Thứ Năm, 25 tháng 3, 2021

Phần IIIb: Nhiều tác giả viết về thầy Tuệ Sỹ

Phần IIIb: Nhiều tác giả viết về thầy Tuệ Sỹ

RIÊNG MỘT CÕI THƠM 
HẠNH CHI
* Năm xưa, được một vị Thượng Tọa cho xem tập thơ Thầy viết trong tù, bằng chữ Hán, tôi đã thức nhiều đêm để khóc! Chính tập thơ này là động lực khiến tôi đi tìm “ông đồ”, cầu học dăm ba chữ, hy vọng có ngày hiểu được phần nào ý Thầy. Như bài thơ trên, tựa là “Trách lung”, nghĩa là “Lồng hẹp”, tuy ngắn mà quá cô đọng, tôi loay hoay mãi, không thể nào dùng thể thơ năm chữ mà diễn tả nổi, đành phải dùng thể tám chữ, vẫn chưa dịch hết ý: 
Nhà tù chật, khó giam lòng tự tại 
Khách nhàn du ta thả bộ thong dong 
Ta cười nói, mình ta nghe thanh thản 
Ngày tù dài, trôi nhẹ tựa như không! 
* Một, trong những cuốn sách cho tôi, Thầy viết bằng chữ Hán: “Tam thế bất an do như hỏa trạch”. Một cuốn khác, cũng bằng chữ Hán: “Viễn ly điên đảo mộng tưởng. Cứu Cánh Niết Bàn” Rồi một cuốn khác: “Chư nhất thiết chủng, chư minh diệt. Báo chúng sanh, xuất sanh từ ni”. 
Đa tạ Sư Phụ đã nhắc nhở con thật nhiều, chỉ qua những dòng ký tặng sách mà cô đọng cả bao bẫy sập, bao chông gai, bao hầm hố điên đảo thế gian, rồi nếu may mắn tỉnh thức thì đâu là cứu cánh. 
Những bước chân ra khỏi đường hẻm nhỏ, trò tự hứa phải luôn cố gắng, sao cho hôm nay biết sống xứng đáng hơn hôm qua, để khỏi phụ lòng Thầy. 
Vừa rẽ vào đường hẻm nhỏ, chỉ một đoạn ngắn, chiếc xe Honda ngừng lại, tắt máy. 
- Đây rồi. 
Lữ khách ngồi sau xe bước xuống, lặp lại lời người lái xe: 
- Đây rồi! 
Có phải đây là nơi chốn đã đến, đã biết đâu, mà sao xác nhận như đã từng! 
Đẩy nhẹ cánh cổng sắt khép hờ, là vuông sân gạch. Những giọt mưa đêm còn đọng, như chờ khách. Cơn gió lay động dăm cánh hoa vàng nở từ hôm nào, cũng như đang nấn ná vin cành, chờ khách. 
Rồi thầy thị giả bước ra. Nụ cười ấm áp của thầy khiến lòng lữ khách bớt nôn nao. Thầy khẽ nói: 
- Sư phụ đã biết. Và đang ở trên lầu. 
Lữ khách chắp tay xá, rồi theo thầy thị giả, bước qua gian phòng nhỏ. Bên ngoài là hương lan, bên trong là hương sách. Thật vậy. Gian phòng nhỏ tràn đầy hương sách. Những cuốn sách nằm im trên kệ đang tỏa hương ngào ngạt. Với những cuốn sách mới, nhân gian thường nói: “Còn thơm mùi mực” để tỏ ý là sách mới lắm, mực còn chưa khô! Nhưng những cuốn sách đang nằm trên kệ kia, có lẽ không mới đến thế, và mùi thơm mà lữ khách chợt cảm nhận được cũng không phải là mùi mực. Sách mà không thơm giấy mực thì hẳn phải là hương thơm từ chữ nghĩa! 
Chỉ vừa bước chậm, vừa nhìn thoáng thôi, đã tưởng như lạc vào đại hội văn học với những tác giả Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, Thích Phước An, Ni sư Thích nữ Trí Hải, Phạm Công Thiện, Hạnh Viên… Và trước khi rẽ vào nấc thang đầu tiên để lên lầu, mắt lữ khách đã kịp chạm vào nét nghệ thuật in ấn qua cuốn “Triết học về Tánh Không” tác giả Tuệ Sỹ. Chỉ bìa sách Tánh Không mà đã thấy “Có” thật nhiều, nơi sự trình bày trang nhã mà nghệ thuật, bay bướm mà trang nghiêm. Bước chân trên từng bậc thang như rúc rích cười thầm vì chợt nhớ giai thoại chia sẻ của TT Thích Phước An với tác giả Triết Học Tánh Không, mà một vị Thượng Tọa khác đã tình cờ tiết lộ: 
- Em đọc mãi, chẳng hiểu anh viết gì! 
- Tôi viết tôi còn chẳng hiểu, làm sao ông hiểu! 
Tất nhiên, chỉ là đối thoại vui giữa hai vị thầy trong thâm tình huynh đệ. Tuy cửa mở, lữ khách vẫn cúi đầu, dừng lại, chờ thầy thị giả vào trước. 
- Đã tới ư? Vào đây! 
- Bạch Sư Phụ, con vừa tới. 
Bước vào giữa phòng, lữ khách quỳ xuống, cung kính đảnh lễ Sư Phụ. Thầy ngồi yên, nhận tấm lòng trò. Rồi Thầy chỉ ghế đối diện. Trò vén nhẹ tà áo nâu, khẽ thưa: 
- Bạch Sư Phụ, cho phép. 
Cũng như lần gặp bốn năm trước, thầy nhìn trò, mỉm cười bao dung. Ôi, vẫn nụ cười và ánh mắt đầy che chở, thương yêu mà trò luôn cảm nhận được mỗi khi nghĩ nhớ đến Sư Phụ, nhất là những khi gặp trạng huống phiền não, trò gọi thầm “Sư Phụ ơi, cứu con” là như thấy Thầy hiện diện ngay! 
Lại những ân sủng, tưởng như bình thường, mà thật ra rất khó được. Đó là, Thầy tự tay pha trà đãi trò. Rồi những câu chuyện, cũng tưởng như chỉ là gió thoảng mây bay, nhưng thật ra gió ấy, mây ấy, là tâm đã đạt tới Bất Sinh, mà đã không sinh thì làm chi có diệt! Chẳng hạn như: - Sư Phụ thường về đây? 
Thầy nhận ra ngay ẩn ý của đứa học trò tinh quái, muốn biết gì, bèn cười khẽ, trả lời thẳng: 
- Chùa không có chỗ trú thân thì tôi ngủ gốc cây. Dễ thôi mà! Về đây dăm ngày trong tuần vì không nỡ bỏ nhóm người ham học quá! Những ngày cuối tuần thì… làm mây bay. Ai biết trước mây bay hướng nào! 
Khi xưa, Lương Võ Đế từng xây dựng biết bao nhiêu chùa, tháp, nhưng không biết thời đó có ai hỏi nhà vua, vì sao Bồ Đề Đạt Ma không ở chùa, mà lại cửu niên diện bích? 
Thầy đã nói quá đủ, trò nào dám hỏi hơn. Thầy như thế. Nói ít, phải hiểu nhiều, nhưng viết nhiều lại phải đọc kỹ, đọc chậm mới nắm bắt được chủ ý. 
“Không chịu tiệm tiến từng bước vững chắc, mà như những đợt nhảy của con chim hồng: nhảy bên bờ nước, nhảy đến tảng đá, nhảy trên đất cạn, nhảy trên cành cây, nhảy lên gò cao và cuối cùng, bay trong thương khung để lông cánh làm đẹp cho bầu trời.” 
Có thể không mấy người biết con chim hồng như thế nào. Tôi cũng chưa biết, nhưng đọc đoạn ngắn trên đây, trích từ “Tánh Không Luận là gì?” của Thầy, tôi cảm nhận như có sự nhiệm mầu nào đang nhẹ nhàng vén tấm màn vô minh cho ta thọ nhận những nét đẹp vẫn thường hằng quanh ta mà do vụng về, ta đã để phiền não che lấp. 
Nói về những tột cùng sâu thẳm tâm linh, về sự sống còn, thành hoại, ngay cả về những bước ngoặc bi thảm của lịch sử, mà qua lời chia sẻ của Thầy, đôi khi lại là những hình ảnh thi ca diễm lệ như: 
“Sự tựu thành của một cơn mưa như thác lũ khi con bướm mùa hè đã chịu khép lại đôi cánh mỏng để lắng nghe trong thầm lặng, hơi thở của cỏ nội. Chờ đợi kiên trì và dừng lại trong sự bế tắc của một thời chỉ còn ánh sáng vĩnh cửu của mặt trời. Kiên trì và dừng lại để chờ đợi trong sự bế tắc là liều lĩnh ký thác mình cho một cuộc chơi ngoạn mục của thiên nhiên, là liều lĩnh đứng lại giữa dòng thác đổ của vạn hữu”. Đó là tư tưởng triết lý Tánh Không được nói bằng ngôn ngữ của Thầy Tuệ Sỹ. 
Thầy tìm về cửa Đạo từ thuở ấu thơ, đã khổ công tu tập, học hỏi, để ngay ở tuổi niên thiếu, Thầy đã là ngôi sao sáng trên bục giảng các Đại Học Phật Đường, đặc biệt là Đại Học Vạn Hạnh, vì nơi đây, Thầy là giảng sư nòng cốt, không chỉ phụ trách những chương trình gay go về giáo pháp như: Triết học Tánh Không, Trung Quán Luận, A Tỳ Đạt Ma, Đại Cương Thiền Quán v.v… mà Thầy còn khai mở trí tuệ tăng sinh, dẫn dắt họ tìm về triết học Tây Phương qua các tư tưởng Henry Miller, Jean Paul Sartre, Platon v.v… Rồi từ chân trời phương Tây, Thầy lại đem hết kiến thức Kinh, Luật, Luận, Tam Tạng giáo điển để dẫn tăng sinh về phương Đông với những triết học Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, Kinh Dịch, Kinh Thi; rồi văn học Trung Hoa qua Đào Tiềm, Hàn Dũ, Tô Đông Pha…. Không chân trời nào Thầy không soi dọi, dẫn dắt cho những ai cầu học. 
Thầy như thế. Tất cả tài năng, trí tuệ, đều mang tâm từ mà cung hiến trọn vẹn cho Đạo, cho Đời trên con đường Bồ Tát xuất thế gian mà không rời thế gian pháp. 
Thầy như thế, bình dị và đơn giản ngay giữa thế kỷ 21, thời đại văn minh tuyệt đỉnh của nhân loại. Thầy như thế. Luôn luôn và mãi mãi như thế, ngay giữa những bon chen quyền lực, lợi danh, chẳng phải chỉ xảy ra ở đời thường! Thầy như thế. Luôn luôn và mãi mãi như thế, ngay cả trong những trạng huống bất xứng: 
Trách lung do tự tạo 
Tán bộ nhược nhàn du 
Tiếu độc thoại ảnh hưởng 
Không tiêu vĩnh nhật tù. 
Năm xưa, được một vị Thượng Tọa cho xem tập thơ Thầy viết trong tù, bằng chữ Hán, tôi đã thức nhiều đêm để khóc! Chính tập thơ này là động lực khiến tôi đi tìm “ông đồ”, cầu học dăm ba chữ, hy vọng có ngày hiểu được phần nào ý Thầy. Như bài thơ trên, tựa là “Trách lung”, nghĩa là “Lồng hẹp”, tuy ngắn mà quá cô đọng, tôi loay hoay mãi, không thể nào dùng thể thơ năm chữ mà diễn tả nổi, đành phải dùng thể tám chữ, vẫn chưa dịch hết ý: 
Nhà tù chật, khó giam lòng tự tại 
Khách nhàn du ta thả bộ thong dong 
Ta cười nói, mình ta nghe thanh thản 
Ngày tù dài, trôi nhẹ tựa như không! 
Thầy như thế. Luôn luôn và mãi mãi như thế, không tình, không cảnh nào vướng bận được Thầy. Lý và Sự luôn thể hiện nhẹ nhàng trên chính bản thân Thầy, nên từ nhiều thập niên qua, hàng Phật tử khắp năm châu đã hướng về Thầy như một vị Bồ Tát hóa thân, khen chẳng mừng, chê chẳng giận, chỉ thanh thản sống vì lợi ích chúng sanh thôi. Có lẽ chẳng phải chờ tới lời tán thán của Ngài Văn Thù Sư Lợi thì sự im lặng của Trưởng Giả Duy Ma Cật mới trở thành Bất Nhị tối thượng. Không gian tĩnh lặng, hương trà, hương sách, hương từ nét thảo những thư pháp quanh phòng đã thầm lặng tạo thành Riêng một cõi thơm với vị tu sĩ quanh năm bốn mùa, bát chỉ nhận mỗi ngày một bữa, y chỉ bộ nhật bình đơn sơ, dù trên bục giảng Đại Học hay quảy gánh độc hành trên đường thiên lý. 
Một, trong những cuốn sách cho tôi, Thầy viết bằng chữ Hán: “Tam thế bất an do như hỏa trạch”. Một cuốn khác, cũng bằng chữ Hán: “Viễn ly điên đảo mộng tưởng. Cứu Cánh Niết Bàn” Rồi một cuốn khác: “Chư nhất thiết chủng, chư minh diệt. Báo chúng sanh, xuất sanh từ ni”. 
Đa tạ Sư Phụ đã nhắc nhở con thật nhiều, chỉ qua những dòng ký tặng sách mà cô đọng cả bao bẫy sập, bao chông gai, bao hầm hố điên đảo thế gian, rồi nếu may mắn tỉnh thức thì đâu là cứu cánh. Những bước chân ra khỏi đường hẻm nhỏ, trò tự hứa phải luôn cố gắng, sao cho hôm nay biết sống xứng đáng hơn hôm qua, để khỏi phụ lòng Thầy. 
* Khi chiếc xe Honda lao vào dòng đời xuôi ngược, lữ khách mới càng thấy rõ hơn, cõi riêng ấy, thơm ngát nhường bao!. 
HẠNH CHI 
(Quê hương, Đông chí - Quý Tỵ niên) 
Nguồn: huongtichphatviet.com 
“Sự tựu thành của một cơn mưa như thác lũ khi con bướm mùa hè đã chịu khép lại đôi cánh mỏng để lắng nghe trong thầm lặng, hơi thở của cỏ nội. Chờ đợi kiên trì và dừng lại trong sự bế tắc của một thời chỉ còn ánh sáng vĩnh cửu của mặt trời. Kiên trì và dừng lại để chờ đợi trong sự bế tắc là liều lĩnh ký thác mình cho một cuộc chơi ngoạn mục của thiên nhiên, là liều lĩnh đứng lại giữa dòng thác đổ của vạn hữu”. 
TUỆ SỸ 
BỨC CHÂN DUNG THÍCH TUỆ SỸ HAY TRANG SỬ SỐNG CỦA VIỆT NAM THỜI NAY 
NAM DAO
Từ cổ chí kim hay từ Đông sang Tây, cho dù là giống dân nào ở thời đại nào đi chăng nữa thì chắc đa số trong nhân loại đều đồng ý với nhau ở một điểm liên quan đến nội dung câu nói 'Coi mặt mà bắt hình dong'. Đối với những thầy tướng số thì ánh mắt là nơi bắt mạch gian ác tà thiện của con người. Có những ánh mắt láo liên làm chúng ta cảm thấy e dè bất ổn. Có những ánh mắt gian ác làm chúng ta lạnh người run sợ. Thế nhưng cũng có những ánh mắt từ bi bác ái đem lại nguồn an tịnh cho con người. 
Trong gian đoạn đen tối của lịch sử Việt Nam hiện nay sự tà thiện hiện rõ như mực đen trên trang giấy trắng. Chả cần phải là thầy bói, những nạn nhân của trại cải tạo nói riêng và đại khối dân tộc nói chung đều đã mang vào ký ức của cuộc đời họ những ánh mắt tàn bạo một thời đã tàn phá mảnh đời họ đến rách nát. Đối chiếu với những ánh mắt tàn bạo đó dân tộc Việt Nam ngày hôm nay cũng lại cảm nhận được dù chỉ được nhìn qua hình ảnh những ánh mắt từ bi xây dựng tình người của những bậc tù nhân lương tâm tu hành cao cả như Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, Linh mục Nguyễn Văn Lý v.v… 
Tuy không biết nhiều về bói toán, nhưng khi ngắm nhìn chân dung của những bậc tù nhân lương tâm tu hành nói trên tôi cảm thấy những ánh mắt kia nào có khác chi những bông sen ngát hương thơm từ ái nở trên vũng bùn lầy bạo lực. Tinh thần từ ái đó mạnh đến nỗi tôi không hề thấy hiện trên khuôn mặt quý Ngài một dấu vết dù nhỏ nhoi biểu lộ sự oán giận những kẻ đã đầy đọa cuộc đời quý Ngài. Hình ảnh quý Ngài đã phản ảnh phần nào tinh thần bao dung trong văn hóa Việt Nam có từ ngàn xưa. 
Trong tất cả những bức chân dung của những vị tu hành, có một tấm hình đặc biệt làm tôi xúc động suy tư để rồi đưa ra một kết luận cho riêng mình: bức chân dung của Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ mà tôi được nhìn thấy trên những tờ truyền đơn Niềm Tin Thắng bạo lực, theo tôi đó chính là biểu tượng cho trang sử sống của Việt Nam thời nay, một trang sử pha trộn những nét bi hùng tráng và đen tối những đau thương hấp hối tình người. 
Phải! Chân dung của Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ chính là biểu tượng cho trang sử sống của thời đại Việt Nam ngày hôm nay. Khi nhìn bộ mặt chỉ còn da bọc xương của người tù Thích Tuệ Sỹ bị giam lỏng tôi tránh sao không khỏi liên tưởng đến hình ảnh các trẻ em Phi Châu chờ chết vì đói chỉ vì quê hương các em quá nghèo nàn lạc hậu không đủ sức cưu mang các em. Đối với những người ngoại quốc nào không theo dõi tình hình chà đạp nhân quyền ở Việt Nam thì tấm hình Thích Tuệ Sỹ sẽ làm họ liên tưởng đến một nước Việt Nam khốn cùng không thua gì các xứ Phi Châu chậm tiến. Điều họ nghĩ quả không sai sự thật vì Việt Nam nằm trong danh sách của 10 quốc gia nghèo nhất thế giới. Cho nên khuôn mặt da bọc xương của Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ là biểu tượng cho tầng lớp đại đa số quần chúng Việt Nam không có đủ cơm ăn trong cuộc sống hàng ngày đầy rẫy những tủi nhục lầm than trong bóc lột và áp bức. Dân tôi khốn đốn là thế đó. Trẻ thơ nào có được cắp sách đến trường mà phải lê lết đầu đường xó chợ nhặt từng mảnh giấy vụn đem đi bán hay moi thùng rác tìm thức ăn thừa để cầm cự sống qua ngày. Còn người già thì lấy trăng sao làm nhà, gió mưa làm bạn. Thế mà nhà nước CSVN vẫn cứ khoe khoang thành tích xây dựng Xã hội Chủ nghĩa ngày càng tốt đẹp, vỗ ngực tự hào chuyện chăm lo dân thật tử tế! Vậy thì bộ xương cách trí của người tù Thích Tuệ Sỹ này hẳn phải là bằng chứng của sự đối xử tàn bạo của chính quyền đối với người công dân vô tội tên Thích Tuệ Sỹ. Thích Tuệ Sĩ xơ xác bởi vì đâu? Phải chăng vì Ngài đói tự do ngôn luận? Thích Tuệ Sỹ khô đét bởi vì đâu? Phải chăng vì Ngài khát sự đối xử công bằng giữa người và người? Mỉa mai thay, trong cơn đói khát tâm linh đó Ngài lại bị nhồi đến căng bụng bởi những trận đòn khủng bố và những món ăn tự do dân chủ khó tiêu được xào nấu bằng loại dầu mang nhãn hiệu Định hướng theo Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Loại dầu độc đó đã làm cho người tù lương tâm Thích Tuệ Sỹ giờ chỉ còn da bọc xương. Loại dầu đó không phải chỉ đốt cháy những tế bào tự do nuôi sống xác thân người tù Thích Tuệ Sỹ mà nó đã thiêu hủy cả bầu trời tự do và những giá trị đạo đức tinh thần trong mỗi con người Việt Nam. Ngày hôm nay, nếu có ai hỏi tôi về tự do dân chủ ở Việt Nam tôi chỉ cần đưa họ xem chân dung Ngài là họ tìm thấy liền câu trả lời thật chính xác và thật sống động. Vâng, chỉ mỗi cái đầu còn da bọc xương của nhà học giả tù nhân lương tâm tên Thích Tuệ Sỹ cũng đủ diễn tả trọn vẹn khúc quanh đen tối của lịch sử Việt Nam ngày hôm nay, một trang sử buồn đậm những dòng chữ chà đạp tự do dân chủ và tình người. 
Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã viết một câu thơ khi ông còn bị giam trong ngục tối: 'Trong bóng đêm phục sẵn một mặt trời'. Câu thơ này làm tôi liên tưởng đến một mặt trời đã phục sẵn trong hốc mắt thâm sâu của người tù Thích Tuệ Sỹ là biểu tượng của bóng đêm lịch sử Việt Nam ngày hôm nay. Mặt trời đó chính là ánh mắt từ bi sâu thẳm đang sưởi ấm bóng đêm lạnh ngắt tình người. Mặt trời đó cũng chính là tinh thần bất khuất của dòng giống Tiên Rồng không chịu cúi đầu trước bạo lực, là nguồn mạch ngầm từ ngàn xưa từng luân lưu bất tuyệt trong dòng lịch sử truyền thừa của Phật giáo Việt Nam ngày hôm nay. Nguồn mạch ngầm này đang tiếp tục cuồn cuộn chảy nuôi sống tâm linh Thích Tuệ Sỹ, là sức mạnh tinh thần vô biên giúp cho Thích Tuệ Sỹ đứng trên mọi bạo lực, từ bi hiên ngang hiện hữu trên cõi đời này dẫu xác thân Ngài giờ chỉ còn là da bọc xương. 
Càng ngắm nhìn chân dung Ngài tôi lại càng thấu hiểu câu nói ánh mắt là cửa sổ của tâm hồn. Tâm hồn bất khuất và bao dung của dân tộc Việt Nam có từ ngàn xưa đang bàng bạc phảng phất trong ánh mắt của người tù Thích Tuệ Sỹ ngày hôm nay. Qua hốc mắt sâu thẳm đó tôi đã cảm nhận được một dòng suối Từ trong tim Ngài chảy ra, một dòng suối phát xuất từ mạch ngầm tự nghìn xưa đang âm thầm cố gắng xoa dịu những đổ vỡ điêu tàn của dân tộc. 
"Trong bầu không khí được bao trùm bởi trạng thái ứ đọng của vũng nước ao tù, bị cắt đứt với mạch nguồn quá khứ, bị che chắn khuất tầm nhìn tương lai...", một bông sen Thích Tuệ Sỹ đã trồi lên từ vũng nước ao tù đó. Bông sen ngát hương Bi Trí Dũng làm sống dậy lịch sử hào hùng của những bậc chân tu Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt vì lòng từ bi muốn cứu độ chúng sinh thời đó nên đã tạm cởi chiếc áo nhà tu khổ hạnh đi vào đấu tranh để cho đất nước ta được độc lập ấm no và tồn tại cho tới ngày hôm nay. Dòng suối Từ của Đức Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt và Thiền sư Vạn Hạnh giờ đây đang luân lưu trong ánh mắt Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ và quý Thầy lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, là thức ăn tinh thần nuôi sống những tâm hồn vị tha cao cả đó - những Người Lái đò lịch sử đang cố gắng Chèo Con Đò Lịch Sử Việt Nam vượt qua những trận cuồng phong tàn bạo để sớm đưa dân tộc và đạo pháp đến được bến bờ an lạc, hạnh phúc trong nắng ấm của tình người. 
Kính Bạch Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ, 
Con tránh sao không khỏi đau lòng khi chọn chân dung Ngài là bức tranh sống của lịch sử Việt Nam đen tối thời nay. Thế nhưng trong sự đau buồn đó lòng con lại nhen nhúm một niềm hãnh diện về sự kiên cường bất khuất không cúi đầu trước bạo lực lẫn tấm lòng bao dung của dòng giống Lạc Việt đã được thể hiện qua ánh mắt Từ bi Trí Dũng của Ngài. Bức chân dung Thích Tuệ Sỹ nào khác chi một lời huấn từ nhắc nhở con và những ai còn nghĩ mình còn là người Việt Nam rằng trước khúc quanh cực kỳ đen tối của lịch sử Việt Nam ngày hôm nay muôn người như một phải bỏ qua mọi dị biệt, đến với nhau trong tinh thần hòa đồng, để cùng với đại khối dân tộc lèo lái con thuyền quốc gia sớm vượt qua cơn lốc độc tài đảng trị hầu đem lại những mùa xuân hạnh phúc cho muôn dân. Trên hải trình vạn dặm gian nan lướt con sóng độc tài, con luôn ghi nhớ lời Thầy nhắc nhở phải lắng nghe trong tâm mình 'dòng suối Từ vẫn âm thầm tuôn chảy, để xoa dịu những đau thương mất mát, để hàn gắn những đổ vỡ điêu tàn của dân tộc'. Đây mới là điều chính yếu nói lên sự khác biệt giữa những con người thật sự Việt Nam thấm nhuần lòng bao dung của tổ tiên với những con người lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam đã bị chủ thuyết ngoại lai phá hủy toàn diện cội nguồn Việt Nam trong tâm hồn họ. 
Bạch Thầy,
Quý Thầy đã đem lại cho con và đặc biệt cho tuổi trẻ Việt Nam ngày hôm nay niềm tự hào về quê hương dân tộc. Quý Thầy đã dạy cho chúng con một bài học lịch sử hào hùng về ý chí quật cường bất khuất của dòng giống Tiên Rồng, được tiếp nối ngày hôm nay qua cuộc đời tù tội của Quý Thầy. Bài học tự rèn luyện cho mình một tín tâm bất hoại, một đức tính dũng mãnh vô úy để có thể 'đứng thẳng trên đôi chân của chính mình bằng đôi mắt của trí tuệ và hùng lực nhìn thẳng không khiếp sợ vào quyền lực xấu ác của thế gian, tự xác định hướng đi cho bản thân để làm những việc cần làm cho chính mình và cho mọi người'. Một bài học tu hành nhắc nhở con và các Phật tử rằng trong giai đoạn Phật pháp lâm nạn ngày hôm nay thì chuyện sống hay chết, vinh hay nhục, sẽ không làm dao động tâm tư của những ai biết sống và chết xứng đáng với phẩm cách của con người, không hổ thẹn với phẩm hạnh cao quý của bậc xuất gia. 
Bạch Thầy 
Dẫu con biết rằng những lời vấn an gửi đến Thầy cũng bằng thừa vì Thầy đã chấp nhận cái chết để đổi lấy tự do hạnh phúc cho muôn dân. Tuy nhiên nơi phương trời xa xăm con vẫn xin mạn phép gửi đến Thầy lời vấn an chân thành nhất của một công dân nước Việt nguyện cố sống với những điều mà Thầy đã giảng dạy: 'Các con hãy tự hào với niềm tự hào trong trắng và vô tư của tuổi trẻ đứng thẳng trên đôi chân của chính mình bằng đôi mắt của trí tuệ và hùng lực mà nhìn thẳng không khiếp sợ vào quyền lực xấu ác của thế gian, tự xác định hướng đi cho bản thân để làm những việc cần làm cho chính mình và cho mọi người'. Dòng suối Từ cuồn cuộn chảy trong hốc mắt sâu thẳm bất khuất của Thầy đã trở thành tiếng gọi của Hội nghị Diên Hồng dìu dắt con và tuổi trẻ Việt Nam ngày hôm nay vững bước trên con đường đấu tranh đòi lại những quyền tự do căn bản cho dân mình. Ánh mắt Từ Bi Trí Dũng đó cũng đã đưa con đến với Đạo. Đạo làm người với ý nghĩa đúng đắn nhất của nó. 
NAM DAO 
(Adelaide 3/12/2001, Úc Châu) 
TUỔI TRẺ VẠN HẠNH: TUỆ SỸ 
VIÊN LINH 

Đã từ lâu và vài ba lần mỗi khi nói đến sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Nam, lúc phân chia các thời kỳ, niên biểu 1963 và những năm tiếp theo cho thấy sự chuyển hướng ngoạn mục cho tinh thần và sự sáng tạo bật lên lan tràn cho ít ra là một thế hệ thanh niên mà sự vận động của thời thế đã mang lại. Không có cuộc thay đổi quyền lực quyết liệt năm 1963 - ở đây tránh dùng chữ cách mạng - có thể dùng chữ đảo chánh - sẽ không có sự ngoạn mục vừa nói. Tinh thần Đông phương, sự hòa hài của nhân quần, Thiền tính và thiên nhiên xanh mát một sớm một chiều đã từ các mái chùa lan tỏa vào tuổi trẻ thành phố, các phường khóm, những con đường quê, tiếng chuông thu không, lời kinh niệm Phật, và trở thành thơ, thành nhạc, thành văn chương nghệ thuật miền Nam Việt Nam trong ít nhất là 10 năm sau đó [nó chỉ biến đổi năm 1973 với Hội Nghị Quốc Tế về ngưng bắn và vãn hồi hòa bình ở Paris, một vận động chính trị ở ngoài tầm tay của Sài Gòn]. Mười năm trước đó, với dấu mốc 1963, sách vở báo chí nay còn ghi lại cho đời sau: các trí thức thất thế dưới “chính quyền nhân vị” và dưới một bầu trời rợp ác điểu mây đen đã thấy lại Phương đông, dập dìu nơi mái trường Vạn Hạnh lại thấy thầy xưa, vẻ cũ thân thuộc: những Nguyễn Đăng Thục, Thích Minh Châu, Thạch Trung Giả, Ngô Trọng Anh, Tam Ích một phía, phía khác những người trẻ tuổi tràn đầy sức sáng tạo trên tờ tạp chí Tư Tưởng với các nhà xuất bản An Tiêm, Lá Bối, Ca Dao, Hoàng Hạc và Ban Tu Thư Vạn Hạnh và cả trăm cả ngàn cuốn sách viết và dịch với Tuệ Sỹ, Phùng Khánh Trí Hải, Phùng Thăng, Phạm Công Thiện, Chơn Pháp, Phước An, Lê Tôn Nghiêm, Chơn Hạnh, Vũ Hoàng Chương, Bùi Giáng, Trúc Thiên, Hoài Khanh, Phạm Thiên Thư,... Hôm nay mục Thời Sự Nhân Văn sẽ nói về một trong những người trẻ nhất trong những danh tính vừa kể: nhà thơ Tuệ Sỹ. 
Tuệ Sỹ tại Sài Gòn trong thập niên 1990. 
(Hình: Chơn Pháp Nguyễn Hữu Hiệu, Viên Linh cung cấp) 
Trong tổ chức của đại học Vạn Hạnh, Tuệ Sỹ là khoa trưởng Phật học. Ông nổi tiếng với sự thấu suốt “Triết Học Về Tánh Không,” được coi là học giả xuất sắc về Long Thọ. Lúc ấy ông mới hơn hai mươi tuổi. Vào đời ngày 15 tháng 2, 1943 tại Paksé, Lào, nguyên quán Quảng Bình, tên khai sinh là Phạm Văn Thương, vào chùa tu năm 7 tuổi, tức “đồng nhi xuất gia.” Năm 21 tốt nghiệp cao đẳng Phật Học, năm 1965 học xong phân khoa Phật học đại học Vạn Hạnh, đến năm 1970 được hội đồng viện đặc cách phong giáo sư thực thụ. Năm 1972 chủ biên Tạp chí Tư Tưởng. Tác phẩm đầu tay là “Tô Đông Pha Những Phương Trời Viễn Mộng,” 1973. Ông đọc Tô Đông Pha từ nguyên tác chữ Hán. Ngoài sự uyên bác về Phật giáo nguyên thủy và Phật giáo đại thừa, ông còn là một học giả về văn chương cổ Trung Hoa. Năm 1984 bị Cộng Sản Việt Nam bắt giam do sự tranh đấu không ngừng đòi tự do tôn giáo, và ngày 30 tháng 9, 1988 bị tòa án của họ ở thành phố HCM tuyên án tử hình cùng thượng tọa Trí Siêu. Do áp lực của quốc tế, nhiều năm sau họ đổi bản án thành chung thân, cuối cùng trước dư luận chống đối không bớt giảm, họ đã phải để ông tự do sớm hơn hạn định. Thượng tọa Tuệ Sỹ từng là đệ nhất phó viện trưởng Viện Hóa Đạo kiêm Tổng Thư Ký Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trước khi trở về chùa vùng Bảo Lộc. Cố Hòa Thượng Mãn Giác Phó Viện Trưởng Đại Học Vạn Hạnh từng nói: “Tuệ Sỹ đã tu từ ngàn kiếp trước, Phật Giáo Việt Nam phải đợi tới 350 năm mới có một Thiền sư uyên bác như Tuệ Sỹ.” 
Trong mấy tháng gần đây một bộ sách 900 trang khổ lớn nhan đề là “Tuệ Sỹ Văn Tuyển” được Hương Tích xuất bản tại Hoa Kỳ. Trước khi đi vào Văn Tuyển này, về Tư Tưởng Phật học, tiểu luận triết học và về văn học, trước hết là những đề mục của cuốn I: Tư Tưởng Phật Học: Tổng Thuyết Vũ Trụ Luận: Vũ trụ luận thần thoại, Vũ trụ luận cổ đại, Ý nghĩa thần thoại. 
Dẫn vào Duy Thức học: Thức là gì? Tâm-ý-thức, Thức biến, Thành duy thức, Thành duy thức luận. Giá trị của Bồ tát hạnh. Thức ăn để tồn tại: đoàn thực hay đoạn thực, xúc thực, ý tư thực, thức thực. 
Vấn đề ngữ pháp trong phiên dịch kinh tạng Phạn ngữ và Hán ngữ. Lý luận phiên dịch, Cấu tạo từ. Bát quan trai giới, tu giới, ý nghĩa bát quan trai, ý nghĩa thọ giới, nội dung tám giới, tăng trưởng thiện căn. Du già bồ tát giới. Và lễ Tháng Bảy cho những oan hồn phiêu bạt. 
Xin trích một đoạn dẫn giải và quan điểm của Tuệ Sỹ về vấn đề đã tốn nhiều giấy mực, đó là “vấn đề ngữ pháp trong phiên dịch.” 
“Theo định nghĩa chung ngày nay, phiên dịch là sự chuyển dịch một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác. Tất nhiên trong Hán văn hai từ ‘dịch’ trong đây cơ bản không đồng nghĩa. Chúng ta nói là chuyển dịch, vì quen với từ Anh ‘translation,’ mà gốc La-Tinh của nó, translatio là từ phát sinh từ phân từ thụ động quá khứ - translatus, của động từ transfere mà chúng ta tạm cho là tương đương với từ chuyển dịch. Nội hàm của từ ngữ như vậy cũng cho ta thấy rõ mục đích của công việc này và cách thức thực hiện. Về cơ bản, và có lẽ kể từ nguyên thủy, dịch là chuyển một vật từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác để người nghe đồng nhất nội hàm của hai từ khác nhau. Như khi một Phạn tăng muốn chuyển từ ãmra-vana sang Hán, vì lúc bấy giờ đức Phật đang ở tại chỗ đó. Theo chứng kiến hiện trường, hay do mô tả chính xác, họ chuyển được từ vana sang từ viên là cái vườn, mặc dù nhiều khi họ phân vân giữa viên và lâm. Nhưng hiện trường không có vật gì đương với từ ãmra, và cũng không thể mô tả để người Hán hiểu, đành phải phiên âm là yêm-ma-la viên. Hoặc giả khi họ phiên dịch những điều Phật quy định về thức ăn cho tỳ kheo. Họ đưa ra từ khãdanĩya. Sự kiện được đề cập này có thể mô tả xác thực, mà cũng có thể chứng kiến hiện trường. Nhưng Hán văn không hề có từ tương đương, vì người Hán không bao giờ nghĩ đến thực phẩm theo cách đó. Vậy lại phải phiên âm khư-đà-ni, hay khư-xà-ni, hay tương tự, tất nhiên phát âm lơ lớ với nguyên ngữ. 
Đó là trường hợp phiên chuyển những từ cụ thể, sờ nắm được, mà vẫn vấp phải những điều bất khả. Trường hợp liên hệ đến ý tưởng, sự việc tất phải khó hơn. Nhưng cũng có thể dễ hơn. Vì người ta nói vẽ quỷ dễ hơn vẽ người.” (Tuệ Sỹ, Tư Tưởng Phật Học, tr. 183-184)
Cuốn thứ hai là tiểu luận triết học. Cuốn thứ 3 là văn học. Người sưu tập lại các bài viết này, anh Hạnh Viên mà tôi đã có gặp, đã trích dẫn một số thơ tuyển của sư phụ anh, rồi viết một “Hậu Từ” ý vị. Tôi sẽ làm như thế, cũng trích dẫn một vài đoạn thơ của người bạn tôi, trên nửa thế kỷ qua, rồi dùng hậu từ của anh để tạm kết luận bài đọc sách này.
Thiên Lý Độc Hành 
1. Ta về một cõi tâm không, 
Vẫn nghe quá khứ ngập trong nắng tàn. 
Còn yêu một thuở đi hoang, 
Thu trong đáy mắt sao ngàn nửa khuya. 
2. Ta đi dẫm nắng bên đèo, 
Nghe đau hồn cỏ rủ theo bóng chiều. 
Nguyên sơ là dáng yêu kiều, 
Bỗng đâu đảo lộn tịch liêu bến bờ. 
Còn đây góc núi trơ vơ, 
Nghìn năm ta mãi đứng chờ đỉnh cao. 
3. Bên đèo khuất miếu cô hồn, 
Lưng trời ảo ảnh chập chờn hoa đăng. 
Cây già bóng tối bò lan, 
Tôi ôm cỏ dại mơ màng chiêm bao. 
4. Đã mấy nghìn năm đợi mỏi mòn, 
Bóng người cô độc dẫm hoàng hôn. 
Bởi ta hồn đã phơi màu nắng, 
Ôm trọn bờ lau kín nỗi buồn. 
Tuệ Sỹ 
“Hậu từ của người sưu tuyển: 
Chuỗi thơ khép lại tập sách, lại mở ra một phương trời cô tịch. Hình ảnh trong thơ đọng thành những vì sao xa lấp lánh trong đêm dài.
Tập 3 này đến tay độc giả đã góp thành bộ ba tập Tuệ Sỹ Văn Tuyển, tạm chia theo ba chủ đề: Phật học, Triết học và Văn học, là bước đầu sưu tập những bài viết rải rác của tác giả còn lại sau quãng đường 50 năm xuôi ngược. Ba tập sách mỏng hẳn không thể tập thành đầy đủ các bài viết của tác giả trong gần nửa thế kỷ, với bao biến động của xã hội cũng như bản thân người viết không ngừng lưu chuyển; chúng tôi hy vọng trong tương lai, các bạn hữu có thể tình cờ tìm thấy, giúp chúng tôi sưu tập lại các bài viết mà vì nhiều hoàn cảnh đã thất lạc hay còn nằm đâu đó trong các ngăn tủ bị bỏ quên. Ở đây trong các tập sách này, chúng tôi chỉ đơn giản sưu tập và sắp xếp lại theo thời gian, còn lại tất cả đều được giữ nguyên, dù qua đó độc giả có thể thoáng thấy dấu vết ngang tàng sôi nổi của tuổi trẻ một thời xung thiên chí hay sự trầm mặc bao dung của tuổi già lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu, hay chuẩn mực nghiêm trang nơi giảng đường Phật học. Những vết tích trong từng dấu chân như vậy vẫn miệt mài để lại bên đường. 
Nhớ chuyện xưa. Khi còn trẻ, trong một lần chán chường thất vọng, tác giả đã liều bỏ chùa đi hoang. Buổi tối nằm trong phòng trọ một bến xe tỉnh lẻ để chờ chuyến xe sáng hôm sau, ông tình cờ nghe được mẩu chuyện của hai cô gái phòng bên cạnh: 
- Cả ngày chưa có thằng khách nào, xui thiệt! Kiểu này chắc tối nay húp cháo. 
Im lặng một lúc, có tiếng trả lời: 
- Hay mày làm bộ qua gõ cửa phòng kế bên thử. Tao thấy hồi chiều có thằng cha mới tới. Mặt mày coi cũng ngon lắm. 
- Tao thấy rồi, thầy chùa đó bà. Ai lại... 
- Thầy chùa thì cũng là đàn ông chớ mậy... 
Ông nằm im không dám cử động, vờ như đã ngủ để cô nàng kia đừng có bạo gan tìm đến. 
Ấy là thời chiến tranh, thời buổi nhiễu nhương, những số phận không may phải ngụp lặn trong một thực tế trần trụi và một lý tưởng xa xôi, mơ hồ. 
Gần nửa thế kỷ sau, thời bình, với tuổi 70 ông còn phải giả ngủ lần nữa, tuy trên một cung bậc khác...” 
(Tuệ Sỹ Văn Tuyển, tr. 267-8) 
TUỆ SỸ, GIỮA MÙA THAY ĐỔI 
VIÊN LINH 
Từ giữa năm 1963, tại Miền Nam Việt Nam xuất hiện những cây bút viết từ cửa chùa, đặc biệt từ 1964, họ ào ạt đưa ra ánh sáng những sáng tác thơ văn, những biên khảo triết học mang sinh lực đông phương trầm hùng vào giữa không khí Đời Sống, Tuổi Trẻ và Văn Nghệ lúc ấy đã rất chán chường với ảnh hưởng phương tây. Có thể kể Phạm Thiên Thư, Phạm Công Thiện, Tuệ Sỹ, Chơn Pháp Nguyễn Hữu Hiệu, Chơn Hạnh,… trong số đó, Tuệ Sỹ đặc biệt sâu sắc. 
KHỞI HÀNH: Đây là bài nói chuyện về Nhà Thơ, Nhà Văn học giả Tuệ Sỹ trong Bàn Tròn An Tiêm/ Đàm Trường Văn Nghệ hôm chủ nhật 26.10.03 tại Phòng Sinh Hoạt Nhật Báo Viễn Đông. Chủ đề được chọn nhân vụ công an cộng sản chận đoàn xe của các Tăng sĩ Phật giáo ở đèo Rù Rì, Lương Sơn, hôm 8 tháng 10, mà đúng hôm có cuộc nói chuyện, từ trong nước, Thượng tọa Tuệ Sỹ cho đưa lên mạng lưới thông tin một bài dài 16 trang đánh máy nhan đề Sự Biến Lương Sơn, tường thuật về sự việc. Bài này chỉ nói đan thanh về Tuệ Sỹ trong Văn Học Miền Nam trước 1975. 
Trong tờ báo nhiều năm nay, có những bài viết trên mấy tờ báo văn học thiên tả, xuất bản ở Paris và đăng lại, vọng lại trên một hai tờ báo loại phó-bản, hay tương cận, xuất bản ở Quận Cam, rằng Nền Văn Học Miền Nam Việt Nam - Nền Văn Học từ 1945 đến 1975 - là một Nền Văn Học sa đọa, thấp kém; sản sinh bởi những tác giả và tạo ra những tác phẩm phù phiếm, phục vụ giải trí, làm băng hoại tinh thần và nếp sống tuổi trẻ, v.v…, và do đó, Văn Học Việt Nam Hải Ngoại chỉ là phần nối dài của các sự việc và con người, của xã hội và thể chế xấu xa thời đó. 
Những luận điệu ấy không phải là không có tác dụng; nếu có ai lưu tâm một chút tới những lối suy nghĩ, những bài viết ấy sẽ thấy chúng được phản ảnh lại qua những câu chê bai Miền Nam, từ Tinh thần đến Con người, rằng Miền Nam thua là phải, rằng đó là những kẻ còn múa may trong hoang tưởng về dĩ vãng, rằng người thức thời thì nên quên hết những gì là Việt Nam Cộng Hòa đi, nên lột xác đi, [nên xóa bỏ từ quốc ca đến quốc kỳ đi], nên xóa bỏ hận thù đi, để xây dựng một Đất nước mới đi theo sự chỉ đường của họ. 
Sáng nào ta cũng phải nhìn vào tấm gương. Có khi nào, có ai đó chăng, không muốn nhìn mình trong gương nữa? Có ai đó chăng sợ tấm gương? Có ai đó chăng lại muốn lật phía sau ra, nhìn vào mặt thủy của tấm gương? 
Tấm gương phản chiếu khuôn mặt ta, chân dung ta, những gì ở xung quanh ta. Nếu ta thấy mình có những nét không vừa ý, thì không phải là đừng soi tấm gương ấy nữa, hay đập tan tấm gương ấy đi. Không phải thế. Mặt thủy của tấm gương có gì, là gì? Đó chỉ là một mặt nhám, sù sì có tác dụng ngăn chặn ánh sáng, và phản chiếu ánh sáng cho ta nhìn thấy mình. Đập vỡ gương đi là đập vỡ mình. Đập vỡ gương đi, bạn cũng không nhìn thấy bóng ai đâu. 
Người khác đôi khi cũng là mặt thủy của tấm gương. Người khác phản chiếu mình. Nếu bạn nhìn thấy qua họ những cái không vừa ý về mình, bạn cũng “không nên” đập tan người khác. Tôi không nghĩ bạn có thể làm được dù đôi khi hay lắm khi bạn muốn làm. 
Thế nhưng lúc nào cũng có kẻ xui ta làm việc ấy. Quên Miền Nam đi, quên quá khứ ấy và Nền Văn Học ấy đi… Họ có thể thành công trong một giai đoạn ngắn dài tùy trường hợp, giờ đây người ta có thể thấy, ngay tại Miền Nam, sách báo cũ của Tiền Chiến và của hơn Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam đã và đang được in lại, chính thức hay bán chính thức, để tên tác giả cũ hay xóa tên tác giả cũ đi, thay vào bằng những cái tên của họ. Báo chí Hải ngoại, trong có tờ Khởi Hành, đã loan tin nhiều trường hợp có tên tuổi chứng minh. 
Như thế là làm sao? Nó quá rõ ràng: Miền Nam dù cho có những bất toàn bất cập của nó trong tiến trình sinh lập, song đó vẫn là một Miền Đất Nước Hiến Định, với đầy đủ các cơ chế của một Quốc gia, từ Lập Hiến tới Lập Pháp và các guồng máy điều hành hay Giám sát mà rồi chóng hay chầy, Việt Nam ngày nay hay ngày mai, sẽ phải đi lại con đường ấy. Lịch sử sẽ diễn lại, chỉ có thời gian là chậm lại năm ba chục năm. Tuệ Sỹ là gì trong bối cảnh ấy? 
Ai đào tạo ra Con Người ấy? 
Tại sao hôm nay ta nói về Tuệ Sỹ? 
Thưa, Tuệ Sỹ là người được Miền Nam đào tạo. Tuệ Sỹ là sản phẩm của Miền Nam. Tuệ Sỹ là tấm gương trí thức thao thức về vận Nước sáng nhất tôi được biết trong Thời Thế chúng ta. 
Cố Hòa Thượng Thích Đức Nhuận, trong một bài viết năm 2001, sẽ dùng làm Tựa cho một cuốn sách do Chơn Pháp Nguyễn Hữu Hiệu sẽ xuất bản về Tuệ Sỹ, viết như sau: 
“Trải qua trên hai phần ba thế kỷ trong cuộc sống, kiểm điểm lại đời mình tôi nhận thấy: Trên lãnh vực văn học nghệ thuật, và cả ý chí nữa, tôi đặc biệt lưu tâm tới hai người trẻ tuổi: Tuệ Sỹ và…” [Chúng tôi tạm không nói tên người thứ hai này, vì hôm nay chỉ nói về Tuệ Sỹ] 
“Tôi thương yêu và tin tưởng hai học giả nghệ sĩ này chẳng những vì tài hoa xuất chúng, học vấn uyên thâm, quán triệt đông tây kim cổ, đạo và đời của họ, mà còn là vì, nhất là vì chí khí ngất trời,…” “thời gian lặng lẽ trôi, đặc biệt từ 26 năm qua, từ ngày cả dân tộc đất nước Việt Nam bị chìm đắm trong cơn bão táp oan khiên nhất của lịch sử thời đại, dưới sự thống trị của chủ nghĩa cộng sản tàn bạo phi nhân, càng chứng tỏ tình thương và lòng tin của tôi đã đặt đúng chỗ, đúng người.” (Bài tựa cho cuốn sách về Tuệ Sỹ, chưa xuất bản) 
Hòa thượng Mãn Giác, trong dịp trò chuyện với các học trò cũ tại Đại học Vạn Hạnh, mà ông là Phó Viện Trưởng và Tuệ Sỹ là Phân khoa trưởng Phật học, đã nói: “Tuệ Sỹ đã tu từ ngàn kiếp trước, Phật giáo Việt Nam phải đợi đến 350 năm mới có được một Thiền sư uyên bác như Tuệ Sỹ! (Theo Quảng Đức, cựu sinh viên Vạn Hạnh. Bài Quảng Đức đăng trong số này). 
Năm 1974, Tuệ Sỹ đưa cho báo Thời Tập cái truyện ngắn nhan đề Piano Sonata 14. Truyện đã đăng ngay, và ở Hải Ngoại đã được đăng lại trên Khởi Hành số 29. Trong lời giới thiệu, Viên Linh viết: “Truyện Piano Sonata 14 của Tuệ Sỹ đáng kể là một trong những truyện ngắn hay nhất của Việt Nam” (Khởi Hành 29.3.1997). 
Thi sĩ quá cố Bùi Giáng nói về Tuệ Sỹ: “Nhưng ai có ngờ đâu nhà sư kín đáo e dè kia, không hề bao giờ có vướng lụy, lại còn mang một nguồn thơ Việt phi phàm? Một bài thơi KHÔNG ĐỀ của ông đủ khiến ta khiếp vía, mất ăn mất ngủ: Mới nghe 4 câu thôi, tôi đã cảm dạ. Tôi hoảng vía đề nghị: Đại sư nên gác bỏ viết sách đi. Và làm thơ tiếp nhiều cho. Nếu không thì nền thi ca Việt mất đi một thiên tài quá lớn” (Bùi Giáng, Đi vào Cõi Thơ Tuệ Sỹ. 
Dịch giả Huỳnh Kim Quang là môn sinh của Tuệ Sỹ, mà cũng là người dịch cuốn sách Lão Tử ra Việt ngữ, nhưng dịch theo một bản Thiền, và nhan đề là Kinh Đức Đạo chứ không phải Đạo Đức Kinh như ta thường biết. Anh Huỳnh Kim Quang đã dịch những bài Thơ Trong Tù của Tuệ Sỹ ra Việt Ngữ. Phần lớn thơ trong tù của Tuệ Sỹ viết bằng Hán văn, trong tập gọi là Ngục Trung Mỵ Ngữ. Anh viết: “Trong giới Phật học không ai xa lạ gì tài năng ưu việt của Thầy Tuệ Sỹ về chữ Hán. Mấy bài thơ chữ Hán mà người viết đề cập trong bài này được Thầy sáng tác hầu hết ở trong tù từ 1979-1980 và từ 1984 đến nay. Đây là một bài: 
CÚNG DƯỜNG
Phụng thử ngục tù phạn 
Cúng dường Tối Thắng Tôn 
Thế gian trường huyết hận 
Bỉnh bát lệ vô ngôn. 
Dịch giả bình giải cho thấy tâm thức Tuệ Sỹ qua 20 chữ ấy: 
Dâng chén cơm tù này 
Cúng dường lên Đức Thế Tôn Tối Thắng 
Nghĩ đến thế gian máu lửa triền miên 
Nên vừa bưng chén cơm mà nghẹn ngào đẫm lệ. 
“Bài thơ diễn tả Một hình ảnh thật thiêng liêng và cảm động: Vị tu sĩ ở trong tù đến giờ ăn trưa vẫn cử hành nghi thức thọ trai một cách nghiêm cẩn. Hai tay nâng bát cơm lên để cúng dường Đức Phật trước khi vị ấy thọ thực. Vừa nâng bát cơm lên vừa quán tưởng đến sự khổ đau của chúng sanh, của dân tộc mà bậc đại sĩ cảm nghe thương xót ngậm ngùi. Khi chúng sanh hết khổ đau thì bậc đại sĩ mới hết đau xót. Đó là tấm lòng Từ Bi của Bồ Tát vậy” (Huỳnh Kim Quang, Đọc thơ Tù Chữ Hán của Thầy Tuệ Sỹ, Chân Nguyên số 30, 132-142). 
Nhà Văn Vĩnh Hảo, tác giả trên 10 cuốn truyện dài và truyện ngắn, xuất bản từ 1989 đến 2002, trong có những cuốn như Mẹ, Quê Hương và Nước Mắt, Thiên Thần Quét Lá, Cởi Trói, tập 1 và 2, viết như sau trong bài “Đọc Thơ Tuệ Sỹ”: “Ngoài những điều xưng tụng về trí tuệ thâm viễn và quảng bác của ông trong chốn Thiền môn cũng như bên ngoài xã hội, thực sự cái điều khiến tôi “mê” Tuệ Sỹ nhất là tâm hồn nghệ sĩ của ông. Dù ông đang đạo mạo trang nghiêm nơi đạo tràng hay bục giảng, tôi vẫn cứ thấy được cái “thơ” thoát ra từ con người ông như thường. Cõi thơ Tuệ Sỹ Dị Thường Sâu Thẳm. Cõi ấy không có lối đi bằng chân. Chỉ có thể thả hồn mình vào đó mà thôi.” (Vĩnh Hảo, Khởi Hành 73.3.2002). 
Số đặc biệt báo Văn Học, chủ đề 
Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát. 
Bìa do ông trình bày, bố cục bằng chữ thư pháp 
của chính ông. (Ảnh: Uyên Nguyên) 
Dù chỉ tồn tại hơn Hai Mươi Năm, Nền Văn Nghệ Miền Nam Việt Nam sẽ được ghi nhận đánh giá, nghiên cứu không thua gì Giai đoạn Văn Nghệ Tiền Chiến, mà Tiền Chiến cũng chỉ kéo dài mạnh mẽ từ tháng 3, 1932 - là ngày tờ Phụ Nữ Tân Văn số 122 đăng bài “Một Lối Thơ Mới Trình Chánh Giữa Làng Thơ” trong có Bài thơ Tình Già của Phan Khôi. Giai đoạn này chấm dứt vào tháng 8.1945, là ngày cuộc Kháng chiến chống Pháp khởi sự, chấm dứt giai đoạn Tiền chiến, một giai đoạn trước sau có 13 năm, 5 tháng (tính theo sinh kỳ của những tờ báo Quốc ngữ có ảnh hưởng nhất). Sự ảnh hưởng của giai đoạn Tiền chiến không chấm dứt tức khắc, vì ngày nay tuy không mấy người còn viết theo lối đó, nhưng người đọc thì còn mãi mãi. Cũng vậy, Văn Học Miền Nam không chấm dứt vào 30 tháng 4, 1975. Ảnh hưởng của nó còn lâu dài về sau. Báo chí Miền Nam, và Văn Học Miền Nam đã ảnh hưởng ngược lại ra Bắc. Như chúng ta đều biết. 
Còn phía người đọc, tôi tin rằng hầu hết người đọc Việt Nam hiện nay là người đọc của Tiền Chiến xưa cộng với người đọc của Thời Kỳ Kháng Chiến Chống Pháp 9 năm, và người đọc của Văn Học Miền Nam. Những người đọc đã từ khước Văn học cộng sản. Tôi không thấy các nhà sách quốc doanh trong nước in lại thơ truyện cách mạng đấu tố, cải cách ruộng đất viết bởi những Tố Hữu, Nguyễn Công Hoan, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, mà chỉ thấy đầy rẫy thơ văn của Lãng Mạn Tiền Chiến, đến thơ Kháng Chiến Quang Dũng, Hữu Loan, Hoàng Cầm… 
Tuệ Sỹ không được các nhà phê bình Văn Học Miền Nam nói đến đầy đủ, chỉ bởi chúng ta, Miền Nam, chưa đào tạo được bao nhiêu nhà phê bình văn học. Chỉ có vài người, đáng kể nhất là Cao Huy Khanh, tác giả loạt bài 15 năm Văn Xuôi Miền Nam đăng trên Khởi Hành và Thời Tập trước 1975 [Khi đăng trên Thời Tập sau đó, loạt bài đã sửa lại là 20 Năm Văn Xuôi]. Nói đến Tuệ Sỹ trước 1975 cũng chỉ có vài người, trong có Bùi Giáng, Nguyễn Hữu Hiệu và chúng tôi. Chủ yếu, Thơ Văn Tuệ Sỹ khởi đăng báo ở Miền Nam, ngoài tờ Tư Tưởng của Vạn Hạnh do chính Tuệ Sỹ chủ biên ra, chỉ đăng trên Khởi Hành và Thời Tập. Sau đó có đăng trên tờ Vấn Đề do Vũ Khắc Khoan chủ trương. 
Tinh hoa của Thơ Văn Miền Nam, cộng với Trí Tuệ của vị chân tu thi sĩ, thể hiện rõ ràng trong Thơ Truyện Tuệ Sỹ. Vần điệu Tuệ Sỹ chứa chan tình cảm, mà lạ thay không phải tình cảm yêu đương. Câu văn Tuệ Sỹ nồng nàn tuổi trẻ, mà lạ thay không phải tuổi trẻ nam nữ. Thơ Văn ông là kết đọng của sương mai buổi sớm, nắng gió ban trưa, và tiếng thu không của chuông chùa khi chiều tối. Nó thanh nhã, êm đềm, trầm tư, tự tại, bao la, mênh mông. Và giữa những thứ ấy là bóng dáng của một trang kinh Phật nguyên thủy. Xa xa là bước chân phiêu bạt băng ngàn vượt suối của một lão trượng nào đó, và bóng Mẹ mờ mờ phía một ngôi chùa ở Thượng Lào, nơi Tuệ Sỹ đã ôm bình bát khất thực cùng một đoàn Tăng sĩ, và đôi chân rất nhỏ đi một đôi dép rất mỏng ấy đã vượt Trường Sơn về Quê Mẹ, vào lúc 11 tuổi. Tôi tin rằng Tuệ Sỹ sẽ còn vượt Trường Sơn nữa, và vượt ngược Trường Sơn, dựng lại Đất Nước. 
VIÊN LINH 

TUỆ SỸ, TÙ ĐÀY VÀ QUÊ NHÀ 
VIÊN LINH 
Trong các nhà tu hành trẻ tuổi hồi thập niên ’70, khuôn mặt của Tuệ Sỹ, vóc dáng của một hiền giả, nhìn vào, nói tới, là nhìn vào, nói tới một tinh thần, một phong cách sáng lạn. Hồi ấy, ảnh hưởng truyện kiếm hiệp Kim Dung còn mạnh, Võ Lâm Ngũ Bá từ Anh Hùng Xạ Điêu thấy xuất hiện ngoài đời. Những phụ nữ tác xác được gọi là Kim Bà Bà, Ghen tuông lườm nguýt thành Triệu Minh, Chu Chỉ Nhược, Đào hoa vợ nọ con kia thành Đoàn Chính Thuần. Ngốc Tử gặp may thành Đoàn Dự. Hèn hạ nịnh nọt len vào chốn cao sang thành Vi Tiểu Bảo. Năm vị anh hùng trấn võ lâm, đem vào gia phả Vạn Hạnh, có Trung Thần Thông Vương Trùng Dương Thượng Tọa Minh Châu, Viện trưởng; Bắc Cái Hồng Thất Công Bùi Giáng; Nam Đế Ngô Trọng Anh; Tây độc Phạm Công Thiện, và Đông tà Tuệ Sỹ. 
Những lần lui tới Vạn Hạnh, tôi tiếp xúc với hầu hết chư vị tăng ni ở đây, người nào trong mắt nhìn của một ký giả, tôi cũng có thể đùa rỡn, ngoại trừ Đông tà. Trong ngũ bá Vạn Hạnh, tôi kính trọng Thầy Minh Châu, anh Ngô Trọng Anh, giao du với Tây độc Phạm Công Thiện, nhưng với Đông tà Tuệ Sỹ, lòng tôi cứ trùng xuống, nói năng nhẹ đi, và cái nhìn của tôi không còn sắc cạnh nữa. Đi tu như Sân Đại đức, tôi dư sức thành chánh quả. Hành thiền như Si phương trượng, tôi không có hạnh Bồ tát, song cũng không hèn mà không trụ trì nổi một cảnh chùa nhỏ ven sông. Tuệ Sỹ vượt lên trên những tăng chúng thường gặp. Con người ấy là con người thật, và còn vượt hơn cả cái thật của con người. Con người ấy, tuy vậy, một lần giận tôi, ngồi mãi ở Tòa soạn Thời Tập mà nói, chỉ vì tôi đã đăng một bài thơ anh dịch chưa xong, mà coi như xong rồi. 
Lúc ấy, cùng với các anh Đỗ Khánh Hoan, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Hữu Hiệu, Cao Huy Khanh, Lê Tài Điển, và Trùng Dương, Tuệ Sỹ đứng trong bộ Biên Tập của Thời Tập, hậu thân của Khởi Hành các năm trước. 
Khoảng 1984, lúc ở Hoa Kỳ, nghe tin Hà Nội vây hãm chùa Già Lam, nghìn trùng xa cách, tôi biết ngay Tuệ Sỹ lâm nạn. Ngày 30 tháng 9, 1988, vị chân tu ấy bị họ lên án tử hình, cùng học giả Trí Siêu Lê Mạnh Thát, các cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Phan Văn Trí, Tôn Thất Kỳ, và 17 vị khác thuộc Mặt Trận Nhân Quyền Việt Nam và Lực Lượng Việt Nam Tự Do. Tôi nhờ giáo sư Đỗ Đình Tuân dịch cho một bài thơ của bạn tôi qua tiếng Anh, Mười Năm Cuộc Lữ, thực hiện ngay một bản tin bằng tiếng Anh, và mang lên đọc trong một Đại hội của Văn Bút Hoa Kỳ ở Los Angeles. Tôi đọc nguyên văn bản của Tuệ Sỹ, và anh Trịnh Y Thư sau đó đọc bản dịch Anh ngữ. Văn Bút Quốc tế qua tài liệu do bà JeanneLeedom Ackerman, lúc ấy là Chủ tịch Văn Bút Hoa Kỳ ở Miền Tây chuyển lên giùm, đã can thiệp tích cực vào vụ Chùa Già Lam. Cũng vụ này, Tạp Chí Văn Học làm một số đặc biệt vào ba tháng sau, và tôi đã dành lấy việc trình bày cái bìa, và làm ba đoạn thơ cảm khái, với nhan đề Trí, Tuệ. 
Nhà Lý Văn Lang Công Uẩn ôi! 
Bao nhiêu thế kỷ đã qua rồi? 
Thăng Long rồng hiện xem bờ cõi 
Cửa mở Già Lam thả phượng chơi. 
Mỏng mảnh như mây gió thổi về 
Vén tầm vô hạn xuống bờ mê 
Gác chuông Trí, Tuệ kinh vừa giảng 
Dưới đáy trần gian quỷ kéo đi. 
Vẫn tiếng sông sầu róc rách trôi 
Bến Vàng lớp lớp mộng lôi thôi 
Vung tay Sỹ hận hề, tung sách 
Chữ nghĩa nghìn trang, Trí vá trời. 
(Viên Linh, Văn Học, số 35.12.1988 - tr18) 
Trong cuộc sống xô bồ với giấy mực của tôi, Tuệ Sỹ như một băng hồ. Băng hồ ấy có thể đóng đá, song lại bốc hơi. Hơi ấm của băng hồ. Nói nhỏ nhẹ, nói như viết, anh không nói thừa. Anh cũng không cao giọng, dù trong lòng không vui. 
- Anh đọc lại đi. Tôi đã dịch xong đâu. 
Tuệ Sỹ ngồi im, hai tay đặt lên hai thành ghế, cả người lọt thỏm trong chiếc ghế gỗ màu gụ của Tòa soạn Thời Tập, cũng là văn phòng nhà in Phúc Hưng của anh em chúng tôi ở đường Nguyễn Trãi, Chợ Lớn. 
- Tôi nghĩ xong rồi. Xong rồi anh mới đưa tôi đăng chứ? 
- Tôi đưa anh đọc. 
- Tôi thấy hay thì đăng. 
Câu này hình như làm cho tác giả Triết Học Về Tánh Không giận. Một lần nữa anh bảo tôi đọc lại đi, xem có phải là thơ không, mà tôi đem đăng lên Thời Tập. 
Trong quan điểm một Chủ bút, tôi vẫn chủ trương thơ của các tác giả vô danh, thì phải hay mới đăng được, còn bài của những người có tên tuổi, thì có làm sao, tôi vẫn đăng, trừ phi nguệch ngoạc quá tay (vì các tác giả có tên tuổi sẽ chịu trách nhiệm về bài biết của họ, còn với tác giả vô danh, người chịu trách nhiệm chính là người chọn bài đăng). Cho nên nếu lấy thơ loại B mà ký Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, tôi vẫn đăng. Và Bài Vua Tần Uống Rượu Tuệ Sỹ dịch thơ Lý Hạ, không lý gì tôi không đăng. Khoảng 1973, 74, Tuệ Sỹ đã rất có uy tín. 
Đọc lại, quả có thấy thiếu vần. Đoạn một, tôi nói có thể coi là có vần trắc, do hai chữ cực và chữ biếc, nghe tương tự đồng âm. Đoạn hai chắc chắn có vần, do hai chữ tình ở câu trên, và sênh ở câu dưới. Đoạn ba tôi đồng ý không có vần, nhưng nối với đoạn hai, thì chữ canh đi với chữ sênh, coi là đồng âm. Đoạn bốn tôi đồng ý không có vần, nhưng không sao. Còn hai câu kết… 
Tuệ Sỹ giận lắm. Tôi thấy hai bàn tay anh nổi xanh trên tay ghế. Anh nói gì đó không còn nhớ nguyên văn, song đại ý là như thế mà coi là có vần được à. Tôi nói như không có vần thì có điệu, coi như thơ tự do. Toàn bài, đối với anh chưa hoàn tất, nhưng đối với tôi, tôi thấy hay. Tôi thấy anh tức giận thực sự, ngồi im bặt thật lâu. 
Nguyễn Đức Sơn từng nổi giận tại Tòa soạn Thời Tập, la hét như người kinh phong, đi qua đi lại, hai đầu gối nhấc cao, làm cho tà áo lam gẫy khúc, khi tôi đăng thơ anh dọc theo chiều gáy tờ báo, nghĩa là phải quay 90 độ mới đọc được, song Tuệ Sỹ giận thì như mặt hồ đóng băng. Im lặng. Tĩnh chết. Một lúc sau anh đứng dậy ra về, không nói gì hết. Giận vậy thôi, trước là Khởi Hành (1969-1972) và sau là Thời Tập (1973-1975) vẫn là hai tờ tạp chí đăng tải nhiều sáng tác nhất của Tuệ Sỹ, trong có ít nhất là hai bài thơ hay: Sơ Huyền (Tang thương một giải tóc thề), Mơ Tuổi Vàng (Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ/ bài thơ làm Bùi Giáng choáng váng) và ba truyện ngắn, tùy bút xuất sắc: Truyện Chuyến Xe Đò Cao Nguyên về một “cuộc lữ nhỏ” trên đường Pleiku; truyện Sư Thiện Chiếu về “cuộc lữ lớn” của một nhà sư dựng nước; hay Quỷ Thi của Lý Hạ… 
Nhà Đại Đức về rồi, tôi ngồi đọc lại bài Vua Tần Uống Rượu, quả có thấy là chưa hoàn tất, nhưng nhất định hay thì vẫn hay. Tháng 4.1998, tôi lên Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ sao lại bài này, lúc về lại California thì bị mất cắp ở phi trường Fort Worth, Texas. Tháng 12.1998, tôi trở lại Hoa Thịnh Đốn sao chép một lần thứ hai, và bản sao thu nhỏ như phía trên. Với tôi giờ này đọc lại, vẫn thấy hay như thường. 
Dịch thơ, là dịch cho nổi ý tác giả; dịch đúng vần mà không đạt ý thì đâu phải là dịch hay? Đó là thơ mình mượn ý của người. Tần Vương kỵ hổ du bát cực mà dịch là Vua Tần cưỡi cọp chơi tám cực thì hay quá rồi còn gì nữa. Vừa đối chữ, vừa chỉnh thanh. Kiếm quang chiếu không không tự bích. Ánh kiếm chỉ trời trời tự biếc thì hết ý, ai có thể dịch hay hơn? Hai chữ không không dịch thành hai chữ trời trời, đâu phải ai cũng dịch được? Hy Hòa xao nhật pha lê thanh dịch là Hy Hòa rung mặt nhật rộng tiếng pha lê thì đúng nghĩa, tuy rằng phải thêm chữ mặt và chữ rộn. 
Câu dưới, Kiếp hôi phi tận mà dịch là Kiếp tro bay hết thì còn gì hay hơn? Cổ kim bình thì ta không cần dịch cũng được, cứ để cổ kim bình, ai mà không biết? Nhà tu này thật khó tính. 
Để xem trong những bài khác, Tuệ Sỹ dịch như thế nào. 
Bài Thu Lai của Lý Hạ: 
Đồng phong kinh tâm tráng sĩ khổ 
Suy đăng lạc vĩ đề hàn tố 
Thùy khan thanh giản nhất thiên thơ 
Bất khiển hoa trùng phấn không đố 
Tư khiên kim dạ trường ưng trực 
Vũ lãnh hương hồn điếu khách thơ 
Thu phần quỷ xướng bảo gia thi 
Hận huyết thiên niên thổ trung bích.
Tuệ Sỹ dịch nghĩa: 
Gió heo may rợn hồn tráng sĩ 
Lạnh se da, dế rỉ đèn lu. 
Dở trang bóng chữ lờ mờ 
Mấy rây mọt phấn ơ hờ điểm hoa. 
Buồn ray rứt kéo ra ruột thẳng 
Khóc người thơ, mưa lạnh hồn ma 
Tanh hôi giọng quỷ trên gò 
Máu hờn thiên cổ xanh mồ cỏ thu. 
(Tuệ Sỹ, Thời Tập, 1973) 
Như dịch giả ghi chú, đây chỉ là dịch nghĩa. Dịch giả dùng thể song thất lục bát, hai câu bảy, rồi một câu lục một câu bát. Câu thứ ba có hai chữ tuyệt vời: Bóng Chữ. Phải chăng nhà thơ Lê Đạt ở Hà Nội đã đọc bài này trước khi in tập thơ Bóng Chữ cách đây vài năm? 
Ta làm kẻ rong chơi từ hỗn độn 
Treo gót hài trên mái tóc vào thu… 
(Tuệ Sỹ, Mười Năm Trong Cuộc Lữ) 
Cho tới nay, kể cả những bài thơ đầu tiên đăng trên Tạp chí Tư Tưởng, năm 1970, Tuệ Sỹ chỉ mới cho phổ biến được khoảng dưới 10 bài thơ. Thời gian ở tù, ông có chuyển ra ngoài một số bài, song ít người được đọc. 
Dâng nhúm cơm tù phạm 
Cúng dường Đấng Tối Cao 
Cõi Đời đằm máu hận 
Nâng chén nước mắt trào. 
(Tuệ Sỹ, Cúng Dường) 
Thơ Tuệ Sỹ giai đoạn đầu cho người đọc thấy một pha trộn kỹ thuật của người đã đọc nhuần nhuyễn Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh của Nguyễn Du và Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều. Cũng có cả Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn. Đó là những Truyện Thơ. Thơ có chuyện để kể. 
Các nhà thơ Miền Nam thập niên 70 ít người dùng đến thể thơ truyện, như tám chữ hay song thất lục bát; Tuệ Sỹ dùng một đôi lần thể song thất, phần lớn dùng thể tám chữ. Trong 10 bài đã phổ biến của ông, ta hãy đọc: 
Này đêm rộng như khe rừng cửa biển 
Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa
(Không Đề - Tạp chí Tư Tưởng bộ mới, số 8, 12.1970) 
Ta làm kẻ rong chơi từ hỗn độn 
Treo gót hài trên mái tóc vào thu. 
(Mười Năm Trong Cuộc Lữ, Tư Tưởng) 
Tôi vẫn đợi những đêm xanh khắc khoải 
Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng. 
(Tôi Vẫn Đợi) 
Chuyện đã kể rồi hồng hoang lững thững 
Vẫy tay chào nối gót chẳng buồn trông. (…) 
Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ 
Áo màu xanh không xanh mãi (trên) đồi hoang. 
(Mơ Tuổi Vàng, Khởi Hành) 
Thơ tám chữ, bản chất là thơ kể. Bài thơ tám chữ được nhắc nhở nhiều nhất thời Tiền chiến là bài Nhớ Rừng của Thế Lữ: 
Gậm một mối căm hờn trong cũi sắt, 
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua
(Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh Hoài Chân, Hoa Tiên, 1968) 
Sau 1954, Đinh Hùng là vua thơ tám chữ ở Miền Nam: 
Lòng đã khác, ta trở về Đô Thị 
Bỏ thiên nhiên huyền bí của ta xưa. 
(Bài Ca Man Rợ) 
Ta thường có từng buổi sầu ghê gớm 
Ở bên Em-Ôi biển sắc rừng hương! 
(Kỳ Nữ) 
Trong lớp các thi sĩ lúc ấy, Tuệ Sỹ nổi lên với những bài thơ tám chữ mênh mang, kể những chuyện từ tâm thức hồng hoang xáo trộn với thời thế nhiễu nhương, trong đó những hình ảnh bát ngát nhất là núi rừng, dòng sông cạn, triều dâng, nước chảy, nước lũ, bờ bến lạ, ghềnh đá dựng, suối trăng, tóc xa xưa, tóc huyền, tóc vào thu, tóc cũ, tóc trắng, nói mộng, viễn mộng, cuộc lữ… Nếu thơ Phạm Thiên Thư đầy màu xanh hoa vàng của một thiên nhiên êm đềm thì thơ Tuệ Sỹ phiêu hốt hùng vĩ với màu đá, màu rừng già khô lạnh, thác ghềnh, và một mái tóc sơ huyền. Đó là những thiên nhiên khác. 
Thơ tám chữ không ẻo lả như lục bát. Tuệ Sỹ nhỏ người, mà rất cứng cỏi. Lời thơ ông không là lời nói suông xẻ, êm tai, mà là khối tâm sự ngổn ngang. Trước hết, nghĩ về mình, có thể ông nghĩ như sau:  
Như cánh hải âu cuối trời biển lộng 
Bồng bềnh bay theo cánh mỏng ngàn đời… 
Cánh hải âu ấy hay bay lượn trên một bờ biển hoang vu, tìm nét hồng trong đá xám, kiếm huyền nhiệm trong biểu dâu hưng phế: 
Chiều lắng đọng thênh thang ghềnh đá dựng 
Những nỗi buồn nhân thế cũng phôi pha. 
Màu nhiệm nào đằng sau bao hủy diệt 
Mà nụ hồn vừa nở thắm ven khe. 
Nếu cho mình là cánh chim, thì cánh chim Tuệ Sỹ thấy thiên nhiên đất trời vô cùng khắc nghiệt: 
Hàng thạch thảo dọc thiên đường tàn úa 
Tháng ngày qua thoáng hắt bóng trên đồi 
Con chim sớm bay tìm từng hạt lúa… 
… Một buổi sáng nghe chim buồn đổi giọng 
Người thấy ta xô dạt bóng thiên thần. 
Tuệ Sỹ Phạm Văn Thương sinh ngày 15 tháng 2, 1943 tại Paksé, Lào, nguyên quán Quảng Bình, Trung phần, Việt Nam, quy y Phật từ thuở đồng nhi, tốt nghiệp Viện Cao Đẳng Phật Học Sài Gòn năm 1964 và Viện Đại Học Vạn Hạnh năm 1965, phân khoa Phật học. Được đặc cách bổ nhiệm Giáo sư thực thụ Viện Đại Học Vạn Hạnh từ năm 1970 nhờ những công trình nghiên cứu và những khảo luận Triết học có giá trị hết sức cao, như Đại Cương Về Thiền Quán, Triết Học Về Tánh Không (Sunyavada), (An Tiêm Saigon, 1970). Rất giỏi chữ Hán, rành chữ Pháp, chữ Anh, đọc được chữ Pali và chữ Phạn. Ông cũng đọc hiểu tiếng Đức, nghiên cứu kỹ Heidegger và Hoelderlin. Cuốn Thiền Luận nổi tiếng của D.T Suzuki bản Việt ngữ là do ông dịch. 
Tuệ Sỹ là một học giả uyên bác về Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa, đọc và nghiên cứu Tô Đông Pha từ nguyên tác, để lại một tác phẩm chan hòa tính thơ: Tô Đông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng (Ca Dao Sài Gòn, 1973). Những lúc rảnh, ông chơi dương cầm. Ông làm nhiều thơ, viết một số truyện ngắn đặc sắc, phần lớn đăng trên Tạp chí Khởi Hành (1969-1972) và Thời Tập (1973-1975), khi đứng tên trong Bộ Biên Tập tạp chí này. Ông cũng là Chủ bút Tạp chí Tư Tưởng của Viện Đại Học Vạn Hạnh. 
Vào ngày 1 tháng 4, 1984, Thượng Tọa Tuệ Sỹ bị nhà cầm quyền Hà Nội bắt giữ cùng giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát và 19 Tăng ni, sỹ quan cũ của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, bị kết án mưu võ trang lật đổ chính quyền và trong phiên tòa kéo dài nhiều ngày cuối tháng 9,1988, ngày 30 ông bị lên án tử hình cùng giáo sư Lê Mạnh Thát. Cộng sản nói có tìm thấy vũ khí trong Chùa Già Lam. 
Do sự tranh đấu tích cực của các Cơ quan Nhân quyền Quốc tế, trong có Hội Ân Xá Quốc Tế và Văn Bút Thế Giới, cũng như Ủy ban Tranh đấu cho Quyền Làm Người Việt Nam v.v.., Hà Nội phải giảm án xuống còn chung thân khổ sai, đem giam Tuệ Sỹ tại trại A.20 tại Phú Yên. Tháng 10, 1994, cùng 200 tù nhân, ông tham gia biểu tình đòi gặp phái đoàn Liên Hiệp Quốc và thực hiện các quyền khác, nên bị Hà Nội đày ra Bắc. 
Những lời tuyên bố của người tù lương tâm Tuệ Sỹ, tại Tòa Án, cũng như khí phách kiên cường lúc trong tù, là gương sáng chói lọi, và niềm tự hào của Phật giáo: “Lập trường của chúng tôi là lập trường của Phật giáo, là lập trường của toàn khối dân tộc”. (trích theo Hòa Thượng Thích Mãn Giác). Năm 1998, Hà Nội thả Thượng tọa, cùng với một số người khác. Trước đó, ông tuyệt thực trong tù. Trước khi thả, họ muốn Tuệ Sỹ ký vào lá đơn Xin Khoan Hồng để gởi lên ông Chủ tịch Nước Trần Đức Lương, Tuệ Sỹ trả lời: “Không ai có quyền xét xử tôi, không ai có quyền ân xá tôi”. Họ nói không viết đơn thì không thả. Tuệ Sỹ không viết, và tuyệt thực. Họ phải thả ông, sau 10 ngày tuyệt thực. Hôm đó là ngày 1.9.1998. 
Sáng hôm sau, lúc 10 giờ 45, Thượng tọa Tuệ Sỹ được đưa lên tàu hỏa về Nam. Thượng Tọa ngồi suốt 36 tiếng đồng hồ trên tàu thì không thể chịu đựng thêm, vì rất yếu sau 10 ngày không ăn ở trong tù. Ông xuống Nha Trang, vào Phật học viện Hải Đức. 
Thượng Tọa Tuệ Sỹ tuyệt thực một mình, không có tổ chức, báo chí không biết. Ông tuyệt thực “để khẳng định mình”. Như ông nói. Ít lâu sau, Hà Nội lại ra lệnh ông phải về chốn cũ, là Chùa Già Lam ở Gia Định, chứ không được ở lại Hải Đức. Ông từ chối, viết một lá thư gửi nhà cầm quyền Hà Nội, nói một là ở Hải Đức, hai là vào tù trở lại. Tin này có loan trên báo chí hải ngoại. 
Trước sau, tác giả Những Phương Trời Viễn Mộng đã bị giữ trong nhà tù Cộng sản 14 năm. Giữa tháng 4.1999, Hòa thượng Quảng Độ đề cử Thượng Tọa Tuệ Sỹ làm Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo. 
Hình bóng thiên nhiên khắc nghiệt, mà hình bóng con người cũng không hơn. Chia xa, mất hút. Kể cả con người ấy là mẹ: 
Mẹ già thôi khóc cho thân phụ 
Lại khóc cho đời ta phiêu linh. 
Con người trong thơ Tuệ Sỹ không được thể hiện bằng vóc dáng, dung nhan, cặp môi, khóe mắt, tiếng cười, giọng nói. Con người trong thơ Tuệ Sỹ chỉ là mái tóc. Có cả năm bảy mái tóc trong tâm thức Ðông tà: 
Tang thương một giải tóc huyền, 
Bãi dâu ngàn suối mấy miền hoang vu. 
Gởi thân gió cuốn sa mù, 
Áo xanh cát trắng trời thu muộn màng. 
Chênh vênh hoa đỏ nắng vàng, 
Gót xiêu dốc núi vai mang mây chiều. 
Tóc huyền loạn cả nguyên tiêu, 
Lãng du ai ngỡ cô liêu bạc đầu. 
(Sơ Huyền, Khởi Hành) 
Xưa xanh lên tóc huyền sương nặng 
Trong giấc mơ lá dạt xa bờ. 
(Mùa Mưa Cao Nguyên, Khởi Hành) 
Bờ bến lạ chút tự tình với bóng 
Mây lạc loài ôi tóc cũ ngàn năm 
Nào đâu nữa tóc em như gió cuốn 
Người ra đi tâm sự với hoàng hôn. 
Tượng đồng tạc bóng cô liêu 
Trời xanh tóc trắng bao nhiêu chuyện rồi 
Này đêm rộng như khe rừng cửa biển 
Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa. 
(Không Ðề, Tư Tưởng) 
Mái tóc trong thơ Tuệ Sỹ phải chăng là bờ môi nhục cảm trong thơ Xuân Diệu, vì Xuân Diệu không sợ tiếp xúc; phải chăng là con mắt đắm đuối của Hàn Mặc Tử, vì Hàn Mặc Tử không thể đụng chạm; hay đó là bàn tay trong thơ Lưu Trọng Lư, vì Lưu Trọng Lư ngại chia phôi? Mái tóc trong thơ Tuệ Sỹ phải chăng là bờ vai của Huy Cận, vì Huy Cận muốn tựa đầu; là xiêm áo của Bích Khê, vì Bích Khê suốt đời mong một dáng tầm xuân, một tấm thân kiều diễm? Mái tóc của Tuệ Sỹ phải chăng là bàn chân của Ðinh Hùng, vì Ðinh Hùng luôn luôn quỳ dâng, sùng bái? Là lưng mềm của Vũ Hoàng Chương, bởi Vũ Hoàng Chương thích riết đôi tay, tiến đôi chân? Mái tóc ấy là gì? Một thục nữ? Một giai nhân? Những câu hỏi ấy đêm nay tôi chẳng thể trả lời, chỉ biết mái tóc trong thơ Tuệ Sỹ chưa chắc là có thật, mà có thật; chưa hẳn là không, mà vẫn không. Mái tóc ấy, biết đâu chẳng phải là một phương trời viễn mộng, cái viễn mộng thanh cao của một thị giả thích ngắm nhìn đất đỏ, áo xanh, cỏ vàng, đêm đen, nụ hồng, và tóc? Mái tóc ấy nhất định là người, song là ai? Hay chẳng là ai cả, mà chỉ là những đổi thay trong Cuộc Lữ, từ lúc mưa xanh tới nắng hạ, từ hồng hoang tới tàn úa thiên đường? 
Và, tâm thức ấy, vì sao lại nhìn thấy tù ngục, như trong bài Tôi Vẫn Ðợi: 
Tôi vẫn đợi những đêm xanh khắc khoải 
Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng 
Trong bóng tối hận thù tha thiết mãi 
Một vì sao bên khóe miệng rưng rưng. 
Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió 
Màu đen huyền ánh mắt tự ngàn xưa 
Nhìn hun hút cho dài thêm Lịch Sử 
Dài con sông tràn máu lệ Quê Cha… 
Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ 
Quên những người xuôi ngược Thái Bình Dương 
Người ở lại với bàn tay bạo chúa 
Cọng lau gầy trĩu nặng bóng tà dương. 
Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng 
Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu 
Rồi khép lại hàng mi về cõi mộng 
Như sương mai như bóng chớp mây chiều. 
Bài thơ trên quả là Một lần định như sao ngàn đã định. Ðịnh từ một Cái định của ngàn sao, của không hư. Của 14 năm tù đày. Cho Quê Hương và Ðạo Pháp. 5.1999.
VIÊN LINH 
Khởi Hành
NHỮNG ĐIỆP KHÚC CHO DƯƠNG CẦM 
REFRAINS POUR PIANO... 
 

DOMINIQUE

Avant propos 
C’est une belle rencontre que celle que j’ai eu la chance d’avoir avec Tué Sy et ses proches depuis le printemps 2003. 
Nous avons appris à nous dévoiler un peu à échanger nos mondes, à traduire des émotions qui sont aussi de profonds engagements. Pardonnez-moi, je ne suis ni bouddhiste et encore moins bonze, je ne connais pas le vietnamien et pourtant ces poèmes de Tué Sy nous les connaissons aussi dans notre vieille Europe! Ne sont ils pas l’expression de ces vacuités parcourues par nos plus grands mystiques? L’expérience de l’errance de la nuit et du silence, mais aussi le désespoir de “l’âme” lasse qui cherche en vain une réponse au sacrifice consenti ou imposé. 
Ces poèmes écrits par Tué Sy en vietnamien, nous les avons traduit en six mains. Philippe Langlet a défriché le terrain mot à mot, Tué Sy est directement intervenu sur cette traduction et j’ai essayé et tenté d’en saisir le fond grâce aux images et à l’espace où vit Tué Sy que je connais et qui m’ont été d’une grande aide. J’ai choisi les mots et les images les plus simples en réduisant et asséchant au maximum le terrain poétique afin d’évoquer l’aventure mystique du moine fatigué de sa vie de recherches vaines. 
Vaines ou pas vaines là est la question. 
Dessaisissements au fil des lieux et du temps… 
Le piano ou le silence comme médium entre nos deux continents… 
Il ne s’agit plus de nostalgie ou d’émotions mais d’une analyse aride du détachement. 
Je suis très heureuse de partager encore et pour longtemps la légèreté absolue de la vie. 
Dominique, 
Ho Chi Minh Ville, le 19 novembre 2008
Thay Lời tựa 
Đó là một cuộc gặp gỡ đẹp, khi tôi có dịp gặp Tuệ Sỹ và những người thân cận ông từ mùa xuân năm 2003. 
Chúng tôi đã dần biết cách giải bày, trao đổi với nhau những thế giới của mình, diễn dịch những cảm xúc đồng thời cũng là những giao tình thân thiết. 
Tôi xin lỗi vì không phải là một Phật tử, càng không phải là nhà tu; tôi không biết rành tiếng Việt, tuy nhiên những bài thơ của Tuệ Sỹ chúng tôi vẫn có thể hiểu ở cái Châu Âu già cỗi của chúng tôi! Đó chẳng phải là biểu hiện của những trống không bàng bạc bởi những bí ẩn lớn nhất của chúng ta? Kinh nghiệm từ bóng đêm lang thang, từ sự im lặng lang thang, và cả sự tuyệt vọng của “tâm hồn” rã rời đi tìm trong vô bổ một lời đáp lại cho sự hiến dâng dù tự nguyện hay áp đặt. 
Những bài thơ này của Tuệ Sỹ, chúng tôi đã dịch bằng sáu tay. Đầu tiên Philippe Langlet đã khai phá vùng đất, dịch từng từ Việt sang từ Pháp, sau đó Tuệ Sỹ trực tiếp góp ý, và đến lượt tôi cố gắng thử đi vào chiều sâu nhờ những hình ảnh và không gian nơi Tuệ Sỹ sống mà tôi biết, và điều đó đã giúp tôi rất nhiều. Tôi đã chọn những hình ảnh và những từ ngữ đơn giản nhất, giảm thiểu và hong khô tối đa những thi tứ để gợi lên cuộc phiêu lưu huyền bí của nhà sư mệt mỏi trong cuộc kiếm tìm vô vọng. 
Vô vọng hay không vô vọng, đó là vấn đề 
Những sự buông bỏ theo dòng thời gian và xứ sở… 
Tiếng dương cầm hay sự lặng im như là môi giới giữa hai lục địa chúng ta… 
Tôi rất sung sướng được tiếp tục chia sẻ trong dài lâu sự mong manh tuyệt cùng của cuộc sống. 
Dịch Việt: 
HẠNH VIÊN 
(Xem thêm mục VHPG/ thơ Tuệ Sỹ) 
THEO DẤU LẶNG NGHE ĐIỆP KHÚC 
DƯƠNG CẦM CỦA THẦY TUỆ SỸ 
HUỲNH KIM QUANG
Cõi thơ của Thầy Tuệ Sỹ mênh mông bát ngát. Cao thì bay vút từng không. Sâu thì hun hút hố thẳm. Biết đâu mà dò để gọi là theo! 
Với người viết bài này, có lẽ là ngồi bệt xuống đất nhìn trừng trừng vào mấy dấu lặng trên “Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm” của Thầy để mà nghe, có thể chỉ như là “vịt nghe sấm” nhưng, may ra còn nghe được vài khoảng lặng vô thanh đâu đó, sau những cung bậc du dương siêu thoát. 
“Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm” là tập thơ gồm 23 bài - đúng hơn là 23 điệp khúc - của Thầy Tuệ Sỹ được xuất bản trong nước vào năm 2009. Tập thơ này được một nghệ sĩ nổi danh của Pháp Dominique de Miscault dịch sang tiếng Pháp và trình bày với những hình ảnh nghệ thuật trong tác phẩm Pháp Ngữ “Refrains pour Piano.” 
Bài này chỉ viết lại một vài cảm nhận khi đọc tập thơ bằng tiếng Việt “Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm” của Thầy. 
Dấu lặng là khoảnh khắc ngừng nghỉ sâu lắng không nhạc không lời trong bản nhạc. Nó cũng cần thiết có mặt trong bản nhạc giống như những âm thanh giai điệu khác. Đôi khi dấu lặng còn cần thiết và mang ý nghĩa huyền diệu hơn nhạc điệu khác trong bản nhạc. 
Cũng thế, trong cuộc sống thường nhật với những thao tác liên tục của dòng vọng động qua thân, khẩu và ý, con người bị cuốn hút vào quỹ đạo quay cuồng của mộng tưởng điên đảo, thì những khoảnh khắc dừng lại, buông xả, lắng tâm là cần thiết và bổ ích vô cùng. Đó là những dấu lặng trong bản nhạc cuộc đời. 
Thật vậy, có bao giờ bạn lắng tâm để thưởng thức những khoảnh khắc im lặng tột cùng xảy đến thật bất ngờ giữa dòng thác lũ ba đào của âm thanh và nhạc điệu? Nếu bạn từng trải qua giây phút cực kỳ huyền diệu ấy chắc bạn cảm nhận như mình đang bơi lội trong cõi không gian vô cùng mà ở đó chỉ có sự hỷ lạc mầu nhiệm trong trạng thái vắng bóng mọi thứ nhân ngã bỉ thử và phiền não uế trượt. 
Cuộc đời của một Thiền sư là khoảnh khắc kéo dài vô tận của những dấu lặng an nhiên, tự tại và siêu thoát giữa cuộc đời phiền não, khổ đau. Thầy Tuệ Sỹ là một Thiền sư như thế. 
Trong đôi mắt sáng hoắc của Thầy, dòng tử sanh vô tận chỉ còn là bóng dáng mờ ảo sau ngọn lửa bập bùng của trí tuệ bừng lên, để nhìn sâu vào đó và liễu ngộ rằng nó chỉ là huyễn mộng. Như thế, tử sinh đâu có khác gì cánh chim chợt hiện chợt ẩn trong quãng trời vô biên! Điệp khúc đầu tiên rung lên cung bậc mở ra con đường đến đi tự tại trong cõi nhân gian: 
“Ta nhận chìm thời gian trong khóe mắt 
Rồi thời gian ửng đỏ đêm thiêng 
Đêm chợt thành mùa đông huyễn hoặc 
Cánh chim bạt ngàn từ quãng Vô biên”. 
Trong Kinh Tiểu Duyên của Trường A Hàm, chẳng phải đức Thế Tôn đã kể chuyện loài người đến thế giới này từ cõi Trời Quang Âm ở Sắc Giới Thiên hay sao? Cho nên Thầy mới nói trong điệp khúc thứ 2: 
Từ đó ta trở về Thiên giới, 
Một màu xanh mù tỏa Vô biên. 
Bóng sao đêm dài vời vợi; 
Thật hay hư, chiều nhỏ ưu phiền. 
Chiều như thế, cung trầm khắc khoải. 
Rát đầu tay nốt nhạc triền miên. 
Ôm dấu lặng, nhịp đàn đứt vội. 
Anh ở đâu, khói lụa ngoài hiên? 
Từ Quang Âm Thiên xuống cõi nhân gian làm người nên mới có những ưu phiền, khắc khoải, và những cung bậc của kiếp người rung lên. Nhưng đến khoảnh khắc lắng sâu của dấu lặng thì đó là cõi vô biên, nên cảnh vật ngoài hiên là khói lụa huyễn hoặc như có như không. 
Trong bản nhạc làm sao chỉ toàn là dấu lặng. Trong cõi người làm sao tránh khỏi những ưu phiền. Cái tuyệt vời của Thầy là liễu ngộ rất tinh tường phím đen, phím trắng trong bản nhạc cuộc đời chỉ là ảo tượng. Và rồi, Thầy đem bao nhiêu ưu phiền của năm tháng đi qua gửi vào dấu lặng đó. Gửi vào dấu lặng thì có khác gì hóa thân cho nó vào cõi vô cùng. Vì vậy, trong điệp khúc thứ 9, vang lên cung bậc: 
Đôi mắt cay phím đen 
phím trắng 
Đen trắng đuổi nhau 
thành ảo tượng 
Trên tận cùng 
điểm lặng tròn xoe 
Ta gửi đó 
ưu phiền năm tháng. 
Trực thức về bản chất cuộc đời của chính mình không chỉ là tri kiến như thật về thực tại mà một người con Phật cần có, đó còn là đức nhẫn phi thường của một nhà tu hành đạo hạnh. Nhẫn thọ từ nỗi thống khổ trầm luân đến sự hỷ lạc siêu thoát bằng tâm thái bình lặng an nhiên không một gợn sóng động tâm. Điệp khúc thứ 13 vang lên nhạc âm hưởng đó: 
Ô hay, giây đàn chợt đứt. 
Bóng ma đêm như thật. 
Cắn đầu ngón tay giá băng. 
Điệp khúc lắng trầm trong mắt. 
Rồi phím đàn lơi lỏng; 
Chùm âm thanh rời, ngón tay rát bỏng 
Chợt nghe nguyệt quế thoảng hương 
Điệp khúc chậm dần theo dấu lặng. 
Có lúc điệp khúc dương cầm lắng sâu đến mức như tan theo mùi hương nguyệt quế, như hóa thân thành con kiến bò quanh triền núi, hay len lỏi tận dưới gốc cụm cỏ dại. Điệp khúc 20 là giai điệu huyền bí lạ lùng mà người nghe dường như phải tước bỏ cái hình hài nhân ngã to lớn để có thể theo chân con kiến bò dưới cọng cỏ và nghe mùi đất thở. Cái mùi mà Triết Gia Phạm Công Thiện trong tác phẩm “Khơi Mạch Nguồn Thơ Thi Sĩ Seamus Heaney” xuất bản tại California, Hoa Kỳ vào năm 1996, gọi là “mùi thổ ngơi.” Ở đây không phải chỉ ngửi mùi thổ ngơi, mà còn ngửi mùi đất thở nữa. Chỗ tuyệt cùng của sự sâu lắng, của dấu lặng trong “Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm” là ở đây. Có thể nghe và ngửi “mùi đất thở.” 
Theo chân kiến 
luồn qua cụm cỏ 
Bóng âm u 
thế giới chập chùng 
Quãng im lặng 
Nghe mùi đất thở. 
Đoản khúc 23 khép lại “Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm” như thể là đoạn cuối của đời người nằm yên vĩnh viễn nơi tha ma mộ địa. Giăng mộ cổ 
mưa chiều hoen ngấn lệ 
Bóng điêu tàn 
huyền sử đứng trơ vơ 
Sương thấm lạnh 
làn vai hờn nguyệt quế 
Ôm tượng đài 
yêu suốt cõi hoang sơ. 
Điệp khúc vẽ lại thật sống động cảnh tượng nơi nghĩa địa, với cơn mưa chiều, nước mắt, hình bóng điêu tàn, sương thấm lạnh là những hình ảnh lột tả được cả tâm trạng và hoàn cảnh trong đoạn cuối của đời người. 
Nhưng, trong cõi chung đó, vẫn bừng sáng lên niềm riêng rất đáng quý, rất cao đẹp, rất thương yêu. Đó là tấm lòng yêu thương vô lượng của Thầy đối với cuộc đời, đối với con người, và đối với chúng sinh. Ôm tượng đài 
yêu suốt cõi hoang sơ. 
Tấm lòng đó ắt hẳn đã nằm sâu trong dấu lặng của “Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm” mà Thầy vừa tấu lên. 
Có ai nghe chăng? 
Chắc chắn là có, chư thiên ở cõi trời Quang Âm, những con kiến đang bò sát dưới cụm cỏ dại, và còn nữa, tiếng thở của đất động đậy đâu đó trên khắp hành tinh này. 
HUỲNH KIM QUANG 
“… Tôi lặng người nhìn bức hình Tuệ Sỹ, vẫn gương mặt xương xẩu, vẫn đôi má lõm sâu, vẫn đôi mắt rực sáng, vẫn gầy còm, chỉ là tóc đã bạc màu, y vàng nghiêm trang, kính cẩn cầm ba nén hương to, quỳ trước bàn thờ với bức ảnh hiền từ với nụ cười an lạc của Ôn.” 
TUỆ HẠNH. 
Ân Tình Pháp Hội
Bài in trong: Thành kính tưởng niệm 
Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu (1918-2012) 
NXB Hồng Đức - Công ty cổ phần Văn hóa Thiện Tri Thức 
Quý 3 năm 2014, tr. 248-254 
TUỆ SỸ MỘT NGUỒN THƠ VIỆT PHI PHÀM 
BÙI GIÁNG
Tuệ Sỹ là một vị sư. Ông viết văn quá nghiêm túc, những sở tri của ông về Phật học quả thật quảng bác vô cùng. Thấy ông vẻ người khắc khổ, không ai ngờ rằng linh hồn kia còn ẩn một nguồn thơ thâm viễn u u… Một bữa ông đọc cho tôi nghe hai câu thơ chữ Hán của ông: Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy 
Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi 
Ông bảo làm sao tiếp cho hai câu để nên một bài tứ tuyệt. Tôi đề nghị với ông nên nhờ Ni cô Trí Hải tiếp giùm. Ông ngượng nghịu bảo tôi đừng nên rỡn đùa như thế. Vậy tôi xin lai rai thử viết: 
Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy 
Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi 
Phiêu bồng tâm sự tân toan lệ 
Trí Hải đa tàm trúc loạn ty 
Và xin ông chả nên lấy thế làm bực mình. 
Nhưng ai có ngờ đâu nhà sư kín đáo e dè kia, không hề bao giờ có vướng lụy, lại còn mang một nguồn thơ Việt phi phàm? Một bài thơ “không đề” của ông đủ khiến ta khiếp vía mất ăn mất ngủ: 
Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ 
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang 
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ 
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn 
Mới nghe bốn câu thôi, tôi đã cảm thấy lạnh buốt linh hồn, tê cóng cả cõi dạ.
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở 
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan 
Cười với nắng một ngày sao chóng thế 
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng 
Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ 
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh 
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn 
Tôi hoảng vía đề nghị: Đại sư nên gác bỏ viết sách đi. Và làm thơ tiếp nhiều cho, nếu không thì nền thi ca Việt mất đi một thiên tài quá lớn. Ông đáp: Để về hỏi lại Ni cô Trí Hải xem có đúng như lời thế chăng. Đôi mắt ướt tuổi vàng 
Khung trời 
Hội cũ 
Xin xuống dòng thư thả như thế. Ắt nhìn thấy chất trang trọng dị thường của hoài niệm. Hoài niệm gì? 
- Khung trời hội cũ. 
Một hội đạp thanh? Một hội nao nức? Giờ nao nức của một thời trẻ dại?”. 
Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ… 
Mở lời ra, nguồn thơ trực nhập vào trung tâm cơn mộng chiêm niệm. Đầy đủ hết mọi yếu tố bát ngát: một cung trời xán lạn bao la, một hội cũ xao xuyến, một tuổi vàng long lanh… Một đôi mắt ướt ngậm ngùi của hiện tại. Nhưng mạch thơ đi ngầm. Tiết nhịp âm thầm nhiếp dẫn. Thi sĩ không cần tới một hình dung từ nào cả, vẫn nói được hết mọi điều “phải nói” với mọi người “muốn nghe” với riêng mình “không thiết chi chuyện nói”. 
Người thi sĩ xuất chúng xuất thần thường có phong thái khác thường đó. Họ nói rất ít mà nói rất nhiều. Họ nói rất nhiều mà chung quy hồ như chẳng thấy gì hết cho mọi người. Nói cho mọi người mà cơ hồ chẳng bận tâm gì tới chuyện thiên hạ nghe hay chẳng nghe. Nỗi vui, nỗi buồn của họ, dường như chẳng giống lối vui buồn của chúng ta. Do đó chúng ta trách móc họ một cách lệch lạc hết cả (Par manque de justice interne). Trong một cuộc vui, ta hỏi họ vài điều. Họ lơ đễnh thờ ơ, ta tưởng họ kiêu bạc. Trong lúc mọi người đang gào khóc giữa đám tang, họ phiêu nhiên đi qua, trông có vẻ như mỉm cười, niêm hoa vi tiếu. Ta tưởng họ tàn nhẫn thô bạo. 
Vua Gia Long ngày xưa đã từng lấy làm quái dị về thái độ Nguyễn Du: “Trẫm dùng người, không phân biệt kẻ Nam kẻ Bắc. Ai có tài thì trẫm trọng dụng (…) Cớ sao khanh lại u sầu ít nói suốt năm như thế?” Ông vua kia lấy làm lạ là phải lẽ lắm, hợp với lương tri thói thường thiên hạ lắm. Ông không thể hiểu vì sao vị di thần kia cứ miên man như nằm trong cõi mộng thần di, hồn dịch! 
Vua đã ban cho chan hòa mưa móc, lộc trọng quyền cao đặc ân thâm hậu như thế, cớ sao Liệp Hộ chưa vừa lòng, vẫn chưa cứ thả mộng chạy lang thang về chân trời hướng khác. 
Đáp: Ấy chính bởi đôi mắt nhìn đây mà thấy những đâu đâu. 
Đôi mắt ướt tuổi vàng 
Khung trời hội cũ 
Đôi mắt ướt? Đôi mắt của ai? Vì sao ướt? Vì lệ trào, hay là vì quá long lanh? 
Thi sĩ không nói rõ. Ấy là giữ một khoảng trống vắng lặng phóng nhiệm cho thơ. 
Tha hồ chúng ta tự do nghĩ hai ba lối. Hoặc là đôi mắt thi nhân ướt trong hiện tại vì nhớ nhung một trời hội cũ. Hoặc là đôi mắt giai nhân nào long lanh dịu mật như nước suối chan hòa, soi bóng một khung trời hội cũ bất tuyệt nào, mà ngày nay tại hạ đã đánh mất rồi chăng? “Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang”. 
Áo nào màu xanh? Màu xanh màu chàm của cô gái Mán gái Mường, gái núi nào xưa kia băng rừng và thi nhân đã ngẫu nhiên một lần nhìn đắm đuối? 
Tôi nói không sai sự thật mấy đâu. Vì Tuệ Sỹ vốn xưa kia ở Lào. Cha mẹ ông kiều cư trên đất Thượng Lào Trung Việt. Bà mẹ ông thỉnh thoảng cũng trở về Sài Gòn tới chùa viếng ông đem quà cho ông một đôi dép riêng biệt, một tấm khăn quàng riêng tây. 
Đôi mắt ướt tuổi vàng 
Khung trời hội cũ 
Áo màu xanh 
Không xanh mãi 
Trên đồi hoang 
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ 
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn 
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ? 
Mình là thân Bồ Tát, quanh năm kinh kệ trai chay, thế sao bỗng nhiên một phút vội vã lại dám làm thân du thủ? Dám gác bỏ kệ kinh? Dám mở cuộc thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn? 
Phải có nhìn thấy khuôn mặt khắc khổ chân tu của Tuệ Sỹ, mới kinh hoàng vì lời nói thăm thẳm đơn sơ nọ. Lời nói như ngân lên từ đáy sâu linh hồn tiền kiếp, từ một quê hương trên thượng du bao la rừng núi gió sương canh chiều nguyệt rung rinh trong đêm lạnh. 
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở 
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan 
Cười với nắng một ngày sao chóng thế 
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng 
Mối tình rộng thả suốt biển non im lìm lạnh lẽo. Một hạt muối vẫn chưa tan. Một nếp u ẩn của lòng mình bơ vơ không gột rửa. 
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở 
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan 
Ta tưởng như nghe ra “cao cách điệu” bi hùng của một Liệp Hộ, một Nerval, một chỗ trầm thanh nhất trong cung bậc Nietzsche. 
Thi nhân đã mấy phen ngồi ngó trăng tàn? Ngồi trên một đỉnh đá? Bốn bề rừng thiên giăng rộng ngút ngàn màu trăng xanh tiếp giáp với chân trời xa xuôi đại hải? 
Đỉnh đá và hạt muối là hai chốn kết tụ tinh thể của núi và biển. Đỉnh đá quy tụ về mọi hương màu trời mây rừng rú. Hạt muối chứa chất cái lượng hải hàm của trùng dương. Đó là cái bất tận của tâm tình sừng sững tại giữa tế nguyệt phiêu du: 
Cười với nắng một ngày sao chóng thế 
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng 
Một tiếng “buồn chăng” lơ lửng nửa như chất vấn, nửa như ngậm ngùi ta thán, dìu về cả một khúc tâm thanh đoạn trường: 
Sen tàn cúc lại nở hoa 
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân 
Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ 
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh 
Tiết nhịp lời thơ lại biến đổi: 
Đếm tóc bạc 
Tuổi đời 
Chưa 
Đủ 
Bụi đường dài 
Gót 
Mỏi 
Đi 
Quanh 
Tiết điệu rạc rời như gót mỏi đi quanh. Một tuổi đời chưa đủ? Một tuổi xuân chưa vừa? Một tuổi vàng sớm chấm dứt? Một tuổi “đá” sớm từ giã mọi yêu thương? 
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ 
Suối nguồn xa
Ngược nước 
Xuôi ngàn 
Bài thơ dừng lại. Dư âm bất tuyệt kéo dài trong đêm lữ thứ khép mình trong bốn bức tường với nhạt nhòa ủ rũ ngục tù. 
Chỉ một bài thơ, Tuệ Sỹ đã trùm lấp hết chân trời mới cũ Đường Thi Trung Hoa tới Siêu Thực Tây Phương. 
BÙI GIÁNG 
MỘT BUỔI SÁNG ĐỌC THƠ TUỆ SỸ 
NGUYÊN TÁNH - PHẠM CÔNG THIỆN 
Ta làm kẻ rong chơi từ hỗn độn 
Treo gót hài trên mái tóc vào thu 
Ngồi đếm mộng đi qua từng đọt lá 
Tuệ Sỹ 
Hình như Tuệ Sỹ làm thơ rất nhiều; Nghe nói lúc băng rừng vượt núi trong thời gian đấu tranh bí mật để liên lạc giao kết với mặt trận rừng núi cao nguyên, trên những ngọn đèo trùng điệp của quê hương, Tuệ Sỹ đã làm rất nhiều thơ; hình như có người đã giữ lại nhiều tập thơ chưa xuất bản và không chịu phổ biến. Tôi chỉ được đọc đi đọc lại hai bài thơ của Tuệ Sỹ. Hình như hai bài thơ này đã được làm trước khi cộng sản vào chiếm miền Nam (và đã được phổ biến nhiều lần trên các báo chí hải ngoại hiện nay). Thơ của Tuệ Sỹ không phải chỉ có thế, hiển nhiên. Tuy nhiên, chỉ nội hai bài thơ cũng đủ nói lên thế giới thơ mộng lặng lẽ của Tuệ Sỹ. 
Thế giới thơ mộng lặng lẽ của Tuệ Sỹ không có nhan đề; hai bài thơ đều không có tựa. Một người đã từng quen biết Tuệ Sỹ nhiều chắc chắn phải ngạc nhiên: Tuệ Sỹ không để lộ ra bất cứ hình ảnh hay chi tiết gì có liên hệ trực tiếp hay gián tiếp với đời sống cá nhân thường nhật của mình. Có lẽ đặc tính thứ nhất của thơ Tuệ Sỹ là không có "cá tính". Đi ngược lại với thói quen phê bình thơ văn của phần đông (ai cũng muốn đi tìm "cá tính" của mỗi thi sĩ), tôi nghĩ rằng cái việc thể hiện cái "không có cá tính" trong thơ là điều khó khăn nhất cho một người làm thơ. Cá tính được cụ thể hóa qua những hình ảnh chi tiết của đời sống cá nhân thường nhật; ngay đến những bài thơ khách quan lạnh lùng của thi hào Hy Lạp hiện đại Cavafy cũng mở rộng rõ ràng tiểu sử đời sống cá nhân thường trực hàng ngày của chính đương sự; ngay cả những bài thơ tuyệt tác của thi hào thế kỷ XVI-XVII của Anh John Donne, gọi là nhà thơ "siêu hình" nhưng cũng để lộ những nét sâu đậm của đời sống cá nhân thường nhật. Trái lại với Tuệ Sỹ, đời sống cá nhân thường nhật đã vắng mặt; còn cá tính đã được bôi sạch hay đã được ẩn giấu nhẹ nhàng đâu đó. Về hai bài thơ không nhan đề, tôi xin gọi bài A và bài B để tiện điểm danh; hai bài thì đều không có chấm phết; trong bài A chỉ có dấu chấm hỏi bất ngờ duy nhất: 
Chẳng một lần lầm lỡ không ư? 
Câu hỏi mà cũng chẳng phải câu hỏi: câu hỏi trên chỉ để nhấn mạnh một cách tương phản một cái gì dứt khoát nhất nằm ở câu thơ thứ năm: 
Một lần định như sao ngàn đã định 
Chúng ta hãy để ý hai chữ "một lần" trong câu trên và trong câu hỏi: mấy chữ "một lần" mang tất cả sức nặng gợi nghĩa của chữ Đức "Einmal" (một lần) trong thơ của Rainer Maria Rilke. Tuệ Sỹ đã sử dụng bốn lần mấy chữ "một lần" trong bài thơ A (trong câu 5, câu 6, câu 11 và câu 12) và mỗi lần dùng "một lần" trong câu đầu thì câu kế tiếp cũng vang lên "một lần" nữa. Xin đọc một lần nữa: 
Một lần định như sao ngàn đã định 
Lại một lần nông nổi vết sa cơ 
(câu 5 và câu 6) 
Một lần ngại trước thông già cung kỉnh 
Chẳng một lần lầm lỡ không ư? 
(câu 11 và câu 12) 
Chúng ta cũng cần để ý những chữ "định", "nông nổi" "ngại", "lầm lỡ" đi theo sau mấy chữ "một lần". Một lần định, một lần nông nổi, một lần ngại, một lần lầm lỡ. Như thế có nghĩa là gì? Không có gì than tiếc cả, ngược lại. "Định" chỉ có ý nghĩa là "định" mỗi khi "định" được thực hiện bi tráng giữa những nông nổi, những ngại ngùng, những lầm lỡ vô định. Đây chẳng phải là cái ngờ vực bất hủ của Descartes (đã được an nhiên xác định trước từ dự tưởng về nền tảng bất di dịch tuyệt đối của chân lý như là "xác thực tính", tức là "Certitudo" trong ý nghĩa siêu hình của tuyệt điểm triết lý Descartes, nghĩa là "Fundamentum Absolutum Inconcussum Veritatis" (theo nghĩa vừa dịch trước khi dẫn). Cũng chẳng lưỡng lự theo điệu đã được nuôi dưỡng trong tư tưởng Long Thọ thì không thể rơi vào Chủ quan tính hay Khách quan tính như thế (mà Cá tính chỉ là hậu quả tất yếu của Siêu Hình Học Tây Phương cận đại và hiện đại về Chủ Thể Tính; và Khách quan tính cũng chỉ là hậu quả đương nhiên của Chủ Thể Tính tương đối và tuyệt đối của Kant và Descartes và tuyệt đối nhất là của Hegel). Xin trở lại bài thơ A, và xin đọc lại hai câu mở đầu: 
Này đêm rộng như khe rừng cửa biển 
Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa 
Và xin đọc lại hai câu cuối của bài thơ: 
Ngày mai nhé ta chờ mi một chuyến 
Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa 
Tất nhiên tôi phải ngạc nhiên và ngừng lại suy nghĩ: tôi không bao giờ thấy Tuệ Sỹ có tóc (chỉ sau ngày cộng sản nhốt tù thì tóc mới mọc lên). Thầy tu không có tóc lại làm thơ với hình ảnh trữ tình lặp đi lặp lại hai lần trong bài A ("vén lại tóc xa xưa") và một lần trong bài B ("Treo gót hài trên mái tóc vào thu"). Tóc ở đây là tóc của ai? Của một thiếu nữ? Tầm thường quá và không hẳn là thế. Dù là thầy tu đi nữa thì đôi lúc cũng mơ mộng như mọi người cho vui nhẹ trong không khí khổ hạnh? Tóc của đàn ông? Cũng không hẳn thế? Thôi thì cứ gọi tóc của thơ, đủ rồi. Có thể tạm chẻ sợi tóc ra làm tư và gọi là "tóc của tục đế, thế đế" theo tinh thần của Long Thọ "Chân đế hay đệ nhất nghĩa đế thì phải cần đến Tục đế hay Thế đế, vì "Niết Bàn không khác mảy may nào cả với Luân Hồi": tuyệt đỉnh cao siêu nhất của Phật Giáo). Bỏ triết lý và tôn giáo qua một bên, và xin trở lại thế giới của Tuệ Sỹ và xin đọc lại từ đầu với 6 câu mở đầu bài: 
Này đêm rộng như khe rừng cửa biển 
Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa 
Miền đất đỏ trăng đã gầy vĩnh viễn 
Từ vu vơ trong giấc ngủ mơ hồ 
Một lần định như sao ngàn đã định 
Lại một lần nông nổi vết sa cơ 
Cách hạ vần cuối rất rộng rãi (... ưa,.. ồ,.. ơ, iễn,... ịnh) chữ "Này" bắt đầu câu thơ để gọi. Thơ là gọi: gọi tên, hay đúng hơn: gọi sự có mặt, gọi sự hiện diện. Thơ thường khi cũng gọi sự vắng mặt, làm cho sự vắng mặt được có mặt. Đêm là sự vắng mặt của ban ngày. 
Này đêm rộng như khe rừng cửa biển 
"Đêm rộng" ở đây không có nghĩa là đêm lớn rộng, mà có nghĩa là mở rộng ra như khe mở rộng ra rừng và cửa mở rộng ra biển; đêm rộng là đêm mở rộng ra ngày mai như câu thơ 13 trước câu thơ cuối: 
Và câu cuối: 
Ngày mai nhé ta chờ mi một chuyến 
Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa 
Câu cuối 14 lặp lại câu thứ hai như điệp khúc quyết định: "Hai bàn tay" chớ không phải một bàn tay. Thiếu nữ vén tóc thường khi chỉ vén có một tay chỉ có tráng sĩ tóc dài theo điệu "thử địa biệt Yên Đan" mới vén tóc bằng cả hai tay nhất quyết: "nhất khứ bất phục hoàn". Mấy chữ "xa xưa" cũng có thể hiểu ngược lại thời gian thông thường là "xa xưa của tương lai", vì chính mấy chữ "ngày mai nhé" đã được mấy chữ "xa xưa" mở rộng chân trời như "cửa biển", hay ẩn giấu chân trời và mở rộng thời gian như "khe rừng" hay "sao ngàn": mỗi "một lần", mỗi một bước chân của Thời gian là cô đọng lại Thời gian tinh túy "vĩnh viễn" (không phải "vĩnh viễn" theo điệu "cái hiện tại đứng ở lại" của thần học thánh Augustin "Nunc Stans" mà theo nghĩa "hiện tại thu phối vĩnh cửu" của thuật ngữ Heidegger: AugenblickAugenblitz": tia chớp xé rách thời gian của Héraclite và khi mở Vĩnh cửu, cái Một mở rộng và thu phối cái Tất cả (Hen Panta) theo nhịp Hoa Nghiêm Kinh "một lần" bao dung tất cả lần"). Quan niệm "Nunc Stans" xuất phát từ tư tưởng Hữu Thể, còn "Vĩnh Viễn" của Tuệ Sỹ nằm gọn trong sự vắng mặt của Không Tính. Tuy vậy, Tuệ Sỹ không bao giờ sử dụng danh từ Phật học trong thơ (khác hẳn với những thi sĩ thích làm thơ "thiền", dù Tuệ Sỹ đã từng làm việc chơi "tay trái" là dịch giỡn bộ Zen của Suzuki. Thực ra ít có người tu chứng cùng hiểu Thiền như Tuệ Sỹ). Mấy chữ "không như" và "không hư" trong câu thơ 8 và 10 chẳng có liên hệ mảy may gì với chữ "không" trong "Không tính" của Bát Nhã và Thiền. Sự vắng mặt nói lên sự có mặt nào đó. 
Bây giờ đọc lại trọn bài thơ A (gồm 14 câu, mỗi câu 8 chữ), chúng ta tự hỏi nhà thơ muốn nói gì? Đọc thơ mà thấy rằng tác giả muốn nói rõ cái gì thì chẳng còn là thơ nữa. Nhưng có lẽ câu thứ 5 ("một lần định như sao ngàn đã định") và hai câu cuối: ("ngày mai nhé ta chờ mi một chuyến/ hai bàn tay vén lại tóc xa xưa") cũng gợi chủ ý cho ta rất nhiều? Như trong bài B: ("Một buổi sáng nghe chim trời đổi giọng/ người thấy ta xô dạt bóng thiên thần") đã gợi chủ ý cho tất cả bài B. Có lẽ đặc tính thứ hai trong thơ của Tuệ Sỹ là trừu tượng hóa bản thân cụ thể, trừu tượng hóa cá tính. Tôi dùng mấy chữ trừu tượng ở đây trong ý nghĩa đẹp nhất và thơ mộng nhất, như nhà thơ vĩ đại Paul Valéry đã "trừu tượng hóa" nhân vật tản văn thường mang tên là "Monsieur Teste". Tuệ Sỹ không hề đọc Valéry mà thường đọc đi đọc lại một nhà thơ trái ngược hẳn với Valéry là Heine. Điệu thơ Đường Tống cũng đã được dấu kín lặng lẽ trong thơ Tuệ Sỹ, mặc dù Tuệ Sỹ đã từng thuộc nằm lòng cả thế giới Tống Đường. Nói rằng thơ của Tuệ Sỹ hay hoặc không hay thì lố bịch. Chỉ có thể nói rằng thơ của Tuệ Sỹ đáng được chúng ta đọc đi đọc lại nhiều lần và suy nghĩ lan man hoặc cảm nhận tùy hứng. Ít nhất có một người làm thơ đáng cho ta đọc giữa "sống chết với điêu tàn vờ vĩnh" để cho chúng ta còn có được "một buổi sáng nghe chim trời đổi giọng". Đặc tính thứ ba và cuối cùng của thơ Tuệ Sỹ chính là tiếng thơ đổi giọng của một loài chim đi từ cõi xa xưa của vô biên tế kiếp trong lòng sâu thẳm của Tính Mệnh Quê Hương. 
NGUYÊN TÁNH 
California, ngày 18 tháng 11, 1988 

KỶ NIỆM 50 NĂM SINH NHẬT TUỆ SỸ 

BUỔI CHIỀU NẮNG HẠ ĐỌC THƠ TUỆ SỸ 
PHẠM CÔNG THIỆN 
L.T.S. Bài này đã được phát thanh trực tiếp từ Hoa Kỳ sang Úc Châu do đài phát thanh Úc Châu SBS, ngày 20 tháng 6 năm 1994. 
Tôi đang ngồi nơi giảng đường của chùa Diệu Pháp ở California tại Huê Kỳ, chung quanh đầy tiếng chim kêu trên những cây chanh, những cây bằng lăng và những cây thông, cây tùng và những bông mộc lan trắng đang nở đầy hàng cây trên đồi dọc theo đường thoải xuống dưới kia thành phố Monterey Park. 
Ngồi trên đồi cao nhìn ra xa có những rặng núi "như quáng nắng, như giấc mộng, như thành phố giữa sa mạc"... 
Tôi muốn giành buổi chiều ngày hạ hôm nay để đọc lại thơ của Tuệ Sỹ, một người bạn trẻ tài ba mà tôi đã quen biết thân thiết từ lúc Tuệ Sỹ mới khoảng 19 tuổi; rồi từ năm 1966, từ Paris tôi trở về Sài Gòn và ở lại cho đến năm 1970, trong bốn năm trời, dường như không có ngày nào chúng tôi không gặp mặt nhau và chia sẻ vui buồn với nhau trên mọi bình diện. Tôi lìa Việt Nam từ năm 1970 cho đến hôm nay, như thế có nghĩa rằng 24 năm nay tôi đã xa lìa Tuệ Sỹ và chưa được dịp gặp lại. Trong thời gian ấy, Tuệ Sỹ bị Cộng sản nhốt tù từ năm 1979 cho đến năm 1981, và sau cùng từ năm 1984 cho đến năm nay, mười năm liên tục, Tuệ Sỹ vẫn bị Cộng sản nhốt tù và bị xử tử hình, rồi giảm xuống chung thân hay hai chục năm cấm cố. Lần cuối cùng tôi gặp Tuệ Sỹ thì Tuệ Sỹ mới 26 tuổi. Chiều nay, tôi giựt mình chợt nhớ rằng năm nay Tuệ Sỹ đã 50 tuổi rồi. Thế thì không còn là chú tiểu Tuệ Sỹ mà là một đại thượng tọa Thích Tuệ Sỹ! Dù trong cảnh tù ngục đói khổ trăm điều, thiền sư thiên tài Tuệ Sỹ vẫn bất khuất và hùng khí vẫn ngùn ngụt cao ngất như đỉnh Trường Sơn mà nhà thơ Tuệ Sỹ vẫn trọn đời ngưỡng vọng yêu thương trên những con đường oanh liệt khai mở cho Sử Tính quê hương được vượt thoát ra ngoài chế độ Cộng sản, cái chế độ hoang phế tàn tạ mà Tuệ Sỹ gọi là "tha ma mộ địa". Chúng ta hãy lắng nghe bài thơ "Ngục Tối" của Tuệ Sỹ: 
Lửa đã tắt từ buổi đầu sáng thế 
Một kiếp người ray rứt bụi tro bay 
Tôi ngồi mãi giữa tha ma mộ địa 
Lạnh trăng tà lụa trắng trải rừng cây 
Khuya rờn rợn gió vèo run bóng quỷ 
Quỳ run run hôn mãi lóng xương gầy 
Khóc năn nỉ sao hình hài chưa rã 
Để hồn tan theo đốm lửa ma trơi. 
Bốn câu thơ cuối đã nói hết tất cả thế giới điêu tàn của Cộng sản Việt Nam hiện nay: 
Khuya rờn rợn gió vèo run bóng quỷ 
Quỳ run run hôn mãi lóng xương gầy 
Khóc năn nỉ sao hình hài chưa rã 
Để hồn tan theo đốm lửa ma trơi 
Hai câu thơ cuối cùng của bài "Ngục Tối" nói lên ý chí hực lửa đốt cháy tất cả gỗ mục của tâm thức hạ liệt: 
Khi tâm tư vẫn chưa là gỗ mục 
Lòng đất đen còn giọt máu xanh ngời 
Bốn câu thơ cuối của bài "Giao Hưởng Bóng Tối" rực sáng lên đôi mắt trí huệ "đáo bỉ ngạn" của Tuệ Sỹ: 
Ôi tiết nhịp thiên tài hay quỷ mị 
Xô hồn ta lảo đảo giữa tường cao 
Trưa dài lắm ta luân hồi vô thủy 
Đổi hình hài con mắt vẫn đầy sao 
Tuệ Sỹ còn có những bài thơ ngắn mà âm vang phơi phới như ngọn gió rừng: 
Lận đận năm chầy nữa 
Sinh nhai ngọn gió rừng 
Hàng cà phơi nắng lụa 
Ngần ngại tiếng tha phương 
(Năm Tàn) 
Bài Trầm Mặc đưa chúng ta đi vào sự trầm mặc ung dung, không hẳn bi quan và không hẳn lạc quan, coi cuộc đời "như quáng nắng, như giấc mộng, như thành phố giữa sa mạc: tất cả sự hiện khởi, tồn tục và biến mất đều như vậy" (như câu kệ của Long Thọ mà Tuệ Sỹ đã trích dịch trong quyển Triết Học Về Tánh Không của mình): 
Anh ôm chồng sách cũ 
Trầm mặc những đêm dài 
Xót xa đời khách lữ 
Mệnh yểu thế mà hay 
(Trầm Mặc) 
Bài Thoáng Chốc ửng hiện lên âm hưởng thơ mộng, huyễn, bào, ảnh của Kim Cương Kinh, phối hợp bình đẳng với lòng Đại Bi sâu thẳm: Người mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn 
Khóe môi cười nắng quái cũng gầy hao 
Như cò trắng giữa đồng xanh bất tận 
Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao. 
(Thoáng Chốc) 
Tình yêu chỉ thực sự tình yêu, tình người chỉ thực sự là tình người, vì trực thức rằng tất cả đều là khoảnh khắc chiêm bao. Mỗi khi mình trực nhận rằng chính mình cũng là "khoảnh khắc chiêm bao" thì sự bừng dậy tỉnh thức toàn diện vụt chợt tới và từ đó mình đứng dậy lao thân vào hành động thuần túy của một bậc Bồ Tát để giải thoát con người ra khỏi tất cả lao lung của đời sống. Tuệ Sỹ đã sẵn sàng đi vào tù để chuyển y tâm thức khả dĩ phá tung tất cả tù ngục nhân sinh. 
Chúng ta hãy đọc bài "Tôi vẫn đợi" của Tuệ Sỹ: 
Tôi vẫn đợi những đêm xanh khắc khoải 
Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng 
Trong bóng tối hận thù tha thiết mãi 
Một vì sao bên khóe miệng rưng rưng 
Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió 
Màu đen huyền ánh mắt tự ngàn xưa 
Nhìn hun hút cho dài thêm lịch sử 
Dài con sông tràn máu lệ quê cha 
Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ 
Quên những người xuôi ngược Thái bình dương 
Người ở lại với bàn tay bạo chúa 
Cọng lau gầy trĩu nặng ánh tà dương. 
Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng 
Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu 
Rồi khép lại hàng mi về Cõi Mộng 
Như sương mai như bóng chớp mây chiều. 
(Tôi vẫn đợi) 
Một bài thơ lục bát của Tuệ Sỹ có những câu khó quên:... 
Sầu trên thế kỷ điêu linh 
Giấc mơ hoang đảo thu hình tịch liêu 
Hận thù sôi giữa nắng chiều 
Sông tràn núi lở nước triều mênh mông 
Khói mù lấp kín trời Đông 
Trời ơi tóc trắng rũ lòng quê cha 
Con đi xào xạc tiếng gà 
Đêm đêm trông bóng Thiên hà buồn tênh. 
Bài thơ của Tuệ Sỹ mà tôi yêu thích nhất là bài "Một bước đường": Một bước đường thôi nhưng núi cao; 
Trời ơi, mây trắng đọng phương nào?
 Đò ngang neo bến đầy sương sớm; 
Cạn hết ân tình nước lạnh sao? 
Một bước đường xa, xa biển khơi 
Mấy trùng sương mỏng nhuộm tơ trời 
Thuyền chưa ra bến bình minh đỏ 
Nhưng mấy nghìn năm tống biệt rồi. 
Cho hết đêm hè trong bóng ma 
Tàn thu khói mộng trắng Ngân hà 
Trời không ngưng gió chờ sương đọng 
Nhưng mấy nghìn sau ố nhạt nhòa. 
Cho hết mùa thu biệt lữ hành 
Rừng Thu mưa máu dạt lều tranh 
Ta so phấn nhụy trên màu úa 
Trê
n phím dương cầm, hay máu xanh 
Tôi không thể làm việc phê bình thơ; tôi chỉ muốn cho Thơ của Tuệ Sỹ tự hiện diện từ chính nơi tự tánh của Thi Ca, không cần sự can thiệp trực tiếp hay gián tiếp của một cái gì khác bên ngoài, như chính Tuệ Sỹ đã tự nói trong hai câu đầu một bài thơ chữ Hán do Tuệ Sỹ làm: 
Tự tâm tự cảnh tự thành chương 
Tự đối bi hoan diệc tự thưởng  
(Tác Thi Sự) 
Và Thi sĩ Vân Nguyên đã dịch: 
Cô độc cảnh tâm thơ tự xuất 
Tự ngắm buồn vui tự thưởng thức 
hay dịch sát nghĩa: 
Từ lòng mình, tự cảnh vật, tự thành chương cú 
Tự đối mặt với những buồn vui rồi tự mình thưởng thức 
Thay vì "chương cú" như Vân Nguyên đã dịch sát nghĩa, tôi muốn dịch thoát trùng khơi là "chương khúc"... Nhưng Vân Nguyên đã tài tình chuyển là "THƠ TỰ XUẤT". 
Mấy chục năm qua, Tuệ Sỹ đã làm rất nhiều thơ, nhưng Ni Cô Tuệ Hạnh chỉ thu nhặt được mấy chục bài và cho in lại với nhan đề thi tập là Ngục Trung Mỵ Ngữ, do Quảng Hương Tùng Thư xuất bản. Đặc biệt trong thi tập này có 18 bài thơ mà Tuệ Sỹ làm thẳng bằng chữ Hán, có một bài làm xúc động tâm hồn tôi đến cực điểm, bài Cúng Dường: Phụng thử ngục tù phạn 
Cúng dường Tối Thắng Tôn 
Thế gian trường huyết hận 
Bỉnh bát lệ vô ngôn 
Thượng Tọa Viên Lý dịch lại như sau: 
Hai tay nâng chén cơm tù 
Dâng lên từ phụ bậc Thầy nhân thiên 
Thế gian huyết hận triền miên 
Bưng bình cơm độn lặng yên lệ trào. 
Nhà thơ Vân Nguyên cũng có dịch như sau: 
Dâng chén cơm tù lên 
Cúng dường Tối Thắng Tôn 
Thế gian tràn oán hận 
Ôm chén lòng khóc thầm. 
Tất cả hành động chính trị thường tình đều phiến diện; ý thức chính trị toàn diện chỉ được thể hiện nơi một con người vừa là thi sĩ vừa là thiền sư đạo sĩ vừa là nhà hành động nhập thế với tinh thần "vô công dụng hạnh" của bậc Bồ Tát, hành động tích cực mãnh liệt toàn triệt mà vẫn giữ cảm thức viễn ly và viễn mộng. Vì không tham vọng ích kỷ mù quáng cho nên mới nuôi dưỡng cảm thức viễn ly, vì không bị kẹt dính vào tham, sân và si của thế tục cho nên mới hàm dưỡng viễn mộng. Làm chính trị mà biết mơ mộng và sống thơ mộng, biết viễn ly và viễn mộng, khó thấy lắm trong lòng thực tại bi đát của quê hương hiện nay. Tuệ Sỹ là một trong số ít đạo sĩ thi nhân với pháp khí phi thường là Trí Huệ Bát Nhã cùng với lòng Đại Bi Thơ Mộng, Tuệ Sỹ là một trong số ít thể hiện được ý nghĩa trọn vẹn của Ý thức chính trị toàn diện, ý thức hành động Bi Trí Dũng dẫn đường soi sáng Thế Mệnh của Sử tính quê hương. 
Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật 50 năm của Tuệ Sỹ, qua đài phát thanh Nhà Nước Úc Châu SBS, và nhờ lời mời của nhà thơ Ngọc Hân, vị phụ trách chương trình Việt ngữ của đài SBS, tôi xin thân yêu gửi một quà tặng bí mật đến thiền sư thi sĩ Tuệ Sỹ: tất cả năng lực tâm linh và tinh thần của vũ trụ được súc tích cô đọng trong câu đại thần chú đạo sư Tây Tạng Liên Sinh Bồ Tát: 
OM AH HUM VAJRA GURU PADMA SIDDHI HUM! 
PHẠM CÔNG THIỆN 
California, ngày 20 tháng 6, 1994 
ĐỌC THƠ TÙ CỦA THẦY TUỆ SỸ 
NGUYỄN MINH CẦN
 
Giáo Sư Nguyễn Minh Cần - ảnh do Hòa thượng 
Thích Như Điển gởi cho chúng tôi vào cuối tháng 4/2020. 
Vừa qua, được đọc mấy bài thơ chữ Hán của thầy Tuệ Sỹ đăng trên tờ Khánh Anh ở Paris (10.1996) với lời giới thiệu của Huỳnh Kim Quang, lòng tôi rất xúc động. Nghĩ đến thầy, nghĩ đến một tài năng của đất nước, một niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam, một nhà Phật học uyên bác đang bị đầy đọa một cách phi pháp trong cảnh lao tù kể từ ngày 25.3.1984, lòng tôi trào dậy nỗi bất bình đối với những kẻ đang tay vứt "viên ngọc quý" của nước nhà (xin phép mượn từ này trong lời nhận xét của học giả Ðào Duy Anh, sau khi ông đã tiếp xúc với thầy tại Nha Trang hồi năm 1976: "Thầy là viên ngọc quý của Phật giáo và của Việt Nam ") để chà đạp xuống bùn đen... Ðọc đi đọc lại, tôi càng cảm thấy rõ thi tài của một nhà thơ hiếm thấy thời nay và đặc biệt là cảm nhận sâu sắc tâm đại từ, đại bi cao thượng, rộng lớn của một tăng sĩ với phong độ an nhiên tự tại, ung dung bất chấp cảnh lao tù khắc nghiệt... Ðạo vị và thiền vị cô đọng trong thơ của thầy kết tinh lại thành những hòn ngọc báu của thơ ca. 
Thật ra tôi chưa hề được thấy Thầy Tuệ Sỹ, chỉ vài lần xem hình Thầy trên báo, nhưng đọc thơ Thầy, tự nhiên tôi bất giác ngồi yên, trầm lặng buông thả cho tâm trí dẫn dắt mình vào một thiền quán không định trước và dường như tôi thấy được khá rõ chân dung của Thầy: gầy yếu, mái tóc điểm bạc, cặp mắt tinh anh... Tôi thấy Thầy trong thời thọ trai, đang dâng bát cơm tù đạm bạc lên cúng dường Phật bằng đôi tay run rẩy vì xúc động... Nghĩ đến cuộc sống trên thế gian này, vì sự vô minh của con người mà máu hận tuôn chảy triền miên, Thầy thấy thương xót cho chúng sinh, thương xót cho dân tộc, thương xót cho đạo pháp đang chịu cảnh điêu linh, thống khổ vô ngần dưới bất công và cường quyền, nên bưng bát cơm trong tay mà những giọt lệ thầm rơi lã chã: 
Cúng Dường 
Phụng thử ngục tù phạn 
Cúng dường Tối Thắng Tôn 
Thế gian trường huyết hận 
Bỉnh bát lệ vô ngôn 
Tạm dịch: 
Hai tay dâng bát cơm tù 
Cúng dường Tối Thắng Ðại Từ Thế Tôn
Cõi trần máu hận trào tuôn 
Tay bưng bình bát lặng thầm lệ rơi 
Tâm đại từ, đại bi của Thầy như vậy, nên khi thấy chúng sinh đau khổ, Thầy chịu nhận sự khổ đau thay cho chúng sinh mà không một lời oán hận. Thấy thảm trạng đất nước và dân tộc, đạo pháp và Giáo hội điêu đứng, Thầy xót thương vô hạn. Hà chính khắc nghiệt đang chà đạp lên quyền con người, quyền công dân, đang ném những bậc sĩ phu, trí thức, những con người của Tổ quốc chân thành yêu nước yêu dân vào tù ngục. Và Thầy cũng nằm trong số đó. Tôi quán tưởng thấy Thầy có lúc băn khoăn tự hỏi mình: Tại sao ta phải ngồi tù nhỉ? Nhưng rồi Thầy gạt tay tự bảo: tù ngục đối với cái tâm tự tại của ta thì có ra cái gì đâu, cái tâm ta thong dong như làn khói mỏng thì giam làm sao được nó trong tù ngục chứ! Cuộc đời với tâm cảnh quấn lấy nhau thật là một cơn ác mộng đầy khủng khiếp, nhưng mà ta phải nhớ lời người xưa đã dạy là trong bất cứ trường hợp nào cũng cứ giữ vững dũng khí để hiên ngang ngẩng cao đầu nhìn trời, chứ không chịu khuất phục cường quyền. Ôi, cái tâm Thầy từ bi mà vô úy, đại hùng biết bao! Cái tâm đó đã đem lại cho Thầy sức mạnh tinh thần và thể chất để thắng các thế lực tà ma ác quỷ! 
Tự Vấn 
Vấn dư hà cố tọa lao lung? 
Dư chỉ khinh yên bán ngục trung 
Tâm cảnh tương trì kinh lữ mộng 
Cố giao gia tỏa diện hư ngung 
Tạm dịch: 
Tự hỏi 
Hỏi mình: sao phải ngồi tù? 
Bảo rằng: làn khói giam hờ trong lao 
Cảnh tâm trong mộng khiếp sao 
Lời xưa đã dạy: ngẩng cao nhìn trời 
Và chính cái tinh thần đại từ đại bi, đại hùng đại lực đó đã làm cho Thầy sống trong phòng biệt giam, chật hẹp của nhà tù cộng sản mà vẫn thấy thanh thản. Thầy vẫn cười vẫn nói, dù chỉ cho mình nghe mà thôi, vẫn đi tới đi lui nhàn nhã, để cho ngày tháng lao tù dài dằng dặc trôi qua mà không phải bận tâm. 
Trách Lung 
Trách lung do tự tại 
Tán bộ nhược nhàn du 
Tiếu thoại độc ảnh hưởng 
Không tiêu vĩnh nhật tù 
Tạm dịch: 
Lồng Chật 
Trong lồng chật hẹp mà thanh thản 
Đi tới đi lui thật nhàn tản 
Cười cười nói nói chỉ mình nghe 
Cũng trôi qua ngày tù bất tận 
Ra rửa mặt buổi sáng sớm, Thầy cảm thấy ung dung trong giây lát. Và Thầy tự nhủ: ta vốn sẵn có phong thái thần tiên rồi thì có cần gì phải là ở chốn sơn thủy mới bộc lộ phong thái đó, ngay trong lao tù khắc nghiệt này ta vẫn giữ nó cơ mà. 
Tảo Thượng Tẩy Tịnh 
Tảo khởi xuất tẩy tịnh 
Thung dung lập phiến thì 
Tự hữu thần tiên thái 
Hà tu sơn thủy vi! 
Tạm dịch: 
Sáng Sớm Ra Rửa Mặt 
Sáng sớm ra rửa mặt 
Ung dung trong giây lát 
Sẵn phong thái thần tiên 
Lọ cần miền non nước! 
Tâm trí dẫn dắt tôi vào tận phòng biệt giam của Thầy. Tôi thấy Thầy đang ngồi thiền trong phòng biệt giam. Thầy nhập định đến được tầng trời Không Vô Biên Xứ để nhập thể vào cõi vô biên vô hạn. Trong cảnh giới hư vô đó đúng là cõi thiền và Thầy không còn ý tưởng về người về vật nữa. Thầy đã "viễn ly điên đảo mộng tưởng" rồi. Thầy đang thoải mái ngồi chiêm ngưỡng các cô thiên nữ rải vô vàn bông hoa tươi đẹp từ trên trời cao xuống để cúng dường. 
Biệt Cấm Phòng 
Ngã cư không xứ bất trùng thiên 
Ngã giới hư vô chân cá thiền 
Vô vật, vô nhân vô thậm sự 
Tọa quan thiên nữ tán hoa miên 
Tạm dịch: 
Phòng Biệt Giam 
Ta ở trời Không Vô Biên Xứ 
Cảnh giới hư vô thật rất thiền 
Không vật, không người, không lắm chuyện 
Ngồi xem hoa rải bởi chư tiên 
Tuy thế, có những đêm dài, Thầy ngồi một mình trong phòng giam bên ngọn đèn lạnh lẽo, lòng thầy vẫn da diết nhớ mãi ngôi chùa nhà, mà nghĩ đến ngày trở về thì... than ôi, vô hạn (chắc các bạn còn nhớ, Thầy bị kết án tử hình, sau chuyển thành án chung thân), lòng thầy cũng không tránh khỏi những xao xuyến, bồi hồi: 
Dạ Tọa 
Trục nhật lao tù sự cánh mang 
Trung tiêu độc tọa đối hàn đăng 
Không môn thiên viễn do hoài mộng 
Quy lộ vô kỳ nhiệm chuyển bồng 
Tạm dịch: 
Ngồi Qua Đêm 
Ngày tù dằng dặc, việc triền miên 
Ðêm tới ngồi yên, lạnh ánh đèn 
Hình bóng chùa xưa còn nhớ mãi 
Ðường về vô hạn, rối lòng thêm 
Dù chưa một lần gặp, nhưng trong tâm trí tôi hiển hiện dáng dấp của một vị Thầy lớn, của một bậc Đại Sư, đứng cao vượt lên trên tất cả những nhỏ nhen hèn hạ, ác độc của những kẻ tiểu nhân đang đầy đọa Thầy. Và chính bài "Tự Thuật" của Thầy càng làm cho chúng ta hiểu rõ Thầy hơn nữa. Ba mươi năm trước học giáo lý của Phật, giáo lý của sự Khổ và tính Không, kinh sách đã học chất cao tường che cả cửa sổ phía tây. Xuân tươi thắm đến mà Thầy không đoái hoài chi nên Xuân cũng già cỗi, còn rặng trúc xanh biếc mới thoáng lượn qua đã làm say hồn mộng. Thời gian thấm thoát trôi qua, hàng mi dài đã rũ xuống chiếc bàn cũ kỹ và tóc trên đầu đã bạc trắng cùng với tuổi già sức yếu. Rồi một sớm sảy chân rơi xuống vách núi cheo leo, Thầy mới thấy cái Chân Không để mà đối trị lại cái đêm đỏ. Đây mới chính là chặng đường gian lao, ác liệt nhất trong đời Thầy, khi sảy chân rơi xuống vực thẳm địa ngục của các thế lực tà ma ác quỷ, Thầy chỉ còn biết đem cái trí tuệ Bát Nhã sáng láng mà đối chọi với cái đêm tối đầy máu lửa mà thôi. 
Tự Thuật 
Tam thập niên tiền học Khổ Không 
Kinh hàm đôi lũy ám tây song 
Xuân hoa bất cố xuân quang lão 
Thúy trúc tà phi túy mộng hồn 
Nhẫm nhiễm trường mi thùy hoại án 
Ta đà tố phát bán tàn phong 
Nhất triêu cước lạc huyền nhai hạ 
Thủy bá Chân Không đối tịch hồng 
Tạm dịch: 
Tự Thuật 
Ba thập niên rồi học Khổ Không 
Kinh sách chất đầy cả cửa song 
Xuân thắm không nhìn, xuân hóa lão 
Trúc xanh thoáng lượn đã say hồn 
Thời gian thắm thoát mi dài rũ 
Tháng lại ngày qua tóc điểm sương 
Một sớm sảy chân rơi vực thẳm 
Chân Không bèn lấy chọi đêm hồng.
Càng nghĩ đến Thầy, tôi càng thấy xót xa, càng kính phục đức độ cao quý của Thầy. Nhưng thiết tưởng: chẳng riêng gì thầy Tuệ Sỹ, mà nhiều vị tăng sĩ khác của nước nhà, khi đứng trước cường quyền, cũng như khi bị đày đọa trong tù ngục, đều đã nêu cao cái tâm đại từ, đại bi, đại hùng, đại lực sáng chói. Cái tâm đó hoàn toàn đè bẹp sự vô minh, độc ác và đê tiện của cường quyền, nêu cao chính nghĩa rực rỡ và chân lý sáng ngời của đạo pháp. Và đó chính là niềm tự hào lớn lao cho các bậc tu hành trong Giáo Hội Phật giáo truyền thống của dân tộc Việt Nam. 
Chắc chắn là khi các bạn tìm đọc lại những bài thơ tù của Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Quyền Viện trưởng Viện Hóa Đạo và của Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ, Tổng Thư ký Viện Hóa Đạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đang bị giam cầm hoàn toàn phi pháp, thì cũng cảm nhận cái đức độ cao quý như vậy của quý Thầy và cũng lấy làm hãnh diện là dân tộc ta có được những bậc thầy xứng đáng như thế. 
Nguyễn Minh Cần 
“Tuệ Sỹ Đạo Sư - Thơ Và Phương Trời Mộng” Tập 3 
Ban Tu Thư Phật Học Hải Đức, 
Nha Trang 2013, CA, Hoa Kỳ.

Mùa Phật Đản Phật lịch 2564 
Dương lịch 2020
Nguyễn Hiền Đức
Theo https://www.vienminh.ch/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tình yêu của biển Thì ra biển cũng bạc lòng say đắm/ nhuộm đen khuôn hình, trắng tấm sắt son/ một vũng gió buộc vào sâu mắt bão/ buồm că...