Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Cánh chim bạt gió

Cánh chim bạt gió

Căn nhà số 124 Hàng Bạc nằm sâu, khuất sau những cửa tiệm buôn bán. Phía dưới số 124, có một tấm biển nhỏ màu xanh với dòng chữ ngay ngắn: Hoàng Giác – dạy guitar.
Mái tóc bạc thưa, khuôn mặt bình dị với giọng nói rõ ràng, chậm rãi, ông đi lại trong căn phòng không có nhiều “dấu vết” của âm nhạc, ngoài một cây guitar điện cũ treo trên tường. “Người ta viết về tôi cũng nhiều rồi. Cũng không có gì mới cả để anh viết nữa đâu!”. Nói rồi ông đưa ra một tập báo, có mới, cũ và cả những bài được chụp lại một cách cẩn thận. Rót nước, rút một điếu thuốc Thăng Long mời tôi, rồi ông cũng châm một điếu. Tôi giở tập báo xem lướt qua. Ông, vợ ông – bà Kim Châu, con trai ông – nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm... Nhiều thật! Không có dáng của một nghệ sĩ, trông ông giống như một người thợ may hay thợ kim hoàn về già.
Năm 21 tuổi, viết ca khúc đầu tay
Nhạc sĩ Hoàng Giác sinh năm 1924, tuổi Giáp Tý, cùng tuổi với cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Ông cụ thân sinh ra ông là một người chơi đàn bầu rất hay, nhưng lại ham mê môn quyền anh và từng giữ chức Chủ tịch Liên đoàn quyền anh Bắc Kỳ. Thuở trẻ say mê các môn thể thao, vậy mà ông lại bắt đầu chơi nhạc khi còn là cậu học sinh trường Bưởi. Đầu năm 1945, khi mới 21 tuổi, ông viết bài hát đầu tiên và đây cũng là bài hát được nhiều người biết đến, yêu thích nhất trong những sáng tác của ông - bài Mơ hoa. Nhưng bài mà ông tâm đắc nhất là bàiNgày về, sáng tác vào những ngày cuối năm 1946. Khi đó ông là một đội viên trong đoàn tuyên truyền của cách mạng được trở về thăm gia đình sau những chuyến đi công tác.
Cũng như một số nhạc sĩ cùng thời như Đoàn Chuẩn, Đặng Thế Phong, Doãn Mẫn..., “gia tài” âm nhạc của Hoàng Giác không quá đồ sộ. Thế nhưng cũng như những người bạn ấy, Hoàng Giác đã chứng minh một điều là trong nghệ thuật, số lượng tác phẩm không phải là quyết định. Hoàng Giác có khoảng 20 bài hát qua các thời kỳ, chỉ vừa đủ cho một đêm tác giả. Mỗi bài hát gắn liền với những kỷ niệm, là những cảm xúc chân thật của con người ông về cuộc đời - điều mà ông cho là quan trọng nhất khi sáng tác. Mơ hoa là “một cuộc tình nhỏ”, trong trẻo của người thanh niên vừa bước vào đời; Ngày về là nỗi lòng của kẻ đi xa nhớ về tổ ấm gia đình; Quê hương là cảm xúc khi đi qua những vùng quê trong kháng chiến chống Pháp... Tất cả đều là những nỗi niềm tâm sự của ông với cuộc đời. 
Vừa sáng tác, vừa làm ca sĩ
“Lớp nhạc sĩ tiền chiến chúng tôi chẳng còn mấy người, có thể đếm trên đầu ngón tay và hầu hết đã xấp xỉ 80. Năm ngoái Đoàn Chuẩn đã ra đi! Không biết ai là tiếp theo đây? Trong số đó, hai người tôi mang nhiều ấn tượng sâu sắc nhất là Dương Thiệu Tước và Nguyễn Văn Khánh. Họ cũng đều đã mất. Còn người mà tôi quý mến nhất là anh Doãn Mẫn!...”. Ông nói rồi trầm ngâm trong khói thuốc. Người nhạc sĩ, ca sĩ già có lẽ đang quay về, sống lại với những ký ức xa xăm của mình. Cuộc đời mỗi nghệ sĩ ai cũng có những bước thăng trầm, nhưng cái hay, cái đẹp vẫn luôn luôn tồn tại và được mọi người chấp nhận.
Ông như người thợ kim hoàn kỹ tính trau chuốt, gửi gắm hồn mình vào mỗi tác phẩm. Không nhiều, nhưng hầu hết đều được lưu danh. Đã có lúc thế này, thế khác, nhưng trước sau, những bài hát như Mơ hoaNgày về của ông vẫn luôn được mọi người yêu thích và xếp vào hàng “những tình khúc vượt thời gian”. “Thắng không kiêu, bại không nản! Đó là bản lĩnh cao nhất của người nghệ sĩ chân chính”. Ông nói vậy rồi cất tiếng hát một đoạn trong bài Ngày về: “Tung cánh chim tìm về tổ ấm, nơi sống bao ngày thơ đằm thắm. Nhớ phút chia ly ngại ngùng bước chân đi, luyến tiếc bao ngày xanh...”. Ngày trẻ, không chỉ sáng tác, ông còn là một ca sĩ khá nổi tiếng trong giới âm nhạc miền Bắc.
Khi tôi hỏi ngày trẻ ông có quen biết nhạc sĩ Đặng Thế Phong không, ông nói có biết nhưng không chơi thân vì Đặng Thế Phong là bậc đàn anh. Dù có sự chênh lệch về tuổi tác, nhưng giữa Đặng Thế Phong, Doãn Mẫn, Hoàng Giác, Đoàn Chuẩn có sự khá giống nhau về phong cách sáng tác. Họ đều thuộc dòng nhạc tình lãng mạn, sáng tác không nhiều, nhưng lại được nhiều người biết đến. Đó là những “nghệ nhân” tài hoa thực sự trong làng âm nhạc Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20 và đã có công rất lớn tạo nên nền tân nhạc Việt Nam. Họ đều để lại những ca khúc bất hủ, vượt thời gian mà bất cứ ai yêu nhạc đều biết đến. 
Hai niềm hạnh phúc - hai niềm tự hào
Trong câu chuyện của mình, nhạc sĩ Hoàng Giác cho rằng: Trong cuộc đời mỗi một con người, ai cũng hơn một lần ra đi và niềm vui lớn nhất vẫn là được trở về tổ ấm gia đình. Với ông, đến lúc này có hai niềm hạnh phúc lớn: Có một gia đình đầm ấm hạnh phúc và nhất là tự hào về “tác phẩm” - người con trai đầu của mình - nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, người mà theo ông “đã đóng góp ít nhiều cho nền văn học nước nhà”. Niềm hạnh phúc thứ hai là một số bài hát của ông đã lại được công chúng đón nhận.
“Tôi sáng tác không nhiều và so với các nhạc sĩ cùng thời thì đóng góp của tôi cho nền âm nhạc nước nhà không được bao nhiêu. Bây giờ già rồi, cũng không làm được gì nhiều nữa. Vì yêu nghệ thuật và nhớ âm nhạc nên dạy guitar cho thêm vui tuổi già. Phương châm sống của tôi lúc này là: sức khỏe trên hết! Nhạc sĩ nào có được vài bài hát mà mọi người yêu thích là hạnh phúc lắm rồi!...”.
Ông nói chậm rãi, rồi lại châm một điếu thuốc, nhấp chén nước. Căn phòng chợt im lặng. Ông trở về với những hoàn cảnh, cảm xúc khi viết các bài hát của mình. Đó là một phần cuộc sống của người nghệ sĩ già khá trầm lặng này. Có lẽ ông đang tiếc nuối một điều gì đó?...
Chẳng bao giờ ông có thể biết được hết những người yêu thích Mơ hoaNgày về, cũng như không phải ai thích những bài hát đó đều gặp được tác giả. Nhưng vậy thôi cũng đủ rồi! Mỗi bài hát có một “số phận” và nhạc sĩ Hoàng Giác vẫn luôn thấy say mê, hạnh phúc bởi những “mảnh đời” đó. Ông như một cánh chim bạt gió thời gian, luôn khao khát được trở về với trời xanh tuổi trẻ.
Lê Dinh


1 nhận xét:

  Đọc truyện ngắn của Võ Đào Phương Trâm – Trần Danh Thùy 4 Tháng Bảy, 2023 Truyện ngắn của Võ Đào Phương Trâm, nhà văn trẻ đến từ Sài G...