Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Còn chút lòng tin góp mặt đời

Còn chút lòng tin góp mặt đời

(Nhân đọc tập thơ "Chút lòng làm tin" của Hồ Đức Minh, Nxb Văn Học - 2014)
Đôi khi chúng ta giật mình tự hỏi cái gì sẽ còn lại sau khi thời gian làm cho mọi sự vật phai mờ, tan biến? Với thầy giáo Hồ Đức Mình đó chính là "Chút lòng làm tin":
               "Mai sau rồi sẽ tàn phai hết
                Còn chút lòng tin góp mặt đời".
"Chút lòng làm tin" (Nxb Văn Học - 2014) là tập thơ đầu tay của thầy giáo một thời giảng dạy môn văn học ở Trường THPT Thái Phiên (Đà Nẵng). Sinh quán Duy Châu, Duy Xuyên, Quảng Nam, nay bước vào tuổi bảy mươi, là độ tuổi xưa nay hiếm - "Nhân sinh thất thập cổ lai hy", tác giả mới cho trình làng đứa con tinh thần muộn mằn của mình. Nhưng, như người ta vẫn thường hát: "Dù muộn cũng phải nói với nhau...".
Hồ Đức Minh nguyên là học sinh trường Trần Quý Cáp, Hội An, rồi Phan Châu trinh Đà Nẵng là những ngôi trường, những vùng đất ươm mầm cho nhiều văn nhân thi sĩ. Thời học Khoa Văn ở Đại học Sư phạm Huế, chàng sinh viên đầy mơ mộng Hồ Đức Minh đã viết những câu thơ mà bạn bè một thời và sau này là các học trò của mình nhiều người vẫn còn nhớ:
             "Đường ta đi đầy hoa thơm cỏ lạ
              Lối ta về rợp cả bóng giai nhân..."
             (Đường xuân)
Tuy làm thơ từ thời sinh viên và tham gia nhóm thơ Nhập Cuộc - Huế năm 1972, nhưng "Chút lòng làm tin" mãi đến hôm nay mới ra đời. Có lẽ người thầy giáo này cũng không nằm ngoài quy luật chung có tính nghiệt ngã: "Cơm áo không đùa với khách thơ".
Tập thơ gồm 120 bài, trong đó có 7 bài viết ở những năm 70s của thế kỷ trước, chủ yếu là những bài thơ tình. Bạn đọc dễ đồng cảm và chia sẻ những gì tác giả viết về một tình yêu đẹp như trăng như sao đi qua trong đời. Tuy vậy, bối cảnh lịch sử thời bấy giờ cũng làm ta đăm đắm, nao nao...
             "Chừ em đứng đó bâng khuâng
             Nhìn quê hương đã hai lần chia phôi
            Dòng sông Thạch Hãn lặng trôi
           Mẹ La Vang đứng bên đồi quạnh hiu."
          (Nỗi buồn chinh chiến)
Phần còn lại của tập thơ, chủ yếu viết trong nhưng năm gần đây, khi tác giả rời bục giảng, có nhiều thời gian riêng dành cho nghiệp thơ của mình:
"Đã mang lấy nghiệp yêu thơ
Suy tư trăn trở duyên tơ với đời
Đã từng giấu mặt sau lời
Để cho ngôn ngữ đầy vơi nói giùm."
(Nghiệp thơ)
"Ngôn ngữ đầy vơi nói giùm" tác giả "Chút lòng làm tin" những tình cảm dành cho quê hương chịu nhiều đau khổ và ly tan:
         "Nửa đời quay lại chốn quê
         Thấy con đò nhớ não nề năm xưa..."
         (Mảnh đất hồi sinh)
Thời ấu thơ của tác giả là thời tản cư để tránh sự sát thương của bom đạn từ hai phía. Nhớ quê hương, nhớ tuổi thơ chính là nhớ về bóng dáng người mẹ yêu quý, tảo tần năm nào nắm tay con chạy tìm nơi trú ẩn:
         "Lên ba tuổi quê hương tràn bóng giặc
          Mẹ dắt tôi chạy loạn khắp bắc nam."
         (Một thoáng tuổi thơ)
Rồi dòng đời cuộn chảy, cuốn theo thân phận của mỗi con người đi biền biệt cùng năm tháng. Để khi tìm về, nỗi lòng người tha hương không khỏi những xúc cảm nghẹn ngào:
        "Ta về thăm lại Duy Châu
        Thấy lòng rạo rực nhịp cầu thân thương
        Ôi quê hương! Hỡi cố hương!
        Dẫu xa đến cả ngàn phương vẫn về."
        (Tình quê)
Bên cạnh người về là ai? Còn ai nữa, ngoài người bạn trăm năm đã từng chia ngọt sẻ bùi, sống qua thời "gạo châu, củi quế":
"Anh đã nhìn em từ ngày đầu mới cưới
Chừ tiếp tục nhìn vẫn đắm đuối em ơi!
Em đẹp làm sao khó diễn tả hết lời
Anh chiêm ngưỡng và nguyện cầu em trẻ mãi."
(Lời nguyện cầu)
Khi ở gần bên kia dốc của cuộc đời, mấy ai nói được lời như vậy? Tuy nhiên, ký ức thời trai trẻ vẫn có những lúc âm thầm tràn ngập trong lòng thi nhân, mà không riêng gì thi nhân, chúng ta ai lại không có những hoài niệm tương đồng:
        "Anh lần giở chồng thư còn thơm mực
        Cố thôi miên từng con chữ phai màu
       Lòng nhủ thầm sao ngày tháng qua mau
          Cả hai đứa chừ trắng phau mái tóc."
          (Lỗi hẹn)
Hoặc:
         "Đài hoa từng cánh thi nhau rụng
          Em ngẩn ngơ trông biết nói gì!"
          (Hoa xuân)
Ký ức của nhà thơ đầy ắp những hoài niệm, nhưng có lẽ hình ảnh học trò hiện lên rõ nét trong lòng người thầy đã từng "yêu nghề mến trẻ". Tình yêu đó được khắc họa trong bài "Tâm sự về hưu":
         "Từ cái tâm yêu nghề
         Tôi thấy mình như trẻ mãi
          Năm tháng qua đi ánh mắt học trò còn đọng lại..."
Và các thế hệ học sinh, tuy xa trường rồi vẫn "Nhớ thầy" bằng tình cảm chân thành quý mến, "Cảm thấy thương thầy quá đi thôi", bởi thuở ấy: "Ngựa chứng sân trường thầy cảm hóa/ Bằng cả tình yêu của mẹ hiền".
Tuổi tác, nghề nghiệp, kinh nghiệm sống đã được tác giả "vận" vào thơ thành triết lý sống của cuộc đời:
         "Con mắt cần ánh sáng
          Để nhìn rõ mọi nơi
          Tâm hồn cần hoài bão
          Cho thăng hoa cuộc đời."
          (Cách nhìn)
Hồ Đức Minh làm thơ như một người ủ quả. Trong "Chút lòng làm tin" có đôi bài chưa hẳn là quả chín Nhưng điều đó cũng không quan trọng lắm, khi người đọc vẫn tìm thấy cảm giác ngọt ngào, thú vị với những gì đọng lại sau khi đọc hết tập thơ:
"Ta đến từ đâu chừ thấm mệt
Và đi về đâu cõi nghỉ ngơi
Mai sau rồi sẽ tàn phai hết
Còn chút lòng tin góp mặt đời."
(Còn lại)
Vâng, "Chút lòng làm tin" sẽ là cái đọng lại trong lòng mọi người sau khi tất cả mọi sự vật đều phôi pha, tan biến.
Mai Hữu Phước 



1 nhận xét:

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến Thá...