Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Dung Thị Vân - Những lấp lánh giữa“Tình như sương khói”

Dung Thị Vân - Những lấp lánh giữa“Tình như sương khói” 

Đã qua lộ trình với 4 tập thơ lần lượt trình làng, “Tình như sương khói” là tập thơ thứ năm của Dung Thị Vân, khẳng định thành công ở dòng chảy dài, ở bến bờ mới của sự đắp dầy, sự mở rộng, khơi sâu trong công cuộc lao động, khai sáng “ thơ và người thơ “ của một cây bút nữ.
    Phải nói, “Tình như sương khói” là khoảnh khắc của hồn thơ giàu cảm rung, đa sầu thương, hệ lụy. Một tâm trạng dễ bâng khuâng, khắc khoải. Một con tim dễ “vô sự quả ưu” trong ngắm nghía, trong cái linh, cái cảm thường ngày …
    Thật không thể hồ nghi chi nữa? Dung Thị Vân! Thi sĩ này từng thốt lên cái tiếng kêu ám ảnh thế này :
Cõi yêu khắc khoải không lời
Cõi người lận đận khóc cười trăm năm
(Cõi tình)
   Hay : 
Người xưa tặng vết thương lòng
Bão xin dừng thốc buốt dòng thi ca
(Lặng thầm)
    Như vậy, “Tình như sương khói” vẫn là cái nền của hồn thơ dễ yêu say, dễ ngân rung, trong bước chuyển tiếp, trong bậc thang vươn tới một sức vóc cao dài và sâu hơn của nguồn chảy mà Dung Thị Vân đã đào tìm và mở ra một vỉa sáng lấp lánh, bộc lộ năng lực rõ nhất “cái Có” của thơ mình.
    Không hướng vào sức đào tìm cái ngổn ngang, bộn bề của bao nhiêu cảnh sự nơi bao la vũ trụ. Chỉ hai vế. Hai đối tượng trong đối thoại, độc thoại. Hai khoảng sáng va đập và phát lộ, là : “Anh và em.” “Ta và mình.” “Đấy và đây”… Với hàng loạt mối liên hệ ràng rịt trong liên quan, liên tưởng, nghĩ suy. Rồi, cảnh sinh tình. Tình sinh sự. Sự sinh ra những cảnh huống, tâm trạng…với những phát kiến, lý giải mang vệt loang theo nhiều tầng lắng thấm.
    Bám chặt cái khuôn “anh và em” ở cặp phạm trù ngỡ như bất biến này, Dung Thị Vân lấy khoảng giữa vô giới hạn của hai chiều diện kiến và giao hòa “làm trụ.” Làm sức bật của tâm thi. Của ảnh hình, thi liệu. Của thần cú, thần tự trước không ít “cái biến” ở thơ sau nhiều “kênh” khai mở.
    Không mở rộng không gian thơ, với 54 bài trong “Tình như sương khói,” Dung Thị Vân làm cuộc bơi, cuộc vật mình của thi nhân giữa “đôi bờ hai ta” trong nhiều chiều thắt buộc. “Trong miên man kỷ niệm. Trong tình cờ hội ngộ. Trong biệt ly. Trong khát khao, mơ ước. Trong hẹn hò dang dở. Trong sầu đong, bi kịch” v.v…
    Đấy là những lát cắt được tách nẩy, kết cấu và cất lên từ thi hứng người viết. Từ : “Ly rượu đợi chờ, Đôi mắt buồn, Mái tóc, Viết cho anh, Nửa vời, Phai tàn, Bài thơ đêm cuối, Lạc bờ” …đến : “Em như sương khói, Vết sẹo nào đã đẫm, Mảnh vỡ chiều ba mươi Tết, Giữa hai bờ không nhau…” … Đó, tất cả những gì được tỏa rạng và hội tụ, trong vận động thơ. Trong cái lõi của cảm xúc thăng hoa từ những tầng giao cảm.
    Và. Đây là, “anh và em” trong mối liên tưởng được đem lại, ngỡ có từ một nửa của khách thể nào đó :
                        Em đi rồi
                       Thung lũng vàng chưa kịp đến
                       Cỏ hoang vu
                       Ngơ ngác một loài hoa…
Rồi : 
                       Đêm lãng du
                        Ta ngồi nghe trăng khóc
                        Xẻ nỗi lòng
                        Quay quắt bóng người xa…
    Phát triển theo mạch “cảnh-sự…” này, Dung Thị Vân tựa vào nghệ thuật đồng hiện, khi thì lấy cái trội của cảnh : “Em đi rồi/ Phượng tím mãi tương tư …/ Đêm nay/ Ta muốn cùng anh/ Vô tận ánh trăng thề…/ Anh không hái cho em chùm hoa màu nắng hạ/ Nên hoàng hôn hiu quạnh nửa cuộc tình…”
    Khi thì khơi sâu tâm khảm trong nỗi ưu tư, đắng đót : “Em như khói sương/ Theo anh tàn năm tháng/ … Phai tàn/ Xé lịch từng trang cũ/ … Ta hẹn nhau vá lại chiều đã ngả/ Để bây giờ bão tố ngập vòng tay…
Khi thì lấy đối tượng mô tả để tìm ra thi tứ :
                        Ngày của trời
                       Đêm của đất
                        Em của anh
                        Đến hơi thở không cùng…
   Rồi :
                        Vô tình em đến trong sương gió
                        Đường chiều hụt hẫng mãi giăng tơ
    Và, cuối cùng, không gì khác, đấy là cái gốc của thơ, cái gốc của tâm khảm người viết :
                        Trong héo hắt em
                        Có anh về hong lại  …
                       Anh ở bên trời
                        Có nhặt chút xót xa
   Hoặc :
                        Nỗi buồn em
                        Ám ảnh bức tranh người
   Và :
                        Bây giờ! Còn xót đêm thâu
                        Trong đêm không ngủ, ngồi khâu chuyện mình…
    Có phải, “Tình như sương khói” là sự quan tâm, là cảm nhận, là ý thức của người cầm bút đi giữa cõi đời, khi trước mắt ta, tất cả chỉ là “ảo ảnh” của dòng chảy “vô thường” giữa “Tâm cảnh bản lai vô/ Xứ xứ ba la mật…” (Cảnh và hồn ta trước vô biên ngoại giới). Và, như thế, Ta ? “Hạt cát” của “tấm tình hai ta” trước mịt mờ vũ trụ, “Nó, ” sẽ là gì, trước cõi lớn : nhân sinh ? Ta sẽ là gì? Cuộc đời sẽ là thế nào? Giữa bao nhiêu câu hỏi đang gọi ta phía trước ? …
    Bằng cảm xúc luôn làm nên sức cháy. Bằng lối tự sự có duyên của một “cây lục bát,” từng ngọt ngào, nồng hậu và đằm sâu…Ở “Tình như sương khói,” Dung Thị Vân đã làm nên điểm sáng của “tự thức.” Đã lần nữa, khẳng định thành công mới của thơ mình trên chặng đường thơ mới, trước “bến bờ,” trước chân trời, nhà thơ hằng khát khao, neo đậu.
Vĩnh Bảo, Quê Trạng Trình, mùa nắng – 2014 
KIM CHUÔNG


1 nhận xét:

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến Thá...