Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Nhạc sĩ F. Chopin

 Nhạc sĩ F. Chopin
Frederic Chopin (Phê-đê-rích Sô-panh: 1810 - 1849)
Âm nhạc thế giới trong những năm 30, 40 của thế kỷ XIX phong phú bởi ba kỳ nhân vĩ đại, sinh ra từ Đông Âu. Với tác phẩm của Chopin, Glinca, Liszt đã mở ra trang sử mới của nghệ thuật âm nhạc.
Tính độc đáo có một không hai trong biểu diễn, sự khác biệt trong số phận nghệ thuật của ba nhà soạn nhạc này liên quan chặt chẽ với nhau trong sứ mệnh chung của lịch sử. Bởi, họ đều là người sáng lập những trường phái dân tộc - khía cạnh quan trọng nhất của nền văn hoá âm nhạc toàn châu Âu nửa sau thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Trong hai thế kỷ rưỡi, từ sau thời đại phục hưng, hoạt động âm nhạc trong phạm vi thế giới được phát triển hầu như chỉ xoay quanh ba trung tâm dân tộc. Tất cả những dòng nghệ thuật nổi tiếng của nền âm nhạc toàn châu Âu đều bắt nguồn tứ Ý, Pháp và vương quốc Áo, Phổ. Những nước này đã độc tôn một cách đầy đủ lãnh đạo sự phát triển của nền âm nhạc thế giới đến giữa thế kỷ XIX. Và đột nhiên, từ những năm 30 của thế kỷ XIX, từ những vùng xa xôi của trung Âu lần lượt xuất hiện trường phái này đến trường phái nghệ thuật lớn khác; liên quan đến nền văn hoá dân tộc của họ: Những trường phái dân tộc mới này, trước tiên, là trường phái Nga - một trường phái nhanh chóng chiếm được một trong những vị trí hàng đầu của nghệ thuật âm nhạc thế giới; tiếp đến là Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung, Na Uy, Tây Ban Nha, Phần Lan, Anh... đã làm phong phú cho nền âm nhạc châu Âu. Các trường phái âm nhạc mới này đã mở rộng chân trời mới của nghệ thuật; đổi mới ngôn ngữ âm nhạc.
Nghệ thuật của Chopin, Glinca, Liszt được hình thành trên cơ sở của nền văn hoá dân tộc, và biết tiếp thu những tinh hoa của nghệ thuật âm nhạc Tây Âu, kết tinh trong sáng tác của những người đi trước. Vì vậy, Chopin không chỉ là nhà cổ điển của nghệ thuật âm nhạc Ba Lan mà còn có ý nghĩa thế giới. Nghệ thuật của ông thể hiện nỗi xúc động của thời đại; sức mạnh tình cảm nỗi lo lắng, niềm hy vọng, niềm vui sướng, nỗi khổ đau của cả thế hệ. Chopin là người đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa lãng mạn. Tính điển hình trong nghệ thuật của Chopin đã hoà quyện của âm nhạc lãng mạn với màu sắc dân tộc đặc sắc theo “kiểu Chopin” với tính chất trữ tình nồng cháy, cảm xúc nội tâm của con người thời đại, qua phương tiện biểu hiện của cây đàn piano. Lần đầu tiên nghệ thuật đàn Clavir đã có thể biểu hiện những chủ đề về cách mạng về xúc cảm của lòng yêu nước tha thiết.
Với nội dung mang tính tâm lý sâu sắc, tính trữ tình kịch tính; sự nồng cháy của tình cảm, tính thơ mộng và sự xung đột về cảm xúc đã dẫn tới sự đổi mới về hình thức, thể loại, ngôn ngữ âm nhạc.
Con đường sáng tạo của Chopin là gắn liền với hoàn cảnh xã hội -chính trị của Varsava và Paris; dẫn tới hai giai đoạn sáng tạo chính trong sự nghiệp của mình. Trong hai giai đoạn chính ấy có thể nhấn mạnh một thời gian ngắn hơn như những năm bất hạnh (1830 - 1831) và những năm cuối của cuộc đời.
Cuộc đời và sự nghiệp
1. Thời kỳ thứ nhất: ở Varsava
Frédéric Chopin sinh năm 1810 ở Zelazowa Wola, gần Varsava. Cũng trong năm sinh của Chopin, gia đình của ông chuyển về thủ đô và gia đình Nicolas Chopin trở thành trung tâm gặp gỡ của giới trí thức tiến bộ Varsava. Nhiều nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Ba Lan, mà nhiều người sau này đã tham gia tích cực vào cuộc khởi nghĩa, thường lui tới gia đình và trở thành những người bạn thân của F. Chopin. Bố của Chopin là người Pháp, nhưng sống ở Ba Lan từ lâu và là người có tư tưởng tiến bộ đã có nhiều suy nghĩ và cống hiến cho Tổ quốc thứ hai Ba Lan của mình.
Chopin lớn lên trong không khí của những cao trào đấu tranh của dân tộc và được giáo dục trong tình yêu đối với Tổ quốc. Mẹ là người chơi đàn piano và thuộc nhiều giai điệu dân ca Ba Lan. Từ nhỏ, dưới sự hướng dẫn dạy bảo của bố mẹ và Chopin có kiến thức rộng về nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông nghiên cứu rất sâu về lịch sử và văn học. Chopin rất thích tác phẩm của Goeth, và văn thơ của các nhà lãng mạn Schiller, Mickiewiez...
Từ nhỏ, tài năng âm nhạc của Chopin đã thể hiện rõ. Năm 1818, đã co buổi biểu diễn piano trước công chúng và những thể nghiệm đầu tiên về sáng tác như một số tác phẩm hành khúc, polonaise cho piano.
Năm 1826, Chopin học tại nhạc viện Varsava và tốt nghiệp năm 1829 với thày dạy là Elsner. Dưới sự dậy bảo của Elsner, Chopin đã tìm đến kho tàng âm nhạc dân gian Ba Lan. Những ấn tượng tiếp nhận từ nền âm nhạc dân gian Ba Lan và học hỏi những kinh nghiệm của nền cổ điển Tây Âu đã hình thành tư duy sáng tạo của Chopin. Ông đã phân tích tỷ mỉ âm điệu, tiết tấu, thang âm, điệu thức của dân ca, dân vũ Ba Lan; đồng thời còn nghiên cứu cả các truyền thuyết dân gian của dân tộc mình. Từ đó Chopin đã khái quát được những đường nét chung của dân ca, dân vũ thành thị, nông thôn và đã nâng cao trong sáng tác của mình. Từ những tác phẩm đầu đã biểu hiện rõ nét tính đặc sắc của âm nhạc Ba Lan như Rondo à la masur op.5; Rondo à la Cracovie op.14; Fantasie lớn của các chủ đề Ba Lan op.13 và những Mazurka. Những năm ở Varsava Chopin đã tìm hiểu âm nhạc cổ điển Tây Âu và Ba Lan. Ông đã xem những vở nhạc kịch của Mozart, Weber, Rossini; của Kamenski, Stéphani, Elsner và những bản polonaise của Oginski; những capricce cho violon của Lipinski, ballade thanh nhạc của Lésel và Szymanowska và tính chất đặc biệt của điệu thức, tiết tấu, âm điệu - giai điệu của âm nhạc Chopin có sự gần gũi với sáng tác của họ. Nghệ thuật biểu diễn của các thiên tài lớn đương thời cũng có ảnh hưởng tới phong cách piano của Chopin như nghệ sĩ dương cầm người Đức Hummel, nghệ sĩ Violon người Ý Paganini v.v... Chopin còn nghiên cứu tỷ mỉ nghệ thuật giao hưởng của Haydn, Mozart và Beethoven; đặc biệt là âm nhạc của Mozart đã làm cho Chopin cảm thấy sự gần gũi với mình và tiếp nhận sâu sắc nhất.
Các tác phẩm Chopin sáng tác trong thời gian này là tổng hợp những nét độc đáo của dân tộc với thành tựu của âm nhạc Tây Âu.
Năm 1829, Chopin được công nhận về tài năng biểu diễn tại Vienne và đem vinh quang về cho đất nước.
Trở về Ba Lan sau một năm khi cuộc cách mạng 1830 sắp diễn ra, lúc đó tình hình xã hội rất căng thẳng. Từ lâu, bạn bè của Chopin rất muốn ông hãy tới những trung tâm âm nhạc lớn của Tây Âu để có điều kiện thuận lợi phát triển tài năng và cũng để tuyên truyền cho đất nước Ba Lan. Đã nhiều lần Chopin hoãn chuyến đi, chỉ vì tình yêu với tổ quốc và tình cảm với gia đình. Tháng 10 - 1830, Chopin đã biểu diễn lần cuối ở quê hương để từ giã bạn bè; và vĩnh viễn giã từ Tổ quốc của mình.
Sáng tác trong thời kỳ thứ nhất đã thể hiện những tình cảm lãng mạn, những ước mơ nồng cháy của tuổi trẻ, tính trữ tình nội tâm đa dạng. Đó là những tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau viết cho piano: Mazurka, Valse, Nocture, Polonaise... Fantaisie trên chủ đề Ba Lan op.13, Rondo Cracovie, biến tấu trên chủ đề Don Juan và hai concerto piano. Cuối những năm 20, Chopin hoàn thành một số bài trong tập Etude op.10; Trio cho piano, violon và cello g moll, Polonaisie cho Violoncelle và piano C dur op.3. Các tác phẩm này đã khẳng định những đường nét điển hình cho phong cách Chopin như sự phong phú về giai điệu với tính chất du dương và tính trang sức; những thủ pháp điêu luyện của nghệ thuật biểu diễn piano nhưng rất tự nhiên, sâu sắc được phát triển từ âm điệu, tiết tấu dân gian.
Hai bản concerto cho piano đã biểu hiện đầy đủ nhất về phong cách và sự đặc sắc trong sáng tác của mình. Năm 1829, Chopin hoàn thành Concerto op.21 f moll, và năm 1830 là bản concerto op.11 e moll. Cả hai concerto của Chopin đều thể hiện tính điêu luyện của nghệ thuật piano; phần dàn nhạc còn đơn giản. Khác với Mozart, Beethoven và sau này là Schumann, Brahms; Chopin đã xem nhẹ những truyền thống trong hoà tấu và phần nào đã thể hiện trong sáng tác của P.Emanuel Bach. Chopin đã sáng tạo theo con đường riêng của mình; con đường từ J. Cristian Bach, Hummel, Mascheles... đó là phong cách điêu luyện thính phòng. Trong hai bản concerto piano của Chopin, dàn nhạc không tham gia vào sự phát triển chất liệu chủ đề, mà chỉ giữ vai trò làm nền, điều chỉnh và tạo chỗ dựa về hoà âm cần thiết cho phần độc tấu. Cả hai concerto của ông đều biểu hiện tính trữ tình, tươi mát, thơ mộng.
Trước khi đi Paris, Chopin đã dừng lại Vienne một năm. Khi đó, ở quê hương bùng nổ cuộc cách mạng 1830 và bị đàn áp nặng nề, ảnh hưởng lớn tới tâm trạng của nhạc sĩ. Những sáng tác trong thời gian này còn thể hiện tính bi hùng, kịch tính như etude số 12, op.10, c moll; preludes d moll, a moll; Scherzo h moll và ballade số 1, g moll.
2. Thời kỳ thứ hai: ở Paris.
Paris - thành phố của những cuộc cách mạng trong quá khứ và tương lai, trung tâm đời sống nghệ thuật của Pháp đã tiếp nhận mãi mãi người nghệ sĩ, nhà soạn nhạc Ba Lan F. Chopin. Cuộc đấu tranh của những người Ba Lan đã tìm thấy sự cảm thông nồng nhiệt của trí thức tiến bộ Pháp. Là một người yêu nước lớn lên ở Ba Lan và Paris, Chopin đã sống và sáng tác trong tình cảm yêu nước thiết tha, với nỗi đau vì Tổ quốc vẫn còn bị thế lực ngoại xâm đô hộ.
Tại Paris, Chopin đã quen biết nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới lui tới đây, và ngôi nhà của Chopin ở Paris luôn rộng cửa tiếp đón họ: Liszt, Rossini, Mendelsohn, Paganini, Bellini, Meyerber, Tanber...; những nhà văn Pháp nổi tiếng Balzac, Stendal, Hugo, Duma (bồ) George Sand... Chopin được công nhận là nghệ sĩ Piano xuất sắc của thế giới; nhưng sau này, vì nỗi buồn riêng ông chỉ biểu diễn trong nhóm bạn bè thân thiết và kiều dân Ba Lan.
Cuối những năm 30 và 40 là thời kỳ nở rộ trong sáng tác của Chopin. Đó là sonate số 2, 3; ballade số 3, 4; fantaisie f moll... trùng với năm tháng tình yêu của Chopin với nữ văn sĩ Pháp Georg Sand.
Những năm cuối đời, cuộc sống của Chopin thật nặng nề; phần vì bệnh tật; phần vì nỗi buồn vì cái chết của người cha thân yêu; vì sự chia tay với Georg Sand và vì cả quê hương Ba Lan của ông vẫn chưa được giải phóng.
Năm 1848, Chopin sang Anh để chữa bệnh, nhưng sau đó lại trở lại Paris.
Sáng tác trong thời kỳ này đã thể hiện đầy đủ nhất thiên tài sáng tạo của ông ở đủ thể loại Mazurka, Polonaise, Polonaise - fantaisie, Nocture, Etude, Scherzo, Prelude, Ballade, Sonate, Barcarolle, Berceuse, Valse, Impromtu...
(Theo Nguyễn Thị Nhung, Phạm Phương Hoa)






1 nhận xét:

  Xin làm gió thổi lại đôi – Chùm thơ Huỳnh Liễu Ngạn 21 Tháng Sáu, 2023 Về thăm nhánh cỏ bên đường/ thuở chân em dẫm vô thường m...