Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

Tản mạn với thơ xuân Hồ Dzếnh

Tản mạn với thơ xuân Hồ Dzếnh

Ths.Ngô Thị Hy

- “…Trời không nắng cũng không mưa
Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung …” (Mùa thu năm ngoái)
- “… Có lần tôi thấy tôi yêu
Mắt nhung cô bé khăn điều cuối thôn.
Lâu rồi tôi đã…hơi khôn,
Biết cô hàng xóm có còn nhớ nhau…” (Quê hương)
Đọc câu thơ với âm điệu của thể thơ lục bát và phong vị ca dao trên, người đọc có cảm giác như đã bước vào vườn hoa nghệ thuật của Nguyễn Bính, thi sĩ “ chân quê” của phong trào thơ mới nhưng hóa ra không phải. Đó là một mảng đời sống và cảm xúc trong thế giới nghệ thuật của một nhà thơ mang một cái tên lạ lẫm trong làng thơ Việt: Hồ Dzếnh.
Nhắc đến Hồ Dzếnh, người đọc nghĩ ngay đến một nhà văn khá nổi tiếng trước cách mạng tháng tám với tập truyện Chân trời cũ mang phong cách riêng thấm đượm chất trữ tình lãng mạn. Người yêu thơ còn biết đến Hồ Dzếnh, một thi sĩ với tập thơ Quê ngoại (1943) chứa đựng những cảm xúc với cuộc đời, với tình yêu và đặc biệt là những tình cảm chân thành tha thiết đối với con người và cảnh vật quê hương Việt nam – nơi chôn nhau cắt rốn của ông. Những vần thơ của ông đã đem đến cho người đọc những cảm xúc bâng khuâng, những xúc động chân thành không phải chỉ vì nó được viết ra bằng tình cảm thành thực trong tâm khảm nhà thơ mà còn là vì một lẽ khác. Hồ Dzếnh có một gốc gác đặc biệt. Cái tên của ông đã nói lên điều ấy. Người cha thi sĩ là một người Trung quốc lưu lạc sang mảnh đất ViệtNamvà đã phối duyên cùng một cô gái lái đò sông Ghép – Thanh Hóa. Chưa một lần đặt chân đến quê cha Trung Quốc, cuộc sống của Hồ Dzếnh chỉ gắn bó với quê hương Việt Nam, nơi đã trở thành máu thịt của ông vì thế những dòng thơ về mảnh đất quê hương này đã chất chứa trong đó biết bao tình cảm yêu thương tha thiết chân thành.
Nhắc đến thơ Hồ Dzếnh, người ta không thể quên những bài thơ mang sắc thái độc đáo trong sự nghiệp thi ca của ông. Đó là bài thơ Chiều (Màu cây trong khói) nổi tiếng với âm hưởng lắng đọng chất chứa bao suy tư trong tâm hồn thi sĩ:
Trên đường về nhớ đầy,
Chiều chậm đưa chân ngày
Tiếng buồn vang trong mây…
…Tôi là người lữ khách
Màu chiều khó làm khuây
Ngỡ lòng mình là rừng,
Ngỡ hồn mình là mây,
Nhớ nhà châm điếu thuốc
Khói huyền bay lên cây…
hay bài thơ Ngập ngừng với cảm xúc tình yêu mang hơi hướm thời đại – tình yêu dang dở:
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Tôi sẽ trách – cố nhiên!- nhưng rất nhẹ.
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về,
Tình mất vui khi đã vẹn câu thề,
Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở…
So với Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh viết về mùa xuân tuy không nhiều nhưng cũng góp vào thơ xuân Việt Nam những vần thơ khá đặc sắc như các bài: Xuân ý, Rằm tháng giêng, Chiều xuân trung kỳ, Xuân ở quê em, Xuân đôi ta…Thơ xuân của Hồ Dzếnh tuy không phải là những bài thơ thật đặc sắc như những thi sĩ cùng thời nhưng cũng mang đến cho người đọc nguồn xúc cảm riêng, gợi nghĩ đến những hình ảnh quen thuộc của thôn mạc, xóm làng một thời. Cũng như Nguyễn Bính, thơ ông cứ âm thầm lặng lẽ chảy theo một dòng riêng với âm hưởng dân dã, bình dị như ca dao.
Thơ Hồ Dzếnh nhìn chung mang sắc thái thuần hậu. Gắn bó tha thiết với vùng đất Thanh Hóa miền trung đầy nắng gió, mùa xuân trong cảm nhận của nhà thơ cũng là những gì thân quen, gần gũi, tự nhiên, trong sáng như nó vốn có mang vẻ đẹp thuần phác của tạo vật thiên nhiên quê hương. Nhà thơ dường như hóa thân vào mỗi cảnh quê, tình quê để cảm nhận, để rung động trước những hình ảnh gắn bó thân thuộc: trời đẹp, chim ca, sắc biếc, ngõ hạnh, mây thanh, bến sông xanh, con đê be bé…Tất cả tạo nên một thế giới nghệ thuật thân quen dễ làm người đọc liên tưởng đến bức tranh thôn làng trong không khí ngày xuân với sự hài hòa của cảnh vật, từ trời xuân trong trẻo, sắc xuân xanh tươi, tình xuân kín đáo dịu dàng. Thiên nhiên được tái hiện, quan sát bằng một cái nhìn riêng thấm đượm tình cảm yêu thương, gắn bó của nhà thơ. Dường như có sự giao cảm âm thầm, tinh tế của tâm hồn nhà thơ đến cảnh sắc mùa xuân. Vạn vật trong cái nhìn đầy yêu mến của thi sĩ như được tắm gội trong không khí trong lành của quê hương nên hiện ra tươi mới, sáng trong, tinh khiết, tràn trề sức sống: bầu trời sáng trong như gương, cành lá tươi nguyên trong sắc biếc, mặt hồ lóng lánh nước trong xanh…Tất cả hợp thành bức tranh vừa gần gũi vừa thi vị được phác thảo với một gam màu dịu nhẹ, xanh trong, tươi sáng.
Trời đẹp như trời mới tráng gương,
Chim ca, ánh sáng rộn ven tường
Có ai bên cửa ngồi hong tóc
Cho chảy lan thành một suối hương…
Sắc biếc giao nhau, cành bắt cành,
Nước trong, hồ ngợp thủy tinh xanh.
Chim bay, cánh trĩu trong xuân ý
Em đợi chờ ai, khuất bức mành? (Xuân ý)
Con người xuất hiện trong bức tranh mùa xuân cũng là những hình ảnh con người thôn làng một thời với vẻ đẹp mộc mạc, với tình xuân kín đáo dịu dàng
Chiều xuân sang chuyến đò đông
Trai tơ khăn lục, gái hồng thắm môi. (Chiều xuân trung kỳ)
Tập thơ Quê ngoại được sáng tác ở giai đoạn 1930 -1945 nên ít nhiều cũng mang âm hưởng, sắc thái chung của thi ca thời đại với chút buồn mênh mang, với nỗi niềm băn khoăn mơ hồ của dòng thơ mới. Thơ viết về mùa xuân của ông cũng vậy:
-… Hiu hiu…chiều ngả tà tà…
Buồn lên xóm vắng, cây nhòa khói xanh…(Chiều xuân Trung kỳ)
– …Một khi xuân thắm là mong nhớ,
Và cả thiên thu: vĩnh viễn sầu!… (Xuân đôi ta)
Tuy nhiên do hoàn cảnh riêng chi phối và do sự nhạy cảm trong tâm hồn, thơ văn Hồ Dzếnh thường thể hiện một cái tôi tràn đầy tình cảm mỗi khi hoài niệm về quá khứ. Tập truyện Chân trời cũ chính là những hoài niệm về những người thân yêu gắn với những gì sâu đậm trong ký ức mà tác giả không bao giờ quên. Thơ xuân của ông cũng gắn với hoài niệm. Tâm hồn đa cảm của nhà thơ hầu như không thể quên những gì thuần phác, yên bình của quê hương một thời với những nét văn hóa riêng đã trở thành quen thuộc trong tâm hồn mỗi người dân Việt. Và trong dòng hoài niệm của nhà thơ hiện ra những hình ảnh đã để lại những kỷ niệm không phai:
Ngày xưa còn nhỏ…ngày xưa
Tôi đeo khánh bạc lên chùa dâng nhang,
Lòng vui quần áo xênh xang,
Tay cầm hương, nến, đinh vàng mới mua.
Chị tôi vào lễ trong chùa,
Hai chàng trai trẻ khấn đùa hai bên:
“ Lòng thành lễ vật đầu niên,
Cầu cho tiểu được ngoài giêng đắt chồng!”
Chị tôi phụng phịu má hồng,
Vùng vằng suýt nữa quên bồng cả tôi.
Tam quan ngoài mái chị ngồi,
Chị nghe đoán thẻ, chị cười luôn luôn.
Quẻ thần, thánh mách mà khôn:
Số này chồng đắt, đường con cũng nhiều!
Chị tôi nay đã xế chiều,
Chắc còn nhớ mãi những điều chị mơ.
Hàng năm tôi đi lễ chùa,
Chuông vàng, khánh bạc ngày xưa vẫn còn.
Chỉ hơi thấy vắng trong hồn
Ít nhiều hương phấn khi còn ngây thơ.
Chân đi đếm tiếng chuông chùa,
Tôi ngờ năm tháng thời xưa trở về.
(Rằm tháng giêng)
Lắng mình trong dòng hồi tưởng về những ngày thơ bé, tâm hồn nhà thơ đã mở ra một thế giới hoài niệm. Bắt đầu là một khoảng lặng thoáng chút bâng khuâng trong tâm hồn để rồi ký ức thi sĩ thả trôi theo dòng hoài niệm trở về quá khứ xa xăm với hình ảnh ngày rằm tháng giêng năm nào. Không phải ngẫu nhiên trong dòng hoài niệm của nhà thơ lại là câu chuyện đi lễ chùa ngày xưa với người chị. Ngày xuân đi lễ chùa đã trở thành nét văn hóa quen thuộc gắn với đời sống tâm linh người Việt mọi miền quê. Câu chuyện đi lễ chùa này lại gợi nhớ đến hình ảnh người chị ngày xưa. Điều này cũng không phải ngẫu nhiên. Hình ảnh những người phụ nữ: người mẹ, người chị, người em gái, cô gái Việt Nam… không chỉ xuất hiện trong thế giới của “Chân trời cũ” mà còn hiện diện trong thơ ông với nét đẹp riêng, hiền lành, mộc mạc, giản dị, chân chất:
– Chị tôi giặt lụa cầu ao,
Trời trong, nắng ửng, má đào ghẹo duyên.
Tôi say nước thắm mây huyền,
Nước mơ dáng cũ, mây truyền tiếng xưa
(Quê hương)
– Em ăn, em nói, em cười,
Kiếp này không có hai người như em.
Kinh thành: quần nhiễu, hàng len,
Em tôi: áo trắng, quần đen sơ sài
(Giản dị)
Người chị trong bài thơ cũng mang nét đẹp giản dị từ cái vẻ kín đáo với “ nét cười luôn luôn”, “ phụng phịu má hồng” đến nét rụt rè, e lệ của cô gái quê khi đi lễ chùa cầu duyên. Dường như tất cả hội tụ trong nét đẹp của hình ảnh “Cô gái ViệtNam”. Gắn bó với quê hương Việt nam, nhà thơ cũng mang những tình cảm sâu nặng đối với những con người Việt nam gửi vào trong thơ. Yêu mến người chị mộc mạc, chân quê, nhà thơ như cũng hiểu rõ tâm tình của chị. Con đường tình duyên của chị không biết có được như quẻ bói ngày xưa hay chỉ là những mơ ước khát khao không trở thành hiện thực? Người chị đi lễ chùa cầu duyên ngày nào có lẽ khi nhớ về những ngày ấy không tránh khỏi bâng khuâng khi nhớ về những mơ mộng ngày xưa. Dẫu sao đó cũng là những kỷ niệm khó quên ghi dấu ấn một thời mơ mộng của một cô gái quê đến tuổi lấy chồng:
Chị tôi nay đã xế chiều,
Chắc còn nhớ mãi những điều chị mơ
Những gì trong hoài niệm thường luôn luôn đẹp nếu người ta có tình cảm sâu sắc với nó. Như một qui luật tâm lý, tuổi đời con người càng chồng chất, người ta càng hay hoài niệm về quá khứ, nhất là ở những thời khắc thiêng liêng. Ngày xuân là thời điểm dễ khơi dậy những ký ức ấy. Hồ Dzếnh cũng không ngoại lệ, nhất là thi sĩ lại là con người có trái tim đa cảm, đôn hậu, hay sống với hoài niệm, với quá khứ để buồn vui với những gì đã qua. Một thoáng lắng đọng trong tâm hồn con người với chút bâng khuâng man mác buồn qua giọng điệu trấm lắng của bài thơ đã nói lên điều ấy. Và do vậy những gì trong quá khứ sẽ mãi là những hoài niệm luôn vương vấn trong lòng thi sĩ. Dù thời gian có trôi đi thì những hình ảnh đẹp về chốn quê, con người nhà quê, những nếp sinh hoạt quen thuộc của quê hương vẫn mãi in đậm trong ký ức nhà thơ:
Hàng năm tôi đi lễ chùa,
Chuông vàng, khánh bạc ngày xưa vẫn còn.
Chỉ hơi thấy vắng trong hồn
Ít nhiều hương phấn khi còn ngây thơ.
Chân đi đếm tiếng chuông chùa,
Tôi ngờ năm tháng thời xưa trở về…
Đọc bài thơ, người đọc không khỏi có những giây phút chạnh lòng bâng khuâng. Có những điều, những sự việc qua đi mãi không bao giờ trở lại, những hình ảnh thân yêu sẽ mãi nằm sâu trong tâm khảm mọi người nhưng cũng sẽ dễ dàng trở dậy gợi vấn vương da diết không nguôi nếu nó gắn với những kỷ niệm thiêng liêng không dễ xóa mờ. Bài thơ chỉ là những hoài niệm về quá khứ của nhà thơ nhưng âm điệu của nó dường như đã khơi dậy mối hoài cảm sâu sắc trong lòng người mỗi độ xuân về…
Mùa xuân đang về, tưởng nhớ những người thân yêu trong ký ức, có lẽ cũng như thi sĩ Hồ Dzếnh, người ta cũng chỉ còn biết sống lại những phút giây hoài niệm:
Ngày xưa còn nhỏ…ngày xưa…

1 nhận xét:

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến T...