Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

Đồng Tháp Mười xa xưa - Nhà văn Sơn Nam

Đồng Tháp Mười xa xưa 
Nhà văn Sơn Nam

Nhà văn Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tày, sinh năm 1926, quê ở Kiên Giang. Ông học tại Cần Thơ rồi tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Ông trở lại Sài Gòn viết sách, báo. Nhà văn Nam Sơn đã để lại nhiều dấu ấn trong văn chương Nam Bộ. Ông được mọi người gọi là "Pho từ điển sống về miền Nam". Ông đã mất ngày 13/8/2008. Để tưởng nhớ đến một nhà văn suốt đời làm việc tận tụy, sống giản dị hết mình cho sự nghiệp văn chương, gắn với từng vùng đất sông nước Nam Bộ. Nhân kỷ niệm 20 năm thành lập huyện Tân Phước gắn với quá trình khai thác vùng Đông Tháp Mười - tỉnh Tiền Giang, xin giới bài Đồng Tháp Mười xa xưa của Ông:
Do sự cấu tạo về địa lý, vùng này gọi là Đồng Tháp Mười có rải rác nhiều mảnh đất tương đối cao ráo, từng là nơi dân cư tập họp khá đông đúc, với nền văn minh sáng chói một thời, nổi danh khắp Đông Nam Á. Tên đất Tháp Mười tự nó đã là một ẩn số mà mãi tới nay chưa ai giải đáp một cách thỏa đáng. Ngọn tháp thứ mười, do Thiên Hộ Dương dựng lên nhằm canh phòng  những cuộc tiến quân của Pháp từ Cần Lố đánh vào? Nếu vậy, quả là tháp canh, kiểu chòi canh thô sơ nhưng nay ta gặp nhiều di chỉ xây gạch và đá. Ngọn tháp, tạm gọi như vậy của vua chúa Khơ-me dựng lên? Nhưng đây là nơi thờ phụng với cơ ngơi khá rộng.
Chưa ai mô tả ngọn tháp mười ấy cụ thể như thế nào? Phải chăng trên đường khẩn hoang mở nước, đầu thế kỷ 18, người lưu dân đã gặp nơi đây di tích ngôi tháp cổ, đổ nát, chẳng ai biết do ai xây nên, nhưng có nét đặc trưng là có 10 bậc thang ngắn (kiểu bậc tam cấp), hình dáng như tháp Chăm, rồi đặt tên, sự việc đặt tên này đã có trước khi Thiên Hộ Dương khởi binh, chẳng ai hiểu sơ lược về lịch sử Chân Lạp.
Người Pháp đến khảo cứu di chỉ này lần đầu tiên là Parmentier, năm 1932, chỉ gặp nền gạch, một bia đá, ngoài ra, chẳng thấy ngôi tháp nào cả. Sử của ta về khu vực này, xưa nhất là bộ Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, soạn cuối đời Gia Long (1820) đã đề cập đến vùng trũng này, nhưng chẳng nhắc đến tên đất Tháp Mười, Đại Nam Nhất Thống Chí, biên soạn trễ nải hơn, khi Pháp vừa đến, nhưng quan lại của triều đình Huế cũng chỉ làm công việc sao chép lại bộ Gia Định Thành Thông Chí, chẳng thấy ghi hai chữ Tháp Mười . Hồi đầu thế kỷ thứ 20, khoảng 1910, một người Pháp ưa biên soạn đã nhắc đến hai tiếng Tháp Mười, khi đề cập đến cuộc khởi nghĩa của Thiên Hộ Dương, nhưng gọi là Bưng Tháp Mười, Trảng Tháp Mười.
Về tên đất, ta tạm kết luận:
- Hồi cuối thế kỷ 19, gọi Trảng Tháp Mười, Bưng Tháp Mười, tức là vùng đất tương đối cao ráo, không ngập lụt và trống trải, nơi Thiên Hộ Dương lập căn cứ cuối cùng.
- Tháp Mười, bây giờ là vùng đất nhỏ ấy mà thôi. Theo nguyên tắc thông thường, người Việt đặt tên riêng cho từng khúc sông, từng cánh đồng, vì mỗi khu vực nhỏ có nét đặc trưng riêng, không thích dùng những danh từ quá khái quát.
Một thí dụ: trước kia khu vực màu mỡ nhất của vùng châu thổ gọi là "Miệt Vườn" (vùng Cai Lậy, Cái Bè), phía kém màu mỡ ở Tây Nam thì có nào U Minh Thượng, U Minh Hạ, nơi ruộng tốt hơn, gọi miệt Ba Xuyên. Khái niệm đồng bằng sông Cửu Long chỉ mới phổ biến lúc sau này, cũng như Đồng Tháp Mười, áp dụng cho khu vực quá rộng lớn là quan niệm địa lý của người Pháp. Xưa kia, ta gọi nơi này là Bắc Chiên, chỗ kia là kinh Bà Bèo, hoặc gò Gạch...
Trở lại lịch sử, tư liệu xưa nhất về cư dân vẫn là những di chỉ quý giá về vương quốc Phù Nam, quản lý phần đất khá rộng, trong đó có Đồng Tháp Mười. Nhà bảo tàng tỉnh Long An đứng hàng đầu với số hiện vật về nước Phù Nam mà các nhà nghiên cứu lịch sử Đông Nam Châu Á không thể không xem qua. Ngoài di chỉ ở núi Ba Thê (tỉnh An Giang) những di chỉ ở Long An rất phong phú và đa dạng. Gò Tháp Mười bị dân tìm vàng cướp phá từ lâu, may mắn cho huyện Đức Hòa có đến 19 khu vực khảo cổ, và chắc chắn còn phát hiện thêm nhiều hơn. Có di chỉ xác nhận Đức Hòa (vùng Gò Xoài, Bình Tả) từng là mặt bằng của thành Đặc Mục, bị tàn phá rồi làm lễ rút lui vào năm 550 sau Tây Lịch. Chuyện săn vàng ở Vĩnh Hưng (cũng tỉnh Long An) rất hư nhưng rất thực. Từ khi đến Tháp Mười để mở nước, bao nhiêu người đã may mắn gặp vàng, bao nhiêu người đã thất vọng khi cố ý tìm của hoạch tài. Đáng lưu ý là bên cạnh thành quách, pho lượng, vật dụng chứng tỏ người xưa ở vào trình độ khoa học kỹ thuật cao, ta còn gặp những dụng cụ bằng xương (lưỡi câu, tạo ra với khúc xương nai), những mảnh gốm thô. Phải chăng nước Phù Nam cổ sơ là sự kết hợp không hài hòa giữa giới tăng lữ, quý tộc sống xa hoa và lớp nông nô nghèo đói quá mức. Bao nhiêu hạt chuỗi, trang sức bằng vàng lắm khi rơi rớt bừa bãi phải chăng do đó trận chiến ác liệt, quân ngoại xâm đến thình lình, hoặc người địa phương chạy trốn kịp khi từ ngoài biển khơi lượn sóng thần bất ngờ tràn vào, quá cao, khiến người địa phương không tài nào thoát nạn?
Vùng Đồng Tháp Mười trải qua giấc ngủ khá dài, hàng nhiều thế kỷ sau đó, khi một vài tiểu quốc nhỏ của nước Chân lạp cố làm thủy lợi, chống úng lụt một cách tuyệt vọng.
Ngoài di chỉ khảo cổ, ta còn may mắn gặp nhiều tư liệu liên quan đến vùng đất nói trên: Chân Lạp phong thổ ký của Châu Đạt Quan. Họ Châu theo chân một phái đoàn ngoại giao từ Trung Hoa xuống Chân Lạp, hồi cuối đời nhà Nguyên (giữa thế kỷ 14), lộ trình là đến thủ đô Ăng-co, từ vàm sông Cửu Long đổ ngược lên. Đoạn văn sau đây quả là mô cả khung cảnh vùng ven Đồng Tháp Mười, từ phía Cao trình nhìn vào, cách đây khoảng 600 năm. Từ dưới thuyền nhìn lên bờ, thấy những bụi mây dài, những cây to, bãi cát vàng, lau sậy màu trắng". Ở cứa sông, có "cây to và những bụi mây dài, đem lại bóng mát và tạo nên chỗ nương náu cho chim chóc và muông thú, tiếng kêu hót vang dội". Đặc biệt là Châu Đạt Quan ghi lại một cánh đồng lúa bạt ngàn, không một gốc cây to. Trâu rừng tụ họp lại từng bầy, hàng ngàn con, rải rác trên đồng cỏ. Dọc theo bờ sông, còn rất nhiều tre, loại tre có gai, măng tre này có vị đắng.
Ta thử đối chiếu đoạn văn nói trên với khung cảnh Đồng Tháp Mười thuở hoang sơ. Mây, tức là loại mây vóc, xanh tươi, giòn, không dùng được, khác với loại song mây ở rừng miền Đông. Giống cây to được miêu tả nhất định là cây dừa, cây lâm vồ, cây sộp với rễ phụ buông lòng thòng xuống đất lâu ngày trở thành những cây cột to, gốc cây trở thành hang động, nơi cọp dễ làm hang, để sinh đẻ. Đồng lúa bạt ngàn là cánh đồng lúa mà (nguyên văn chữ Hán, gọi là kê).
Cát vàng là bãi sông nhiều phù sa mới bồi. Lau sậy theo bờ sông là đế và nga, trổ bông. Tre rừng mọc từng mảng, ta nhớ những tên đất như Xẻo Tre, Rạch Tre, Cái Nứa, giống tre gai chịu nắng hạn, chịu úng lụt. Trâu rừng ngày xưa chạy hoang trên cánh đồng hoang vu, theo bờ sông Tiền, nay còn dấu ấn sông Bạch Ngưu, Trâu Trắng, cù lao Trâu, trở thành huyền thoại, mùa hạn, trâu đến mé rạch tìm nước uống. Đại khái, bức tranh đơn sơ về Đồng Tháp Mười tuy chấm phá vài nét nhưng khá đầy đủ, nhất là về lúa kê mọc đầy đồng.
Ta hiểu đây là giống lúa trời, lúa ma, nay hãy còn mọc hoang, thở xa xưa ấy, phải chăng lúa ma mọc sát bờ sông cái?
Ông cha ta đến Đồng Tháp Mười để khẩn hoang, từng nhóm cá thể, thời các Chúa Nguyễn, đại khái vào đầu thế kỷ thứ 18, không xưa hơn, vùng đất không úng lụt ở vùng này là Vĩnh Kim, Cái Bè hãy còn rộng rãi, với sông rạch để giao lưu, không úng lụt vào mùa mưa. Tình hình chính trị đã tác động mạnh vào việc mở nước. Cuộc khởi nghĩa của Tây Sơn diễn ra, gây khá nhiều xáo trộn cho phía đồng bằng. Chúa Nguyễn đã rút về đồng bằng sông Cửu Long, nơi dân cư đang sống dư dã, thừa mứa về lúa gạo để lập căn cứ lâu dài.
Bấy giờ, và mãi trong khoảng thời gian lâu dài, vùng đồng bằng to rộng, trong ấy có khu vực Đồng Tháp Mười, ít ra cũng là vùng ven, có người lập nghiệp khai thác nguồn lợi thiên nhiên, nhất là cá tôm. Đồng bằng phì nhiêu được người xưa gọi là đất Ba Giồng, dùng con số ba để gợi ý nghĩa tốt về phong thủy, thật ra, nếu đếm lại, con số ấy nhiều hơn, chạy dài từ Khánh Hậu (Long An) đến phía Cai Lậy. Nguyễn Ánh và Tây Sơn cố giành nhau cho được đất Ba Giồng này.
Đỗ Thanh Nhân từng khởi binh , gọi là quân Đông Sơn (đối chọi với Tây Sơn), đứng về phía Nguyễn Ánh từng chiếm vùng Ba Giồng hiểm yếu, lập căn cứ vững chắc, khi thắng thì kéo ra vùng Cai Lậy, Mỹ Tho tìm lương thực, khi thất thế thì rút lui về phía Bắc, tức là Đồng Tháp Mười để ẩn thân, gây nhiều khó khăn cho Tây Sơn. Năm 1785, quân Đông Sơn và phe Nguyễn Ánh thất trận liên tiếp. Tướng Tây Sơn là đô đốc Trấn đã nghĩ ra sáng kiến chiến lược là đào con kinh chắn ngang, làm ranh giới giữa phía Đồng Tháp hiểm trở về phía Nam là xứ phì nhiêu, không úng lụt.
Gia Định Thành Thông Chí đã ghi rõ chi tiết này, mặc dầu người viết sử là Trịnh Hoài Đức đứng hẳn về phía Nguyễn Ánh. Ngọn Rạch Chanh, ăn từ sông Vàm Cỏ Tây chạy vào, phía Tây lần hồi cạn, như con rạch cùn. Ngọn của sông Ba Rài (nay là chợ Cai Lậy) từ sông Cửu Long ăn lên cũng lần hồi tắc nghẽn ở vùng đầm lầy. Đô đốc Trấn tìm cách đào kinh nối hai ngọn rạch nói trên, nhờ vậy tạo ra con đường thủy thông từ sông Cai Lậy đến tận Rạch Chanh của Vàm Cỏ Tây, cắt đứt hai khu vực, quân của Nguyễn Ánh bị đóng khung vào khu vực cố định, khó bề rút về đầm lầy, hoặc trở xuống nơi dân cư trù phú, gọi kinh mới của Rạch Chanh.
Đây là sáng kiến quan trọng, mang tính khoa học, nay hãy còn có giá trị thực tiễn, gọi là rạch Bà Bèo. Về sau, khi nhà Nguyễn nắm quyền, suốt các đời từ Gia Long đế Tự Đức con kinh Bà Bèo khá phồn thịnh. Thời Pháp thuộc, vai trò con kinh Bà Bèo này mang tính chiến lược, làm đường vận tải lúa gạo quan trọng từ phía Hậu Giang qua Cai Lậy, lên Vàm Cỏ Đông, rồi Bến Lức, chợ Đệm để vào Chợ Lớn, trên bản đồ, Pháp gọi đây là con kinh thương mại (Arroyo commercial) để phân biệt với sông Bảo Định nối từ Vàm Cỏ Tây (chợ Tân An) qua chợ Mỹ Tho mà Pháp gọi là con rạch dùng đi thư từ của ngành bưu điện (Arroyo Poste).
Đời Gia Long, với Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, ta gặp phải tư liệu quý giá, liên quan đến sinh hoạt vùng Đồng Tháp Mười, tuy lên đất Tháp Mười không thấy xuất hiện.
1. Rạch Cần Lố, ăn từ sông Tiền vào phía đầm lầy khoảng 25 dặm (phỏng độ 13km) là dứt, dân cư thưa thớt, nhiều bụi tre gai um tùm mọc nối tiếp nhau như khu rừng, nhiều cây bách bì (cây này có trăm lớp vỏ, lột vỏ ấy, ta có thể làm vật liệu lợp nhà, xám thuyền, còn thân cây bách bì thì dùng làm củi), thêm giống có lát (dùng làm chiếu, làm bao đựng lúa gạo hoặc dùng làm bườm), dân nơi đây muối cá làm mắm, chặt tre kết bè, theo con nước thả bè tre ấy đến chợ phố lân cận để bán".
Những hàng chữ trong ngoặc kép là của Trịnh Hoài Đức chú thích, từ đời Gia Long, khoảng năm 1820. Ta hiểu cây bách bì là cây tràm, vỏ nhiều lớp, người xưa gọi trăm lớp, với nội dung là nhiều, không hắn là đếm được trăm lớp. Vỏ tràm dùng lợp nhà, xảm ghe (hiểu là trộn với dầu chai, chai bột). Thân tràm dùng làm củi chụm bếp, nay hãy còn như thế. Cỏ lác nên được hiểu là bàng, dùng làm đệm, bao cà-ròn và đệm bướm. Tre rừng kết bè đem bán, dùng làm xây cất cho những người nghèo túng, giá rẻ, gọi tre bè.
2. Sông Bát Đông, theo Trịnh Hoài Đức, đổ ra sông Hưng Hóa. Cách vàm sông Bát Đông nửa dặm (vài trăm mét) có chợ nhỏ, dân cư thưa thớt, làm ruộng theo lối giao canh hỏa thực, lại còn củi đốt than, quanh năm sông cần cù.
Đối chiếu với thực tế, nay ta còn thấy con rạch Bát Đông (Bắc Đông) ở gần thị xã Tân An, trên đường đi Mộc Hóa, khá đông đúc. Đời Gia Long, người khẩn hoang làm ruộng kiểu dao canh hỏa thực, một từ mà các sử gia ta dùng để gọi kiểu canh tác của người dân tộc vùng Cao Nguyên, đốn cây, phát cỏ cho sạch, đốt cháy cỏ và gốc cây còn sót lại sau đó chọc từng lỗ, bỏ hạt giống vào, lấp lại, chờ mưa đến, rồi thu hoạch, năm sau, bỏ khu vực cũ, lại phá khu vực khác, kiểu làm rẫy. Đối với lúa nước vùng đầm lầy như khu vực ven Đồng Tháp, ta hiểu đây là kiểu làm ruộng "lò bom" mà người Khơ-me hãy còn áp dụng ở khu tứ giác, phía Hà Tiên.
Mùa nắng vừa dứt, bắt đầu sa mưa, phát cỏ cho sạch, chờ cỏ khô rồi đốt ngay, lấy tro ấy làm phân bón. Mưa bắt đầu vào mùa, rải hạt giống lên mớ tro ấy, dùng nhánh tre to mà kéo tới kéo lui, nhằm phân bổ những hạt giống được trang trải ra tương đố đều đặn. Mưa rồi lụt diễn ra, lúa sạ cứ theo con nước mà tăng trưởng, vừa dứt mùa lũ lụt, bơi xuồng trong ruộng mà thu hoạch. Năm sau, có thể đốt mớ rơm rạ ấy, phát cho sạch cỏ, rồi gieo hạt giống. Kiểu làm ăn xem như nhàn rỗi, với năng suất kém, nhưng ở vùng úng lụt ngoài cách ấy, chẳng còn kiểu làm ruộng nào tốt hơn. Tư liệu trên còn ghi lại nghề đốt than. Ta hiểu đây là đốt tràm, đốt than, loại than thời xưa rất thông dụng không phải để chụm bếp nhưng là để dùng cho lò rèn dao mác, phảng. Những nơi khác, khi cần dùng, chủ lò rèn phải dùng đến than tràm từ phía Đồng Tháp, giá rẻ, than tốt vì than tràm không phải nơi nào cũng có.
3. Quan trọng và rối rắm nhất vẫn 1à khu vực sông Bát Chiên, cốt lõi về cư dân, về kinh tế của phía Đông vùng Đồng Tháp. Gọi là Đạo, vì cơ quan quận sự vẫn nắm nhiều quyền hạn về hành chính, ở vùng đất sát biên giới. Theo Trịnh Hoài Đức, đời Gia Long, nơi sung túc nhất của khu vực bao la phía Vàm Cỏ Tây vẫn là căn cứ quân sự và trung tâm thương mại ở vàm sông, gọi đạo Tuyên Uy (Oai), sát bên bờ sông. Đối chiếu với thực tế, ta thấy có sự sai biệt tương đối nhỏ, thị trấn Mộc Hóa của tỉnh Long An ngày nay vẫn bám lấy sông Bát Chiên. Gần căn cứ quân sự của ta là nơi người Hoa và người Khơ-me sống tương đối tập trung để trao đổi những sản phẩm thiên nhiên "của núi rừng, đầm lầy", ngoài cá khô, ta hiểu còn vài đặc sản từ Campuchia rất đắt giá trên thị trường Trung Hoa, thí dụ như ngà voi, gân nai, lộc nhung... bằng cớ là sử ghi lại sự hiện diện của một số Tuần Ty, hiểu là sở thuế. Sông Bát Chiên nước ngọt và đục, cây cối rậm rạp. Lời người xưa chép lại không cụ thể, ta đoán chắc nó là những rừng tràm. Bây giờ, vào mùa nước nổi, tư liệu nói trên ghi rằng nước ngập tràn đầy trên đất liền, chỗ nào cũng dùng thuyền được, giới buôn lậu tha hồ đi đường quanh nẻo tắt, không theo dòng sông, lén đưa hàng đến vùng Ba Nam bên Campuchia rồi lên tận Nông Pênh.
Đạo Tuyên Uy cai quản hai đồn khác, một là đồn Phong Kha Miên (tôi đoán ở vị trí chợ Mộc Hóa ngày nay), hai là Đồng Thông Bình, hiểu là khu vực Tuyên Bình. Bên cạnh Thông Bình, ăn ra phía sông Tiền Giang là đạo phủ Tân Châu, liên quan đến đồn Nùng Ngự (nay nói trại là Hồng Ngự).
4. Vùng trũng bao la của Đồng Tháp Mười bấy giờ không có tên đất rõ rệt, Trịnh Hoài Đức gọi là vùng "Trpach", tức là cái đầm to rộng, với chi tiết: giữa vùng đầm lầy này, có nhiều lõm sâu, cá tôm sinh sôi nảy nở, nhiều nhất là cá lóc. Tháng tư, tháng năm âm lịch, nước mưa tràn ao hồ, những nơi tương đối cạn, độ sâu rất kém vẫn là nơi có cá sinh sôi nảy nở. Bấy giờ, quan lại đã bày ra phương thức đấu thầu, gọi thuế "dự cạp" để "thuận mãi", trả cho quan lại theo giá phỏng định từng khu vực lớn nhỏ, vào tháng 10 âm lịch khi cá trở ra sông cái, mùa hạn sắp đến.
Hai cách bắt cá thông dụng nhất là đắp đập chặn ngang con sông, con rạch, vì đập bao, cá không vượt qua được (để trở ra sông cái). Lại còn phương tiện khác, tức là dùng những tấm đăng bện bằng tre mà chận ngang sông rạch để bắt cá. Ta hiểu Trịnh Hoài Đức muốn đề cập đến những đìa (đắp đập để dùng gầu mà tát) và kiểu xây rọ trong sông rạch. Họ dùng đăng sậy hoặc đăng tre, thường là đăng tre dùng xây mình rọ cho chắc chắn (nơi cá bị nhốt), phần còn lại, gọi đăng kiếng có tác dụng hướng dẫn cho cá lội xuôi vào rọ. Cá đem bán cho thương lái, dùng đơn vị đo lường là giỏ tre, cá trữ trong ghe lớn khá rộng, thường thay nước mới. Cá sống trong lòng ghe, nhờ chất nhót nên không chết, tuy việc chuyên chở đòi hỏi nhiều ngày, người lái cá thâu lợi to.
Đoạn tư liệu trên viết khá ngô nghê, vì nhằm vào giới độc giả gồm quan lại, nho sĩ, sách biên soạn để dâng lên cho các quan ngoài kinh đô Huế, các vị ấy khó hình dung được nếu không có chi tiết rõ rệt. Ta nhớ từ xưa đã có thương lái chuyên về cá, gọi lái rồi (còn gọi "các lái", ghe chở cá gọi ghe rổi) nay hãy còn và khúc sông rạch khắp Nam Bộ lấy tên kinh Rổi, Tắt Rổi. Lệ dùng giỏ tre dể đong cá để bán vẫn duy trì đến trước 1945, thời Pháp thuộc, để có chuẩn mực thống nhất, dùng hai loại giỏ lớn và giỏ nhỏ, giỏ lớn hình tròn, đường kính 1 mét, nhỏ thì có đường kính 80 cm. Khi đưa về tận Chợ Lớn - Sài Gòn, bán lại theo sức nặng, tính kilô. Cá có thể chết chút ít dọc đường, thường là mất sức vì thiếu ăn, lúc bị rộng trong ghe. Mua giá một, bán đến giá ba thì mới có lời. Cá bán được giá làm giàu cho thương lái, nhất là vào dịp những ngày trước tết, gọi dịp "chợ chánh", ra giêng cá bán thấp hơn.
Tư liệu trên còn ghi rõ: dân ở ven theo phía Bắc của rạch Bà Bèo nối qua rạch Chanh khẩn đất xin đóng thuế điền. Họ khai thác chút ít ruộng, nhưng nghề nghiệp chính yếu vẫn là đào ao (gọi là đìa cá, chữ Hán gọi là trì ngư), cá không cần nuôi, gom vào đìa, đến mùa thì tát. Việc đào đìa phát triển dọc theo con đường thủy có tính chiến lược nói trên là xóm đông đúc, ghe rổi từ các nơi đến mua thuận lợi hơn, thay vì gánh chịu phí tổn tát đìa, bắt cá, gánh cá từ giữa Đồng Tháp đến bến thì dân ở bờ kinh bán tại bến, nhanh chóng và gọn gàng.
Nguồn lợi về cá đồng quả là lớn, mãi đến những năm 1945 hãy còn như thế.
Nguồn lợi nhỏ về "lúa ma", "lúa trời" được Đại Nam Nhất Thống Chí đời Tự Đức ghi chép với chi tiết: tháng 9 hoặc tháng 10 âm lịch bắt đầu thu hoạch, người địa phương dùng làm thực phẩm, hiểu là nấu như nấu cơm, thay cho các loại gạo khác.
Đất rộng, người lưu dân từ xưa đã khéo chọn lựa những gò nổi để cất nhà, làm ruộng, để bắt cá. Đời Gia Long theo quy hoạch, Đồng Tháp Mười thuộc trấn Định Tường (khu vực Mỹ Tho, đại khái), huyện Kiến Đăng tổng Kiến Phong.
Một tổng quát rộng ăn từ Cao Lãnh, Mỹ Thiện, vùng An Hữu, bến đò Mỹ Thuận ngày nay, xuyên qua Mỹ An, tóm lại từ biên giới Việt Nam - Campuchia xuống tận quốc lộ 1 ngày nay. Ta thử tưởng tượng quyền hạn to rộng của viên cai tổng, và người dân tuy được chút ít thư thả, sống xa ánh mặt trời có điều lợi nhưng có lắm điều bất công nan giải.
Đời Thiệu Trị, nhiều biến cố xảy ra, quan trọng nhất là việc quân phong kiến xâm lược Xiêm toan tràn vào đồng bằng sông Cửu Long. Như ta đã biết, Đồng Tháp Mười là vùng biên giới, giặc tràn vào theo đường thủy, tức là phía sông Tiền (Hồng Ngự, Tân Châu), hoặc sông Hậu Châu Đốc).
Nhưng khu vực Tuyên Bình, với đường thủy tương đối thuận lợi ăn tận Nông Pênh vẫn có vai trò lớn, cũng như phía biên giới thuộc Trảng Bàng (Tây Ninh mà sử gọi vùng Quang Hóa).
Hệ thống phòng thủ của ta tương đối hoàn chỉnh, không thể tách vùng Đồng Tháp Mười ra khỏi toàn khu vực được.
Nếu đời Minh Mạng đánh dấu những cuộc tiến quân ào ạt, với thắng lợi rõ rệt thì đời Thiệu Trị là sự mệt mỏi chống trả, vua quan quả là đã mệt mỏi, nghĩ đến những cuộc từ từ rút lui theo kế hoạch, với phương án tốt nhất. Nền kinh tế của Việt Nam lúc bấy giờ đang suy thoái, về mặt bảo vệ lãnh thổ, Việt Nam phải cố gắng chuẩn bị đối phó với kẻ thù xa lạ: thực dân pháp với tàu chiến, súng đồng quá lợi hại, ngoài mức tưởng tượng. Đời Gia Long, qua đời Minh Mạng, quân đội triều đình đã từng cố gắng cải cách về quân cụ, đặc biệt về cách xây thành trì, cải tiến chiến thuyền, nhưng tính bảo thủ của quan lại, nặng óc tự tôn Khổng Mạnh vẫn thắng thế, nền tài chính suy sụp. Đời Gia Long, việc thao tác quân sự mô phỏng theo Tây phương được khuyến khích, nhưng sau đó, trở lại kiểu xưa. Trước sức mạnh của chiến thuyền thực dân, giới quan lại nhà Nguyễn cứ giữ lòng tự tin: súng đạn của ta là của Tây phương, do bọn cố vấn Pháp thời Gia Long chỉ dạy, dùng kĩ thuật Tây phương chống lại Tây phương là chuyện không khó. Nhưng các vị này đâu ngờ rằng kỹ thuật Tây phương không đứng một chỗ, trong vòng nửa thế kỷ những gì trước kia người Pháp trao đổi cho đều đã lạc hậu.
Sách lược của triều đình vẫn là rút lui, cố thủ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Xin thử liệt kê vài chi tiết về vùng ven của Đồng Tháp trong đôi ba năm, đời Thiệu Trị (1844-1845), theo ĐNTL:
- Lập đồng Giồng Tượng để án giữ cho đồn Tân Châu, sáng kiến do Nguyễn Công Trứ tâu lên và được chấp thuận.
- Chỉnh đốn và chú ý đồng Thông Bình (nay là Tuyên Bình của Đồng Tháp Mười tỉnh Long An), giao cho quan lãnh binh trú đóng ở Thông Bình căn phòng nghiêm nhặt, bảo vệ những người ở Campuchia đang bị quân Xiêm lấn hiếp.
- Án sát là Doãn Uẩn cầm đầu một cánh quân, khởi hành từ Thông Bình lên phía Ba Nam.
- Mỗi khi có biến động, Tân Châu, Thông Bình và Trảng Bàng phải phối hợp chặt chẽ.
Nói chung, tuy là vùng biên giới, vị trí chiến lược vẫn là vùng rìa, với Tân Châu, Trảng Bàng. Với đường thông thương khó khăn, vùng trũng Đồng Tháp sống yên lành với cảnh nghèo nàn, ngoài việc mua bán cá tôm, người địa phương ít được dịp giao lưu với vùng phụ cận. Kinh Bà Bèo đào từ thời Nguyễn Trấn, đô đốc Tây Sơn giữ vai trò quan trọng ở dọc theo ranh giới phía Nam, ngày càng sung túc, nhưng đó là giới mua bán trên ghe thuyền từ phía Hậu Giang đi lướt ngang qua, với câu hò, tiếng hát. Chợ Cai Lậy ở phía ven sông Tiền, chợ Bến Lức ở Vàm Cỏ Đông vẫn là những tụ điểm sung túc.
Đời Tự Đức, những năm trước khi Pháp đến, khoảng 1850, đã có lập đồn điền, khắp đồng bằng sông Cửu Long, chú trọng vào những nơi hoang vắng, khó kiểm soát an ninh, thí dụ vùng kinh Vĩnh Tế, phía Hà Tiên. Tuy hoàn cảnh khó khăn, Nguyễn Tri Phương đã thử khai thác Đồng Tháp Mười, từ phía Cai Lậy, tại điểm mà nay hãy còn giữ tên đất cũ: vùng Xoài Tư, nơi có bốn cây xoài mọc gần nhau, tôi đoán là xoài rừng: trong Nam Kỳ phong tục nhân vật diễn ca của Nguyễn Liên Phong xuất bản từ năm 1909 tại Sài Gòn có đoạn về tỉnh Mỹ Tho:
Nguyên khi thiết lập đồn điền Hãy còn nền chợ ở miền Xoài Tư Toan khai Thập Tháp câu cừ, Đặng thông các ngả dân cư nẻo đường.
Đại thần ông Nguyễn Tri Phương, Một tay chuyên chế phong cương chuẩn thằng, Thức khuya dậy sớm nhọc nhằn, Ưu dân ái quốc lòng hằng thẳng ngay...
Ta hiểu tác giả muốn nói việc khai khẩn, đào kinh ở Đồng Tháp (Thập Tháp), câu cừ nghĩa là kinh rạch lớn nhỏ, chuyên chế, theo nghĩa xưa là nhiều quyền hạn, chuẩn thằng là làm việc đúng nguyên tắc.
Thực dân đến vào lúc vùng Đồng Tháp đã lần hồi thêm dân cư, nhất là ở những nơi gò nổng, làm ruộng từng lõm, hoặc dọc theo kinh rạch, dễ giao lưu. Tuy mức độ còn thấp nhưng ta thấy Thiên Hộ Dương không sai lầm khi chọn Gò Tháp để làm căn cứ để hy vọng chống trả, giữ đất theo lối chính quy. Đã có sẵn những con đường mà người dân làm ruộng, bắt cá, đốn củi tràm đã tới lui từ trước.
- Từ Cần Lố phía sông Tiền đi vào.
- Từ Bờ Bắc Chiên bên sông Vàm Cỏ Tây.
- Từ Cái Nứa, vùng Cái Bè đi lên.
Bấy giờ đã có những tên nghe rất mộc mạc: đường Thét (thét là vạch ra, mở những bước đầu tiên ở nơi hoang vắng), đường Gạo (đoán chừng là đường chuyên chở gạo từ phía Cai Lậy, Cái Bè, nhiều người ở Tháp Mười đã tính toán kỹ lưỡng, nên chuyên nghề đìa, nghề rọ bắt cá, đem bán lấy tiền trở lại mua gạo, còn hơn là chuyên chú làm ruộng ở nơi dễ gặp úng lụt, hoặc gặp nạn chuột bọ. Thiên Hộ Dương cho lập căn cứ tại gò Tháp Mười, Pháp dùng những con đường mòn có sẵn để tấn công. Cuộc chiến đấu của vị anh hùng dân tộc nói trên đã được nhiều sách báo nói đến. Ỏ đây nên nhắc lại rằng thuở ấy, vùng gò Tháp còn hoang vắng, khí hậu độc hại, đỉa, muỗi, bệnh tật vào mùa nắng, bọn Pháp tiến công vào, vất vả thì đã đành vì từ phương xa đến, nhưng nghĩa quân, tuy sống ở địa phương gặp nhiều khó khăn, sức khỏe suy yếu. Đạn dược chôn dấu dưới đất, bị ẩm lắm khi bắn không nổ. Thiên Hộ Dương quá tin vào sự phòng thủ của căn cứ, đáng lý ra, nên chận đánh bọn Pháp lúc chúng đi hành quân, chuyến đi hoặc chuyến về. Hơn nữa với phương tiện liên lạc tốt, giặc có thể tập trung lực lượng tương đối dễ dàng, ngoài sự dự đoán: Thí dụ như từ Tân An, giặc dùng tàu thủy đưa quân đổ bộ ở Mộc Hóa, Trần Bá Lộc, tên Việt gian khét tiếng đã kiểm soát phần lớn khu vực phì nhiêu Cái Bè, Cai Lậy. Khi rút lui, nghĩa quân của Thiên Hộ Dương chỉ còn một con đường sống là về Cai Lậy, Cái Bè, nơi tên Việt gian này đã giăng sẵn màn lưới. Nhiều nghĩa quân bị bắt, giặc sửng sốt khi bắt gặp trong hàng ngũ nghĩa quân có lính của quân đội viễn chinh tham gia. Thuở ấy giặc gồm lính Pháp và lính Tây Ban Nha, người Tây Ban Nha thường cai trị Philippin, lập quân đội gồm người địa phương. Người gốc Philippin cầm súng theo giặc đã thấy đâu là chính nghĩa, từ địa phương xa lạ, những người này đến nơi đầy muỗi mòng, khí hậu gay gắt để cùng kháng chiến với ta, quá là hành động can đảm.
Pháp bị tổn thất nặng, mệt mỏi, vài ngày sau Trần Bá Lộc, bấy giờ mới được chức huyễn bèn mở cuộc hành quân nhỏ hơn, nhằm phá hủy đồn lũy ở Gò Tháp, đồng thời đốt kho lương thực. Nhưng Trần Bá Lộc từ lâu mang óc quân chủ phong kiến, muốn lợi dụng thế lực của giặc hòng lập ra giang san riêng rẽ. Là người sinh trưởng ở Cà Mau Giêng (nay An Giang, trên Sông Tiền), đến nhận chức ở Cái Bè, hắn tin vào khả năng của vùng đất quá rộng là Đồng Tháp Mười, nơi ít ai dám vào trưng khẩn vì bất lợi về khí hậu, thổ nhưỡng. Với chút ít trình độ kỹ thuật, hắn muốn làm một việc lưu danh sử thế. Bấy giờ, ngành đo đạc do bọn lính viễn chính đưa đến đã hấp dẫn khả năng của ông ta. Nếu phủ Trần Tử Ca thích đo đạc, bày ra thiết kế vùng Chợ Cầu (Hóc Môn) thì Trần Bá Lộc hy vọng sẽ đào kinh, với cách đo đạc Tây phương, dùng những thước dây, ống nhắm, để rồi tha hồ làm chủ vùng đất to rộng, hắn xin trưng khẩn nơi nào là chắc chắn thực dân chấp thuận nơi ấy. Ngoài ra, những con kinh đào tay này giúp hắn kiểm soát vùng đất hoang vu, từng là nơi nương náu của nghĩa quân.
Kế hoạch đào kinh được đệ trình lên cấp trên, theo đó chánh quyền Pháp ở Sài Gòn chẳng tốn một đồng nào cả. Hắn chỉ yêu cầu bắt dân làm xâu, dĩ nhiên trong những ngày làm việc cực nhọc, họ chẳng được trợ cấp thức ăn, thuốc men gì cả, cứ mỗi người dân ở huyện Cái Bè phải làm xâu hai ngày. Nhưng sau này, ta biết trong thực tế, người dân phải làm nhiều ngày công hơn, ai bất tuân thì bị đánh đập, buộc vào tội cưỡng lại Nhà nước Pháp, hoặc còn mang tư tưởng hoài cổ, nhớ tiếc triều đình Huế. Chủ tỉnh Mỹ Tho (Cái Bè thuộc địa bàn Mỹ Tho) chấp thuận kế hoạch, viên thống đốc Nam kỳ lúc đầu tỏ ra phân vân, ông ta từng chán ghét kiểu chém giết, bóc lột thái quá của Lộc, e rằng việc đào kinh sẽ gây thêm bất mãn, nhưng rồi cũng chấp thuận với điều kiện là đào thử, trong đợt đầu hai đoạn kinh ngắn, cộng là 8 km, bề ngang con kinh rộng 3 mét, rồi tạm ngưng lại chờ xem bờ kinh đứng vững được chăng. Nơi đất phèn lầy lội, có thể xảy ra trường hợp bờ kinh sạt lở hoặc ngược lại bờ thêm cứng nhờ ảnh hưởng của nắng gió, đối với đất bờ kinh, khi đã ráo phèn.
Việc thử nghiệm tỏ ra thành công, từ năm 1896, Trần Bá Lộc được phép đào thêm mười con kinh khác, cộng 103 km, bề ngang trên mặt vẫn là 3 mét. Nhưng tổng đốc Lộc lại đơn khiếu nại, cho rằng con kinh bề ngang nhỏ bé như thế chỉ là để tháo nước phèn, muốn giúp ích việc giao thông vận tải phải mở rộng bề ngang đến mức 10 mét. Đề nghị được chấp thuận, dân địa phương lại nhiều phen vất vả để rồi có con kinh to rộng, dài đến 47 km, nối từ rạch ruộng phía sông Tiền Giang ăn thông Đến kinh Bà Bèo (đào thời Tây Sơn), nơi tiếp nối là phía Bắc rạch Cai Lậy. Những con kinh còn lại, với bề ngang nhỏ hơn, đóng vai trò kinh tháo phèn.
Chỉ trong vòng hơn một năm là kế hoạch hoàn chỉnh, tháng tư năm 1897 chủ tỉnh Bốckydông (Bocquillon) của tỉnh Mỹ Tho bày lễ khánh thành, với sự hiện diện của nhiều quan khách người Pháp. Tháng bảy năm ấy, viên toàn quyền Đông Dương từ Hà Nội vào kinh lý phía Nam đã chấp thuận đặt tên là kinh Tổng đốc Lộc.
Viên chủ tỉnh kế tiếp không thích việc đào kinh, vì thất nhân tâm, e gây thêm mầm mống kháng Pháp. Bấy giờ, nhân gian đã chán chê, mặc dầu lúc sau, tổng đốc Lộc giúp phương tiện như tổ chức nhiều đoàn xe trâu để đưa nước ngọt đến cho dân phu, cấp phát thêm xuổng đào đất, thêm phảng để phát cỏ trước khi đào. Việc nặng nhọc nói trên đã khiến mọi người phải mang bịnh sốt rét.
Năm 1899, thống đốc Nam Kỳ là Picanông (Picanon) tỏ ra năng nổ, thúc giục tổng đốc Lộc tiếp tục bắt dân xâu, dài thêm 32 km kinh, nới rộng, nhờ vậy con đường vận tải trở nên dễ dàng từ bờ sông Tiền đến ranh giới tỉnh Tân An cũ. Và thống đốc nói trên không quên gởi bằng khen cho Lộc và những cai tổng ở Cái Bè, nhắc nhở công lao. Theo cơ chế thời thực dân, cai tổng là chức vụ trung gian giữa huyện và làng xã, người cai tổng trọn quyền đôn đốc về thuế vụ, nhất là bắt dân làm xâu. Rồi công trình đào kinh ở Đồng Tháp Mười tiếp tục, với sự thúc hối của viên toàn quyền Đume (Doumer), bấy giờ còn trẻ, nhiều tham vọng. Ông ta thích những công trình lớn, với cái nhìn thực tế, đầy đủ uy tín để thuyết phục chánh quốc (nước Pháp) mở tài khoản cho Đông Dương vay nợ đào kinh, sau đó trả lần hồi. Làm được công trình khai thác để bóc lột trên quy mô lớn, tận dụng khả năng sản xuất lúa gạo của Nam Kỳ, ông ta lại nổi danh, khi mãn nhiệm kỳ, nhờ quyền hạn rộng lớn mà kế hoạch được thi hành nhanh chóng, trên nét chiến lược lớn, quả nhiên, tham vọng của ông ta được thỏa mãn, đắc cử vào tổng thống nước Pháp. Rồi đến giai đoạn chủ tỉnh Lagran (Lagrange), những con kinh được đào thêm những năm đầu thế kỷ. Kinh Tổng đốc Lộc và kinh Lagran sau này, thời kháng Pháp được ta đổi tên là kinh Nguyễn Văn Tiếp (tên một đồng chí chủ tịch tỉnh Mỹ Tho đã hy sinh) và kinh Dương Văn Dương (chiến sĩ Bình xuyên tích cực kháng Pháp, từng là Khu bộ phó chiến khu 7 Nam bộ).
So với điện tích quá to rộng của Đồng Tháp Mười, những con kinh nói trên góp phần phát triển nông nghiệp, với quy mô nhỏ, lưu dân từ các tỉnh gom về, xây dựng thôn xóm ở bờ kinh, ghe thương hồ từ phía Hậu Giang tới lui tấp nập, qua phần đất ven Đồng Tháp để lên Chợ Lớn theo con đường ngắn nhất, giá thành của lúa gạo xuất cảng trở nên thấp hơn. Vài đoạn kinh lần hồi nạo vét, rộng rãi hơn, dọc đường tiệm quán thêm tấp nập. Nhìn trên bản đồ, ta thấy thực dân Pháp nhằm vào kế hoạch khai thác vùng ven của Đồng Tháp, phía "lòng chảo" úng lụt vẫn còn là nơi dành cho số ít nông dân trổ tài phiêu lưu, mạo hiểm, thử thời vận.
Trong Nam Kỳ phong tục nhân vật diễn ca của Nguyễn Liên Phong ấn hành từ năm 1909 có đoạn ca ngợi quá đáng Tổng đốc Lộc nhưng cũng xin trích dẫn để tham khảo:
Đồng Tháp địa cuộc minh minh,
Muôn trùng nước cỏ thinh thinh dập dền.
Ước chừng một huyện xã thôn (đất hoang rộng như một huyện, riêng trong tỉnh Mỹ Tho)
Cọp voi heo rắn khỉ chồn ở bao.
Ông Trần Bá Lộc xin đào,
Kinh thông nước chảy dễ vào dễ ra...
Tốt thay Thập Tháp (Tháp Mười) một đồng,
Đông Tây Nam Bắc nay thông bốn bề.
Tân An, Sa Đéc giáp kề...
Trời cho một số bạc tiền,
Bởi người có khó có siêng mới thành.
Nông là gốc của dân sanh,
Làm ra đặng lợi, đặng danh đời đời.
Dập dài bưng xẻo khắp nơi,
Cậy nhờ lúa cá thảnh thơi an nhàn.
Cũng theo tác giả nói trên, vùng Tân An phát triển nhanh vào những năm đầu thế kỷ 20, vùng Bắc Đông trở nên thịnh vượng hơn, còn vùng Bắc Chiên quả là nơi từ xưa đã thành thôn xóm nhỏ:
Tiếng rằng ruộng khẩn Bắc Đông,
Đá Biên, Cờ Nhiếp minh mông cả rừng.
Đá Biên vàm có tàu ngừng,
Trao thơ bánh thịt ghe luân chuyển vào.
Tới nơi Cờ Nhiếp sẽ giao,
Họa đồ, kinh lý thâu vào luôn luôn.
Thuở xưa, cảnh ấy quá buồn,
Ngày nay, mở phát phá ruồng mới xong.
Thẳng vô tới kinh Bắc Đông,
Ngã tư mới cũ đào thông hai đầu.
Một đầu đào cũ đã lâu,
Một đầu thì mới đào sau đã rồi.
Từ đó thẳng vô một hồi,
Đến Nhơn Ninh xã hẳn hòi dân đông.
Thương Ngô Hữu Tự có công,
Quy dân lập ấp nghiệp nông thành làng.
Tục ngữ kêu kinh Năm Ngàn,
Dân nhờ hột lúa nhảy tràn đủ tiêu.
Đập đìa, cá năm biết (bao) nhiêu,
Tưởng ngày sau cũng thêm nhiều người ta.
Trời cho cây sẵn là nhà,
Thiên nhiên vạn vật gần xa những tràm.
... Liền nơi Cờ Nhiếp xông vào,
Muốn nhắm chỗ nào thì có thang trông.
Minh minh trước mặt những đồng,
Trông qua Thập tháp không không cả trời.
Rừng tràm xen khắp nơi nơi,
Mỹ Tho, Sa Đéc xa khơi tứ bàn.
Dân cư rải rác xóm làng,
Gốc nhờ lúa cá cũng nhàn với nhau.
Năm ba năm nữa về sau,
Chắc thêm đông đảo lợi đâu sánh tày...
... Hềm vì con chuột nhảy tràn,
Đêm ra cắn lúa khốn nàn nhà nông...
Về gò Bắc Chiên mô tả như sau:
Ở xem Hán Thổ làm ăn,
Thổ nhiều Hán ít người năng cơ hàn.
Giáp Thìn trận bão vào tàn,
Nước ta Ất Ty họa sang cào cào.
Nhà nghèo xiết mấy nhổ lao,
Tải đi xứ khác xiết bao ly loàn...
Trích dẫn dài dòng như thế vì trên đây là tư liệu còn thấy được, bằng chữ viết, theo cái nhìn của một nho sĩ người Việt, đành rằng tác giả có quan điểm lạc quan, xu thời. Ta thấy rõ nét:
- Vùng ven của Đồng Tháp Mười thời ấy không gọi là Đồng Tháp Mười. Tên đất này dùng để chỉ khu vực hoang vắng, phía trong xa, với nét đặc trưng là còn quá nhiều rừng tràm.
- Đường giao thông hiện đại duy nhất vẫn là tàu thủy, chạy theo vùng ven Vàm Cỏ Tây. Việc trưng khẩn đất đai khá rầm rộ, khi đào kinh xong. Ở vùng ven Nhà nước thực dân tiến hành đo đạc, để người có thế lực đúng tên trưng khẩn được yên tâm.
Trận bão lụt năm Thìn (1904) kế năm sau Ất Tỵ (1905) xảy ra nạn cào cào, giống côn trùng lợi hại này to con (gọi cào cào vồ từng là tai họa ở Châu Phi lại đột nhiên xuất hiện, đáp xuống cánh đồng lúa là lát sau chỉ còn trơ cọng rơm rạ, bao nhiêu lá bị cắn sạch, để lại mớ trứng độc hại, phải tìm cách đốt cả cánh đồng để loại trừ cho tuyệt giống.
Người ở Đồng Tháp Mười sau khi bị tai nạn này vì đói rách đành bỏ đi xứ khác, một năm mất mùa, chẳng tài nào bù lỗ lại nếu như năm sau được mùa. Vả lại, giới điền chủ chẳng còn vốn để tiếp tục cho nông dân vay, điền chủ cố chịu đựng, dầu sao đi nữa đất đai của họ vẫn còn đó.
Ở Mộc Hóa (gò Bắc Chiên) người Khơ-me ở xen với người Việt.
Nghề làm ăn thâu lợi tức nhiều nhất ở vùng này vẫn là nghề cá. Phía Sa Đéc, vùng Cao Lãnh được xem như là đất thành thuộc, tư liệu trên cho rằng Cao lãnh ăn giáp qua Tháp Mười.
Truyền thống tức là những tính cách ít nhiều rõ nét từ đời trước truyền qua đời sau, cứ như thế, kế tiếp qua nhiều thế hệ, nếu có thay đổi thì cũng từ từ ở vài chi tiết, nhưng trong nét lớn thì dường như cố định. "Người ta là hoa của đất", đất nào sanh ra hoa lá của đất ấy. Đại khái, có thứ đất sinh ra trái cam chua, có thứ đất sinh ra trái cam ngọt, khó thay đổi.
Trở lại vùng Đồng Tháp Mười. Quả thật có truyền thống hay không? Nói đến truyền thống là nói đến con người và cách khai thác đất đai, tức là các động tác của kinh tế, khí hậu, ảnh hưởng qua lại với các vùng lân cận, với cả nước.
Như ta thấy, Đồng Tháp Mười là vùng đất rộng lớn, với đất dai, cây cỏ, mưa nắng khá độc đáo. Không nên ca ngợi chung chung rằng "Tổ quốc ta giàu đẹp", ở đâu cũng có "thiên nhiên ưu đãi" vì là vùng nhiệt đới, nằm trong khu vực khái quát từng được ca ngợi với cái tên chung chung là đồng bằng sông Cửu Long. Đây là vùng khó canh tác, bất lợi về thổ nhưỡng (đất quá phèn), nhiều chế độ đã qua đành chịu thua, bó tay, ý chí con người không đủ, cần phải có vốn đầu tư, có chế độ, chính sách rộng rãi sát với tình hình. Bao người đến Đồng Tháp Mười, cố bám đất, chịu cực khổ, bịnh tật, áp bức: để rồi sau vài mùa ruộng là ra đi không bao giờ trở lại. Thà rằng bỏ xứ Đồng Tháp Mười, lên Sài Gòn làm cu ly vác lúa, kéo xe kéo, hoặc xuống dưới Rạch Giá, Cà Mau làm tá điền, dầu sao đi nữa cuộc sống vẫn tương đối ổn định hơn.
Tóm lại, phần lớn ở Đồng Tháp Mười, nơi đồng trũng, là dân lưu tán, tìm những người cố cư từ đôi ba thế hệ là khó. Nhưng chung quanh Đồng Tháp, thí dụ như Bắc Chiên, Tuyên Thạch, Hồng Ngự, Tân Thành, Cao Lãnh, Cái Bè, Cai Lậy, Bắc Đông ta vẫn gặp nhiều thôn xóm định hình từ lâu đời, gần nhất có số người định cư từ đôi ba thế hệ, dọc theo những con kinh chiến lược đào thời Pháp thuộc hoặc xưa hơn, thí dụ như phía rạch Cai Lậy, kinh Bà Bèo, vốn là đường thủy đưa lúa gạo từ Hậu Giang lên Sài Gòn, nhiều người nhờ cần kiệm nhà cửa khá khang trang, thậm chí có trồng dừa, trồng cau, thêm bông mai vàng khoe tươi ngày tết. Hoặc ở những giồng đất nhô lên như những ốc đảo giữa vùng trũng. Nhưng mức sống dường như cố định, khó vượt lên cao. Vả lại người nào có vốn liếng giá giả thì cho con đi Sa Đéc Sài Gòn làm ăn với quy mô lớn hơn.
Về con người, ở Đồng Tháp ta thấy vài thành phần, phân chia tạm thời như sau, sự phân chia không quá cứng nhắc, nhiều người lưu dân không đứng hẳn vào từng lớp nào cả. Đất mới, ranh giới thôn xóm không phải là lũy tre, nơi hẻo lánh cũng vẫn có sự giao lưu. Một quy luật: không có hàng tiêu dùng (muối, vải bô, dầu lửa, thuốc hút, rượu, tấm ván, cây đinh, thuốc chữa trị bịnh tật...) không thể nào khẩn hoang được. Chưa kể đến những dụng cụ cần thiết như cày, cuốc, phảng, xuồng, vật liệu xây cất, dụng cụ ngư nghiệp.
Tóm lại, phải có hậu cứ chắc chắn. Lúc khẩn hoang rộn rịp những năm đầu thế kỷ, nhiều thương gia người Hoa ở Cao Lãnh, Sa Đéc, Cai Lậy đã làm giàu nhanh chóng nhờ cung ứng dịch vụ cho dân khẩn hoang, giới nông dân này chỉ chú trọng vào việc khai thác cá tôm và lúa, những món khác đều ra chợ mua sắm với bất cứ giá nào. Nhiều tay mại bản người Hoa đã làm giàu với nghề mua bán ván đóng xuồng, dầu chai, gàu tát nước, lưỡi câu, cao đơn hoàn tán, vải bô...
Người đến cư ngụ ở Đồng Tháp trước tiên mà sử còn ghi lại là người của vương quốc Phù Nam, đạt mức cực thịnh vào đầu Tây lịch, trải bao thăng trầm vì chiến tranh mở rộng và gìn giữ lãnh thổ, để rồi rút lui, thất trận, theo tư liệu nay tìm được tại Đức Hòa (Long An). Vương quốc này đã để lại nhiều hiện vật lý thú, nói chung thuộc địa bàn của văn minh Ấn Độ. Bên cạnh giới phong kiến giàu sang, còn một đám đông nông phu có thể gọi là nông nô, với đời sống lam lũ, nếu ta căn cứ vào một số dụng cụ nông nghiệp, săn bắn, đánh bắt còn thấy. Nhà bảo tàng Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang đang trưng bày nhiều hiện vật khá thú vị, cần thiết để nghiên cứu lịch sử Đông Nam Châu Á.
Vương quốc Phù Nam tan rã, vì lý do gì chẳng tư liệu nào ghi rõ. Một cuộc ngoại xâm mà vua chúa rút lui hối hả.
Có giả thiết cho rằng hậu duệ của người Phù Nam là người dân tộc Stiêng hãy còn sống ở tỉnh Sông Bé và bên đất Campuchia.
Về gia phả gần như không có, người khẩn hoang ở Nam bộ không ghi chép lại để che giấu lý lịch, đề phòng trường hợp tru di tam tộc, theo luật phong kiến. Có tấm bia ghi lại trường Bả Canh do ông Đỗ Công Tường từ Bình Định vào lập nghiệp từ đầu thế kỷ thứ 18, nay là chợ Cao Lãnh.
Người đến từ đời Gia Long? Chẳng còn dấu ấn nào rõ rệt. Đời Tự Đức, khi Thiên Hộ Dương khởi nghĩa chẳng có tư liệu nào ghi rằng tại Gò Tháp (nay huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) sẵn có thôn xóm. Người đến vùng trũng Đồng Tháp Mười từ khi Pháp đến chắc khó tìm. Ta có thể tìm về nguồn gốc những người ở vùng nói trên vào những năm trước 1945 hoặc sớm hơn, như Nguyễn Hiến Lê đã may mắn ghi chép trên giấy trắng mực đen từ năm 1937. Phần lớn tư liệu sưu tập là chuyện kể dân gian. Và những người sống ở Đồng Tháp từ hơn nửa thế kỷ qua, liệu còn con cháu bám đất?
Một quy luật về khẩn hoang nay còn thấy, có thể áp dụng cho trường hợp vùng Đồng Tháp: họ thường xuất phát từ vùng ven tạm gọi là phía rìa của "lòng chảo", thí dụ như từ Tân An, Mộc Hóa, Cái Bè, Cai Lậy, Cao Lãnh, Hồng Ngự.
Trước khi đến họ đã có ý thức về những khó khăn phải đối phó, cùng là những thuận lợi. Trong tập du ký nói trên của Nguyễn Hiến Lê, phần lớn là chuyện sinh hoạt vùng ven hoặc dọc theo kênh đào thời Pháp thuộc.
Nét lớn trong tính cách người đi khẩn hoang vẫn là chuộng sự phóng khoáng, trọng sáng kiến cá thể. Mọi người, tùy khả năng và sở trường, có thể tìm sanh kế riêng. Nguồn lợi lớn nhất so với cả đồng bằng Nam Bộ vẫn là cá đồng, theo nghĩa cá lóc, cá rô, cá bông, cá sặc rằn, cá trê. Cá không cần nuôi, tới mùa thì dùng đăng sậy để xây rọ (nếu đấu giá được khúc kênh, khúc rạch nào đó), hoặc để đào đìa cá. Nghề này cực nhọc trong những tháng cuối năm và qua Tết. Nếu có hoàn cảnh, làm thêm chút ruộng sạ, năng suất kém nhưng đủ ăn. Nhưng muốn tạo ra vài khẩu đìa, đấu giá một ngọn rạch, cần có vốn, ở mức tương đối. Đào đìa lắm khi phải mướn thêm nhân công. Gặp đôi ba năm được mùa cá, mùa lúa có thể trở thành một kiểu trung nông, sau hè trồng vài bụi tre, bụi chuối, rồi nuôi heo, nuôi gà. Khó giữ được mức sống trung bình, nghề cá, nghề ruộng lệ thuộc quá nhiều vào thời tiết, gặp lúc đau yếu vay nợ nặng lời, lại xuống dốc.
Nghề ruộng lắm khi đem lợi to năm trúng mùa, nhưng quá lệ thuộc vào lũ lụt hàng năm. Bấy giờ giống lúa chưa ổn định. Năm lụt to, gieo giống lúa thấp, lúa chết. Năm ít lụt, gieo giống lúa cao thu hoạch nhiều rơm rạ hơn là lúa.
Thời giờ nhàn rỗi kéo dài, nhất là vào cuối mùa nắng, bắt đầu sa mưa. Phong cách của người nông dân Đồng Tháp Mười được dịp bộc lộ rõ rệt, sau "tháng giêng là tháng ăn chơi". Sản lượng cá lóc, rắn, rùa, chuột, lươn... của vùng này quả là nhiều, so với tỷ lệ đầu người của vùng, nhưng cá phải bán ra ngoài để lấy tiền mua trở lại trăm món tiêu dùng, từ cây đinh, hột muối đến chai dầu gió, thuốc cảm mạo, cục kẹo, tấm ván. Ăn để giải sầu, lúc cá tôm rộ lên, khi tát đìa, ăn để đãi khách, nhưng sau đó trời sa mưa, nhiều nhà chẳng còn con cá khô, con mắm mà ăn. Những tháng đầu mùa mưa thức ăn thật khó kiếm, người lớn và trẻ con đều suy dinh dưỡng trong thời gian dài, trong khi muỗi mòng và bịnh sốt rét có thể hoành hành. Nơi hẻo lánh, khách tha phương lập nghiệp luôn luôn thấy cô độc, vì vậy rất hiếu khách. Gặp người địa phương khác, lo lắng từng miếng ăn với đặc sản lươn, rùa, cá, vì ngoài những món dễ tìm ấy chẳng còn món nào khác hơn. Tiết kiệm vài con rùa, trong tiệc rượu ngon mà thiếu con cá nướng, hoặc nhiều con cá nướng thì mất vui, vả lại tiết kiệm như thế cũng chẳng giải quyết được bao nỗi khó khăn chồng chất của gia đình vì nợ nần. Gặp khách quen thân một quê xứ, cần tiếp đón để có lượng thông tin về quê cũ của mình. Gặp khách lạ lại càng thú vị, họ sẽ kể lại bao chuyện mà chủ nhà chẳng bao giờ nghe được lần nào.
Thay vì mình đi du lịch thì người khách lạ sẽ du lịch, kể chuyện cho mình nghe. Nhiều du khách vì yêu mến môi trường thôn dã nên chẳng tiếc lời ca ngợi, thí dụ như món ngon Đồng Tháp, nào bông điên điển (điền thanh), bông súng, rau ngổ, cỏ hẹ, hoặc món cọng mái dầm xào với cua đồng. Thật ra chỉ là lạ miệng, ăn chơi một lần thì được, chẳng qua là sự an ủi của người nhà nghèo.
Vì trốn cuộc sống nghèo đói ở nơi đô hội, ở vùng làng mạc đã định hình nên nhiều người đi với gia đình, hoặc đành tạm biệt gia đình để thử thời vận. Vài phần tử rất tiêu cực cũng đến nơi hoang vắng này làm nhiều nghề bất chính, thí dụ như tổ chức ăn trộm trâu, buôn lậu, tung tích khó bại lộ, từ xưa chánh quyền khó kiểm soát, ta nhớ đời Gia Long, từ Vàm Cỏ Tây, Mộc Hóa đến chợ Cái Bè hơn 100 km đều là địa bàn của huyện Kiên Đăng, trấn Định Tường. Sống "xa mặt trời", người bất lương có thể trốn xâu, lậu thuế, người lương thiện dễ bị bức hiếp, chẳng tài nào kêu oan. Cường hào ác bá tha hồ lộng hành, cai tổng, điền chủ xem dân như tôi tớ, lắm người vì nghèo đành trốn thuế, có người vì ương ngạnh mà trốn thuế. Giới thương gia bậc trung, giới đầu nậu tha hồ ém giá khi mùa cá đã đến. Điền chủ tha hồ cho vay nặng lời, trong ba tháng ăn trăm phần trăm, trả không xong, năm tới nhập lời làm vốn, để rồi số lời ấy tăng lên.
Lắm người tá điền nghèo túng, vay nợ vì con đau vợ ốm, hoặc giải sầu với cờ bạc, rượu chè, đành năn nỉ, quỳ lạy người điền chủ, hoặc đến mức không chịu được sự nhục nhã, cương quyết bỏ nhà ra đi, đi đâu cũng được, tránh cảnh nghèo này để chờ cảnh nghèo khác. Lại còn những người lười biếng, nặng óc phiêu lưu, từ đầu thế kỷ đã giả dạng người cuốc đất trồng khoai, thử đào xới với hy vọng tìm kho tàng do vua chúa ngày xưa chôn giấu. Công việc săn vàng này xem như khờ khạo, nhưng đôi người đã gặp chút ít vàng, phần lớn là nữ trang của vua chúa thời Phù Nam chôn giấu.
Lại còn giai thoại vàng chôn nơi nào thì hào quang phảng phất nơi đó. Trên mặt đất, từ lòng đất vang lên tiếng chuông, tiếng rú của những người trinh nữ bị chôn sống để làm thần giữ của.
Tệ hại nhất là có người đến chốn hẻo lánh này để giả dạng tu hành, vì trình độ kém nên lợi dụng bối cảnh hoang dã để bày ra nhiều "đạo" mới, thật ra chỉ là dạng mê tín quá cổ sơ, nghe rất lạ tại như đạo Đất, đạo Nước, đạo Đâm, lúc đầu nhờ tiên đoán ngày tận thế gần kề với thiên tai lũ lụt nên thu hút rất nhiều khách hiếu kỳ, lần hồi tan rã, trở thành trò hề, để rồi một nhân vật khác lại bày ra thứ đạo mới, nhất là những năm mất mùa, nước lụt dâng cao, nạn đói như sắp xảy ra. Người dân không phải quá ngu dại, nhưng họ mong tìm ra được một lãnh tụ để cùng nhau lo việc "đổi đời", tức là chống bất công áp bức, may ra lập cuộc đời vui sướng hơn. Thực dân Pháp và bọn thật thám theo dõi, không đàn áp, lắm khi lại đưa tay sai vào hàng ngũ để thực hiện sách lược ngu dân.
Về trình độ văn hóa nói chung người ở Đồng Tháp Mười không đồng bộ. Nên phân biệt vùng ven, cũng gọi là vùng Đồng Tháp với vùng trũng. Vài nhà nghiên cứu đã ca ngợi trình độ yêu nước, mức sống phong lưu của dân Đồng Tháp không kém gì miệt vườn Cai Lậy hoặc Sài gòn - Thủ Đức, thật ra đó là khu vực Cao Lãnh, Tân Châu, Hồng Ngự, Tân Thành, Đốc Vàng với đất tương đối cao, ảnh hưởng lũ lụt ở mức tương đối, ruộng tốt, vùng ven, nơi thành lập xóm riêng định hình, đời Gia Long đã ghi lại vì được khẩn hoang trong bước đầu. Nếp sống Việt Nam được bảo lưu qua các gia đình cố cứ này, lây lan qua vào vùng trũng, trở thành mô hình cho những người trung nông, phú nông ở dọc theo bờ kinh xáng, ở vài trung tâm thương mại mới thành lập. Mô hình vẫn là nhà trệt với nền cao ráo, bàn thờ ông bà, bộ ván, nhà bếp riêng rẽ, phía sau là khu vườn khiêm tốn. Vào những năm 1935 về sau nông nghiệp phát triển, việc giao lưu tương đối ổn định. Nhiều người đủ vốn hoặc vay mượn đã khai thác ruộng đất theo kiểu quảng canh: làm ruộng trên diện tích rộng, mỗi mảng 10 hécta hoặc hơn, trong mảng này, lắm nơi đất xấu nhưng vẫn canh tác vì có vài mảng khác tốt hơn bù lại. Phía Bắc vùng Cai Lậy, vùng Tân Hiệp trở nên nhộn nhịp lạ thường, nhất là vào mùa gặt. Lúa chín, gặt trễ là hao hụt. Phải nhờ vào công sức của người vùng phụ cận đến, đúng là thợ gặt chuyên gặt mướn. Sau nửa tháng hoặc một tháng làm công, thợ gặt trở về. Đây là những dạng lễ hội nhộn nhịp. Người nông dân Đồng Tháp Mười dược dịp tiếp xúc với người nông dân ở vùng văn minh hơn. Ban ngày làm lụng vất vả, đêm đến, mặc nhiên bày ra từng nhóm sinh hoạt văn nghệ, thức đến khuya mà không thấy mệt. Sương mù cuối năm lan tỏa, bếp lửa sáng rực, vừa xua muỗi mòng nhưng chủ yếu vẫn là nhờ than lửa hồng để nước cá lóc uống rượu, kể chuyện tiếu lâm, chuyện ma quái rồi thi nhau đối đáp. Vừa gặp nhau đã là quen thân, đúng là tình yêu đất, tình yêu quê hương mà không cần lý luận dài dòng, với nụ cười, già trẻ lớn bé, trai gái đều tham gia, để lại những kỷ niệm khó quên trong suốt cuộc đời. Trong khi ấy ghe thương hồ chở lúa, chở cá từ vùng Hậu Giang đi ngang qua cũng tự nguyện ghé lại, cùng chia sẻ hoặc đóng góp phần liên hoan. Mùa gặt, với những thợ gặt mướn đến rồi đi, chờ năm sau lại đến, nhưng có lẽ đến nơi khác đã gợi hình ảnh cuộc sống màu nhiệm, đa dạng của phần đất Đồng Tháp Mười, tuy tiêu sơ nhưng không đến mức nhàm chán.
Điệu hò gọi là "hò Đồng Tháp" xuất phát từ dịp này, đúng ra là điệu hò vùng Cai Lậy, cải biến chút ít, lần hồi phổ biến tận xóm lao động Sài Gòn, đặc biệt là ở những lớp dạy truyền bá quốc ngữ, tổ chức quần chúng hoạt động đắc lực trong lòng địch vào những năm kháng pháp. Cũng những buổi gặp gỡ của đám thợ gặt lưu động mà lưu truyền nhiều huyền thoại về khối lượng cá tôm vùng Đồng Tháp, người vùng lân cận ham thích, ngỡ đó là thiên đường, là "kho vô tận"...
Nhiều giáo viên, cán bộ cách mạng đã đến vùng hẻo lánh Đồng Tháp để ẩn thân, gieo rắc ít nhiều ý thức cách mạng, nhưng phải đợi đến những năm đầu thời kháng Pháp, vùng Đồng Tháp mới được giới thiệu tương đối đầy đủ với đồng bào miền Nam, đồng bào Sài Gòn, cả nước và được nhắc nhở đến tận Châu Âu nhờ tin tức chiến sự ngày càng nóng bỏng. Văn hóa dân gian truyền thống được bổ sung sinh lực mới, người ở Sài Gòn, ở các tỉnh lân cận, người từ miền Bắc, miền Trung tụ hội về Đồng Tháp để rồi lừng danh chiến khu 8.
Với cách mạng tháng Tám, lòng yêu nước của dân ta được thử thách. Không yêu nước thì làm sao giữ nước, cống hiến tài sản và cả tính mạng. Những huyền thoại về Gò Tháp với chiến khu của Thiên Hộ Dương bừng sống lại.
Phần mộ và đền thờ của Đốc binh Kiều suốt thời Pháp thuộc vẫn là dạng thần hoàng được đồng bào sùng bái. Bấy lâu, những người khai hoang, những đám lưu dân ở giữa vùng trũng Đồng Tháp sống vô tổ chức về chính trị. Những người sống ngoài vòng pháp luật, chống đối thực dân kiểu vô chính phủ, những bần cố nông tuyệt vọng thấy rằng cách mạng là phương pháp khoa học nhất để đưa dân tộc ra khỏi cái vòng lẩn quẩn của nghèo đói, những giáo phái linh tinh chỉ là hứa hẹn mơ hồ.
Phải tìm Đồng Tháp Mười để lập căn cứ vững chắc chống thực dân Pháp đang hồi hung hãn. Cán bộ lãnh đạo của ta thử đến, thám sát, những người từ phương xa đến chỉ nghe hai tiếng Đồng Tháp lần đầu tiên, chưa đặt chân đến lần nào. Từ Hóc Môn, Bà Điểm, Đức Hòa, ta chọn Mỹ Hạnh, rồi qua vùng gò Bắc Chan (Mộc Hóa). Bấy giờ sau thời phát xít Nhật bóc lột (trước 1945) đồng bào gánh chịu nhiều hậu quả tai hại: đau ốm không thuốc men, quần áo vải gần như không có. Đồng bào ngủ nóp, cán bộ, bộ đội ngủ nóp, rồi khá hơn, bày ra ngủ mùng tập thể, ban đêm làm việc trong mùng. Với nguồn lợi phong phú là đìa cá, thêm lúa, lần hồi cơ sở vật chất thành hình. Quan trọng nhất là sự chi viện về văn hóa của cán bộ từ khắp nơi đến. Tháp Mười với hương sen trở thành biểu tượng xinh đẹp, gắn bó hữu cơ với cả nước.
 11/5/2016  
Lê Lưỡng sưu tầm
Theo http://tanphuoc.tiengiang.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tình yêu của biển

Tình yêu của biển Thì ra biển cũng bạc lòng say đắm/ nhuộm đen khuôn hình, trắng tấm sắt son/ một vũng gió buộc vào sâu mắt bão/ buồm căng...