Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Nhạc sĩ DZOÃN MẪN

Nhạc sĩ DZOÃN MẪN 

Nhạc sĩ Dzoãn Mẫn không chỉ là tác giả của ca khúc "Biệt Ly" khá nổi tiếng, mà là một trong những nhạc sĩ khởi xướng phong trào tân nhạc những năm 30. Cũng như nhiều nhạc sĩ thời tiền chiến, ông có một mối tình đầu thật đẹp và rất lãng mạn.

NGUYÊN VŨ 
Đó là một ngày mùa thu, hoa sữa Hà Nội, bắt đầu lên men. Trên đường đi học về, chàng gặp nàng, trong đám những nữ sinh Trường Đồng Khánh áo trắng, tóc dài. Nàng giản dị nhất trong số họ, đôi mắt buồn, nước da trắng mịn. Nàng chỉ liếc nhìn chàng có một lần nhưng đó là cái nhìn "định mệnh" đối với một lãng tử si tình.
Lúc ấy Dzoãn Mẫn đang học trường Sư phạm dưới thời Pháp. Học gần hết 4 năm thì có lệnh giải tán trường Sư phạm, ai muốn đi dạy học thì phải học tiếp một năm nữa ở trường Bưởi. Chuyển trường, ngày nào chàng cũng phải vòng xe qua cổng trường nàng để nhìn nhau một lần. "Tình trong như đã" nhưng còn ngăn cách về lễ giáo nên hai người chỉ thầm yêu, trộm nhớ nhau mà thôi. Có lần, chàng mạnh dạn đến hỏi nàng một câu nhưng nàng bẽn lẽn cùng đám nữ sinh ùa vào lớp. Trời bỗng đổ mưa khiến chàng chịu ướt. Trong ô cửa lớp học có ánh mắt bồi hồi dõi theo người lầm lũi trong mưa.
Họ yêu nhau trong niềm giao cảm lặng lẽ. Ra trường, Dzoãn Mẫn không đi dạy học mà làm công chức ở Sở Tài chính. Chàng vẫn sáng tác nhạc và dạy guitare. Cho đến một ngày, gia đình chàng "đặt vấn đề" với gia đình nàng, khi đó nàng 22 tuổi và không còn là nữ sinh trường Đồng Khánh nữa.
Chàng hơn nàng một tuổi. Hai gia đình đều là công chức nên cũng khá "môn đăng hộ đối". Hai người được xem là một cặp uyên ương rât đẹp đôi. Ngày nào cũng vậy, chàng chở nàng đi làm rồi lại đón nàng về (ra trường, cô nữ sinh Đồng Khánh trở thàng giáo viên). Cách Mạng Tháng Tám bùng nổ, chàng đi theo Cách Mạng, nàng ở nhà chăm sóc gia đình. Mãi đến năm 1946 họ mới sinh con trai đầu lòng và cũng là duy nhất, nhưng niềm hân hoan chưa trọn vẹn thì phải chịu cảnh ly tán, chàng lên khu ATK ở Tuyên Quang theo Bộ Y tế, nàng cùng đứa con nhỏ tản cư ở Phú Thọ. Xa cách, lòng họ như lửa đốt. Nhiều lần, nàng phải đi bộ 5 ngày tìm đến thăm chàng. Tám năm trời xa cách, đến khi tiếp quản thủ đô họ mới được đoàn tụ.
Cuộc sống trở lại nhịp điệu quen thuộc, nàng lo công việc của một người vợ, một người mẹ. Còn chàng yên tâm với nhiệm vụ của anh văn công Đoàn Văn công nhân dân (Nhà hát Ca múa nhạc bây giờ) cho đến khi chuyển về Trường âm nhạc làm một giáo viên xướng âm. Những năm tháng này, Dzoãn Mẫn ít sáng tác bởi công việc chiếm khá nhiều thời gian, hơn nữa những rung động của một thời lãng mạn trong cậu thư sinh trường Bưởi ngày nào không còn nữa, thay vào đó là những lo toan cho cuộc sống đời thường. Cho đến khi nghỉ hưu, nhạc sĩ Dzoãn Mẫn mới có thời gian dành cho sáng tác. Từ năm 1990 đến bây giờ, ông phổ thơ gần 50 ca khúc.
Về ca khúc "Biệt ly", nhiều người nghĩ rằng đây là ca khúc ông viết tặng bà nhưng thực ra đây là đề tài ông ấp ủ từ ngày mới tiếp xúc với âm nhạc. Nhà ông hồi ấy cạnh ga Hàng Cỏ, ngày nào ông cũng chứng kiến những cảnh chia tay trên sân ga. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Pháp bắt một số thanh niên trai tráng người Việt đi lính và ông không kìm được lòng khi chứng kiến những cảnh chia ly không hẹn ngày trở lại. "Biệt ly" còn là chuyện tình của người học trò của ông. Người học trò ấy vốn yêu say đắm một cô gái, ngày ngày mang đàn guitare đến nhà ông học để mong thỏa lòng giai nhân. Nhưng éo le thay, chuyện tình ấy bị gia đình ngăn cấm, người thư sinh ấy bỏ học đàn. Thời gian sau, Dzoãn Mẫn được tin anh ta đi kháng chiến và hy sinh mà chưa một lần biết đến ca khúc người thầy viết từ câu chuyện của mình.
Doãn Mẫn - biệt ly từ đây...
Tin nhạc sĩ Doãn Mẫn tạ thế ập đến tôi vào một sớm rây mưa Hà Nội thật buồn. Vậy là người nhạc sĩ cuối cùng của nhóm Tricéa thời đầu tân nhạc đã ra đi ở tuổi 88.
Ngày ấy, ở quanh Nhà thờ Lớn Hà Nội có rất nhiều thanh niên đem lòng say mê âm nhạc khi bị quyến rũ bởi những giai điệu thánh ca. Giữa nhiều thanh niên đó, Doãn Mẫn đã không nghĩ như thế. Ông đã cùng Văn Chung và Lê Yên lập ra nhóm Tricéa chủ trương sáng tác những giai điệu hướng về dân tộc.
Ngay từ ca khúc đầu tay Tiếng hát đêm thu (lời: Văn Chung), Doãn Mẫn đã trở thành một trong không nhiều tác giả tân nhạc thời kỳ đầu, vừa như một tuyên ngôn về thẩm mỹ âm nhạc riêng mình. Rồi liên tiếp những Gió thu, Một buổi chiều mơ, Bến yêu đương, Sao hoa chóng tàn, Từ đâu tiếng tơ, Hương cố nhân, Nhạc chiều, Gió khơi xa... và đặc biệt là Biệt ly được ông sáng tác vào năm 1939 đã làm xao động bao con tim của nhiều thế hệ mến mộ âm nhạc.
Năm ấy là năm Chiến tranh Thế giới lần thứ hai bùng nổ. Nhiều người dân Việt bị buộc phải đi lính thợ sang Pháp tham chiến. Bến cảng Hải Phòng là nơi diễn ra cảnh chia tay như thế.
Thực ra, cảm xúc lúc chia tay đã trở thành cảm hứng thường nhật của văn nghệ sĩ thời tiền chiến, nên để có một cái gì ấn tượng, một cái gì khác thường đâu dễ. Vậy mà Doãn Mẫn đã bất hủ với Biệt ly và sau ông là Thâm Tâm với Tống biệt hành. Nhưng nếu Tống biệt hành đầy chất cổ thi bi hùng, khảng khái Đưa người ta không đưa qua sông/Sao có tiếng sóng ở trong lòng... thì ở Biệt ly lại tràn trề một sự tươi mới, nồng nàn và lãng mạn: Biệt ly/Nhớ nhung từ đây/Chiếc lá rơi theo heo may/Người về có hay - Biệt ly/Sóng trên dòng sông/Ôi còi tàu như xé đôi lòng....
Người ra đi cùng mây trôi nước trôi ngày tháng trôi mà nhớ thương thì vẫn dư ảnh lại mãi cùng nhân gian. Và cứ thế, Biệt ly đã vượt qua năm tháng để trở thành một trong những tình khúc bất tử của mọi thời đại ở Việt Nam.
Chính vì có tấm lòng chân thành hướng về dân tộc, ngay từ 1944, Doãn Mẫn đã viết Nhắn người chiến sĩ mang âm hưởng không khí cách mạng thời chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Bài hát lạc quan này được hát những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Lúc này, ông đã có thêm hành khúc Dũng tiến được Đinh Ngọc Liên chuyển soạn cho dàn quân nhạc.
Rồi Những mầm sống, Sông Thao... khi ở Đoàn văn công Nhân dân cùng Lê Yên. Sau hoà bình, Doãn Mẫn lại có Gọi nghé trên đồng (lời Hồng Đăng) cũng rất ấn tượng. Khi đó, ông đã về công tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam - nay là Nhạc viện Hà Nội. Đến khi về Viện Âm nhạc, ông đã công bố hai công trình: Góp phần tìm hiểu sự hình thành nền âm nhạc cải cách Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 và Những bước phát triển trong công tác đào tạo cán bộ âm nhạc từ Cách mạng tháng Tám đến năm 1975.
Thời trai trẻ, chính nhờ cuốn Tự học xướng âm của ông cùng cuốn Ký âm phổ thông của Phạm Tuyên, chúng tôi đã thoát nạn "mù nhạc" và có đứa còn cao hứng sáng tác ca khúc bằng khả năng xướng âm tự học của mình. Khi tôi được gặp Doãn Mẫn ở phố Nhà Thờ thì ông đã vào tuổi "cổ lai hy".
Lúc đó, nhờ đổi mới, những ca khúc lãng mạn thời tiền chiến, trong đấy có Biệt ly đã được trình diễn trở lại sau nhiều thập kỷ vắng bóng. Doãn Mẫn thường nhỏ nhẻ, tươi vui trong một dáng vẻ lão thực. Nhiều câu chuyện thú vị về thời xa xưa đã được ông kể lại say sưa.
Năm ngoái, vào đầu hạ, cả Hà Nội đã thương buồn đưa tiễn tài tử Ngọc Bảo - người hát Biệt ly hay nhất - vào cõi vĩnh hằng. Năm nay, lại là cuộc đưa tiễn chính tác giả Biệt ly - người cuối cùng của nhóm Tricéa ra đi. Cầu mong ông yên giấc ngàn thu.
::: Dzoãn Mẫn ::: 

Biệt Ly 

Biệt ly nhớ nhung từ đây 
Chiếc lá rơi theo heo may 
Người về có hay 
Biệt ly sóng trên giòng sông 
Ôi còi tàu như xé đôi lòng 
Và mây trôi nước trôi 
Ngày tháng trôi cùng lướt trôi 
Mấy phút bên nhau rồi thôi 

Đến khi bóng em mờ khuất 

Người về u buồn khắp trời 
Người ra đi với ngàn nhớ thương 
Mấy phút bên em rồi thôi 
Dáng em sống trong hồn tôi 
Xa cách ta còn tìm đâu ngày vui 
Biệt ly ước bao đường tơ 
Réo rắt trong muôn hương mơ 
Thành sầu tiễn đưa 
Biệt ly ước mong hoàng hôn 
Êm đềm về ru ấm tâm hồn 
Người yêu đương cách xa 
Đành sống vui cùng gió sương.

http://www.thuyngaonline.com/


1 nhận xét:

  Gặp gỡ văn chương Việt – Hàn: Bước nền tảng cần có 16 Tháng Bảy, 2023 Sáng nay, 16/7/2023, tại Hội trường Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí...