịu khó chăm chỉ thêm một tí, chịu suy nghĩ thêm một tí rồi sẽ vỡ ra thôi. Đời quái lắm, mà văn chương luôn gắn với đời.
Hắn ngồi dậy, nắm lấy tay Hiền:
- Càng lâu, tao càng hiểu mày hơn. Mày giỏi quá, tốt quá và đáo để nữa. Tại sao chúng mày tên là Hòa, là Hiền mà tụi mày quái thế?
- Rồi đây, mày cũng sẽ quái. Cái Hiền nói như khẳng định.
Khi tôi đọc truyện này cho cả ba cô gái nghe, cả ba đứa cùng thống nhất đề nghị tôi thêm một câu như sau vào cuối truyện: “Chúng em là ba cô gái, đồng chủ sở hữu số điện thoại 09776864… xin được nhắn hỏi: Các anh có nhớ chúng em?
Nhà sáng tác Vũng Tàu, tháng 4 -2009
NGỌC CHÂU 
Tôi và Châu cùng đơn vị. Sau chiến tranh, tôi phục viên, lấy vợ quê, làm ruộng. Châu chuyển ngành và cưới cô Lan người cùng làng Huê Cầu với vợ tôi. Thấp thoáng Châu và Lan về thăm quê. Gặp nhau chúng tôi mừng tíu tít. Mỗi lần gặp càng mừng cho bạn khi thấy vợ chồng bạn ngày càng béo khỏe hơn, vàng bạc trang sức giàu có hơn, phương tiện đi về sang trọng hơn. Cả làng khen Châu - Lan đẹp đôi và hạnh phúc. Nhiều nhà lấy đó làm gương sáng răn con cháu noi theo.
Gái Huê Cầu xưa nay nổi tiếng thạo việc trồng lúa và giỏi việc tằm tơ. Bà xã nhà tôi chăn tằm dệt đũi khéo nhất làng nên hay được đi dự hội nghị, hội thảo trên tỉnh, trên thành phố.
Vừa rồi bà cô mất, Lan về quê một mình, ghé vào thăm chúng tôi. Vợ tôi và Lan lại tíu tít chuyện trò. Nhà tôi khen Lan:
- Mày ngày càng trắng đẹp ra, nhưng hơi bị béo quá đấy. Còn ông Châu nhà mày thì phương phi, phong độ như thanh niên. Chả bù cho ông xã nhà tao gầy quắt queo, ít tuổi hơn lão Châu mà trông dáng đã già nua lụ khụ.
- Mày gặp lão nhà tao bao giờ? Sao lão ấy không kể nhỉ'?
- Hè vừa rồi. Lão đưa con gái út đi thi đại học cùng nghỉ với đoàn chúng tao ở khách sạn Hương Đồng. Con bé rõ xinh, lớn rồi mà vẫn nũng nịu bố như trẻ nhỏ.
- Thôi chết rồi! Con cháu gì, nó là gái bao của lão đấy. Tao có hai thằng con trai đã đứa nào chịu lấy vợ đâu.
Nói rồi, Lan đổ vào vai nhà tôi khóc nức nở.
Đêm se sắt gió mùa. 
CÁI TÁT
Năm học 1972 - 1973 trường Sư phạm 10+3 nơi tôi công tác nhận khá nhiều thương, bệnh binh vào học. Các anh ấy với chúng tôi - số giáo viên mới ra trường chỉ hơn kém nhau một vài tuổi. Anh nào cũng da tái xanh vì sốt rét; vì thương tật, nhưng ai cũng chăm học; học như đánh vật, như đi cày, ngày đêm miệt mài học để bù cho những tháng ngày bận đánh nhau mà gián đoạn, học để làm gương cho số sinh viên trẻ mới vào trường. Có hàng trăm lời tốt đẹp ngợi ca các anh nhưng tôi không bận tâm nhiều về những biểu hiện đó. Riêng số giáo viên trẻ chúng tôi có chút băn khoăn trong cách xưng hô. Tôi hai mốt tuổi, xuân xanh đang lồ lộ, thế mà trên lớp các anh ấy vẫn “thưa cô” xưng “em” như các sinh viên khác. Gần đây, các anh ấy như muốn thử thách chúng tôi. Tuần trước bạn tôi là Điệp. Điệp dạy toán giải tích, lên lớp bài “Giới hạn hàm số”, sau phần khái niệm, Điệp Điệp yêu cầu sinh viên cho ví dụ. Thế là Ngọc Điệp, một thương binh đang mang mảnh đạn trong đầu xin phát biểu. Anh ta nêu lên gần mười hàm số thuộc các dạng khác nhau và hỏi?
- Thưa cô, các hàm số này có giới hạn không?
Tất nhiên Điệp Điệp phải dùng kế hoãn binh.
- Cảm ơn anh Ngọc Điệp. Các ví dụ anh nêu rất tốt. Cả lớp ghi lại rồi ta sẽ giải quyết vấn đề  này trong các bài sau.
Lại có chuyện Diễm Hằng giảng sử. Hôm ấy Hằng giảng về các triều đại phong kiến Việt Nam. trong đó có phần giảng về các vua triều Nguyễn. Còn năm phút cuối bài, Hằng hỏi:
- Cả lớp còn ai có ý kiến gì không?
Cả lớp im lặng. Chừng một phút sau, anh Quốc Hùng xin phát biểu:
- Báo cáo cô giáo và các bạn, Thành nội Huế cũng hẹp thôi mà xây dựng cũng khiêm tốn. Lăng các vua cũng không to lớn quá đâu. Nhưng mà có ông thợ vẽ, ông gì tôi quên mất tên rồi, vẽ ở lăng vua những bức tranh tuyệt đẹp, mà lại vẽ bằng cả hai tay, hai chân. Tài thế.
Cả lớp nhao nhao.
- Sao anh biết?
Đơn vị tôi là đặc công chuyên hoạt động ở Huế mà. Có nhiều đêm phải ém quân ở các lăng vua.
Diễm Hằng chưa kịp nói gì thì trống hết giờ. Từ đó cả lớp coi Quốc Hùng như thần tượng bởi lẽ hồi ấy đất nước phân tranh, xứ Huế đối với nhiều người chúng tôi còn xa xôi cách trở lắm.
Không ai bảo ai, cánh giáo viên trẻ chúng tôi soạn bài kỹ hơn, các câu hỏi đặt ra chuẩn mực hơn, lời giảng cân nhắc thận trọng hơn.
Lớp học sơ tán ở vùng đồi gò. Mỗi lớp là một lán độc lập bố trí phân tán đề phòng máy bay địch đến bắn phá. Lớp lợp lá, tường nửa chìm nửa nổi, nhưng có cửa lắp bằng ván gỗ để phòng trẻ con vào lớp viết bậy lên bảng.
Cửa lớp do tôi cầm chìa khóa. Hôm ấy trời mưa lắc rắc, đường trơn lầy, tôi đến muộn, thấy cả lớp đã xúm đông trước cửa. Quý đang mắm môi mắm lợi cầm khóa xoay vặn các chiều, hòng làm bong ổ khóa lớp. Tôi chạy đến gần, đang định nhao vào trao cho Quý chìa khóa thì ai đó nói:
- Chết! Anh Quý phá khóa, không sợ cô giáo chủ nhiệm mắng cho à?
- Đ… sợ - Quý vừa nói vừa thở hổn hển.
Đang bực lại nghe câu nói ngang, tôi giang thẳng tay cho Quý một cái tát.
Quý buông khóa, quay lại nhìn tôi, mặt đang đỏ bỗng biến sang tái xanh, gân cổ bạnh ra tay nắm chặt. Quý nhìn tôi lần nữa rồi hai tay buông thõng.
Chuyện cái tát của tôi cũng đến tai thầy Mẫn bí thư Đảng ủy. Thầy gọi Quý lên hỏi chuyện. Anh nói :
- Lỗi ở em thầy ạ. Cả làng em nói tục thành ra em mất nết. Có hôm họp ớ huyện, trong bài phát biểu nói đến nếp sống văn hóa, ông phó Chủ tịch huyện nhắc: “Đồng chí Véc - ông Véc là Chủ tịch xã người làng em - phải bảo bà con, chứ ai đời cả làng, cả xã nói tục thế thì huyện xếp xã yếu về văn hóa đấy”.
Thầy biết ông Véc trả lời sao không? ông ấy nói:
- Báo cáo anh! Hội nghị nào tôi cũng nhắc nhở đấy, nói mãi, nhắc mãi nhưng bà con đ... nghe".
Nói rồi anh Quý xấu hổ, đỏ mặt, gãi đầu, gãi tai, nói thêm:
- Em cũng quen tật xấu này thầy ạ. Vả lại việc đó em và cô giáo đã giải quyết ổn thỏa rồi. Em với cô giáo là đồng hương cùng huyện mà thầy.
Cái tát ấy đã làm xáo trộn cuộc đời tôi. Gương mặt đang đỏ bỗng biến sắc tái xanh, đôi bàn tay nắm chặt rồi buông thõng của Quý cứ ám ảnh tôi. Tôi ân hận và e ngại mỗi lần giáp mặt Quý. Một hôm Quý gặp tôi nói cảm ơn cái tát, nhờ nó mà Quý quyết tâm sửa lỗi. Tôi cũng nói, sau cái tát ấy, tôi đã biết phải làm gì mỗi khi nóng giận. Từ đó chúng tôi trở thành bạn thân.
Ra trường Quý và tôi làm lễ cưới. Bây giờ chúng tôi đã có cháu nội cháu ngoại, nhưng tôi và Quý đối với nhau vẫn thương yêu như thủa ban đầu. Anh ấy là người chồng tốt mà ông giời và số phận đã ưu ái dành cho tôi.
Vĩnh Yên chớm thu.
19/1/2018
Nguồn: Tuyển tập tác phẩm đoạt 
Giải thưởng Văn học Nghệ thuật 1997 - 2016
Theo http://hoivhntvinhphuc.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...