Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

Tiếng rền của đá

Tiếng rền của đá

Hạ bỗng giật mình tỉnh dậy bởi một âm thanh xa xăm lẫn vào trong gió.
Lúc này đêm đã xuống rất sâu, cỏ cây trên khắp miền biên ải mênh mông chìm vào giấc ngủ. Giữa những ngày tháng hai lất phất mưa xuân, hoa tử quyên, cỏ mật, mộc lan ủ hương tỏa ra mùi dịu ngọt. Cơn gió núi mang theo mùi thơm đó cùng với những tiếng động trầm buồn, đều đều như sấm vọng.
Tiếng sấm đang rền chăng?
Không. Mùa xuân không thể có sấm ra sớm thế. Hình như là tiếng bước chân, tiếng âm âm trầm trầm dội trên mặt đất của lớp lớp người đang bước trong đêm. Nhưng nơi hoang vu này làm gì có nhiều người đến vậy.
Bên ngoài trăng sắp lặn. Sương trắng đùn lên phủ kín những cánh rừng.
Hạ bỗng nhớ có lần Vĩnh nhắc chuyện trong một cuốn sách nào đó anh đã đọc, người ta viết rằng có những chốn nghìn năm trước là bãi chiến trường, tiếng ngựa hý, gươm đao, trống trận, tù và đều được núi non giữ lại. Cứ vài trăm năm âm thanh lại vọng lên một lần từ vách núi khiến người vô tình ngang qua đó nghe thấy đều giật mình sợ hãi.
Thanh âm đêm nay dội về từ một cuộc chiến nào đó chăng?
Hạ quyết định trở lại nơi này vào một ngày trời đột nhiên đổ nắng, thành phố bắt đầu sôi lên như nồi lẩu thập cẩm được đốt nóng bởi hơi người và nhựa đường chảy rữa. Cô đứng đợi taxi đầu con hẻm nhỏ, ngón tay lơ đãng lướt điện thoại không hiểu sao âm thầm dẫn cô lạc vào trang cá nhân của Vĩnh giờ đây vắng lặng tựa khu vườn hoang mọc lên đầy cỏ dại.
Trên đó còn lại vài dòng ngắn ngủi mô tả về ngọn tháp đá cao khoảng mười mét với chu vi gần bốn mươi mét, trông xa như một kim tự tháp đáy tròn bị che phủ bởi mây mù và sương núi. “Chúng tôi dừng lại ở lưng chừng đèo khi trời đã ngả về chiều. Trong ánh hoàng hôn rực sáng, những cụm mây đột ngột tan đi và bên dưới phía xa kia bỗng hiện ra một ngọn tháp đá chói lòa giữa thung lũng núi. Khoảnh khắc đó diễn ra rất nhanh, mặt trời lặn và ngọn tháp biến mất trong màn đêm u tịch”. Bên dưới dòng status là một bức ảnh anh chụp rất vội cùng với mốc thời gian hai năm về trước.
Hạ nghe thoảng như một giọt nước lạnh buốt nhỏ xuống trong tim. Khẽ ngẩng đầu lên nhìn suốt dọc con đường có hai dãy phố nhỏ nằm lô xô dưới bầu trời mùa xuân xanh xao, cô run rẩy lướt điện thoại tìm tên một người quen cũ.
Một lần nữa cô trở lại Cấm Sơn.
Seng vẫy tay rối rít khi nhìn thấy Hạ ở sân ga, nụ cười rạng rỡ làm sáng bừng khuôn mặt đen nhẻm bắt đầu lấm tấm mụn. Mới hai năm không gặp, Seng đã lớn vổng như cây nứa vươn mình sau mỗi mùa gió nổi.
Hai người dừng chân ở Cấm Sơn đúng lúc mưa tầm tã. Mưa ở miền núi khác hẳn mưa đồng bằng, rỉ rả, âm thầm, nhẫn nại như những sợi dây mỏng mảnh tuôn xuống từ lưng chừng trời tạo thành một bức màn xám xịt giăng giăng từ ngày này qua ngày khác. Đất đai ngấm nước từ từ chảy ra, con đường vắt qua núi biến thành dải bùn nhão trơn trượt, lầy lội ướt át chìm lút giữa mịt mùng lau lách.
Họ buộc phải lội bộ theo lối mòn cho đến khi nhìn thấy con đèo được đánh dấu trên bản đồ. Từ chỗ này phóng tầm mắt ra xa chỉ có núi non trập trùng trong mưa gió.
Hạ nghĩ có thể chính là đây, góc chụp này nơi Vĩnh đã đứng với hình ảnh ngọn núi nhô ra phía đông nam cùng mấy ngôi nhà lúp xúp trên triền dốc. Thung lũng xa xa phía dưới chìm trong mưa, trống trải, hoang lạnh.
- Chị vẫn muốn nhìn ngọn tháp đó sao? - Seng ngập ngừng hỏi. Đã rất nhiều lần cậu bé dẫn đường cho Hạ lên đây, lần nào cũng mang về gương mặt như già thêm mấy tuổi.
Em có nhớ nhầm đường không, Vĩnh? Giọt mưa còn nguyên trong kí ức chưa khô lẽ nào bụi đã phủ lên những lối mòn.
Mưa mỗi lúc một dữ dội như muốn nhấn chìm Hạ trong nỗi hoang mang ngờ vực. Seng dẫn cô rời khỏi con đèo, dừng lại xin trú nhờ ở nhà người họ hàng của cậu phía bên kia rặng sa mộc xanh ngắt. Trong nhà chỉ có một bà mế chừng sáu mươi tuổi đang hì hụi quay chiếc cối đá nặng trĩu. Hạ bối rối cất tiếng chào, mế thấy cả hai ướt lướt thướt liền chụm mấy khúc củi cho bếp lửa đỏ rực lên rồi với lấy đùm gạo xát kĩ để trên xà nhà xuống thêm vào nồi.
- Đi đâu đấy Seng?
- Đây là bạn gái của anh Vĩnh bộ đội công binh hồi trước từng đóng quân ở bản ta. Cháu dẫn chị ấy đến chỗ ngọn tháp đá nhưng có lẽ mưa xóa mất dấu đường mòn nên bị lạc, mế Lung à.
Mế Lung nén tiếng thở dài buột ra từ lồng ngực gầy guộc, nhìn cô gái đầy thương xót:
- Vào đây nghỉ đi con. Bao nhiêu mưa cũng không xóa hết được đâu, đừng sợ.
Câu nói sau cùng của mế Lung chìm trong tiếng mưa ào ạt xối xuống mái nhà. Hạ nhìn ra màn mưa hoang hoải, nhớ cái ôm siết nồng nàn của Vĩnh giữa sân ga Hàng Cỏ vào buổi chiều chia tay. Anh xốc ba lô lên vai, khẽ đưa tay vén mấy sợi tóc mai xòa xuống trán cô trong một thoáng lặng im giữa hai hồi còi tàu rền rĩ. Hạ cố kìm nhịp đập trái tim thổn thức khi bóng anh khuất sau dòng người hối hả lên chuyến tàu hướng về biên giới, đơn vị anh đóng quân đâu đó trên triền núi mờ xa, mấy chục năm rừng vẫn xanh một màu xanh áo lính.
Seng ngồi duỗi chân bên bếp lửa. Những cành củi hồi khô nổ lách tách tỏa ra mùi thơm dễ chịu. Mế Lung lại nhẫn nại cúi gập mình kéo chiếc cần cối xay, nghiêng người sang bên này rồi ngả sang bên kia, câm lặng, nhọc nhằn, mồ hôi rịn ra đẫm áo. Tiếng hai thớt cối đá nặng nề nghiến vào nhau rền rĩ lẫn trong tiếng mưa. Những vòng quay càng về sau càng nhanh dần, cánh tay gầy guộc của mế rung lên, hai chân lảo đảo như sắp ngã, cả thân mình giống như một sợi dây thừng vặn xoắn vắt đến kiệt cùng chút sức lực sót lại. Hạ ngạc nhiên không hiểu mế xay loại hạt gì mà vất vả như một cuộc hành trình khổ ải nên tò mò nhỏm dậy nhìn vào trong lòng cối.
Chiếc cối đầy những đá.
Seng vội kéo cô ngồi thụp xuống với ánh mắt đầy ẩn ý. Hạ sững sờ nhìn về phía người mế già với gương mặt hằn sâu những nếp nhăn u uẩn, ngọn lửa trong bếp chợt bùng lên rồi vụt tắt để vệt khói vỡ ra tan biến vào chập choạng chiều hôm.
Vĩnh đã từng kể cho cô nghe về những người đàn bà xay đá ở Cấm Sơn.
Họ kéo cối xay trong những đêm dài lạnh lẽo thảng thốt nghe tiếng con khóc ngạt dưới hầm. Họ kéo cối xay trong mùa giỗ trận khói hương nghi ngút nhắc nhớ khôn nguôi đến người chồng ngã xuống sau khi bắn hết loạt đạn cuối cùng trên chốt. Họ kéo cối xay khi nghĩ đến cơn mưa xối xuống bộ hài cốt người thân còn nằm dầu dãi đâu đó giữa những bãi mìn trên đỉnh núi mờ xa vời vợi.
Mười năm.
Hai mươi năm.
Ba mươi năm.
Chừng nào còn sống còn chưa thôi đau xót.
Hạ cắn chặt môi để khỏi bật lên tiếng khóc. Mế Lung mệt nhoài buông cần cối xay, ngồi sững bên bếp lửa. Bên ngoài mưa vẫn rơi, nước nhỏ xuống mái gianh thủng lỗ chỗ. Seng xòe tay hứng giọt nước long tong, lúc lắc cái đầu có chỏm tóc lù xù như chim sẻ ướt:
- Đợi mai trời tạnh cháu sẽ sang dọi lại nhà cho mế. Cứ như thế này làm sao chịu được suốt mùa mưa.
Mế Lung dụi mãi thanh củi trong bếp làm khói bốc lên cay xè mắt.
Nếu còn sống chắc bây giờ con trai mế cũng bằng tuổi bố Seng, biết đâu mế cũng sẽ có một đứa cháu nội rắn rỏi như Seng.
Giá như không có chiến tranh.
Đời người được mấy mươi năm mà bao lần giặc giã.
Năm đó mế Lung mới ngoài hai mươi tuổi, con trai đầu vừa cai sữa được ít hôm. Giữa mùa xuân ấy thỉnh thoảng vẫn có vài tiếng súng nổ đem theo những lo âu phấp phỏng nhưng ai cũng hi vọng tình hình sẽ yên. Ra Tết, chồng mế bảo vợ tranh thủ về thăm nhà mẹ đẻ dưới mạn Hà Lùng vài hôm, để con nhỏ ở nhà anh trông vì trời đang mưa rét. Xế chiều một ngày mưa ngớt hạt, mế ủ thằng bé bụ bẫm say ngủ vào chăn rồi xách giỏ đồ cồng chuẩn bị sẵn để lên đường.
Chỉ nghĩ là một cuộc đi, ai biết sẽ mãi mãi không bao giờ gặp lại.
Bởi rạng sáng ngày mười bảy tháng hai pháo giặc bắt đầu rót vào thị trấn từ bên kia biên giới. Những tiếng nổ rền vang xé toạc bình minh yên tĩnh cùng cột khói bốc lên nghi ngút khiến mế Lung cháy lòng cháy ruột, mế cố tìm cách ngược về với chồng con nhưng cả nhà lo sợ xảy ra chuyện không may trong lúc loạn lạc nên giữ lại. Làng xóm cuống cuồng lên như núi lở. Đến chập tối thì anh trai mế quyết định chất tất cả đồ đạc lên xe bò tản cư, mế Lung bấu mười đầu ngón tay vào thành xe bật máu, không dám ngoái đầu nhìn lại một dải vùng biên lửa cháy ngút trời.
Minh họa: Nguyễn Văn Đức
Sau khi vấp phải sự kháng cự dữ dội trên khắp các mặt trận, quân bành trướng tuyên bố rút lui, mế Lung vội vã tìm về ngôi nhà cũ. Thị trấn chỉ còn lại một đống gạch vụn tan hoang với vài cái cột nhà cháy sém trơ trụi giữa trời cùng đàn quạ kêu thê thiết trên những thân cây cụt đọt. Chồng con mế cùng mấy trăm dân thường chạy nạn và những chiến sĩ trong đơn vị bảo vệ biên giới đã vĩnh viễn nằm lại nơi pháo đài Đồng Đăng sau năm ngày quyết tử chiến đấu cầm chân giặc.
- Ông ấy vẫn còn ở kia cùng đứa con trai mới tròn hai tuổi. Đêm nào mế cũng nghe thấy tiếng con khóc. Hôm nay mưa to như thế này mế nghe nó khóc suốt cả ngày, chắc tại chỗ đó nước tràn vào lạnh lắm.
Mế Lung lặng lẽ nhìn về dãy núi phía tây im lìm trong mưa lạnh, nói khẽ như thì thầm:
- Lúc mế đi thằng bé chỉ mặc mỗi bộ đồ chàm, không biết khi chạy giặc ông ấy có nhớ khoác thêm áo cho con không. Mà nếu có mặc thêm áo giờ cũng mủn mất rồi, có khi xương cốt đã rữa ra hòa vào trong nước.
Vĩnh đã từng đưa Hạ lên thăm pháo đài Đồng Đăng trong một lần cô đến đơn vị anh. Người ta kể rằng sau những đợt tấn công điên cuồng mà vẫn không chiếm được pháo đài, quân giặc huy động biển người tràn lên, dùng thuốc nổ đánh sập tầng trên rồi thả lựu đạn, súng phun lửa và phụt khí độc vào các ngách hầm giết hết những người còn cầm cự bên dưới. Hôm đó tự nhiên Vĩnh nói: Em biết không, có những cuộc chia li mà người sống còn đau hơn người đã khuất.
Bởi vậy Hạ xin ở lại nhà mế Lung, biết đâu có lúc cô cũng phải vắt nỗi buồn thương đến kiệt cùng như những người đàn bà âm thầm xay đá.
Seng một mình về nhà khi trời ngả về chiều, sau lưng cậu là bếp lửa chập chờn soi bóng hai người đàn bà lặng lẽ bên chiếc cối xay đầy đá.
Cậu đi tắt qua lối vào thị trấn, ở đó có một nhà bia cũ nằm im lìm bên vách núi, cách dải đường mòn chừng hai chục bậc cầu thang rêu phủ.
Bia Thủy Môn Đình.
An trấn Thủy Môn Đình, đình tiền thủy lục. Tỏa thược Thiên Nam giới, giới hạn thiên thư. Giữ yên đình Thủy Môn, trước đình có đường thủy, đường bộ. Khóa chặt cõi trời Nam để giới hạn ranh giới bầu trời.
Việt Nam hầu thiệt. Trấn Bắc ải quan. Thạch bích hoàn vũ. Uyên quân giới phiên. Đồng Đăng linh ấp. Đây là cửa ngõ và yết hầu của nước Việt Nam, là ải quan trấn giữ phương Bắc. Vách đá giữa trời đất, quận sâu nơi biên giới. Ấp thiêng xứ Đồng Đăng.
Một bảng hướng dẫn đặt gần đó cho biết rằng tấm bia đá này được Đô Tổng binh, Bắc quân Đô đốc phủ Lạng Sơn Nguyễn Đình Lộc soạn năm Cảnh Trị bát niên một nghìn sáu trăm bảy mươi khi được giao trọng trách trấn giữ miền quan ải. Ba trăm năm sau nó được một nhà ngoại giao tình cờ phát hiện ra chìm lút giữa cỏ hoang bụi rậm. Mất thêm hai mươi năm nữa để các nghiên cứu khẳng định đây là một bảo vật quốc gia quý hiếm có ghi quốc hiệu trước cả thời Gia Long. Bây giờ bản gốc đã được đưa về bảo tàng, tấm bia nằm đây chỉ là phiên bản.
Những năm nhỏ tuổi, Seng vẫn thường theo bà nội mỗi chiều lên đây quét dọn xung quanh nhà bia. Bà vẫn bảo hồi chiến tranh, cả vùng này bị đạn pháo cày nát tan hoang, chỉ riêng tấm bia đá vẫn vẹn nguyên như một điều kì diệu.
- Có thứ gì vững hơn đá không bà? - Seng hỏi.
- Lòng người vững hơn đá cháu ạ.
Bà trả lời khi cùng Seng lên thắp hương trên mộ ông nội. Tháng hai năm đó ông bị bắn ngay trước sân nhà khi từ chối dẫn đường cho quân thám báo đi đánh phá các đài thông tin liên lạc của bộ đội ta trong thị trấn.
- Có thứ gì nặng hơn đá không bố? - Seng hỏi.
- Nỗi buồn nặng hơn đá con ạ.
Bố trả lời khi lặng lẽ gùi hoa hồi xuống chợ phiên. Những bông hoa hồi tám cánh tỏa ra mùi thơm ngọt dịu. Mẹ chết năm Seng bốn tuổi, để bố Seng một mình lụi cụi nuôi con khôn lớn.
- Có thứ gì bền hơn đá không, anh Vĩnh? - Seng hỏi.
Vĩnh xoa mái tóc khét nắng của cậu bé mười bốn tuổi, gật đầu thay cho câu trả lời. Đơn vị công binh của Vĩnh đóng quân tại Cấm Sơn để thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Những ngày được nghỉ, anh cùng đồng đội tranh thủ đắp đất sửa đường, kè lại con mương dẫn nước hay kèm cho lũ trẻ con trong bản học chữ. Trong đám trẻ anh thương Seng nhất. Cậu bé mồ côi mẹ từ khi còn quá nhỏ vì một quả mìn ngày trước quân địch gài lại trên đường rút chạy. Cuộc chiến đã lùi xa nhưng máu vẫn chảy trên những cánh đồng.
Seng ngồi lặng bên tấm bia đá. Bây giờ cậu mười bảy tuổi. Sau những lần chị Hạ lên Cấm Sơn tìm anh Vĩnh, cậu nhận ra rằng tình yêu là thứ bền hơn đá.
Và nhọc nhằn hơn gánh đá, là khi Seng phải giữ trong mình một điều bí mật.
- Nói cho chị biết về lần cuối em gặp anh Vĩnh đi Seng.
Lần cuối Seng gặp anh Vĩnh là một ngày trời rất nắng, đơn vị anh chuẩn bị hành quân lên cao điểm 803 bắt đầu chiến dịch rà mìn để cất bốc hài cốt các liệt sĩ.
Cao điểm 803, tháng hai năm một nghìn chín trăm bảy chín. Những ghi chép ngắn ngủi về trận đánh dữ dội đó được tìm thấy trong cuốn sổ tay rã rời của một người lính vô danh mà mỗi trang đều thấm đầy những máu. Seng vẫn còn nhớ một buổi chiều mấy năm về trước, cả lớp được cô giáo dẫn vào thăm bảo tàng quân khu, mọi người đã đứng lặng rất lâu trước ô cửa kính trưng bày, khó khăn lắm mới đọc hết những dòng chữ viết vội vàng trên trang giấy đã ngả màu nâu sậm.
“5h. Địch bắn pháo lần thứ nhất”.
“5h25ph. Địch đổ quân”.
“9h30ph. Địch bắn pháo lần thứ hai”.
“11h50ph. Địch bắn pháo lần thứ ba. Đồng chí Trung hy sinh”.
“13h. Đường dây liên lạc đứt. Đồng chí Thắng, Toàn, Đạt hy sinh. Chốt vẫn đứng vững”.
“14h. Địch đổ thêm quân tiếp viện. Cánh trái đồng chí Thịnh, Dũng, Bảo, Hà hi sinh”.
“16h. Chúng tôi còn lại ba người. Chốt vẫn đứng vững”.
“16h45ph. Địch vây kín cao điểm. Chốt vẫn đứng vững”.
“17h45ph. Đạn hết. Xin vĩnh biệt các đồng chí”.
Họ đã vĩnh viễn nằm lại đó, xác thân hòa vào cây rừng đá núi chốn biên cương.
Anh Vĩnh chỉ cho Seng thấy đỉnh núi giờ đây rừng đã lên xanh, xung quanh đó là những bãi mìn dày đặc.
- Các anh không sợ mìn sao? - Seng phấp phỏng hỏi. Trí óc của cậu hằn sâu mãi khoảnh khắc khủng khiếp khi mẹ được dân bản cáng về trên rẫy, máu túa ra từ hai chân dập nát do giẫm phải mìn.
- Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi Seng ạ - Vĩnh hướng về cậu bé một ánh nhìn trầm tĩnh. Phía sau đơn vị công binh là Cấm Sơn ngày đêm thao thức khi thân nhân các liệt sĩ biết tin lặn lội tìm về. Những người mẹ mái đầu bạc trắng, những người vợ lưng bắt đầu còng, những người con lớn lên chưa từng biết mặt cha, tất cả họ đang lặng im chờ đợi.
Ở một góc nhỏ bình yên trong lòng Hà Nội, Hạ cũng đang đợi anh về để được khoác lên mình bộ váy cô dâu màu trắng dịu dàng.
Seng vẫy vẫy tay tạm biệt anh, Vĩnh đã hứa trước khi về xuôi sẽ đưa cậu bé đi khám phá ngọn tháp đá anh vừa tìm thấy. Lời hứa đó mãi mãi không thực hiện được bởi sau chuyến cất bốc thành công hài cốt toàn bộ liệt sĩ trên điểm cao 803, đơn vị công binh từ đó thiếu một người.
Hạ trở mình thao thức bởi những thanh âm xa vắng lẫn vào đêm, kí ức buồn như tiếng gió băng qua rừng thẳm.
“Chúng tôi dừng lại ở lưng chừng đèo khi trời đã ngả về chiều. Trong ánh hoàng hôn rực sáng, những cụm mây đột ngột tan đi và bên dưới phía xa kia bỗng hiện ra một ngọn tháp đá chói lòa giữa thung lũng núi. Khoảnh khắc đó diễn ra rất nhanh, mặt trời lặn và ngọn tháp biến mất trong màn đêm u tịch”.
Một tuần sau, Hạ đột ngột nhận được toàn bộ thư từ và kỉ vật mấy năm yêu nhau do Vĩnh gửi trả lại, kèm theo đó là một lời xin lỗi để chia tay. Chỉ thế thôi rồi Vĩnh lặng im, để lại trong lòng Hạ nỗi nghẹn ngào cay đắng. Anh đã hẹn xong nhiệm vụ đợt đó sẽ nghỉ phép về Hà Nội để hai gia đình qua lại dạm ngõ, có lí do gì không thể nói ra mà anh lặng lẽ bỏ rơi cô một mình đơn độc?
Hạ lặn lội lên đơn vị của Vĩnh đóng trên vùng núi xa xôi hoang vắng. Những người lính ân cần đón cô bằng tình cảm thương yêu xen chút ngậm ngùi. Chỉ huy đơn vị tóc đã ngả màu sương, nhìn Hạ bằng một cái nhìn xa xót: Về đi cháu, Vĩnh đã xuất ngũ rồi, đừng tìm cậu ấy nữa. Hạ về tận quê Vĩnh, ngôi nhà nhỏ phía trước trồng hai cây mộc lan mà có lần Vĩnh đã dẫn cô về thăm, hàng xóm nói bố mẹ Vĩnh đã đóng cửa đi đâu cả năm nay không ai rõ. Hạ lủi thủi men theo bờ đê cháy rực màu hoa gạo đỏ, cơn gió ngược chiều tê tái thốc vào tim.
Hạ cố tìm mọi cách để quên anh nhưng không thể. Cô vẫn nhìn thấy anh mỗi ngày trong bức ảnh nhỏ để trên bàn làm việc, người sĩ quan trẻ tuổi mặc bộ quân phục xanh rêu, vầng trán rộng và đôi mắt có ánh nhìn xa xăm hướng về phía trước. Ở Vĩnh toát ra một cái gì đó chân thành, ấm áp, thứ ánh sáng trong tâm hồn khiến tất cả mọi thứ xung quanh anh đều trở nên đẹp đẽ. Những ngày nỗi nhớ anh dội lên như sóng, Hạ một mình lang thang khắp những nẻo đường đong đầy kỉ niệm. Một lần cô dừng chân nơi quán cà phê phố cổ, trời mưa và ai đó tình cờ mở bài hát Màu hoa đỏ với giọng nam trầm tha thiết: Có người lính/ Mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo/ Có người lính/ Mùa xuân ấy ra đi từ đó không về/ Dòng tên anh khắc vào đá núi/ Mây ngàn hóa bóng cây che/ Chiều biên cương trắng trời sương núi/ Mẹ già mỏi mắt nhìn theo…
Hạ khóc, cô tha thiết muốn trở lại Cấm Sơn, cùng với cậu bé Seng tìm ngọn tháp đá rực lên trong nắng lúc chiều buông xuống thung lũng mờ xa thăm thẳm.
Seng đang trong những ngày cuối cùng của năm học lớp mười hai, cậu bé ấp ủ ước mơ thi vào Học viện Biên phòng. Con đường cậu đến trường ngang qua tấm bia tạc lời người xưa vào đá, ngang qua dãy núi đá cây rừng chưa phủ kín vết thương, ngang qua ngôi nhà nhỏ có người đàn bà đêm đêm âm thầm nghiền nỗi nhớ thương nát vụn trong cối đá.
Hạ vẫn ở lại Cấm Sơn.
Một buổi chiều mế Lung lên rẫy về, sững sờ thấy Hạ đứng lặng bên chiếc cối xay nặng trĩu. Bàn tay khô gầy đặt trên cần đẩy, nước mắt tràn xuống ướt đẫm bờ mi. Trong lòng cối mấy hòn đá chỏng chơ câm lặng.
Mế giữ chặt tay Hạ, thảng thốt:
- Mế xin con. Con còn trẻ quá.
Hạ gục đầu vào vai mế, òa lên khóc:
- Con không sao quên được anh ấy, mế ơi.
Mế Lung thức trắng đêm nghe tiếng rền từ núi thẳm vọng về, sáng hôm sau mế một mình lên pháo đài Đồng Đăng, nơi cỏ dại và gai góc mọc đầy xung quanh cửa hầm đã bị quân giặc giật sập bằng thuốc nổ. Những người làm nương gần đó vẫn thường kể rằng vào lúc chiều tà thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng lao xao từ bên dưới ngách hầm vọng lên rồi vụt tắt. Mấy trăm linh hồn tụ lại trong đó mãi không tan.
Mế Lung mang về hai nắm đất đen rã rời vì mưa gió, chôn xuống ngọn đồi phía sau nhà rồi đắp lên hai nấm mồ nho nhỏ. Que nhang lập lòe cháy đỏ trong chiều. Những giọt nước mắt cạn khô sau mấy chục năm mòn mỏi. Khi Hạ trở về cùng với bức vẽ hoàng hôn trong thung lũng, cô ngạc nhiên thấy chiếc cối xay đã biến mất khỏi căn nhà nhỏ.
- Mế không cần chiếc cối này nữa sao?
- Mế đem cho người ta để lấy chỗ đựng hoa hồi.
Hạ xao xuyến nhận ra bây giờ đã là tháng năm, những cánh rừng hồi trên triền núi trập trùng thăm thẳm bắt đầu tỏa hương thơm ngát. Công binh gỡ mìn đến đâu, rừng quế, rừng hồi, rừng thảo quả lên xanh đến đó. Mế Lung phơi hoa hồi trên khoảng sân sau ngập nắng, mùi thơm dịu nhẹ ủ khắp căn nhà nhỏ để giấc ngủ của Hạ bớt chập chờn đêm đêm.
Hạ trở về thành phố vào một ngày tháng sáu, mang theo bức vẽ ngọn tháp đá chói lòa trong ánh hoàng hôn nơi thung lũng núi. Vĩnh đã nhìn thấy ngọn tháp này trước khi định mệnh khắc nghiệt đưa cuộc đời anh rẽ sang ngả khác.
Seng tiễn cô ra ga Đồng Đăng. Còi tàu hú lên từng nhịp dài thê thiết. Hạ quay sang nhìn Seng đau đáu: Em còn điều gì giấu chị phải không?
Seng lặng im nhìn ra dãy núi mờ xa, tự dằn lòng bởi lời đã hứa như dao chém vào trong đá.
Chiều hôm đó, cậu tìm đến ngôi nhà nhỏ nằm khuất sâu giữa những cánh rừng hồi, nơi có người thương binh sống âm thầm cùng với cha mẹ già bên đôi nạng gỗ. Anh bị tàn phá gần hết cơ thể vì vụ nổ bất ngờ trong lần rà mìn trên điểm cao 803.
- Cô ấy đã về rồi chứ?
Seng nghẹn ngào gật đầu.
Vĩnh không nói gì, ngoài xa kia ngọn tháp đá sáng rực lên trong chiều biên giới.
7/7/2019
Trần Thị Tú Ngọc
Theo http://vannghequandoi.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...