Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Quê hương nói gì với ta

Quê hương nói gì với ta

Khi ai đó hỏi bạn, đi xa thế có nhớ quê hương không? Bạn sẽ trả lời họ ra sao? Một từ “có” ngọt ngào có thể ôm trọn đủ đầy tất cả? Ôm cả nắng mưa và những ngày tất tả ngược xuôi nơi chân trời xa lạ mà vẫn không phai hình bóng quê nhà.
Bởi vì quê hương là nhớ là thương, là cơn gió Đông xạc xào rặng tre đầu ngõ. Quê hương nặng trĩu một chữ mơ, một chữ thơ. Là những vành trăng hết khuyết lại tròn cứ chênh vênh khi mỗi độ Đông về. Nơi xóm làng xưa được uốn cong bởi con đê dài bao bọc. Một dòng sông mát rượi hiền hòa chở nặng phù sa. Ôi, thiết tha hai tiếng quê hương trong bài học đầu tiên khi đến lớp.
Bập bẹ đánh vần từng tiếng, ngọng líu lo sao quá đỗi thân thương. Sáng sớm, mặt trời chưa nhô khỏi ngọn cây cu Tí đã vội vã cắp sách đòi bố đưa đến trường làng. Buổi trưa, người mẹ đến đón sau giờ tan học. Dừng xe, chị nhìn thấy cu Tí đang vừa đi vừa khóc theo sau cô giáo. Chị đứng lặng lẽ quan sát. Cô giáo làng khẽ xoa đầu cu Tí. Sao em lại khóc. Vì hôm nay em viết sai một chữ nên chỉ được điểm 9. Em không có điểm 10, mẹ em sẽ đánh em. Trời ơi, sao lại có chuyện mẹ đánh em vì em chỉ được điểm 9 thôi chứ? Cô ơi! Em không dám về nhà đâu, hay là trưa nay em có thể nghỉ lại nhà cô được không? Nghe đến đó, người mẹ vội bước về phía hai cô trò. Xin lỗi cô giáo, cô hãy để tôi đưa cháu về. Cô giáo mỉm cười: “chắc chị đã nghe hết những điều cu Tí nói rồi phải không? Bài của cu Tí hôm nay làm rất tốt, chỉ sai một chữ thôi nhưng tôi đã trừ của em một điểm để nhắc em lần sau cẩn thận hơn. Điểm ư? Tôi có thể cho cu Tí điểm 10, dễ lắm. Nhưng, điểm chỉ là kẹo thôi, chỉ ngọt sắc lúc ban đầu nơi đầu lưỡi. Chỉ có kiến thức thật mà bọn trẻ tiếp thu hàng ngày mới là vị ngọt mãi mãi”. Chị vội vàng cảm ơn cô giáo, cu Tí trèo lên xe của mẹ mà vẫn vẫy tay lia lịa chào cô giáo. Người mẹ ngoảnh lại phía sau, nắng sân trường trưa nay sao vàng đến thế. Rời mái trường bao nhiêu năm rồi, hôm nay đến ngày trở lại đưa đón con, chị mới kịp nhận ra rằng tất cả chúng ta đến trường đâu chỉ để học chữ mà còn học cách làm người, học cách sống, cách đứng lên sau mỗi lần vấp ngã đó thôi.
Quê hương, nơi trước kia là những con đò trên dòng sông khuya vẫn buông mái chèo đợi khách. Giờ đây được thay bằng những chiếc cầu bê tông, nườm nượp người qua lại đêm đêm. Đứng trên cầu, nhìn sang phía đối diện ta vẫn thấy mênh mông trời nước. Ánh điện lung linh vắt vẻo uốn cong theo những nhịp cầu nơi quê nhà đang đổi mới. Những chuyến tàu xe vội vã trong đêm tối chở gì nhiều thế nhỉ? Chở nhớ chở thương hay chở gió về ru từng giấc ngủ bé thơ. Bất giác nhớ lại,ngày xưa ơi thương lắm những chuyến phà.
Cũng chỉ cách đây vài ngày thôi, những buổi chiều nắng đã xế cứ vàng lên rực rỡ. Những tia nắng mặt trời cứ le lói hắt xuống cánh đồng chiều lênh láng nước vào ngày đổ ải. Thỉnh thoảng còn sót lại chị Cá cờ, anh Rô đồng bơi lóp ngóp nơi mép ruộng. Cả cánh đồng nồng nặc mùi tanh của bùn khó chịu. Những gốc rạ mục ruỗng, những tảng đất được cày lật nghiêng lên đang chờ nước vào để tan biến hóa thân thành những cánh đồng xanh tốt. Những chiếc nón trắng nhấp nhô của các bà các chị đang cặm cụi trên đồng. Sau cái nón trắng tinh khôi ấy là từng giọt mồ hôi rớt xuống đồng. Yêu những cánh đồng quê đầy mía, ngô, khoai, sắn... mùa nào thức đó. Nơi mà ngày trước là những thảm lúa vàng xuộm chạy thẳng đến chân trời, giờ đây đã mọc lên những khu công nghiệp với cột khói cao đến tận mây xanh. Cuộc sống gấp gáp giục giã hối hả. Nhớ ngày xưa, mỗi buổi tối sau mỗi ngày lao động, đám con gái con trai chúng tôi lại tụ tập nhau lại rồi chuyện trò ríu rít. Giờ đây, lớp lớp thanh niên nô nức đổ ra thành phố kiếm những công việc có giá trị hơn. Về thăm quê bây giờ chỉ thấy bóng những ông già dắt cháu đi chơi, thỉnh thoảng gặp một chị luống tuổi quần xắn cao đang cặm cụi khỏa nước vớt bèo bên con mương nhỏ. Những cọng lục bình ngơ ngác tím tái cuối chiều như tuổi thanh xuân của chị đã trôi qua trong tiếc nuối. Một cặp vợ chồng già mọi ngày vẫn nhấm nhẳng cãi nhau như tôm như cá, bữa nay lại ra bờ ao ngồi bên nhau nói cười vui vẻ. Dưới chân cầu ao, hai vợ chồng Cua cũng đang nấp dưới tán lá cây lục bình trò chuyện ríu ra ríu rít. Tiếng Cua cái thủ thỉ: “Mình ơi, sao hôm nay mình lại bò dọc mà không bò ngang thế, mình làm tôi xúc động quá. Ngày trước tôi đã nhận lời yêu mình vì cái lần mình bò dọc đầu tiên đó. Hôm ấy tôi rất cảm kích và ngưỡng mộ lắm cái tài đó của mình. Bao nhiêu năm chung sống trôi qua, đến bây giờ tôi vẫn tự hỏi không biết có phải hôm ấy mình đã say không”? Cua đực nhìn Cua cái cười trìu mến: “Tại mình đó, tại đêm hôm qua mình đã không gắt gỏng với tôi khi tôi uống rượu say và về muộn. Hôm qua mình đã ân cần với tôi khi tôi trải qua những thất bại và lê gót trở về nhà. Lâu lắm rồi tôi mới thấy mình trở lại đáng yêu như ngày đó. Giá như ngày nào mình cũng dịu dàng như thế có phải không”? Rồi Cua cái rót một cốc trả nóng mời Cua đực. “Uống đi mình”. Cua đực nhấm nháp cốc trà đã được pha đến nước thứ mấy mà vẫn thấy ngọt giọng làm sao. Cua đực vuốt nhẹ đôi càng Cua cái, “một cốc trà ngon hay không chính là do ta thay đổi cách cảm nhận đúng không mình”? Cả buổi chiều hôm đó, trên mặt ao nước cứ nổi những gợn tròn lan tỏa mãi vào nhau.
Xa xa, bên bờ đê dài, từng tốp từng tốp trẻ con và người lớn tụ tập nhau lại chơi trò thả diều. Những chiếc diều như vành trăng đầu tháng đang lơ lửng trên trời cao. Vì muốn được bay cao bay xa nên chiếc diều đã nói với cậu bé: “cậu hãy thả tôi ra, tôi sẽ bay lên tới tận mây xanh cho cậu xem”. Cậu bé buông sợi dây diều, chiếc diều vút bay lên chao đảo vài cái rồi rơi chúc xuống đất. Cậu bé đến bên cạnh diều an ủi: “sao cậu không bay vào mây xanh mà lại rơi xuống đất như thế, cậu nhớ tôi sao”? Diều bỗng ôm mặt khóc nức nở: “không phải đâu, giờ tớ mới nhận ra là tớ chỉ có thể bay cao bay xa khi được ở bên cậu, khi tớ được bám vào cậu. Cậu tha lỗi cho tớ. Cậu đừng buông tay khỏi sợi dây của tớ, mà hãy buộc tớ vào tâm hồn cậu, chỉ có ở bên cậu tớ mới có thể bay cao được mà thôi”. Dưới dòng sông, gió thổi lao xao mặt nước, cậu bé đang lắng nghe từ phía sông xa những tiếng sóng cười.
Như người diễn viên hóa thân vào những cánh cò chênh chao chạng vạng lúc nhập nhoạng chiều để thấy rẳng quê hương nói với ta những điều như thế đó. Một ngọn đèn bạc phơ thức chong chong giữa đêm khuya của người mẹ ngóng đứa con nơi xa xứ. Một khúc ru ầu ơ làm đung đưa cánh võng sau khung cửa. Những con sóng từ nơi anh cứ dồn dập sớm chiều làm cho ta đang ngủ nửa đêm chợt thức. Một cánh buồm neo ở cuối dòng sông hát khúc hát của cha, từng lời hát cứ trầm bổng ngân nga để cho ta kịp nhận ra những ngày đang đi qua, nắng vẫn vàng mơ cháy đến tận cùng.
Nguyễn Thúy Hạnh (Tạp chí Nhà văn Tp HCM)


1 nhận xét:

  Đọc truyện ngắn của Võ Đào Phương Trâm – Trần Danh Thùy 4 Tháng Bảy, 2023 Truyện ngắn của Võ Đào Phương Trâm, nhà văn trẻ đến từ Sài G...