Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

Nhà thơ thôn dã

Nhà thơ thôn dã 

Nhật Thịnh 

Thôn quê Việt Nam khi thanh bình trông giống như một bức tranh lụa thật diễm lệ. Xanh mướt một màu xanh của hoa màu bạt ngạt tới chân trời, mùa nào thức đó, hoa màu đổi thay, lúa, ngô, khoai, sắn…Nhấp nhô những mái nhà tranh nổi lên sau lũy tre xanh, những con sông lượn khúc, những chiếc thuyền câu chở người, chở hàng hóa về các vùng xa. Nhữnbg đêm hội vang lên những giọng quan họ giữa đôi bên nam nữ hát ghẹo nhau….
Trở lui lại sự nghiệp thơ của Anh Thơ không phải bởi bà đã ngót chín mươi mới có chuyện để nói, nhưng bởi một tin buồn về bà mới được phác giác. Nguyên trong thời còn thanh xuân, bà đem lòng yêu nhà thơ Nguyễn Bính tên thật Nguyễn Bính Thuyết, làm thơ lục bát xuất sắc, truyền cảm mãnh liệt và phổ biến sâu rộng trong quần chúng, khi đó ông còn là một thanh niên của đồng ruộng, nhưng lễ giáo nghiêm ngặt thời bấy giờ đã cấm đoán họ tiếp cận nhau, mà chỉ kín đáo tỏ tình với nhau qua những vần thơ say đắm hầu mong nên duyên cầm sắt đã hóa ra không bén. Đến khi có dịp gặp gỡ nhau bà cảm thấy thất vọng, bởi người bà chờ trông bấy lâu nay, bỗng trở nên như người xa lạ không còn thích hợp. Mối tình tan vỡ. Chiến tranh Việt Pháp bùng nổ bà để lòng yêu thương một người khác nhưng mộng không thành, nỗi đắng cay đó bà trút trong tập Cuối mùa hoa:
Còn có đôi mày nhưng vắng anh 
Với ai em kẻ nét chì thanh 
Gương buồn, buồn cả trong đôi mắt 
Nhạt cả môi đào, rối tóc xanh 
Nhưng đến hôm nay nước chảy hoài 
Mây phiêu lưu vội cũng như ai 
Nắng chiều tô nhạt, bờ thưa cỏ 
Tôi lặng ngồi nghe gió thở dài.
Về sau một hình bóng khác đã đến với bà nghĩ tưởng bà có thể mãi mãi sống bên bác sĩ Bùi Viên Dinh, nhưng nửa đường lẻ bóng, hạnh phúc không trọn. Trong thi phẩm Lệ Sươngbà viết riêng cho ông, tâm sự: Cứ ngỡ hạnh phúc là bất biến nên khi ông còn sống, tôi không tận hưởng hạnh phúc gia đình mà chỉ lo sự nghiệp thơ ca. Hồi mới cưới xong, thấy tôi đam mê viết lách quá, ông ấy hoàn toàn tạo điều kiện cho tôi sáng tác. Tôi để ông ấy ở nhà một mình với căn nhà lạnh lẽo và trống vắng. Ông ấy chẳng hề kêu ca một tiếng. Bây giờ sống một mình, tôi mới thấm thía tầm quan trọng của đời sống gia đình, mới cần có một người bên cạnh, mới biết tổ ấm gia đình quan trọng lắm.
Tuy nhiên phải kể đến một yếu tố khác, đó là con đường văn chương bà theo đuổi miệt mài trong suốt cuộc đời mình, coi đây như một lẽ sống: Phụ nữ làm văn chương thường tinh tế, nhạy cảm, dễ yêu, dễ thương. Nhưng cũng vì thế, họ dễ mất mác trong cuộc sống đời thường. Những lúc cứ muốn ôm cả vũ trụ vào người, lại là những lúc họ thấy thiếu, thấy cô đơn. Sự nuối tiếc, đớn đau trong cõi lòng héo úa đó bây giờ đây người ta thấy nó dàn trải trong những tập hồi ký của bà đã là chất liệu dành cho các nhà nghiên cứu văn học sử như:Từ bến sông Tương, Tiếng chim tu hú,Bên dòng chia cắt, Tới bến Đồng Nai và được biết bà đang thai nghén tập thứ năm nói tới chốn bà đang trú ngụ. Mỗi tập ghi dấu một khoảng đời riêng của mình, tăm tình mở rộng, thoáng đãng. Nỗi buồn sâu lắng chập chờn đó bà như không biết trang trải nơi đâu ngoài những dòng chữ chết, nhưng liệu chúng có được phổ biến rộng lớn cho loãng tan những chất ngất buồn đau không, hay chỉ để nằm im lìm chịu cho thân xác hao mòn.
Bà còn có nhiều bút hiệu Tuyết Anh khi viết trên báo Phương Đông của nhà văn Lan Khai năm 1936, Hồng Anh, có tên thật là Vương Kiều Ân sinh ngày 25.1.1919 (có tài liệu ghi 1921) tại Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, nay là Hải Hưng, trong một gia đình Nho học. Thân sinh họ Vương thi đỗ Tú Tài khoa thi Hán học cuối cùng, làm trợ đồ và thân mẫu họ Kiều, bởi thế bà có tên Vương Kiều Ân. Cha bà là một công chức nên thuở thiếu thời từ năm lên 5 tới năm 12, bà đã phải thay đổi trường ba lần qua các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Bắc Giang, bởi thế năm 12 tuổi bà mới theo đuổi hết lớp ba. Bà thích văn chương, bước chân vào làng thơ năm 1936 nhằm thời kỳ thơ mới ở chóp đỉnh cao. Thoạt đầu bà lấy bút hiệu Tuyết Anh khi viết cho tờ Phương Đông của nhà văn Lan Khai, tiếp đến Hồng Anh, cuối cùng là Anh Thơ. Trong khoảng thời gian những năm 1938 – 1943 bà cộng tác với nhiều báo xuất bản tại Hà Nội khi bấy giờ như Tiểu Thuyết Thứ Năm,Ngày Nay, Hà Nội Báo, Phụ Nữ, Bạn Đường... Hai thi phẩm Bức tranh quê do nhà Đời Nay, Hà Nội in năm 1941 và Xưaviết cùng Bàng Bá Lân do nhà Sông Thương, Bắc Giang, in cùng năm đã gây được nhiều chú ý. Nguyên năm 1939 trong giải văn chương do Tự Lực Văn Đoàn của Nhất Linh tổ chức gồm nhiều bộ môn kịch, thơ, truyện ngắn, truyện dài, hồi ký, phóng sự...thi tập Bức tranh quêcủa bà đoạt giải cùng tập thơ “Nghẹn ngào”của Tế Hanh. Nói về khuynh hướng thơ của bà người ta thấy như bà không chọn tình yêu làm động lực chính như một số người đương thời, ca tụng thứ yêu đương bỏng cháy, than van, mơ mộng, khóc mối tình tan vỡ, đơn côi, tình yêu phóng đãng... dù cho ai chẳng một lần trải qua nó trong đời người, ngang ngửa nhiều ngã rẽ, trái lại bà mượn thiên nhiên làm bối cảnh, lấy sinh họạt, phong tục nông thôn làm đề tài khai thác khơi gợi người ta nghĩ tới nguồn cội, tình tự quê hương, hiểu rõ đời sống cổ xưa của dân tộc. Dưới ngòi bút của bà một đêm quê hiện ra mênh mông huyền ảo, sương mù bao phủ cánh đồng, êm ả không một tiếng động, trăng dát một màu vàng nhạt:
    Đồng lặng lẽ sương mù buông bát ngát 
    Ao âm thầm mây tới ngập mênh mang 
    Gió im vắng, từ từng không man mác 
    Mưa bay trăng nhè nhẹ dệt tơ vàng. 
Đêm trăng đẹp, đêm trăng huyền ảo không đơn sơ như vậy, nó còn thi vị biết nhường nào mỗi khi có một cơn gió nhẹ lướt qua, những thân tre xanh thẳng bỗng chao mình uốn cong tựa chiếc cần đàn bầu:
    Và nhè nhẹ trong tơ trăng phất phới 
    Khóm tre xanh lướt gió uốn cung đàn.
Đơn cử vậy thôi, chứ trong Bức tranh quê Xưa hình ảnh và nếp sống nông thôn hiện ra bàng bạc khắp nơi. Từ phiên chợ chiều ba mươi nhộn nhịp người đi sắm Tết, đàn trẻ thơ ngây chạy nhảy mừng ngày đầu năm, gia đình đi chúc thọ, một nét đặc thù của phong tục Á Châu, đến những chiều mùa gặt, khi xong công việc đồng áng họ vác liềm hái về làng ca câu hát thanh bình nhắc nhở tới bản Ngày mùacủa Phạm Đình Chương, nào hình ảnh trưa hè oi ả, những chiếc quạt nan phe phẩy cố xua đi cái nóng nung người dưới mái rạ, sang sáng mùa thu, gió heo may thổi mát mẻ, những thôn nữ hát đúm bỡn cợt mấy trai làng, những trận mưa mùa, nước dâng sấm chớp, bão lụt tàn phá làng quê, họ nước mắt vắn dài chảy trên đôi má hốc hác, khóc vì mùa màng tan nát, nhà cửa bị cuốn trôi...Đi sâu vào thế giới thơ của bà người ta thấy dân quê nhộn nhịp chờ đón ngày Tết như sau một đêm thức giấc trở dậy thấy hết mỏi mệt:
Lũ con gái rộn ràng cười, nói nói 
Khoe hàm răng đen nhánh, mắt đa tình.
Mấy cụ già vui cảnh làng xóm vào hội, cây đào vườn nhà nụ hồng chúm chím, cây nêu đã dựng cao leng keng tiếng khánh kêu trong gió:
Và rất nhiều ông già ngồi lau quét 
Trước bàn thờ thành kính thắp tuần nhang 
Trong khi ấy tiếng lợn kêu en éc 
Khắp xóm làng lẫn tiếng chửi nhau vang.
Xôn xao thật, chẳng qua bởi họ giành nhau khi cùng đụng con lợn chia phần, mỗi người muốn chia theo sở thích của họ, bắt thăm không trúng đâm bực dọc, hay bà nọ ra ao rửa lá dong về gói bánh gặp bà kia đi rửa bát đĩa cất trong trạn lâu ngày đóng bụi bậm, bà lo ao nước bị váng mỡ càu nhàu. Một hai con nợ bị chủ tới đòi không muốn để đọng qua năm lớn tiếng, đời sống họ quá cực khổ, làm lụng quần quật suốt năm tháng vẫn phải thắt lưng buộc bụng. Do đó người ta hiểu rõ hơn về những phong tục tập quán chốn đình trung và là đáp số của bài toán đố đối với các nhà xã hội học. Tương tự Eugène Roy đã phác họa cho người ta thấy người dân quê miền Nantes nước Pháp, những nét đậm đà của Chateaubriand khi viết La Brière hay Joseph de Pesquidoux trong Chez Nous Sur La Glèbe. Đêm trừ tịch ở nông thôn mới thật ấm áp, bên ngoài trời tối đen như mực, gió bấc thổi qua tàu lá chuối khô từng cơn nghe sào sạc. Người ta bảo tháng củ mật trộm thường rình mò đột nhập nhà để vơ vét đồ. Ngoài sân cung tên vẽ bằng vôi bột, mỗi khi gió thổi mạnh như muốn quét sạch đi. Họ đốt lửa luộc bánh chưng ngoài sân, vợ chồng con cái ngồi vây quanh nồi bánh bập bùng lửa vừa sưởi ấm vừa canh trộm, một việc đôi ba chuyện. Trẻ thức giấc chờ bánh, trông cho sớm qua năm để được vận chiếc váy sồi đen mẹ mới may cho và các cụ già bà lão được tăng thêm tuổi thọ:
Quanh bếp ấm nồi bánh chưng sùng sục 
Thằng cu con dụi mắt cố chờ ăn 
Đĩ nhớn mơ chiếc váy sồi đen rức 
Bà lão nằm tính tuổi sắp thêm năm.

Ngày Tết thôn làng có nhiều nét truyền thống đặc thù ngày nay còn lưu truyền. Nên nếu ai không từ nông thôn lớn dậy, thì khó thể tưởng tượng thấy sự tinh tế của cảnh tượng dù cho có được diễn tả khéo léo tới đâu đi nữa:
Bỗng tiếng pháo đẹt đùng xa nổ báo 
Ngoài đình trung làng đã tế giao thừa 
Cả nhà vội giật mình không ai bảo 
Cùng đứng lên thăm bánh chín hay chưa.
Tới cái nắng trưa hè, cái nóng đốt cháy thịt da trong tháng hanh vàng tưởng chừng như giam mình trong một lò lửa, chiếc phản gụ dày hàng gang tay, ngày đông lạnh tanh thế mà ngày hè sờ vào muốn bỏng tay. Người ta phấp phỏng lo mùa đại hán ruộng vàng khô cháy nắng, thiếu lương thực, thậm chí chó hóa điên rong chạy, trâu nằm chờ mưa rơi:
Nắng, nắng, suốt trời vàng giải nắng 
Gió theo mây không biết trốn phương nào
Vườn chuối rũ héo dần trong im lặng 
Những rau bèo chết cạn ở trong ao.
Nhận xét xoáy sâu vào cảnh tượng không phải dễ dàng nếu thiếu một tâm hồn nhạy bén, bởi vậy không mấy ai ngạc nhiên khi thấy Bàng Bá Lân sinh năm 1912 tại Bắc Giang, đổi họ Nguyễn sang họ Bàng từ ba đời, tác giả "Tiếng thông reo", "Tiếng sáo diều", “Xưa”, Tiếng võng đưa", "Vào thu..." Ông nhận xét thơ của bà bằng cảm nghĩ chân thực của một nhà thơ, một nhiếp ảnh gia: "Phải là một nghệ sĩ thực tài mới khám phá được giữa cái hỗn độn tầm thường của sự vật, những dáng hình khêu gợi và truyền cảm. Khám phá được, lại phải lẹ mắt nhanh tay mới có thể ghi kịp, nếu là hoạt cảnh. Và lại phải có kỹ thuật và nghệ thuật vững chắc già dặn mới có thể trong chớp mắt, vừa bố cục vừa điều khiển ánh sáng để làm ảnh linh động có tinh thần. Ấy là chỉ mới nói có việc thâu hình, phải làm bao nhiêu nghệ thuật sâu sắc, một khiếu thẩm mỹ tế nhị mới tạo nên một tác phẩm mỹ thuật khả dĩ làm đẹp mắt và rung cảm được người xem. Trái lại, người chụp ảnh chỉ sản xuất được những tấm hình chết, vụn vặt, không hồn. Cảnh vật dưới nhãn quan của bà không khác một nhà nhiếp ảnh đứng trước một cảnh vật: sắc nét, thanh âm, màu sắc được ngôn từ trau chuốt điểm tô:
Đê đã vỡ một đêm mưa tầm tã 
Nước băng sổ ồ ạt chạy trôi đồng 
Làng xóm lụt chìm đi trong mái rạ 
Bao cây vườn mất tích giữa mênh mông.
Một nhà văn có tiếng của người Pháp, Guy de Maupassant, nhận định: Viết văn làm thơ xét ra không khó lắm, mà cái khó là phải làm sao diẽn tả được mọi sự thật những gì mình muốn nói, không gượng ép giả tạo, không phải nói lên bằng văn là đủ, trái lại phải nói lên bằng hình ảnh. Những người viết văn, làm thơ hay là những người khéo chọn những những hình ảnh sống thực, độc đáo, đem được chúng vào văn thơ. Chỉ có thế và nếu thực hiện được thế chắc chắn người đó sẽ thành công trên đường nghệ thuật. Đọc thơ bà người thành thị đặc biệt thế hệ sau thấy rõ được nếp sinh hoạt cùng phong tục của người dân quê chân lấm tay bùn, cảm thấy thích thú khi kiến thức được gia tăng, rõ thấy sự khác biệt nơi mình sinh sống - chỉ rặt thấy văn minh vật chất của lối ăn chơi theo thời, những tiện nghi hiện đại. Thơ của bà mang tính tả chân rõ rệt, phác họa cho người ta thấy một sự khác biệt xã hội nhưng bởi quá nặng về mặt ảnh hình nên trong những bức thanh quê của bà đôi khi như thiếu hồn người, nội tâm trong thơ chưa được đào sâu, có tính trừu tượng, cho nên tuy mang cùng một thể loại mà thơ của Bàng Bá Lân phần nào thấy thấm đượm hơn.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến Thá...