Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

Đôi điều suy nghĩ về danh từ “Nhạc sĩ” trong đời sống âm nhạc Việt Nam hiện nay

Đôi điều suy nghĩ về danh từ “Nhạc sĩ” trong đời sống âm nhạc Việt Nam hiện nay
Trong nền âm nhạc thế giới, khi nhắc đến các tên tuổi: J.Bach, W.A.Mozart, L.V.Beethoven hay F.Chopin…ai ai cũng đều phải nể phục trước tài năng của họ. Họ là những thiên tài trong âm nhạc, là đỉnh vinh quang sáng chói, là những tấm gương đại diện cho nền văn minh của nhân loại… đã đi vào lịch sử của nền âm nhạc thế giới.
Còn với Việt Nam, một đất nước vừa thoát khỏi cảnh nghèo nàn lạc hậu và đang trên đà xây dựng, phát triển, nhưng không vì thế mà thiếu đi những tên tuổi trong âm nhạc. Mỗi người dân yêu nhạc Việt  đều thật tự hào khi nhắc đến tên tuổi của Văn Cao, Đỗ Nhuận, Huy Du hay Trịnh Công Sơn… Đó là những tên tuổi với vai trò tiên phong, những người đã bằng hết tài năng và tâm huyết của mình góp phần xây dựng nên một nền âm nhạc Việt Nam vừa phong phú đa dạng, vừa đậm đà bản sắc dân tộc.
Dù mang quốc tịch là người Đức, Áo, Ba Lan… hay Việt Nam, họ đều là những người sáng tạo trong âm nhạc và họ được mọi người gọi bằng nhạc sĩ. Quả thật, với những gì họ đã để lại cho nền âm nhạc, họ thật xứng đáng và cũng thật tự hào khi được gắn liền tên tuổi của mình với danh từ đáng quý đó.
Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng nền âm nhạc nước ta hiện nay, có thể thấy, sự phát triển theo kiểu tự phát của rất nhiều thể loại âm nhạc, trong đó đáng kể nhất là thể loại nhạc thị trường, đang diễn ra một cách ồ ạt và mạnh mẽ. Hòa chung vào dòng chảy âm nhạc đa chiều, là sự xuất hiện một số lượng những người sáng tác âm nhạc thường được các kênh truyền hình, các đài, báo cũng vẫn ngày ngày gọi tên họ kèm theo với  từ “nhạc sĩ”. Thật giật mình khi nhìn lại những sản phẩm âm nhạc đã giúp họ được gắn tên mình với danh từ “nhạc sĩ”. Đó có thể chỉ là họ có được trên dưới 10 ca khúc (chưa kể hay, dở), trong số đó có được 2 – 3 bài đạt giải A trong cuộc thi này, giải B trong cuộc vận động sáng tác kia hoặc cũng có thể là những bài hát sống “sôi động” trong tháng thứ nhất, “yên bình” trong tháng thứ 2 và “lay lắt” trong tháng thứ 3… Đấy là ta chưa kể tới một số tên tuổi của những người với sản phẩm âm nhạc được ra đời bằng “bản năng tự phát”. Thậm chí nhiều người còn không đủ kiến thức về âm nhạc để chép lại những sáng tác đầy tính “hồn nhiên” của mình… thế nhưng họ vẫn được xem như là “nhạc sĩ”
Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng nếu khi so sánh, ta mới thấy  giữa những người cùng mang danh từ nhạc sĩ có sự khác nhau đến độ khó tin: Khi nhắc tới J.Bach, người ta gọi ông là “Nhạc sĩ vĩ đại”, là “Biển cả” trong âm nhạc.... Với W.A.Mozart: “Thần đồng âm nhạc”, “Thiên tài của thế giới”...
Với L.V.Beethoven thì được coi là “Người khổng lồ âm nhạc”, “Nhà văn hóa – tư tưởng vĩ đại”... Và riêng với F.Chopin thì được mệnh danh là “Nhà thơ của cây đàn Piano”... Số lượng cũng như chất lượng các tác phẩm của họ đã được khẳng định qua nhiều thế kỷ và không ai có thể phủ nhận danh từ nhạc sĩ khi nhắc đến họ. Nhiều người còn cho rằng, nếu như danh từ nhạc sĩ còn chưa đủ tầm gắn với tên tuổi của những người đã đi vào lịch sử âm nhạc thế giới, có thể thay thế nó bằng danh từ nhà soạn nhạc. Ý kiến như vậy hoàn toàn thuyết phục. Tuy nhiên, các vĩ nhân trên thế giới còn có thể được gọi là nhà soạn nhạc để khẳng định tầm cỡ của họ trong nghề nghiệp, nhưng những tên tuổi gạo cội trong nền âm nhạc Việt Nam như: Văn Cao, Đỗ Nhuận, Huy Du hay Trịnh Công Sơn … dù tài năng và công sức của họ đã được minh chứng bằng những tác phẩm âm nhạc, không những chỉ có ý nghĩa về giá trị nghệ thuật mà còn tràn đầy giá trị nhân văn. Những tác phẩm đã từng một thời gắn liền với vận mệnh của dân tộc, có sức sống bền bỉ trên suốt chặng đường đất nước đi lên. Vậy mà tên tuổi của họ cũng chỉ được gắn với danh từ nhạc sĩ như bao “nhạc sĩ” đương đại khác
Dù vẫn biết, những người sáng tác âm nhạc thì được gọi là nhạc sĩ, nhưng đôi khi cũng cảm thấy thật chạnh lòng khi nghĩ tới sự chênh lệch quá lớn lao giữa những người cùng được vinh dự gắn liền tên mình với danh từ ấy.
Thiết nghĩ, nếu như có được những quy ước chung, ở một chừng mực nào đó người sáng tác âm nhạc mới được gọi là nhạc sĩ, thì có lẽ sự mập mờ về việc phân biệt đẳng cấp trong nghề nghiệp sẽ không còn tồn tại nữa và bên cạnh đó những tâm hồn nghệ thuật chớm nở cũng không quá vội hài lòng với bước khởi đầu sự nghiệp của mình.
 Lâm Hà
Theo http://vnmusic.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...