Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

“Chợ Đồng” Một bài thơ độc đáo của Nguyễn Khuyến

“Chợ Đồng” Một bài thơ độc đáo của Nguyễn Khuyến

   Cụ Nguyễn Khuyến sinh năm Ất Dậu (1835) và mất vào năm Kỷ Dậu (1909). Cụ là một nhà thơ lớn của nước Việt Nam ta, đã đỗ Hoàng Giáp đình nguyên trong khoa thi Đình năm Tân Mùi (1870) dưới triều vua Tự Đức. Cụ là nhân cách của một nho sĩ yêu nước với tư tưởng canh tân được nhân dân từ xưa đến nay cảm phục…
        Trong sáng tác văn chương, cụ có rất nhiều bài thơ độc đáo, trong đó bài thơ “Chợ Đồng” của cụ là chợ riêng – riêng độc đáo chỉ có ở làng quê Yên Đổ - nơi Cụ Nguyễn Khuyến sinh thành. Dưới đây là nguyên văn bài thơ cụ viết :
Tháng Chạp, hai mươi bốn, chợ Đồng
Năm nay chợ họp có đông không?
Giở trời mưa bụi còn hơi rét
Nếm rượu Tưởng Đền được mấy ông?
Hàng quán người về nghe xáo xác
Nợ lần năm trước hỏi lung tung
Dăm ba ngày nữa tin Xuân tới
Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng.
        Cái không khí rộn ràng của những ngày giáp Tết, đã được các nhà thơ xưa nay gửi gắm vào những phiên chợ quê cuối cùng của năm cũ. Mỗi làng quê trên khắp mọi miền đất nước ta, đều có những đặc sản và tập quán riêng, nên chợ cũng khác nhau, nhưng cái không khí thì vẫn vậy: Có cái rộn ràng, náo nức; xen cả những buồn vui …
        Sau này trong phong trào thơ mới, ta bắt gặp phiên chợ Tết trong thơ Đoàn Văn Cừ, một nhà thơ của nông thôn Việt Nam. Bài thơ “Chợ Tết” của ông ký họa một phiên chợ Tết thường gặp ở nơi làng quê vùng Kinh Bắc xưa với đầy đủ vẻ phong tục, hàng hóa… Nhưng đấy là chợ chung, miêu tả chung, còn Chợ Đồng của cụ Nguyễn Khuyến là chợ riêng – riêng độc đáo chỉ có ở làng quê nơi Cụ sinh thành. “Chợ Đồng chính là Chợ Và, chợ gần sát ở khu vực Đình Và thuộc tỉnh Hà Namngày nay. Chợ Và họp ở đó, nhưng đến ngày 24 tháng Chạp (tháng 12) hằng năm theo Âm lịch, người dân lại kéo nhau ra giữa đồng thuộc khu đất cao rộng phía trước nhà cụ Nguyễn Khuyến họp, để lấy may, cầu yên (vì cho là không họp thì làng xã không yên). Do đó mà chợ này có tên là Chợ Đồng. Chợ Đồng rất đông vui và hấp dẫn cả vùng Yên Đổ” (Nguyễn Khuyến – Tác giả tác phẩm, trang 35).
         Đọc hai câu thơ đầu tiên: “Tháng Chạp hai mươi bốn chợ Đồng/ Năm nay họp chợ có đông không?” . Cụ Nguyễn Khuyến đã mang được cả không gian và thời gian đặc sắc. Không còn là con số ngày khô khan (hai mươi bốn), không là địa điểm bình thường (đồng) nữa, mà là cả không gian, thời gian thiêng liêng gắn sâu vào tâm trí. Phải gắn vào máu thịt những gì tưởng như là khô khan ấy, Cụ Nguyễn Khuyến mới đặt ra câu hỏi : “Chợ họp có đông không?” như một quan tâm đến điều bình thường nhất trong cuộc sống. Cụ hỏi để quay về với quá khứ, về với cái ngày Chợ Đồng còn rộn rã, đông vui, hỏi để mà nhớ lại những tục lệ đẹp đẽ của một vùng quê mà Cụ  đã từng gắn bó.
         Đọc hai câu tiếp theo : “Giở giời mưa bụi còn hơi rét/ Nếm rượu Tưởng Đền được mấy ông?”. Thời tiết của những ngày cuối năm hiện lên bằng “mưa bụi” và “hơi rét”. Không khí ấy gợi lên trong cụ Nguyễn Khuyến cái không khí của những năm về trước với tục nếm rượu ở Tưởng Đền. Trước ngày 24 tháng Chạp ở đây, lều quán đã được dựng lên san sát. Cả vùng chuẩn bị hàng Tết, cả vùng nô nức sắm sanh đi Chợ Đồng – Chợ Tết. Theo lời truyền thì Chợ Đồng là phiên chợ họp để tưởng nhớ ngày cụ Thượng Tổ Quang Lượng Hầu hành quân thảo khấu qua đây, nhân dân đã đem quà cáp, lương thực ra úy lạo tướng sĩ…
       Tục thi thơ và uống rượu ở Tưởng Đền là một tục lệ rất đáng chú ý của xã Yên Đổ. Trước ngày họp Chợ Đồng là ngày tế Thánh ở Văn Chỉ (nơi thờ Khổng Phu Tử)… các bậc văn nhân sĩ tử cả vùng đều về họp mặt. Sau lễ tế Thánh, các vị bô lão trong làng cũng tổ chức cuộc thi văn thơ và bình thơ tại ngôi đình cạnh chợ. Các nhà văn, nhà thơ đến Tưởng Đền dự thi, các vị khoa mục trong làng gần đó làm Ban giám khảo. Những bài thơ được mọi người tán thưởng thì được giải. Những người được trao phần thưởng còn được mời đi cùng các bô lão và các bậc khoa mục ra Chợ Đồng nếm rượu, chọn lựa rượu ngon nhất để dùng vào việc tế tự trong buổi đầu năm mới.
        Một phong tục đẹp như thế thì làm sao mà cụ Nguyễn Khuyến quên được, bởi vậy càng nhớ càng day dứt với thực tại “Nếm rượu Tưởng Đền được mấy ông? ”. Câu hỏi lại có phần chua xót “cho thấy cái cảnh vắng vẻ, tẻ ngắt của đám văn nhân, sĩ tử tham dự cuộc thi thơ trong những ngày tục lệ này đang đi đến chỗ cùng đồ mạt vận”.
        Chợ Đồng không còn cái đông vui, náo nức của người đi chợ. Hiện thực còn lại trước mặt Cụ là âm thanh rời rạc, rã rời cuộc sống người dân quê trong những năm thiếu đói: “Hàng quán người về nghe xáo xác/ Nợ nần năm trước hỏi lung tung”. Âm thanh thật não nùng và cảnh thì tiêu điều, xơ xác. Vọng lại với nhà thơ bây giờ là tất cả những âm thanh của hiện thực, hình ảnh của hiện thực: Người tan chợ, tiếng đòi nợ nhau những ngày cuối năm. Đó là hiện thực chung của phiên chợ quê ngày giáp Tết mà cụ Nguyễn Khuyến đã cảm nhận được một cách chính xác bằng cả tấm lòng yêu thương. Điều đó được thể hiện qua hai câu thơ cuối: “Dăm ba ngày nữa tin xuân tới/ Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng”. Có chút hy vọng vào mùa xuân, chút hy vọng ấy gợi lên niềm lạc quan cho người đọc. Mùa xuân thời đó đến với tiếng “pháo trúc” quen thuộc : “một tiếng đùng” như xóa bỏ hết những khó khăn vất vả, thiếu thốn của năm cũ… để đón nhận niềm vui, niềm hy vọng mới ở cuộc đời. Cụ Nguyễn Khuyến là thế ; hoài niệm để cảm thông và an ủi.
        Chợ Đồng “Là hiện thực và cũng là tâm trạng của cụ Nguyễn Khuyến về những phiên chợ vùng quê cuối cùng một đi không trở lại trong những năm cuối thế kỷ XIX của xã hội ViệtNam” (Nguyễn Huệ Chi). Có một phiên Chợ Đồng đông vui với những phong tục đẹp đẽ trong quá khứ; và một phiên Chợ Đồng vắng vẻ, thiếu thốn. Nhà thơ Nguyễn Khuyến đã đón nhận cả niềm vui, nỗi buồn của người dân quê, thể hiện sự gắn bó của Cụ đối với cuộc đời.
       Bài thơ “Chợ Đồng” của cụ Nguyễn Khuyến thể hiện đầy đủ cả thời gian, không gian, phong tục và tâm lý của những con người nơi làng quê Yên Đổ. Đó là những gì tốt đẹp của một thời ở vùng quê lam lũ.
Để khép lại bài viết này, xin được dẫn lời của nhà thơ Xuân Diệu : “Dường như  cụ Nguyễn Khuyến có cái tài ghi không khí cuộc sống vào trong những câu thơ : “Tháng Chạp, hai mươi bốn Chợ Đồng” … các bà đi chợ trước đó và sau đó vẫn còn nhắc nhở như thế !
 Nguyễn Duy Cách

1 nhận xét:

   10 bức ảnh về thế giới giữa tháng 7/2023 22 Tháng Bảy, 2023 Lễ hội San Fermín ở Pamplona, ​​ ch á y rừng ở Canada, tiền tuyến của Bak...