Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

Chữ "Tết" cũng có ba bảy đường

 Chữ "Tết" cũng có ba bảy đường

Ở nước ta, một năm có nhiều lễ tết như tết đoan ngọ, tết độc lập, tết nhà giáo, tết trung thu... Trong đó, tết đầu năm âm lịch có nhiều tên gọi nhất. Ngoài tên gọi phổ biến tết nguyên đán (nguyên đán: buổi sáng/ ngày đầu tiên), tết này còn được gọi là tết âm lịch, tết cả, tết cổ truyền, tết ta… Thậm chí, khi gọi riêng tết, người ta vẫn mặc định đó là Tết Nguyên đán.
Tết trong tiếng Việt vốn là âm Hán Việt cổ của chữ  mà âm Hán Việt sau này của nó là tiết. Tiết thuộc bộ trúc (liên quan tới tre trúc), nghĩa gốc là “lóng, đốt” (như trúc tiết là “đốt tre”), rồi dần mang nghĩa “phần, khúc, đoạn”. Một năm có 24 phân đoạn thời gian, khí hậu, người xưa gọi là nhị thập tứ tiết khí. Tiết còn có nghĩa là “lễ nghi” (nên mới có tổ hợp lễ tiết), rồi mở rộng nghĩa chỉ “ngày lễ” nói chung (như độc lập tiết, trung thu tiết). Như vậy, tết trước hết là “ngày lễ”. Cho nên, Từ điển tiếng Việt giảng nét nghĩa đầu tiên của tết là “ngày lễ hằng năm, thường có cúng lễ, vui chơi, hội hè, theo truyền thống dân tộc” (Hoàng Phê chủ biên, 1997, tr.875).
Và có lẽ cũng vì nguyên do tương tự mà Từ điển tiếng Việt đã đồng nhất tết với tết nguyên đán (sđd, tr.875). Ngay cả những từ mang nghĩa khái quát chung về tết như tết nhất, tết tươi cũng dần bị thu hẹp nghĩa và ngầm hiểu là đang nói về tết nguyên đán. Có điều này là bởi tết nguyên đán được xem là cái tết lớn, quan trọng và có ý nghĩa nhất trong năm. Có một điều thú vị là nếu những lễ tết khác trong năm thường chỉ diễn ra trong một ngày thì tết nguyên đán lại kéo dài trong nhiều ngày. Ngoài ba ngày chính là mồng một, mồng hai và mồng ba tháng Giêng, tết còn có thể kéo dài đến hết mồng mười (nên dân gian mới có câu ba ngày tết, bảy ngày xuân), thậm chí dư âm của nó có thể lan tỏa đến hết cả tháng Giêng với tâm lý tháng Giêng là tháng ăn chơi. Đó là sau tết. Còn trước tết, mặc dù còn là những ngày của năm cũ nhưng các ngày cuối tháng Chạp, thường là sau ngày 23 tháng Chạp - cúng ông Công ông Táo xong - người ta đã bắt đầu gọi những ngày còn lại với tổ hợp tết. Cũng dễ chấp nhận, bởi trong những ngày này, có thể cảm nhận rõ không khí tết đang về trên khắp chốn. Vì thế mà có những cách gọi hai mươi tám tết, hăm chín tết, ba mươi tết. Như vậy, tết là “khoảng thời gian có cúng lễ, vui chơi, hội hè, để đón mừng năm mới, theo truyền thống dân tộc”, như Từ điển tiếng Việt đã định nghĩa (sđd, tr.875). Trong văn hóa người Việt, tết là dịp lễ người ta dành thời gian để thăm hỏi, chúc mừng, tặng quà cho nhau. Từ đó phát sinh những cách dùng từ như “đi tết thầy cô giáo”, “đi tết nhà bố mẹ vợ”, “đi tết thủ trưởng”… Trong những cách dùng trên, từ tết đã bị chuyển loại từ danh từ thành động từ. Điều này cũng được ghi nhận trong nhiều từ điển tiếng Việt. Chẳng hạn, Từ điển tiếng Việt ghi nhận từ tết là một khẩu ngữ và giảng: “Biếu quà nhân dịp tết” (sđd, tr.875). Trong câu Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy, tết là động từ và có thể hiểu là “đến thăm, chúc tết”. Không chỉ là một mốc thời gian, tết còn là một cái chuẩn để so sánh, đánh giá. Tết là dịp để sum họp gia đình, thờ cúng gia tiên, dâng lễ thánh thần, vui chơi ăn uống nên được xem như biểu tượng của niềm vui, điều này thể hiện trong câu Vui như tết. Tết cũng là dịp để sắm sửa, trang hoàng nhà cửa, tổ chức tiệc tùng, vì thế được xem là dấu hiệu nhận diện mức độ giàu nghèo: Khôn ngoan đến cửa quan mới biết/ Giàu có ba mươi tết mới hay hoặc Có, không mùa đông mới biết/ Giàu, nghèo ba mươi tết mới hay. Trong văn học dân gian Việt Nam, ca dao thành ngữ về tết có số lượng khá lớn. Có điều này là bởi, tết không chỉ có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần người Việt mà còn là một “kênh” hữu hiệu để họ gửi gắm nhiều triết lý nhân sinh, lưu giữ những truyền thống tốt đẹp. Ai đó từng nói rất hay rằng tết là của mọi người nhưng cũng là của mỗi người. Thật vậy, tết ở mỗi vùng miền đã khác, tết của mỗi lòng người lại càng khác hơn. Đón tết ở ngoài Bắc khác trong Nam. Đón tết xa quê lại càng khác đón tết đoàn tụ. Cá nhân người viết bài này từng đón tết ở nhiều nơi, trong đó, riêng tết ở Bình Định vẫn để lại nhiều dư vị nồng ấm nhất, ngang bằng với nơi chôn nhau cắt rốn. Tôi cảm nhận, tết ở đất Võ đậm đà hương vị của tết miền Trung, không quá cầu kỳ như ngoài Bắc nhưng cũng không giản tiện như trong Nam. Nhiều thứ vẫn còn giữ được nếp xưa. Nhưng ấn tượng để lại nhiều nhất trong tôi vẫn là cái nắng giòn tan, sắc mai vàng rực rỡ hòa trong tình xuân nồng ấm của người xứ Nẫu.
Phạm Tuấn Vũ
Theo http://www.baobinhdinh.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...