Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

Bích Khê - nhà thơ của đỉnh cao nghệ thuật ngôn từ

Bích Khê - nhà thơ của đỉnh cao nghệ thuật ngôn từ
                                                                TS. ĐẶNG THỊ NGỌC PHƯỢNG
Thơ mới đã có ý thức sâu sắc về cá tính sáng tạo của thi sĩ và sự thức nhận ngôn từ. Thơ không còn là những giai đoạn thuần khiết của khuynh hướng lãng mạn mà đã có sự chuyển biến từ cái tôi trữ tình giai đoạn lãng mạn sang thế phân cực để diễn đạt cái tôi trữ tình đang tự đi tìm mình, khai thác cảm xúc của chính mình. Chính sự vận động này là thành tựu và bước tiến của Thơ mới theo đúng quỹ đạo thơ của thế giới. “Đối với thơ sau cổ điển là lãng mạn, sau lãng mạn là tượng trưng, sau tượng trưng là siêu thực ... đó là bước đi tự nhiên của con người không ngừng tìm kiếm mình, phát hiện mình và tìm kiếm bản chất đời sống” (Tư duy thơ và tư duy thơ hiện đại Việt Nam - Nguyễn Bá Thành). Nếu như Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương... là cầu nối giữa lãng mạn và tượng trưng thì Bích Khê, Đinh Hùng là lớp nhà thơ đã chuyển hẳn sang tượng trưng. Trong đó, Bích Khê là điển hình phong cách thơ tượng trưng.
Từ lãng mạn đến tượng trưng thơ đã có một sự thay đổi lớn, nhất là quan niệm thơ. Chủ nghĩa lãng mạn nhìn thế giới chủ yếu ở mặt hữu hình, coi trọng cảm xúc. Chủ nghĩa tượng trưng thì ngược lại, đặt thơ vào cái vô hình và xuất phát từ cảm giác. Thơ tượng trưng vì thế không còn là truyền cảm nữa mà là gợi cảm. Với thơ truyền cảm, cảm xúc do thơ tạo ra khiến cho bất cứ độc giả nào cũng có thể hiểu được ý tưởng của nhà thơ. Trong khi đó, thơ gợi cảm khiến cho sự nắm bắt không dễ dàng. Độc giả phải tự khai mở những hướng đi của thơ vào tâm hồn mình để tiếp nhận được những gì tế vi nhất. Với loại thơ này, ngôn ngữ chính là phương tiện giúp con người nhận thức. Tinh huyết và Tinh hoa của Bích Khê là sự hiện thực hoá những tiềm năng sinh ra ý tưởng của ngôn ngữ.
Cảm thức tự do đã giúp cho thi nhân có một cái nhìn, cải tạo ngôn từ theo cái nhìn thế giới nghệ thuật của riêng mình. Bích Khê bao giờ cũng vật chất hoá, biến tất cả những gì thuộc thể lỏng, thể hơi thành vật rắn. Nước mắt được ví như ngọc, dòng châu, pha lê ...                                   
                     Hỡi đôi mắt! Nơi người là ngọc thạch
                                                  (Đôi mắt)  
                                     
Vật thể hoá những thể lỏng thành thể rắn, vật thể sáng, ánh nhiều màu sắc vì tất cả những cái ấy tượng trưng cho nội tâm Bích Khê. Mặt khác, với những vật vốn bản chất ban đầu là vật thể rắn thì Bích Khê lại lỏng hoá, hơi hoá... Hai quá trình cảm nhận thế giới ngược chiều nhau. Thực hiện hai quá trình ngược chiều đó: vật hoá, lỏng hoá chính là quá trình tượng trưng. Muốn thực hiện quá trình đó phải sử dụng ngôn ngữ, đặc biệt sử dụng hình ảnh ẩn dụ.
Nghệ thuật ẩn dụ ở Bích Khê thật độc đáo. Nhà thơ nào cũng sử dụng ẩn dụ, nhưng ẩn dụ ở Bích Khê không lẫn được với ai khác trong làng Thơ mới. Điều này góp phần tạo nên phong cách thơ ông. Đi sâu vào thế giới nghệ thuật của Bích Khê, ta thấy nghệ thuật ẩn dụ thần kỳ hoá ngọn bút. Những hình ảnh thơ:
                   Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc
                                         (Tranh loã thể)
  Hay:   Hỡi đôi mắt, châu báu của muôn đời
                                                 (Đôi mắt
Hình ảnh ẩn dụ “Hàng đũa” đã thay thế cho từ “ngọc” làm cho ý nghĩa thêm sâu sắc. Sự vật như có hồn, đầy sinh khí qua câu thơ:
                                      Những vú nõn: đồi cong thon, nho nhỏ
                                      Với đôi dòng suối sữa trắng như tinh
                                                                    (Sắc đẹp)
Từng câu chữ hiện lên dưới cái nhìn rất riêng của Bích Khê. Với ẩn dụ thông thường, người ta thường nói đến đôi môi tươi, đỏ hay là những nụ cười hồng. Còn riêng Bích Khê thì lại là nụ cười trắng, nụ cười đầy ám ảnh để lại trong lòng độc giả sự xót xa lan toả từ từng câu chữ: “Nụ cười ai trắng như hoa lê” (Nghê thường). Ở đây không lặp lại những ẩn dụ cũ mà đi sâu vào thức nhận ngôn từ:
                                      Muôn thớ đàn run trên da thịt tuyết
                                      Đàn và thơ kết thành giây tinh huyết
                                                                    (Ăn mày)
Ẩn dụ còn làm cho một hình ảnh thơ từ tĩnh chuyển sang động, giàu sức gợi cảm xúc: “Sữa trắng như tuyết pha/ Nhi nhỉ nơi một vú”... (Ngũ Hành Sơn). Những hình ảnh ẩn dụ đã tạo nên trường hô ứng, tạo nên sự nhất quán trong thơ. Người đọc cảm nhận sau những ngôn từ ấy là một vẻ đẹp tâm hồn:
                                      Lờ mờ đường lên mây
                                      Chén trăng vừa tầm với
                                      Chàng ơi, vàng ròng đây
                                      Kề môi say ân ái
                                                           (Ngũ Hành Sơn)
Tiến sĩ Đỗ Lai Thuý bình thật độc đáo “Ẩn dụ chén trăng đã làm nổ một dây chuyền ngữ nghĩa. Trăng màu vàng, nên chén trăng cũng là chén vàng (màu vàng), nhưng khi thi nhân hạ bút vàng ròng thì chén trăng lại thêm một lần chuyển nghĩa nữa, chén bằng vàng, biểu tượng của sự quí giá. Chén làm liên tưởng đến thứ đựng trong chén, rượu nên có thể kề môi và say, nhưng say ân ái thì chén trăng lại là chén tình yêu. Vầng trăng bỗng thoắt biến thành người yêu, hoặc người yêu biến thành vầng trăng lúc nào không ai hay” (Mắt thơ - Đỗ Lai Thúy).
Với Bích Khê, ẩn dụ là một sáng tạo, biến nghệ thuật ngôn từ thành chất liệu, vật liệu trong thơ ông. Chính nghệ thuật ẩn dụ độc đáo góp phần tạo nên phong cách thơ ông. Bích Khê thực hiện một cuộc cách mạng ngôn từ gợi dậy cái vô thanh, vô hình ẩn sâu trong con người hữu hình. Hệ thống biểu tượng, ẩn dụ luôn thay đổi hình thức thơ, chứa đựng thế giới thơ mênh mông giàu nghĩa và gợi cảm. Điều này mang lại vẻ đẹp thăng hoa sáng tạo mới lạ từ bản năng của thi sĩ.
Bích Khê là nhà thơ đã khai phá những vùng đất mới trong thơ, đem lại cho người đọc những cảm giác mới mẻ về thơ, đi đến sự khoái lạc trong tâm hồn. Thơ của Bích Khê như một đoá hoa thần dị, dội vào lòng người một nỗi đau khổ tuyệt vọng. Qua lớp ngôn từ độc đáo phủ bởi màu sắc truỵ lạc, ta như thấy được những cơn ham mê, khoái lạc cuồng loạn trong tâm hồn nhà thơ:
                               Nàng ở mô! Xiêm áo bỏ đâu đây?
                               Đến triển lãm tấm thân kiều diễm
                                               ( Tranh lõa thể )
Những đau đớn, tuyệt vọng, điên cuồng nung nấu trong máu huyết nhà thơ như ứa ra trên những dòng thơ khao khát. Thi nhân không những đưa cảm giác vào tâm linh mà còn ca ngợi cái đẹp, lăn xả vào cái đẹp để hưởng thụ một cách say sưa, cuồng nhiệt qua sự điên dại của thân xác:
                               Người hiện ra để hình dung ánh sáng
                               Chụp hồn hoa háo hức giữa đêm thu ?
                                                  ( Đôi mắt )
Thi nhân đã thành thực nói lên sự khao khát của tâm hồn đến cao độ, điên cuồng như muốn chụp, vồ, ôm, riết chặt, rồi xé nát để hưởng thụ. Ở trong thơ Bích Khê, người đọc cảm nhận được vẻ đẹp trong thể chất đưa cảm giác của thi nhân đến cuồng loạn:
                               Đâu đôi mắt mùa xuân tợ ngọc ?
                               Vú non non ? Da dịu dịu, êm êm ?...
                                                  ( Mộng Cầm ca )
Và đâu đó trong thơ Bích Khê màu sắc truỵ lạc đậm đà hơn:
                                      Tôi vồ người như một miếng mồi ngon
                                      Miệng ngậm hờn riết chặt lấy môi son
                                                          ( Xác thịt )
Đi vào địa hạt dâm cuồng này, thi nhân đem cảm giác đi tìm cái đẹp bước dần đến hưởng lạc rồi bị nhục dục mê cuồng đến tận cùng sa đoạ. Thế nhưng trong tận sâu thẳm tâm hồn, thi nhân đã thành thực nhận ra được những cảm giác cuồng nhiệt qua thể chất là chốn bệnh hoạn nên đã trở về với cái đẹp của tâm hồn. Cái đẹp đó trường tồn mãi trong tâm hồn nhà thơ.
          Tiếng thơ Bích Khê còn thể hiện khao khát đắm đuối của tâm hồn thoát tục để đi vào lĩnh vực thơ tượng trưng:
                                      Vườn thơm khua sắc mát
                                      Rồng uốn vóc tùng cong
                                      Áo bạch mai khoát khoát
                                      Môi đào chờ khoái lạc
                                      Hồn tôi như đỉnh hương
                                                    ( Xuân tượng trưng )
Thơ tượng trưng không chỉ mang tính khơi gợi, tính lỏng mà còn đề cao tính nhạc. Baudelaire - người mở đầu cho thơ tượng trưng gọi vũ trụ là “Rừng biểu tượng”, là những tương ứng theo trục dọc và trục ngang: “Hương thơm, màu sắc, thanh âm tương ứng nhau”. Hơn ai hết, Bích Khê là người đặc biệt quan tâm đến âm nhạc và thử nghiệm âm nhạc cho thơ tượng trưng Việt Nam. Ông là người khám phá thể hiện tính nhạc ở thể thơ tám chữ. Thể thơ tám chữ bao giờ cũng bị cắt đôi ra thành 4/4 và tạo nhịp đôi trong một câu thơ
                                      Nhẹ nhàng, nhịp nhàng/ thở đều trong thơ
                                      Màu trắng không gian/ như gờn gợn sóng
                                                                                       (Nhạc)
Và đồng thời vần bằng bao giờ cũng tạo ra âm nhạc đều đặn, nhẹ nhàng, êm dịu:
                               Ô! hay buồn vương cây ngô đồng
                               Vàng rơi! Vàng rơi! thu mênh mông
                                                                     (Tỳ Bà)
 Chính âm nhạc đó như lời hùng biện, mang tính ám gợi ở tâm hồn người đọc. Đấy chính là đặc trưng âm nhạc của thơ tượng trưng Bích Khê. Không có âm thanh ồn ào, giòn giã nhưng về nhịp điệu dữ dội, mạnh có nhiều nghịch âm, bằng bằng, đều đều tạo ra sức ám gợi đi vào tâm linh, thế giới vô hình:
                               Lá vàng rơi/ (Tôi khóc, anh ơi!)...
                               Sao vàng rơi/ (Thôi hết, anh ơi)...
                                                                   (Thi vị)
Tư duy hiện đại đã giúp ngôn ngữ thơ Bích Khê tạo ra trong Nhạc một thế giới biến ảo. Tư duy tượng trưng này chi phối toàn bộ thơ Bích Khê. Nhạc là hình tượng trung tâm, là sự biến hoá của vũ trụ, là sự thăng hoa của tâm hồn. Không chỉ cảm nhận bằng thính giác mà còn cảm nhận trong thị giác
                                      Ô! Nắng vàng thơm ... rung rinh điệu ngọc
                                                                                 (Nhạc)
Nhạc mang màu nắng và đầy hương thơm. Giai điệu nhạc ở đây đẹp như ngọc, được kết bằng ngọc. Nó chính là nhịp rung của khúc nhạc lòng.
 Bích Khê là người sử dụng nhiều kỹ thuật về ngôn từ. Đấy là một điều mới, sự thành công của ông. Thơ Bích Khê muốn cho người đọc thấy được sự cách tân kỹ thuật ngôn từ trở thành nghệ thuật mang lại cái mới mẻ. Cái mới mẻ của Bích Khê là tạo ra ấn tượng thị giác rất là mạnh. Trong xã hội lúc bấy giờ chưa có truyền hình, chưa có các phương tiện nghe nhìn nhưng Bích Khê đã đưa thơ mình đến một trình độ thơ thị giác, vượt trước thời đại của ông.
Tự do và thành thực là điều kiện giúp Bích Khê tìm con đường riêng cho mình. Trong nghệ thuật, trong thơ, hình thức chính là sự hiện diện nghệ thuật riêng biệt của từng nghệ sĩ. Không có cái hình thức đó thì chẳng có bao giờ có nghệ thuật. Nếu nhà thơ là “con chim ngứa cổ hót chơi”như Xuân Diệu định nghĩa thì Bích Khê là con chim hót có ý thức, muốn tìm cho mình mộy giọng riêng, một giọng khác. Chiêm nghiệm cả cuộc đời thơ của Bích Khê đó là cuộc hành trình của ngôn từ. Mỗi bài thơ được toả sáng bởi những thao tác ngoạn mục của ngôn từ. Vì vậy mà TS. Đỗ Lai Thuý trong Mắt thơ đã xem Bích Khê là “Sự thức nhận ngôn từ”. Điều đó quả không sai. Và hơn hết, Bích Khê còn xứng đáng với danh hiệu : “Nhà thơ đỉnh cao của nghệ thuật ngôn từ”.


1 nhận xét:

  Cảm nhận ngàn đêm – Tản văn Trần Thế Tuyển 12 Tháng Bảy, 2023 MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp ...