Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2021

Nét đẹp dòng sông Hậu

Nét đẹp dòng sông Hậu

Ta lớn lên như thân lúa sạ, ta sống bằng mạch sữa phù sa, nên em đừng hỏi tại sao ta yêu sông Hậu, ca tụng sông Hậu, và em cũng đừng hờn ghen sông Hậu. Nước sông Hậu như máu ta trong huyết quản, phù sa sông Hậu như sữa mẹ ngọt ngào...
Ta mời em hãy tỉnh dậy giữa giấc mơ bềnh bồng, giữa ngày tháng ngao du, em có biết rằng đường hoa đã nở, và lối vào ngọt tiếng hát ca dao... Em hãy mơ với ta, những ngày tháng thanh bình, ta bơi xuồng từ Thốt Nốt vàm kinh... rồi ta sẽ đưa em, như một thuở nào cha đưa mẹ, trời tháng hai lồng lộng, đồng tháng hai cằn khô, ta sẽ vớt cánh Ô môi và hát lên bài hát cũ:
Hoa dân tộc nở âm thầm
Dẫu ngàn năm nữa không tàn màu hoa
Em về Hậu Giang để thấy "điệu nước ròng man mác mỗi tháng hai..." Ta chợt cười nhớ em xa xưa, một lần về quê ngoại, em chỉ cây Ô môi hỏi hoa gì? Này em cứ về miền tây, xuôi sông Hậu rồi em sẽ thấy mỗi tháng hai, trời nắng lấp lóa và Ô môi nở giữa đồng khô. Nước sông Hậu hạ dần cho hoa nở thắm và bông Lục bình trôi hờ hững giữa dòng sông...
Hởi em! Ta đã kể cho em nghe ngày tháng xa xưa của một thuở thanh bình. Bây giờ khi trời chiều đỏ hướng Tây, ta thả xuồng lênh đênh trên sông Hậu, nhìn mặt trời chiều đỏ ta buồn man mác, mẹ ta thương nhớ thương... Bởi mẹ còn thương nên ta còn lận đận, bởi mẹ còn buồn nên ta còn mãi long đong, em có thấy chăng man mác điệu nước ròng... Ngày xưa ông ngoại ta bị giết, xác vùi xuống dòng sông, những tháng năm chinh chiến, xuồng ngoại trôi bềnh bồng, nước phù sa vốn đỏ, nay pha máu người càng đỏ thêm. Và Hậu giang vẫn điềm nhiên làm mồ cho những lần thanh toán...
Nhưng thôi nhé em, hãy cứ quên đi, chuyện buồn đau xưa cũ. Em hãy nhớ Hậu Giang bằng những huyền thoại mà ta kể, em cứ thương Hậu giang bằng phong cảnh hữu tình... Này em sóng bạc đuổi nhau trên bờ cát, ta dừng lại trên bãi nhé em. Cứ bước xuống cho phù sa ôm đôi gót, cứ vớt trái bần xanh theo nước cuốn hững hờ, ăn đi em, muối biển mặn mà thêm tình nghĩa... Một ngày nào đó, trái bần rồi cũng trôi về biển mặn, thì bây giờ ta cứ chấm muối biển mà ăn...
Ta từ giã tháng hai đồng khô cỏ cháy, ta từ giã tháng tư vun hạt ngọc, ươm sức sống, cho rễ dài đan rối tóc lúa xanh, ta từ giã tháng năm mưa mát mạ an lành, tháng bảy về theo nước nguồn đổ phù sa ra sông Hậu. Những con đường đầy bóng mát, bên cạnh trường giang đỏ phù sa... có phải nhớ nhung đã in bằng màu máu đỏ phù sa ấy?
Này em, ta lớn lên như thân lúa sạ, ta sống bằng mạch sữa phù sa, nên em đừng hỏi tại sao ta yêu mến sông Hậu, ca tụng sông Hậu, và em cũng đừng hờn ghen sông Hậu nhé em. Nước sông Hậu như máu ta trong huyết quản, phù sa sông Hậu như sữa mẹ thơm ngon...
Sữa nguồn là đất phù sa
Ðôi bầu sữa mẹ là hoa muôn màu
Ðã có biết bao người cùng ta, chung bầu sữa mẹ, đồng loại máu đỏ thân yêu... Em hãy ngồi xuống đây, bên bờ ven, dưới bóng mát, hay dừng chân bên bờ Hậu bát ngát xanh xanh... Và ta sẽ tiếp tục kể, những ngày tháng êm đềm, những lo âu sợ hãi, những thương nhớ mênh mông, rồi em sẽ yêu mến sông Hậu, ca tụng sông Hậu, nhớ sông Hậu, như ta, như ta vậy, em biết không?! Này em…
Ta về thở khói hoàng hôn cũ
Im mà nghe dòng máu trở về tim
Và:
Mời em về thăm quê hương lúa sạ
Ngắm mây trời Ðồng Tháp đất An Giang
Trái dưa leo tháng ba còn ngọt trong miệng em, tôm cá tháng mười còn thấm trong huyết quản em, nước sông Hậu còn chảy trong thân thể em...
Ta mời em về ôm chân lúa sạ
Ðể reo mừng đau xót với Hậu Giang
Mấy trăm năm từ thuở mới khai hoang
Nhạc rừng sâu vượt trời nghe đồng vọng
Em đã nghe Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc ca tụng miền lúa sạ hồn thơ Kiên Giang còn phảng phất trong em, nhưng em hãy, vẫn cứ nghe ta kể, về sông Hậu của ta, dưới mắt nhìn của ta, những vẻ đẹp riêng, những tình nghĩa riêng, và chỉ riêng ta thôi em nhé...
Ngày nào bầu trời còn mây bay
Lòng ta vẫn cứ nhớ thương hoài
Vì đời còn nhiều chông gai
Trọn đời ta vẫn cứ đi đi hoài
Em vẫn còn nhớ bài hát ta thường hát chứ? Ta tiếp tục "Về miền Tây với bàn tay vẫy gọi, chào An Giang, Bảy núi tiếp Láng linh".
Em hãy xem An Giang như là quê hương, Hậu giang là trái tim máu đỏ, và những con kinh rạch là mạch máu, bởi trái tim bao la đầy phù sa máu đỏ đã nuôi sống cho thân thể miền Nam... Em có về An Giang mùa nước nổi mới có thể hình dung thế nào là trời nước bao la, em sẽ thấy nước đùa với ngọn lúa nhấp nhô tận chân trời. "Lúa lên theo nước, lúa vượt chân mây, lá mỏng lá dầy, bao la biển lúa, gió nghiêng gió ngã, sóng lúa dật dờ..." Và em cũng sẽ nghe vang lời hát:
Lúa yêu đồng nên dịu dàng ca hát
Trên địa đàng thơm ngát hương phù sa
Nước sông Hậu đã nuôi dưỡng chí quật cường, em không tin ư? Ta bày trò chơi nhỏ nhé: Giả sử ta là loài thù nghịch, và xuồng em là khí cụ chiến tranh, ta chống dầm dày lên ngọn lúa an lành, em sẽ thấy ngọn lúa chìm trong nước; nhưng này, xuồng đi qua và lúa lại trở dậy vui đùa cùng sóng nước, sau lũ người hung bạo đã đi qua... Vì: "Khi gục xuống là hẹn hò quật khởi" cho "ngàn năm bốc khói bếp phù sa..."
Em cười ta đó ư? Ta đã thần thánh hóa nước Hậu Giang và hồn lúa sạ. Này em, không có gì đâu nhé, ta đã không cười em chỉ biết giam mình trong những bức tường vôi, trong những tiện nghi vật chất, trong không khí ngột ngạt, trong thành phố buồn thiu này. Hãy cứ theo ta về An, dù vẫn là thành phố, nhưng thành phố hiền hòa với sông Hậu chạy ngang, và trong những chiều êm, em vẫn có quyền ngồi thì thầm cùng sóng nước...
Nếu em thích, mùa trăng này, ta sẽ đưa em về An, về Nguyễn Du hồ, về bờ đá Nguyễn Du bên sông Hậu. Em đã từng đi qua miền mù sương cao nguyên, miền cát trắng đại dương, miền cây xanh đất đỏ, nhưng ta tin rằng chỉ có đêm trên Hậu giang là tuyệt vời.
Em hãy lắng nghe, tiếng độc huyền trên sông vắng, tiếng sáo trúc ngọt ngào. Tiếng độc huyền trầm buồn ru nghìn cây ngủ say, ru trường giang bát ngát, ru hồn ta ngây dại... Em có thấy chăng, vung chài ôm trăng bạc, em có nghe chăng điệu vọng cổ man man... và trong lòng ta hồn thơ bừng dậy. Ơi! Đêm trên sông Hậu tuyệt vời...
Ta cùng ngồi trên phiến đá xanh, cùng nhìn về khơi xa, ta chỉ thấy trong mắt em dòng nước bạc hững hờ... Em có nghe lời sóng thầm thì, em có thấy thẹn vì gió đêm hôn lên má? Này em trăng đã lên "hương u huyền bao thiết tha". Ánh sáng đùa giỡn trên nghìn sóng bạc lấp lánh mặt trường giang xa, ở Hậu Giang, đêm thật là huyền diệu phải không em?
Nào mời em lên thuyền, ta cùng nhau vớt ánh trăng trên dòng nước, tóc em dài bay đuổi bắt dưới ánh trăng... Em biết không xưa có đôi tình nhân, đã thề hẹn sống bên nhau bạc đầu. Nhưng rồi tình không trọn nên đã đưa nhau đến Nguyễn Du hồ, tự trầm trên dòng Hậu để được theo nhau về bến bờ yêu thương xa lạ. Câu chuyện buồn quá phải không em? Nào đã hết đâu, có nàng cũng đã đưa chàng bằng tình khúc "Tống biệt hành". Chàng đi, nàng về, ngày ngày ra nơi xưa tưởng nhớ. Cho đến một ngày, bệnh xưa tái phát, nàng từ biệt nghìn thu với ước mơ "Ðược đến bên bờ Nguyễn Du thả xuống một đồng tiền cầu nguyện cho người yêu". 
Nàng muốn được như công chúa "Anna" của phim "La romain de Vacance" đã cầu nguyện ở hồ thiêng Roma. Từ đó những đôi tình nhân hò hẹn bên bờ sông Hậu, nghe câu chuyện, thường bắt chước nàng thả xuống một đồng tiền cầu nguyện cho tình yêu. Em có vẻ không tin, nhưng đó chỉ là huyền thoại, chàng vẫn kể cho nàng nghe, và thêu dệt cho bờ Hậu những chuyện tình. Này em, thế nhưng khi về em đừng quên ném lại một đồng tiền nghe em.
Từ đó Nguyễn Du thành nơi hò hẹn, Nguyễn Du hồ thành hồ tình lụy của thi nhân, và bờ Hậu Giang thành thần linh cho những đôi tình nhân chỉ nhau thề nguyền...
Ta đã kể em nghe, ta đã đưa em về sông Hậu, những cái đẹp mộc mạc an lành của một thuở quê hương mình không có chiến tranh. Em cho rằng đó không phải là nét đẹp của sông Hậu ư? Không em ạ, đó chính là những cái đẹp nhẹ nhàng, đặc thù của sông Hậu. Ta đã trót sinh ra thương nhớ niệm hoài... Em muốn ta mô tả Hậu Giang bằng bài luận văn của đứa bé ư? Này tĩnh vật, này bức tranh chết. Em, dù sông Hậu là bức tranh, ta vẫn muốn bức tranh sinh động, có hồn. Hậu sống động, Hậu biết chứng kiến những dấu vết hằn sâu của năm tháng "Thương hải biến vi tang điền".
Hỡi em, Hậu đã đẹp bằng tình nghĩa yêu thương thì Hậu vẫn đẹp nghìn đời. Em đã thấy những hàng dừa xanh rũ tóc lá gió bay, những cồn cát dãi dầu sóng nước, những cù lao yêu dấu, ruộng mía, rẫy dưa, cánh đồng xanh bóng mạ, cánh đồng vàng lúa chín. Ðôi mươi năm sau biết có còn chăng cảnh cũ, đôi mươi năm sau, biết có còn được thấy quê hương? Em này, thì dại chi ôm lấy những cảnh vật tầm thường, cảnh vật không phải chỉ riêng Hậu mới có, là miền quê hương phù sa, ở đâu cũng có thể có em ạ. Thế nên ta thương nhớ Hậu Giang bằng nét đẹp của quê ta, trong hoài niệm của quá khứ an bình, tình thương vĩnh cửu. "Ở miền Bắc, ở phương Nam, bao giờ cánh trắng khói lam lên trời, hai mươi năm lẻ qua rồi ca dao khóc ngất trong lời mẹ ru."
Ðã đi qua một thuở một đời, nhưng Hậu giang vẫn còn hiền hòa, vẫn mang phù sa đổ về ôm chân lúa sạ miền Nam, vẫn tưới mát những cánh đồng xanh cho lúa lớn...
Này em, ta có thể về miền quê cũ, cơm lúa sạ nồng hương, nước Hậu giang ngọt ngào, phù sa đổ như máu trong huyết quản. Em sẽ khoát nước sông Hậu rữa mặt cho lũ con thơ, rửa hết bụi thị thành, rửa thù hận chiến tranh... Như bố ngày xưa đã mang mẹ chúng nó về Hậu Giang, nuôi chúng bằng hạt gạo hiền hòa, cho chúng lớn khôn như phù sa sông Hậu, quê cha tình mẹ dạy cho chúng yêu thương, dạy cho chúng an bằng...
Ta về thả lá vào sông
Mơ lời ru cũ mây hồng ca dao
Dù cho nghìn năm nữa, Hậu Giang vẫn đẹp vẫn hiền hòa và lũ con xa còn nặng lòng sẽ lần lượt quay về, nhớ thương ca tụng. Gạo lúa sạ nấu bằng nước Hậu Giang ngọt ngào thương mến.
Hậu Giang, Hậu Giang
Nước tình lai láng
Thương nhớ mênh mang...
Ta mời em hãy tỉnh dậy giữa giấc mơ bềnh bồng, giữa ngày tháng ngao du... và dừng lại đây em nhé.
19/4/2015
Võ Thị Xuân Đào
Theo https://www.vinhthong.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...