Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2021

Mùa hoa gạo ở lại

Mùa hoa gạo ở lại

Tháng ba, đất trời trong như ngọc. Những giọt nắng ngả sang vàng ươm, sóng sánh rót xuống vạn vật. Con đất cuối làng, thân gạo sừng sững giữa nền trời xanh, những chiếc lá cuối cùng xào xạc trong gió rồi cuộn mình, đáp xuống mặt đất. Những bông gạo thắp lên ngọn lửa đỏ, điểm xuyết một góc trời.
Tôi bước chân trên con đường quen thuộc về làng, cây gạo già vẫn sừng sững cuối đường, nép mình nơi cổng làng. Thời gian trôi, cây gạo ghi lại bao dấu ấn thăng trầm của ngôi làng nhỏ, nhân chứng cho bao nhiêu cuộc chia ly, hội ngộ. Và, gắn liền với ký ức tuổi thơ của biết bao người con quê hương. Cây gạo từ lâu trở thành linh hồn của làng quê, nó gắn với ký ức của những người con xa quê và là biểu tượng mỗi khi nhớ về nguồn cội.
Tuổi thơ tôi lưu dấu nơi đây, những buổi chiều thong thả chăn trâu, gom nhặt từng cánh hoa gạo, xâu thành những vòng tròn đội lên đầu, đeo vào tay, vào cổ. Là nơi - khi hoàng hôn buông xuống mảng ráng chiều đỏ nghế - những người đi qua cuộc chiến tựa lưng vào cây nhìn về phía chân trời xa xăm, tìm lại khoảng trời đã mất. Cũng là nơi, những đêm trăng tròn, nghe người già trong làng kể về truyền thuyết cây hoa gạo, và câu chuyện của người con gái chờ đợi người yêu ra đi trong trận mạc, mãi không về.
 Nghe kể, người con gái ấy và người yêu cùng lớn lên chung một trang sách tuổi thơ với những phút vui cười, nhặt nhạnh hoa gạo, e ấp trao nhau nụ hôn đầu phía sau cổng làng. Nơi gốc gạo già, anh đội lên đầu cô một vòng hoa từ những cánh gạo đỏ rực, thì thầm vào tai “Mai này, em làm cô dâu của anh nhé!?”. Nguyện ước về một ngôi nhà đầm ấm, rộn ràng tiếng cười trẻ thơ cũng từ đó được đan dệt mỗi ngày.
Mùa hoa gạo năm ấy, nơi cổng làng, cô tiễn anh lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Nhặt bông hoa gạo, cô trao cho anh như nhắc nhớ về lời nguyện ước hôm nào. Nước mắt cô chảy vào trong để bước chân người đi được dứt khoát, đỡ phải chạnh lòng. Thế rồi từ buổi chia ly ấy, không nhớ rõ bao cánh thư gởi ra tiền tuyến, không đếm được bao lần cô ép cánh hoa đỏ vào má mà nức nở, không biết bao nhiêu mùa hoa đã nhuộm đỏ trời chiều,… Anh - vẫn không có dòng thư nào hồi âm. Đến khi có tin báo tử từ đồng đội anh nhắn về, cô vẫn không tin đó là sự thật. Cô thẩn thờ đợi, thẩn thờ trông,…
Sông mặc nhiên chảy, đời mặc nhiên trôi. Vạn vật xoay vần theo con tạo. Chỉ có gốc gạo già vẫn sừng sững giữa nền trời xanh, lẻ loi, hiu quạnh. Và, người con gái ấy, vẫn trung trinh tấm lòng đợi chờ. Cứ mỗi mùa tháng ba hoa gạo nở, cô lại ngồi thẩn thờ, ngả chiếc nón, hứng những cánh gạo lả tả rơi trong gió. Những bông gạo lấp đầy từng vành nón sờn màu năm tháng như khoảng trời trước mặt choáng ngợp những hồi ức, nỗi niềm và tình yêu cô dành cho anh.
Thế rồi, bao mùa hoa trôi qua… Cái dáng vóc “thắt đáy lưng ong” dần nhạt phai. Cây gạo già lại im lìm nghe lời thủ thỉ của cụ bà lưng còng năm tháng, tóc trắng cả mái đầu. Vẫn mùa hoa gạo nở, cụ chống gậy, đầu đội nón cời, tay nhặt nhạnh ít bông hoa gạo, nheo mắt nhìn về xa xăm. Đôi tay gầy gò, hằn bao nếp nhăn, run run ôm chặt cánh hoa đỏ. Rồi, cũng mùa hoa gạo ấy, bà con tiễn bà về với đất, tìm bóng dáng người xưa phía bên kia cuộc đời. Dân làng chọn con đất men theo gốc gạo già cho bà nằm, để mỗi mùa hoa, bà lại được ngắm cánh gạo giữa bầu trời thênh thang. Để hậu thế nhắc nhớ về một câu chuyện tình đẹp với tấm lòng sắt son, chung thủy. Và khơi nguồn cho bao lời yêu thương của trai gái trong làng - trao nhau - bên gốc gạo già…
Mặc thời gian trôi, mặc cuộc đời dâu bể, hoa gạo vẫn đều đặn đơm hoa mùa tháng ba. Trong dư vị của nắng xuân, lửa gạo bập bùng niềm ấm sáng, bừng lên khuôn mặt làng quê sau bao mùa lạnh giá. Ngoài kia, khoảng trời tháng ba đã lấp ló những bông gạo đầu mùa. Tôi lại rưng rưng đi trên con đường làng phủ đầy hoa gạo. Miên man, thổn thức về một nỗi niềm khôn nguôi,…
24/3/2020 
Tâm Lê
Nguồn: Đài TT-TH Nông Sơn
Theo http://nongson.quangnam.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...