Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Nhạc sĩ ĐẶNG THẾ PHONG

Nhạc sĩ ĐẶNG THẾ PHONG 

NGHE GIÓ THOẢNG MƠ HỒ TRONG MƯA THU AI KHÓC AI THAN THỞ 
Đặng Thế Phong (1918 - 1942) sinh ra trong một gia đình bậc trung ở Nam Định, con trai của ông Đặng Hiển Thế làm thông phán Sở Trước bạ. cha mất sớm, tài sản để lại là hộp bánh bích-quy đựng đầy vàng lá hiệu Kim Thành. Mẹ buôn bán cau khô bị thua lỗ, lại bị khách giật nợ nên từ đó gia đình lâm vào cảnh nghèo túng. Đang học năm thứ hai trường Paul Doumer (tương đương lớp 7 bây giờ), Đặng Thế Phong nghỉ học và lên Hà Nội ghi tên học trường Beaux Arts (Mỹ thuật Hà Nội). Tại đây, ông bắt đầu sáng tác và cộng tác với báo Học sinh của nhà văn trinh thám Phạm Cao Củng. Khi học ở trường Mỹ thuật, có lần chàng vẽ một cây cổ thụ nhưng trơ trụi lá, thầy Tardieu nhận xét: "Cậu vẽ đẹp lắm, nhưng buồn quá. Tôi e số cậu không thọ". Lời tiên tri ấy đúng với số phận Đặng Thế Phong. Chàng mất lúc 24 xuân, sau khi để lại cho đời sau những tác phẩm âm nhạc bất tử "Con Thuyền Không Bến", "Giọt Mưa Thu" và "Đêm Thu"... 
Khi lên Hà Nội vừa kiếm sống, vừa đi học, chàng cùng người bạn thân là Vũ Đức Toa cùng trọ ở nhà số 16 Tô Lịch. Hằng ngày, họ thường đi ngang qua ngôi nhà số 63 Hàng Bông đang bày bán chăn gối, đệm cưới. Nơi ấy có nhan sắc đang độ tròn trăng với cái tên nghe rất dễ cảm tình: Bạch Yến. Da nàng trắng nõn như trứng gà bóc, tóc búi lơi, hay mặc áo dài màu hoàng yến và thích đọc truyện của nhóm Tự Lực văn đoàn. Đi ngang qua lại nơi ấy nhiều lần, chàng thường kín đáo liếc mắt nhìn vào với biết bao hồi hộp. Làm thế nào để bày tỏ tình cảm với nàng? sau nhiều đêm thao thức suy nghĩ, chàng quyết định giả vờ vào tiệm mua chăn để "tiếp cận" với người đẹp. Lúc chạm mặt, giấu đi sự lúng túng, chàng mạnh dạn trao tận tay nàng lá thư tình đầu tiên viết bằng mực tím phảng phất mùi nước hoa. 
... Sau đó, Bạch Yến trở thành người thân trong gia đình. Từ Hà Nội thỉnh thoảng nàng theo Đặng Thế Phong về Nam Định. Biết được mối tình này, ai cũng thầm khen đôi lứa xứng đôi. Dù đang ngây ngấy trong tình đầu, nhưng đầu năm 1941, chàng lại nổi máu giang hồ. Chàng cùng người chú họ - kém mình 2 tuổi là Nguyễn Trường Thọ - phiêu lưu sang tận Cao Miên. Đi để mà đi chứ không có mục đích rõ rệt. Sang xứ người, chàng mở lớp dạy nhạc sống lay lắt. Nỗi nhớ Bạch Yến vẫn quay quắt trong tâm trí của chàng. Những ngày tháng lênh đênh này đã tạo ra cảm hứng đễ chàng viết kiệt tác "Con Thuyền Không Bến": "Đêm nay thu sang cùng heo may. Đêm nay sương lam mờ chân mây. Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng. Như nhớ thương ai chùng tơ lòng..." Cuối cùng, chịu hết nổi, cả hai phải tìm đường về. Trong túi không còn một xu, hai chú cháu phải bán brillantine giả làm thuốc cao để có tiền hồi hương. Vào thời gian này, Đặng Thế Phong bắt đầu nhuốm bệnh lao - một căn bệnh được xem là nan y của thời đó. Ca khúc "Con Thuyền Không Bến" bắt đầu phổ biến rộng rãi. Nhưng phải đợi đến lúc nó được công diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội thì danh tiếng Đặng Thế Phong mới nổi như cồn! Ngồi bên cạnh người yêu trong nhà hát, Bạch Yến sung sướng đến ứa nước mắt.  
Ông trời thật oái oăm. Lúc này Đặng Thế Phong đã bệnh nặng. Thời gian đầu, chàng dưỡng bệnh ở trại hoa Ngọc Hà với sự chăm sóc chu đáo của gia đình và Bạch Yến. Tại đây, trong những ngày thu ảm đạm, tê tái với ý thức khát khao sự sống mãnh liệt, nhưng bất lực, chàng đã viết ca khúc bất hủ "Vạn Cổ Sầu": "ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi. Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi. Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu. Ai khóc ai than thở? Vài con chim non, chiêm chiếp kêu trên cành như nhủ trời xanh: Gió ngừng đi, mưa buồn chi cho cõi lòng lâm ly..." Người đầu tiên nghe "Vạn Cổ Sầu" qua giọng ca mệt mỏi yếu ớt của chàng chính là Bạch Yến. Về sau, các bạn của chàng thấy tựa u sầu quá nên mới đề nghị đổi thành "Giọt Mưa Thu". Nằm ở đây một thời gian, chàng chuyển về dưỡng bệnh ở phố Hàng Than, rồi sau đó phải vào nhà thương Cống Vọng nhưng bệnh càng ngày càng trầm trọng hơn. Cuối cùng, biết chàng khó thoát khỏi lưỡi hái của tử thần nên Bạch Yến và ông anh rể đã đưa chàng về Nam Định. Từ đó, không Chủ nhật nào mà nàng không đón xe từ Hà Nội về Nam Định để săn sóc cho chàng. Trong những ngày cuối đời, chàng thường ngồi tựa lưng vào tường, cầm đàn guitare dạo bản Khúc Nhạc Chiều của Schubert. Một ngày thu ảm đạm, vừa dạo xong ca khúc này chàng nằm vật xuống giường và khép mắt, vĩnh viễn từ bỏ trần gian này. Đó là ngày 2 - 8 năm Nhâm Ngọ (1942). 
Cho đến nay, giới nghiên cứu âm nhạc chỉ biết Đặng Thế Phong qua đời ở tuổi 22 và có 3 bài hát: Con thuyền không bến, Đêm thu và Giọt mưa thu. Nhưng ông còn có nhạc phẩm Gắng bước lên chùa. Trong đó, Con thuyền không bến lúc đầu có tên Vạn cổ sầu. Thông qua Lê Thương, Thế Lữ, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Cao Luyện, Nguyễn Đình Phúc, Nguyễn Văn Thương, v.v…, tôi được biết: Đặng Thế Phong còn là tác giả một số nhạc phẩm khác. 
Đồng thời, ông còn có mối quan hệ về mặt sáng tác với nhà văn chuyên viết truyện trinh thám Phạm Cao Củng. 
Bộ sưu tập các bài hát Việt Nam từ khoảng 1937 tới 1975 của tôi không có nhạc phẩm nào mà Đặng Thế Phong và Phạm Cao Củng là đồng tác giả. 
Cuối năm 1993, tôi lên Đà Lạt dự kỉ niệm Đà Lạt một trăm tuổi. Một buổi chiều, đang đắm mình trong cảnh vật trầm lắng của một ngôi chùa lớn, giữa tiết trời mưa rét, tôi nghe tiếng hát của một người khoảng trên năm mươi tuổi đứng gần cổng chùa. Người đó hát nhè nhẹ, cách hát tỏ rõ ông hiểu âm nhạc. 
Tôi làm quen với ông. Tôi bảo ông có giọng hát khá hay. Ông cười và hát lại cả bài. Tôi ngạc nhiên vì bài hát nói về chuyện lên chùa qua những âm điệu gần gũi với đặc trưng nơi cửa Phật. 
Tôi nói: Lần đầu tiên, tôi được biết bài này. Nó làm cho tôi nhớ tới ca khúc Kinh khổ (Lời và nhạc: Trầm Tử Thiêng) mặc dầu hai ca khúc có nhiều nét khác nhau. 
Ông khen tôi biết thẩm âm. Rồi ông cho biết: Bài hát vừa rồi có tên Gắng bước lên chùa - Nhạc: Đặng Thế Phong. Lời: Phạm Cao Củng. 
Tôi hỏi: Có phải Đặng Thế Phong tác giả Con thuyền không bến và Phạm Cao Củng tác giả nhiều truyện trinh thám hay không? 
Ông nói: Đúng, đúng! Rồi ông hẹn tôi: Hôm sau, khoảng 15 giờ, cũng tại chùa này, đến gặp ông để tiếp tục câu chuyện liên quan đến bài hát nói trên. 
Đúng hẹn, tôi đến. Trời vẫn rét nhưng khô ráo. 
Người đàn ông mang theo một cây đàn ghita. Ông hát và tự đệm đàn bài hôm trước. Giọng trầm ấm và thiết tha. Sau đó, ông cho tôi xem một bức ảnh chụp ca khúc Gắng bước lên chùa do chính tay Đặng Thế Phong viết nắn nót cả nhạc lẫn lời. 
Dưới đầu đề Gắng bước lên chùa, Đặng Thế Phong ghi rõ: Nhạc: Đặng Thế Phong. Lời: Phạm Cao Củng. Cuối ca khúc, có dòng chữ: Tặng Hoàng Quý – Hà Nội, 1 Mai 1940 (tức mồng 1 tháng 5 - 1940). 
Ông cho biết thêm: Bức ảnh này do cụ Phúc Lai, một chủ hiệu ảnh rất nổi tiếng ở Hà Nội và Hải Phòng lúc bấy giờ, chụp tại Hà Nội cho bố ông khoảng cuối năm 1940. 
Ảnh chụp từ bản có dòng chữ đề tặng nói trên cho nhạc sĩ Hoàng Quý (tác giả Cô láng giềng, Cảm tử quân) - anh ruột của Hoàng Phú tức GS nhạc sĩ Tô Vũ. 
Nhạc sĩ Hoàng Quý quen bố ông và đã cho bố ông mượn bài hát có lời đề tặng ấy để bố ông nhờ cụ Phúc Lai chụp làm kỉ niệm. Bố ông qua đời tại Đà Lạt năm 1991. Nhưng khoảng năm 1970, tại Sài Gòn, bố ông đã góp phần vào việc xuất bản tuyển tập nhạc Hoàng Quý. 
Tôi hỏi tên ông và tên cụ nhưng ông trả lời: Vì lí do riêng, không thể cho biết. Tuy nhiên, ông nhiệt tình nói rõ: Ca khúc này, theo bố ông, đã in trên nhật báo Tin Mới khoảng đầu năm 1940. 
Hồi giải phóng Sài Gòn, cùng cả gia đình dời Sài Gòn lên Đà Lạt, bố ông bỏ lại hết, kể cả trọn bộ tạp chí Nam Phong và trọn bộ báo Phụ Nữ Tân Văn. 
Mùa đông. Chưa đến xế chiều trời đã trở nên mờ xám. Gió lạnh. Tôi phải đi xe ôm về nhà trọ ở xa ngôi chùa chúng tôi đang trò chuyện khoảng 5 cây số. Vì thế, không thể đi phô-tô-cóp-pi bức ảnh chụp bài hát nói trên được. Thật đáng tiếc! 
Từ đó đến nay, tôi không được gặp lại người bạn quý ấy nữa. 
Gần hai tuần sau, trở về TPHCM, tôi gặp ngay người chủ một tiệm sách báo cũ mà từ mười mấy năm nay tôi là khách quen, hỏi anh có báo Tin Mới hay không. Anh bảo: Khó lắm! Để em tìm! 
Tôi ghi số điện thoại bàn cho anh chủ tiệm. 
Mãi đến… mười năm sau 
Một chiều cuối thu 2003, anh chủ tiệm sách cũ điện thoại cho tôi, bảo đến tiệm anh ngay. Tôi vừa tới, anh lập tức đưa ra hai tập Tin Mới đóng gáy da từ tháng Giêng đến hết tháng Chạp 1940, trong đó khoảng bốn chục số bị mất. 

Rất mừng: Có một số in bài hát Gắng bước lên chùa. Đó là số Jeudi 4 Avril 1940 (tức thứ Năm, mồng 4 tháng 4 năm 1940). 
Tôi nghẹn ngào tưởng như Đặng Thế Phong đang đứng trước mặt, và, những trang truyện trinh thám Phạm Cao Củng hồi nhỏ tôi đọc ở Thủ đô Hà Nội bỗng hiện ra trước mắt, chập chờn!!! 
Tôi đề nghị anh chủ tiệm đi cùng tôi đến một cửa hàng ở đường Hai Bà Trưng để photocopy và xin anh nhận một số tiền nào đó tương đối lớn của tôi. 
Anh bảo: Mười năm lặn lội đi tìm một bản nhạc của một nhạc sĩ lỗi lạc. Mười mấy năm anh mua sách báo cũ của em và nhiều tiệm khác... Em chẳng những không lấy một đồng của anh mà còn biếu anh tiền photocopy bài hát đó. 
22 giờ, trời se lạnh. 
Tôi ôm một tập Tin Mới ngồi sau xe máy do anh chủ tiệm sách báo cũ điều khiển phóng đến một cửa hàng photocopy trên đường Hai Bà Trưng (Tân Định, quận 1). 
Xong việc, anh đèo tôi về tiệm của anh để tôi lấy xe đạp. 
Tôi nâng niu hồi lâu ca khúc Gắng bước lên chùa trước khi bắt tay cảm ơn anh bạn, ra về. 
Gần 23 giờ. Đường vắng. Trong gió se lạnh phả vào mặt, tôi đạp xe từ từ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Khi qua cửa chùa Vĩnh Nghiêm, tôi chợt nghĩ: Thế là… mình đã Gắng bước lên chùa… 
Đã hơi khuya. Gió heo may có vẻ mạnh hơn. 
Đêm nay thu sang cùng heo may… Bến mơ dù thiết tha, thuyền ơi đừng chờ mong… 
Giọt mưa Thu 
Sáng tác: Đặng Thế Phong 
Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi 
Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi 
Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu 
Ai khóc ai than hờ! 
Vài con chim non chiêm chiếp kêu trên cành 
như nhủ trời xanh 
Gió ngừng đi 
mưa buồn chi 
cho cõi lòng lâm ly 
Hồn thu tới nơi đây gieo buồn lây 
Lòng vắng muôn bề không liếp che gió về 
Ai nức nở thương đời 
chân buông mau 
dương thế bao la sầu 
Người mong mây tan cho gió hiu hiu lạnh 
mây ngỏ trời xanh 
chắc gì vui 
mưa còn rơi 
bao kiếp sầu ta nguôi 
Gió xa xôi vẫn về 
Mưa giăng mù lê thê 
Đến bao năm nữa trời ... 
... Vợ chồng Ngâu thôi khóc vì thu 

http://www.thuyngaonline.com/




1 nhận xét:

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến Thá...