Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021
Chút kỷ niệm với tác giả Nước non Bình Định
Chút kỷ niệm với tác giả
Nhiều năm rồi mới trở lại Nha Trang. Trở lại, vì tôi từng đến đây, không nhiều lần, nhưng đủ để có kỷ niệm. Những năm mới ra trường, bắt đầu làm sách, được cơ quan giao tổ chức bản thảo thơ Hàn Mặc Tử, tôi vào Nha Trang gặp nhà thơ Quách Tấn, người giữ di cảo của Hàn. Ông với mẹ tôi là anh em con cô con cậu. Quách Tấn gọi ông nội của mẹ tôi là ông ngoại. Nhà của thi sĩ Quách Tấn số 12 Bến Chợ, bên cạnh chợ Đầm Nha Trang. Phía trước nhà là gian hàng tạp hóa của vợ chồng anh Quách Giao, con trai thi sĩ Quách Tấn. Nhà rộng, kết cấu thích hợp cho một gia đình đông con, nhiều thế hệ. Nhiều phòng riêng làm buồng ngủ. Bước xuống nhà ngang là chỗ sinh hoạt chung hoặc tiếp khách - nhà ngang nối với phòng sách, nhà bếp, phòng của gia đình chị Cúc anh Quỳnh (con gái và con rể của Quách Tấn). Trước nhà ngang là khoảng sân đất, có một cây mận già, một bụi thiết mộc lan khẳng khiu hoa trắng. Nhà nhiều ngõ ngách, tuy nhiên vì đã sống ở đó hơn nửa đời người, ông thuộc lòng từng góc tường, bậc cửa. Khi đã bị mù hai mắt do chứng thiên đầu thống, ông vẫn đi lại trong nhà rất mạch lạc. Trước khi tôi về Bình Định, ông gọi anh Quách Giao lấy chìa khóa mở rương sách, và hướng dẫn lấy cuốn thứ mấy ở hàng thứ mấy bên phải hay bên trái v.v... Anh Giao làm theo, rút ra đúng y cuốn ông cần tìm. Ông đón lấy, vuốt cuốn sách một lượt, bảo tôi đưa bút, và nói: “Đây là sách cậu đã tặng cháu nội Quách Bùi Lập, sau trao lại cho Quách Thị Kim Cúc. Giờ cậu chuyển tặng con. Con chỉ chỗ trống ở trang đề tặng để cậu viết mấy chữ”. Tôi dìu bàn tay ông tới khoảng trống còn đủ ba dòng chữ. Ông cẩn trọng viết lên đó dòng đề tặng rồi ký tên, xong ông hỏi tôi: “Cậu viết có ngay hàng thẳng lối không?” - “Dạ, đẹp lắm cậu à”. Ông nở nụ cười hài lòng, đưa sách cho tôi. Tôi giơ hai tay đón cuốn Nước non Bình Định, không khóc mà mắt cay cay. Xen giữa những câu chuyện văn chương, ông kể với tôi rất nhiều kỷ niệm của ông với bạn bè, với những giai nhân mà duyên văn cho ông gặp gỡ. Tôi không ngờ ông già với vẻ ngoài nghiêm nghị khô khan mà tôi “đóng khung” trong mùa cổ điển lại tàng trữ trong tim cả thế giới phong vân bất tuyệt. Từng kỷ niệm nhỏ được gọi tên giữa ràng rịt bằng hữu và tri kỷ, ông nói rằng ông đã viết trong hồi ký, nhưng hồi ký ấy có được in trọn vẹn sau khi ông trăm tuổi hay không thì chưa nói trước được. Tôi lặng nghe ông, cảm nhận suối tâm tư từ nguồn mạch, thác ghềnh, thành sông, ra biển. Bao nhiêu hương sắc cỏ hoa thanh đạm hay rực rỡ, thoáng qua hay bền lâu, đều biến hóa vi diệu thành dòng tâm thủy rạt rào lan tỏa. Từng lời đối đáp, hứa hẹn ông đều nhớ như khắc cốt ghi tâm. Tôi không khỏi bật cười về câu trả lời của ông với một phụ nữ kém ông nhiều tuổi: “Em ơi đừng chê anh già/ Xưa nay gừng quế ai mà dùng non”. Ông hỏi tôi: “Con thấy hay không?”. Thoáng bóng mợ tôi lướt qua cửa, tôi dặng hắng rồi nói: “E hèm, cậu muốn con nói thật không?”. Ông bảo: “Thôi đừng nói, tao biết mày khó tính rồi”. Rồi ông hạ giọng: “Mợ con nhiều khi hờn cậu, nhưng biết làm sao được, cái giống đa tình! Có điều cậu không vượt khỏi giới hạn, cậu là người có trách nhiệm. Người ta đa tình thì không chung tình, chung tình thì không đa tình, nhưng cậu của con đây vừa chung vừa đa”. Vừa đa tình vừa chung tình, tôi tin điều ấy nơi ông là có thật. Cái nỗi đa chung ấy lan đến từng giọt sương cuống lá: “Nhớ bạn nhiều khi da diết nhớ/ Lại đành không tiện viết thư thăm/ Ngại trao tâm sự cho tờ giấy/ Đè nặng trên tay kẻ nhận cầm”, “Cảm thương chiếc lá bay theo gió/ Riêng nhớ tình xưa ghé đến thăm”... Năm 1992, trước khi ông mất khoảng nửa năm, tôi có ghé thăm ông mấy hôm. Chiều chiều, hai cậu cháu, mỗi người nắm một đầu ba-toong, tôi dắt ông ra biển. Dọc đường, lúc ông hỏi trời có trong không, có nhiều mây không, lúc nhắc tôi coi chừng xe cộ. Hai cậu cháu ngồi nghỉ ở một chiếc ghế đá dưới gốc bàng đường Trần Phú, ông hỏi tôi bóng cây gì mà mát vậy, rồi ngậm ngùi nhắc Hàn Mặc Tử. “Mỗi lần Tử nhớ cậu, là đón xe từ Đà Lạt xuống Nha Trang. Cậu với Tử hay ra biển ngồi hóng gió, nói đủ thứ chuyện cho thỏa rồi mới về nhà”; “Cây mận trong sân nhà cậu, cũng là chỗ cậu với Tử hay đàm đạo. Cậu cột võng trên chạc cây với vách tường để Tử nằm nói chuyện. Sau khi về Quy Nhơn rồi bệnh nặng, Tử không vào nữa. Đến khi Tử mất, nhánh mận chỗ buộc võng nhớ Tử khô dần rồi chết”. Ông rút khăn chặm giọt nước mắt lăn ra từ hai hốc mắt tối thẳm. Người đa tình ấy đang nhớ một người đa tình đã khuất. Câu chuyện của cậu cháu tôi dạt về nơi ông và Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên kết thành Đồ Bàn tứ hữu, dạt về Tây Sơn, nơi chôn nhau cắt rốn của ông, cũng là nơi thắp lên trong ông vầng lửa sáng cội nguồn kiêu hãnh. Ông nói: “Con có biết thôn Phú Lạc không? Một thôn nhỏ bằng bàn tay, mà là quê mẹ chàng Lía, là quê mẹ của ba vua Tây Sơn, lại cũng là quê mẹ của Mai Xuân Thưởng. Con coi, cần gì phải thênh thang mới là đại địa?”. Những nghĩa lý lớn lao của cuộc đời, ông đã dạy tôi một cách giản dị như vậy. Bảo rằng ông yêu quê hương Bình Định đến mức thuộc nằm lòng từng nhánh núi mom sông cũng không quá. Khi đích thân tìm mộ mẹ chàng Lía trên kèo ngựa hòn Sưng huyện Tây Sơn, hay leo lên hang Chàng Lía trên hòn Một thuộc Núi Bà huyện Phù Cát, tôi và những người bạn cùng đi đã nhắc đến tác giả Nước non Bình Định với sự xác tín đầy kinh ngạc. Kinh ngạc, vì những điều ông ghi chép thực đến từng chi tiết, những chi tiết nếu không được kiểm chứng qua thực địa, ta sẽ không thể nào hình dung nổi công phu trải nghiệm của Quách Tấn. Thậm chí, người dân địa phương khi chúng tôi hỏi đường cũng trả lời rất mơ hồ. Đến như thắng tích chùa Hang phía Tây huyện Phù Mỹ, đường núi cheo leo, mà Quách Tấn còn miêu tả trên núi có hang, dưới hang có lạch thông ra biển, thả một quả bưởi xuống hang vài ngày sau sẽ vớt được. Thời nay, để đến được những nơi đó, người ta có thể đi ô tô, xe máy tận chân núi, mà còn lấy hơi và lấy cả kiên trì để dấn bước. Thế mà suốt những thập niên đầu thế kỷ XX, ông đã đi, theo nghĩa lặn lội nhất, theo nghĩa mòn đàng chết cỏ, để gửi lại cho chúng ta một Nước non Bình Định đầy hồn vía, mở bao tầng lớp lịch sử, địa lý, thắng cảnh và cổ tích, phong hóa và tôn giáo, dân số và kinh tế... Nếu bảo trong Nước non Bình Định có đủ cả mọi thứ, thì không ai dám chắc; nhưng hỏi thiếu gì, tưởng cũng không thể điểm ngay được. Núi non, sông suối, hồ đầm, biển khơi, con người với lời nói tiếng cười góp mặt, thơ thới chan hòa. Trong lòng non nước ấy là bao nhiêu thân phận, bao nhiêu biến ảo thăng trầm mà vẫn chân mộc, tài hoa, hiên ngang khí phách, vẫn là nơi chốn thiêng liêng khôn xiết đối với ai từng được sinh ra, từng được nuôi dưỡng, chở che. * * * Trong lời thưa đầu sách Nước non Bình Định, từ lần xuất bản đầu tiên, ông giản dị trần tình: “Bình Định là quê hương tôi”. Giản dị vậy thôi, với ngọn bút yêu thương, ông đi hết một đời. Trong ánh chiều tà của mặt trời lưu luyến hắt lên từ những làn sóng Nha Trang hiền dịu, Quách Tấn ngồi đó, những ngón tay già nua gõ nhịp lên ghế đá, đôi mắt không còn ánh sáng hướng vào vô định, ông khe khẽ ngâm lời tự niệm như một sẻ chia, một tâm sự, một dặn dò: “Lo buồn phỏng có ích chi? Đời còn vui được ta thì cứ vui Một mai ba tấc đất vùi Trần gian gửi lại nụ cười cho hoa” Khi tôi nhắc ông về, ông bảo tôi nhìn xem có ông thợ chớp bóng nào không, kêu ổng chụp hai cậu cháu mấy kiểu hình kỷ niệm. Hôm ấy chẳng hiểu sao không có một người chụp ảnh dạo nào. Tôi nói tối rồi, lần khác hai cậu cháu sẽ chụp. Ông gật gật và cười. Rồi mãi mãi tôi sẽ hối tiếc vì sự vô tâm của mình. Phải chăng ông đã dự cảm đó là lần gặp cuối cùng! Lần này, giữa một Nha Trang nhiều thay đổi, cái ghế đá nơi ông ngồi hóng gió dưới gốc bàng không còn nữa. Có chăng là những làn gió biển mặn mòi vẫn lồng lộng dọc dài đường Trần Phú. Có chăng là một Nha Trang đang cùng tôi tưởng nhớ một người thơ Bình Định từng hết lòng yêu dấu xứ trầm hương.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch
Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...
-
Vài nét về văn học Đông Nam Á Đặc điểm của văn học Đông Nam Á (ĐNA) Nói đến văn học Đông Nam Á là phải nói đến sức m...
-
Cảm nhận về bài thơ một chút Kon Tum của nhà thơ Tạ Văn Sỹ “Mai tạm biệt – em về phố lớn Mang theo về một chút Kon Tụm”… Vâng...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét