Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

Tết ở Quy Nhơn

 Tết ở Quy Nhơn

Quy Nhơn là nơi tụ nhân, nơi tụ nghĩa. Nhưng với tôi, Quy Nhơn còn hơn thế. Đó là nơi tụ anh em, bạn bè tôi. Mười năm tôi ở Quy Nhơn, căn phòng vợ chồng tôi bắt đầu là 12 mét vuông, ở khu tập thể 398 Trần Hưng Đạo. Sau 5 năm, tôi được chuyển tới căn phòng 24 mét vuông, gấp đôi căn phòng cũ, ở khu chung cư tỉnh mới xây cho cán bộ chưa có nhà ở. Tôi có chút may mắn, được lãnh đạo tỉnh biết đến, biết tôi ở căn phòng quá chật hẹp, lại thường xuyên sáng tác trên một chiếc “bàn” vốn là một chiếc băng làm bằng gỗ tạp người ta để chậu hoa. Nhưng căn phòng 12 mét vuông ở tầng hai ấy của tôi trong suốt 5 năm không lúc nào ngớt khách. Rồi ở 5 năm sau, căn phòng 24 mét vuông của tôi càng đông khách hơn, có lẽ vì… rộng hơn? Khách rất đa dạng, từ các nhà văn nhà thơ lớn danh và lớn tuổi như Xuân Diệu, Văn Cao, Hữu Loan, Phùng Quán, Phạm Hổ, Nguyễn Thành Long, Nguyên Ngọc, Vũ Ngọc Liễn, Trần Hinh… - những người mà tôi rất yêu mến và kính trọng, tới các nhà văn nhà thơ cùng trang lứa với tôi, như Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo, Trung Trung Đỉnh… Rồi tới bạn bè anh em “nửa ngoài nửa trong xã hội” nhưng thân thiết với tôi, rồi tới các đàn em quý mến tôi và tôi quý mến họ, rồi tới anh em giang hồ thứ thiệt như “Sơn Đông mãi võ” Hàn Phi Quang… Rồi tới… Chưa kể, nhà thơ Ngô Thế Oanh bạn tôi thì thường xuyên ăn cơm ở căn phòng 12 mét vuông của tôi, nhà thơ Từ Quốc Hoài có nhà ở gần tôi nên thường chạy tới chơi, rồi anh Mai Hoàng - cán bộ Ban Tuyên huấn - nhưng là anh em thân thiết nên thường lui tới. Khi về khu nhà tập thể của tỉnh thì có vài ba chú em thường xuyên cư trú tại nhà tôi, dù không có hộ khẩu. Rồi các nhà thơ mới nổi, các nhà thơ tiềm năng, các nhà thơ triển vọng… Họ coi căn phòng nhà tôi như một “chòi thơ” mát mẻ, nơi tạo nguồn cảm hứng cho họ. Tôi rất vui vì điều đó, dù mình không hề được Hội nhà văn phân công làm công tác “bồi - dưỡng - tiền - hội - viên” này. Gần như nhà tôi, cách vài ngày lại có khách. Vui thì vui mà lo thì lo. Vui thì ai cũng biết, còn lo thì nhiều khi chỉ vợ chồng tôi biết. Không lo gì cao xa, chỉ lo… thiếu tiền đi chợ, thiếu tiền mua rượu, dù là rượu rẻ tiền. Nhưng bạn bè, anh em “ngoài xã hội” luôn là quý nhân phù trợ tôi. Nhiều lúc nhà hết gạo, thì đột nhiên chú em Huệ “đen” - một nhà thơ tiềm năng kiêm tài xế chạy xe tải Kamaz chở gạo của Công ty Lương thực miền Trung lại ào đến, đạp xuống cho vài bao gạo. Một bao để nấu cơm ăn, dĩ nhiên, còn một bao bán lấy tiền mua thức ăn và mua… rượu, càng dĩ nhiên hơn. Nhưng trời thương, tôi vốn
tính thật thà, cái thật thà lại hiện cả ra nét mặt, nên tôi được các mẹ - chị bán hàng, từ chợ tới quán… thương. Họ luôn vui vẻ bán chịu thực phẩm cũng như rượu cho tôi, vì nghĩ tôi không chạy làng. Đúng vậy. Lúc nào kiếm được chút tiền là tôi trả nợ ngay, không để nợ nần dây dưa. Chính vì thế tôi sống khá lạc quan. Tôi rất thấm thía câu thơ của đại thi hào Lý Bạch: “Trời sinh thân ta ắt có dùng/Nghìn vàng tiêu hết rồi lại đến”. Lý Bạch sướng thật đấy! Tôi thì “tấm thân nhỏ bé” chẳng biết có ai dùng không, nghìn vàng tuyệt nhiên không biết là cái gì, nhưng đúng là những lúc “đói” nhất lại luôn được phù trợ. “Cực thì cực mà vui thì vui”, hình như dân ca Nghệ Tĩnh có câu như vậy. Tôi gốc Nghệ từ mấy mươi đời trước, nên thấm thía câu hát này. Tôi ở Quy Nhơn đặc biệt như thế nên Tết Quy Nhơn với tôi không thể không đặc biệt. Nói tới chuyện Tết nhất ở Quy Nhơn, thì đối với gia đình tôi, Tết luôn là một nguồn vui bất tận. Đơn giản, vì 10 năm tôi ở Quy Nhơn, chưa Tết nào tôi ăn Tết trọn vẹn ở thành phố biển này. Vì tôi còn có cha mẹ già ở quê - Mộ Đức, Quảng Ngãi. Nên Tết nào vợ chồng tôi cùng con cái cũng về quê ăn Tết với cha mẹ, ông bà. Nhưng tôi biết sắp xếp, nên Tết nào cũng “nửa thân Quảng Ngãi nửa hồn Quy Nhơn”, nghĩa là mình tìm cách “ăn Tết trước” ở Quy Nhơn, sau đó mới về Quảng Ngãi ăn Tết với cha mẹ. Rồi khoảng mùng 3 mùng 4 Tết cả nhà lại đùm túm vào Quy Nhơn… ăn Tết tiếp. Thế nên, trong 10 năm ở Quy Nhơn, tôi đi dự lễ hội mùng 5 Tết ở Tây Sơn ít nhất cũng được dăm lần. Tôi đi dự lễ hội Đống Đa - Tây Sơn từ hồi cây cầu Kiên Mỹ còn thuộc dạng “cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi”, bềnh bồng trên mặt nước, mãi sau này mới có cầu xây. Có những lần, chen vai thích cánh qua chiếc cầu tre lắt lẻo đầy lãng mạn đó, nguy cơ gãy cầu là hiện hữu. Nhưng bà con đi dự lễ hội không ai lấy đó làm điều, vẫn vui như… hội, tưng bừng đạp chân qua cầu như… Tết. Chừng nào rớt xuống sông Côn hẳn hay. Đi hội vui thật đấy! Chả trách, không chỉ nam thanh nữ tú chen chân đi hội, mà các cụ già hay sồn sồn cũng rất hồ hởi lên đàng. Tôi nhớ nhà văn hóa Vũ Ngọc Liễn. Hình như Tết mùng 5 nào ông cũng đi dự lễ hội Tây Sơn. Và lúc về, thế nào ông cũng rủ tôi “lỳ một lam” rượu Bàu Đá thứ thiệt, trong veo như mắt mèo, nếu quả thật mắt mèo trong veo. Tôi nhớ, có lần trên đường viếng Đền thờ “Tây Sơn tam kiệt” về, qua thị trấn Phú Phong, ông Liễn đưa tôi vào một quán nhậu “tuyệt đối bình dân”. Chủ khách phân ngôi thứ xong, ông Liễn gọi dõng dạc: “Nói mấy đứa cho bác một xị Bàu Đá xịn, với hai con chim mía nướng còn… tươi roi rói nghe!”. Quả tình, tôi không biết chim mía nướng “tươi roi rói” là thế nào, nhưng vô cùng hào hứng cùng ông Vũ Ngọc Liễn nâng ly mừng năm mới. Chỉ một xị rượu đế và hai con chim mía nướng nhỏ xíu, nhưng hai chúng tôi bàn đủ chuyện trên trời dưới đất, từ văn chương sang thời thế, vui như Tết! Lúc rời quán, tôi độ được mấy câu, lấy hứng từ ca dao Nam bộ, ghi nhớ cuộc hội ngộ với nhà Tuồng học danh tiếng: “Mừng Xuân mình đạp bồng bềnh Cầu tre Kiên Mỹ gập ghềnh khó đi Khó đi ông Liễn dắt đi Lúc về hỉ hả ta lỳ một lam Già mà ham, trẻ càng ham Chim mía tươi rói có làm được chi” Đúng là chỉ vui chứ không làm được chi thật. Lễ hội Đống Đa - Tây Sơn mùng 5 Tết là lễ hội của lòng yêu nước, của tinh thần quyết thắng mà dân tộc Việt đã mang trong huyết quản của mình từ bao đời, nên mỗi lần tham gia Lễ hội lại thấy trong lòng sảng khoái khó tả. Mùng 8 Tết năm đó, ông Vũ Ngọc Liễn cúng đầu năm. Ông mời tôi và nhà thơ Từ Quốc Hoài xuống nhà ông chơi, tất nhiên là có lai rai. Chúng tôi vui vẻ nhận lời, đi xe đạp xuống nhà ông ở khu vực Cảng Quy Nhơn. Vừa gặp chúng tôi, ông Liễn đã cẩn thận liếc nhìn xem cụ bà đang ở đâu. Thấy êm, ông mở tủ lạnh mang ra hai chai bia Sài Gòn không nhãn mác, một món đồ uống rất xịn hồi đó. Ba anh em hồ hởi nâng ly. Có cảm giác, vào lúc đó, không có loại bia nào trên thế giới ngon bằng bia Sài Gòn với hình thức không thể giản dị hơn. Uống tới đâu mát tới đó. Sau này, nhà văn kiêm nhà báo Xuân Ba của báo Tiền Phong sau chuyến “du Quy Nhơn” và gặp gỡ, ăn nhậu, đàm đạo với nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, Xuân Ba đã viết một bài rất hay in trên báo Văn Nghệ - “Quý nhân Quy Nhơn”. Đọc bài báo này, tôi càng thêm tự hào về người bạn vong niên Vũ Ngọc Liễn của mình, người bạn già đã chia sẻ cùng tôi con “chim mía nướng tươi roi rói” ở thị trấn Phú Phong - Tây Sơn ngày mùng 5 Tết. Quy Nhơn thời tôi sống, thành phố nhỏ bé thôi, nhưng có một sức hút nào đó thật kỳ lạ. Nhiều đêm đi chơi về khuya, đạp xe qua những con phố nhỏ, đi dọc đường Nguyễn Huệ ven biển, tự nhiên thấy lâng lâng. “Quy Nhơn bình yên thân quen từng giọng nói”, nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha có câu hát như vậy, trong ca khúc “ Quy Nhơn thành phố thơ ca” của anh. Khi mỗi giọng nói bạn bè đã trở nên thân quen với mình đến thế, thì thành phố gần gũi thân thương là chuyện khỏi phải bàn. Không ai muốn sống mãi trong thời bao cấp nghèo khổ, nhưng bây giờ nghĩ lại, hóa ra, thời nghèo khổ ấy lại là thời con người sống với nhau có nghĩa có tình nhất, anh em sống với nhau vui vẻ nhất, chan hòa nhất. Với anh em lớp tuổi chúng tôi đã qua chiến trường, thì đó là thời sống đẹp và vui nhất của đời mình. Như thế, cũng gọi là hạnh phúc chứ ạ? Đó cũng là tiền đề cho những cái Tết đầm ấm tại thành phố biển này.
Thanh Thảo
Theo http://www.baobinhdinh.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...