Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Franz Schubert - Wolfgang Amadeus Mozart

 Franz Schubert (1797 - 1828)
"Khi tôi muốn ca hát về tình yêu thì tình yêu lại biến thành đau khổ, nhưng khi tôi chỉ muốn hát về đau khổ thì đau khổ lại hoá thành tình yêu.
Franz Schubert
Sự phát triển của con người và xã hội luôn liên tục và âm nhạc cũng không đứng ngoài qui luật đó. Bối cảnh lịch sử những năm cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX tại châu Âu có những biến động đáng kể tạo nên những thay đổi lớn về chính trị, kinh tế và nghệ thuật. Hoà mình vào dòng chảy đó, âm nhạc cổ điển cũng có những chuyển mình cho phù hợp với qui luật tự nhiên. Giai đoạn Cổ điển Vienna khép lại với những tên tuổi lừng lẫy như Haydn, Mozart, Beethoven để mở ra một giai đoạn mới, giai đoạn Lãng mạn mà sự huy hoàng của nó lan toả suốt thế kỷ XIX với rất nhiều nhà soạn nhạc ưu tú như Mendelssohn, Schumann, Chopin, Liszt hay Tchaikovsky nhưng trong đó người khai phá và là “nhân vật vĩ đại” đầu tiên chính là Franz Schubert.
Franz Schubert sinh ngày 31 tháng 1 năm 1797 tại Himmelpfortgrund, một làng nhỏ ở ngoại ô Vienna trong một gia đình có nguồn gốc Bohemian. Cha của Schubert là một thầy giáo làng chơi được Violin và Cello, mẹ ông vốn là đầu bếp. Cha mẹ Schubert có cả thảy 15 người con nhưng 10 người trong số họ đã chết ngay từ khi còn nhỏ, chỉ còn lại 5 người. Schubert có 3 người anh trai Ignaz (1785), Ferdinand (1794), Karl (1796) và một cô em gái Theresia (1801). Chính người cha và anh trai Ignaz đã dạy cho Schubert những bài học âm nhạc đầu tiên.
Lớn lên trong một gia đình mà mọi thành viên đều có niềm đam mê âm nhạc lớn lao nhưng lại có nền kinh tế tỷ lệ nghịch với niềm đam mê đó, thời thơ ấu của Schubert là những chuỗi ngày ông không thể nào quên cho đến cuối cuộc đời. Luôn sống trong cảnh nghèo đói, những kí ức tuổi thơ buồn bã thường xuyên xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm của Schubert sau này. Năm 1804, khi mới 7 tuổi, Schubert được gửi tới nhà thờ Lichtenthal ở Vienna để học chơi đàn Organ. Năm 1808, để gia đình giảm bớt một miệng ăn, Schubert tới học ở trường nội trú Convict nơi có nhà soạn nhạc nổi tiếng Antonio Saliari - người cùng thời với Mozart làm hiệu trưởng. Tuy được miễn hoàn toàn học phí cũng như tiền ăn, tiền trọ nhưng cuộc sống hà khắc nơi đây thật quá sức chịu đựng của một cậu bé mới 10 tuổi. Trong thời gian 5 năm sống tại đây, Schubert còn phải chịu đựng sự ghẻ lạnh của những người bạn học vốn là con của những gia đình giàu có. Cũng trong thời gian này, Schubert ban đầu chơi ở bè Violin 2 sau đó chuyển lên bè Violin 1 trong dàn nhạc của trường. Những sáng tác đầu tiên của cậu bé cũng bắt đầu xuất hiện trong đó nổi tiếng nhất là bản Fantasia cho 2 Piano (1810).
Rời truờng nội trú năm 16 tuổi, để san sẻ gánh nặng cho gia đình, Schubert định đi đăng lính nhưng vì cận thị quá nặng, bị quân đội từ chối, ông đành nghe theo lời cha đi làm thầy giáo tại Annegasse. Tuy công việc khá nhàm chán không làm thoả mãn nhà soạn nhạc trẻ vốn đầy hoài bão, ước mơ nhưng vì thực tế cuộc sống Schubert đành phải tạm bằng lòng với bản thân. Trong thời gian 3 năm dạy học, Schubert đã sáng tác được 2 tứ tấu đàn dây, những bản giao hưởng đầu tiên, một vài Piano sonata, Mass số 1 giọng Pha trưởng. Tác phẩm Mass số 1 giọng Pha trưởng lần đầu tiên được vang lên vào tháng 10 năm 1814 tại nhà thờ Lichtenthan với giọng hát chính do ca sỹ trẻ Therese Grob đảm nhiệm, người mà Schubert đem lòng yêu mến. Sau này Schubert đã ngỏ lời cầu hôn nhưng bị gia đình cô gái từ chối và từ đó Schubert luôn mang trong mình vết thương lòng sâu sắc cũng như không bao giờ nghĩ đến chuyện lấy vợ nữa.
Thời gian này các tác phẩm của Schubert xuất hiện với số lượng thật đáng kinh ngạc. Năm 1814, Schubert hoàn thành vở opera đầu tiên Des Teufels Lustschloss D.84 cũng như 17 lied trong đó có những bài nổi tiếng như Der Taucher D.77/111 hay Gretchen am Spinnrade D.118 (dựa theo thơ của Goethe). Một năm sau, 145 lied và 4 vở opera khác ra đời, những con số thật ấn tượng. Có cảm giác không phải Schubert sáng tác mà những bài hát tuôn trào dưới tay ông như một dòng thác.
Schubert chuyển đến dạy học tại trường Laibach ở Slovenia vào năm 1816. Hàng loạt các tác phẩm nổi tiếng được ông sáng tác vào thời gian này. Tiêu biểu có các lied Erlkonig (Chúa rừng), Gesange des Harfners, giao hưởng số 4 Tragic giọng Đô thứ D.417, giao hưởng số 5 giọng Si giáng trưởng D.485. Tháng 6 năm 1816, Schubert bắt tay vào viết bản cantata Prometheus.
Một năm trước đó, trong một lần đến thăm Linz, Schubert gặp Franz von Schober - một chàng trai trẻ rất đáng mến và họ trở thành những người bạn thân nhất của nhau. Là con một gia đình khá giả, chính Schober là người giúp đỡ Schubert nhiệt tình nhất trong cuộc sống sau này. Nghe theo lời khuyên của Schober, Schubert đã rời bỏ nghề dạy học để thành một nhà soạn nhạc tự do, điều mà Schubert luôn khao khát. Năm 1817, trở lại Vienna thời gian đầu, Schubert sống tại nhà của Schober. Tại đây Schubert gặp Johann Michael Vogl, giọng nam trung nổi tiếng nhất Vienna thời bấy giờ. Sự cộng tác giữa họ đã tạo nên những buổi hoà nhạc rất ấn tượng thu hút được nhiều sự chú ý mà công chúng Vienna hồi đó gọi là Schubertiaden. Tuy nhiên điều này cũng không che giấu được thực tế là chàng trai 20 tuổi Franz Schubert vẫn rất khó khăn trong việc khẳng định vị trí của mình. Các nhà xuất bản chỉ trả cho Schubert những khoản nhuận bút rất thấp khi in ấn các tác phẩm của ông và Schubert vẫn phải ở nhờ nhà bạn.

Với bản tính vui vẻ, thích giao thiệp Schubert kết giao được rất nhiều bạn bè và một người trong số đó Anselm Huttenbrenner đã giới thiệu ông đến làm việc tại lâu đài của công tước Esterhazy - nơi mà Haydn vĩ đại đã từng sống. Thời gian đầu tại đây Schubert còn cảm thấy hạnh phúc nhưng dần dần nỗi buồn xâm chiếm ông và trong vòng chưa đầy một năm ông đã trở về Vienna.
Mùa hè năm 1819, một niềm vui nhỏ đến với Schubert. Trong chuyến lưu diễn cùng với Vogl tại Upper, Áo, các bài hát của ông được đón giới yêu âm nhạc nơi đây rất yêu thích trong đó nổi bật có lied Die Forelle (the Trout) và Ngũ tấu Piano giọng La trưởng D.667 còn có tên khác là Trout Quintet. Năm 1820, Schubert hoàn thành Piano Sonata giọng La trưởng, D.664, tác phẩm thính phòng xuất sắc Tứ tấu đàn dây giọng Đô thứ Quartettsatz D.703, âm nhạc cho vở kịch Die Zauberharfe D.64 và vở opera Die Zwillingsbrüder D.647.
Lúc này Schubert đã trở nên nổi tiếng nhưng sự nghèo khó vẫn không chịu buông tha ông. Các nhà xuất bản chỉ chịu trả cho Schubert những khoản tiền ít ỏi để in những tác phẩm của ông. Thường xuyên phải nhịn đói, đã có lần để đổi lấy một bữa ăn Schubert phải sáng tác một bài hát tặng ông chủ quán.
Năm 1822 sự nghiệp âm nhạc của Schubert có một bước ngoặt vĩ đại. Ông sáng tác bản giao hưởng số 8 giọng Si thứ Unfinished D.759 (giao hưởng bỏ dở) nổi tiếng. Không hiểu vì lý do gì bản giao hưởng chỉ có 2 chương thay vì 4 chương như thông thường. Nếu như những tác phẩm được sáng tác trong thời gian đầu của Schubert còn mang hơi hướng của trường phái cổ điển Vienna thì đến bản giao hưởng này đã cho thấy một ngôn ngữ thể hiện hoàn toàn khác vượt qua những qui tắc khắt khe, chặt chẽ để đến với những sáng tạo, tìm tòi mới tạo lập nên một trường phái mới: Trường phái lãng mạn mà sau này đã lan rộng ra khắp châu Âu trong suốt thế kỷ XIX trong đó Franz Schubert chính là “người vĩ đại đầu tiên”. Tổng phổ tác phẩm này bị thất lạc trong hơn 60 năm kể từ ngày được Schubert viết chỉ được tìm thấy một cách tình cờ trong ngăn kéo tại nhà Anselm Huttenbrenner. Cùng trong năm 1822 này, Schubert hoàn thành bản Mass giọng La giáng trưởng D.678 và tác phẩm nổi tiếng Wanderer fantasy cho Piano D760 (sau này Liszt đã phối khí lại cho Piano và dàn nhạc). Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì bản nhạc này dựa trên một lied của Schubert: Der Wanderer.
Toàn bộ các sáng tác của Schubert đều mang đậm màu sắc trữ tình, trữ tình đến mức nhiều nhà phê bình sau này không lý giải được và họ phải thốt lên: “chất trữ tình đầy đậm đà như mặt nước của con sông Rhein trôi êm đềm”. Phải chăng cuộc sống nghèo khổ lại là nguồn cảm hứng bất tận và âm nhạc là người bạn sẻ chia mọi nỗi buồn đau?
Năm 1823, vở opera Rosamude, furstin von Cypern (Rosamude, hoàng tử của đảo Cyprus) và tập bài hát đầu tiên Die Schöne Müllerin D. 795 (Con gái ông chủ cối xay xinh đẹp) dựa theo thơ của Wilhelm Müller ra đời. Các tác phẩm của Schubert luôn xuất hiện với số lượng đáng kinh ngạc cho thấy ông quả là một con người thật phi thường. Một năm sau, Schubert sáng tác 2 bản Tứ tấu đàn dây giọng La thứ và Rê thứ Death and the maiden (Cái chết và thiếu nữ) cũng như Octet giọng Pha trưởng D.803. Trong lần trở lại nhà công tuớc Esterhazy để dạy học cho 2 con gái của công tước, ông viết Divertissement a l'Hongroise D.818 sau khi bị những giai điệu dân ca Hungary chinh phục. Thời gian này, đời sống của Schubert có khá hơn nhưng ông lại có những nỗi bực bội khác. Trong một bức thư cho bạn, Schubert viết: “Tôi cảm thấy rất mệt mỏi. Sự tự do của tôi đang bị đánh cắp. Tôi sẽ trở về và không bao giờ quay trở lại đây nữa”. Schubert là như vây, luôn coi trọng tự do và không để những việc đời thường làm ảnh hưởng đến công việc sáng tác của mình.
Trong thời kỳ mà sự ổn định tạm thời về kinh tế xen lẫn với sự suy sụp về sức khoẻ, Schubert vẫn không ngừng sáng tác, âm nhạc đối với ông như một niềm an ủi. Từ năm 1825 đến 1826, hàng loạt các tác phẩm quan trọng ra đời như Piano Sonata giọng La thứ, Op. 42; giọng Rê trưởng, Op. 53 và bản giao hưởng cuối cùng của ông bản giao hưởng số 9 giọng Đô trưởng (the Great) D.944. Bản nhạc này cũng bị thất lạc như bản số 8 nhưng được Robert Schumann tìm thấy vào năm 1839 trong đống giấy tờ còn sót lại của Schubert. Mendelssohn đã lần đầu tiên chỉ huy bản giao hưởng này nhân dịp kỷ niệm mười năm ngày mất của Schubert.
Năm 1827, Beethoven - người mà Schubert luôn kính phục trong suốt cuộc đời mất. Như dự báo được số phận của mình, Schubert lao vào sáng tác như để chạy đua với thời gian. Tập bài hát thứ 2 Winterreise D. 911 (Cuộc hành trình mùa đông) cũng dựa theo thơ của Müller ra đời và cùng với tập thứ nhất là những viên ngọc vô giá trong kho tàng thanh nhạc của nhân loại. Bốn Impromtu cho Piano, D.899, Trio giọng Si giáng trưởng và Fantasia cho Violin và Piano, D934 ra đời trong thời gian này cũng là những tác phẩm ưu tú.
Mười bốn lied trong tập liên khúc thứ 3 và cũng là tập cuối cùng Schwanengesang D.957 (Bài ca thiên nga) được Schubert viết vào năm 1828. Sáu bài trong số đó là dựa vào thơ của Heinrich Heine. Các tác phẩm cuối cùng của Schubert là 3 Piano Sonata cuối cùng cũng như Ngũ tấu cho dàn dây giọng Đô trưởng D.956 cho 2 Violin, Viola và 2 Cello.

Giữa lúc sức sáng tạo đang dồi dào nhất, sức khoẻ của Schubert ngày càng trở nên xấu hơn. Ông luôn phải vật lôn với căn bệnh thương hàn và do chữa bệnh bằng thuỷ ngân (cách chữa bệnh phổ thông thời đó) nên bệnh tình ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Schubert bị suy sụp hoàn toàn vào tháng 10 năm 1828 sau khi trở về Vienna từ Eisentadt, nơi ông đi thăm mộ của Haydn. Trong bức thư cuối cùng Schubert viết cho Schober ngày 12 tháng 11, ông đã thể hiện sự tuyệt vọng của mình: “Tôi đang ốm. Mười một ngày nay tôi hầu như không ăn uống được gì. Tôi đi không vững nữa”. Schubert qua đời ngày 19 tháng 11 năm 1828. Và thể theo nguyện vọng lúc cuối đời của ông, mộ của Schubert được đặt cạnh mộ của Beethoven tại nghĩa trang Walhring. Vào năm 1888, hai ngôi mộ này được chuyển đến nghĩa trang Zentralfriedhof bên cạnh Johann Strauss cha và Johannes Brahms.

Chỉ sống một cuộc đời ngắn ngủi nhưng Schubert đã để lại cho đời một khối lượng tác phẩm thật đồ sộ. Chín bản giao hưởng (bản giao hưởng số 7 bị thất lạc), khoảng 10 vở opera, 15 tứ tấu đàn dây, 8 Mass, gần 20 piano sonata, 500 tiểu phẩm cho nhiều nhạc cụ và hơn 600 lied, những con số khổng lồ khiến chúng ta ngày nay vẫn chưa hết kinh ngạc. Thật tiếc nuối cho Schubert và cho tất cả những người yêu âm nhạc, ở độ tuổi 31, Bach và Haydn chưa có tác phẩm nổi tiếng còn Beethoven thì chỉ vừa mới hoàn thành bản giao hưởng số 1. Sự ngọt ngào trong đau khổ của Schubert đã thổi vào nền âm nhạc thế kỷ XIX những ngọn gió nhẹ trong lành, tươi mát mãi cho đến tận bây giờ... 

Danh mục tác phẩm của Franz Schubert

A. Sắp xếp theo thể loại :
Giao hưởng : 
- Symphony No. 1 in D major (D.82)
- Symphony No. 2 in B-flat (D.125)
- Symphony No. 3 in D major (D.200)
- Symphony No. 4 in C minor (D.417), the Tragic
- Symphony No. 5 in B-flat (D.485)
- Symphony No. 6 in C major (D.589)
- Symphony No. 7 in E major (D.729):
- Symphony No. 8 in B minor (D.759), the Unfinished – đôi khi được tính là No. 7
- Symphony No. 9 in C major (D.944), the Great – đôi khi được tính là No. 7 hay No. 8
- 10th (or "Last") Symphony in D major (do Brian Newbould xây dựng từ phác thảo giao hưởng D.936a) 


Âm nhạc cho hòa tấu thính phòng :

- Piano Quintet in A, The Trout Quintet (D.667)
- Quartettsatz (quartet movement) in C minor (D.703)
- Octet in F (D.803)
- String Quartet in A minor, the Rosamunde Quartet (D.804)
- Arpeggione sonata (D.821), cho một nhạc cụ mới giống cello và piano, hiện nay thường được chơi trên đàn cello.
- String Quartet in D minor, âm nhạc sử dụng cho bài hát Death and the Maiden (D.810)
- String Quartet No. 15 in G (D. 887, Op. 161, 1826)
- Rondeau brilliant for piano and violin (D.895, Op.70)
- Fantasia for piano and violin in C (D.934)
- Two Piano trios (B flat, D.898 - E flat, D.929)
- String Quintet in C (D.956) 

Piano solo : Danh sách các tác phẩm độc tấu piano của Schubert
Lied và liên khúc : Danh sách các lieder và liên khúc của Schubert

- Der Hirt auf dem Felsen (D.965, published as Op. 129)
- Der Taucher (D.77/111)
- Gretchen am Spinnrade (D.118, published as Op. 2).
- Erlkönig (D.328, published as Op. 1) - lời của Goethe
- Einsamkeit (D.620)
- Marienbild (D.623)
- Litaney
- Schäfers Klagelied
- Die Forelle (The trout), chủ đề được sử dụng trong Trout Quintet
- Death and the Maiden (D.531 - xem Death and the Maiden Quartet).
- l'Addio
- Die schöne Müllerin hay Müllerlieder (D.795), liên khúc, lời của Wilhelm Müller
- Ave Maria (tên gốc: Ellens Gesang III, D.839), lời dựa trên trích đoạn The lady of the lake của Sir Walter Scott
- Ständchen (D.889), phổ bản dich tiếng Đức bài thơ Hark! Hark! the Lark của Shakespeare (Cymbeline, Act II, scene 3)
- An Silvia (D.891), lời dựa trên Who is Sylvia? của Shakespeare.
- Winterreise (D.911), liên khúc
- Song of Miriam
- Schwanengesang hay Bài ca thiên nga (D.957), liên khúc, một vài bài dựa theo lời thơ của Heinrich Heine
- Der Wanderer
- An die Musik
- Adelaide
- Nur wer die Sehnsucht kennt
- An die Freude (Beethoven cũng sử dụng bài thơ này của Schiller trong giao hưởng số 9 của mình)

Mass, Oratorio và các tác phẩm tôn giáo khác :
Những tác phẩm nghi lễ :
- Mass No. 2 in G (D.167)
- Magnificat in C (D.486}
- Mass No. 5 in A flat (D.678)
- Deutsche Messe (D.872)
- Mass No. 6 in E-flat (D.950)
- Tantum Ergo (D.962) 

O- ratorio :
- Lazarus (D.689) 
Opera và âm nhạc sân khấu :
- Des Teufels Lustschloss (D.84)
- Der vierjährige Posten (D.190)
- Fernando (D.220)
- Claudine von Villabella (D.239)
- Adrast (D.137) - unfinished
- Die Freunde von Salamanka (D.326) - unfinished
- Die Bürgschaft (D.435)
- Die Zwillingsbrüder (D.647)
- Die Zauberharfe (D.644)
- Alfonso und Estrella
- Fierabras (D.796), the opera that kept most notoriety after Schubert's death.
- Die Verschworenen (D.787), comic opera
- Rosamunde (D.797) (âm nhạc phụ trợ cho một vở kịch
B. Sắp xếp thep số D 
Đây là hệ thống danh mục tác phẩm của Schubert do nhà âm nhạc học người Áo Otto Erich Deutsch (1883 – 1967) xây dựng.
Từ D 1 đến D 504
Từ D 505 đến D 998
Franz Schubert - Âm nhạc và cuộc đời dang dở
"Khúc nhạc chiều" với giai điệu buồn da diết của nhạc sĩ thiên tài người Áo đã khiến cả nhân loại phải thổn thức. Con người bình dị này đã miệt mài sáng tạo trong suốt cuộc đời ngắn ngủi của mình và để lại 10 bản sonate, 20 bản tứ tấu, 10 bản giao hưởng và 5 vở opera cho kho tàng âm nhạc cổ điển thế giới.
Schubert từng có 15 năm làm thày giáo tiểu học theo nghiệp cha, nhưng thực ra ông nghĩ tới âm nhạc nhiều hơn dạy học. Khi mới tuổi 18, Schubert viết bản lider (ca khúc thơ có đệm đàn piano) đầu tiên. Ông là người có công phối hợp đến mức tuyệt vời thể loại thi ca và giai điệu.

Trong số 10 bản giao hưởng đồ sộ của ông có một bản giọng si thứ, sáng tác vào năm 1822 chưa hoàn thành. Sau này, giới phê bình âm nhạc gọi tên là bản Giao hưởng bỏ dở. Mãi về sau, người ta mới biết được Schubert rất hay bị đau ốm, nên ông không thể hoàn thành trọn vẹn bản giao hưởng tuyệt vời đó. Đây là bản giao hưởng duy nhất trong lịch sử âm nhạc cổ điển chỉ có hai chương. Tuy nhiên, chính sự dang dở ấy đã khai mở một mạch nguồn âm nhạc vô tận, mỗi người có cách phát triển ý nhạc đó theo cảm xúc riêng.
Năm 1815, Hoàng đế nước Pháp Napoleon bị phế truất. Niềm hy vọng về tự do và cách mạng thổi bùng khắp nơi. Ban ngày, người dân bàn tán về số phận của châu Âu, ban đêm khiêu vũ trong các quán rượu, nhà hàng và các lâu đài quý tộc. Chính những nơi này sinh ra những điệu valse, mà sau này dòng họ Johann Strauss đã khai thác triệt để và trở thành những bản valse bất tử của nhân loại. Khi ấy, Schubert thường thết đãi bạn bè nhạc sĩ bằng những bản nhạc do mình sáng tác trong những buổi dạ hội mang tên Những buổi tối Schubert. Các sáng tác của ông được giới nhạc sĩ đương thời ngưỡng mộ. Thế nhưng, ông lại không có được vị trí xứng đáng trong danh sách những nhạc sĩ hàng đầu của thành Vienne lúc bấy giờ.
Cuộc sống của thiên tài rất nghèo túng. Đôi khi, ông viết liên tục không nghỉ trong một ngày, chỉ mong kiếm được một khoản kha khá từ các nhà sản xuất. Có nhà xuất bản chỉ chịu trả cho ông 6 bản lider trong số 24 bản của tập Hành trình mùa đông với giá 15 franc rẻ mạt.
Tuy vậy, Schubert vẫn miệt mài sáng tác. Các tác phẩm của ông thấm đượm nỗi u buồn và ca ngợi sự chịu đựng phi thường của con người trước số phận bất hạnh. Những giai điệu ấy cũng chan chứa tình yêu cuộc sống cho đến phút cuối cuộc đời.
Khúc nhạc chiều bất hủ của ông sáng tác là để tặng sinh nhật cho một thiếu nữ mà ông thầm yêu trộm nhớ. Để làm cho nàng bất ngờ, ông nhờ một bạn thân là ca sĩ, trình bày ngay dưới cửa sổ nhà nàng. Tối đó, người ta bí mật khiêng cây đàn piano vào trong vườn, tất cả đã sẵn sàng cho buổi biểu diễn lãng mạn và độc đáo. Thế nhưng, Schubert lại quên không đến. Trớ trêu thay, cô gái lại đem lòng yêu chính chàng ca sĩ, chứ không dành trái tim cho Schubert.
Vào một ngày mùa đông tháng 11 năm 1828, nhạc sĩ thiên tài giã từ thế giới ở tuổi 32, vì căn bệnh thuỷ đậu tại nhà của một người anh em ở ngoại ô thành Vienne. Khi ông mất, người ta kiểm kê tài sản và chỉ đếm được vẻn vẹn 6 shilling đồng sáu xu và một đống bản thảo nhạc viết tay.
Có thể nói Nhà soạn nhạc người Áo Franz Schubert là nhân vật vĩ đại đầu tiên của nền âm nhạc Lãng mạn thế kỉ 19. Trong cuộc đời ngắn ngủi chỉ có 31 năm của mình, Franz Schubert đã để lại một khối lượng các tác phẩm khổng lồ: 9 bản giao hưởng (bản giao hưởng số 7 bị thất lạc), khoảng 10 vở opera, 15 tứ tấu đàn dây, 8 Mass, gần 20 piano sonata, 500 tiểu phẩm cho nhiều nhạc cụ và hơn 600 lied. Điều này cho ta thấy ở Schubert một tài năng lỗi lạc, một sức sáng tạo thật phi thường và ta sẽ càng cảm phục thêm con người ông nếu như ta biết được rằng trong suốt cuộc đời mình, Schubert luôn phải sống trong tình trạng đói nghèo.
Rất kính phục Beethoven, khi biết được cái chết đã ở rất gần mình, Schubert có một ước muốn: “Hãy chôn tôi cạnh mộ Beethoven”. Ước muốn đó đã thành sự thực, mộ của Schubert được đặt cạnh mộ của Beethoven tại nghĩa trang Walhring, và sau đó là nghĩa trang Zentralfriedhof. Trên mộ của Schubert ghi dòng chữ: 
"Cái chết đã chôn vùi một tài năng tuyệt vời của nhân loại, và đó còn là một tài năng hứa hẹn hơn gấp nhiều lần".
Mắt nào em ném trao anh
Dao cau bổ dọc toang mành trời đêm
Môi nào rót mật ...say mềm
Mà giờ rơi rớt ... bên thềm lắt lay
 
Wolfgang Amadeus Mozart (1756 - 1791)
 Wolfgang Amadeus Mozart sinh ngày 27/1/1756 ở Salzburg, vào thời điểm đó gia đình cậu đang ở trong thời kỳ tương đối sung túc. Cha cậu, ông Leopold, là một nghệ sỹ vĩ cầm có tiếng làm việc trong Nhà thờ của Tổng giám mục ở Salzburg, ông có đủ khả năng để đảm bảo cuộc sống tương lai cho Maria Anna và Wolfgang, hai đứa trẻ duy nhất còn sống sót trong số sáu đứa trẻ mà vợ ông, bà Anna Maria đã sinh cho ông. Điều quan trọng hơn cả là, ông đã có thể đem đến cho những người trong gia đình ông một mái ấm hạnh phúc đầy tình yêu thương và sự chiều chuộng mà Wolfgang tỏ ra cần có ngay lúc đó. Nhìn bề ngoài, Wolgang có vẻ là một cậu bé nhút nhát, nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa gì hết, Wolfgang đã bộc lộ một năng khiếu âm nhạc bẩm sinh từ khi còn rất nhỏ tuổi. Ngay khi nhận ra được tài năng của con trai, ông Leopold đã rất nhanh chóng bồi dưỡng, đào tạo cậu một cách chặt chẽ và bài bản. Ông đã dạy con trai chơi violin và piano, và đã giữ một vai trò quan trọng trong những sáng tác đầu tiên của cậu, đưa cậu đến với những phòng khách sang trọng mà ở đó cậu được chào đón bởi các quý bà ngưỡng mộ tài năng phi thường của cậu. Một điều may mắn là, việc xuất hiện trước công chúng sớm như vậy đã không làm ảnh hưởng đến phẩm chất cá nhân đẹp đẽ trong con người cậu bé nhỏ tuổi; cậu vẫn luôn luôn giữ được sự duyên dáng và trong sáng rất tự nhiên của mình.

Ông Leopold đã bắt đầu những hành trình lưu diễn với hai đứa trẻ của mình từ rất sớm. Đầu năm 1762, khi Wolfgang chỉ mới vừa tròn 6 tuổi, gia đình Mozart đã thực hiện một cuộc hành trình vòng quanh châu Âu. Chị gái của Wolfgang, Maria Anna, người mà cậu vẫn gọi một cách thân thương là Nannerl, vốn là một nghệ sỹ piano rất giỏi. Họ đã cùng biểu diễn với nhau một vài lần ở Munich trong suốt thời gian lễ hội hóa trang trước trước lễ bầu cử hoàng tử Maximillian, đó là những buổi biểu diễn được đón nhận rất nồng nhiệt. Gia đình Mozart chuyển đến Vienna vào tháng 9 năm 1762. Chúng ta có thể biết được điều đó từ một số bức thư của Leopold, nữ hoàng Maria Theresia đã mời gia đình âm nhạc đễn Schonbrunn thậm chí trước cả khi họ xin được tiếp kiến bà.
Vào tháng 6 năm 1763, gia đình Mozart khởi hành từ Salzburg, bắt đầu một hành trình rất dài, phải mất đến 3 năm. Khi trở về Munich, nơi mà họ đã từng được chào đón tại cung điện, họ chuyển đến Augsburg, nơi này đối với họ cũng chẳng hứng thú gì lắm. Tuy nhiên, ở Frankfurt, năm buổi biểu diễn trước công chúng của hai nhạc công trẻ tuổi đã thu hút được một lượng khán giả khổng lồ. Sau thời gian ở Đức, gia đình chuyển đến Brussels và rồi, vào tháng tư năm 1764, họ đến London. Buổi biểu diễn tiếp kiến George III của Wolfgang cũng thành công và ấn tượng chẳng kém gì khi cậu ở Paris một vài tháng trước đó. Ở London, cậu bé Mozart nhỏ tuổi đã có dịp được gặp gỡ với Johann Christian Bach, con trai của Johann Sebastian Bach, và được nghe âm nhạc của ông. Họ trở thành những người bạn thân và âm nhạc của Johann Christian đã có một ảnh hưởng quan trọng đến các sáng tác của Wolfgang. Cậu đang viết các giao hưởng và các sonata cho violin và piano, ngay sau đó là những vở opera đầu tiên, La finta semplice (1768), một vở opera buffa, và cũng trong năm đó là vở Singspiel Bastien und Bastienne.
Sau một kỳ nghỉ ngắn, họ lại bắt đầu những hành trình mới, lần này là đến Italy, "trái tim con chan chứa niềm vui – Mozart viết vào ngày 13/12/1769 – cuộc hành trình này thật sự vui vẻ". Đi qua Brenner Pass vào đất Ý và sau một thời gian ngắn ở Rovereto cùng một buổi hòa nhạc thành công tại Accademia Filharmonica ở Verona, Wolfgang cùng với bố đến Milan, ở đó, giữa những nhân vật tiếng tăm khác, họ đã gặp một trong những nhạc công nổi tiếng nhất thời đó, Giovanni Battista Sammartini. Tứ tấu đàn dây đầu tiên của Mozart, đề ngày 15/3/1770 tại Lodi, đã được viết trong giai đoạn này.
Tiếp theo, họ đến các thành phố khác của Italy: Bologna, Florence, Rome và Naples, Ở Bologna, cậu đã nhận được sự chỉ dạy rất bổ ích từ Padre Martini, và khi đến Rome, cậu đã được Pope Clement XIV trao giải thưởng The Order of the Golden Spur.
Quay lại phía bắc, Mozart đã cho trình diễn một vở opera được sáng tác vội, Mitridate, rè di Ponto, tại Teatro Ducale ở Milan vào 26/12/1770. Tuy không phải là một đỉnh cao, nhưng vở opera lại là một tác phẩm mang đầy đủ truyền thống Italy, và cũng nên nhớ rằng lúc đó Mozart mới chỉ 14 tuổi.
Gia đình Mozart trở về Salzburg, nhưng không lâu sau, đến giữa năm 1771, họ quay trở lại Italy một lần nữa. Vở opera của Wolfgang, Ascanio in Alba, được trình diễn vào ngày 17/10 tại Teatro Ducale ở Milan, tiếp sau đó là Lucio Silla vào ngày 26/12/1772 vẫn tại Teatro Ducale. Thành công của vở opera này đã đặt dấu mốc cho sự thắng lợi của cậu trong lần thứ ba lưu diễn tại Italy.

Người bảo trợ của Leopold và Wolfgang, tổng giám mục Sigismund, chết vào tháng 12 năm 1771 ngay sau khi họ trở về Áo và người kế nhiệm ông đã đem đến những thay đổi cho sự nghiệp của họ. Tổng giám mục mới Hieronymus, bá tước Colloredo, ít dung thứ cho sự vắng mặt của các nhân viên của mình bằng người tiền nhiệm, và cũng không chấp nhận lắm việc gia đình Mozart đi lưu diễn trong thời gian dài, một công việc cần thiết cho sự nghiệp âm nhạc của họ. Tuy nhiên, Wolfgang đã sáng tác một vở opera ngụ ngôn, Il sognor di Scipione (Giấc mơ của Scipio) tỏ lòng tôn kính với lễ phong tổng giám mục mới, và ông tổng giám mục đã thưởng cho cậu bằng việc nhận cậu làm Konzertmeister, tức là nghệ sỹ violin chính ở Salzburg, một chức vụ mà cậu gần như đã nắm giữ trong suốt 5 năm tiếp theo. Tuy nhiên, cậu vẫn được cho phép thực hiện một số hành trình lưu diễn ngắn, vào năm 1773 cậu đã tới Vienna cùng với bố. Sau khi từ chức trợ lý tổng giám mục vào tháng 9 năm 1777, Wolfgang đến Augsburg và Mannheim, và năm 1778 đến Paris, ở đó, lần đầu tiên trong đời anh có được cảm giác là một nghệ sỹ tự do.
Tuy nhiên, sự thành công của anh vẫn chưa được toàn diện và to lớn lắm. Những năm này là những năm khó khăn đối với nhà soạn nhạc kiêm nghệ sỹ trình diễn trẻ tuổi. Vào năm 1775 anh đã có được thành công khi vở La finta giardiniera được trình diễn ở Munich, và ngay sau đó là vở Il re pastore, với phần lời của Pietro Metastasio, diễn ở tòa nhà tổng giám mục Salzburg. Ở Paris năm 1778, nhà soạn nhạc 22 tuổi được ủy nhiệm viết phần âm nhạc cho vở ballet Les petits riens, nhưng sự thành công tiếp theo đã không đến với anh, thay vào đó là một tin buồn, người mẹ thân yêu của anh qua đời. Anh trở về Salzburg vào giữa tháng giêng năm 1779, một chàng trai chán nản và bất mãn, mặc dù đã trưởng thành hơn, đã nhận thức được giá trị thực sự cũng như sự phong phú hơn về khả năng cảm xúc và trí tuệ của mình.
Một tia hy vọng lại lóe lên vào tháng 10 năm 1780 khi Mozart, bây giờ lại là trợ lý của bá tước Colloredo, được bổ nhiệm viết một vở opera vũ hội hóa trang cho Munich, và kết quả là Idomeneo được trình diễn vào ngày 29 tháng 1 năm 1781 tại nhà hát cung điện Munich. Tác phẩm này được mô tả là "mới và đặc biệt", nó là một thành công lớn. Sự ngưỡng mộ của công chúng và sự thắng lợi của tác phẩm này đã níu chân Mozart, anh đã không trở về Salzburg ngay lập tức, điều này đã làm ông tổng giám mục nổi giận. Tình trạng bất ổn này cuối cùng được giải quyết vào 16/3/1781, khi Mozart mãi mãi từ bỏ công việc trợ lý tổng giám mục. Kể từ thời điểm đó, nhà soạn nhạc không chỉ được giải phóng khỏi sự gò bó luôn làm anh cảm thấy ngột ngạt mà còn thoát ra khỏi sự bảo vệ đùm bọc quá mức của người cha. Anh rời Salzburg và ngay lập tức lao vào cuộc sống náo nhiệt ở thành Vienna, ở đó anh đã nghĩ rằng có thể dễ dàng tìm được một công việc theo kiểu "nghệ sỹ tự do". Với hy vọng là mình sẽ có nhiều học sinh, anh đã sáng tác một số lớn các tác phẩm dùng để dạy học, tin chắc rằng anh sẽ được bổ nhiệm viết ít nhất một vở opera mỗi năm, cũng như được mời biểu diễn ở nhiều buổi hòa nhạc. Anh cũng chắc chắn rằng anh sẽ không gặp trở ngại khi xuất bản các sáng tác của mình. Lúc đầu thì dường như mọi chuyện có vẻ tốt đẹp, nhưng năm 1786 đã là năm bắt đầu cho sự suy sụp của Mozart.
Mozart đã viết không ít hơn 17 bản concerto trong giai đoạn 1782 - 1786, những khúc hòa tấu rất nổi bật như Concert Rondo giọng Rê trưởng (K.382) và La trưởng (K.386), cùng với tác phẩm khác quan trọng hơn như các giao hưởng. Vở opera tiếp theo của anh, Die Entfuhrung aus dem Serail (Vụ trốn thoát ở hậu cung) đã là một thành công đối với dân thành Vienna khi lần đầu tiên được trình diễn ngày 16/7/1782 tại Burgtheatre, nhưng anh đã không bao giờ hoàn thành tác phẩm sân khấu kế tiếp của mình, vở opera buffa, Lo sposo deluso, bắt đầu một năm sau đó.
Thành công của Seraglio đã làm Mozart rất tự tin. Anh nhanh chóng làm lễ với cưới Constanze Weber vào ngày 4/8/1782, không để ý đến sự phản đối kiên quyết của người cha. Tuy nhiên, Wolfgang đã có rất nhiều việc để làm, và khi ông Leopold đến thăm đôi vợ chồng trẻ ở Vienna vào mùa đông năm 1785, ông đã có thể cảm thấy yên tâm về những gì mà cậu con trai của mình dường như đang làm. Các tác phẩm của Wolgang đang được xuất bản và Wolfgang có nhiều học sinh.
Tuy nhiên, cuộc sống ổn thỏa này đã không kéo dài được bao lâu. 1786 chính là năm ra mắt vở opera Le nozze di Figaro (đám cưới Figaro), với phần lời của Lorenzo da Ponte, vở opera được trình diễn lần đầu tiên tại Hoftheater ở Vienna. Tác phẩm khá là thành công, nhưng tầng lớp quý tộc ở Vienna lại không hiểu được chủ đề của nó. Các nghệ sỹ thì vẫn bị xem như những người làm công, những người không bao giờ được khuyến khích vượt qua những giới hạn nhất định trong công việc của họ. Với việc đưa hình ảnh của một con người bình dân, Figaro, vào trong nghệ âm nhạc nghệ thuật hàn lâm, Mozart đã tạo ra một hiệu ứng mang tính thách thức đối với cái xã hội thời đó. Kể từ đó, theo một nghĩa nào đó, chính vở opera này đã đánh dấu điểm khởi đầu cho quá trình suy sụp của sự nghiệp người nhạc sỹ trong mắt công chúng thành Vienna thời bấy giờ.
Tuy nhiên, vở Le nozze đã nhận được một sự chào đón khác hẳn khi nó được trình diễn tại nhà hát Quốc gia ở Prague, ở đó giới quý tộc Đức-Tiệp rất có hứng thú với chủ nghĩa dân tộc. Sự thắng lợi của Le nozze lại được tiếp nối bởi một vở opera nữa, cũng thành công không kém, Don Giovanni, được trình diễn lần đầu tiên vào 29/10/1787. Những năm tháng mà Mozart ở Prague có lẽ là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời ông, sự ngưỡng mộ và quý trọng của công chúng ở đây đối với ông đã bù đắp lại những thất vọng cay đắng mà ông từng phải hứng chịu trước đây trong sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, mọi chuyện đã kết thúc ở đó, ông buộc phải quay trở về Vienna để tìm việc làm.
Năm 1788, Mozart viết xong bản Concerto cho Piano giọng Rê trưởng (K. 537). Mãi cho đến ngày 15/10/1790 nó mới được trình diễn ở Frankfurt để chào mừng lễ trao vương miện cho Leopold II, và người ta gọi nó là Concerto Đăng quang.
Bản Concerto cho Piano cuối cùng của ông, Si giáng trưởng, K.595 được viết vào đầu năm 1791, nổi tiếng với cảm xúc hài hòa của chủ nghĩa cổ điển, cũng giống như tất cả các tác phẩm mà Mozart đã sáng tác trong năm cuối cùng này của cuộc đời ông.
Các giao hưởng được viết trong những năm cuối cùng này cũng cực kỳ xuất sắc. Trong khi chuẩn bị đến Prague để trình diễn vở Le nozze vào tháng 12/1786, Mozart đã viết bản Giao hưởng bất hủ số 38 giọng Rê thứ, K.504 thường được gọi là Prague hay Sinfonia senza minuetto (Giao hưởng không có điệu minuet). Tiếp theo là Giao hưởng số 39 giọng Mi giáng trưởng, K. 543, Giao hưởng số 40 giọng Son thứ, K.550, và cuối cùng là Giao hưởng số 41 giọng Đô trưởng, K.551, Jupiter.
Năm 1789 có lẽ là năm khó khăn nhất của Mozart. Tình trạng tài chính của ông tồi tệ đến mức, ông buộc phải đi kiếm từng đồng để sống. Mọi chuyện dường như chỉ khá hơn một chút vào cuối năm khi ông dời đến Berlin, hy vọng tìm được công việc ở chỗ hoàng đế Wilhelm Friedrich II, nhưng công việc thành ra lại chỉ là nhận viết 6 Tứ tấu và 6 Sonata đơn giản cho Piano, những việc mà thậm chí ông đã không bao giờ hoàn thành. Ông cũng đã đến Dresden, Leipzig và Prague, nhưng chẳng nhận được hợp đồng nào có thể giúp ông thoát khỏi tình trạng tài chính tồi tệ cả.

Sau khi trở về Vienna năm 1789, ông đã tặng hoàng đế Joseph II một vở opera buffa mới, Così fan tutte, vẫn với phần lời của Lorenzo da Ponte. Nó được trình diễn ngày 26/1/1789 tại Burgtheater, nhưng cái chết ngay sau đó của hoàng đế, này 20/2 đã khiến các nhà hát ở Vienna phải tạm ngừng hoạt động, chính điều đó (cho dù là vô tình) đã giết chết ngay từ đầu một tác phẩm xuất sắc của Mozart. Vở opera đã được ghi nhận, nhưng trong nhiều năm, nó đã không được trình diễn lại lần nào ở Vienna cả.
Một cơ hội quan trọng khác dường như đến hơi muộn vào năm 1790, khi một ông bầu tên là Salomon, đi ngang qua thành Vienna, đề nghị với Mozart một hợp đồng ở London 6 tháng và 6 buổi hòa nhạc ngoài trời có bán vé ở Ansterdam. Tuy nhiên, những lời mời này lại trùng đúng vào thời điểm sức khỏe của Mozart bắt đầu suy sụp.
Prague cũng mời Mozart sáng tác một vở opera trang trọng để kỷ niệm lễ đăng quang của Leopold II, trở thành vua xứ Bohemia. Kết quả là, vở La clemenza di Tito, được sáng tác chỉ trong bốn tuần, được trình diễn ở Prague ngày 6/9/1791 và đã không đạt được sự chấp nhận của hoàng cung, mặc dù các buổi trình diễn sau này thường là rất thành công.
Mozart đã quay trở lại Vienna để tham gia chỉ đạo diễn tập cho một vở opera khác mà ông đã làm việc với nó trong suốt những tháng trước đó, Die Zauberflöte (Cây sáo thần), một tác phẩm lấy cảm hứng từ bài thơ của Wieland với phần lời của ông bầu E.J. Schikaneder. Buổi biểu diễn đầu tiên ngày 30/9/1791 tại Theater auf der Wieden ở Vienna không thể gọi là một thắng lợi, tuy nhiên, vở Die Zauberflöte đã nhanh chóng trở thành vở opera thành công nhất của ông.
Mozart lúc này đã đi gần đến những năm tháng cuối đời. Khuôn mặt xanh xao và thân hình phờ phạc đã báo hiệu một cái chết không thể tránh khỏi đang đến rất gần. Chính bản thân ông cũng nhận ra điều này. Ông đã viết những dòng này vào ngày 7/9/1791: "Tôi vẫn tiếp tục sáng tác, bởi vì như vậy sẽ làm tôi ít mệt hơn là không làm gì cả… tôi cảm thấy giờ khắc của tôi sắp tới; tôi sắp chết… nhưng cuộc sống đã thật là tuyệt diệu". Mozart mất ở Vienna vào ngày 5 tháng 12 năm đó, có lẽ là vì bị nhiễm trùng nội tạng. Họ đã chôn cất ông trong một nhà mồ tập thể, và hài cốt của ông cho đến nay vẫn chưa được tìm thấy.
"Tôi vẫn tiếp tục sáng tác", Mozart đã nói điều đó trong cái năm cuối cùng của cuộc đời, và đó cũng chính xác là những gì ông đã làm. Cho dù ông đã kiệt sức, nhưng ông không bao giờ mất đi niềm đam mê viết nhạc. Trong một bức thư mà cô em vợ của ông, Sophie Weber, viết năm 1825, có đoạn: “Sussmayr ở bên cạnh Mozart. Khúc Requiem được trải ra trên giường và Mozart thì đang giải thích cho anh ta nghe xem anh ta phải hoàn tất nó như thế nào sau khi ông qua đời". Requiem là tác phẩm vĩ đại cuối cùng của Mozart và là một trong những tác phẩm âm nhạc tế lễ xuất sắc nhất của lịch sử âm nhạc nhân loại. Có một chút bí ẩn xung quanh sự ra đời của tác phẩm này, khi Mozart nhận viết nó cho một người hảo tâm giấu tên. Mozart đã chấp nhận đề nghị này với 50 đồng ducat. Tuy nhiên, việc sáng tác nó đã làm ông hao tổn rất nhiều sức lực, và ông đã qua đời mà không biết được người khách hảo tâm của mình là ai.
Ngày nay, chúng ta đã biết được nhân vật bí ẩn này là ai, thực tế thì đó chính là bá tước Franz von Walsegg, ông này đã mua các tác phẩm không được xuất bản để giả mạo đó là những sáng tác của chính ông ta. Về sau, ngày 14/12/1793, người đàn ông kỳ cục này đã chỉ huy buổi trình diễn đầu tiên tác phẩm Requiem của Mozart dưới mái vòm nhà thờ Wiener Neustadt Cistercian ở Vienna, trên trang bìa của tổng phổ có ghi "do bá tước Walsegg sáng tác".
Mozart đã không bao giờ hoàn thành Requiem của ông. Nó được viết nốt bởi người học trò Franz Xavier Sussmayr, một người có đức tính khiêm tốn, ông đã thêm vào các phần còn thiếu và soát lại nhiều bản thảo đã có. Sự hoàn chỉnh của ông có vẻ như là trung thành với toàn bộ những dự định của Mozart, có lẽ là bởi vì Sussmayr đã rất kề cận bên người thầy của mình trong những ngày cuối cùng.
Ngoài Requiem, Mozart còn viết một số lớn các tác phẩm tế lễ, hầu hết đều trong giai đoạn ông làm việc ở Salzburg. Chúng bao gồm khoảng 15 khúc Mass, Litany, Vesper và Offertory. Là một sự thu gọn các thành quả của ông về âm nhạc tôn giáo từ 1785 cho đến suốt một vài năm tiếp theo, Mozart đã ngày càng tập trung đến âm nhạc Tam điểm, hầu như ngay khi sự bốc đồng tôn giáo mà ông chưa bao giờ có thể diễn tả một cách đầy đủ trong âm nhạc tế lễ được lái sang khuynh hướng mới này. Mozart đã trở thành một hội viên của hội Tam điểm vào năm 1784. Ban đầu, Mozart cũng ít quan tâm đến hoạt động của hội này, nhưng khi công chúng trở nên thờ ơ với tác phẩm của ông, ông mới thấy rằng sự hỗ trợ tài chính mà các hội viên hội Tam điểm có thể mang lại cho ông là rất có ích. Các sáng tác của ông trong giai đoạn này bao gồm cantata Dir, Seele des Weltalls (K.429), trình diễn khi Mozart được bầu vào hội Tam điểm, cantata Die Maurerfreude (K.471) trình diễn ngày 24/4/1785, cantata Maurerische Trauermusik (K.477), trình diễn ngày 17/11/1785, và bản cantata cuối cùng, Masonic Cantata (K.623) được Mozart hoàn thành vào tháng 11/1791.
Bài thánh ca nhỏ giọng Rê trưởng Ave verum corpus, K.618 của ông là một tác phẩm rất đáng được đặc biệt nhắc đến. Đây là một tuyệt tác được viết từ mùa hè năm 1791 ngay trước khi ông bắt đầu viết Requiem. Nó được sáng tác cực kỳ nhanh để dùng làm âm nhạc cho lễ hội Corpus Christi tại nhà thờ St Stephen ở Baden. Mặc dù chỉ có 46 ô nhịp, bài thánh ca nhỏ nhắn này vẫn kết hợp được tính nghiêm trang với tính đơn giản đến lạ thường, và đây có lẽ là một sự thể hiện rất tiêu biểu cho "tính đơn giản" kỳ diệu trong tác phẩm của Mozart, thiên tài âm nhạc có một không hai.
Di sản âm nhạc thính phòng của Mozart thực sự là khổng lồ, hầu hết là các tác phẩm được nhận viết cho những vị trưởng giả hoặc những người bảo trợ có địa vị cao. Nhạc thính phòng của Mozart bao gồm các divertimento, serenade, norturne và các vũ điệu dành cho hội hóa trang vốn rất thịnh hành ở thời kỳ đó. Một ví dụ nổi tiếng là bản Serenade giọng Son trưởng, Eine kleine Nachtmusik (Một khúc nhạc đêm nhỏ) viết cho dàn dây, K.525, hoàn thành vào 19/8/1787, một tác phẩm thông minh và tươi tắn mang một sự duyên dáng và hấp dẫn được điều chỉnh đôi chút với chủ đích là để tiếp cận sát với hình thức bề ngoài của nó. Bản divertimento nổi tiếng Ein Musikalischer Spass (Một trò vui âm nhạc), K.522 được viết trước Serenade chỉ một thời gian ngắn, có lẽ là tiểu phẩm nổi tiếng nhất của ông.
Trong suốt thời kỳ này ông cũng hoàn thành một số lớn Lieder cho giọng hát và piano, bao gồm Abendempfindung, K.523, An Cloe, K.524 và Das Veilchen), K.476 dựa trên các câu thơ của Geothe. Lied cuối cùng này là rất đáng chú ý bởi vì nó đã vượt ra khỏi các quy tắc được chấp nhận trong nền thanh nhạc thế kỷ 18. Mozart đã rút ra được những thành ngữ mới từ nhạc kịch của thời ông và thêm vào một chức năng diễn tả mới cho Lied, việc làm này đã được tiếp tục phát triển bởi Franz Schubert trong thế kỷ tiếp theo.
Nhiều Lieder khác đã được sáng tác sau khi Mozart được bổ nhiệm làm "Nhà soạn nhạc hoàng cung" ở Vienna (một cái mác nghe rất kêu mà thực ra chỉ có nghĩa rằng ông phải viết một số lượng nhất định các điệu nhảy mỗi năm cho các buổi khiêu vũ và hội họp ở cung điện). Ngoài sáu bản Tứ tấu dây nổi tiếng đề tặng Haydn và các tác phẩm khác được viết cho Frederick Wilhehm của nước Phổ, các tác phẩm thính phòng xuất sắc nhất bao gồm ngũ tấu dây Son thứ năm 1787, Ngũ tấu Clarinet năm 1789 mà vẻ đẹp của giai điệu được gắn liền với bản Concerto cho Clarinet giọng La trưởng, K.622, viết năm 1791. Cũng không nên bỏ sót các Sonata cho violin và piano của ông đó là những hình mẫu tuyệt vời của thể loại sonata đối với một trong những yêu cầu khắt khe nhất của sự phối hợp nhạc cụ.
Số lượng tác phẩm khổng lồ của Mozart cũng bao gồm các tác phẩm viết trong giai đoạn vô cùng nghèo túng của ông, là những tác phẩm thành công trong việc điều hòa giữa tính phù phiếm cốt yếu của mục đích với cái độc đáo phi thường của tư tưởng. Vì vậy, Mozart vĩ đại có thể viết nhạc cho những cây đàn ống cơ học dựng trong lòng những cái đồng hồ, như bản Fantasia nổi tiếng giọng Pha thứ, K. 608 sáng tác ngày 3/3/1790 hay bản Andante, K. 616 viết ngày 4/5 cùng năm. Cũng có cả âm nhạc cho kèn acmônica thủy tinh, một nhạc cụ làm bằng thủy tinh điều chỉnh ở nhiều âm độ, sẽ “hát lên" khi người chơi chà xát những đầu ngón tay ẩm ướt quanh miệng kèn. Bản Adagio và Rondo, K. 617 là một kiệt tác cho nhạc cụ này hoặc là một "phương tiện". Chưa hết, khi đã cất được gánh nặng nghèo khó, mặc dù ngắn ngủi, sự vĩ đại của ông tự nó lại được xác nhận đầy đủ và ở giai đoạn cuối của cuộc đời, ông đã đạt được sự thể hiện tuyệt vời nhất trong các tác phẩm thanh nhạc vĩ đại như Le nozze di Figaro (1786), Don Giovanni (1790) và Die Zauberflöte (1791, năm ông mất). Ngoại trừ Requiem, âm nhạc của Mozsart đặc biệt vui vẻ và dường như không hề báo hiệu cái chết của ông, không kể ý nghĩa gián tiếp rằng cái chết mang đến sự giải thoát khỏi những lo âu của đời người.
Xuất bản phẩm trọn vẹn các tác phẩm của Mozart lần đầu tiên, dựa theo danh mục thời gian sưu tập năm 1862 của nhà âm nhạc học Ludwig Kochel (tên ông này được ghi đại diện là “K” ngay trước số tác phẩm), được in tại Leipzig giữa năm 1877 và 1905.

Mozart - Thần đồng âm nhạc
Trong 2 thế kỷ, câu chuyện về nhạc sĩ Mozart đã được kể nhiều lần. Sự kỳ diệu và bí ẩn của một thần đồng âm nhạc và cuộc đời với danh vọng cao sang và kết thúc bi thảm của Mozart đã là một câu chuyện đặc biệt trong lịch sử âm nhạc.
Mozart là một thần đồng mà tài năng cho tới ngày nay chưa có ai vượt qua được. Nhạc sĩ này đã biết chơi đàn vĩ cầm và dương cầm khi mới lên 3, bắt đầu viết ra các bản "nhạc khúc nhịp ba" (minuets) vào tuổi lên 6, soạn bản "giao hưởng" (symphony) đầu tiên khi chưa đầy 9 tuổi, sáng tác "diễn ca khúc" (oratorio) khi 11 tuổi và "nhạc kịch" (opera) lúc mới 12.
Trong số 3 nhạc sĩ bậc thầy của nền Âm Nhạc Tây Phương là Bach, Beethoven và Mozart, nhạc của Bach mang tính nguyên thủy (original) với nền nhạc đa âm (polyphonic basis). Beethoven có tính nhạc vừa bí ẩn, vừa mang cá tính và cách mạng, đã mở đường cho các nhạc sĩ của thế kỷ 19 và 20, thì riêng với Mozart, ông đã viết nhạc cho thời đại của mình mà không quan tâm tới âm nhạc của tương lai.
Ngôn ngữ âm nhạc của Mozart cũng giống thứ âm nhạc của các nhạc sĩ đi trước như J. C. Bach hay J. Haydn. Mozart đã dùng các thể nhạc truyền thống, bao gồm các loại giao hưởng, nhạc kịch (opera), nhạc hòa tấu 4 đàn (quartet)… Ông đã theo đúng các tiêu chuẩn mẫu mực, làm đúng theo các quy thức cổ điển, làm tốt đẹp hơn mọi phương cách thể hiện âm nhạc, cho nên, nhạc của Mozart là hiện thân của sự toàn hảo mà nền âm nhạc thời đó có thể đạt được.

Mozart là nhạc sĩ có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc lại được giảng dạy ngay từ đầu về nhạc lý và nhạc cụ bởi người cha có tài, một nhạc sĩ vĩ cầm đã soạn ra nhiều nhạc phẩm giáo khoa. Ông Leopold Mozart đã huấn luyện người con trai kỳ tài của mình rồi đưa cậu nhạc sĩ nhỏ tuổi này vào các hoàn cảnh âm nhạc tốt đẹp nhất của thời đại. Wolfgang Mozart còn được học âm nhạc với tất cả các nhạc sĩ tài danh đương thời, đã theo các hành trình tới kinh đô của các nước Pháp, Anh, Hòa Lan, Ý…, đã sống tại thủ đô âm nhạc của thời đó là thành phố Vienna cũng như quen thuộc với các thành phố lớn khác của nước Đức.
Mozart đã làm quen với mọi nhạc thức, cộng thêm vào là thiên tư và bản chất, tất cả đã khiến ông bắt chước được các kiểu mẫu cũ, tổng hợp và cải tiến các nhạc phong của thời đại rồi viết ra một thứ âm nhạc mới khác hẳn các nhạc sĩ lừng danh thời đó.
Nhạc phong (mucical style) của Mozart đã mang nhạc tính tuyệt đối (absolute musicality). Nếu âm nhạc cổ điển của Beethoven hay âm nhạc lãng mạn của Berlioz và Chopin hàm chứa các cảm xúc nội tâm thì âm nhạc của Mozart lại không cho thấy những dấu vết của những đau khổ của cuộc đời mình. Âm Nhạc của Mozart đã được thăng hoa và chuyển thành các vẻ đẹp âm thanh trong cách thẩm mỹ cổ điển.
Wolfgang A. Mozart đã trải qua một cuộc sống ngắn ngủi nhưng lại sáng tác ra các tác phẩm rất phong phú. Cuộc đời của Mozart có thể được chia làm 3 giai đoạn: (1) thời thơ ấu và thiếu niên (1756-1774), (2) thời kỳ viết nhạc phẩm (1774-1781), và (3) các năm cuối sống tại thành phố Vienna (1781-1791).
1/ Thời thơ ấu và thiếu niên của Mozart (1756-74).
Wolfgang Amadeus Mozart sinh tại tỉnh Salzburg nước Áo vào ngày 27-1-1756. Cha là ông Leopold Mozart và mẹ là bà Maria Anna. Ông Leopold là một nhà soạn nhạc hạng thứ của vương triều địa phương, một nhạc sĩ vĩ cầm và là tác giả một số sách giáo khoa về âm nhạc. Khi lên 3 tuồi và nhìn thấy chị Nannerl 7 tuổi chơi đàn dương cầm, thời đó gọi là đàn hapsichord, Mozart cũng đòi học nhạc. Cả hai chị em được cha dạy âm nhạc và Mozart đã không thua chị, mà còn tập sáng tác các bản nhạc khúc nhịp ba (minuets).
Ngoài việc học đàn dương cầm, Mozart còn đòi học vĩ cầm. Một hôm ông Leopold và hai người bạn cùng họp nhau để hòa 6 bản trio (bản hòa tấu 3 đàn) do Wentzl, một trong hai nhạc sĩ kia sáng tác, Mozart lúc đó nằng nặc đòi chơi vĩ cầm bè hai. Rồi do khả năng thực sự, cậu bé Mozart dần dần được phép đàn vĩ cầm bè một với các nhạc sĩ lớn tuổi khác.
Do nhận thấy năng khiếu đặc biệt của hai người con nhỏ tuổi, ông Leopold bèn quyết định đưa các con đi lưu diễn tại nhiều nơi. Gia đình Mozart rời Salzburg vào tháng 1 năm 1762, hướng về thành phố Vienna. Tại thị trấn Linz, buổi hòa nhạc đã thành công vì nhiều người hâm mộ tài nghệ của hai nhạc sĩ tí hon. Sau đó cha con Mozart lại tới Tu viện Ips. Khi xem chiếc đàn phong cầm nổi danh của tu viện, chú bé Mozart đã leo lên đàn thử khiến cho các tu sĩ phải hết sức sửng sốt và thán phục về tài nghệ. Mọi người không hiểu vì sao một chú bé nhỏ tuổi đến như thế có thể tạo nên các âm thanh tuyệt vời?
Tiếng đồn về thiên tài của hai nhạc sĩ tí hon đã đến thành phố Vienna trước đoàn nghệ sĩ. Trong khi đón tiếp gia đình Mozart tại lâu đài Schoenbrunn, Hoàng Đế nước Áo Franz Josef đã gọi Mozart là "nhà ảo thuật bé nhỏ" và đã thử tài cậu nhạc sĩ tí hon này bằng cách bảo đánh ngay các bản đàn khó hay đánh đàn bằng một ngón tay, cũng như dạo đàn mà dùng vải phủ kín các phím đàn, không cho nhìn rõ. Chú bé Wolfgang đều vượt qua được các thử thách và mọi người đã vỗ tay tán thưởng. Để đáp lại sự tử tế của Vua và Hoàng Hậu, Wolfgand đã leo lên lòng Hoàng Hậu Maria Théresa và ôm hôn, như cách cảm ơn với mẹ của mình. Wolfgang còn kết thân với công chúa Marie Antoinette ở cùng lứa tuổi. Rất nhiều quà tặng dồn về hai nhạc sĩ nhỏ tuổi, đặc biệt là các nhẫn kim cương của Hoàng Đế Franz Josef và các bộ y phục lộng lẫy. Họa sĩ cũng vẽ chân dung của Mozart và bức họa còn được lưu giữ cho tới ngày nay.

Những nơi dấu chân Mozart đã đến
Sau đó gia đình Mozart đi trình diễn tại Frankfurt và các thành phố khác rồi tới Paris. Trước triều đình Pháp tại cung điện Versailles, chị em Mozart cũng đã làm cho nhiều người phải thán phục. Từ Paris, đoàn nghệ sĩ tới London vào tháng 4-1764. Vua George III và Hoàng Hậu nước Anh, do rất yêu thích âm nhạc, đã yêu cầu Wolfgang đàn ngay các nhạc phẩm của Bach và Handel. Cậu bé Wolfgang còn đệm đàn cho Hoàng Hậu hát cũng như ứng tác nhiều giai điệu mỹ lệ. Ngày 4 tháng 6 là sinh nhật của Vua nước Anh. Cả thành phố London tràn ngập dân chúng. Wolfgang Mozart biểu diễn âm nhạc vào ngày mồng 5. Phòng hòa nhạc chật đầy thính giả sang trọng. Ông Leopold nhờ đó đã thu được rất nhiều tiền bạc. Vào dịp này, Wolfgang đã sáng tạo ra loại "nhạc khúc hai bè" (duet), một nhạc thức mới. Tháng 7-1766, gia đình Mozart rời London đi Hòa Lan rồi trở lại Paris lần thứ hai, cuối cùng quay về Salzburg vào tháng 11-1766.
Nước Ý thời bấy giờ là quê hương của âm nhạc vì vậy ông Leopold đã quyết định phải đưa Wolfgang tới nơi đó. Tháng 12-1769, nhạc sĩ thần đồng lại được cha đưa về miền nam của châu Âu, nơi có dân chúng ca hát trên các cánh đồng nho, có các đoàn rước lễ vừa đi dọc theo đường phố hẹp,vừa hát các bản thánh ca, và đặc biệt nổi tiếng là âm nhạc của các ngôi giáo đường lớn. Wolfgang đã bị thử tài bởi các nhạc sĩ nước Ý, đã dạo cây đàn phong cầm của nhà thờ Saint Thomas tại thành phố Roveredo. Vinh quang cũng tới với Wolfgang tại Verona, nơi bản giao hưởng của nhạc sĩ tí hon được trình diễn và người ta đã vẽ chân dung của Wolfang.
Nơi trình diễn kế tiếp là thành phố Milan rồi Bologna. Đây là quê hương của nhạc sĩ lừng danh Padre Martini, người đã sáng tác ra các bản nhạc tôn giáo bất hủ. Ít khi ông Martini chịu tham dự vào các buổi hòa nhạc nhưng lần này, nhà soạn nhạc danh tiếng đó đã phải có mặt tại thính đường của bá tước Pallavicini để lắng nghe Wolfgang chơi đàn. Martini sau đó đã giao cho Wolfgang các tẩu khúc (fugue) và đã phải khen ngợi kiến thức về soạn nhạc của Wolfgang. Các vinh quang khác cũng tới với cậu bé nhạc sĩ này tại thành phố Florence, nơi triều đình của vương hầu Leopold.
Hai cha con Mozart tới Rome đúng vào Tuần Lễ Thánh (the Holy Week) khi cả thành phố lừng danh này đang ở vào dịp lễ hội lớn. Wolfgang đã được viếng thăm Giáo Đường Thánh Peter, Nhà Nguyện Sistine, nơi có bức danh họa "Cuộc Phán Xét Cuối Cùng" (the Last Judgment) của Michael Angelo. Chính tại Nhà Nguyện này, Wolfgang đã được nghe bản Thánh Ca Miserere của Allegri. Đây là bản Thánh Ca không được hát tại bất cứ một nơi nào khác và không ai có quyền mang một phần bản nhạc ra khỏi giáo đường. Sau phần lễ thật trịnh trọng và trang nghiêm có tên là Tenebrae (Bóng Tối), 7 cây nến thật lớn trên bàn thờ được tắt dần từng cây một, cho tới khi chỉ còn một cây nến cháy sáng, rồi cây này được nhẹ nhàng mang lùi về phía sau, toàn thể Nhà Nguyện chìm đắm trong bóng tối dày đặc và tuyệt đối yên lặng. Chính trong giờ phút lắng đọng này, bản nhạc Miserere (Hãy Thương Sót) dần dần bắt đầu. Một giọng đơn hát phần antiphon hay phần nhập đề ngắn, rồi kế tiếp là sự yên lặng, một sự yên tĩnh tận cùng khiến cho mọi người muốn ngừng thở vì e ngại tiếng thở có thể gây ra vang động. Chính trong lúc này các nốt nhạc cầu xin vang dần lên, tới khi cả Thánh Đường chan hòa tiếng thổn thức của thứ âm nhạc thánh thiện.
Hai cha con Mozart đã rời khỏi Giáo Đường trong yên lặng, trở về nhà trọ. Đêm hôm đó, Wolfgang không ngủ được vì cảm xúc của bản Thánh Ca. Cậu bé nhạc sĩ bèn thắp đèn lên và bắt đầu chép lại bản nhạc. Khi trời sáng, toàn thể bản Miserere của Allegri đã được Wolfgang chép lại qua trí nhớ.
Hôm sau là Ngày Thứ Sáu trước Lễ Phục Sinh (Good Friday), Wolfgang được nghe lại bản Miserere lần thứ hai và sau đó đã sửa chữa lại bản chép tay của mình cho thật chính xác. Tài năng xuất chúng của cậu bé 14 tuổi này đã khiến cho thành phố Rome phải sửng sốt và quý mến.
Wolfgang Mozart cũng được chú ý và đạt các danh vọng tại thành phố Naples, nơi đã cung cấp một cỗ xe ngựa quý đưa cha con Mozart qua đường phố chính, giữa các đám người nghênh đón, trên xe ngựa Wolfgang mặc áo sặc sỡ có nút áo bằng bạc, ngồi cạnh cha mặc áo màu nâu có tua viền màu xanh.
Khi trở lại Rome, Wolfgang Mozart đã được Đức Giáo Hoàng tưởng thưởng huân chương (the Order of the Golden Spur) vì thế có người đã gọi nhạc sĩ trẻ tuổi này là "Hiệp Sĩ Mozart". Rồi khi tới thành phố Bologna, cậu nhạc sĩ trẻ tuổi lại được nhận làm nhân viên Hàn Lâm Viện Âm Nhạc Accademia Filhamonica. Bài khảo sát gia nhập Viện Âm Nhạc gồm việc sáng tác một nhạc khúc hát đối đáp (antiphon) 4 phần và cậu thiếu niên bị khóa trong phòng cho đến khi hoàn tất nhạc phẩm. Wolfgang đã gõ cửa đi ra sau nửa giờ đặt bút sáng tác.
Hành trình của cha con Mozart hướng về thành phố Milan. Tại nơi này, Wolfgang được đặt viết có thù lao một bản nhạc kịch (opera) trong 3 tháng, có tên là "Mitridate". Buổi trình diễn vở nhạc kịch này được tổ chức vào ngày 26-12-1770 do chính Wolfgang điều khiển dàn nhạc.
Wolfgang A. Mozart đã đi khắp châu Âu và nước Anh, và trong 35 năm cuộc đời, nhạc sĩ thiên tài này đã trải qua 4 năm trên xe ngựa trong các hành trình xuyên qua các miền biên giới. Trong chuyến du lịch qua nước Pháp, Mozart đã quan tâm tới âm nhạc của Johan Schobert, rồi khi tới London, lại chịu ảnh hưởng phong cách âm nhạc của Johann Christian Bach, con trai nhà nhạc sĩ lừng danh Johann Sebastian Bach. Chuyến đi qua nước Ý từ năm 1769 tới năm 1773 đã cho phép Wolfgang Mozart học hỏi về đối điểm (counterpoint) với Padre Martini tại Bologna và trong thời gian này, bản nhạc kịch kiểu Ý La Finta Semplice (Italian opera buffa) đã được Mozart viết ra. Các nhà soạn nhạc giao hưởng người Ý, chẳng hạn ông Sammartini, cũng gây ảnh hưởng tới các tác phẩm của Mozart, như qua các bản nhạc đánh số K.81, 95, 112, 132, 162 và 182.

Mozart đã thực hiện hơn 600 sáng tác âm nhạc và nhà nghiên cứu L. Von Koechel năm 1862 đã liệt kê và đánh số theo bản thư mục chủ đề (thematic catalogue) bằng "chỉ số K". Đây là cách nhận biết được nhiều người công nhận.
Wofgang A. Mozart đã có một trí nhớ kỳ lạ và một khả năng sáng tác âm nhạc ngay trong bộ óc của mình, đã xếp đặt các thành phần của bản nhạc khi đang ngồi trên xe ngựa trong các chuyến đi xa rồi sau đó, Mozart chỉ cần một hay hai ngày để viết tác phẩm trên giấy, thành các bản nhạc hoàn chỉnh. Nhờ các chuyến đi qua nhiều xứ sở, Mozart có thể hấp thụ được nhiều nhạc phong (styles), tổng hợp được nhiều nét nhạc (musical features) của nhiều quốc gia, khác hẳn với Haydn mang màu sắc âm nhạc đặc biệt của nước Áo, hay Handel với nét nhạc thuần Đức.
Vào thời đại của Mozart, nền âm nhạc của châu Âu chịu ảnh hưởng của hai trường phái Ý và Đức. Nói một cách đơn giản, âm nhạc Ý mang tính nhẹ nhàng, chủ đích nhắm vào giải trí trong khi âm nhạc Đức trịnh trọng hơn và hướng về diễn tả. Phương tiện âm nhạc của trường phái Ý là giọng ca (vocal) với các bản nhạc kịch (opera) và bản thanh nhạc (cantata) trong khi các nhạc sĩ Đức ưa chuộng các nhạc cụ (instrumental) và dùng các nhạc thể như giao hưởng (symphony) hay sônát (sonata). Chất nhạc (musical texture) của âm nhạc Ý là chủ điệu (homophonic) với các giai điệu có tính làm say mê, quyến rũ trong khi chất nhạc Đức lại thiên về khoa học đối điểm (the science of counterpoint). Mozart đã hiểu rõ và xử dụng được cả hai trường phái kể trên nhờ khả năng thưởng thức (taste), nhờ bản năng thiên tư biết dùng những gì thích hợp, tốt đẹp, nhờ trí thức (knowledge) hiểu rõ lý thuyết âm nhạc và kỹ thuật với các giới hạn của các nhạc cụ.
2/ Thời kỳ viết nhạc phẩm (1774-81).
Sau các năm chu du qua các quốc gia với các thành công huy hoàng và trở về Salzburg, Wolfgang Mozart bắt đầu gặp phải bóng tối vì sự ghen tị, vì các âm mưu và vì sự thờ ơ của những kẻ quyền thế. Người che chở và giúp đỡ Mozart là vị Tổng Giám Mục Salzburg đã qua đời, người kế vị lại lơ là với nghệ thuật, coi thường các nhạc sĩ nhà nghề. Năng khiếu và tài nghệ của Mozart đã không được coi trọng. Mozart được giao chức vụ trưởng ban nhạc nhưng lương bổng không đủ sống. Vào lúc này, Wolfgang Mozart đã 21 tuổi, đã sáng tác được nhiều nhạc phẩm thuộc nhiều thể loại.
Do tình trạng lợi tức thấp kém, ông Leopold dự định lại đưa các con thiên tài đi lưu diễn một lần nữa nhưng vị Tổng Giám Mục mới của miền Salzburg đã không cho phép ông Leopold rời khỏi địa phận, vì vậy Wolfgang cùng với mẹ ra đi vào sáng ngày 23-9-1777, hướng về thành phố Munich. Nơi đây, Mozart đã tới lâu đài Nymphenburg nhưng vị vương hầu địa phương đã từ chối, không còn chỗ trống dành cho nhạc sĩ thiên tài. Các vinh dự mà Mozart đã thu nhận được tại nước Ý đã làm buồn lòng các kẻ quyền thế người Đức. Mozart và mẹ lại đi tới thành phố Mannheim và chỉ kiếm được một chân dạy đàn dương cầm với số lương không đủ sống. Ông Leopold và con gái đã phải tiết kiệm, gửi tiền tiếp tế cho hai mẹ con Mozart tại đó.

Không lâu sau khi tới Mannheim, Wolfgang đã dấu cha, làm quen với hai cô con gái của gia đình Weber. Cô chị Aloysia 15 tuổi và cô em, Constanza 14, là hai thiếu nữ đang độ xuân sắc. Aloysia lúc đó đang tập hát nhạc kịch (opera) và Wolfgang sẵn lòng đệm đàn và hướng dẫn cho nàng ca hát. Mối tình đã chớm nở giữa hai người và Mozart đã đề nghị với gia đình Weber là họ nên cùng với Aloysia sang nước Ý trình diễn, với Mozart sẽ sáng tác các bản nhạc kịch thích hợp với nàng. Đồng thời Mozart cũng biên thư cho cha, căn dặn cha và chị đón đoàn nghệ sĩ tại Salzburg và ông Leopold khi đó sẽ gặp người con dâu tương lai, người mà ông sẽ quý mến. Nhưng ông Leopold đã không chú ý đến dự tính này. Ông dặn con trai phải đi ngay Paris, tạo dựng cho mình một danh tiếng. Wolfgang đành phải rời Mannheim, xa cách người yêu.
Wolfgang Mozart đã tới Paris. Thành phố này trước kia hân hoan đón chào một thần đồng âm nhạc nhưng ngày nay, lại dửng dưng trước một nhạc sĩ đã trưởng thành. Trong 3 tháng, Mozart đã không thành công trong việc kiếm được một công việc xứng đáng, rồi bà Maria mắc bệnh nặng và qua đời trong cánh tay của người con trai vào ngày 03-7-1778. Vào lúc này, ông Leopold đã gửi một bức thư báo tin cho Wolfgang biết vị Tổng Giám Mục Salzburg sẵn lòng giao cho chàng chức vụ nhạc sĩ đàn phong cầm của vương triều với lương năm là 500 florins và với một số điều kiện về vắng mặt. Nếu Wolfgang chấp nhận, lợi tức của hai cha con sẽ đủ dùng cho một cuộc sống tương đối thoải mái. Wolfgang không thể trái ý cha nên đã trở về Salzburg nhưng xin phép được ghé qua thành phố Mannheim để gặp gia đình Weber. Tới nơi, gia đình này đã dọn đi Munich. Mozart lại tới Munich nhưng khi gặp gia đình Weber, Aloysia chỉ coi Mozart là một người bạn cũ.
Trở về Salzburg, Mozart bị thất bại cả về tình duyên lẫn tham vọng. Mặc dù được gia đình luôn coi là một nhà soạn nhạc cỡ lớn, một thiên tài trong số các nhạc sĩ, Wolfgang Mozart vẫn không ưa thích miền Salzburg và các bổn phận phải làm đối với cung đình này. Tháng 11 năm 1780, Wolfgang lại đi Munich để hoàn thành một nhạc kịch đã ký hợp đồng, dùng cho ngày đại hội năm sau. Nhạc kịch có tên là "Idomeneo" lần đầu tiên được trình diễn vào ngày 29-1-1781 và được mọi người khen ngợi, kể cả vị vương hầu của vùng Munich. Ông Leopold và chị Nannerl cũng tới Munich để chứng kiến lúc vinh quang của Wolfgang Mozart. Trong rạp hát, hàng trăm người đã đứng lên, hoan hô nhà soạn nhạc và đây là lúc hãnh diện nhất cho cả ba người thuộc gia đình Mozart.
Sau đó vị Tổng Giám Mục miền Salzburg lại ghen tức với danh tiếng do Mozart tạo dựng nên tại một nơi khác, nên đã ra lệnh ngưng chức nhạc sĩ của Wolfgang trong khi người cha Leopold cố gắng gọi con trở về. Wolfgang qua chán ghét miền Salzburg nên cuối cùng đã viết thư cho cha: "xin đừng bắt con trở về Salzburg nữa, cha hãy bảo con làm việc khác ngoài việc trở về đó".
Tại Munich, Wolfgang Mozart bắt đầu cam chịu một cuộc sống thiếu thốn. Nhà nhạc sĩ tài danh chỉ có được một học trò. Với số tiền quá ít ỏi, Mozart phải sống trọ với một gia đình bạn, vào lúc này, người yêu cũ là nàng Aloysia đã đi lấy chồng. Bà Weber và hai cô gái lại dọn đi Vienna và cũng ở trong hoàn cảnh eo hẹp.
Cuối năm 1773 và đầu năm 1774, Wolfgang Mozart đã sáng tác được 2 bản giao hưởng cung Sol thứ (K.183) và cung La trưởng (K.201) với tính nhạc mãnh liệt và trang nghiêm, với đặc tính đồng nhất về chủ đề (thematic unity) và với đặc điểm về cách khai triển toàn bộ nhạc thức. Sau đó là thời kỳ Mozart viết nhiều sônát dành cho đàn dương cầm (piano sonata): K.279-284 soạn tại Salzburg và Munich trong 2 năm 1774-75, K.309 và K.311 tại Mannheim,1777-78, và tại Paris vào năm 1778 gồm các bản sônát cung La thứ (K.310), sônát cung Đô trưởng (K.330), sônát cung La trưởng với các biến khúc (K.331); và 2 sônát mang đặc tính Mozart nhất là 2 nhạc phẩm cung Fa trưởng và Si giáng trưởng (K.332 và K.333). Nhiều biến khúc (variations) cũng được Mozart sáng tác tại Paris với các bản nhạc dành cho các nhạc sinh, kể cả bản "Ah, vous dirais-je maman" (K.265, Paris-1778). Nhiều bản hòa tấu 4 đàn được Mozart sáng tác một cách xuất sắc, chẳng hạn như bản Flute Quartet cung Rê trưởng (K.285) và bản Oboe Quartet (K.370).
Wolfgang Mozart đã sáng tác âm nhạc hoặc do tiền đặt trước, hoặc vì một dịp đặc biệt nào đó. Trước khi viết nhạc, chàng nhạc sĩ thiên tài này đã có trong đầu óc một định kiến về khán giả và các nhạc sĩ trình diễn, về sự ưa chuộng của người nghe nhạc. Mozart quả thực là một nhà soạn nhạc thương mại, viết nhạc vừa với ước vọng nhạc phẩm sẽ được trình diễn, làm vui lòng người đặt hàng, lại mang về tiền bạc cho mình. Trong các thập niên 1770 và 1780, Mozart đã sáng tác âm nhạc cho các buổi họp mặt ngoài vườn, các đám cưới, các sinh nhật, các buổi hòa nhạc gia đình và các nhạc phẩm này phần lớn được gọi là dạ khúc (serenade hay divertimento). Ngoài ra, số nhạc phẩm của Mozart còn gồm nhạc thính phòng với đàn dây và đôi khi với một hay hai loại kèn, rồi tới các concerto và các bản giao hưởng phức tạp hơn… tất cả đều mang sắc nhạc đơn giản, bay bướm với giai điệu quyến rũ. Bản dạ khúc được phổ biến nhất của Mozart có tên là "Dạ Khúc Nhỏ" (Eine Kleine Nachtmusik, K.525), một tác phẩm viết cho dàn nhạc nhỏ đàn dây (small string orchestra). Dạ khúc Haffner năm 1776 là một thí dụ rõ ràng nhất của thể điệu concerto-symphonic.
Mozart cũng viết các concerto dành cho vĩ cầm như các nhạc phẩm K.216, 218 và 219, lần lượt theo các cung Sol, Rê và La. Các nhạc phẩm này là những tác phẩm với vẻ nhạc rất trong sáng, với âm thanh lộng lẫy, đầy nhạc cảm.
3/ Thời kỳ sống tại thành phố Vienna (1781-91).
Wolfgang Mozart rời bỏ Munich và dọn qua Vienna, tại đây chàng nhạc sĩ đã quyết định chọn người vợ là cô Constanza Weber, em gái của người yêu khi trước, mặc dù lời quở mắng của ông Leopold. Hai người đã làm lễ thành hôn ngày 16-8-1782. Constanza tuy là một người vợ tận tụy song lại là một người đàn bà rất kém về nội trợ khiến cho gia đình Mozart luôn luôn túng thiếu. Trước hoàn cảnh eo hẹp về tài chính, Mozart muốn rời đi London hay Paris nhưng ông Leopold đã gửi thư, hẹn gặp người con trai tại Vienna. Rồi người cha và người chị đã tới, Mozart rất hân hoan được giới thiệu người vợ mới của mình và ông Leopold cũng vui sướng khi thấy con trai bận rộn trong việc sáng tác các nhạc phẩm. Có một buổi chiều, ông Leopold đã cùng với đại nhạc sĩ Josef Haydn nghe trình diễn các bản tứ hòa (quartets) do Mozart viết ra, và J. Haydn đã phải nói với ông Leopold: "Trước Thượng Đế, và tôi lấy danh dự mà nói rằng con trai của ông là một nhà soạn nhạc vĩ đại nhất mà tôi đã gặp. Cậu ta có khả năng thưởng thức và lại có một điều quý hơn nữa là một kiến thức sâu rộng nhất về sáng tác âm nhạc".
Lần gặp gỡ trên cũng là lần cuối giữa hai cha con vì sau đó ông Leopold trở về Salzburg rồi mắc bệnh và qua đời vào ngày 28-5-1787. Hung tin này tới với Mozart sau khi chàng nhạc sĩ vừa mới hoàn tất bản nhạc kịch "Đám Cưới của Figaro" (the Marriage of Figaro). Tại mỗi góc phố của hai thành phố Vienna và Prague đều vang lên giai điệu của bản nhạc này.
Mặc dù thành công về bản nhạc kịch gần đây, Mozart vẫn túng thiếu và vẫn phải kiếm ăn bằng cách dạy nhạc. Vợ của chàng lại thường hay đau bệnh, không biết tiết kiệm và gia đình đôi khi không có đồ ăn hoặc củi đốt. Một vài người bạn thân cũng thỉnh thoảng giúp đỡ chàng lúc quá khó khăn. Lúc bấy giờ Hoàng Đế Josef của nước Áo vì muốn giữ chàng nhạc sĩ thiên tài lại trong nước mình, nên đã đề nghị tuyển Mozart làm nhà soạn nhạc cho cung đình với lương 80 bảng một năm, một món tiền quá nhỏ, khiến cho Mozart đã phải nói ra một cách chua chát: "Đó là món tiền quá lớn đối với công việc quá nhỏ đòi hỏi tôi phải làm, và cũng là món tiền quá nhỏ đối với khả năng tôi có thể làm được".
Tháng 9 năm 1787, Mozart bắt đầu viết vở nhạc kịch "Don Giovanni". Nhạc phẩm phải xong vào ngày 29-10 mà tới tối ngày 28, phần khai khúc (overture) vẫn chưa được soạn tới. Mozart đã thức suốt đêm để viết nhạc vì tác phẩm đã ở sẵn trong đầu chàng nhạc sĩ thiên tài. Lúc 7 giờ sáng khi còn chưa khô mực, nhạc phẩm đã được chuyển tới người chép nhạc rồi dùng cho buổi trình diễn ngay ban chiều mà không có thời giờ tập dượt. Kết quả của vở nhạc kich "Don Giovanni" rất rực rỡ, mọi người đều tán thưởng những nét nhạc và giai điệu mỹ lệ của Mozart. Nhưng khó khăn tài chính vẫn chưa vượt qua được. Ông hoàng Karl Lichnowsky đề nghị Mozart nên đi theo ông tới Berlin vì Vua nước Phổ có thể giao cho chàng chức vụ Nhạc Trưởng Thính Phòng với lương bổng khá lớn nhưng vì lòng trung thành với Hoàng Đế Josef của nước Áo đã khiến Mozart phải từ chối.
Tháng 7 năm 1791, khi đang sống tại Vienna, Mozart đã tiếp một người cao lớn mặc áo đen, đến đặt viết bản nhạc Cầu Hồn Requiem trong khi đó chàng nhạc sĩ cũng đang bận rộn giúp đỡ người bạn là nhạc sĩ Salieri. Lễ đăng quang của Hoàng Đế Leopold II đã được ấn định vào ngày 6 tháng 9 tại Prague. Trước khi lên xe ngựa đi Prague, người áo đen đặt viết bản nhạc cầu hồn lại đến và Mozart phải năn nỉ xin hoãn cho tới lúc từ Prague trở về. Bản nhạc kịch "La Clemenza di Tito" đã được soạn xong đúng thời hạn và được trình diễn nhưng kết quả không vẻ vang. Mozart trở lại Vienna lúc cơ thể quá mệt mỏi vì làm việc quá độ. Dù thế, ngày 30-9, một nhạc kịch khác cũng xuất hiện mang tên "Cây Sáo Thần" (the Magic Flute). Thành công của bản nhạc kịch này tăng dần lên trong khi bản nhạc Cầu Hồn vẫn còn dang dở. Đã nhiều lần Mozart ngất sỉu vì yếu sức và một hôm, chàng nhạc sĩ thiên tài đã nói với vợ: "Anh viết bản Cầu Hồn này cho chính anh vậy".

Chiều ngày 4 tháng 12 năm 1791, Mozart bị nằm liệt giường và trút hơi thở cuối cùng vào sáng ngày 5-12, lúc 35 tuổi, để lại bản nhạc Cầu Hồn chưa viết xong. Một môn đệ ưa thích của Mozart tên là Sussmayr đã viết nốt bản nhạc lễ đó (mass) từ các nét nhạc phác thảo của Thầy cùng với một số giai điệu bổ túc của mình.
Ngày đưa đám của chàng nhạc sĩ thiên tài Mozart chỉ quy tụ được vài người bạn thân. Quan tài được chở trên xe kéo, ra khỏi thành phố để tới khu nghĩa trang nghèo nàn. Rồi một trận bão tuyết đổ ập tới, các bạn bè tiễn đưa đã bỏ về và lẽo đẽo theo sau xe tang chỉ còn người vợ góa và một con chó trung thành. Do thời tiết quá xấu, xe tang đã không thể đi thêm được nữa, những người phu chôn cất đã đào huyệt và chôn vội vã chiếc quan tài bên đường. Sáng ngày hôm sau khi tuyết ngừng rơi, người vợ trẻ Constanza đã không thể tìm ra dấu tích ngôi mộ của chồng vừa mới đào lấp vào ngày hôm qua.

Vào các năm đầu của thời kỳ sống tại Vienna, các sáng tác nhạc của Mozart khá phong phú. Nhạc khúc hát nói (singpiel) "Die Entfuhrung aus dem Serail" (the Abduction from the Seraglio, 1782) đã được trình diễn nhiều lần. Mozart đã là nhạc sĩ dương cầm và sáng tác thần tượng của dân chúng thành phố Vienna, là một ngôi sao âm nhạc tự do.
Phần lớn các nhạc phẩm đã làm cho danh tiếng Mozart trở nên bất tử, đều được sáng tác vào khoảng thời gian 10 năm cuối với cách tổng hợp toàn hảo về nhạc thức và về nội dung, với nhạc phong vừa lẳng lơ, vừa uyên bác, với sự duyên dáng và đam mê trong chiều sâu của nhạc cảm và Mozart đã viết tất cả các thể loại âm nhạc.
Các ảnh hưởng chính đối với Mozart vào thời kỳ này vẫn là đường nét âm nhạc của Haydn và sự khám phá của chàng nhạc sĩ về âm nhạc của J.S. Bach. Thời đó bá tước Gottfried van Swieten là đại sứ của nước Áo tại Berlin. Vị bá tước này đã là thủ thư viện của vương triều và lại là một người đam mê âm nhạc. Tại nhà của bá tước Van Swieten, Mozart được làm quen với các tập nhạc của Bach trong đó có tập "Art of Fugue, the Well-Tempered Clavier" (Nghệ thuật của Tẩu Khúc dùng cho đàn dương cầm), một số các sônát và các nhạc phẩm khác. Ảnh hưởng của âm nhạc Bach đã được lưu dấu trong các tác phẩm về sau của Mozart, chẳng hạn như trong bản sônát cuối cùng dành cho dương cầm, K.576, hay bằng nhạc tính trang trọng trong nhạc phẩm "Cây Sáo Thần" (the Magic Flute) và nhạc lễ Cầu Hồn Requiem.
Trong số các nhạc bản độc tấu dương cầm của thời kỳ Vienna, quan trọng nhất là bản Fantasia và Sônát cung Đô thứ (Sonata in C minor, K.475 và K.457). Nhạc phẩm Fantasia đã có các giai điệu và chuyển cung (modulations) đi trước Schubert trong khi bản Sônát kể trên đã là mẫu mực của nhạc bản Sonate Pathétique của Beethoven.
Mozart còn viết các nhạc phẩm dành cho 2 đàn dương cầm (K.448, 1781), các sônát 4 tay (K.497, 1786), nhạc thính phòng, sônát vĩ cầm cung La trưởng (K.526), nhạc hòa tấu 3 đàn dây (String Trio K.563), nhạc hòa tấu 5 kèn Clarinet (the Clarinet Quintet, K.581)… Trong 6 "Haydn Quartets" (nhạc hòa tấu 4 đàn), Mozart đã thể hiện khả năng trưởng thành của mình trong việc hấp thụ tinh túy âm nhạc của Haydn mà không phải là một người bắt chước vụng về.
Với nhạc kịch "Đám Cưới của Figaro" viết năm 1786 dùng lời nhạc (libretto) của Lorenzo da Ponte, Mozart đã lên tới tột đỉnh của tài soạn nhạc, với nét nhạc vừa trong sáng, vừa duyên dáng.
4/ Các nhạc phẩm chính của Wolfgang A. Mozart.
Các nhạc phẩm dùng cho dàn nhạc (orchestral music) của Mozart gồm hơn 40 bản giao hưởng (symphonies), chẳng hạn như các bản có tên là Haffner số 35, Linz số 36, Prague số 38, Jupiter số 39, 40 và 41, các dạ khúc (serenade) như Dạ Khúc Nhỏ (Eine Kleine Nachtmusik, 1787), các hành khúc (marches) và vũ khúc (dances).
Các concerto gồm 5 bản dành cho vĩ cầm, 27 bản dành cho dương cầm và các bản nhạc khác dùng cho các loại kèn, sáo và thụ cầm (harp).
Các nhạc kịch (operas) gồm Idomeneo (1781), die Entfuhrung aus dem Serail (1782), Đám Cưới của Figaro (1786), Don Giovanni (1787), Cosi fan tutte (1790) và Cây Sáo Thần (1791).
Nhạc đồng ca (choral music) gồm 18 nhạc lễ, bản Cầu Hồn Requiem K.626 (dang dở- 1791). Nhạc thính phòng gồm 23 bản hòa tấu 4 đàn dây, các trio, quintet, sônát…
17 bản sônát dương cầm và bản Fantasia (K.475, 1785). Ngoài ra còn có các bản nhạc hát thế tục (secular vocal music).
Vào thời đại của Wolfgang A. Mozart, số lượng các nhạc cụ của dàn nhạc giao hưởng còn bị giới hạn và các nhạc sĩ thời đó có phong cách trình diễn âm nhạc khác với ngày nay. Âm nhạc của Mozart chưa được giới hâm mộ hiểu rõ vào thế kỷ 19, cho tới sau Thế Chiến Thứ Nhất các nhạc sĩ và các nhà nghiên cứu âm nhạc mới tìm hiểu lại thiên tài Mozart và Wolfgang Amadeus Mozart được coi là nhạc sĩ có thiên phú nhất, hoàn hảo nhất mà Thế Giới được biết tới. 

Danh mục tác phẩm của Wolfgang Amadeus Mozart
- Ký hiệu K hoặc KV là viết tắt "Köchel (Verzeichnis)", tức là cách đánh số theo thời gian các tác phẩm của Mozart bởi Ludwig von Köchel. Lưu ý rằng danh mục này đã được thay đổi vài lần, nên dẫn đến việc có một số tác phẩm có hơn một số KV (ví dụ Symphony số 25).
- Các tác phẩm của Mozart liệt kê dưới đây được nhóm theo từng thể loại tác phẩm. Không phải tất cả các tác phẩm của Mozart có cách đánh số được hầu hết mọi người thừa nhận: Köchel chỉ đánh số các bản giao hưởng (từ 1 đến 41); Piano Concerto (1 đến 27, bỏ qua một vài chuyển soạn trong thời kỳ đầu của Mozart) và vài nhóm thể loại khác, cho tứ tấu dây, hầu hết các tác phẩm thính phòng và thanh nhạc không có đánh số (hoặc không được hầu hết mọi người thừa nhận).
-Chỉ có vài tác phẩm của Mozart có đánh số Opus, trong khi có rất nhiều tác phẩm của ông được xuất bản trong khi ông còn sống, điều này chứng tỏ cách đánh số Opus hoàn toàn không phù hợp với các tác phẩm của Mozart. 

Giao hưởng
Các bản giao hưởng của Mozart được sáng tác trong quãng thời gian 24 năm, từ 1764 đến 1788. Theo như những nghiên cứu gần đây, Mozart đã viết không chỉ 41 bản giao hưởng như những ấn phẩm truyền thống từng nói, mà ông có đến 68 tác phẩm trọn vẹn của thể loại này. Tuy nhiên, theo một quy ước ngầm, cách đánh số truyền thống vẫn được giữ lại, và do đó bản giao hưởng cuối cùng của ông vẫn là "số 41". Một vài bản giao hưởng (K. 297, 385, 550) được sửa chữa bởi tác giả sau lần xuất bản đầu tiên.
Những bản giao hưởng thời thơ ấu (1764-1771)
Đây là những bản giao hưởng trong thời kỳ đầu tiên của Mozart. Cần lưu ý rằng cũng có rất nhiều tác phẩm giao hưởng không được đánh số của ông trong thời kỳ này.
Symphony No. 1 in E-flat major, K. 16
Symphony No. 2 in B-flat major, K. 17 (spurious)
Symphony No. 3 in E-flat major, K. 18 (spurious, by Abel)
Symphony No. 4 in D major, K. 19
Symphony No. 5 in B-flat major, K. 22
Symphony No. 6 in F major, K. 43
Symphony No. 7 in D major, K. 45
Symphony No. 8 in D major, K. 48
Symphony No. 9 in C major, K. 73
Symphony No. 10 in G major, K. 74
Symphony No. 11 in D major, K. 84
Symphony No. 12 in G major, K. 110
Symphony No. 13 in F major, K. 112 
Những bản giao hưởng tại Salzburg (1771-1781)
Những bản giao hưởng này đôi khi được phân loại thành "Thời kỳ đầu" (1771-1773) và "Thời kỳ sau" (1773-1775), và thỉnh thoảng được phân loại thành "Giao hưởng Đức" (có Minuet) và "Giao hưởng Italy" (không có Minuet). Không có tác phẩm nào trong số này được in khi Mozart còn sống.
Mặc dù không được tính là "Giao hưởng" ba bản Divertimenti K. 136-138, có chương 3 theo phong cách overture Italy, thỉnh thoảng cũng được coi là "Giao hưởng Salzburg" (Salzburg Symphonies)

Symphony No. 14 in A major, K. 114 (1771)
Symphony No. 15 in G major, K. 124 (1772)
Symphony No. 16 in C major, K. 128 (1772)
Symphony No. 17 in G major, K. 129 (1772)
Symphony No. 18 in F major, K. 130 (1772)
Symphony No. 19 in E-flat major, K. 132 (1772)
Symphony No. 20 in D major, K. 133 (1772)
Symphony No. 21 in A major, K. 134 (1772)
Symphony No. 22 in C major, K. 162 (1773)
Symphony No. 23 in D major, K. 181 (1773)
Symphony No. 24 in B-flat major, K. 182 (1773)
Symphony No. 25 in G minor, K. 183 (173d B) (1773)
Symphony No. 26 in E-flat major, K. 184 (1773)
Symphony No. 27 in G major, K. 199 (1773)
Symphony No. 28 in C major, K. 200 (1774)
Symphony No. 29 in A major, K. 201 (1774)
Symphony No. 30 in D major, K. 202 (1774)
Những bản giao hưởng thời kỳ cuối (1781-1791)


Symphony No. 31 "Paris" in D major, K. 297 (1778)

Mozart đến Paris năm 1778 để tìm kiếm một vị trí xứng đáng với tài năng của mình. Mặc dù không thể đạt đến mục tiêu, nhưng trong thời gian đó Mozart đã viết được "giao hưởng Paris" mà nó đặc biệt thú vị cho một tác phẩm đẹp và hiện đại của việc đồng diễn các nhạc cụ.

Symphony No. 32 "Overture in the Italian style" in G major, K. 318 (1779)
Symphony No. 33 in B-flat major, K. 319 (1779)
Symphony No. 34 in C major, K. 338 (1780)
Symphony No. 35 "Haffner" in D major, K. 385 (1782)
Symphony No. 36 "Linz" in C major, K. 425 (1783)
Symphony No. 37 in G major, K. 444 (1784) 

Trong nhiều năm nó được coi là giao hưởng của Mozart, nhưng sau đó những học giả xác định nó hoàn toàn được sáng tác bởi Michael Haydn, và mozart chỉ viết đoạn giới thiệu chậm cho nó. Hiện nay nó được coi là giao hưởng số 26 của Haydn.
Symphony No. 38 "Prague" in D major, K. 504 (1786)
Được sáng tác tại Vienna, sau quãng thời gian hạnh phúc tại Prague. Nó cực kỳ khó biểu diễn và vượt trội hơn tất cả những bản giao hưởng trước đây của Mozart.
Symphony No. 39 in E flat major, K. 543 (1788)
Symphony No. 40 in G minor, K. 550 (1788)
Symphony No. 41 "Jupiter" in C major, K. 551 (1788)
 
Concerto
Đỉnh cao trong các tác phẩm của Mozart trong thể loại Concerto đạt đến là Piano Concerto, mặc dù ông sáng tác một vài tác phẩm quan trọng cho độc tấu các nhạc cụ khác và dàn nhạc.
Piano Concerto
Người ta tìm thấy 17 piano concerto là đỉnh cao trong số các tác phẩm cho piano của Mozart trong suốt thời gian tại Vienna, đó là những concerto quan trọng nhất trong số 27 concerto ông sáng tác, nơi mà ông đã cách mạng hóa phong cách concerto, cho nó một chiều dài của bản giao hưởng tự do, với nhạc cụ độc tấu khai thác tất cả các kĩ thuật có thể chơi và không bao giờ xung đột với dàn nhạc. Trong số chúng, 15 tác phẩm được viết trong thời gian từ 1782 đến 1786, trong khi 5 năm cuối Mozart chỉ viết thêm 2 concerto cho piano. Chúng cũng là một vài trong số những concerto cho piano nổi tiếng nhất của ông được viết cùng người khác, thường là học trò (nổi tiếng nhất là Babette von Ployer).
Trong số những concerto cho piano và dàn nhạc, năm 1773 ông sáng tác Concerto giọng Rê, K 175, mà vài năm sau ông thừa nhận là tác ông ông yêu thích. Concerto cho 3 piano số 7 giọng Pha trưởng, K. 242 (Lodron) được sáng tác năm 1776, với ba phần piano với độ khó khác nhau.
Những tác phẩm này nguyên gốc được viết cho clavecin hoặc fortepiano concerto nhưng hiện nay mọi người đều đổi tên chúng thành piano concerto.

Piano Concerto No. 1 in F major, K. 37
Piano Concerto No. 2 in B flat major, K. 39
Piano Concerto No. 3 in D major, K. 40
Piano Concerto No. 4 in G major, K. 41
Piano Concerto No. 5 in D major, K. 175
Piano Concerto No. 6 in B flat major, K. 238
Piano Concerto No. 7 in F major for Three Pianos, K. 242
Piano Concerto No. 8 "Lutzow" in C major, K. 246
Piano Concerto No. 9 "Jeunehomme" in E flat major, K. 271
Piano Concerto No. 10 in E flat major for Two Pianos, K. 365
Piano Concerto No. 11 in F major, K. 413/387a
Piano Concerto No. 12 in A major, K. 414/385p
Piano Concerto No. 13 in C major, K. 415/387b
Piano Concerto No. 14 in E flat major, K. 449
Piano Concerto No. 15 in B flat major, K. 450
Piano Concerto No. 16 in D major, K. 451
Piano Concerto No. 17 in G major, K. 453
Piano Concerto No. 18 in B flat major, K. 456
Piano Concerto No. 19 in F major, K. 459
Piano Concerto No. 20 in D minor, K. 466
Piano Concerto No. 21 in C major, K. 467
Piano Concerto No. 22 in E flat major, K. 482
Piano Concerto No. 23 in A major, K. 488
Piano Concerto No. 24 in C minor, K. 491
Piano Concerto No. 25 in C major, K. 503
Piano Concerto No. 26 "Coronation" in D major, K. 537
Piano Concerto No. 27 in B flat major, K. 595

Violin concerto


Violin Concerto No. 1 in B flat major, K. 207 (1775)
Violin Concerto No. 2 in D major, K. 211 (1775)
Violin Concerto No. 3 in G major, K. 216 (1775)
Violin Concerto No. 4 in D major, K. 218 (1775)
Violin Concerto No. 5 in A major, K. 219 (1775)
Violin Concerto in E flat major, K. 268 (1780) (Doubtful)
Violin Concerto in D major, K. 271a Kolb (1777) (Doubtful) 
Horn Concerto
Horn Concerto No. 1 in D major, K. 412 (1791)
Horn Concerto No. 2 in E flat major, K. 417 (1783)
Horn Concerto No. 3 in E flat major, K. 447 (c. 1784-87)
Horn Concerto No. 4 in E flat major, K. 495 (1786) 
Những concerto cho nhạc cụ khác
Bassoon Concerto in B flat major, K. 191 (1774)
Concerto for Harp, Flute and Orchestra, K. 299 (1778)
Oboe Concerto in C major, K. 314 (tới thời chúng ta thành flute concerto số 2, nhưng hầu như chắc chắn là một oboe concerto)
Concerto for Clarinet and Orchestra in A major, K. 622 (1791)
Flute Concerto No. 1 in G Major, K. 313 (1778)
Flute Concerto No. 2 in D Major, K. 314 (1778) - vốn được chuyển soạn từ Oboe concerto in C major, K. 314
Andante for Flute and Orchestra in C Major, K. 315 (1778)
Concerto for Trumpet, K47a (lost)
Các concertant symphony
Sinfonia Concertante for Violin, Viola and Orchestra K. 364 in E flat major (1779)
Sinfonia Concertante for Oboe, Clarinet, Horn and Bassoon K. 297b in E flat major Anh.9 and later Anh. C 14.01 (1791) 
Âm nhạc cho piano độc tấu
Nannerl's Music Book 
Andante in C, K. 1a 
Allegro in C, K. 1b
Allegro in F, K. 1c
Minuet in F, K. 1d
Minuet in G, K. 1e
Minuet in C, K. 1f
Minuet in F, K. 2
Allegro in B-flat, K. 3
Minuet in F, K. 4
Minuet in F, K. 5
Allegro in C, K. 5a
Andante in B-flat, K. 5b


- Piano Sonata No. 1 in C major, K. 279 (Munich, Summer 1774)
- Piano Sonata No. 2 in F major, K. 280 (Munich, Summer 1774)
- Piano Sonata No. 3 in B-flat major, K. 281 (Munich, Summer 1774)
- Piano Sonata No. 4 in E-flat major, K. 282 (Munich, Summer 1774)
- Piano Sonata No. 5 in G major, K. 283 (Munich, Summer 1774)
- Piano Sonata No. 6 in D major, K. 284 (Munich, Feb-Mar 1775)
- Piano Sonata No. 7 in C major, K. 309 (Mannheim, Nov. 8 1777)
- Piano Sonata No. 8 in A minor, K. 310 (Paris, Summer 1778, some catalogues have the a minor and D Major reversed)
- Piano Sonata No. 9 in D major, K. 311 (Mannheim, Nov 1777. some catalogues have the a minor and D Major reversed)
- Piano Sonata No. 10 in C major, K. 330 (Summer 1778)
- Piano Sonata No. 11 "Turkish March" in A major, K. 331 (Summer 1778)
-Piano Sonata No. 12 in F major, K. 332 (Summer 1778)
- Piano Sonata No. 13 in B-flat major, K. 333 (Summer 1778)
- Piano Sonata No. 14 in C minor, K. 457 (Vienna, Oct. 14, 1784,)
- Piano Sonata No. 15 in F Major, K. 533 (Vienna, Jan. 3, 1788)
- Piano Sonata No. 16 in C Major, K. 545 (so-called facile or semplice sonata; Vienna, Jun. 26, 1788)
- Piano Sonata No. 17 in F Major, K. 547a (Vienna, Summer 1788)
- Piano Sonata No. 18 in B-flat Major, K. 570 (Vienna, February, 1789)
- Piano Sonata No. 19 in D Major K. 576 (Vienna, July 1789)
- Fantasy No. 1 with Fugue in C major, K. 394 (Vienna, 1782)
- Fantasy No. 2 in C minor, K. 396 (Vienna, 1782)
- Fantasy No. 3 in D minor, K. 397 (Vienna, 1782)
- Fantasy No. 4 in C minor, K. 475 (Vienna, May 20, 1785)
- Sonata for Keyboard Four-hands in C major, K. 19d (London, May 1765)
- Sonata for Keyboard Four-hands in D major, K. 381 / 123a
- Sonata for Keyboard Four-hands in B flat major, K. 358 / 186c
- Sonata for Keyboard Four-hands in F major, K. 497
- Sonata for Keyboard Four-hands in C major, K. 521
- Sonata for Keyboard Four-hands in G major, K. 357 (incompleted)
 
Nhạc thính phòng
Tác phẩm cho violin
Những violin sonata thời thơ ấu (1763 – 66)
Violin Sonata No. 1 in C major, K. 6
Violin Sonata No. 2 in D major, K. 7
Violin Sonata No. 3 in B flat major, K. 8
Violin Sonata No. 4 in G major, K. 9
Violin Sonata No. 5 in B flat major, K. 10
Violin Sonata No. 6 in G major, K. 11
Violin Sonata No. 7 in A major, K. 12
Violin Sonata No. 8 in F major, K. 13
Violin Sonata No. 9 in C major, K. 14
Violin Sonata No. 10 in B flat major, K. 15
Violin Sonata No. 11 in E flat major, K. 26
Violin Sonata No. 12 in G major, K. 27
Violin Sonata No. 13 in C major, K. 28
Violin Sonata No. 14 in D major, K. 29
Violin Sonata No. 15 in F major, K. 30
Violin Sonata No. 16 in B flat major, K. 31 


Những violin sonata giai đoạn thành thục (1778 - 88)

Violin Sonata No. 17 in C major, K. 296
Violin Sonata No. 18 in G major, K. 301
Violin Sonata No. 19 in E flat major, K. 302
Violin Sonata No. 20 in C major, K. 303
Violin Sonata No. 21 in E minor, K. 304
Violin Sonata No. 22 in A major, K. 305
Violin Sonata No. 23 in D major, K. 306
Violin Sonata No. 24 in F major, K. 376
Violin Sonata No. 25 in F major, K. 377
Violin Sonata No. 26 in B flat major, K. 378
Violin Sonata No. 27 in G major, K. 379
Violin Sonata No. 28 in E flat major, K. 380
Violin Sonata No. 29 in A major, K. 402 (completed by M. Stadler)
Violin Sonata No. 32 in B flat major, K. 454
Violin Sonata No. 33 in E flat major, K. 481
Violin Sonata No. 35 in A major, K. 526
Violin Sonata No. 36 in F major, K. 547 


Variation cho Violin và Piano

- Variations in G major, K. 359, "La bergere Celimene"
- 6 Variations in G minor on Helas, j'ai perdu mon amant, K. 360 


Song tấu và tam tấu đàn dây

Duo for Violin & Viola in G major, K. 423
Duo for Violin & Viola in B flat major, K. 424
Trio for Violin, Viola & Cello in E flat major, K. 563 (1788)
Trio for 2 Violins & Cello in B flat major, K. 266
Preludes and Fugues for Violin, Viola & Cello, K. 404a

Tứ tấu đàn dây
Quartetti Milanesi, K. 80 and K. 155-160 (1770-1773)
String Quartet No. 1 in G major, K. 80/73f (1770)
String Quartet No. 2 in D major, K. 155/134a (1772)
String Quartet No. 3 in G major, K. 156/134b (1772)
String Quartet No. 4 in C major, K. 157 (1772-3)
String Quartet No. 5 in F major, K. 158 (1772-3)
String Quartet No. 6 in B-flat major, K. 159 (1773)
String Quartet No. 7 in E-flat major, K. 160/159a (1773) 

Vienna Quartets, K. 168-173 (1773) + 
String Quartet No. 8 in F major, K. 168 (1773)
String Quartet No. 9 in A major, K. 169 (1773)
String Quartet No. 10 in C major, K. 170 (1773)
String Quartet No. 11 in E-flat major, K. 171 (1773)
String Quartet No. 12 in B-flat major, K. 172 (1773)
String Quartet No. 13 in D minor, K. 173 (1773) 

Haydn Quartets K. 387, 421, 428, 458, 464, 465, Opus 10 (1782–1785) 
String Quartet No. 14 in G major, ("Spring") K. 387 (1782)
String Quartet No. 15 in D minor, K. 421/417b (1783)
String Quartet No. 16 in E-flat major, K. 428/421b (1783)
String Quartet No. 17 in B-flat major ("Hunt"), K. 458 (1784)
String Quartet No. 18 in A major, K. 464 (1785)
String Quartet No. 19 in C major ("Dissonance"), K. 465 (1785)

String Quartet No. 20 in D major ("Hoffmeister"), K. 499 (1786) 
Prussian Quartets K. 575, 589, 590 (1789-1790) 
String Quartet No. 21 in D major, K. 575 (1789)
String Quartet No. 22 in B-flat major, K. 589 (1790)
String Quartet No. 23 in F major, K. 590 (1790) 

Ngũ tấu đàn dây
String Quintet in B flat major, K. 174
String Quintet in C major, K. 515
String Quintet in G minor, K. 516
String Quintet in C minor, K. 406 (516b)
String Quintet in D major, K. 593
String Quintet in E flat major, K. 614 
Các tác phẩm thính phòng khác
Flute Quartets (flute, violin, viola, cello) K. 285, 285a, 285b, 298 (1777–1787)
Quintet for piano and winds (oboe, clarinet, horn, bassoon) K. 452 (1784)
Trio for Clarinet, Viola and Piano in E flat major, K. 498 "Kegelstatt" (1786)
Clarinet Quintet in A major, K. 581 (1789)
 
Serenade , divertimenti và tác phẩm khí nhạc khác
Eine kleine Nachtmusik (Serenade No. 13 for String Quartet & Bass K. 525)
Serenade for Thirteen Wind Instruments (Serenade No. 10 for winds in B flat major K. 361)
Divertimenti (for example, for 2 fl., 5 tmpt., 4 timp. K. 188)
Divertimenti, K. 136-138 (1772)
Divertimenti for two horns and strings, A Musical Joke, (Ein Musikalischer Spaß,) K. 522 
Âm nhạc tôn giáo

Mass
Mass No. 1 ("Missa brevis") in G major, K. 49
Mass No. 2 ("Missa brevis") in D minor, K. 65
Mass No. 3 in C major (Dominicusmesse), K. 66
Mass No. 4 ("Missa solemnis") in C minor, K. 139
Mass No. 5 ("Missa brevis") in G major, K. 140
Mass No. 6 ("Missa brevis") in F major, K. 192
Mass No. 7 in C major (Missa in honorem Sanctissimae Trinitatis), K. 167
Mass No. 8 ("Missa brevis") in D major, K. 194
Mass No. 9 ("Missa brevis") in C major (Spatzenmesse), K. 220
Mass No. 10 ("Missa brevis") in C major ("Credo" Mass), K. 257
Mass No. 11 in C major (Spaurmesse or Piccolomissa), K. 258
Mass No. 12 ("Missa brevis") in C major ("Organ Solo"), K. 259
Mass No. 13 ("Missa longa") in C major, K. 262
Mass No. 14 ("Missa brevis") in B flat major, K. 275
Mass No. 15 in C major ("Coronation"), K. 317
Mass No. 16 ("Missa solemnis") in C major (Missa aulica), K. 337
Mass No. 17 in C minor ("Great"), K. 427
Requiem Mass in D minor, K. 626 (completed by Franz Xaver Süssmayr after Mozart's death) 


Các tác phẩm tôn giáo khác

Exsultate, jubilate, K. 165
Ave verum corpus, K. 618
Te Deum, K. 141
Regina Coeli 
Opera
Die Schuldigkeit des ersten Gebotes, K. 35 (1767)
Apollo et Hyacinthus, K. 38 (1767)
Bastien und Bastienne, K. 50=46b (1768)
La finta semplice, K. 51 (1768)
Mitridate, re di Ponto, K. 87 (1770)
Ascanio in Alba, K. 111 (1771)
Betulia Liberata, an oratorio, K. 118=74c (1771)
Il sogno di Scipione, K. 126 (1772)
Lucio Silla, K. 135 (1772)
Thamos, König in Ägypten (1773, 1775)
La finta giardiniera, K. 196 (1774-5)
Il re pastore, K. 208 (1775)
Zaide, K. 344 (1779)
Idomeneo, K. 366 (1781)
Die Entführung aus dem Serail, K. 384 (1782)
L'oca del Cairo, K. 422 (1783)
Lo sposo deluso, K. 430
Der Schauspieldirektor, K. 486 (1786)
Le nozze di Figaro, K. 492 (1786)
Don Giovanni, K. 527 (1787)
Così fan tutte, K. 588 (1789)
Die Zauberflöte, K. 620 (1791)
La clemenza di Tito, K. 621 (1791)
Last edited by Thái Thanh Nguyên; 16-09-2008 at 12:14 AM.
Mắt nào em ném trao anh
Dao cau bổ dọc toang mành trời đêm
Môi nào rót mật ...say mềm
Mà giờ rơi rớt ... bên thềm lắt lay
 
Vũ Anh Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến Thá...