Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

Cây dừa trong văn chương Việt Nam

Cây dừa trong văn chương Việt Nam

Cây dừa được trồng nhiều ở các nước khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Ở nước ta, dừa được trồng nhiều và phát triển tốt trên đất phù sa, pha cát, mặn ở vùng duyên hải miền Trung và Tây Nam Bộ. Từ lâu đời, cây dừa gắn bó thiết thân với đời sống con người, và con người đã tận dụng hầu như những thành phần của cây dừa để phục vụ cho đời sống. Cây dừa góp phần biểu hiện văn hóa Việt. Cây dừa cũng có mặt trong văn học nghệ thuật. Bài viết này sẽ giới thiệu cây dừa qua các thể loại: ca dao, câu đố, truyện cổ tích, thơ hiện đại.

1. Giới thiệu chung
Cây dừa là một loại cây dạng đại mộc, thân đơn trục, cây trưởng thành cao đến vài chục mét, thuộc họ cau (Arecaceae), tên khoa học là Cocos nucifera. Về nguồn gốc, hiện có nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến cho rằng dừa có nguồn gốc ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á; cũng có người cho rằng nó có nguồn gốc ở miền Tây Bắc khu vực Nam Mỹ. Hiện cây dừa được trồng nhiều ở các quốc gia thuộc khu vực Nam Á và Đông Nam Á như Ấn Độ, Philippin, Inđônêsia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam v.v...
Dừa phát triển tốt trên đất phù sa, đất pha cát và có khả năng chịu mặn rất tốt. Vì thế, ở Việt Nam dừa được trồng nhiều và phát triển tốt ở vùng đồng bằng duyên hải miền Trung và miền Tây Nam Bộ, mà nhiều nhất là ở Bình Định (Trung Bộ) và Bến Tre (Tây Nam Bộ).
Loại cây này gắn bó thiết thân với đời sống văn hóa của cư dân nơi nó được trồng trọt. Cây dừa có rất nhiều giá trị, tính năng và công dụng, con người đã biết tận dụng triệt để tất cả những thành phần của dừa: rễ dừa, thân dừa, tàu dừa, bẹ dừa, vỏ dừa, xơ dừa, củ hủ dừa, đặc biệt là quả dừa để phục vụ đời sống con người: chữa bệnh, làm nhà, làm cầu đường, làm đồ mỹ nghệ, làm chất đốt, làm thực phẩm v.v... Ở Việt Nam cũng vậy. Từ bao đời, cây dừa gắn bó với con người Việt Nam, góp phần biểu hiện văn hóa Việt. Trong văn học nghệ thuật, cây dừa đã đi vào ca dao, câu đố, truyện cổ tích, thơ, âm nhạc, hội họa, chạm trổ, điêu khắc… Ở đây, bài viết này chỉ giới hạn giới thiệu cây dừa trong văn chương Việt Nam qua các thể loại: ca dao - dân ca, câu đố, truyện cổ tích, thơ hiện đại.
2. Cây dừa trong ca dao - dân ca và câu đố
2.1. Ca dao Bình Định có câu: ”Công đâu công uổng công thừa, Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan" để khẳng định rằng dừa ở vùng đất Tam Quan tỉnh Bình Định được trồng nhiều đến nỗi người ta không thể gánh nước tưới cho xuể. Nếu ai đó đã đi ngang qua đất Tam Quan, Bình Định bằng ô tô theo quốc lộ số 1 hay bằng tàu hỏa theo đường sắt thì sẽ thấy nơi này có cả một rừng dừa ngút ngàn đến mút tầm mắt, toàn là dừa và dừa!
Ca dao Bình Định cũng dùng motif so sánh ”bao nhiêu" - ”bấy nhiêu" thường gặp trong ca dao Việt Nam như ”Qua đình ngả nón trông đình, Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu" để gắn với dừa, thể hiện nỗi nhớ thương trông đợi của cô gái đối với chàng trai:
Dừa xanh trên bến Tam Quan,
Dừa bao nhiêu trái, em trông chàng bấy nhiêu.
Và cho dù cô gái có nhớ thương chàng trai đến da diết như thế nào đi nữa thì cô gái vẫn phải nhớ lời cha mẹ dặn để giữ thân, chứ không dám vượt rào, nhất là hò hẹn vào ban đêm:
Trăng lên khuất bóng cây dừa,
Làm thân con gái phải chừa đi đêm!
Bên cạnh Tam Quan, thì ở tỉnh Bến Tre, cũng là nơi xứ dừa nổi tiếng, cho nên có câu ca:
Thấy dừa thì nhớ Bến Tre,
Thấy bông sen nhớ đồng quê Tháp Mười.
Bến Tre có nhiều dừa, cũng như vùng Đồng Tháp Mười có nhiều hoa sen. Dừa là hình ảnh biểu tượng của Bến Tre và hoa sen là hình ảnh biểu tượng của Đồng Tháp. Đây cũng là cơ sở để nhà thơ Bảo Định Giang hồi kháng chiến chống Pháp có câu thơ viết theo thi pháp ca dao mà đến nay nhiều người vẫn nghĩ đây là ca dao hiện đại: Tháp Mười đẹp nhất bông sen, Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ. 
Do dừa có khả năng chịu đất mặn, nên ở vùng ven biển, người dân trồng nhiều dừa. Thực tế là dừa được trồng nơi vùng đất này có nước ngọt thanh, trong khi dừa ở vùng đất khác nước không ngọt bằng, thậm chí có vị hơi chua. Quê tôi ở Khánh Hòa, thời trai trẻ có gần mười năm công tác ở Tây Nguyên, tôi từng thưởng thức nước dừa ở hai vùng đất này, mới cảm nhận rằng dừa trồng ở Ninh Hòa, Diên Khánh và Nha Trang thì nước có vị ngọt thanh, trong khi dừa trồng ở Tây Nguyên, cụ thể là Buôn Ma Thuột thì nước có vị nhạt hơn và hơi chua, bởi đất badan dường như thiếu chất mặn. Đất Bến Tre lắm sông rạch, nhiều phù sa, lại ở ven biển nên nước dừa nơi này rất ngọt, lại thêm được thiên nhiên ưu đãi, đất đai ruộng vườn màu mỡ, biển lắm cá tôm. Câu ca dao sau đã ngợi ca cảnh giàu đẹp, trù phú, ấm no của Bến Tre:  
Bến Tre nước ngọt lắm dừa,
Ruộng vườn màu mỡ, biển thừa cá tôm.
Cây dừa còn đi vào ca dao tình yêu. Gốc dừa với bóng cây của nó là nơi để lứa đôi ngồi hò hẹn tự tình, qua lời chàng trai thầm biết ơn người trồng dừa:
Trả ơn ai có cây dừa,
Cho tôi nghỉ mát đợi chờ người thương.
Có khi vì một nguyên cớ nào đó, đôi lứa phải chia xa, lúc này chàng trai thầm mong ước cô gái trở lại con đường ngày xưa để ”tìm lại gốc dừa cạnh ao" mà nhớ lại lời ân tình cũ trong buổi chiều chớm thu:
Cho em trở lại đường xưa,
Để em tìm lại gốc dừa cạnh ao.
Lời anh âu yếm chiều nào,
Thoảng vang trong gió rì rào chớm thu.
Còn đây là lời hát của cô gái mạnh dạn đối đáp giao duyên đưa tình:
Ngọn dừa bóng ngả mái tranh,
Trăng tà em mới hỏi anh đôi lời.
Ai làm cho bóng trăng rơi,
Cho mây lơ lửng, cho trời lọ lem?
Với câu hỏi này, chàng trai đành bó tay, bởi khó lòng mà trả lời cho gãy gọn thuyết phục được giai nhân. Một câu hỏi khác mà lời người phát ngôn có lẽ là một chàng trai, mượn cảnh để tỏ nỗi lòng của mình:
Bến em có gốc dừa tơ,
Đêm trăng em đứng em chờ đợi ai?
Vườn dừa còn là hình ảnh được cô gái mượn để ngụ nỗi niềm sắt son đợi chờ với tình yêu chung thủy:
Kìa vườn dừa cây cao cây thấp,
Gió quặt quà cành lá xác xơ.
Thương anh em vẫn đợi chờ…
Hình ảnh dừa còn gắn với không gian lứa đôi lao động trên cánh đồng, thửa ruộng trong cảnh thanh bình vừa đơn sơ vừa mộc mạc mà ấm áp thắm tình: 
Trời mưa cho ướt lá dừa,
Đôi ta be bé đi bừa đồng trong.
Còn đây là hình ảnh chàng và nàng nấu dầu dừa. Quả dừa già, dừa khô, người ta bổ ra lấy cơm dừa. Cơm dừa có nhiều công dụng, là một thứ thực phẩm ngon, được bà con ta chế biến ra nhiều món ăn khoái khẩu: bánh dừa, mứt dừa, nước cốt dừa (sữa dừa) ăn với chè chuối và vài loại chè khác, v.v.. Cơm dừa còn được dùng để nấu dầu dừa. Dầu dừa có mùi thơm dễ chịu, các bà các chị ngày xưa hay dùng dầu dừa bôi lên tóc (xức dầu) để chải tóc làm cho tóc đen và bóng mượt. Còn gì thú vị và thơ mộng hơn trong không gian dưới ánh trăng tĩnh lặng mơ màng, chàng và nàng miệt mài lao động: mài dừa, đạp bã để nấu dầu chải tóc: 
Mài dừa đạp bã cho nhanh,
Nấu dầu mà chải tóc anh tóc nàng.
Mài dừa dưới ánh trăng vàng,
Ép dầu mà chải tóc nàng tóc anh.
Trong ca dao đạo lý, cha ông xưa còn mượn hình ảnh dừa để khuyên răn, bảo ban lớp cháu con:
- Muốn trong bậu uống nước dừa,
Muốn nên cơ nghiệp, bậu chừa lang vân.
- Dừa tơ bẹ dún tốt tàng,
Giàu sang có chỗ, điếm đàng có nơi.
Hoặc: 
Nắng lên cho héo ngọn dừa,
Đánh chết chẳng chừa cái thói đổi thay.
Đây là lời chàng trai sợ người tình phụ bạc vì chê nghèo, tham giàu:
Trồng dừa ra đọt chặt tàu,
Sợ em đổi dạ tham giàu bỏ anh.
Cũng có khi ngược lại, cô gái trách chàng trai ”thấy trăng quên đèn", nên cô đã có lời cảnh giác chàng trai:
Trồng dừa ra đọt chặt tàu,
Sợ anh đổi dạ quay đầu bỏ em.
Như trên có nói qua, cây dừa có quá nhiều công dụng, nên nhiều lúc dừa được xem như là một giá trị tài sản để đánh giá sự giàu sang hay nghèo hèn: 
Nhà tôi có dãy vườn hoa,
Có ba dãy nhãn, có ba dãy dừa.
Dù anh đi sớm, về trưa,
Sao anh chẳng nghỉ dãy dừa nhà tôi.
Có những lúc chàng trai gặp cảnh hết sức tế nhị, nên đã lấy lá dừa ra vừa làm phương tiện để ngồi, vừa dùng nó làm cái cớ để ướm hỏi tình ý của đối tượng:
Tới đây ngồi tạm lá dừa,
Chiếu trải mặc chiếu, anh chưa dám ngồi.
Dừa còn gắn với chuyện duyên tình nếu cô gái lỡ làng:
Còn duyên nón vải quai tơ,
Hết duyên nón lá quai dừa cũng xong.
Không chỉ trong ca dao tâm tình, mà ngay cả trong ca dao hài hước, người đọc cũng bắt gặp hình ảnh dừa:
- Ếch tôi ở tận hang cùng,
Bên bè rau muống phía trong bờ dừa.
- Dì Hai ơi hỡi dì Hai,
Miệng nhai bánh tráng, miệng nhai cùi dừa.
2.2. Trong kho tàng câu đố Việt Nam, người xưa với trí tuệ sắc sảo và liên tưởng thú vị của mình, đã nghĩ ra một số câu đố gắn cây dừa và quả dừa. Xin mời Quý vị hãy đọc lại những câu đố sau đây:
- Một mẹ nuôi chín mười con,
Không ăn, không uống no tròn vo vo.
(là cây gì?)
- Nước sông không đến,
Nước bến không vào,
Vậy mà có nước.
(là quả gì?)
- Trên trời có giếng nước trong,
Con kiến chẳng lọt con ong chẳng vào.
(là quả gì?)
3. Cây dừa trong truyện dân gian
Trong văn học dân gian miền Tây Nam Bộ có câu chuyện Sự tích cây dừa. Câu chuyện này được lưu truyền ở các xã, huyện vùng giáp ranh các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng. Câu chuyện ngợi ca tấm lòng thơm thảo, tiết sạch giá trong của cô gái nghèo, chính tấm lòng ấy đã hóa thành cây dừa với tàu lá mượt xanh như mái tóc và những quả dừa sum suê trĩu nặng nơi buồng dừa với nước trong vắt ngọt lịm chẳng khác nào tấm lòng thơm thảo của cô. Xin được tóm lược như sau:
Ngày xưa, ở vùng đất nọ có gia đình nhà nghèo sống cảnh mẹ góa, con côi. Hai mẹ con ngày ngày cày thuê cuốc mướn cho tên địa chủ giàu có trong vùng, mà cảnh đói cơm thiếu áo vẫn xảy ra. Đứa con gái ngày một lớn càng xinh đẹp nết na, bà mẹ ngược lại ngày một già nua, đau bệnh triền miên. Năm ấy, trời hạn nặng, cây cối héo úa, lúa ngoài đồng cháy khô. Gia cảnh mẹ con nhà ấy càng thảm não. Không còn gạo nấu cháo nuôi mẹ, cô gái bạo dạn đến gõ cửa nhà giàu. Vốn háo sắc, gả địa chủ rắp tâm chiếm đoạt cô. Hắn sẵn sàng cho mượn thúng gạo nhưng với điều kiện trong ba tháng nếu không trả được gạo thì cô gái đến nhà hầu hạ hắn.
Trong cảnh khốn cùng, cô gái đành chấp nhận. Cô gái đội gạo về vừa mừng bởi mẹ đã có cái ăn, vừa lo quặn lòng vì món nợ đã vay, biết lấy đâu mà trả. Có gạo, cô nấu cháo cho mẹ. Húp chén cháo xong, mẹ cô nghẹn ngào bảo cô rằng: ”Mẹ không qua khỏi, con ráng mà giữ mình, làm thuê mướn cũng phải trả nợ cho người ta. Nghèo cho sạch, rách cho thơm con ạ!"
Mấy hôm sau bà mẹ mất, cô gái khóc lóc thảm thiết. Hàng xóm kẻ ít người nhiều gom góp cho bà cụ được yên mồ yên mả. Ngày đêm, cô gái vật vả thảm thiết bên mộ mẹ hiền. Không lâu sau, tên nhà giàu cho tay chân đến buộc cô gái về hầu hạ hắn. Cô gái gom hết những gì mình có đưa cho họ và hẹn xin được để tang mẹ xong sẽ qua trả lễ. Mòn mỏi, đau buồn, cô gái cũng đã nhắm mắt xuôi tay.
Mấy năm trôi qua, người ta phát hiện trên nấm mộ có một loài cây lá xòe mượt xanh như mái tóc của cô gái nghèo nọ. Bẹ đỡ lá hình dáng như chiếc mũi xinh xắn của cô. Đặc biệt cây cho trái từng buồng trên cao, nước trong vắt và ngọt lịm, như tấm lòng thơm thảo trọng nghĩa nhân và giữ tiết sạch giá trong như lúc cô gái còn sống. Người ta đặt tên cho nó là cây dừa.
Cũng gắn với dừa, truyện cổ Việt Nam có câu chuyện Sọ Dừa. Đây là một truyện cổ tích thần kỳ với motif người đội lốt vật, ngoại hình xấu xí, nhưng khi đã cởi bỏ lốt vật thì sẽ thành người tuấn tú, thành danh, sống đời hạnh phúc bên người vợ hiền thảo, dù trước đó, có gặp nhiều trở ngại gian truân. Có thể tóm lược như sau:
Có đôi vợ chồng già, phải đi ở cho nhà phú ông và hiếm muộn con cái. Một hôm bà vợ vào rừng hái củi, uống nước trong cái sọ dừa, về nhà có mang, ít lâu sau sinh ra một đứa bé kì dị, không chân không tay, tròn như một quả dừa. Thấy đứa bé biết nói, bà giữ lại nuôi và đặt luôn tên là Sọ Dừa. Thương mẹ vất vả, Sọ Dừa nhận thay mẹ chăn đàn bò nhà phú ông. Cậu chăn bò rất giỏi, con nào cũng béo khỏe. Ba cô con gái nhà phú ông thay nhau đưa cơm cho Sọ Dừa. Hai cô chị kênh kiệu thường hắt hủi cậu, chỉ có cô út đối đãi với cậu tử tế và đem đem lòng thương yêu, bởi cô đã phát hiện ra vẻ đẹp bên trong cái vẻ kì dị của Sọ Dừa. Ít lâu sau, Sọ Dừa nhờ mẹ đến hỏi. Phú ông thách cưới thật to nhưng thấy Sọ Dừa mang đủ đồ thách cư đến, đành phải gả cô út cho Sọ Dừa. Sọ Dừa hiện nguyên hình làm một chàng trai trẻ đẹp khiến hai cô chị vô cùng ghen tức.
Từ đó, Sọ Dừa chăm chỉ học hành, đến kỳ thi, anh đã đỗ Trạng nguyên, rồi được nhà vua cử đi sứ nước ngoài. Trước khi đi chàng đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà để đề phòng tai họa.
Sọ Dừa đi vắng, hai người chị rủ em gái bơi thuyền đi chơi rồi tìm cách hãm hại cô út, đẩy cô xuống biển hòng cướp chồng của em. Nhờ có các đồ vật chồng đưa cho, cô út thoát chết, sống trên đảo hoang. Nhờ tiếng gà gáy mà trên đường đi sứ trở về, quan Trạng đã cứu được vợ, hai vợ chồng đoàn tụ. Về nhà quan Trạng mở tiệc mời bà con. Hai cô chị đến dự, tranh nhau kể chuyện cô em rủi ro ra chiều thương tiếc lắm. Quan Trạng không nói gì, tiệc xong mới cho gọi vợ ra. Hai cô chị nhìn thấy cô em thì xấu hổ quá, lén bỏ ra về rồi từ đó bỏ đi biệt xứ.
4. Cây dừa trong thơ hiện đại
Trong thơ hiện đại, có nhiều nhà thơ đã sáng tác nhiều bài thơ hay về cây dừa, phổ biến nhất và nổi tiếng nhất là một số bài thơ của Lê Anh Xuân và của Trần Đăng Khoa.
Nhà thơ Lê Anh Xuân tên thật là Ca Lê Hiến (1940-1968) quê ở xứ dừa: xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày (nay là Mỏ Cày Bắc), tỉnh Bến Tre, trong một gia đình trí thức yêu nước, truyền thống cách mạng. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, sau khi tốt nghiệp Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy và được cử đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài nhưng ông từ chối với mong ước được trở về quê hương chiến đấu. Tháng 12 năm 1964, Lê Anh Xuân tình nguyện về Nam và công tác ở Tiểu ban Giáo dục thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương cục. Đến tháng 7 năm 1965, ông chuyển sang công tác ở Hội Văn nghệ Giải phóng. Ông hy sinh ngày 21-5-1968 tại ấp Phước Quảng, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước, tỉnh Long An trong một trận càn của quân đội Mỹ Ngụy. Lê Anh Xuân là tác giả những tác phẩm: Tiếng gà gáy (thơ, 1965); Giữ đất (văn xuôi, 1966); Không có đâu như ở miền Nam (thơ, in chung, 1968); Nguyễn Văn Trỗi (trường ca, 1968); Hoa dừa (thơ, 1969); Thơ Lê Anh Xuân (tuyển thơ, 198l).  Năm 2001, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Năm 2011, ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Bên cạnh bài thơ Dáng đứng Việt Nam rất nổi tiếng, thì trong thơ Lê Anh Xuân còn nổi tiếng với những bài thơ viết về quê nội với vườn dừa. Hình ảnh cây dừa được Lê Anh Xuân nhắc đi nhắc lại đến hơn 60 lần trong hai tập thơ: Tiếng gà gáy (xb 1965) và Hoa dừa (xb 1969). Dừa là biểu tượng của quê hương Bến Tre. Nói đến dừa là một cách để nhà thơ biểu hiện lòng yêu quê hương đất nước của mình.
Hình ảnh cây dừa với những đặc điểm của nó: Xanh soi bóng, đứng, trụi cháy, lá dừa chấm tóc… trong tập Tiếng gà gáy; Hai lần máu chảy, đứng hiên ngang, trổ lá xanh, ru giấc ngủ, thắp sáng bến đò… trong tập Hoa dừa. Hình ảnh này được nhà thơ sử dụng để biểu trưng cho sức sống bền bỉ, dẻo dai; cho phẩm chất kiên cường, thủy chung của người dân Nam Bộ nói chung, người dân Bến Tre nói riêng.
Tập thơ Tiếng gà gáy được Lê Anh Xuân viết trong những ngày sống và học tập trên đất Bắc, giữa lòng Hà Nội, nhà thơ đã nhiều lần nhắc đến cây dừa để bộc lộ niềm thương nỗi nhớ về quê hương Bến Tre. Chẳng hạn, trong bài Nhớ mưa quê hương, là một trong vài bài thơ đầu tay khá nổi tiếng của Lê Anh Xuân, người đọc bắt gặp nhiều lần hình ảnh này:
- Ôi cơn mưa quê hương
Đã ru hát hồn ta thuở bé,
Đã thấm nặng lòng ta những tình yêu chớm hé.
Nghe tiếng mưa rơi trên tàu chuối, bẹ dừa,
Thấy mặt trời lên khi tạnh những cơn mưa.
- Ta yêu quá như lần đầu mới biết
Ta yêu mưa như yêu gì thân thiết
Như tre, dừa, như làng xóm quê hương.
Như những con người - biết mấy yêu thương.
- Ôi đâu rồi những trò chơi tuổi trẻ
Những tàu chuối, bẹ dừa, những mảnh chòi nhỏ bé  
 Những vết chân thơ ấu buổi đầu tiên
 Mấy tấm mo cau là mấy chiếc thuyền
 Mưa cuốn đi rồi.
 - Ôi yêu quá mấy hàng dừa trước ngõ
 Rễ dừa nâu, mườn mượt gân tơ
 Đường tạnh ráo, đất lên màu tươi mởn
 Đã yêu rồi sao bỗng thấy yêu hơn...
Trong tập thơ Tiếng gà gái, Lê Anh Xuân còn có bài Nhớ dừa. Nhớ dừa tức là nhớ quê hương. Ở đây, cây dừa được nhà thơ nhân hóa nó như sinh thể hữu hình để nhà thơ gởi gắm niềm thương nhớ da diết đối với quê hương:
Dừa ơi ta muốn ôm sâu vào người
Muốn hôn màu lá xanh tươi
Phải chăng dừa đấy là người yêu thương
(Nhớ dừa)
Đặc biệt trong tập thơ Hoa dừa được Lê Anh Xuân viết khi đã vào chiến đấu ở Miền Nam, có nhiều hình ảnh cây dừa quê hương. Chẳng hạn, mở đầu bài Trở về quê nội  được viết vào tháng 9 -1965, người đọc bắt gặp ngay hình ảnh bóng dừa:
Ôi quê hương xanh biếc bóng dừa
Có ngờ đâu hôm nay ta trở lại
Quê hương ta tất cả vẫn còn đây
Dù người thân đã ngã xuống đất này
Ta lại gặp những mặt người ta yêu biết mấy
Ta nhìn ta, ta ngắm, ta say
Ta run run nắm những bàn tay
Thương nhớ dồn trong tay ta nóng bỏng.
Và:
Em ơi! Sao tóc em thơm vậy
Hay em vừa đi qua vườn sầu riêng
Ta yêu giọng em cười trong trẻo
Ngọt ngào như nước dừa xiêm  
Đặc biệt, bài thơ "Dừa ơi" được viết vào tháng 01-1966, hình ảnh dừa được nhà thơ sử dụng rất nhiều lần với những phẩm chất kiên cường của nó chẳng khác nào phẩm chất của người dân Nam Bộ nói chung, người dân Bến Tre nói riêng trong cuộc đụng đầu không cân sức của những năm tháng kháng chiến gian khổ để giành lại từng tấc đất quê hương. Hãy đọc lại cả bài thơ:
Dừa ơi!
Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ
Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ
Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió
Tôi hỏi nội tôi: "Dừa có tự bao giờ?"
Nội nói: "Lúc nội còn con gái
Đã thấy bóng dừa mát rượi trước sân
Đất này xưa đầm lầy chua mặn
Đời đói nghèo cay đắng quanh năm"
Hôm nay tôi trở về quê cũ
Hai mươi năm biết mấy nắng mưa
Nội đã khuất rồi xanh rì nấm cỏ
Trên thân dừa vết đạn xác xơ.
Dừa ơi dừa! Người bao nhiêu tuổi
Mà lá tươi xanh mãi đến giờ
Tôi nghe gió ngàn xưa đang gọi
Xào xạc lá dừa hay tiếng gươm khua.
Ôi có phải nhà thơ Đồ Chiểu
Từng ngâm thơ dưới rặng dừa này
Tôi tưởng thấy nghĩa quân đuổi giặc
Vừa qua đây còn lầy lội đường dây.
Tôi đứng dưới hàng dừa cao vút
Cạnh hàng dừa tơ lá mướt xanh màu  
Những công sự còn thơm mùi đất
Cạnh những chiến hào chống Pháp năm nao.
Vẫn như xưa vườn dừa quê nội
Sao lòng tôi vẫn thấy yêu hơn
Ôi thân dừa đã hai lần máu chảy
Biết bao đau thương, biết mấy oán hờn.
Dừa vẫn đứng hiên ngang cao vút
Lá vẫn xanh rất mực dịu dàng
Rễ dừa bám sâu vào lòng đất
Như dân làng bám chặt quê hương.
Dừa bị thương dừa không cúi xuống
Vẫn ngẩng lên ca hát giữa trời
Nếu ngã xuống dừa ơi không uổng
Dừa lại đứng lên thân dựng pháo đài.
Lá dừa xanh long lanh ánh nắng
Theo đoàn quân thành lá nguỵ trang
Nếu rụng xuống dừa ơi không uổng
Dừa lại cháy lên ánh đuốc soi đường.
Đất quê hương nát bầm vết đạn
Đã nuôi dừa năm tháng xanh tươi
Ôi có phải dừa hút bao cay đắng
Để trổ ra những trái ngọt cho đời.
Nghe vườn dừa rì rào tiếng nhạc
Lòng nao nao tôi nhớ nội xiết bao
Tuổi thơ xưa uống nước dừa dịu ngọt  
Tôi biết đâu thuở chua xót ban đầu.
Tôi ngước nhìn mùa xuân nắng dọi
Bốn mặt quê hương giải phóng rồi
Tôi bỗng thấy nội tôi trẻ lại
Như thời con gái tuổi đôi mươi
Như hàng dừa trước ngõ nhà tôi.
(01-1966)
Dừa là đặc sản, là cây của sự sống của người dân Bến Tre. Ở vùng đất này chỉ có dừa và dừa. Chính vì thế mà mở đầu bài thơ, Lê Anh Xuân đã viết:
Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ
Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ
Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió
Tôi hỏi nội tôi: "Dừa có tự bao giờ?"
Cũng như con người trên quê hương Bến Tre, cây dừa cũng biết gánh chịu đau thương tang tóc, biết uất hận và luôn vững vàng, kiên định, lạc quan trong những năm tháng kháng chiến đầy bão tố:
Ôi thân dừa đã hai lần máu chảy
Biết mấy đau thương biết mấy oán hờn
Lê Anh Xuân ngợi ca cây dừa là để ca ngợi người dân Bến Tre và Nam Bộ. Trong kháng chiến gian khổ, con người có vượt qua những gian nan thử thách thì càng anh hùng, càng đẹp và trẻ ra như cây dừa đã hút bao cay đắng ”để trổ ra những trái ngọt cho đời".
Trên vùng đất này, dừa là pháo đài chống giặc. Đây cũng là phẩm chất cao quý mà con người ở quê hương Bến Tre Nam Bộ luôn luôn vốn sống với cái chất tuyệt vời cao quý ấy:
Dừa vẫn đứng hiên ngang cao vút
Lá vẫn xanh rất mực dịu dàng
Rễ dừa bám sâu vào lòng đất
Như dân làng bám chặt quê hương.
Trong cảm hứng tự hào về quê hương bất khuất, dừa là biểu trưng cho phẩm chất kiên cường, đức tính bền bỉ, tấm lòng thủy chung:
Dừa bị thương dừa không cúi xuống
Vẫn ngẩng lên ca hát giữa trời
Nếu ngã xuống dừa ơi không uổng
Dừa lại đứng lên thân dựng pháo đài.
Và:
Lá dừa xanh long lanh ánh nắng
Theo đoàn quân thành lá nguỵ trang
Nếu rụng xuống dừa ơi không uổng
Dừa lại cháy lên ánh đuốc soi đường.
Nếu cây dừa mang phẩm chất của con người nơi đây thì đuốc lá dừa tượng trưng cho ánh sáng của quê hương. Bài thơ "Đuốc lá dừa" được Lê Anh Xuân viết để ngợi ca một cô giáo hàng ngày róc lá dừa bó thành đuốc thắp sáng bến đò cho bộ đội qua sông:
Bộ đội qua làng đêm mưa ướt
Đuốc lá dừa thắp sáng bến đò khuya
(Đuốc lá dừa)
Khi cô giáo bị giặc sát hại thì dáng hình của cô đã trở thành ngọn đuốc sáng soi trên những trang thơ và cũng là ngọn đuốc soi đường cho đồng chí, đồng đội tiếp Bước đấu tranh:
Có ánh sáng của em soi trên những trang thơ
Ánh đuốc của quê hương - ánh đuốc lá dừa.
(Đuốc lá dừa)
Ánh sáng đó chính là ngọn lửa của lòng yêu quê hương đất nước, từ truyền thống đấu tranh anh dũng của cha ông được lưu truyền qua bao thế hệ, trong đó có nhiều tấm gương của các anh hùng hào kiệt trên mảnh đất Bến Tre kiên cường.
Bên cạnh những bài thơ nổi tiếng của Lê Anh Xuân viết về dừa như trên, trong thơ hiện đại còn có thơ của Trần Đăng Khoa quê ở vùng bãi bồi phù sa xứ Đông trên đất Bắc viết về dừa, được rất nhiều người nhớ và thuộc, bởi bài thơ được đưa vào sách giáo khoa bậc Tiểu học, bài "Cây dừa":
Cây dừa xanh toả nhiều tàu,
Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng.
Thân dừa bạc phếch tháng năm,
Quả dừa - đàn lợn con nằm trên cao.
Đêm hè hoa nở cùng sao,
Tàu dừa - chiếc lược chải vào mây xanh.
Ai mang nước ngọt, nước lành,
Ai đeo bao hũ rượu quanh cổ dừa.
Tiếng dừa làm dịu nắng trưa,
Gọi đàn gió đến cùng dừa múa reo.
Trời trong đầy tiếng rì rào,
Đàn cò đánh nhịp bay vào bay ra.
Đứng canh trời đất bao la,
Mà dừa đủng đỉnh như là đứng chơi.
Bài thơ được Trần Đăng Khoa viết năm 1967, lúc tác giả mới 9 tuổi, in trong tập Góc sân và khoảng trời, một tập thơ khẳng định tài năng và tên tuổi của Thần đồng thơ lúc anh chỉ mới 11, 12 tuổi. Ở bài thơ, tác giả đã nhân hóa cây dừa: Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng/Tiếng dừa làm dịu nắng trưa, Gọi đàn gió đến cùng dừa múa reo,/ Đứng canh trời đất bao la, Mà dừa đủng đỉnh như là đứng chơi, với những liên tưởng giàu hình ảnh rất thú vị: Quả dừa - đàn lợn con nằm trên cao./Tàu dừa - chiếc lược chải vào mây xanh./ Ai đeo bao hũ rượu quanh cổ dừa.
Những liên tưởng ấy chỉ có ở Thần đồng thơ, không thể tìm thấy ở các tác giả khác cùng lứa tuổi như Khoa và cũng khó lòng tìm thấy những liên tưởng như trên trong thơ gần đây của chính tác giả.
Tiếp theo, sau đây xin được giới thiệu vài bài thơ ít nhiều mang tính trào tiếu hóm hỉnh được gợi cảm hứng khi các tác giả xem bức tranh Hứng dừa nổi tiếng của làng Đông Hồ xứ Kinh Bắc hào hoa. Bài Xem tranh Hứng dừa của nhà thơ Vương Trọng:
Người ấy, cảnh ấy chắc mùa xuân:
Dừa căng tròn, váy một vạt
Dừa căng tròn, váy nâng ngược
Ánh mắt kia, nụ cười kia
Và kiểu dạng chân thách thức:
- Thả đi nào, em chấp!
Những chàng trai với hai quả dừa
Đã nhận ra váy kia quá mỏng
Da mịn thế, dừa thì quá nặng. 
Kẻ muốn hứng, người chưa cho hứng
Dưới, trên khấp khởi mừng, lo
Vượt thế kỷ, bỏ trôi thiên niên kỷ
Họ vẫn nhìn nhau trong giấy mực làng Hồ.
2-1997
Còn đây là bài Vịnh tranh Hứng dừa của Trần Như Tùng trên trang mạng điện tử, được viết theo thể thơ Đường luật thất ngôn bát cú với niêm luật vần đối rất chuẩn:
Hứng dừa khắc gỗ vẽ nên thơ,
Phong cảnh tự nhiên đẹp chẳng ngờ.
Trai lịch bên trên tay chọn lựa,
Gái thanh phía dưới mắt trông chờ.
Ngẩng đầu nhìn quả mong ngon ngọt,
Nâng váy vươn người đón ước mơ.
Cây đứng lặng yên nhìn hạnh phúc,
Gió dừng, chiêm ngưỡng chốn nguyên sơ.
Xin được miễn bình. Có điều chắc chắn độc giả khi xem bức tranh Hứng dừa rồi đọc lại hai bài thơ này sẽ tủm tỉm cười một mình, rồi vỗ đùi khen ”Tài thật!".
Và hình ảnh dừa trong văn chương Việt có thể còn nhiều nữa. Ở đây, chúng tôi chỉ nêu dăm ba điều tản mạn, thế thôi.
Có thể nói tự bao đời, cây dừa đã gắn bó với đời sống cư dân nơi nó được sinh trưởng nói chung, với cư dân Việt Nam nói chung. Cây dừa gắn bó thiết thân với đời sống vật chất và đời sống tinh thần của con người Việt Nam với nhiều tính năng, công dụng và giá trị thiết thực của nó. Cây dừa là hình ảnh không thể thiếu trong văn hóa Việt và văn chương Việt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nguyễn Xuân Kính (chủ biên) 2102: Kho tàng ca dao người Việt, tập 1 và tập 2, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
2. Lê Anh Xuân 1965: Tiếng gà gáy, Nxb. Văn học, Hà Nội.
3. Lê Anh Xuân 1969: Hoa dừa, Nxb. Giải phóng.
4. Trần Đăng Khoa 1975: Góc sân và khoảng trời, Nxb. Kim Đồng, Hà Nội, 1975.
5. Trang web: http://www.thivien.net.

20/10/2014
Nguyễn Công Lý
Theo http://hiephoiduabentre.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tình yêu của biển – Chùm thơ của Lê Nhi   1 Tháng Tư, 2023 Thì ra biển cũng bạc lòng say đắm/ nhuộm đen khuôn hình, trắng tấm sắt son/...