Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Cảm nhận về bài thơ Kí ức hoàng hôn của nhà thơ Nguyễn Tấn Tuấn

Cảm nhận về bài thơ Kí ức hoàng hôn 

của nhà thơ Nguyễn Tấn Tuấn

Nguyễn Thị Thu Thúy
                  “Chiều chiều ra đứng ngõ sau
                 Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.”
       Chiều chiều là khoảnh khắc ánh mặt trời khuất sau rặng núi và cũng là lúc khói bếp nhà nhà nhóm lên bay lơ lửng như những màn sương mờ ảo. Vì thế buổi chiều thường gợi nỗi nhớ quê hương, nhớ mẹ già đang ngóng chờ con của những người con xa quê. Tất cả những tâm tư tình cảm đó lại một lần nữa được nhà thơ Nguyễn Tấn Tuấn khắc đậm trong bài thơ: “Kí ức hoàng hôn.”
       Bài thơ ra đời cách đây gần hai mươi lăm năm và được đăng trên Tạp chí Văn hóa Quảng Trị năm 1992. Khi đó, nhà thơ là một cậu sinh viên Trường Đại học sư phạm Huế. Anh xa nhà mang theo bao hoài bão của tương lai…Để rồi sau gần hai mươi lăm năm, bài thơ vẫn làm xao xuyến, làm khuấy động tình yêu và lòng biết ơn mẹ của biết bao trái tim con dân đất Việt.
        Bằng những vần thơ mượt mà, tràn đầy cảm xúc, nhà thơ đã khắc họa sâu sắc tình yêu và nỗi nhớ thương của mình đối với người mẹ thân yêu.
                                 “Cứ mỗi độ hoàng hôn
                                   Giọng hò ấy đưa con về với mẹ
                                   Chiều quê nay có còn cơn mưa nhẹ
                                   Như ngày nao con mẹ trở về.”
        “Cứ” là từ được dùng để gõ nhịp thời gian,chỉ sự lặp lại không phải là một buổi chiều mà chiều nào cũng vậy, khi ánh nắng cuối cùng vụt tắt, giọng hò ru con văng vẳng dã đưa nhân vật trữ tình trở về với tình yêu của mẹ:
                                  “Chiều quê nay có còn cơn mưa nhẹ
                                    Như ngày nao con mẹ trở về.”
      “Chiều quê nay” là chỉ thời hiện tại còn “ngày nao” là chỉ quá khứ để khắc đậm hôm nay con ở Huế nhưng lòng con đang hướng về bên mẹ. Kí ức con về thăm mẹ lại rộn rã trong lòng. Từ “nao” gợi âm hưởng nhẹ nhàng mà tha thiết nhớ khắc khoải khôn nguôi ngày con trở về thăm mẹ và tự hỏi lòng mình không biết chiều nay có lất phất mưa như ngày mình về không?
        Và cứ như thế, thật nhẹ nhàng, hình ảnh mẹ đã ùa về choáng ngợp tâm hồn con: 
                                   “Nước mắt khô rồi sau những tái tê
                                    Bỗng tuôn tràn trên vai con nóng bỏng
                                    Để chiều nay từ trong sâu thẳm
                                     Dáng mẹ về xao động cả hoàng hôn.”
           Khi đọc khổ thơ này, tôi lại nhớ đến khổ thơ của Tố Hữu trong bài thơ: “Bầm ơi”:
                                     “ Bầm ơi, sớm sớm chiều chiều
                                  Thương con bầm chớ lo nhiều bầm nghe!
                                        Con đi trăm núi ngàn khe
                                   Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm.”
        Cả hai nhà thơ Tố Hữu và Nguyễn Tấn Tuấn đều khắc họa hình ảnh người mẹ kính yêu và đều sử dụng từ láy “tái tê”. “Tái tê” là chỉ cảm giác đau đớn chất chứa lặng thầm bên trong đồng thời cũng khắc họa nỗi vất vả, nhọc nhằn của đời mẹ. Từ “tái tê” trong cả hai bài thơ đều có nghĩa như vậy. Tuy nhiên trong bài thơ của Nguyễn Tấn Tuấn, ngoài hai nghĩa kia, “tái tê” là nỗi nhớ thương con vô bờ bến của mẹ. Đã bao đêm mẹ khóc vì nhớ thương con? Mẹ đã khóc đến khô cạn nước mắt và cũng có thể hiểu mẹ đã giấu những giọt nước mắt tận sâu bên trong. Có lẽ vì thế mà ngày con trở về nước mắt mẹ lại:
                                  “Bỗng tuôn tràn trên vai con nóng bỏng”
        Thông thường từ “bỗng” là chỉ sự phát hiện bất ngờ nhưng trong câu thơ này từ “bỗng” lại mang một nghĩa khác. Đó là chỉ tình cảm dồn nén bên trong đến bây giờ mới có dịp vỡ tung ra. Nước mắt mẹ tuôn rơi khi ôm đứa con trai của mẹ vào lòng. Để đến bây giờ, cảm giác những giọt nước mắt nóng bỏng của mẹ vẫn làm rạo rực trong con:
                                   “Để chiều nay từ trong sâu thẳm
                                    Dáng mẹ về xao động cả hoàng hôn.”
 “sâu thẳm” có nghĩa là nằm sâu trái trái tim con và chiều nay dáng mẹ về làm xao động cả hoàng hôn. Từ “xao động” thật hay đã làm nổi bật được hình bóng mẹ không chỉ làm xao động trái tim con mà còn làm xao động cả đất trời. Chỉ với hai câu thơ thôi, nhà thơ đã vẽ lên bức chân dung về mẹ thật lớn lao, sánh ngang tầm vũ trụ. Đó chính là lòng biết ơn, sự kính trọng và tình yêu vô bờ bến của con đối với mẹ thân yêu.
     Và để rồi,cứ mỗi buổi chiều, khi hoàng hôn xuống, con lại thương mẹ biết mấy mẹ ơi!
                                    “Con thương mỗi hoàng hôn
                                      Có bước chân mẹ về vội vã
                                      Khói bếp nhà ai như lời giục giã
                                      Lo cho con lỡ bữa cơm chiều.”
    “Vội vã” là từ láy chỉ hành động nhanh, gấp. Tại sao cứ mỗi buổi chiều bước chân mẹ về lại nhanh và gấp như vậy? Phải chăng đó là sự hi sinh quên mình của mẹ vì các con? Đúng như vậy, sau một ngày lao động vất vả và khi buổi chiều buông xuống, khói bếp nhà nhà nổi lên, mẹ lại vội về để lo cho các con yêu của mẹ. Khổ thơ sau lặp lại hình ảnh bước chân mẹ:
                                   “Mẹ đã dành hết thảy tình yêu
                                     Trong đôi chân mỗi hoàng hôn bước vội
                                     Nên chiều nay thương câu hò quá đỗi
                                     Biết gửi nơi nao cho vợi nỗi niềm”
       Đó là sự lặp lại hình ảnh đôi chân mẹ bước vội vào mỗi buổi chiều. Hình ảnh lặp lại đó đã khắc đậm sự vất vả của mẹ, tình yêu và sự hi sinh vô bờ bến mà mẹ đã dành cho con. Để chiều nay con “thương câu hò quá đỗi” đó là tình thương con dành cho mẹ, mẹ có biết không? Tình thương mẹ vào buổi chiều lại khắc khoải trong con:
  “Con thương mỗi hoàng hôn
                                       Ngày con đi mẹ gạt thầm nước mắt
                                       Lặng lẽ nhìn con khi nắng chiều vụt tắt
                                       Để giọng ai hò xao xác cả chiều nay.”
Câu thơ: “Con thương mỗi hoàng hôn” được nhắc lại ở đầu khổ để khắc đậm hơn nỗi thương nhớ mẹ của con. Kí ức ngày con đi đã ùa về choáng ngợp cả hoàng hôn:
                                    Ngày con đi mẹ gạt thầm nước mắt
                                    Lặng lẽ nhìn con khi nắng chiều vụt tắt” 
      Câu thơ dường như chùng xuống, giọng thơ buồn làm nổi bật hình ảnh mẹ ngày tiễn con đi. Nhà thơ đã sử dụng hai từ: “gạt thầm” và “lặng lẽ” rất hay, giàu chất tạo hình. “Gạt thầm” không phải là hành động mẹ đưa tay gạt nước mắt mà là hành động của tâm hồn, mẹ đang cố nén, giấu những giọt nước mắt sâu bên trong và để con trai yêu của mẹ không nhìn thấy mẹ khóc. Ẩn đằng sau là mẹ muốn con yên lòng, rằng mẹ rất vui khi con đi. Mẹ ơi! Mẹ thật vĩ đại biết nhường nào! Lúc nào mẹ cũng chỉ lo và nghĩ cho con thôi. Từ láy “lặng lẽ” chỉ sự im lặng, không lên tiếng. Mẹ đã âm thầm nhìn con đi khi chiều xuống. Mặc dù mẹ không nói nhưng con biết mẹ rất buồn khi phải xa con. Con luôn nhớ hình ảnh mẹ trong thời khắc này. Chính vì thế nên khi nghe giọng hò đã làm “xao xác” cả chiều nay. “Xao xác” là từ láy tượng thanh diễn tả sự xao động làm náo động không gian vắng lặng của buổi chiều. Hay làm tâm hồn con xao động khi hình ảnh mẹ ùa về? Chỉ một từ “xao xác” thôi cũng đủ làm cho không gian buổi chiều sống động tràn ngập tình yêu của mẹ đối với con và nỗi nhớ thương mẹ da diết choáng ngợp tâm hồn con. Tình yêu đó đã ngưng tụ và lắng đọng ở khổ thơ cuối:
                                Ầu ơ… “Chiều chiều ra đứng ngã sau
                                Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”
                                Ước chi con có thật nhiều
                                Ngã sau ấy để mỗi chiều con trông.”
     Cái hay và độc đáo của bài thơ là nhà thơ đã mượn câu ca dao để bộc lộ nỗi nhớ thương ,sự biết ơn và tình yêu vô bờ bến của mình đối với mẹ. Con mong có thật nhiều ngõ để mỗi chiều con trông, con hướng tình yêu của mình về bên mẹ.
      Bằng giọng thơ mượt mà, sâu lắng kết hợp với biện pháp điệp ngữ, ẩn dụ và cách dùng từ đặc sắc, nhà thơ Nguyễn Tấn Tuấn đã khắc đậm hình ảnh mẹ với tình yêu và sự hi sinh vô bờ bến cho những đứa con yêu của mình. Đồng thời thể hiện sâu sắc nỗi nhớ thương và lòng biết ơn của con đối với mẹ. Bài thơ cứ nhẹ nhàng đi vào lòng người, tha thiết và vang mãi về tình mẫu tử thiêng liêng ấy.                                                                 
                                
KÍ ỨC HOÀNG HÔN 
Cứ mỗi độ hoàng hôn
Giọng hò ấy đưa con về với mẹ
Chiều quê nay có còn cơn mưa nhẹ
Như ngày nao con mẹ trở về
Nước mắt khô rồi sau những tái tê
Bỗng tuôn tràn trên vai con nóng bỏng
Đề chiều nay từ trong sâu thẳm
Dáng mẹ về xao động cả hoàng hôn
Con thương mỗi hoàng hôn
Có bước chân mẹ về vội vã
Khói bếp nhà ai như lời giục giã
Lo cho con lỡ bữa cơm chiều
Mẹ đã dành hết thảy tình yêu
Trong đôi chân mỗi hoàng hôn bước vội
Nên chiều nay thương câu hò quá đỗi
Biết gởi nơi nao cho vợi nỗi niềm
Con thương mỗi hoàng hôn
Ngày con đi mẹ gạt thầm nước mắt
Lặng lẽ nhìn con khi nắng chiều vụt tắt
Để giọng ai hò xao xác cả chiều nay
Ầu ơ…” Chiều chiều ra đứng ngã sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều “
Ước chi con có thật nhiều
Ngã sau ấy để mỗi chiều con trông
Huế 1990
Nguyễn Tấn Tuấn


1 nhận xét:

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến T...