Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

Ca khúc nghệ thuật Việt Nam

Ca khúc nghệ thuật Việt Nam

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

Ở Việt Nam, từ giữa thế kỷ XX, khái niệm ca khúc nghệ thuật(CKNT) xuất hiện cùng sự hình thành nền âm nhạc chuyên nghiệp. Trong luận án, NCS lựa chọn nghiên cứu những ca khúc nghệ thuật Việt Nam (CKNTVN) có phần đệm piano do chính tác giả sáng tác. Thể loại này có những đặc điểm gì về ca từ, cấu trúc, giai điệu và phần đệm? Là một thể loại du nhập, CKNTVN có thể là sự kết hợp giữa kỹ thuật sáng tác trong âm nhạc phương Tây với âm nhạc truyền thống Việt Nam. Thể loại này cũng có thể trở thành cầu nối giữa công chúng nghe nhạc với âm nhạc hàn lâm, nhưng lại chưa thực sự được nghiên cứu một cách tổng thể và có hệ thống. Nghiên cứu về (CKNTVN)không chỉ đóng góp cơ sở lý thuyết cho việc sáng tác CKNT có phần đệm mà còn là một tài liệu tham khảo cho công chúng nghe nhạc. 
2. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là đặc điểm ca từ, cấu trúc, giai điệu và phần đệm trong thể loại CKNTVN
Phạm vi nghiên cứu của luận án là các CKNTVN ở dạng có phần đệm piano do chính tác giả sáng tác, bao gồm136 CKNTVN của 16 nhạc sĩ.
3. Mục đích, mục tiêu nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu của luận án là sử dụng hệ thống lý luận Âm nhạc học nhằm làm rõ đặc điểm thể loại CKNTVN, bao gồm các yếu tố ca từ, cấu trúc, giai điệu và phần đệm.
4. Nhiệm vụ nghiên cứu: Nghiên cứu tổng quan và các khái niệm; sự hình thành của thể loại; làm rõ đặc điểm ca từ, nghiên cứu cách thức triển khai cấu trúc; phân tích và hệ thống đặc điểm giai điệu và phần đệm trong CKNTVN.
5. Phương pháp nghiên cứu
Trên nền lý thuyết, lý luận Âm nhạc học, NCS sử dụng các phương pháp nghiên cứu lý thuyết (phân tích, so sánh, quy nạp, tổng hợp, hệ thống) và phương pháp chuyên gia.
6. Ý nghĩa khoa học của đề tài
- Bổ sung vào phần dữ liệu lý luận, phê bình.
- Đóng góp tư liệu tham khảo cho những người hoạt động biểu diễn, sáng tác… 
- Là một tài liệu tham khảo dưới góc độ âm nhạc học đáng tin cậy cho công chúng khi muốn tìm hiểu âm nhạc hàn lâm. 
- Tạo cơ sở cho việc mở rộng nghiên cứu trong tương lai theo hướng so sánh với các thể loại khác.
7. Bố cục luận án
Chương 1: Cơ sở lý luận và sự hình thành thể loại ca khúc nghệ thuật Việt Nam
Chương 2: Ca từ và cấu trúc
Chương 3: Giai điệu và cấu trúc
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ SỰ HÌNH THÀNH THỂ LOẠI CA KHÚC NGHỆ THUẬT VIỆT NAM
1.1. Thuật ngữ Ca khúc nghệ thuật Việt Nam
Trong khuôn khổ luận án “Thể loại ca khúc nghệ thuật Việt Nam”, thuật ngữ CKNT được sử dụng tương đương với thuật ngữ chỉ các thể loại ca khúc có phần đệm trong âm nhạc phương Tây như Romance thanh nhạc (TN), Lied, Mélodie.
1.1.1. Thuật ngữ “ca khúc nghệ thuật” trong các tài liệu nghiên cứu
Việc tìm hiểu các khái niệm liên quan giúp việc đưa ra giới thuyết cho thuật ngữ CKNT dùng trong luận án được cụ thể hơn. 
1.1.1.1. Thuật ngữ Romance TN, Lied, Mélodie
Tổng hợp các công trình nghiên cứu có thể thấy, các thể loại Romance TN, Lied, Mélodie có nhiều điểm tương đồng, thường là “một thể loại âm nhạc dành cho giọng ca và bè đệm đàn”. Công trình Tổng tập Âm nhạc Việt Nam - Tác giả và tác phẩm sử dụng thuật ngữ CKNT và Romance khi đề cập và phân tích một số tác phẩm thanh nhạc có kèm theo phần đệm khí nhạc do chính tác giả sáng tác. Trong công trình Phương pháp sư phạm thanh nhạc, GS. Nguyễn Trung Kiên định nghĩa trong Romance: “âm nhạc được phát triển biểu hiện nội dung của lời thơ và phần đệm viết cho đàn piano”. Trong cuốn Từ điển âm nhạc của Vũ Tự Lân, Romance được định nghĩa là “tác phẩm cho giọng hát và phần đệm (thường là piano)”. Cuốn Thuật ngữ âm nhạc của Nguyễn Bách định nghĩa Romance là một “bản tình ca”… Qua tổng hợp có thể thấy phổ biến nhất là dạng khái niệm coi Romance là một thể loại âm nhạc thính phòng viết cho giọng hát và phần đệm (thường là piano). 
Đặc điểm thể loại Romance TN, Lied, Mélodiecũng được đề cập ở nhiều công trình trên các khía cạnh cấu trúc, vai trò và ý nghĩa của yếu tố lời ca, phần đệm trong mối quan hệ với giai điệu. 
1.1.1.2. Các quan điểm về “Ca khúc nghệ thuật Việt Nam”
Khái niệm CKNTVN được đề cập đến trong một số công trình nghiên cứu. Công trình Âm nhạc mới Việt Nam - Tiến trình và thành tựu đề cập đến "CKNT" Việt Nam là “Một số ca khúc - chủ yếu là loại ca khúc đơn ca trữ tình, được xây dựng với bút pháp mới, bộc lộ một số kỹ năng mới, đòi hỏi một trình độ diễn xuất tinh tế hơn, có tính chuyên nghiệp hơn…”. Sự ra đời của thể loại này được cho là đã có tiền đề từ những ca khúc phổ thơ, và là một nhánh của ca khúc trữ tình, có yêu cầu cao về bút pháp sáng tác, nhưng không bắt buộc việc kèm theo phần đệm khí nhạc. 
Ở giai đoạn Tân nhạc, một số ca khúc có giá trị về giai điệu và ca từ, nhưng lúc này, việc viết phần đệm khí nhạc cho các ca khúc chưa phổ biến. Từ khoảng 1960, những ca khúc có phần đệm được hình thành, và nhiều tác phẩm trong số đó có thể được gọi là các Romance TN của Việt Nam. Trong luận án, NCS chỉ nghiên cứu các tác phẩm có phần đệm do chính tác giả sáng tác, để có cơ sở chi tiết, đầy đủ hơn về hình tượng, ngôn ngữ sáng tác do bao gồm cả khía cạnh âm hình phần đệm và hòa âm. 
1.1.2. Khái niệm “ca khúc nghệ thuật Việt Nam” sử dụng trong luận án
NCS đưa ra khái niệm cho thuật ngữ CKNTVN được sử dụng trong luận án là các tác phẩm viết cho giọng hát và phần đệm piano do chính tác giả sáng tác, giai điệu thiên về tính chất trữ tình, ca từ trau chuốt, thường phổ thơ hoặc có tính thơ, yêu cầu kỹ thuật thanh nhạc cao, phần đệm không chỉ có chức năng phụ họa mà còn tham gia vào việc khắc họa hình tượng tác phẩm.
Khái niệm các yếu tố trong thể loại CKNTVN
Giai điệu là tổ hợp các cao độ, tiết tấu cùng các phương tiện diễn tả hỗ trợ kèm theo được trình bày bằng giọng người. 
Phần đệm là tổ hợp các cao độ, tiết tấu cùng các phương tiện diễn tả hỗ trợ kèm theo được trình bày bằng nhạc cụ. 
Ca từ là phần lời ca được trình bày bằng giọng người.
Trong luận án, giá trị nghệ thuật trong thể loại ca khúc nghệ thuật được đánh giá bởi giá trị của từng yếu tố ca từ, giai điệu, phần đệm và ở sự kết hợp hài hòa giữa các giá trị này với nhau, biểu hiện ở tính mỹ học âm nhạc, tính thẩm mỹ, khả năng biểu hiện hình tượng và tính học thuật, kĩ thuật sáng tác, giá trị truyền thống dân tộc và giá trị thời đại.
1.2. Tổng quan vấn đề nghiên cứu
1.2.1. Hệ thống các công trình nghiên cứu
1.2.1.1. Các công trình nghiên cứu liên quan đến thể loại ca khúc có phần đệm trong âm nhạc phương Tây    
Công trình A history of Western Music của Donald Jay Grout, chương thứ XVI Thời kỳ Lãng mạn - Thanh nhạc (The Romantic Period: Vocal Music) nghiên cứu sự hình thành và phát triển của Thời kỳ âm nhạc Lãng Mạn trong đó có đề cập đến thể loại Lied cùng một số nhà soạn nhạc tiêu biểu. 
Từ điển âm nhạc The New Grove (số 10,12,14) nhận định thơ ca trong CKNT có thể chi phối, ảnh hưởng đến nội dung cũng như kết cấu của tác phẩm. 
Trong giáo trình Lịch sử âm nhạc thế giới - tập 2, các tác giả đã nhận định về nơi khởi nguồn của thể loại Romance TN tại châu Âu, về đặc điểm cấu trúc, hình tượng, chủ đề, mối quan hệ giữa âm nhạc và văn học, cách thức sử dụng ngôn ngữ hòa âm, phối khí, cấu trúc giai điệu, hình thức đơn chủ đề, tính dân gian dựa trên việc phân tích phong cách của giai điệu trong tác phẩm của một số tác giả như F.Schubert, M.I. Glinka, R.Schumann,…
Những công trình nghiên cứu chuyên biệt về lịch sử hình thành và phát triển của các thể loại thanh nhạc nói chung và thể loại CKNT nói riêng gồm có Lịch sử nghệ thuật thanh nhạc phương Tây của tác giả Hồ Mộ La , bài viết Tìm hiểu về Romance - nguồn gốc lịch sử và quá trình phát triển của Cù Lệ Duyên.
1.2.1.2. Các công trình nghiên cứu liên quan đến CKNTVN
Trong công trình Lược sử âm nhạc Việt Nam, tác giả Nguyễn Thụy Loan đã nghiên cứu bối cảnh ra đời thể loại ca khúc, vai trò của ca khúc phổ thơ trong sự ra đời CKNTVN
Cuốn Lịch sử âm nhạc Việt Nam - Tiến trình và thành tựu đề cập hoàn cảnh ra đời thuật ngữ CKNT, tính đa dạng của hình tượng, nội dung, chủ đề, mối quan hệ giữa thơ ca và âm nhạc trong thể loại này và việc sử dụng chất liệu dân tộc trong ca khúc Việt Nam.
Công trình Tổng tập Âm nhạc Việt Nam - Tác giả và tác phẩm đã phân tích ngôn ngữ âm nhạc, thủ pháp sáng tác một số ca khúc Việt Nam có giá trị nghệ thuật cao, tính dân tộc trong đề tài.
Về vấn đề kỹ thuật thanh nhạc, NCS đã tham khảo các tài liệu nghiên cứu chuyên sâu như hai công trình của GS. Nguyễn Trung Kiên Phương pháp sư phạm thanh nhạc, Những vấn đề Sư phạm Thanh nhạc; Phương pháp hát tốt tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát của Trần Ngọc Lan, Thanh điệu tiếng Việt và âm nhạc cổ truyền của Hoàng Kiều, Phương pháp dạy học thanh nhạc của Hồ Mộ La…
1.2.2. Đánh giá tình hình nghiên cứu
1.2.2.1. Những đóng góp
Nhóm các tài liệu nghiên cứu về lịch sử âm nhạc đã cung cấp những dữ liệu, thông tin quan trọng liên quan đến sự hình thành và phát triển, đặc điểm nội dung, chủ đề, mối quan hệ giữa ca từ và âm nhạc, giữa phần thanh nhạc và khí nhạc của thể loại CKNT trong âm nhạc phương Tây và sự du nhập của thể loại này vào Việt Nam. 
Đặc điểm ca khúc thời kỳ âm nhạc Lãng mạn phương Tây cũng được đề cập qua các khía cạnh mối quan hệ giữa thơ ca với âm nhạc, cấu trúc, hòa âm,… Trong luận án, các khía cạnh này sẽ được làm rõ thông qua việc phân tích từng tác phẩm cụ thể, sau đó hệ thống, tổng hợp, nhận định việc kết hợp giữa âm nhạc phương Tây và âm nhạc dân gian Việt Nam.. 
1.2.2.2. Những vấn đề còn bỏ ngỏ
Các vấn đề về sự hình thành thể loại, đặc điểm ca từ, cấu trúc, giai điệu, phần đệm trong CKNTVN chủ yếu mới được nhận định trong một số trường hợp đơn lẻ, chưa có sự nghiên cứu mang tính hệ thống, khái quát.
1.3. Sự hình thành thể loại ca khúc nghệ thuật Việt Nam
1.3.1. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hình thành ca khúc nghệ thuật Việt Nam
1.3.1.1. Ảnh hưởng từ một số thể loại ca khúc
Đầu thế kỷ XX, những ca khúc thuộc khuynh hướng lãng mạn với giai điệu đẹp và có giá trị nghệ thuật đã ảnh hưởng tới các CKNTVN ra đời sau đó. Những ca khúc phổ thơ thời kỳ đầu Tân nhạc cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến phương thức sáng tác trong CKNTVN sau này.
1.3.1.2.  Sự ra đời của phần đệm khí nhạc trong thể loại ca khúc Việt Nam
Khi nền âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam hình thành, kỹ thuật diễn tấu của các nghệ sĩ và trình độ thưởng thức của công chúng được nâng cao, tạo điều kiện cho các phần đệm trong ca khúc với kĩ thuật phức tạp ngày càng phổ biến.
1.3.2. Sự biến đổi của thể loại ca khúc
1.3.2.1. Sự biến đổi của ca từ, giai điệu trong ca khúc Việt Nam
Qua các giai đoạn, mối quan hệ giữa ca từ và giai điệu có sự biến đổi từ đơn giản đến phức tạp. Trước năm 1945, với phong trào đặt lời Việt cho các bài hát Tây, giai điệu chưa có nhiều thành tựu đáng kể nhưng yếu tố ca từ đã đạt được những giá trị nhất định. Giai đoạn 1945-1954, nền Tân nhạc hình thành, giai điệu có bước phát triển đáng kể, nhưng phần lớn ca khúc chưa có phần đệm do chính tác giả sáng tác. Sự biến đổi của thể loại ca khúc được thể hiện ở yếu tố cấu trúc, ca từ, giai điệu… Giai đoạn 1954-1975 nền âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam hình thành, ra đời các ca khúc có giá trị nghệ thuật cao thể hiện sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ sáng tác. Phần đệm trong các ca khúc có thể sánh ngang với giai điệu, tạo nên những CKNT hoàn chỉnh với đầy đủ ba thành phần: ca từ, giai điệu và phần đệm. 
Sau 1975, cấu trúc tác phẩm và mối quan hệ giữa giai điệu và ca từ trở nên phong phú và phức tạp hơn, ngày một phổ biến sáng tác của các nhạc sĩ trẻ với lối tư duy sáng tác mới mẻ.
1.3.2.2. Sự biến đổi phần đệm trong ca khúc Việt Nam
Ở giai đoạn khởi đầu của thời kỳ Tân nhạc, những ca khúc đầu tiên của các nhạc sĩ Việt Nam ra đời phần lớn chỉ có phần giai điệu, tuy nhiên, trong giai đoạn này, đã xuất hiện một số ít những ca khúc có phần đệm piano do chính tác giả sáng tác thường có tính chất đơn giản. Phần đệm trong ca khúc ở giai đoạn sau từng bước phát triển, ngôn ngữ âm nhạc có tính chất phức tạp hơn, kỹ thuật sáng tác thành thục hơn. 
Tiểu kết chương 1
Bằng việc hệ thống cơ sở lý thuyết về thuật ngữ CKNT và một số khái niệm liên quan, NCS đã tổng kết những đặc điểm chung nhất, kết hợp với mục đích nghiên cứu của đề tài để đưa ra khái niệm CKNTVN được sử dụng trong luận án. Bên cạnh đó, việc hệ thống các tài liệu liên quan đến đề tài của luận án cũng giúp cho NCS có được nền tảng cơ sở lý thuyết quan trọng để tiến hành nghiên cứu của mình.
Yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành thể loại cũng như sự biến đổi ngôn ngữ sáng tác trong CKNTVN cũng được phân tích làm rõ, góp phần giải thích mối quan hệ giữa các yếu tố ca từ, giai điệu và phần đệm trong thể loại CKNTVN. 
CHƯƠNG 2: CA TỪ VÀ CẤU TRÚC
2.1. Đặc điểm ca từ
2.1.1. Tính hình tượng nghệ thuật
2.1.1.1. Các thủ pháp ngôn từ
Nghệ thuật sử dụng ngôn từ là một đặc trưng của thể loại CKNT nói chung và của CKNTVN nói riêng. Với CKNTVN, ca từ phải đạt được những chuẩn mực cơ bản của thẩm mỹ, phù hợp với văn hóa Việt Nam. Các CKNTVN dù là ở dạng phổ thơ hay do nhạc sĩ tự sáng tác phần lời thì ca từ vẫn đạt được giá trị nhất định. Nhiều CKNTVN có ca từ được trau chuốt, lời văn bóng bẩy với nhiều từ ngữ giàu hình ảnh, sử dụng các thủ pháp tu từ như phép ẩn dụ, so sánh, nhân hóa. Bên cạnh đó, ca từ cũng góp phần thể hiện rõ tính dân tộc, tính vùng miền.
2.1.1.2. Hỗ trợ giai điệu trong việc xây dựng hình tượng nghệ thuật
Cùng với yếu tố giai điệu, nhờ có phần ca từ mà hình tượng nghệ thuật càng trở nên cụ thể và rõ ràng hơn. Sự tương tác giữa hai yếu tố này được thể hiện trong giai đoạn hình thành hình tượng nghệ thuật và trong cả quá trình phát triển hình tượng đó. Với những hình tượng âm nhạc có tính chất khác nhau như tính trữ tình, tính cao trào ấn tượng, tính dân gian, sự tương tác giữa giai điệu và ca từ cũng có những đặc điểm khác biệt.
2.1.2. Mối quan hệ giữa cấu trúc ca từ và hình thức âm nhạc
2.1.2.1. Tính đồng nhất
Qua phân tích 136 CKNTVN, kết quả cho thấy có 29 tác phẩm có phần ca từ được phân chia thành các khổ thơ rõ rệt, chiếm 20.6%, trong đó có 17 tác phẩm chứa đựng sự phân chia các đoạn nhạc hoàn toàn phù hợp với sự phân chia của các khổ thơ trong ca từ, chiếm 12%. 
Trong phần lớn các tác phẩm, các tác giả thường chia giai điệu tương ứng với sự phân ngắt tự nhiên sẵn có trong ca từ, có thể có sự khác biệt về tiết luật giữa các lần lặp lại, hoặc thêm bớt về số lượng từ, hoặc có thể co giãn về tiết nhịp. Tuy nhiên trong một số trường hợp, cơ cấu của giai điệu được bố trí không hoàn toàn đồng nhất với sự phân ngắt của cơ cấu ca từ.
2.1.2.2. Tính cân đối
Cấu trúc thể cân đối
Điều này thể hiện ở nhiều CKNTVN khi cấu trúc với những cơ cấu ngang hàng với nhau sẽ có quy mô và cách phân chia tương đương tạo cho tác phẩm một hiệu quả hài hòa, cân bằng.
Cấu trúc thể không cân đối
Khi các cơ cấu phân chia thành những cơ cấu nhỏ hơn thiếu sự cân bằng, đối xứng, chênh lệch về quy mô tạo nên cấu trúc thể không cân đối được sử dụng khá phổ biến trong thể loại CKNTVN.
2.1.3. Sự ảnh hưởng thanh âm tiếng Việt đến giai điệu
2.1.3.1. Sự đồng nhất của thanh âm trong ca từ với cao độ trong giai điệu
Mối tương quan về thanh điệu giữa các cụm từ trong một câu hoặc giữa các câu với nhau được gọi là sự đối thanh. Sự đối thanh có thể được nhìn nhận ở phạm vi tương quan cao thấp giữa hai thanh âm liên tiếp, hoặc ở mối quan hệ tuyệt đối của từng thanh âm trong ca từ.  
Trong giai điệu, sự tương quan cao độ giữa các nốt nhạc trong một nét nhạc hoặc giữa các nét nhạc gọi là sự đối âm, có thể nhìn nhận đối âm ở phạm vi tương quan cao thấp giữa các cao độ liền kề nhau hoặc ở mức độ chênh lệch về độ lớn của quãng hình thành giữa hai cao độ nối tiếp. Để đảm bảo sự phù hợp giữa cao độ với thanh điệu, trong các CKNTVN, mối quan hệ giữa giai điệu và ca từ được biểu hiện qua ba dạng: mỗi thanh điệu tương ứng với một cao độ cụ thể, hoặc đảm bảo mối tương quan cao thấp giữa cao độ giữa hai từ kế tiếp nhau, hoặc sử dụng thủ pháp biến đổi cao độ, bằng các kỹ thuật thêu, lướt, luyến láy để tạo sự phù hợp giữa thanh điệu và ca từ…
2.1.3.2. Các mức độ không tương thích giữa thanh điệu và cao độ
Sự không tương thích giữa thanh điệu và cao độ trong các CKNTVN được chia thành hai mức độ: một cao độ được dùng cho nhiều thanh điệu hay một thanh điệu tương ứng với nhiều cao độ, hoặc mối quan hệ giữa hai cao độ nối tiếp bị ngược lại so với quy luật về thanh điệu của hai từ tương ứng.
2.2. Phương thức xây dựng cấu trúc tác phẩm
2.2.1. Xây dựng cơ cấu trong tác phẩm
Thông thường một cơ cấu sẽ được bắt đầu từ một motiv, tiết nhạc, câu nhạc, rồi phát triển và mở rộng thành cấu trúc đoạn nhạc. Ở mỗi lần mở rộng sẽ có hai phương thức chính, nhắc lại/mô phỏng hoặc tạo ra chất liệu mới tạo sự phát triển. Qua phân tích các CKNTVN cho thấy việc tạo nên các motive, tiết nhạc mới khá phổ biến trong khi các câu nhạc lại thường được nhắc lại hoặc mô phỏng để tạo nên đoạn nhạc. 
Thống kê hình thức âm nhạc

STT

Hình thức

Số lượng tác phẩm

Tỷ lệ

1

1 đoạn đơn

15

11.03%

2

2 đoạn phát triển

34

25.00%

3

2 đoạn tương phản

23

16.91%

4

3 đoạn nhạc không tái hiện

11

8.09%

5

3 đoạn phát triển

20

14.71%

6

3 đoạn tương phản

14

10.29%

7

3 đoạn phức

1

0.74%

8

Liên đoạn

17

12.50%

9

Rondo

1

0.74%

2.2.2. Xây dựng các dạng cấu trúc
Qua phân tích các CKNTVN, có thể thấy những tác giả hay sử dụng lối quan hệ phát triển giữa các đoạn nhạc như Trần Thanh Hà, Vĩnh Lai, Hoàng Dương,… trong khi đó quan hệ tương phản giữa các đoạn nhạc lại xuất hiện nhiều trong các sáng tác của Trần Mạnh Hùng, Vĩnh Cát,… Tính chất phát triển hay tương phản được quyết định bởi sự biến đổi các phương tiện diễn tả, số lượng cũng như mức độ biến đổi của các yếu tố, từ đó quyết định mức độ tương phản, phát triển giữa các cơ cấu. 
Dạng phát triển
Việc khai thác chất liệu từ những đoạn nhạc trước để tạo nên đoạn nhạc sau thường sử dụng các thủ pháp khai thác chất liệu tiết tấu, khai thác âm điệu trong giai điệu, sử dụng lại những facture piano đặc trưng, vòng hòa âm…
Dạng tương phản
Các thủ pháp tạo nên tính tương phản giữa các đoạn nhạc trong CKNTVN có thể chia thành nhóm thủ pháp sử dụng cho giai điệu và cho phần đệm, với các thủ pháp phổ biến như tạo sự tương phản về âm điệu, tương phản là tiết tấu, sử dụng sự tương phản giữa các vòng hòa âm, sử dụng các sắc thái khác nhau…
Tiểu kết chương 2
Ca từ được nghiên cứu với ba nội dung: chức năng xây dựng hình tượng bao gồm nghệ thuật sử dụng ngôn từ, sự bổ trợ của ca từ cho giai điệu; mối quan hệ giữa hình thức ca từ và cấu trúc âm nhạc được nghiên cứu qua tính cân đối và tính đồng nhất; sự ảnh hưởng của thanh điệu trong ca từ đến cao độ trong giai điệu. 
Đặc điểm cấu trúc trong các CKNTVN được làm rõ qua cách thức khai triển các quy mô cấu trúc từ nhỏ đến lớn, các dạng cấu trúc phát triển và tương phản. 
CHƯƠNG 3: GIAI ĐIỀU VÀ PHẦN ĐỆM
3.1. Giai điệu
3.1.1. Hình tượng trong giai điệu
Giai điệu quyết định sự hình thành, đặc điểm, tính chất của hình tượng nghệ thuật. Hình tượng trong các CKNTVN phong phú về đặc điểm và cách thức biểu hiện, trong đó phổ biến nhất là những hình tượng về tình yêu, bao gồm tình yêu quê hương đất nước, tình yêu gia đình và tình yêu lứa đôi có tính chất vừa phải trữ tình hoặc da diết cao trào. Ngoài ra còn có những hình tượng âm nhạc mang tính triết lý hoặc giãi bày, tự sự, hình tượng mang tính anh hùng… Giai điệu đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện các hình tượng bằng các thủ pháp phù hợp.
3.1.2. Âm điệu
3.1.2.1. Cách tiến hành quãng
Cách thức tiến hành quãng trong các CKNTVN rất phong phú như đi liền bậc bình ổn, nhảy quãng xa, lên xuống theo hình lượn sóng hoặc gấp khúc liên tục… Những phương thức này thường được kết hợp để mang lại nhiều hiệu quả phong phú, phù hợp với từng hình tượng cụ thể. Trong thể loại này còn phổ biến những giai điệu có tính chất khí nhạc và những phần đệm có tính ca xướng. Bên cạnh đó có những âm điệu giàu tính dân tộc, hoặc sử dụng biến âm để tạo các quãng đặc biệt trong giai điệu. 
3.1.2.2. Âm khu, âm vực
Qua thống kê các CKNTVN cho thấy, các tác phẩm có âm vực rộng chiếm tỷ lệ lớn, yêu cầu ở người biểu diễn trình độ thanh nhạc thành thục, yêu cầu sự linh hoạt trong việc xử lý từng cao độ và kết nối các cao độ khác nhau. Nhiều tác phẩm có nốt nhạc cao nhất ở âm khu cao, phải có trình độ xử lý kỹ thuật thanh nhạc nhất định mới có thể đạt được hiệu quả tốt.
VD: Khúc giao mùa, Trần Mạnh Hùng,
3.1.3. Điệu thức
Trong CKNTVN, phổ biến nhất vẫn là các điệu thức trưởng thứ, nhưng mỗi tác giả đều có cách thức vận dụng riêng vào tác phẩm của mình. Bên cạnh đó, điệu thức ngũ cung cũng xuất hiện phổ biến trong các CKNTVN

STT

Điệu thức

Số lượng tác phẩm

Tỷ lệ

1

Trưởng

40

29.41%

2

Thứ

60

44.12%

3

Ngũ cung

6

4.41%

4

Luân chuyển trưởng thứ

7

5.15%

5

Kết hợp điệu thức trưởng thứ và ngũ cung

19

13.97%

6

Kết hợp điệu thức trưởng thứ và Trung Cổ

1

0.74%

7

Trung tính

2

1.47%

8

Vô điệu tính

1

0.74%

Các điệu thức ngũ cung trong thể loại này có thể được sử dụng độc lập hoặc kết hợp với các điệu thức trưởng dưới dạng kết hợp cùng một lúc hoặc dạng luân chuyển lần lượt tạo nên những tác phẩm mang âm hưởng dân gian. 
Trong các CKNTVN còn phổ biến các biến âm với hai dạng: biến âm cố định trong một giai đoạn của tác phẩm ở cả giai điệu và phần đệm, hoặc biến âm bất thường ở dạng các âm hút dẫn, chromatic hoặc sinh ra do các thủ pháp hòa âm…
3.1.4. Tiết tấu
Tiết tấu trong các CKNTVN thường có tính chất mềm mại, đồng nhất, không phổ biến dạng tiết tấu nhiều đảo phách, góc cạnh và cá tính. Mỗi tác giả lại có cách thức sử dụng tiết tấu khác nhau, tạo nên những hiệu quả riêng biệt như các âm hình tiết tấu đồng độ, những âm hình tiết tấu không giống nhau về chu kỳ tiết luật, những làn sóng giai điệu dài ngắn khác nhau xen kẽ, hoặc chia nhỏ thành các âm hình ngắn, có thể sử dụng các tiết tấu thuận chiều, hoặc các âm hình tiết tấu đảo phách, đồng nhất hoặc không đồng nhất với phần đệm, sử dụng các tiết tấu tự do… Ngoài ra, tiết tấu cũng góp phần thể hiện âm hưởng dân gian trong CKNTVN
3.1.5. Các kỹ thuật thanh nhạc
Kỹ thuật thanh nhạc trong các CKNTVN rất phong phú, từ những kỹ thuật phổ biến như kỹ thuật hát liền tiếng (cantilena), hát phóng to thu nhỏ cường độ (crescendo, decrescendo), hát nhấn, hát láy (Trill),… cho đến những kỹ thuật ít gặp hơn trong các thể loại ca khúc phổ thông như hát nảy (staccato), kỹ thuật luyến ngắt (portamento). Phần lớn CKNTVN sử dụng lối hát Bel canto kết hợp với kỹ thuật hát tròn vành rõ chữ.
Trong thể loại này còn thể hiện tính học thuật khi người biểu diễn thanh nhạc phải thực hiện những giai điệu phức tạp như các quãng tiến hành khó, âm khu cao, hơi nhạc dài… đỏi hỏi tính chính xác về cao độ, âm khu, âm vực nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng âm thanh và nhạc cảm phù hợp với tác phẩm.
3.2. Đặc điểm phần đệm
3.2.1. Chức năng phần đệm
3.2.1.1. Chức năng làm nền cho giai điệu
Trong các CKNTVN, đây là chức năng cơ bản nhất của phần đệm, được đảm bảo với các nhiệm vụ như giữ nhịp, tạo phần nền phụ họa cho giai điệu của tác phẩm. 
3.2.1.2. Chức năng đối thoại với giai điệu
Đây là chức năng thể hiện vai trò của phần đệm trong việc song hành cùng giai điệu để thể hiện hình tượng âm nhạc. Trong các CKNTVN, sự đối thoại có thể là sự nhắc lại nguyên dạng, mô phỏng, hoặc có thể là những sự biểu đạt những khía cạnh khác nhau của một chủ đề hoặc hình tượng âm nhạc. 
Trong các trường hợp, phần đệm đều đóng vai trò nhất định trong việc thể hiện hình tượng nghệ thuật cho tác phẩm.
3.2.1.3. Chức năng xây dựng hình tượng âm nhạc
Phần đệm là yếu tố hoàn thiện hình tượng nghệ thuật với vai trò làm rõ, củng cố, bổ sung và song hành cùng với giai điệu, đồng thời cũng có một giá trị độc lập trong việc khắc họa hình tượng nghệ thuật song hành với giai điệu.
Phần đệm nhờ kết cấu bao gồm nhiều tầng cao độ, nhiều tuyến bè có thể tạo thành các quãng thuận, nghịch, mối tương quan về tiết tấu, âm khu cao hay thấp, âm vực rộng hay hẹp… từ đó làm rõ tính chất, đặc điểm về nhịp điệu, sắc thái của hình tượng nghệ thuật.
3.2.2. Phần đệm trong việc xây dựng phần phụ
3.2.2.1. Quy mô các phần dạo, nối và kết
Quy mô của các phần phụ trong CKNTVN đa dạng, từ quy mô phần nhạc, đoạn nhạc, cho tới quy mô bé hơn là các câu nhạc, tiết nhạc, motiv, thậm chí có khi những phần phụ bị giảm thiểu, vắng mặt trong cơ cấu tác phẩm. 
3.2.2.2. Mối tương quan về chất liệu của phần phụ với phần chính
Phần lớn các tác phẩm CKNTVN đều có những phần mở đầu, dạo giữa, kết thống nhất chặt chẽ với nhau về chất liệu và tính chất, hình thành hai dạng tương quan với phần chính: chất liệu của phần phụ thống nhất với phần chính và phần phụ có chất liệu khác so với các phần chính.
Đa phần các đoạn nối thường được sử dụng dưới dạng dẫn dắt, gợi mở để âm nhạc tiến vào đoạn chính kế tiếp hoặc tạo những hiệu quả âm nhạc mới. Bên cạnh đó trong CKNTVN còn có những dạng thức khác như mở đầu, dạo giữa và kết có chất liệu và tính chất khác nhau, một trong số đó có thể có chất liệu ảnh hưởng từ chủ đề của các phần chính, còn những phần phụ khác lại chỉ mang tính chất dẫn nối…Ngoài ra, một số phần mở dầu có âm hưởng của âm nhạc dân gian Việt Nam.
3.2.3. Facture phần đệm
3.2.3.1. Các dạng facture phần đệm phổ biến
Trong các CKNTVN, những dạng facture phổ biến gồm có những âm hình rải kết hợp với chồng hợp âm… thể hiện cụ thể hình tượng nghệ thuật. Bên cạnh đó còn có các âm hình đệm mô phỏng chất liệu âm nhạc dân tộc.
Trong nhiều trường hợp, phần đệm đã thể hiện tính hàn lâm trong ngôn ngữ sáng tác ở thể loại CKNTVN. Nhiều phần đệm thể hiện tính học thuật với những facture phức tạp, nhiều tầng bè, tiết tấu ở dạng trường độ không cơ bản, biết đổi phức tạp hoặc không đồng nhất giữa các bè, những nét chạy lướt ở tốc độ nhanh hoặc có quãng di chuyển phức tạp, tiết luật biến đổi linh hoạt. 
VD: Đặng Hữu Phúc, Ru con mùa đông, nhịp 39-42
3.2.3.2. Tính chu kỳ của facture phần đệm
Những âm hình đệm có vai trò quan trọng trong việc tạo nên tính nhịp điệu cho tác phẩm. Ở hầu hết các CKNTVN, phần đệm thường có tính chu kỳ. Tuy nhiên có những CKNTVN, phần đệm có chu kỳ không rõ ràng hoặc không có chu kỳ, tạo ra tính chất ngẫu hứng, phóng khoáng và mạch cảm xúc có tính tự do. 
3.2.2.3. Sự phát triển hệ thống facture phần đệm trong tác phẩm
Trong các CKNTVN, việc hình thành các loại facture và sự vận động của những facture đó đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên những giai đoạn phát triển cho âm nhạc, tạo nên tính chất đồng nhất hoặc tương phản cho chất liệu âm nhạc, góp phần xây dựng và biến đổi hình tượng nghệ thuật. 
3.2.4. Hòa âm
3.2.4.1. Cấu trúc hợp âm, chồng âm
Trong CKNTVN, bên cạnh các hợp âm ba trưởng, ba thứ, còn phổ biến các chồng âm quãng 4, 5; hợp âm 7, 9 và hợp âm không rõ âm chủ hoặc không rõ tính trưởng thứ. 
Ngoài ra trong thể loại này còn phổ biến các hợp âm chứa biến âm, bao gồm những hợp âm được xây dựng trên các bậc diatonic nhưng khác về cấu trúc so với các hợp âm thuộc hệ thống diatonic, hoặc các hợp âm xây dựng trên các bậc chromatic trong điệu thức. Trong các tác phẩm ở điệu thứ, những hợp âm xây dựng trên biến âm phổ biến là bậc #VI, bII, #IV; trong điệu thức trưởng là các hợp âm xây dựng trên các bậc bVI, bVII, #IV.  
3.2.4.2. Tiến trình hòa âm
Trong một số tác phẩm, tác giả sử dụng những hợp âm và vòng hòa âm được lặp đi lặp lại. Trong nhiều tác phẩm, thủ pháp ly điệu được diễn ra một cách độc lập ở phần đệm trong khi giai điệu chỉ tiến hành trong các bậc thuộc điệu thức diatonic. Phần lớn các CKNTVN ly điệu hướng tới công năng hạ át, các công năng phụ hoặc giọng song song, có sử dụng thủ pháp ly điệu “tránh”. 
Về các vòng kết, các tác giả đã sử dụng nhiều vòng kết khác nhau một cách linh hoạt, trong đó phổ biến cả những vòng kết sử dụng các chồng âm kết hợp quãng 4, 5.
Tiểu kết chương 3
Đặc điểm âm nhạc trong các CKNTVN được NCS nghiên cứu thông qua việc phân tích cụ thể từng tác phẩm, sau đó tổng kết và hệ thống số liệu, trên cơ sở đó chỉ ra đặc điểm trong từng khía cạnh. Yếu tố giai điệu được làm rõ qua tính hình tượng, âm điệu, tiết tấu và các kỹ thuật thanh nhạc. Đặc điểm phần đệm được làm rõ với các khía cạnh chức năng phần đệm và facture phần đệm và hòa âm. 
Thông qua việc làm rõ đặc điểm âm nhạc trong CKNTVN, các kết quả nghiên cứu đồng thời chỉ ra biểu hiện của những yếu tố mang tính hàn lâm cũng như yếu tố dân tộc, qua đó thấy được sự kết hợp kỹ thuật sáng tác của âm nhạc phương Tây và kế thừa âm nhạc dân gian Việt Nam trong thể loại này.
KẾT LUẬN
Phạm vi nghiên cứu là các CKNTVN có phần đệm do chính tác giả sáng tác giúp đề tài được giới hạn, tập trung làm rõ các đặc điểm, đặc trưng của một nhánh quan trọng trong thể loại ca khúc ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu còn cho thấy phong cách, ngôn ngữ riêng của một số tác giả trong thể loại này. 
Ca từ được phân tích cụ thể trên các khía cạnh chức năng thể hiện hình tượng nghệ thuật, mối quan hệ giữa cấu trúc ca từ và hình tượng âm nhạc, sự ảnh hưởng thang âm tiếng Việt đến giai điệu. Từ đó làm rõ giá trị thẩm mỹ, giá trị dân tộc của ca từ cũng như mối quan hệ chặt chẽ với giai điệu trong thể loại này. Vấn đề cấu trúc trong thể loại này được nghiên cứu bằng việc thống kê các hình thức, cách thức khai triển ở các quy mô khác nhau, phân tích phương thức xây dựng các dạng cấu trúc. Qua đó cho thấy hình thức hai đoạn đơn và dạng cấu trúc phát triển được sử dụng phổ biến nhất, phù hợp với tính chất của thể loại CKNTVN.
Về giai điệu, NCS đã làm rõ tính hình tượng, đặc điểm âm điệu, điệu thức, tiết tấu, các kỹ thuật thanh nhạc. Về phần đệm, các khía cạnh được phân tích là chức năng của phần đệm, facture phần đệm và hòa âm. Từ đó làm rõ ngôn ngữ và thủ pháp sáng tác trong các CKNTVN.
Sau khi được hệ thống, phân loại, thống kê, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra sự kế thừa từ ngôn ngữ âm nhạc phương Tây, tính hàn lâm, tính dân tộc và sự tương tác với ngôn ngữ tiếng Việt được biểu hiện trong thể loại CKNTVN.

5/2/2020
Tạ Hoàng Mai Anh
Theo https://www.vnam.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...