Thứ Hai, 29 tháng 3, 2021

Mạn đàm về chữ và nghĩa

Mạn đàm về chữ và nghĩa

Nhân đọc “Một kỷ niệm đẹp” của Nguyễn Tấn Hưng
Mặc dầu được biết anh Nguyễn Tấn Hưng là một trong những cây bút phong phú hiện nay ở hải ngoại, đã cho xuất bản một số văn truyện được nhiều độc giả biết đến và khen ngợi, song tôi phải thú nhận là cho đến nay chỉ có cơ duyên đọc mỗi một tác phẩm gần đây của anh: đó là cuốn biên khảo nghiên cứu “Một kỷ niệm đẹp” (1).
Tuy chỉ biết anh qua công trình nghiên cứu này, song tôi đã đọc một cách say sưa và thích thú vì giọng văn tự nhiên, tươi mát của anh và nhất là vì sự nhiệt tình, thiết tha của anh trong công cuộc tìm tòi và sáng tạo để tìm ra một phương pháp xếp chữ Việt bằng máy điện toán cá nhân. Sự cố gắng của anh trong công cuộc tìm tòi và sáng tạo này không ngoài mục đích tô điểm và làm đẹp thêm dòng chữ Việt mà anh tỏ ra hết sức nâng niu, trân trọng.
Cuốn biên khảo “Một kỷ niệm đẹp” của Nguyễn Tấn Hưng đã cho chúng ta cơ hội học hỏi được ít nhiều về các kỹ thuật xếp chữ Việt bằng máy điện toán. Anh Nguyễn Tấn Hưng đã thành công trong nỗ lực làm đẹp thêm dòng chữ Việt về phương diện kỹ thuật.
Sự thiết tha muốn làm đẹp thêm tiếng Việt còn đưa anh đi xa hơn nữa khi anh đề nghị bỏ dấu hỏi mà chỉ dùng toàn dấu ngã (xem chương “Đón Xuân, đem tâm tình viết tiếng Việt” (2). Ở nơi chương này, anh đưa ra bàn cãi và thảo luận về một số ý kiến và đề nghị của chính anh và của một số người khác về các phương thức nhằm giản dị hóa và thống nhất hóa cách viết tiếng Việt. Sở dĩ tôi đặc biệt chú trọng và thích thú khi đọc đến chương này, là vì chính bản thân tôi cũng đã từng thiết tha và mong muốn có một lối viết chữ Việt giản dị và thống nhất.
Thật ra, nếu đem so sánh chữ viết của ta với một số chữ viết khác trên thế giới như Anh ngữ, Pháp ngữ chẳng hạn, chúng ta hẳn phải tự hào rằng chữ viết của chúng ta quả thật đã giản dị lắm rồi: phát âm sao, viết ra như vậy. Tuy nhiên, tôi thiết nghĩ cũng còn đôi ba điều chúng ta có thể sửa đổi được hầu làm cho chữ viết của chúng ta được giản dị và hoàn hảo hơn nữa.
Sau đây là những ý kiến và đề nghị mà tác giả Nguyễn Tấn Hưng đã đề cập đến và đem ra thảo luận trong chương kể trên:
(1)- Trước hết là đề nghị của chính tác giả về việc bỏ dấu hỏi và chỉ dùng dấu ngã trong tất cả các trường hợp. Thí dụ: “biến đỗi” (biến đổi), “thưởng thức” (thưởng thức) v.v... Anh đưa ra lý do vì hai dấu hỏi ngã phát âm gần như nhau (nhất là đối với người miền Nam như anh và cả người miền Trung). Hơn nữa, theo anh, dấu hỏi không có trong mẫu tự quốc tế.
Cũng như sự nhận xét của ông Lê Văn Lân, trong bài Bạt in ở phần cuối sách (3), tôi thấy lời đề nghị xướng xuất bỏ dấu hỏi của anh khó có thể được mọi người chấp nhận, vì lẽ trong chữ viết của ta, dấu nào cũng cần thiết và quan trọng cả. Mỗi một chữ, nếu viết sai dấu, không những sai lỗi chính tả, mà nghĩa lại thay đổi hoàn toàn. Lời văn viết ra cần sự trong sáng và ý nghĩa cần được rõ ràng. Viết sai dấu hỏi ngã, nghĩa của chữ sẽ thay đổi khác đi, cũng như nghĩa một chữ sẽ thay đổi khi ta viết cuối chữ có “g” hay không “g”, hay viết cuối chữ bằng “c” hay “t” v.v... Tóm lại, tuy khi phát âm, sự phân biệt nhiều lúc không được rõ ràng và minh bạch cho lắm, nhưng khi viết ra cần viết đúng chính tả để ý nghĩa mỗi chữ được rõ ràng, sáng sủa, hầu tránh sự hiểu lầm sai lệch.
(2)- Ngoài việc đề nghị bỏ bớt dấu hỏi, anh Nguyễn Tấn Hưng còn đề xướng thay thế chữ “đ” có nét ngang đặc biệt bằng chữ “d” thường, và thay chữ “d” thường bằng chữ “gi”. Anh đưa ra các thí dụ: “giễ hiểu” (dễ hiểu), “khó dọc” (khó đọc) v.v...
Thật ra đề nghị này không có gì mới lạ. Việc thay thế chữ “đ” có nét ngang đặc biệt bằng chữ “d” thường, trên lý thuyết tôi cho là rất hợp lý và xác đáng, vì đa số các ngôn ngữ trên thế giới đều dùng chữ “d” (phát âm như chữ “đ” của ta). Còn chữ “d” thường của ta thì có thể thay thế bằng chữ “gi” (như đề nghị của anh Hưng), hay bằng chữ “z” (như đề nghị của một số người khác), hay bằng chữ “đ” (nhưng phát âm như chữ “d” thường), trên lý thuyết tôi thấy cũng hợp lý.
Tuy nhiên, tiếc thay, lời đề nghị thay thế này lẽ ra phải được đặt ra cho các vị giáo sĩ tây phương ngay từ hồi thế kỷ thứ 17, lúc họ mới phát minh ra chữ viết của ta, hay ít ra cũng trong giai đoạn đầu, lúc mà chữ quốc ngữ còn đang phôi thai, chưa được phổ biến rộng rãi. Bây giờ, nếu muốn thay thế chữ “đ” có nét ngang đặc biệt bằng chữ “d” thường cho phù hợp với cách thức phát âm quốc tế, thì thử hỏi các sách vở, tài liệu viết bằng quốc ngữ mà chúng ta đã có từ hơn 100 năm nay, chúng ta phải giải quyết ra làm sao? Thôi thì đành nâng niu chữ “đ” có nét ngang đặc biệt của ta mà thương yêu nó vậy!
(3)- Một vấn đề khác được tác giả đưa ra thảo luận: đó là việc nên dùng dấu gạch nối cho những tiếng phức vận hay những tiếng ghép, hay là nên viết dính chùm lại các thành phần của những tiếng này? Vấn đề này cho đến nay vẫn chưa được giải quyết một cách thỏa đáng. Một số học giả (Trần Trọng Kim, Nguyễn Duy Cần v.v...) thích dùng dấu gạch nối, một số khác, rất ít, lại thích dùng lối viết dính lại (Hoàng Văn Chí, Phạm Hoàng Hộ v.v...), trong khi đó đa số bỏ hẳn dấu gạch nối, nghĩa là viết rời từng tiếng đơn vận trong bất cứ trường hợp nào.
Tiếng Việt là một thứ tiếng đơn vận (monosyllabic). Cho nên dùng dấu gạch nối cho những tiếng phức vận hay những tiếng ghép xem ra không cần thiết cho lắm. Tuy nhiên, khi phiên âm những tiếng ngoại quốc, dùng dấu gạch nối là một điều cần thiết. Thí dụ: “a-xê-ti-len” (acetylene), “Ma-hô-mét” (Mahomet) v.v... Dấu gạch nối cũng thường hay dùng cho những tiếng Hán-Việt (Thí dụ: “giám-sát”, “tiêu-chuẩn” v.v...).
Điều phải công nhận là khi nhìn một bài viết hay một trang sách có chi chít những dấu gạch nối ở mỗi hàng, hay có những tiếng phức vận hay những tiếng ghép viết dính chùm lại nhau (Thí dụ: “hoảdiệmsơn”, “pháthành” v.v...), cảm giác chung không được thoải mái cho lắm, vì thiếu tính cách thẩm mỹ, gọn gàn và sáng sủa.
(4) - Trước đây, ông Nguiễn Ngu Í (còn ký biệt hiệu khác là Ngê Bá Lí) cũng có tham vọng cải tiến và đơn giản hóa chữ quốc ngữ. Trong những đề nghị của ông, có những đề nghị rất hữu lý, và cũng có những đề nghị khác mà anh Nguyễn Tấn Hưng cho là “cầu kỳ, quái đản” (4).
Trước hết, trong vần “ngh”, ông đề ngị bỏ chữ “h” mà chỉ giữ “ng”. Thí dụ: “ngẹn ngào” thay cho “nghẹn ngào”, “ngề ngiệp” thay cho “nghề nghiệp” v.v... Đây là một đề ngị xét ra rất hữu lí và xác đáng. Tôi không tìm thấy một lý do nào buộc chúng ta phải viết “ngh” (khi nó đứng trước các nguyên âm “e”, “ê” hoặc “i”) thay vì “ng” (khi nó đứng trước các nguyên âm khác). Bỏ chữ “h” trong vần “ngh”, sự phát âm hoàn toàn như nhau, không có gì thay đổi cả. Việc đơn giản hóa và cải tiến chữ viết của ta, ít ra trong trường hợp này, là một điều nên làm. Đứng trên bình diện quốc gia, việc bỏ bớt chữ “h” trong vần “ngh” lại đưa đến cho ta một lợi ích không thể chối bỏ: lợi thì giờ (khi viết hoặc đánh máy), lợi giấy mực (cho tổng số sách báo in ra hằng năm trong toàn quốc và tại hải ngoại), lợi sơn dầu (cho những tấm bích chương, quảng cáo) v.v...
(5)- Một đề nghị khác của ông Nguiễn Ngu Í: thay thế “y” bằng “i”. Thí dụ: “hi vọng” thay cho “hy vọng”, “kỉ niệm” thay cho “kỷ niệm” v.v... Việc thay thế “y” bằng “i” cũng là một đề nghị hữu lý, và đã được một số học giả ưa dùng lâu nay (như Nguyễn Hiến Lê, Trúc Thiên v.v...).
Phần đông trong chúng ta thường viết li - ly, qui - quy v.v... mà không theo một tiêu chuẩn nào nhất định. Thiết tưởng đã đến lúc chúng ta nên thống nhất hóa cách dùng “i” và “y” như sau đây:
- Viết “i” thay thế cho “y” trong trường hợp nguyên âm này đứng một mình hay đầu chữ (Thí dụ: “í kiến”, “tình iêu” v.v...), hay đứng sau một phụ âm (Thí dụ: “hi vọng”, “kỉ niệm”, “li biệt”, “mĩ thuật” v.v...). Riêng chữ “giặt gỵa” được xem như là một trường hợp đặc biệt, vì nếu viết “gịa” có thể đọc nhầm lẫn ra “giạ”.
- “y” vẫn được giữ nguyên khi đứng sau một nguyên âm khác như trong các vần -ay, -ây, -uy (kể cả các vần -uya, uyê-, -uyn(h), -uyt, -uyu v.v...), hoặc khi đứng sau vần qu- (kí hiệu phát âm là /kw-/). Thí dụ: “lay động”, “bây giờ”, “nguy hiểm”, “đêm khuya”, “tuyên bố”, “tuyết rơi”, “màn tuyn”, “lưu huỳnh”, “xe buýt”, “khuỷu tay”, “quy chế”, “cam quýt” v.v...
Ông Nguiễn Ngu Í đã sai lầm khi muốn thay thế hẳn “y” bằng “i”. Sự thiếu căn bản về ngữ âm học đã khiến ông có lối viết mà tôi cho là lập dị, quái gở, khi ông viết tên họ của ông là “Nguiễn” thay vì “Nguyễn”, hay là viết: “thai đổi” thay vì “thay đổi” v.v... Cũng vì tính lập dị đó mà ông còn đề xướng bỏ chữ “u” trong vần “qu”: “qan trọng” thay cho “quan trọng”, “qê hương” thay cho “quê hương” v.v... Chúng ta đều biết rằng “q” luôn luôn phải có “u” đi kèm theo để tạo thành vần “qu” khi ghép vào một chữ. Cho nên, cách viết lập dị và quái gở này chỉ có riêng mỗi một mình người chủ xướng là ông Nguiễn thực hành mà thôi.
(6)- Hiện nay, có người ưa dùng “f” thay thế cho vần “ph”. Thí dụ: “fi cơ” thay vì “phi cơ”, “fúc đáp” thay vì “phúc đáp” v.v... Tôi công nhận là có phần giản dị thật. Song có vẻ lai căng, âu hóa quá, vì lẽ phụ âm “f” vốn không có trong mẫu tự của ta.
(7)- Riêng về vấn đề bỏ dấu cho các vần “oa”, “oe”, và “uy” (kí hiệu phát âm là /wa/, /we/ và /wi/), trên phương diện ngữ âm học, tôi đề nghị chúng ta nên chọn tiêu chuẩn chung là bỏ dấu trên nguyên âm thứ hai. Thí dụ: “hoà bình” (thay vì “hòa bình”), “khoẻ mạnh” (thay vì “khỏe mạnh”), “huỷ bỏ” (thay vì “hủy bỏ”) v.v...
Trong các ký hiệu phát âm /wa/, /we/ và /wi/, ta thấy ngay rằng dấu nhấn (các thanh huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã) chỉ có thể đặt trên các nguyên âm /a/, /e/ và /i/ mà không thể nào đặt trên phụ âm /w/ được. Tôi nhớ cách đây đã lâu đã có lần giáo sư ngôn ngữ học Nguyễn Đình Hòa biên thư cho tạp chí thế kỷ 21 lưu ý về việc, trong chữ “tòa” của “tòa soạn”, tòa báo bỏ dấu trên nguyên âm “o” thay vì bỏ dấu trên nguyên âm “a”, điều mà ông cho là không được đúng.
Việc đưa ra những ý kiến, đề nghị để đổi mới hầu cải tiến và giản dị hóa tiếng Việt là một điều cần được khích lệ, nếu những ý kiến, đề nghị đưa ra xét thấy có phần hữu lý và xác đáng.
Cũng như tác giả “Một kỷ niệm đẹp”, tôi đã đưa ra trên đây một vài ý kiến và đề nghị xây dựng ngõ hầu làm đẹp thêm cho tiếng Việt. Việc “làm đẹp” này, theo tôi, là nhiệm vụ chung của tất cả những ai trong chúng ta hằng có lòng ưu tư và thiết tha với ngôi nhà văn hóa Việt Nam.

Chú thích:
1- Nguyễn Tấn Hưng. Một kỷ niệm đẹp: Một phương pháp xếp chữ Việt bằng máy điện toán cá nhân. California, U.S.A., Đại Nam, 1991. 176 tr.
2- sđd, tr.85-96
3- sđd, tr.173-76
4- sđd, tr.92.
Tháng 10/1995
Trúc Huy
Theo http://www.saigonline.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Gánh xiếc trong mưa – Truyện ngắn của Võ Đào Phương Trâm 6 Tháng Tư, 2023 Những thanh sắt cao lêu nghêu, những chiếc vòng đủ kích thướ...