Thứ Năm, 25 tháng 3, 2021

Phần I Dẫn nhập: Hai vị thiền sư - Phạm Công Thiện

Phần I Dẫn nhập: 
Hai vị thiền sư - Phạm Công Thiện

Tôi được may mắn quen biết Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát khi hai vị này còn rất trẻ và còn dưới hai mươi tuổi. Bây giờ hai vị đã được 45 tuổi (cả hai đều sinh năm 1943). 
Lúc tôi quen biết hai vị thì hai vị hãy còn là những chú tiểu ở chùa; bây giờ thì hai vị đã trở thành hai vị Thiền sư lỗi lạc và lại cũng là Anh Hùng Dân Tộc của Lịch Sử Việt Nam hiện đại. Tại sao "gọi là Anh Hùng Dân Tộc" thì rất dễ nhận thấy (mà cụ thể nhất là cái án tử hình về tội “phản cách mạng và bạo động vũ khí lật đổ chế độ”, vân vân). 
Nhưng tại sao gọi Lê Mạnh Thát và Tuệ Sỹ là “hai vị Thiền sư lỗi lạc nhất, thông minh nhất, uyên bác nhất, trong sạch nhất của Việt Nam hiện nay”? “Thiền sư” à? Chỉ nội cái danh hiệu “thiền sư” đã là mệt rồi, lại còn thêm mấy chữ mơ hồ như “lỗi lạc nhất, thông minh nhất…”? Tôi muốn nói về Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát với tất cả thận trọng và suy nghĩ chín chắn cặn kẽ, và tôi xin chịu mọi trách nhiệm về cái nhìn khác thường của tôi đối với nhị vị. 
Tại sao là “thiền sư”? Và “thiền sư”: Là thế nào? Không cần trả lời trực tiếp về những câu hỏi bất thường này. Nơi đây, tôi chỉ xin nhấn mạnh đôi điều gián tiếp và ai muốn hiểu gì thì cứ hiểu. Không ai có thể tự nhận đủ thẩm quyền tôn giáo và tâm linh để trả lời dứt khoát những câu hỏi bất thường trên. Chỉ có những kẻ bỏ cả trọn đời mình lặng lẽ sống chết với cái gọi là “Bồ Đề Tâm” hay “Phát Bồ Đề Tâm” thì may ra mới trực nhận đâu đó khí phách và thần dụng bảng lảng của “nghịch hành thiền”. 
Mấy chữ “thiền sư” đã bị người ta lạm dụng để tự truy tặng một cách lố bịch hay truy tặng kẻ khác với nông nổi dễ dãi tự mãn phè phỡn nông cạn, nhất là từ lúc Thiền hay Zen trở thành cái mốt trí thức đốn mạt. Bất cứ người nào tỏ vẻ “kiêu ngạo khác thường” một chút là có những hành động cử chỉ “ngược đời trái đạo” một chút thì tự gán hay bị gán là “thiền sư”. 
Lê Mạnh Thát và Tuệ Sỹ không bao giờ tự nhận lời “thiền sư” và cũng không bao giờ nghĩ mình là cái gì cả trên mặt đất này. Hai người này chỉ là những kẻ lễ độ khiêm tốn một cách tự nhiên và không bao giờ biết giả vờ “hạ mình” với ý đồ kín đáo chà đạp lên trên kẻ khác. 
Có sống bên cạnh Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát từ ngày này qua ngày khác, trong những hoàn cảnh khác nhau, thì mới may ra cảm nhận đôi chút tác phong thiền sư kín đáo toát ra một cách tự nhiên và một cách “vô công dụng hạnh” từ đời sống thường nhật và tinh thần “diệu nhập” của hai vị. Tôi xin gọi hai vị này là “Thiền sư” với tất cả đắn đo thận trọng và với tất cả ý nghĩa cao đẹp và “như thực” của một danh xưng “xung thiên chí”... 
Giữa dòng thác lũ ào ạt và địa chấn thường trực của sinh mệnh, thế mệnh, và tính mệnh của quê hương, một sớm hôm nào đó, tôi đã được xô đẩy lặn hụp với Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát; tất cả ba anh em chúng tôi đều xuất thân từ Viện Phật Học miền Trung mà vị cha già của chúng tôi Hòa Thượng Trí Thủ (người đã bị Cộng sản Hà Nội thủ tiêu ngay lập tức sau khi Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát bị bắt giam vào ngày 1 tháng 4 năm 1984, vì “tội tán thành, ủng hộ, che chở, đùm bọc hành động phản cách mạng, lật đổ chế độ Cộng sản”). 
Đối với tôi, từ lúc nào cho đến lúc nào thì Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát cũng như và hơn cả “những đứa em ruột thịt” (mang vị thế “đàn anh” thì chỉ thực sự là “anh” khi mình có đủ sức mạnh và sở kiến xô đẩy cho những đứa em vượt xa hơn mình, và sự thực hiện nay là Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát đã vượt xa hẳn tôi đến nghìn trùng biên tế trong việc cưu mang trọn vẹn Tính Mệnh Việt Nam mà hậu quả bi đát là cái án tử hình do Hà Nội tàn nhẫn thực hiện bao nhiêu lần đối với bao nhiêu bộ óc siêu việt và bao nhiêu Anh hùng Liệt sĩ bất khuất của Dân Tộc). 
Cả ba anh em đều lớn lên, trưởng thành và làm việc với Viện Đại Học Vạn Hạnh mà chúng tôi coi như mái nhà gia đình trong cả nghĩa đen lẫn nghĩa trắng; chúng tôi đều là thành phần chính yếu nhất của Ban Biên Tập Tạp chí Tư Tưởng do tôi chủ trương thành lập, cùng với Ngô Trọng Anh, Tuệ Sỹ, Trí Hải (Phùng Khánh), Chân Hạnh, Lê Mạnh Thát. Tất cả ý thức dẫn đạo cho cả Viện Đại Học Vạn Hạnh là do chính tất cả anh em chúng tôi quyết định (vị Viện Trưởng đương thời chỉ có thế lực về mặt hành chánh quản trị đại học, còn tất cả đường hướng tư tưởng triết lý dẫn đạo đều do chúng tôi khai thông và thể hiện trong những năm từ 1966 đến 1970, sau đó, tôi xa lìa Việt Nam cho đến nay và tôi không còn biết rõ tinh thần Vạn Hạnh như thế nào từ 1970 cho đến khi bị Cộng sản đóng cửa vào khoảng sau năm 1975. 
Thực sự từ những năm 1966 cho đến 1970, Lê Mạnh Thát đang còn du học tại Hoa Kỳ, học ban tiến sĩ tại Viện Đại Học Wisconsin, Madison, hình như mãi đến năm 1973 mới về Đại Học Vạn Hạnh nhưng chúng tôi vẫn liên lạc với nhau thường xuyên, nhất là qua bài vở của tạp chí Tư Tưởng. 
Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát đều sinh năm 1943 (Thát sinh quán tại Quảng Trị và Tuệ Sỹ thì nguyên quán tại Quảng Bình và ra đời ở Paksé tại Lào). Tên thực của Tuệ Sỹ là Phạm Văn Thương và pháp hiệu Tuệ Sỹ do chính mình tự đặt ra, có lẽ vì muốn theo gương của vị Đại Thiền sư đời Trần Tuệ Trung Thượng Sỹ? Cũng như Lê Mạnh Thát đã tự đặt pháp hiệu là Trí Siêu để gợi lại tên tuổi của hai vị Trưởng lão Thiền sư có tài và có đức nhất thời hiện đại? 
Tuệ Sỹ và Trí Siêu đều tu ở chùa từ lúc rất bé nhỏ; cả hai đều rất giỏi chữ Hán, và rành chữ Pháp, chữ Anh, đọc hiểu chữ Đức, đọc được chữ Pali và chữ Phạn (Lê Mạnh Thát cũng biết đôi chút chữ Tây Tạng); cả hai đều có kiến thức uyên bác về những kinh luận chính yếu của Phật giáo Nguyên Thủy và Đại Thừa. 
Ít có nhà Phật học nào ở Việt Nam có thể am hiểu tường tận về tư tưởng Vasubandhu và cả tư tưởng Asanga cho bằng Lê Mạnh Thát; cũng như có ít người hiểu được tư tưởng Abhidharma (hệ thống phức tạp nhất của Phật giáo Nguyên Thủy) và tư tưởng Nagarjuna một cách sâu sắc cho bằng Tuệ Sỹ. Chẳng những thế, Lê Mạnh Thát và Tuệ Sỹ đều có kiến thức sâu rộng về Triết học Tây Phương (Tuệ Sỹ đọc rất kỹ Heidegger và Michel Foucault; bài diễn thuyết đầu tiên về Michel Foucault tại Việt Nam dạo đó là do Tuệ Sỹ thuyết trình tại giảng đường Đại Học Vạn Hạnh; còn Lê Mạnh Thát rất thông thạo về Marxism, đọc cặn kẽ bộ Recherches logiques của Husserl, hiểu biết rành rọt Wittgenstein và Bertrand Russell và Merleau-Ponty. 
Tuệ Sỹ thì có tâm hồn thi sĩ chơi vơi, sống trọn vẹn trong thế giới nghệ thuật và thi ca, thổi sáo, chơi dương cầm, làm thơ, say mê thi sĩ Đức Hoelderlin, đọc hết toàn tập Đường thi ngay nguyên tác, viết một tác phẩm sâu sắc thơ mộng nhan đề "Tô Đông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng"; còn Lê Mạnh Thát thì không biết làm thơ và chẳng hề để ý đến nghiên cứu văn chương nghệ thuật, mà chỉ say mê luận lý học, khoa học và toán học, nghiên cứu sâu rộng về kinh tế, chính trị, và quân sự nhất là lịch sử thế giới, đặc biệt nhất là lịch sử những cuộc cách mạng ở thế giới (trong thư viện của tôi ngày xưa tặng cho Phật Học Viện Nha Trang có bộ sách Révolution Russe của Trotski). 
Hồi đó vào khoảng năm 1962 hay 1963, tôi thấy Lê Mạnh Thát thường mượn đi mượn lại bộ sách ấy. Lê Mạnh Thát rất nặng tính thực nghiệm duy lý khoa học. Tôi còn nhớ vào năm 1968, nhân dịp được US State Department mời qua thăm viếng một số trường đại học Hoa Kỳ, tôi có dịp gặp Lê Mạnh Thát tại Wisconsin và không ngờ đó là lần cuối cùng và mãi đến bây giờ là 20 năm rồi mà chúng tôi vẫn chưa gặp nhau lại; đêm cuối cùng ấy, chúng tôi đã thức suốt đêm nói chuyện, và Thát đã làm tôi tức cười một cách khó quên khi Thát đề nghị xử dụng computer để hệ thống hóa tư tưởng bao la của Bát Nhã Ba La Mật. Còn nói riêng về mặt lịch sử Phật giáo bộ Chân Nguyên toàn tập (2 cuốn) và bộ Sơ thảo Lịch Sử Phật giáo Việt Nam (mới in được 2 cuốn) của Lê Mạnh Thát là những sử liệu quý báu nhất chưa từng thấy xuất hiện tại Việt Nam từ cả thế kỷ nay. 
Chính Thát là người đầu tiên đã phát hiện ra "Sáu Bức Thư" quan trọng ở thế kỷ thứ V ở Việt Nam giữa Đạo Cao, Pháp Minh và Lý Miễu. Trong Nghiên Cứu Lịch Sử năm 1981 ở Việt Nam. Trần Văn Giàu đã trích dẫn tài liệu của Lê Mạnh Thát về “bằng chứng sáng tỏ của một số sinh hoạt văn hóa của nhân dân Giao Châu hồi thế kỷ thứ V... rằng sinh hoạt văn hóa đó đã phát triển đến một trình độ đáng tự hào, mang nhiều đặc sắc dân tộc, yêu nước. “cả một kho tàng chờ đợi chúng ta khai thác.” 
Lý thuyết gia cộng sản Trần Văn Giàu đã tận lực khai thác sự phát hiện của Lê Mạnh Thát để xuyên tạc một cách ngu xuẩn tất cả nội dung tư tưởng cao siêu của Việt Nam ở vào thế kỷ thứ V. Cộng sản Việt Nam cũng xử dụng và khai thác triệt để những công trình nghiên cứu độc đáo của Lê Mạnh Thát về Nguyễn Trãi, nhân dịp UNESCO tổ chức kỷ niệm lần thứ 600 ngày sinh nhật của Nguyễn Trãi. Điều này ít ai biết. Nếu không bị giam từ ngày 1 tháng 4 năm 1984 thì chắc chắn Lê Mạnh Thát còn tiếp tục phát hiện biết bao điều bí ẩn dấu kín "đã chôn vùi trong bóng tối ngàn năm" như lời của Trần Văn Giàu nói về sự phát hiện tư liệu lịch sử về thế kỷ thứ V ở Việt Nam do Lê Mạnh Thát khai quật ra từ "Hoàng Minh Tập" và sau cùng mới đây khi Lê Mạnh Thát và Tuệ Sỹ bị Hà Nội kết án tử hình thì đó chính là sự phát hiện lỗi lạc nhất của nhị vị để cho cả thế giới thấy rằng Cộng sản Việt Nam đã lạnh lùng tàn phá tiêu diệt tất cả những gì là tinh ba, là trí tuệ thượng đẳng tâm linh siêu việt của dân tộc. 
Từ lúc hãy còn rất nhỏ cho tới lớn khôn trưởng thành, Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát đều sống một đời tu hành khắc khổ và trong sạch hoàn toàn, không bao giờ ham mê danh vọng thế tục, không bao giờ để ý đến địa vị xã hội và chẳng bao giờ biết đến tiền bạc lợi lộc cho chính bản thân. 
Trong lòng nhị vị vẫn thường trực hừng hực thệ nguyện vô biên đến Giác ngộ vì lợi cho tất cả và giải thoát cho tất cả, mà bước đi hùng dũng đã được thể hiện oanh liệt nhất hiện nay là dâng hiến cả sinh mệnh mình để giải phóng quê hương thoát khỏi cái chủ nghĩa ngu xuẩn nhất, tàn bạo nhất và vô minh nhất của thế kỷ XX. 
Chúng ta chỉ đủ sức nhìn thấy được những Thiền sư đúng nghĩa mỗi khi nào chúng ta có đủ sức mạnh tâm linh để tự quên mình, cũng như Đại sư Đạo Cao đã dạy thống thiết trong sách “Sáu Bức Thư ở thế kỷ thứ V” mà Lê Mạnh Thát đã phát hiện cho toàn dân tộc: 
“Nếu quên mình mà hết lòng thành thì tất cả cảm và có cảm thì tất có thấy: không cảm thì không thấy. Thánh nhân đâu phải không thường ở với quần sinh, đâu phải là ta không thường thấy”. 
Lê Mạnh Thát và Tuệ Sỹ đã quên mình mà hết lòng thành thì tất nhiên nhị vị cảm được tất cả những đổ vỡ bi đát của quê hương và kiếp người: Hai người đã được hết tất cả tính mệnh của Việt Nam thì tất nhiên nhìn thấy được những gì vẫn giữ lại Việt tính, và họ đã lên đường trở thành những Đạo sư dẫn đường cho cả dân tộc. Lúc Hà Nội kết án tử hình Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát hay bất cứ kẻ nào khác vô danh đã tranh đấu cho quyền làm người Việt Nam thì chính Hà Nội đã kết án tử hình toàn thể dân tộc. 
Khi mà toàn thể dân tộc Việt Nam bị một chế độ tàn bạo kết án tử hình thì đó cũng là lúc chế độ ấy đang tự hủy diệt trong lòng địa chấn linh diệu của Đại mệnh Việt Nam. 
PHẠM CÔNG THIỆN 
California ngày 18.10.1988 
Chú thích cần biết: Về những tác phẩm khảo luận nghiên cứu của Lê Mạnh Thát và những tác phẩm văn thơ của Tuệ Sỹ, tôi sẽ đề cập cặn kẽ vào dịp thuận tiện khác. 
Bài này được viết ra với đôi điều nhấn mạnh cần thiết về đôi ba nét sống tri thức và tâm linh của Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát để phổ biến cho cộng đồng trí thức quốc tế: Tôi lên tiếng một cách lễ độ với tư cách là nguyên Giáo sư Triết học Tây Phương Viện Đại Học Toulouse, Pháp Quốc, nguyên Giáo sư Phật Giáo Viện College of Buddhist Studies, Los Angeles, Hoa Kỳ, nguyên Giám Đốc Soạn Thảo Tất cả Chương Trình Giảng dạy cho tất cả Phân Khoa Viện Đại Học Vạn Hạnh từ năm 1966-1968, nguyên khoa trưởng Phân khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn của Viện Đại Học Vạn Hạnh từ năm 1968-1970, sáng lập viên và nguyên chủ trương biên tập tạp chí Tư Tưởng của Viện Đại Học Vạn Hạnh, 1966-1970. Ngoài ra đối với những hội Văn Bút Quốc tế, với tư cách là nhà văn và tác giả vài chục quyển sách đã xuất bản tại Việt Nam và hải ngoại từ 1957-1988. Báo Nguồn Sống số 16-17, 1989, San Jose, California 
LỜI GIỚI THIỆU TÁC PHẨM 
"TUỆ SỸ - VỊ THẦY CỦA BỐN CHÚNG"
(Sách mới của Tâm Thường Định) 
NGUYÊN GIÁC 
Người viết hân hạnh được tác giả Tâm Thường Định (Bạch Xuân Phẻ) mời giới thiệu tác phẩm “Tuệ Sỹ - Vị Thầy Của Bốn Chúng” mới ấn hành, đúng ra là tái bản với nhiều hiệu đính và bổ sung. Không tham dự được Hội Sách “Có Mặt Cho Nhau 2” tại San Jose ngày 19/10/2019, do vậy bài này được viết ra để trân trọng cảm ơn và để hỗ trợ các sinh hoạt hoằng pháp rất mực quý giá như thế. 
Tác phẩm viết bằng song ngữ Anh Việt, ấn hành lần đầu là năm 2017, lần tái bản này năm 2019 với nhiều bổ sung. Bìa là tranh vẽ Thầy Tuệ Sỹ của họa sĩ Đỗ Trung Quân. Đang phát hành trên mạng Amazon ở địa chỉ: https://www.amazon.com/. 
Duyên khởi để hình thành tác phẩm là, theo Tâm Thường Định viết nơi Lời nói đầu: “Nhân dịp sinh nhật của Thầy, chúng tôi mạo muội làm việc nho nhỏ này như một món quà từ phương xa để kính dâng một vị Thầy lớn của Phật giáo Việt Nam, người đang âm thầm hành đạo trong kiên trì và nhẫn nại với tấm lòng từ bi rộng lớn. Trí tuệ của Người là ngọn hải đăng của nhiều thế hệ, trong đó có chúng con”. 
Được biết, Thầy Tuệ Sỹ sinh ngày 15 tháng 2 năm 1943. 
Có thể hiểu dễ dàng duyên khởi về sách này, nếu chúng ta biết rõ về tác giả Tâm Thường Định, một huynh trưởng Gia Đình Phật Tử tại California. Tác giả đã trải qua nhiều năm đọc các bài viết của Thầy Tuệ Sỹ, do vậy từng trang sách đều hiển lộ tấm lòng rất mực tôn kính với Thầy. Bản thân Tiến Sĩ Tâm Thường Định cũng là một giáo viên dạy Hóa học tại một trường trung học ở Sacramento, đồng thời đang dạy về Thiền Chánh Niệm (Mindfulness Meditation) tại nhiều học khu California. Đồng thời, tác giả Tâm Thường Định cũng hoạt động trong nhóm một số Phật tử thiện nguyện vào hướng dẫn Thiền tập và giáo pháp trong nhà tù Folsom State Prison (B-yard) - nơi giam 3.300 tù nhân hình sự. 
Người viết không dám bình luận gì về tiếng Anh của tác phẩm “Tuệ Sỹ - Vị Thầy Của Bốn Chúng” vì trình độ tiếng Anh của người viết phần lớn là tự học, không thể bằng tác giả Tâm Thường Định. Một số bản dịch và bài viết của Tâm Thường Định trong bản tiếng Anh lại có hỗ trợ từ Giáo sư Ngôn ngữ học Nguyễn Văn Thái, do vậy người viết không dám bàn về phần tiếng Anh (ngay cả, khi có thắc mắc). 
Lý do phải viết song ngữ chỉ vì giới trẻ, ngay cả trong các đơn vị Gia Đình Phật Tử Việt Nam cũng không đọc được tiếng Việt. Và như thế, các em này hoàn toàn bị đứt lìa với Phật giáo Việt Nam, không thấy được công trình của các nhân vật đã đóng góp lớn cho Phật giáo Việt Nam, trong đó có Thầy Tuệ Sỹ. 
Nơi đầu sách có Lời giới thiệu bằng tiếng Anh của Tiến Sĩ W. Edward Bureau, và phần này do cư sĩ Doãn T. Kim Khánh dịch ra tiếng Việt. Lời này chủ yếu là nhận định của GS Bureau về công việc đi dạy Thiền Chánh Niệm của Tâm Thường Định (Phe Bach) tại các học khu California. 
Tiến sĩ Bureau viết, nơi đây trích bản Việt dịch như sau: 
“Phương cách lãnh đạo có chánh niệm hiện hữu ngay trong thiên nhiên, vừa đúng lúc vừa vượt thoát được khái niệm thời gian. Đó là cốt lõi của phương pháp lãnh đạo luôn có mặt ở hiện tại và chia sẻ hiện tại với người khác. Khái niệm này chính là tâm huyết mà Phẻ trao truyền cho những nhà giáo dục khắp California trong những buổi huấn luyện việc đưa chánh niệm vào lớp học. Làm được như vậy rõ ràng là đem lại cho cả nhà giáo dục lẫn người học sức khỏe về cả tinh thần lẫn thể chất, đồng thời phương pháp dạy và học trong chánh niệm cũng tạo bối cảnh cho tâm từ bi và an lành”. 
Tiếp theo, là Lời Giới Thiệu của Thầy Thích Nguyên Siêu (từ San Diego, California), chủ yếu nói về nội dung sách. 
Trong này, Thầy Thích Nguyên Siêu viết về sách của Tâm Thường Định, trích: 
“Tác phẩm này gồm có hai bài của Ôn Tuệ Sỹ. Bài thứ nhất có tựa đề “Tâm Thư Gởi Tăng Sinh Huế”, nhưng người đọc sẽ thấy rõ ý của Ôn muốn nhắn gởi đến cả thế hệ Tăng Ni trẻ đang sống trong một hoàn cảnh đất nước: “Bị cắt đứt với mạch nguồn quá khứ, bị che chắn khuất tầm nhìn tương lai.” Từ đó, Ôn tha thiết nhắn nhủ: “Cầu mong các con có đủ dũng mãnh để đi bằng đôi chân của mình, nhìn bằng đôi mắt của mình, tự xác định hướng đi cho chính mình… 
Bài thứ hai có tựa đề “Suy Nghĩ Về Hướng Giáo Dục Đạo Phật Cho Tuổi Trẻ.” Bằng cái nhìn và nhận định về một thế hệ, Ôn đã đánh thức những tâm hồn của tuổi trẻ Việt Nam: “Tuổi trẻ Việt Nam đang bị bật rễ, do đó có nguy cơ mất hướng, hay thực sự đã mất hướng. Tuổi trẻ của Đạo Phật Việt Nam cũng không ngoại lệ, và không dễ dàng vượt qua tình trạng mất hướng này. Ở đây, tôi nói mất hướng là nhìn từ điểm đứng dân tộc… 
Bước qua phần hai là thơ của Ôn Tuệ Sỹ… Qua phần thứ ba là thơ của anh Tâm Thường Định…: Và phần thứ tư cũng là cuối cùng của tác phẩm, đó là bài viết: “Mắt Biếc Trong Thơ Tuệ Sỹ” của Tâm Thường Định, muốn tìm cái nghĩa ẩn dụ của từ “Mắt Biếc” trong bài thơ “Một Thoáng Chiêm Bao”…” 
Tuyển tập song ngữ “Tuệ Sỹ - Vị Thầy Của Bốn Chúng” của Tâm Thường Định như thế rất đa dạng. Trong đó, hai bài viết của Thầy Tuệ Sỹ viết cho giới trẻ Việt Nam đều có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ mời gọi định hướng cho thế hệ trẻ xuất gia và tại gia về thái độ tu học trong cương vị mỗi người tự nhìn bằng đôi mắt của mình, mà cũng mời gọi nhìn từ điểm đứng dân tộc để có những hành hoạt tương lai. 
Dịch sang tiếng Anh, đặc biệt khi dịch thơ Thầy Tuệ Sỹ, là một nghệ thuật rất mực gian nan. Thí dụ, Thầy Tuệ Sỹ trong bài thơ "Một Thoáng Chiêm Bao" khởi đầu với câu: Người mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn... Tác giả Tâm Thường Định và GS Nguyễn Văn Thái nhận định rằng chữ “mắt biếc” rất khó dịch, vì không thuần chỉ màu sắc, mà còn mang ẩn nghĩa “trinh nguyên và ngây thơ.” Thơ của Thầy Tuệ Sỹ hay là một chuyện, nhưng hàm nhiều nghĩa mới là gian nan cho người dịch. Bản Anh dịch đưa ra trong sách này sẽ giúp giới trẻ tại Hoa Kỳ tiếp cận với một nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam đương thời, cũng là một nhà sư đi giữa những gian nan lịch sử với tâm hồn trong trắng như câu thơ Thầy viết, “Như cò trắng giữa đồng xanh bất tận”
Như thế, tuyển tập song ngữ về Thầy Tuệ Sỹ do Tâm Thường Định chuyển ngữ là một công trình lớn, đã thực hiện cẩn trọng qua nhiều năm, và bây giờ tuyển lại để ấn hành. Tác phẩm này cần có trong tủ sách những người quan tâm về Phật Giáo Việt Nam nói chung, và về Thầy Tuệ Sỹ nói riêng. 
Người viết khâm phục tác giả Tâm Thường Định là chuyện tất nhiên, đương nhiên và hiển nhiên. Chỉ thêm nơi đây, xin đề nghị bạn Tâm Thường Định trong lần tái bản tương lai, nên chiếu rọi thêm một phương diện lớn khác của Thầy Tuệ Sỹ: một vị Bồ Tát xuất gia, và là người tích cực quảng bá Bồ Tát Đạo. Đề tài này sẽ đặc biệt thích nghi với giới trẻ Việt Nam, dù tại Hoa Kỳ hay tại Việt Nam. 
Người viết nhận thấy rằng Thầy Tuệ Sỹ là một người ưa sống trầm lặng, xa rời các náo nhiệt thế gian, nhưng lòng luôn luôn thương xót chúng sinh. 
Thí dụ, có lúc nghe tin Thầy Tuệ Sỹ ra ẩn tu ở Khánh Hòa, có lúc nghe tin Thầy về ẩn nơi Bảo Lộc; và ngay khi ở Sài Gòn, Thầy cũng giữ hạnh ẩn tu. Vào năm 2005, khi Thầy Nhất Hạnh tới Chùa Già Lam (Sài Gòn) thăm, mới biết rằng Thầy Tuệ Sỹ đang nhập thất, đã gõ cửa nhưng cũng không thấy ra gặp được. Nghĩa là, Thầy Tuệ Sỹ giữ hạnh ẩn tu, ngay nơi náo nhiệt như Sài Gòn mà vẫn tịch lặng cõi riêng. Dù vậy, khi theo dõi các sách và các bài viết của Thầy Tuệ Sỹ, mới biết rằng Thầy hoằng pháp, quảng bá chánh pháp theo cách riêng. 
Thầy Tuệ Sỹ như thế đã sống theo lời dạy của Đức Phật. Cụ thể là lời dạy trong Kinh Trung A Hàm MA-77. Nghĩa là ẩn tu, nhưng luôn luôn thương xót chúng sinh đời sau. Đọc kỹ kinh này, cho thấy Đức Phật cũng khuyên chúng sanh “học theo Như Lai” - phải chăng đó là “học theo Bồ Tát Đạo”? Nếu nghĩ như thế, là từ trong Kinh A Hàm, Đức Phật đã khuyên chúng sinh nên theo hạnh Bồ Tát, tức là theo hạnh Đại Thừa. Thầy Tuệ Sỹ là một nhà sư như thế. 
Kinh MA-77 qua bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ, trích như sau: 
“Này A-na-luật-đà, Như Lai chỉ vì hai mục đích sau đây nên mới sống nơi rừng vắng, trong núi sâu, dưới gốc cây, thích ở non cao, vắng bặt tiếng tăm, xa lánh, không sự dữ, không có bóng người, tùy thuận tĩnh tọa. Một là, sống an lạc ngay trong đời hiện tại. Hai là, vì thương xót chúng sanh đời sau. Đời sau hoặc có chúng sanh học theo Như Lai, sống nơi rừng vắng, trong núi sâu, dưới gốc cây, thích ở non cao, vắng bặt tiếng người, tùy thuận tĩnh tọa. Này A-na-luật-đà, vì những mục đích ấy mà Như Lai sống nơi rừng vắng, trong núi sâu, dưới gốc cây, thích ở non cao, vắng bặt tiếng tăm, xa lánh, không sự dữ, không có bóng người, tùy thuận tĩnh tọa”. (1) 
Nghĩa là, Đức Phật nói rõ, một vị sư đi tu không phải để riêng tự giải thoát, mà cần nghĩ tới (và thương xót) chúng sanh đời sau, và nếu có ai đời sau học theo Như Lai thì… tự quân bình, vừa ẩn tu, vừa thương xót chúng sanh. Chỗ này có thể nghĩ là, không lẽ Đức Phật tu qua 3 a tăng kỳ kiếp, giúp vô lượng chúng sanh, bây giờ thành Phật, rồi vào Niết Bàn để biến mất luôn? Trong khi hạnh Bồ Tát là không bao giờ rời bỏ chúng sanh. Tuy nhiên, nếu nói rằng có một vị nào mang nguyện Bồ Tát để đời đời tái sanh nhằm cứu chúng sanh là dễ rơi vào chấp Có, nhưng nếu nói biến hẳn luôn là dễ rơi vào chấp Không - đây là nơi, nếu không có Trí Tuệ Bát Nhã là sẽ hỏng cả hai đầu biên kiến… 
Có một tác phẩm của Thầy Tuệ Sỹ ít được nghe tới (nhiều phần, có lẽ, vì hoàn cảnh ẩn tu của Thầy) là cuốn “Du Già Bồ Tát Giới” (Hương Tích Phật Việt ấn tống, 2017) - trong sách này, nơi Chương 1, nói về các “Bồ Tát Tại Gia thời Đức Phật”… ghi nhận về một số vị cư sĩ Bồ Tát Tại Gia. 
Trong Tạng Thanh Văn (Nikaya và A Hàm), hình ảnh Cư sĩ Úc-Già (Ugga) hiện ra khác với hình ảnh Cư sĩ Úc-Già trong Tạng Bồ Tát. 
Chỉ ngay trong một câu nói của Úc-già Trưởng giả (theo Kinh Đại Bảo tích, quyển 82, hội 19 “Úc-già trưởng giả”) nêu lên để thỉnh vấn Đức Phật cũng cho thấy suy nghĩ cách biệt một trời một vực giữa một ngài Úc-Già trong Tạng Thanh Văn và ngài Úc-Già trong Tạng Bồ Tát. 
Thầy Tuệ Sỹ viết nơi Chương 1, sách Du Già Bồ Tát Giới, trích: “Bản kinh Úc-già Trưởng giả của Đại thừa, để xác nhận chí nguyện của ông Trưởng giả, đã gắn cho ông những lời thỉnh vấn Phật: “Những thiện nam tử, thiện nữ nhân, vì ích lợi của hết thảy chúng sinh, muốn đưa tất cả vào Niết-bàn an lạc cứu cánh, muốn duy trì Tam bảo tồn tại thế gian không gián đoạn… những vị ấy cần phải làm gì? Giới đức hành xử của Bồ-tát tại gia là thế nào? Làm thế nào mà tuy vẫn sống đời tại gia nhưng vẫn tùy thuận tu hành những điều Như Lai giáo huấn mà không tổn hoại các bồ-đề phần?”…” (2) 
Đó là hạnh nguyện Bồ Tát: đưa tất cả chúng sinh vào Niết Bàn, duy trì Tam bảo tồn tại thế gian không gián đoạn… Tư tưởng này hình như không có, hoặc không thấy rõ, trong Tạng Thanh Văn. 
Cũng trong Chương 1 đó, Thầy Tuệ Sỹ phân tích về trường hợp Cư sĩ Thiện Sinh và hai bản kinh Thiện Sinh dị biệt trong hai tạng kinh. Tương tự, với một số Cư sĩ khác. 
Xin nhắc lại rằng, dịch ra Anh văn các bài viết của Thầy Tuệ Sỹ là một công việc cực kỳ gian nan, không dễ tí nào. Nhất là khi muốn dịch các lý luận phức tạp của Thầy Tuệ Sỹ (như trong sách Du Già Bồ Tát Giới nêu trên) thì lại trăm phần khó hơn nhiều. Nơi đây, người viết (trong cương vị tự xem như học trò của Thầy Tuệ Sỹ) muốn nhắc dịch giả Tâm Thường Định (một học giả uyên bác mà người viết có cơ duyên là bạn thân) rằng, nếu bạn tái bản cuốn sách tuyệt vời này trong tương lai, xin dịch thêm (hoặc dịch tóm lược) các phân tích của Thầy Tuệ Sỹ về Bồ Tát Hạnh. Đó cũng là những phân tích rất mực trí tuệ, chỉ thấy được từ một người đọc kinh với tâm rất mực từ bi, như Thầy Tuệ Sỹ. Trân trọng cảm ơn tác giả Tâm Thường Định: tuyển tập song ngữ “Tuệ Sỹ - Vị Thầy Của Bốn Chúng” là một công trình lớn, về một vị Thầy lớn. Rất mực hy hữu. Xin chúc mừng. 
GHI CHÚ: 
(1) Kinh MA-77: https://suttacentral.net/
(2) Chương 1, Du Già Bồ Tát Giới: https://gdptvietnam.org/
CỤ QUÁCH TẤN, CỤ ĐÀO DUY ANH VÀ THẦY TUỆ SỸ 
THÍCH PHƯỚC AN
 
(…) Vào những tháng cuối năm 1975 và tiếp đến những năm 1976 và 1977, theo chỗ tôi biết, đó là những năm tháng buồn bã nhất trong cuộc đời của Quách Tấn. Bạn bè cũ, một số đã ra đi, một số còn ở lại thì sợ “Tai vách mạch rừng” nên ít ai dám lui tới để trò chuyện, tâm sự, mặc dù có quá nhiều chuyện để mà tâm sự với nhau. 
Lúc ấy anh Tuệ Sỹ vẫn còn ở Nha Trang, chùa lúc ấy cũng chẳng còn chuyện gì để làm, nên anh Tuệ Sỹ và tôi vẫn thường xuống nhà thăm Quách Tấn, thỉnh thoảng ông cũng lên chùa thăm lại. Những lần viếng thăm như vậy đã an ủi tâm hồn ông rất nhiều, nhất là trong hoàn cảnh cô đơn và đầy bất an như lúc ấy. Một bữa nọ ông có trao cho anh Tuệ Sỹ và tôi một bài thơ: 
Bạn thơ nay chẳng còn ai, 
Tới lui trò chuyện chỉ vài nhà sư. 
Chung trà hớp ngụm vô tư, 
Chia tay nhìn bóng thanh hư gởi lòng. 
Riêng với Tuệ Sỹ, mặc dù tuổi tác khá chênh lệch nhau. Tuệ Sỹ đến sau Quách Tấn gần nửa thế kỷ, nhưng Quách Tấn vẫn một mực quý trọng tài hoa và nhất là tư cách của Tuệ Sỹ. 
Tôi nhớ có một lần ông đã nói với tôi rằng, ở Việt Nam có hai tác phẩm viết về Tô Đông Pha, (một đại thi hào nhà Tống của Trung Quốc) một của Nguyễn Hiến Lê và một của Tuệ Sỹ. Nhưng theo ông, Nguyễn Hiến Lê chỉ mới đứng từ xa mà nhìn ngọn Lô Sơn, còn Tuệ Sỹ thì mới đích thục là kẻ đã vào được “thâm xứ” ấy. Quách Tấn là một nhà thơ, mà nhất là một nhà thơ rành rẽ về thi ca Trung Quốc, thì lời nhận định của ông tất nhiên phải có giá trị lớn rồi. Nhân đó, tôi cũng cho ông biết rằng, vì Tuệ Sỹ là một nhà thơ, một nhà thơ mà viết về một nhà thơ thì tất nhiên phải hay hơn một học giả viết về thi ca vậy. Quách Tấn rất đỗi ngạc nhiên khi biết Tuệ Sỹ cũng có làm thơ. Vì từ lâu ông chỉ biết Tuệ Sỹ là một nhà Phật học, một dịch giả vậy thôi. 
Khi Đào Duy Anh lần đầu tiên từ Hà Nội vào Nha Trang đến thăm Quách Tấn, ông hỏi ý kiến Quách Tấn là ai là người mà ông nên đến thăm? Quách Tấn trả lời ngay: Tuệ Sỹ, chỉ có Tuệ Sỹ là người đáng thăm nhất. Và ông Đào Duy Anh đã leo núi lên chùa Hải Đức để thăm Tuệ Sỹ. 
Trong cuộc trò chuyện hơn hai tiếng đồng hồ tại chùa Hải Đức. Tôi vẫn còn nhớ là Đào Duy Anh đã tỏ ra rất tiếc khi ở ngoài Bắc mấy chục năm mà ông vẫn không có tác phẩm Essay Zen Buddhism của D.T. Suzuki để đọc, đến khi vào Nam thì ông mới đọc được bộ Thiền luận do Tuệ Sỹ dịch từ tiếng Anh của D.T. Suzuki, trong khi ông biết là tác phẩm đó đã chinh phục thức giả Tây phương từ lâu rồi. Ông công nhận là một sự muộn màng đáng tiếc. 
Khi tiễn Đào Duy Anh xuống núi, ông cứ đi một đoạn là dừng lại bắt tay anh Tuệ Sỹ, những cái bắt tay rất chặt. Cứ như vậy ông bắt tay cho đến khi xuống cuối dốc chùa mới thôi. Điều ấy chứng tỏ rằng Đào Duy Anh rất trân trọng về cuộc gặp gỡ này. Sau đó, có lẽ không chịu đựng nổi không khí ngột ngạt ở thành phố nên Tuệ Sỹ đã đi làm rẫy tại một khu rừng hẻo lánh ở thị trấn Vạn Giả, gần đèo Cả, cách Nha Trang khoảng sáu mươi cây số. Đây là thời gian anh làm thơ nhiều nhất. Hầu hết những bài thơ nói lên tâm sự u uẩn của chính mình và cho cả quê hương đất nước đều được anh làm tại nơi núi rừng heo hút này. Tỷ như: 
Quê người trên đỉnh Trường Sơn, 
Cho ta gởi một nỗi hờn thiên thu. 
Hoặc: 
Trong mắt biếc mang nỗi buồn thiên cổ, 
Vẫn chân tình như mưa lũ biên cương. 
Đúng là tâm hồn của kẻ sĩ, nếu có hờn có trách thì chỉ hờn và trách mình thôi, còn đối với con người, đối với cuộc đời thì vẫn yêu thương nồng nàn. 
Làm rẫy một thời gian thì bỏ vào Sài Gòn, dấn mình vào một cuộc “Lữ” khác. Cuộc “Lữ” này trầm trọng hơn những cuộc “Lữ” trước đó. Ít lâu sau, Quách Tấn cũng rơi vào trường hợp tương tự, nhưng ông chỉ bị một thời gian ngắn thôi, có lẽ nhờ đến tuổi “Thất thập cổ lai hy”. 
Quách Tấn hiện đang đi chơi xa và không bao giờ trở về nữa. Tôi cứ tưởng tượng ông đang đứng nhìn một cây mai nở rộ trên một hòn núi cao nào đó, điều mà khi còn sống ông rất khát khao nhưng không bao giờ thực hiện được, như có lần ông đã đọc cho tôi nghe hai câu thơ của ông: 
Tìm về núi cũ xem hoa nở, 
Mộng bén ngàn xa hạc điểm canh. 
Những lúc ngồi một mình nhớ Quách Tấn và Tuệ Sỹ, tôi cứ bâng khuâng tự hỏi: Tại sao có những người muốn đem hết cả tấm lòng của mình để hiến dâng cho cuộc đời mà họ vẫn cứ bị cuộc đời đối xử một cách bất công? Vì tài hoa của họ chăng? Chữ tài đi với chữ tai một vần, như xưa nay ai cũng nghĩ như vậy. Theo tôi, quan niệm đó chỉ đúng một phần thôi, vì có biết bao nhiêu người tài hoa ở những nơi khác trên đời này, họ vẫn có hoàn cảnh, có điều kiện để đem tài hoa của họ ra mà hiến dâng cho cuộc đời? Có một bài thơ của Quách Tấn, mà tôi nghĩ có thể tạm giải thích được. Ít nhất là trong trường hợp Quách Tấn và Tuệ Sỹ. Bài thơ ấy như thế này:
Bao phen bến hẹn đổi dời, 
Làng phong tao vẫn con người thủy chung. 
Gió lau thổi lạnh sóng tùng, 
Hương xưa thắm lại cụm hồng ngày xưa. 
Phải chăng chỉ vì muốn “thủy chung” với “cụm hồng ngày xưa” ấy, mà Quách Tấn và Tuệ Sỹ phải chấp nhận số phận lao đao của mình? 
Nha Trang, mùa mưa 1996 
THÍCH PHƯỚC AN 

Tạp chí Hoa Sen, số 27 - tháng 2/1996, tr. 28
Từ trái: quý Hòa Thượng Phước An, Tuệ Sỹ và Phước Viên 
Ghi chú thêm về bức hình (Nguyên Đạo - 5/2020): Bức hình không phải chụp trong xe tù như nhiều người nói mà là trên xe lửa tại nhà ga Nha Trang vào năm 1998. Chúng tôi đã thắc mắc hỏi và được Hòa Thượng Phước An giải thích như sau: 
Bức ảnh được chụp vào tháng 9 năm 1998, năm thầy Tuệ Sỹ được trả tự do từ nhà tù ở Nghệ An. Trên đường về Sài Gòn thầy ghé lại Hải Đức, Nha Trang ở chơi hơn 10 ngày. Tôi và thầy Phước Viên ở Huế vào thăm rồi cùng đưa thầy Tuệ Sỹ về lại Sài Gòn bằng xe lửa. Đó là lúc tàu sắp chuyển bánh, cả ba người cùng đứng nhìn xuống sân ga Nha Trang để chào từ giã tăng ni và Phật tử đến tiễn rất đông. 
Tấm hình này không biết ai chụp nhưng được đăng trong một tập san bằng hai thứ tiếng Việt và Anh ở Úc. Ban biên tập đã tặng cho nhạc sĩ Tuấn Khanh. Khi Tuấn Khanh gởi ra hỏi tôi ai đứng cạnh tôi và thầy Tuệ Sỹ tôi cũng rất ngạc nhiên. Mình đâu có bị bắt mà đứng trên xe bịt bùng như thế nhưng mấy phút sau tôi mới nhớ lại buổi chiều thu cách đây đã hơn 20 năm…

Mùa Phật Đản Phật lịch 2564 
Dương lịch 2020
Nguyễn Hiền Đức
Theo https://www.vienminh.ch/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tình yêu của biển – Chùm thơ của Lê Nhi   1 Tháng Tư, 2023 Thì ra biển cũng bạc lòng say đắm/ nhuộm đen khuôn hình, trắng tấm sắt son/...